Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

Quách Đàm và Chợ Bình Tây

Ra khỏi trại cải tạo, tôi bắt đầu cuộc “đổi đời” lần thứ hai. Trong khi chưa kiếm được việc làm ổn định thì một bà chị họ có sạp bán hàng trong chợ Bình Tây gọi ra giúp bà trông hàng. Đó là nghề mới, hoàn toàn xa lạ đối với một “sĩ quan Ngụy”.

 

Chợ Bình Tây ngày nay


Hàng ngày, tôi ngồi trên một chiếc ghế nhỏ trước sạp để “trông hàng”, giá cả các mặt hàng hoàn toàn không biết, khách mua có hỏi thì chỉ biết hỏi lại bà chị. Việc trông hàng cũng không có lương nhưng mỗi buổi chiều bà chị đi chợ và chia xẻ bớt thức ăn để đem về nhà!

Thỉnh thoảng bà chị lại nói, “Chú Chính đem về cho các cháu... Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo...”. Thật đúng là cảnh “Lá rách đùm... lá nát”! Nói vậy chứ có hôm bà mua cả thịt, một thứ thuộc loại “xa xỉ” trong thời điêu linh.

Trong suốt thời gian ngồi trông hàng ngoài chợ tôi phải đi hai chuyến xe buýt mỗi ngày. Từ nhà đi xe Lăng Cha Cả - Sài Gòn, đến bến xe đối diện với chợ Bến Thành lại đổi xe Sài Gòn - Chợ Lớn mới tới được Chợ Bình Tây.

 

Chợ Bình Tây trên tấm bưu thiếp vào thập niên 1960

 

Chợ Bình Tây còn có tên bình dân là Chợ Quách Đàm, tên của một thương gia người Hoa (郭琰, 1863-1927), người bỏ tiền ra xây Chợ Lớn Mới khi chợ cũ (ở chỗ Bưu điện quận 5 ngày nay) bị hỏa hoạn thiêu rụi.

 

Chợ Lớn Cũ trước khi chợ Bình Tây được xây dựng. Vị trí khu chợ này hiện tại là Bưu điện Chợ Lớn


Chợ được xây xi măng cốt thép theo kỹ thuật phương Tây trong 3 năm, từ 1928 đến 1930, mới khánh thành. Chợ cũng mang đậm nét kiến trúc Tàu, mặt tiền có tháp chính giữa với 4 mặt đồng hồ, lại có cả “lưỡng long chầu châu”.

Mái chợ lợp bằng ngói âm dương, riêng mái ở các góc có nét uốn lượn theo kiểu chùa chiền Phương Đông. Chính giữa chợ có khoảng sân trời rộng rãi, thoáng mát được gọi là nhà lồng chợ, có đặt một bức tượng đồng Quách Đàm mặc bộ triều phục thời Mãn Thanh, đầu thắt bím và trên tay cầm bản đồ.

 

Tượng Quách Đàm, người sáng lập chợ Bình Tây

 

Tượng có 4 con giao long bằng đồng phun nước nhưng sau 30/4/1975 bức tượng Quách Đàm đã được dời về Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố. Thay vào đó là tượng bán thân của ông, có cả lư hương vì các chủ sạp thường đến lễ bái để cầu mua may bán đắt!

 

Ngày nay chỉ còn tượng bán thân Quách Đàm trong Chợ Bình Tây

 

Có điều bất ngờ là Quách Đàm lại xuất thân từ người buôn bán ve chai nghèo khổ, ngày ngày rong ruổi khắp đường phố, trên vai gánh hai chiếc giỏ tre. Có hôm Đàm còn bị phu vác lúa “móc túi” lấy giấy “thuế thân” để đòi tiền chuộc.

Người ta kể lại, sau này khi làm ăn khá giả, Đàm tìm bằng được kẻ đã móc túi mình, không phải để trả thù mà để mời về làm “cặp rằn”, tức là xếp nhóm phu vác lúa tại “chành” gạo.

Quách Đàm hút thuốc phiện cả đêm lẫn ngày khi đã làm ăn khấm khá nhưng có lẽ cũng nhờ thời gian nằm bên bàn đèn mà ông tính toán chuyện kinh doanh của mình. Ông chuyển từ nghề buôn bán ve chai sang nghề buôn da trâu, vi cá rồi lại mở “chành” gạo, giao thương với Tân Gia Ba (Singapore). Đàm còn mua đất vùng Bình Tây để dựng nhà lầu theo kiểu phố buôn bán.

Nhà buôn của Quách Đàm lập bảng hiệu "Thông Hiệp", trụ sở trên đường Quai de Gaudot, nay là đại lộ Khổng Tử. Sở dĩ có tên Thông Hiệp là do một ông thày Tàu cho 8 chữ “Thông thương sơn hải / Hiệp cán càn khôn”. Đàm lấy hai chữ đầu họp thành Thông Hiệp.

 

Tượng Quách Đàm sau 1975 được đem về Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố

 

Về sau, Đàm giàu quá, xoay ra đứng bảo lãnh cho các con nợ nhà băng. Mỗi lần xin chữ ký bảo chứng, phải chịu cho Đàm một phần huê hồng đã định trước. Gặp năm kinh tế khủng hoảng, các nhà buôn vỡ nợ không đủ sức trả tiền vay, nhà băng phát mãi tài sản, kéo nhà họ Quách sụp đổ theo.

Như đã nói ở trên, Quách Đàm qua đời năm 1927 khi mọi thiết kế về ngôi chợ Bình Tây phải đến một năm sau mới được tiến hành. Có thể nói, đám ma Quách Đàm lớn chưa từng có trong Chợ Lớn với đủ các ban nhạc Tây, Ta, Tàu và Miên. Khách đi đưa được chiêu đãi nước dừa hay bia, khi về lại còn được tặng một tờ “ngẫu”, tức 5 đồng bạc thời bấy giờ.

 

Khu Chợ Bình Tây chụp từ trên cao

 

Cũng là một duyên may, “được” ngồi trông hàng cho bà chị họ trong chợ Bình Tây mà tôi có dịp biết đến chuyện đời của Quách Đàm qua lời kể của các bạn hàng.

 

Bình Tây cho đến nay vẫn còn là một “chợ đầu mối”, bán theo giá sỉ và người mua thường đóng hàng từng kiện để chở về lục tỉnh.

 

***

--> Read more..

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Hồ Hữu Tuờng với 41 năm làm báo

Nếu Vũ Bằng có hồi ký “40 năm nói láo”, Hồ Hữu Tường (1910-1980) “chơi trội” hơn 1 năm với tác phẩm mang tên "41 năm làm báo”. Con số 41 được gói gọn trong 16 Chương, cộng thêm với Chương mở đầu mang một cái tên “tiếu lâm”: Khi chưa mọc lông!

Hồ Hữu Tường dùng chữ “mọc lông” một cách chân chính chứ không “tiếu lâm” như chúng ta cứ tưởng tượng. Ông viết: “Tập hồi ký này chánh thức khởi từ tháng Năm dương lịch năm 1930, lúc mà con chim non vỗ cánh bay vào làng báo”. À, ra thế!

 

Hồ Hữu Tường (1910-1980), tranh Tạ Tỵ

 

Ông kể đã biết đọc báo từ năm 1916, khi mới 16 tuổi, đó là tạp chí Nam Phong của Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Trác. Nam Phong có in cả chữ Nho, tức là chữ của thánh hiền, không nên làm ô uế… nên các bà trong nhà mới cho chú nhóc Tường đem về đọc, nhờ đó thoát khỏi “số phận bị ném vào cầu xí”!

 

Nam Phong tạp chí có in cả chữ Nho

 

Hồ tiên sinh thực sự “thích” và “mê” đọc báo từ cuối năm 1925. Đó là tờ Đông Pháp Thời Báo của ông Hội đồng Nguyễn Kim Đính, thân phụ của ký giả Ngọa Long. Hồi đó, trường Trung học Cần Thơ (nay là trường Phan Thanh Giản, nơi ông theo học) nghe như “sét nổ ngang tai” khi biết tin nhà cách mạng tiền bối Phan Bội Châu bị ra tòa “Đề hình Hà Nội”.

Tờ Đông Pháp Thời Báo “nặng mùi ái quốc” khiến các nhà báo bị đánh tơi tả, lớp thì bị tù đày, lớp chạy sang Tầu để trở thành những nhà lãnh đạo cách mạng. Riêng Hồ Hữu Tường bị đuổi học và tìm đường “chạy chọt sang Tây du học”.

Mãi đến năm 1927 Hồ tiên sinh mới có dịp gặp các nhà báo “hạng cừ” khi họ đến diễn thuyết tại Marseille về “chống khủng bố ở Đông Dương”. Các nhà báo như Dương Văn Giáo, Trịnh Hưng Ngẫu là những người sáng lập và viết cho tờ “La Tribune Indochinoise” (Diễn đàn Đông Dương) ở Sài Gòn.

 

Đông Pháp Thời Báo

 

Khi Hồ Hữu Tường chỉ mới 17 tuổi rưỡi, nhà báo Nguyễn Thế Truyền đã trở thành “huyền thoại” của giới trẻ. Ông đậu bằng kỹ sư hóa học ở Pháp nhưng không về nước mà lại hợp tác với Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Tất Thành (sau này là Hồ Chí Minh) để thành lập nhóm người Việt “trọc trời khuấy nước” chống thực dân ngay trên đất Pháp.

Năm 1922, Nguyễn An Ninh về nước, sáng lập tờ “La Cloche Fêlée” (Chuông Rè) và những người khác ở lại Pháp, ra tờ “Le Paris”. Ông Nguyễn Thế Truyền khuyến khích Hồ Hữu Tường với tư cách một người lớn hơn 20 tuổi:

“Đi làm cách mạng phải là những tay học giỏi. Chớ học trong lớp mà cầm cờ, rồi ra làm cách mạng, bọn thực dân nó chê rằng, tụi mình là tụi raté, nên giả vờ làm cách mạng để cứu thể diện”.

 

La Cloche Fêlée

 

Hồ Hữu Tường bước vào nghề báo thật “ly kỳ”. Thứ nhất, tiên sinh nhảy vào nhận chức “chủ nhiệm” tờ Tiền Quân, một tờ báo “bí mật” chỉ vì lý do “không có tên trong sổ đen” của mật thám Paris. Theo như ông viết, “… không phải nhờ tài, chẳng phải nhờ đức, cũng không phải “tuổi đảng cao” hay có uy tìn gì cả”!

Đứng đầu Tiền Quân là “chủ bút” Phan Văn Hùm, một cây bút kỳ cựu trong làng báo từ năm 1923. Ngoài ra còn có Tạ Thu Thâu, Phan Văn Chánh, Huỳnh Văn Phương, Lê Bá Cang, Hồ Văn Ngà…

Cũng “ly kỳ” ở chỗ báo đang in, chưa kịp phát hành thì bộ biên tập “bị bắt tại trận”, cả chủ nhiệm lẫn chủ bút phải tìm đường “vượt biên” sang Bỉ Lợi Thì, tức là nước Bỉ ngày nay. Thế là cả hai ông ngồi tại Bruxelles viết thơ cho bạn bè báo tin cả hai đã sang Bỉ để… “duy trì tờ báo Tiền Quân”!

Hồ tiên sinh tiếp tục viết cho báo “La Vérité” của nhóm Trostky đang tranh giành ảnh hưởng với nhóm Đệ tam Quốc tế của Staline ở Nga. Tuy nhiên, ông khẳng định mình chẳng thuộc phe nào vì “… hoài nghi, liệu vào cái guồng máy, mình sẽ bị cái guồng máy nghiến nát, hay mình có thể sửa đổi nổi cái guồng máy ấy?”.

Hồ Hữu Tường đi tàu Porhos về Việt Nam những ngày cận Tết. Ông bắt tay vào việc ra tạp chí lý luận Tháng Mười theo cách mà ông gọi là “canh tân kỹ thuật”, nói nôm na là… đổ xương xoa! Việc ra báo “xương xoa” đến tháng 9/1932 thì bị phát hiện và toàn bộ tổ chức bị bắt.

Ở Chương 4 có một tựa đề thật sốc “Làm báo nhẩm trong tù: Nhật báo Thiên Thu” khi tác giả nằm bót Catinat năm 1932. Ông bị nhốt một mình trong căn phòng vuông vức, mỗi bề 2 mét.

Để tránh bị “điên” khi bị nhốt một mình, không người trò chuyện, ông áp dụng cách mà Bakounine đã làm vào giữa thế kỳ thứ 19 tại Nga: mỗi ngày xuất bản một tờ báo “ảo” có đầy đủ các tiết mục như bình luận thời sự, trường thiên tiểu thuyết, trang văn nghệ và cả trang khôi hài!

Dựa vào câu “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, Hồ Hữu Tường đặt tên cho tờ báo nhẩm là “Thiên Thu”. Khi điểm lại, tờ báo đã ra được đúng 70 số! Tình ra, ông đã có “hai mươi lăn ngàn năm trăm năm chục cái “thiên thu”!

Báo “nhẩm” có phần tiểu thuyết kể lại mối tình đầu tiên trong đời ông tại Bỉ khi 20 tuổi với một người con gái mà quốc tịch cũng không rõ, không tên, không tuổi, không tổ quốc vì chỉ biết có đảng mà thôi! Đó là bức ảnh của Lenin và Trosky chụp chung nhau khi họ vừa “cướp dược chính quyền ở Pétesbourgh”.

Báo Thiên Thu lại có cả một bài thơ, mỗi câu được bắt đầu bằng 4 chữ “Thương Hồ Hữu Tường” trong trang văn nghệ như sau:

“THƯƠNG người tình nghĩa nặng oằn vai

HỒ hải tang bồng cả chí trai

HỮU chỉ vô phần thân phải lụy

TƯỜNG cao ngăn đón bực anh tài

 

Tác phẩm “41 Năm Làm Báo”

 

Cuộc đời của Hồ Hữu Tường trải qua nhiều giai đoạn “vào tù, ra khám” và có một giai thoại về ông khi bị giam ở phòng giam tập thể. Một người tù hỏi Hồ Hữu Tường:

- Bác Tường ơi! Thời Tây, thời Ngô Đình Diệm và cả thời này nữa, thời nào bác cũng đi tù. Bác có hiểu tại sao bác cứ ở tù hoài vậy không ?

Hồ Hữu Tường nhìn anh ta, vừa cười, vừa hỏi:

- Mày trả lời giùm tao đi, tại sao ?

Anh ta nhanh nhẩu trả lời:

- Dễ quá mà! Tên bác là “Hữu Tường” nên bác phải “hưởng tù” dài dài!

Có thể bạn tù nói đúng và cũng có thể nói ông nằm trong “tầm đạn” của nhiều phe phái, đến nỗi tiên sinh đã từng nói vui:

“Điệp viên Mỹ thì nghi ngờ tôi lấy tiền của Nga. Điệp viên Nga lại nghi tôi lấy tiền của phòng Nhì Pháp. Phòng Nhì Pháp nghi tôi lấy tiền của Việt Minh. Điệp viên của Việt Minh lại nghi tôi lấy tiền của tình báo Anh. Và điệp viên Anh lại nghi tôi xài tiền của Mao Trạch Đông. Họ cứ nghi nhau lung tung!”

 

Hồ Hữu Tường (1910-1980)

 

Như đã nói ở phần trên, cuộc đời làm báo của Hồ Hữu Tường vừa lạ lùng lại vừa nhiều trắc trở. Tự nhiên nhảy vào nghề với chức danh “chủ nhiệm” tờ báo “chui” Tiền Quân, lại chỉ thọ có một số phù du ở tận bên Tây!

Có thể nói, về Việt Nam ông mới thực sự lăn lộn với nghề viết báo một cách công khai. Tiên sinh viết cho tờ Nam Nữ Giới, mà cũng chỉ được một số báo vì giấy phép xuất bản bị nhà nước bảo hộ rút!

Thất nghiệp 3 tháng rồi ông lại “đầu quân” cho tờ Công Luận. Mang tiếng là trong ban biên tập nhưng lại không lãnh lương tháng mà chỉ “ăn lương theo sản phẩm” với giá 5 đồng một bài qua bút danh Bửu Liên. Tuy vậy, Hồ Hữu Tường rất tự hào khi ông viết:

“Tôi được đãi ngộ rất trịnh trọng, vì bài của tôi được trả theo giá ưu hạng, một giá với bài cụ Phan Bội Châu. Ngoài ra không ai được giá nầy”.

 

Công Luận Báo

 

Ngoài việc viết cho Công Luận, Hồ Hữu Tường còn hợp tác với báo Đồng Nai, công việc chính là “làm thợ giũa văn cho anh em”. Ông hồi tưởng về công việc mà ngày nay ta gọi là “biên tập viên” trong tòa soạn:

“Nay nhớ lại, công việc cạo gọt văn chương của người khác, nhất là những câu nặng mùi pho mách, mà sửa cho có mùi nước mắm Phú Quốc, thì là một công phu nặng nề. Thảo nào, ty quản lý trả cho tôi tiền hậu hơn là tôi đi dạy ở trường tư”.

Thuở ấy, Nam Kỳ là xứ thuộc địa nên người Pháp hoặc người Việt có quốc tịch Pháp được hưởng đầy đủ quyền lợi như tại chính quốc, kể cả quyền ra báo bằng tiếng Pháp, chỉ cần khai trước biện lý cuộc 24 giờ trước khi đem báo ra khỏi nhà in.

Báo Việt ngữ đều phải qua thủ tục xin phép, có khi chờ đợi đến 6 hoặc 7 tháng mà vẫn chưa có giấy phép. Người Pháp muốn chủ báo phải là người trung thành với mẫu quốc. Những thành phần mà nhà nước bảo hộ không tin tưởng sẽ không tài nào có được một tờ báo trong tay.

Báo Đồng Nai trở thành một “trung tâm văn hóa” dù nha báo chí không ưa gì. Đào Duy Anh, tác giả “Hán Việt Tự Điển”, bị Đồng Nai phê bình kịch liệt. Đó là sự phê phán duy nhất trong số dư luận về văn hóa. Bất chấp sự phê bình, tác giả bộ tự điển và Hồ Hữu Tường vẫn duy trì một tình bạn đáng quý. 

Ở Chương 7 có nói về báo “La Lutte”, một sự hòa hợp nhuần nhuyễn của những nhà báo thuộc Đệ Tam và Đệ Tứ Cộng sản tại Việt Nam trong khi hai phong trào Staline và Trostky lại chống đối nhau kịch liệt trên thế giới.

 

Báo “La Lutte”

Việc tái bản tờ “La Lutte” năm 1934 đã khiến nhiều sử gia trong và ngoài nước phải “vò đầu, bứt tai” vì hiện tượng “chung sống hòa bình” giữa hai trào lưu tựa như nước và lửa.

Nguyễn An Ninh đã nói trong một buổi họp các nhà báo, có 3 người thuộc phái Trostky là Huỳnh Văn Phương, Phan Văn Chánh, Phan Văn Hùm… và cánh của Staline có Tạ Thu Thâu:

“Có một vị Mạnh Thường Quân giao cho tôi một số tiền mọn, muốn mình cho ra lại báo La Lutte, với một lập trường chính trị rất rộng rãi. Bất cứ ai chống đối bất công, áp bức của chế độ thực dân và tệ đoan di sản của quá khứ, không phân biệt chánh kiến cá nhân và đường lối đảng phái đều có thể tham gia vào…”.

Theo Hồ Hữu Tường, Nguyễn An Ninh là một trường hợp điển hình của một nhà báo ái quốc, có tư tưởng xã hội nhưng lại không theo khuynh hướng Cộng sản. Trong những bài báo về thời cuộc quốc tế, ông có phần nghiêng về phe Trostky cho đến năm 1943 khi ông chết ngoài đảo Côn Lôn.

Riêng về phần mình, Hồ Hữu Tường nhận xét về chính kiến của mình:

“Về tư tưởng, trước chiến tranh, tôi đã đứng dưới bóng cờ của duy vật biện chứng pháp. Sau chiến tranh, tôi quay về con đường đạo đức của ông bà. Con đường mà gần đây, tôi đúc kết thành Việt Đạo.

“Về chánh trị, trước chiến tranh, tôi đứng trong hàng ngũ Đệ tứ Quốc tế, riêng ở Việt Nam, tôi là lý thuyết gia và chỉ huy tổ chức bí mật. Sau khi ở tù ra, chuyến tù do thực dân Pháp nhốt ở Côn-lôn lần thứ nhứt, tôi lại đi vào đường lối dân tộc”.

(hết trích)

Trong lãnh vực báo chí, ông chỉ nhận là “kẻ dụng văn chớ không phải là nhà văn”. Suốt thời gian từ 1930 đến 1939, ông đã viết rất nhiều. Sau đó, ông trở lại nghề báo nhờ thi sĩ Đông Hồ, đó là lúc ông từ Hà Nội vào Sài Gòn.

Đông Hồ là “đàn anh khét tiếng trong văn đàn” và có ý rủ ren ông tham gia biên tập cho một tờ báo Xuân do Lư Khê bỏ vốn. Gặp lúc túng thiếu nên Hồ Hữu Tường nhận ngay với điều kiện… không để tên thật!

Và cũng chính Đông Hồ đặt cho Hồ Hữu Tường hai bút danh Lân Trinh và Ly Duệ còn ông chọn tên Ý Dư để tránh việc mà ông gọi là “văn chương chướng” khi chỉ có một người viết “bao sân”. Từ đó báo có những mục như “Tin tức mình”, “Mấy vần thơ thẩn”, “Nhổ cỏ dại” và cả… “Văn chương chướng”.

Nhiều người cho rằng một trong những sự nghiệp văn chương bên cạnh nghề báo của Hồ Hữu Tường là cuốn tiểu thuyết hư cấu “Phi Lạc sang Tàu”. Ông giới thiệu cuốn truyện:

“Phi Lạc sang Tàu” là một câu chuyện tiếu lâm dài, chưởi hết kinh điển của Tàu, ngũ kinh, tứ thơ, y, lý, số, tướng… Đó là tiếng nói của thằng nông dân Việt Nam phản ứng lại cái ách văn hóa của Hán tộc”.

 

Tác phẩm “Phi Lạc Sang Tàu”


Qua nhân vật Phi Lạc, một thằng mõ làng Phù Ninh ngoài miền Bắc, ông thỏa sức giãi bầy những quan điểm chính trị của mình trước thời cuộc vào những năm thế giới vừa chấm dứt thế chiến thứ hai.

Thằng mõ Phi Lạc có lần chơi dại, dám tự nhận mình là con của Ngọc Hân Công Chúa, tức dòng dõi vua Quang Trung Nguyễn Huệ nên phải chịu mang cái vạ miệng. Nhà sư Hồng Hạc phải cất công từ Đài Loan sang Việt Nam vì tin tưởng Phi Lạc chính là “thánh nhân” mà ông đang đi tìm để mách nước cho Tàu trước hiểm họa Cộng sản.

Thế là thằng mõ làng Phù Ninh bắt buộc phải lên máy bay để theo sư Hồng Hạc về Tàu. Tại đây, với sự lém lỉnh của một thằng mõ, nó trổ tài khua môi múa mép về đủ mọi vấn đề, thể hiện đúng tính chất hoạt kê thời sự mang đầy tính chất trào lộng chính trị và rất… Hồ Hữu Tường!

Việc lấy nhân vật cùng đinh trong xã hội Việt Nam trở thành “thánh nhân” trong con mắt người Tàu chính là sự trả thù nằm trong mỗi câu chuyện. Đặc biệt là trong tình hình bang giao như hiện nay, ngoài mặt thì bạn tốt nhưng trong thâm tâm lại xấu xa, xâm lấn hết đất liền đến biển đảo.

 

Mục lục “41 Năm Làm Báo”


Để chấm dứt câu chuyện về Hồ Hữu Tường, chúng tôi xin trích dẫn một đoạn của nhà phê bình văn học Thụy Khê:

“Cuộc đời tranh đấu trên hai mặt trận chính trị và văn hóa của Hồ Hữu Tường đầy tính cách tiểu thuyết chiêu hồi như một truyện Tàu, nhưng cũng lại gắn bó sâu xa với định mệnh bát nháo của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ vừa qua.

“Hồ Hữu Tường luôn luôn giữ hai vai: một Tôn Ngộ Không nổi loạn trong Tây Du Ký và một quân sư du thuyết trong Tam Quốc Chí, khi Khổng Minh, Lỗ Túc, lúc là thằng mõ Cổ Nhuế, thằng mõ Phù Ninh....

“Hành động của nhà chính trị Hồ Hữu Tường và những người cùng thời biến thành những thế võ tiếu lâm, hài hước trong tiểu thuyết, hồi ký của nhà văn. Hồ Hữu Tường là tác giả hiếm hoi, trong một xã hội đầy nghi thức, đã hóa giải những trịnh trọng của chính trị thành chuyện giễu để hóm hỉnh chọc cười và đó là một trong những lý do khiến không chế độ nào "dung" Hồ Hữu Tường.

“Nhưng có lẽ lý do sâu xa nhất vẫn là những gì Hồ Hữu Tường thuyết minh trong tác phẩm toát ra một chủ nghĩa dân tộc độc đáo, lấy văn hóa dân tộc làm phương châm và mục đích cấu thành. Hồ Hữu Tường suốt đời biện hộ cho một Việt Nam trung lập chế, chống chiến tranh.

“Hồ dùng văn hóa thay súng ống để giải phóng dân tộc ra khỏi cảnh tối tăm nô lệ. Tranh đấu chống thực dân bằng ngòi bút của nhà báo, bằng tổ chức thợ thuyền tổng đình công, muốn đánh đuổi hai chữ "căm hờn" mà ông gọi là ác quỷ ra khỏi tâm hồn người Việt.

(hết trích)

***

--> Read more..

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2020

Nhà thơ Louise Glück và giải Nobel Văn chương 2020

Louise Glück, một cái tên khá xa lạ đối với một số người. Ngày 8/10/2020, Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố chủ nhân mới của giải Nobel Văn chương đã về tay nhà thơ người Mỹ này khiến rất nhiều người phải lên mạng để tìm hiểu về bà. 


Chân dung nhà thơ vừa đoạt giải Nobel Văn học 2020


Những gì chúng ta biết về bà hiện nay tràn ngập trên internet. Chúng tôi xin tóm tắt một số thông tin về bà để các bạn tiện theo dõi.

Trước đó, năm 1993, Glück nhận được giải thưởng Pulitzer với tập thơ “The Wild Iris”, xuất bản năm 1992. Tác phẩm Faithful and Virtuous Night (2014) đã mang về cho nhà thơ giải thưởng Sách Quốc gia Hoa Kỳ. Năm 2015, Louise Glück được trao Huân chương Nhân văn Quốc gia.

Louise Glück sinh năm 1943 với sự nghiệp văn chương gồm 12 tập thơ cùng nhiều tiểu luận về thơ. Những tác phẩm nổi bật của bà có thể kể đến Firstborn (1968), The Triumph of Achilles (1985), Ararat (1990), The Seven Ages (2001), Faithful and Virtuous Night (2014).

 

Louise Glück thời trẻ


Trong các tác phẩm của mình, Glück thường tập trung vào những khía cạnh như niềm vui, nỗi buồn, khát vọng và ca tụng vẻ đẹp thiên nhiên. Để chạm được tới trái tim độc giả, Glück luôn thẳng thắn trong cách bộc lộ những xúc cảm và suy nghĩ, trong đó có cả nỗi buồn và cảm giác cô đơn.

Thường được giới phê bình văn học biết đến bà như một nhà thơ “kiệm lời” nhưng lại “sắc sảo”. Trong thơ của Glück luôn chứa đựng cái nhìn sâu sắc về sự cô đơn, các mối quan hệ gia đình hay thậm chí đến cả cái chết.

 

Lousie Glück đọc thơ năm 1968


Về ngôn từ, Glück không hề chú trọng đến niêm luật như dòng thơ cổ điển. Chúng ta thường gặp thơ của bà qua cách ngắt câu, xuống hàng bất ngờ như loại “thơ tự do”, hay nói một cách khác tựa như văn xuôi chứ không màng tới vần điệu. Trong bài “Gretel in Darkness”, Glück viết:

“Nights I turn to you to hold me

but you are not there"

(Nhiều đêm em quay sang để anh ôm lấy em

nhưng anh đâu còn ở đây nữa).

Louise Glück nói nhiều về giấc mơ, qua đó khắc họa cảm giác cô đơn và buồn tẻ. Bài “Brennende Liebe” có câu:

 “Last night

I dreamed that you did not return"

(Đêm qua

em mơ thấy anh không trở về).

Rồi người đàn bà tâm sự một mình trong đêm với giọng thơ bất kể niêm luật:   

"Do you know what I was, how I lived? You know

what despair is; then

winter should have meaning for you"

(Em đã từng là ai, em đã sống ra sao anh có biết?

khi anh hiểu nỗi tuyệt vọng là thế nào

hẳn mùa đông sẽ có ý nghĩa với anh)

Trong bài thơ “The Triumph of Achilles” có nhịp thơ chậm rãi, với cách ngắt nghỉ hoàn toàn ngẫu hứng. Bà chọn Achilles, nhân vật huyền thoại, để ẩn dụ về điểm yếu của con người. Achilles có cơ thể bất tử, ngoại trừ phần gót chân. Chàng chết trong cuộc chiến thành Troi bởi một vị thần đã nhìn ra điểm yếu của chàng.

"In his tent, Achilles

grieved with his whole being

and the gods saw

he was a man already dead, a victim"

(Trong lều, Achilles

đau đớn đến tột cùng

và các vị thần nhìn thấy

anh ta là một kẻ đã chết, một nạn nhân)

Để diễn tả một câu chuyện tựa huyền thoại, trong “The Myth of Innocence” Glück đã để cho cô gái “ngây thơ vô tội” đứng bên hồ và soi bóng mình trong làn nước, miệng lẩm bẩm:

“All the different nouns -

she says them in rotation.

Death, husband, god, stranger.

Everything sounds so simple, so conventional.

I must have been, she thinks, a simple girl.

 

She can't remember herself as that person

but she keeps thinking the pool will remember

and explain to her the meaning of her prayer

so she can understand

whether it was answered or not.

 

(Tất cả những ngôn từ -

cô nói một cách tuần tự.

Cái chết, người chồng, thần linh, kẻ lạ.

Mọi thứ nghe giản đơn, cô nghĩ, một cô gái giản dị.

 

Cô không thể nhớ lại chính mình là người như vậy

nhưng cô nghĩ là hồ nước sẽ nhớ

và giải thích cho mình ý nghĩa của lời nguyện cầu

để cô có thể hiểu

những lời cầu nguyện đó có được đáp lại hay không)

Hình như Glück đồng hành cùng nỗi cô đơn và chạm tới những góc khuất nhiều người né tránh, điển hình là tuổi già và cái chết. Ban giám khảo xét giải Nobel Văn học 2020 nhận xét ý thơ của Glück “độc đáo không thể nhầm lẫn, với vẻ đẹp khắc khổ làm cho sự tồn tại cá nhân trở nên phổ biến hơn".

 

Giải Nobel Văn chương

 

Còn nhớ, năm 2018 Giải Nobel về Văn chương được đổi tên là Giải Văn chương Mới vì một số chuyện tai tiếng. Trong “Final list 2018” được đề cử vào chung kết có 4 nhà văn thuộc các nước Anh, Pháp, Nhật và lần đầu tiên có một nhà văn người Việt, đó là cô Kim Thúy, một người Canada gốc Việt qua tác phẩm “Ru”.

“Ru” kể lại cuộc hành trình đi tìm tự do của tác giả khi Sài Gòn thất thủ. Tuy không được chọn để nhận giải, Kim Thúy đã được hàng triệu người đọc trên thế giới biết đến và làm rạng danh người Việt trên văn đàn thế giới.

“Ru” cũng đã được anh Nhung Le dịch sang tiếng Việt từ bản gốc tiếng Pháp trong số 15 bản dịch bằng các ngôn ngữ trên thế giới. Dịch giả cũng có nhã ý tặng tác phẩm này cho những người đăng ký mua sách “Hồi ức thời điêu linh” của Nguyễn Ngọc Chính.

 

Tác phẩm “Ru” của Kim Thúy – Nhung Le dịch sang tiếng Việt

 ***

--> Read more..

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2020

Bánh mì Cô Thúy

Có thể nói, bữa ăn sáng vừa rẻ tiền lại vừa tiện lợi đối với người Sài Gòn là món bánh mì thịt. Giá rất bình dân, chỉ 20 đồng, mà lại tiện đối với khách, có thể mang về nhà, mang vào cơ quan hay đem vào trường nhấm nháp trước khi vào lớp.

Khu phố tôi sống có tới 2 xe bánh mì trên đường Hoa Sứ. Trước đây, khi hay ngồi quán cà phê ở góc đường Hoa Sứ - Hoa Cau, thỉnh thoảng tôi có ghé xe bánh mì bên kia đường mua đem về nhà sau cữ cà phê sáng.

Xe bánh mì có tên Phương Loan, chủ nhân là một phụ nữ trạc độ 30, vẫn thường hay hỏi tôi: “Hôm nay bố ăn gì?”. Xe bánh mì có đủ các món như chà bông, thịt quay, xúc xích, thịt nướng, xúi mại, cá hộp và có cả một cái bếp gaz nhỏ để làm món hột gà ốp-la.

Người già răng cỏ không còn tốt nên tôi thường chọn món ốp-la hay cá hộp, thêm chút chà bông. Tôi không lấy dưa leo và đồ chua vì món này tương đối cứng, khó nhai! 

Xe bánh mì Phương Loan trên đường Hoa Sứ

Trong xóm tôi còn có lò bánh mì điện chỉ cách nhà vài căn, mang tên Lò bánh mì Cô Thúy. Chắc Thúy là tên bà vợ ông chủ lò bánh trạc độ xấp xỉ 60. Hai ông bà lại có xe bánh mì cũng mang tên Cô Thúy nhưng do cô con gái đứng bán. 

Lò bánh mì điện Cô Thúy còn kinh doanh cả xe bánh mì

Sáng nào cũng vậy, tôi thường gặp cô con gái đẩy xe bánh mì ra góc ngã tư Hoa Sứ - Nhiêu Tứ nên cũng quen mặt chứ chưa một lần nói chuyện. Thế rồi một hôm khi cô vừa xuống xe Honda  rước nhà thì bị một tên chạy ngang giựt bóp. Chuyện xảy ra vào sáng sớm nên trong xóm vẫn còn thưa người.

Cô gái hốt hoảng chay theo, miệng la thất thanh: “Giựt đồ!…”. Khi đó tôi vừa mở cửa để đi uống cà phê. Cô gái quả thật rất “kiên cường” cố chạy theo. Kiên cường đến nỗi chìa khóa xe và điện thoại rớt ngay trước mặt tôi mà cô cũng không dừng lại để nhặt!

Tôi vội nhặt hai món đồ bị đánh rơi và nghĩ bụng thế nào cô ấy cũng quay trở lại. Quả nhiên cô quay lại vài phút sau đó, thở hổn hển và cho biết tên giựt đồ đã bị té xe và người trong hẻm đã bắt được. Đến khi tôi đưa chìa khóa xe và điện thoại cô gái mới sững sờ vì không ngờ mình bị đánh rơi trong… “cuộc truy bắt kẻ giựt đồ”!

Tôi chỉ nói, không biết tiền trong bóp cháu có bao nhiêu nhưng 2 món đồ đánh rơi là… cả một gia tài đó! Dĩ nhiên là cô cám ơn tôi rối rít: “Cũng may có chú nhặt được giữ lại cho cháu… nếu không thì mất của rồi!”.

Dạo gần đây tôi đổi quán cà phê chỉ vì gần nhà hơn. Thế là sáng nào tôi cũng thấy cô gái đẩy xe bánh mì ra ngã tư Hoa Sứ - Nhiêu Tứ kèm theo nụ cười của cô chủ dù tôi không phải là… khách ruột. 

Xe bánh mì Cô Thúy sáng sáng đẩy ra ngã tư Hoa Sứ - Nhiêu Tứ

Xe bánh mì Cô Thúy thậm chí còn đông khách hơn Phương Loan. Có lẽ tại địa điểm thuận lợi hơn Phương Loan vì nằm ngay sát lề đường, khách khỏi phải xuống xe, cứ ngồi trên xe là có bánh mì! 

Chuẩn bị vào địa điểm bán hàng

Người ta thường nói “buôn có bạn, bán có phường” nhưng trường hợp Bánh mì Cô Thúy chỉ cần chọn địa điểm thuận lợi là… hốt bạc cắc như chơi! 

Tiền trao… cháo múc

* P.S.: Như đã viết ở trên, tôi không phải là khách hàng thường xuyên của Cô Thúy nhưng sáng nay lại muốn ăn bánh mì nên có ghé “order” bánh mì ốp-la thêm một chút chà bông, không lấy rau, ớt... Về bàn ngồi nhấm nháp ly cà phê sáng, lúc sau Cô Thúy mang bánh mì qua, hỏi bao nhiêu tiền, cô nói:

“Bánh mì này con tặng chú, từ hôm bị giựt đồ con chưa biết làm sao để tỏ lòng biết ơn chú... Xin chú nhận cho con, con không lấy tiền đâu!”.

Cảm tưởng sau khi ăn là “ngon tuyệt cú mèo!”. Bánh mì nóng nhưng không giòn, không cứng… hợp với khẩu vị của người già. Hơn nữa, đó là một chiếc bánh thấm đẫm tình người! 

Ổ bánh mì “tình nghĩa” sáng nay

 ***

--> Read more..

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2020

Nhặt sạn trong sách

Trong thời điêu linh chúng ta thường quen với việc nhặt sạn trong gạo trước khi bỏ vào nồi nấu. Một thời khó khăn đã qua tưởng chừng như sẽ không bao giờ lập lại. Ấy thế mà giờ đây lại phải “nhặt sạn trong sách”, mà sách lại là sách dậy học sinh lớp một, những trẻ “ngây thơ chưa từng vướng bụi trần”!

Trước khi ngồi kiên nhẫn “nhặt sạn” trong cuốn sách giáo khoa “Tiếng Việt 1” do nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. HCM ấn hành, chúng ta xác định như trên bìa sách đã in: “Tổng chủ biên kiêm Chủ biên” Nguyễn Minh Thuyết với sự cộng tác của Hoàng Hòa Bình, Nguyễn Thị Ly Kha và Lê Hữu Tỉnh”.


Tiếng Việt (tập một)


Ông Nguyễn Minh Thuyết trước đây đã từng là Đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Thiếu nhi Nhi đồng của Quốc hội, nay về hưu và trên cuốn sách đã dẫn, nhiệm vụ chính của ông là… “Tổng chủ biên kiêm Chủ biên”.


Trang Facebook của ông Nguyễn Minh Thuyết

 

Hàng triệu học sinh Lớp 1 sẽ học cuốn sách do một “Tổng chủ biên kiêm Chủ biên” mà theo thông tin của cộng đồng mạng, hiện có cháu nội học tại Singapore “một năm về trước” và hiện nay đã… “tới một vùng đất mới”!


Trên trang FB của ông Nguyễn Minh Thuyết một năm vế trước

 

Theo báo “lề phải” Vietnamnet, ông Thuyết giải thích phần lớn những bài tập đọc cho học sinh Lớp 1 là những bài được viết lại, hay còn được gọi là “phỏng theo”, những nhân vật nổi tiếng thế giới như các nhà văn chuyên viết về ngụ ngôn như Aesop (Hy Lạp), La Fontaine (Pháp) hay nhà văn người Nga Lev Tolstoy.

Chẳng hạn như bài “Ve và gà” là phỏng theo truyện "Ve và kiến" của La Fontaine. Người soạn sách phải đổi “kiến” thành “gà” vì học sinh chưa học vần “iên”! Lý do này có thể tạm chấp nhận về kỹ thuật soạn sách nhưng nếu xét về thực tế mất đi hẳn ý nghĩa ngụ ngôn về tính chăm chỉ của kiến so với gà!

Câu chuyện trong sách giáo khoa về ve và gà bỗng trở thành nhạt nhẽo, không có tác dụng chuyển tải một thông điệp về tính cần cù, chịu khó của loài kiến. Ấy là chưa kể làm gì có chuyện ve lại đi xin gà giúp đỡ khi mùa mưa bão đến. Có chăng là gà ăn thịt ve như một món sâu bọ khoái khẩu!


Chuyện Ve và Gà “phỏng” theo “Ve và Kiến” của La Fontaine chỉ vì học sinh... chưa học vần 'iên'!

 

Sách giáo khoa có mục đích dạy trẻ trên cả nước chứ đâu phải chỉ áp dụng tại một địa phương nào đó. Trong sách thay vì viết “không” thì lại viết “chả”, thay vì viết “nhai” thì viết thành “nhá”, “gà con” lại viết thành “gà nhép”, “gà nhí”…

Người Bắc gọi cái giỏ đi chợ là “cái làn”. Thế cho nên mới có chuyện tiếu lâm nói lái “bốn cái làn” nhưng ông Thuyết khẳng định “không có trang nào trong sách có nội dung như vậy”. Số là trong một bài dạy về chữ số có câu chuyện về “chữ số 4” nên người viết ghi lại chuyện “bốn cái làn” để bạn đọc tham khảo về “nghệ thuật” nói lái của người Việt.


“Bốn cái làn”... ông Thuyết khẳng định “không có trang nào trong sách có nội dung như vậy”


Trong chuyện quạ và chó ngay cả phụ huynh cũng cảm thấy khó hiểu vì nhiều tiếng “lạ”. Xin trích dẫn nguyên văn, riêng phần từ ngữ “lạ” người viết để trong ngoặc kép:

“Quạ “đỗ” ở “mỏm đá”, nó ngậm “khổ mỡ” to. Chó nghĩ kế “cuỗm khổ mỡ”. Nó giả vờ:

- A, ca sĩ quạ! Quạ mà ca thì mê li lắm.

Quạ há to mỏ:

- “Quà, quà…”

Thế là… “bộp”, “khổ mỡ” của quạ đã nằm kề mõm chó. Chó “tợp” mỡ tha đi.

(hết trích)

Đoạn văn trên chỉ có 52 chữ nhưng lại có đến hơn 10 từ ngữ “lạ tai” khiến ngay cả người lớn khi đọc cũng phải nhíu mày suy nghĩ. Mà cũng lạ, quạ ăn một cục mỡ khiến chó phải thèm thuồng, đến nỗi phải lập mưu chiếm đoạt!


Chuyện quạ và chó dùng toàn những từ ngữ cá biệt vùng miền khiến người đọc là phụ huynh cũng chẳng hiểu chứ nói gì đến các cháu học sinh!

 

Sách giáo khoa ngoài việc dạy trẻ những vần mới nhưng cũng cần phải chú trọng đến việc nêu những tấm gương “người tốt, việc tốt” chứ đâu có như chuyện hai con ngựa tía và ngựa ô.

Ngựa ô thì làm việc siêng năng còn ngựa tía thì luôn tìm cách trốn việc. Rốt cuộc ngựa ô thấy hành động lười biếng của ngựa tía là… “Có lí lắm”! Hóa ra ý nghĩa của bài tập đọc là… cần phải trốn việc cho khỏe thân!


Chuyện hai con ngựa: cần phải trốn việc cho khỏe thân


Nói tóm lại, quyển sách giáo khoa “Tiếng Việt 1”, bộ Cánh Diều, cần phải được thu hồi vì có quá nhiều khuyết điểm, đó là chưa nói đến việc ảnh hưởng của nó sẽ gây hậu quả tai hại đến đầu óc non trẻ của hàng triệu con cháu chúng ta.


Chuyện “Cua, cò và đàn cá”


Chuyện “Thỏ thua rùa”


“Một người thầy thuốc mà sai lầm thì có thể giết chết một bệnh nhân, một nhà chính trị mà sai lầm thì có thể giết hại một dân tộc, một nhà làm văn hoá tư tưởng mà sai lầm thì có thể giết hại cả một thế hệ”.


 *** 

--> Read more..

Popular posts