Thứ Tư, 31 tháng 7, 2019

Hành trình đến… cà phê một mình

Người già thường có những chuyện… “lẩm cẩm” mà chắc khi còn trẻ chẳng ai để ý đến. Dưới đây là một trong những chuyện “lẩm cẩm” thuộc loại vừa nói.

Sáng nào cũng vậy, cứ đến khoảng 6 giờ tôi bắt đầu cuộc hành trình ra quán cà phê để ngồi uống một mình. Đoạn đường từ nhà ra quán chỉ khoảng vài trăm bước chân thôi mà sao thấy có nhiều chuyện đáng ghi lại.

Cây dại bên đường ra cà phê

Tôi bắt đầu cuộc hành trình khi trong nhà con cháu hãy còn say sưa với giấc ngủ vào sáng sớm. Thế cho nên, phải bấm khóa từ phía bên trong, phòng khi trong nhà có ai cần ra có thể dùng chìa khóa khác để mở. Tôi cũng có chìa khóa riêng nên an tâm đi uống cà phê.

Việc đầu tiên sau khi khóa cửa là tắt ngọn đèn ngoài cửa. Công tắc của ngọn đèn này đặt bên ngoài cho nên những người hàng xóm có thể tắt hay mở trong trường hợp chủ nhà vì một lý do nào đó mà quên bật hay tắt. Đây là ngọn đèn cho cả xóm nên những người quan tâm có thể tắt hay mở tùy lúc thích hợp.

Ngọn đèn đường trước cửa nhà

Người đầu tiên tôi gặp khi khóa cửa xong thường một là một bà bác, tuổi ngoài 80, nhưng vẫn còn khỏe mạnh với chiếc chổi xể quét con đường nhỏ trong hẻm. Đây là việc làm tự nguyện và cũng là một cách tập thể dục cho chân và tay! Chúng tôi sáng nào cũng chào hỏi nhau và thỉnh thoảng tôi còn biếu tiền để bà… “ăn quà”.

Có những hôm tiếng chổi của bà dưới đường lại là tiếng báo thức cho tôi những lúc ngủ quên. Đúng là một người hàng xóm tốt bụng! Gần đó lại có một cô, trạc tuổi con gái tôi, cũng dậy rất sớm. Khi tôi chưa kịp tắt ngọn đèn đường thế nào cô cũng… ra tay hoặc những khi trời chạng vạng chưa kịp bật đèn thì thế nào đèn đường cũng sáng. Tất cả đều do một tay cô!

Ra khỏi nhà ít bước là qua một lò bánh mì điện mang tên “Bánh mì cô Thúy”. Hồi tôi mới đến khu này, lò bánh mì do một ông cũng khá lớn tuổi đứng làm chủ, chắc cô Thúy là tên của bà. Hơn một năm nay lò bánh được giao lại cho cậu con trai, cô con dâu cũng có một xe bánh mì thịt ở gần đó. Sáu giờ sáng là mẻ bánh đầu triên trong ngày, hôm nào thèm ăn bánh mì chỉ việc quá bộ tới lò, nếu chưa dỡ bánh, cậu chủ đem đến tận nhà sau!


Lò bánh mì điện Cô Thúy

Thêm vài chục bước chân nữa là đã ra đến đường lớn. Ngay đầu hẻm có quán cà phê rất xập xệ do một bà trạc 50 đứng bán và kiêm luôn chân chạy bàn. Sáng nào bà cũng chào hỏi: “Hôm nay anh đi tập thể dục sớm (hay trễ) dữ há!”. Thật tình, tôi không đi tập mà chỉ đi uống cá phê, nhưng thôi, cứ để bà tưởng vậy sẽ an ủi cho việc không uống cà phê của bà!

Mỗi buổi sáng trước khi ra khỏi nhà tôi phải xuống tổng cộng 57 bậc cầu thang. Một ngày ít nhất cũng phải trên 10 lượt đi lên đi xuống nên chắc đó cách thể dục tốt nhất. Con hay cháu mỗi khi cần gặp tôi trên phòng thế nào cũng thở phì phò vì phải leo cầu thang. Chỉ có ông già đã quen rồi nên coi đó như một cách tập thể dục!

Quả thật, những người tôi gặp trên hành trình đến “cà phê một mình” đều không rõ tên nên chỉ cười với nhau mỗi lần gặp gỡ, trao đổi với nhau một hai câu bâng quơ nhưng sao thấy thân thiết như những người thân. Cả những khách quen ngồi uống cà phê cũng vậy.

Khách quen có thể một cặp vợ chồng sáng nào cũng chở nhau đi Honda đến uống. Ông chồng nói tiếng Việt với accent của người Hoa, chắc lớn hơn tôi vài tuổi, có tật hay “càm ràm” bà vợ. Dạo gần đây bà phải chống gậy nhưng hai người vẫn đến uống cà phê… “hai mình”! Ông có vẻ “gia trưởng”, thường hay nói “Bà có hiểu tôi nói gì không?”, “Bà để tôi nói hết đã…”, lâu lâu lại thêm câu “Ý tôi muốn nói là…”.

Khách quen và cà phê… hai mình

Tôi chỉ biết nghe họ nói chuyện và chưa một lần làm quen vì “sợ” những cách vào đề quen thuộc của ông. Cũng có những người không nói lời nào như ông xe ôm đầu ngõ. Chúng tôi chỉ chào nhau bằng nụ cười. Mà người ta thường ca tụng… “một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ”!


Ông xe ôm đầu ngõ

Tôi thấy mình may mắn vì có những người quen “không tên” nhưng ai cũng đều có nụ cười. Một thứ rẻ nhất vì không tốn tiền mua mà vẫn thấy ấm lòng.

“Keep smiling!”.



***

--> Read more..

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

10 điều cần làm vào lúc… Nửa-Đời-Về-Sau

1. Nửa đời về sau, hãy học được cách TRẦM TĨNH

Có đôi khi bị người khác hiểu lầm, đừng tranh luận, hãy lựa chọn giữ im lặng. Trong cuộc sống, có rất nhiều chuyện đúng sai khó có thể nói rõ ràng, thậm chí căn bản là không có hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai. Cho nên, nếu không muốn nói, thì đừng nói. Khi mà có nói nhiều cũng vô ích, có lẽ im lặng là lời giải thích tốt nhất.

2. Nửa đời về sau, hãy trở nên BÌNH THẢN

Con người đến độ tuổi nào đó, tự nhiên không còn thích những gì ồn ào náo nhiệt, tâm thái bình thản giúp cho cơ thể khỏe mạnh, kéo dài tuổi thọ. Mặc kệ là đời sống vật chất dư dả hay bần cùng, chỉ cần nội tâm bình thản, chính là sống một cuộc đời hạnh phúc.

3. Nửa đời về sau, hãy học cách CÚI MÌNH

Bạn bất đồng ý kiến với với con cái, nói chuyện mâu thuẫn với bạn bè, những điều này cũng không sao cả. Nghĩ thoáng một chút, chấp nhận buông bỏ, cho dù là cúi người xuống nói lời xin lỗi thì có sao? Lúc này bạn cũng có thể về lau nhà, lấy ra một đống giẻ lau, cúi người lau sạch sàn nhà trước mặt mình. Trong lúc làm việc, bạn sẽ nhận ra tâm trạng và suy nghĩ của mình dần lắng xuống.

4. Nửa đời về sau, hãy ĐỪNG CẢM THẤY HỐI HẬN

Cuộc đời là một con đường dài với vô số ngã rẽ, và ta luôn phải lựa chọn không ngừng. Nhưng cuộc đời không có cơ hội nào lặp lại, lựa chọn rồi thì đừng hối hận, cũng đừng nói câu muốn làm lại từ đầu… Mỗi lựa chọn đưa ra không có thực sự tốt hay thực sự tồi, chỉ cần biết cuộc sống là tác phẩm độc nhất vô nhị của chúng ta. Như vậy, sẽ không phải hối tiếc nếu ngày đó mình không làm… như vậy.

5. Nửa đời về sau, hãy tiếp tục HỌC HỎI

Đọc sách xem báo, thư pháp hội họa, ca hát khiêu vũ… đều là một trong những thứ chúng ta nên tiếp tục học! Mang theo bên mình một chiếc máy nghe nhạc, dù là buổi sáng ở nhà hay ra ngoài tập thể dục, luyện khí công vừa nghe nhạc vừa làm việc khác. Như vậy, có thể đem đến cho cuộc sống rất nhiều niềm vui, khiến cho tâm tình khoan khoái dễ chịu.

6. Nửa đời về sau, hãy giữ gìn sự ĐƠN GIẢN

Suy nghĩ quá nhiều càng làm cuộc sống thêm phức tạp, “đơn giản” thật ra chính là một ân huệ mà trời cao ban cho chúng ta. Sống đơn giản ở hiện tại, đơn giản cảm nhận mùi thơm của đồ ăn, đơn giản nhận ra niềm vui của vận động, đơn giản cùng bạn bè nói chuyện trên trời dưới đất. Đừng suy nghĩ quá nhiều, cuộc sống thật ra luôn cần những niềm vui đơn giản.

7. Nửa đời về sau, hãy thỉnh thoảng BUÔNG THẢ bản thân.

Mỗi ngày ăn trái cây rau quả, thực phẩm lành mạnh, có phải là cũng có lúc cũng thèm thịt cá? Vậy thì cứ ăn đi! Thực phẩm lành mạnh có lợi cho cơ thể, nhưng thỉnh thoảng cũng nên buông thả bản thân một chút. Cuộc đời không nên gò ép bản thân mình quá, ngẫu nhiên phóng túng thì càng bình dị và gần gũi với mọi người.

8. Nửa đời về sau, hãy luôn MẶC ĐẸP.

Yêu cái đẹp nên là điều mà chúng ta theo đuổi cả đời, tuyệt đối đừng vì suy nghĩ mình lớn tuổi mà không muốn chưng diện nữa. Hãy nhân lúc lưng còn thẳng, chân còn khỏe, hãy mặc thật nhiều bộ đồ đẹp, đến những nơi đẹp nhất, chụp những tấm hình rực rỡ nhất!

9. Nửa đời về sau, đôi lúc hãy NGỜ NGHỆCH một chút.

Có những chuyện, cần hờ hững thì cần hững hờ, điều gì không làm rõ được thì không cần làm rõ, người nào cần lướt qua thì cứ lướt qua. Nếu như chỉ biết nhớ không biết quên, chỉ biết tính toán mà không biết cho qua, chỉ biết khôn khéo mà lại không biết vụng về… sẽ chỉ làm cuộc sống của chúng ta luôn nặng nề, phiền não.

10. Nửa đời về sau, hãy thường xuyên CHÚC PHÚC cho người khác.

Chúng ta đối đãi với người khác thế nào, họ cũng sẽ đối đãi với ta như vậy. Cho nên, hãy thường xuyên khen ngợi bạn bè, con cháu của mình, thậm chí cả người xa lạ cũng đừng tiếc một lời chúc phúc! Thời điểm bạn làm cho người khác vui vẻ, bạn sẽ nhận ra rằng mình còn được nhân đôi niềm vui đó.

***

Sống ở hiện tại, tận hưởng cuộc sống ở hiện tại, đó chính là phương thức sống tốt đẹp nhất.

***

--> Read more..

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2019

Nhạc chế

Ông bạn tôi năm nay đã ngoài 80 kể lại câu chuyện xưa đại khái như sau:

“Số là tôi theo bà con giáo dân Phát Diệm lên tàu há mồm ra Vịnh Hạ Long, để lên chiếc hàng không mẫu hạm Arromanches ngày 15 tháng 7, trước khi hiệp định Giơ Neo ký kết…

“Trong một lần ai muốn thì được lên boong tàu hóng gió, tôi làm quen với một anh, lớn hơn tôi chừng hai ba tuổi. Anh kể chuyện anh cùng bà con chạy ra bãi biển, lên tàu chiến của Pháp khi Pháp bỏ Ninh Bình rút lui, cuộc tháo chạy gian nan thế nào... , nội dung câu chuyện bi hùng đó bây giờ tôi quên tiệt cả. Nhưng lời ca nhái anh hát để kết luận thì tôi nhớ đến tận bây giờ, 64 năm rồi.

“Ra đi không mang va li, quần áo rách nát cắp nách, chân mang xăng đan cao su, bước lên tàu chiến.. ". Lời hát trong bài gốc Hải (hay Thủy) quân Việt Nam như sau: “Ra đi không vương thê nhi / Miền Bắc núi tuyết rét mướt / Quen vui trong muôn phân ly / Sống trên ngàn trùng sóng...”.

(hết trích)

“Ra đi không mang va li, quần áo rách nát cắp nách, chân mang xăng đan cao su, bước lên tàu chiến…”

Năm 1945, nhạc sĩ Văn Cao có viết một bài ca về Hải quân Việt Nam, nguyên văn đoạn đầu như sau:

“Toán chiến sĩ thủy quân ra khơi hôm nay
Bờ nước Nam gió khơi nồng máu say
Ra đi không vương thê nhi
Miền Bắc núi tuyết rét mướt
Quen vui trong muôn phân ly
Sống trên ngàn trùng sóng
Thân phơi trên Nam Băng Dương
Nước xanh hồn Thái Bình Dương”

(Xem video clip về bài hát này tại https://www.youtube.com/watch?v=iuBLExJQlNU)

Ấy thế mà bản nhạc lại có một lời ca thứ hai được cải biên, hay nói theo ngôn ngữ ngày nay là “chế”, để thay “… không vương thê nhi” bằng “… không mang va li” thì quả là người nhạc sĩ bất đắc dĩ đã “tức cảnh sinh thời” một cách tuyệt vời.

Cũng bài hát này, tôi cũng đã có lần nghe câu “Miền Bắc núi tuyết rét nướt” được sửa thành… “Miệng hút điếu thuốc Mic mốc…”. Chắc các bạn trẻ ngày nay không biết đến thuốc lá Mic. Đó là sản phẩm của công ty “Manufacuture Indochinoise de Cigarettes”, gọi tắt là MIC, tiền thân của Công ty Thuốc lá Sài Gòn ngày nay (Vinataba).

Thuốc lá Mic

Lại nói thêm về nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995), tác giả của bài “Tiến quân ca” là quốc ca chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ông cũng là tác giả của bài “Không quân Việt Nam”, cũng được sáng tác năm 1945 như bài Hải quân Việt Nam. Điều oái oăm là khi đó các binh chủng này còn chưa được thành lập!

Bài Không quân Việt Nam có đoạn điệp khúc:

“Ðây đó hồn nước ơi !
Không quân Việt Nam vút trên ngàn mây gió
U... u... u... u... u... u...
Ôi phi công danh tiếng muôn đời
Nhìn xa phi trường Việt Nam
Không quân ra đi cánh bay rợp trời”

(Xem video clip bài hát Không quân Việt Nam tại https://www.youtube.com/watch?v=jdDZAGNQv4Y)

Ấy thế mà câu “Ðây đó hồn nước ơi! Không quân Việt Nam vút trên ngàn mây gió…” lại biến thành… “Đây đó làng nước ơi! Ông bô nhà tôi cháy râu vì đun bếp”. Nhạc chế là vậy. Luôn luôn có tính hài hước mà chủ yếu là “truyền khẩu” nhưng lại có sức hút đối với người bình dân.

Nhạc sĩ Văn Cao

Đôi khi nhạc chế lại có tính cách “dung tục”. Chẳng hạn như bài “Gạo trắng trăng thanh” của Hoàng Thi Thơ, bản nhạc này đã đưa đôi danh ca Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết nổi tiếng một thời.

Bài hát có những câu rất trữ tình như: “Ai đang đi, trên đường đê, tai lắng nghe muôn câu hò đê mê. Vô đây em, dù trời khuya anh sẽ đưa em về”. Thế nhưng, ai đó đã sửa lời thành… “Ai đang đi, trên Cầu Bông, rơi xuống sông ướt cái quần nylon. Vô đây em, đợi quần khô anh sẽ đưa em về”. (Xem “Gạo trắng trăng thanh” tại https://www.youtube.com/watch?v=_80_3T4w0-o

Bạn có biết câu hát “Cười lên đi cho răng vàng sáng chói. Hát lên đi để cho đời le lói…” có xuất xứ từ đâu không? Đó là bài “Khúc ca ngày mùa” của Lam Phương tả “trăng vàng” chứ không phải “răng vàng” đâu:

“Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát
Ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác”

Còn nhiều “dị bản” của “Khúc ca ngày mùa”, chẳng hạn như “Kìa Na Tra với ông Tề đấu phép. Đấu bao nhiêu phép ông Tề thu hết” hoặc “Nhà bên kia có con gà trống gáy. Bắc nước sôi lên thì gà hết gáy”. Dĩ nhiên là các ca sĩ nhi đồng rất thích những lời ca này!

(Nghe “Khúc ca ngày mùa” qua giọng ca của Hoàng Oanh tại https://www.youtube.com/watch?v=Y1wmqx5Xjls)

Ngày xưa đến trường, trò nào cũng phải thuộc nằm lòng bài “Học Sinh Hành Khúc” của nhạc sĩ Lê Thương: “Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau / Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao…”. (Nghe bài hát này tại https://www.youtube.com/watch?v=5EiJ3k0q19A).

Ấy thế mà có những học trò “rắn mắt” dám sửa lời thành… “Học sinh cao bồi mặc áo sơ-mi ca-rô / Học sinh cao bồi hủ tiếu ăn hai ba tô”. Thật không hổ danh nhất quỷ, nhì ma và thứ ba là… học trò!

Nhạc ngoại quốc cũng bị cải biên thành nhạc “thuần Việt” với đầy đủ sinh hoạt đời thường ở Việt Nam. Điển hình là bài “Beautiful Sunday”, bản nhạc gốc mô tả một ngày Chủ nhật đẹp trời nhưng lại được cải biên sang tiếng Việt thành:

“Sáng ăn cơm sườn, chiều ăn nước tương
Tối leo lên giường , nằm nghe cải lương…”


***

Sau 30/4/1975 nhạc chế phát triển mạnh. Người ta cải biên cả những bản nhạc thịnh hành của Liên Xô như bài Kachiusa, một loại tên lửa trong Thế chiến thứ 2. Các bạn có thể nghe Kachiusa bằng tiếng Nga tại https://www.youtube.com/watch?v=VUp63mZeq2g và sau đó nghe lời cải biên bằng tiếng Việt tại https://youtu.be/Fxqh9vF5rg8:

“Đào vừa ra hoa người ta vẫn kêu là hoa đào,
Đào vừa ra bông người ta vẫn kêu bông đào
Đào đốt lên cháy ra than mới kêu là than đào
Mấy anh mà dê người ta vẫn kêu… cua đào”

Nhạc sĩ Hoàng Việt sáng tác bài “Nhạc rừng” đầy thơ mộng nhưng nhạc chế lại biến nó thành một vụ mặc cả cyclo ra vùng kinh tế mới:

“– Xích lô, xích lô đi vùng kinh tế mới
– Bao nhiêu ? Bao nhiêu ?
– 5 đồng thôi cô hai!
– Mắc qúa, mắc qúa! 3 đồng thui ông há!
– Hổng sao, hổng sao! Xin mời cô lên xe ….”

(Nghe “Nhạc rừng” do Thanh Lan hát hồi còn ở VN: https://www.youtube.com/watch?v=BcbJqbmo6Pk)

“Tình đất đỏ miền Đông” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn có lẽ là một trong những bài hát cách mạng được người Sài Gòn nghe nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông sau 75. Có lẽ cũng vì thế bản nhạc đã bị sửa lời với những lời lẽ thống thiết của người dân trong thời điêu linh:

“Ai đã ăn mì và khoai giá rẻ
Ăn mấy bữa thì mặt mũi xanh lè
Để heo ăn thì heo mau lớn
Cho người ăn thì … mau sớm vô nhà thương

Ai đã ăn mì và khoai giá rẻ
Ăn mấy bữa thì bị ghẻ tưng bừng
Ghẻ tới lưng rồi … chui qua mông … đít
Vô nhà thương ngồi … xin thuốc đem dzìa xoa

Tổ Quốc ơi, ăn khoai mì ngán quá !
Nhà nước ơi, sao ăn độn hoài hoài ?
Từ giải phóng vô đây, không thấy mặt hột cơm …”

(Nghe “Tình đất đỏ miền Đông” tại https://www.youtube.com/watch?v=1rvPwhW97mU)

***

Theo Wikipedia, “Nhạc chế đã có từ năm 1965, lấy ý tưởng từ bộ tiểu thuyết Ỷ Thiên Đồ Long ký của nhà văn Kim Dung. Ngày Tết, người Sài Gòn thường chơi bầu cua cá cọp để lấy may. Vậy là một ai đó đã chế ra một câu hát khá vui theo giai điệu một bài tình ca của một nhạc sĩ viết trước đó”.

Tôi không đồng tình với cách giải thích này. Nhạc chế không bắt đầu từ năm 1965 mà đã có từ trước đó lâu lắm rồi. Có lẽ phải lấy thời điểm năm 1954, năm có cuộc di cư vĩ đại của người Bắc vào Nam. Bằng chứng là câu chuyện của ông bạn tôi kể đã được nghe hát nhạc cải biên trên tàu Arromanches ngày 15/7/1954.

Còn vụ… Cô Gái Đồ Long lắc bầu cua… mãi tới năm 1965 mới xảy ra. Bài tình ca mà Wikipedia nói đến ở trên chính là bài “Tiếng hát quê hương” của nhạc sĩ Xuân Lôi có lời như sau:

“Có cô gái miền quê hát bài ca
Giữa hoa lá xanh tươi bên làn gió
Thôn xóm nhà khi nắng tà
Êm êm trong muôn câu hò…”

Đây có thể nói là trường hợp hãn hữu: bản nhạc chính thức lại ít người biết đến trong khi nhạc chế lại quá phổ biến. Nhiều người không để ý đến lời của nguyên tác vì họ chỉ nghe lời cải biên mô tả cô gái Đồ Long:

“Có cô gái Đồ Long lắc bầu cua
Lắc ba cái ra ba con gà mái
Chung hết tiền, thua hết tiền...” 

(Xem video clip bài “Tiếng hát quê hương” tại https://www.youtube.com/watch?v=1BCk3iUxeoo)  

Tội nghiệp cháu bé… chắc thua hết tiền rồi!

***
--> Read more..

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019

Khôn chết… Dại chết… Biết sống

Hành khách đang xếp một hàng dài trước quầy làm thủ tục lên máy bay. Một chị ăn mặc lịch sự cũng đang xếp hàng nhưng ở tận đuôi, không biết chừng nào mới đến lượt mình. Chị nghĩ ra một kế rất “khôn” nên thực hiện ngay.

Chị tiến lên nhóm người ở gần quầy, chọn một hành khách lớn tuổi và có vẻ quê mùa để bắt chuyện. Hai người nói chuyện có vẻ tâm đắc khiến những người khác trong hàng cứ tưởng là mẹ con. Và thế là chị có một chỗ gần quầy làm thủ tục, tiết kiệm được nhiều thời gian chờ đợi.

Chị tâm đắc với “sáng kiến” của mình… Chị nghĩ, sống ở thời buổi này phải khôn mới được… chứ cứ an phận sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Lát sau có một ông đứng tuổi xếp sau chị mấy người tiến đến chỗ hai người. Ông nhẹ nhàng nói:

“Nếu cô đã nói hết chuyện với bà đây thì cô nên về lại chỗ mình xếp hàng. Chen vào hàng như cô khiến những người biết chuyện “khôn lỏi” của cô như tôi đây rất lấy làm khó chịu. Ở đời cần sự công bằng chứ không sẽ loạn!”

Hóa ra cái khôn của cô gái chỉ là… “khôn lỏi”. Cô chỉ khôn theo suy nghĩ của một người chỉ nghĩ đến bản thân mình nhưng lại “phớt lờ” những người xung quanh.

Khoa học đã chứng minh “chỉ số thông minh” (IQ: Intelligence Quotient) quyết định mức khôn ngoan của con người, tuy nhiên, IQ không phân biệt sự thông minh đó là khôn ngoan hay khôn lỏi.

IQ chỉ có thể xác định nức độ thông minh theo bậc thang từ cao nhất là trên 160 điểm dành cho các “thiên tài” và thấp nhất, từ 1-70, dành cho những người đần độn. Mức độ IQ trung bình của chúng ta là khoảng từ 85 đến 115.


Tục ngữ có câu “khôn sống, mống chết” nhưng chưa chắc… khôn là sống mà dại là chết. Thế cho nên, đã từ lâu lắm rồi, Trang Tử mới phải thốt lên: “Khôn chết, dại chết… biết sống”.

Khôn như cái khôn của cô gái xếp hàng rồi cũng dẫn đến thất bại khi có người chỉ ra đó chỉ là sự “khôn lỏi”. Còn cái vế thứ hai về “dại” chắc không cần phải nhiều lời bàn cãi. Xin kể lại truyện của Trang Tử cùng các học trò trên đường ngao du thiên hạ.

Thấy một cây thật to, tiều phu đứng ngay bên cạnh mà không đốn nên các đệ tử hỏi nguyên do vì sao. Trang Tử đáp: “Vì nó không dùng đặng nó chỗ nào hết. Cây nầy vì bất tài mà đặng sống lâu”.

Trang Tử ghé vào nhà người quen, chủ nhà mừng rỡ hối trẻ làm thịt gà. Người nhà hỏi: “Có một con biết gáy, một con không biết gáy, giết con nào?” Chủ nhà nói: “Giết con không biết gáy”.

Học trò thắc mắc và thưa với sư phụ: “Hôm trước cái cây trong núi vì bất tài mà sống, còn con gà vì bất tài mà chết. Giá như Thầy phải xử trí làm sao?”

Trang Tử cười nói: “Tài và bất tài, cũng đều như nhau… nên không thể tránh khỏi lụy thân... Chỉ có kẻ nào biết... là sống mà thôi...”
  

  Trang Tử gần như đối lập với đạo Khổng mang bản thể trần tục, ưa thực tế, trọng thực nghiệm và đặc biệt tôn trọng chủ nghĩa nhân văn

Biết lúc cần tỏ ra khôn ngoan nhưng cũng biết lúc đóng vai dại dột nghĩa là biết đắn đo giữa “thời” và “thế”. Khi hiểu được thời thế tức là đã sống vậy!

Ấy vậy mà biết được chữ “Thời” đâu phải dễ vì “thái quá” là dở, mà “bất cập” cũng không phải là hay. Phần đông người ta chỉ “biết tiến, mà không biết thối; chỉ biết giữ cho còn, mà không biết làm cho mất; chỉ biết lấy cho được mà không biết buông bỏ...”.

***

Già nửa đời người mới ngộ ra Khôn chết, Dại chết… chỉ Biết mới sống. Nhưng thôi, thà biết trễ còn hơn chẳng biết!

***

--> Read more..

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2019

Origami… Một thời gấp giấy

Ngày xưa, ở vào tuổi học trò, gần như ai cũng có một thời dùng giấy để gấp thành hình máy bay, chiếc thuyền… Đặc điểm của những “tác phẩm nghệ thuật” này không phải chỉ đơn thuần để ngắm nhìn mà còn có cơ hội được chiêm ngưỡng những “kỳ công” của mình vào thực tế.

Với chiếc máy bay sau khi được gấp, cô cậu học trò ngày đó còn có thể phóng lên trời và thấy máy bay do mình “chế tạo” cũng bay lượn, dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi trước khi… đáp xuống đất! Đầu óc non trẻ làm gì thắc mắc đến chuyện mà người lớn thường mỉa mai “tầu bay giấy” để chỉ những chuyện… không tưởng!


Một kiểu máy bay giấy

Chiếc thuyền xếp bằng giấy sau khi được “hạ thủy” vẫn nổi trên mặt nước và nếu dùng miệng thổi thay gió vẫn lênh đênh trên mặt nước, lững lờ trôi chứ không chìm! Thế là thả hồn mơ mộng đến chuyện sông nước. Tuyệt nhiên không bao giờ có thể tưởng tượng đến việc sau này mình cũng lênh đênh trên biển để làm… thuyền nhân!



Thuyền giấy

Hồi đó, học trò ngây thơ chỉ biết gấp giấy thành một thứ đồ chơi “của con nhà nghèo” vì chỉ là một tờ giấy bỏ đi, không phải tốn một xu. Khi lớn lên mới hiểu đó là cả một nghệ thuật gấp giấy mà người Nhật gọi là Origami.

Origami là cách gấp đơn giản để biến miếng giấy hình chữ nhật hay hình vuông chỉ có 2 chiều (dài và rộng) thành một tác phẩm có đủ cả 3 chiều như trong thực tế. Quả là một bước nhảy vọt từ 2 sang 3 chiều (dài, rộng và cao). Bây giờ người ta lại còn nói đến một chiều thứ 4 có phần trừu tượng, đó là chiều Thời gian, với bất cứ một vật thể nào!

***

Người Trung Hoa thường tự hào là “ông tổ” của nghệ thuật xếp giấy, có từ thế kỷ thứ 1 hay 2 gì đó, họ gọi đó là Chiết chỉ (折纸). Cách xếp giấy của họ rất khác với Origami của Nhật.

Nghệ thuật xếp giấy của Trung Hoa bị mai một và đi vào quên lãng trong khi Origami của người Nhật ngày càng phát triển kể từ thời Edo (1603-1867). Trước đó, vào triều đại Muromachi (1392–1573) cũng đã có Origami.

Origami có thể đơn giản như chiếc thuyền hay máy bay giấy chúng ta thường gặp, nhưng cũng có thể hết sức phức tạp như hình rồng, phượng, tháp Eiffel. Người Nhật xem Origami như một phần văn hoá và truyền thống đất nước hơn là một hình thức nghệ thuật.

Một trong số những mẫu Origami được biết tới nhiều nhất là hình con hạc. Con hạc là điềm tốt lành theo quan niệm của người Nhật. Truyền thuyết kể rằng ai gấp được 1000 con hạc giấy có thể biến điều ước thành sự thật. Các võ sĩ đạo Samurai thường tặng nhau những món quà được gấp từ giấy theo phong cách Origami và được thực hiện theo lễ nghi truyền thống của Samurai.



Con hạc giấy


Đôi hạc giấy


Hạc giấy còn được dùng trong các đám cưới của người Nhật



Những con hạc giấy đủ màu sắc

Ngàn cánh hạc



Học sinh Nhật Bản bên cạnh những hình giấy tự xếp

***

Origami là một nghệ thuật nhẹ nhàng nhưng lại tỉ mỉ. Nó đã chứng minh trong rất nhiều trường hợp có tác dụng làm êm dịu thần kinh, chữa bệnh mất ngủ và chống stress. Nhiều bác sĩ và chuyên gia vật lý trị liệu đã dùng Origami như một liệu pháp bổ ích về vật lý và tinh thần.

Việc tạo được mẫu Origami mới liên quan đến rất nhiều quy tắc hình học. Không phải ngẫu nhiên mà các “cao thủ” Origami sáng tác được những mẫu phức tạp. Họ có phương châm "Bạn nhìn thấy gì, tôi tưởng tượng được; Bạn tưởng tượng gì, tôi gấp được."

Một số nơi trên thế giới đã đưa Origami vào thành một môn học, khởi điểm là ở mẫu giáo. Việc gấp giấy đem lại cho trẻ nhiều nhận thức hình học, và cả hình học trừu tượng: nhận biết hình tam giác, hình vuông, hình lục giác, tia phân giác một góc, đoạn thẳng, các đường nét, hình không gian, các khối 3 chiều...



Các con thú xếp theo phong cách Origami

Con bò rừng, xếp bằng giấy ướt



Con rồng giấy



Những con bướm

Origami phức tạp



Cánh hoa và bình hoa bằng giấy



Hình trái tim



Origami và sự phối mầu



Origami trang trí cây Giáng sinh


Origami hình ngôi sao


***

Robert J. Lang là một nhà vật lý người Mỹ đồng thời cũng là một trong những nghệ sĩ Origami. Ông được biết đến với nhiều sáng tác phức tạp và ấn tượng, đặc biệt là những mẫu về động vật và côn trùng.



Robert Lang và tác phẩm chim hạc



Robert Lang gấp quốc kỳ Mỹ, với 50 ngôi sao, 15 sọc trắng và 13 sọc đỏ từ một tờ giấy vuông không cắt

Robert J.Lang biết đến nghệ thuật gấp giấy từ năm 6 tuổi nhờ một giáo viên của ông sau khi đã thử mọi phương pháp khác giúp ông hứng thú trong học tập. Từ thời niên thiếu, Lang đã bắt đầu tự sáng tác những mẫu gấp riêng của mình. Origami cũng là môn nghệ thuật giúp ông giải tỏa những áp lực khi còn đang học đại học.


Chim bồ câu của Lang


Kỹ thuật của Lang khi gấp hình con bò cạp



Thiên nga




Những tác phẩm của Robert Lang


***

Một “cao thủ” Origami khác là Won Park. Anh là người Mỹ gốc Đại Hàn và bước vào thế giới Origamin cũng từ năm lên 6.  Có thể nói, Park là người “sáng lập” trường phái Origami được gấp từ những tờ tiền giấy, đó là những tờ 1 hoặc 2 đô la!

Theo anh, tiền giấy có chất lượng rất tốt trong việc gấp, giấy vừa dai lại vừa bền. Anh chỉ chọn đồng tiền có giá trị thấp vì lý do… không muốn phí phạm khi dùng để giải trí.



Cao thủ Origami Won Park và những đồng đô la giấy



Won Park và tác phẩm xếp từ các đồng đô la

Con bướm của Won Park

Chim... giấy

Chuồn chuồn... có cánh thì bay!


"Tàu bay giấy"

Xe hơi giấy... nhưng không phải là hàng mã cho người âm!





Khẩu súng... bằng tiền

Trái tim... giá $1


Những tác phẩm của Won Park


***

--> Read more..

Popular posts