Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Bàn về… “Nghề Cai Trị” (1)

“Không ai dám hành nghề mà mình chưa học qua, thế mà ai cũng nghĩ mình có đủ khả năng cho một nghề khó nhất trong các nghề: đó là “Nghề Cai Trị”

Trên đây là nhận xét của Socrates [1] từ thời Hy Lạp cổ đại mà chúng tôi tạm dịch từ tiếng Anh: “No man undertakes a trade that he has not learned; yet everyone thinks himself sufficiently qualified for the hardest of all trades: that of Government”. Từ ngữ “Government” được dịch thành “Nghề Cai Trị” cho hợp với ngữ cảnh của câu nói.

Đúng ra thì “Government” có nghĩa chính xác là “Chính Phủ” trong tiếng Việt, có xuất xứ từ một thuật ngữ của Trung Quốc: 政府. Thuở xa xưa, vào thời Đường và Tống bên Tàu, từ ngữ này hàm ý các tể tướng điều hành và xử lý từ chuyện quốc sự đến dân sự. Sau này, từ ngữ “Chính Phủ” được dùng để chỉ cơ quan thi hành quyền lực quốc gia hay còn gọi là cơ quan hành chính quốc gia.

Từ ngữ “Chính Phủ” trong ngôn ngữ của các nước phương Tây có xuất xứ từ gốc tiếng Hy Lạp “Κυβερνήτης” (kubernites) với nghĩa “người lái tàu” (steersman), người chủ quản (governor). Từ đó, tiếng Anh gọi là “Government”, tiếng Pháp “Gouvernement”, tiếng Đức “Regierung”…

Phạm vi bài viết này chỉ bàn về những điểm nổi bật, bao gồm thành tựu cũng như thất bại của “nhà cai trị” trong các chính phủ Việt Nam kể từ ngày được độc lập, thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp cho đến ngày nay.  

Chính phủ đầu tiên trong lịch sử của nước Việt Nam cận đại là Nội các Trần Trọng Kim [2] của Đế quốc Việt Nam, được thành lập ngày 17/4/1945. Nội các này được Bảo Đại, vị vua cuối cùng của Việt Nam, phê chuẩn và ra mắt quốc dân ngày 19/4/1945 [3].

Trong danh sách nội các, đứng đầu với chức vụ Thủ Tướng là ông Trần Trọng Kim, nhà sử học. Phó Tổng trưởng Nội các kiêm Bộ trưởng Ngoại giao là ông Trần Văn Chương, luật sư và cũng là thân phụ của bà Trần Lệ Xuân, vợ của ông Ngô Đình Nhu trong chính phủ Đệ nhất Cộng Hòa, thời kỳ 1955-1963. Ông Chương sau này cũng có một thời gian làm Đại sứ VNCH tại Mỹ thời Đệ Nhất Cộng hòa.

Trần Trọng Kim (1882-1953)

Đáng chú ý trong nội các Trần Trọng Kim còn có một số tên tuổi nổi bật, họ đảm nhận trách nhiệm của những “nhà cai trị” như ông Hoàng Xuân Hãn, Thạc sĩ Toán, giữ chức vụ Bộ trưởng Giáo dục và Mỹ nghệ; ông Trịnh Đình Thảo, luật sư, Bộ trưởng Tư pháp (ông Thảo sau này là Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam); ông Kha Vạng Cân, kỹ sư, làm Đô trưởng Sài Gòn, sau này làm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…

Điểm qua danh sách nội các Trần Trọng Kim ta thấy các thành viên đều là những trí thức khoa bảng, người chuyên môm về ngành nghề nào thì giữ trọng trách đứng đầu cơ quan thuộc ngành nghề đó. Đáng tiếc một điều là thời gian tồn tại của nội các này quá ngắn, không đủ để các “nhà cai trị” thi thố tài “an bang, tế thế” trong bối cảnh một nước Việt Nam hãy còn son trẻ.

Về hình thức, điểm nổi bật của chính phủ Đế quốc Việt Nam khác hẳn cái mà sau này chúng ta gọi là nội các của một thể chế chính trị theo Chủ nghĩa Toàn trị [3], trong đó điều tiên quyết để chọn các thành viên trong nội các phải là người thuộc đảng cầm quyền.

Cờ quẻ Ly của chính phủ Đế quốc Việt Nam, 9/3/1945 – 22/8/1945

Chính phủ Trần Trọng Kim chỉ tồn tại trong 5 tháng sau vụ mà một số nhà sử học gọi là “cướp chính quyền” của Việt Minh để thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tháng 8/1945. Khi đó, giữa tình hình quân Nhật đầu hàng Đồng minh, Mặt trận Việt Minh đã thu hút nhiều đảng phái và nhanh chóng cướp chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim.

Tại một số khu vực, khi mặt trận Việt Minh cướp chính quyền còn xảy ra xung đột với các các nhóm vũ trang của Đại Việt, Việt Nam Quốc dân Đảng dù các bên đều cùng theo đuổi mục tiêu buộc Đế quốc Việt Nam bàn giao chính quyền cho họ. Việt Minh gọi đây là cuộc “Cách mạng tháng Tám”, lấy 2/9/1945 là ngày tuyên bố độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và họp phiên chính thức đầu tiên vào ngày hôm sau.

Chính phủ do Việt Minh lập ra trên cơ sở cải tổ Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam được Đại hội Quốc dân ngày 16 và 17/8/1945 tại Tân Trào thành lập. Danh sách chính phủ do ông Hồ Chí Minh [5] thuộc đảng Cộng Sản Đông Dương làm Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao.

Những thành viên nội các thuộc đảng Cộng Sản Đông Dương gồm các ông Chu Văn Tấn (Bộ trưởng Quốc phòng), Võ Nguyên Giáp (Bộ trưởng Nội vụ, kiêm nhiệm Thứ trưởng Quốc phòng), Trần Huy Liệu (Bộ trưởng Tuyên truyền), Phạm Ngọc Thạch (Bộ trưởng Y tế)…

Những người thuộc đảng Dân Chủ là các ông Vũ Đình Hòe (Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục), Dương Đức Hiền (Bộ trưởng Thanh niên) và những người không đảng phái gồm các ông Nguyễn Mạnh Hà (Bộ trưởng Quốc dân Kinh tế), Đào Trọng Kim (Bộ trưởng Giao thông Công chính) và Nguyễn Văn Tố (Bộ trưởng Cứu tế Xã hội).

Sau khi có sự thương lượng giữa Việt Minh với Việt Quốc và Việt Cách, chính phủ Cách mạng Lâm thời tồn tại đến hết năm 1945 và Chính phủ Liên hiệp Lâm thời chính thức được lập ra ngày 1/1/1946. Cựu hoàng Bảo Đại và Giám mục Lê Hữu Từ được mời làm Cố vấn Tối cao Chính phủ VNDCCH.

Cờ Đông Dương Cộng sản Liên đoàn

Chính phủ non trẻ của ông Hồ Chí Minh có một số điểm son đáng ghi nhận với chiến lược chống “3 thứ giặc”: giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm. Về “giặc dốt”, những “nhà cai trị” chủ trương xóa nạn mù chữ bằng cách mở các lớp “Bình dân Học vụ”. Tháng 9/1945 ông Hồ Chí Minh viết thư gửi học trò nhân ngày khai trường có đoạn viết:

“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Để diệt "giặc đói", ngoài việc kêu gọi tăng gia sản xuất, ông đề nghị đồng bào “cứ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa” để đem số gạo tiết kiệm được cứu dân nghèo. Ngoài ra, trong năm 1945, chính phủ khuyến khích người dân đóng góp vào ngân sách quốc gia qua “Tuần Lễ Vàng” nhằm tháo gỡ sự khó khăn tài chính của đất nước. Theo thống kê, “Tuần Lễ Vàng” đã quyên góp được tổng cộng 20 triệu đồng (tiền thời kỳ đó) và 370 kilôgam vàng.

Để đối phó với giặc ngoại xâm, chính phủ của ông Hồ Chí Minh thi hành một chính sách đối ngoại mềm dẻo và nhẫn nhịn. Ông nói: “Chính sách của ta hiện nay là chính sách Câu Tiễn, nhưng nhẫn nhục không phải là khuất phục”.

Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập trên quảng trường Ba Đình

Ngoài một số thành tựu nhất định như đã nói ở trên, Chính phủ VNDCCH trong suốt thời gian nắm quyền đã phạm phải những sai lầm đáng tiếc. Trước tiên phải nói đến chính sách cải cách ruộng đất tại miền Bắc trong khoảng thời gian từ 1953-1956 mà ông Hồ Chí Minh đã hết lời ca tụng:

“Luật cải cách ruộng đất của ta chí nhân, chí nghĩa, hợp lí hợp tình, chẳng những là làm cho cố nông, bần nông, trung nông ở dưới có ruộng cày, nhưng đồng thời chiếu cố đồng bào phú nông, đồng thời chiếu cố đồng bào địa chủ".

Trưởng ban chỉ đạo “cải cách ruộng đất” là Trường Chinh, khi đó giữ vai trò Tổng Bí Thư Đảng. Chương trình cải cách ruộng đất được áp dụng qua bốn bước chính: (1) Huấn luyện cán bộ; (2) Chiến dịch giảm tô; (3) Chiến dịch cải cách ruộng đất; và (4) Chiến dịch sửa sai.

Trên lý thuyết, những người theo chủ nghĩa cộng sản cho rằng phải cải cách ruộng đất để lập lại công bằng xã hội, đồng thời thiết lập nền chuyên chính vô sản nhằm tiến lên chủ nghĩa xã hội một cách nhanh chóng. Trong bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (Manifesto), Karl Marx đã tuyên bố: "Cách mạng ruộng đất là điều kiện để giải phóng dân tộc".

Tại miền Bắc, luật cải cách ruộng đất dựa theo mô hình "Thổ địa Cải cách" của Trung Quốc trong thời gian 1946–1949 với sự cố vấn trực tiếp của các cán bộ đến từ Trung Quốc. Nhìn chung, sau 3 năm tiến hành, cuộc cải cách trên nguyên tắc đã phân chia lại ruộng đất cho đa số nông dân miền Bắc, xóa bỏ giai cấp địa chủ phong kiến. Tuy nhiên, việc áp đặt các biện pháp rập khuôn từ cải cách ruộng đất của Trung Quốc đã gây ra nhiều phương hại và tổn thất.

Tổng cộng có 6 đợt cải cách ruộng đất. Từ cuối năm 1954, dưới sức ép của cố vấn Trung Quốc, chiến dịch cải cách ruộng đất bắt đầu được đẩy mạnh và nhanh. Từ giữa năm 1955, ở một số nơi đã xuất hiện hiện tượng đấu tố tràn lan đến độ mất kiểm soát. Cuối năm 1955, đấu tố địa chủ nhiều lúc chỉ đơn thuần vào một lời tố giác nào đó, trong khi những thành viên thuộc “tòa án nhân dân” có toàn quyền xử tử hình hay phạt tù khổ sai đối với người bị tố giác.

Đã xuất hiện tình trạng lạm dụng quyền hành của các cán bộ đội viên đội công tác ruộng đất. Họ đấu tố mọi nhà, đấu tố mọi người, nhưng lại quên đấu tố bản thân. Số người bị quy oan, bị xử lý sai chiếm tỷ lệ rất cao. Quyết liệt nhất là ở Thái Bình, nơi có đến 294 xã được đưa vào cải cách.

Trường hợp nổi bật là án tử hình bà Nguyễn Thị Năm, chủ hiệu Cát Thanh Long ở Hà Nội, mẹ nuôi của Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng và Trường Chinh, có con trai một là trung đoàn trưởng một trung đoàn của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trước đó, trong “Tuần Lễ Vàng”, gia đình bà Năm đã hiến 100 lạng vàng cho chính quyền mới thành lập.

Trường hợp Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, nguyên Tư lệnh Mặt trận Hà Nội năm 1946 và là Chủ tịch Ủy ban Quân quản Hà Nội, bị các cán bộ cải cách bắt ở ngoại thành Hà Nội vì có người đấu tố ông là "địa chủ, có xuất thân là tư sản, lập trường chính trị không rõ ràng".

Cuộc cải cách đi kèm với chiến dịch đấu tố đã gây ra không khí căng thẳng tại nông thôn, tác hại đến sự đoàn kết dân tộc và ảnh hưởng tới niềm tin của một số tầng lớp nhân dân với Đảng Lao Động Việt Nam.

Cờ VNDCCH

Suốt 1 năm sau đó, chính phủ VNDCCH đã phải tổ chức chiến dịch nhận khuyết điểm và sửa sai, phục hồi danh dự và tài sản cho các trường hợp oan sai, cũng như cách chức nhiều cán bộ cấp cao chịu trách nhiệm về những sai lầm này. Đề cương báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10, tháng 10/1956 đã xác nhận:

“Tư tưởng thành phần chủ nghiã trong cải cách ruộng đất có tư tưởng nông dân, đặt bần cố nông lên trên tất cả, thậm chí đặt bần cố nông lên trên Đảng… Tư tưởng tả khuynh trong cải cách ruộng đất đã chớm nở lúc đầu; nó đã đưa đến chỗ học tập kinh nghiệm nước bạn [Trung Quốc] một cách máy móc và không chiụ điều tra nghiên cứu đầy đủ tình hình xã hội ta để định chủ trương chính sách cụ thể cho thích hợp…

Trong lúc thi hành thì một mực nhấn mạnh chống hữu khuynh trong khi những hiện tượng tả khuynh đã trở nên trầm trọng… từ khu trở xuống thì hệ thống cải cách ruộng đất trở nên một hệ thống ở trên cả Đảng và chính quyền. Tác phong độc đoán chuyên quyền, do đó mà trở nên phổ biến, không đi theo đường lối quần chúng, mà thực tế đã trấn áp quần chúng, nhẹ tuyên truyền giáo dục, buộc quần chúng làm những điều trái với ý muốn, với lương tâm của họ, có khi trái với chân lý và chính nghĩa.”

Thống kê cho biết đến tháng 9/1957, chiến dịch sửa sai đã phục hồi danh dự và trả lại tài sản cho khoảng 70-80% số người bị kết án. Theo báo Nhân Dân, bản thân chiến dịch sửa sai cũng gây thêm chết chóc khi những người được phục hồi trả thù những người đã đấu tố họ, hoặc chưa kịp trả thù thị bị thủ tiêu trước để tránh việc trả thù.

Theo dư luận quốc tế, số lượng người bị giết dao động khá lớn: (1) Tuần báo Time, ngày 1/7/1957, cho biết khoảng 15.000 người đã bị xử tử; (2) Theo Gareth Porter có từ 800 đến 2.500 người; (3) Theo Edwin E. Moise con số này vào khoảng 5.000; và (4) Theo giáo sư sử học James P. Harrison số người bị xử tử khoảng 1.500 cộng với 1.500 người bị cầm tù.

Đấu tố (1955)

Tục ngữ Việt Nam có một câu vừa khôi hài lại vừa thâm thúy: “Gậy ông đập lưng ông”. Đó là trường hợp bức công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai ngày 14/9/1958 với nội dung nguyên văn như sau:

“Thưa đồng chí Tổng lý

Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển.

Chúng tôi xin gửi đồng chí Tổng lý lời chào trân trọng”.

Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Trước đó, vào năm 1956, Thứ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm của VNDCCH còn đưa ra nhận định trước Đại biện Lâm thời của Trung Quốc rằng “Hoàng Sa và Trường Sa về mặt lịch sử đã thuộc về lãnh thổ Trung Quốc”. Đây chính là “lá bài tẩy” mà Trung Quốc sử dụng trong cuộc “tranh chấp” về Biển Đông sau này khi họ nói:

“Trong một tuyên bố chính thức vào năm 1958, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố rõ ràng các đảo ở biển Nam Trung Hoa như là một phần của lãnh thổ chủ quyền của Trung Quốc, và sau đó Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng cũng bày tỏ sự thỏa thuận”

Năm 1958, Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền kiểm soát của miền Nam cho nên cũng là một điều dễ hiểu khi những “nhà cai trị” miền Bắc công nhận đó là một phần lãnh thổ thuộc chủ quyền của Trung Quốc theo tinh thần… “quốc tế vô sản” giữa hai đồng minh trong khối Cộng Sản.

Điều trớ trêu là VNDCCH, vào thời điểm 1958, đã không thể ngờ rằng họ thâu tóm miền Nam vào năm 1975. “Gậy ông đập lưng ông” là ở chuyện bất ngờ đó. Sai lầm của công hàm năm 1958 tác hại đến những “nhà cai trị” thế hệ kế tiếp, dù họ đã cố gắng “đi dây”, bám theo “16 chữ vàng và 4 tốt” của Đặng Tiểu Bình để tìm sự an toàn.

Làm chính trị cũng cần phải có sự tiên liệu bên cạnh những yếu tố khác cần có như bản lĩnh, cương quyết, thông minh, dũng cảm theo “vương đạo”… thậm chí kể cả những thủ đoạn giảo quyệt, những lời nói mỵ dân, đạo đức giả theo “bá đạo”...

Xem ra, không phải bất cứ ai cũng có thể nhảy vào “nghề cai trị” như Socrates đã nói ở trên.

 Đặng Tiểu Bình và Hồ Chí Minh thuở còn là… “bạn vàng”

(Còn tiếp)

***

Chú thích:

[1] Socrates hay Sokrates (469-399 TCN) là một triết gia người Hy Lạp cổ đại. Ông sinh ra tại thành phố Athens và đã sống vào một giai đoạn thường được gọi là thời hoàng kim của thành phố này.

Socrates được coi là nhà hiền triết, một công dân mẫu mực của thành Athens, ông là nhà tư tưởng nằm giữa giai đoạn "bóng tối" và "ánh sáng" của nền triết học Hy Lạp cổ đại. Socrates còn được coi là người đặt nền móng cho thuật hùng biện dựa trên hệ thống những câu hỏi đối thoại. Ông có tư tưởng tiến bộ, nổi tiếng về đức hạnh với quan điểm: “Hãy tự biết lấy chính mình” và “Tôi chỉ biết mỗi một điều duy nhất là tôi không biết gì cả”.

Ông bị chính quyền kết tội làm bại hoại tư tưởng của thanh niên do không thừa nhận hệ thống các vị thần cũ được thành Athens thừa nhận và truyền bá các vị thần mới. Vì thế ông bị tuyên phạt “tự tử bằng thuốc độc”, mặc dù ông vẫn có thể thoát khỏi án tử hình này nếu như ông công nhận những cáo trạng và sai lầm của mình, hoặc là rời bỏ Athens. Nhưng với quan điểm "Thà rằng chịu lỗi, hơn là lại gây ra tội lỗi", ông kiên quyết ở lại, đối diện với cái chết 1 cách hiên ngang. Theo ông, sự thật còn quan trọng hơn cả sự sống.

Sinh thời ông không mở trường dạy học, mà thường coi mình là có sứ mệnh của thần linh, nên phải đi dạy bảo mọi người và không làm nghề nào khác. Socrates thường nói chuyện với mọi người tại các nơi công cộng, ông chấp nhận sống một cuộc sống nghèo túng. Học trò xuất sắc của ông là đại hiền triết Platon từng theo học trong 8 năm ròng.

Chân dung Socrates tại Bảo tàng Louvre (Pháp)

(Theo Wikipedia)

[2] Trần Trọng Kim (1882 – 1953) là một học giả danh tiếng, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu sử học, văn học, tôn giáo Việt Nam với bút hiệu Lệ Thần. Ông cũng là Thủ tướng của Đế quốc Việt Nam (1945) và là Thủ tướng đầu tiên của Việt Nam. Tác giả tác phẩm Việt Nam Sử Lược sinh tại làng Kiều Linh, xã Đan Phố, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, vợ ông là em gái nhà nghiên cứu văn học Bùi Kỷ.

Xuất thân trong một gia đình Nho giáo, ông học chữ Hán từ nhỏ, năm 1897 ông học chữ Pháp tại Trường Pháp-Việt Nam Định. Năm 1900, ông thi đỗ vào Trường thông ngôn và đến 1903 thì tốt nghiệp. Năm 1904, ông làm Thông sự ở Ninh Bình. Năm 1905, ông qua Pháp học trường Thương mại ở Lyon, sau được học bổng vào trường Thuộc địa Pháp. Năm 1909, ông vào học trường Sư phạm Melun và tốt nghiệp ngày 31/7/1911 rồi về nước. Ông lần lượt dạy Trường trung học Bảo hộ (Trường Bưởi), Trường Hậu bổ và Trường nam Sư phạm.

Ông là nhà sư phạm mẫu mực, có uy tín trong xã hội, giữ nhiều chức vụ trong ngành giáo dục thời Pháp thuộc như: Thanh tra Tiểu học (1921), Trưởng ban Soạn thảo Sách Giáo khoa Tiểu học (1924), dạy Trường Sư phạm thực hành 1931, Giám đốc các trường nam tiểu học tại Hà Nội (1939). Từ thập niên 1910 đến thập niên 1940, ông cũng viết nhiều sách về sư phạm và lịch sử.

Sau khi Việt Minh giành được chính quyền và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Trần Trọng Kim lưu vong ra nước ngoài. Sau nhiều năm tháng ở Quảng Châu và Hồng Kông, ngày 6/2/1947, ông trở về Sài Gòn và sống tại nhà luật sư Trịnh Đình Thảo.

Người Pháp thu xếp cho ông trở về Sài Gòn để vận động thành lập chính phủ mới. Về đến Sài Gòn, ông nhận ra rằng những lời hứa hẹn của người Pháp là giả dối nên ông quyết định không tham chính. Năm 1948, ông qua Phnom Penh và sống với người con gái. Sau đó, ông lại trở về Việt Nam sống thầm lặng và mất tại Đà Lạt vào ngày 2/12/1953, thọ 71 tuổi.

Trần Trọng Kim được đánh giá là một học giả uyên thâm cả tân học và cựu học, là người tận tụy cho ngành giáo dục Việt Nam đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, ông là người có tư tưởng bảo thủ và dân tộc - bảo hoàng. Phan Anh, Bộ trưởng Thanh niên trong Nội các của ông, nhận xét “Trần Trọng Kim là một người yêu nước nhưng không phải là một nhà chính trị”.

Trần Trọng Kim (1882-1953) và tác phẩm Việt Nam Sử Lược

(Theo Wikipedia)

[3] Về Đế quốc Việt Nam, tham khảo thêm các bài viết:

·         “Tên nước Việt Nam, một hành trình lịch sử”

·         “Thời kỳ "Đế Quốc Việt Nam" nhìn qua tem thư”

[4] Chủ nghĩa Toàn trị là một thuật ngữ được sử dụng bởi những nhà khoa học chính trị, đặc biệt là những người trong lĩnh vực chính trị so sánh, để mô tả một chính thể trong đó nhà nước áp đặt Chế độ chuyên chế (totalitarianism), hầu như qui định tất cả mọi hành vi cá nhân và công cộng trên mọi khía cạnh.

Những học giả có ảnh hưởng nhất về chủ nghĩa toàn trị, như Karl Popper, Hannah Arendt, Carl Friedrich, Zbigniew Brzezinski, và Juan Linz đều mô tả mỗi người một cách hơi khác nhau. Điểm chung của tất cả các định nghĩa là sự cố gắng động viên toàn thể dân chúng trong việc hỗ trợ hệ tư tưởng của nhà nước và sự không khoan nhượng đối với những hoạt động không hướng về mục tiêu của nhà nước, trấn áp kèm theo, hoặc là sự điều khiển của nhà nước đối với công đoàn lao động, nhà thờ hoặc là các đảng phái chính trị.

Các chế độ toàn trị duy trì quyền lực chính trị bằng các công cụ như cảnh sát mật, các biện pháp tuyên truyền được gieo rắc qua các phương tiện truyền thông, các quy định và các hạn chế về tự do ngôn luận, việc sử dụng sự giám sát bằng truyền thông và việc sử dụng phổ biến các chiến thuật khủng bố. Các quốc gia cộng sản, các chế độ độc tài quân sự, quân chủ đều là các thể chế chuyên chế theo cách định nghĩa này.

(Theo Wikipedia)

[4] Tham khảo “Bao Daï ou les derniers Jours de l'empire d'Annam” qua bản dịch “Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam” trên VNthuquan Thư viện Online (http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n4n3n1n3n31n343tq83a3q3m3237nvn)

[5] Hồ Chí Minh (1890 – 1969) là một nhà cách mạng, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, một trong những người đặt nền móng và lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành độc lập, toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam trong thế kỷ 20. Ông là người viết và đọc bản Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình; là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời gian 1945 – 1969, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam trong thời gian 1951 – 1969.

Từ khoảng nửa cuối thập niên 1960, Hồ Chí Minh giảm dần các hoạt động chính trị (nhất là trong 3 năm cuối đời khi ông liên tục ốm nặng, phải đi sang Trung Quốc chữa bệnh nhiều lần).

Ông dần lui về nắm giữ vai trò biểu tượng của cách mạng, dành nhiều thời gian để đi thăm hỏi, động viên cán bộ và đồng bào và viết báo. Quyền lực dần dần tập trung về tay bí thư thứ nhất Lê Duẩn và một số nhân vật gần gũi trong Đảng Lao động Việt Nam, những người chủ trương tích cực thúc đẩy quá trình thống nhất đất nước bằng cách đẩy mạnh cuộc chiến tranh ở miền Nam. Tuy nhiên với vai trò và uy tín to lớn, các quyết sách lớn (như tổng tiến công Tết Mậu Thân hay việc đàm phán ở Paris) vẫn cần sự tham gia chỉ đạo và phê duyệt của Hồ Chí Minh.

Là nhà lãnh đạo được nhiều người ngưỡng mộ và tôn sùng, lăng của ông được xây ở Hà Nội, nhiều tượng đài của ông được đặt ở khắp mọi miền Việt Nam, hình ảnh của ông được nhiều người dân treo trong nhà, đặt trên bàn thờ, và được in ở hầu hết mệnh giá đồng tiền Việt Nam. Ông được thờ cúng ở một số đền thờ và chùa Việt Nam. Ông đồng thời cũng là một nhà văn, nhà thơ và nhà báo với nhiều tác phẩm viết bằng cả tiếng Việt, tiếng Hán và tiếng Pháp. Ông đã được tạp chí Times bình chọn là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20.

Hồ Chí Minh (1946)

(Theo Wikipedia)

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, chương 3: Thời thanh niên)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!
--> Read more..

Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

Chân dung một blogger trẻ

Dịp 30/4/2014 tôi nhận được tin nhắn từ một blogger trẻ trên Facebook. Sau này, khi tìm hiểu thêm tôi mới biết message được viết từ Villa Aurora, mà theo lời của Trần Đông Đức trên blog RFA (http://www.rfa.org/vietnamese/blog/reprter-doan-trang-at-usc-04262014072132.html) mô tả:

“Villa Aurora sang trọng như là một tòa lâu đài, nơi hội tụ của những nghệ sỹ tài hoa trên thế giới. Họ tụ tập và giao lưu trong môi trường tuyệt vời nhất để trí tuệ và sự sáng tạo được thêm phần thăng hoa bay bổng”.

Trở lại với message từ một blogger người Việt mà tôi nhận được có nội dung riêng tư nên tôi đã tế nhị liên lạc với tác giả xin phép được đăng nguyên văn để bắt đầu câu chuyện về chân dung một blogger trẻ. Tác giả đồng ý và nguyên văn tin nhắn như sau:   

“Kính gửi chú Chính,

Xin giới thiệu với chú cháu là Đoan Trang, phóng viên của một số tờ báo ở Việt Nam (VnExpress, VNN, Pháp luật TP.HCM, v.v.) cho đến khi trở thành "nhà báo tự do" vào năm ngoái.

Qua một bài viết mới đây trên blog của chú và nhờ comment của một bạn đọc ở dưới, cháu mới biết chú là Nguyễn Ngọc Chính, tác giả của các bài dạy học tiếng Anh trên Kiến Thức Ngày Nay.

Chắc chú không hình dung được là những bài viết đó của chú có tác dụng lớn với cháu như thế nào. Nếu không có những bài đó, cháu sẽ... không sử dụng được tiếng Anh như bây giờ. Cho nên cháu rất mang ơn tác giả Nguyễn Ngọc Chính, và rất vui mừng khi biết được tác giả đó là chú.

Chú vui lòng add Facebook của cháu với ạ, để nếu có thể chú cháu mình trò chuyện thêm. Cháu cảm ơn chú nhiều - vì accept invitation của cháu và đặc biệt vì mục Học báo tiếng Anh năm xưa.

Cháu Trang”

Nguyên văn tin nhắn

Quả thật, tôi biết rất ít về Phạm Đoan Trang, sinh năm 1978, một “nhà báo tự do” đã rời bỏ hàng ngũ “nhà báo chính thống” để tranh đấu cho lý tưởng của mình. Trên trang Thông tấn xã Vàng Anh có ghi lại “Bản tường trình” của cô sau khi tham dự cuộc biểu tình chống Trung Quốc sáng 5/8/2012 tại khu vực Bờ Hồ và bị bắt đưa về trại lưu trú Lộc Hà (http://www.ttxva.net/nha-bao-doan-trang-ban-tuong-trinh/):

“Khi viết những dòng dưới đây (và sau đó đánh máy lại rồi đưa lên mạng), tôi chỉ có một mong muốn duy nhất: Làm thế nào để sự ôn hòa, tinh thần duy lý, thượng tôn pháp luật và tôn trọng con người được phổ biến hơn trong xã hội.

Tôi không muốn, rất không muốn nhìn thấy cảnh những người biểu tình bị công an, dân phòng giằng giật, xô đẩy, thậm chí bẻ tay, bóp cổ. Không muốn những người biểu tình giận dữ gọi công an là “chó”, “súc sinh”, “ác quỷ”, “tay sai Trung Quốc”, v.v… Không muốn những người biểu tình bị bôi nhọ, bêu riếu trên phương tiện thông tin đại chúng, hay phải bước đi trên phố trước ánh mắt… căm thù hoặc rất thiếu thiện cảm, của một số người dân thủ đô.

Bên cạnh đó, tôi cũng không muốn nhìn thấy cảnh trời nắng nóng 39 độ C, anh công an trẻ tuổi gục mặt trên bàn, mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ, than thở với tôi: “Mệt mỏi lắm chị T. ơi!”. Bởi vì công an, an ninh đều là người Việt. Và chính quyền cũng được tạo nên từ những con người. Tôi không muốn có ai bị căm ghét, coi như súc vật.

Phải làm sao? Làm sao để sự ôn hòa, tinh thần duy lý, thượng tôn pháp luật và tôn trọng con người trở thành những giá trị chung của xã hội này? Làm sao để không bao giờ còn chiến tuyến, còn sự đối đầu, chia cắt giữa người dân Việt Nam với nhau nữa?”

Trung tâm lưu trú Lộc Hà
(Ảnh của FB Anh Chí trên TTXVA.org)

Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nhiều bạn trẻ đã chuyển sang những ứng dụng của Internet để bày tỏ quan điểm của mình qua trang blog về các vấn đề được coi là “nhạy cảm”, nhưng bên cạnh đó, có những bạn dùng Facebook, nói theo ngôn ngữ ngày nay, để “tự sướng” với những hình ảnh ăn chơi trên bàn nhậu hoặc “ném đá” lẫn nhau vì những chuyện vô bổ. Cũng vì thế tôi trả lời tin nhắn của Đoan Trang:   

“Chú rất mừng khi nhận được những dòng message của cháu vì nhiều lý do:

(1) Một phóng viên trẻ có đủ dũng khí để từ “lề phải” rẽ sang “lề trái”, hay ít ra cũng không theo lề nào! Trước mắt cho thấy con đường cháu đi được nhiều người ủng hộ và chú mong cháu giữ vững sự tự tin đó;

(2) Quả thật trước đây chú chỉ đọc rất ít những bài viết của cháu và về cháu nhưng bây giờ thì rất mừng được contact với cháu, “hậu sinh khả úy” là vậy;

(3) Chỉ mới hôm qua chú trả lời một bạn đọc trẻ trên Blogspot về mục HBTA trên KTNN ngày nào và cũng rất mừng qua đó chú cháu mình tìm thấy nhau sau một thời gian dài "gặp" nhau trên báo, “trái đất tròn nhưng thế giới lại phẳng” là vậy đó!

Ngay ngày hôm sau (4/5/2014), từ Villa Aurora, Nam California, Đoan Trang viết trên status của mình:

“Mình đang rất vui mừng vì 30/4 năm nay, qua một bài viết trên blog (bài "Tướng Nguyễn Ngọc Loan và bức ảnh hành quyết") được chị Ton Van Anh dẫn lại trên FB, mà mình tìm được blog của chú Nguyễn Ngọc Chính.

Có thể một số bạn trẻ thuộc đời 9x trở đi thấy cái tên này xa lạ, nhưng những bạn ở thế hệ mình và là độc giả của Kiến Thức Ngày Nay chắc khó mà quên cái tên Nguyễn Ngọc Chính, gắn với chuyên mục "Học báo tiếng Anh".

Để nói về chú Nguyen Chinh và chuyên mục này, hay nói về giá trị của "Học báo tiếng Anh", sẽ rất dài dòng. Thời của mình, những năm 1990, là thời mới mở cửa; đa số mọi người đều đang hoặc là chuyển từ tiếng Nga sang tiếng Anh, hoặc là loay hoay với thứ tiếng của "tư bản giãy chết". Internet chưa phát triển, không có google; sách vở, tài liệu cũng có chút chút (in lậu), nhưng phương pháp thì không ai có và chắc chắn là tư liệu không thể bạt ngàn như "thời hội nhập" bây giờ. Mình nhớ láng máng năm 1994, cao thủ tiếng Anh hiện nay của chúng ta là Anh Gau Pham còn phải lọ mọ ra Hồ Gươm, Văn Miếu tìm Tây balo gạ nói chuyện, hòng nâng cao trình độ ngoại ngữ của anh ấy 

Nói chung việc học ngoại ngữ dưới mái trường XHCN rất là chán. Cho nên với những đứa như mình lúc ấy, chuyên mục "Học báo tiếng Anh" của Kiến Thức Ngày Nay giống như một sự gợi cảm hứng và giữ lửa vậy. Lần đầu tiên mình biết là báo chí phương Tây nó có những thông tin như thế, như thế, và cách diễn đạt của nó thật là hay. Lần đầu tiên mình nghe nói đến các khái niệm "thực phẩm biến đổi gene", "xung đột sắc tộc", "nỗi sợ không gian mạng", v.v. Năm 1999, Time có loạt bài về chân dung 100 nhân vật thế kỷ. Nhờ "Học báo tiếng Anh" mà lần đầu mình biết đến nhiều nhân vật trong 100 gương mặt này và quan tâm đến việc thế giới nghĩ gì về họ.

Nói chung là rất thú vị... mà trong khuôn khổ một status thì không nói hết được, nên chỉ xin tóm gọn lại là: Không có "Học báo tiếng Anh" thì không chắc mình đã có ý thức về việc học tiếng Anh và càng không bao giờ viết được bằng tiếng Anh.

Với tư cách một độc giả, mình muốn cảm ơn chú Nguyễn Ngọc Chính của "Học báo tiếng Anh" nhiều nhiều. Cũng nói thêm là, mình cảm ơn cả mục "ABC Kinh tế" của tác giả Đức Minh (mà sau này mình mới biết là nhà báo Trần Trọng Thức), và "Chuyện Đông Chuyện Tây" của bác An Chi. "ABC Kinh tế" làm cho mình thích kinh tế học, và "Chuyện Đông Chuyện Tây" thì khiến mình hiểu rằng sự tỉ mỉ, cẩn thận, trách nhiệm trong nghiên cứu và truyền thông cần thiết đến mức nào...”

“Học Báo Tiếng Anh”

Ngày xa xưa, Kiến Thức Ngày Nay là một bán nguyệt san (sau này tăng một tháng 3 kỳ), với phương châm “Hãy luôn làm giàu kiến thức của bạn”. Tờ báo có kích cỡ như Reader’s Digest của Mỹ hoặc Phổ Thông của Nguyễn Vỹ trước năm 1975 tại Sài Gòn.

“Chuyện Đông Chuyện Tây”

Ngoài những chuyên mục như Học Báo Tiếng Anh, “Chuyện Đông Chuyện Tây”, “ABC Kinh Tế” còn có những mục như “Sức Khỏe Của Bạn” (Bác sĩ Dương Minh Hoàng), “Giải Đáp Pháp Luật” (Luật sư Trương Thị Hòa) và trang hí họa “Thế Giới Dưới Mắt Chóe”. 

Thế Giới Dưới Mắt Chóe

Trở lại với chuyện tranh đấu của Đoan Trang. Tôi đã bỏ ra mấy ngày để tìm hiểu về những bài viết của cô và những bài người khác viết về cô trên mạng. Phải nói là khen cũng nhiều nhưng chê cũng không ít. Khen hay chê còn tùy theo chính kiến của người đọc nhưng quan trọng hơn cả là thái độ dám chấp bút của một phóng viên trẻ về những vấn đề “gai góc” của Việt Nam.

Tôi không nói đến chuyện khen nhưng lại chú ý những đến lời chê bai như Đông La trong bài viết “Đoan Trang – Tuổi nhỏ nhưng sai lầm không nhỏ” (http://donglasg.blogspot.com/2013/09/oan-trang-tuoi-nho-nhung-sai-lam-khong.html) với lời mở đầu khá gay gắt: “…thấy con bé Đoan Trang nó lại đi quậy khắp nơi nhân cuộc điều trần về báo cáo Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review - UPR) của Việt Nam vừa qua tại Geneva, Thụy Sĩ…”

Với phần “Giới thiệu bản thân” ngay bên trái bài viết, người đọc hiểu ngay chính kiến của Đông La: “Giải thưởng Lý luận Phê bình 2013 của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Giải thưởng cuộc thi thơ Hội Nhà Văn TPHCM 1986. Tặng thưởng thơ TC Văn nghệ Quân đội 1998. Tặng thưởng phê bình TC Văn nghệ Quân đội 1997. Giải A sáng tạo Khoa học Kỹ thuật TPHCM 1993”.

Qua bài viết này, người đọc hiểu rõ hơn về chính kiến của Đông La: “Trong văn bản mạo danh, thậm xưng, ngoa ngôn của một nhóm viết bậy mà dám xưng là Việt Nam: “Tuyên bố của mạng lưới blogger Việt Nam”, chủ trò là Đoan Trang, người từng có tiền sự khi làm ở VietNamNet, có viết: “…chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam và Hội Đồng Nhân Quyền xem xét lại Điều 258 của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009 – “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.     

Đông La còn nhắc đến Điều 19 của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng và biểu đạt. Quyền này bao gồm sự tự do tư tưởng mà không bị cản trở, được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và ý kiến qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới”.

Kèm sau đó là nguyên văn tiếng Anh: “Article 19: Everyone has the right to freedom of opinion and expression; this right includes freedom to hold opinions without interference and to seek, receive and impart information and ideas through any media and regardless of frontiers”.

Đông La giải thích thêm: “Chữ “right” theo từ điển Anh – Việt mà những người soạn từ điển ở ta dịch ra có nhiều nghĩa, trong đó có: (1) lẽ phải, đúng, có lý và (2) quyền. Như vậy chữ “quyền” ở đây không có nghĩa là quyền lực như “power”, quyền hạn như “jurisdiction” mà chỉ tính chất đúng đắn của các hành động. Vì thế “Everyone has the right to freedom of opinion and expression” sẽ có 2 cách dịch theo kiểu Việt hóa cho xuôi tai:

1- Mọi người có quyền tự do ý kiến và biểu đạt.
2- Mọi người đúng (có lý) khi tự do ý kiến và biểu đạt. [Theo tôi, câu này dù viết bằng tiếng Việt nhưng lại rất tối nghĩa hay là tôi tối dạ nên không hiểu ý của tác giả!]  

Hai cách diễn đạt khác nhau nhưng bản chất là đồng nghĩa. Nhưng về mức độ rõ ràng là khác nhau. Một điều đúng có thể làm khác với việc có quyền làm điều đó” [??? !!!].

Cuối cùng, Đông La nêu ra ý kiến: “Vì thế Điều 19 nên dịch chính xác hơn là: Mọi người đúng khi tự do ý kiến và biểu đạt; điều đúng đắn này bao gồm tự do giữ ý kiến mà không có sự can thiệp, tự do tìm kiếm, thu nhận và phổ biến thông tin, tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông và bất kể biên giới”.

Như vậy, nếu theo Đông La, hóa ra là người Pháp cũng hiểu sai khi họ dịch: “Tout individu a droit à la liberté d'opinion et d'expression...”. Không biết người Pháp hiểu sai hay là Đông La đã “Việt-hóa” chữ “right” quá thiển cận theo cách của ông?

Trang blog của Đông La

Thế mạnh của Đoan Trang là khả năng viết bằng 2 ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng Anh. Cho đến hôm nay (7/5/2014) trên blog của cô (http://www.phamdoantrang.com/) đã có 40 bài viết tiếng Anh, một con số khá khiêm tốn nhưng đối với một người Việt đây là một thành tích đáng hoan nghênh trong tình hình giới truyền thông nước ngoài muốn tìm hiểu về Việt Nam.

Một trong những lý do Đoan Trang được University of South California tài trợ để ở lại làm công việc nghiên cứu thêm 10 tháng tại Hoa Kỳ là khả năng diễn đạt khá lưu loát bằng tiếng Anh của cô. Hơn nữa, một trong những điều kiện đầu tiên các đại học Mỹ chọn ứng viên làm fellowship, một hình thức nghiên cứu, là khả năng viết và nói tiếng Anh có trình độ như Đoan Trang.

Văn phong tiếng Anh của cô hình như đã được “cập-nhật-hóa” như trong một bài viết gần đây nhất: “The recent arrest of the Basam web site founder highlights how one penal code provision, Article 258, can be stretched by the ruling Communist Party of Vietnam to take away anyone’s freedom at any time for doing anything that’s not state-sanctioned”. Tôi nghĩ, một phóng viên Anh hay Mỹ cũng sẽ chỉ viết đến như vậy nhưng chưa chắc họ có sáng tạo trong nghệ thuật dùng chữ như “… to take away anyone’s freedom at any time for doing anything…” 

Văn phong tiếng Việt của Đoan Trang lại có khi.. “tưng tửng” như giọng điệu của người “điên” mà người miền Bắc gọi là “hâm”. Tôi thích bài viết ngắn mà thâm thúy dưới đây trong số hàng loạt bài thuộc loại chính luận nghiêm chỉnh:

“Chuyện chú Ba

Theo chỗ nhà cháu được biết thì trong đời thường, chú Ba là một người cha tuyệt vời. Chú thương yêu ba em vô cùng, phải nói là hiếm có người cha nào thương con như vậy, đến nỗi dù lương tháng chỉ mười mấy triệu, chú cũng cùng dì ráng hết sức để chăm lo các em, đưa các em ra nước ngoài ăn học cho bằng bạn bằng bè. Thiên hạ có đứa xấu mồm bảo chú tham nhũng; nhà cháu thì chỉ thấy chú thương con mới làm thế: sẵn sàng hy sinh cả danh dự, chấp nhận tiếng xấu "gia đình trị" để lo lắng cho sự nghiệp của con.

Ai từng có cơ hội làm việc cùng chú cũng đều dành những lời lẽ tốt đẹp nhất để nói về chú: đẹp trai, thông minh, năng động, phải nói là tài năng. Chú có thể đọc diễn văn một mạch 45 phút không cần cầm giấy. Chú có thể nói chính xác diện tích quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, phần đảo nào đang do quân đội nước nào nắm giữ. Chú còn là người quyết đoán, dám nghĩ, dám làm: Một tay chú xoay xở nuôi nấng, bảo lãnh cả VinaShin, phát triển rồi cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế.

Nhưng mà anh em người ta quý chú nhất ở cái nghĩa, cái tình của chú. Chú Ba cháu là người rất trọng ân nghĩa. Ai đã làm gì cho chú thì chú nhớ suốt đời, và không chỉ nhớ suông, chú còn đền đáp người ta xứng đáng, quyết không bao giờ để ai bị thiệt, nhất là khi người ta lại vì chú mà bị thiệt thì chú không thể nào chấp nhận. Nên dù ở địa phương hay ở trung ương, ở Kiên Giang hay Hải Phòng, Hà Nội hay TP.HCM, chú đều được người người thương mến, quý trọng. Bạn học, đồng đội cũ quý chú đã đành, mà các đồng chí của chú bây giờ cũng “mê anh Ba” lắm. Họ bảo ở chú vừa có “dũng”, vừa có “trí”, lại vừa có chữ “nhân” - mấy năm làm lãnh đạo, chú chưa từng kỷ luật ai.

Mai sau này, nhỡ có lúc nào chẳng may chú bị sa cơ lỡ vận, thằng khốn nào chỉ điểm đẩy chú ra tòa, chắc là ai cũng thương chú. Lúc ấy thể nào báo chí cũng viết về nụ cười của chú, về cái bắt tay ấm áp của chú, về chiếc cravat đỏ tuyệt đẹp của chú. Một con người hào hiệp, chí nghĩa, chí tình là thế... Có khi nhà cháu lưu vài bài báo lại làm mẫu, sau này chỉ việc chỉnh sửa vài từ, thay tên nhân vật là đăng được. Kiểu như là “Vẫn còn là anh Ba”, “18 năm sau, còn ai nhớ đến anh Ba”, hoặc chơi hẳn thế này cho máu:

“Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa, thiên hạ ai người khóc chú Ba?”.

Đoan Trang (giữa) và Group 258
(Ảnh trên Blog Đoan Trang)

Mảng bài viết về Truyền thông có những tài liệu rất bổ ích về “Lịch sử blog Việt” viết cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Khởi đầu từ “Thời hoàng kim” của Talawas (một trang mạng được thành lập năm 2001, người sáng lập là nhà văn Phạm Thị Hoài) và những diễn biến được cập nhật đến năm 2013. Cũng trong mảng truyền thông tôi rất tâm đắc với bài “Giọt nước mắt của lề phải” với những đoạn mở đầu như sau:

“Trong suy nghĩ của nhiều người ngoài ngành, qua phản ánh của phim ảnh, nghề báo đẹp như được phủ một lớp hào quang.

Nhà báo được tiếp xúc với số lượng người cực lớn, trong đó có nhiều quan chức cao cấp, văn nghệ sĩ nổi tiếng. Nhà báo có thể “dồn” một ông cốp tới lúc phải đắng họng, có thể vạch trần những âm mưu xấu xa, có thể bá vai bá cổ một nhà văn chụp ảnh, hay ôm hoa đứng bên các nghệ sĩ. Nhà báo có xu hướng là người quảng giao, rất hiểu biết, nói chuyện hay ho, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, giữa biết đủ ngóc ngách của xã hội. Nhà báo có xu hướng thông minh, hài hước, dũng cảm, biết chụp ảnh. Nghề báo là nghề đầy vinh quang và có cả sự phiêu lưu mạo hiểm…

Đó là suy nghĩ của nhiều người ngoài ngành về nghề báo và nhà báo. Tất nhiên, không phải 100% ý kiến đánh giá đều như vậy. Ở thái cực kia, người ta lại nghĩ nhà báo Việt Nam là cái lũ đầu rỗng, nỏ mồm chém gió và nói phét, đã thế lại đểu, chỉ giỏi vặt tiền doanh nghiệp, nói tục chửi bậy kinh khiếp mà viết lách thì không bài nào sạch lỗi.

Người ta cũng có thể nghĩ nhà báo Việt Nam là một lũ cừu, cứ sểnh ra là viết sai, viết láo, viết không có lợi cho tình hình chung, làm phương hại tới quan hệ giữa Việt Nam và một quốc gia nào đó.

Người ta còn nghĩ nhà báo Việt Nam là một bọn bồi bút, bọn lưỡi gỗ tuyên truyền phản dân hại nước, ngậm miệng ăn tiền. Không đếm được có bao nhiêu lời mạt sát “lề phải” trên mạng: “não nhẵn”, “óc phẳng”, “hèn hạ”, “ngu xuẩn”, “vô lương tâm”…

Tuy nhiên, không thể tóm gọn diện mạo của cả làng báo Việt Nam trong một vài tính từ tích cực hay tiêu cực nào. Vì họ có tất cả những gương mặt ấy, khía cạnh ấy. Và dù thế nào đi nữa, trong đội ngũ các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa-tư tưởng (cách gọi khác của từ “đàn cừu”), vẫn luôn có những nhà báo lề phải ngày đêm lặng lẽ mang những gì tốt đẹp nhất mình có thể tìm được đến cho độc giả.

Tôi kính phục họ - những nhà báo trung thực, giấu sự phản kháng vào trong thầm lặng. Thật tiếc là, dẫu vô cùng muốn viết về họ, nhưng ngay cả lúc này, tôi vẫn cứ phải giấu tên các nhà báo ấy, để họ ở yên trong trận tuyến của họ - vì lẽ mọi lời nói ám chỉ đến họ đều có thể trở thành thông tin chỉ điểm…”  

Ở một đoạn khác trong bài, người đọc mới cảm nhận cụ thể thế nào là “Giọt nước mắt của lề phải”:

Chiều 2/8/2011. Ngày ấy, ở Hà Nội diễn ra hai sự kiện: phiên xử phúc thẩm TS. Luật Cù Huy Hà Vũ và cuộc họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, với nội dung thông báo kết quả điều tra vụ “đạp mặt người biểu tình”.

Cảm giác “lạnh người” khi nghe tin ấy: Bộ Công an tổ chức họp báo ngay tại Thành ủy Hà Nội (giữa trung tâm thủ đô) để thông báo kết quả điều tra, và trước đó, tin đồn ít nhiều rằng đã có những cuộc tiếp xúc, điều đình giữa công an và người biểu tình bị đạp mặt – anh Nguyễn Chí Đức. Chúng tôi đều hiểu rằng, không có lý gì mà công an tự tin đến thế. Chắc là sẽ có một diễn biến gì đó…

3 giờ chiều, từ ngoài đường, tôi gọi điện cho bạn (vừa ở cuộc họp báo ra):

- Tình hình sao rồi mày?

- Xong rồi. Họ bảo tay Đức chống đối, ngồi bệt xuống đất, nên công an phải khiêng lên xe đưa về đồn. Ông Đức cũng bảo không bị ai đánh, viết tường trình nói rõ thế rồi.

- Còn cái clip kia?

- Không xác định được có phải là giả không.

- Thế bây giờ mày định…?

- Thì về viết bài, có thế nào viết như thế chứ còn định gì. So what? (thế thì sao)

- So what cái cục cứt! – chưa bao giờ tôi thô lỗ như thế trên điện thoại di động. – Mày định thế nào? Mày muốn cứ thế mà tương vào bài à? Mày không hỏi Chí Đức lấy một câu à?

- Mày muốn gì? Có giỏi thì mày viết đi, viết xem có đăng được không?

Hai người chửi nhau một trận nảy lửa trên điện thoại.

Nguyễn Chí Đức

Như trên đã nói, Đoan Trang hiện đang ở Mỹ sau khi đã cùng hai bạn trẻ Trịnh Hữu Long và Nguyễn Anh Tuấn đến Geneva (Thụy Sĩ). Cô may mắn được University of Southern California tại Los Angeles mời ở lại để tiếp tục công trình nghiên cứu về nhân quyền từ tháng 4 đến tháng 12/2014 theo chương trình Feuchtwanger Fellowship.

Chương trình này mỗi năm chỉ chọn một nhà báo hay nhà văn hoạt động trong lãnh vực nhân quyền trên khắp thế giới. Trước Đoan Trang đã có một số người thuộc các quốc tịch khác nhau như Nigeria, Miến Điện, Pakistan, Algeria, Congo, Thổ Nhĩ Kỳ, Afghanistan và Trung Quốc. 

Những “Feuchtwanger Fellows” đều được mời về Villa Aurora, một tại Los Angeles (Mỹ) và một tại Berlin (Đức). Villa Aurora còn được gọi là nơi hội tụ các nghệ sĩ và trí thức của thế giới được thành lập từ thời Đức Quốc Xã để tiếp nhận những nạn nhân của Hitler. Kể từ năm 1995, Villa Aurora LA đã là nơi nghiên cứu của khoảng 250 khách mời và Đoan Trang là khách mới nhất trong danh sách:

Vị khách mới nhất của Villa Aurora là người Việt Nam
với thời gian lưu trú từ tháng 4 đến tháng 12/2014

Đoan Trang cho biết trong thời gian ở tại Villa Aurora cô sẽ viết một cuốn sách hướng dẫn kỹ thuật làm báo căn bản và cùng hai bạn Trịnh Hữu Long, Nguyễn Anh Tuấn viết một cuốn sách về các quyền có liên quan đến đất đai (land rights).

Có hai người cùng là nhà báo, ra đi từ Việt Nam – Huy Đức và Đoan Trang – đều đã đến Mỹ và đã tạo được tiếng vang không nhỏ khi họ nhận được sự tài trợ của các tổ chức tư nhân tại đây. Điều quan trọng là cả hai đã khẳng định họ sẽ trở về Việt Nam và Huy Đức đã về. Trước mắt, ngày hồi hương của Đoan Trang hứa hẹn vô vàn rắc rối cho nên nếu cô trở về chúng ta lại có thêm một điều để khâm phục. Hiện nay thì mọi người chỉ biết… wait and see.

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 4 – Thời quân ngũ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

1.            Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
2.            Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
3.            Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
4.            Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5.            Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
6.            Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
7.            Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
8.            Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
9.            Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 


Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!
--> Read more..

Popular posts