Có những câu nói sẽ
thay đổi theo từng ngữ cảnh, theo từng thời gian và thậm chí còn đi ngược lại ý
nghĩa ban đầu, chẳng hạn như chữ “ngụy”. Khi “bên thắng cuộc” vào Miền Nam năm 1975, người Sài Gòn thường nhíu
mày, khó chịu khi nghe đến chữ “ngụy”.
Ấy thế mà 45 năm
sau, đôi khi lập lại cũng từ ngữ đó người ta lại cảm thấy “ngụy” không còn là
cách nói miệt thị, không phải cứ “ngụy” là xấu mà trái lại nó tượng trưng cho
điều gì đó tốt đẹp. Bằng chứng cụ thể, ngày nay có nhiều người ca ngợi… Bác sĩ Ngụy!
Chỉ mới đây thôi, một
cuộc giải phẫu tách rời hai trẻ sơ sinh dính liền nhau từ trong bụng mẹ đã được
dư luận, kể cả lề trái lẫn lề phải, bàn tán xôn xao. Có đến gần 100 y bác sĩ
tham gia cuộc mổ mà trong đó người đứng đầu ê-kíp lại là một bác sĩ tuổi đã
ngoài 70, được đào tạo từ thời còn “mồ ma” VNCH!
Cặp
song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi cùng bố mẹ trước khi mổ tách rời
Cũng vị bác sĩ quân
y này năm 1988 đã là "nhạc trưởng" vì ông giữ vai trò phẫu thuật viên
chính ca mổ tách cặp song sinh dính liền Nguyễn Việt - Nguyễn Đức với sự hỗ trợ
thiết bị của Nhật Bản. Sự thành công của ông vang danh thế giới và được ghi tên
vào Sách kỷ lục Guinness Thế giới năm 1991.
Cặp
song sinh Việt - Đức trên báo Nhật Bản
Hơn 30 năm sau ông
lại là một trong 9 bác sĩ ngoại viện chủ chốt, tham vấn cho kíp mổ tách rời hai
cháu Trúc Nhi – Diệu Nhi, lúc này ông đã ở vào tuổi 79. Đó là Bác sĩ Trần Đông
A, ông tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn theo diện tình nguyện nhập ngũ để sẽ
phục vụ ngành quân y trong Quân đội Việt Nam Cộng hòa
Sau khi ra trường,
ông phục vụ trong Binh chủng Nhảy dù, từng tham gia Trận Làng Vây và Chiến dịch
Đường 9 - Khe Sanh với tư cách là một Bác sĩ Quân y. Ông được khen thưởng nhiều
huy chương trong đó có anh dũng bội tinh, kể cả một huân chương của Sư đoàn
Không kỵ Hoa Kỳ.
BS Đông A đã từng được gửi đi tu nghiệp phẫu thuật tại
Texas, Hoa Kỳ. Năm 1975, ông là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Quân y, Sư đoàn Nhảy dù
Quân lực VNCH, với cấp bậc Thiếu tá. Sau 2 năm học tập cải tạo tại Suối Máu, ông
được phân công về công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Bác sĩ
Trần Đông A sau ca mổ song sinh ngày 15/7/2020
VNCH đào tạo sĩ
quan quân y ra sao?
Trong bài viết “Khóa
21 Sinh viên Sĩ quan Quân y Hiện dịch” của Bạch Thế Thức & Phạm Anh
Dũng chúng ta được biết nhiều thông tin về việc huấn luyện “bác sĩ khoác áo lính” trong quân lực VNCH:
“Đa số họ gia nhập Quân y khi còn là sinh viên
y khoa năm thứ 1 hay thứ 2. Học qua hết học trình Y Khoa, các năm thứ 3, năm thứ
4, năm thứ 5 và năm thứ 6. Sau khi ra trường, chúng tôi có một thời gian ngắn học
Hành Chánh ở trường Quân Y và thêm về Cấp cứu Hồi sinh ở Tổng Y Viện Cộng Hòa rồi
cuối cùng ra đơn vị… Thời gian khi là sinh viên quân y của chúng tôi ít nhất là
5 năm hay 6 năm hoặc có vài trường hợp 7, 8 năm nếu là những người học lớp trước
bị ở lại…”
Trường Quân Y là một
trong ba trường “sĩ quan hiện dịch” của
Quân Lực VNCH, các trường kia là Võ bị Quốc gia Đà Lạt và trường Chiến tranh
Chính trị. Những trường Sĩ quan Hải quân và Sĩ quan Không Quân đào tạo “sĩ quan trừ bị”, giống như trường Sĩ quan
Trừ bị Thủ Đức.
Tân sinh viên Quân
y ngoài việc “huấn nhục” thể xác và tinh thần, họ vẫn còn thêm sự lo lắng như
những sinh viên Y Nha Dược ngoài dân sự, vẫn phải đi học, vẫn phải “gạo” bài. Nếu
không thi đỗ thì bị ở lại lớp hay "ra
trường sớm" tức là bị loại khỏi trường nếu thi trượt hai lần.
Trong sáu tuần lễ huấn
nhục, ngày nào cũng vậy, sáng dậy sớm tập thể dục một giờ rồi mới đi đến trường
Y Khoa học và buổi chiều về lại học thêm môn cơ bản thao diễn. Buổi tối lại còn
có những lớp "đặc biệt", xếp hàng học căn bản quân sự. Có nghĩa là học
bù đầu, từ sáng sớm cho đến tối.
Huấn
nhục tại Trường Quân Y
(Tranh
của Y Sĩ Đại Úy Nguyễn Hữu Thường thuộc Tiểu Đoàn 1 Quân y Nhảy dù)
Suốt cuộc đời sinh viên quân y, ngoại trừ lúc có lý do như ốm đau, đi nghỉ phép... mỗi sáng Thứ Hai phải mặc quân phục,
đeo khăn đỏ,
đi sớm vào trường Quân Y để làm lễ chào cờ hàng tuần và nhận chỉ thị. Quên lễ chào cờ sẽ bị phạt trọng cấm.
Riêng việc huấn luyện quân sự, vào mùa hè sinh viên phải đi đến các trường huấn luyện, mỗi kỳ kéo dài 6 tuần lễ.
Có khóa được gửi về Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt nhưng cũng có
khóa đến Trường
Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức và Trung tâm Huấn luyện Quang Trung.
Lễ mãn
khóa Quân y VNCH
Trong thời gian “học tập cải tạo” tôi đã có dịp tiếp xúc
và sinh hoạt với nhiều “bác sĩ ngụy”.
Chúng tôi được đưa đến Trảng Lớn, Tây Ninh, trại cải tạo mang bí số L1T5, hòm
thơ 7590. Nơi đây đã nảy sinh nột thứ tình bạn “chân chính” giữa những người
cùng cảnh ngộ trong thời “điêu linh”.
Cũng là điều may mắn
khi bạn “ăn cùng thau cơm” với những
bác sĩ quân y. Thật tình trước khi vào đây họ chỉ là những người mà công việc
thường ngày là thuốc men nhưng vẫn bị coi là “có nợ máu với nhân dân”. Họ chỉ biết “truyền máu” chứ làm sao có
thể “hút máu” người bệnh?
Bác sĩ Lâm thường
được anh em gọi là “Lâm Bột” chỉ vì anh trắng như bột trong vóc dáng thư sinh.
Bs Như là “một cây văn nghệ” thường
giúp vui anh em bằng những bản “nhạc vàng” trong những buổi tối vắng bóng quản
giáo, vệ binh. Anh tên Như nhưng lại có biệt danh là “Nhôn Lừ”, một cái tên xuất
phát từ lối nói lái!
Bác sĩ Sơn là dân
trường Tây nên thỉnh thoảng vẫn xưng “toa, moa” với bạn bè. Anh có dáng người
to con nhưng lúc nào cũng hòa nhã trong giao tế. Chúng tôi còn có “Tý Điệu” đặt
tên theo truyện tranh “Xì Trum” (Schtroumpf) của Pháp. Bác sĩ “Tý Điệu” là người
nhỏ tuổi nhất trong nhóm nhưng lại có tài “xủi” (khắc) những thanh nhôm săn nhặt
được ở phi trường L19 bỏ hoang trong căn cứ.
Người lớn tuổi nhất
là trong nhóm là Đại úy Quân y, Bác sĩ Phạm Kỳ Nam, trước khi “tan hàng” anh phục
vụ tại Quân y viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ. Nam thuộc tuýp người “ăn to, nói lớn” lại còn có tác phong
“lãnh đạo” nên trong những buổi lao động anh đứng ra điều khiển cả nhóm.
Anh cũng có máu “tiếu
lâm” nên thường kể cho anh em nghe những chuyện vui để quên ngày tháng “các chậu, chim lồng”. Cũng có những lúc
buồn cho tương lai của mình anh lại than thở: “Không biết mai này sẽ ra sao… chẳng lẽ lại cưới một cô bộ đội cái, đít
to như cái lu?”.
Đại úy Nam là người
được ra trại sớm nhất trong bọn tôi sau hơn 2 năm ở trong trại. Anh được về
Nông trường Phú Mỹ, Củ Chi, rồi sau chuyển về Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình,
trước đây là Bện viện Sùng Chính ở quận 5. Cuộc đời của anh thăng tiến trong
ngành y cũng chẳng kém gì Bác sĩ Trần Đông A, có khác chăng là ở lý tưởng chính
trị.
Bác sĩ Đông A sau
này dấn thân vào chính trị, con cưng của nhà nước, được chính phủ tặng Huân
chương Lao động và danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân. Ông còn là đại biểu Quốc hội
khóa XI và XII, đại diện cho Thành phố Hồ Chí Minh. Lại còn nghe đồn ông là… đảng
viên!
Trong khi đó, Bác
sĩ Nam chỉ hoạt động thuần túy trong lãnh vực y tế nhưng cũng đã thành công
trên lãnh vực tình cảm với việc kết hôn với ca sĩ Phương Hồng Quế, “TV chi bảo”, vì cô thường xuất hiện
trên đài truyền hình trước năm 1975 với những bản nhạc ca tụng chiến sĩ VNCH.
Cặp “bác sĩ – nghệ
sĩ” có với nhau 2 đứa con, một trai một gái, nay cả hai cháu đã đều thành đạt.
Chỉ tiếc một điều “Nam Già” (còn được gọi là “Nam Đầu Bạc”) đã bỏ lại sau lưng
tất cả để về cõi vĩnh hằng năm 2012.
R.I.P. Bác sĩ Phạm
Kỳ Nam, người bạn đồng cam cộng khổ!
Bác sĩ
Phạm Kỳ Nam với người thân tại Sài Gòn
Với chủ đề “Bác sĩ Ngụy”, chúng tôi qua bài viết
này muốn vẽ lại bức tranh của các bác sĩ đã được đào tạo từ thời VNCH. Bức
tranh có những nét chấm phá, chỗ sáng – chỗ tối, khi đậm khi lạt, kể cả lúc
đúng lúc sai.
Phần nhận xét và
phê bình còn tùy thuộc vào chính kiến của người đọc.
***