“Những người khốn khổ” (Les Misérables) là tiểu thuyết của văn hào
Pháp, Victor Hugo (1802-1885), xuất bản năm 1862. Tác phẩm được đánh giá là một
trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nền văn học thế giới thế kỷ 19, viết
về xã hội Pháp vào thời Napoléon Đệ Nhất.
Năm 1926, nhà văn miền Nam, Hồ Biểu Chánh (1885-1958), phóng tác “Les Miserables” để thành “Ngọn cỏ gió đùa” với bối cảnh ở huyện Tân Hòa, ngày nay thuộc tỉnh Gò Công, khi đó đang trong cảnh mất mùa, đói kém.
Cũng trong năm 1926, một bản dịch của “Les Misérables” do Nguyễn Văn Vĩnh xuất bản với tên "Những kẻ khốn nạn", của nhà Trung Bắc Tân Văn ở Hà Nội in song ngữ, dài 10 tập, khoảng 3000 trang. Như vậy là có đến 2 tác phẩm bằng tiếng Việt được dựa vào “Les Misérables”!
Hồ Biểu Chánh đã
đưa nhân vật chính Jean Valjean-Madeleine trong “Les Misérables” về Việt Nam với
cái tên Lê Văn Đó. Jean Valjean được Victor Hugo mô tả là cựu tù khổ sai, người
đang cố gắng sống mộ cách tốt đẹp nhưng lại không thể thoát khỏi quá khứ đen tối
của mình.
Trong khi đó, nhân vật Lê Văn Ðó của Hồ Biểu Chánh, tuổi vừa mới hai mươi, được Hồ Biểu Chánh mô tả là “vóc vạt cao lớn , sức lực mạnh mẽ hơn người, tánh nó chơn chất thiệt thà, trí nó chậm lục u ám song nó hết lòng lo làm mà nuôi mẹ già, nuôi chị dâu, nuôi cháu dại”.
Tội lỗi ban đầu của
cả hai nhân vật thật nhỏ nhoi: Lần đầu Jean Valjean phạm tội vì “ăn cắp một mẩu bánh mì cho con của người chị
gái” còn Lê Văn Ðó cũng chỉ “ăn cắp một
chảo cháo heo” của nhà bá hộ Cao với ý định đem về cho lũ cháu đang đói ăn.
Ta hãy đọc Hồ Biểu Chánh:
“Nghèo khổ không cơm mà nuôi gia quyến, họ giàu có dư dả ăn không hết, đến mượn một vài giạ lúa về mà cứu cấp mẹ già cháu nhỏ đói nằm thở hoi hóp, họ không cho mượn lại còn xô đuổi. Cùng thế bưng cháo của heo ăn đem về cho mẹ với cháu ăn đỡ, họ không nghĩ lại bắt mà đánh. Con nhà nghèo ai gặp cảnh như vầy chắc cũng phải oán hận nhà giàu. Thảm thương Lê-văn-Ðó vì tánh dốt nát thiệt thà, nên thân khổ nhục đến nước nầy, mà cũng chưa biết buồn, chưa biết oán”.
Chi tiết Jean
Valjean ăn cắp ổ bánh mì bên Tây sao lại trùng hợp với chuyện thời sự gần đây ở
bên Ta: cũng chỉ vì một ổ bánh mà tội nhân phải ra tòa. Quan tòa nhân danh công
lý để trừng phạt kẻ trộm mà không màng đến hoàn cảnh của người phạm tội!
Ngày nay, biết bao kẻ “quyền cao, chức trọng” nhưng lòng tham không đáy, chúng “ăn cắp” bạc tỷ của người dân nhưng vẫn nhởn nhơ, “ăn trên ngồi chóc”. Công lý ở đâu mà không đụng đến chúng? Trong khi người dân nghèo vì đói nên phải “ăn cắp một ổ bánh mì” công lý cũng không tha?
Trong “Les Misérables”, Giám mục Myriel được Victor Hugo nhấn mạnh đến cả trăm trang. Ông có thể được coi như một vị thánh, gần như hoàn hảo. Ông đã cho Jean Valjean một chỗ nương náu nhưng Jean Valjean lại ăn cắp bộ chân đèn cầy bằng bạc của nhà thờ.
Nhưng cũng chính Gám mục cứu thoát anh khi khai với cảnh sát rằng đó là đồ ông tặng cho Valjean. Vị Giám mục già nói với Jean Valjean rằng anh nhất định phải trở thành một người lương thiện và làm nhiều việc tốt cho mọi người: “Hãy nhớ người anh em, hãy làm chuyện hợp lý, hãy dùng những thứ quý giá này, để trở thành người tốt. Chúa đã kéo anh ra khỏi nơi u tối, tôi đã cứu linh hồn anh”.
Trong khi đó, Hồ Biểu Chánh tóm tắt đức hạnh của Hòa thượng Chánh Tâm trong “Ngọn cỏ gió đùa” qua một cuộc hội ngộ giữa Thiện và Ác. Với giọng điệu của một tay giang hồ, Lê Văn Đó nói với Hòa thượng:
“Tao đây là Lê-văn-Ðó, ở Giồng-Tre, người ta nói tao ăn trộm nên đày tao 20 năm. Nay tao mãn tù đi về xứ. Ba ngày rày tao không có ăn cơm, tới đâu xin ăn họ cũng đuổi không cho ăn nên tao đói bụng lung lắm. Mầy chịu cho tao một vài chén cơm ăn đỡ đói hay không thì mầy nói phứt đi, tao không thèm năn nỉ nữa đâu.
“Lời nói nghe nghinh-ngang, mà bộ tịch coi rất hung ác, mà Hòa thượng không nổi giận, không tức cười, cứ đứng ngó Lê-văn-Ðó như thường và nói hòa huởn rằng: “Phật không phân biệt kẻ sang người hèn, kẻ lành người dữ. Phật thì tế độ chúng sanh. Bần-đạo đã có dạy dọn cơm rồi. Vậy chú em nằm mà chờ một chút, rồi tăng chúng sẽ dọn cho mà ăn”.
(hết trích)
Đêm hôm đó, khi mọi
người trong chùa đã ngủ say, tên tù được phóng thích Lê Văn Đó đã lấy cắp bộ
chén trà bằng ngọc của chùa! Đến sáng hai chú tiểu mới phát hiện và trình lên
Hòa thượng Chánh Tâm, ông chỉ nói một câu:
“Ðạo chúng, chẳng nên tìm kiếm làm chi. Bộ chén với cái bình đó là dấu tích của bần-đạo làm quan ngày trước, có lẽ Phật không muốn cho bần-đạo thấy dấu tích trần tục nữa, nên mới khiến cho người ta đến đây mà lấy, chớ không phải người ta có bụng gian tham đâu. Vậy đạo chúng chẳng nên giận mà tổn công đức.”
Cả hai nhân vật tiểu
thuyết của Đông Phương và Tây Phương đều phải đương đầu với những thử thách, lựa
chọn khó khăn nhất vì đó là một cuộc chiến đấu với chính bản thân mình. Nhiều
câu hỏi được đặt ra, chẳng hạn như có nên ra thú nhận quá khứ của mình là tên
tù hình sự hay không?
Có nên giữ những người phụ nữ mình gặp để sống với mình trong hạnh phúc như bao người bình thường khác hay không? Có nên hy sinh tình yêu của mình cho người khác hay không?
Trên bước đường lưu lạc trong thân phận trước đây chỉ là một kẻ tù đầy, Jean Valjean cũng như Lê Văn Đó còn phải đương đầu với những diễn biến chính trị của thời đại mà mình sống.
Ở bên Tây, Valjean lạc vào một khu công sự chiến đấu nhưng lại không phải để tham gia cách mạng như những đồng chí khác. Ở Việt Nam, Lê Văn Đó không tham gia cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi vì anh vốn là nông dân, không liên hệ đến lý tưởng “trung quân ái quốc” như một người có học, như một người trí thức.
Khi Lê Văn Khôi khởi nghĩa, anh bị buộc phải cung cấp thóc gạo cho triều đình dẹp loạn, còn lúc tàn dư của Lê Văn Khôi nổi lên, anh chỉ vì tình cờ mà cộng tác với quân nổi dậy.
Trong “Les Misérables”, cuộc tranh luận về ý thức hệ chánh trị và sự xung khắc về chính kiến đã xảy ra. Victor Hugo đã để cho con Jean Valjean tiếp nối ý hướng cha, tham gia cách mạng, trở thành một người lãnh đạo tích cực trong phong trào nổi dậy ở Paris.
Hồ Biểu Chánh tuy nói rất ít về Thế Phụng, con trai Lê Văn Đó, dù Thế Phụng cũng nối chí cha tham gia các hoạt động nổi loạn của đám tàn quân Lê Văn Khôi. Điều người đọc chú ý hơn cả là con người Thế Phụng với sự hiếu thảo: Khi biết cha còn sống, thì đặt việc đi tìm cha trên hết, bỏ học, bỏ thi cử. Sau khi cha mất, về nơi ngôi nhà mà cha đã ẩn dật đi câu tôm cá.
Tiểu thuyết của Hồ
Biểu Chánh nhìn chung và “Ngọn cỏ gió
đùa” nói riêng đã thể hiện tinh thần và phong cách viết tiểu thuyết theo
quan niệm Tây phương, và đó là một điều mới lạ với truyền thống văn học Việt
Nam.
Hồ Biểu Chánh là nhà văn chỉ mô tả, kể truyện chứ không bộc lộ “cái tôi” của mình một cách lộ liễu. Khác hẳn với lối văn nghị luận, diễn thuyết như Victor Hugo. Hồ Biểu Chánh cũng nói về đạo đức nhưng không khiến người đọc có cảm tưởng là tác giả thuyết giảng mà chỉ diễn tả bằng những lời đối đáp giữa các nhân vật.
Victor Hugo đã từng nói về tác phẩm “Les Misarables” của mình: "Tôi có niềm tin rằng đây sẽ là một trong những tác phẩm đỉnh cao, nếu không nói là tác phẩm lớn nhất, trong sự nghiệp cầm bút của mình".
Trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời, Jean Valjean cho Cosette và Marius biết về quá khứ của mình và anh đã tìm thấy niềm hạnh phúc khi đứa con gái nuôi yêu quý và con rể ở bên cạnh mình. Jean Valjean nhìn Cosette với ánh mắt trìu mến, anh nói:
“Giờ con đã đến đây, ngay bên cạnh bố, giờ bố có thể thanh thản ra đi, cuộc đời bố đã được tha thứ, con hãy để bố chết, đây là lá thư thú tội cuối cùng, con hãy đọc kỹ, khi bố đã yên nghỉ: Đó là câu chuyện của một người bị xã hội ruồng bỏ, một người chỉ muốn học cách yêu thương và đã nuôi con nên người”.
Nhiều nhà phê bình văn học coi cuốn “Les Misérables” là một tiểu thuyết xã hội, một thiên anh hùng ca. Người ta cũng có thể nói “Ngọn cỏ gió đùa” là một tiểu thuyết xã hội hiểu theo nghĩa mô tả những cảnh cùng cực của những con người nghèo khổ hay bị áp bức về mặt xã hội cũng như giới tính.
Nếu hiểu như vậy, cả hai tác phẩm - nguyên tác “Les Misarables” của Victor Hugo và phóng tác “Ngọn cỏ gió đùa” của Hồ Biểu Chánh - đều là những tác phẩm lớn, có giá trị riêng biệt của nó.
Cả hai nhà văn lớn của Phương Đông và Phương Tây đã gặp nhau, dù cách diễn tả có phần nào khác biệt về hoàn cảnh xã hội và chính trị của từng thời kỳ.