Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Hồ Xuân Hương: nhà thơ nhiều bí ẩn

(Tiếp theo)

Hồ Xuân Hương được coi là nhà thơ tranh đấu cho quyền bình đẳng của nữ giới, ngày nay người ta thường gọi là phong trào giải phóng phụ nữ (women’s liberation movement). Cho dù Women’s Lib chỉ chính thức bắt đầu từ thập niên 60 nhưng Bà Chúa Thơ Nôm đã có những tư tưởng “cách mạng” về vai trò của phụ nữ từ hơn 200 năm trước.

Trong một xã hội bị trói buộc bởi Nho giáo, việc phụ nữ chửa hoang là điều tối kỵ nên mới có câu mỉa mai “Không chồng mà chửa mới ngoan / Có chồng mà chửa thế gian sự thường”. Là một nhà thơ nữ, Hồ Xuân Hương đã dũng cảm nói lên tâm sự của cô gái mang trong bụng một “khối tình” chỉ vì “cả nể” nhưng vẫn mạnh bạo mỉa mai sự nghịch lý chua chát của thân phận đàn bà: “Không có nhưng mà có mới ngoan”.     

“Vịnh người chửa hoang”

Trong bản dịch bài thơ Vịnh người chửa hoang, giáo sư John Balaban dùng tựa đề The Unwed Mother, trong đó “cả nể” được chuyển thể sang tiếng Anh thành “too easy”; “nỗi lòng” thành “the hollow in my heart” và “không có nhưng mà có mới ngoan” biến thành “don’t have it, yet have it! So simple”.

Tôi nghĩ, cách chuyển thể của Balaban chỉ mới thoát ý về mặt ngôn từ. Ý nghĩa sâu xa của câu ca dao Việt Nam “Không chồng mà chửa…” chắc hẳn người đọc nước ngoài trong bối cảnh một nền văn hóa khác hẳn Việt Nam làm sao hiểu được sự mỉa mai của Hồ Xuân Hương. Câu kết “Don’t have it, yet have it! So simple” của Balaban chắc chắn trở thành khó hiểu đối với người đọc bản dịch, nó không “đơn giản” (so simple) như lời của người dịch!   

Because I was too easy, this happened.
Can you guess the hollow in my heart?
Fate did not push out a bud
even though the willow grew.
He will carry this a hundred years
but I must bear the burden now.
Never mind the gossip of the world.
Don’t have it, yet have it ! So simple.

Công việc dịch thuật của Balaban khó khăn hơn nhiều nếu so với những cảm tác bằng tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Chẳng hạn như bài Vịnh cái quạt cũng là một ý “đột phá” trong thơ Hồ Xuân Hương mà cố danh họa trình bày qua nét phác thảo. Tuy thơ và họa hoàn toàn không trùng khớp với nhau nhưng người đọc thơ cũng như xem tranh vẫn tìm thấy ở đâu đó nét tương đồng ngoài việc có chung một hình ảnh là cái quạt:  

Một lỗ sâu sâu mấy cũng vừa,
Duyên em dính dáng tự ngàn xưa.
Vành ra ba góc da còn thiếu,
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa.
(Vịnh cái quạt)

Cảm tác “Vịnh cái quạt” của Bùi Xuân Phái

Dựa vào một số tài liệu lưu truyền, những bài thơ được khẳng định là của Hồ Xuân Hương, các nhà nghiên cứu đã tạm thừa nhận một số kết luận ban đầu về tiểu sử của bà: Hồ Xuân Hương (1772-1822) thuộc dòng dõi họ Hồ ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đây là một dòng họ lớn có nhiều người đỗ đạt và làm quan nhưng đến đời Hồ Phi Diễn - thân sinh của bà - thì dòng họ này đã suy tàn.

Bà Chúa Thơ Môm là một nhân vật văn học có nhiều bí ẩn, nói theo ngôn ngữ thời nay, Hồ Xuân Hương là người “có nhân thân không rõ ràng”. Bà là một phụ nữ tài hoa, có cá tính mạnh mẽ, nhưng đời tư lại gặp nhiều bất hạnh, sóng gió.

Nguyễn Hữu Tiến trong Danh nhân Dị mặc còn mô tả Hồ Xuân Hương có khuôn mặt “rỗ hoa” nên lận đận về đường tình duyên. Có thể đó cũng là lý do Hồ Xuân Hương lấy chồng muộn, mà đến hai lần đi lấy chồng, cả hai lần đều làm lẽ và cả hai cuộc hôn nhân đều ngắn ngủi, không có hạnh phúc.

Theo tài liệu của giáo sư Hoàng Xuân Hãn và Lê Xuân Giáo, nữ sĩ lại có tới 3 đời chồng chứ không phải hai: người chồng đầu tiên là một ông cai tổng có tục danh là Cóc, tiếp đến là quan tri phủ Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Yên) họ tên đến này vẫn chưa rõ và cuối cùng là quan tham hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển.

Cũng theo Nguyễn Hữu Tiến, lúc trẻ Xuân Hương bị mẹ ép uổng phải lấy Tổng Cóc vốn đã dốt lại có tính ăn chơi bạt mạng, sau một lần đánh bạc thua nhẵn túi, gia sản khánh kiệt nên tiếc của mà chết. Theo Dương Văn Thâm, Xuân Hương làm bài thơ nổi tiếng Khóc Tổng Cóc lời lẽ trào phúng trong thời gian sau khi tái giá với tri phủ Vĩnh Tường:

Chàng Cóc ơi! Chàng Cóc ơi!
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi.
Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé,
Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi

Nguyễn Văn Hanh là người áp dụng phương pháp bệnh lý vào việc khảo cứu văn học theo Phân Tâm Học của Sigmund Freud, ông viết về trường hợp Hồ Xuân Hương: “Người ta ai cũng có sẵn tình dục. Nếu để tự nhiên theo sự nảy nở của cơ thể thì không sao, nhược bằng vì một lý do nào đó mà phải kiềm chế, thì có thể xảy ra bệnh lý gọi là “ẩn ức tình dục,” khiến con bệnh sinh ra những ý nghĩ, ngôn ngữ, hành động đặc dục tình…”.

Thơ Hồ Xuân Hương bài nào cũng đầy ắp những hình tượng tính dục nhưng lại được chuyển tải bằng một thứ ngôn ngữ rất “đời thường”, chẳng hạn như “nòng nọc đứt đuôi” hoặc “cửa son đỏ loét tùm hum nóc”:   

Một đèo, một đèo, lại một đèo,
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
Hòn đá xanh rì lún phún rêu

Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc,
Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo.
Hiền nhân, quân tử ai là chẳng…
Mỏi gối, chồn chân vẫn muốn trèo.
(Đèo Ba Dội)

Cũng vì những ngôn từ bình dân đó mà ngày nay người ta thường “nhái” thơ Hồ Xuân Hương để biến thành thơ… tếu. Chẳng hạn như bài Đèo Ba Dội đã được người đời sau biến thành hình ảnh và lời thơ vui như dưới đây:

Một trong những câu thơ “nhại” bài “Qua Đèo Ba Dội”

Họa sĩ Bùi Xuân Phái cũng có một bức tranh thiếu nữ khỏa thân cảm tác từ bài Đèo Ba Dội. Bằng những nét phác thảo đơn sơ, Bùi Xuân Phái đã cho chúng ta thấy một người phụ nữ trên người không mảnh vải, ngoại trừ chiếc khăn vấn trên đầu theo kiểu phụ nữ miền Bắc ngày xưa:    

“Đèo Ba Dội”,
tranh Bùi Xuân Phái

Hai chị em người thiếu nữ trong Tranh hai tố nữ lai là một bài thơ không mang tính dục, Hồ Xuân Hương chỉ đưa ra một hình ảnh đẹp, “chị cũng xinh mà em cũng xinh” cái đẹp “mỏng manh” của tờ giấy trắng mà tạo hóa đã nhào nặn.

Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình?
Chị cũng xinh mà em cũng xinh.
Đôi lứa như in tờ giấy trắng,
Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh.

Phiếu mai chi dám tình trăng gió,
Bồ liễu thôi đành phận mỏng manh.
Còn thú vui kia sao chẳng thấy,
Trách ông thợ vẽ khéo vô tình.
(Tranh hai tố nữ)

“Ông thợ vẽ” Bùi Xuân Phái không thể nào “vô tình” trước hai chứ không phải là một tòa thiên nhiên. Ông có sáng kiến cho người mẫu đứng trước gương để tạo một hình ảnh phản chiếu “như in” và chúng ta được thưởng thức cái đẹp của hai tố nữ. Dù không thấy mặt nhưng ngắm tranh ta cảm nhận được ngay hai thân hình gợi cảm:   

"Tranh hai tố nữ",
tranh Bùi Xuân Phái

Theo tôi, Thiếu nữ ngủ ngày là một trong những bài thơ hay của Hồ Xuân Hương với cách dùng chữ rất… Xuân Hương! Chúng ta hãy tưởng tượng một buổi trưa hè “hây hẩy” gió nồm từ hướng đông thổi về, người thiếu nữ tuy chỉ “nằm chơi” nhưng rồi lại thiếp đi trong giấc ngủ ngày… Yếm đào trễ xuống để lộ đôi “gò bồng đảo” và bên dưới là “lạch đào nguyên”. Bạn sẽ xử trí ra sao khi đứng trước cảnh này? 

Mùa hè hây hẩy gió nồm đông,
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng.
Lược trúc chải cài trên mái tóc,
Yếm đào trễ xuống dưới nương long.

Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm,
Một lạch đào nguyên nước chửa thông.
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt,
Đi thì cũng dở, ở không xong.
(Thiếu nữ ngủ ngày)

Bùi Xuân Phái lấy ý hai câu cuối để phác thảo bức tranh Thiếu nữ ngủ ngày:

“Thiếu nữ ngủ ngày”,
phác thảo của Bùi Xuân Phái

Thơ Hồ Xuân Hương và cảm tác của họa sĩ Bùi Xuân Phái về những bài thơ đó còn khá nhiều nhưng chỉ xin đưa ra hai bài nữa. Đó là bài Giếng nước và một bài thơ hơi dài: Đánh cờ.

Ngõ sâu thăm thẳm tới nhà ông,
Giếng ấy thanh tân, giếng lạ lùng.
Cầu trắng phau phau đôi ván ghép,
Nước trong leo lẻo một dòng thông!

Cỏ gà lún phún leo quanh mép,
Cá giếc le te lách giữa dòng.
Giếng ấy thanh tân ai đã biết?
Đố ai dám thả nạ rồng rồng.
(Giếng nước)

“Giếng nước”,
Tranh Bùi Xuân Phái

Chàng với thiếp đêm khuya trằn trọc,
Đốt đèn lên đánh cuộc cờ người.
Hẹn rằng đấu trí mà chơi,
Cấm ngoại thuỷ không ai được biết.

Nào tướng sĩ dàn ra cho hết,
Để đôi ta quyết liệt một phen.
Quân thiếp trắng, quân chàng đen,
Hai quân ấy chơi nhau đà đã lửa.

Thọat mới vào chàng liền nhảy ngựa,
Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên.
Hai xe hà, chàng gác hai bên,
Thiếp thấy bí, thiếp liền ghểnh sĩ.

Chàng lừa thiếp đương khi bất ý,
Đem tốt đầu dú dí vô cung,
Thiếp đang mắc nước xe lồng,
Nước pháo đã nổ đùng ra chiếu.

Chàng bảo chịu, thiếp rằng chẳng chịu
Thua thì thua quyết níu lấy con.
Khi vui nước nước non non,
Khi buồn lại giở bàn son quân ngà
(Đánh Cờ)

“Đánh cờ”,
tranh Bùi Xuân Phái

Ngoài thơ chữ Nôm, những bí ẩn về Hồ Xuân Hương đã phần nào lộ diện qua những bài thơ chữ Hán. Năm 1962, ông Trần Văn Giáp đã công bố 5 bài thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương trên báo Văn nghệ viết về vịnh Hạ Long. Đến năm 1983, giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã dịch và đặt tên cho 5 bài thơ này (bao gồm: Độ Hoa Phong, Hải ốc trù, Nhãn phóng thanh, Trạo ca thanh, Thuỷ vân hương) và công bố trong bài viết Hồ Xuân Hương với vịnh Hạ Long, đăng trên tập san Khoa học xã hội, tại Paris năm 1984.

Năm 1964, nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại phát hiện một tập thơ nữa tên là Lưu hương ký (琉香記) mà nhiều người cho rằng những bài thơ đó là của Hồ Xuân Hương. Lưu Hương Ký là tập thơ có nội dung tình yêu, gia đình, đất nước, nhưng không thể hiện rõ cá tính mạnh mẽ của Hồ Xuân Hương bằng thơ Nôm, cho nên, việc nghiên cứu giá trị thơ Hồ Xuân Hương chủ yếu được thực hiện qua những bài thơ Nôm truyền tụng của bà.

Cũng cần phải nói thêm, tập Lưu Hương Ký gồm 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài chữ Nôm nhưng tựa đề thì vẫn bằng chữ Hán. Đọc Lưu Hương Ký  ta thấy Xuân Hương có khá nhiều bạn trai, bạn thơ, bạn tình... nào Nguyễn Hầu, nào Trần Hầu, nào Tốn Phong thị, Mai Sơn Phủ, Thạch Đình, Cự Đình, Thanh Liên, Chí Hiên... Lưu Hương Ký  có rất nhiều câu than thân nên Trần Thanh Mại nhận xét: "Lưu Hương Ký là tiếng kêu thất vọng để có một tình yêu thành thực, thủy chung".

Trong một bài nghiên cứu khá công phu của Nguyễn Thị Chân Quỳnh (*), tác giả đưa ra nhận xét: “Ông Trần Thanh Mại xót thương "người đẹp" thì nghĩ thế chứ công bình mà nói thì Xuân Hương của Lưu Hương Ký thiếu gì bạn tình, chính mình không chuyên nhất, không chung thủy, sao có thể trách người chẳng thủy chung?”.

Trong Lưu Hương Ký  có một bài rất được chú ý là bài Cảm cựu kiêm trình Cần Chánh học sĩ Nguyễn Hầu, Nghi-xuân, Tiên-điền nhân, tạm dịch là nhớ bạn cũ viết gửi Cần Chánh học sĩ Nguyễn Hầu, người ở Nghi-xuân, Tiên Điền. Đề tựa bài thơ khiến ta nghĩ ngay đến Nguyễn Du bởi Nguyễn Du quê ở Nghi-xuân, Tiên Điền, năm 1805 được phong Du Đức Hầu. Và đó cũng là một bí ẩn giữa Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du.

Theo Nguyễn Thị Chân Quỳnh, khó có thể có một người họ Nguyễn thứ hai ở Tiên-điền cũng được phong làm Cần Chánh học sĩ nên ông Trần Thanh Mại là người đầu tiên đoán Nguyễn Hầu chính là Nguyễn Du. Bài thơ Cảm cựu… được bắt đầu bằng 2 câu:

Dậm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung,
Cậy ai tới đấy gửi cho cùng.

Hai câu thơ này cho ta cảm tưởng trên đường đi sứ sang Tàu, qua Thăng Long, Nguyễn Du có gặp lại Hồ Xuân Hương và bài thơ được sáng tác ngay sau khi đôi bên chia tay, tâm thần đang bị  khích động nên mới có "muôn nghìn nỗi nhớ".

Mối tình chốc đã ba năm vẹn,
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không.

Hồ Xuân Hương nói rõ hai người dan díu với nhau đủ "ba năm vẹn", vậy thử tìm xem Ông Hoàng Thơ ViệtBà Chúa Thơ Nôm yêu nhau vào thời điểm nào? Tác giả Chân Quỳnh phân tích:

“Nguyễn Du tuy sinh (1765) ở Thăng-long nhưng năm mười tuổi mồ côi cha phải đến ở với anh là Nguyễn Khản được vài năm thì về quê học. Năm 17 tuổi ta (1781), Nguyễn Du trở ra Thăng-long, đi thi đỗ Tam trường rồi ở lại Thăng-long cho tới khi kiêu binh phá nhà Nguyễn Khản (1784), Nguyễn Du phải trốn lên Thái-nguyên ở với cha nuôi họ Hà, giữ chức Chánh Thủ hiệu (một chức quan võ nhỏ) ở đó. Như thế thì sự hiện diện của Nguyễn Du ở Thăng-long trong khoảng thời gian 1781-4 coi như chắc chắn.

Về Hồ Xuân Hương, ông Hoàng Xuân Hãn đoán bà sinh năm 1772 thì đến 1781 bà mới có 9 tuổi, dù cả hai đều có mặt ở Thăng-long đủ ba năm cũng không thể bắt tình với nhau được”.

Hơn nữa, Hồ Xuân Hương nói mối tình kéo dài "ba năm vẹn" thế mà trong suốt tập Lưu Hương Ký không có lấy một bài thơ của Nguyễn Du xướng hay họa với Xuân Hương. Đối với cặp tài tử hay thơ như Xuân Hương - Nguyễn Du kể cũng lạ.

Chân Quỳnh kết luận: “Chúng ta cũng chưa có bằng chứng nào minh định là Nguyễn Du đã có một thời yêu Xuân Hương, bài "Cảm cựu..." chỉ "minh chứng" mối tình của Xuân Hương đối với Nguyễn Du mà thôi. Phần Nguyễn Du không có lấy một câu thơ nào cho biết đích xác Nguyễn Du có tình với Xuân Hương. Ở đời có khi "hoa rơi tuy hữu ý" mà "nước chẩy lại vô tình", chung quy chỉ là "giấc mộng rồi ra nửa khắc không"!

Hồ Xuân Hương quả là một trường hợp đặc biệt trong văn chương Việt Nam cách đây hơn 200 năm. Như đã nói ở phần trên, có 3 lý do chính khiến trường hợp của Hồ Xuân Hương trở thành đặc thù và bí hiểm: (1) bà là người phụ nữ làm thơ, (2) bà có tung tích bí ẩn, nên từ đó nảy sinh ra lý do thứ ba cho rằng những bài thơ được coi là của Hồ Xuân Hương có thể do nhiều người sáng tác. 

Bất kể những lý do trên, chúng ta là những kẻ hậu sinh vẫn tự hào về một Hồ Xuân Hương với những vần thơ “độc nhất vô nhị” và dĩ nhiên xứng đáng với danh hiệu Bà Chúa Thơ Nôm

Hồ Xuân Hương trên bìa sách
“Giai Nhân Dị Mặc” của Nguyễn Hữu Tiến
(Imprimerie Tonkinoise, Hanoi)

***

Chú thích:

(*) Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Châtenay-Malabry, tháng 9/1998. Thế Kỷ 21, số 115 tháng 11/1998. Sửa lại tháng 9/2005 (http://vietsciences.free.frhttp://vietsciences.net).

***

Bình luận trên FB:


***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!
--> Read more..

Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Hồ Xuân Hương dưới mắt Bùi Xuân Phái và John Balaban

Đã từ lâu, người ta ca tụng Hồ Xuân Hương là “Bà Chúa Thơ Nôm”. Nôm là biến âm của chữ Nam, ám chỉ nước Việt, người Việt. Gọi là chữ Nôm để phân biệt với chữ Hán hay còn gọi là chữ Nho. Tóm lại, Hán hay Nho là chữ của người Tàu, Nôm là chữ của người Việt (1).

Chữ Nôm được khảm xà cừ trang trí trên ống điếu

Sau khi chữ quốc ngữ được phổ biến vào đầu thế kỷ 20, chữ Nôm dần dần mai một với chính sách không khuyến khích dùng chữ Nôm của người Pháp. Người ta thường nói “Nôm na là cha mách qué”  với hàm ý coi khinh chữ Nôm nhưng kho tàng văn chương Việt Nam đã có nhiều tác phẩm giá trị viết bằng chữ Nôm.

Có thể kể đến truyện Trinh Thử của Hồ Huyền Qui, truyện Trê Cóc và Lục Súc Tranh Công, không biết tác giả là ai. Sau đó là các tác phẩm Nhị Độ Mai, Bần Nữ Thán, Quan Âm Thị Kính… Văn thơ Nôm có những áng văn thơ nổi tiếng như Hoa Tiên Truyện, Bích Câu Kỳ Ngộ, Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm và đặc biệt là Truyện Thúy Kiều.

Truyện Kiều bản Chiêm Vân Thị
dưới tựa đề “Thúy Kiều Truyện Tường Chú”

Hồ Xuân Hương là một trường hợp làm thơ bằng chữ Nôm hiếm có trong lịch sử văn chương Việt Nam. Thơ Hồ Xuân Hương ngày nay được nhiều người tìm đọc và thưởng thức vì trộn lẫn “ý tục” được diễn tả dưới dạng “chữ thanh” rất ý nhị pha lẫn cách dùng chữ theo kiểu… “tả chân mà lại không phải là tả chân”.

Sau này, những ý thơ gợi hình của nữ sĩ Hồ Xuân Hương còn được khắc họa sinh động qua nét bút phóng khoáng của cố danh họa thời cận đại, Bùi Xuân Phái (2), khiến người xem tranh phải… đỏ mặt. Bộ tranh vẽ theo thơ của Hồ Xuân Hương được cố danh họa thực hiện từ năm 1982 đến 1986. Bộ tranh này hiện do người con trai của ông là họa sĩ Bùi Thanh Phương lưu giữ.

Phố cổ và tranh khỏa thân trong tranh Bùi Xuân Phái

Hơn thế nữa, thơ Hồ Xuân Hương đã được phổ biến trên văn đàn thế giới. Trong cuộc viếng thăm Việt Nam năm 2000, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton nhắc đến Hồ Xuân Hương nhân sự kiện cuốn sách Spring Essence: The Poetry of Ho Xuan Huong do nhà thơ Hoa Kỳ John Balaban (3) biên soạn và dịch sang tiếng Anh.

Sách do Copper Canyon Press xuất bản vào tháng 10/2000 tại Hoa Kỳ và Spring Essence được dịch từ tên của “Bà Chúa Thơ Nôm” Xuân Hương. Tác phẩm này được in bằng 3 thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Việt và cả chữ Nôm.

“Spring Essence: The Poetry of Ho Xuan Huong”

Theo tôi, có 3 lý do chính khiến trường hợp của Hồ Xuân Hương trở thành đặc thù và bí ẩn để được các nhà phê bình văn học gán cho danh hiệu “Bà Chúa Thơ Nôm”. Thứ nhất, bà là một trong những trường hợp hiếm hoi của người phụ nữ làm thơ, mà lại là thứ thơ châm biếm thiên về khuynh hướng tính dục, vừa thanh lại vừa tục. Thứ nhì, tung tích của Hồ Xuân Hương, cho đến nay, vẫn còn bao trùm nhiều bí ẩn. Thứ ba, nhiều học giả cho rằng những bài thơ được coi là của Hồ Xuân Hương có thể do nhiều người sáng tác trong thời kỳ Nho học không cho phép người làm thơ đưa ra những tư tưởng phóng khoáng, cách tân. 

Giai-nhân Dị-mặc – Sự-tích và thơ-từ Xuân Hương
(Imprimerie Tonkinoise, Hanoi)

Trước tiên, hãy đọc lại những vần thơ thuộc loại “tự sự” như quả mít với những ngôn từ rất bình dị nhưng không hiểu sao người đọc cứ bị ám ảnh bởi bộ phận kín của phụ nữ. Động tác “đóng cọc” lên trái mít cho mau chín vẫn được dân gian thực hiện một cách bình thường nhưng nhà thơ lại khiến người đọc phải… nghĩ bậy!  

Thân em như quả mít trên cây
Da nó xù xì, múi nó dầy
Quân tử có thương thì đóng cọc
Xin đừng mân mó, nhựa ra tay
(Quả Mít)

John Balaban đã chuyển ngữ sang tiếng Anh bằng 4 câu khá mạnh bạo nhưng tôi vẫn e rằng người nước ngoài không thể hiểu hết nghĩa của thói quen “đóng cọc” lên trái mít cho chảy nhựa, mau chín để ăn được. Cụm từ “pierce me with your stick” không diễn tả hết nghĩa bóng và nghĩa đen của việc… “đóng cọc”:

My body is like the jackfruit on the branch:
My skin coarse, my meat thick
Kind sir, if you love me, pierce me with your stick
Caress me and sap will slicken your hands
(Jack Fruit)

Và họa sĩ Bùi Xuân Phái đã “hình tượng hóa” bài thơ qua bức tranh mô tả một thiếu nữ ôm quả mít trước cái nhìn thèm thuồng của gã đàn ông râu quặp đứng bên cạnh. Cảnh trai gái ôm nhau phía sau có tác dụng như một gợi ý chuyện trăng hoa trong tư tưởng của người đàn ông.  

Bài thơ “Quả mít” được họa sĩ Bùi Xuân Phái thể hiện trên tranh

Để mô tả công việc bình thường của người phụ nữ ngày xưa bên khung cửi với “con cò”, “con suốt”… Hồ Xuân Hương đã khéo léo dẫn người đọc đến chuyện phòng the nam nữ vốn được coi là “vùng cấm” trong thơ văn thời Nho học: 

Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau,
Con cò mấp máy suốt đêm thâu.
Hai chân đạp xuống năng năng nhắc,
Một suốt đâm ngang thích thích mau.

Rộng, hẹp, nhỏ, to, vừa vặn cả.
Ngắn, dài, khuôn khổ cũng như nhau.
Cô nào muốn tốt ngâm cho kỹ,
Chờ đến ba thu mới dãi mầu.
(Dệt vải)

Và đây là bài thơ Dệt vải được Balaban đặt tựa đề là Weaving at Night. Việc đặt tựa đề khi dịch không quan trọng bằng việc diễn tả hết ý của nguyên tác:

Lampwick turned up, the room glows white.
The loom moves easily all night long
As feet work and push below.
Nimbly the shuttle flies in and out.

Wide or narrow, big or small, sliding in snug.
Long or short, it glides smoothly.
Girls who do it right, let it soak
Then wait a while for the blush to show
(Weaving at Night)

Họa sĩ Bùi Xuân Phái phác họa chuyện dệt vải của nữ sĩ Hồ Xuân Hương qua hình ảnh một thiếu nữ ngồi gục đầu với mái tóc dài xỏa xuống quá lưng. Chỉ bằng những nét đơn sơ ông đã vẽ nên một thân hình phải nói là tuyệt mỹ. Nói theo ngôn ngữ ngày nay là “cả 3 vòng” đều đạt tiêu chuẩn của một người phụ nữ đẹp mà không cần biết mặt mũi ra sao:   

Cảm tác của họa sĩ Bùi Xuân Phái từ bài “Dệt vải”

Có người cho rằng thơ Hồ Xuân Hương mang đậm sắc thái của người bị ám ảnh quá nhiều về tình dục. Điều này cũng đúng qua bài Đánh Đu với câu kết lấp lửng “Cột nhổ đi rồi, lỗ bỏ không”. Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể, bài thơ là cả một bức tranh sống động với những từ láy được gieo vần một cách tài tình như “khéo khéo trồng”, “khom khom cật”, “ngửa ngửa lòng”…   

Tám cột khen ai khéo khéo trồng,
Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông.
Trai đu gối hạc khom khom cật,
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.

Bốn mảnh quần hồng bay phất phới.
Hai hàng chân ngọc duỗi song song.
Chơi xuân ai biết xuân chăng tá!
Cột nhổ đi rồi, lõ bỏ không.
(Đánh Đu)

Balaban cũng chơi chữ khá nhuần nhuyễn khi dịch “Trai đu gối hạc khom khom cật / Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng”  thành “A boy pumps, then arcs his back / The shapely girl shoves up her hips”:

Praise whoever raised these poles
for some to swing while others watch
A boy pumps, then arcs his back.
The shapely girl shoves up her hips.

Four pink trousers flapping hard,
Two pairs of legs stretched side by side.
Spring games. Who hasn’t known them?
Swinging posts removed, the holes lie empty
(Swinging)

Họa sĩ Bùi Xuân Phái có lẽ tâm đắc nhất với câu kết nên ông chỉ vẽ một chàng thanh niên vác trên vai một cây tre với câu “Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không”. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ phía bên trái bức tranh, sau lưng anh ta có vẽ một cái lỗ tròn tròn, cỏ mọc um tùn. Điều ý nhị của bức tranh là đây:

"Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không"

(Còn tiếp)

***

Chú thích:

(1) Nhiều học giả cho rằng cách cấu tạo chữ Nôm có thể đã manh nha từ những năm đầu khi người Trung Hoa chinh phục đất Giao Chỉ thuộc Miền Bắc Việt Nam ngày nay. Khi đó, họ đặt nền đô hộ trên các bộ lạc người Việt từ những năm đầu Công nguyên.

Phạm Huy Hổ trong Việt Nam ta biết chữ Hán từ đời nào? cho rằng chữ Nôm có từ thời Hùng Vương. Văn Đa cư sĩ Nguyễn Văn San lại cho rằng chữ Nôm có từ thời Sĩ Nhiếp, cuối đời Đông Hán, vào thế kỷ thứ 2. Nguyễn Văn Tố dựa vào hai chữ "BCái" trong danh xưng Bố Cái Đại Vương do người Việt suy tôn Phùng Hưng mà cho rằng chữ Nôm có từ thời Phùng Hưng thế kỷ thứ 8. Ý kiến khác lại dựa vào chữ “C trong quốc hiệu Đại Cồ Việt để cho rằng chữ Nôm có từ thời Đinh Tiên Hoàng.

Trong một số nghiên cứu vào thập niên 1990, các học giả căn cứ vào đặc điểm cấu trúc của chữ Nôm, dựa vào cứ liệu ngữ âm lịch sử tiếng Hán và tiếng Việt, so sánh đối chiếu hệ thống âm tiếng Hán và tiếng Hán Việt đã đi tới kết luận rằng âm Hán Việt, tức là cách phát âm của người Việt đọc chữ Hán, bắt nguồn từ thời nhà Đường - nhà Tống vào thế kỷ thứ 8 hoặc 9.

Về văn bản thì khi tìm chứng tích trước thời nhà Lý, văn tịch hoàn toàn không lưu lại dấu vết chữ Nôm nào cả. Sang thời Lý mới có một số chữ Nôm như trong bài bi ký ở chùa xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ (tạc năm 1173, niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ 11) hay bia chùa Tháp Miếu, huyện Yên Lãng (nay thuộc Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) tạc năm 1210 triều vua Lý Cao Tông.

Từ thế kỷ 10 cho đến thế kỷ 20, phần lớn các tài liệu văn học, triết học, sử học, luật pháp, y khoa, tôn giáo và hành chánh được viết bằng chữ Nôm. Dưới triều đại nhà Tây Sơn, toàn bộ các văn kiện hành chánh được viết bằng chữ Nôm trong suốt 24 năm, từ 1788 đến 1802. Nói cách khác, chữ Nôm là công cụ duy nhất hoàn toàn Việt Nam ghi lại lịch sử văn hoá của dân tộc trong khoảng 10 thế kỷ.

Theo học giả Nguyễn Hữu Vinh, “Chữ Nôm là một sáng tạo rất có ý nghĩa của tổ tiên cha ông ta. Sự xuất hiện của chữ Nôm là một sự kiện lớn đánh dấu sự tiến triển của nền văn hóa dân tộc trong gần 2000 năm qua. Sự hình thành của chữ Nôm có thể do sự bức bách cần thiết trong việc giáo hóa dân chúng ở vào thời đại xa xưa… Càng về sau, mỗi lần đất nước bị kẻ thù phương Bắc xâm lược thì trong những thời kỳ đó, chữ Nôm lại đóng vai trò tích cực hơn trong việc chống trả ngoại xâm và xây dựng đất nước.” 

(2) Bùi Xuân Phái (1920 - 1988) là một danh họa của Việt Nam ngang tầm thế giới, đặc biệt nổi tiếng với các tác phẩm vẽ về Phố cổ Hà Nội (Phố Phái). Quê ông ở làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông.

Ông tốt nghiệp khoa Hội họa trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 1941–1946. Năm 1952 về Hà nội và sống tại nhà số 87 Phố Thuốc Bắc cho đến khi mất. Năm 1956-1957 giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Hà Nội. Tham gia phong trào Nhân văn Giai phẩm, phải đi học tập lao động trong một xưởng mộc tại Nam Định.

Bùi Xuân Phái là một trong những họa sĩ thuộc thế hệ cuối cùng của sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng thời với các danh họa Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên - những tên tuổi ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ông chuyên về chất liệu sơn dầu, đam mê mảng đề tài phố cổ Hà Nội. Ngay từ lúc sinh thời, sáng tạo của ông đã được quần chúng mến mộ gọi dòng tranh này là Phố Phái.

Ngoài phố cổ, ông còn vẽ các mảng đề tài khác, như: chèo, chân dung, nông thôn, khỏa thân, tĩnh vật... rất thành công. Ông vẽ trên vải, giấy, bảng gỗ, thậm chí cả trên giấy báo khi không có đủ nguyên liệu. Ông dùng nhiều phương tiện hội họa khác nhau như sơn dầu, màu nước, phấn màu, chì than, bút chì... Các tác phẩm của ông biểu hiện sâu xa linh hồn người Việt, tính cách nhân bản và lòng yêu chuộng tự do, óc hài hước, đậm nét bi ai và khốn khổ. Ông đã góp phần rất lớn vào lĩnh vực minh họa báo chí và trình bày bìa sách, được trao tặng giải thưởng quốc tế (Leipzig) về trình bày cuốn sách “Hề chèo” (1982).

Do tham gia phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, từ năm 1957 trở đi, hoạt động của ông dần bị hạn chế. Để kiếm sống, ông phải vẽ tranh minh họa và tranh vui cho các báo, lấy bút hiệu là: PiHa, ViVu, Ly. Mãi đến năm 1984 ông mới có được cuộc triển lãm cá nhân (đầu tiên và cũng là duy nhất), nhận được sự đánh giá cao từ phía công chúng, đồng nghiệp. Với 24 bức tranh được khách hàng đặt mua ngay trong ngày khai mạc, có thể coi đây là triển lãm thành công nhất so với trước đó tại Việt Nam.

Bùi Xuân Phái

(3) John Balaban là giáo sư văn chương tại Đại học North Carolina, ông cũng là người nước ngoài đầu tiên dịch ca dao Việt Nam sang tiếng Anh, tiếp đó là tập thơ Hồ Xuân Hương và truyện Kiều. John Balaban còn thành lập Hội Bảo tồn Di sản Chữ Nôm tại Hoa Kỳ và một dự án số hóa Hán Nôm đầu tiên ở Việt Nam.

Hồ Xuân Hương và Kiều, hai người phụ nữ Việt giúp Balaban hiểu được phần nào thân phận của phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến trước kia. Ông cảm thông trước số phận trớ trêu của Kiều và yêu thích sự hài hước, hóm hỉnh của Hồ Xuân Hương. Nhưng nếu phải đem so sánh, ông vẫn thích tính cách mạnh mẽ của Hồ Xuân Hương hơn, còn Kiều thì có vẻ yếu đuối và không tự đấu tranh giải thoát cho mình được.

Hỏi về những khó khăn khi dịch thơ Hồ Xuân Hương, Balaban cười: “Dịch thơ Việt sang tiếng Anh đã khó, đằng này lại là thơ Hồ Xuân Hương. Do Hồ Xuân Hương hay dùng cách nói lái. Thơ Hồ Xuân Hương không chỉ gây nên sự ngạc nhiên mới của người Mỹ về Việt Nam mà còn giúp chúng tôi tìm thấy một Việt Nam với những tầng sâu văn hóa khác”.

Dưới đây là những vần thơ lục bát bằng tiếng Việt của Balaban được sáng tác trong thời gian dịch thơ Hồ Xuân Hương: 

Ở bên trời Mỹ vẫn mơ
Nguồn sông còn chảy tình lờ lai rai
Trăm năm tiếng khéo ngân dài
Trên sông cổ nguyệt nhớ hoài Xuân Hương.

John Balaban
(Ảnh chụp lại qua video clip)

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!



--> Read more..

Popular posts