Thứ Hai, 29 tháng 4, 2019

30/4: Chuyện những người tháo chạy


Đây là bài viết cuối cùng trong loạt bài về ngày 30/4/1975.

Chúng tôi muốn nói đến tác phẩm của Kim Lĩnh mang tựa đề “30.4 Chuyện những người tháo chạy” được viết theo cái nhìn khác hẳn do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 1987. Đó là cái nhìn của “bên thắng cuộc” trong cuộc chiến vừa qua.

Theo lời nhà xuất bản ở phần giới thiệu tác phẩm, tác giả Kim Lĩnh là “một sĩ quan thuộc Liên đoàn Công binh số 10” ở Đà Nẵng. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh viết:

“Anh đã chứng kiến đầy đủ mười hai ngày đêm tháo chạy không tiền khoáng hậu trong lịch sử của bọn tàn quân ngụy và những người dân lương thiện từ lâu sống trong sự bưng bít của chiến tranh tâm lý Mỹ, bị ép buộc phải di tản về Nam.

“Trên con đường ngàn dặm đầy tai ương ở ven biển miền Trung, đoàn người di tản dấn thân vào cái lưỡi hái của “cọp vằn”, “hùm xám”, “trâu điên” – lực lượng của cái “chính phủ vì dân” – mà lâu nay họ coi như là “thiên thần” của họ.


“Ưu điểm chính của tập sách là đã miêu tả một cách chân thật, sinh động bằng những chi tiết mắt thấy tai nghe về cuộc tháo chạy của ngụy quân, ngụy quyền từ sau sự kiện Buôn Ma Thuột cho đến những giây phút cuối cùng của chế độ Sài Gòn nên rất hiếm có.

“Những cuộc tàn sát man rợ của các sắc lính ngụy đến hồi mạt vận, cũng như số phận bao nhiêu người dân bị chết oan uổng vào những ngày sắp chấm dứt chiến tranh đã cho thấy thực chất của cái gọi là “quân đội Việt Nam Cộng hòa” chỉ là một lũ đánh thuê không hơn không kém.

“Bằng những sự kiện thật, dưới mắt người lính khá am tường “nghề nghiệp” tên Hòa, tác giả Kim Lĩnh đã xây dựng được những chân tướng khá độc đáo của sĩ quan và binh lính ngụy cùng những chân dung những người di tản, trong đó có không ít những người lương thiện bị lầm đường và đã kịp thấy ra trong những ngày hoảng loạn.”

(hết trích)

Bìa trước

Bìa sau

Chuyện những người tháo chạy kéo dài tới gần 500 trang và được chia thành 5 Chương với các chủ đề rất chi là “ấn tượng”: (1) Cuộc di tản; (2) Bản chất bỉ ổi; (3) Đất bằng dậy sóng; (4) Chống lại bạo tàn; và (5) Vớt vát được gì?

Mỗi Chương lại có những tiểu đề với cách dùng chữ rất “sắt máu”. Chẳng hạn như: “Chiêu bài ‘tử thủ’ và ‘di tản’ hay những cuộc lừa đảo trắng trợn”, “Trong tay lũ sát nhân”, “Cố thoát khỏi nanh vuốt lũ sát nhân”, “Bắn thẳng vào thằng ác ôn”, “Bẫy rập giăng đầy đón con mồi sống sót”.

Tả lại cảnh hỗn loạn tại cửa Tư Hiền (Huế), tác giả viết:

“Nãy giờ bọn rằn ri [lính mặc quân phục “vằn vện” như Dù, Thủy quân Lục chiến, Biệt động quân – Chú thích của NNC] đơn phương nổ súng bắn vào đồi và đã im lặng từ lúc 4 chiếc máy bay hết đạn bom bỏ đi. Chúng bắn chán vì chẳng có tiếng súng bắn trả. Dường như quân giải phóng không thèm chấp nhứt đến họng súng bắn vu vơ [?]. Mất hào hứng, chúng ôm súng bỏ đi và đòi được qua sông trước. Một thằng nạt Tu:

- Ê. Đ.m., mầy để các ông [?] xuống thuyền chớ? Đừng giỡn với cọp ba đầu rằn [lính Biệt động quân] nghe?
- Không có giỡn gì cả! Các anh buông thuyền ra cho chạy, thuyền đầy rồi.
- Đầy thì đuổi xuống bớt cho các ông lên! 

Thằng đó không chịu buông. Một thằng khác lí luận võ biền:
- Này ông bạn nẫu [danh từ miệt thị chỉ dân miền Trung], ông bạn nên nhớ phải còn cần tụi này nghe. Để tụi này qua sông trước đánh mở đường. Đường còn lắm chông gai đấy ông bạn nẫu ạ!

(hết trích)


Chiến sự miền Nam sôi động hẳn từ đầu năm 1975. Ban Mê Thuột thất thủ (10/3/1975) và đến ngày 19/3/1975, Quảng Trị mất. Người ta tràn ra cửa Thuận An dùng ghe tàu di tản. Ngày 20/3/1975, cửa biển bé nhỏ này của Huế tràn ngập người chạy loạn, họ chen nhau lên những chiếc tàu của hải quân được lệnh tháo lui. Kim Lĩnh viết: 

“Những người dân cả đời bị bưng bít sự thật và bị chiến tranh tâm lý của Mỹ-ngụy lừa  bịp, đe dọa, họ tự giải quyết cuộc sống từng ngày và họ đang đếm từng ngày sống ấy trên đoạn đường đầy nỗi gian khổ, lo âu. Bọn quân lính của những đơn vị bị đánh tan tác ở Quảng Trị và phía BắcThừa Thiên tự động rã ngũ, nhập vào kéo theo hỗn loạn nhếch nhác.

 

“Chiều xuống, trên cửa Tư Hiền, cách phía nam Huế vài mươi cây số, tiếng ầm ĩ của thần chết lan trong không gian: một  chiếc L19 bay dật dờ quần đảo liếc ngó đám người ngồi bó gối trong bóng lá trở nên xanh thẩm và phóng về Đà Nẵng bức điện kêu cứu:

“Bằng mọi giá – Liên đoàn 10 Công binh chiến đấu, đưa vượt sông 5000 người. Tại cửa biển Tư Hiền. Báo cáo khẩn”

(hết trích)

Di tản theo Liên tỉnh lộ 7B về Tuy Hòa

***
Chúng tôi vào Google để tìm hiểu thêm về tác giả cuốn sách. Gõ “tác giả Kim Lĩnh” rồi “nhà văn Kim Lĩnh” nhưng hoàn toàn không có kết quả. Kể cũng lạ đối với tác giả một cuốn truyện khá dầy do nhà xuất bản TP. HCM ấn hành.

Ngoài ra, ở trang cuối của cuốn truyện ghi rõ:

“In 30.200 cuốn khổ 13 x 19cm tại Nhà in báo Sài Gòn Giải phóng, Bản chữ Hoa. In xong tháng 8 năm 1987. Nộp lưu chiểu tháng 9 năm 1987”

Có điều những dòng chữ đó vừa đánh máy lại vừa viết tay… Chúng tôi chụp lại theo hình dưới đây:


***

--> Read more..

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2019

Tản mạn cuối Tháng Tư


Trong lãnh vực văn chương, đã có hàng trăm tác phẩm cũng như bài viết về cuộc Chiến tranh Việt Nam. Người viết có thể là người Mỹ hoặc không phải là người Mỹ, do đó họ cũng có những cái nhìn rất khác nhau về biến cố chính trị - quân sự và cả xã hội trên đất nước Việt Nam.

Đối với Hoa Kỳ, Chiến tranh Việt Nam là một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất lịch sử. Những con số thống kê đã nói lên sự mất mát với 58.000 người Mỹ đã thiệt mạng, 3.000 quân nhân còn bị báo cáo là “mất tích”. Về kinh tế, cuộc chiến đã làm thất thoát 300 tỷ đô la với 3 triệu cựu chiến binh sống lay lứt bên lề xã hội Mỹ vì “hội chứng Việt Nam”.

Đó là những con số thống kê trong “Decent Interval” của Frank Snepp. Những con số này có phần thay đổi tùy theo nguồn, chính kiến và quan điểm của các tác giả khác. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là một vết thương cho đến ngày nay vẫn còn “rỉ máu” dù cuộc chiến đã chấm dứt cách đây hơn 40 năm.

Nhìn chung, các tác giả viết về ngày 30/4 có thể được chia thành hai nhóm: (1) những tác giả người Mỹ, và (2) những người “không-phải-là-người-Mỹ”. Phân loại theo quốc tịch như vậy, thực ra vẫn chưa chính xác vì còn nhiều yếu tố quan trọng, chẳng hạn như chính kiến hay quan điểm của người viết.

Năm 2005, một cuốn sách mang tựa đề “Khi đồng minh tháo chạy” được xuất bản tại San Jose. Tác giả cuốn sách là Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, giáo sư Kinh tế, Đại học Howard. Ông đã một thời làm phụ tá của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và sau đó làm Tổng trưởng Kế hoạch trong nội các chính phủ VNCH.

“Khi đồng minh tháo chạy”,
(Cơ sở Xuất bản Hứa Chấn Minh, San Jose, 2005)

Ngay trên bìa cuốn sách, bên dưới có dòng chữ “Sao chúng không chết phức cho rồi”, dịch thoát từ câu nói của Henry Kissinger “Why don’t these people die fast” (đây cũng là tiểu đề của Chương 13). Có thể coi đó là câu nói khiếm nhã mà người miền Nam “ghét cay, ghét đắng” Ngoại trưởng Kissinger dưới thời Tổng thống Richard Nixon.

Năm 1979, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã có một cuộc phỏng vấn trên báo “Der Spiegel” (Tấm Gương, Đức) về cuốn hồi ký của Henry Kissinger. Chỉ vài tuần sau, Kissinger đã gửi cho Tổng thống Thiệu một lá thư riêng (không đề ngày) với lời lẽ rất nhã nhặn để trình bày sự việc trong cuốn hồi ký. Bức thư có đoạn viết:

“Tôi có thể hiểu được sự cay đắng của ngài… Cuốn sách của tôi không ngớt lời ca tụng lòng can đảm và tư cách của ngài… Tôi không trông đợi thuyết phục được ngài nhưng ít nhất tôi có thể tin tưởng rằng lòng ân hận và kính trọng ngài vẫn còn trong tôi.

“Với những lời chúc tốt đẹp nhất.

Henry Kissinger”

(hết trích)

Henry Kissinger bị nhiều người coi là “tội phạm chiến tranh”

Tiến sĩ Hưng viết: “Khi viện trợ Mỹ bị cắt từ 25 tỉ đô la xuống còn 700 triệu đô la, ông Thiệu chua xót: "Mới vài ngày trước đây là 1 tỉ, bây giờ 700 triệu, tôi làm gì được với số tiền này? Như là chuyện cho tôi 12 đô la và bắt tôi mua vé máy bay hạng nhất từ Sài Gòn đi Tokyo vậy" (sách đã dẫn, trang 223).

Trong cơn khủng hoảng, Sài Gòn vừa cầu cứu Quốc hội Hoa Kỳ, vừa xin vay nợ nhiều nơi trên thế giới như ở Pháp, Nhật và gõ cửa cả hoàng cung của xứ dầu hỏa Saudi Arabia. Nhiều lúc Tiến sĩ Hưng phải dẹp bỏ tự ái khi lui tới Quốc hội Hoa Kỳ trong vai trò “không khác gì một kẻ ăn xin”.

Nhân dịp phát hành cuốn sách, đài VOA có phỏng vấn và ghi lại phát biểu của ông như sau:

"Tôi có 4 động cơ chính khi viết sách này:

“Thứ nhất, tôi muốn đặt lại vai trò và trách nhiệm của Hoa Kỳ. Do cơ duyên lịch sử run rủi, tôi đã được chứng kiến những gì đã xảy ra đằng sau hậu trường bang giao Việt-Mỹ vào những ngày tháng cuối cùng; và nghĩ là đã đến lúc viết ra một cách trung thực những gì mình đã chứng kiến để soi sáng cho lịch sử.

“Thứ hai: tôi muốn nói lên tiếng nói về phía Việt Nam. Rất nhiều sách đã được viết về thời gian kết thúc cuộc chiến, phần nhiều rất là thiên lệch, nhất là sách của các tác giả người Mỹ, họ viết theo quan điểm của họ.

“Thứ ba: tôi nghĩ đặc biệt đến giới trẻ Việt Nam, họ rất hoang mang, không hiểu rõ lịch sử, không đủ tài liệu để đọc. Nhiều em học sinh và sinh viên viết những bài essay về Việt Nam dựa trên tài liệu của thư viện hoặc Internet, tôi thấy có nhiều bài rất ngây ngô, thiên lệch. Tôi nghĩ rằng nếu tiếp tục để các em viết như thế này thì lịch sử sẽ không được trung thực. Vì thế tôi đã cố gắng ghi lại các tài liệu bằng tiếng Anh và để trong phần phụ lục cho các em tham khảo. Ví dụ như câu của Tiến sĩ Henry Kissinger: "biết ơn không phải là đặc tính của người Việt Nam", nếu chúng ta để các em trích câu đó vào các bài của mình thì làm sao đúng được.

“Lý do sau cùng: tôi nghĩ rằng tôi có trách nhiệm với chính cá nhân tôi sau khi có cơ hội được gần Tổng thống Thiệu và Đại sứ Martin trong những ngày tháng cuối cùng, và sau năm 1975, đã được tiếp xúc rất nhiều với hai nhân vật này, đã được nghe và ghi lại nhiều điều tâm huyết".

(hết trích)

Đại sứ Graham Martin trình ủy nhiệm thư lên Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu

Trước đó, năm 1986, Tiến sĩ Hưng viết cuốn “Palace File” và được dịch ra tiếng Việt với nhan đề “Hồ sơ mật Dinh Độc Lập” (HSMDĐL). Sách viết về mối bang giao Việt-Mỹ trong những năm cuối cùng của Chiến tranh Việt Nam, nhất là những biến cố xoay quanh hoà đàm và Hiệp định Paris (1973) về việc chấm dứt Chiến tranh Việt Nam.

Cà hai cuốn sách nói trên ra đời trong sự “khen – chê” của cộng đồng người Việt tại hải ngoại cũng như trong nước. Trên BBC, Nguyễn Kỳ Phong nhận xét:

“Về căn bản, “Khi đồng minh tháo chạy” không có gì mới so với “HSMDĐL”… Trong khi trong HSMDÐL có những chi tiết có thể gây ra tranh luận, nhưng những chi tiết đó được trình bày với dẫn chứng và bằng sử liệu. Nhưng trong KÐMTC, nhiều chi tiết đã làm độc giả gãi đầu vì tác giả không cung cấp một tài liệu nào để chứng minh cho những nhận định đưa ra".

Cũng trên BBC, có đăng ý kiến trái chiều của Nguyễn Tường Tâm:

“Với 705 trang đầy ắp những dữ kiện, trong đó rất nhiều dữ kiện chưa từng được công bố liên quan tới bang giao giữa Hoa Kỳ và VNCH cho tới ngày tàn cuộc, cuốn “Khi đồng minh tháo chạy” xứng đáng là cuốn hay nhất trong các cuốn sách cùng loại. Cuốn sách không cần phải đọc lần lượt từ đầu tới cuối mà có thể chọn bất cứ chương nào mình thích để đọc trước, điều đó giúp cho người đọc cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái... Ngoài thể bút ký, cuốn sách thực sự là "một công trình nghiên cứu khoa học có giá trị...”.

“Khi đồng minh tháo chạy” được chia làm 5 phần: (1) Làm sao thoát khỏi vũng lầy; (2) Thân phận tiểu quốc; (3) Khi đồng minh tháo chạy; (4) Rước của nợ hay được của có?; và (5) Nhìn lại lịch sử. Ngoài ra, phần cuối sách còn có “Thay Lời Cuối”: Thiện tâm của nhân dân Hoa kỳ.

Năm phần chính được chia thành 20 Chương với những tiểu đề rất kêu và rất “sốc” như: Hãy giúp chúng tôi / Một ân huệ cuối cùng; "Sao chúng không chết phứt cho rồi!"; Vào để giúp… Ra lại bắn nhau?; Cái gậy và củ cà rốt...  

Ngay trong “Lời nói đầu”, tác giả đã khẳng định:

“Điều mà cuốn Khi đồng minh tháo chạy” muốn nhấn mạnh, nhất là cho người Việt Nam chúng ta rõ, là cung cách mà một số chính khách Hoa Kỳ, đặc biệt là ông Kissinger, và phần nào, hai ông Nixon, Ford cũng như một số Nghị sĩ, Dân biểu với con mắt thiển cận, đã hành xử đối với nhân dân Miền Nam. Nó phản bội nguyên tắc ‘’minh bạch’’ (transparency) của thể chế Dân Chủ, và đi ngược lại tinh thần công bình của đại đa số nhân dân Hoa Kỳ. Trong bóng tối, trước hết hai ông Kissinger, Nixon đã dùng thủ đoạn ép buộc Miền Nam đi theo đường lối của mình, mục đích chính chỉ là để cho Quân đội Mỹ rút đi, và tù binh được thả về. Khi Chính phủ Miền Nam phản kháng thì đe dọa với ‘’cái gậy’’ (đảo chánh và cắt viện trợ), và hứa hẹn với ‘’củ cà rốt’’ (bảo đảm hòa bình và viện trợ đầy đủ)”.

Phần cuối cuốn sách, Tiến sĩ Hưng viết một đoạn thật chua chát:

“Miền Nam đã đi vào dĩ vãng. Nhưng còn tàn dư của cuộc chiến, và đối với những người bại trận thì sao đây? Chẳng thấy ông Tổng thống Ford bình luận gì, hay là muốn lờ đi chăng? Chỉ thấy báo chí nói tới chính phủ đang cho di tản gấp rút số người Mỹ và một số người làm cho Mỹ. Nghe tin tức từ hành lang Quốc hội là tất cả cũng chỉ 50.000 người Việt thôi, tôi nhất định hoạt động tối đa để cứu vớt đám người đang tuôn ra Biển Đông”.

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Hưng và tác phẩm “Khi đồng minh tháo chạy”

Ở một thái cực khác, cuốn “Decent Interval” của Frank Snepp được Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh dịch sang tiếng Việt với cái tên khá mỉa mai: “Cuộc tháo chạy tán loạn”, người dịch Ngô Dư.

Frank Snepp là một nhân viên tình báo CIA (Central Intelligence Agency – Cơ quan Tình báo Trung ương) của Hoa Kỳ. Nhiệm kỳ đầu tiên của Snepp khi đến Sài Gòn là từ năm 1969 đến 1971 trong vai trò một nhân viên tình báo. Lần thứ hai từ tháng 10/1972 cho đến ngày Sài Gòn thất thủ.

Trong “Decent Interval”, Frank Snepp kể lại một giai thoại về Graham Martin, đại sứ Mỹ cuối cùng tại Sài Gòn:

“Một hôm, ông nói với tôi: ‘Tôi là một người theo Jefferson. Chúng ta phải đối xử với người Việt Nam như Jefferson đã dạy chúng ta cách đối xử với đồng bào. Xen vào công việc của họ càng ít càng tốt'… Nhưng sau khi Sài Gòn thất thủ, ông đã thổ lộ với một đồng nghiệp ở bộ ngoại giao: Chưa bao giờ ông tin người Nam Việt Nam cả, làm như họ thua trận là họ đã phản lại ông”.  

Martin triệt để lợi dụng sự tín nhiệm của Tổng thống Nixon để tỏ rõ quyền lực của minh. Ông từ chối chưa đi Sài Gòn chừng nào mà Nhà Trắng chưa dành cho ông một máy bay riêng. Trong những buổi họp hoặc thảo luận với nhân viên, ông không ngừng nhắc lại rằng cấp trên duy nhất của ông là Kissinger. Do đó, khi đón tiếp vị Bộ trưởng Ngoại giao, ông ta để Kissiger ngồi bên trái mình.

Theo Snepp, trong số các cơ quan của sứ quán Mỹ tại Sài Gòn, bộ phận khó điều khiển nhất là Phái bộ quân sự với 400 nhân viên quân sự, 50 cựu sĩ quan quân đội và 2.500 viên chức dân sự Mỹ làm việc theo hợp đồng. Mùa Hè năm 1973, Washington giảm số nhân viên ở đây xuống mức thấp nhất.

Mặc dù có ngưng bắn, Martin đã phản đối kịch liệt việc thu hẹp số nhân viên này. Ông cho rằng văn phòng của tùy viên quân sự rất cần cho sự sống còn của Sài Gòn và Cơ quan Thông tin (United States Information Service – USIS) sẽ bổ sung và đối chiếu với cơ quan tình báo CIA.

Ông cũng cho rằng phái bộ quân sự rất cần đối với ông để dò xét thái độ của người Việt, trong đó có cả Tổng thống Thiệu. Ông vẫn cho rằng nhà binh thường kính trọng lẫn nhau nên ông đề nghị với tướng Murray và bộ tham mưu nắm chặt giới quân sự Nam Việt Nam.

Sở thông tin Hoa Kỳ cũng đã tăng cường nhân viên của mình tại Sài Gòn. Giám đốc cơ quan này là Alan Carter, không phải là người của Martin và hơn thế, không đồng ý với nhận định “xấu xa” về giới báo chí của ông Đại sứ.

Carter tán thành việc tiếp xúc thân mật, trực tiếp với báo chí và phản đối việc coi họ là kẻ thù. Tuy nhiên, ông nhanh chóng bị bỏ rơi, không được dự các buổi họp nội bộ do Đại sứ chủ tọa, không được xem các bức điện gửi đến. Còn Đại sứ thì ra lệnh tất cả các câu hỏi của giới báo chí, đều phải đưa cho John Hogan, một nhân viên kỳ cựu dưới thời đại sứ Bunker.

Theo Snepp, Hogan được giữ lại làm việc vì đã tâng bốc những ý kiến của Martin. Chính Hogan - nghề chính là viết những bài hát - được giao nhiệm vụ thảo những bài đả kích cay độc của Đại sứ chống giới báo chí.

Tòa Đại sứ Hoa Kỳ trước năm 1975

Trong tất cả các nhân viên ở sứ quán, người nguy hiểm nhất đối với Martin là Tom Polgar, thủ trưởng của Frank Snepp, người gốc Hungary. Polgar có những nguồn tin độc lập và điều khiển cơ quan một cách độc lập, không có gì để phải sợ ông Đại sứ. Ông cho rằng chi nhánh CIA đã cung cấp những tin tức rất có lợi cho Martin và chính Martin nợ Polgar chứ không phải ngược lại.

Tuy vậy, trong các nhân viên cao cấp ở sứ quán, chính Polgar lại là người tỏ ra kính trọng và nể phục Martin nhất. Mặc dù hai người có nhiều điểm không giống nhau và có khi chống đối nhau, nhưng cuối cùng, hai người trở thành hai con ngựa kéo chung một cỗ xe, rất hợp nhau.

Snepp thêm một chi tiết về tính khôi hài của Polgar: “Trong văn phòng của ông có một bức tranh đáng chú ý, phác họa một Việt cộng đâm ngọn giáo vào một con voi trong khi có một Việt cộng khác đang giơ cao một cái búa lớn định đập nát đầu con thú. Dưới bức tranh, có chú thích: "Cuộc tiến công cuối cùng của Việt cộng: pháo binh nặng".

Theo Snepp, cả Hà Nội và Sài Gòn cũng lấn chiếm “vùng giải phóng” một cách trái phép, vi phạm những qui định của Hiệp định Paris năm 1973 về Việt Nam. Quân Bắc Việt thực sự không đánh quân VNCH bằng vũ khí mà lại tiến vào những vùng phòng thủ yếu nhất nhưng lại có nhiều khả năng kinh tế.

Trong những tháng sau ngừng bắn, trên thị trường Nam Việt Nam, giá cả tăng 65%, số người thất nghiệp tăng vùn vụt sau khi người lính Mỹ cuối cùng ra đi. Viện trợ kinh tế của Washington giảm nhiều do lạm phát trên thế giới. Điều bi đát là chiến tranh ở Trung Đông, do cấm vận dầu lửa nên giá “vàng đen” của các nước Ả Rập tăng gấp bốn lần.

Rõ ràng chiến thuật của Hà Nội là đánh chớp nhoáng để làm suy yếu nền kinh tế và gây hoang mang trong dân. Ngày 6/11/1973, khoảng một sư đoàn quân đội Bắc Việt mở cuộc hành quân chiến thuật đầu tiên, tiêu diệt ba vị trí tiền tiêu ở phía Tây Bắc Sài Gòn.

Có sự trùng hợp là lúc ấy Quốc hội Mỹ đang tranh luận gay gắt về việc hạn chế quyền của Tổng thống trong việc sử dụng lực lượng quân sự. Ngày 7/11, Hạ nghị viện cũng như Thượng nghị viện đều bác bỏ phủ quyết của Tổng thống và thông qua “Luật đặc biệt”, ghi rõ những hạn chế.

Luật về quyền trong thời chiến nói rằng: “Không được Quốc hội chuẩn y thì Tổng thống không được phép cho lực lượng Hoa Kỳ tham chiến quá 60 ngày”. Hà Nội biết rất rõ quyết định này cũng như tình trạng “bất lực” của Nixon.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Tổng thống Richard Nixon

Cơ quan tình báo Mỹ ở Sài Gòn theo dõi chặt chẽ tình hình chính trị ở Hà Nội. Họ mở những cuộc “tấn công chiến thuật” và cơ quan tình báo của Snepp nhận được rất nhiều báo cáo của các nhân viên.

Về phần mình, Polgar không chỉ gửi bức điện riêng cho CIA, ông còn muốn phổ biến rộng rãi trong các giới chính thức ở Washington. Do đó, tự ông làm một bản báo cáo chống lại. Ông viết:

"Không có một chứng cớ nào chứng tỏ tinh thần chiến đấu của quân đội Sài Gòn sa sút. Trái với điều báo chí đăng, những nhiệm vụ chính của chính phủ tiếp tục được thực hiện. Cảnh sát Quốc gia duy trì trật tự công cộng, không có bãi công, thư từ chạy đều dù đó không phải là tình hình của một số nước có trình độ phát triển hơn”.

“Rõ ràng là phần lớn dân cư tiếp tục sống bình thường và trong cái xã hội độc ác này, họ rất biết xoay sở. Mỗi ngày, họ cũng tỏ ra chịu đựng, dễ bảo và tháo vát. Số dân tăng 3% mỗi năm, điều đó chứng tỏ sức sống và sự tin tường vào tương lai của họ. Ở Việt Nam, không phải chỉ có những kẻ nghèo hay kẻ dốt mới biết sinh đẻ".

(hết trích)

Sự phân tích của Polgar thành thật đến mức… buồn cười. Nhưng bộ chỉ huy CIA ờ Washington từ chối không gửi bản báo cáo của ông đến những quan chức cao cấp như Kissinger, Tổng thống Nixon và nhiều người khác. Snepp viết:

“Đó là lần thứ nhất trong nghề nghiệp của tôi, tôi thấy người ta không đếm xỉa gì đến việc nghiên cứu tại chỗ những tin tức”. 

Frank Snepp

***

Chúng ta đã lướt qua 2 cuốn sách đã dẫn, được viết bởi hai người: Việt Nam và Hoa Kỳ. Chúng ta cũng thấy rõ quan điểm của từng tác giả. Có điều chúng ta không biết gọi ngày 30/4/1975 bằng từ ngữ nào cho chính xác.

Cuộc tháo chạy của người Mỹ khỏi một cuộc chiến không lối thoát ư? Hay đó là tình trạng đồng minh rút quân bỏ lại một người bạn đã từng sát cánh trong một cuộc chiến? Đó là “bỏ rơi”, “phản bội” hay “bội ước”?

Có người lại cho rằng miền Nam Việt Nam chỉ là một con chốt trên bàn cờ chính trị quốc tế. Nếu nghĩ như vậy, việc “thí chốt” sẽ là điều bình thường trong một ván cờ. Nhưng người ta quên rằng, “con chốt” cũng có những suy nghĩ của nó chứ không hoàn toàn “vô tri, vô giác”!

Cũng vì lý do đó, cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn còn “rỉ máu” đối với cả kẻ thắng lẫn người thua, người Việt cũng như người Mỹ!


***

* Tham khảo: “TT Nguyễn Văn Thiệu trả lời phỏng vấn báo Der Spiegel về cuốn hồi ký của Henry Kissinger”


***

--> Read more..

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2019

Tháng Tư… “xui tận mạng”!

Để khen một giọng hát hay, người miền Nam thường nói: “Ca mùi tận mạng”. Tôi xin sửa lại câu nói này cho trường hợp của gia đình tôi: “Tháng Tư… xui tận mạng”.

Lâu nay tôi vẫn tâm đắc với triết lý sống theo kiểu “Tái ông thất mã”. Có thịnh rồi cũng có lúc suy, có khi vui thì cũng có khi buồn, có hên thì cũng có xui… đó là quy luật tất yếu của cuộc sống mà không ít người đã nghiệm ra.

Thế nhưng, vào tháng tư năm nay, mọi triết lý đều đảo lộn đối với gia đình tôi. Không biết tại sao xui xẻo cứ theo nhau kéo đến mà chuyện vui thì lại chẳng thấy đâu.

Chuyện buồn đến dồn dập, không những tại Việt Nam (gồm Sài Gòn và Huế)… mà lại còn dính dáng đến nước Úc, đến hòn đảo Bali thơ mộng của Nam Dương (Indonesia) và cả đảo quốc Tân Gia Ba (Singapore).

Đầu tiên tin buồn đến từ Bali. Gia đình đứa cháu ở Melbourne về thăm Việt Nam. Trong cuộc hành trình từ Úc gia đình cháu (gồm hai vợ chồng và 2 con trai) ghé Bali là một hòn đảo du lịch nổi tiếng của Indonesia trước khi về thăm nhà. Chúng khen nức nở trong suốt những ngày nghỉ tại hòn đảo thơ mộng này.

Khi giã từ Sài Gòn, gia đình cháu lại ghé Bali một lần nữa trước khi về Úc. Trên trang Facebook của cháu có post hình ở Bali với chỉ vỏn vẹn một câu: “Bali final round”’.


Chỉ là vô tình cháu viết “Bali lần cuối”. Cháu đã trả lời một comment của bạn bè hỏi trong status đó… “khi nào mới về Úc” bằng một câu “nửa đùa nửa thật” mà tôi gọi là “điềm báo trước của định mệnh”. Cháu viết:


Ngày 10/4/2019, tôi nhận được tin cháu đã “đột tử” tại Bali! Hóa ra những câu như “Bali final round” và “… “Chắc anh không về” đã trở thành một sự thật… nghiệt ngã. Cả gia đình sôn xao với tin cháu bị đột tử. Con gái út tôi bay từ Singapore sang Bali, còn chồng từ Sài Gòn cũng sang hỗ trợ vợ chồng chị gái.

Gia đình đứa cháu trong một lần về thăm Sài Gòn

Cảnh sát Indonesia mổ khám nghiệm tử thi, họ cho phép mang thi thể cháu về Úc cùng với gia đình bố mẹ. Tại Úc, phải mất một thời gian làm thủ tục nhưng cuối cùng cháu đã được yên nghỉ bên cha mẹ và vợ con.  


Đó mới chỉ là đoạn mở đầu trong chuyện xui xẻo với cái chết ở Bali của người thanh niên 39 tuổi, một vợ, hai con. Tại Sài Gòn, bà xã tôi nay đã ngoài 70, đi lại khó khăn và đã có nhiều lần bị té. Lần té nặng nhất xảy ra đúng vào lúc tin buồn từ Bali đến.

Vốn bị loãng xương nặng nên lần này phải đi cấp cứu tại Bệnh viện ITO Sài Gòn, bệnh viện tư nhân đầu tiên tại Việt Nam có khoa chuyên sâu về chấn thương chỉnh hình từ năm 2001.

Bà xã tôi tại phòng hồi sức ITO

Tại đây, bà được chẩn đoán là gãy mấu xương hông và phải giải phẫu thay mấu xương nhân tạo. Phẫu thuật được thực hiện ngay ngày hôm sau và phải nằm tại phòng hồi sức 2 ngày, trước khi chuyển về phòng bệnh bình thường.

Chuyển từ phòng hồi sức qua phòng bệnh

“Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí”… Họa không chỉ đến 2 lần mà lại có thêm lần thứ ba. Hôm bà xã tôi bị té, có tin từ ngoài Huế báo ông chồng của bà chị ruột vừa qua đời, hưởng thọ 82 tuổi.

Anh Trần Gia Thọ trước 1975 là Hiệu phó trường Quốc Học Huế. Gia đình anh chị đều trong ngành giáo dục, các con đều đã thành đạt tại Sài Gòn và các cháu cũng đi du học nước ngoài.

Chắc anh cũng mỉm cười mãn nguyện khi từ giã cõi tạm… phần đau buồn dành lại hết cho những người còn sống!


Chúng ta đều hiểu, cuộc sống hiện tại chỉ là “cõi tạm” với đầy đủ Hỉ - Nộ - Ái - Ố. Chúng ta bám víu vào triết lý “Tái ông thất mã” để an ủi và hy vọng mọi chuyện, tốt hay xấu, đều có sự bù trừ.

Thế nhưng, Tháng Tư năm nay trở thành một tháng đầy xui xẻo đối với tôi. Phải chăng, nói theo nhà Phật, đó cũng là… cái nghiệp!

***

* Bài viết này là lời giải thích tại sao trong một status trước tôi “tạm ngưng post bài trên Facebook vì bận chuyện riêng tư”.


***

* Tham khảo chuyện “Tái ông thất mã” tại:


***

--> Read more..

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2019

Từ Dung - Mẹ tôi


Nhiều người cứ nghĩ ca sĩ Từ Dung lấy họ Từ để đặt tên cho mình khi hát cùng nhạc sĩ Từ Công Phụng hồi thập niên 60-70. Cặp song ca này đã có một thời là vợ chồng và được giới trẻ hâm mộ. Họ đã có thời gian gần 10 năm gắn bó với nhau cho đến khi hai người… “lặng lẽ chia tay”.

Theo tiết lộ của Từ Dung trong bài viết nhan đề “Mẹ tôi” đăng trên Diễn đàn Thế kỷ, cô khẳng định:

“Ba tôi gởi thư về dặn mẹ nếu là con gái thì đặt tên Từ Dung, con trai thì Duy hoặc Giản. Như vậy Từ Dung là tên cúng cơm của tôi chứ không phải tên hát xướng đặt theo một nhân vật khác! Từ Dung có nghĩa là hình Dung giống mẹ, vì ba tôi lúc nào cũng tưởng nhớ mẹ tôi”.

Mời các bạn đọc bài viết về mẹ của Từ Dung, bà là phu nhân của nhà văn Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long) trong nhóm Tự lực Văn đoàn của nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam). Nhất Linh là anh cả, kế đến là Hoàng Đạo và nhà văn Thạch Lam là em trong một gia đình văn chương nổi tiếng thời xưa.

Tham khảo thêm: “Từ Dung & Từ Công Phụng: chuyện tình… bí ẩn”
chinhhoiuc.blogspot.com/2019/04/tu-dung-tu-cong-phung-chuyen-tinh-bi-an.html

***

Mẹ tôi

Bà Hoàng Đạo

Tôi không biết phải bắt đầu ra sao khi viết về mẹ tôi, vì có rất nhiều điều để nói. Cũng có thể dưới con mắt chủ quan, tôi nghĩ bà là một trong những người phụ nữ phương Đông tuyệt vời nhất trên cõi đời này. Người mẹ dịu hiền mà tôi được may mắn biết đến, với đầy đủ những đức tính về công, dung, ngôn, hạnh của một người đàn bà Á Đông, đã hy sinh cả một cuộc đời mình cho chồng, cho con và cho những nghĩa cử từ thiện ngoài xã hội với nụ cười luôn trên môi cùng chiếc răng khểnh duyên dáng.

CÔNG, DUNG, NGÔN, HẠNH

Về mặt dung nhan, vẻ đẹp dịu dàng và đằm thắm của mẹ tôi đã hơn một lần làm rung động những người phái nam có địa vị quan trọng trong nhiều lãnh vực xã hội. Bà cao dong dỏng, thân hình đều đặn thanh tú, nước da mịn màng trắng trẻo, dáng đi yểu điệu và uyển chuyển, khuôn mặt trái soan, cặp mắt hơi hiếng (lé kim), mơ màng nhưng sâu sắc, miệng cười duyên dáng với chiếc răng khểnh và cặp môi đầy đặn. Tôi có đọc vài cuốn sách viết về mẹ tôi với những lời mô tả thiên lệch bắt nguồn từ những ghen ghét nhỏ mọn. Những người viết này cố tình hạ thấp dung nhan, phẩm hạnh của bà vì đố kị nên những người từng được tiếp xúc với bà vô cùng bất mãn vì những dối trá trắng trợn đó. Theo ý một số những người có dịp tiếp xúc với bà, bà là một trong những người đẹp và hợp thời trang nhất tại Hà Nội vào những thập niên 1930-40. Ngay cả về sau, khi đã trên bốn mươi tuổi và có bốn người con lớn, bà vẫn là một phụ nữ có vẻ đẹp sang trọng và thanh lịch có tiếng ở Sài Gòn.

Tôi còn nhớ, trong lúc ở giá để nuôi các con ăn học thành tài, mẹ tôi đã từ chối khéo léo và khiêm nhượng những người đàn ông theo đuổi bà và về sau họ vẫn quý mến và nể phục tư cách của mẹ tôi. Một trong những người này đã qua đời đã giữ lòng thương quý mẹ tôi ngay cả khi bà đã tạ thế. Khi ra đi nước ngoài, ông gửi thơ về nhờ tôi đặt lên mộ mẹ tôi một bó hồng đỏ thắm mỗi tuần lễ, như ông vẫn thường làm trước khi ra đi!

Mẹ tôi đã từ chối tất cả những người đàn ông đến sau, vì trong trái tim của bà chỉ có hình bóng của một người yêu duy nhất, đó là ba tôi, Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long.

Về công, tức là tài năng khéo léo, ít có người phụ nữ nào có tài nấu nướng những món ăn Việt cũng như Pháp tuyệt xảo như mẹ tôi. Nào canh bóng, vây, bào ngư, nấm nhồi giò, chả nem rán, bánh chưng gói, món Tây thì súp legume, bò hầm đậu, cua phá xi...

Các ngày giỗ chạp, tiệc rượu linh đình, một mặt mẹ tôi nấu ăn và chỉ dẫn cho người giúp việc, một mặt tiếp đãi khách với nụ cười hiền thục trên môi. Ai cũng phải mến yêu bà. Chị Thu tôi đã lớn thì giúp một tay, còn tôi bé út nhất nhà (cách anh Lân đến 9 tuổi) chỉ chạy chơi và chực ăn trứng luộc trên bàn thờ!

Sau này mẹ tôi mở tiệm Chả Cá Thăng Long (1959) ở đầu đường Phan Thanh Giản. Tiệm rất đắt khách và là một trong những tiệm ăn sang trọng thanh lịch và ngon lành tinh khiết nhất Sài Gòn lúc bấy giờ.

Về ngôn, khoa ăn nói, mẹ tôi ăn nói nhã nhặn, điềm đạm và nhu thuận, lúc nào cũng giữ vẻ bình tĩnh. Bà cũng dạy các con phải ăn nói đàng hoàng. Ngoài phái nam ra, phái nữ cũng thương mến bà, bạn bè và các bà cô, dì hai bên họ đều tìm đến bà khi hoạn nạn, nhưng cũng có một số nhỏ đem lòng ganh tị và tìm cách bôi nhọ thanh danh bà.

Về phẩm hạnh, không ai có thể chối cãi rằng mẹ tôi là một phụ nữ đảm đang, hy sinh cả cuộc đời cho chồng, cho con mà không hề phàn nàn, than vãn.

THỜI THƠ ẤU CỦA MẸ TÔI  BA MẸ TÔI GẶP GỠ NHAU 

Sinh ra trong một gia đình quý phái, trưởng giả, mẹ tôi lại có những đức tính đơn giản, tốt bụng hay thương người. Ông ngoại tôi làm tham tá công chánh dưới thời Pháp thuộc, bà ngoại tôi là một mệnh phụ đài các nhưng khôn ngoan, biết quản lý tài sản của ông tôi, biết tiết kiệm. Mẹ tôi lại là con một nên được lo toan rất chu đáo, quá chu đáo đến nỗi mẹ tôi cảm thấy ngộp thở. Bà ngoại tôi tính tình độc đoán, muốn chồng con phải phục tùng theo cách sinh hoạt của bà. Thậm chí mẹ tôi chỉ được quyền chơi những đồ chơi bà ngoại cho phép. Mẹ tôi kể lại rằng một lần ông ngoại lén cho mẹ một con búp bê mà mẹ tôi thích, khi bà ngoại biết được, bà lập tức vứt đi. Mẹ tôi khóc và nhớ mãi chuyện ấy. Bà ngoại rất yêu mẹ tôi, nhưng cụ vẫn giữ tính khắc nghiệt đó nên có những đụng chạm cãi vã không thể tránh được giữa hai mẹ con.

Khi ba mẹ tôi gặp gỡ nhau, họ bị tiếng sét ái tình đánh choáng váng. Một bên cảm vì sắc, một bên mến vì tài. Ba tôi tuy ít nói, nhưng có lối châm biếm khôi hài thật duyên dáng và sâu sắc đã chinh phục được trái tim trong trắng của mẹ tôi. Tính cách khôi hài này được thể hiện trong tập “Trước vành móng ngựa”. Mối tình của ba mẹ tôi là nguồn hứng khởi của mối tình của Duy và Thơ trong “Con đường sáng”. Là một phụ nữ có tâm hồn nhạy cảm và chịu ảnh hưởng phong trào văn hóa mới vì mẹ tôi theo học trường Pháp và tốt nghiệp trường Pháp, bà thông cảm và hỗ trợ chí hướng phi thường của ba tôi, người đã từ chối chức tri huyện khi tốt nghiệp cử nhân luật, sau lại bỏ chức biện lý vì chống lại tòa án Pháp thuộc ngày đó. Điều này thể hiện trong tác phẩm “Trước vành móng ngựa”.

Phải là một phụ nữ phi thường mới thấu hiểu và tôn trọng một tâm hồn phi thường như ba tôi, và mới hy sinh tuổi xuân sắc để giúp đỡ chồng một cách đắc lực trong quá trình tranh đấu cho dân tộc và đất nước.

Lần đầu khi đi xem mắt mẹ tôi tại tòa biệt thự của bà ngoại tôi ở bãi biển Sầm Sơn, ba tôi đã bị tiếng sét ái tình. Mối tình đẹp như thơ đó đã bị cả hai bên gia đình phản đối, bên nội vì lý do bà nội tôi không chuộng gia đình trưởng giả, bên ngoại vì không cho là đủ môn đăng hộ đối. Nhưng ba mẹ tôi đã vượt thắng tất cả để tìm đến nhau và lập gia đình!

MỘT CUỘC HÔN NHÂN ĐẦY HY SINH VÀ CHIA LY

Chị cả tôi, chị Minh Thu, ra đời năm 1934, là tác phẩm đầu tiên của sự kết hợp tuyệt vời đó. Năm kế là anh Nguyễn Tường Ánh và cách một năm nữa là anh Nguyễn Lân. Ba mẹ tôi những tưởng anh Lân là con út rồi vì lúc đó ba tôi rất ít khi ở nhà, ông đã bị quay vào guồng máy thời cuộc lúc ấy. Khi ba tôi bị bắt, bị tra tấn tại sở mật thám và sau bị đi đày ở Vụ Bản, Chân Lạp Sơn, mẹ tôi rất lo buồn và đi lại tiếp tế nhiều lần. Tháng Tám, 1946, ba tôi cầm đầu phái đoàn hòa giải, trong đó có cả người của Việt Nam Quốc Dân Đảng, của bên Việt Minh, và có nhân viên bộ Công Chính là kỹ sư Đỗ Xuân Dung để xem tình hình nước lụt ở Việt Trì (ngã ba sông Hồng Đào) và ba tôi bị bắt. Khi được thả ra, ba tôi sang Trung Hoa gặp gỡ bác Nguyễn Tường Tam và các anh em khác. Thời gian đó mẹ tôi thường xuyên mang vật phẩm và tiền bạc sang tiếp tế cho ba tôi và các anh em khác. Ngoài ra, một tay bà lo dạy dỗ các con, chăm sóc mẹ già và cũng một tay bà lo toan hỗ trợ người chồng cách mạng lưu vong nơi xứ người. Phụ nữ như thế không phải ở thời đại nào cũng có!

Ba mẹ tôi lúc ấy như Chức Nữ Ngưu Lang, chẳng được thường xuyên gặp gỡ nên mỗi lần trùng phùng thật quý giá vô cùng! Tôi là kết qủa của một trong những lần gặp gỡ đó. Ba tôi gởi thư về dặn mẹ nếu là con gái thì đặt tên Từ Dung, con trai thì Duy hoặc Giản. Như vậy Từ Dung là tên cúng cơm của tôi chứ không phải tên hát xướng đặt theo một nhân vật khác! Từ Dung có nghĩa là hình Dung giống mẹ, vì ba tôi lúc nào cũng tưởng nhớ mẹ tôi.

Tôi ra đời ngày 30 tháng Mười năm 1946 tại Hà Nội trong tình thương yêu của cả nhà. Ba tôi vẫn ở biền biệt bên Trung Hoa nên chẳng thấy mặt tôi, chỉ nhận được tin tức qua thư tín gia đình.

Lần gặp gỡ cuối cùng của ba mẹ tôi năm 1948 tại Hongkong rồi sau đó ba tôi bị một cơn đau tim tạ thế trên đường đi xe lửa về Quảng Châu, lúc đó tôi được 19 tháng. Được tin sét đánh, mẹ tôi phải lo tiền bạc quay trở lại chôn cất ba tôi tại Quảng Châu. Hiện nay không còn biết mộ phần nằm đâu nữa vì các nấm mồ đều bị khai quật dưới chế độ Cộng Sản!

Kể từ đó, mẹ tôi ở vậy nuôi con cho đến khi các con khôn lớn. Bố con tôi chỉ biết nhau qua hình ảnh thư từ. Tôi được nghe kể lại về ba tôi qua lời nói của mẹ, của anh chị và của cậu tôi, Như Phong Lê Văn Tiến.

Tôi nghĩ rằng tôi được thừa hưởng óc khôi hài châm biếm của ba tôi, cũng như dòng máu văn chương chảy cuồn cuộn trong tim óc!

Tại Hà Nội, gia đình tôi sống tại đường Lý Thái Tổ, Hàng Vôi. Trường Hàng Vôi là ngôi trường đầu tiên trên con đường học vấn của tôi. Năm 1990, trước khi rời Việt Nam, tôi ghé thăm ngôi nhà gia đình và ngôi trường thơ ấu. Ngôi nhà xinh đẹp hai tầng có cây bàng trước sân giờ đây ngăn ra cho tám hộ ở, phòng ngăn bằng vải rideau. Bàn thờ tổ tiên vẫn còn nguyên chỗ cũ nhưng chỉ còn một ông lão còn nhớ về  nguồn gốc căn nhà.

Trở lại năm 1954, chúng tôi rời căn nhà thân yêu lên đường vào Nam trên một chiếc phi cơ quân đội. Tôi mới có 8 tuổi nên chỉ nhớ là mẹ tôi vội trở lại miền Bắc để thanh toán mấy căn nhà ở Hà Nội của bà tôi và gom tiền bạc để sinh sống trong Nam. Lúc đó sắp sửa đóng cửa ra vào hai miền nên các anh chị, tôi lo lắng sợ mẹ tôi bị kẹt lại Hà Nội.

Khi mẹ về, chúng tôi hết sức mừng rỡ. Chúng tôi tạm ở chia với họ hàng bên ngoại một căn nhà đường Đặng Dung, Tân Định. Đó là thời gian đẹp nhất của đời tôi! Mẹ con, anh chị em đoàn tụ yêu mến nhau. Tôi ở tuổi bắt đầu ý thức được tình cảm quý báu của gia đình. Ý nguyện của tôi là anh chị em tôi sẽ trở lại quây quần như thời đó!

Khi đến học lớp Tư trường Huỳnh Thị Ngà thì tôi gặp khó khăn với cô giáo Nam Kỳ với giọng đọc chính tả mới lạ. Tôi có đến mười lỗi trong bài  “Lạc vào rừng” vì tôi không hiểu gì cả. Các bạn chế nhạo accent Bắc kỳ và gọi tôi “Bắc kỳ ăn rau muống”. Đó là bài học đầu tiên của tôi về kỳ thị địa phương dạy tôi sau này chống lại mọi thứ kỳ thị trên cõi đời này!

ĐỜI SỐNG TẠI SAIGON 

Cùng lúc ấy, mẹ tôi mở tiệm phở và chả cá Thăng Long trên đường Trần Quang Khải, Tân Định, sau chuyển về tiệm chả cá Thăng Long trên đường Phan Thanh Giản. Sau này ngẫu nhiên quán cà phê nhạc Từ Dung của tôi mở năm 1978 cũng lại tọa lạc trên con đường Trần Quang Khải và người hầu bàn trưởng tại chả cá Thăng Long tên là anh Tư lại trở thành người pha cà phê chính của quán Từ Dung.

Tiệm chả cá Thăng Long do họa sĩ Nguyễn Gia Trí trang hoàng có một vẻ Á Đông trang nhã với những chiếc cột đỏ, những tấm bình phong và hình vẽ đặc biệt Việt Nam rất mỹ thuật. Một tấm tranh dân gian của Phạm Tăng treo dọc cả bức tường trong căn phòng riêng của quán. Bức tranh này sau tôi bị một tay văn sĩ hạng b, c gì đó lừa lấy mất!

Căn nhà mẹ tôi mua rộng lớn, một bên mở tiệm, còn một bên gồm năm phòng để gia đình tôi ở. Tiệm luôn đông khách tấp nập và các danh nhân, nghệ sĩ như Mặc Thu, Nguyễn Hoạt, bác Nhất Linh, Chu Tử thường xuyên đến ăn chả cá. Thế nhưng vấn đề tài chính không mấy khả quan vì mẹ tôi quá tốt bụng, luôn nuôi ăn ở và trả lương cho 6,7 người giúp việc nên tiền vào tuy khá nhưng ra cũng lắm. Mẹ tôi không bao giờ từ chối mở hầu bao giúp cho những người đến cầu cứu gia đình tôi!

Lúc đó chị Minh Thu, anh Tường Ánh lập gia đình nhưng lúc đầu anh Ánh vẫn ở chung với mẹ tôi. Các anh chị có gia đình riêng nên không còn gần gũi nhau như xưa. Tôi cảm thấy mẹ buồn nhưng không biết an ủi mẹ ra sao, chỉ biết rúc vào lòng mẹ. Khi anh Ánh và vợ dọn đi ở riêng trong một căn nhà mẹ mua cho anh, tôi được thừa hưởng căn phòng trống cạnh phòng anh Lân. Trước mặt hai căn phòng là một sân cement nhỏ trồng vài cây cảnh như cây trúc đào, cây mận sai trái vì tôi chôn xác con mèo dưới gốc cây.

Đằng sau phòng tôi là một cây trứng cá trái mọng nước và rất ngọt. Căn phòng này đã ghi một ấn tượng sâu đậm về thời thơ ấu của tôi sống êm đềm trong tay mẹ hiền. Có phòng riêng rồi nhưng tôi vẫn đòi ngủ với mẹ để được hít mùi da thịt của bà, thơm mùi nước hoa Guerlain và mùi phấn. Tôi cũng đòi mẹ ngâm thơ Kiều hoặc hát quan họ cho nghe như lúc còn bé tí. Cũng vì vậy mà tôi rất thuộc Kiều và những bài thơ ru em. Mẹ tôi yêu nhạc Đông phương nhưng cũng mê nhạc cổ điển Tây phương, nên khi mẹ mất, gia đình tôi mở nhạc Bach và Beethoven bên quan tài để hương hồn mẹ tôi về thưởng thức, thay vì giọng ê a của các vị sư hay kinh của các cha cố!

Sau này mẹ tôi bắt đầu gặp khó khăn về tài chính nên phải bán đi một số nữ trang. Lúc đó là đầu thập niên 1960, quân đội Mỹ đổ sang Việt Nam nên mẹ tôi theo trào lưu cũng dẹp tiệm chả cá và cho Mỹ thuê một bên nhà để mở nhà hàng có âm nhạc tên là Kontiki. Đêm nào tôi cũng được nghe tiếng đàn hát vọng sang từ bên nhà hàng của ban nhạc Đăng Tiến, thỉnh thoảng tôi cũng sang hát chơi những bản như Autumn leaves, A very precious love, Mona Lisa....

Tôi khoảng 16 tuổi, tuổi đầy mộng đẹp và bắt đầu mơ đến tình yêu!

Mấy năm sau mẹ tôi bán căn nhà rộng lớn đường Phan Thanh Giản và mua căn nhà nhỏ hơn có ba phòng ngủ và một căn gác ở Ngã năm bình hòa đường Chu Văn An. Nhiều người ngăn cản bà mua căn nhà này vì nó nằm cuối ngõ cụt và có mộ phần đằng sau nhà nên theo địa lý rất xấu. Không biết có phải là mê tín không mà sau này mẹ tôi bị ung thư nặng và chết tại nhà đó, bà ngoại tôi cũng chết theo ở tuổi 98 vì quá đau đớn, mẹ tôi là con duy nhất của cụ, cậu tôi Như Phong Lê văn Tiến bị bắt giam cũng ở đó, gia đình vợ chồng tôi thì phân tán, chia ly. Năm Mậu Thân 1968 nơi này là tử địa của tàn quân Việt Cộng, sau khi VC thất bại trong trận tổng công kích Saigon đã rút lui về nơi đây. Ngôi nhà chúng tôi bị đạn bắn từ máy bay xuống lỗ chỗ đầy những vết đạn, cũng may là khi cả khu phố bốc cháy như một con rồng lửa thì bỗng dừng lại khi tới nhà chúng tôi. Thật là một phép lạ!

Tôi giúp mẹ, bà ngoại và hai mẹ con bác giúp việc chạy khỏi nhà, chân phải chạy lung tung tránh xác VC nằm đầy ngõ và tránh tầm đạn của hai bên bắn nhau. Một ông hỏi ông khác «ai đánh ai?», ông kia trả lời «quân mình đánh quân ta»!

Từ lúc đó mẹ tôi bị ung thư bên cánh tay trái và căn bệnh kéo dài tới năm 1975 thì mẹ tôi mất. Người y sĩ đã hết lòng chữa chạy cho mẹ là bác sĩ Trần Ngọc Ninh, một người bạn thân của gia đình. Hai bác sĩ khác của gia đình tôi là bác sĩ Phan Huy Quát và bác sĩ Kỳ Quan Thân.

Cánh tay xinh đẹp, nuột nà, trắng bóc của mẹ tôi chỉ để đeo những nữ trang qúy giá nay đã bị cắt đi đến hai lần, và sau cùng căn bệnh quái ác đã ăn vào tủy sống làm mẹ hôn mê trong 24 tiếng đồng hồ trước khi từ gĩa cõi đời. Trước khi bị hôn mê, căn bệnh ăn vào tủy làm bà thấy mọi vật nhuộm muôn màu muôn sắc.

Không có gì diễn tả nổi nỗi đau đớn của người mắc bệnh ung thư. Lầu 5 của viện ung thư ở Gia Định phải rào lại vì nhiều người trong cơn đau đã nhảy xuống tự vận. Trong khoảng cuối cùng của cuộc đời đầy hy sinh, chịu đựng, đau đớn, bà vẫn tiếp tục làm phước, giúp người. Bà bảo trợ cho một số người bị ung thư trong viện, trong số đó có một anh binh sĩ trẻ, đẹp trai như Alain Delon. Anh bị ung thư xương chân, chỉ trong vài tháng là từ trần. Mẹ tôi, lúc đó đã phải dùng tới codein cho bớt đau và bò lết dưới đất rên la, cũng vẫn lo cho anh trong những ngày chót của cuộc đời anh!

Tại sao một phụ nữ hiền hậu như mẹ tôi và có lòng thương người lại phải chịu một số phận đớn đau như vậy? Khi mẹ tôi chết đi, bà không bám víu vào một niềm tin tôn giáo nào cả vì bà không tìm thấy đức tin nơi cuối đời. Lúc gần chết, bà cảm thấy hoang mang...

Khi nhìn ngắm xác mẹ trong chiếc áo trắng tôi mặc cho bà và cành hoa lan trắng trước ngực bà, tôi mới ý thức được nỗi mất mát lớn lao đến thế nào. Đã quá muộn để chiều chuộng mẹ, để nói rằng mẹ ơi con yêu mẹ, để cám ơn bà cho tôi đời sống hôm nay và niềm tin ngày mai.

Có một con bướm trắng bay quanh quan tài của mẹ nhiều lần trước khi hạ huyệt, có phải chăng linh hồn mẹ muốn từ giã các con lần cuối?

Từ Dung xin thay mặt người quá cố cũng như các anh chị gửi lời cám ơn anh Sơn con của cô Thế đã lo việc rải tro xuống biển cho bà và mẹ chúng tôi tại Việt Nam để linh hồn bà và mẹ chúng tôi được siêu thoát và xin Chuá ban phước lành cho anh và gia đình anh.

Chấm hết

TỪ DUNG

--> Read more..

Popular posts