Ca dao, người xưa còn gọi là “phong dao”,
xuất hiện rất nhiều trong ngôn ngữ dân gian của người Việt.
Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc (1890-1942), nhà
giáo và cũng là một học giả uy tín, đã có một công trình sưu tầm lấy nhan đề là
“Tục ngữ - Phong giao” được xuất bản
năm 1928 tại Hà Nội.
Trong quyển sách đã dẫn có đến 6.500 câu tục
ngữ và hơn 850 ca dao, được sắp xếp một cách khoa học theo mẫu tự. Vì khuôn khổ
hạn hẹp của bài viết này, chúng tôi chỉ
xin trích ra một mảng nhỏ trong kho tàng ca dao của học giả Nguyễn Văn
Ngọc với chủ đề về tình yêu trai gái.
Tác giả là người miền Bắc nên những câu ca
dao này được viết theo lối chính tả của người đàng ngoài, có những từ ngữ đôi
chỗ rất khác với miền Nam. Chẳng hạn như “giời”
thay vì “trời”, “trai” được viết
thành “giai”, “giăng” là “trăng”, “lời nói” được đổi thành “nhời nói" và “bã trầu” biến thành “bã giầu”.
Ví dụ như trong câu ca dao định nghĩa hai chữ Yêu và Ghét, người miền Nam mới đọc câu đầu sẽ phải “khựng” lại vì gặp chữ “bã giầu” nhưng rồi cũng hiểu ra, “giầu” đây là “trầu không” mà các cụ ngày xưa thường ăn. Vế thứ hai là “cau” càng làm rõ nghĩa… trầu cau:
“Yêu
nhau thời ném bã giầu,
Ghét
nhau thời ném vỡ đầu nhau ra.
Yêu
nhau cau bẩy bổ ba,
Ghét
nhau cau bẩy bổ ra làm mười”.
Đoạn ca dao dưới đây rất nhiều người biết về
cách dậy con, cả trai lẫn gái. Dĩ nhiên là cách hành xử theo nề nếp cổ xưa chứ
không như ngày nay:
“Con
ơi muốn nên thân người,
Lắng
tai nghe lấy những lời mẹ cha.
Gái
thời giữ việc trong nhà,
Khi
vào canh cửi, khi ra thêu thùa.
Giai
thời đọc sách, ngâm thơ,
Dùi
mài kinh sử để chờ kịp khoa.
Mai
sau nối được nghiệp nhà,
Trước
là đẹp mặt, sau là ấm thân”.
Rất ít người hiểu được những thủ tục nhiêu
khê khi người con gái rời gia đình để xuất giá theo chồng. Trước bàn thờ tổ
tiên có những nghi thức cổ truyền trong việc quỳ lậy mà ngày nay hầu như mọi
gia đình đều bỏ qua:
“Lạy
cha ba la lạy, một quì,
Lạy mẹ
bốn lạy, con đi lấy chồng.
Mẹ sắm
cho con cái yếm nhất phẩm hồng.
Trước
là đáp nghĩa cùng chồng,
Sau
là họ mạc cũng không chê cười”.
Con
ơi! Nhớ bấy nhiêu nhời.”
Và đây là tiêu chuẩn mẫu mực về một người vợ…
trong mơ:
“Những
người thắt đáy lưng ong,
Vừa
khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con.
Những
người béo trục, béo tròn,
Ăn vụng
như chớp, đánh con cả ngày”.
Chuyện kén chồng cũng cả là một vấn đề nan
giải nên mới có những vần thơ vui nhưng “cảnh báo” người con gái:
“Đi
đâu mà chẳng lấy chồng?
Người
ta lấy hết, chổng mông mà gào.
Gào rằng:
Đất hỡi giời ơi!
Sao
không thí bỏ cho tôi chút chồng?
Ông
giời ngoảnh lại mà trông:
Mày
hay kén chọn, ông không cho mày”.
Tuy nhiên, cũng cần tránh những cảnh “làm lẽ”
trong một xã hội đa thê của ngày xưa. Người vợ lẽ thực ra chỉ là một danh từ thậm
xưng… kỳ thật chỉ là “ôsin” trong gia
đình chồng:
“Lấy
chồng làm lẽ khổ thay,
Đi cấy,
đi cầy chị chẳng kể công.
Đến tối
chị giữ lấy chồng,
Chị
cho manh chiếu nằm không nhà ngoài.
Đêm
đêm gọi những: Bớ Hai,
Giở dậy
nấu cám, thái khoai, đâm bèo.”
Ngược lại, cũng cần tránh những cuộc “tảo hôn” như trường hợp sau đây:
“Lấy
chồng từ thuở mười lăm,
Chồng
chê tôi bé, chẳng nằm cùng tôi.
Đến
năm mười tám, đôi mươi,
Tôi nằm
dưới đất, chồng lôi lên giường,
Một rằng
thương, hai rằng thương,
Có bốn
chân giường gãy một còn ba,
Ai về
nhắn nhủ mẹ cha,
Chồng
tôi nay đã giao hòa cùng tôi”.
Xã hội ngày xưa ngoài việc người đàn ông có
quyền lấy nhiều vợ… nhưng ở một số trường hợp đàn bà cũng có thể có nhiều chồng
như hoàn cảnh của người phụ nữ dưới đây:
“Chữ
Trinh đáng giá nghìn vàng,
Từ
anh chồng cũ đến chàng là năm.
Còn
như yêu vụng, dấu thầm,
Họp
chợ trên bụng đến trăm con người”.
Không phải chỉ năm mà lại còn lên đến chín
đời chồng như trường hợp này:
“Chính
chuyên, lấy được chín chồng,
Vê
viên, bỏ lọ, gánh gồng đi chơi.
Không
ngờ quang đứt, lọ rơi.
Bò ra
lổm ngổm chín nơi chín chồng”.
Đã cũng có không ít những chuyện các cô gái
xứ Đông hay xứ Đoài bị bêu riếu vì các hành vi đáng lên án:
“Cha
đời con gái xứ Đông!
Ăn trộm
tiền chồng mua khố cho trai.
Cha đời
con gái xứ Đoài!
Ăn trộm
tiền mẹ mua khoai cho chồng”.
Cuộc sống hàng ngày của người phụ nữ thời
phong kiến cũng tựa như một bức tranh đa màu, đa sắc. Có những chuyện vui nhưng
cũng có không ít chuyện buồn:
“Chị
em rủ nhau tắm đầm,
Của
em thời trắng, chị thâm thế này?
Chị
thâm bởi tại anh mày,
Khi
xưa chị cũng hạt chay đỏ lòm”.
Ca dao cũng có những câu rất “tục” để “tả chân” về người phụ nữ, chẳng hạn như:
“Cô
kia cắt cỏ ven sông,
Cái
váy thì cọc, cái lông thì dài.
Thuyền
chài nò vẻ quan hai,
Thưa
rằng: Chẳng bán để mà quét sân”.
Chuyển sang đối tượng đàn ông trong xã hội
xưa cũng có những lời nặng nhẹ. Và dĩ nhiên những lời đó xuất phát từ… đàn bà:
“Đàn
ông năm, bảy đàn ông,
Đem bỏ
vào lồng cho kiến nó tha.
Đàn
bà năm, bảy đàn bà,
Đem bỏ
ra chợ, kiến tha nó về”.
Đôi khi cũng có những nhận xét một cách vô
tư và hài hước về cả hai phía:
“Đàn
ông kia hỡi đàn ông!
Nửa
đêm giở dậy cắm chông đàn bà.
Đàn
bà kia hỡi đàn bà!
Nửa
đêm giở dậy rút ruột già đàn ông”.
Cuộc sống vợ chồng cũng… khá rắc rối:
“Đương
khi bếp tắt cơm sôi,
Con
ngồi khóc đói, chồng đòi tòm tem.
Bây
giờ bếp đã cháy lên,
Cơm
đà sắp chín, tòm tem thì tòm”.
Gặp ông chồng yêu vợ thì bao thói xấu của vợ
biến thành… điều tốt:
“Lỗ
mũi em thì tám ghánh lông,
Chồng
yêu, chồng bảo tơ hồng giời cho.
Đêm nằm
thì ngày o o,
Chồng
yêu, chồng bảo ngáy cho vui nhà.
Đi chợ,
thì hay ăn quà,
Chồng
yêu, chồng bảo về nhà đỡ cơm.
Trên
đầu những rác cùng rơm,
Chồng
yêu, chồng bảo hoa thơm rắc đầu”.
Ghen tuông là “bản tình trời sinh” dành cho phụ nữ vì người ta thường nói “Ớt nào là ớt chẳng cay / Gái nào là gái chẳng
hay ghen chồng”! Nhưng trong ca dao ngoài hai câu trên còn có hai câu tiếp
mà đa số chúng ta không biết:
“Vôi nào là vôi chẳng nồng,
Gái
nào là gái có chồng chẳng ghen”.
Cũng tương tự như trường hợp trên, người ta
chỉ biết hai câu “Quả cau nho nhỏ, cái vỏ
vân vân / Nay anh học gần, mai anh học xa”. Còn hai câu kế tiếp, chắc chắn
ít người biết đến công lao của người vợ:
“Tiền
gạo thì của mẹ cha,
Cái
nghiên, cái bút thật là của em”.
Cũng vẫn bắt đầu bằng chuyện quả cau, ca
dao được nối tiếp bằng những kể lể công trạng “âm thầm” của người vợ có chồng là học trò:
“Anh
lấy em từ thuở mười ba,
Đến
năm mười tám, thiếp đà năm con.
Ra đường
người nghĩ còn son,
Về
nhà thiếp đã năm con cùng chàng”.
“Một
nửa sự thật” về cuộc sống vợ chồng trong “thâm cung bí sử” được diễn tả qua đoạn
ca dao dưới đây. Tương phản hẳn với một nửa kia trước mắt mọi người cứ lầm tưởng
là họ có một cuộc sống ngọt ngào, hạnh phúc:
“Ra
đường bà nọ, bà kia,
Về
nhà không khỏi cái nia, cái sàng.
Ra đường
võng giá nghênh ngang,
Về
nhà hỏi vợ: Cám rang đâu mày?
Cám
rang tôi để cối xay,
Hễ
chó ăn mất, thì “Mày với Ông”.
Người phụ nữ Việt Nam vốn có tính chiều chồng,
nhiều khi chiều một cách thái quá:
“Chồng
giận thì vợ làm lành,
Miệng
cười chúm chím: Thưa anh giận gì?
Thưa
anh, anh giận em chi,
Muốn
lấy vợ bé em thì lấy cho”.
Thời xưa cũng như thời nay, trước khi nên
duyên vợ chồng là thời kỳ hẹn hò, khó có thể nào quên:
“Nhớ
ai con mắt lim dim,
Chân
đi thất thểu như chim tha mồi.
Nhớ
ai hết đứng lại ngồi,
Ngày
đêm tơ tưởng một người tình nhân”.
Nhớ đến phát khóc, nhớ đến ngẩn ngơ như ngồi
trên đống lửa, trên than hồng:
“Nhớ
ai em những khóc thầm,
Hai
hàng nước mắt dầm dầm như mưa.
Nhớ
ai ngơ ngẩn ngẩn ngơ,
Nhớ
ai ai nhớ, bây giờ nhớ ai.
Nhớ
ai bổi hổi, bồi hồi,
Như
đun đống lửa, như ngồi đống than”.
Chờ mong nhau đến độ:
“Ngày
ngày em đứng em trông,
Trông
non, non ngất, trông sông, sông dài.
Trông
mây, mây kéo ngang giời,
Trông
giăng, giăng khuyết, trông người, người xa”.
Họ còn nhớ cả những giây phút thầm kín bên
nhau qua những câu thơ… vô cùng tả chân:
“Vú
em chum chũm chũm cau,
Cho
anh bóp cái, có đau anh đền.
Vú em
chỉ đáng một tiền,
Cho
anh bóp cái, anh đền quan năm”.
Hỷ-Nộ-Ái-Ố trong tình yêu của ngày xưa là vậy đó!
***