Thứ Năm, 26 tháng 9, 2024

Nữ hoàng của các loài hoa

Bố tôi đã có một thời say mê việc trồng lan khi ông về nghỉ hưu. Ông có một vườn lan nhỏ trên Đà Lạt trồng cà hai loại lan: phong lan và địa lan. Ngay từ thời còn đi học tôi đã quen thuộc với những tên lan như Thuỷ tiên, Tiên hạc, Hồ điệp, Long tu, Bò cạp, Nhất điểm hồng, Hạc đỉnh, Tử cán…

Ngoài việc chăm sóc vườn lan, thình thoảng ông còn vào rừng gần Trại Hầm để săn lùng những cánh lan rừng với sự trợ giúp của những người Thượng vốn nổi tiếng về cuộc sống nơi vùng rừng núi hoang dã.

Hành trang tìm lan của ông thật đơn giản, chủ yếu là búa và đinh dài hơn 10 phân để làm thang trèo lên gỡ những cụm lan mọc trên thân cây. Công việc này phải thực hiện một cách thận trọng vì hoa lan vốn là một loại cây “rất mong manh dễ gãy”.

Tìm và gặp lan tuỳ thuộc vào “duyên số”, có khi đi cả buổi mà chẳng gặp một cụm lan nào. Lúc đó đành lượm những cành cây mục, đem về để dành cho việc làm những "táp-lô” trồng lan!

Khu tôi ở lại rất gần với Trung tâm Thực nghiệm Lâm sản nằm trên đường Lê Thái Tổ, trước khi đổ dốc để xuống Trại Hầm. Tại đây cũng có một vườn lan để các chuyên gia nghiên cứu chuyên môn về các loài lan.

 

Bố tôi trong trang phục Ngự Lâm Quân - Hình chụp tại Đá Lạt, 1953

Tướng Dương Văn Minh, người mà bố tôi biết từ thời chiến dịch Rừng Sác, hồi đó cũng là một người thích lan. Tại Sài Gòn ông còn sống trong một biệt thự mà báo chí gọi là “Dinh Hoa Lan” chỉ vì vườn lan nổi tiếng của ông.

Có vài lần lên Đà Lạt Tướng Minh cũng ghé thăm vườn lan của bố vì “tình thầy trò” ngày xưa. Tháp tùng ông còn có sĩ quan cận vệ, Đại uý Nhung, người sau này báo chí tiết lộ đã bắn hai anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu trong xe M113 trên đường chạy trốn Lực lượng Cách mạng năm 1963!

 

Tướng Dương Văn Minh

 

Người thích hoa lan nổi tiếng khác phải kể đến nhà văn Nhất Linh của Tự lực Văn đoàn. Ông Nhất Linh sau này là người chống đối Tổng thống Diệm nên phải về ”ở ẩn” gần cây xăng Kim Cúc, trên dốc đổ xuống đèo Prenn.

Ông Nhất Linh được nhiều người trồng lan ở Đà Lạt nhắc đến câu thơ ông ca tụng hoa lan:

“Góp tụ tinh anh của bốn phương

Muôn màu, muôn sắc lại muôn hương”!

Tiếc thay, nhà văn đồng thời là nhà hoạt động chính trị Nhất Linh đã qua đời ngày 7/7/1963 tại Đà Lạt, nơi ông đã sinh sống từ năm 1955. Nhà văn Nguyễn Tường Thiết, con trai Nhất Linh, kể lại:

“Về cuối đời cha tôi bị liên lụy vì liên quan đến một vụ chính biến, đưa đến cái chết của ông… Ông tự vẫn để “cảnh cáo những người chà đạp lên mọi thứ tự do”, như ông đã viết ra trên giấy trắng mực đen!

“Đời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử tôi cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng sẽ làm cho nước mất về tay cộng sản. Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người trà đạp mọi thứ tự do.

(hết trích)

 

Chân dung nhà văn, nhà hoạt động chính trị Nhất Linh

 

Họ Lan (danh pháp khoa học Orchidaceae) là một họ thực vật có hoa, thuộc bộ Măng tây. Đây là một trong những họ lớn nhất của thực vật, và được phân bổ nhiều nơi trên thế giới.

Theo cuốn “Phong lan Việt Nam” của Trần Hợp thì Việt Nam có khoảng 140 chi gồm trên 800 loài lan rừng. Hiện tại ngoài hoa lan mọc hoang dã, lan còn được gây trồng đại trà tại một số nơi, nhiều nhất là ở Tây Nguyên trong đó Đà Lạt là một trong những nơi hoa lan được trồng rộng rãi nhất.

Vườn thực vật hoàng gia Kew liệt kê 880 chi và gần 22.000 loài được chấp nhận, nhưng số lượng chính xác vẫn không rõ vì có thể nhiều tới 25.000 loài. Số lượng loài lan cao gấp 4 lần số lượng loài động vật có vú hay hơn 2 lần số lượng loài chim.

 

Hình chụp tại National Orchid Garden, Singapore, 2013

 

Hoa lan được ưa chuộng vì vẻ đẹp đặc sắc và các hình thức đa dạng của chúng. Cũng giống như cây lan, hoa lan hầu như có tất cả các màu trong cầu vòng và những kết hợp của các màu đó.

Đa số các loại hoa lan được bán rộng rãi trên thị trường thường không có hương thơm nhưng trong tự nhiên có rất nhiều loại lan có mùi thơm đặc trưng. Vanilla là một loại hoa lan mà hương thơm được dùng trong các loại ẩm thực của thế giới và có nguồn gốc từ Mexico.

Trong phần hình ảnh, chúng tôi xin giới thiệu một bộ sưu tập các loại lan lạ trên khắp thế giới với tên khoa học. Đây là những hoa lan lạ… đúng như lời khen ngợi của nhà văn Nhất Linh:

“Góp tụ tinh anh của bốn phương

Muôn màu, muôn sắc lại muôn hương”

 

***


Angelic Iris


Bartholina Ethelae


Bearded Iris (Iris germanica)


Bee Orchid


Black and White Cattleya Orchid (Cattleya Hybrid)


Blue Ghost Orchid (Dendrophylax lindenii 'Blue Ghost')


Bulbophyllum Plumatum


Carousel Spider Orchid


Cattleya Orchid


Cattleya Orchids (Cattleya spp.)


Cracked Porcelain Orchid (Phalaenopsis 'Cracked Jade')


Dendrobium Orchid


Dracula Simia (Dracula simia)


Exotic Cattleya Orchid (Cattleya Hybrid)


Fringed Orchid (Pecteilis radiata)


Ghost Orchid (Dendrophylax lindenii)


Ladyslipper Orchid (Paphiopedilum)


Magnificent Orchid Bloom


Mesmerizing Orchid Blossom


Monkey Face Orchid (Dracula simia)


Orchid (Cattleya)


Orchid (Ghost Orchid)


Orchid ‘Dragon Wing'


Paphiopedilum Orchid (Lady's Slipper Orchid)


Phalaenopsis Orchid (Phalaenopsis spp.)


Rare Orchid (Paphiopedilum)


Red Spider Orchid (Cymbidium erythrostylum)


Spotted Leopard Orchid (Dockrilla maculata)


Vanda Orchid


Vibrant Moth Orchid


Whimsical Monkey Orchids


White Egret Orchid


***


--> Read more..

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2024

Chuyện phát âm tiếng Anh tại Mỹ

Hơn 1,5 tỷ người trên thế giới nói và hiểu được tiếng Anh nhưng trong số đó chỉ có khoảng 400 triệu người thực sự là “người bản xứ nói tiếng Anh” (native English speakers).

Những con số vừa đề cập đã nói lên tầm quan trọng của tiếng Anh nhưng cũng có một thực tế, không biết nên buồn hay vui, vì tiếng Anh ngày nay lại chia nhiều “trường phái”:

 

(1) tiếng Anh của người Anh tại nước Anh (British English), nơi xuất xứ tiếng Anh;

(2) tiếng Anh của người Mỹ, gốc di dân từ Anh sang Châu Mỹ (American English);

(3) tiếng Anh của người Úc cũng là di dân từ Anh sang Úc châu (Australian English)…

 

Chưa hết, sau này lại phát sinh thêm “Indian English” (từ Ấn Độ), “Singaporean English” (từ Singapore)… là tiếng Anh giao tiếp của người các nước cựu thuộc địa của Anh với ”Native Speakers of English”.

Ôi, quả thật là rắc rồi về vấn đề ngôn ngữ đối với các nhà ngôn ngữ học chứ chưa nói gì đến những người bình thường như tôi và các bạn!

Hồi còn học trung học ở Ban Mê Thuột, tôi có may mắn quen biết một số “thanh niên chí nguyện” người Mỹ đến Việt Nam theo chương trình “International Volunteer Service - IVS”. Họ tình nguyện đến xứ ta để hỗ trợ dân chúng thuộc nhiều lãnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp…

Tiếp xúc với họ qua một giáo sư Anh văn dạy tại trường (trước đây ông cũng là thanh niên chí nguyện) nên một số học sinh chúng tôi được giới thiệu với IVS, mục đích chính là để “thực tập” tiếng Anh. Cũng vì thế tiếng Anh của học sinh chúng tôi có âm hưởng “American English”.

Cũng nhờ tiếng Anh, tôi đã may mắn được tuyển thẳng từ Thủ Đức về dạy tại trường Sinh ngữ Quân đội và sau đó lại có dịp đi tu nghiệp tại Viện Ngữ Học Quốc phòng (Defense Language Institute) ở căn cứ Lackland, San Antonio, Texas, năm 1971 và 1973..

 

Huy hiệu Viện Ngữ Học Quốc phòng Hoa Kỳ và Trường Sinh ngữ Quân Đội

 

Chương trình học của chúng tôi chú trọng đến những phương pháp dạy tiếng Anh gồm cách dạy văn phạm, từ ngữ, đàm thoại và phương pháp dạy cách phát âm tiếng Anh, đó là môn tôi thích nhất vì hoàn toàn mới lạ, chưa được học tại Việt Nam.

Đó cũng là lý do cho đến lúc này tôi vẫn còn giữ cuốn “A Pronoumcing Dictionary of American English” của Tiến sĩ John Samuel Kenyon và Thomas Albert Knott, mua tại Texas, hồi tháng 8 năm 1973. 

 

“A Pronouncing Dictionary of American English”, tác giả John Samuel Kenyon và Thomas Albert Knott

 

Sách dày 484 trang, xuất bản lần đầu năm 1948 dưới dạng một cuốn tự điển, trong đó chú trọng đến cách phát âm những từ ngữ thông dụng và dùng cách Phiên âm Quốc tế IPA (International Phonetic Association).

 

Tự điển mua tại Texas, tháng 8/1973

 

Bắt đầu với phần Giới Thiệu (Preface) rất dài về các vấn đề chính liên quan đến phát âm rồi sau đó mới đi vào phần phát âm các từ nhưng không giải nghĩa từ như các tự điển thông thường. 

 

Phần Giới Thiệu tại đầu cuốn tự điển

 

Phải thừa nhận, có được duyên may sở hữu một cuốn tự điển chuyên sâu về phát âm  các từ ngữ đối với tôi, một người dạy tiếng Anh cho những người “không phải là Native Speakers”, đúng là hữu ich. 

 

Hình minh hoạ vị trí của các âm trong vòm miệng

 

Phần minh hoạ vị trí của các nguyên âm trên lưỡi

 

Bảng Phiên âm Quốc tế

 

Bài viết này không có tham vọng đi sâu vào vấn đề ngôn ngữ mà chỉ chú trọng đến cách phát âm tiếng Anh của người Mỹ. Một nghiên cứu cho thấy, ngay cả người bản xứ cũng gặp “rắc rối về phát âm” khi giao tiếp, nhất là việc dùng những từ nước ngoài mới được bổ xung vào kho từ vựng của họ.

Người ta thường nói tiếng Anh là một “melting pot”, sẵn sàng nhận những từ ngữ của nước ngoài, nhất là từ Châu Âu, để “làm giàu” cho ngôn ngữ của mình.

Chẳng hạn như “Bon Appetit” trong tiếng Pháp khi ta chúc ai đó ăn ngon miệng. Người Mỹ khi phát âm chữ “bon” nhưng không chú ý đến chữ đi sau là “appeti”, một từ bắt đầu bằng một nguyên âm.

Cũng vì thế chữ “n” trong “bon” lẽ ra phải biến thành âm “a” và chữ “t” trong “appetit” phải là một âm câm. Như vậy, “Bon Appetit” sẽ được đọc cho đúng cách là “bo-nap-e-tea.”!

 

Bon Appetit


Chúng ta đều biết “cocoa” là hạt của cây ca-cao được dùng làm nguyên liệu để chế biến “sô-cô-la”. Nhưng cách phát âm của những từ này khiến người ta hoang mang. “Cocoa” thường được phát âm thành "koh-koh-wa". Đúng ra phải là “koh-koh” vì chữ “a” tận cùng trong “cocoa” là một… “tử âm”!

 

Cocoa

 

“Forte” dùng trong âm nhạc là điệu nhạc hùng tráng, phát âm là "for-tay". Nhưng khi dùng để nói về sức mạnh của con người sẽ đơn giản trở thành “fort”. Như vậy, vần “e” trong “forte” sẽ không cần phát âm khi nói về sức mạnh!


Forte


“Gala” xuất hiện từ khoảng thế kỷ thứ 17 với hàm ý một dịp lễ hội hay một chương trình giải trí đặc biệt. Tuy vậy, từ này được rất nhiều người phát âm là “gal-uh” nhưng chính xác phải là “gay-luh”!

 

Gala

“Gauge” là một từ chỉ sự đo lường hay đơn giản là một thiết bị dùng để thực hiện các phép đo hoặc hiển thị thông tin. Đa số người Mỹ đọc là “gauj” nhưng chính xác phải là “gayj”, cũng tương tự như khi đọc “cage”"kayj"!      

 

Gauge

“Genre” được hiểu là một phong cách hoặc thể loại nghệ thuật, âm nhạc hoặc văn học. Đọc cho đúng là “jhon-ruh”, trong đó nguyên âm “g” rất nhẹ vì “genre” là từ 2 vần, được nhấn ở vần đầu.


Genre


“Hyperbole” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, với ý nghĩa là cường điệu hoặc việc sử dụng cường điệu như một công cụ hoặc hình ảnh của lời nói. Từ này phải đọc là “hy-per-ba-lee” chứ không phải “hyper-BO-lee” theo một số người vẫn phát âm.


Hyperbole


“Porsche” là nhãn hiệu của một loại xe hơi nổi tiếng trên thế giới vì quá đắt tiền… nhưng làm sao để đọc tên cho đúng cách? Nhiều người đọc là “porsh” nhưng cách phát âm đúng nhất lại là… “por-shuh”.


Porsche


Điều khôi hài là danh từ “pronunciation” (cách phát âm, cách đọc của một từ, một ngôn ngữ hay cách phát âm của một người) lại nằm trong số những từ thường bị đọc sai! Cũng chỉ vì người ta đa số nhầm lẫn với động từ “pronounce”. Cách đọc đúng nhất của “pronunciation”“pro-nun-see-a-shun” chứ không phải là “pro-noun-see-a-shun”.


Pronunciation


Những thí dụ đã dẫn ở trên một lần nữa chứng tỏ “người bản xứ nói tiếng Anh” cũng mắc nhiều lỗi khi phát âm sai chứ không nói gì đến người nước ngoài nói tiếng Anh tại Mỹ.

Thế cho nên, cuốn tự điển phát âm “A Pronoumcing Dictionary of American English” của Kenyon & Knott là người bạn thân thiết với chúng ta, những người nói tiếng Anh như một “ngôn ngữ thứ hai”!

***
--> Read more..

Popular posts