Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

Đám cưới thời @

Tôi nhận được ba tấm thiệp báo hỉ từ gia đình cháu Ngọc Diệp, con của cô em gái trên Đà Lạt. Tôi xin lập lại, “ba tấm thiệp báo hỉ” chứ không phải một tấm như bình thường mà người ta thường nhận được.

Ngọc Diệp làm việc cho một ngân hàng Hàn Quốc tại Sài Gòn, quen với Thanh Danh, người gốc Tây Ninh nhưng cũng làm việc ở Sài Gòn. Như vậy có thể hiểu ngay là đám cưới của cháu Ngọc Diệp diễn ra tại 3 nơi: rước dâu từ nhà gái tại Đà Lạt về nhà trai ở Tây Ninh và rồi thêm một bữa tiệc cưới tại Sài Gòn để thết đãi bạn bè đồng nghiệp!

Đây là một đám cưới đặc biệt của thời @ có nhiều điều đáng nói và đáng viết. Bài viết này cũng có thể coi như là món quà cưới “tinh thần” cho hai cháu Ngọc Diệp & Thanh Danh để kỷ niệm ngày hai cháu thành gia thất.

Tôi nghĩ, đã là kỷ niệm thì thế nào cũng đủ cả buồn lẫn vui, có những thuận lợi cũng như trục trặc để qua đó các bạn trẻ sau này rút kinh nghiệm. Người ta thường nói “ma chê, cưới trách”. Đám cưới thì thế nào cũng có chuyện để mọi người bàn ra, tán vào… Nói chung, chê trách thì nhiều mà ngợi khen thì ít.

Người xưa có câu, “tậu trâu, cưới vợ, làm nhà…” để chỉ 3 đại sự trong một đời người. Tậu trâu là hình ảnh tạo dựng sự nghiệp, cưới vợ hay lấy chồng là để ổn định cuộc sống tinh thần và làm nhà là để ổn định đời sống vật chất. Thứ tự của ba đại sự đó có thể thay đổi, chẳng hạn như có thể cưới vợ trước khi công thành danh toại, vì thế mới có câu như trong bài hát “Trăng sáng vườn chè” ngày nào:

“Tôi hằng khuyên sớm, khuyên trưa,
Anh chưa thi đỗ thì chưa… động phòng”

Các bạn trẻ ngày nay cũng có thể thay đổi trật tự “tậu trâu, cưới vợ, làm nhà”. Có những trường hợp còn bớt đi bước cuối cùng “làm nhà” vì trong thời buổi kinh tế khó khăn, có được một căn nhà để không phải đi ở thuê là cả một sự cố gắng vượt bậc của cả hai người trẻ sau khi đã quyết định đi đến hôn nhân.   

Theo giải thích của tự điển Đào Duy Anh, chữ “hôn” trong “hôn nhân” nguyên nghĩa là chiều hôm vì theo lễ tục xưa người ta làm lễ cưới vào buổi chiều tối (?). Điều này cũng đúng vào thời nay. Tiệc cưới thường được tổ chức vào những tối cuối tuần để khách khứa có thể đến dự đông đủ, không bị… sót phong bì tiền mừng.  

Tại các thành phố lớn, tìm được một địa điểm tổ chức tiệc cưới cũng là cả một công trình, nhất là vào mùa cưới khoảng cuối năm. Có khi phải “book” vài tháng trước mới mong giữ được một chỗ vào tối cuối tuần, nếu không thì đành phải biến thành tiệc trưa, thậm chí còn phải tổ chức vào những ngày trong tuần. Khi đó, chắc chắn khách đến dự sẽ ít đi vì bận bịu công việc và hai họ có thể thấy trước phần “lỗ” khi bỏ tiền ra tổ chức!

Chuyện “lời lỗ” cũng còn tùy theo gia cảnh và hoàn cảnh của tân lang và tân giai nhân. Nếu xuất thân trong gia đình quyền cao chức trọng, các cậu ấm cô chiêu chắc chắn sẽ nhận được những phong bì dày cộm, có khi tiền mừng nhiều quá nên phải dùng đô la thay tiền đồng. Đó là hình thức trả ơn hay móc nối, bôi trơn cho những “phi vụ” chạy chọt trong quá khứ cũng như tương lai… 

Con cái nhà “phó thường dân” khi tổ chức tiệc cưới chỉ mong sao “huề vốn”, không lỗ là mừng lắm rồi. Có nhiều đám cưới thậm chí còn nhận được phong bì... “khống”. Không bỏ tiền vì khách cũng nghèo hay vì là khách thuộc loại “không mời”, chuyên đi ăn cưới… “chùa”. Nhà trai, nhà gái cứ tưởng là khách của phía bên kia nên họ đường hoàng đến dự tiệc với chiếc phong bì trống rỗng!

“Phú quý sinh lễ nghĩa” rơi vào trường hợp các cậu ấm cô chiêu còn “Bần cùng sinh đạo tặc” là hoàn cảnh của con cái nhà “phó thường dân”. Chỉ cần nhìn qua chuyện đám cưới cũng có thể thấy xã hội thời @ ngày càng phân hóa, tiến dần đến hai cực tương phản lẫn nhau một cách khốc liệt.
     
Ngọc Diệp trước lễ Vu quy

Trở lại với chuyện nhận được “ba thiệp mời đám cưới” của đứa cháu gái, tôi hiểu đó là việc chẳng đặng đừng vì cuộc sống của hai cháu có liên quan mật thiết đến 3 thành phố nên không thể nào bớt đi một. Tôi lại “bị” đóng vai trò chủ hôn theo yêu cầu của cô em gái trên Đà Lạt nên cũng ở vào thế “chẳng đặng đừng”.

Con cái sợ hai ông bà già tuổi tác đã cao, không muốn để ngồi xe đò suốt tám tiếng nên mua vé máy bay lên Đà Lạt vào chiều Thứ Bảy cho kịp lễ vu quy của Ngọc Diệp vào sáng Chủ Nhật. Ban đầu, con gái tôi còn tính đi theo vì không yên tâm nhưng rồi hai vợ chồng cháu lại quyết định lên Đà Lạt bằng xe riêng. Thế là 4 người chúng tôi lên Đà Lạt dự lễ cưới bằng hai phương tiện di chuyển khác nhau.

Thời gian bay Sài Gòn – Đà Lạt chỉ mất 40 phút nhưng phải mất thêm 30 phút đi từ phi trường Liên Khương về Đà Lạt. Trong bữa cơm gia đình chiều hôm đó, mọi người duyệt qua “kịch bản” cho buổi lễ vu quy sáng mai. Phân công rõ ràng từng chi tiết để buổi lễ ngày mai diễn ra một cách suông sẻ.         

Hai vị chủ hôn đại diện cho hai họ

Theo phong tục ngày xưa, đám cưới phải có đủ 6 lễ. (1) Lễ Nạp Thái (nhà trai mang sang nhà gái một cặp "nhạn" để bày tỏ ý đã chọn dâu); (2) Lễ Vấn Danh (nhà trai nhờ người mai mối đến hỏi tên tuổi và ngày sinh tháng đẻ của cô dâu); (3) Lễ Nạp Cát (nhà trai báo cho nhà gái biết rằng đã xem được quẻ tốt để cử hành hôn lễ); (4) Lễ Nạp Tệ (nhà trai nạp đồ sính lễ, tiền bạc cho nhà gái để chuẩn bị lễ cưới); (5) Lễ Thỉnh Kỳ (xin định ngày giờ rước dâu) và (6) Lễ Thân Nghinh (tức lễ rước dâu hay lễ cưới).

Cả 6 lễ nói trên được gom lại thành duy nhất một lễ vu quy tại gia đình cô dâu Ngọc Diệp. Thoạt mới nhìn qua thật đơn giản nhưng trên thực tế lại quá nhiêu khê vì tình trạng cô dâu chú rể gốc người hai địa phương khác nhau lại cùng làm việc ở một địa phương thứ ba!

Trầu cau, một trong những nâm quả không thể thiếu

Theo chương trình, sau lễ vu quy diễn ra vào 9g30 sáng Chủ Nhật, 11g30 ăn tiệc tại nhà hàng và đến 2g sáng ngày hôm mới chính thức rước dâu từ Đà Lạt về Tây Ninh. Giờ “hoàng đạo” do nhà trai xem là đúng ngọ ngày Thứ Hai sẽ làm lễ tân hôn tại Tây Ninh rồi tiếp đến là tiệc cưới tại đây vào buổi chiều.

Họ nhà gái ở lại Tây Ninh một ngày để nghỉ ngơi, đi thăm và mua sắm tại cửa khẩu Mộc Bài, nếu thích còn có thể sang Cămpuchia thử thời vận tại các casinos! Ngày hôm sau lên đường ra Vũng Tàu tiếp tục nghỉ ngơi trước khi quay lại Sài Gòn dự tiệc cưới vào chiều ngày Thứ Bảy!

Đêm trước lễ vu quy tôi nhắc bố mẹ cô dâu dẫn hai con lên nhà căn nhà gần Trại Hầm, nơi có bàn thờ bố mẹ tôi để thắp nhang xin phép cho cháu ngoại đi lấy chồng. Tôi có 2 cô em gái còn ở tại Đà Lạt, cô em út hiện ở trong căn nhà gần Trại Hầm giữ hương hỏa và lo nhang khói bàn thờ bố mẹ.  

Việc hai cháu thắp nhang xin phép ông bà ngoại đi lấy chồng chỉ diễn ra hơn một tiếng vừa đi vừa về nhưng thể hiện một điều thiêng liêng cần có đối với con cháu. Chúng tôi chỉ tiếc một điều là không đủ thời gian, trời qúa tối để ra thăm mộ song thân cũng nằm trên một ngọn đồi trong Trại Hầm.  
       
Bố mẹ và hai con thắp nhang xin phép ông bà ngoại

Họ nhà trai từ Tây Ninh lên Đà Lạt trước một ngày, thuê khách sạn chỉ vài bước là có thể đến gia đình nhà gái trên đường Phan Bội Châu ngay khu Hòa Bình. Tuy nhiên, cũng vẫn có đầy đủ đoàn xe đến rước dâu có gắn chữ Song Hỷ (1).  

Đúng 9g30 họ nhà trai đến, tôi và người đại diện nhà trai đón nhau, trao đổi vài lời xin phép theo đúng thủ tục, khay rượu và mâm quả của họ nhà trai được đem vào và buổi lễ vu quy cho cháu Ngọc Diệp bắt đầu.

Dù đã chuẩn bị cẩn thận, vào giờ chót vẫn không thấy thợ chụp hình đến! Thế là máy hình của tôi được giao cho con rể đứng ra ghi lại hình ảnh của lễ vu quy cộng thêm một máy nhỏ của em trai bố cô dâu, vị chi là 2 máy phụ trách hình ảnh cho suốt buổi lễ. Tuy ngoài “kịch bản” nhưng thôi thế cũng tạm ổn!


Bánh cưới

Ngay khi lên đến Đà Lạt chúng tôi đã ngỏ ý sau lễ vu quy của cháu ngày Chủ Nhật sẽ lên xe về Sài Gòn ngay để các con kịp sáng Thứ Hai đi làm. Cô em tôi rơm rớm nước mắt nói, “Anh chị thương cháu thì thương cho trót, thế nào phải ra nhà hàng dự tiệc cùng hai họ!”.

Cuối cùng cũng đành nhượng bộ vì nước mắt của em, chúng tôi ở lại dự “phần đầu” bữa tiệc trưa. Cũng cần phải nói đến một điểm gây ấn tượng nhất đối với tôi trong bữa tiệc cưới tại Đà Lạt là sáng kiến của bố cô dâu. Vốn là một họa sĩ nên anh vẽ một thân cây chỉ có cành và không có hoa hay lá.

Bức tranh dang dở để ngay nơi bàn tiếp tân, khách đến dự tiệc dùng ngón tay chấm màu sắc tùy thích quẹt lên cây để cuối cùng cô dâu và chú rể có được một bức tranh kỷ niệm ngày cưới. Ý tưởng này thật lạ nhưng cũng mang nhiều ý nghĩa. Khách dự tiệc đã cùng nhau góp sức hoàn tất một bức tranh “quà cưới” cho cặp vợ chồng Ngọc Diệp – Thanh Danh.  

Bức tranh kỷ niệm, sáng tác của khách dành cho đôi uyên ương

Thêm một chuyện đáng ghi lại trong tiệc cưới tại Đà Lạt. Những tưởng đến đây chẳng gặp ai quen vì đã xa thành phố sương mù bao nhiêu năm rồi. Ấy thế mà lại được gặp lại một ông già tên Được ở ngay cạnh nhà gần Trại Hầm! Thế là hai ông già ngồi nói chuyện với nhau quên cả việc mỏi mòn chờ tiệc cưới bắt đầu.

Hồi xưa, Được hơn tôi 1 hay 2 tuổi, dân Petit Lycée còn tôi học trường Nam tiểu học Đà Lạt. Hai nhà ở sát cạnh nhau, hai ông bố đều phục vụ trong Ngự Lâm Quân từ thời Bảo Đại, tên của hai cụ đều bắt đầu bằng vần Đ, bố tôi là Điến còn bố của Được là Đắc. Kể cũng lạ, bố tên Đắc, đặt tên con là Được! Được giải thích, anh là con “cầu tự” nên ông cụ đặt là Được (2).

Tôi một tấm hình xưa từ một người bạn chụp 3 ông Ngự Lâm Quân (Les Trois Mousquetaires!): bố của người bạn, bố tôi và bố Được. Hỏi địa chỉ email của Được để gửi hình thì anh thú thật mù tịt về IT nhưng hứa sẽ bảo con liên lạc với tôi để nhận hình. Tôi hơi ngạc nhiên vì Được hiện nay vẫn còn làm “gia sư” kèm Anh văn cho trẻ trong xóm nhưng lại không màng đến máy tính trong thời đại bùng nổ thông tin.

Trong bức hình dưới đây chụp khoảng năm 1953, người ngồi góc trái tôi không biết tên, kế đó là bố tôi, bố người bạn còn giữ được tấm hình này, anh Nguyễn Duy Lễ. Phía bên phải là 5 người trong gia đình Được, gồm bố mẹ nay đã khuất bóng, đứng phía sau là anh con nuôi và chị gái.Chú” Được bé tí teo ngồi ở bìa phải.    

Một tấm hình xưa chụp tại nhà Được

Sau thời gian dài chờ đợi, bữa tiệc bắt đầu bằng phần nghi thức giới thiệu cô dâu, chú rể và hai ông bà sui gia và sau đó tới phần nhập tiệc. Bà xã tôi và con gái lẳng lặng xách túi vào toilet nhà hàng thay quần áo để về Sài Gòn. Tôi và con rể trong khi chờ đợi còn được thưởng thức vài đũa của món khai vị.

Chúng tôi chạy show chẳng khác gì các nghệ sĩ trình diễn trên sân khấu. Có điều ca sĩ  chỉ chạy quanh quẩn mấy rạp hát trong thành phố còn chúng tôi phải “chạy” một đoạn đường hơn 300 km, đến Bảo Lộc mới dừng lại ăn trưa. Bữa ăn tại đây chắc chắn ngon hơn bữa tiệc cưới vì bụng ai cũng đói!  

Trời không chiều lòng người, suốt đoạn đổ đèo Blao trời mưa tầm tã, sương mù xuống thật thấp nên khởi hành từ Đà Lạt khoảng 1g trưa mà mãi tới 8g tối mới về đến nhà. Cũng may, tài xế là người lái xe cẩn thận trong suốt chuyến đi. Dạo gần đây đọc báo thấy tai nạn xe cộ xảy ra như cơm bữa trên quốc lộ, về đến nhà mới biết là mình còn lành lặn!     
  
Chặng thứ 2 của đám cưới “Marathon” diễn ra tại Tây Ninh tôi không dự nhưng cô em có điện thoại cho biết họ nhà trai cất rạp, làm tiệc tại nhà chứ không đi nhà hàng. Thường thường ở niền Tây người ta hay tổ chức như vậy. Nhà rộng, có sân, có vườn nên là tiệc cưới “tại gia” là tiện nhất. Cũng có dịch vụ nấu nướng, phục vụ khách nhưng rẻ hơn nhiều so với các thành phố lớn.

Cô em kể lại bầu không khí tiệc cưới rất vui, chỉ toàn họ hàng, bà con, chòm xóm có điều hôm đó đang ăn thì bị một cơn mưa nên phải tạm ngưng, hết mưa khách lại tiếp tục đến chiều. Thế cũng vui.

Người Tây Ninh rất thật thà, cới mở không “điệu đà” như người Đà Lạt hay Sài Gòn. Chú rể là con út nên rất được gia đình, anh chị thương yêu. Cô dâu cũng là con út nên cặp vợ chồng “út” này nhận được đầy đủ thương yêu từ hai họ. Vấn đề là trong tương lai hai cháu phải làm sao đền đáp lại sự thương yêu đó.


Chặng cuối cùng là tiệc cưới Ngọc Diệp – Thanh Danh ở Sài Gòn. Mọi chuyện diễn ra tốt đẹp vì đa số khách là bạn bè của cô dâu và chú rể. Họ đến dự một cách thoải mái, tiếng “Dzô, dzô…” vang lên liên tục từ các bàn. Tôi nghĩ, đây là bữa tiệc ý nghĩa và mang nhiều kỷ niệm nhất đối với cả hai bạn trẻ. Đời người chỉ có một lần!

Ngày nay, tại các thành phố lớn, việc tổ chức tiệc cưới trở thành một “ngành công nghiệp”, có nhiều cơ sở phục vụ hôn lễ từ A đến Z. Công việc “trọn gói” có thể kể ra như ngay từ bước đầu tiên là in thiệp báo hỉ, rồi chụp hình trước khi cưới, quần áo cưới cho cả cô dâu lẫn chú rể và cuối cùng là tiệc cưới tại nhà hàng.

Có những nhà hàng có đến 4 hay 5 “sảnh” tổ chức tiệc cưới cùng một lúc khiến khách nhiều khi đi… “lộn chuồng”. Dở khóc dở cười là những người sau khi đã ký tên, và trao phong bì mới biết là mình vào lộn đám cưới. Tốt nhất là cứ từ từ, bình tĩnh tìm tên của cô dâu, chú rể, thường còn có cả hình của cặp uyên ương để ngay ở bàn đón khách.

Một phiền phức có thể nói là muôn thuở khi dự tiệc cưới thời @ là quãng thời gian chờ đợi. Thiệp hồng của Ngọc Diệp – Thanh Danh có ghi đón khách vào lúc 17g, nhập tiệc lúc 17g30 thế mà mãi đến 19g30, tức là 2 tiếng sau mới bắt đầu nghi thức tiệc cưới!

Gia đình chúng tôi ngồi kín một bàn, có cả 3 cháu nội ngoại. Chờ đợi lâu quá các cháu than đói bụng nên phải kiếm mấy gói snack để các cháu dằn cơn đói. Nói chung, Việt Nam ta nổi tiếng về giờ giấc “cao su” trong mọi sinh hoạt, nhất là việc chờ đợi để nhập tiệc cưới. Không phải lúc nào người ta cũng áp dụng lời khuyên của các cụ xưa để lại: “Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”.

Trong xã hội ngày nay, người ta thường ca tụng “tác phong công nghiệp”, giờ giấc chính xác, đúng bong trong công việc từ lớn đến nhỏ. Thế mà chỉ có việc tổ chức tiệc cưới đúng giờ theo thiệp mời vẫn không thể nào thực hiện được. Câu trả lời đơn giản chỉ nằm trong hai chữ: “Dân Trí”.

Thanh Danh & Ngọc Diệp

===

Chú thích:

(1) Do ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa nên chữ Song Hỷ màu đỏ xuất hiện rất nhiều, từ thiệp cưới, phông cưới đến vỏ hộp bánh cốm, chè, hạt sen, quả cau, lá trầu… Song Hỷ gắn với một giai thoại đẹp, đầy yếu tố may mắn, trời định về tình duyên và thi cử của bậc danh sĩ nổi tiếng đời nhà Tống, Vương An Thạch.

Năm 20 tuổi Vương An Thạch lên kinh đô ứng thí. Dọc đường, Vương An Thạch đi qua nhà Mã Viên ngoại đang kén chồng cho con gái. Viên ngoại là người có học nên muốn chọn rể giàu chữ làm hiền sĩ chứ không phải lắm của nhiều tiền. Khi Vương An Thạch qua đó cũng là lúc Viên ngoại đang mở tiệc mừng thọ, bên ngoài cổng có treo một lồng đèn kéo quân, dán một vế đối: “Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ” (Ngựa chạy theo đèn, đèn chạy theo ngựa, đèn tắt, ngựa dừng chân).

Tại trường thi, Vương An Thạch làm bài thi xuất sắc và quan chủ khảo tấm tắc khen tài. Nhà vua cho vời ông vào triều để biết mặt và thử tài thêm. Thấy ở sân rồng có một lá cờ lớn, trên có thêu một con hổ, Vua ra cho ông một vế đối: “Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân (Hổ bay theo cờ, cờ bay theo hổ, cờ cuốn, hổ ẩn mình).

Vương An Thạch chợt nhớ tới vế đối trên đèn kéo quân trước nhà Mã Viên ngoại nên liền ứng khẩu đọc luôn: “Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ”. Vua thấy Vương có tài ứng đối mau lẹ, vế đối rất chỉnh, có ý nghĩa sâu sắc nên đã chấm Vương An Thạch đậu thủ khoa kỳ thi đó.

Trong khi chờ đăng tên lên bảng vàng, Vương An Thạch trở về quê nhà. Khi đi ngang qua Mã gia trang được vào nhà trình với Mã Viên ngoại. Mã Viên ngoại yêu cầu Vương An Thạch đọc vế đối, Vương liền lấy câu của Vua ra đọc lên thành:

Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ;
Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân.

Mã Viên ngoại vô cùng mừng rỡ, thấy vế đối rất chỉnh, rất khéo lại ẩn ý khoe tương lai... Vương An Thạch cưới được vợ tài giỏi và giàu có, ở luôn tại nhà Mã Viên ngoại.

Triều đình đăng bảng, Vương An Thạch đậu Trạng nguyên, được gọi lên kinh đô nhậm chức. Thế là chàng họ Vương nhờ may mắn mà đạt được một lượt hai điều vui mừng: cưới được vợ tài giỏi giàu có và đậu Trạng nguyên. Vương An Thạch bèn hứng chí ngâm nga:

Vận may đối đáp thành song hỷ,
Cờ hổ, đèn quân kết vợ chồng

Sau đó lấy giấy viết hai chữ Hỷ rất to trình lên nhạc gia và gửi về gia đình mỗi nhà một bản. Thông báo lại hai việc cực kỳ may mắn, tốt lành là đại đăng khoa (thi đỗ) và tiểu đăng khoa (lấy vợ).

Nhiều người lại nói rằng, Song Hỷ còn có nghĩa hai việc vui mừng song song với nhau, nhà trai cưới được vợ cho con trai, nhà gái gả được chồng cho con gái.

Song Hỷ

(2) Xem thêm “Đà Lạt sương mù: Đất lành chim đậu”

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

1.         Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
2.         Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
3.         Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
4.         Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5.         Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
6.         Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
7.         Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
8.         Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
9.         Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp một Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!


--> Read more..

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Buồn vui dưới mái trường Sinh ngữ Quân đội

Tôi chào đời ngày 19/6/1946, và một trường hợp tình cờ ngẫu nhiên, sau này ngày 19/6 được chọn là Ngày Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Thêm một sự trùng hợp hi hữu nữa, 10 năm kém một ngày sau, ngày 18/6/1956, lại là ngày thành lập trường Sinh ngữ Quân đội (SNQĐ), nơi tôi phục vụ trong suốt thời gian quân ngũ từ năm 1968 đến ngày miền Nam thất thủ, 30/4/1975.

Như vậy là khi thành lập Trường Anh Ngữ Bộ Tổng Tham Mưu, tiền thân của trường SNQĐ sau này, tôi mới chỉ là một cậu bé 10 tuổi. Không ngờ, chú bé đó sau này khi trưởng thành cũng là một thành viên của trường và gắn bó tuổi thanh niên của mình trong nàu áo lính dưới mái trường quân đội.  

Huy hiệu trường SNQĐ

Năm 1955, Quân đội Quốc gia Việt Nam được Tổng thống Ngô Đình Diệm cải tổ thành Quân đội Việt Nam Cộng hòa sau khi truất phế Quốc trưởng Bảo Đại. Trong chiều hướng cải tổ đó, quân đội chuyển từ khối Liên hiệp Pháp sang mô hình của Hoa Kỳ nên rất nhiều sĩ quan cần được gửi đi tu nghiệp tại Mỹ. Đó cũng là lý do hình thành trường SNQĐ.

Trụ sở chính của trường SNQĐ trong Bộ Tổng tham mưu

Năm 2000, viết về những ngày đầu thành lập trường SNQĐ, niên trưởng Phạm Hữu Khoát, hiện ở Montreal, Canada, và cũng là vị chỉ huy trưởng đầu tiên của trường, cho biết:

“Vào trung tuần tháng 6/1956 tôi được Bộ Tổng tham mưu chỉ định thành lập Trường Anh ngữ Bộ TTM và tổ chức lớp Anh ngữ đầu tiên tại Bộ TTM cho các quân nhân Quân đội VNCH chuẩn bị đi tu nghiệp tại Hoa Kỳ… nên đã được thuyên chuyển về đơn vị quản trị địa phương số 1, ngày 3-7-1956, công tác kể từ ngày 18 tháng 6 năm 1956”.

Đó là lý do ngày 18/6/1956 mặc nhiên trở thành ngày thành lập Trường Anh ngữ Bộ TTM, sau này lại đổi thành Trường Anh ngữ Quân sự, rồi Trường Anh ngữ Quân đội (Armed Forces English Language School) và cuối cùng là Trường Sinh ngữ Quân đội (Armed Forces Languages School).

Niên trưởng Phạm Hữu Khoát, khi đó là Đại úy Chỉ huy trưởng, kể lại những ngày đầu của trường trong Bộ Tổng tham mưu:

“Trụ sở của trường là hai căn nhà lợp fibro ciment, một căn dành làm văn phòng, lớp học, phòng ghi âm (lab) và một căn dành cho các khóa sinh nội trú. Tổng số nhân viên kể cả giảng viên, hành chánh và tạp dịch không quá 10 người nên trường đã gặp rất nhiều khó khăn trở ngại trong những buổi đầu vì thiếu phương tiện và kinh nghiệm… Tuy nhiên, tất cả mọi người đều cố gắng vượt qua mọi trở ngại, và lớp Anh ngữ đầu tiên (Khóa 1 của Trường Anh ngữ Quân đội) đã được khai giảng đúng thời hạn ấn định của Bộ TTM vào thượng tuần tháng 8/1956”.

Trong giai đoạn đầu, thời gian học tập của khóa sinh được dự trù là 4 tuần, chương trình giảng huấn chú trọng vào việc nói và hiểu tiếng Anh. Ngoài việc học về ngữ vựng, văn phạm, các khoá sinh còn được thực tập trên máy ghi âm, nghe và nói theo các giảng viên người Mỹ được ghi âm tại Viện Ngữ học Quốc phòng (Defense Language Institute – DLI) Hoa Kỳ. Đây cũng là nơi hỗ trợ đắc lực về chuyên môn trong việc đào tạo giảng viên người Việt dạy tiếng Anh như là một ngôn ngữ thứ hai. 

Huy hiệu DLI (Viện Ngữ học Quốc phòng Hoa Kỳ)

Theo hệ thống quân giai, trường ANQÐ trực thuộc Bộ TTM/Phòng Quân huấn, nhưng về mặt chuyên môn lại trực thuộc Trường Ðại học Quân sự. Từ đầu năm 1957, trường mở thêm lớp Anh ngữ dành cho sĩ quan cao cấp chuẩn bị đi tu nghiệp tại trường Chỉ huy và Tham mưu Fort Leavenworth. Nhiều vị tướng lãnh trong quân đội đã theo học qua các lớp này như các Tướng Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh, Trần Thiện Khiêm, Cao Văn Viên, Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Minh, Lê Văn Kim, Trần Ngọc Tâm, Thái Quang Hoàng, Vĩnh Lộc, Mai Hữu Xuân, Hoàng Xuân Lãm, Lữ Lan, Nguyễn Vĩnh Nghi, Nguyễn Ngọc Lễ, Dương Ngọc Lắm….

Một trong những giảng viên kỳ cựu của trường, anh Nguyễn Hải Bình, hiện sống tại Canada, hồi tưởng lại ngày về trường: 

“Tôi về trường Anh ngữ Quân đội đầu năm 1957, tròn 22 tuổi với hàm trung úy “lấp lánh ánh vàng lon trên vai”. Phải, “lon trên vai” vì khi tôi rời chức vụ thông dịch viên sau gần hai năm tại quân trường bộ binh Fort Benning thì còn mới đeo cặp lon “hai con đỉa” của thời Liên hiệp Pháp. Về đến Sàigòn đáo nhậm trường mới đổi lấy hai bông mai vàng trên “ve” áo”.

… Nhân số trường lúc đó vẻn vẹn chỉ có đại ca Phạm Hữu Khoát mang ba bông mai làm xếp, ông cố vấn dân sự Brownstein hách xì xằng, trung úy đồng hóa Hà văn Anh dáng điệu play boy rất tếu và coi kỷ luật nhà binh như pha. Cộng thêm vài sỹ quan giảng viên khác, trường thật lèo tèo nên chi bấy giờ ông Khoát mừng lắm khi gần chục thằng chúng tôi trình diện, cái chức “Chỉ huy trưởng” của ông rõ là có phần nặng ký hơn. Người chiều chúng tôi lắm, lũ này trẻ măng, đi Mỹ về lại nói ''ăng lê'' như Tây, cộng với Hà văn Anh nên mọi người có vây cánh không ớn lão Brownstein “hù” văn phạm nữa. Thật ra đại ca Khoát chiều chúng tôi cũng vì bản tính tốt, xuề xòa và chịu chơi.

Giữa hai tiếng kẻng 10 phút giải lao, phòng giảng viên 15 đứa lúc nào cũng ồn ào đấu láo, kể chuyện Gò Vấp ngay bên kia cổng hậu TTM, chuyện mặc “áo mưa”, chuyện vua Bảo Đại của Nguyễn Phước Bảo Đề… Ào ào như vậy nhưng vào lớp thì chúng tôi được nể lắm. Thoạt đầu các khóa sinh là từ ba binh chủng [Hải, Lục, Không quân – chú thích của NNC] bao gồm sỹ quan và hạ sỹ quan, những quân nhân được gởi đi thụ huấn tại Hoa Kỳ lần đầu”.

Đám giảng viên thời đó được các khóa sinh nổi tiếng như “ông tu bíp” Từ Uyên hay cố Trung sỹ Không quân “Dê húc càn” Dương Hùng Cường… coi trọng, có lẽ vì… “nhất tự vi sư, bán tự vi tiên sư”! Vào những năm 1958-1959, anh Nguyễn Hải Bình và vài đồng nghiệp khác được giao phụ trách mấy lớp giành riêng cho các vị tướng lãnh sẽ đi tu nghiệp tham mưu chiến lược tại Hoa Kỳ.

Theo lời anh Bình, “Trong năm vị tướng lãnh cầm đầu đảo chánh 1963 thì hồi đó đã có bốn vị tôi được vinh dự phục vụ tại mấy lớp cấp tốc này. Gay lắm, hồi hộp, lo lắng chỉ sợ có gì sai lầm, vi phạm quân kỷ nên mấy thằng chúng tôi sáng sáng nhìn nhau kiểm soát lại quần áo, giầy nón, biển tên đến đầu tóc mặt mày. Tới giờ, trước cửa lớp nín hơi bước vào, cứng như khúc gỗ, rồi giơ tay chào kính miệng hô “Good morning, Sir!” trước khi bắt đầu “Please, repeat after me”!

Được cái, Chỉ huy trưởng Phạm Hữu Khoát rất “chịu chơi”, cho phép giảng viên “nhẩy dù” đi học thêm ngoài giờ giảng dậy và ứng trực. Nhờ vậy, một số giảng viên lấy thêm bằng cấp ngoài đời dân sự như cử nhân luật hoặc thêm các chứng chỉ bên văn khoa…

Niên trưởng Phạm Hữu Khoát
Chỉ huy trưởng đầu tiên của Trường SNQĐ

Có nhiều dư luận về việc thay đổi chức vụ Chỉ huy trưởng trường SNQĐ. Theo anh Bình, có ai đó đã báo cáo rằng niên trưởng Nguyễn Huy Khoát đã để giảng viên quá tự do trong việc đi học, đi chơi, lại còn biết giảng viên “trùm mền” đánh xì dzách những đêm cấm trại mà lại làm ngơ ..

Thế cho nên, tháng 5/1959 chức vụ Chỉ huy trưởng được bàn giao sang Thiếu Tá Phan Thông Tràng. Khác hẳn với Chỉ huy trưởng đầu tiên, Thiếu tá Phan Thông Tràng là một sĩ quan theo đúng tác phong nhà binh: quân phục chỉnh tề, giày đánh bóng đến độ có thể soi gương.

Ông là tuýp quân nhân gương mẫu, nhiều giảng viên dưới thời ông thậm chí còn bình luận… “trên cả gương mẫu” hoặc nặng hơn với hai chữ “bệnh hoạn” như anh Ngô Trí Thịnh đã nhận xét! “Bệnh hoạn” cũng có thể vì ông quá vệ sinh. Mỗi lần bắt tay ai là thế nào ông cũng rửa tay bằng alcohol, chai cồn luôn ở trong ngăn kéo bàn làm việc của ông!   

Anh Văn Hùng Đốc kể lại lần hội ngộ anh Tôn Thất Đồng Nai tại San Jose cách nay khoảng 15 năm, anh Đồng Nai đã phải thốt lên: “Gặp Văn Hùng Đốc là moa nhớ đến ông Tràng. Chỉ vì đầu tóc chưa kịp hớt mà ông ta đày moa ra Nha Trang!”.

Dưới thời Chỉ huy trưởng Phan Thông Tràng, chi nhánh trường SNQĐ tại Trung tâm Huấn luyện Hải quân Nha Trang được coi là “Côn Đảo” dành cho các giảng viên mà ông không ưa. Nhưng đối với anh Văn Hùng Đốc, quê quán vốn ở Nha Trang, nên chỉ vài tháng sau về trường anh đã xin ra Nha Trang và được chấp thuận ngay.
 
Chỉ huy trưởng Phan Thông Tràng (góc phải)
tái ngộ các giảng viên trẻ Phạm Gia Đoàn & Nguyễn Ngọc Chính
nhân chuyến về thăm Việt Nam của anh Văn Hùng Đốc (góc trái)

Anh Đốc tâm sự: “13 anh em chúng tôi thuộc khóa 24 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức về trường vào giữa năm 1967. Chỉ vài tháng sau đó tôi được ra Chi nhánh Nha Trang. Đại úy Vũ Đức Giang làm Trưởng chi nhánh. Sau khi Đại úy Giang về trường thì Trung Úy Trịnh Khoa Nghi (đã mất cách nay 3 năm) thay thế. Lần lượt các Trưởng chi nhánh có các sĩ quan Nguyễn Long Giáp, Nguyễn Văn Minh, Văn Hùng Đốc (tạm thay anh Minh đi Lackland)”.

Chi nhánh Nha Trang được anh Đốc mô tả là “một Quốc Gia trong một Quốc Gia” vì sĩ quan giảng viên của trường thuộc Bộ binh, không mặc đồng phục trắng và không trực thuộc Khối Văn hoá vụ (Khối Quân huấn) và Bô Tư Lệnh Hải Quân. Do đó, nẩy sinh vài chuyện không được hòa thuận trong sinh hoạt chung.

Anh Nguyễn Long Giáp kể lại: “Việc lủng củng bắt đầu khi TTHLHQ Nha Trang ra Sự vụ lệnh cho giảng viên Tô Cao Hoan (lúc đó là Thiếu Úy) đi công tác tại TTHLHQ Cam Ranh. Với tư cách Trưởng chi nhánh, tôi đã phản đối, trả lại SVL đồng thời cho TTHLHQ biết là giới chức có thể điều động giảng viên rời khỏi nhiệm sở là trường SNQĐ chứ không phải TTHLHQ. Kể từ đó tình hình gây cấn giữa hai phía ngày càng căng thẳng”.

Theo anh Giáp, tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt” biến thành thành thuốc đắng khi TTHLHQ gây qũy xây tượng Thánh tổ Hải quân và mang sổ lạc quyên trao cho Trưởng chi nhánh, “Tôi đổ quạu nên phát ngôn hơi bừa bãi: “Thực phẩm phụ trội, mấy anh chia chác với nhau, nay quyên tiền lại bảo tụi tôi đóng góp! Còn lâu. Đức thánh Trần là thánh tổ của mấy anh chứ đâu phải thánh tổ của bọn tôi! Sorry”.

Sau này, tôi cũng có thời gian dạy tại Chi nhánh trường SNQĐ tại Khách sạn Lục Quốc (Mondial) trên đường Phan Thanh Giản, Sài Gòn, nơi đây chuyên huấn luyện Anh ngữ cho Hải quân. Bầu không khí tại đây khác hẳn với ngoài Nha Trang vì lý do chi nhánh hoàn toàn do trường điều hành, không như ngoài Nha Trang, giảng viên biệt phái ra dạy.

Không phải những hồi ức về Thiếu tá Phan Thông Tràng chỉ toàn những mảng tối. Đối với anh Vũ Anh Tuấn “cổ thư” lúc nào anh cũng “đặc biệt tri ân” Thiếu tá Tràng vì ông nhận anh về làm giảng viên cho dù anh tốt nghiệp Khóa 16 Thủ Đức nhưng chỉ được đeo lon Trung sĩ.

Trong khi 14 người cùng khóa về trường với cặp lon Chuẩn úy, anh Tuấn phải đeo “cánh gà” vì bị kỷ luật nhưng Chỉ huy trưởng vẫn nhận dù Ban huấn luyện phản đối với lý do trường chưa từng có hạ sĩ quan nào làm giảng viên. Theo lời anh Tuấn kể lại, ông Tràng nói “cứ nhận, nếu sau này hắn “ba gai” thật thì đuổi đi vẫn chưa muộn!”.

Đoạn kết câu chuyện của anh Vũ Anh Tuấn trở thành một “happy ending” theo như lời anh kể: “Một cơ may đã xảy đến với tôi khi các lớp Thông dịch viên đồng hóa ào ào đến với trường. Thế là tôi được cho đi dậy, vì “cánh gà bất đắc dĩ” dậy “cánh gà đồng hóa” thì được quá đi chứ còn gì!” 

Chỉ huy trưởng Phan Thông Tràng đến dự tiệc hội ngộ cựu giảng viên
trong vòng tay của hai anh Văn Hùng Đốc (trái) và Nguyễn Văn Xuân (phải)

Sáu anh em chúng tôi thuộc khóa 4/68 Thủ Đức, về trường đầu năm 1969, khi đó chức vụ Chỉ huy trưởng đã bàn giao từ niên trưởng Phan Thông Tràng sang Thiếu tá Huỳnh Vĩnh Lại. Cả hai vị Chỉ huy trưởng nay đã qua đời vì tuổi tác. Xin thắp một nén hương lòng để tưởng niệm hai người anh cả đã cống hiến một phần cuộc đời mình cho lịch sử của trường SNQĐ.  

Vào thời điểm 1975, niên trưởng Huỳnh Vĩnh Lại đã được thăng chức Trung tá và đang ở Hoa Kỳ học khóa Tham mưu Cao cấp. Thế cho nên, Trung tá Lại là một trường hợp hi hữu của một người Việt “tỵ nạn tại chỗ” chứ không cần vượt đại dương. Bây giờ, ngồi nhớ lại, tôi thấy mình đã không lầm khi hồi xưa nhìn tướng người phương phi của ông tôi đã thầm đoán “số người này thuộc loại đẻ bọc điều”!

Tôi còn nhớ mãi một kỷ niệm “đau thương” với Chỉ huy trưởng Huỳnh Vĩnh Lại. Tôi không hề oán trách ông vì đó là… “lỗi tại tôi mọi đàng”. Hồi đó mới về trường nên chưa được đứng lớp, tôi được giao trách nhiệm phụ trách sinh viên sĩ quan khóa sinh Không quân tại cơ sở ở số 4 đường Nguyễn Văn Tráng mà sau này có thời gian là Đại học Minh Đức.

Công việc quá nhàn nhã, chỉ quản lý khóa sinh và cắt đặt công tác vệ sinh tầng lầu… Nhưng cũng chính vì “nhàn cư vi bất thiện” nên tôi bị Chỉ huy trưởng phạt 4 ngày trọng cấm, có xe jeep đưa vào tận quân lao trong Tổng tham mưu! Lý do: tầng lầu mà đại đội tôi phụ trách “bốc mùi” khi có phái đoàn đến thăm trường cộng thêm tội bỏ đi xiné trong giờ làm việc.

Tôi còn nhớ đó là phim Lady Hamilton chiếu tại rạp Vĩnh Lợi rất gần trường. Sau này nghiệm ra có một sự trùng hợp đến bất ngờ: nhảy dù đi xem phim tại rạp Vĩnh Lợi và bị Chỉ huy trưởng Vĩnh Lại quất cho 4 “củ”. Đối với tôi, hai từ ngữ “Lợi” hay “Lại” chỉ mang lại điều bất lợi: 4 ngày tù trọng cấm!    


Trung tá Huỳnh Vĩnh Lại (trái) và Thiếu tá Ngô Phát Tài (Liên đoàn Khóa sinh)
trong một dịp hội ngộ của trường SNQĐ tại Hoa Kỳ

Điểm đặc biệt của 6 Chuẩn úy mới tốt nghiệp khóa 4/68 chúng tôi là có đến 2 người Việt gốc Hoa: Lương Tô (gốc Chợ Lớn) và Trương Bác Chí (người Hoa, gốc Bắc “di cư”). Số mạng của hai người cũng thuộc loại “đặc biệt”. TB Chí tự ý ở lại Hoa Kỳ sau khi học xong khóa đào tạo giảng viên tại DLI năm 1971, anh được coi là một trong những  người “vượt biên” sớm nhất!.

Người thứ hai, Lương Tô, chết trong trại cải tạo Kà Tum. Theo anh Nguyễn Kim Trọng hiện ở Hoa Kỳ: “… Anh Tô ở đội khác đội của tôi. Nghe nói trong thời gian cải tạo anh Tô tập luyện một loại hít thở cổ truyền của người Trung Hoa (an ancient Chinese breathing technique) có tên gọi đặc biệt mà tôi không nhớ tên. Anh Tô chết vì bị “tẩu hỏa nhập ma” trong lúc tập, bị bệnh sau đó và chết chứ không phải chết vì bị “bội thực” như một số anh em đồn đãi”.

Một lần nữa phải tin vào sự trớ trêu của định mạng, những người hiền lành như Lương Tô sao lại vắn số? Phải chăng, hiểu theo Phật giáo, đó là hậu quả của kiếp trước, nhân quả trùng trùng theo vòng quay của bánh xe luân hồi?

Không riêng gì Khóa 4/68 có tới 2 trong 6 tân Chuẩn úy là người Việt gốc Hoa, trước đó, trường SNQĐ cũng đã có những sĩ quan như các anh Phăng Gi On, Lưu Út, Lý Tô Hán… Tôi còn nhớ, ngay trong buổi đầu tiên trình diện CHT, ông Lại đã “nửa đùa nửa thật” hỏi các tân giảng viên: “Các anh về trường tốn hết bao nhiêu?”.

Tôi và 3 người bạn cùng khóa hiện còn sống đến ngày nay xin khẳng định hoàn toàn không có chuyện “lo lót” vì khi thi tuyển về trường chúng tôi phải làm test ECL (English Comprehension Level) của DLI Hoa Kỳ. ECL là một cuốn băng bao gồm 100 câu hỏi để trắc nghiệm trình độ Anh ngữ của thí sinh về văn phạm, ngữ vựng, đàm thoại…

Thí sinh phải nghe băng và đánh dấu câu trả lời “a, b, c, d” trên booklet đi kèm. Điểm tối đa là 100/100 và tiêu chuẩn để được chấm đậu làm giảng viên phải từ 80 điểm trở lên. Phần bài thi của tôi, do hai anh Đinh Trọng Đại và Nguyễn Hữu Phú thuộc ban Khảo thí  xác định, được 89/100. Các khóa về trường sau này còn gặp khó khăn hơn vì phải thêm phần phỏng vấn của ban Khảo thí.         

Khóa tôi về trường có Hồ Hới gốc “tu xuất” nhưng “quậy” không ai bằng. Người ta hay nói “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” và một số người sửa lại là “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba… thầy xuất”. Cái nghịch của Hồ Hới không làm hại một ai nhưng đôi khi cũng làm các giảng viên khóa đàn anh phải nhíu mày, khó chịu. Có điều ít ai ngờ, Hồ Hới ngày nay là một “ông già”, tính tình điềm đạm khác hẳn ngày xưa. “Sông có khúc, người có lúc” là vậy!

Hồ Hới (người đeo kính đứng cạnh người thắt cravate)
trong một lần hội ngộ với anh em tại Việt Nam

Nguyễn Công Sang “đẹp trai” nhất trong đám sĩ quan Khóa 4/68 về trường. Sang gốc người Long Xuyên nhưng lại mang phong thái của “Công tử xứ Bạc Liêu” từ cách ăn nói cho đến lối hành sử. Sang là roomate của tôi khi chúng tôi đi học tại DLI (Lackland) năm 1971 và anh cũng là người có “sense of humor”. Tôi còn nhớ mãi những câu pha trò của Sang: “Goodbye lấy cái chai đựng rượu”, “Thank you lấy cái siêu sắc thuốc”…

Nguyễn Công Sang rời Việt Nam từ đầu năm 1980, trong một email từ Canada, Sang viết: “Tôi vẫn nhớ những kỷ-niệm mình ở Lackland. Cái cassette với tiếng đàn guitar Chính đệm cho tôi hát bài "Oui devant Dieu" để tặng vợ tôi nhân kỷ-niệm 2 năm ngày cưới của chúng tôi vào tháng 11-1971, tôi vẫn còn giữ đây. Mỗi lần nghe là tôi nhớ đến người bạn hiền-lành dễ-thương năm nào”.

Nguyễn Công Sang (trái) hội ngộ Nguyễn Lương Năng tại Melbourne

Nhân vật cuối cùng của Khóa 4/68 là người được nhắc đến nhiều nhất, cả trong thời gian trường còn hoạt động lẫn giai đoạn sau năm 1975. Hiện đang ở Mỹ, Nguyễn Cường Nam là người có thể lái xe hàng trăm dặm để đưa các bạn cũ đi chơi thăm thú anh em lâu ngày không gặp. Có một dạo Nam còn giữ “tay hòm chìa khóa” cho quỹ tương trợ, giúp đỡ anh em gặp khó khăn bên nhà.

Hồi còn ở trường, Nguyễn Cường Nam vóc người nhỏ bé thế mà ngoài việc đứng lớp còn được kiêm nhiệm nhiều chức vụ “linh tinh” như lo hàng quân tiếp vụ cho trường nên mới chết tên “Nam Gạo”. Nam còn “chịu trách nhiệm” về bàn ghế của cả 4 cơ sở Trần Hưng Đạo (Bộ Tổng tham mưu), Phan Thanh Giản (Hải quân), Nguyễn Văn Tráng (Lục quân và Không quân), Đồng Khánh (Không quân).

Theo một câu chuyện thuộc loại “tiếu lâm” về những kỷ niệm dưới mái trường SNQĐ, Nam “Gạo” viết về chuyện của mình có liên quan đến Chỉ huy trưởng Huỳnh Vĩnh Lại:

Hồi mới đáo nhậm Trường SNQD, Chuẩn úy Nguyễn Cường Nam được Đặc Ân (hay bị Đì không biết) của Thiếu Tá Nguyễn Thọ Đan, ngoài giờ đứng lớp, trông coi bàn ghế cho học viên của cả 4 cơ sở: Trần Hưng Đạo, Nguyễn văn Tráng, Phan Thanh Giản và Đồng Khánh. Cái nào sứt tay gãy gọng thì làm báo cáo cho Đại úy Gẫm sửa. Chuẩn úy Nam nhờ vậy mà ghi được chuyện này. Hôm nay hơn 57  năm sau mới Bật Mí ra.

Vào một buổi lể mừng Sinh Nhật Trường SNQD tổ chức tại chi nhánh Đồng Khánh, Trung Tá Huỳnh Vĩnh Lại có mời Trung tướng Tổng cục trưởng Tổng cục Quân huấn (hình như anh ruột của Đại Úy Giảng viên Phan Trọng Vĩnh thì phải) và một số quan khách. Chuẩn úy Nam được lệnh sắp xếp bàn ghế. Hàng chủ toạ, vì số khách mời, Chuẩn úy Nam đặc biệt sắp 5 ghế. Gần tới giờ, Trung tá CHT vào kiểm tra.

- Thằng nào xếp ghế thế này đây?
- Dạ tôi, Trung Tá.
- Cậu chửi tụi tao là Quỷ hay sao mà sắp 5 ghế. Năm thằng ngồi là Ngũ Quỷ hiểu chưa.
- Dạ, tôi xin thêm 1 ghế nữa.
- Cậu chửi tụi tao là Trâu Bò hả. Sáu thằng ngồi là Lục Súc. Phải sắp 7 ghế cho thành Thất Hiền hoặc 8 ghế để là Bát Tiên, hiểu chưa Sữa (TT Lại gọi tôi là Chuẩn úy Sữa vì mới ra trường có 6 tháng thôi mà).

Buổi lễ diễn ra tốt đẹp và cuối cùng là màn vũ khoả thân của vũ nữ Tuyết Nhung. Khi cô xuất hiện trên sân khấu, hàng tràng pháo tay khen thưởng. Khi cô vất áo choàng xuống sàn, hàng tràng pháo tay khen thưởng. Mảnh vải che phiá trên được trút bỏ ra, hàng tràng pháo tay khen thưởng.

Mảnh vải cuối cùng trên mình cô được lột ra. Cả hội trường chỉ còn nghe lẹt đẹt vài tiếng vỗ tay của mấy vị khách. Trung Tá CHT thất sắc gọi Trưởng chi nhánh Đồng Khánh lại hỏi:

- Bộ không hay hay sao mà chẳng mống nào vỗ tay hết vậy?
- Trình Trung tá, Đại úy Trạch nói, một tay làm sao vỗ nên kêu. Thằng nào cũng một tay đút túi quần hết”.

Nam kết luận câu chuyện trên với một câu khá dí dỏm: “Ai không tin thì đi hỏi ông LẠI coi tui kể có đúng không”. Mà CHT Lại nay đã quá cố thì làm sao “xác minh” cho được. Tuy tôi đã nhiều lần nghe Trung tá Lại chửi thề những khi ông bực tức nhưng câu chuyện của Nam đã để ông xổ ra một lô “những giấy bạc lớn” có lẽ nên được coi là một chuyện tiếu lâm thuần túy, “off the record”.   

Trung tá Huỳnh Vĩnh Lại và anh Nguyễn Văn Sở, trưởng khoa Anh ngữ

Ngoài các vị Chỉ huy trưởng có những cá tính khác người, trường SNQĐ cũng còn có những sĩ quan làm cho anh em giảng viên được “nở mày nở mặt”, cả về trình độ chuyên môn cũng như cách xử thế. Có những tên tuổi mỗi khi nhắc mọi người đều kính trọng, cả về cấp bậc lẫn kiến thức, như các anh Tô Cao Hoan, Nguyễn Văn Sở, Nguyễn Hữu Phú, Đinh Trọng Đại, Mai Vị Sĩ, Đặng Trần Hải… Danh sách còn dài và việc chọn lựa cũng chỉ là ý kiến cá nhân của người viết.

Anh Tô Cao Hoan (người thứ 2 từ trái qua)
trong một lần hội ngộ năm 2006 tại Sài Gòn

Trên Forum của trường SNQĐ, anh Nguyễn Văn Nghiên, giữ nhiệm vụ “Mõ Làng” kiêm “Sĩ Quan Trực” của trường ngày nay, có nhắc đến một vị niên trưởng một thời đã từng giữ chức vụ Chỉ huy phó, Thiếu tá Bùi Công Minh. Chuyện niên trưởng “Ba” Minh “hiền như Bụt” nay đã ngoại bát tuần thì anh em ai cũng biết nhưng việc anh Ba xuất bản tại Hoa Kỳ cuốn sách về lịch sử Chiến tranh Việt Nam, A Distant Cause – A History and the Vindication of the Viet Nam War (*), chắc nhiều người chưa biết.

Ngoài việc viết sách, niên trưởng Bùi Công Minh còn soạn nhạc, một trong những bản nhạc của anh, bài Đừng vội, đã được giới yêu nhạc chú ý. Một người “tài” và “đức” vẹn toàn như anh “Ba” Minh qủa là hiếm, không những trong nội bộ trường SNQĐ mà còn trong hàng ngũ quân lực VNCH.

Bìa sách của niên trưởng Bùi Công Minh

Quân số trường SNQĐ vào thời “Việt Nam hóa” chiến tranh có lúc vượt quá 200 người và có lẽ trong quân lực VNCH đây là đơn vị có số sĩ quan vượt trội so với hạ sĩ quan và binh sĩ cơ hữu. Trường Bộ binh Thủ Đức là nguồn cung cấp giảng viên chủ lực nhưng sau này vì nhu cầu của cuộc chiến, trường còn tuyển thêm các sĩ quan trong quân đội có khả năng Anh ngữ về trường để giảng dậy nhiều đợt quân nhân trước khi lên đường sang Hoa Kỳ để học về chuyên môn.

Ban đầu, trường còn có Khoa Việt Ngữ để dạy tiếng Việt cho các quân nhân đồng minh tham chiến tại Việt Nam. Về sau, vì nhu cầu học tiếng Việt không còn, các giảng viên Việt Ngữ được nhà trường tạo điều kiện du học Hoa Kỳ tiếp tục phục vụ tại trường trong vai trò giảng viên tiếng Anh.

Có người nói, giảng viên về trường từ Thủ Đức là “con đẻ” và những người về từ các nguồn khác chịu phận “con nuôi”. Tôi không đồng ý với lý lẽ đó vì trong suốt 7 năm phục vụ tại trường tôi không hề thấy trường hợp “kỳ thị” nào. Trong một môi trường văn hóa như tại trường SNQĐ, trình độ chuyên môn là thước đo chính xác nhất để được bạn bè và đồng nghiệp tôn trọng, kính mến.

Sự tôn trọng và kính mến đó, cho đến ngày nay dù trong tình trạng “tan đàn xẻ nghé”, vẫn còn hiện hữu trong mối liên lạc đời thường giữa các giảng viên. Đó là nguồn khích lệ đối với những người đã một thời tuy khoác áo lính nhưng cầm phấn trắng thay vì súng đạn.      

Thay lời kết:
                                                                                                 
Sau bài viết Hồi ức về Trường Sinh ngữ Quân đội được post trước bài này tại:  

Tác giả nhận được một số comments, trong đó có hai lời bình luận đáng chú ý.

1. Trường hợp thứ nhất là comment của Đoàn Hồng Nguyên, con trai của anh Đoàn Trọng Thu (khóa 5/68, về trường SNQĐ cùng với Nguyễn Bình Quyền, có biệt danh là Quyền “Lucky Luke”)

“Cháu chào bác Chính,

Cháu đọc Hồi ức một đời người của Bác. Chương Hồi ức về Trường Sinh ngữ Quân đội Sài Gòn đặc biệt gây cho cháu ấn tượng... cháu ấn tượng vì Bố cháu cũng từng là Giảng viên trường này.

Bố cháu tên Đoàn Trọng Thu. Vào Thủ Đức khoảng 68-69. Về Trường SNQĐ khoảng năm 69. Đến năm 1971, thay vì đi Mỹ, bố cháu xin về dạy học, vì Bố cháu gốc giáo chức.

Cháu mạo muội ghi mấy dòng này gửi Bác, mong Bác giúp cháu, nếu Bác có thông tin, để cháu tìm thêm thông tin về một quãng thời gian trong cuộc đời Bố cháu. Bố cháu mất đột ngột năm 2007, nên cháu không kịp lưu giữ các thông tin cần thiết.

Đoàn Hồng Nguyên”

2. Trường hợp thứ hai là comment của Nguyễn Huy Thông, con trai của giảng viên Nguyễn Văn Bé, hồi đó anh em thuờng gọi đùa là “Bé Tây Lai”.

“Con chào bác Chính,

Thật may là bác cũng biết ba con. Năm 1974, ba con bị chuyển ra Phù Cát, Quy Nhơn và đến tháng 04/1975 thì mất liên lạc với gia đình.. Con cũng đã liên lạc được với bác Bùi Trọng Kính để xem có biết thêm gì không. Thật tiếc là bác Kính sau khi trao đổi với bác Hỷ cũng không rõ thêm được là bao. Sau này, con cũng đã liên hệ với bác Tiệp ở Hoa Kỳ, nhưng có lẽ là sau khi ba con chuyển đi Phù Cát thì các đồng nghiệp ở đơn vị cũ cũng bặt tin luôn. Đến lúc này, gia đình kết luận có lẽ ba con đã mất trong lúc miền Trung thất thủ hoặc trong trại tù của Cộng sản.

Nguyễn Huy Thông”           

Nếu anh em cựu giảng viên SNQĐ có thông tin gì về hai trường hợp trên, xin liên hệ với tác giả để chuyển tiếp cho 2 cháu.

***

Chú thích:

(*) A Distant Cause – A History and the Vindication of the Viet Nam War, Bui Cong Minh

Xlibris Corporation
1-888-795-4274
www.Xlibris.com
Orders@Xlibris.com
Price: $15.00

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 4: Thời quân ngũ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (Những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 
--> Read more..

Popular posts