Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

“The tooth, the whole tooth, nothing but the tooth”

Bạn thấy câu nói này quen quen?

Đúng vậy. Tại xứ Cờ Hoa, mỗi khi ra tòa để “khai báo” sự thật, tất cả sự thật, không có gì ngoài sự thật… người đứng trước tòa phải tuyên thệ: “The truth, the whole truth, nothing but the truth”.


Nhưng tựa đề của bài viết này đã đổi “truth” thành “tooth”. Cái răng!

 Thủ phạm của mọi sự đau đớn

Việt Nam ta có câu: “Cái răng, cái tóc là góc con người”. Bình thường chẳng ai để ý đến nó và chỉ khi nào nó “làm reo” mới biết tay nó. Lúc đó thì nó làm sưng phồng cả má, nó nhức thấu tận xương, nó tê buốt toàn thân mỗi khi nhai… Nó chính là một trong những cội nguồn của sự đau khổ.

Đau răng

Tôi vẫn còn nhớ, ngày còn bé có học thuộc lòng bài thơ đau răng trong “Quốc văn Giáo khoa thư”:

“Mợ ơi anh Đức đau răng
Một bên má bị sưng bằng quả cam,
Tại vì sau mỗi bữa ăn,
Anh lười không chịu lau mồm, xỉa răng”

Mợ ơi anh Đức đau răng…

Chỉ đến lúc bị đau răng ta mới thấy nha sĩ là "số một" trong số những nhà thông thái trên thế gian này. Nha sĩ cũng đồng thời là “hung thần” trong số những bác sĩ, họ có trong tay những thứ “vũ khí chết người” như kìm, kẹp, máy khoan, máy mài, máy cưa… để hành nghề!

Một khi đã nằm ngả lưng trên ghế của nha sĩ thì từ ông Tổng thống đến kẻ “phó thường dân”, từ bác nhà giầu “nứt đố, đổ vách” đến anh cùng đinh “khố rách áo ôm” cũng đều… “bình đẳng” như nhau trong sự đau buốt đến tận xương tủy.

Đặt lưng lên ghế của nha sĩ, người bệnh trút bỏ hết những chuyện buồn vui ngoài đời và chỉ chú trọng đến “hung thần” trước mặt ra tay cứu khổ. Cũng may chỉ nằm ngửa trên ghế một thời gian ngắn, những khoảnh khắc “đau đến chảy nước mắt” rồi cũng qua đi. Phước cho ai chỉ đến đó một lần và cũng họa cho những người sẽ còn trở lại nhiều lần theo lịch hẹn! 

Nha sĩ và dụng cụ hành nghề

Tôi thuộc nhóm người “bất hạnh”: vừa bị nhổ răng và còn phải làm… răng giả vì đã quá tuổi mọc răng, hơn nữa cái răng hư lại là răng cửa nên thiếu nó trông rất… “mất thẩm mỹ”. Thế là cứ “đến hẹn lại lên” suốt cả tháng trời! 

Trong các thứ “giả” mà con người vốn dĩ chê nhiều hơn khen như “bằng giả” của các quan thời nay vẫn có thứ giả mà ai cũng “thông cảm” với người sử dụng, đó là “chân giả, tay giả” cho những người khuyết tật và “răng giả” cho những kẻ… “hăng rết”.

Riêng đối với phụ nữ, các bà các cô thường “ủng hộ hết mình” những “mặt hàng” như lông mi giả, tóc giả. Ngoài ra, nếu ‘vòng số 1’ hơi khiêm tốn thì có áo nịt ngực bên trong độn mousse cho thêm phần khiêu gợi, ‘vòng số 3’ nhỏ quá thì có mông giả tăng cường để ‘bằng chị, bằng em’ khi ra đường.

Khi tuổi đã xế bóng, các ông các bà có khi phải dùng nguyên cả hai hàm răng giả, tối tối đánh răng mà miệng vẫn huýt sáo một cách yêu đời. Tôi chưa làm được như vậy nhưng rất “thông cảm” với các vị cao niên phải đi nha sĩ  để… “làm đẹp hàm răng”.

Lại nghe nói ở Việt Nam ngày nay lại có một hình thức “làm đẹp cuộc đời”, na ná như kiểu bia “ôm”, cà phê "ôm", karaoke “ôm”… đó là chuyện “nhổ răng… ôm”. Tôi hoàn toàn không có ý xúc phạm đến những nha sĩ, nha tá chân chính nhưng trên Internet có những bức ảnh đặc biệt về “loại hình” hoạt động này: 

Phòng khám nha khoa… “làm đẹp cuộc đời”

Không biết thi sĩ Nhất Hùng tác giả bài thơ trên có dùng photoshop để có được bức hình “minh họa” đi kèm hay không? Hai câu cuối của bài thơ “Phòng khám nha khoa” có câu:

“Nhưng chẳng dại như anh Lẩm Cẩm
Không “nhổ”, chỉ xin khám qua loa”

Sau khi suc sạo trên Internet tôi đã tìm ra bài thơ “Cái thú chà răng” của thi sĩ mang tên “Lẩm Cẩm” mà Nhất Hùng đã nói đến. Bài thơ như sau:

“Răng già...quá nửa lung lay.
Nay đau...mai nhức, thường ngày lơ "cơm"?
Vàng khè...đầy khói thuốc thơm.
Cho nên chẳng muốn "lơm xơm" khoe tài.

Bạn bè dầu chẳng dám khai.
Cam tâm chịu đựng chẳng ai biết gì.
Cuối tuần đành phải cố đi.
Nha khoa bác sĩ...để thì "clean" răng...!?

Giữ cho đầu... được thăng bằng.
Nha tá lấy ngực...đem dằn hai bên.
Sao mà êm quá...chừng êm!!!
Nhùi, Trợn; mà chộ....cũng thèm rụng râu”.

Như một thám tử chuyên nghiệp, tôi đã “phát hiện” một bức ảnh thứ hai với bài thơ “Thú nhổ răng” của CTN, ghi rõ ngày sáng tác: 20/4/2012. Chắc hẳn CTN muốn nhại bài thơ “Thú đau thương” của Lưu Trọng Lư:

“Tình đã len trong màu nắng mới,
Lòng anh buồn vời vợi, em ơi!
Niềm yêu run động đôi môi
Tình đầy khôn lựa được lời thắm tươi.

Đã héo lắm nụ cười trong mộng,
Đã mờ mờ lắm bóng thân yêu,
Đã lam tím cả cảnh chiều,
Trong hồn lặng đã hiu hiu mộng tàn.

Để chăn gối im nằm chỗ cũ
Hãy lịm người trong thú đau thương,
Giờ đây ta đốt nén hương,
Trên tay ta buộc giải tang cho tình”.  

“Thú đau thương” của Lưu Trọng Lư là vậy, nhưng nhổ răng cũng là một cái thú… “đau thương” nên mới có bài thơ “Thú nhổ răng” của CTN:

“Lọt êm êm giữa bốn gò bồng đảo.
Mắt nhắm nghiền mà nghe bão trong đầu.
Răng bị cà mà ta chẳng thấy đau.
Miệng há hốc cứ tưởng đâu tiên giới.

Tóc dựng đứng, bù xù hay tóc rối.
Hơi thở chừng như hấp hối, chao ôi.
Phòng răng ni đã thu hút ta rồi.
Mai trở lại nhổ thêm vài cái nữa”.                          

Tại sao “mai trở lại nhổ thêm vài cái nữa”? Tại sao lại có tên “nhổ răng… ôm”? Xin hãy xem hình dưới đây để tìm câu trả lời:

Nhổ răng… ôm?

Tôi chắc CTN phải là nhà thơ đã “kinh qua” nhiều kinh nghiệm đau thương về chuyện nhổ răng.  Tôi đoán mò như vậy vì CTN còn một bài thơ “không tên” nữa về răng như sau:

“Ta cảm ơn mấy cái răng chết tiệt.
Nhờ chúng mi ta được biết thiên thai.
Răng miệng thường đi với tóc tai.
Chừ ai biết giúp chơi ni bồng đảo.

Kể ông Trời cũng thật là khéo.
Tạo cái gì cũng hoàn hảo tinh vi.
Răng bị sâu, tưởng chỉ có vất đi.
Vậy mà lại làm sướng tê, sướng tái.

Tạ ơn trời đã ban cho thế giới.
Những cô này nha sĩ giỏi như ri.
Nghệ thuật nhổ răng hết sức thần kỳ.
Đã không đau lại mê ly quá đỗi”

Đúng nghĩa… nhổ răng

Sống ở Mỹ người ta thường khuyên, “cực chẳng đã” mới đi nha sĩ vì ngoài cái đau “thể xác” lại kèm với cái đau…” túi tiền”. Cũng vì thế người Việt tại hải ngoại thường kết hợp về thăm nhà với việc nhổ răng.

Có lẽ thi sĩ John Thụy, chắc là một người Mỹ gốc Việt hãy còn trẻ, lần đầu tiên sử dụng hai chữ “răng ôm” trong một bài thơ tức cảnh bức hình hai nha tá “kềm kẹp” bệnh nhân bằng… “bốn núi đồi”:

“Đời người ta răng luôn cần sửa chữa.
Từ khi bé răng sữa với răng khôn.
Mỗi lần đau sao dạ lại bồn chồn.
Viếng phòng nha đưa hồn vào cõi mộng.

Phòng răng này chẳng có chi là rộng.
Thế mà êm, trong khoảng trống nhỏ nhoi.
Nằm im hưởng bên cạnh bốn núi đồi.
Mọi cái đau liên hồi đi đâu hết.

Cuộc đời nầy rồi sẽ về đoạn kết.
Nhưng "răng ôm" làm chết lịm hồn ta.
Kể từ nay cho đến lúc ta già.
Bao nhiêu răng ta đem ra hiến hết”.

Khổ!!!

Rõ ràng là theo đà tiến hóa của nhân loại nói chung và kỹ thuật nhổ răng nói riêng, Việt Nam đã “tài tình sáng tạo”, kết hợp nha khoa với khoa tâm lý để việc nhổ răng bớt đau đớn hơn. Kỹ thuật đó gọi nôm na là “nhổ răng ôm”.

Để thay lời kết cho bài tản mạn bàn về răng này xin trích dẫn bài thơ “Nhổ Răng kỹ thuật mới” của nhà thơ Đức Lý:  

“Việt Nam ta bây chừ quá tiến,
Chẳng cần chi chế biến thuốc đâu.
Nhổ răng??? Bảo đảm không đau!!!
Thuốc tê? Có vú bốn bầu ép vô.

Cứ cạ sát, mặt mô không khoái?
Nghe đê mê, tê tái cõi lòng,
Hai hàm lần lượt đi đong.
Nhổ rồi, nhổ nữa. Răng trồng? Nhổ luôn!!!”


Thế mới biết, cái răng nhỏ tí nhưng lại có sức mạnh vô biên khiến con người phát điên vì đau đớn. Cũng vì thế người ta mới nói mọi chuyện bắt đầu từ cái răng, nguyên một cái răng và không gì khác ngoài cái răng.

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

1.            Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
2.            Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
3.            Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
4.            Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5.            Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
6.            Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
7.            Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
8.            Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
9.            Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 

Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!
--> Read more..

Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

Viết về Huế

Trước hết, xin phải thú nhận, một chàng “Bắc kỳ” như tôi mà viết về Huế thì làm sao sánh kịp những nhà văn như Nhã Ca trong “Giải khăn sô cho Huế” hay “Cổng trường vôi tím”. Hình như phải uống nước sông Hương, phải thấy được núi Ngự, ngày ngày đi qua cầu Trường Tiền và chịu ăn ớt thật cay mới có thể lột tả hết những gì… rất Huế.

Tôi đến Huế khá nhiều lần trong những dịp khác nhau. Lần đầu tiên có mặt tại Huế là năm 1969, khi mới tốt nghiệp Thủ Đức. Đó không phải là lần ra “Vùng I Chiến thuật” như bạn đọc cứ tưởng đeo lon Chuẩn úy rồi lại chọn đơn vị ngoài đó.

Tôi ra Huế lần đầu trong đời chỉ vì có bà xã người “gốc” Huế [*]. Phải dùng chữ “gốc” vì bà xã cũng xa Huế từ ngày tốt nghiệp trường Cán sự Điều dưỡng. Thế là nhân dịp có những ngày phép mãn khóa, tôi đi ngay ra Huế để biết về quê vợ còn bà xã thì đã xa Huế lâu rồi nên không muốn mang tiếng là… mất gốc.

Hình chụp tại quê vợ

Cảm giác đầu tiên khi đặt chân xuống phi trường Phú Bài là bầu không khí trầm lắng ở Huế, khác hẳn Sài Gòn lúc nào cũng sôi động. Từ phi trường chúng tôi phải vượt cầu Đông Ba để về quê vợ, làng Thế Lại Thượng, nằm dọc theo nhánh của sông Hương. Làng rất gần chợ Đông Ba. Làng và phố chỉ cách một cây cầu, nhưng có sự cách biệt rõ ràng giữa vùng quê với phố thị.

Người làng Thế Lại Thượng vẫn tự hào có những người con “nổi tiếng” như Ngô Kha. Tôi để chữ “nổi tiếng” trong ngoặc kép vì về trường hợp Ngô Kha đã có những ý kiến trái ngược về con người của anh. Phía thân Cộng sản, xem Ngô Kha là liệt sĩ, hết lời tung hô. Phía bên quốc gia kết án Ngô Kha thân Cộng nên hết lời phê phán.  

Sau khi tốt nghiệp thủ khoa khóa đầu tiên của Trường Đại học sư phạm Huế, Ngô Kha làm giáo sư dạy Văn tại các trường Quốc Học, Hàm Nghi, Nguyễn Du, Hưng Đạo. Anh hoạt động hăng hái trong phong trào đấu tranh đô thị, có ảnh hưởng sâu đậm trong thanh niên, sinh viên, học sinh Huế những năm 1960 - 1970, từng bị bắt giam, lần đầu vào năm 1961, bị đày ra Phú Quốc.

Ngô Kha là bạn thân với Trịnh Công Sơn và cũng là em rể của người nhạc sĩ nổi tiếng một thời của miền Nam. Đến ngày 30/1/1973, Ngô Kha bị nhà cầm quyền bắt và thủ tiêu. Anh được Nhà nước Việt Nam công nhận liệt sĩ vào cuối năm 1981. Hiện này tại Huế có cả tên đường Ngô Kha lẫn Trịnh Công Sơn.

 Ông ngoại lần đầu tiên gặp cháu

Trở lại với lần đầu tiên về quê vợ ở làng Thế Lại Thượng. Huế lúc đó đã qua mùa lụt nhưng đường vào làng vẫn còn lầy lội. Trẻ con trong làng gọi nhau ra xem những người khách lạ, chúng xí xô những câu gì đó mà quả thật tôi không thể nào hiểu được! Tiếng Huế, giọng Huế và cả ngôn từ người Huế dùng hàng ngày sẽ là một bí ẩn đối với những người phương xa.

Có nhà ngôn ngữ học người Nhật nói vui là tiếng Huế có âm hưởng của tiếng Nhật. Chả là ông nghe được mẩu đối thoại của 2 người trên sân ga Huế: “Mi đi mô? / Tau đi ga ni / Ga ni ga chi? / Ga ni đi mô?...”

Có những từ ngữ đặc sệt chất Huế mà chỉ những người ở Huế mới có thể dùng được. Nhà văn Nhã Ca trong truyện “Con Bần” cho người đọc thấy một loạt những từ “rặt” Huế:  

"Bần. Bần. Cái con quỷ sứ đâu rồi, há, con tinh le le đi đâu rồi!"

Nghe tiếng bà chủ, con Bần lật đật chạy vô.

"Mi làm cái chi mà áo quần tóc tai... Mi chui ở bụi mô ra rứa há con yêu bánh nậm... Mi đã cơm nước cho cậu chưa, cái mặt rượng cả ngày, thấy cái mặt là muốn đạp cho một cái rồi. Cậu mô?"

"Dạ cậu ngủ."

"Ngủ thì cũng thức cậu dậy biểu cậu ăn. Con ni vô hậu tế đợi rứa."

Ngày xưa, một số gia đình người Bắc di cư vào Nam vẫn còn giữ lối xưng hô gọi bố là “cậu” và mẹ là “mợ” trong khi người Huế lại gọi bố là “chú” và mẹ là “mạ”. Như đã nói, bà xã tôi người Huế, nhưng lại là “Huế-mất-gốc” nên phải đợi cho đến khi về Huế mới thực sự tìm hiểu được một số tiếng Huế. Chẳng hạn như “chộ” là nhìn thấy; “ốt dột” là mắc cở; “nghể” là dòm, ngó

Tôi còn nhớ mãi một hôm Minh, cậu em vợ, nói nhỏ với tôi: “Anh có muốn đi “nghể” không hè?”. Tính hiếu kỳ khiến tôi gật đầu nhưng không biết “nghể” là cái chi mô. Hai anh em ngồi trên xe Honda SS50, ra gần đến cầu Trường Tiền thì thấy “một đàn bướn trắng” tan học về… Những chiếc áo dài tung theo gió từ sông Hương thổi lên, các cô nữ sinh nói cười trên những chiếc xe đạp…

Minh giải thích với tôi: “Nghể” là dòm đó anh…”. Quả đúng là tâm trạng của các anh si tình, mà trong truyện “Liêu trai Huế” Nhã Ca đã sửa lại thành:

Học trò trong Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế dê chi cho khổ đời...!"


Mãi đến sau này tôi mới khám phá trong số các tà áo trắng tan học về trên cầu Trường Tiền, Minh có “chấm” một cô nhà ở gần cầu Đông Ba. Cô nữ sinh này có tên Diệu Hồng và sau đó trở thành “em dâu” của chúng tôi trước khi Minh vào Thủ Đức.

Ở quân trường Minh có biệt danh “Minh Trung Liên” chỉ vì giọng nói liến thoắng như súng trung liên, đã thế lại còn có giọng Huế nên bạn bè chỉ nghe trung liên nổ mà chẳng hiểu gì. Ra trường Minh chọn Sư đoàn 1 cho gần nhà, trấn giữ đồn Bastogne trong “Mùa hè đỏ lửa” 1972.

Minh đã gửi vợ con về “chạy giặc” tại Sài Gòn với gia đình tôi năm đó. Chỉ ít lâu sau, Hồng nhận được điện tín báo tin Minh đã “ra đi” tại tiền đồn Bastogne, điều đáng buồn hơn nữa, bức điện tín đến trước bức thư Minh gửi cho Hồng: “Em phải cám ơn VC vì nhờ đó em mới có dịp biết đến Sài Gòn”.

Trần Quốc Minh – Lê Thị Diệu Hồng là điển hình của chuyện tình thời ly loạn. Thật buồn vì nửa đường gãy ghánh nhưng cũng thật đẹp như trong tiểu thuyết ta thường đọc trong truyện của các nhà văn vào thập niên 70, nói lên hai sắc thái đặc thù của tình yêu và chiến tranh.

Đẹp hơn nữa, Diệu Hồng ở vậy nuôi con khi tuổi xuân còn đang độ. Bây giờ thì Hồng đã là bà nội kiêm bà ngoại, vui vầy bên các cháu. Tôi hoàn toàn không có ý ca tụng người Huế mà chỉ xin trích ra đây hai câu của nhà thơ Thu Bồn:

“Con sông dùng giằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”

Sông Hương ngoài vẻ đẹp thơ mộng còn tạo cho người dân xứ Huế một nét “rất sâu”, từ lối sống bình dị đến cách suy nghĩ thâm trầm trong lòng người Huế. Tôi nghĩ chính dòng Hương Giang “dùng giằng không chảy” đã tạo ra một nền nếp gia phong cổ kính mà người vùng khác ít có cuộc sống hướng về nội tâm như vậy.

Tôi cũng không tin vào những chuyện dị đoan nhưng có gì đó trong bức hình cuối cùng còn giữ lại của Minh chụp tại phi trường Phú Bài khi đưa tiễn chúng tôi trong một chuyến về thăm quê ngoại. Trong tấm hình kỷ niệm của Minh với các cháu, phía góc trái, nếu chú ý sẽ thấy chữ “Đi”. Phải chăng đây là điềm báo ít lâu sau Minh vĩnh viễn “ra đi”!

Sau biến cố 1975, gia đình Hồng về sinh sống tại Sài Gòn, các em Hồng lần lượt vượt biên, được tàu Tây Đức vớt và định cư tại Đức. Sau đó, bố mẹ Hồng cũng được bảo lãnh sang ở với các con. Tôi còn nhớ, hành trang đi Đức của mẹ Hồng còn có cả thuốc cẩm lệ và trầu cau, bà sợ sang bên ấy thèm những thứ đã một đời gắn bó với mình.

Hồng và 2 con ở lại Sài Gòn trong một ngôi nhà khá lớn, nằm gần góc đường Hai Bà Trưng và Lý Chính Thắng. Tất cả yêu thương Hồng đều dành cho con và để đền đáp lại, hai đứa đều thành đạt và có gia đình riêng. Hồng sống với con trai lớn tên Thông và mỗi khi gia đình có chuyện quan trọng đều nhờ “ông anh rể” đứng ra giải quyết, kể cả việc chủ hôn cho con trai.

Năm 2008 chúng tôi lại về Huế và “không hẹn mà gặp” vợ chồng cháu Thông cũng từ Sài Gòn ra Huế thăm mộ ba Minh mới xây lại. Người Huế rất trọng việc xây mộ cho những người đã khuất. Có lẽ vì cố đô Huế có rất nhiều lăng mộ của các vua chúa triều Nguyễn nên người Huế luôn giữ truyền thống xây dựng và trùng tu lăng mộ của những người thân trong gia đình.

Gia đình bên vợ tôi có người chị lớn được coi như “người gác đền” của cả dòng họ. Chị Tư ngày xưa là giáo viên và anh Thọ, chồng chị, là giáo sư trường Quốc Học, cả hai là “đầu mối” quan trọng trong việc chăm sóc mộ phần của hai bên nội ngoại vì con cháu vào Sài Gòn lập nghiệp gần hết.

Gia đình anh Thọ - chị Tư có 7 người con nhưng hết 6 người đã vào Sài Gòn lập nghiệp từ đầu thập niên 80. Tôi nghĩ đó là một quyết định đúng đắn cho con cái có cơ hội tiến thân. Thật tình mà nói, Huế với nếp sống trầm trầm chỉ thích hợp cho những người lớn tuổi, lớp trẻ ngược lại cần có một môi trường thích hợp hơn để bước vào đời. Ít ra thì Sài Gòn cũng là nơi có đủ điều kiện để những người trẻ tiến thân.

Quây quần bên các cháu nhân ngày Tết tại Sài Gòn

Với khả năng tài chính hạn chế trong chuỗi ngày điêu linh, chúng tôi đã cố gắng tạo điều kiện ăn ở cho những cháu đi “tiên phong” trong cuộc… “Nam tiến”. Chỉ chừng một năm sau các cháu không những đã có thể tự lo cho mình mà còn dìu dắt lớp em tiếp tục… “tiến về Sài Gòn”.

Phải chăng đó cũng là truyền thống của người dân xứ Huế “đất cầy lên sỏi đá” nhưng luôn biết cách đùm bọc lẫn nhau để vượt qua mọi thử thách. Xứ Huế vốn nổi tiếng là “đất học” nên những bác sĩ, kỹ sư như đám cháu tôi ngày nay đều đã là những người có vai vế trong xã hội và có thể ổn định cuộc sống.

Hằng năm cứ vào dịp Tết các cháu đều thu xếp để về thăm nơi chôn nhau cắt rún, sống lại thời thơ ấu bên bố mẹ già và hưởng một cái Tết gia đình đầm ấm. Tôi nghĩ anh Thọ - chị Tư đã phải hy sinh rất nhiều về mặt tình cảm trong những ngày con cái ở xa. Sự hy sinh đó được đền bù bằng vài ngày Tết bên đông đủ con, cháu. Được như vậy chắc cũng là quá đủ.

Đại gia đình anh Thọ - chị Tư (Ảnh trên FB Trần Gia Quốc Việt)

Tôi đến Huế rất nhiều lần, mỗi lần đi đều có mục đích khác nhau và bằng những phương tiện khác nhau. Trước 1975, đa số các chuyến về Huế đều bay bằng phi cơ của Air Vietnam nhưng có lần được tin ông ngoại các cháu mất tôi xin được chỗ trên “Air Khaki” của quân lực VNCH để ra Huế cho kịp đám ma.

Kể từ khi Sài Gòn thất thủ, phương tiện chính là phi cơ của Vietnam Airlines nhưng cũng có một lần tôi ra Huế bằng đường bộ khi đi cùng đoàn sinh viên Mỹ rong ruổi từ Nam ra Bắc. Chuyến đi thật thú vị vì có dịp ghé nhiều nơi để tận mắt thấy được đời sống của người dân tại các địa phương mà đoàn có dịp ghé qua.

Khi còn viết cho báo Vietnam Investment Review, tôi đến Huế để viết một phóng sự về Festival năm 2000. Tại Festival có sự góp mặt của nhiều quốc gia để giới thiệu về văn hóa tại Thành Nội, ngoài ra còn có những hoạt động văn hóa khác diễn ra tại nhiều địa điểm trong thành phố, chẳng hạn như núa rối nước, làng thư pháp, công viên tượng bên bờ sông Hương…

Công viên các tượng đài bên cầu Trường Tiền (chụp năm 2000)

Festival Huế 2000 còn có ngày khai mạc “Chợ quê ngày hội” ở xã Thủy Thanh, cách Huế khoảng 8km. Đây không phải là chương trình chính của Festival nhưng người làm báo luôn tìm đến các “góc khuất” để tìm hiểu. Anh Thọ cũng chiều ý, lấy Honda dẫn tôi đến một địa danh chỉ vì đã từng nghe câu ca dao người Huế thường nhắc đến:

“Ai về cầu ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui...”

Tại xã Thủy Thanh có “cầu ngói Thanh Toàn”, một chiếc cầu nhỏ hình vòng cung, bắc qua một con mương. Theo sách vở, đây là chiếc cầu gỗ được xếp vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao trong các loại cầu cổ ở Việt Nam. Ở Hội An có Chùa Cầu to hơn nhiều, được các thương nhân Nhật Bản góp tiền xây dựng khoảng thế kỷ thứ 17, nhưng Cầu ngói Thanh Toàn ở Huế là công trình hoàn toàn do người Việt xây dựng. 

Cầu ngói Thanh Toàn được xây dựng cách đây hơn 2 thế kỷ theo lối “thượng gia hạ kiều” (trên nhà, dưới cầu). Cầu dài chưa đầy 20m, rộng khoảng 5m, thân cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để khách bộ hành ngồi nghỉ. Trên cầu có mái che được lợp ngói lưu ly nên mới có tên “cầu ngói”.

Vào thế kỷ 16, trong số những di dân từ Thanh Hoá theo chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá, có 12 vị tộc trưởng đã dừng chân lập nghiệp ở đây tạo nên 12 họ khai canh của làng Thanh Toàn cho nên mới có câu “Ai về cầu ngói Thanh toàn…”

Cầu được xây dựng vào năm 1776, do một người cháu gái thuộc thế hệ thứ sáu của họ Trần là bà Trần Thị Ðạo đã cúng tiền cho làng xây dựng, để dân làng qua lại được thuận tiện và là nơi cho lữ khách cùng người tha phương tạm dừng chân lỡ bước. Năm 1925, vua Khải Ðịnh cũng ban sắc phong trần cho bà là “Dực Bảo Trung Hưng Linh phò” và lệnh cho dân lập bàn thờ ngay trên cầu để thờ cúng bà.

Cầu ngói Thanh Toàn (chụp năm 2000)

Chuyến về Huế năm 2006 là một chuyến về quê ăn giỗ kết hợp với một chương trình du lịch “hoành tráng” lên đến 8 người, gồm con cháu, dâu rể hội tụ từ nhiều nơi trên thế giới: Mỹ, Úc và dĩ nhiên là cả Việt Nam.

Hướng dẫn viên “bất đắc dĩ” của chúng tôi là anh Thọ. Nói cho vui vậy thôi chứ những hướng dẫn viên “chuyên nghiệp” chỉ là học trò của anh về mặt kiến thức về đất Thần Kinh. Nói không ngoa, giáo sư Thọ là một “Nhà-Huế-Học-thầm-lặng”, không phô trương nhưng bất cứ những gì thắc mắc về Huế anh đều có thể trả lời ngay hoặc cùng lắm là xem lại sách vở. Tôi thật sự biết nhiều về Huế, cả xưa lẫn nay, qua những lần hai anh em trò chuyện.      

Anh Thọ, hướng dẫn viên du lịch “bất đắc dĩ”

Chúng tôi đi khắp Đại Nội, chùa Thiên Mụ, chùa Từ Đàm, chùa Bảo Quốc… đến những lăng tẩm của các vua chúa thời Nguyễn ngày xưa như Khải Định, Minh Mạng, Gia Long, Đồng Khánh…Tuy nhiên, đối với các thành viên trẻ, ẩm thực Huế lại là điều hấp dẫn vì vừa được tìm hiếu lại vừa được… no bụng. Chẳng khác nào “vừa được ăn, được nói lại vừa được gói mang về”.  

Ngoài món “bún bò Huế” hay còn được gọi là “bún bò giò heo” đã từng nổi tiếng trên cả nước, Huế còn có những món độc đáo như chè. Khi nói đến chè, người ta liên tưởng đến vị ngọt nhưng ở Huế có món “Chè bột lọc bọc thịt quay”. Như vậy là có một lại chè vừa ngọt, vừa mặn, hai hương vị tưởng chừng như đối nghịch nhau nhưng có thử mới biết. Ăn thấy lạ miệng nhưng nhiều người khó tính lại chê: “Chè gì mà lại có cả thịt!” . Nhân tâm tùy… mạng mỡ là vậy.

Xin có ít dòng về bánh khoái ở Huế. Đây là một loại giống như bánh xèo ở miền Nam nhưng nhỏ hơn và đổ dầy hơn. Điểm đặc biệt của bánh khoái là nước chấm. Bánh xèo có nước chấm là nước mắm hoặc mắm nêm nhưng bánh khoái lại dùng… nước lèo.

Nước lèo dùng nguyên liệu chính là gan heo, thịt nạc băm nhuyễn thêm vào đó là mè rang, đậu phụng giã nhỏ và nước tương đậu nành. Thành phẩm là một loại nước sền sệt, vị bùi bùi khi chan vào miếng bánh vàng rụm khiến ta có cảm giác “khoái” khẩu.

Người lớn tuổi, sành ăn lại có một cách giải thích khác về cái tên bánh “khoái”: ngày xa xưa để có được miếng bánh khoái người ta phải dùng củi, gặp củi ướt trong những tháng mưa dầm thì gian bếp mù mịt khói. Vì thế có tên bánh “khói” nhưng khổ nỗi người Huế phát âm “khói” thành “khoái” nên sau này người ta chỉ biết thưởng thức bánh khoái chứ không hề biết đến cái tên “bánh khói”!

Riêng tôi lại thích món “tré” Huế. Đây chỉ là một món “ăn chơi” nhắm với bia hoặc rượu cũng tựa như món nem. Khác với nem chỉ toàn thịt sống được để lên men, tré là hỗn hợp của da heo ram trước cộng với tai heo, trộn đều với tỏi, riềng, mè, thính, muối, đường, gói chặt bằng lá ổi và phía ngoài cùng là những khúc rạ được bó ở hai đầu.

Tré cũng cần thời gian để “chín”… Miếng tré cho vào miệng nhẩn nha sẽ cảm nhận được vị béo bùi của mè, vị mặn mà lẫn ngọt ngào của gia vị. Lại thêm độ dòn sừn sựt của thịt đầu heo, vị nồng đặc trưng của riềng, mùi thơm của thính, của lá ổi khiến người thưởng thức một lần sẽ không bao giờ quên.

Biết sở thích của tôi nên chị Tư mỗi dịp có ai vào Sài Gòn thế nào cũng gửi vào chục tré. Chị đâu biết giờ này tôi đã lớn tuổi, răng cỏ cái còn cái mất, nên không cảm thấy ngon khi nhai những miếng da heo, tai heo như ngày nào!

Tré Huế (hình Internet)

Quá nhiều chuyện để viết về Huế! Nhưng thôi cũng đành chấm dứt tại đây với một bức hình trong số hàng trăm hình ảnh của Huế mà tôi đã thu vào ống kính. Hình được chụp từ chùa Thiên Mụ, nhìn xuống giòng Hương Giang và xa xa là dãy núi Ngự Bình. Tất cả đều đượm… chất Huế:

Sông Hương, núi Ngự nhìn từ chùa Thiên Mụ (2006)

***

Chú thích:

[*] Đọc “Saigon Stories” tại

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 4: Thời quân ngũ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

1.            Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
2.            Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
3.            Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
4.            Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5.            Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
6.            Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
7.            Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
8.            Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
9.            Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 


Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!
--> Read more..

Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

Tình nghĩa thầy trò

Ai cũng có một thời đi học. Và chắc hẳn ai cũng có ít nhiều kỷ niệm về thầy cô đã một thời gắn bó với cái thuở học trò của mình. Cũng là lẽ thường tình, học trò nhớ về thầy cô nhiều hơn thầy cô giữ những kỷ niệm với học trò vì thầy cô có đến hàng ngàn học sinh trong khi học trò chỉ được học với độ vài chục thầy cô trong suốt quãng đời… “nhất quỷ nhì ma…”.

Thầy cô thời Tiểu học là quãng thời gian quá xa nên họa hoằn lắm mới còn lưu lại trong ký ức… nhưng thầy cô thời Trung học lại đủ gần để học trò nhớ mãi dù bản thân học trò nay tóc đã điểm sương. Tuy vậy, tôi vẫn còn nhớ mãi cô giáo đầu tiên năm Lớp Năm, tức Lớp 1 ngày nay.

Cô có một cái tên rất lạ nhưng lại khó quên: Huỳnh Bá Thiên Vân. Dòng họ Huỳnh Bá vốn gốc từ Huế nhưng có một số người “di dân” vào Đà Lạt còn tôi là chú “Bắc kỳ con” theo bố là Ngự Lâm Quân vào Đà Lạt năm 1953, trước khi có cuộc di cư vĩ đại của người miền Bắc sau đó một năm.

Cô Huỳnh Bá Thiên Vân là cô giáo đầu tiên của tôi tại Tiểu học và hi hữu hơn nữa, em của cô, Huỳnh Bá Tuệ Dương, lại là người bạn trong năm cuối cùng Trung học của tôi  tại trường Trần Hưng Đạo. Tuệ Dương là một trong những người đầu tiên có cây đàn điện Fender tại Đà Lạt và anh sẵn lòng để tôi sử dụng trong ban nhạc của trường.

Cô Vân dậy Lớp Năm trường Nam tiểu học Đà Lạt trên đường Đoàn Thị Điểm gần khu Hòa Bình. Tôi nghĩ có lẽ tôi là “học trò nổi bật” giữa các bạn cùng lớp nói rặt tiếng Nam nên được cô Vân… “để ý”! Thêm vào đó, tôi học cũng thuộc loại… “giỏi” nên tháng nào cũng được cô cho “Bảng Danh Dự”.

Cho tới bây giờ tôi vẫn tự hỏi mình có học giỏi thật hay là cô “cưng” nên mới có “Bảng Danh Dự”? Cũng may tôi còn giữ được tấm hình đầu đội mũ berret, mặc áo len cổ lọ có dòng kẻ nhạc trên ngực và trên tay cầm “Bảng Danh Dự” để làm bằng chứng kẻo lại mang tiếng… khoe khoang:   
   
 Học trò “cưng” của Cô Vân

Việc tôi chuyển trường từ Nam tiểu học Đà Lạt sang trường Đa Nghĩa rất “ly kỳ” vì lý do  ông anh tôi quyết luyện cho tôi… “học nhẩy”! Xin đừng nghĩ xấu: mới nứt mắt mà đã nhảy với nhót! 

Số là ông anh lớn, hơn tôi tới 10 tuổi, bỗng nảy ra ý định cuối năm học Lớp Ba sẽ luyện để tôi vào học Lớp Nhất, bỏ qua Lớp Nhì. Dĩ nhiên không thể nhẩy từ Lớp Ba lên Lớp Nhất trong cùng trường nên phải xin vào trường Tiểu học Đa Nghĩa. Trường nằm khá xa trung tâm thành phố nhưng vẫn thuộc 7 trường sơ học công lập gồm trường Nam  Đà Lạt, Nữ  Đà Lạt, Xuân An, Tây Hồ, Đa Nghĩa, Đa Thành và Đa Phước.

Cũng vì ở xa nên buổi trưa phải ở lại trường, ăn cơm mang theo trong chiếc “gà-mên”, để đến chiều còn tiếp tục học. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội để tôi được gần gũi với thầy Châu cũng phải ở lại trường vì nhà thầy ở tận khu Chi Lăng, gần trường Võ Bị. Nếu tôi không lầm thì tên cũ của Chi Lăng là Saint Benoit khi người Pháp còn ở trên đất Hoàng triều Cương thổ.

Thầy Châu có con cùng học Lớp Nhất với tôi nên buổi trưa cả ba thầy trò cùng ngồi ăn chung. Tuy không học thầy nhưng tôi vẫn cảm thấy gần gũi với thầy như một người cha vì thầy ngoài việc chỉ bảo thêm về việc học lại còn kể những câu chuyện rất thú vị. Với tôi, thầy là cả một kho kiến thức không bao giờ cạn.

Cuối năm Lớp Nhất phải thi Tiểu học và tôi bị… đánh trượt vì bài văn nghị luận! Đề thi yêu cầu bình luận câu “Giàu đâu những kẻ ngủ trưa / Sang đâu những kẻ say sưa tối ngày”. Đầu óc non nớt của cậu học sinh Lớp Nhất khiến tôi lý luận: những kẻ ngủ trưa mới giàu, còn những kẻ say sưa mới... sang! Thế là năm đó tôi bị ở lại lớp. Mang tiếng là “học nhảy” nhưng rốt cuộc cũng học 2 năm Lớp Nhất!     

Tôi bắt đầu vào Trung học tại trường Trần Hưng Đạo Đà Lạt, học 2 năm Đệ Thất và Đệ Lục. Phải nói số tôi “may mắn” khi được các cô giáo… “thương” từ Tiểu Học cho đến những năm đầu Trung Học. Trong số các giáo sư có cô Thủy, mới ra trường, dạy môn sử các lớp Đệ nhất cấp. Cô Thủy là người tôi nhớ nhất vì mỗi khi cô đọc cho cả lớp chép bài cô chỉ đọc mỗi câu một lần và sau đó là điệp khúc… “Chính nhắc lại”!

Bây giờ thì người ta có chức… “trợ lý giáo sư” còn lúc đó tôi chỉ biết hãnh diện vì là “trò cưng” của cô Thủy, giúp cô đỡ tốn sức phải nhắc lại và lại còn giúp các bạn dò lại sau khi viết! Ngày nay cách “nhắc lại” đó không còn áp dụng, học trò viết chậm thường chỉ có cách mượn vở của bạn để chép lại.

Tôi sang trường Trung học Ban Mê Thuột năm Đệ Ngũ. Có lẽ đây là quãng thời gian nhiều kỷ niệm nhất của thời học trò. BMT là một thị trấn nhỏ, chỉ đi chừng 10 phút là hết các con phố thị. Những phố chính nơi đây chỉ quanh quẩn vài con đường như Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Nguyễn Thái Học, Tôn Thất Thuyết… với thêm những tên đường mang tên danh nhân người Thượng như Y Jút, Ama Trang Long…

 “Cầu 14”, một địa danh quen thuộc của BMT

Trung học BMT là một ngôi trường nhỏ với một dãy lớp học nên thầy trò luôn có cảm giác gần gũi như trong một gia đình. Riêng đối với tôi, ngày đầu vào lớp Đệ Ngũ cái cảm giác “gia đình” đó được thể hiện rất rõ nét vì được gặp lại thầy Đặng Kim Quy, trước đây là bạn học với ông anh tôi tại trường Phương Mai trên Đà Lạt. Trường Phương Mai là tiền thân của trường nữ Bùi Thị Xuân sau này nổi tiếng với các cô nữ sinh “má ngây ngây hồng” và chiếc áo len xanh lúc nào cũng khoác trên người.

Trên Đà Lạt thì gọi bằng “anh”, sang đến BMT lại là “thầy” nên tôi hay bị lẫn lộn trong lối xưng hô với thầy Quy. Thầy Quy có vóc dáng của một lực sĩ điền kinh, tôi đã từng ngưỡng mộ “anh” Quy với thân hình vạm vỡ mỗi lần anh đến nhà chơi với ông anh tôi khi còn ở Đà Lạt.

Sau này, cả hai ông anh đều vào Không quân. Anh Quy thì bay bổng trên trời với đôi cánh sắt còn ông anh tôi thì quanh quẩn dưới đất dõi theo qua màn hình radar! Tôi nghĩ, thầy Quy vẫn còn nhớ tới “thằng em” cũng là “thằng học trò” của thầy nên có lần thầy trò gặp nhau tại San Francisco, cả gia đình thầy đưa tôi đến một tiệm ăn ấm cúng trong bầu không khí gia đình.

Người thầy thứ hai là thầy Liễn, cũng là bạn học của ông anh tôi.  “Anh” Liễn ngày xưa trên Đà Lạt và “thầy” Liễn ở TH BMT có vóc người ngược lại với thầy Quy nhưng có tài “ăn nói” rất thuyết phục. Chả thế mà thầy Liễn còn được giao chức vụ Tổng giám thị của trường.

Ba người anh ngày nào nay chỉ còn hai. Ông anh tôi, Nguyễn Ngọc Nghiêm, đã vĩnh viễn ra đi tại Oklahoma ngày 16/10/1985. Ngày 7/2/2011 tôi nhận được email của thầy Liễn, bạn học của anh Nghiêm tại trường Phương Mai, Đà Lạt [1]. Nội dung như sau:

"Chính thân mến,

“Sáng nay anh đã đọc 2 lần DALAT SƯƠNG MÙ mà Chính đã gửi cho anh. Thật là trân qúy, những kỷ niệm tưởng như mới ngày hôm qua, để tưởng nhớ và thương tiếc NGHIÊM nơi ngàn trùng vĩnh biệt. Giờ phút này anh không thể nói gì với Chính cả, chỉ muốn dành thời gian nghĩ đến người bạn xấu số: NGUYỄN NGỌC NGHIÊM.

"Cám ơn em Chính nhé !

Thời đi học của tôi tại BMT khi đó trường có Hiệu trưởng là thầy Phạm văn Đồng. Không phải là “ông” Đồng, một chính khách và cũng là Thủ tướng của VNDCCH, thầy Hiệu trưởng Đồng của chúng tôi là một nhà giáo mẫu mực, từ tốn từ lời nói cho đến cách cư sử với đồng nghiệp và học sinh.

Tình cảm của chúng tôi dành cho thầy không những được duy trì trong suốt thời gian theo học mà còn lưu lại cho đến sau này khi chúng tôi trưởng thành, rời ngôi trường thời niên thiếu để tỏa đi khắp nơi trên thế giới. Thầy Đồng giờ tuổi tác đã già nhưng vẫn còn là một người thầy sống mãi trong kỷ niệm một thời đi học của tôi.

 Các cựu giáo sư & học sinh TH BMT hội ngộ tại tư gia thầy Phạm Văn Đồng 
nhân dịp đầu xuân tại Sài Gòn 

Nhiều thế hệ giáo sư đã đến rồi đi dưới mái trường TH BMT, thậm chí có nhiều người đã từng là học trò rồi sau đó trở thành thầy cô để dìu dắt các thế hệ đàn em dưới cùng một mái trường. Một số học sinh học lớp dưới chúng tôi cũng đã là thầy cô khiến mỗi dịp hội ngộ TH BMT có nhiều người thuộc lớp đàn anh lúng túng trong cách xưng hô.

Trường TH BMT cũng là nơi hội tụ nhà văn, nhà thơ đã từng dạy học tại đây và cũng đã từng nổi tiếng trên văn đàn miền Nam trước năm 1975. Tôi muốn nhắc đến thầy Nguyễn Duy Trại là nhà thơ Thái Anh Duy đã có thời làm chủ tịch Văn Bút Hải Ngoại tại Hoa Kỳ.

Thầy Nguyễn Kim Dũng, dạy hai môn Triết và Công dân Giáo dục, chính là nhà văn Thế Uyên, mẹ ông là em ruột nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, và bà cũng là chị nhà văn Thạch Lam. Nhà văn Thế Uyên là tác giả của một số các tác phẩm nổi tiếng xoay quanh người lính trong chiến tranh Việt Nam như “Mười ngày phép của một người lính”, “Tiền đồn”, “Đoạn đường chiến binh”... [2].   

Đối với phần đông học trò, môn Triết là một trong những môn “khó nhá” nhất vì những lý thuyết trừu tượng, mông lung nhưng không hiểu sao lũ học trò chúng tôi hầu như đều mong tới giờ Triết của giáo sư Dũng. Có lẽ vì trong giờ của thầy, ngoài những đề tài khô khan về triết học chúng tôi còn được nghe những chuyện vượt ra khỏi sách giáo khoa để được hiểu rõ hơn về triết các triết gia trong cuộc đời thực của họ.

Sau 1975, cũng như hàng trăm ngàn sĩ quan miền Nam, thầy Dũng đi học tập cải tạo trước khi đến định cư tại Mỹ. Thầy bị tê bại nửa người, phải ngồi trên xe lăn nhưng bằng một nghị lực phi thường, thầy Dũng đã tập viết bằng tay trái và trên các tạp chí văn học hải ngoại vẫn thấy xuất hiện các bài viết của nhà văn Thế Uyên.

Nhà văn Thế Uyên, Giáo sư Nguyễn Kim Dũng, đã ra đi về cõi vĩnh hằng ngày 11/6/2013, hưởng thọ 79 tuổi. Dưới đây là Phân Ưu của Hội Ái hữu Trung học Ban Mê Thuột:

“Hội Ái Hữu Trung Học Ban-Mê-Thuột vô cùng đau buồn báo tin trễ, cựu Giáo Sư, nhà văn, nhà báo THẾ UYÊN NGUYỄN KIM DŨNG đã từ trần ngày 11/6/2013, lúc 5 giờ 31 chiều, tại tư gia, Seattle, WA. Hưởng thọ 79 tuổi. Tang lễ và an táng đã cử hành ngày Chủ Nhật 16/6/2013.

Hội Ái Hữu cựu Giáo Sư, Học Sinh Trung Học Ban-Mê-Thuột, đồng thành kính chia buồn cùng cô Nguyễn Thuý Sơn và toàn thể tang quyến. Kính nguyện cầu hương linh Thầy THẾ UYÊN NGUYỄN KIM DŨNG sớm tiêu diêu Miền Lạc Cảnh”.

Các giáo sư trường TH BMT trong tấm hình lưu niện với thầy Hiệu trưởng Phạm Văn Đồng (người đứng khoanh tay ở giữa)

Trong tấm hình trên, người đứng hàng thứ hai từ phải sang là giáo sư Trần Văn Thịnh, dậy môn Sử. Sở dĩ tôi nhắc đến thầy Thịnh vì có nhiều kỷ niệm với thầy và gia đình thầy năm 2007 và 2013 tại Úc Châu [3].

Trong cả hai lần đến Melbourne thăm gia đình con gái, tôi đều gặp thầy và người bạn đời của thầy là Thanh Xuân, cũng là học sinh BMT học dưới tôi vài lớp. Được hội ngộ với thầy Thịnh là cả một duyên may qua con gái Bích Hà. Ở Melbourne Hà có quen với em của Thanh Xuân và lần tìm ra manh mối thầy Thịnh.

Điều trớ trêu là Hà gọi thầy Thịnh-Thanh Xuân bằng anh chị còn tôi lúc gặp lại vẫn không thể nào quên được chữ “Thầy”. Lần gặp đầu tiên năm 2007 chúng tôi lên Bright thăm thầy, Bright cách Melbourne khoảng 300 cây số.

Giây phút đầu tiên gặp thầy Thịnh sau mấy chục năm xa cách thật khó quên: vừa bước vào cửa đã nghe bản quốc ca của VNCH qua băng cassette. Tôi lặng người không nói nên lời vì cách thầy chào đón người học trò cũ bằng một lễ nghi đúng điệu… quân cách. Giây phút đó tôi ôm thầy, nghẹn ngào, nước mắt rưng rưng…       

Những nụ cười rạng rỡ trong buổi hội ngộ tại nhà thầy Thịnh, Melbourne, 2013

Có những giáo sư đáng kính như thầy Thịnh là một duyên may trong thời học trò. Nhưng cũng có những giáo sư “đáng sợ” như thầy Đĩnh dậy Pháp văn, phải nói là thầy Đĩnh “hét ra lửa” với những học trò dốt tiếng Pháp. Ông đã từng bắt hai học sinh quỳ hai bên bảng đen, quay mặt xuống nhìn cả lớp có đủ cả nam lẫn nữ sinh. Thầy còn chế diễu: “Hai ‘ông’ này là Chánh tế và Phó tế”!

Thật tình tôi không “ngán” thầy Đĩnh bằng thầy Viên dạy Toán vì môn Toán đối với tôi rất… “khó nhá”. Thầy Viên, theo mô tả của nhiều học sinh, lúc nào cũng “lầm lầm lì lì”, không bao giờ cười và có thói quen khi cả lớp đang làm bài thì thầy đi từ đầu lớp xuống cuối lớp, đầu thầy gật gù và miệng thì lẩm bẩm câu gì đó. Thầy rất nghiêm nhưng tôi chưa thấy thầy phạt một ai và trong giờ của thầy, cả lớp im phăng phắc.

Có người đưa ra nhận xét: cái tên đôi lúc cũng ảnh hưởng đến con người. Nhận xét này rất đúng với trường hợp một cô giáo mà tôi có ấn tượng mạnh nhất trong những năm học trên BMT. Đó là cô Tiên, dạy Việt văn.

Thật đúng với cái tên của một “cô tiên” có sức cuốn hút mỗi khi cô bước vào lớp. Học trò đang tuổi mới lớn nên nhiều mơ mộng vẩn vơ và thường lấy hình ảnh của cô làm mẫu mực… Cô Tiên rất thoải mái trong việc giảng dậy học trò nên trong lớp nhiều khi có những cuộc tranh luận rất gay cấn.

Tôi nhớ mãi một hôm trong giờ Kim văn có từ ngữ “khoái lạc” từ một bài văn bị lạc vào tầm ngắm của học trò. Thế là cả lớp, toàn những “mái đầu xanh vô tội”, say sưa tranh luận về “khoái lạc” mà kỳ thật có lẽ chẳng ai hiểu cho rõ ngọn ngành của… khoái lạc. Có lẽ trừ một vài anh theo phong tục xưa, gia đình cho lấy vợ sớm, nhưng vẫn còn đi học!             

Thời tôi học trên BMT có nhiều giáo sư tốt nghiệp từ Đại học Sư phạm Huế như các thầy Lô, thầy Uyên, thầy Di, thầy Trúc… Giọng Huế của thầy Trúc trong giờ Anh văn thật đặc biệt. Tôi nhớ thầy qua câu “Question… zero, ngồi xuống!”.

Số là một hôm thầy Trúc kiểm tra phần phát âm, mỗi học sinh được gọi tên sẽ đứng lên chỉ để đọc mỗi một chữ “question”, anh nào phát âm là “quét chân” được 10 điển còn anh nào “quét sân” lập tức bị zero, thầy còn nói thêm: “Ra ngoài sân mà quét!”.

Thầy (ngồi) và trò (đứng) trong một lần hội ngộ tại Sài Gòn năm 1997

Phần cuối của bài viết này xin dành cho một người thầy mà những kỷ niệm đã gắn bó với tôi, không những chỉ trong những năm cuối Trung học mà còn kéo dài cho đến ngày nay, khi thầy thì đã gần 80 còn trò thì bước vào tuổi 70.

Tôi muốn nói đến thầy Bùi Dương Chi, dậy Anh văn tại trường TH BMT từ năm 1963 đến 1974. Tôi chỉ học thầy đến năm 1967, lại chọn Anh văn làm sinh ngữ phụ, nhưng đó không phải là lý do khiến tầm ảnh hưởng của thầy phai nhạt đối với tôi, không những vào tuổi học trò mà còn kéo dài đến tận ngày nay.

Thầy Chi xuất thân từ một gia đình khá nổi tiếng. Thân phụ của thầy là ông Bùi Nhung, nhà báo và cũng là công chức dưới thời VNCH. Thầy còn có bà mẹ là nhà văn Thụy An, người đã ở lại Hà Nội sau Hiệp định Geneva năm 1954 để rồi đến năm 1958 bị chính quyền VNDCCH kết án 15 năm cải tạo trong vụ án “Nhân văn – Giai phẩm” [4]. Bà cũng là nhân vật nữ duy nhất và nhận mức án cao nhất bên cạnh những nhà văn như Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt, Phan Khôi…

Dòng họ Bùi còn có người đã gắn bó lâu đời với hoạt động văn hóa Việt Nam thời cận đại như ông Bùi Kỷ [5], anh ruột của ông Bùi Nhung, thân phụ giáo sư Chi. Ông Bùi Kỷ là nhà giáo, nhà Nho và nhà nghiên cứu văn hóa có ảnh hưởng trong những năm đầy biến động của lịch sử Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ 20. Một người em gái của ông sau này lấy chồng là ông Trần Trọng Kim, nhà chính trị, nhà văn hóa và nhà sử học.

 Hai thầy trò tại Sài Gòn sau năm 1975

Các bạn trẻ ngày nay thường chọn những ngôi sao ca nhạc, điện ảnh làm “thần tượng”. Đối với thế hệ của chúng tôi, “thần tượng” không phải tìm đâu xa mà chính là những người sống ngay bên cạnh mình. Thầy Chi là một ví dụ điển hình.  

Thầy Chi đỗ Tú tài toàn phần năm 1958 nhưng lại không tiếp tục học mà tham gia Cơ quan Tình nguyện Quốc tế (International Voluntary Services – IVS), một tổ chức bất vụ lợi của Mỹ được thành lập từ năm 1953 nhằm thực hiện các chương trình phát triển tại các nước thuộc “thế giới thứ ba” như Việt Nam, Lào, Ai Cập, Iraq, Nepal, Ecuador, Bolivia, Algeria… IVS chấm dứt hoạt động năm 2002 chỉ còn “Peace Corps” (Đoàn Hòa Bình), một tổ chức của chính phủ Mỹ do Tổng thống Kennedy thành lập từ năm 1961. 

Trong suốt thời gian làm thanh niên tình nguyện, IVS đã tạo cơ hội cho thầy Chi đến các vùng xa xôi như Thừa Thiên, Quảng Ngãi, Tuyên Đức, Ninh Thuận và Ban Mê Thuột. Hai năm sau thầy Chi mới trở về ghi danh tại Đại học Sư phạm Sài Gòn, dĩ nhiên là ban Anh văn. Khi tốt nghiệp, trường TH BMT là địa chỉ duy nhất thầy chọn làm nhiệm sở. Thầy tâm sự trong một email:

“Tôi thích BMT/Daklak vì tôi đã có việc làm đầu đời ở đó từ 20/04/1958 với nhiều kỷ niệm thân tình và nhiều cơ hội học cách xử dụng các loại nông cơ do một số thanh niên nông thôn Mỹ thuộc tổ chức IVS tình nguyện sang VN chỉ dẫn… Do đó, khi điền đơn chọn nhiệm sở kể từ  NK 1963-1964, tôi chỉ ghi BMT/Daklak.  Ngày trình diện, tôi rất mừng khi thấy hs gồm có nam và nữ, Kinh và Thượng. Suốt 11 niên khóa, nhiều hs học tôi và không học tôi, ngoài việc học chữ, còn hăng hái tham gia các hoạt động hiệu đoàn và cộng đồng do mấy thầy, cô và tôi chủ xướng”.    

Hoạt động hiệu đoàn mà thầy Chi nói đến trong email là chương trình xây thư viện cho trường. Ngày đó, các lớp lớn, từ Đệ Tam đến Đệ Nhị, thường có những hoạt động “ngoại khóa”, trước tiên là làm gạch, sau đó trường dành một miếng đất nhỏ cho học sinh tự tay xây một thư viện vuông vức, mỗi chiều khoảng 4 mét.

Thế là ngoài những giờ học trong lớp, trường bỗng trở nên sống động với các học trò khoác áo công nhân dưới quyền điều động của thầy Chi, giáo sư Anh văn kiêm… kiến trúc sư xây dựng. Cũng như các thành viên IVS, chúng tôi tự nguyện tham gia việc xây thư viện vì đó là việc làm thiết thực cho mình và cho cả những thế hệ đàn em sau này.   

Học trò sau một buổi làm công nhân xây thư viện

Đối với tôi, thầy Chi còn để lại những dấu ấn riêng tư về nhiều khía cạnh. Thầy đã tạo cơ hội để tôi tiếp cận với văn chương thế giới qua tiếng Anh. Truyện ngắn nổi tiếng “The Gift of the Magi” của nhà văn O. Henry đã được thầy đưa vào lớp năm tôi học Đệ Tam.

Sau này, truyện đã được dịch sang tiếng Việt với nhiều tựa đề như "Món quà Giáng Sinh", "Món quà của nhà thông thái" hay "Món quà của các đạo sĩ"… kể về một cặp vợ chồng trẻ và cách họ đương đầu với những thách thức của việc mua quà tặng Giáng sinh cho nhau với số tiền ít ỏi mà họ có.

Với số tiền 1 đô la 87 xu, Della quyết định mua một sợi dây cho chiếc đồng hồ bỏ túi quý giá của James vì anh chưa bao giờ có đủ tiền mua sợi dây đeo. Để có tiền, Della quyết định cắt mái tóc dài của mình, thứ quý giá nhất mà nàng có, bán cho tiệm làm tóc giả. Trong khi đó, Jim quyết định bán đồng hồ quý giá của mình để mua một bộ kẹp tóc có đính đá quý cho Della.

Cả hai đều hí hởn vì nghĩ rằng mình có thể làm cho người kia bất ngờ và ngạc nhiên về món quà độc đáo của mình. Tuy thất vọng ở đoạn kết, cả hai có thể cảm nhận được tình yêu của nhau qua việc đã hy sinh vật quý nhất của mình để mua cho nhau món quà mà người kia thích.

Thầy Chi cũng là người dẫn tôi vào thế giới của âm nhạc. Trong những lần đến nhà thầy, tôi vừa được học thêm tiếng Anh với các bạn IVS của thầy lại còn học được những bản nhạc “đồng quê” của Mỹ. Sau này, khi đi du học Hoa Kỳ, tôi vẫn thường làm người Mỹ ngạc nhiên vì có thể hát các bài như “Tom Dooley” [6], "Swing Low, Sweet Chariot" [7], “Five Hundred Miles” [8]

Cho đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn nghêu ngao những bài hát này để nhớ về một người thầy của thời niên thiếu:

“If you miss the train I'm on
You will know that I am gone
You can hear the whistle blow
A hundred miles…”

“Swing low, sweet chariot
Coming for to carry me home,
Swing low, sweet chariot,
Coming for to carry me home…”

“Hang down your head, Tom Dooley
Hang down your head and cry;
Hang down your head, Tom Dooley,
Poor boy you're bound to die…”

Ảnh mới nhất của thầy Chi bên cây đàn tại nhà Vĩnh Anh, học trò cũ
(Cali, 2014)

Tôi rời TH BMT vào cuối năm Đệ nhị để về lại Đà Lạt học tiếp tại trường Trần Hưng Đạo vì BMT khi đó chưa có lớp Đệ nhất. Đó cũng là những năm tình hình chính trị tại miền Nam rối ren vì các cuộc biểu tình, kéo theo một số học sinh cũng bỏ học để “xuống đường” tại nhiều nơi, kể cả BMT.

Trong cương vị một nhà giáo, thầy Chi không chấp nhận việc “xuống đường”. Theo lời kể lại của một số học sinh, “thầy Chi quá khắt khe” khác hẳn với phong cách thân tình, hiền hòa của những năm đầu mới lên dậy trên BMT.

Bây giờ ngồi nghĩ lại, tôi rất “thông cảm” với thái độ dứt khoát của thầy vào thời điểm đó. Chuyện biểu tình là của những người đã trưởng thành và có chính kiến rõ rệt còn chuyện học sinh “xuống đường”, xét cho cùng, cũng chỉ là sự lợi dụng của “người lớn”, họ đẩy học sinh ra đường chỉ nhằm mục đích tạo hậu thuẫn cho các thế lực chính trị.

Bẵng đi một thời gian nhập ngũ và về dậy tại trường Sinh ngữ Quân đội, tôi mất liên lạc với thầy Chi và chỉ gặp lại thầy vào năm 1974 tại Sài Gòn. Thầy về đây để chuẩn bị hồ sơ đi du học. Cũng thật may mắn khi tôi có cơ hội cùng với một người bạn, Đoàn Đình Nga, cũng là cựu học sinh BMT, “bảo lãnh” cho thầy đi vì thủ tục thời đó đòi hỏi phải có 2 sĩ quan đứng ra ký tên bảo lãnh cho người xin đi du học.

Tôi và người bạn “hoan hỉ” làm công việc “bảo lãnh” cho thầy và không thể nào ngờ một năm sau đó Sài Gòn sụp đổ khiến thầy Chi trở thành một trong số những người “di tản” khỏi Việt Nam… sớm nhất. Tại Hoa Kỳ, thầy Chi có dịp đoàn tụ cùng bà xã là cô Diana, một thành viên IVS trước đây, và thầy lấy bằng Cao học Giáo dục tại trường Đại học Boston, Massachusetts.      

Thầy Chi và con trai trên “Cầu 14” trong một lần về thăm lại BMT

Những tưởng chuyện thầy Chi đến đây có thể tạm dừng nhưng đó lại chưa phải là đoạn kết. Từ năm 1992 thầy Chi đã nhiều lần trở về Việt Nam với nhiệm vụ là Giáo sư Hướng dẫn của Chương trình Học kỳ Hải ngoại (College Semester Abroad) thuộc School for International Training (SIT), tiểu bang Vermont. SIT tạo điều kiện cho sinh viên Mỹ theo một học kỳ mùa hè khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.

Mỗi học kỳ, sinh viên học 12  tuần tại Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Nam và Đông Nam Á tại Sài Gòn và sau đó có 4 tuần lễ đi du khảo các địa danh nổi tiếng từ Nam ra Bắc. Tôi đã từng tham gia 2 chuyến du khảo “cross-country” cùng thầy trong số 9 lần thầy dẫn sinh viên về Việt Nam.

Tôi thầm nghĩ, thầy Chi đã chọn đúng một công việc thích hợp với khả năng chuyên môn đồng thời công việc này lại khiến thầy theo dõi tình hình thực tế của đất nước. Trong một email thầy phân tích:

“Điều khác biệt lớn nhất trong ngành giáo dục sau 1975 là nhà nước đã can dự rất quy mô vào sinh hoạt học đường qua ban giám hiệu, giáo chức và các đoàn thể sinh viên, học sinh. Trước 1975, ở các trường tiểu, trung và đại học tôi đã theo học và ở trường TH BMT là nơi tôi đã dậy 11 niên khoá thì không có sinh hoạt chi bộ đảng đoàn nào cả.

Một điều khác biệt nữa là trước 1975, nhân viên nhà trường và giáo chức bị kỷ luật thì có thể bị kết tội là “vi phạm đạo đức nghề nghiệp” chứ không có các tội “phản động”, làm “mất đoàn kết nội bộ”, lợi dụng “tự do, dân chủ” để chống đối chính quyền hay lật đổ chế độ, v..v.. như ngày nay”. 

Thầy Chi (mũ đen) và đoàn sinh viên Mỹ trên đỉnh đèo Hải Vân

Đó là một nhận xét rất khách quan của một người thầy suốt đời sống vì sự nghiệp giáo dục. Đó cũng là điều chúng ta cần suy gẫm để ngành giáo dục của Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn.  

***

Chú thích:

[1] Về anh Nguyễn Ngọc Nghiêm, đọc “Hồi ức về một người thân” tại:

[2] Về nhà văn Thế Uyên, đọc “Ngôn ngữ Sài Gòn xưa: Lính tráng (2)” tại:

[3] Về thầy Trần Văn Thịnh, đọc “Du ký xứ… Miệt Dưới (3): Tiệc hội ngộ” tại:

[4] Về nhà văn Thụy An, đọc “Nhân văn - Giai phẩm: Nhà văn Thụy An” tại:

[5] Về ông Bùi Kỷ, xem Wikipedia tại: http://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%B9i_K%E1%BB%B7

[6] Xem video clip “Hang Down Your Head Tom Dooley” do ban The Kingston Trio hát tại:

[7] Xem video clip "Swing Low, Sweet Chariot" do Johnny Cash trình bày tại:

[8] Xem video clip “Five Hundred Miles” do ban The Brothers Four trình bày tại:
https://www.youtube.com/watch?v=VLeyCX3Em-c

***

Bình luận trên Facebook:




***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 2: Thời niên thiếu)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

1.            Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
2.            Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
3.            Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
4.            Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5.            Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
6.            Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
7.            Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
8.            Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
9.            Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 

Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!
--> Read more..

Popular posts