“Ngày xưa có hai vợ
chồng nghèo đến nỗi phải bỏ nhau. Sau, người vợ lấy được người chồng khác giàu
có. Một hôm cúng, đang đốt vàng mã ngoài sân, vô tình người chồng trước vào xin
ăn, vợ nhận ra, động lòng thương cảm, đem cơm gạo tiền bạc ra cho. Người chồng
sau biết chuyện, người vợ bèn lao đầu vào đống vàng cháy chết thiêu. Người chồng
cũ cảm kích nhảy vào lửa chết theo. Chồng sau vì thương, nên cũng nhảy vào nốt.
Cả ba đều chết cháy. Ngọc Hoàng thấy ba người có nghĩa, phong làm vua bếp.”
Thế là có chuyện “hai
ông, một bà”, một trường hợp “đa phu” hãn hữu trong kho tàng cổ tích Việt
Nam. Việc bếp núc dĩ nhiên là một tay phụ nữ đảm nhận nhưng ngày nay, “nam nữ bình quyền”, nên cũng có trường
hợp cánh đàn ông… “muốn ăn phải lăn vào bếp”
nếu không muốn đi “kéo ghế” ngoài tiệm!
Ba chiếc mão tượng trưng cho 2 ông, một bà
Thực ra thì “Ménage
à trois” theo kiểu “bộ tam sên” là
tượng trưng cho ba vị thần nắm quyền tối thượng trong văn hóa người Việt xưa: Thần
Đất, Thần Nhà và Thần Bếp. Bếp nấu ăn là điều không thể thiếu trong cuộc sống
hàng ngày của mỗi gia đình: Bếp được đặt giữa Nhà, và Nhà dựa trên nền móng là
Đất. “Đất có Thổ Công sông có Hà Bá”
là vì vậy!
Theo tác giả cuốn “Nghi
lễ dân gian – Nghi lễ cúng gia tiên” của tác giả Minh Đường, người Việt từ
ngàn xưa rất mực coi trọng Thổ Địa, hay còn được gọi là Thổ Công, bởi có đất
đai mới có nông nghiệp, là chỗ dựa chính cho sự tồn tại của con người và cũng
là cung cấp nơi cư trú, cơm áo, chỗ đi lại.
Cho đến thời đại ngày nay, Đất vẫn được coi trọng và người
ta sẵn sàng tranh đấu với cường quyền, thậm chí còn hy sinh nạng sống để bảo vệ
đất đai của cha ông để lại. Từ Thủ Thiêm; Lộc Hưng ở miền Nam ra đến Tiên Lãng
(Hải Phòng) và Đồng Tâm (Hà Nội) ngoài miền Bắc, “dân oan” sẵn sàng đứng lên
đòi đất của mình trước những đe dọa từ súng đạn, dùi cui của lực lượng được mô
tả là… “trang bị đến tận răng”!
Đồng Tâm (Ảnh Soha)
Lại có một sự tích khác về Táo Quân được truyền khẩu, rồi
ghi chép, do đó có những sự khác nhau về tình tiết như sau:
Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không
con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh
vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng
Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc
đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.
Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra
nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân
hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.
Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây
thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm
Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui
ra nên bị chết thiêu.
Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp
đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo. Phạm Lang gặp tình cảnh
quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy
để chết theo vợ.
Linh hồn của cả ba được đưa lên Thượng đế. Thượng đế thấy
ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc
Táo Quân nhưng mỗi người giữ một việc: Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp.
Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa. Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc
chợ búa.
Bất kể sự tích Ông Táo như thế nào người ngày sau cũng lấy
hình ảnh của chiếc “kiềng ba chân” để tượng trưng cho cái bếp thật vững chãi để
nấu nướng cho cả gia đình ăn uống hàng ngày. Dân gian miền Nam có câu thề vừa
khôi hài lại vừa chắc nịch: “Nói láo thì
ông Táo đội nồi cơm”! Lại còn có ca dao qua hai câu ví von:
“Dù ai nói ngả nói
nghiêng
Lòng ta vẫn vững
như kiềng ba chân”
Kiềng
ba chân
Theo thông lệ, ngày 23 tháng Chạp hằng năm là một ngày lễ
quan trọng của người Việt. Trong ngày này, các gia đình sẽ chuẩn bị một mâm cỗ
cúng tươm tất để tiễn các vị thần Đất, thần Nhà và thần Bếp lên chầu Ngọc Hoàng.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ở các miền có khác nhau đôi
chút. Người miền Bắc thường cúng cá chép sống để làm “phương tiện” cho ông về
chầu trời, người miền Trung thường cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy
đủ. Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, người dân thường chỉ cúng mũ, áo và đôi
hia bằng giấy.
Cúng Táo quân “lên đường” ngụ ý nhờ Ông Táo mang đi những
mâu thuẫn, xung đột trong gia đình, giúp gia đạo hưng vượng. Người ta tin rằng
Táo quân là vị thần bảo vệ gia đình từ trong… “xó bếp”, ông có nhiệm vụ báo cáo
mọi việc tốt xấu trong nhà với Ngọc Hoàng.
Cuộc hành trình của Ông Táo bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp
và ông từ Thiên đình trở về “xó bếp quen
thuộc của mình” vào đêm Giao thừa để cùng gia đình đón chào năm mới. Thế
cho nên, cúng Giao thừa người ta cũng không quên thắp 3 nén nhang trên bàn thờ
Ông Táo trong bếp. Quả là gia chủ rất chu đáo.
Cúng Ông Táo lên đường chầu Trời
Năm nay Ông Táo Việt Nam lên chầu trời với một niềm ưu tư
nặng chĩu. Chì ít ngày trước khi đi ông đã phải chứng kiến một Đồng Tâm nhiều
tang tóc. Ngày 9/1 vừa rồi ở đây đã có “xung đột”, có những người đã chết, họ
thuộc cả hai phía: người dân và chính quyền.
Còn qua sớm để biết nội dung “lá sớ” Táo Quân, báo cáo
chuyện dưới trần gian năm nay. Chỉ mong Ông trung thực trước Ngọc Hoàng, kể rõ “đầu cua tai nheo” chuyện dưới thế.
Ông
Trời vẫn “có mắt” để phán xét. Người trần thế tin là như vậy!
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét