Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

Tin vui cho quý ông đầu hói!


“Tóc mai sợi vắn sợi dài

Lấy nhau chẳng đặng… chờ hoài rụng luôn!”


Quý ông thường lo lắng về việc trên đầu mình tóc ngày một ít đi… và đến một ngày nào đó còn thê thảm hơn nữa, triệu chứng hói đầu đã bắt đầu lộ diện!

Thế là từ đó, sự buồn phiền, lo lắng xuất hiện và tạo một tác động không nhỏ đến cuộc sống đang tràn trề niềm vui của một người đàn ông yêu đời, yêu người.

 

Ôi… tóc ơi là tóc!

 

Các cụ ta ngày xưa đã từng ví: “Cái răng, cái tóc là “góc” (hay còn được nói là “gốc”) của con người” thì làm sao không khỏi lo lắng khi tóc trên đầu ngày một ít, nó cứ rụng dần trên gối sau mỗi giấc ngủ và cả trong lúc chải đầu?

Qúy ông hãy cố quên đi muộn phiền vì ngày nay một số các chuyên gia về tóc đã có những bài viết được coi là “tin vui” đối với những người... đầu hói. Tất cả cũng chỉ vì ta quá quan tâm đến những chuyện “tiêu cực” mà quên hẳn những “điều hay” mà cái đầu hói mang lại!   

Điều quan trọng hơn cả là chứng ung thư tuyến tiền liệt (Prostate Cancer/PrCa) hiện đang đứng đầu trong số các bệnh ung thư về tỷ lệ mắc phải và tỷ lệ tử vong trên toàn thế giới. Mà bệnh này lại chỉ xảy ta ở các bậc “tu mi nam tử” và có khuynh hướng khoảng 10% xảy ra do di truyền!

“Tin vui” qua khảo sát về ung thư tuyến tiền liệt cho thấy chỉ có 45% những người trẻ tuổi bị rụng tóc mắc phải chứng ung thư này nếu so với những vị có tóc mọc bình thường! Vì sao ư?

Testosterone là hormone cực kỳ quan trọng đối nam giới, nó không chỉ xác định các đặc tính ở người đàn ông mà còn có mặt ở hầu hết các cơ quan trong cơ thể, quyết định sức khỏe toàn thân, cũng như khả năng sinh lý, sinh sản của phái mạnh.

Hormone sinh dục nam chi phối rất lớn đến hầu hết hoạt động và chức năng của cơ thể nam giới, trong đó có việc nó giúp lông và râu phát triển. Tuy nhiên, khám phá mới cho thấy lượng hormone quá lớn trong cơ thể có thể tạo ra hiện tượng hói đầu nhưng ngược lại cũng đồng thời làm giảm nguy cơ hình thành các khối u trong cơ thể.

Thái quá thường bất cập. Lượng testosterone lớn còn ảnh hưởng đến xương sọ, duy trì sự khỏe mạnh, giúp phát triển cơ bắp để tạo vẻ thấm mỹ cho cơ thể. Cũng không quá khi nhiều người còn “ca tụng” vẻ “đẹp trai, nam tính” của những người đàn ông hói đầu!

Ngoài ra, còn phải kể đến những chi phí và thời gian không đáng phải mất đi trong việc chăm sóc tóc tai như dầu gội đầu, keo xức tóc, thậm chí cả.... lược chải đầu! Nhưng có một sự thật mà không ai có thể phản bác: một cái đầu hói sẽ mang lại sự mát mẻ vào mùa hè oi bức.

Người hói đầu luôn luôn có thế mạnh và thành công trong mọi công việc lớn nhỏ. Xin hãy nhìn lại hình ảnh các lãnh đạo nổi tiếng thế giới với những cái đầu hói như Winston Churchill, Vladimir Lenin, Mahatma Gandhi, Vladimir Putin… Hoàng tử William của nước Anh còn được mệnh danh là “người đàn ông hói đầu quyến rũ nhất thế giới”!

 

Mahatma Gandhi… với chiếc đầu hói!

Giới ghiền xinê chắc không thể nào quên diễn viên “đầu trọc” Yul Brynner đã chinh phục người xem qua phim “The King and I”. Bên cạnh Yul còn có đến hàng chục các tài tử nổi tiếng khác sở hữu những cái… đầu hói.

 

Tài tử “độc đáo” Yul Brynner, người đã từng khuấy động màn ảnh thế giới

 

Những nét đặc trưng củaThủ tướng Anh Winston Churchill

 

Hoàng tử William được mệnh danh là “người đàn ông hói đầu quyến rũ nhất thế giới”!

 

Gần đây, cầu thủ túc cầu nổi tiếng David Beckham được nhiều người hâm mộ trên toàn thế giới. Các fans đã phải giật mình khi bắt gặp anh trong bộ dạng già nua, đặc biệt là mái tóc hói đi thấy rõ!

 

Cầu thủ David Beckham và chiếc đầu hói

 

Tại Việt Nam ngày xưa cũng có cầu thủ túc cầu Đỗ Thới Vinh với biệt danh “đầu sói” nổi tiếng một thời với chiếc cúp Merdeka năm 1966 mang về cho Sài Gòn. Sang đến thời “bóng đá” sau 1975 lại có huấn luyện viên người Hàn Quốc Park Hang-seo “hói đầu” nhưng vẫn thành công trong việc dìu giắt đội tuyển Việt Nam một thời gian dài.

 

HLV Park Hang-seo một thời làm thay đổi bóng đá VN

 

Thế cho nên, quý vị hói đầu cũng không lấy đó làm buồn phiền vì ở đời luôn có luật bù trừ: được cái nọ nhưng cũng phải chấp nhận chịu mất cái kia!

Phải chăng đó là “tin vui” cho những quý vị… “trên đầu ít tóc”?

     

 *** 

--> Read more..

Thứ Năm, 24 tháng 8, 2023

Khám phá “Sài Gòn Năm Xưa”


Năm 1960, Vương Hồng Sển viết “Sài Gòn Năm Xưa”. Trong phần Lời Tựa, ông kể lại những kỷ niệm với người cha thân yêu qua những dòng chữ thật xúc động:

“Năm 1919, Ba đưa con lên Sài Gòn vô trường lớn.

“Con bắt đầu nếm mùi cháo cá Chợ Cũ, hủ tíu Chợ Mới, xem hát thì Chùa Bà Chợ Lớn, nhai thịt bò kho thằng Lù, có năm cắc leo chuồng gà ngồi coi hát Tây, và cảnh không còn gặp nữa là: bữa bữa hai cha con thượng cao lâu ăn cơm xá xíu.

“Năm 1927, Ba lên thăm, con mua bánh Catinat, lòng mừng dâng Ba món lạ. Ba không dùng, hỏi con: "Chữ Hiếu" sao có đắt tiền?

“Năm nay 1960, đầu con bạc mà túi vẫn nhẹ, muốn mua bánh, Ba không lên: xe giằn, đường xa, hai con đò Cái Vồn và Mỹ Thuận vẫn có tiếng không lịch sự đối với hành khách "bát thập lão ông" như Ba vậy!

“Những ký-ức bấy lâu, con viết gởi về: "Vương Trạch Nhựt, cháu hãy đọc lớn cho Nội nghe."

“Gia Định, đường Rừng Sác, số 5,

ngày 26 tháng 5 năm 1960

“SỂN

 

“Sài Gòn Năm Xưa” - Vương Hồng Sển biên soạn

 

Vương Hồng Sển cũng tâm sự với người đọc “Sài Gòn Năm Xưa”:

“1) Chỗ nào các bạn thấy mới, đừng sợ: ấy tôi đã cân nhắc kỹ càng, cứ tin cứ dùng: "coi vậy mà xài được!"

“2) Chỗ nào chưa "êm", nhờ các bạn chỉ giùm, nếu tìm cách bổ khuyết càng tốt, gọi giúp lẫn nhau: già thua trẻ không xấu, mắc cở bậy, hay gì?

“Đối với các học giả, các bậc lão thành, các vị cố cựu đất Sài Gòn, tôi xin "nghiêng tai nghe dạy, chắp tay đứng hầu."

 

Học giả Vương Hồng Sển

 

Cuốn sách của ông dày khoảng 140 trang, được chia thành 8 phần và có thêm phần Kết luận. Khuôn khổ của bài viết này không thể nào điểm cả 8 phần nên chúng tôi chỉ lược qua những phần cốt lõi về Sài Gòn ngày xưa với các địa danh mà đến ngày nay vẫn còn quen thuộc qua cái nhìn của một học giả kiêm nhà khảo cổ.

Năm 1753, vua Chân Lạp Nặc Ông Nguyên lấn hiếp người Côn Man ở trong Nam, triều đình Huế cử ông Nguyễn Cư Trinh làm quan tham mưu lo việc đánh dẹp. Ba phen thắng giặc nên bèn hiến kế “tàm thực” làm cho mười năm sau hoàn thành cuộc mở mang: Thủy Chân Lạp hoàn toàn về tay chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Lúc bấy giờ miền rừng sác hoang vu, cực nam là vùng Lòi Lạp (Gò Công), Tầm Bôn (Tân An) và vùng các cửa sông Cửu Long (Sóc Trăng, Bạc Liêu) và Trà Vang (Trà Vinh, Bến Tre), còn thuộc Chân Lạp. Thế là vừa trọn một thế kỷ (1658-1759), đất nước Chàm hoàn toàn thuộc về Việt Nam.

Nối dõi tổ tiên, trong cuộc Nam tiến vĩ đại này các học giả vẫn bàn cãi không thôi chung quanh hai tiếng “Sài Gòn” chẳng biết từ đâu và bởi đâu mà có. Ngay cả cụ Trương Vĩnh Ký trong một khảo cứu năm 1885 về miền Nam cũng tỏ ra bối rối!

“Đại Nam Quốc Âm Tự Vị” của Huỳnh Tịnh Của viết: “Sài tức là củi thổi, Gòn tên loại cây có bông nhẹ xốp, nhẹ hơn bông thường, trong Nam hay dùng để dồn gối, dồn nệm, ngoài Bắc gọi là cây bông gạo”.

Trong tập “Souvenirs historiques” cụ Trương Vĩnh Ký quả quyết người Khmer xưa có trồng cây gòn chung quanh đồn Cây Mai và chính ông còn trông thấy vài gốc cổ thụ này tại vùng ấy năm 1885.

Về sau, có nhiều người còn đọc là “Sài Côn”. Theo Vương Hồng Sển, đọc như thế là phản ý người cố cựu miền Nam ở đất Gia Định cũ. Có thể ông bà ta không biết phải viết chữ “Gòn” ra làm sao nên cứ mượn chữ “Côn” để thay thế?

Về Chợ Lớn, tác giả Grancis Garnier xác định thị trấn này do người Tàu tạo lập vào năm 1778. Thị trấn vừa phát đạt chưa được bốn năm năm đến 1782, thì ngộ nạn: đó là năm chúa Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc đánh lấy được thành Phan Yên (Gia Định), thừa cơ làm cỏ sạch người Tàu.

Theo Vương Hồng Sển, sở dĩ Tây Sơn giận dai như thế chỉ vì người Tàu không tiếp tay chống Nguyễn Ánh. Sau trận giặc 1782, hàng hóa các tiệm buôn Tàu như trà, vải lụa, thuốc men, hương liệu… bị bỏ ngoài đường mà không ai dám lượm!

Điểm qua một số địa danh ờ Sài Gòn ta có:

1. Thành Sài Gòn do Minh Mạng dạy xây năm 1836, vị trí ở gần Ba Son.

2. Chợ Bến Thành (ở gần bến và thành) phân ra hai chợ:

a. Chợ Cũ ở chỗ Tổng Ngân Khố ngày nay, do Chợ Vải ngày xưa Tây cất lại  bằng gạch và sườn kèo sắt, phá bỏ năm 1913.

b. Chợ Mới là chợ ngày nay quen gọi Chợ Mới Bến Thành, khởi công năm 1912, đến tháng 3 năm 1941, chợ cất rồi, ăn lễ lạc thành, tiếng đồn rùm beng có cộ đèn, xe bông, hát ngoài trời v.v...; các bài báo viết mừng bài "mừng lễ khai tân thị" xướng họa không dứt.

3. Hai vùng này gộp lại có tên là Bến Nghé. Trong lúc ấy thì người Tàu dùng danh từ “Thầy Ngồn” (Đề Ngạn) để gọi vùng buôn bán. Chợ Chà, Chệc đều phải bỏ danh từ “Bến Nghé”, và để thay vào đó, Tây hai tiếng “Sài Gòn”, vừa kêu giòn, vừa dễ đọc… cũng như họ đã đọc và nói “Cholen” thay vì “Chợ Lớn”, rồi đọc và nói “Da Kao” thay vì “Đất Hộ”.

Từ xưa đến 1919 sự buôn bán vẫn nằm trong tay Hoa kiều, người Việt chỉ bắt đầu bước vào nghề thương mãi từ 1920 về sau. Để chọn tên dặt cho kinh đô Nam Việt, Tây đã nghĩ đến danh từ “Gia Định” nhưng họ lại chê là “di tích cựu trào, khêu gợi chuyện xưa” nên họ không dùng. “Bà Chiểu” họ cũng không thâu nhận vì có thể khi viết tháu hay khi gửi điện tín khi đọc hiểu lầm là “Bạc Liêu… “thì khốn” (!?).

Vương Hồng Sển viết:

“Cách nay gần bốn chục năm, thưở nhỏ, tôi nhớ lại góc Phan Đình Phùng chạy qua đại lộ Đinh Tiên Hoàng (Albert ler cũ), có một hào thành sâu hóm, trên khoảng Albert ler có đặt hai cây cầu bắc qua hai hào cạn (hào trong và hào ngoài).

“Thuở ấy có một chiếc xe hỏa cà xịch cà xạc (le tortillard) chạy ngang đây phun khói phun lửa uốn mình vòng quanh bờ thành cũ coi như con rắn dài, oai nghi khá đại! Về sau hào thành bị lấp dần mất dạng, chỗ thì trồng dâu rồi biến thành Sở Canh Nông và Trại Gia đình Binh Sĩ Hồng Thập Tự, chỗ mới bồi đây dựng lên Viện Quốc Gia khảo về vi trùng và bịnh lý gia súc, chỗ cất dinh thự các nhân viên hãng Hàng Không.

“Một di tích hào thành khác nữa còn sót lại là lối đường Mạc Đĩnh Chi và Trần Cao Vân (Massiges và Larclauze cũ); ở góc nầy khoảng năm 1924-1925 là nơi đất trống, dân tụ tập đến nghe Nguyễn An Ninh diễn thuyết và dự tiệc đãi Bùi Quang Chiêu đi Tây trở về, góc nầy sầm uất, trước đây bốn mươi năm là chỗ đất thấp lài lài có cất ba căn nhà ngói trệt.  [Đó chính là 3 căn nhà được cất theo kiểu Bungalow mà ngày nay ta vẫn còn thấy – Chú thích của tác giả bài viết này].

(hết trích)

Con đường Hai Bà Trưng ngày nay cũng có một “lịch sử” đổi tên “ly kỳ”. Đời Napoléon III mang tên Route Impériale, sau năm 1870 đổi thành Nationale, từ năm 1902 lấy tên Paul Blanchy, rồi đổi từ năm 1952 là Trưng Nữ Vương… Mãi đến năm 1955 mới thành tên đường Hai Bà Trưng có chợ Tân Định ngày nay!

Có một đường xe lửa nhỏ nối liền Chợ Đất Hộ (Đa Kao) qua Chợ Tân Định, chạy dài theo con đường Paul Bert (Trần Quang Khải). Sơ khởi chạy không lấy tiền, sau phải thâu tượng trưng mỗi chuyến một xu, để tránh nạn trẻ nít lên ngồi chóan chỗ khách bộ hành phải đứng!

Nhìn trên bản đồ ngày nay, ta có thể đóng khung “Citadelle de Saigon” do người Pháp xây năm 1836 trong bốn con đường: Phan Đình Phùng (Richaud cũ, nay là Nguyễn Đình Chiểu), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Rousseau cũ), Mạc Đĩnh Chi (Massiges cũ) và Nguyễn Du (Mossard cũ).

Thành “Citadelle de Saigon” bị “biến thành bình địa” năm 1859, chỉ vỏn vẹn 23 năm. Thành được xây kiên cố.. nhưng rốt cuộc lại sợ bị người bản xứ dùng thành này để chống họ nên cuối cùng… chính họ lại ra tay châm lửa đốt tiêu.

Ngày 8 tháng 3 Dương lịch, năm 1859, lính Pháp đặt 35 ổ cốt mìn phá tan tành… kết quả là “Citadelle de Saigon” chỉ còn lại mấy đống gạch đá vụn! Bỏ qua lý do về chính trị - quân sự, việc đốt thành là một lỗi lầm lớn về lịch sử - xã hội của người Pháp!

 

“Citadelle de Saigon” (1867)

 

Địa điểm Dinh Tả Quân ngày xưa nay truy ra thì ở gần nhà linh mục Bá Đa Lộc và gần bộ Ngoại giao hiện thời (đường Alexandre de Rhodes) chạy dài ra sau dinh Tổng thống (dinh Thống Nhất hiện giờ). Cũng vì thế cho nên công viên Tao Đàn còn mang tên là “Vườn Ông Thượng”.

Vườn Tao Đàn, ngày xưa còn được gọi là “Vườn Bờ Rô”. Có người cắt nghĩa chỗ ấy xưa có làm một cái “préau” (sân chơi trường học hay tu viện) hoặc “bureau” (văn phòng) gì đó, cho nên dân ta dựa theo bèn chế ra danh từ “Bờ Rô” để gọi?

Riêng theo tài liệu của ông Trần Văn Xường, do ông Lê Ngọc Trụ thuật lại, thì “Bờ Rô” có lẽ do “Moreau” ta đọc trại đi. Vẫn ông Xường, “Moreau” là tên của người quản thủ Pháp đầu tiên được cắt chăm nom vườn này.

Vương Hồng Sển còn viết: “Tiện đây tôi yêu cầu các học giả nên thận trọng lời diễn luận chẳng khá làm tàng bịa đặt tên “Nhà thương Đầm Đất” (như trong một tờ tạp chí kia), trong lúc dưỡng đường Grall được xây trên một đồn đất thật sự, ai ai cũng rõ biết, và cũng không nên vì thấy gần Sài Gòn có những chợ: “Ông Lãnh”, “Bà Chiểu”, “Bà Điểm”, “Bà Hom”, “Bà Rịa”, “Bà Đen” rồi đề quyết Năm Bà vốn là thê thiếp của ông Lãnh binh nọ. Tội chết đa! Tuy người mất rồi không nói được, chớ còn người cố cựu nữa chi?”

Trước năm 1914, trên con đường Trần Hưng Đạo ngày nay còn nhiều ruộng nước ao lầy. Sài Gòn và Chợ Lớn là hai khu riêng biệt, ở giữa là một cái bưng nước đọng, khởi đầu từ nhà ga đại lộ Lê Lợi và đại lộ Nguyễn Huệ, đầu kia phía Chợ Lớn là đầu đường Đồng Khánh (Thủy Binh cũ, Rue de Marins). Năm 1916, Pháp lấp bưng, đổ đất bồi làm đường “Ba Mươi” (tức Galliéni cũ, nay là Trần Hưng Đạo).

Trước Tòa Đô Chánh hiện nay (1960) thì thuở ấy có con kinh nhỏ, trên có xây một cái cống, gọi “Cống Cầu Dầu” vì tại xóm chuyên môn bán dầu phộng để ăn và để thắp đèn. Con kinh này, Tây đến thì lấp đi, thay vào con đường Charner cũ, hồi đó cũng gọi là “Đường Kinh Lấp”.

Ngã tư Kinh Lấp đụng với con kinh về sau biến thành Đại lộ Bonard (nay là Lê Lợi) hồi mồ ma thời Pháp, vẫn là xóm sang trọng nhất. Tại chỗ bồn nước ngay ngã tư này, hồi đó có xây một cái bệ cao hình bát giác. Mỗi chiều thứ bảy, tại bệ này có mấy chú lính “săng đá” trỗi nhạc Tây cho đồng bào ta thưởng thức. Từ đó có tên “Bồn Kèn”. 

 

“Bồn Kẻn” ngày xưa

 

“Bồn Kèn” cũng còn là một danh từ để gọi bọn du côn ở xóm này, phần nhiều là tay dọn bàn, nấu ăn cho các quan Lang Sa, thường hay cậy thế thần của chủ, hống hách hung hăng, tự xưng là “Anh chị Bồn Kèn” và hay gây ăn thua đánh lộn hoặc đâm chém với du côn xóm khác như “Xóm Dọn Bàn” (Paul Bert cũ), “Xóm Khánh Hội” (Anh chị Bến Tàu), hoặc du côn “Mặt Má Hồng” (đường Mac Mahon) hay “Lăng Xi Bê” (đường Blanscubé).

Danh từ “du côn” có lẽ do tích bọn này, nguyên là bọn du thủ du thực, tay thường cầm một “đoản côn” bằng sắt, đồng hay gỗ trắc để hộ thân. Về sau vì có lệnh cò bót cho bắt những kẻ tay cầm gậy hèo nên họ đổi lại cầm một ống tiêu bằng đồng để khi hữu sự dùng làm binh khí.

Dài theo bờ sông Bến Nghé, nhà phố dân cư đều cất bằng gỗ tạp, tre nứa và lợp bằng lá “cần đóp” (lá lợp nhà chằm theo kiểu Cao Miên) hoặc lợp bằng tranh. Nhà thì làm theo kiểu nhà sàn, nửa phần ở trên đất liền day mặt ra lộ, nửa phần de ra mặt nước, tắm rửa giặt giũ rất tiện, thêm được cái vừa rẻ tiền vừa hạp vệ sinh.

Ngang Thủ Thiêm, bên này bờ sông là cơ xưởng thủy quân, trước kia quen gọi với danh từ “Ba Son”. Một thuyết cho rằng “Ba Son” do danh từ Pháp “Mare aux Poissons” gọi tắt lại. Có một con kinh đào, nhỏ nhưng rất nhiều cá tôm, thuở ấy người Pháp thích câu cá tại đây

Theo thuyết khác lại đổ thừa hồi xưa có một anh thợ nguội tên “Son” là con thứ ba, vô làm sở này, rồi lấy đó đặt tên cho sở nọ, thuyết này vô căn cứ, theo tôi, phần chắc là do mấy bác túng đề cắt nghĩa gượng và xin chừa cho cô hồn phóng sự giải quyết.

Năm 1863 đã có gánh hát Tây qua diễn tại Sài Gòn để giải sầu cho khách viễn chinh. Ban đầu họ hát tại nhà cây của Thủy sư Đề đốc tại nơi gọi là “Công trường Đồng hồ” (Place de l’Horloge) góc Tự Do và Nguyễn Du ngày nay và lúc ấy thì nhà thờ lớn (nhà thờ Đức Bà) chưa có.

Kế đó, Nhà hát Tây được dời về xây tạm ở Building Caravelle hiện nay. Còn rạp lớn thì bắt đầu xây dựng lối năm 1898, đến ngày 1 tháng Giêng năm 1900 ăn lễ khánh thành lớn lắm.

Sông Thị Nghè giáp với rạch Bến Nghé, chỗ giáp nước là một mỏm đất chìa ra ngoài sông, phong cảnh rất đẹp, gió mát từ Ô Cấp (Vũng Tàu) thổi vào.. Người Pháp dựng tại đây một cột cờ có tên gọi “Cột cờ Thủ Ngữ” (Mât des Signaux). Sau đó lại có quán rượu trứ danh chiêu mộ anh hùng mặc khách rất đông, nên bợm rượu đặt tên rất khôi hài là “Mũi đất bọn tán dóc” (Pointe des Blagueurs)!

 

Trạm tàu điện tại “Cột cờ Thủ Ngữ” (1905)

 

Sài Gòn có bốn nhà giàu gộc: “Nhứt Sĩ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Định”.

- “Nhứt Sĩ” là ông Lê Phát Đạt. Người Cầu Kho, thuở nhỏ tên Sĩ. Tuy vậy đời vẫn quen gọi theo tên cũ. Ông là người đã tạo dựng Nhà Thờ Huyện Sĩ.

- “Nhì Phương” tức Đỗ Hữu Phương. Sự nghiệp trở nên đồ sộ nhứt nhì trong xứ, phần lớn do tay phu nhơn Trần thị gầy dựng. Bà giỏi tài đảm đang nội trợ, một tay quán xuyến trong ngoài, lại được trường thọ, mất sau chồng.

- “Tam Xường” có tục danh "Hộ Xường", tên thật là Tường Quan, gốc người Minh Hương. Xuất thân từ thông ngôn ra lãnh thầu cung cấp vật dụng thức ăn cho thị xã. Ông có 5 căn nhà, nửa xưa nửa nay, tọa lạc tại đường Khổng Tử, Chợ Lớn.

- “Tứ Định” là Hộ Định, làm Hộ trưởng, nhà ở khoảng giữa đường Trần Thanh Cần, gần dốc cầu Palikao một đầu và chợ Quách Đàm một đầu.

Cũng phi kể đến hai nhân vật người Hoa thuộc loại “giàu nứt đố đổ vách” tại Sài Gòn ngày xưa:

- Hui Bon Hoa tục danh "Chú Hỏa”, mặc dầu về sau danh vọng lớn, địa vị cao, cũng không ai gọi "Ông Hỏa" bao giờ. Tài sản của Chú Hỏa dàn trải khắp nơi, con cháu luôn luôn hòa thuận, gia tài giữ nguyên vẹn không chia phần manh mún, chỉ cùng nhau chia lợi tức. Mỗi khi cần dùng một số tiền to tát thì người trong họ phải xin chữ ký của con trưởng thì ngân hàng mới phát bạc!

 

Một bức ảnh hiếm hoi của “Chú Hỏa”

 

- Quách Đàm xuất thân mua bán ve chai sau buôn bán da trâu, vi cá, và bong bóng cá. Ngày ngày thả rong làng xóm, hai giỏ tre trên vai không quản bao mưa gió. Từ kẻ “vô gia cư” ông đã trở thành “ông vua lúa gạo”. Ông cũng chính là người dựng chợ Bình Tây trong Chợ Lớn.

 

Tượng Quách Đàm trong chợ Bình Tây (Chợ Lớn)

 

Trong phần Kết luận cuối cuốn sách “Sài Gòn Năm Xưa”, Vương Hồng Sển ca tụng đất Sài Gòn xưa:

“Sài Gòn là đất hưng vương, căn bổn phát tích Nguyễn Triều. Pháp chiếm năm 1859. Pháp bị lật năm 1945. Tiếp theo là cuộc trưởng thành, cách mạng, độc lập.

“Lịch sử Sài Gòn có lắm đoạn vẻ vang: Không có bàn tay người Việt tô điểm, không thịt xương người Việt làm nồng cốt, không máu huyết người Việt làm xi mon, chưa chắc Sài Gòn có bộ mặt mới xinh như ngày nay.

“Có người quen tánh lý luận, chê lớp tiền bối lựa Sài Gòn làm kinh đô là thất sách, vì xa biển. Sao không chọn Vũng Tàu Ô Cấp, đủ sơn, đủ thủy, tàu bè dễ ghé dễ lui. Một nhà chuyên môn kiêm bác sĩ nói với tôi: "Vũng Tàu cát bời rời, đất không chơn đứng, xây nhà không bền chắc; ở ngay mũi súng, khó phòng thủ. Thiếu nước ngọt, bị phủ vây thì nguy to.

“Sài Gòn, trái lại: Có mội nước lọc dưới đất cát, đủ cung cấp nước ăn quanh năm, khéo tiết kiệm không lo thiếu nước. Sông Đồng Nai, thác Trị An ở gần: dẫn nước tốt dễ dàng. Sài Gòn là đất núi, có chơn đứng, xây cất nhà bao nhiêu từng cao đều được…

...

“Như một viên bảo ngọc, càng ngày càng quý, Sài Gòn hội đủ điều kiện để trở thành một đô thị tối tân”.

(hết trích)

 

***

 

Sài Gòn dưới con mắt của học giả Vương Hồng Sển là vậy. Cộng thêm với kiến thức của một nhà khảo cổ, ông đã mang lại cho những kẻ hậu sinh như chúng ta một cái nhìn thấu đáo hơn về một vùng đất đã từng được người Pháp mệnh danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông”.

 

*** 

--> Read more..

Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2023

Cười lên đi… để quên phiền não


Từ thưở hồng hoang, Thượng Đế đặt Adam trong vườn Địa Đàng (Eden) để trông nom khu vườn, cho phép ăn tất cả các loại cây trong vườn trừ “Cây biết thiện và ác” (còn được gọi là Trái cấm). Ngài cảnh báo "ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết!".

Đó là chuyện ra đời của Adam, người giữ Vườn Địa Đàng. Thượng Đế còn dùng sương sườn cụt của Adam để làm thêm một người nữ có tên Eva để hai người kết bạn với nhau cho đỡ buồn.

 



Và đây cũng là “mọi rắc rối của cuộc đời” mà chính Ngài cũng không lường trước được!

Trong các loài thú mà Thượng Đế đã tạo nên, rắn là loài quỷ quyệt hơn cả. Rắn nói với Eva: "Hai người sẽ không chết nếu ăn Trái Cấm vì Thượng Đế biết rằng khi nào hai người ăn thì sẽ được mắt mở ra và sẽ giống Thiên Chúa, biết điều thiện và điều ác".

Nghe lời đường mật của con rắn, Eva cả tin rồi hái xuống ăn, và chia cho Adam cùng ăn. Mắt của hai người mở ra và nhận thức được sự trần truồng của mình, họ kết lá và đóng khố che thân. Mọi rắc rối đều bắt đầu từ đó trong mối quan hệ giữa người nam và người nữ!

 



Biết bao nhiêu câu chuyện được thêu dệt từ đó. Chẳng hạn như một đêm nọ, Adam đi chơi về khuya. Eva ra vẻ lạnh lùng, giọng mỉa mai thăm dò:

- Sao anh đi đâu về trễ thế, lại đi với con nào rồi phải không?

Adam thành thật trả lời:

- Em chỉ ghen bóng ghen gió. Cả cái vườn Địa Đàng này chỉ có mình em với anh, tìm đâu ra con nào khác nữa!

Eva chua chát, ghen bóng ghen gió:

- Biết đâu anh chẳng xin Thượng đế dựng thêm cho anh một con khác!

Adam hết ý, thôi đành im lặng cho vừa lòng… bà. Ðêm hôm đó, Eva không quay mặt vào tường mà ngủ, nhưng quay sang phía Adam. Nàng im lặng đưa ngón tay thon nhỏ âm thầm "đi dạo" hàng giờ trên hai cạnh sườn của Adam.

Adam mất ngủ, giọng làu bàu:

- Em làm cái gì thế?

Eva thản nhiên trả lời:

- Thì em đang đếm lại xem anh có mất thêm cái xương sườn nào nữa không!!!

Lại có lần Adam và Eva đi dạo trong vườn Điạ Đàng. Nàng nũng nịu hỏi:

- Adam, anh yêu em thật lòng chứ?

- Sao lại không? Vì không yêu em thì còn ai khác để yêu nữa đây?

Thế mới biết, tác dụng của Trái Cấm thật khủng khiếp trong cuộc sống vợ chồng của những cặp tình nhân trong đời kể từ ngày Adam và Eva được thưởng thức hương vị ngọt ngào cúa Trái Cấm, bất chấp sự cảnh báo nghiêm khắc của Thượng Đế kể từ ngày… khai thiên lập địa!

Lại có chuyện một bà vợ già hỏi chồng:

- Ông có nhớ hôm nay là kỷ niệm lần thứ 40 năm ngày chúng mình cưới nhau không?

Nghe nhắc, ông chồng bỏ đi một nước vào phòng ngủ khiến bà vợ ngạc nhiên, bước theo sau. Vào tới phòng, thấy ông chồng già đang ngồi khóc lặng lẽ trên giường, bà vợ ngạc nhiên hỏi:

- Hôm nay là kỷ niệm lần thứ 40 năm ngày chúng mình cưới nhau, sao ông không dẫn tôi đi ăn như mọi năm mà lại khóc?

Nghe vợ hỏi ông chồng khóc càng lớn tiếng hơn:

- Ngày xưa, ba của bà làm Chánh Án, ổng đã có lần hăm tôi nếu không cưới bà, ổng sẽ bỏ tù tôi 40 năm. Bây giờ nghĩ lại, thấy tôi ngu quá! Phải chi lúc trước tôi chịu đi tù thì giờ nầy tôi được mãn hạn tù 40 năm… Và đã được trả tự do rồi!!!

Lại có chuyện một cặp vợ chồng già đang ngồi xem TV. Bỗng cụ bà nói nhỏ bên tai chồng:

- Nầy ông à! Tui nhớ ngày xưa khi mới lấy nhau, ông hay cắn nhè nhẹ vào tai tui lắm. Giờ thì già rồi, ông không còn làm chuyện đó với tui nữa!

Nghe nói, cụ ông hừ một tiếng rồi dùng hai tay chống lên đầu gối để đứng dậy khiến cụ bà ngạc nhiên:

- Uả! Sao ông lại bỏ đi ?

Cụ ông nhăn mặt trả lời:

- Thì bà cũng phải để tui đi lấy hàm răng giả của tui thì… mới cắn được chứ?

 



Thêm một chuyện dành cho những cặp “sồn sồn”. Chuyện được nghe lõm bõm giữa hai người đàn ông nói chuyện với nhau:

- Anh có thích phụ nữ ngu ngốc không ?

- Không.

- Những phụ nữ hút thuốc không ?

- Không.

- Những phụ nữ không biết nấu ăn không ?

- Không.

- Những phụ nữ dữ tợn không ?

- Không.

- Thế thì tôi không hiểu tại vì sao anh lại ve vãn vợ của tôi!

 



Cuối cùng là chuyện cưới hỏi của những người trẻ tuổi. Hai ông bà nọ có ba cô con gái ngây thơ, trong trắng. Hai ông bà chẳng bao giờ muốn xa họ, luôn tìm cách chở che, đùm bọc. Vì thế dù đã hơn 20 tuổi các cô vẫn còn trong trắng, ngây thơ. Nhưng rồi thời gian trôi qua, ba cô cũng lấy chồng . . .

Hai ông bà rất tò mò, thắc mắc không biết con gái mình sẽ thế nào vào đêm động phòng đầu tiên. Vì thế, trước khi các cô con gái đi hưởng tuần trăng mật, hai ông bà dặn dò:

"Bố mẹ muốn biết chuyện gì xảy ra với con vào đêm đầu tiên, và liệu các con có thấy hài lòng không. Hãy viết thư về cho bố mẹ, nhưng đừng làm chồng con tò mò. Hãy viết một chữ mật mã nào đó và gửi về cho bố mẹ để tả về kinh nghiệm của con…"

Thế là cô con cả đi tuần trăng mật. Cô gửi lá thư về chỉ vỏn vẹn hai chữ "Star Cruise". Hai ông bà mở tờ báo ra và thấy trong đó có quảng cáo về con tàu du lịch Star Cruise với khẩu hiệu: “To, Lớn, Mạnh Mẽ, Tốc Ðộ và Thân Ái”. Hai ông bà hài lòng lắm.

Ðến lá thư của cô kế, hai ông bà mở ra và thấy trong đó có vỏ của bao Nescafe. Nhìn vào tờ báo quảng cáo, hai ông bà thở phào hạnh phúc, trong đó có ghi: "Nescafe: tận hưởng đến từng giọt cuối cùng ..."

Ðến cô út, hai người nhận được lá thư với chữ “Hãng hàng không Cathay Pacific". Bà mẹ mở tờ báo ra xem và lăn đùng ra ngất xỉu. Ông bố vội chạy tới xem và choáng váng. Khẩu hiệu của hãng hàng không Cathay Pacific là "Bảy ngày một tuần - ba lần một ngày - Không ngừng nghỉ..."

 

***

 

“Một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ…” chúng tôi hy vọng những nụ cười này sẽ giúp các bạn tìm lại được sự an vui trong cuộc sống vốn dĩ đã chật vật vì “cơm áo gạo tiền”.

Mong lắm thay!

 

*** 

--> Read more..

Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2023

Chọn Những Nụ Cười

 

* Lời dẫn: Đỗ Hồng Ngọc sinh năm 1940 (khai sinh ghi 1943) tại Phan Thiết (quê gốc Hàm Tân, nay là thị xã La Gi), tỉnh Bình Thuận, là một bác sĩ nhi khoa nổi tiếng nhưng rất đam mê sáng tác văn học nên ông còn là hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh.

* Trang nhà của Bs Đỗ Hông Ngọc: https://www.dohongngoc.com/web/

 


Có câu đúc kết “Năm năm / Sáu tháng / Bảy ngày”, nghĩa là ở tuổi 50, nên có kế hoạch năm; đến tuổi 60 thì chỉ nên làm kế hoạch tháng; còn đến 70 thì tốt nhất nên có kế hoạch… ngày! Cho nên “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui! Chọn những bông hoa và những nụ cười!” (TCS) là phải quá! Vấn đề là ở chỗ chọn lựa. Thiên đàng Địa ngục hai bên…

Một cụ già trên trăm tuổi được nhà báo hỏi bí quyết sống lâu, sống khỏe, ông nói có gì đâu, mỗi sáng, thức dậy, tôi tự hỏi hôm nay mình nên ở thiên đàng hay địa ngục đây… rồi tôi chọn thiên đàng.

Có những vùng khí hậu lạ. Một ngày mà có đủ cả bốn mùa: xuân hạ thu đông! Còn muốn gì hơn? Ở một tuổi quá cao nào đó, không phải chỉ cần có kế hoạch ngày mà nhiều khi còn phải có kế hoạch giờ! Sáng khác, trưa khác, chiều khác, tối khác rồi. Làm được gì thì làm ngay. Lát sau mọi thứ sẽ khác. Cần có phương án hai, phương án ba. Cẩm nang để sẵn trong các túi gấm, đến đâu giở ra đến đó!

Từ trứng và tinh trùng, ta hình thành một cái phôi phải nhìn dưới kính hiển vi mới thấy. Rồi rất nhanh, trở thành một thai nhi loi ngoi trong vũng nước ối, trong bụng mẹ. Không thở. Không ăn. Không ngủ. Dĩ nhiên có tiểu tiện và đại tiện khi các bộ phận thải chất bả này hình thành và hoạt động.

 



Thế rồi chín tháng mười ngày ta bung ra ngoài cứ y như cánh hoa phải xòe nở đúng thời đúng tiết vậy. Việc đầu tiên là… thở. Thở mà không xong thì tiêu đời! Bác sĩ sẽ xịt alcool hoặc đét vào đít cho ta khóc thét lên. Khóc càng to càng tốt. Khóc to có nghĩa là thở mạnh.

Mệt mỏi rồi nhé! Từ đó đã phải lệ thuộc vào cái gì đó bên ngoài. Rồi phải bú nữa trời ạ. Bú mẹ còn đỡ, cứ vùi đầu mà nút, chả cần ai chỉ dạy! Nhưng nhiều khi phải níu lấy cái bình bú cứng ngắc, ai đó nhét vào miệng vì không có sữa mẹ. Cứ thế mà chùn chụt để nuôi thân.

Rồi biết lật, biết ngồi, biết bò, biết đứng chựng, biết đi, biết chạy nhảy, leo trèo… Rồi biết nói năng, suy nghĩ. Nhớ, tiếc, giận hờn, giành giựt, đấu đá, ghen tuông, ích kỷ, thất tình lục dục đủ thứ không lúc nào ngưng. Và dĩ nhiên vẫn thở và vẫn ăn. Rồi nam tu nữ nhũ. Rồi chọn lựa. Rồi giao cấu. Rồi đẻ ra một lô một lốc chẳng biết từ đâu ra.

Đến một hôm, ta từ hùng hục chạy, ta… lững thững đi, rồi chập chững đứng, vật vựa, nghiêng ngả, rồi ngồi một chỗ, mắt lờ đờ nhìn xa xăm, rồi lồm cồm, bò lê, bò lết… Từ chùn chụt, ngấu nghiến, ừng ực, dô dô 100%… ta bỏ ăn bỏ uống, thấy cái gì cũng rệu rạo, nhóp nhép vì xệu xạo răng cỏ.

Rồi thở cũng cà giật, cà hước… Ta trở lại cái hồi thai nhi trong bụng mẹ, bây giờ là “Mẹ Như Lai”, một vòng khép kín. Thì ra, ta đã từ đó mà đến để rồi loay hoay một vòng về lại chốn xưa. Cứ y như đàn cá hồi, cứ bốn năm lại “hồi” về chốn cũ, đẻ xong rồi chết, sau khi đã làm xong nhiệm vụ truyền giống.

Con thiêu thân thì nhào vào ánh lửa. Con bọ ngựa giao cấu xong thì chết ngay trên bụng con cái, làm thức ăn cho con… Con bọ hung hùng hục chui vào đống phân, giành giựt đấu đá để vo tròn một cục phân mang về cho bọ hung cái nuôi con. Cá ếch nhái bò sát chim đều vậy. Cây cỏ cũng vậy. Hoa nở chẳng những đẹp mà còn thơm, lôi kéo lũ bướm ong dập dìu lui tới để mang phấn đi muôn phương.

Nhìn suốt cuộc hành trình đó, có cái gì tức cười, vừa tàn nhẫn vừa thương tâm. Cái hiện hữu chỉ là thị hiện, trình hiện chút chơi vậy thôi. Nó giả. Nó tạm. Vậy mà sao ta cứ tưởng thiệt mới đáng thương làm sao. Gieo rắc và sinh sôi. Cứ vậy. Như Lai thọ lượng. Như Lai thần lực. Cứ vậy. Người tỏ ngộ tủm tỉm cười, vui vẻ chui vào tháp báu, gặp Như Lai Đa Bảo của mình ngồi đó, tay bắt mặt mừng.

 



Schopenhauer nói cô con gái liếc mắt đưa tình, tìm kiếm chàng trai râu hùm hàm én mày ngài, oai vũ là để trao thân vì chắc hẳn sẽ là giống tốt; chàng trai thì tìm giai nhân chân dài, đáy thắt lưng ong, ngực nở, mông to để mắn đẻ. Lấy vợ xem tông lấy chồng xem giống là vậy. Con người thông minh hiện đại  làm phiền Như Lai hết sức, vì chỉ muốn tìm vui mà quên nhiệm vụ thiêng liêng!

Đất (Nitrogen) nước (Hydrogen) gió (Oxygen) lửa (Carbon) cùng 62 nguyên tố đồng chì sắt kẽm được vo cục lại, nắn nót, thêm thắt, vẽ bày, hà hơi tiếp sức rồi thảy vào Ta-bà nhộn nhạo theo một cái duyên, cái nghiệp nào đó. Mãi mới nhận ra “bổn lai vô nhất vật”. À há, nó là không, nó là chân không diệu hữu. Nó bày trò, vờ vịt, vớ vẩn, giỡn chơi thôi. Không muốn ngộ rồi cũng ngộ. Không muốn giác rồi cũng giác.

Sanh bệnh lão tử hay sanh lão bệnh tử thì cũng vậy. Lập trình nó vậy rồi. Nhưng “tử” dễ nghe hơn “chết”. Chết khó nghe và thấy sợ. Tại sao sợ? Không biết. Tại vì không biết cho nên sợ.

Nhưng lạ, cũng là chết mà có nhiều từ khác nhau để gọi. Vua chết gọi là “băng hà”. Sư chết gọi là “viên tịch”. Phật chết gọi là “nhập Niết-bàn”. Lính chết gọi là “hy sinh”… Dân chết có khi gọi là “mất”“qua đời”“lìa trần”, v.v…

Người ta sợ chết mà không sợ sanh. Vì sanh có biết đâu mà sợ. Nhưng có phải tự nhiên mà sanh ra không? Nếu ba mẹ ta mà không “duyên” với nhau thì có ta không? Nếu ông bà nội ông bà ngoại mà không “duyên” với nhau thì có ta không?

Vậy ta từ đâu ra? Có phải chỉ tinh cha huyết mẹ là đủ hay còn cần phải có một điều kiện nào khác? Có cái gì khác đó chui vào, can thiệp vào để có ta chứ? Cái đó gọi là “thức tái sanh” ư? Là “nghiệp” dẫn dắt ư? Chính điều nầy làm ta thấy có trách nhiệm sống, vì sống cũng chỉ là một giai đoạn tạm thời của một hiện tượng tạm thời. Ta có trách nhiệm hơn. Ta có tự do hơn. Để tự chọn lựa.

Một cặp thai song sanh sợ hãi khi sắp tới ngày sanh, muốn ở lại trong thiên đàng lòng mẹ càng lâu càng tốt. Hai cái thai tranh cãi quyết liệt không ai chịu ra đời trước, vì không biết chuyện gì chờ đón họ ngoài kia. Cuối cùng dù giằng co thế nào thì cũng có một cái thai chui ra trước.

Hóa ra… đời vui quá! Người ta đón chào rôm rả. Thai kia thấy thế cũng vội vã ra theo. Rồi oa oa chào đời. Rồi hít thở, rồi bú mớm. Rồi lớn như thổi, rồi yêu thương, rồi ganh tỵ, hờn ghen, đấu đá, giành giật… rồi cuối cùng cả hai cùng một lần nữa lại bị kéo ra… khỏi cuộc đời.

 

Cũng lại quyết liệt tranh cãi không chịu, cũng lo lắng, sợ hãi, đòi ở lại càng lâu càng tốt… Không có sự khác biệt giữa cái chết của một vị vua, bỏ lại đằng sau vương quốc của mình, và cái chết của một người ăn mày, bỏ lại cây gậy.

Rồi cùng mà mỉm cười. Nụ cười của Phật. Của Bayon. Của La Joconde…

 

Đỗ Hồng Ngọc

(Văn Hóa Phật Giáo số 322 ngày 01-06-2019)

 

***

--> Read more..

Chủ Nhật, 6 tháng 8, 2023

Hồi ức về Đà Lạt Xưa


Hồi ức của tôi về xứ sở Sương Mù bắt đầu từ năm 1953, khi đó mấy mẹ con tôi từ phi trường Gia Lâm, Hà Nội, bay thẳng vào Đà Lạt còn bố thì đã vào trước vì ông phục vụ trong lực lượng Ngự Lâm Quân của Vua Bảo Đại tại đất Hoàng triều Cương thổ.

Máy bay nhà binh đáp xuống phi trường nhỏ ở gần thác Cam Ly cách thành phố hơn 3km (chứ không phải là phi trường lớn Liên Khương ở rất xa) vào một buổi chiều, vừa mưa vừa lạnh trong khi bố vẫn chưa đến đón!

 

Thác Cam Ly

 

Trong lúc mấy mẹ con còn đang ngỡ ngàng trước khung cảnh mới lạ và đầu óc còn lâng lâng sau gần 3g bay bổng trên mây thì mẹ tôi bỗng lên tiếng: “Cậu kìa!”. (Gia đình tôi vẫn còn giữ phong tục của một số người miền Bắc: Bố được gọi là Cậu, Mẹ là Mợ).

Tôi chỉ nhìn thấy mờ mờ trong màn sương một bóng người mặc áo mưa đang tiến dần về phía 5 mẹ con. Cuối cùng thì gia đình gặp nhau, mừng mừng tủi tủi.

Chiếc xe Peugeot màu đen chở chúng tôi vào thành phố. Đầu óc non nớt của tôi thoáng có ý nghĩ: “Cậu mình có cả ôtô nữa!’. Xe dừng lại tại một căn nhà của bạn bố tôi trên đường Cầu Quẹo (hình như ngày nay đổi tên thành Phan Đình Phùng). Sau khi nhận tiền, tài xế lái chiếc Peugeot 203 đi, khi đó tôi mới nhận ra chiếc xe không phải của Bố, chỉ là chiếc... Taxi!

 

Bố tôi trong bộ quân phục Ngự Lâm Quân

 

Những ngày đầu tiên vào Đà Lạt tôi có dịp khám phá những chuyện thật trẻ con. Chúng tôi chơi trốn tìm, tôi đinh ninh là bạn mình trốn sau cánh cửa nhưng cu cậu lại xuất hiện sau tấm màn đỏ và reo lêu: “Lêu lêu mắc cở!”. Người Bắc không có chữ ‘mắc cở’ nên tôi suy luận ‘mắc cở’ là... cái màn cửa màu đỏ.

Sau vài tuần “ở nhờ” nhà bạn của bố, gia đình chúng tôi đã mua được một căn nhà trên đường Lê Thái Tổ. Từ nhà nhìn qua phía bên kia thung lũng là đường rầy xe lửa. Ngày hai buổi sáng-chiều có chuyến Đà Lạt - Tháp Chàm chạy qua.

 

Căn nhà xưa đối diện với đường tầu phía bên kia thung lũng

 

Vì đây là đoạn cuối của cuộc hành trình nên chiều chiều vào khoảng 4g chuyến xe lửa từ Tháp Chàm về luôn hú những hồi còi dài trước khi vào ga Đà Lạt. Bọn trẻ chúng tôi thường vẫy tay với hành khách trên tầu, con tầu hình như cũng biết mệt sau khi từ đồng bằng leo dốc lên cao nguyên bằng đường sắt răng cưa.

 

Ga Đà Lạt (hình chụp năm 1948)

 

Hằng ngày chúng tôi dùng cửa sau, leo một con dốc nhỏ xuyên qua nhà số 7 Lê Thái Tổ, Câu lạc bộ Sĩ quan Ngự Lâm Quân. Từ đây có thể đón xe đò Trại Hầm hoặc Trại Mát để xuống phố, cách khoảng 3km.

Trại Hầm, một cái tên thật bình dân, mộc mạc như những cư dân sinh sống tại đây. Từ nhà tôi xuống Trại Hầm chỉ mất độ hơn 5 phút đi bộ nhưng phải vượt qua một con dốc dài, quanh co vì khu vực này nằm trong một thung lũng. Hai bên đường là những căn nhà vách gỗ thông, mái tôn và phía sau nhà là những khu vườn rộng theo triền dốc thoai thoải.

Vào thời đó, nguồn lợi chính của dân Trại Hầm là trái nậm. Khác với loại mận dưới miền Tây, mận Đà Lạt trái nhỏ, có vị hơi chua nhưng khi chín thì mềm nhũn, ngọt lịm. Mận Trại Hầm có 2 giống, vỏ màu đỏ hoặc vàng nhưng hoa lại có chung một màu trắng toát. Mận vàng bao giờ cũng ngon hơn mận đỏ và giá bán cũng chênh lệch nên người ta chỉ thích trồng loại mận vỏ vàng.

Đi xe đò Trại Hầm - Đà Lạt là đoạn đường tôi đã nhiều lần đi qua: từ nhà vượt một con dốc lên đường Lê Thái Tổ, xuống một đoạn dốc ngắn đến đường Trần Hưng Đạo, nơi có rất nhiều biệt thự vào lọai đẹp nhất Đà Lạt, trong đó phải kể đến biệt thự của Đại tướng Lê Văn Tỵ chiếm trọn một quả đồi có hàng rào vây quanh.

Hết đường Trần Hưng Đạo sẽ gặp cây xăng Kim Cúc, nếu rẽ trái sẽ hướng về đèo Prenn, đi thẳng sẽ gặp nhà thờ Con Gà và nếu rẽ phải là đường Hồ Tùng Mậu, bắt đầu từ Khách sạn Sans Souci đổ dốc xuống Hồ Xuân Hương gặp nhà hàng Thủy Tạ. Đi ven theo hồ sẽ gặp Cầu Ông Đạo và cuối cùng lên một con dốc sẽ đến Khu Hòa Bình, trung tâm thành phố Đà Lạt.

 

Nhà hàng Thủy Tạ trên hồ Xuân Hương

 

Hồ Xuân Hương, ngày xưa có tên Grand Lac (Hồ Lớn) là một hồ nhân tạo, được đào vào năm 1919. Để tạo thành hồ, người ta đắp một cái đập chắn dòng suối chảy qua thung lũng, trên mặt đập là một cây cầu mang tên Cầu Ông Đạo. Đập này nằm trước dinh Quản Đạo mà vị Quản đạo bấy giờ là Phạm Khắc Hòe vẫn được dân địa phương gọi là Ông Đạo.

 

Hồ Xuân Hương và cầu Ông Đạo ngày xưa

 

Tôi bắt đầu vào Lớp Năm (tương đương với lớp 1 ngày nay) tại trường Nam tiểu học Đà Lạt, gần khu Hòa Bình. Tôi còn nhớ, cô giáo Lớp Năm có một cái tên rất đặc biệt: Huỳnh Bá Thiên Vân. Có thể nói tôi là một trong những “học trò cưng” của cô nên hầu như tháng nào cũng có Bảng Danh Dự!

 

Bảng danh dự (1954)

 

Năm tôi trở lại Đà Lạt học lớp Đệ Nhất trường Trần Hưng Đạo tôi được gặp lại em của cô: Huỳnh Bá Tuệ Dương cùng với Từ Công Phụng, người Chàm từ Ninh Thuận cũng trọ học tại Đà Lạt. Chúng tôi thành lập ban nhạc của trường, chơi đàn theo phong cách của ban The Shadows, và có lần trình diễn trên sân khấu rạp hát Hòa Bình.

 

Ban nhạc trường Trần Hưng Đạo

 

Chúng tôi thường ngồi Cà Phê Tùng, một phần không thể thiếu được của Đà Lạt. Khi mới vào Đà Lạt năm 1953, Tùng đã có mặt trước đợt di cư năm 54 của những người miền Bắc.

Tùng có một không gian chật hẹp với những chiếc bàn cũ kỹ, những bức tranh bạc màu, ánh đèn mờ mờ. Không sang trọng nhưng Tùng có những nét riêng thu hút rất nhiều văn nghệ sĩ mỗi khi lên cao nguyên. Số 6 khu Hòa Bình đã trở thành một phần của Đà Lạt sương mù.

 

Cà Phê Tùng

 

Mẹ tôi có một gian hàng bán mũ nỉ, còn gọi là mũ phớt dành cho nam giới tại chợ Đà Lạt, khi đó chưa có chợ lầu như ngày nay. Chợ cũ bằng cây, lợp tôn và được xây dựng từ năm 1929 tại vị trí rạp chiếu bóng 3 tháng 4, khu Hòa Bình ngày nay.

 

Chợ Hòa Bình ngày ấy

 

Năm sửa soạn lên Lớp Nhì suốt kỳ hè ông anh lớn của tôi kèn học rất gắt để… “học nhảy”, có nghĩa là tôi sẽ không học Lớp Nhì mà vào luôn Lớp Nhất. Cũng vì lý do đó, tôi chuyển sang trường tiểu học Đa Nghĩa, phải đi bộ một khoảng khá xa nên phải đem theo ‘gà mên’ đựng cơm để ăn trưa tại trường rồi tiếp tục học vào buổi chiều.

Đi học tuy xa nhưng lại có cái thú... ăn trộm dâu tây ‘tại chỗ’ khi băng qua vườn dâu trên đường đến trường hoặc đi học về. Chỉ cần liếc thấy trái dâu nào chín đỏ, hơi cúi xuống cho vừa tầm tay là hái liền, vội vàng bỏ ngay vào miệng. Người ta trồng dâu có khi tưới bằng nước tiểu pha loãng nhưng chúng tôi cứ thế bỏ vào mồm. Ngon không thể tả được!

Trên đường đi học về phải đi qua đường Cầu Quẹo rồi tới rạp xiné Ngọc Hiệp. Bên cạnh rạp xiné có bến xe và một số hàng quán, nổi bật nhất là quán mì quảng và xe thịt bò khô. Tôi và các bạn vẫn thường ghé xe thịt bò khô của ông Tàu già. Lúc không có khách, ông dùng cái kéo to bản, màu đen, cắt vào không khí để tạo tiếng lách cách như một lời rao hàng mà không phải tốn hơi.

 

Rạp Ngọc Hiệp

 

Sau này về Sài Gòn tôi cũng nhiều lần ăn thịt bò khô ở góc đường Lê Lợi - Pasteur (nơi có nước mía Viễn Đông và phá lấu ghim bằng que tăm) hoặc đối diện với công viên Lê Văn Tám (xưa là Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi) trên đường Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, không nơi nào có được hương vị thịt bò khô như ở bên hông rạp Ngọc Hiệp Đà Lạt ngày còn bé. Có lẽ ấn tượng ban đầu lúc nào cũng đáng nhớ.

Chủ Nhật gia đình tôi thường xuống phố Hòa Bình ăn trưa tại tiệm ăn Mỹ Hương có hương vị Bắc hoặc tiệm ăn Tàu trên cùng đường. Tôi còn nhớ, cả gia đình đi taxi xuống phố chứ không đi xe đò như ngày thường. Xuống phố - đúng ra là lên phố - thật vui vì được đi ăn tiệm, được nhìn thiên hạ đi dạo phố trong những bộ đồ ‘kẻng’ nhất. Tuần nào tôi cũng mong cho chóng đến Chủ Nhật…

 

Lò bánh mì Vĩnh Chấn đầu dốc Duy Tân

 

Những người Bắc mới di cư vào Nam năm 1954 thường có khuynh hướng bắt chiếc sử dụng những từ ngữ và cách phát âm của miền Nam, chẳng hạn như hột vịt đọc thành hột ‘dzịt’, đôi vớ (tất) thành đôi ‘dzớ’.

Đối với những học sinh di cư từ Bắc vào Nam như tôi cũng không phải là ngọai lệ. Tôi cố theo lối phát âm miền Nam khi ở trường vui chơi với bạn bè nhưng khi về đến nhà tôi lại giữ nguyên giọng Bắc.

Ngày nay, những người miền Bắc vào sinh sống tại miền Nam hình như, vì nhiều lý do, không cần phải “đổi giọng”. Ngược lại, “những người thắng cuộc” đem vào miền Nam rất nhiều từ ngữ lạ với cách phát âm mà nhiều người phải than… không giống ai!

Riêng gần Đà Lạt có một khu nổi tiếng mang tên Lâm Hà mà báo chí không ngớt lời ca tụng:

“Hơn 40 năm trước, hàng ngàn thanh niên đã tạm biệt Thủ đô để vào Nam Tây Nguyên khai hoang mở đất theo tiếng gọi của Đảng đi xây dựng vùng kinh tế mới. Hành trang của họ không chỉ là sức trẻ mà còn là cốt cách, tâm hồn của quê hương để dựng xây nên một huyện phát triển, một Hà Nội thu nhỏ trên cao nguyên.

“Có lẽ khó có nơi nào đặc biệt như Lâm Hà vì một vùng đất ở miền Nam mà người dân chỉ nói tiếng Hà Nội. Thậm chí có những người miền Nam tới sinh sống ở đây, sinh con ra cũng nói tiếng Bắc. Bởi Lâm Hà như một Hà Nội thu nhỏ trên cao nguyên”.

Lâm Hà hiện có trên 142 ngàn người, trong đó trên 61% là dân kinh tế mới Hà Nội. Đó là lý do Lâm Hà thường được nhắc đến như “huyện thứ 30 của Thủ đô”, là “cửa ô thứ 6”...

 

Trung tâm huyện Lâm Hà ngày nay

 

Đà Lạt bây giờ sao khác hẳn ngày xưa!

 

***

* Video “Đà Lạt Xưa”:

https://youtu.be/rYhsYwAIOuI

 

* Video “Đà Lạt Xưa & Nay”:

https://www.youtube.com/watch?v=6H9tPgXzC_k

 

***

--> Read more..

Popular posts