Thứ Năm, 28 tháng 7, 2022

Cấm !!!

“Điều cấm” là những quy định của pháp luật không cho phép thực hiện một hay một số hành vi nào đó. Điều cấm có thể là quy định dự liệu trước không để cho hành vi xảy ra, cũng có thể là hình phạt đối với người vi phạm pháp luật.

Tiếng Việt của ta có rất nhiều từ ngữ đi kèm với “Cấm”. Chẳng hạn như “Cấm vận” của Mỹ đối với Việt Nam trong thời kỳ “hậu chiến tranh” (1975-1994), với hàm ý mọi giao thương, liên lạc bị cấm từ phía Mỹ.

Theo Khoản 3, Điều 3, Nghị định 34/2014/NĐ-CP về quy chế khu vực biên giới đất liền nước Việt Nam, “Vùng cấm” là phần lãnh thổ nằm trong khu vực biên giới đất liền được thiết lập để quản lý, bảo vệ, duy trì an ninh, trật tự; phòng, chống, ngăn chặn các hành vi xâm nhập, phá hoại, khai thác, thu thập bí mật nhà nước.

Riêng trong lãnh vực văn nghệ cũng đã xuất hiện hiện tượng “Vùng cấm”, đặc biệt là việc “cấm” những bài hát của thời kỳ trước năm 1975, điển hình là bài “Con đường xưa em đi”, được chính thức phổ biến năm 1969 đã một thời dấy lên những ý kiến trái chiều.

Phía ủng hộ lệnh cấm cho rằng lời của bài hát có đoạn “Chiến trường anh bước đi...” là chiến trường nào?

“Những mùa trăng vu quy,
Vì mưa gió không về,
Chiến trường anh bước đi...”




“Con đường xưa em đi”


Lời cải biên bài hát “Con đường xưa em đi”


Đến năm 2021, với Nghị định 144 bỏ việc cấp phép biểu diễn cho ca khúc trước 1975 để chuyển sang “hậu kiểm”. Đây là tư duy mới, không còn khái niệm nhạc “trước-sau 1975”, không còn quy định “không được” hay “cấm”. Đây cũng có thể coi là sự mở đường cho cởi mở trong quản lý biểu diễn văn nghệ.

Thế nhưng, thời gian gần đây lại dấy lên sự việc Công ty Mây Lang Thang, đơn vị tổ chức show ca nhạc “Dấu chân địa đàng” của ca sĩ Khánh Ly, bị chính quyền mời lên giải trình vì lý do ca sĩ này hôm 25/6/2022 tại Đà Lạt đã hát bài “Gia tài của Mẹ” của Trịnh Công Sơn không nằm trong danh sách 24 bài đã đăng ký cho đêm nhạc đó.

Căn cứ Nghị định 38/2021/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo, nếu tổ chức biểu diễn không đúng nội dung ghi trong văn bản chấp thuận sẽ bị xử phạt từ 10 đến 15 triệu đồng.

Mức phạt sẽ từ 25 đến 30 triệu đồng đối với việc biểu diễn nghệ thuật mà thực hiện hành vi có nội dung xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân...




“Gia tài của Mẹ” - Trịnh Công Sơn


Gia tài âm nhạc khoảng 600 ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có thể chia thành 3 mảng đề tài chính. Khởi đầu ông sáng tác tình ca, với những ca khúc nổi tiếng như Ướt Mi, Diễm Xưa, Biển Nhớ, Còn Tuổi Nào Cho Em, Nhìn Những Mùa Thu Đi, Tuổi Đá Buồn, Tình Nhớ, Tình Sầu, Tình Xa…

Đề tài tiếp theo trong nhạc Trịnh là những ca khúc về thân phận con người, là những bài hát có ảnh hưởng từ chủ nghĩa hiện sinh, tiêu biểu nhất là Vết Lăn Trầm, Xin Cho Tôi, Phôi Pha, Ru Ta Ngậm Ngùi, Dấu Chân Địa Đàng, Phúc Âm Buồn…

Mảng đề tài thứ 3 được gọi là Ca khúc Da Vàng, là những bản nhạc mang nhiều tranh cãi, dù là những bài hát ca ngợi, kêu gọi hòa bình, nhưng không được lòng các chính thể cầm quyền tại Sài Gòn, và cho đến nay đa số những bài này đều chưa được nhà nước cấp phép phổ biến.

Ca khúc “Gia tài của Mẹ” thuộc loại nhạc phàn chiến Trịnh Công Sơn viết từ năm 1965 với nội dung hướng tới tuyên truyền các cuộc chiến tranh ở Đông Dương là “nội chiến” trong khi theo qua điểm của cách mạng là cuộc chiến “chống giặc xâm lược chứ không phải nội chiến”.

Hơn nữa, bản nhạc còn đề cập đến Trung Quốc với phương châm “16 chữ” của năm 1999 “Láng giềng hữu nghị, Hợp tác toàn diện, Ổn định lâu dài, Hướng tới tương lai”. Tiếp đến năm 2002 lại ca tụng thêm “4 tốt”: "Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt".

“Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ, để lại cho con
Gia tài của mẹ, là nước Việt buồn
...

“Gia tài của mẹ, ruộng đồng khô khan
Gia tài của mẹ, nhà cháy từng ngày...


Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không bàn về khuynh hướng chính trị của Khánh Ly-Trịnh Công Sơn vì có nhiều ý kiến trái chiều, kẻ khen người chê, người ủng hộ kẻ phản đối.



Khánh Ly - Trịnh Công Sơn thời còn đi hát tại Quán Văn, Sài Gòn


Vấn đề đặt ra là giả sử Khánh Ly trong đêm nhạc nói trên hát bài gì đó theo yêu cầu của khán giả, chẳng hạn như “Ai lên xứ hoa đào”, chứ không phải bài “Gia tài của mẹ” thì Sở Văn hóa - Thông tin Lâm Đồng có mời công ty tổ chức lên làm việc không?

Chắc chắn là “không” dù bài hát ca tụng đó không được đăng ký trước. Hiện tượng khán giả yêu cầu ca sĩ hát những bài mình thích vẫn thường xảy ra trong các buổi trình diễn có giao lưu với khán giả. Nhưng đối với “Gia tài của mẹ” lại là một trường hợp “nhạy cảm”!

Bỏ qua lý do chính quyền gài người vào show diễn xuyên Việt của Khánh Ly để phá... lập luận này không có cơ sở vững chắc. Có điều sau khi sự kiện “Gia tài của mẹ” bùng nổ, người ta thấy trên mạng xã hội như dậy sóng với những ý kiến trái chiều của cả phe ủng hộ lẫn phản đôi.

Mặt khác, trên trang Google, từ khóa “Gia tài của mẹ” bỗng trở nên “hot” với số lượng người truy cập lên tới hơn 10 triệu người, tính đến ngày 1/7/2022. Con số đã nói lên sức thu hút của bản nhạc, đồng thời cũng gợi ý cho cơ quan chức năng thấy rằng mình đã “quảng cáo không công cho một bản nhạc lọt vào danh sách “cấm”!

Giữa thời buổi phương tiện truyền thông trên Internet đang nở rộ như hiện nay, cũng cần phải chú ý đền yếu tố phản ứng của cộng đồng mạng trước vấn đề “cấm” hay “không cấm” cũng như “cổ súy” hay “bác bỏ” một sự việc.

Theo ngôn ngữ bình dân, đó chính là... “ép-phê ngược”!


Cấm !


***


* Video “Gia tài của mẹ” / Trịnh Công Sơn – Ca sĩ Khánh Ly
https://www.youtube.com/watch?v=UBPcehL3-PQ


* Video “Trịnh Công Sơn - những ca khúc cấm” – Ca sĩ Khánh Ly
(#1: Bài ca dành cho những xác người / #2: Gia tài của mẹ / #3: Cho một người nằm xuống)
https://www.youtube.com/watch?v=Br8rEbfizXA



***

--> Read more..

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2022

Sex từ góc nhìn Phương Đông

Khác hẳn với Phương Tây, người Phương Đông vốn trầm tính, ít nói... nhất là chuyện phòng the, hay nói cách khác là sex.

Một sự so sánh tuy có vẻ “khập khiễng” nhưng ta phải nhìn nhận là trong xã hội Phương Tây, chuyện sex thường được nói đến một cách tự nhiên như hơi thở của cuộc sống… trong khi đó ở Phương Đông, sex là chuyện “kín”, ít được nói đến dù đó là một trong những “thú vui” riêng tư nhưng bị cấm kỵ.

Kama Sutra là một cuốn sách Ấn Độ cổ, biên khảo về tình dục được viết bằng tiếng Phạn vào thế kỷ thứ 3 bởi thiền sư Bà-la-môn Mallanaga Vatsyayana. Tác phẩm gồm 7 phần, với khoảng 1.250 khổ thơ và hinh ảnh minh họa các tư thế làm tình trong cuộc sống lứa đôi.

 

Nghệ thuật liên quan đến Kama Sutra rất phổ biến trong các ngôi đền Hindu

 

Theo tiếng Phạn, “Kama” là tên của vị thần tình yêu thể xác (tương tự như thần Eros hay Cupidon của Hy Lạp) và “Sutra” có nghĩa là “châm ngôn”. Kama Sutra được hiểu là những luận bàn về tình yêu xác thịt của con người.

Sách không chỉ viết về những hoan lạc mà con người có thể hưởng nhờ 5 giác quan mà còn viết về sex như những vui thú trí tuệ, tâm hồn. Nó không chỉ bàn luận về tình dục mà về cả lối sống và nghệ thuật sống mà những người có văn hoá cần biết, ví dụ đề cập đến âm nhạc, cách ăn uống và thưởng thức hương thơm.

 

Hình minh họa trong Kama Sutra

 

Theo quan niệm của người Ấn Độ cổ, chuyện yêu đương không chỉ là những hành động mà còn bao gồm tâm lý, tình cảm của con người. Do đó, Kama Sutra ngoài việc hướng dẫn rất cụ thể về những việc cần làm và nên làm, nó còn có những chương rất bổ ích bàn về tình cảm, cảm xúc, sự hòa hợp giữa tinh thần và thể xác.

Theo Vatsyayana, một vài hành động như việc hai bên ngồi tĩnh tại, nhìn vào nhau và tập thở cùng nhau cũng được đề cập đến. Người ta cũng có thể đặt tay lên ngực của nhau để cảm nhận nhịp tim, từ đó có sự thấu cảm. Việc tiếp xúc bằng mắt cũng được đề cao, dẫn đến cảm giác kích thích, ham muốn mãnh liệt.

 

Hình minh họa trong Kama Sutra

 

Kama Sutra nhìn chung là một cuốn bách khoa toàn thư về tâm lý tình dục, đặc biệt là tâm lý “phòng the” của con người. Trên thực tế, chỉ có 20% nội dung của sách hướng dẫn các tư thế “yêu” bằng hình ảnh, phần còn lại là cung cấp kiến thức cho người đọc về cấu tạo cơ thể, diễn biến tâm lý.

Đối với phụ nữ, họ thường tắm trong nước ướp hoa tươi, tẩm lên mình nước hoa, trang điểm đẹp và ăn mặc lộng lẫy, biểu lộ những đường cong gợi cảm trên cơ thể. Hơn ai hết, họ biết rất rõ rằng sắc đẹp và mùi thơm là yếu tố vô cùng quan trọng để tạo sự quyến rũ.

Họ còn biết cách dùng hành động và âm thanh vào thời điểm thích hợp để kích thích đàn ông, giúp tăng sự hưng phấn. Đặc biệt, phụ nữ còn khéo léo che đậy khuyết điểm của mình và của bạn tình bằng những tư thế yêu đương thích hợp. Kama Sutra luôn đề cao tinh thần chia sẻ, không cho phép đàn ông chỉ biết thỏa mãn cho bản thân.

Dù đóng vai trò “bị động” trong con đường tìm đến nguồn cảm hứng tuyệt đỉnh của “gối chăn” song người đàn ông trong Kama Sutra lại có bản năng mạnh mẽ và biết cách làm đẹp lòng người bạn tình của mình. Có thể thấy, đàn ông và đàn bà trong Kama Sutra luôn đặt mục đích “cùng thăng thăng hoa” lên hàng đầu khi gần gũi người khác phái.

Dù là người chủ động hay bị động, họ vẫn hướng vào mục đích: “Làm sao để cả hai cùng đạt đỉnh hạnh phúc”. Bên cạnh đó, khi xúc cảm đã phát triển, làm thế nào để duy trì, tạo được ấn tượng mạnh khiến bạn tình không thể quên mình. Đó là nghệ thuật của người Ấn trong Kama Sutra!

 

Hình minh họa trong Kama Sutra

 

Ngoài Kama Sutra, Phương Đông còn có truyện Nhục Bồ Đoàn, một câu chuyện bắt đầu vào đời Nguyên (1280-1368) tại Trung Quốc của tác giả Lý Ngư. “Bồ Đoàn” được biết đến là một danh từ kép: “Bồ” là một loại cỏ và “Đoàn” là hình tròn. “Bồ Đoàn” được coi như là một tấm nệm dùng đề ngồi thiền trong Đạo Phật.

“Nhục Bồ Đoàn” lại là một tấm nệm bằng thịt (nhục), hiểu theo nghĩa tấm thân của người phụ nữ được coi như là một tấm nệm êm ái trong lúc hành lạc. Nhân vật chính của truyện là Bán Dạ Sinh (kẻ thích nửa đêm), một chàng trai thư sinh trẻ đẹp nhưng bản tính đam mê tửu sắc.

Bán Dạ Sinh có những sợ thích “kỳ quặc” như thích ban đêm mà không thích ban ngày, thích lúc nửa đêm mà không thích sau nửa đêm. Đây là người không thích công danh, tự phụ là người thông minh tài hoa nhất trên đời và muốn có những người đẹp nhất thiên hạ.

 

Nhục Bồ Đoàn, bản khắc gỗ năm 1894

 

Một vị túc nho "Thiết phi đạo nhân" có con gái tên Quý Hương xinh đẹp, danh giá và học thức, sau nhiều lần bị thuyết phục đã chấp nhận gả con cho Bán Dạ Sinh nhưng với điều kiện phải ở rể. Ban đầu, Quý Hương với những gì được giáo dục từ nhỏ, không chấp nhận những việc sai trái của chồng. Sau đó do sự thuyết phục khéo léo mà cô gái đã sa đà vào bản ngã của mình.

Vốn bản tính trăng hoa, Bán Dạ Sinh bỏ nhà ra đi và kết bạn với Tái Côn Lôn, một siêu trộm vẫn thường tự phụ cho rằng “không gì không trộm được”! Một thuật sĩ đã trợ giúp Bán Dạ Sinh bằng cách ghép dương vật của anh ta bằng cái của ngựa để tăng sức mạnh cũng như độ lớn.

Cuộc phiêu lưu tình dục của Bán Dạ Sinh bắt đầu với Diễm Phương, vợ của người bán tơ Quyền Lão Thực. Diễm Phương là một người đàn bà xinh đẹp nhưng lại có quan niệm sống phóng khoáng:

“Làm phận đàn bà thì chuyện dâm dục nếu không làm thì thôi, mà đã làm thì nên làm cho tới nơi tới chốn, mà hưởng đời được chút nào hay chút ấy, chớ có làm cẩu thả mà uổng phí xuân xanh một đời”

Người chồng do yếu thế nên phải chấp nhận bán vợ cho Bán Dạ Sinh nhưng vẫn không nguôi ý trả thù. Trong khi người vợ do đã đọc những quyển sách dâm dật của Bán Dạ Sinh nên đã không kiềm được dục vọng.

Cuộc phiêu kế tiếp là với Hương Vân, một người đã có chồng nhưng là một kẻ “tài cao nhưng hạnh đoản” tuổi đã ngoài 50. Người chồng ở xa, mỗi tháng chỉ về với vợ một hai tối. Hương Vân họp với hai cô cháu của mình thành “bộ ba” trong cuộc chơi tình dục. Đến khi gặp Bán Dạ Sinh, họ đã trở thành “bộ tứ” trong hoan lạc.

 

Cảnh làm tình tập thể trong Nhục Bồ Đoàn, bản khắc gỗ 1894

 

Cuối cùng, truyện Bồ Nhục Đoàn đi đến đoạn kết “có hậu”: Bán Dạ Sinh sau một thời gian 3 năm đắm chìm trong nhục dục đã tìm đến Cô phong Hòa thượng để tu luyện, thoát khỏi sắc dục và trở thành một hòa thượng!

Sinh được cạo đầu, lấy tên Ngu Sa, ý nói hạt cát ngu si trong đời, tự răn mình đã khoe mẽ kiến văn lúc trước, một lòng học đạo:

“Túi từ bi rộng lớn, sắc quỷ gian hùng đều thu lại

Ðường thiền đàn thênh thanh, oan gia trái chủ thảy gặp nhau.”

 

* Đọc truyện tại:  https://truyenhdd.com/truyen/nhuc-bo-doan/20/#reading

 

***

 

Tác giả Nhục Bồ Đoàn, Lý Tư viết trong chương đấu về tác phẩm của mình:

“... Ai muốn khai mở bế tắc luân thường đạo lý cũng phải nương theo sóng tình mà cải biến lòng người. Nương theo chuyện vô luân mà khuyến thiện vậy. Làm cách này không xong, như thánh nhân, phải làm cách kia vậy. Thiếu gì người ham hố chuyện phong lưu gái đẹp, nhưng biết đâu chả có lúc thấy ra, là không có gì bằng thê thiếp tại gia.

“Người đọc hãy tự tìm lấy điều ấy nơi cuối truyện. Ðó là cách người viết cuốn này dùng lửa trị lửa, khuyến người bằng tính người. Sen tự nở trong bùn mà ra. Còn như ai muốn bảo tôi muốn viết dâm thư, người ấy cứ việc. Ai muốn suy nghĩ hai lần sau khi đọc sách này, đấy là chủ ý cuả tác giả. Mô tả kỹ lưỡng chuyện phòng the chỉ là để chỉ dẩn tới sự cay đắng của đời mà thôi...

(hết trích)

Nhục Bồ Đoàn đã được đạo diễn Michael Mak Kwok-fung chuyển thể thành phim "Tình dục và Thiền" (Sex and Zen) năm 1991 với một dàn diễn viên trẻ đẹp. Đây là loại “phim cấp ba’, phim người lớn hay “phim 18+” theo sự phân loại của điện ảnh Hồng Kông. 

* Xem phim tại: https://www.phim18hot.com/.../nhuc-bo.../xem-phim-2768.html

 

Cảnh trong phim Nhục Bồ Đoàn

 


 

 

***

--> Read more..

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2022

Văn chương Truyện Tàu

Truyện Tàu là sản phẩm văn chương đặc sắc của Miến Nam, xuất hiện trước khi có truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Tuy cùng một gốc tích từ Trung Quốc nhưng Truyện Tàu dựa trên lịch sử trong khi chuyện kiếm hiệp lại dựa vào sự hư cấu của người viết.

Truyện Tàu đã đi vào cuộc sống của người Miền Nam với các nhân vật điển hình như Tam Tạng, Quan Công, Lưu Bị, Tào Tháo... đến Tôn Tẩn, Bàng Quyên, Tiết Đinh San, Tiết Nhân Quý, La Thông, Trình Giảo Kim...

Những nhân vật trong Truyện Tàu bước vào đời sống của người dân một cách gần gũi với đầy đủ tình cảm “yêu-ghét” một cách tự nhiên như chính cuộc đời của người đọc để giải trí hay nói rộng ra là cả những người nông dân chân lấm tay bùn.

Ở Truyện Tàu, cũng có đầy đủ yếu tố “hỉ-nộ-ái-ố”, chẳng hạn như trong truyện “La Thông Tảo Bắc” khi người mẹ là Mai phu nhân tâm sự với con là Lưu Bửu Lâm sau một ngày chiến đầu với tướng giặc là Uất Trì Cung:

“Ngày nay con đã khôn lớn rồi, vậy mẹ cũng nên thuật rõ điều cừu hận ra cho con biết, nhưng về sự ấy có báo cừu hay không thì tự nơi con, chớ thân mẹ bây giờ đã đành tìm xuống chốn Diêm đài rồi, chẳng còn lưu luyến đến chốn hồng trần này làm chi nữa. Hôm nay con ra trận đánh cùng ai đó, con có biết không?

“Con ôi! Trọn hai mươi năm trời nay mẹ cam chịu lấy điều oan ức, cũng vì con, ráng nuôi con đến lúc trưởng thành nên vóc nên vai, con không lo báo oán trả cừu, trở lại bênh kẻ thù mà đánh cùng cha ruột!

(hết trích)

Hóa ra Uất Trì Cung là bố ruột của Lưu Bủu Lâm chứ không phải là Lưu Quốc Trinh mà bấy lâu nay Bửu Lâm vẫn lầm tưởng! Mai phu nhân chỉ vào chiếc roi sắt, món binh khí sở trường của con trên chiến trường mà rằng:

“Roi này vốn có một cặp, cây này là trống, nhỏ; còn cây mái, lớn, thì cha con đang cầm, con hãy xem qua mấy chữ khắc dưới cán roi thì tường chân giả...”

Bửu Lâm vâng lời mẹ, cầm cán roi lên xem, thì thấy có mấy chữ "Uất Trì Bửu Lâm"! Đến khi hai mẹ con thực hiện kế “đoạt thành”, bằm thây Lưu Quốc Trinh để trả thù, Mai phu nhân mới than khóc với người xưa:

“Lang quân ôi! Bởi lang quân đến chậm, gặp con mà không gặp vợ sanh tiền, vì lang quân lo chữ công danh, để cho thiếp hư thân thất tiết, thế nên bây giờ liều mạng bạc, lưu luyến chi cõi trần mà chịu tiếng nhuốc nhơ. Lang quân ôi! Đây là giờ chót thiếp xin kính chúc, giã từ…

Mai phu nhân khóc than dứt lời, bèn đập đầu vào tường tự ái. Thảm thương thay, đời người được mấy kẻ như vầy? Thế cho nên trong “hồi thứ ba” của truyện “La Thông Tảo Bắc” mới có 2 câu thơ dẫn truyện:

“Ải Bạch Lang, Bửu Lâm nhìn cha

Giết Lưu Phương, Mai thị rạng tiết”

Không như tiểu thuyết ngày nay, truyện được chia thành “Chương”, Truyện Tàu lại chia thành “Hồi” và trước mỗi “Hồi” đều có 2 câu thơ dẫn truyện. Thế cho nên người đọc gặp rất nhiều câu thơ, chẳng hạn như trong Hồi thứ hai của “Chung Vô Diệm” ta mới thấy hai câu để dẫn chuyện vua Tề Tuyên gặp gỡ Chung Vô Diệm:

“Tề Tuyên Vương săn bắn non xanh,

Chung Vô Diệm hái dâu rừng vắng” 

Trong “Xuân Thu Oanh Liệt” có truyện Bàng Quyên - Tôn Tẩn, hai nhân vật khác hẳn nhau về cá tính. Trên đường lên núi Vân Mộng để tầm sư học đạo với Quỷ Cốc tiên sinh, Tôn Tẩn gặp Bàng Quyên và hai người kết bạn sanh tử có nhau vì cùng chí hướng.

Không ngờ sau này Bàng Quyên trở thành nhân vật phản diện nên mới có sự tích “Bàng Quyên chặt chân Tôn Tẩn”. Lời thề của Bàng Quyên “nếu ngày sau có phản phúc xin có thần kỳ chiếu dám cho chết giữa đám rừng tên Tại Mã Lăng đạo và bị bảy nước phân thây” đã ứng nghiệm. Người đọc gặp hai câu dẫn truyện ngay hồi mở đầu:

“Thành Đồng Quan, Bạch Khởi Cướp Dinh

Trấn Châu Tiên, Tôn Bàng Kết Nghĩa”

Bàng Quyên và Tôn Tẩn đi tới trước động tầm sư học đạo, thấy cửa động đóng kín, trên cửa động có một tấm bảng đá khắc sáu chữ: "Núi Vân Mộng, động Thủy Liêm". Hai người còn đương suy nghĩ, bỗng thấy một kẻ tiều phu đi thoáng qua ngang cửa động.

Tiều phu cho biết muốn gặp Quỷ Cốc thì hãy lạy cho cửa rộng mở, còn chẳng thành tâm thì dầu lạy một năm đi nữa cũng vô ích. Trong khi Tôn Tẩn thành tâm lạy thì Bàng Quyên lại nghĩ nếu cửa mở thì cả hai sẽ vào, mình khỏi mất công lạy chi cho mệt!

Lối hành văn của Truyện Tàu “rặc” tính cách Nam bộ. Bậc trượng phu, đại nghĩa thường là “mến nghĩa, trọng nhân”, “cốt đạo thần tiên” với hình dáng “lưng gấu, tay cọp”... trong khi kẻ tiểu nhân thì “đầu qủy mắt rắn”, “sọ lồi ra sau”, “ghét lành ganh giỏi”.

Bộ ba Quan Vũ, Lưu Bị, Trương Phi của thời Tam Quốc mỗi người mang một sắc thái riêng. Quan Công được đánh giá là vị tướng có tài năng, võ nghệ tinh thông, sức địch vạn người. Ông được người đời sau coi là một biểu tượng của những đức tính "Danh lợi không đổi lòng, Giàu sang không dâm loạn, Nghèo hèn không nhụt chí, Oai vũ không khuất phục".

Ông cũng là vị võ tướng có điện thờ riêng tại Đế Vương Miếu, Trung Quốc, và ngay tại Miền Nam cũng có tượng thờ với hình mẫu là một người mặt đỏ, râu dài, tay cầm cây thanh long đao, cưỡi ngựa xích thố.

Lưu Bị xuất thân từ hoàng tộc, làm quan cho triều đình, nhưng đường hoạn lộ của ông ban đầu không được suôn sẻ khiến ông nhiều lần thất bại và phải đi nương nhờ dưới trướng nhiều chư hầu đương thời như Lã Bố, Tào Tháo, Viên Thiệu, Lưu Biểu...

Lưu Bị là nhân vật chính diện, có lòng nhân từ bác ái, “thương dân như con” của một vị vua hiền đức. Người đời thường ca tụng “Tuyệt nhân là Lưu Bị, tuyệt gian là Tào Tháo, tuyệt trí là Khổng Minh”.

La Quán Trung trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” mô tả về Trương Phi: “Tiếng vang như sấm, chạy nhanh như ngựa, râu cọp hàm én, đầu beo mắt lồi, lấy thủ cấp tướng giặc trong muôn quân như lấy đồ trong túi…”.

Tuy tính tình nóng nảy nhưng Trương Phi là dũng tướng biết dùng mưu kế. Những lần Trương Phi đơn độc chống quân Tào ở cầu Trường Bản, dùng mưu lấy ải Ngõa Khẩu, thu phục Nghiêm Nhan đã chứng minh điều này.

Thời Tam Quốc còn phải kể đến Khổng Minh Gia Cát Lượng là Thừa tướng, công thần khai quốc, nhà chính trị, nhà ngoại giao, chỉ huy quân sự, nhà giáo dục. Ông được cho là một trong những chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc nhất trong thời đại của ông. Tuy nhiên, năm chiến dịch đánh Tào Ngụy do ông phát động đều không thành công, cuối cùng ông bị bệnh mất.

Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, nhà văn La Quán Trung ca ngợi Lưu Bị, và xem Tào Tháo là vai phản diện. Tào Tháo được mô tả có hình dáng "cao 7 thước", "mắt nhỏ râu dài". Tào Tháo có những cá tính khá nổi bật: gian xảo, đa nghi, tàn bạo nhưng cũng rất thông minh, nhiều mưu mẹo quyền biến.

***

Còn rất nhiều nhân vật của Truyện Tàu nhưng bài viết này có hạn. Chúng ta hãy bàn về lý do truyện rất phổ biến từ đầu thập niên 50 tại Miền Nam. Công đầu thuộc về Tín Đức Thư Xã, một cơ sở chuyên dịch Truyên Tàu nằm trên đường Sabourain, sau này đổi thành đường Tạ Thu Thâu, Sài Gòn.

Sách do Tín Đức xuất bản được in theo lối “Meilleurs Livres” của Pháp, cỡ 15,5 x 11,5 cm với giá bán thiệt rẻ, mỗi cuốn chỉ khoảng một cắc (0$10, tiền ngày xưa). Đó cũng là lý do Truyện Tàu khá thịnh hành vào thời đó.

Một lý do khiến Truyện Tàu được ưa chuộng tại Nam Bộ là những từ ngữ thường dùng tại miền quê đã xuất hiện rất nhiều trong lối văn kể chuyện. Chẳng hạn như “qua” (tôi), “bậu” (bạn), "va” (hắn, nó), "đặng" (được, để)... được dùng thường xuyên khiến người đọc cảm thấy gần gũi, thân thiết.

Cái khéo của Tín Đức Thư Xã là đã quy tụ được rất nhiều dịch giả người Miến Nam, trong đó ông Tô Chẩn là người đã thành lập thư xã và cũng đồng thời là dịch giả chính của loại truyện này.

Ông quê ở Hưng Yên, giỏi chữ Nho, đã bỏ xứ Bắc vô Sài Gòn lập nghiệp bằng lối dịch Truyện Tàu sang quốc ngữ. Trước khi thành lập Tín Đức Thư Xã ông là thành viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng của lãnh tụ Nguyễn Thái Học.

Tô Chẩn có người em theo Việt Minh, bị giam chết vì ho lao trong nhà tù ở Sơn La. Người ta đồn, chính bản thân ông cũng bị thủ tiêu vì tội theo Quốc Dân Đảng. 

***

Sách do Tín Đức Thư Xã xuất bản xếp theo mẫu tự bắt đầu tên truyện:

1. Anh Hùng Náo Tam Môn Giai - Dịch giả: Tô Chẩn (1951) / Trọn bộ 1 quyển , 226 trang, 60 hồi.

2. Bạch Xà Thanh Xà - Dịch giả: Tô Chẩn (1951) / Trọn bộ 1 quyển, 64 trang, 13 hồi.

3. Bắc Du Chơn Võ - Dịch giả: Lê Duy Thiện (1950) / Trọn bộ 1 quyển 112 trang, 24 hồi.

4. Bắc Tống Diễn Nghĩa - Dịch giả: Nguyễn Văn Hiển (1951) / 128 trang, 30 hồi, 2 tập.

5. Bao Công Kỳ Án - Dịch giả: Trần Văn Bình (1954) / Trọn bộ 1 quyển 220 trang, 46 hồi.

6. Càn Long Hạ Giang Nam - Dịch giả: Thanh Phong (1952) / Trọn bộ 3 quyển 544 trang, 65 hồi.

 

Càn Long Hạ Giang Nam - Thanh Phong (1952)

 

7. Chánh Đức Du Giang Nam - Dịch giả: Trần Văn Bình / Trọn bộ 1 quyển, 160 trang, 34 hồi.

8. Chung Vô Diệm - Dịch giả: Tô Chẩn (1952) / 736 trang, 77 hồi, 4 tập.

 

Chung Vô Diệm - Tô Chẩn (1952)

 

9. Dương Văn Quảng Bình Nam - Dịch giả: Tô Chẩn (1950) / Trọn bộ 1 quyển, 144 trang, 22 hồi.

10. Đại Hồng Bào Hải Thoại

11. Đại Minh Hồng Võ - Dịch giả: Thanh Phong (1958) / Trọn bộ 2 quyển, 388 trang, 80 hồi.

12. Đông Châu Liệt Quốc - Dịch giả: Võ Minh Trí (1957) / 1276 trang, 108 hồi, 5 tập.

13. Đông Du Bát Tiên - Dịch giả: Tô Chẩn (1957) / Trọn bộ 1 quyển, 64 trang, 22 hồi.

14. Đông Hớn Diễn Nghĩa - Dịch giả: Thanh Phong (1952) / 280 trang, 57 hồi, 2 tập.

15. Hạnh Nguyên Cống Hồ - Dịch giả: Thanh Phong (1958) / Trọn bộ 1 tập, 184 trang, 26 hồi.

16. Hậu Anh Hùng - Dịch giả: Tô Chẩn (1952) / Trọn bộ 1 quyển, 236 trang, 60 hồi.

17. Hậu Tái Sanh Duyên - Dịch giả: Thanh Phong (1951) / Trọn bộ 3 quyển, 568 trang, 16 hồi.

18. Hậu Tam Quốc - Dịch giả: Danh Nho (1954) / Trọn bộ 4 tập.

19. La Thông Tảo Bắc - Dịch giả: Tô Chẩn / Trọn bộ 1 tập.

 

La Thông Tảo Bắc - Tô Chẩn

 

20. Lục Mẫu Đơn - Dịch giả: Trần Văn Bình (1957) / Trọn bộ 2 tập, 380 trang, 64 hồi.

21. Mộng Trung Ngũ Mỹ Duyên - Dịch giả: Trần Văn Bình (1954) / Trọn bộ 1 quyển 168 trang, 15 hồi.

22. Nam Du Huê Quang

23. Ngũ Hổ Bình Nam - Dịch giả: Đinh Thái Sơn (1951) / Trọn bộ 1 quyển, 240 trang, 40 hồi.

24. Ngũ Hổ Bình Tây.

 

Ngũ Hổ Bình Tây - Tô Chẩn

 

25. Nhạc Phi Diễn Nghĩa -  Dịch giả: Nguyễn Chánh Sắt (1952) / Trọn bộ 4 quyển, 868 trang, 80 hồi

26. Phản Đường - Dịch giả: Hoàng Minh Tự (1951) / Trọn bộ 2 tập, 400 trang, 94 hồi.

27. Phấn Trang Lầu - Dịch giả: Nguyễn An Khương (1952) / Trọn bộ 2 tập, 416 trang, 80 hồi.

28. Phi Long Diễn Nghĩa - Dịch giả: Trương Minh Chánh / 672 trang, 66 hồi, 3 tập.

29. Phong Kiếm Xuân Thu - Dịch giả: Tô Chẩn (1950) / 568 trang, 60 hồi, 3 tập.

 

Phong Kiếm Xuân Thu Diễn Nghĩa - Tô Chẩn (1950)

 

30. Phong Thần Diễn Nghĩa - Dịch giả: Tô Chẩn (1951) / 960 trang, 100 hồi, 4 tập.

31. Quần Anh Kiệt Diễn Nghĩa - Dịch giả: Thanh Phong (1957) / Trọn bộ 1 quyển, 176 trang, 34 hồi.

32. Song Quang Bửu Kiếm - Dịch giả: Dương Tấn Long (1957) / Trọn bộ 1 quyển 140 trang, 17 hồi.

33. Tái Sanh Duyên - Dịch giả: Thanh Phong / Trọn bộ 3 quyển, 616 trang, 74 hồi.

34. Tam Hạ Nam Đường

35. Tam Hạp Bửu Kiếm - Dịch giả: Thanh Phong / Trọn bộ 1 tập, 228 trang, 42 hồi.

36. Tam Quốc Diễn Nghĩa - Dịch giả: Nguyễn An Cư (1951) / Trọn bộ 5 tập, 1072 trang, 120 hồi.

37. Tàn Đường - Dịch giả: Thanh Phong (1958) / Trọn bộ 1 tập, 128 trang, 30 hồi.

38. Tây Du Diễn Nghĩa - Dịch giả:Tô Chẩn (1962) / 896 trang, 100 hồi, 4 tập.

 

Tây Du Diễn Nghĩa - Tô Chẩn

 

39. Tây Hớn Diễn Nghĩa - Dịch giả: Thanh Phong / 3 tập.

 

Tây Hớn Diễn Nghĩa - Thanh Phong

 

40. Thập Nhị Quả Phụ Chinh Tây - Dịch giả: Thanh Phong / Trọn bộ 1 quyển, 136 trang, 19 hồi.

 

Thập Nhị Quả Phụ Chinh Tây - Thanh Phong


41. Thất Hiệp Ngũ Nghĩa - Dịch giả: Phạm Văn Điều (1957) / Trọn bộ 2 quyển, 504 trang, 100 hồi.

42. Thất Kiếm Thập Tam Hiệp - Dịch giả: Phạm Văn Điều / Trọn bộ 4 quyển, 864 trang, 180 hồi.

43. Thuận Trị Quá Giang - Dịch giả: Trần Văn Bình (1953) / Trọn bộ 1 quyển 92 trang, 20 hồi.

44. Thuyết Đường - Dịch giả: Dương Mạnh Huy (1950) / Trọn bộ 2 tập, 436 trang, 68 hồi.

45. Thủy Hử Diễn Nghĩa - Dịch giả: Võ Minh Trí (1952) / Trọn bộ 8 quyển, 1924 trang, 142 hồi.

46. Tiết Đinh San Chinh Tây - Dịch giả: Tô Chẩn (1961) / Trọn bộ 3 tập, 560 trang, 99 hồi.

47. Tiết Nhơn Quí Chinh Đông - Dịch giả: Tô Chẩn (1960) / Trọn bộ 1 tập, 232 trang, 42 hồi.

48. Tiểu Hồng Bào Hải Thoại - Dịch giả: Tô Chẩn / Trọn bộ 1 quyển.

49. Tiểu Ngũ Nghĩa - Dịch giả: Phạm Văn Điều (1958) / Trọn bộ 3 quyển, 504 trang, 124 hồi.

50. Tống Từ Vân - Dịch giả: Thanh Phong (1952) / Trọn bộ 2 quyển, 312 trang, 35 hồi.

51. Tục Tiểu Ngũ Nghĩa - Dịch giả: Phạm Văn Điều (1958) / Trọn bộ 4 quyển, 696 trang, 120 hồi.

52. Vạn Huê Lầu - Dịch giả: Thanh Phong (1958) / Trọn bộ 2 tập, 316 trang, 68 hồi.

 

Vạn Huê Lầu - Thanh Phong

 

53. Xuân Thu Oanh Liệt - Dịch giả: Phạm Văn Điều / 160 trang, 20 hồi in trọn trong 1 cuốn.

 

Xuân Thu Oanh Liệt - Phạm Văn Điều

 

***

--> Read more..

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2022

Cây trầu bà

Thứ Năm này, 16/6/2022, “Gái Lớn” sẽ về Úc sau 2 tuần “ngao du” xứ Việt. Nói “ngao du” thì hơi quá vì con gái chẳng đi đâu, chỉ quanh quẩn bên Mẹ, ngoại trừ vài lần đi siêu thị gần nhà mua thực phẩm về chế biến các món cho Cha, gọi là “lạ miệng”!

Mấy ngày cuối thấy ngoài balcon có cây trầu bà xanh um nên “Gái Lớn” bỗng nẩy ra ý định cắt một ít dây đem vào chế tác thành “kiểng lá” đem trưng khắp nhà. Khéo tay thật, chỉ cần lấy mấy cái chai, lọ cũ rồi đổ nước vào là có ngay những “tiểu cảnh” có mặt khắp nơi trong nhà!



Vô tình đọc một bài báo về việc người ta tự hỏi vì sao có người bỏ ra vài triệu đồng mua “kiểng lá”? Câu trả lời thật đơn giản nhưng cũng rất thực tế để giải thích vì sao cây trầu bà lại lả một trong những loại “kiểng lá”, một loại cây không hoa nhưng lại được ưa chuộng ngày nay.

Lá và thân trầu bà có nhiều màu đa dạng, chủ yếu là màu xanh, rất thích hợp để trồng trong các chậu nhỏ đặt ở gần cửa sổ, nơi bàn làm việc, bàn tiếp khách hay đặt giỏ treo ở balcon. “Kiểng lá” làm ở nhà chẳng tốn đến một xu nhưng lại vừa đẹp, vừa quý vì là “tác phẩm” không thể bỏ tiền ra mua! 



 

Ngoài làm cảnh, trầu bà còn được biết đến là loài cây có thể hấp thu các chất độc trong không khí, loại bỏ bụi bẩn, qua đó tạo một bầu không khí sinh hoạt lành mạnh trong nhà.

Người ta còn có thể trồng trầu bà trong bể thủy sinh, nước sẽ được rễ cây làm sạch, qua đó giúp môi trường sống trong bể được trong sạch. Còn đồi với những người tin vào “phong thủy”, cây trầu bà tượng trưng cho sự thịnh vượng và thăng tiến.

 

 

Người trồng trầu bà trong nhà sẽ mang tới tài lộc, thuận lợi về đường con cái. Trồng trong văn phòng, nơi làm việc giúp sự nghiệp hanh thông, thuận buồm xuôi gió. Thế là một công lại đạt đến 2 hay 3 lợi ích, từ trang trí, sức khỏe đến những cái lợi về mặt tâm linh.

Mai đây con đi rồi nhưng những cây “kiểng lá” vẫn còn hiện diện khắp nơi. Có lẽ không món quà nào lại có nhiều ý nghĩa như những gì con để lại.

 

 

I wish you a good and safe trip back to Australia, My Dear!

 


 

***

* Tham khảo thêm "Gái Lớn" về nhà:

https://chinhhoiuc.blogspot.com/2022/06/gai-lon-ve-nha.html

 

***









--> Read more..

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2022

Chuyện cười cổ nhân

Học giả Vương Hồng Sển (1902 – 1996) soạn cuốn “Chuyện cười cổ nhân”, xuất bản tại Sài Gòn, năm 1971. Sách gồm hơn 200 đoạn truyện ngắn, dàn trải trên 395 trang, trong đó đa số là những truyện khôi hài hay nói khác đi là những chuyện tiếu lâm. Ông “giải bày” ngay từ đầu sách:

“Chuyện Tiếu lâm, luôn luôn khởi đầu thì thanh bai ý nhị, nhưng càng về khuya, càng giặm mắm muối và tránh không khỏi sự lả lơi chớt nhả, một đôi khi đến sỗ sàng tục tĩu, một khía cạnh của con người cầm khí cụ làm ra hột cơm, gìn giữ đất nước hơn là cầm viết cầm quạt lông.

“Để cho đủ hạng tuổi đọc, xin mạn phép chép luôn ra đây những bài tiếp theo. Ai có tật mau đỏ tai, xin xếp sách lại, yêu cầu đừng giả dối lấy mình, rủa người viết mà đọc trong mùng…”

(hết trích)

Vương Hồng Sển cũng nhấn mạnh cốt ý của người sưu tập là gom góp vào một bộ, những lối nói chuyện trong thiên hạ, Trung Nam Bắc, lẫn Tây Đông, cũ mới. Ai có tịch nấy đều biết. Ông cũng nhấn mạnh “không có ý kiêu ngạo một ai, chỉ muốn duy trì những khía cạnh ngôn ngữ của ông bà ngày trước”.

Trong bộ chuyện có rất nhiều thành ngữ, danh từ, nay đã ít nghe, rất dí dỏm nếu không ghi chép e mai một mất. Theo ông, tinh hoa đất nước không phải gồm toàn “hoa thơm” mà cũng còn phải kể đến “cỏ dại”. Vương Hồng Sển rút gọn thành một câu: “Có dây thúi địt mới biết dây phong lan quí; không tốt phân, rau cải không ngon!”.

Trong phạm vi hạn chế của bài viết này, chùng tôi chỉ trích lại những chuyện tiếu lâm về râu, tóc và lông. Đó là những đề tài rất “nhạy cảm” nhưng lại rất thực trong đời thường mà người ta thường nói đến trong sinh hoạt hàng ngày.

 

"Chuyện cưới cổ nhân” - Vương Hồng Sển

 

* Giống ông bộ râu

Có một ông huyện đi làm quan ở xa, vợ ở nhà gần ngày sanh. Ông nóng biết tin nên sai thằng trung tín về xem bà đã ở cữ rồi chưa. Vốn thằng nhỏ có tánh ngây ngô, sợ việc đàn bà đẻ, nó không dám vào, đứng ngoài hàng rào xớ rớ để nghe ngóng. Bất ngờ bà ra vườn, vén váy đi tiểu. Thằng kia trông thấy, vội vàng chạy về bẩm với ông:

- Bẩm ông, bà đã ở cữ rồi.

Quan nghe mừng lật đật hỏi:

- Chớ bà mầy đẻ con giai hay con gái?

- Bẩm, con không tường cô hay là cậu, nhưng con nhìn thấy giống ông lắm.

- Mày trông giống tao cái gì?

- Bẩm, giống ông ở bộ râu!

 

***

* Râu quai nón

Một hôm, một ông chánh tổng râu quai nón, cưỡi ngựa đi làm thuế. Đến một chỗ, đường nhỏ và lội, không thế nào đi ngựa được, phải dắt lên quán, để gửi nhà hàng. Nhưng mà ở trong quán chắng thấy có ai; chỉ thấy một ông thầy bói mù ngồi đấy mà thôi. Ông chánh mới buộc ngựa bên cạnh mà bảo rằng:

- Tôi gửi ông thầy con ngựa đây nhé! Tôi vào trong làng gần đây, chốc nữa ra tôi sẽ lấy.

- Chứ ông là ai mà lại gửi ngựa tôi?

- Tôi là chánh tổng.

- À! Ông chánh đấy ư? Nhưng mà tôi giữ làm sao được? Ngộ chốc nữa có đứa nào đến bảo là ông chánh, đòi ngựa thì tôi biết làm thế nào?

- Ông thầy đừng ngại, tôi râu quai nón. Bây giờ tôi để ông sờ xem. Hễ chốc nữa tôi lại lấy ngựa, ông sờ lại, y như thế thì giả ngựa tôi; mà không, thì thôi, ông không cho lấy.

Ông thầy thuận. Ông chánh đem râu lại cho mà sờ. Sờ thấy râu tốt, khen mãi vuốt mãi lâu rồi mới buông cho ông chánh đi.

Bấy giờ có một mụ mò cua sau lưng quán, nghe thấy thế, lập tâm để lấy con ngựa ấy. Nó đợi cho ông chánh đi được một lúc lâu, rồi nó lại, bịt mũi bắt chước tiếng ông chánh, mà nói với ông thầy bói rằng:

- Nào, xin ông con ngựa, nào!

- Ông chánh đấy phải không?

- Phải, tôi đây. Tôi đi làm thuế về đây.

- Vậy thì ông cho tôi xem râu, nào!

Mụ nọ lại gần, tốc ngược váy lên, cho ông thầy sờ râu. Ông thầy vuốt mãi, khen mãi:

- Phải ông chánh đấy. Quí hóa quá! Râu đâu mà lại có râu quí thế này.

Rồi lại vuốt râu mình mà nói rằng:

- Râu tôi cũng khá, nhưng mà so với râu ông thì còn kém xa! ứ, ừ! Ông này đã ăn mắm tôm! Đã đánh chén ở trong làng rồi mới ra đây! Thế mà chẳng lấy phần cho tôi, công chình giữ ngựa từ nãy đến giờ. Tệ lắm, ông chánh nhé!

***


* Lấy thuốc mọc râu

Có một anh không có râu, bị vợ diếc móc khổ quá, phải đi lấy thuốc mọc râu. Một hôm, mang tiền đến nhà ông lang. Chẳng may ông lang đi vắng, chỉ có bà lang ở nhà mà thôi. Bà lang thấy anh ta đến, mới hỏi rằng:

- Bác hỏi gì?

- Thưa bà, tôi đến xin thuốc.

- Ông lang tôi đi vắng, bác lấy thuốc gì?

- Thưa, tôi xin thuốc mọc râu.

Bà lang ngồi nghĩ một chốc, rồi nói rằng:

- Tưởng lấy thuốc gì thì tôi không dám hạ thủ, chứ thuốc này tôi đã kinh trị. Để tôi giùm cho!

Rồi lấy một ít liên tu, gói vào giấy, đưa cho anh kia mà nói rằng:

- Phương thuốc này thì phải nội ẩm, ngoại đồ mới được. Đây tôi bốc thuốc uống, còn thuốc đồ, bác phải kiếm lấy.

Anh kia cầm lấy thang thuốc hỏi rằng:

- Thưa bà, thuốc đồ thế nào, xin bà bảo cho.

- Bác kiếm lấy hai hòn đá cuội, lấy da bong bóng lợn bọc lại. Khi uống thuốc rồi, thì lên giường nằm ngửa, lấy túm đá cuội ấy mà day trên môi một lúc, rồi lấy ít dầu vừng đồ qua, thì mọc được râu.

Anh ta mừng quá, giả tiền thang thuốc, rồi chạy về nhà. Một chốc, ông lang về, hỏi bà lang rằng:

- Tôi đi vắng, ở nhà có ai đến lấy thuốc không?

Bà nói:

- Có, có người đến xin thuốc. Ông đi vắng, nếu không có tôi ở nhà khai phương cho người ta, thì người ta đi lấy chỗ khác.

Ông lang ngạc nhiên hỏi:

- Ai lấy thuốc gì mà bà dám bốc?

Bà lang mới kể tình đầu lại cho chồng nghe. Ông lang ngẩn ra hỏi rằng:

- Chứ bà theo sách nào mà bốc cho người ta như thế?

Bà quắc mắt, cãi rằng:

- Chẳng phải theo sách nào cả! Khi tôi mới lấy ông thì tôi có tí... nào đâu? Sao ông chỉ đồ cho tôi có một ít lâu, mà bây giờ mọc rậm thế?

***


* Thuốc trồng râu

Người kia không râu, giận mình chẳng phải đấng trượng phu, mới đi tới thầy mua thuốc trồng râu, thầy đi khỏi. Người vợ bày một phương rằng: “Có khó gì, về lấy trứng dái gà mỗi bữa chà chà hai bên mép, thủng thẳng rồi nó ra.”

Người ấy về làm y như vậy. ít lâu quả có râu ra. Người ấy mừng đem đồ tới đền ơn. Thầy mới hỏi vợ phương thuốc đó ở đâu mầy thấy? Vợ rằng:

"Y là ý vậy” (nghĩa là thuốc tại có ý), thiếp ngày mới gả cho phu quân, một sợi cũng không, vì bị hai hòn ngoại thận của phu quân chà hoài, chẳng bao lâu bây giờ cho đến đỗi xồm xàm ra thế nầy...”

 

Vương Hồng Sển (1902 – 1996)

 

* Trên dưới thông đồng

Một người kia râu dài khỏi bụng, người thấy đều khen rằng tốt. Ngày kia xảy gặp một thầy tướng, anh ta biểu thầy coi tướng cho mình, cũng có ý khoe bộ râu luôn thể. Thầy tướng rằng: “Tiếc thay bộ râu ông vắn một chút!”

Người ấy nói: “Râu tôi dài khỏi bụng, người người đều khen tốt, sao thầy lại chê vắn?”

Thầy rằng: “Phải chi nó dài thêm ít tấc nữa, cho đặng trên dưới giao thông với nhau, càng tốt hơn nữa.”

***


* Liên hữu hội

Khi đó râu nói với lông mày rằng: Bọn ta sanh nhằm lúc nầy, người đời hay khinh bạc lắm, chi bằng hiệp lại bao bọc giúp đỡ cho nhau là sự tốt, tôi với anh tóc mai đã liền với nhau rồi vậy tôi thấy trên con mắt nầy có hai vị quí ông đây cũng là bực trên trước, cũng là ở nơi đầu mặt với nhau, nên tôi xin hòa hiệp với nhau một đoàn thì lấy làm sự tốt lắm, xin hai ông chớ từ.

Lông mày rằng: “Chúng tôi đều cảm ơn ông chẳng bổ phận hèn mọn mà nghĩ đến, song chúng tôi hiềm vì phận mỏng, gốc thưa, vậy sao ông không xuống dưới nhà họ Mao kia, chỗ vườn rậm có dựng cột cờ đó mà lập hội, chẳng là đông đảo hơn!”

***


* Truyện người râu ba chòm, người râu rìa

Nguyên thuở xưa có một cái chùa bà, một cái chùa ông: hễ phần đàn ông có việc chi thì đến chùa ông cầu khẩn. Còn phận đờn bà có việc chi thì đến chùa bà cầu khẩn.

Nên hết thảy người đờn ông khi nào muốn râu mọc ba chòm cho suôn sẻ xinh tốt, thì lại đến chùa ông lạy ông mà xin ông trồng cho, rồi về thì râu mọc ba chòm suôn tốt.

Còn người râu rìa kia là bởi khi mình muốn trồng râu, lại không biết chùa ông ở đâu mà đến, bèn hỏi thăm người chỉ cho, thì đi lạc qua chùa bà, ngỡ là chùa ông, bèn lạy xin bà trồng cho.

Song le không phải chỗ mặc dầu, nhưng mà bà cũng có phép trồng đặng, không lẽ đuổi người về, liền kêu thế nữ đem râu ra trồng cho người, thế nữ vưng lịnh lấy râu ra trồng, thì đứng xa xa, biểu ngước mặt lên, thế nữ bèn vãi nhắm chừng vô mặt người cho rồi mà đi về đi, rồi thế nữ bèn chạy vô chùa, hình như mắc cỡ vậy.

Khi người xin trồng râu ấy về, thì râu mình mọc loạn xị không đặng ba chòm như những người trồng bên chùa ông vậy. Nên hiểu người sao râu mọc ba chòm, người sao râu rìa là vì bởi đó mà ra.

 

Vương Hồng Sển qua nét vẽ Tạ Tỵ

 

***

* Tham kháo thêm: “Học giả Vương Hồng Sển… đi hớt tóc” tại:

https://chinhhoiuc.blogspot.com/2021/09/hoc-gia-vuong-hong-sen-i-hot-toc.html

 *** 

--> Read more..

Popular posts