Trước tiên, xin có vài lời giải thích về hai chữ “Đời già”. Dân viết lách thường kháo với nhau về “nghệ thuật đặt tít”: tựa của một bài viết nên dùng ít chữ nhưng phải làm sao cho... xúc tích!
Tôi cố theo “khuôn vàng thước ngọc” đó nhưng xem ra cái tựa này sao bí hiểm quá, nên đành phải có đôi lời “phụ đề”. “Đời già” chỉ là một cái tựa ngắn gọn của câu “đời người lúc về già”!
Rất khó để định nghĩa như thế nào là già. Trước tiên phải căn cứ vào tuổi tác, tuổi càng cao thì... càng già! Ấy thế mà có những người tuổi tác chẳng bao nhiêu nhưng vẫn được gọi là “già” chỉ vì những ý nghĩ... “già trước tuổi”. Thế cho nên, có già hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
Cũng may, “đời già” hiểu theo nghĩa đó thật... đáng thương chứ nói ngược lại, “già đời” ai cũng cũng có... ác cảm! “Cái ông ấy “già đời” rồi mà lại làm như vậy!” hay ác ý hơn, “Già đời mà còn dại!”.
Miên man với chữ “già” bởi vì người viết năm nay đã ngoài 70, cầm tinh con chó, năm Bính Tuất, tính theo tuổi Tây đã được 74 cái... xuân xanh. Người ta bảo là con chó nên khổ: phải thức đêm giữ nhà chứ không sung sướng như con heo, chỉ ăn rồi lại ngủ... đợi ngày béo tốt ra nằm ngoài chợ chờ người mua!
Nhớ lại ngày xưa đi học, trong giờ Cổ văn, anh chó than thở về cuộc đời của mình qua tác phẩm “Lục súc tranh công”:
“Ăn thì cơm thừa, canh cặn,
Ăn thì môn sượng, khoai sùng
Tới bữa
ăn chẳng luận ít nhiều,
Có
cũng rằng, không cũng chớ...”
Ông chủ nhà chỉ cho ăn toàn “cơm thừ canh cặn” mà không nghĩ đến công khó của chó ta luôn trung thành, giữ gìn nhà cửa, tài sản cho gia chủ:
“Vốn như đây gia tài ủy ký,
Mà chủ không tốn kém đồng nào.
Nếu
không muông coi trước giữ sau,
Thì của ấy về tay kẻ trộm”.
Tác phẩm
cổ văn “Lục súc tranh công”
Sáu con vật nuôi trong nhà - Trâu, Chó, Ngựa, Dê, Gà, Lợn - tranh nhau kể công trạng của mình và mỗi con đều cho rằng công của mình là nhất. Trâu làm ăn vất vả, có công sinh ra thóc, gạo; Chó có công coi nhà giữ trộm; Ngựa có công đem chủ đi quán về quê, đánh đông dẹp bắc; Dê có công trong việc tế lễ; Gà có công gáy sáng, xem giờ và Heo có công hy sinh thân mình trong việc quan, hôn, tang, tế.
Chủ nhà nghe các con thú tranh nhau kể công nên cũng “nhức đầu” bèn phán:
"Thôi đừng nhĩ ngã thiệt hơn.
Phú lưỡng bạn dĩ hoà vi quí".
Sáu
con thú nuôi trong nhà
Riêng tôi cầm tinh con chó quả thật trải qua bao chuyện buồn-vui trong suốt cuộc đời, tựa như chuyện “Tái ông thất mã”. Khổ đau cũng nhiều mà sung sướng cũng không ít như người đời thường ví “lên voi, xuống chó”. Thoắt một cái bây giờ đã thấy mình già, chờ ngày xuống lỗ!
Cái triệu chứng đầu tiên của tuổi già là hay quên, mà quên những chuyện quan trọng nhưng lại nhớ toàn chuyện không đâu! Có những lúc không sao nhớ ra tên người bạn thân ngày xưa, ấy thế mà trong một phút bất ngờ sau đó cái tên lại lóe lên không đúng lúc.
Tôi lại còn có thói quen ít uống nước dù biết rằng nước rất cần đối với cơ thể. Nhớ lại ngày nào trong trại học tập cải tạo có triệu chứng của bệnh sạn thận vì “lao động là vinh quang”! Mấy anh bạn cải tạo vốn là bác sĩ ngoài đời khuyên nên phài uống thật nhiều nước may ra nếu cục sạn nhỏ có thể thoát ra ngoài nhờ đường tiểu tiện.
Thế là có dịp viết thư về nhà tôi nhắn rất cần... râu bắp. Ở nhà không hiểu tại sao nhưng cũng cố “sưu tầm” râu bắp. Uống nước nấu bằng râu bắp lợi tiểu nên chắc hòn sỏi quái ác đã thoát ra lúc nào không hay. Thế là hết bệnh!
Mấy hôm nay lại triệu chứng ngày xưa bỗng trở lại, có lẽ cũng vì cơ thể thiếu nước. Đi tiểu nhiều lần nhưng mỗi lần chỉ một ít, mỗi lần đi lại rất khó khăn, cộng thêm sự đau buốt. Tôi bèn nhớ lại ngày xưa và lập lại cách tự điều trị vì nghĩ rằng đến bệnh viện vào thời buổi dịch bệnh có nhiều bất tiện.
Con gái bảo, trong trong phòng, trên bàn làm việc lúc nào cũng phải có chai nước, tính ba lười xuống nhà uống nước lắm! Thế mới biết, “mất bò mới lo làm chuồng”. Quên gì cũng được nhưng đừng quên uống nước. Chẳng thế mà ngày 22 tháng 3 được chọn là “Ngày nước thế giới”!
22
tháng 3: Ngày nước thế giới
“Đời già” của tôi là vậy. Phải nói đến lúc “già đời” mới học được bài học kinh nghiệm để sinh tồn:
Uống nước, uống nước và... uống nước!
Giờ thì chai nước là bạn đồng
hành thân thiết của tuổi già!
* Tham khảo truyện “Tái ông thất mã” tại https://www.facebook.com/nguyen.chinh.589/posts/10209502040066136
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét