Thứ Tư, 29 tháng 1, 2020

Cà phê tất niên với Sui Gia


(29 Tết Canh Tý)

Đang ngồi cà phê một mình bỗng dưng thấy ông Sui Gia tấp xe vào quán! Hỏi ra mới biết, ông mất số điện thoại nên đành thân hành đến tận quán để gặp gỡ tất niên!

Chắc các bạn còn nhớ một người bạn trên Facebook của tôi có tên Van Cua Nguyen mà tôi đã nhiều lần giới thiệu qua biệt danh “Ông già Xóm Bến”. Ông là người gốc Bến Tre nhưng lưu lạc trên đất Sài Gòn từ hồi còn mài đũng quần ở trung học.

Duyên may khiến hai người kết bạn sui gia… con gái út của tôi kết duyên củng cậu con trai trưởng của ông. Đó là cái duyên của đôi trẻ nhưng cũng thêm vào đó là cái duyên của hai ông già “đồng tuế” lại cùng một sở thích về văn chương, thi phú.

Văn của anh Sui “rặc” chất Nam bộ khiến tôi đã có lần giới thiệu anh có lối văn hao hao giống Lê Xuyên hoặc Sơn Nam ở miền sông nước Cửu Long. Truyện của anh chọn bối cảnh sông nước Bến Tre, nơi tôi đã có lần đi với con rể về tận nơi để “mục sở thị”, mắt thấy, tai nghe.

Thơ của anh Sui lại đậm tình quê hương, gia đình. Với những lời chất phác nhưng thấm đẫm lòng hoài hương của người con trai xa xứ. Trong bài thơ ngắn mang tên “Bước vào đời” anh trải lòng:

“Mối lo cơn áo, oằn vai mẹ
Nỗi sợ gạo tiền, nặng gánh cha
Con trẻ tha phương tìm sự nghiệp
Tương lai mờ mịt dặm đường xa.
Mới biết, cửa đời không rộng mở
Phòng trọ, đêm đêm, ta thương ta!”


Trong buổi hội ngộ cuối năm chúng tôi nói chuyện miên man về đủ thứ “linh tinh trong đời”, từ chuyện con cháu trong nhà đến chuyện… “quốc gia đại sự”! Vì “đồng tuế” nên chúng tôi rất dễ cảm thông với những điều “mắt thấy, tai nghe”. Tôi chỉ biết khuyên anh “buông bỏ” hết mọi sự vì đời người tựa “bóng câu qua cửa sổ”.

Anh vốn chưa quen lắm với công nghệ thông tin, chỉ mấy năm nay anh mới làm quen với Facebook qua sự khuyến khích của tôi và những bạn bè “chí cốt”. Nhân dịp này, anh cũng tìm hiểu thêm như thế nào là “share”, làm sao để “save” lại những bài viết mà mình yêu thích. Điều quan trọng hơn cả là những ứng xử “cho phải đạo” trên mạng xã hội.

Anh đã tiến bộ thật nhiều qua những bài viết trên Fb và đã nhận được sự ủng hộ của khá nhiều bạn bè, cũ cũng như mới. Đó cũng là “thú vui” khi tuổi đã về chiều.

Chúng tôi chia tay trong ngày cuối năm Hợi để sẵn sàng bước sang năm Tý. Chúc anh và gia đình một năm mới Mạnh khỏe và Hạnh phúc.

***

--> Read more..

Thứ Hai, 27 tháng 1, 2020

Cà phê tất niên với bạn già

27 Tết Canh Tý: Bạn già điện thoại, hẹn gặp cà phê tất niên tại Diễm Ly, địa chỉ “cà phê một mình” quen thuộc.

Bạn già Nguyễn Văn Hưởng vốn đã cùng “mài đũng quần” từ thời trung học tại xứ “Buồn Muôn Thuở” nhưng lại có tên “Buồn Mà Thương” như một người bạn đã từng đặt tên cho Ban Mê Thuột!

Hưởng lớn tuổi hơn tôi, sinh năm 1942, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên đi học muộn. Anh cũng đã từng làm đến chức “Hội trưởng” của cái hội mà chúng tôi gọi là “Ái hữu cựu học sinh TH BMT”. Nghe thì tên gọi rất “kêu” nhưng chỉ là một nhóm đồng môn cũ mà số “thành viên” chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Ngày đó, sau khi học tập trở về, tôi gặp Đoàn Đình Nga ngồi bơm hộp quạt ga trên lề đường Trương Minh Giảng. Hưởng thì đạp cyclo kiếm sống qua ngày, sau đó chuyển qua nghề “huấn luyện viên”… dậy chó. Một cái nghề rất “thời thượng” trong thời buổi “điêu linh”, chuyên phục vụ cho giới… “tư-bản-đỏ-yêu-chó” mới xuất hiện sau năm 1975!

Về sau, nhóm bạn “chí cốt” gặp nhau vào những ngày Chủ Nhật trên căn gác nhà tôi ở gần Lăng Cha Cả. Nhóm được “mở rộng” với các “hội viên” như Cung Duy Bách (cũng đạp cyclo như Hưởng), Trịnh Viết Bốn (to con nhưng nay đã “vắn số”), Nguyễn Khắc Vỵ (học giỏi nhất lớp nhưng cũng… “vắn số”), Nguyễn Ngọc Thiệp, Nguyễn Văn Hồng (thuộc thành phần “tư sản còn sót lại” từ ngày nào)…

Thời bấy giờ, ai cũng chạy đi kiếm ăn, lo “cơm-áo-gạo-tiền”, nên được gặp nhau vào những ngày cuối tuần là cơ hội quý giá của thời… “sa cơ, thất thế”. Tôi may mắn tìm được chân “lao động phổ thông” cho một công trường xây dựng tại tòa nhà Thép Miền Nam trên đường Nguyễn Du.

Người chủ hợp tác xã thương tình "dân học tập về" nên giao cho việc “đập gạch” làm đá dăm để đổ bê tông rồi sau đó lại được giao cho việc trét mát-tít những khung cửa kính từ dưới đất lên những tầng trên cao. Đổi lại, được hợp tác xã cấp giấy chứng nhận “có công ăn việc làm ổn định” để khỏi phài đi… kinh tế mới!

Hưởng thì “chuyển nghề” từ đạp cyclo sang nghề… dậy chó. “Thời thế tạo anh hùng” nên anh đã trở thành “huấn luyện viên quân khuyển” tại quận Bình Thạnh. Học trò là những chú bẹc-giê vốn được chủ cưng chiều, thậm chí còn đến trường bằng xe… “chuyên chở học sinh”!

Những “nhà giàu mới” nuôi chó bằng thịt, cá trước những cặp mắt thèm thuồng của mọi người, trong đó có cả… “ông thầy dậy chó”. Bãi huấn luyện là vườn hoa Tao Đàn, sau này khi việc làm ăn phát đạt, Hưởng còn có bãi dậy chó riêng, lại còn “phát triển” thêm một chiếc xe có nhiệm vụ đến tận nhà… rước chó đi học!




"Chuyện chó” của Hưởng hầu như chiếm hầu hết buổi hội ngộ tất niên“… chỉ có hai người. Tôi chỉ có dịp hãn hữu xen vào khi tặng anh một chai rượu làm quà nhân dịp cuối năm.

Thật tình thì đó là món quà tặng cho người chủ hôn trong đám cưới của con gái tôi. Hưởng đã đứng ra làm “chủ xị” từ lễ cưới trong gia đình đến tiệc cưới ở nhà hàng. Một chai rượu mừng xuân của vợ chồng con gái chẳng là bao, chẳng nói lên hết tầm lòng của người “thọ ơn” đối với người chủ hôn.


Tất cả chỉ gói ghém một tấm lòng “biết ơn” của những người trong cuộc. Mong anh nhận cho nhân ngày cuối năm!



***
--> Read more..

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2020

Lá sớ Táo Quân

Trong “Đất Lề Quê Thói” (Saigon 1970, trang 320) của Nhất Thanh có chép huyền thoại về Ông Táo như sau:

“Ngày xưa có hai vợ chồng nghèo đến nỗi phải bỏ nhau. Sau, người vợ lấy được người chồng khác giàu có. Một hôm cúng, đang đốt vàng mã ngoài sân, vô tình người chồng trước vào xin ăn, vợ nhận ra, động lòng thương cảm, đem cơm gạo tiền bạc ra cho. Người chồng sau biết chuyện, người vợ bèn lao đầu vào đống vàng cháy chết thiêu. Người chồng cũ cảm kích nhảy vào lửa chết theo. Chồng sau vì thương, nên cũng nhảy vào nốt. Cả ba đều chết cháy. Ngọc Hoàng thấy ba người có nghĩa, phong làm vua bếp.”

Thế là có chuyện “hai ông, một bà”, một trường hợp “đa phu” hãn hữu trong kho tàng cổ tích Việt Nam. Việc bếp núc dĩ nhiên là một tay phụ nữ đảm nhận nhưng ngày nay, “nam nữ bình quyền”, nên cũng có trường hợp cánh đàn ông… “muốn ăn phải lăn vào bếp” nếu không muốn đi “kéo ghế” ngoài tiệm!

Ba chiếc mão tượng trưng cho 2 ông, một bà

Thực ra thì “Ménage à trois” theo kiểu “bộ tam sên” là tượng trưng cho ba vị thần nắm quyền tối thượng trong văn hóa người Việt xưa: Thần Đất, Thần Nhà và Thần Bếp. Bếp nấu ăn là điều không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi gia đình: Bếp được đặt giữa Nhà, và Nhà dựa trên nền móng là Đất. “Đất có Thổ Công sông có Hà Bá” là vì vậy!

Theo tác giả cuốn “Nghi lễ dân gian – Nghi lễ cúng gia tiên” của tác giả Minh Đường, người Việt từ ngàn xưa rất mực coi trọng Thổ Địa, hay còn được gọi là Thổ Công, bởi có đất đai mới có nông nghiệp, là chỗ dựa chính cho sự tồn tại của con người và cũng là cung cấp nơi cư trú, cơm áo, chỗ đi lại.

Cho đến thời đại ngày nay, Đất vẫn được coi trọng và người ta sẵn sàng tranh đấu với cường quyền, thậm chí còn hy sinh nạng sống để bảo vệ đất đai của cha ông để lại. Từ Thủ Thiêm; Lộc Hưng ở miền Nam ra đến Tiên Lãng (Hải Phòng) và Đồng Tâm (Hà Nội) ngoài miền Bắc, “dân oan” sẵn sàng đứng lên đòi đất của mình trước những đe dọa từ súng đạn, dùi cui của lực lượng được mô tả là… “trang bị đến tận răng”!

Đồng Tâm (Ảnh Soha)

Lại có một sự tích khác về Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép, do đó có những sự khác nhau về tình tiết như sau:

Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.

Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.

Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu.

Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo. Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.

Linh hồn của cả ba được đưa lên Thượng đế. Thượng đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân nhưng mỗi người giữ một việc: Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp. Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa. Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa.

Bất kể sự tích Ông Táo như thế nào người ngày sau cũng lấy hình ảnh của chiếc “kiềng ba chân” để tượng trưng cho cái bếp thật vững chãi để nấu nướng cho cả gia đình ăn uống hàng ngày. Dân gian miền Nam có câu thề vừa khôi hài lại vừa chắc nịch: “Nói láo thì ông Táo đội nồi cơm”! Lại còn có ca dao qua hai câu ví von:

“Dù ai nói ngả nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân” 

Kiềng ba chân


Theo thông lệ, ngày 23 tháng Chạp hằng năm là một ngày lễ quan trọng của người Việt. Trong ngày này, các gia đình sẽ chuẩn bị một mâm cỗ cúng tươm tất để tiễn các vị thần Đất, thần Nhà và thần Bếp lên chầu Ngọc Hoàng.

Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ở các miền có khác nhau đôi chút. Người miền Bắc thường cúng cá chép sống để làm “phương tiện” cho ông về chầu trời, người miền Trung thường cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, người dân thường chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.

Cúng Táo quân “lên đường” ngụ ý nhờ Ông Táo mang đi những mâu thuẫn, xung đột trong gia đình, giúp gia đạo hưng vượng. Người ta tin rằng Táo quân là vị thần bảo vệ gia đình từ trong… “xó bếp”, ông có nhiệm vụ báo cáo mọi việc tốt xấu trong nhà với Ngọc Hoàng.

Cuộc hành trình của Ông Táo bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp và ông từ Thiên đình trở về “xó bếp quen thuộc của mình” vào đêm Giao thừa để cùng gia đình đón chào năm mới. Thế cho nên, cúng Giao thừa người ta cũng không quên thắp 3 nén nhang trên bàn thờ Ông Táo trong bếp. Quả là gia chủ rất chu đáo.



Cúng Ông Táo lên đường chầu Trời

Năm nay Ông Táo Việt Nam lên chầu trời với một niềm ưu tư nặng chĩu. Chì ít ngày trước khi đi ông đã phải chứng kiến một Đồng Tâm nhiều tang tóc. Ngày 9/1 vừa rồi ở đây đã có “xung đột”, có những người đã chết, họ thuộc cả hai phía: người dân và chính quyền.  

Còn qua sớm để biết nội dung “lá sớ” Táo Quân, báo cáo chuyện dưới trần gian năm nay. Chỉ mong Ông trung thực trước Ngọc Hoàng, kể rõ “đầu cua tai nheo” chuyện dưới thế. 

Ông Trời vẫn “có mắt” để phán xét. Người trần thế tin là như vậy! 

***

--> Read more..

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2020

Vụ Đồng Tâm: Đọc lại hồ sơ cũ


Vụ tranh chấp đất đai tại Đồng Tâm từ năm 2017 đến nay đã bước sang một giai đoạn có thể nói là “bi kịch” giữa chính quyền và người dân sở tại. Có thể nói, đây đang là đề tài thời sự “nóng bỏng” khi đã có một số thương vong về cả hai phía.

Để có một “mảnh ghép” cho đề tài này, chúng tôi lục lại hồ sơ qua một bức thư của kiến trúc sư Trần Thanh Vân gửi Chủ tịch UBND Hà Nội, Nguyễn Đức Chung.

Thư được viết ngày 26/7/2017, trong thư có 2 phần: (1) vụ Đồng Tâm và (2) vụ Khách sạn 4 sao Novotel On The Park tại Công viên Thống Nhất, tháng 6/2008. Thư phân tích những sai lầm của phía chính quyền trong quá khứ.

Dưới đây là bức thư ngỏ của Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Vân, qua cái nhìn của một chuyên gia trong lãnh vực đất đai và đồng thời phân tích những sai lầm của chính quyền Hà Nội. 

Xin lập lại, thư được viết từ năm 2017.

***

THƯ NGỎ GỬI ÔNG CHỦ TỊCH UBND HÀ NỘI NGUYỄN ĐỨC CHUNG

Thưa ông Nguyễn Đức Chung,

Tôi là Trần Thanh Vân, là Kiến Trúc sư Cảnh quan có trên 50 năm thâm niên, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, làm việc tại Hà Nội và đã đóng góp không ít cho việc xây dựng, phát triển và bảo vệ Hà Nội.

Hôm nay tôi viết thư này, không có mục đích gì khác ngoài việc khuyên ông nên suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ một lần nữa, việc xử lý sự vụ xảy ra ở Đồng Tâm, để trước hết là bảo vệ sự ổn định an ninh xã hội của chính quyền Hà Nôi, mà ông là người đứng đầu, thứ nữa là bảo vệ quyền lợi của bà con nông dân ở thôn Hoành, Đồng Tâm, và cao hơn tất cả là bảo vệ sự thật, bảo vệ công lý mà tất cả mọi người đều phải tuân theo, bởi vì đó là nguyên tắc mà ông Trời sẽ thưởng phạt khen chê phân minh.

Thưa ông,

Khi nghe tin xảy ra đụng độ ở Đồng Tâm cách đây 3 tháng, có thể dẫn đến hậu quả xấu, khiến tôi hết sức lo lắng.

Mấy hôm sau, tôi lại nhận được tin ông Chủ tịch đã về tận Đồng Tâm, giải tỏa mối xung đột đó và ra lệnh sẽ cho thanh tra toàn diện trong thời gian hai tháng, làm tôi thở phào nhẹ nhõm.

Nhưng đến hôm nay, Thanh tra đã chính thức có kết luận và tôi thật sự thất vọng, nên không thể không có đôi điều lo ngại muốn nói với ông.

Thưa ông Chủ tịch,

Tôi biết nông dân vốn hiền lành chất phác, tuy ít học, nhưng không vì thế mà người khác được quyền coi thường họ, để lừa họ, nhất là ở những làng quê sát nách Trung tâm Ba Đình, Hà Nội, như thôn Hoành, lại có những đảng viên CS lão thành đáng kính như cụ Kình và trong thời buổi hiện nay, chưa nói đến trình độ thông tin đã phát triển khi ở làng quê thôn xóm nào cũng có khá nhiều điện thoại thông minh (smartphone) để người ta có thể định vị bất kỳ một địa điểm nào được nhắc đến.

Điểm mấu chốt của vấn đề tranh chấp mà bản kết luận thanh tra nhắc đến là sân bay Miếu Môn, một vùng đất hình chữ nhật chạy theo hướng Tây Bắc Đông Nam từ huyện Chương Mỹ xuống xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức… thì kết thúc.

Là một người rất có kinh nghiệm trong quy hoạch và đọc bản đồ, tôi nhận thấy bản kết luận thanh tra cố tình nói loanh quanh làm rối trí người đọc và cố “nhét” được cánh đồng Sênh vào diện tích sân bay một cách gượng ép và vô lối.

Xin hỏi ông, tại sao sân bay Miếu Môn được quy hoạch từ năm 1981 trên khu đất có diện tích hơn 236 ha là một hình chữ nhật chạy dài theo hướng từ Tây Bắc xuống Đông Nam, phần lớn nằm trên huyện Chương Mỹ, xuống đến xã Đồng Tâm thì kết thúc?

Nhìn trên bản đồ Google, chúng tôi thấy hình địa phận sân bay được thể hiện rất rõ, nhưng tại sao kết luận của Thanh tra lại nói bừa rằng đất cánh đồng Sênh là đất sân bay? Và nếu thế thì ranh giới sân bay tự nhiên nở to và quay ngang, trông giống như lưỡi rìu bổ củi?

Thưa ông chủ tịch,

Nếu ông tin kết luận thanh tra là đúng thì xin ông đề nghị Thanh tra trình ra hình vẽ nào, văn bản nào và vì lý do nào sân bay lại có hình thể quái quỷ thế?

Bởi vậy, thưa ông Chủ tịch, một sự bất tín là vạn sự bất tin, xin ông hãy cho kiểm tra ngay lối làm việc tắc trách, coi thường sự thật, thậm chí còn lươn lẹo, dối trá trong kết luận thanh tra vừa rồi của đoàn thanh tra dưới quyền ông. Hoặc bằng không, điều gì sẽ xảy ra tôi không dám nói trước.

Nói đến đây tôi không thể không nhắc đến một chuyện tệ hại khác đã từng xảy ra làm xấu mặt UBND TP Hà Nội.

Xin kể tóm tắt:

Tháng 6.2008, Thành phố Hà Nội cấp phép cho khách sạn 4 sao NOVOTEL ON THE PARK được khởi công xây dựng trên diện tích 1ha tại Công viên Thống Nhất, thì dư luận bắt đầu nổi lên phản đối.

Riêng tôi đã bỏ ra 6 tháng để tìm hiểu kỹ lưỡng và viết một bức thư cho chủ đầu tư, khuyên họ nên rút lui và trước khi gửi đi, tôi đã gửi đến UBND Hà Nội, cảnh báo ông chủ tịch UBND Nguyễn Thế Thảo nghiên cứu xem xét…

Thế rồi ngày 9/2/2009 thì bức thư của tôi đã được đăng công khai trên Vietnamnet và bản tiếng Anh được một bạn kiến trúc sư người Mỹ gửi tới chủ đầu tư là Tập đoàn Accor Châu Á – Thái Bình Dương và SIH Investment Ltd có trụ sở tại Singapore.

Ngay lập tức, ngày 13/2 Hà Nội tổ chức họp báo, tuyên bố hai điều hệ trọng:

1- Ông phó TGĐ công ty Du lịch Hà Nội công bố, đây là công trình đền ơn đáp nghĩa với nhân dân Thụy Điển, vì Thụy Điển là nước đi đầu đã giúp VN trong những ngày chống Mỹ cứu nước. Công ty Du lịch Hà Nôi được dùng 1ha đất công viên để “góp vốn” trong dự án tình nghĩa này.

2- Ông Phó văn phòng UBND giải thích thêm: Về địa điểm đã được bàn thảo kỹ từ năm 1990, đến năm 1996 thì Thủ tướng Võ Văn Kiệt đồng ý, cho phép xây dựng trong công viên Thống nhất.

3- Cuối cùng đại diện UBND Hà Nội tuyên bố “Vẫn cho phép Dự án khách sạn được triển khai. Đề nghị các báo không được tiếp tục”

Thế là các báo bị “bịt miệng”. Nhưng làn sóng sôi nổi phản biện của giới trí thức vẫn tiếp tục.

Mấy ngày sau tại phòng tiếp khách của ông KTS Nguyễn Thế Thảo, Gs KTS Nguyễn Thế Bá, chủ tịch Hội Quy hoạch Đô thị và Xây dựng VN đưa cho Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo bản sao công văn của văn phòng TTg viết ngày 12/6/1996, truyền đạt lệnh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt rằng khách sạn phải chuyển đi nơi khác và mấy ngày sau nữa, ngài Đại sứ Thụy Điển, ông Rolf Berman gửi công văn đến UBND Hà Nội thông báo hãng Hàng Không Bắc Âu – SAS mà Thụy Điển có góp vốn trước đây, không có một chút liên quan gì đến dự án xây khách sạn tại Hà Nôi.

Vậy ra công văn của Thủ tướng gửi cho Hà Nội thì không lưu trữ đước, mà nơi khác đã lưu hộ?

Hài hước hơn nữa, ông phó TGĐ du lịch Hà Nội lâu nay cứ tưởng Công ty du lịch Hà Nội góp 1ha đất công viên để liên doanh với Thụy Điển, hóa ra họ liên doanh với đối tác với khác?

Cuối cùng theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ, khách sạn tai tiếng này phải dừng thi công, cho dù đã có lúc họ đòi Hà Nội đền bù cho họ họ 64 triệu USD vì cái gọi là “Chi phí cơ hội”.

Thưa ông Chủ tịch,

Tôi không rõ 8 năm trước đây thì ông đang làm gì? Ở đâu? Nhưng tôi thì biết chắc chắn rằng ông Luật sư Nguyễn Văn Hoạt, chủ tịch Mỹ Đức hiện nay, lúc đó đang là người cận kề với ông KTS Nguyễn Thế Thảo, là người biết rất rõ chuyện này?

Tôi thành thật khuyên ông nên bàn bạc với ông Hoạt cách xử lý việc Đồng Tâm cho tốt để khỏi hối tiếc.

Nếu 8 năm trước, lớp trí thức chúng tôi đã kiên nhẫn làm rõ sự thật rồi cho qua, mà không chấp nhặt những thói xấu của những kẻ ngoan cố, thì với nông dân hôm nay, họ không chịu đựng sự áp đảo vô lý và sẽ không lịch sự tha thứ đâu.

Kính ông.

Trần Thanh Vân

***
--> Read more..

Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2020

Năm Tý nói chuyện Chuột


Chuột đứng đầu danh sách 12 con giáp. Đó không phải là chuyện ngẫu nhiên khi sinh vật vừa nhỏ bé lại vừa gớm ghiếc này lại “làm xếp” những con to xác như cọp và trâu, lại còn đứng trên cả mèo, kẻ thù không đội trời chung lúc nào cũng săn lùng… “bè lũ ăn hại”!


Cảnh “mèo rình chuột” hầu như diễn ra hàng ngày nhưng không hiểu sao người ta lại hay dùng thành ngữ “chuyện mèo chuột” để diễn tả một cuộc tình thơ mộng của đôi trai tài, gái sắc! Có ẩn ý gì chăng?

  
Hình như trong lối nói đó có hàm ý mèo là “chàng” và chuột là “nàng”. Ngược lại, biết đâu đó, nàng chính là con mèo lanh lợi còn chuột lại là chàng vốn khù khờ nên bị… ăn thịt! Xem ra thì một bên tám lạng bên kia cũng vừa nửa cân, không biết “mèo nào cắn mủi nào”!  

  
Có điều chắc chắn là chuột sợ mèo. Nỗi kinh hoàng di truyền đó lâu nay vẫn ám ảnh chuột nên người đời tự nhiên thấy “thương hại” cho số phận hẩm hiu của loài chuột. Dân gian thường bênh vực kẻ yếu thế nên mới có câu chuyện đặt lời ca dao thóa mạ mèo để… binh chuột:

“Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo”


Trong kho tàng nghệ thuật hội họa dân gian, chuột cũng hiện diện qua tranh Đông Hồ, mô tả một đám cưới toàn là chuột. Từ cô dâu, chú rể cho đến đoàn tùy tùng đều là chuột nhưng lại có thêm một chú mèo, “sát tinh của loài chuột”, hiện diện trong đám cưới. Thế cho nên, người ta mới hiểu một quy luật tất yếu của cuộc sống: mèo và chuột lúc nào cũng phải đi đôi với nhau như bóng với hình!  


Họ hàng nhà chuột đông lắm. Nào là chuột nhắt, chuột chù, chuột cống, chuột đồng… đó là chưa kể đến… “chuột hai chân”! Giống chuột này tuy chỉ có hai chân nhưng lại “ăn tàn, phá hại”, “ăn không chừa một thứ gì”! Những “bẫy chuột”, “bả chuột”, “keo dính chuột”… hầu như không còn tác dụng, có lẽ phải nhờ đến luật pháp trừng trị mới may ra mới tận diệt được chúng.


Các bà, các cô vốn sợ chuột nhưng các ông hình như rất “kết” món… thịt chuột đồng. Vùng đồng bằng sông Cửu Long và kể cả ở nước láng giềng Campuchia có món thịt chuột nướng lò. Những người “khoái” thì ca ngợi thịt chuột đồng “giàu chất dinh dưỡng”, tốt cho sức khỏe bởi chúng không ăn “cơm thừa canh cặn” mà chỉ ăn toàn lúa ngoài đồng!


Ở Xứ Miệt Dưới Úc Châu lại có một giống chuột mà người Việt gọi là “chuột túi”. Phải nói là thiên nhiên ưu đãi kangaroo với một cái túi trước bụng để nuôi con còn chưa mở mắt. Cũng từ “cái nôi ấm áp” này, chú kangaroo thoải mái “bú tí” mẹ vào bất cứ lúc nào trong khi mẹ còn bận “nhảy” đi kiếm ăn bằng hai chân sau.


Nếu ở Úc kangaroo được thiên nhiên ưu đãi thì ở Ấn Độ chuột cũng được người ta “chiếu cố tận tình”. Theo tạp chí National Geographic, ngôi đền của đạo Hindu có tên là Karni Mata ở Rajasthan còn được gọi là “Đền Chuột” (Rat Temple). Nơi đây có khoảng 25.000 con chuột sinh sống và được mọi người “tôn kính”. Đó là “thiên đường” của chuột. 



“Dân số chuột” ở đền Karni Mata ngày càng phát triển mạnh. Chúng sinh sống một cách “tự nhiên như ở nhà” mà lại còn được… tôn kính vì thờ phượng chuột vốn là một trong những truyền thống của đạo Hindu từ thế kỷ thứ 15.


Karni Mata  là tên của một vị nữ thần, bà ước muốn có một ngôi nhà cho loài chuột mà kiếp trước là “những người hành nghề kể chuyện” (storytellers). Vào năm 1900, một ngôi đền được xây dựng để vinh danh thần Karni Mata và… những con chuột. Một đội ngũ nhân viên hơn 500 người có nhiệm vụ hàng ngày nuôi chuột bằng hạt ngũ cốc và sữa, đồng thời họ cũng có trách nhiệm làm vệ sinh trong đền. Ôi! Kiếp sau xin làm chuột ở Ấn Độ để được… “cơm bưng, nước rót”!


Phương Tây cũng “khoái” chuột qua nhân vật của Walt Disney (1901-1966). Ông là “cha đẻ” của chuột Mickey nhí nhảnh, duyên dáng đã chiếm trọn cảm tình của mọi người. Đúng ra thì ngành công nghiệp giải trí của Disney chỉ khởi đầu vỏn vẹn có 2 con chuột và 2 con vịt. Ấy thế mà doanh thu hàng năm lên đến hơn 2,2 tỷ đô la!


Mickey chính thức ra “chào đời” năm 1928 qua phim hoạt họa “Mickey Mouse”. Trước đó, nhiều người sợ chuột nhưng chuột Mickey đã chiếm được cảm tình, từ trẻ em cho đến người lớn đều ưa thích. Xét ra, cái công “vinh danh loài chuột” của Mickey là không nhỏ. Ngôi sao chuột Mickey cho đến ngày nay vẫn sáng chói trên Đại lộ Danh vọng Hollywood bên cạnh tên tuổi của những tài tử nổi tiếng khác.


Nói đến Mickey ta phải nhắc đến cô bạn gái của chàng là Minnie. Nàng có một nhan sắc “chim sa, cá lặn” với cái nơ trên tóc và bộ váy màu đỏ điểm những chấm trắng. Nhìn cặp “nhân tình” quấn quýt bên nhau ai dám bảo là… đời chuột nhiều gian nan, khổ cực?


Cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại và chuột cũng đi vào lịch sử của máy tính với “computer mouse”, tiếng Việt gọi là “con chuột máy tính”. Đây chính là “thiết bị ngoại vi” giúp người sử dụng có thể theo dõi sự di chuyển trên màn hình. Douglas Engelbart phát  minh ra nó năm 1963, ông gọi là “con chuột” chỉ vì cái đuôi có dây nối với máy vi tính giống như… con chuột. Ngày nay còn có “chuột không dây” nhưng vẫn bị gọi “chết tên” là… con chuột!


Để chấm dứt bài viết “Năm Tý nói chuyện Chuột” chúng tôi mời các bạn thưởng thức một bức tranh vui kể lại cái thời mới có máy vi tính. Chuyện kể cậu con trai gửi cho bố mẹ một cái máy vi tính, dặn rằng phải có “con chuột” mới sử dụng được. Khốn nỗi lại quên gửi “con chuột” đi kèm. Thế là ông bố tìm cách bẫy được một con chuột và bà mẹ điện thoại cho con: “Bố mày đã bắt được một con chuột rồi nhưng không biết dùng như thế nào?”


Nhân dịp năm mới Canh Tý 2020, xin chúc mọi người và mọi nhà sung túc, đầy đủ tựa như… “chuột sa hũ nếp”!


***

PS: Sau khi bài viết này được post lên, có một bạn đọc nhắc nhở “Sao không thấy nói về “Tom and Jerry”?

Quả thật người viết có quên chú mèo Tom và chú chuột Jerry trong một cuộc đối đầu mà phần thông minh của chuột Jerry vượt trôi hơn hẳn mèo Tom. Thường thì Tom hiếm khi bắt được Jerry vì dù “lớn xác” nhưng vẫn không thể sánh được với trí thông minh của chuột.

Theo một thống kê trong 163 tập phim, Jerry đã giành chiến thắng 123 lần còn Tom giành chiến thắng chỉ có 10 lần. Có 32 lần cả hai bắt tay nhau để chiến đấu với nhân vật khác với 20 lần giành chiến thắng và 12 lần thất bại.

Truyện dài Mèo-Chuột diễn ra từ những năm 1940 do William Hanna và Joseph Barbera sáng tác và hãng phim MGM sản xuất. Chú mèo Tom cùng chuột Jerry đã đoạt giải Oscar đến 7 lần cho thể loại “phim hoạt hình ngắn”. Đến năm 2000, tạp chí Time của Mỹ còn bầu chọn “Tom and Jerry” là một trong những show truyền hình “hay nhất mọi thời đại”. 


***

--> Read more..

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2020

“Hoa đào y cựu”


Tôi vừa nhận được một bài viết của tác giả Thần Phong. Người bạn gửi bài này có lẽ quên không ghi tựa đề của câu chuyện. Cũng có thể đây là một bài viết không tên chăng?

Xin mạn phép tác giả và người bạn thêm vào một tựa đề: “Hoa đào y cựu”, lấy từ bài thơ của Thôi Hộ mà trong bài viết có nhắc đến.

Nhân dịp xuân về xin post bài này để các bạn cùng thưởng thức. Mong rằng giữa bề bộn của cuộc đời, chúng ta hãy tạm quên hết để chỉ thả hồn theo bài viết. Thiết nghĩ, chúng ta rất cần những giây phút như vậy!

***

Mùa xuân năm ấy trong thành Hạc Hoa xuất hiện một vị du sĩ rất lạ lùng. Ông mang một cành đào rao bán, phố phường xôn xao. Nhiều người hỏi mua, nhưng chẳng ai mua được. Có một người phục sức sang trọng, trông khệnh khạng ra vẻ đại gia lắm. Y gặp vị du sĩ kia và hỏi:
- Cành đào của ông giá bao nhiêu?

Vị du sĩ bảo:
- Mỗi nụ hoa một đồng tiền vàng

Y trố mắt lên:
- Hoa đào của ông có gì mà mắc thế?

Du sĩ bảo:
- Nếu ông biết thì tôi không cần phải nói, nếu ông đã không biết thì tôi nói cũng bằng thừa.

Nói xong vị du sĩ bỏ đi, y đứng giữa đường chỉ chỏ với những người hiếu kỳ xung quanh và bảo:
- Đồ điên!

Vị du sĩ cũng chẳng bận tâm y nói gì, ông vẫn ung dung bước, vẻ mặt rất thanh thản. Ông đi giữa thành mà như chẳng thấy bóng người. Ông bước đi mà tâm trí của ông như ở một phương trời mộng nào đó, chứ chẳng phải giữa thành Hạc Hoa này. Cuối đường, ông ghé vào một quán nước đơn sơ ở góc thành, trong quán có vài vị khách trông cũng rất nhàn hạ. Đối diện bàn ông có chàng trai trẻ ngồi một mình độc ẩm. Một lát sau, dường như chàng trai nhìn thấy ông bèn gật đầu chào. Chàng buộc miệng khen:
- Hoa đào đẹp quá!

Ông mỉm cười nói:
- Mỗi nụ hoa một đồng tiền vàng.

Chàng trai bảo:
- Mỗi nụ chỉ một đồng tiền vàng thôi sao?

Bây giờ thì đến lượt vị du sĩ giật mình, ông hỏi:
- Cậu mua nổi sao?

Chàng trai bảo:
- Tiểu bối này một xu cũng không có, nhưng có vật này có thể đổi được chăng?

Nói xong chàng ta bèn lấy giấy bút trong túi thảo bốn câu thơ:

“Hồng lên xuân sắc hoa đào
Vô ngôn biệt ý xin chào người dưng
Vì chưng thương nhớ quá chừng
Giang hà một cõi đã từng quen nhau?”

Viết xong, chàng trao cho vị du sĩ, ông ấy đọc lướt, nét mặt thoáng chút ngẩn ngơ, cầm tờ hoa tiên trên tay nhìn thẳng vào mắt chàng trai:

- Ta đã rao bán mỗi nụ hoa một đồng tiền vàng, cả thành Hạc Hoa này đều bảo ta điên. Giờ đây ta gặp cậu, ta sẽ tặng cậu cành hoa này mà không lấy một xu. Không lẽ ta điên thật sao? Mấy mươi năm ngao du khắp sơn hà, hôm nay ta gặp cậu kể cũng như có duyên nhau. Người trong thiên hạ có muôn vạn, nhưng dễ gì gặp được tri kỷ. Người xưa từng bảo: “Đắc nhất tri kỷ khả dĩ bất hận”. Ta hôm nay mãn nguyện lắm rồi! Cành đào này là của cậu, cậu hãy lấy nó đi!

Chàng trai trẻ cũng ngạc nhiên không kém, cậu ta vừa chạm tay vào cành đào thì nó lập tức biến thành vàng ròng trông rất rực rỡ. Cậu ta ngạc nhiên và rụt tay lại:
- Xin đa tạ vị tiền bối! Tiểu bối không cần thứ hoa vàng này, ngài hãy giữ lấy!

Vị du sĩ cười vang vang, quả thật ta không lầm người. Này chàng trai trẻ hãy cầm lấy cành hoa của cậu đi!

Nói xong, ông trao cành hoa cho chàng, lập tức cành hoa trở lại tươi thắm như thuở ban đầu. Chàng trai vui mừng cảm ơn ông rồi hỏi tên họ, nhưng ông cười:

- Tên họ mà chi? Xác thân tứ đại này vốn là vật ô hợp, nó đã sanh ra thì nó sẽ hoại đi bất cứ lúc nào. Nó đã vốn mong manh vô thường mà còn cho nó một cái tên nữa, thì khác chi giữa cơn mộng còn mộng thêm một giấc mộng con.

Chàng trai mời vị du sĩ một chén rượu thì ông lại bảo:
- Nó là thứ độc dược, hại không biết bao nhiêu người trên thế gian này. Ta giữ giới không thể nhận, mong cậu không phiền lòng!

Chàng trai nói:
- Thưa ngài, y theo nghĩa lý thì được, chấp ở văn tự thì há chẳng phải hủ nho sao? Người như lão tiền bối đây lẽ nào lại dính mắc?

Vị du sĩ đứng phắt lên, vỗ lấy vai chàng trai:
- Mấy mươi năm rong ruổi, chưa có ai nói với ta như thế! Cậu trẻ người mà kiến thức quảng bác, trông giản dị mà sâu sắc vô cùng. Rượu là nước mắt của thế nhân. Hôm nay, ta sẽ uống cạn chén này và sẽ chỉ một lần này thôi!

Nói xong ông cạn chén rượu rồi từ tạ quay bước đi. Chàng trai vội theo hỏi:
- Thưa bậc tiền bối, ông đi về đâu? Ngày sau còn gặp lại nhau?

Ông cười bảo:
- Về đâu ư? Ta về nơi ta đã ra đi, thế gian này như quán trọ bên đường, cậu bận tâm làm gì? Còn mai này có gặp lại nhau hay không, làm sao ta biết được? Nếu có duyên thì gặp lại thôi! Một sát-na này cũng là trăm năm. Quá khứ đã qua, hối tiếc làm gì, tương lai chưa đến, mong mỏi mà chi, hãy vui với hiện tại này là đủ lắm rồi. Lẽ nào cậu chưa hiểu ra?

Nói xong vị du sĩ bỏ đi, chàng trai đứng nhìn theo cho đến khi bóng dáng ông xa hút cuối chân trời. Chàng quay lại cầm cành đào trong tay lòng mang mang, rồi chàng quyết định đem lên chùa lễ Phật. Trên đường đi, người phố thị nhìn cành đào, nhìn chàng chỉ trỏ, bàn tán xôn xao:

- Sao anh ta mua nổi cành đào mà mỗi nụ hoa là một đồng tiền vàng?
- Anh ta bỏ ra cả gia tài lớn mới mua nổi cành đào này?
- Anh ta mua nó để làm gì vậy?

Mặc cho tiếng người bàn tán, mặc cho bao ánh mắt tò mò… Chàng đi thẳng đến chùa dâng cành đào lên cúng dường Thế Tôn. Ra về lòng dạ lâng lâng, đêm chàng trở về căn phòng của mình chong đèn viết:

- Ngàn năm trước, Thôi Hộ viết: “Đào hoa y cựu” làm thao thức bao khách văn chương, thời gian xóa nhòa tất cả, chôn vùi tất cả, ấy vậy mà cảm xúc của “Đào hoa y cựu” vẫn cứ thanh tân như thuở nào. Ngàn năm đã qua rồi, ngàn năm nữa sẽ đến. Hoa đào nở rồi, cánh hoa rụng về cội cũng giống như ta vậy thôi. Ta đến đây, rong chơi trong thế gian này rồi ta lại đi. Ta chết đi, chỉ là cái xác thân tứ đại thôi, cái “thức” nó vẫn còn mãi mãi… Nó sẽ lên cao hay xuống thấp tùy vào những việc ta làm, ta nói, ta nghĩ trong cuộc đời này! Người ta đến với nhau trong cuộc đời này, thương hay ghét cũng đều có cái nhân sâu xa của nó. Khi đến, mình không thể lựa chọn vì việc đã thành rồi, ta chỉ có thể chuyển hóa nó cho mai sau mà thôi! Xác thân này đã là hư huyễn, vậy thì cái gọi công danh sao có thật được? Một cái huyễn chồng lên một cái huyễn. Vậy mà con người ta cứ khổ đau, cứ hại nhau… để chiếm cho được cái công danh kia! Nếu nói công danh thì thế gian này ai hơn được Thế Tôn, ấy vậy mà Ngài coi như đôi dép rách! Nối tiếp Ngài, chư tổ cũng vậy: Ngài Bồ Đề Đạt Ma, ngài An Sĩ Cao… Đều là công danh bậc nhất, nhưng các ngài vứt bỏ như không! Hôm nay, ta gặp một bậc du sĩ kỳ lạ ở thành Hạc Hoa. Ông ta rao bán cành đào mà mỗi nụ hoa là một đồng tiền vàng, rồi ông ta tặng ta lại biến nó thành vàng ròng… Cái ta cần nào phải là hoa đào, thì ra ông ấy thử lòng ta! May mà ta không trở nên hèn kém trong cái sát-na đầy ma quái ấy! Hoa đào mùa xuân, ao sen mùa hạ, lá vàng mùa thu, tuyết bạch trời đông. Thời gian cứ mãi xoay vòng, ta sanh ra rồi lớn lên, lại già đi rồi chết… thế là lại một vòng quay mới. Cái vòng quay miên viễn không dừng lại bao giờ! Ta biết Thế Tôn và các vị giác ngộ đang ngồi xem cái vòng quay bất tận miên man này! Hoa đào năm nay rực rỡ nào có kém gì hoa đào ngàn năm trước của Thôi Hộ, hoa đào nở, cánh bay trong gió, cánh rụng về cội, thảm cỏ xanh hồng lên sắc hoa đào.

“Thương nhau tình thắm cánh hoa đào
Trời phương ngoại mùa xuân lòng nao nao
Người đâu?
Ta đâu?
Nay nhặt cánh hoa mai về bên ấy!
Một trời trắng mây.”

Hoa nở rồi rụng, người đến rồi đi, xác thân sẽ hoại, lưu lại chút tình, ai nhớ ai quên, dù quen dù lạ… Một ngày mùa xuân ngôn ngữ sao tả được? Chữ nghĩa mà chi? Dù thân sơ, dù sang hèn… đã đến nơi đây thì đã lưu lại chút tình hoài!

THẦN PHONG

***

--> Read more..

Popular posts