Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Danh Tặc = Identity Theft

TRẦN QUỐC SỸ

* Lời giới thiệu của NNC:

Tác giả Trần Quốc Sỹ sanh năm 1952 tại Nam Định, Việt Nam. Di cư vào Nam năm 1954, từng phục vụ trong Không Quân Việt Nam. Định cư tại Nam California từ 1975.
Nghề nghiệp: Kỹ sư cho Rainbow-Mykotronx Inc. Torrance. "Nghề tay trái" của ông là giảng viên “traffic school” tại National Traffic Safety Institute (NTSI). Tới với giải thưởng “Viết Về Nước Mỹ” ngay từ năm thứ nhất, ông Sỹ là tác giả góp nhiều bài viết giá trị và đã nhận giải thưởng này năm 2002. Sau đây là bài viết mới nhất của ông về “Danh tặc”, một từ ngữ do tác giả dịch từ tiếng Anh “Identity Theft”.

Thực ra thì “Identity Theft” là một hành động có liên quan đến rất nhiều lãnh vực, nhưng trong bài viết này, tác giả chì đề cập đến sự mạo danh để đạt được kết quả trong phạm vi tài chính-kinh tế. Theo “Non-profit Identity Theft Resource Center” có thể chia “Identity Theft” thành 5 nhóm:

1. Criminal identity theft (mạo nhận tên tuổi người khác để thực hiện một tội ác)
2. Financial identity theft (sử dụng tên tuổi của người khác để có được mối lợi về tài chính nhự tín dụng, hàng hóa và dịch vụ)
3. Identity cloning (sử dụng thông tin của người khác để có được tên tuổi của mình)
4. Medical identity theft (dùng tên tuổi của người khác để hưởng chăm sóc y tế và thuốc men)
5. Child identity theft (dùng tên tuổi của trẻ em để dành được lợi ích cho bản thân)

Chuyện xảy ra bên Mỹ nhưng chắc chắn ở Việt Nam cũng đã có những trường hợp “Identity Theft” ở một mức độ nào đó. Phần hình ảnh minh họa được lấy từ Internet.

***

Lời tác giả:

"Identity Theft" hay "Ăn Cắp Dữ Kiện Cá Nhân" là đề tài của bài viết này. Tác giả đã loay hoay suy nghĩ một thời gian khá lâu nhưng vẫn không biết phải đặt tựa bài viết này như thế nào… Vì đem hai chữ "Identity Theft" của tiếng Anh dịch ra tiếng Việt thì chẳng có chữ nào nghe xuôi tai cả.  Chẳng lẽ lại dùng "Ăn Cắp Dữ Kiện Cá Nhân" cho tựa đề một bài viết"  Vì thế, tác giả xin được tạm dùng hai chữ "Danh Tặc" làm tựa cho bài viết này.  Mời các bạn đọc.

***

Một buổi sáng vào khoảng giữa năm 2005, tôi nhận được một phong bì vàng gởi tới bởi phòng an ninh của công ty nơi tôi đang làm việc.  Mở ra, bên trong là một xấp tài liệu viết bằng Anh Ngữ với tiêu đề "Identiy Theft - When Bad Things Happen To Your Good Name" (Danh Tặc - Khi Điều Xấu Xảy Ra Cho Cái Tên Tốt Của Bạn").


Tập tài liệu dài hơn một chục trang, đề cập tới những vấn đề liên quan tới sự ăn cắp dữ kiện cá nhân của người khác bởi những kẻ gian và dùng những dữ kiện này vào những mưu đồ bất chánh để trục lợi. 

Tập tài liệu cũng trình bày về những hậu quả tai hại về tài chánh và pháp lý của người bị ăn cắp dữ kiện cá nhân, những phương cách để giải quyết và những lời khuyên hữu ích hầu trong tương lai có thể tránh được tệ nạn này trong tương lai.

Sau khi đọc lướt qua một vài trang, tôi đã định quăng tập tài liệu này vào sọt rác vì nghĩ nó chẳng liên quan gì đến mình và tôi cũng không nghĩ là chuyện này sẽ xảy ra cho tôi. 
Nhưng, bỗng có một cái gì đã loé sáng lên trong đầu, tôi đã dừng lại suy nghĩ vài giây và sau đó thay vì quăng cái phong bì màu vàng vào sọt rác, tôi đã cất nó vào tủ hồ sơ.
Chuyện cái phong bì vàng qua đi vào quên lãng.


Vào cuối năm 2005, vào một buổi tối, tôi đang ngồi xem Tivi trong phòng gia đình thì tiếng của Hồng trong phòng làm việc vọng ra hỏi:

-  Anh Sỹ, anh mới xin thẻ tín dụng tại Best Buy hả?

Tôi đáp:
-  Không.  Anh xin thẻ Best Buy làm gì.
-  Đây nè, họ gởi thẻ tín dụng cho anh nè.

Tôi cười:
- Ờ, chắc họ gởi thơ dụ mình đó mà.  Em biết rồi, họ làm chuyện này hoài.

Hồng từ phòng làm việc đi ra, trên tay cầm một phong thơ và một cái thẻ tín dụng, nghiêm giọng nói:

- Đây không phải là thơ chiêu dụ cấp thẻ mà là họ gởi thẻ tín dụng với tên của anh đàng hoàng. Anh coi nè.

Tôi nhận lấy cái thẻ tín dụng của Best Buy và lá thư từ tay Hồng. Cái thẻ tín dụng mới toanh với tên của tôi còn lá thư thì đại ý chúc mừng tôi cùng những điều linh tinh khác.  Đọc xong lá thư, tôi bảo Hồng:

- OK, để mai anh gọi cho Best Buy hỏi cho ra lẽ và bảo họ huỷ cái trương mục tín dụng này.

Hôm sau, tôi gọi điện thoại cho Best Buy để xin huỷ bỏ trương mục. Trên điện thoại, người nhân viên của Best Buy cho biết là "chính tôi", tuần trước, đã đến tiệm mua hàng và đồng thời "chính tôi" cũng đã mở một trương mục tín dụng. 

Số tiền mà "tôi" đã mua và nợ trong trương mục là hơn năm ngàn đô la. Tôi nói với người nhân viên này là từ vài tháng nay tôi chưa đến Best Buy, không xin thẻ tín dụng và cũng không mua gì đến hơn năm ngàn đô la cả. 

Sau hơn mười lăm phút điện đàm, cuối cùng, tôi mới vỡ lẽ ra là tuần trước, đã có người nào đó dùng tên, tuổi, số bằng lái xe và cả số an sinh xã hội của tôi để mua hàng và mở một trương mục tín dụng với Best Buy.

Đến chiều về đến nhà, mở hộp thơ thì tôi mới tá hoả tam tinh khi nhận được thêm hai thẻ tín dụng nữa, một từ Comp USA và một từ Home Depot.  Liên tiếp trong những ngày sau đó, tôi nhận được tổng cộng 11 thẻ từ các công ty bán lẻ như Fry’s, Pier 1 Import, Sony, Old Navy, Kohl, Mervyn, Macy và một thẻ của tiệm nữ trang nổi tiếng Bailey Banks & Biddle.

Tổng số tiền mà kẻ gian đã dùng tên tôi để mua hàng, chỉ trong vòng năm ngày, lên đến hơn ba mươi ngàn đô la ($30,000).

Vâng, hơn ba mươi ngàn đô la chỉ trong năm ngày. Bàng hoàng, sững sờ trước sự việc xảy ra, chưa biết phải giải quyết thế nào thì tôi bỗng sực nhớ ra cái phong bì màu vàng và tập tài liệu về Danh Tặc mà nửa năm trước đó tôi đã định quăng vào thùng rác.

Mở tủ hồ sơ, lấy cái phong bì vàng và lôi tập tài liệu ra, tôi đọc thật kỹ những tin tức, dữ kiện, những điều phải làm và những phương cách hành động và đề phòng chuyện này tái diễn.

Theo sự hướng dẫn của tập tài liệu, việc đầu tiên là tôi gọi cho sở cảnh sát địa phương để tường trình nội vụ. Sở cảnh sát Huntington Beach đã gởi nhân viên cảnh sát đến tận nhà, lấy lời khai của tôi và những dữ kiện cần thiết. 

Ông ta làm biên bản, giao cho tôi bản sao cùng những số điện thoại để liên lạc khi cần. Kế đến, tôi gọi cho Federal Trade Commission (FTC) để lập hồ sơ khai báo. Người nhân viên của FTC cũng lấy mọi dữ kiện, cho tôi những số điện thoại cần thiết để liên lạc. 

Sau đó, tôi gọi cho ba công ty chuyên về hồ sơ tín dụng là Exquifax, Eperian và TransUnion để báo cáo và cũng để kiểm soát xem có còn những trương mục nào đã được mở mà tôi không được biết.

Tôi yêu cầu ba công ty này cài đặt báo động và xin cho tôi biết ngay lập tức nếu có gì bất bình thường với hồ sơ tín dụng của tôi. Sau cùng, tôi gọi cho từng công ty bán lẻ đã cấp thẻ tín dụng cho tôi, cho họ biết tôi đã bị danh tặc, có người mạo danh tôi để trục lợi. 

Các nhân viên của ban thẩm tra về "tội ác danh tặc", sau khi lấy lời khai và dữ kiện, liền gởi cho tôi một bản khai chứng nhận không trách nhiệm (Affidavit of Non-Liability), bảo tôi điền đầy đủ dữ kiện, ký tên và gởi lại cho họ.

Sau hai tháng khai báo với cảnh sát, khai báo với FTC, mỗi ngày trên điện thoại hằng giờ với các công ty bán lẻ, thư đi, thư về, cuối cùng thì tôi cũng thoát khỏi chuyện rắc rối, không phải trả một đồng xu nào và những vết xấu trong hồ sơ tín dụng của tôi đã được hoàn toàn tẩy sạch.

Qua kinh nghiệm trên, tác giả xin được trình bày nơi đây những gì mà chúng ta cần biết, cần làm, trong trường hợp không may bị danh tặc, để sau này khỏi phải trả những món nợ không do chúng ta tạo nên, và cũng để bảo vệ hồ sơ tín dụng của chúng ta cho được hoàn hảo và nhất là để tránh chuyện không may này xày ra lần thứ nhì.

Dưới đây là những câu hỏi và trả lời liên quan đến vấn đề danh tặc. Những dữ kiện này tác giả đã sưu tập từ những thông tin trên mạng lưới internet.

Danh tặc là gì?


Danh tặc xảy ra khi một người nào đó dùng dữ kiện cá nhân như tên, tuổi, địa chỉ cư ngụ, số bằng lái xe hay số an sinh xã hội, số thẻ tín dụng, v.v..., của chúng ta làm điều bất chánh để trục lợi cho cá nhân họ.

Những kẻ làm chuyện phi pháp này có thể là một cá nhân, làm việc đơn độc, nhưng cũng có thể là một tổ chức với hằng trăm người, có đường dây hoạt động không những chỉ tại Hoa Kỳ mà còn trên khắp thế giới nữa.

Làm thế nào kẻ gian có thể ăn cắp dữ kiện cá nhân của tôi?

Kẻ gian có thể dùng nhiều phương tiện, đơn giản hay phức tạp, để ăn cắp dữ kiện cá nhân của bạn.  Những thí dụ điển hình mà kẻ gian thường làm gồm có:

1.  Họ lấy dữ kiện cá nhân của bạn từ những công ty bán lẻ, ngân hàng, hay các công ty tín dụng bằng những cách sau:
- Ăn cắp hồ sơ chứa dữ kiện cá nhân của bạn từ những nhân viên làm cho các công ty tín dụng.
- Toa rập với nhân viên nhận đơn tại các tiệm bán lẻ hay các nhân viên có thẩm quyền cứu xét và cấp thẻ tín dụng, để lấy dữ kiện cá nhân của bạn (tác giả có thể đã bị trường hợp này).

- Hối lộ nhân viên có thẩm quyền giữ hồ sơ chứa dữ kiện cá nhân của bạn tại các công ty hay ngân hàng.
- Lường gạt nhân viên có thẩm quyền gìn giữ hồ sơ của bạn.
- Xâm nhập máy điện toán (hacking) của các công ty bán lẻ, các công ty tín dụng, các công ty địa ốc, các công ty bán điện thoại viễn liên, hay ngân hàng để đánh cắp dữ kiện cá nhân của bạn.
- Đánh cắp máy điện toán xách tay của nhân viên có chứa dữ kiện cá nhân của bạn.

2. Họ moi, bới lục các thùng rác nhà của bạn, thùng rác của các công ty hoặc những nơi đổ rác để tìm dữ kiện cá nhân của bạn.

3.  Họ xin hồ sơ tín dụng có chứa dữ kiện cá nhân của bạn từ những công ty tín dụng bằng cách giả làm chủ nhà, chủ đất, nhân viên ngân hàng, hay những nhân viên có thẩm quyền duyệt xét hồ sơ của bạn.

4. Họ ăn cắp thẻ số thẻ tín dụng của bạn và những dữ kiện cá nhân bằng một dụng cụ đặc biệt gọi là “skimming device”, bán khoảng 50 đô (hành động này gọi là "skimming", người làm chuyện này gọi là "skimmer"). Skimming thường xảy ra tại các nhà hàng. 

Sau khi dùng bữa, bạn móc bóp lấy thẻ tín dụng đưa cho người hầu bàn.  Anh ta đi vào trong và một lúc sau trở lại với hoá đơn cho bữa ăn của bạn.  Những thành phần bất hảo mua chuộc hay toa rập với những người hầu bàn và người này chỉ cần "cà" thẻ của bạn vào một cái máy nhỏ (skimming device), bán khoảng 50 đô, thì những dữ kiện trên thẻ của bạn sẽ được thu vào máy.  Sau đó, họ bán lại những dữ kiện thu được cho kẻ gian. Thẻ tín dụng của bạn cũng bị "cà hai lần"  khi bạn đi mua sắm tại những tiệm bán lẻ bởi những nhân viên bán hàng không lương thiện.

Tại nhà hàng Outback ở Charlotte, North Carolina, hai người hầu bàn tên Benjamin Gadson and Juan Canales, đã bị câu lưu vì nghi ngờ đã dùng “skimming device” để "cà" hơn 650 thẻ tín dụng của khách hàng, sau đó đã bán lại với giá 25 đô cho mỗi số thẻ. Đôi khi, kẻ gian cũng cài cái máy này vào những máy rút tiền (ATM) đặt trong những thương xá.

5. Họ ăn cắp ví hoặc xách tay có dữ kiện cá nhân của bạn trong đó.

6. Họ ăn cắp thơ của bạn, gồm cả những thơ từ ngân hàng, các công ty tín dụng hay từ sở thuế.

7. Họ ra bưu điện, điền mẫu đổi địa chỉ của bạn, để thư từ của bạn được gởi tới một địa chỉ khác.

8. Họ lấy dữ kiện cá nhân của bạn bằng cách lường gạt những người nhẹ dạ, dễ tin.  Họ có thể làm một trong hai việc sau đây:

- Gọi điện thoại và giả làm nhân viên của ngân hàng, nhân viên công lực hay nhân viên công ty tín dụng. Họ cho bạn biết trương mục trong ngân hàng của bạn đang có người xâm nhập, trương mục của bạn thiếu tiền, thẻ tín dụng của bạn đang có vấn đề, trương mục của bạn không tiền bảo chứng, bạn đang nợ họ, v.v... và họ cần những dữ kiện cá nhân của bạn để, điều tra, hồi phục hay điều chỉnh

- Gởi thơ điện tử (email) và giả làm ngân hàng, công ty tín dụng (trên thơ có các nhãn hiệu như thật của ngân hàng hay công ty tín dụng.  Loại thơ này gọi là "spoofs"). Họ cho bạn biết trương mục trong ngân hàng của bạn đang có người xâm nhập, trương mục của bạn thiếu tiền, thẻ tín dụng của bạn đang có vấn đề, trương mục của bạn không tiền bảo chứng, bạn đang nợ họ, v.v... và họ cần những dữ kiện cá nhân của bạn để, điều tra, hồi phục hay điều chỉnh (hành động gởi thơ loại này gọi là "phishing".  Tác giả hiện đang lưu giữ hàng chục "spoofs" emails loại này).

 Tại Hoa Kỳ, cứ mỗi 1 phút có đến 19 người là nạn nhân của "danh tặc"!

Ai có quyền giữ và xem hồ sơ tín dụng hay dữ kiện cá nhân của tôi?

Bất cứ một cá nhân hay công ty nào được xem là "có thương vụ chính đáng" đều có quyền vào và xem hồ sơ tín dụng của bạn. Những cá nhân hay công ty này bao gồm:

1. Những công ty phát hành hay cấp thẻ tín dụng cho bạn.
2. Chủ đất.
3. Công ty bảo hiểm.
4. Công ty sắp sửa mướn bạn (với sự đồng ý của bạn).
5. Ngân hàng.
6. Công ty bán xe.
7. Những công ty xem xét đơn xin việc của bạn với chính phủ.
8. Cơ quan chính phủ chuyên lo về việc cấp dưỡng con cái.
9. Cơ quan an ninh của chính phủ.
10. Các công ty đòi nợ.

Nếu bị danh tặc, hậu quả sẽ ra sao?

Qua phần trình bày ở trên về trường hợp của tác giả, các bạn cũng có thể thấy được hậu quả như thế nào. Khi kẻ gian lấy được dữ kiện cá nhân của bạn, họ sẽ:

1. Đi mua sắm thả giàn với số hoặc thẻ tín dụng của bạn (họ có thể làm giả thẻ căn cước hay bằng lái xe).  Họ mua những món đồ đắt tiền như computers, nhẫn kim cương, hay những thứ mà họ có thể dễ dàng bán lại.

2. Họ có thể mở một loạt trương mục tín dụng, xin thẻ tín dụng dưới dữ kiện cá nhân của bạn và mua sắm thả giàn những món hàng đắt giá, dễ bán lại (đây là trường hợp của tác giả). Sau đó, họ sẽ không trả tiền và bạn sẽ lãnh số nợ đó. Hồ sơ tín dụng của bạn sẽ bị ảnh hưởng.

3. Sau khi họ đổi địa chỉ của bạn tại bưu điện, thơ sẽ không về nhà bạn, do đó bạn sẽ không biết là bạn đang bị danh tặc.  Phải một thời gian sau, sau khi bạn biết được điều này thì họ đã cao bay xa chạy (theo lời người cảnh sát thẩm vấn tác giả, tệ nạn này rất khó truy lùng, các công ty thường chịu lỗ và lấy lại bằng cách cộng vào giá hàng. Cuối cùng, người thiệt thòi vẫn là người tiêu dùng).

4. Mượn tiền nhà băng hay đi mua xe mới dưới tên của bạn.

5. Mở đường dây điện thoại nhà hay điện thoại di động dưới tên của bạn.

6. Làm giả ngân phiếu, thẻ tín dụng và rút hết tiền trong trương mục của bạn.

7. Khai khánh tận dưới tên của bạn để khỏi trả nợ.

8. Đưa tên tuổi của bạn khi bị cảnh sát chận hỏi. Nếu họ được thả và sau đó không ra hầu toà, bạn sẽ là người bị trát truy nã (arrest warrant).


Làm sao tôi biết được rằng tôi là nạn nhân của danh tặc?

Những dấu hiệu cho thấy bạn đang hay đã bị danh tặc gồm có:

1. Trương mục trong ngân hàng của bạn bị mất mát hay dọn sạch.

2. Tự nhiên bạn không nhận được thư, hoá đơn hay báo cáo hằng tháng của ngân hàng hay các công ty tín dụng. Đây là dấu hiệu kẻ gian đã đổi địa chỉ của bạn.

3. Nhận được thẻ tín dụng từ các công ty bán lẻ và công ty tín dụng mà bạn không hay chưa hề làm đơn xin (trường hợp của tác giả).

4. Bị từ chối khi mượn tiền hay mua xe mà không có lý do rõ ràng.

5. Nhận được điện thoại hay điện báo của công ty đòi nợ hay công ty bán lẻ về những món hàng mà bạn chưa hề mua.

Phải làm gì sau khi bạn đã bị danh tặc?

Nếu không may bạn khám phá ra rằng bạn đã bị kẻ gian mượn tên làm những chuyện bất chánh, điều đầu tiên là bạn phải giữ bình tĩnh đừng hốt hoảng. Bạn nên làm ngay những việc sau đây:

1. Gọi điện thoại cho cảnh sát địa phương để làm thủ tục khai báo.

2. Gọi cho Federal Trade Commision (FTC) để làm thủ tục khai báo. 1-800-FAIR CREDIT (1-800-324-7273)

3. Gọi cho ba cơ quan sau đây để khai báo, xin hồ sơ tín dụng khẩn cấp và yêu cầu họ khoá, cài đặt báo động hoặc thông báo đến bạn những hành động bất thường về hồ sơ tín dụng của bạn.  Theo luật, bạn sẽ được một hồ sơ tín dụng hoàn toàn miễn phí.

- Equifax: 1-800-525-6285; www.equifax.com
- Experian: 1-888-EXPERIAN (397-3742); www.experian.com
- TransUnion: 1-800-680-7289; www.transunion.com

4. Gọi cho từng công ty bán lẻ mà kẻ gian đã mua sắm, khai báo và cho họ biết là bạn là nạn nhân của danh tặc và yêu cầu họ đóng ngay trương mục tín dụng. Họ sẽ gởi cho bạn một bản chứng thực không trách nhiệm (Affidavit of Non-Liability). Sau khi nhận được bản chứng thực này, bạn phải điền vào gởi trả lại công ty ngay tức thời kèm theo hồ sơ khai báo của cảnh sát và FTC. Nhớ làm một bản sao cho hồ sơ của bạn. Mỗi công ty, sau khi điều tra và nếu tin lời bạn, họ sẽ gởi cho bạn một bức thư cho bạn biết là bạn không phải chịu trách nhiệm cho món nợ đó.

5. Theo dõi sự chi tiêu trương mục tín dụng của từng công ty cho đến khi mọi chuyện êm xuôi. Theo dõi tất cả các trương mục khác của các công ty mà bạn đang có thẻ tín dụng.

Làm cách nào để tránh không trở thành nạn nhân của danh tặc?



Đề phòng và đề cao cảnh giác là phương pháp hữu hiệu nhất để chống lại danh tặc.  Để tránh trở thành nạn nhân, bạn nên làm những việc sau đây:

1. Thường xuyên theo dõi trương mục checking hay saving của bạn. Để ý đến những khoản chi tiêu khả nghi không thể giải thích. Nếu có gì nghi ngờ, gọi cho công ty tín dụng hay ngân hàng ngay lập tức.

2. Không bao giờ cho biết số an sinh xã hội, số trương mục, số bằng lái xe của bạn qua điện thoại hoặc qua internet, ngoại trừ khi bạn chắc chắn là đường dây điện thoại hoặc trang nhà trên internet hoàn toàn được bảo vệ và an toàn (protected and secured). Khi mua hàng và cho dữ kiện cá nhân trên mạng, bạn cần để ý đến địa chỉ trang nhà của công ty bạn đang trả tiền. Nếu địa chỉ trang nhà của công ty đó có chữ https:// (có chữ s theo sau http), hoặc dưới cuối trang có hình ổ khoá, dấu hiệu cho bạn biết trang nhà đó được bảo vệ và an toàn.  Nếu không có hai điều này, đừng để lộ dữ kiện cá nhân của bạn.

3. Cẩn thận khi dùng thẻ tín dụng tại các nhà hàng hay đi mua sắm.  Bạn nên dùng một thẻ tín dụng có mức giới hạn thấp để mua sắm, ăn uống.  Lỡ có mất hay bị lấy dữ kiện của thẻ đó, cũng đỡ.

4. Nếu ngôi nhà của bạn là nơi thường xuyên tiếp đãi bạn bè, bạn nên cất những dữ kiện cá nhân vào tủ khoá lại, đừng để chúng trên bàn hay những nơi dễ dàng trông thấy.

5. Đừng mang theo thẻ an sinh xã hội trong bóp hoặc ví da.  Cất nó ở nhà vào chỗ an toàn.  Bạn nên tập ghi nhớ số anh sinh xã hội của mình, bằng lái xe cùng những dữ kiện cá nhân khác.

6. Thùng rác của bạn là nơi dễ xâm nhập nhất.  Bất cứ ai cũng có thể vào thùng rác của bạn khi bạn để chúng ở lề đường vào ngày đổ rác.  Không bao giờ vất dữ kiện cá nhân, bản báo cáo trương mục hay tín dụng hàng tháng vào thùng rác.  Khi dọn dẹp giấy tờ, trước khi vất những thứ có dữ kiện cá nhân, bạn hãy dùng máy cắt (shredder) để cắt chúng ra thành từng sợi nhỏ.

7. Luôn luôn đề cao cảnh giác với những emails báo cho bạn biết là trương mục của bạn đang thâm thủng hay đang có vấn đề (loại "spoof" emails). Không bao giờ trả lời hoặc nhấn chuột vào đường nối địa chỉ (links) trên những emails loại này.  Nếu nghi ngờ, bạn nên gọi điện thoại trực tiếp cho ngân hàng hay công ty tín dụng để kiểm chứng.

Lời cuối:

Khoa học kỹ thuật ngày nay đem nhiều tiện lợi cho đời sống của chúng ta. Nhờ vào trương mục tín dụng và những thẻ mà chúng ta có thể mua sắm, ăn uống, mua xe hay mua nhà trả góp.  Nếu không có chúng, khó lòng mà chúng ta để dành đủ tiền mua một chiếc xe để đi làm, kiếm sống, hay mua một căn nhà để ở, để che mưa, nắng. Tuy nhiên, kỹ thuật dù tân tiến đến đâu cũng có nhiều kẽ hở mà xã hội ngày nay dẫy đầy những kẻ gian luôn rình rập, lợi dụng những kẽ hở hay sự nhẹ dạ của chúng ta để làm chuyện bất chánh và trục lợi cho cá nhân họ.  Chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác và đề phòng hạng người này để bảo vệ cho chính chúng ta.


Chúc các bạn một ngày vui và nhớ hãy luôn kiểm soát túi tiền của mình.


***
--> Read more..

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Người Việt tại Mỹ trước rào cản văn hóa & pháp lý


Ngoài những khó khăn phải thích nghi với hoàn cảnh trong việc hội nhập, người Việt định cư tại Mỹ còn phải vượt qua nhiều rào cản về văn hóa và pháp lý đặc thù của một đất nước vốn được coi là một trong những cường quốc trên thế giới. Bài viết này nêu ra một số những trở ngại mà người Việt thường gặp trong cuộc sống hàng ngày tại Mỹ.

***

Sau đợt di tản đầu tiên từ tháng 4/1975, người Việt định cư tại Mỹ được đón nhận thân nhân từ Việt Nam sang đoàn tụ gia đình theo diện ODP (Orderly Departure Program – Chương trình Ra đi có trật tự). Chương trình này được tiến hành từ năm 1979 dưới sự hỗ trợ của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (United Nations High Commissioner for Refugees – UNHCR)

Sau khi quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được bình thường hóa vào năm 1994, Hoa Kỳ trực tiếp đối thoại với chính phủ Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho người di cư từ Việt Nam đến Mỹ. Chương trình ODP từ đó có tên là Chương trình Tái Định cư Nhân đạo (Humanitarian Resetlement Program – HR)

Như vậy, tự nhiên trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ đã hình thành hai lớp người, đôi khi người ta gọi nôm na là “Mít Khô” (những người đến trước) và “Mít Ướt”  (những người được bảo lãnh đến sau). Đã có không ít những gia đình gặp cảnh trớ trêu khi hai lớp người Việt Nam ‘cũ’ và ‘mới’ đụng chạm vào cái mà người bản xứ thường gọi là ‘cultural shock’, tạm dịch là "cú sốc văn hóa", dẫn đến bi kịch trong những gia đình được đoàn tụ trên đất Mỹ. Ông K., một trong số khoảng 135.000 người Việt ra đi từ tháng 4/1975, giải thích:

“Những người đi trước, sau một thời gian đã dễ dàng hòa nhập với cuộc sống mới tại Mỹ, nhưng những người đến sau gặp nhiều khó khăn từ ngôn ngữ đến lối sống. Dù là những người thân trong gia đình, nhưng vẫn có sự ‘bất mãn’ ngấm ngầm giữa hai bên. Về mặt tâm lý, một bên phải khổ tâm khi nói ra còn bên kia lại tự ái khi bị nhắc nhở”.

Ông K. đưa ra những ví dụ về thói quen vốn có của người Việt như nói chuyện ồn ào trong tiệm ăn, xả rác tùy tiện nơi công cộng hoặc ngồi xe hơi lại… “vắt chân chữ ngũ”. Ở Mỹ, đó là những chuyện trở thành “kiêng kỵ” trong lối sống vì người ta không bao giờ ngồi vắt vẻo trong xe mà lại không chịu cài “seat belt” an toàn.

Những người mới qua đâu có biết rằng nếu ngồi trong xe mà chỉ có 1 chân dưới sàn thì sự nguy hiểm khi gặp tai nạn trên xa lộ sẽ tăng gấp đôi so với người có điểm tựa là hai chân trên sàn xe. Những điều tuy nhỏ nhặt như vậy nhưng cũng khiến người nhắc nhở không cảm thấy vui mà người được nhắc nhở lại càng khó chịu. 

Thế cho nên, nhiều gia đình tuy mang tiếng là đoàn tụ nhưng chỉ một thời gian ngắn phải tính đến chuyện “ra riêng” vì những “rào cản” vô hình. Anh chị em ruột khi đã ở riêng có lúc không còn muốn nhìn mặt nhau, thậm chí còn coi nhau như... kẻ thù. Phần lỗi có thể thuộc về cả hai phía vì không nhìn thấy “những cú sốc về văn hóa”.

Khác với ông K., ông N. sang Mỹ theo diện ODP. Được một thời gian thấy nhớ Sài Gòn nên ông mua vé máy bay về thăm lại quê hương. Chuyện về Việt Nam quá dễ dàng nhưng ông N. sững sờ khi được biết mình không thể trở lại Mỹ chỉ vì mới có Thẻ Xanh chứ chưa có Hộ chiếu chính thức của Hoa Kỳ!


Thẻ Xanh (Permanent Resident)

Tất cả cũng chỉ vì trước khi về Việt Nam ông N. đã không xin Giấy phép tái nhập (Re-entry Permit). Người có Thẻ Xanh khi đi ra khỏi nước Mỹ sẽ không được trở về nếu vắng mặt tại Mỹ từ 1 năm trở lên. Trong trường hợp vắng mặt dưới 1 năm, Thẻ Xanh cũng được coi như người sở hữu đã “từ bỏ” (abandon) nếu cư trú bên ngoài nước Mỹ.


“Re-entry Permit” do Sở Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ 
(U.S. Citizenship and Immigration Services) cấp phát

Có “Re-entry Permit” là điều khẳng định sẽ không bỏ Thẻ Xanh và “Giấy phép tái nhập” này có giá trị trong vòng 2 năm kể từ ngày ký. Thế cho nên có thể sử dụng giấy phép đó như giấy tờ khi ra khỏi nước Mỹ. Điều quan trọng là cần tham khảo luật lệ di trú của quốc gia mình đến trước khi đi.  


Bảng nhắc nhở thường thấy tại phi trường Hoa Kỳ:
“Những người mang Thẻ Xanh lưu ý: Ra nước ngoài thường xuyên hay trong một thời gian dài? Đừng quên mang theo Giấy phép Tái nhập…”

Luật Mỹ còn quy định người đang hưởng quy chế tỵ nạn sẽ cần phải có “Refugee Travel Document” (Chứng từ du lịch dành cho người tỵ nạn) khi đi khỏi Mỹ. Chứng từ này do Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ (US Department of Justice) cấp. Không có những loại giấy tờ này thì chắc chắn người mang Thẻ Xanh sẽ ngậm đắng nuốt cay vì… “một đi không trở lại”.

Để được cấp thị thực vào Việt Nam, Bộ ngoại giao Việt Nam không đòi hỏi phải có “Re-Entry Permit” hoặc “Refugee Travel Document” nhưng nếu không có các loại giấy này, nước Mỹ sẽ không cho phép những người chưa có quốc tịch Mỹ được trở lại Mỹ sau khi đã đi ra nước ngoài! Đã có không ít trường hợp những người như ông N., chỉ vì kém hiểu biết về luật lệ của Mỹ, nên đành ở lại Việt Nam sau một thời gian sinh sống tại Mỹ! 

“Refugee Travel Document” tạm dịch là
“Giấy đi đường của người tị nạn” (?) do Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cấp

Những người Việt đang chờ được cấp "Thẻ Xanh" (Green Card) hay còn gọi là “Permanent Resident Card” (Thẻ chứng nhận ‘thường trú nhân’) khi về Việt Nam cũng phải có giấy phép gọi là “Advance Parole” (Form I-512), loại giấy phép dành cho người nước ngoài sinh sống tại Mỹ, sau khi du lịch ra nước ngoài được phép trở lại Mỹ. 

Tuy nhiên, dù đã có “Advance Parole” nhưng nếu người đã sống tại Mỹ bất hợp pháp trên 180 ngày và dưới một năm vẫn không được nhập trở lại Mỹ trong vòng ba năm kể từ ngày rời Mỹ. Nếu sống tại Mỹ bất hợp pháp từ một năm trở lên thì sẽ bị cấm vào Mỹ tới 10 năm. Tóm lại, nếu sống tại Mỹ bất hợp pháp thì đừng bao giờ rời Mỹ trước khi có Thẻ Xanh!


Ra khỏi nước Mỹ trong tình trạng Thẻ Xanh đang chờ xét mà không có “Advance Parole” đồng nghĩa với việc đơn xin cấp phát Thẻ Xanh tự động bị từ chối


***

Anh C. đang bị "lay off" vì tình hình kinh tế khó khăn tại Mỹ nên khi có người đề nghị làm hôn thú với một phụ nữ ở Việt Nam với mức “thù lao” 10.000 đôla, anh gật đầu ngay. Người phụ nữ ở Việt Nam thuộc loại khá giả, sẵn sàng chi luôn cả tiền vé máy bay, chi phí đi lại miễn sao cô đạt được mục đích cuối cùng: đến được nước Mỹ một cách hợp pháp với tư cách là vợ của anh C.

Trên thực tế, đã có những đám cưới linh đình ở Việt Nam để rồi khi đến Mỹ “đường ai nấy đi” vì làm đúng theo “hợp đồng”. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp “lộng giả thành chân”: đám cưới giả tại Việt Nam nhưng rồi sang đến Mỹ anh-chị lại thương nhau thật!

Hóa ra "thù lao theo hợp đồng" dành cho chàng lại biến thành của hồi môn cho nàng! Dĩ nhiên trong trường hợp hy hữu này, một đám cưới linh đình đã được tổ chức tại Mỹ để bà con chia vui cùng cặp vợ chồng mới cưới. Họ tìm thấy hạnh phúc thực sự khi sống bên nhau.

Về mặt pháp lý, Cơ quan Di trú Hoa Kỳ ngày nay đã phát hiện những “mánh mung” thuộc loại này nên việc làm hôn thú giả gặp rất nhiều trở ngại. Nhân viên di trú nay đã “khôn” hơn, họ chia cuộc hôn nhân giữa người ở Hoa Kỳ và chú rể hoặc cô dâu Việt Nam làm 3 giai đoạn: “Quen, Thân, Thương” và mỗi giai đoạn phải có bằng chứng cụ thể để chứng minh.

Khởi đầu, phải chứng minh được hai người “quen” nhau ra sao và bằng cách nào? Giai đoạn “thân” nhau phải có chứng từ như email, thư từ qua lại và đến giai đoạn “thương” nhau phải có hình ảnh đám hỏi, đám cưới tại Việt Nam. Khi người chồng hoặc vợ ở bên Mỹ làm đơn bảo lãnh cho “vợ hờ” hoặc “chồng hờ” ở Việt Nam, phản ứng đầu tiên của Cơ quan Di trú là bác đơn vì nhiều lý do. Đó là nguyên nhân khiến những kẻ “mánh mung” phải nản lòng.

Đối với những cuộc hôn nhân “thực sự”, người đứng đơn sẽ có quyền khiếu nại (appeal) lên Cơ quan Di trú thuộc Bộ ngoại giao Hoa Kỳ với những bằng chứng cụ thể. Vợ chồng vẫn có hy vọng đoàn tụ với nhau trên đất Mỹ.

Tuy nhiên, để lấy được ‘thẻ xanh’, người vợ Việt Nam phải qua một cuộc phỏng vấn và có khi bị kiểm tra đột xuất tại nơi ở để nhân viên di trú xác định quan hệ vợ chồng là có thật. Đã có những trường hợp lục tung tủ quần áo, hoặc thậm chí quan sát số bàn chải đánh răng trong phòng tắm… để tìm bằng chứng hai người chung sống thật sự.

Theo luật lệ hiện hành, 3 năm sau khi có Thẻ Xanh người vợ lấy chồng quốc tịch Mỹ mới được quyền dự thi nhập quốc tịch để trở thành người Mỹ thật sự.


Trở thành người Mỹ với Passport của United States of America

Lại có cặp vợ chồng đang sống hạnh phúc bên nhau tại Mỹ, bỗng nhiên bạn bè nghe tin hai người ly thân, mỗi người một ngã. Hóa ra một quân sư nào đó bầy mưu tính kế, dùng chước “chia loan rẽ phụng” để… tăng tiền welfare (an sinh xã hội). Theo kế hoạch, người chồng thuê nhà ở riêng nhưng thỉnh thoảng vẫn lén lút về thăm nhà trong khi bà vợ và mấy đứa con sống như một người mẹ bị chồng bỏ.

Hoàn cảnh “đáng thương” của bà được cơ quan an sinh xã hội tăng thêm tiền trợ cấp trong tình trạng vừa thất nghiệp lại vừa phải nuôi con còn nhỏ. Thu nhập so với trước có khá lên nhưng hai vợ chồng vẫn phải sống trong tình trạng bất an vì sợ có ngày âm mưu của họ bị bại lộ!

Internet là cầu nối giữa những người Việt xa xứ với người thân trong nước. Thay vì gửi thư theo đường bưu điện như trước đây, người trong và ngoài nước bây giờ có thể liên lạc với nhau bất cứ lúc nào. Nếu máy tính trang bị thêm webcam, người ta còn có thể nghe giọng nói của nhau và nhìn thấy nhau khi liên lạc. Cũng vì thế, những dịch vụ kiểu như “môi giới hôn nhân” hoặc “câu lạc bộ kết bạn” đã nổi lên như nấm sau mưa ở cả nước ngoài lẫn trong nước.

Phụ nữ Việt sống tại Mỹ rất “có giá” vì hiện tượng “dương thịnh, âm suy”, đàn ông thì nhiều trong khi số phụ nữ lại quá ít. Những “cô” 40 hoặc 50 tuổi vẫn còn cơ hội lập gia đình trong khi những cậu chỉ mới 30 cũng rất khó chọn lựa cho mình một ý trung nhân. Thế cho nên, người ta có khuynh hướng trở về quê hương để “tìm một nửa của mình” nếu không muốn lấy vợ khác màu da, tiếng nói.

Nhu cầu tìm bạn là điều có thật trong hoàn cảnh những người Việt tại Mỹ sống cô đơn, nhất là tại các tiểu bang ít người Việt. Sẽ là điều tốt, nếu như tìm được một người tâm đầu ý hợp trên mạng, mặc dù cách nhau đến nửa vòng trái đất. Trong trường hợp này, “xa mặt cách lòng” không còn là một rào cản mà người ta thường lo ngại!  Thế nhưng, cũng có không ít trường hợp các ông phải ngậm ngùi ca bài “Anh đã lầm đưa em sang đây…”.

Mặt trái của các dịch vụ “tư vấn hôn nhân” là những biến thể không thể lường trước của nó. Có thể người tìm bạn gái là ông chồng chán “cơm” Mỹ nên tìm cách về Việt Nam ăn “phở”! Đã có những lời xì xào của các bà có chồng hay về Việt Nam “thăm gia đình”: “Biết đâu ông ấy lại kết hợp việc về Việt Nam để đi tìm… phở!”.

Cũng có thể người đăng ký tìm ý trung nhân là ông già thuộc lứa tuổi “xưa nay hiếm” lên mạng tìm bạn gái đôi mươi tại Việt Nam. Sau khi đã phải chi một số tiền khá lớn cho dịch vụ môi giới cộng thêm những tốn kém trong việc đi lại giữa Mỹ và Việt Nam, ông “Yamaha” (già mà ham) cũng đạt được mục đích cuối cùng: đưa cô vợ trẻ về Mỹ.

Chỉ tiếc một điều là ngày “trùng phùng” cũng là thời gian ông phải chiến đấu với bệnh tật của tuổi gần đất xa trời hoặc người vợ trẻ “say goodbye” với ông chồng già. Thật đúng là:

“Công anh xúc tép nuôi cò
Cò ăn, cò lớn, cò dò, cò bay "

Người ta cũng phải ghi nhận sự thành công của các dịch vụ môi giới hôn nhân, nhờ nó nhiều người trẻ tuổi có cơ hội xe duyên dù cách nhau đến nửa vòng trái đất. Internet đã thực hiện được những cuộc đột phá mà trước đây có “nằm mơ cũng không tưởng tượng được”.

Ở một khía cạnh khác, tìm bạn trên mạng cũng có thể đụng phải một đường dây buôn bán phụ nữ mà khi đã lạc vào đây các cô gái khó tìm đường thoát thân. Báo chí tại Việt Nam đã khui ra những trường hợp dịch vụ kết bạn chỉ là tổ chức lừa đảo những phụ nữ sính… chồng ngoại.

Người ta thường nói: “Mọi tham vọng đều có cái giá phải trả… Vấn đề là Đắt hay Rẻ”.

***

 (Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả bắt đầu viết chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!


***
--> Read more..

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

Hà Giang - Phần 1: Thị xã Hà Giang

Sau bài “Ai lên xứ Lạng cùng anh…” (http://chinhhoiuc.blogspot.com/2016/02/ai-len-xu-lang-cung-anh.html) của GS Bùi Dương Chi, chúng tôi xin đăng tiếp một bài du ký và nhiều hình ảnh về thị xã Hà Giang. Đây là Phần 1 của du ký mà GS Chi có nhã ý gửi cho chúng tôi để giới thiệu một tỉnh gần biên giới phí Bắc. NNC

***

PHẦN I. THỊ XÃ HÀ GIANG

Bùi Dương Chi

Là thủ phủ của tỉnh Hà Giang, thị xã Hà Giang kể từ năm 2010 đã được nâng lên cấp Thành Phố với số dân là 71.689 gồm người Kinh 55,7%, Tầy 22% và 20 sắc tộc khác. Thành phố Hà Giang cách biên giới Việt Nam - Trung Quốc 23km (vi.wikipedia 2010). Năm 1979 Trung Quốc chiếm thị xã nhưng tàn phá và giết chóc ít hơn ở Móng Cái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai và Lai Châu. Cần thêm thông tin, truy cập en.wikipedia.org hay gõ Vietnam-China Border War vào Google Search. Các ảnh kèm theo tôi chụp vào tháng 4/2009 trừ “chợ Điện Biên Phủ” và “Phù VânYên Tử”.

Tháng 9/2001.

Lần đầu lên Hà Giang, tôi đi chuyến xe khách khởi hành lúc 6 giờ sáng nhưng gần 7 giờ tài xế mới chạy ra đường lòng vòng đón thêm khách rồi lại quay vào bến vì xe còn nhiều ghế trống. Tôi vội đi toa-lét vì không ít tài xế chỉ đỗ lại những hàng quán ven đường nào chịu “chiêu đãi” họ. 8 giờ hơn xe rời bến. Càng chạy xa Hà Nội, đường càng xấu, chưa kể nhiều đoạn đang được nới rộng nên có lúc xe chạy chậm hơn xe đạp.

Thị xã Hà Giang cách Hà Nội 318 cây số mà gần 10 giờ tối xe mới lên tới nơi. Hàng quán đã đóng cửa hết. Bà chủ nhà khách nể tình nấu cho tôi một tô mì gói. Rất may, sáng hôm sau, trời nắng đẹp, thời tiết mát mẻ nên tôi rảo bộ xem phố phường và tìm quán ăn điểm tâm có món chay. Gần tới chợ thị xã, tôi mới thấy một hàng cơm phở có bán bánh tây và pho mát Con Bò Cười. Tôi cũng cười.

Ăn uống trả tiền xong, tôi để lại 2 nghìn “bo” (cỡ 20 xu Mỹ. Lương lao động tạp vụ thời điểm này ở các tỉnh lỵ miền Bắc chưa tới 1Đô 1 ngày). Đi được một quãng tôi nghe tiếng gọi “ông ơi, ông ơi”. Dừng bước quay lại thì cháu gái hầu bàn chạy đến, hổn hển nói tôi để quên tiền. Tôi bảo ông “bo” cho cháu. Cháu nhất định không lấy và nói phục vụ khách là bổn phận của cháu!

Tôi sửng sốt gần như lần bà bán rau muống ở chợ Điện Biên Phủ -năm 1995- cầm 5 nghìn tôi đưa và hỏi tôi lấy mấy mớ. Tôi nói “cho chị”. Bà ấy vứt tiền xuống đất, nói “không lấy”. Tôi nhặt lên, bảo bà bán cho 3 mớ. Bà ấy cầm tiền, lấy lạt buộc 3 mớ rồi giả lại tôi 3 nghìn rưởi! Vì hai kỷ niệm khẳng khái và lương thiện này mà tôi rất có cảm tình với Hà Giang và Điện Biên.

Quá trưa tôi ghé Phòng Du Lịch Thể Thao và Văn Hoá hỏi đường đi Lũng Cú, địa điểm cực Bắc nhất của Việt Nam. Cậu nhân viên bảo thị xã chưa có doanh nghiệp du lịch tư nhân. Tôi mang hộ chiếu Mỹ, muốn đi phải xin giấy phép Công An mới được ngủ ở Đồng Văn. Đến Đồng Văn sẽ xin giấy phép lên Lũng Cú. Không biết có được không.


Tôi hỏi sao phiền toái thế, cậu ấy giải thích vì đường đi Đồng Văn, Mèo Vạc có nhiều chỗ giáp giới Trung Quốc. Nếu tôi đi, Phòng Du Lịch có xe 4 chỗ. Cậu sẽ hướng dẫn và xin giấy phép Công An. Đi và về mất 3 ngày 2 đêm. Tài xế và hướng dẫn được nhà khách cho ngủ miễn phí nhưng tôi phải bao ăn uống. Tổng cộng kể cả hai giấy phép của Công An là 300 Đô. Tôi trả lời vì chưa chắc được lên Lũng Cú nên khi nào luật lệ rõ ràng tôi mới đi. Quay về nhà khách thị xã, tôi giữ phòng ở thêm 2 ngày để “thăm dân cho biết sự tình”

Rất đáng khen. Trừ trường hợp bất khả kháng, tuyệt đối không khai quang hay tráng xi măng và chỉ xén tỉa định kỳ để giữ Hà Giang XANH và ĐẸP.


Chợ rộng rãi, sạnh sẽ nhưng cần được bảo trì tốt hơn. 
Thiếu cửa và bảng chỉ đường thoát hiểm nếu có hỏa hoạn.


Bưu điện đồ sộ và hoành tráng hơn các bưu điện ở Thủ Đô Washington DC, mặc dầu số dân toàn tỉnh Hà Giang (771.200/ vi.wikipedia) không hơn số dân của DC nhiều (672.228 nếu không kể vùng Đại Đô Thị DC là 6.033.737/ en.wikipedia). Theo tôi, công việc bưu chính ở Hà Giang không thể nào nhiều như ở DC được. Suy ra, chính quyền tỉnh HG đã không xử dụng tiền thuế của dân một cách hợp lý và sáng suốt.


Một đường phố công sở và biệt thự.


Một đường phố công sở và biệt thự khác. 
Quy hoạch và kiến trúc đều đẹp mắt và hòa hợp với phong cảnh thiên nhiên.


Một đường phố công sở và biệt thự nữa nhưng tôi thấy Thành phố Hà Giang với số dân là 71.689, với phương tiện lưu thông chủ yếu là xe đạp và gắn máy, lại là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, hàng năm chính phủ trung ương phải tài trợ và cấp gạo cứu đói (2010. vi.wikipedia) thì chính quyền địa phương đã rất vô ý thức khi không dành ưu tiên ngân sách cho y tế và giáo dục.


Tôi không chụp ảnh ban ngày, vì theo kinh nghiệm, có thể bị “hỏi thăm” dù không có bảng cấm chụp ảnh, quay phim.


Nhìn từ xa thì đẹp mã hơn nhiều công sở ở Ward 3 (Q. 3) của Thủ Đô Washington nhưng lại gần thì rất thiếu bảo trì. Không ít cơ sở công ở không ít nơi khác trên toàn quốc cũng thế.


“Kính nhi viễn chi”. Tôi dạy tiếng Anh học kỳ 1, NK 2005-2006, ở Đại Học Quốc Tế, Linh Trung,Thủ Đức, thuộc Đại Học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi thấy cơ sở rất hoành tráng nhưng mấy ngóc ngách đằng sau thì đầy rác rưởi, xà bần. Tuy vậy, một điều đáng mừng là nhiều đồng nghiệp trẻ rất có khả năng và biết xử dụng trợ huấn cụ điện tử thành thạo hơn hẳn tôi.


Trước quán điểm tâm cơm phở có bánh tây và pho mát Con Bò Cười
.

Market Điện Biên Phủ. 5/1996. Người Việt gốc Thái. Chợ Điện Biên Phủ ở thị xã Lai Châu. Lai Châu cũng bị Trung Quốc tàn phá trong trận chiến 1979 mà trước đó TBT Đảng Cộng Sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình nói với Tổng Thống Mỹ Carter là đã đến lúc “phải cho thằng bé ngỗ nghịch vài roi” (Vietnam-China Border War. Time Magazine. Vào Google Search)

Tháng 3/ 2002.

Đầu tháng 2, bạn (*) của anh cả tôi ở San Jose gửi Email hỏi tôi có thể tổ chức cho anh và bốn ông cũng tuổi “cổ lai hi” làm một chyến đi vài tỉnh biên giới phía Bắc khoảng cuối tháng 3 được không. Mừng quá, tôi trả lời nếu các bạn anh khỏe mạnh và chịu đi lên Lũng Cú thì tôi sẽ lo xe cộ, chỗ ở và hướng dẫn miễn phí. Tất cả đồng ý và nhờ tôi lên lịch tham quan 9 ngày. Tôi thuê xe 12 chỗ và chọn được tài xế cẩn thận, điềm tĩnh, không hay bóp còi sau khi đã chở tôi thử xe trong khu Phố Cổ và quanh Hồ Hoàn Kiếm.

Ngày 22/3 tôi ra phi trường Nội Bài đón 5 anh ở Saigon ra. Ngày hôm sau, tôi hướng dẫn các anh đi xem hồ Ba Bể (Bắc Kạn), thác Bản Giốc (Cao Bằng). Ngày 26/3 chúng tôi tới thị xã Hà Giang và ở lại một ngày đi xem phố xá và dưỡng sức. Sáng 28/3 chúng tôi đi Đồng Văn.

Thông thường xe chạy mất 4 tiếng nhưng vừa đi vừa đỗ để mấy anh chụp ảnh, quay phim nên cuối chiều mới đến nơi. Chia phòng nhà khách xong, anh Uyển* sực nhớ để quên thuốc tiêm tiểu đường trong tủ lạnh nhà khách ở thị xã Hà Giang. Anh bảo cứ đi tiếp theo lịch trình nhưng mọi người không chịu.

Sáng hôm sau chúng tôi quay về nhà khách. Anh không tìm thấy thuốc. Nhà thuốc Tây ở thị xã Hà Giang không có loại thuốc đặc biệt nên chúng tôi phải về Hà Nội. Rất may, nhà thuốc Tây trực có loại thuốc Pháp, giống như thuốc Mỹ. Dược sĩ nói không tiêm thuốc này có thể bị chết vì “sốc tiểu đường”!

Cầu trên sông Lô chảy qua thị xã.


Tôi đã đi thăm nhiều nơi trong nước và đã xem không ít sách ảnh Cảnh Đẹp Việt Nam nhưng tôi chưa thấy phong cảnh và hình ảnh sông nào đẹp bằng sông Lô ở ngay bên ngoài thị xã Hà Giang.


Bờ sông nhiều chỗ có kè đá thiên nhiên.


Hai bờ có nhiều bãi cát trắng phau thì đương nhiên trước kia nước phải trong vắt.


Nhà và bờ kè xi măng rồi đây nếu kinh tế gia đình và xã hội khá hơn sẽ chỉnh trang lại.

.
Nhưng các gềnh đá bị đập lấy đá hoặc bị bán nguyên tảng để trang trí vườn cảnh thì cả quan và dân đều có một số người rất vô ý thức.



Ai dám mở đường lấy cát và đá?


Không có hay không dựa vào quyền thế thì làm sao chiếm được bờ sông ngay trong thị xã như thế này! Trên bờ kè là công viên bờ sông nhưng rất nhếch nhác, phí phạm.


Vừa sẵn cát và đá, vửa thuận tiện chuyên chở thì làm sao mà không “1 vốn 4 lời”.


Sông sợ sẽ thành rãnh, hết cát, hết gềnh đá, hết bờ kè thiên nhiên thì còn đâu: 
“Trên nước sông Lô, thuyền tôi buông lái như xưa. Sau lúc phong ba thuyền tôi qua bến qua bờ” [Phạm Duy]


Tháng 4/2009.

Suýt soát "7 bó" rồi mà vẫn chưa biết Đồng Văn, Mèo Vạc, chưa trèo lên đỉnh Lũng Cú nên tôi vẫn để tâm tìm bạn đồng hành. Năm 2006, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng đi Hà Giang kể cả mua hộ 6 cái bánh bao Hàng Bạc theo yêu cầu của 3 thân hữu biết nhau từ thuở lớp Nhất tiểu học ở Hà Nội. Sắp tới giờ hẹn đem xe đến đón tôi thì họ bỏ cuộc nên lễ tân và hai bà dọn phòng nhà khách được dịp khen bánh bao nhân thịt ngon đáo để.

Ba năm sau, chắc nhờ sao Thiên Di chiếu mệnh nên hai phụ huynh học sinh - con du học Mỹ theo chương trình tôi đại diện - mời đi ôtô nhà đi thăm Hà Giang Lũng Cú. Lần này, tài xế kinh nghiệm, xe khỏe , đường tốt, quán hàng sạch sẽ, mấy nhà khách đều có computer và internet miễn phí nên chuyến đi và về vừa đạt nguyện vọng vừa thoải mái. Đã thế, hai phụ huynh cũng thích la cà chụp ảnh nên tôi tha hồ quan sát và ghi hình những đổi thay hay, dở ở tỉnh và thị xã Hà Giang từ 2001 tới 2009. 


Theo tôi, Thụy Điển có lòng nhưng không biết hầu hết dân cư thị xã còn “đầu tắt mặt tối, tay làm hàm nhai” thì làm sao mà mở “Cửa Sổ Văn Hóa Nước Ngoài” được.


Đền Mẫu rất khang trang, khuôn viên rộng rãi, hơn xa trường học và bệnh viện.


Chuẩn bị Ngồi Đồng. Tín hữu phần nhiều là quý bà trang phục và tô điểm hợp thời trang.


Ca sĩ và nhạc công đều bảnh trai. Nhạc cụ tân, cổ rất mới. Ca, nhạc nghe kích động giống nhạc sống Be-Bop ở vũ trường Hà Nội và Saigon. Năm 2001, tôi đi thăm Phù Vân Yên Tử. Leo lên tới gần chùa Bảo Sái, tôi cũng nghe thấy ca nhạc Ngồi Đồng, y như ca nhạc Rap.


1/2001: Cổng chính lên các chùa nằm trên đường lên đỉnh núi Phù Vân Yên Tử. Vua Trần Nhân Tông sáng lập Thiền Viện Trúc Lâm vào cuối Thế Kỷ 13.


Chùa Bảo Sái là một trong 7 chùa trên núi Phù Vân Yên Tử ở tỉnh Quảng Ninh, 
cách Hà Nội 133 cây số.


***

Chú thích:

(*) Anh Vũ Lữ Uyển, độc thân, trước 75 đàn piano cho mấy Vũ Trường Saigon. Sang Mỹ, anh lái taxi và xe buýt ở San Francisco. Về hưu, anh bị tiểu đường rất nặng nhưng ngày nào nắng ráo cũng đạp xe 20 - 25 miles. Anh có gần chục đôi giầy chạy lúp xúp (jogging), 2 môtô và 1 xe hơi sport.

Năm 2003, anh về Hà Nội thăm họ hàng rồi mua xe gắn máy rủ tôi đèo nhau vào Saigon. Tôi chào thua vì lưu thông trên QL1A rất nguy hiểm. Anh thuê người cháu họ chạy xe theo ngừa trường hợp có tai nạn hay đau ốm. Cả hai vào tới nơi bình yên.

Ở Saigon, có một lần anh chạy môtô đi Biên Hoà ăn cháo đầu cá lóc thì bị 2 tên cà chớn kèm kẹp hai bên “xin đểu”. Ai ngờ anh “già” 70 là cao thủ môtô đường trường nên một thằng bị đạp chút xíu té nhào, một thằng bị ép vô lề đường.

Anh qua đời trong cô đơn cách đây 4 năm ở Sacramento, California.

***


--> Read more..

Popular posts