"Lều"
"Chõng" đã làm chủ vận mệnh của giang sơn cũ kỹ mà người ta tán khoe
là "bốn nghìn năm văn hiến". Những ông ngồi trong miếu đường làm rường
cột cho nhà nước, những ông ở nơi tuyền thạch, làm khuôn mẫu cho đạo đức phong
hóa, đều ở trong đám "lều chõng" mà ra. Lều chõng với nước Việt Nam
chẳng khác một đôi tạo vật đã chế tạo đủ các hạng người hữu dụng hay vô dụng.
Chính nó đã làm cho nước Việt Nam trở nên một nước có văn hóa. Rồi lại chúng nó
đã đưa nước Việt Nam đến chỗ diệt vong. Với chúng, nước Việt Nam trong một thời
kỳ rất dài kinh qua nhiều cảnh tượng kỳ quái, khiến cho người ta phải cười, phải
khóc, phải rụng rời hồn vía”.
Ngô Tất Tố
Tác phẩm
“Lều Chõng” - Ngô Tất Tố
Trên đây là lời tựa
tác phẩm “Lều Chõng” của tác giả Ngô Tất Tố trên báo Thời Vụ, số 109, ra ngày
10/3/1939 tại Hà Nội. Giọng văn nghe chừng như “phản động”, dám cả gan phê phán đám sĩ tử
ngày xưa đã khiến Việt Nam vừa trở nên “một
nước có văn hóa” nhưng đồng thời cũng đã “đưa nước Việt Nam đến chỗ diệt vong”!
Tác giả nhận xét: “…nước Việt Nam trong một
thời kỳ rất dài kinh qua nhiều cảnh tượng kỳ quái, khiến cho người ta phải cười,
phải khóc, phải rụng rời hồn vía”… vì cái đám “lều chõng” vốn là “tinh
hoa”, những “con mọt sách Thánh Hiền” với “Tứ thư, Ngũ kinh” đến tứ phương Bắc!
Ngày xưa, thi đỗ ra
làm quan còn ngày nay lại có những ông làm quan rồi mới đi học “tại chức” để có
bằng nọ, bằng kia, lòe thiên hạ. Quan Xưa và Quan Nay chỉ khác nhau ở chỗ anh học
trò nghèo chịu khó ăn học để đỗ đạt, “đổi đời”… còn Quan nay đa số là nhờ “phúc ấm gia đình”, “lý lịch trong sạch”
nên có cơ hội được cất nhắc!
Trường
thi theo phong cách xưa
Các kỳ thi Nho học ở
Việt Nam bắt đầu có từ năm 1075 dưới triều Lý Nhân Tông và chấm dứt vào năm
1919 đời vua Khải Định. Trong 845 năm đó, đã có nhiều loại khoa thi khác nhau, ở
mỗi triều đại lại có những đặc điểm khác nhau. Tuy nhiên, trong các đời Lý, Trần,
Hồ có một đặc điểm chung là các khoa thi đều do triều đình đứng ra tổ chức. Hệ
thống thi cử tuyển người làm quan này gọi là khoa cử.
Theo học giả Đào Duy Anh, năm 1397, triều
nhà Trần, Hồ Quý Ly lại bắt đầu định phép thi Hương. Những người trúng tuyển cử
nhân trong kỳ thi Hương mới được dự thi Hội tổ chức vào năm sau. Ai đỗ thi Hội
thì thi một bài văn sách nữa để định cao thấp, được gọi là thi Đình.
Thi Hội là khoa thi 3 năm một lần do bộ Lễ
tổ chức. Từ đời Lê Thánh Tông thi Hương được tổ chức vào các năm Tý, Ngọ, Mão,
Dậu và thi Hội vào năm sau Sửu, Mùi, Thìn, Tuất. Khoa thi này được gọi là "Hội thi cử nhân" hoặc "Hội thi cống sĩ" do đó gọi là
thi Hội.
Từ năm 1442 thí sinh đỗ thi Hội mới có học
vị Tiến sĩ, dân
gian thường gọi là ông Nghè. Vào thời nhà Nguyễn những thí sinh thiếu điểm để đỗ tiến
sĩ có thể được cứu xét và cho học vị Phó Bảng. Khoa thi Hội đầu tiên năm 1397 đời
Trần Thuận Tông, khoa thi Hội cuối cùng tổ chức năm 1919 thời vua Khải Định,
đánh dấu sự chấm dứt của khoa bảng phong kiến Việt Nam.
Sĩ tử ngày xưa có
người tóc đã bạc phơ, cũng có người tóc xanh còn dấu trong vành khăn nhiễu. Có
người không giấu sự nghèo túng, thân hình gầy guộc trong mảnh áo đơn nhưng cũng
có người như muốn khoe vẻ phong lưu, quanh mình quấn mấy lần áo bông sù sù, hai
hàm răng còn run cầm cập trong thời tiết giá rét của Hà Nội.
Một
khoa thi tại Nam Định có hơn 10.000 sĩ tử nhưng chỉ chọn được 60 người
Trở lại với “Lều
Chõng” của Ngô Tất Tố. Ngày xưa, sĩ tử đi thi phải mang lều và chõng. Ông mô tả
những sĩ tử với những đồ đạc lỉnh kỉnh trên đường đến trường thi: “… sườn này cái chõng tre và bộ gọng lều; sườn
kia, thì bó áo tơi và cuộn áo lều, hoặc một đôi chiếu cói; trên ngực, quả bầu
be và chiếc ống quyển; dưới bụng thì cái yên mộc hay cái tráp sơn”.
Trong cái yên có giấy,
mực, dùi, bút... còn mang theo thịt, chả, cơm, bánh và có người lại còn thêm…
một bộ bàn đèn để hút thuốc phiện! Không phải sĩ tử nào cũng là người trung thực.
Có người mang theo lọ đựng nước, không phải là hình quả bầu mà là một cái lọ
sành rộng miệng. Lính kiểm tra lọ bằng cách lấy que khoắng vào trong lọ, tức
thì ở dưới lọ, có vật tròn tròn nổi lềnh bềnh lên mặt nước.
Té ra một mớ giấy bản
viết chữ nhỏ như con kiến, người ta vo lại và trát sáp ong ở ngoài cho khỏi thấm
nước… “của
phi pháp” liền
bị tịch thu. Và cái tội "mang sách
vào trường" khiến ông học trò ấy bị loại ra khỏi cuộc thi cử.
Trong thời gian làm
bài, khi có tiếng trống báo hiệu, sĩ tử phải cầm bài thi chạy nhanh ra nhà Thập
đạo để “lấy dấu nhật trung”. Đây là
chứng cứ bài làm tại trường thi chứ không phải viết sẵn ở ngoài đưa vào. Lúc trời
về chiều thì có tiếng trống “thu quyển”
- tức nộp bài thi.
Sĩ tử nộp bài xong, hòm đựng bài thi được niêm phong và khiêng vào nhà Thập đạo,
khóa bằng sắt, canh phòng cẩn mật.
Giám
khảo trong kỳ thi
Dù quy định nghiêm
cẩn, rạch ròi đâu ra đó nhưng vẫn xảy ra sự gian lận lúc chấm thi. Sử còn chép
lại vụ lùm xùm liên quan đến con trai Bảng nhãn Lê Quý Đôn. Trong khoa thi Hội
năm 1778, giám sinh Đinh Thời Trung đã đổi quyển văn cho Lê Quý Kiệt. Sự việc bị
phát giác, Quý Kiệt bị đuổi về làm thứ dân.
Lén lút đem tài liệu
vào trường thi cũng từng xảy ra. Năm 1826, Đặng Tế Mỹ bị phát giác và là người
đầu tiên bị hình phạt đóng gông trong 1 tháng, sau đó bị đánh bằng trượng rồi mới
được tha. Ngoài ra, Mỹ cũng bị tước bằng cử nhân. Chi tiết này cho thấy, nhà
Nguyễn rất nghiêm minh xử lý gian lận trong thi cử.
Thí
sinh bị phạt đeo gông trước trường thi
Ngày nay thì khác.
Khỏi cần tráo bài thi mà cũng khỏi mang “tài liệu” vào phòng thi mà… vẫn đậu. Có
đến hàng trăm trang mạng facebook được lập ra nhằm quảng cáo rao bán và cho
thuê thiết bị “tai nghe siêu nhỏ”.
Thậm chí còn có lời
mời gọi hấp dẫn “Công nghệ tai nghe quay
cóp, 3 năm đèn sách không bằng cắp nách tai nghe” hay “Các bạn chỉ việc ăn chơi tiệc tùng, việc thi cử để chúng tôi lo”…kèm
theo giá bán, thậm chí kèm theo những khuyến mãi.
Quảng
cáo các thiết bị gian lận thi cử công nghệ cao nhan nhản trên mạng xã hội
Trong kỳ thi Tốt
nghiệp Phổ thông năm 2018, Nguyễn Quang Vinh là cựu Trưởng phòng Khảo thí, thuộc
Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Hoà Bình, đã giữ vai trò là chủ mưu
trong vụ nâng điểm thi. Có đến 15 bị cáo có liên quan đến vụ gian lận thi cử trong kỳ thi này.
Phát
hiện nhiều thiết bị gian lận trong thi cử
“Lều Chõng” mô tả quan chánh chủ khảo với xiêm xanh và đôi ủng đen
có đôi bướm bạc long lanh. Bấy nhiêu thứ đó hợp lại với cây hốt ngà cầm ở trước
ngực và chiếc mũ gấm xòe hai cánh ra ngoài hai tai khiến quan trông thật oai vệ.
Ngô Tất Tố mỉa mai:
“… đủ làm cho ngài giống hệt những quan
phường chèo nếu ngài có bộ râu dài như họ”.
Chủ khảo
hội đồng thi
Trong các lò "rèn đúc nhân tài" bấy giờ
(mà ngày nay ta gọi là những “Trung
tâm Luyện thi”), thường có hai
lớp “đại tập” và “trung tập”. Trung tập hàng ngày phải đến nghe sách, hàng
tuần phải học làm văn. Còn đại tập thì mỗi tháng tập văn hai kỳ.
Công bố kết quả sau kỳ thi
Trong lúc quan trường chấm văn, người ta chấm như... ăn cướp, một khắc phải chấm đến mấy chục quyển. Thói thường hễ mà dấu
"sơ” đã chấm thế nào, thì dấu "phúc", dấu “giám" lại chấm
thế ấy! Thế cho nên nhiều sĩ tử đã bị rớt một cách oan uổng.
Xem điểm thi Xưa & Nay
Nhà thơ tráo phúng Trần Tế Xương đã phải thốt
lên những lời ai oán:
“Mai
không tên tớ, tớ đi ngay,
Giỗ Tết
từ đây nhớ lấy ngày,
Học
đã sôi cơm nhưng chửa chín,
Thi
không ăn ớt thế mà cay.”
***
Để xả
stress, bài viết này riêng tặng các cháu sau những ngày “vật lộn với thi cử” vừa qua...
***