Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2021

Ngày đầu ngồi quán cà phê “bình thường… mới” (28/10/2021)

Hôm nay, 28/10/2021, Sài Gòn chính thức “xả trại”, các quán cà phê được phép… tiếp khách tại chỗ chứ không phải mang về!

Máu nhà báo về hưu vẫn còn nên quyết làm phóng sự… ngày trọng đại!

6:30 tôi đến cà phê quen thuộc gần nhà “Yesterday Coffee”, Anh Huy chủ quán tươi cười đón khách:

“Chú khai trương quán sau mùa giãn cách đó!”.

 



Cô phục vụ mang ly cà phê sữa đá quen thuộc, tính giá 24.000 đồng, nhưng khi đem tiền thối lại chỉ còn giá 19.000, có nghĩa là anh chủ vẫn tính giá cũ với khách quen!




Khung cảnh đường Hoa Sứ vẫn chưa hoàn toàn hồi sinh sau giấc ngủ dài. Anh chủ quán cho biết cà phê đối diện bên kia đường, Sơn Coffee & Tea, cũng như June Cofee bên góc ngã tư đều đóng cửa, trả lại mặt bằng vì tiền thuê quá cao khi bị đóng cửa sau một thời gian dài lockdown!

 



Dần dần khách đến Yesterday ngày một đông đến độ chủ quán phải kê thêm bàn phía bên kia đường, chỗ cà phê đã đóng cửa.

 



Nhìn chung, dân Sài Gòn vẫn chấp hành nghiêm “5 K”. Quán Yesterday để sẵn bình diệt khuẩn, máy đo thân nhiệt… Kinh nghiệm của những ngày “đau thương” đã qua khiến mọi người học được một bài học… nhớ đời!

 



Xin chúc Sài Gòn những ngày “bình thường mới”, mau chóng trở thành “bình thường cũ” để mọi người sớm được sống trong những ngày… “không có dịch”.

Mong lắm thay! 

***

Bình luận trên Fcebook:

* Khoảng 5 tháng sau thời kỳ thành phố giãn cách mới gặp lại anh Chính (cựu giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội và Trưởng Đại diện Vietnam Investment Review TP. HCM). Hình chụp trên FB Nguyễn Quang Thảo, ngày 29/10/2021.




Khoảng 5 tháng sau thời kỳ thành phố giãn cách mới gặp lại anh Chính (cựu giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội và Trưởng Đại diện Vietnam Investment Review TP. HCM). Hình chụp trên FB Nguyễn Quang Thảo, ngày 29/10/2021.


* Ngày 31/10/2021: Với Facebooker Nguyễn Hữu Vinh

Cà Phê… Halloween!

Anh bạn FB nhắn tin: “Ngày mai Chủ Nhật 31/10 anh cho phép em mời anh cữ cà phê ở Yesterday nhé…”

Sáng nay còn đang khoá cửa chuẩn bị đi cà phê thì Nguyễn Hữu Vinh chạy Honda tới đón ra Yesterday. Không ngờ từ nhà ra cà phê chưa đầy 200 mét mà lại có… “Honda Ôm”!

Đã hơn nửa năm nay không gặp lại sau lần ngồi ở Cà Phê Diễm Ly, nhiếp ảnh gia Vinh trông vẫn vậy với cái áo khoác “ký giả”… Còn mình thì, eo ôi ngày một gầy giơ xương!

Mình vẫn trung thành với cà phê sữa đá còn anh bạn lại gọi cà phê sữa nóng với “cái cốc ngồi trên cái nồi”.

Mãi tới hôm nay mới thấy thật gần món cà phê sữa nóng của Yesterday, vì trước đây chỉ nhìn từ xa. Cà phê được hâm nóng bởi một ngọn đèn cầy nhỏ nên lúc nào cũng nóng!

Ngắm kỹ lại thấy cái “bếp” cà phê trông giống như “jack-o-lantern” Halloween quá!

Theo thói quen, mình chỉ đóng vai “thính giả” còn Vinh thì hết chuyện này đến chuyện khác. Chuyện ngày xưa làm lính “Cụ Hồ” ở xứ Chùa Tháp cho đến chuyện nay về một người bạn chung trên FB, Bao Giang ở Úc rất thèm trở lại VN nhưng lại bị ngăn cách bởi con Covid…

Sáng nay Vinh còn có Coffee Show thứ hai nữa với đám bạn nên vội coi giờ để đi tiếp. Mình thấy những người tuổi còn trẻ như Vinh thật sướng, tung tăng bay nhảy hết chỗ này đến chỗ khác. Chẳng bù với ông già cứ ru rú một xó!

Thôi, đi bộ về nhà để chờ tối nay vui với các hồn ma bóng quế trong Lễ hội Halloween vậy!

WITCH-ING YOU A SPOOK-TACULAR HALLOWEEN !!!










***

 







--> Read more..

Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2021

Lẩm cẩm chuyện

Những mẩu chuyện này được viết ra bởi một ông già “bảy bó có dư” nên mới mang tên “Lẩm cẩm chuyện”.

Người già thường được coi là một đứa con nít, chỉ khác ở chỗ có “mái tóc bạc” cộng thêm tính khí bất thường, khó ưa. Đó là kết quả của những năm tháng đè nặng trên vai!

 

Trẻ con & Người già


Quả là hai thái cực khi ta nói “ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ” nhưng Bernard Shaw lại nói một cách khôi hài rằng “lắm người không khi nào trẻ, vài kẻ không bao giờ già” để chỉ cái ranh giới mù mờ giữa tuổi trẻ và tuổi già!

 

Già & Trẻ


Về già mới thấy giấc ngủ hoàn toàn không cần định giờ báo thức vì đã có “đồng hồ sinh học”. Cơ thể tự động thức dậy khi những nhu cầu bài tiết phát sinh! Thế cho nên, cũng bằng thừa nếu dùng đồng hồ để thức giấc một cách máy móc.

Nhớ lại thời còn con nít, ta thường hay thỉnh thoảng có lúc… “dấm đài” (gọi trại là thế để tránh nói về cái cảnh đang ngủ bỗng thấy… ướt quần!). Hóa ra cũng là bởi “đồng hồ sinh học”. Rõ ràng là cậu bé nằm mơ thấy mình đang buồn tiểu nên tự động xả nước một cách thoải… trong mơ!

Không phải là nhà phân tâm học nổi tiếng Sigmund Freud ta cũng có thể thấy chuyện “bài tiết trong mơ” xảy ra một cách nhuần nhuyễn giữa “Thực” và “Ảo”. Này nhé, việc bài tiết là có thực, nhưng bài tiết trong mơ lại là ảo và rồi kết cuộc trở về với thực tế ta mới thấy… ướt quần!

 

Bác sĩ Sigmund Freud (1856-1939)

 

“Đồng hồ sinh học” đối với người già hoạt động rất… “bất thường”. Có những hôm mới 1 hay 2 giờ sáng nó đã báo thức, đành phải dậy để đi toilet, dù bản thân có muốn hay không!

Sau khi đáp ứng “tiếng gọi của thiên nhiên” một cách miễn cưỡng, giấc ngủ được coi là đã chấm dứt nên phải tính đến chuyện làm gì trong khi chờ sáng?

Thế là đang từ trạng thái ảo trong mơ trở về với thực tế trong khi mọi người xung quanh đang an giấc. Tôi có một cái thói quen vẫn thường xảy ra là có những giấc mơ về chuyện viết lách trước khi tỉnh dậy. Thế là đành ngồi viết tiếp những suy nghĩ của mình trong mơ vào lúc một hay hai giờ sáng!

***

Về già, người ta thường có những suy nghĩ mà đối với những người trẻ gọi đó là “lẩm cẩm”. Hồi tôi còn trẻ, sức lực sung mãn nên chạy xe gắn máy đến khắp mọi nơi mình thích, kể cả việc ra xa lộ Biên Hòa hóng gió. Đang ngon trớn bỗng thấy bánh xe xẹp lép, phải dắt bộ để tìm một chỗ sửa xe.

Anh thợ sửa xe cao hứng kể rằng trên khúc đường này xe thường hay bị xẹp lốp nên… làm ăn cũng khá. Ngày xưa chưa có “đinh tặc”, danh từ chỉ những người rải đinh trên đường hầu kiếm ăn bằng cách nhẹ thì vá còn nặng thì phải thay luôn ruột xe!

 

Nạn nhân của… “đinh tặc”

 

Bây giờ trên “Xa lộ Hà Nội” (tên mới của “Xa lộ Biên Hòa” từ sau ngày 30/4/75) xuất hiện khá nhiều những “đinh tặc”. Phải nói là họ bất lương khi tạo ra những cảnh dắt bộ tìm chỗ vá xe dưới cái nắng gay gắt của Sài Gòn. Thậm chí có khi còn gây tai nạn đối với những người tay lái không vững!

Biết đâu đó, những người thân của “đinh tặc” ngày nay lại trở thành nạn nhân của những “đồng nghiệp” của họ! Các cụ ta thường nói “gậy ông đâp lưng ông” là vậy! Của phi nghĩa cũng chẳng bao giờ bền, làm giàu trên sự đau khổ của người khác không sớm thì muộn cũng có những đoạn kết buồn.

 

Xe “hút đinh” vì sự an toàn của cộng đồng

 

Để kết thúc bài viết “Lẩm cẩm chuyện”, xin mượn lời nhà văn châm biến Mark Twain với một câu khôi hài:

“Cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn vô cùng nếu chúng ta được sinh ra ở tuổi tám mươi và dần dần tiến về tuổi mười tám”

***

P/S: Dưới đây là vài “danh ngôn lẩm cẩm” về tuổi già giúp các bạn thông cảm cho những người “thất thập cổ lai hi”: 

- “Cơ thể già đi chậm rãi và chết nhanh chóng” - Tacitus 

- “Đừng trông vào tuổi tác của con người mà hãy nhìn vào những hành động của anh ta” - Sophocles 

- “Với thanh niên, ngày trôi qua nhanh và năm trôi qua chậm. Với người già, ngày trôi qua chậm và năm trôi qua nhanh” - Anna Quindlen 

- “Ai cũng muốn sống lâu, nhưng lại chẳng ai muốn già nua” - Jonathan Swift 

- “Bốn mươi là tuổi già của lớp trẻ; Năm mươi là tuổi trẻ của lớp già” - Victor Hugo 

- “Tuổi của trái tim không được đo bằng tóc bạc” - Edward Bulwer Lytton 

- “Nuối tiếc là đặc tính tự nhiên của mái đầu bạc” - Charles Dickens 

- “Tất cả bệnh tật đều thu lại làm một. Đó là tuổi già” - Ralph Waldo Emerson 

- “Tôi chẳng hứng thú với tuổi tác. Người nào nói cho tôi biết tuổi của họ, kẻ đó thật ngớ ngẩn. Tuổi của bạn là do bạn tự cảm nhận” - Henri Frederic Amiel

 *** 

--> Read more..

Thứ Tư, 20 tháng 10, 2021

Sài Gòn xưa: Nếp sống tâm linh

Sài Gòn xưa đã có rất nhiều người được gọi chung là “thầy” (maitre).

Ở đây, chúng tôi không bàn đên các vị thầy trong ngành giáo dục, chuyên đào tạo những thế hệ trẻ sau này ra đời, giúp nước. Cũng có những vị thầy không dậy chữ nghĩa, kiến thức mà chỉ là những người chuyên về tâm linh với những lời “phán” khiến người nghe phải “tâm phục, khẩu phục”.

Nhà nghiên cứu nổi tiếng về tuớng số Vũ Tài Lục đã giải thích trong quyển “Tử vi đẩu số toàn thư”, Ngân hà Thư xã, xuất bản tại Sài Gòn năm 1973:

“Tử vi nghĩa là hoa tường vi màu đỏ thẫm (tử: màu đỏ tía – vi: tường vi hoa). Từ cổ đại giống người thuộc phía Bắc sông Hoàng Hà dùng hoa màu đỏ để chiêm bốc. Hình ảnh việc chiêm bốc ấy giống hệt như chuyện Quỷ Cốc trước khi cho Tôn Tẩn, Bàng Quyên xuống núi vào đời tranh đấu bảo mỗi người ngắt một cành hoa tường vi đưa lên thầy. Xem hoa phân âm dương Quỷ Cốc tiên sinh đã đoán biết trước vận mạng Tôn Tẩn bị bao nhiêu năm điêu linh cùng cực đến nỗi phải giả điên, ăn cả cứt heo mới thoát khỏi tay tên phản bạn lừa thầy Bàng Quyên…”

 

Lá số Tử vi

 

Sài Gòn xưa xuất hiện rất nhiều những nhân vật mà ngôn ngữ bình dân gọi nôm na là “thầy bói”. Trong số đó phải kể đến Thầy Minh Nguyệt (tự xưng là “Giáo sư” với hàng chục ngàn thân chủ), Thầy Minh Lộc lại rất khó tính, nói thẳng, nói ngang, nói như tát nước vào mặt người đến năn nỉ xin thầy xem giúp. Thế mà các thân chủ xếp hàng đến nghe thầy phán!

Thầy Khánh Sơn là một trong những người nổi tiếng nhất và lâu nhất, được biết đến qua tên “Mét [Maitre] Khánh Sơn”. Thầy đẹp trai, đeo kính trắng, đã từng tốt nghiệp sư phạm tại Hà Nội chứ không phải là những thầy “tay ngang” vì thời thế thế phải chuyển sang nghề bói toán. Đã có không ít các nữ thân chủ bị mê hoặc vì tài ăn nói của thầy.

Thầy Ba La cũng chuyên về tử vi, bói dịch, nhưng cũng nổi tiếng là “một nhà tiên tri” vì thầy hành nghề lâu năm. Thầy bị mù từ lúc trẻ nên đã việc chọn nghề này để sinh sống là quá hợp lý. Ngoài ra, thầy lại thông thạo Hán văn, nên rất được nể trọng từ những đồng nhiệp cũng như thân chủ.

“Chiêm tinh gia” Huỳnh Liên lại có nhóm thân chủ là những viên chức chính quyền cũng như tướng tá trong quân đội. Người ta đồn, đáng lẽ cuộc đảo chánh năm 1963 đã xảy ra sớm hơn, nhưng vì các thầy đã bấm độn thấy là không được nên đã phải dời qua ngày 1/11/1963 mới lật đổ được Tống thống Ngô Đình Diệm!

Các vị thầy bói đã có ảnh hưởng thật lớn, nếu không nói là đã đóng những vai trò quan trọng trên chính trường. Năm 1992 thầy Huỳnh Ln cũng được báo chí tại hải ngoại còn nhắc đến qua một tin động trời: “Thầy bói Huỳnh Liên bị cháu vợ giết chết để cướp của”.

Hóa ra đây chỉ là tin đồn từ báo Sông Bé, Bình Dương! Thầy Huỳnh Liên có 2 căn nhà tại Sài Gòn và Lái Thiêu do hai bà vợ lớn và vợ bé sở hữu. Ông qua đời tại Bình Dương khi về thăm bà nhỏ và chết tại đó. Chuyện “bị cháu vợ giết” chỉ là tin đồn và sang đến Hoa Kỳ tin này trở thành “hot news” của các báo lá cải!

 

Xem chỉ tay, bói  bài để biết tình duyên, gia đạo

 

Chuyện bói toán nói chung thuộc về lãnh vực tâm linh khi người xem bói muốn tìm hiểu số phận của mình trong tương lai. Đối với một số người, những tiên đoán của các thầy bói cũng có thể là một cảnh báo để từ đó con người có thể tích thiện hầu có một đời sống sau này an vui và hạnh phúc hơn.

Thầy bói có khả năng nhìn bàn tay, tướng mặt, ngày sinh, thâm chí cả chữ ký… để đọc được số mệnh của thân chủ. Họ sẽ dựa vào đó để thấy được quá khứ và tương lai của một người, đó là một khả năng kỳ lạ mà khoa học không thể nào giải thích được vì nằm trong lãnh vục của tâm linh.

Nói về bói toán là cả một hình thức hành nghề “thiên hình vạn trạng”. Từ những lá số tử vi đầy bí ẩn đến những lá bài tây cũng có thể được các thầy nhìn vào đó tiên đoán “quá khứ vị lai”. Lòng tin của người xem bói được xác định qua những lời bàn của thầy, thế cho nên thầy càng có tài ăn nói thì càng… đông khách!

 

Xem chỉ tay

 

Thậm chí còn có cách tự mình làm thầy bói qua việc “bói Kiều”. Ngày xưa các cụ rất tin vào việc “bói Kiều”, đó một hình thức giải quyết những thắc mắc, hồ nghi qua bói toán dựa vào Truyện Kiều. Đặc biệt, ngày đầu năm là dịp để “bói Kiều” với lời khấn vái thành kính:

“Lạy vua Từ Hải

Lạy vãi Giác Duyên

Lạy tiên Thuý Kiều...” 


Miệng lâm râm khấn, tay cầm Truyện Kiều với ước nguyện điều mong mỏi. Hai ngón tay cái mở Truyện Kiều một cách ngẫu nhiên, ngón tay nằm ở dòng nào thì 4 câu Kiều trong truyện chính là quẻ bói. Chẳng hạn, mở Truyện Kiều mà gặp đoạn này thì thật là một điềm xấu:

“Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh,

Rụng rời khung dệt, tan tành gói may.

Đồ tế nhuyễn, của riêng tây,

Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”.

 

Đó là hình ảnh một tương lai bất trắc. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, có thể là một vụ “cưỡng chế” đem lại nhiều điều vô lý, bất công trong một xã hội mà luật pháp không được tôn trọng! 

 

Bói Kiều gặp cảnh  họa sĩ Tú Duyên vẽ gia đìn nàng Kiều chắc chắn đây là điềm gở!

 

Sài Gòn xưa còn có một hình thức xem bói đã đi vào truyền thống lâu nay. Cứ đến ngày Tết, thiện nam tín nữ đổ về  Lăng Ông Bà Chiểu, trước là để viếng đức Tả quân Lê Văn Duyệt sau đó có thể “xin xăm” để biết năm mới tài lộc, hạnh phúc của mình sẽ ra sao.

Chung quanh lăng có bức tường bao bọc dài 500m, cao 1,2 m được trổ bốn cổng ra vào theo bốn hướng, xây dựng vào năm 1948. Năm sau, cổng Tam quan cũng được xây. Cổng có hàng đại tự nổi bằng chữ Hán “Thượng Công Miếu”, được đặt ở hướng Nam. Trước năm 1975, cổng này đã từng được chọn là biểu tượng của vùng Sài Gòn-Gia Định xưa.

 

Lăng Ông ngày xưa

 

Có rất nhiều thầy bói hành nghề quanh lăng. Thường các thầy ngồi rải rác khắp nơi, trải ra một chiếc chiếu hoa và đặt “đồ nghề” lên trên, cũng có khi bày ra một chiếc bàn nhỏ để “tiếp khách”.

Các thầy đa số thuộc lớp “cựu trào”, mặc áo dài đen và đội khăn đóng. Cũng có người thuộc giới tân học với bộ đồ tây thêm cặp kiếng trắng “trí thức”. Cũng có thầy mặc bộ bà ba bình dân cho thoải mái và có vẻ “bất cần đời”.

Tuy ăn mặc khác nhau, nhưng đã gọi là thầy bói thì vị nào cũng bày ra tại chỗ hành nghề những thứ giống nhau: một bộ bài tây, ít quyển sách chữ Hán, những xâu chân gà luộc phơi khô, cái mu rùa để bói… Ngoài ra còn có đèn nhang, giấy điều và bút lông, mực xạ.

Các thầy đón khách ngay trước cửa vào Lăng. Phía bên trong lại có một khu “đặc biệt” được thiết trí với bàn ghế, có tấm bạt để che mưa nắng trên bãi cỏ. Đó là nơi xem xăm với những thủ tục “truyền thống”. Hai tay khách cầm một cái ống đựng thẻ, miệng thầm khấn vái rồi lắc ra một thẻ xăm.

Thầy sẽ nhìn vào thẻ xăm để “phán” những điều… “thiên cơ bất khả lậu”! Đã thành truyền thống nên hồi đó có một bài hát tếu do ban tam ca AVT hát mỗi dịp xuân về:   

“Năm mới đừng để vợ la

Đừng chơi cờ bạc mà ra bót nằm

Chi bằng đi lễ Lăng Ông

Đầu Xuân năm mới xin xăm cầu tài

Mồng một đi lễ Lăng Ông

Cầu anh đắc lộc bằng trăm ngày thường.”

 

Đầu năm xin xăm cầu tình duyên, gia đạo

 

Mượn lời ca của ban AVT, chúng tôi xin chúc “thiện nam, tín nữ” gần xa một tương lai sáng sủa để tiếp tục sống một cuộc đời đầy dẫy “Hỉ - Nộ - Ái - Ố” trong vòng kiềm tỏa của cơn đại dịch Covid-19!

 

***

--> Read more..

Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2021

Về quê

Giữa đèo cơm hộp trao tay

Rưng rưng nước mắt một ngày về quê.

Hải Vân mưa gió bốn bề,

Trời cao có thấu, ngày về còn xa!

 

Cha ơi, hãy đợi con về

Mẹ ơi, con quyết về quê đất nghèo,

Gia đình no đói có nhau

Chẳng hề mơ ước sang giàu phù du!

 

Con ơi, con ngủ cho ngoan

Còn vài chốt nữa là ta… về nhà.

Em ơi, ôm chặt lấy con

Qua vài chốt nữa là ta… sẽ về!

 

(Tháng 10/2021)


***







***

--> Read more..

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

Bài viết… tạ lỗi!

Tôi cảm thấy cứ áy náy mãi sau bài “Viết tiếp chuyện… hớt tóc” vừa mới đăng cách đây vài hôm! Sẽ là bất công nếu chỉ viết về chuyện tóc của quý ông mà không nói đến những mái tóc thướt tha của quý bà!

Để tạ lỗi, xin có một bài viết về mái tóc phụ nữ qua ca dao, tục ngữ Việt Nam, dựa theo bài khảo luận của Nguyễn Xuân Kính thuộc Viện Nghiên cứu Văn hóa, trong đó tác giả khẳng định:

“Ca dao là tiếng hát tâm hồn, tục ngữ là túi khôn của người dân Việt. Nói về mái tóc, trong số 12.487 lời ca dao cổ truyền (tức là trước Cách mạng tháng Tám năm 1945) được tập hợp lại trong bộ sách “Kho tàng ca dao người Việt” có 122 lời, trong số 16.098 câu tục ngữ cổ truyền được tập hợp lại trong bộ sách “Kho tàng tục ngữ người Việt”.

Bài viết mở đầu với “mái tóc đuôi gà”, một hình ảnh từ lâu đã đi vào kho tàng ca dao Việt Nam: 

“Chị kia bới tóc đuôi gà

Nắm đuôi giật lại hỏi nhà chị đâu.

Nhà tôi ở trước đám dâu,

Ở sau đám bắp, đầu cầu ngó qua.”

Có nhiều lời ca dao thể hiện quan niệm của người xưa về mái tóc đẹp. Chẳng hạn như:

“Tóc em dài em cài hoa lí

Miệng em cười có ý anh thương.”

“Chân mày vòng nguyệt có duyên

Tóc mây dợn sóng đẹp duyên tơ hồng.”

“Tóc thề” cũng được ca tụng trong ca dao giữa một khung cảnh linh thiêng của một nơi thờ tự:

“Cái miễu linh thiêng

Có bốn cây cột kiền kiền

Rui tre mè trắc

Đôi đứa ta trúc trắc

Cắt tóc thề nguyền

Lời thề nước biếc non xanh

Nhện giăng sóng dợn sao đành bỏ nhau.”

Lại có những câu “sỗ sàng” hơn với một cách so sánh rất trần tục nhưng lại… quá đúng:

“Ba cô anh lạ cả ba

Bốn cô anh lạ cả bốn biết là quen ai?

Anh chỉ quen một cô da trắng tóc dài

Miệng cười như cánh hoa nhài nở nang.”

Mái tóc cũng là một đề tài trong các cuộc hát đối đáp nam nữ có tính chất đùa vui. Người phụ nữ ca tụng mái tóc của mình:

“Đàn bà tốt tóc thời sang

Đàn ông tốt tóc những mang nặng đầu.”

Nam giới đáp lại bằng một câu thơ không kém phần… tự tin:

“Đàn ông tốt tóc là Tiên

Đàn bà tốt tóc nằm liền với ma.”

Riêng về tục ngữ, rất ít khi nói về vẻ đẹp của mái tóc của người phụ nữ, nhưng đã truyền lại kinh nghiệm chăm sóc tóc:

“Tốt tóc gội cỏ mần trầu, sạch đầu thì gội lá sả”. Mần trầu là thứ cỏ có hoa mọc thành bông gồm năm, bảy nhánh dài mọc tỏa tròn đều ở đầu cuống chung; sả là thứ cây cùng họ với lúa, mọc thành bụi, lá dài, hẹp và thơm. Muốn tóc tốt thì gội bằng nước đun với cỏ mần trầu, muốn đầu thơm sạch thì dùng nước đun với lá sả.

“Cái răng, cái tóc là góc con người”. Theo quan niệm xưa, mái tóc đẹp của người phụ nữ được nhận diện cùng với má lúm đồng tiền, răng đen nhánh hạt huyền, con mắt có tình, cùng với nón thượng quai tua, cổ yếm tròn xinh, cùng với lời ăn, tiếng nói mặn mà...

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã vẽ cảnh người thiếu nữ ngủ ngày một cách sắc sảo, táo bạo, khiến người quân tử dùng dằng đi chẳng dứt:

“Mùa hè hây hẩy gió nồm đông,

Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng.

Lược trúc chải cài trên mái tóc,

Yếm đào trễ xuống dưới nương long.”

Ca dao dân gian lại có cách thể hiện khác. Hình ảnh người thôn nữ tuy thắm tươi, giàu sức sống nhưng vẫn hồn hậu và kín đáo:

“Em đi khắp bốn phương trời

Chẳng đâu lịch sự bằng người ở đây

Gặp người má đỏ hây hây

Răng đen rưng rức tóc mây rườm rà.”

Tục ngữ cho rằng, tóc rễ tre, tóc quăn là tóc không đẹp: “Tóc lăn quăn việc làm bối rối” hay “Tóc quăn chải lược đồi mồi, chải đứng chải ngồi, quăn vẫn hoàn quăn”. Nhận xét của cánh đàn ông dưới đây đúng hay sai, thưa các bà, các cô:

“Tôi đà biết vợ anh rồi

Quăn quăn tóc trước là người hay ghen.”

Nói chung, mái tóc đẹp thường gắn với tuổi trẻ còn khi tuổi già thì “tóc bạc da mồi”, “tóc bạc mình gày”, “tóc bạc lưng gù”, “tóc bạc răng long”… nhưng người phụ nữ vẫn một lòng chung thủy:

“Ai vong thiếp cũng không vong

Ôm lòng chờ đợi dầu tóc bạc răng long cũng đành.”

***

Chuyện về mái tóc của phụ nữ còn rất nhiều, những điều viết ở trên chỉ là qua ca dao, tục ngữ nhưng có lẽ cũng là một phần an ủi cho các bà, các cô khi cánh đàn ông gặp “tai nạn tóc dài” trong mùa dịch hiện nay.

Phàm “cái gì không dùng đến sẽ tự động dài ra”… nên tóc của cánh mày râu bỗng dài thườn thượt khi tiệm hớt tóc dành cho quý ông bị đóng cửa vì… “giãn cách xã hội”. Quý bà chắc cũng thông cảm với bài “Viết tiếp chuyện… hớt tóc” của quý ông?

Người viết chỉ mong được “đại xá” với bài viết này để… bù lại thiếu sót!

 

***



















***

--> Read more..

Thứ Năm, 7 tháng 10, 2021

Viết tiếp chuyện… hớt tóc

Sau thời gian lockdown kéo dài suốt 4 tháng, hôm nay Sài Gòn đã chập chững bước vào “bình thường mới”. Các vị mày râu soi gương, chải đầu và bỗng nhiên thấy tóc mình đã quá dài.

Các cụ ta ngày xưa thật chí lý: “Đói mọc râu, rầu mọc tóc”! Hôm 1/10/2021 ra đường Hoa Sứ đã thấy tiệm hớt tóc T-Cut mở cửa. Lòng hẹn lòng là mai sẽ đến đây để “xuống tóc”, ly thân với nàng Covid.

Ấy thế mà đến chiều đọc trên Facebook có thông báo cáo lỗi của T-Cut vì tiệm sẽ ngưng hoạt động. Thay vào đó tiệm sẽ cung cấp dịch vụ “hớt tóc tại gia” cho những ai có nhu cầu!

Hỏi anh con rể đã đi hớt tóc chưa thì được biết cũng chưa nên để nghị hai bố con mai đi hớt chung cho vui. Thật tình, mình chẳng biết chỗ nào để hớt ngoài T-Cut gần nhà. Đi xe một mình tìm tiệm mới thì không dám vì lâu nay không chạy xe, loạng quạng ra đường thế nào cũng có chuyện!

Kết quả là sáng nay đã được cắt tóc trên đường Nguyễn Văn Đậu. Tiệm chỉ có hai ghế dành cho khách trông cũng khá lịch sự. Cũng may đến vào giấc trưa nên không phải chờ lâu.

Mình chỉ cắt tóc “chay”, không cạo mặt, lấy ráy tai hay gội đầu. Chỉ 15 phút sau là đã có một mái tóc gọn ghẽ, sạch sẽ như những ngày “chưa mắc dịch”. Chỉ mất có 50.000 đồng tiền công. Rẻ không thể tưởng tượng nổi!

Trên đường về, hai bố con ghé Bánh mì Như Lan, gần chợ Tân Định. Tha về nhà một bịch thực phẩm: bánh sandwich, thịt chà bông… để dành ăn từ từ.

Không phải là sợ lockdown trở lại… nhưng theo các cụ xưa, “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”, bao giờ cũng là thượng sách!

***

Đã hơn 4 tháng mới được ngồi trên ghế tiệm hớt tóc!


Chỉ "hớt chay" chứ không cạo mặt, lấy ráy tai, gội đầu!


Hoàn thành sứ mệnh... hớt tóc


Ngồi trước tiệm Như Lan giữ xe... con rể vào mua thực phẩm


Tấm hình chụp kỷ niệm tại nhà... trước khi đi hớt tóc

***
--> Read more..

Thứ Hai, 4 tháng 10, 2021

Phóng sự ngày 1/10/2021

Mọi người chờ dài cổ… “Bao giờ cho đến tháng 10?”

Ấy thế mà hôm nay ngày 1/10 đã đến trong hy vọng tình hình sẽ sáng sủa hơn trong suốt gần 4 tháng lockdown. Đã nới lỏng giãn cách để tiến dần đến… “bình thường mới”.

Hôm nay tôi quyết định “mở cửa” sau những ngày “cấm cung”… “nội bất xuất, ngoại bất nhập” vì có nhiều việc… cần làm ngay.

Thứ nhất là phải đi rút tiền vì trong túi gần như trống rỗng! Cây ATM đặt ngay trong Siêu thị Co-Opmart chỉ cách nhà vài trăm mét. Ấy thế mà cũng đâu có hiên ngang bước vào siêu thị vì phải qua thủ tục khai báo y tế mặc dù đã thủ sẵn “thẻ xanh” với 2 mũi chích vaccine!

Nhân viên siêu thị bảo rằng bác phải khai báo y tế trên Zalo, mà cái mạng này mình không xài vì nghĩ rằng của anh láng giềng “thân thiện”. Anh ta phải khai báo hộ rồi mới được rửa tay khử khuẩn, đo thân nhiệt và “hiên ngang” bước vào siêu thị. Thẳng tiến đến ATM và rút tiền một cách tự nhiên vì đó là tiền của mình mà!

Rút tiền xong thấy đã “nặng túi” bèn nảy sinh ra ý nghĩ tại sao không shopping như bao người khác? Thế là mua một hộp fromage Con Bò Cười, một bịch sandwich, một củ khoai lang luộc sẵn và một ly chè đậu có kèm theo một bịch nước cốt dừa. Tính tiền chưa hết một tờ giấy trăm. Rẻ chán!

Bước ra khỏi siêu thị mới đi dạo vòng vòng quanh để “thăm dân cho biết sự tình” sau những ngày lockdwon. Hàng quán chưa mở cửa hết, nhiều tiệm vẫn đóng cửa im ỉm. Đi bộ vài bước ra đường Phan Xích Long (San Francisco của quận Phú Nhuận) thấy xe gắn máy & xe hơi lưu thông ở mức độ vừa phải. Rất sợ cảnh ra đường ồ ạt như một số nơi!

Trên đường về, ghé lại Cafe Yesterday mua mang về một ly cà phê sữa đá. Anh chủ tiệm có vẻ vui lắm khi gặp khách quen.

Không vui sao được khi từng bước trở lại nếp sống… bình thường. Cứ hy vọng vậy đi, bà con ơi !!!

 ***

Co-Opnart Rạch Miễu, ngày 1.10.2021


Khai báo y tế trước khi vào siêu thị


Cây xăng đường Phan Xích Long


Góc đường Hoa Cau - Phan Xích Long


Đường Phan Xích Long, San Francisco của quận Phú Nhuận!


Đường Phan Xích Long, nhìn từ cây xăng


Đường Hoa Sứ


Sắp về đến nhà rồi!


Góc cà phê thân quen


Yesterday Coffee


Chiến lợi phẩm sáng 01.10.2021


Bây nhiêu cũng đủ cho một ngày… xả trại!

***












 

--> Read more..

Popular posts