Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

Chuyện ít người biết về giới âm nhạc

Tôi năm nay đã ngoài 70 nên khi nói về giới âm nhạc thường có chút ít kiến thức về âm nhạc xưa… còn “showbiz” ngày nay thì xin chịu thua vì không theo kịp trào lưu nhạc trẻ.

Trong một bài viết đã đăng trên Blogspot, “Ngọc Lan – tiếng hát loài hoa bạc mệnh” năm 2014 (http://chinhhoiuc.blogspot.com/2014/01/ngoc-lan-tieng-hat-mot-loai-hoa-bac-menh.html), có đoạn mở đầu đề cập đến hiện tượng “dựa hơi” vào các tên tuổi cũ của các ca sĩ thời bây giờ. Xin trích lại: 

“Ngày nay, giới showbiz trong nước thỉnh thoảng vẫn xuất hiện một vài cái tên quá quen thuộc với người nghe nhạc đứng tuổi, nhưng kỳ thật đó chỉ là việc sử dụng những “nghệ danh” của lớp ca sĩ đi trước. Sự trùng hợp tên tuổi này có thể là vô tình nhưng chắc chắn cũng có những trường hợp “kẻ hậu sinh” cố ý dùng một cái tên nổi tiếng một thời để tiến bước vào làng ca nhạc”.

Chẳng hạn như cái tên Thanh Thúy, một ca sĩ có giọng hát “liêu trai” của Sài Gòn xưa đã một thời khiến nhiều người phải “mê mệt”. Họ bây giờ đã thuộc lứa tuổi U-60, U-70, thích những bài hát do Thanh Thúy hát như “Nửa đêm ngoài phố”, “Phố đêm”, “Phố buồn”...

Giờ chỉ cần gõ hai chữ “Thanh Thúy” trên Google, ta có ngay 3 nhân vật khác nhau:

(1) Thanh Thúy (sinh năm 1943), ca sĩ ở miền Nam vào thập niên 1960 và tại hải ngoại sau năm 1975;

(2) Thanh Thúy (1977), ca sĩ và diễn viên từng đạt Giải nhất Ngôi sao Tiếng hát Truyền hình năm 1994, Giải nhất Tiếng hát Truyền hình toàn quốc 1997, đồng thời là diễn viên trong một số bộ phim; và

(3) Thanh Thúy (1982), diễn viên truyền hình & sân khấu kịch từng đoạt nhiều giải trong HTV Awards 2008, từng tham gia các phim “Lọ lem thời @” và “Nhiệm vụ đặc biệt”...

Ca sĩ Thanh Thúy và tác giả (hình chụp tại Melbourne, năm 2013) 

Hiện tượng trùng tên cũng được lập lại với Ngọc Lan. Trên Google, gõ tên “Ngọc Lan” tôi nhận được khoảng 1.010.000 kết quả trong vòng 0,55 giây. Trong số những kết quả này, một phần nhỏ dành cho ca sĩ “đương thời” Ngọc Lan, người Hà Nội. Cô thường xuyên biểu diễn và giới thiệu tác phẩm mới của các nhạc sĩ thuộc Hội Âm nhạc Hà Nội trên Đài phát thanh-truyền hình Hà Nội.

Đa số phần kết quả còn lại nói về ca sĩ Ngọc Lan tại hải ngoại. Sẽ có không ít các bạn trẻ ở trong nước chưa được nghe Ngọc Lan hát và không chừng cũng chưa từng biết ngoài cái tên Ngọc Lan (Hà Nội) còn có một cái tên Ngọc Lan ở… hải ngoại.

Ngọc Lan (hải ngoại) tên thật là Lê Thanh Lan, sinh năm 1956, tại Nha Trang. Năm 1980, Ngọc Lan vượt biển đến Laemsing, Thái Lan, và sau đó định cư tại Minnesota, Hoa Kỳ. Hai năm sau, cô thực sự bắt đầu sự nghiệp ca hát ở California.

Lê Thanh Lan bước vào thế giới ca nhạc với cái tên Ngọc Lan vì tên thật của cô trùng với ca sĩ Thanh Lan đã nổi tiếng từ trước 1975 tại Sài Gòn. Đây cũng là quyết định sáng suốt của một nghệ sĩ không muốn tạo một scandal “trùng tên” trong làng ca nhạc. Ngọc Lan qua đời năm 2001 tại Hoa Kỳ khi đang ở vào thời kỳ “vàng son”!

Ca sĩ Ngọc Lan (hải ngoại) 

Trong giới nhạc sĩ cũng xảy ra trường hợp… trùng tên. Người yêu nhạc Sài Gòn xưa chắc không ai không biết đến các bản nhạc như nổi tiếng như “Hoa soan bên thềm cũ”, “Chiếc lá cuối cùng”, “Quán nửa khuya” (viết chung với Hoài Linh), “Nỗi niềm”, “Chiều biên khu”…

Tác giả những ca khúc “để đời” đó là nhạc sĩ Tuấn Khanh, sinh năm 1933, tại Nam Định. Tên thật của ông là Trần Ngọc Trọng, đồng thời ông cũng là ca sĩ Trần Ngọc, người đã giành giải nhất trong cuộc thi hát của Đài phát thanh Pháp Á năm 1953.

Tuấn Khanh di cư vào Nam năm 1955, ông làm việc tại đài phát thanh Sài Gòn và chơi đàn vĩ cầm (violin) trong dàn nhạc giao hưởng của trường Quốc gia Âm nhạc. Nhạc phẩm đầu tay của ông là bản “Đò ngang”, sáng tác chung với nhạc sĩ Y Vân.

Cũng như một số các nhạc sĩ trước 1975, Tuấn Khanh còn sáng tác nhạc “theo đơn đặt hàng” của nhà xuất bản nhưng với những cái tên khác như Thương Hoài Thương (bài “Lệ Tình”, “Tuy Anh Không Nói”), Trần Kim Phú (bài “Vì Lỡ Thương Nhau”, “Tỉnh Giấc”), Hoàng Mộng Ngân (bài Tình Buồn Em Gái)….


Nhạc sĩ Tuấn Khanh tại Hoa Kỳ 

Năm 1983 Tuấn Khanh từ giã vợ để vượt biên cùng con gái trên chiếc ghe 8,5 mét nhưng rồi cuối cùng cũng đến được Hoa Kỳ. Tại Garden Grove, tiểu bang California, ông mở tiệm phở lấy tên Hoa Soan theo bài hát nổi tiếng “Hoa soan bên thềm cũ” của mình. Tuấn Khanh cũng đã có một lần về thăm Việt Nam năm 2008.


Nhạc sĩ Tuấn Khanh và con gái tại Hoa Kỳ 

Tại Hoa Kỳ, năm 2003, nhạc sĩ Tuấn Khanh phát hành một tập nhạc lấy tên “Tình Khúc Tuấn Khanh - Hoa Soan Bên Thềm Cũ” gồm 30 ca khúc quen thuộc với người yêu nhạc xưa như “Mùa Xuân Đầu Tiên”, “Hoa Soan Bên Thềm Cũ”, “Chiếc Lá Cuối Cùng”, “Nỗi Niềm”, “Nhạt Nhòa”, “Dưới Giàn Hoa Cũ”, “Quán Nửa Khuya”, “Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi”….


Nhạc sĩ Tuấn Khanh

Trong tập nhạc này, nhạc sĩ Phạm Duy có lời giới thiệu:

“Trong tất cả những nhạc sĩ đã suốt một đời ca hát cho cuộc đời Việt Nam biết bao nhiêu luân lạc, Tuấn Khanh là một nhạc sĩ đã nối tiếp con đường nhạc tiền chiến đó rất thành công…”


Nhạc sĩ Tuấn Khanh

Và hiện nay trong nước cũng xuất hiện một nhạc sĩ tên Tuấn Khanh, sinh năm 1968, tác giả bài hát “Trả Nợ Tình Xa” đã gây sự hiểu lầm khiến có người phải chú thích thêm là của Tuấn Khanh “trẻ” để phân biệt với nhạc sĩ “lão thành” Tuấn Khanh của ngày nào.

Tuấn Khanh “trẻ” học nhạc tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, bộ môn flute (một loại sáo). Anh chơi nhạc trong nhiều ban nhạc trẻ nhưng vào đầu thập niên 1990 anh vào ngành báo chí và là phóng viên cho các tờ báo trong nước như Tuổi Trẻ, Thanh Niên và Người Lao Động.

Anh hiện là một cây bút được nhiều người ưa thích kể từ khi trở thành “phóng viên tự do” với những bài viết sắc sảo trên Blog và Facebook. Tôi chưa bao giờ gặp anh nhưng qua những bài viết của anh có thể nhận thấy ngay “nội lực” của một cây viết trẻ trước thời cuộc.


Hai nhạc sĩ cùng mang tên Tuấn Anh, một già một trẻ 

Đó có thể là một trường hợp hi hữu trong âm nhạc Việt Nam những năm gần đây mà một số người lầm tưởng… “tuy hai mà một”. Trần Chí Phúc đã tiết lộ một chi tiết khá thú vị trên SBTN (https://www.sbtn.tv/nhac-si-tuan-khanh-chiec-la-cuoi-cung-van-con-bay/): 

“Nhạc sĩ Tuấn Khanh của “Chiếc Lá Cuối Cùng” kể rằng Tuấn Khanh trẻ đã có ghé quán phở Hoa Soan gặp ông và giải thích với ông rằng tên thật của anh là Nguyễn Tuấn Khanh cho nên lấy mới lấy nghệ danh như vậy”.

Bài viết trên SBTN phân tích:

“Giải thích cho sự việc này là Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia khác với nhà nước bây giờ cho nên những di sản văn hóa đã không được công nhận và xảy ra chuyện một người nhạc sĩ thế hệ sau lại lấy trùng tên một người nhạc sĩ nổi tiếng của thế hệ trước. Và cũng có nhìều ca sĩ trẻ trong nước bây giờ cũng lấy cùng tên với những ca sĩ nổi tiếng của Sài Gòn năm cũ”.

Hai nhạc sĩ Tô Vũ & Tuấn Khanh trong một lần hội ngộ tại Việt Nam 

Chuyện văn nghệ “cũ” và “mới” xem ra cũng có nhiều tình tiết “lý thú” mà ít người để ý, đến độ một số tên tuổi của cả người hát lẫn người sáng tác đôi khi khiến ta… bị lầm! 

*** 
Mời nghe lại những nhạc phẩm “để đời” của Nhạc sĩ Tuấn Khanh (già):

1. “Hoa soan bên thềm cũ” – ca sĩ Hà Thanh thu Âm trước 1975:
https://www.youtube.com/watch?v=2mroOpLGroE

2. “Chiếc lá cuối cùng” – ca sĩ Tuấn Ngọc trình bày:
https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/chiec-la-cuoi-cung-tuan-ngoc.zFZKuBXlHppx.html

3. “Nỗi niềm” – ca sĩ Thanh Hà trình bày:
https://www.youtube.com/watch?v=jP9MIJ1Ltvs


***
--> Read more..

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2019

Chuyện Ngày Của Cha

Một hôm đang trên đường đi làm về nhà, chuông điện thoại reo lên. Anh vừa bấm náy trả lời thì nghe giọng của một cô bé thều thào từ đầu dây bên kia:

- Ba ơi! Ba nhanh về nhà nhé, con rất nhớ ba!

Anh biết là ai đó đã gọi nhầm số, vì anh không có con gái mà chỉ có một cậu con trai mới vừa 6 tuổi. Chuyện này cũng không có gì lạ nên anh trả lời:

- Gọi nhầm số rồi nhé!

Thế nhưng số điện thoại kia vẫn tiếp tục gọi đến, anh bắt đầu cảm thấy phiền phức. Anh quyết định không nghe máy. Điều khiến anh ngạc nhiên là trong khi anh kiên quyết không trả lời thì số điện thoại kia vẫn kiên trì gọi cho bằng được. Cuối cùng, anh nghe máy. Vẫn là giọng nói yếu ớt của cô bé:

- Ba ơi! Ba nhanh về nhé, con nhớ ba lắm. Mẹ nói con không gọi nhầm số đâu, chính là số điện thoại của ba đấy. Ba ơi con đau lắm! Mẹ nói ba rất bận nên chỉ có mình mẹ chăm sóc con. Ba ơi, con biết ba đi làm vất vả, nếu ba không về với con được thì ba hôn con qua điện thoại một lần được không ba?
Yêu cầu ngây thơ của cô bé khiến anh không có cách nào từ chối. Anh đồng ý và anh hôn cô bé qua máy. Có tiếng nói đứt quãng của cô bé qua điện thoại:

- Con…cảm ơn…ba, con…vui…lắm, con…hạnh…phúc…lắm...ba ơi...!!!

***

Mấy hôm sau, số điện thoại của cô bé lại gọi… nhưng người gọi lần này không phải cô bé mà là giọng nói nặng trĩu của một phụ nữ:

- Xin lỗi ông! Mấy ngày hôm nay thật làm phiền ông nhiều, tôi thực sự xin lỗi! Tôi đợi lo xong mọi chuyện cho cháu rồi mới gọi điện lại xin lỗi ông sau. Con bé mà mấy lần trước gọi điện cho ông là con gái tôi, số nó khổ lắm, mới sinh ra đã mắc bệnh ung thư xương. Ba cháu cũng vừa qua đời trong một vụ tai nạn giao thông. Tôi không dám cho con biết tin buồn này vì hàng ngày cháu đã phải chịu sự dày vò đau đớn của các đợt điều trị hóa chất. Mỗi lần không chịu đựng được sự đau đớn đó, miệng cháu cứ gọi ba không ngừng bởi anh ấy luôn động viên cháu phải mạnh mẽ vượt qua. Tôi thực sự không nỡ chứng kiến cảnh cháu như thế nên liều nghĩ ra một số điện thoại để nói dối nó.

Nghe thế anh vội vàng hỏi người phụ nữ:

- Vậy con bé bây giờ ra sao rồi?

Người phụ nữ kia trả lời:

- Nó đi rồi ông ạ! Cháu khoe đã được ông hôn... và nó ra đi với nụ cười mãn nguyện. Trước khi đi… tay cháu còn ôm chặt cái điện thoại vào lòng.

Nghe xong, anh sững người… không biết nói gì nữa!

(Truyện sưu tầm và đã cải biên)


***
--> Read more..

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2019

Cà phê một mình


Tôi đã thường nhìn thấy ông trên chiếc xe lăn tự chế với 4 bạc đạn làm bánh xe. Xe được chạy bằng lực đẩy của... cánh tay.


Trên chiếc xe đó có rất nhiều thứ lỉnh kỉnh của một người bán vé số dạo. Trước tiên là một tấm bảng để trưng bày mặt hàng: những tờ vé số.


Đặc biệt hơn cả lại có một “hệ thống âm thanh” gồm chiếc loa chạy bằng bình ắc-quy để truyền đi những lời kinh Phật (chứ không phải là lời rao hàng).


Sáng nay cà phê một mình lại thấy ông. Tôi bỗng nảy sinh ý định: tại sao lại không ghi lại hình ảnh của ông bán vé số trên chiếc xe lăn tự chế?

Để làm gì ư?

Có những mảnh đời đáng trân trọng dù không có gì là vinh quang như những người khác. Ông bán vé số đã tự... “đứng lên” bằng đôi chân... tật nguyền của mình.


Những "đồng tiền lẻ" ông kiếm được, quả thật, còn “sạch” hơn tiền tỷ của những người khác trong cái xã hội hàng ngày lừa đảo nhau để sống!


Chúc ông một ngày mới... đầy niềm vui nhỏ nhoi!

***
--> Read more..

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2019

Khi khẩu súng lục… bị thắt nòng


“Knotted Gun” là tên gọi một tác phẩm điêu khắc được trưng bày tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, New York. Người ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy bức tượng một khẩu súng lục với nòng súng bị thắt lại. Như thế có nghĩa là khẩu Colt Magnum đã bị vô hiệu hóa, hay nói khác đi là đã bị… “khóa nòng” tại Liên Hiệp Quốc.

Hình chụp năm 1993 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc

Đây là một công trình điêu khắc của họa sĩ kiêm điêu khắc gia người Thụy Điển, Karl Fredrik Reutersward (1934-2016). Reutersward còn là giáo sư hội họa tại Học viện Mỹ thuật ở Stockholm 1965-1969. Năm 1974, ông là giáo sư thỉnh giảng tại Trường Nghệ thuật Minneapolis, Minneapolis, Minnesota, Hoa Kỳ.

Carl Fredrik Reutersward (1934-2016)

Reutersward sáng tác bức tượng để tưởng nhớ người bạn trong ban nhạc Beatle, John Lennon, người đã bị Mark Chapman ám sát ngày 8/12/1980 tại Hoa Kỳ. Bức tượng đã trải qua một cuộc hành trình khắp thế giới để thay lời cổ súy cho Hòa bình và cho phong trào đấu tranh Bất Bạo Động trên hành tinh của chúng ta.

Carl Fredrik Reutersward và bức tượng tại Munich năm 1996

Vị trí đầu tiên đặt tượng là tại Central Park, New York, đối diện với căn nhà nơi Lennon và cô vợ người Nhật, Yoko Ono, sinh sống trước khi bị ám sát. Năm 2011, nhân kỷ niệm ngày mất của John Lennon, một người bạn chơi trống trong ban nhạc Beatle, Ringo Starr, đã lên tiếng kêu gọi mọi người tham gia phong trào Bất Bạo Động.

Bản nhạc “Imagine” của Beatle và một phiên bản của bức tượng đã được chọn làm biểu tượng cho phong trào. 

Tay trống Ringo Starr + Bản nhạc Imagine + Bức tượng = Phong trào Bất Bạo Động

Luxembourg là nước sở hữu phiên bản gốc của bức tượng và sau đó tặng lại cho Liên Hiệp Quốc năm 1988. Kofi Annan (1938-2018), Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc vào thời đó và cũng là người nhận giải Nobel Hòa bình năm 2001, đã phát biểu cảm tưởng của mình:

“Bức tượng Bất Bạo Động không những có giá trị nghệ thuật tuyệt vời mà còn nói lên một hình ảnh mạnh mẽ của tinh thần nhân loại. Chỉ cần vài đường nét đơn giản cũng đủ thể hiện nguyện vọng lớn lao nhất của con người… Chúng ta không cần Chiến thắng mà chỉ đơn giản cầu nguyện cho Hòa bình thế giới”.  

Biểu tượng Bất Bạo Động tại Liên Hiệp Quốc

Có đến 30 phiên bản của bức tượng được đặt tại khắp nơi trên hành tinh này. Chúng ta lần lượt chiêm ngưỡng bức tượng “khẩu súng bị thắt nòng” trên các vùng đất nổi tiếng thế giới cũng như tại những quốc gia khiêm tốn, cả từ nhân lực đến tài lực…

“Khẩu súng thắt nòng” tại Liên Hiệp Quốc

Một phiên bản của bức tượng tại Thụy Điển

Một phiên bản bức tượng tại Trafalgar Square, Luân Đôn

Một phiên bản bức tượng tại Malmo, Thụy Điển

Một phiên bản tại Cape Town, Nam Phi

Một phiên bản tại Đại học Honolulu, Hoa Kỳ

Gần với Việt Nam nhất… một phiên bản tại Campuchia

Và cả trên tem bưu chính:

Liên Hiệp Quốc

Thụy Điển

***

Lịch sử đã chứng minh: Quyền lực có thể xuất phát từ họng súng nhưng đó không phải là thứ quyền lực của muôn đời. Chỉ khi nào nòng súng bị thắt lại qua những cuộc đấu tranh Bất Bạo Động thì đó mới là thứ quyền lực vĩnh cửu.

***

--> Read more..

Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2019

Công nhân người Hoa và đường sắt xuyên Hoa Kỳ


Nhân sự kiện tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông do Tổng thầu EPC của Trung Quốc sau nhiều lần “lỗi hẹn” nhưng vẫn chưa được khánh thành… và gần đây nhất, có tin Trung Quốc có thể sẽ tham gia Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, với tổng vốn đầu tư 58,71 tỷ USD… chúng tôi xin kể lại chuyện từ đầu thế kỷ thứ 19 có sự tham gia của công nhân người Hoa vào việc xây dựng đường sắt xuyên lục địa tại Hoa Kỳ.   

***

Một năm sau cuộc Nội chiến Nam-Bắc tại Mỹ, Quốc hội Hoa Kỳ do đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua Đạo luật Đường sắt Thái Bình Dương (Pacific Railroad, 1862).

Tuyến đường sắt này còn được biết đến qua tên gọi “Transcontinental Railroad” (Tuyến đường sắt xuyên lục địa) với chiều dài 3.077 km, nối liền Omaha, tiểu bang Nebraska với bờ biển Thái Bình Dương tại San Francisco, California.

Con đường sắt xuyên nước Mỹ được bắt đầu xây dựng năm 1863 và khánh thành năm 1869 do ba công ty đường sắt Union Pacific, Central Pacific và Western Pacific đảm trách.

Phần dài nhất, 1.746 km, do Union Pacific thực hiện từ Omaha đến bờ biển phía Tây. Central Pacific thực hiện đoạn 1.110 km về hướng Đông, từ Sacramento, California đến tiểu bang Utah. Phần còn lại do Western Pacific xây dựng từ Oakland đến Sacramento, dài 212 km.

Tuyến đường được thực hiện bởi Công ty Central Pacific (màu đỏ) và Union Pacific (màu xanh). Những phần còn lại được xây dựng bởi Western Pacific  

Khởi đầu, công nhân tham gia xây dựng tuyến đường đa số là những cựu chiến binh đã giải ngũ sau cuộc nội chiến Nam-Bắc. Họ là những người phải đương đầu với vô vàn khó khăn cùa mùa đông khắc nghiệt lẫn mùa hè đổ lửa. Bên cạnh đó là các cuộc tấn công của thổ dân da đỏ và tình trạng vô luật pháp của các thị trấn mới thiết lập ở bờ Tây.

Vì những khó khăn kể trên nên ngay từ ban đầu số công nhân người bản xứ tham gia việc xây dựng không đạt được kế hoạch đề ra. Các công ty phải tính đến chuyện sử dụng người lao động nhập cư từ nước ngoài. Đó cũng là lý do lao động người Hoa được tính đến.

Đa số họ là những người Trung Hoa nghèo khổ của tỉnh Quảng Đông. Lý do khiến họ ra đi là cuộc nổi loạn mang tên “Thái Bình Thiên Quốc” chống lại sự cai trị của nhà Thanh vào giữa thế kỷ thứ 19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 20 triệu người Hoa Lục. Người Mỹ khi đó thậm chí còn tổ chức các điểm tuyển công nhân tại Quảng Đông để sang Mỹ xây dựng đường sắt.

Với thân hình nhỏ bé và thiếu hẳn kinh nghiệm trong việc xây dựng đường sắt nhưng lao động người Hoa với bản tính cần cù của người Châu Á nên vẫn làm quen với việc lao động tay chân nặng nhọc tại Mỹ.

Lao động nhập cư người Hoa trên công trường xây dựng tuyến đường sắt tại Mỹ

Lực lượng lao động người Hoa nhập cư còn phải đương đầu với nhiều vấn đề khác. Chẳng hạn như một ngày làm việc 12 giờ để đặt các đường ray qua núi Sierra Nevada. Đã có những trường hợp công nhân bị mất tích trong các trận lở tuyết, lở đất hoặc tai nạn với chất nổ, đó là chưa kể bệnh tật đã cướp đi sinh mạng của nhiều người.

Cho đến nay, con số thống kê về lao động người Hoa trên tuyến đường sắt xuyên lục địa vẫn chưa được chính thức xác nhận. Người ta chỉ phỏng đoán có từ 15.000 đến 20.000 người, trong số đó có khoảng 1.000 người đã phải nằm xuống. Tuy nhiên, sự đóng góp của người Hoa rất ít được nói đến trong lịch sử Hoa Kỳ.

Trước đó, “Cuộc đổ xô đi tìm vàng tại California” (California Gold Rush) 1848-1855 cũng đã thu hút những người Hoa đầu tiên đến Hoa Kỳ. Tại đây, họ và những người Mỹ gốc La Tinh đã bị người bản xứ tìm vàng (được gọi là “fourty-niners”… lấy tên từ năm 1949 để chỉ những người đi tìm vàng) xua đuổi trong việc cạnh tranh… “săn vàng”.

Lao động người Hoa trên một đoạn đường ray tại sa mạc Nevada

Tiền lương của một người lao động Trung Hoa thật khiêm tốn, nếu không muốn nói là… “rẻ mạt”. Một người Mỹ da màu được trả lương 30 đô-la một tháng nhưng được công ty đường sắt nuôi ăn và cung cấp chỗ tá túc. Một công nhân người Hoa nhận được 31 đô-la nhưng phải tự lo việc ăn uống cũng như tự dựng những lều trại để nghỉ ngơi.

Lều trại do công nhân tự xây dựng

Năm 1867, sau một cuộc đình công 8 ngày của 3.000 công nhân người Hoa vào tháng 6, mức lương được tăng lên 35 đô-la, tương đương với 630 đô-la theo thời giá năm 2018. Một tuần làm việc 6 ngày, nghỉ ngơi vào Chủ Nhật.

Công nhân người Hoa tại Mỹ

Giáo sư Gordon Chang, thuộc đại học Stanford, giải thích việc sử dụng lao động người Hoa trong cuốn “Ghosts of Gold Mountain” (Những bóng ma trên núi vàng), một tác phẩm hiếm hoi viết về công nhân người Hoa trên tuyến đường sắt xuyên lục địa:

“Dĩ nhiên là công ty đường sắt thích sử dụng lao động người da trắng nhưng số người xin việc rất ít, không đáp ứng được nhu cầu đề ra. Ban đầu, ý tưởng tuyển người Hoa bị phản đối vì dư âm “bài Hoa” từ cuộc đổ xô đi tìm vàng hãy còn đó. Thế nhưng, cuối cùng, giải pháp dùng người Hoa vẫn được thông qua!”

Tháng 1/1864 công ty đường sắt nhận 21 công nhân người Hoa đầu tiên. Một năm sau đó, số người tăng lên 50 vì công nhân da trắng không thích công việc vừa nặng nhọc, vừa nguy hiểm. Ngày càng nhiều công nhân nhập cư đến độ có thể nói 90% công nhân của dự án đường sắt là người Hoa. Giáo sư Chang giải thích:

"Tính về thời gian di chuyển, Hồng Kông và Hoa Lục rất gần với bờ biển phía Tây của Hoa Kỳ. Công việc của lao động người Hoa gồm nhiều thình thức, từ “lao động phổ thông” đến thợ rèn, thợ mộc, thợ đào hầm… trong khi công nhân người Ái Nhĩ Lan không đến California, họ chỉ có mặt khi dự án gần kết thúc.

“Tiền lương của người Hoa thấp hơn người da trắng từ 30 đến 50% nhưng công việc lại rất nguy hiểm như đào hầm phải sử dụng thuốc nổ. Cũng có những bằng chứng cho thấy họ còn bị một số “thầy cai”… hành hạ thể xác!

"Điều đáng khen ngợi là họ biết dùng sức mạnh của tập thể để đương đầu với nghịch cảnh. Tuy nhiên, đáng buồn là lịch sử chỉ coi họ như những thành phần thiểu số nên ít được nói đến”.

(hết trích)

Tác phẩm “Ghosts of Gold Mountain” của Giáo sư Gordon Chang  

Bất chấp những khó khăn, gian khổ, các công nhân người Hoa đã kết thúc dự án đường sắt liên lục địa vào năm 1869. Điều đáng nói là họ hoàn thành trước thời hạn và trong phạm vi ngân sách đã duyệt.

Cái bắt tay giữa hai miền Đông & Tây khi dự án kết thúc

Đây là điểm son của dự án đường sắt xuyên lục địa ở Hoa Kỳ… không như đường sắt Cát Linh – Hà Đông của ta sau nhiều lần đội vốn nhưng vẫn chưa được chính thức khánh thành dù đã nhiều phen… lỡ hẹn.  

***

--> Read more..

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2019

Tản mạn về Singapore


Đây là bài cuối cùng tôi viết về chuyến đi Singapore. Đúng ra, bài viết này chỉ là những chuyện vụn vặt bên lề của một du khách được nghe và thấy trong những ngày ở Đảo quốc Sư tử.

***

Chúng tôi đến trung tâm mua sắm Jewel ở phi trường Changi và ăn trưa tại một tiệm ăn Việt Nam có tên “So Phở… So Good”. Có lẽ đây là restaurant duy nhất phục vụ các món ăn Việt tại Jewel. Cách trang trí của nhà hàng rất “bắt mắt”, có cả một đoạn quảng cáo về phở trên tường:

Trên tường tiệm “So Phở”

Thật tình mà nói, tô phở ở đây, theo đánh giá của tôi, là “trung bình” chứ không được “xuất sắc” cho lắm. Phở ngoài thịt bò tái chỉ có vài cọng giá, một lá rau, nước không béo… Ấy thế mà có nhiều chuyện để nói về tô phở này!

Trước nhất, cái tô đựng phở. Không hiểu tại sao tô lại không được tròn trĩnh như bình thường mà lại có vòi như để… rót nước. Diễn tả như vậy chắc khó mường tượng nên mời các bạn xem hình dưới đây:

Tô phở… “không được bình thường” của “So Phở”

Cũng trong hình này, chỗ “vòi nước” là một cái muỗng. Khi cầm lên mới thấy lạ, muỗng trông giống như cái vá múc canh (người miền Bắc gọi là “cái môi”)… chứ không phải là cái muỗng ăn phở! Vốn tính cẩn thận nên tôi nhờ con gái chụp hình mình đang cười với… cái vá để ăn phở:

Cười khoái chí với những phát hiện lạ…

Chuyện vun vặt trong tiệm “So Phở… So Good” vẫn chưa hết. Nhân viên phục vụ ăn mặc rất lịch sự… thậm chí có 2 người mặc áo thun có “sao vàng” thật lớn trước ngực. Chúng tôi hỏi một cô phục vụ áo đỏ có nói được tiếng Việt không, cô bẽn lẽn lắc đầu. Nhờ cô chụp giùm một tấm hình kỷ niệm 4 người… và trong khi cô chụp, tôi chụp lại hình cô đang đứng bấm máy:

Cô bé phục vụ đang chụp hình nên… bị chụp lại

Tấm hình do cô phục vụ áo đỏ chụp và tôi cũng chụp cô!

Trên bàn của tiệm phở có đầy đủ “phụ tùng” như nước mắn, chanh, ớt và cả chai tương ớt. Nhìn kỹ thì là tương ớt của Việt Nam, hiệu Cholimex chứ không phải Chinsu. Mới đây rộ tin 18.000 chai tương ớt Chinsu bị thu hồi ở Nhật vì đã vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm!  

Chai tương ớt Cholimex “made in Vietnam”

***

Hình như trào lưu của lớp trẻ ngày nay là uống trà sữa! Ở vào thế hệ của tôi, thức uống thịnh hành là Coca-Cola nhưng bây giờ ở Sài Gòn các quán “trà sữa trân châu” lúc nào cũng đông bạn trẻ xếp hàng.

Ở Singapore cũng vậy. Đến Jewel, việc đầu tiên của tụi nhỏ là trực chỉ “Alley Milk Tea” mặc cho ông ngoại và mẹ đi lòng vòng ngắm cảnh. Tôi thuộc loại “cổ lai hy” nên chưa từng uống trà sữa.

Lát sau hai đứa cháu xuất hiện với 4 ly trà sữa Alley với lời giới thiệu: “Ông ngoại uống thử trà sữa Singapore… ngon lắm!”. Thế là lần đầu tiên trong đời, tôi uống trà sữa. Có lẽ khác thế hệ nên cái gout trà sữa không hấp dẫn đối với tôi. Gì mà trong trà lại có cả những hột ngòn ngọt phải nhai trước khi nuốt!

Bị đám nhỏ dụ uống trà sữa

***

Ngoài các tiệm ăn Tầu (Sing là đất của đa số người Hoa), chúng tôi cũng đã có lần đi ăn tại một tiệm của Nhật với phong cách phục vụ rất mới: trên bàn có iPad để khách bấm vào các món mình chọn. Mỗi món đều có hình ảnh minh họa để có thể hình dung món mình ăn sẽ trông như thế nào.

iPad để order trong tiệm ăn Nhật

Nói cho ngay, tôi không hợp lắm với phong cách ẩm thực của người Nhật (nói vậy là hơi quá… vì biết đâu có thể là chưa gặp được món hợp với khẩu vị).

Món mì Ramen sợi nhỏ

Mì Udon sợi lớn

Hôm ở Clarke Quay, trước khi lên tầu ngoạn cảnh Singapore về đêm, chúng tôi cũng đến một tiệm ăn Nhật. Cháu gái order một món bánh mà người ăn phải tự làm. Nguyên liệu để làm bánh bầy đầy trên bán: từ bếp gaz, khuôn bánh… đến bột làm bánh và các nguyên liệu khác.

Nhà hàng còn đưa thêm một bảng hướng dẫn cách “nấu nướng”… Khách cứ theo đó mà làm mới có cái để ăn. Ôi… sao chuyện ăn uống lại “nhiêu khê” đến vậy?

Món bánh tự làm trong tiệm

***

Chuyện ăn uống ở Sing là như vậy… bây giờ chuyển sang chuyện hút thuốc của những người ghiền thuốc như tôi (các bạn không hút thuốc có thể bỏ qua phần này!).

Tin buồn cho những đệ tử của thuốc lá: kể từ ngày 1/1/2019, khu vực Orchard, con đường mua sắm nổi tiếng nhất Singapore, có những thông báo ngay trên mặt lề đường về việc “cấm hút thuốc”. Quan trọng là mức phạt được ấn định là từ $S 200 lên đến $1.000. Căng thật!

Bảng “Cấm hút thuốc” ngay trên vỉa hè của đường Orchard

Thế nhưng, Orchard vẫn còn “nhân đạo” và “thông cảm” với dân hút thuốc qua các bảng chỉ dẫn đến khu vực được phép hút thuốc. Dĩ nhiên là ở những nơi ít người qua lại nhưng không nằm trên đường Orchard.

Tôi nghĩ, Singapore vì mục tiêu duy trì bầu không khí trong lành nơi công cộng cho đa số nên thiểu số hút thuốc phải chịu “hy sinh” quyền tự do của mình. Cũng tốt thôi!

Mũi tên chỉ đường lên “thiên đàng” cho những người hút thuốc ở Orchard Road

Ngày còn được hút thuốc trên đường Orchard (chụp năm 2017)

***

Trước khi về Sài Gòn tôi có mua một iPad Mini giá $S 599… Tại phi trường Changi tôi làm thủ tục hoàn thuế cho du khách trước khi rời Singapore. Thủ tục tương đối đơn giản nhưng điều chính là phải scan passport vào máy. Sau nhiều lần thử vẫn không scan được nên nhân viên quan thuế phải tự scan… bằng tay.

Lúc đến Singapore cũng gặp trục trặc ở cửa Immigration nên cứ tưởng mình là “nhân vật quan trọng… có vấn đề”. Lần về mới biết không phải mình có vấn đề mà là passport của mình có vấn đề! Chụp hình biên nhận vào điện thoại rồi đến quầy hoàn tiền thuế, chưng hình cho nhân viên trả tiền và cuối cùng được hoàn lại 30 đôla.

Chứng nhận đã xong thủ tục hoàn thuế lưu trong điện thoại

Ngày nay mọi chuyện đều được giải quyết qua điện thoại, kể cả việc mua vé máy bay. Chỉ cần đưa điện thoại có hình ảnh vé máy bay là hãng hàng không làm thủ tục lên tầu…

Đó là điều mà người ta gọi là “paperless”, tiết giảm mọi thủ tục trên giấy tờ để “enjoy life”. Kết thúc bài viết này tôi chỉ biết… hô khẩu hiệu:

“HOAN HÔ THỜI ĐẠI CÔNG NGHỆ THÔNG TIN”

***

P/S:

·         Các bạn có thể xem video clip tản mạn về chuyến đi Singapore do con gái tôi làm tại: www.facebook.com/kate.nguyen.50746/videos/10157416225938459/?notif_id=1557588097510813&notif_t=feedback_reaction_generic_tagged

·         Đến Singapore vào tháng 4/2019 bạn sẽ không được thấy Merlion là tượng đầu sư tử có mình cá đứng phun nước bên bờ sông. Merlion đang bị quây kín để trùng tu! Đây là biểu tượng của đảo quốc Singapore, khởi nguồn từ một làng đánh cá nghèo nàn.

***

--> Read more..

Popular posts