Thứ Hai, 30 tháng 11, 2020

O. Henry: nhà văn của những bất ngờ

Nhà văn nổi tiếng người Mỹ, William Sydney Porter (1862–1910), được nhiều người biết đến qua bút danh O. Henry, với những truyện ngắn dí dỏm, dễ hiểu và tràn đầy tình người. Quan trọng hơn cả là đoạn kết của truyện luôn luôn dẫn người đọc đến những kết thúc bất ngờ!

Trải dài suốt 10 tập truyện ngắn lần lượt được ra đời trong thời gian 1904-1910, O. Henry đã dẫn người đọc đến những đoạn kết… “ngoài sức tưởng tượng” và đó cũng là lý do tại sao truyện của ông lại có sức hấp dẫn đến vậy. Đó cũng là bí quyết viết truyện ngắn của một nhà văn nổi tiếng thế giới, có một không hai!

 

O. Henry bên vợ, Athol Estes, và con gái


Truyện của O. Henry thường lấy bối cảnh là thành phố New York dù ông không ra đời ở đó nhưng ở đó có nhiều chuyện xảy ra vì là thành phố quan trọng nhất nước Mỹ. Và cũng chỉ ở đó mới có “nhiều chuyện” để viết về các ngày lễ lớn như Giáng sinh và Lễ tạ ơn.

Nhân dịp Lễ tạ ơn chúng ta hãy đọc lại "Two Thanksgiving Day Gentlemen" trong tuyển tập 25 truyện ngắn mang tựa đề “The Trimmed Lamp” (1907). Nhưng trước tiên, chúng ta để ý trong tập truyện đó có truyện ngắn nổi tiếng của O. Henry, “The Last Leaf” mà tôi đã có lần giới thiệu tại https://chinhhoiuc.blogspot.com/2020/05/chiec-la-cuoi-cung.html.

 

“The Four Million” - Tuyển tập truyện ngắn thứ hai của O. Henry, xuất bản năm 1906


Truyện lấy bối cảnh thời gian có bệnh dịch viên phổi tại Mỹ, cũng như ngày nay ta có đại dịch  COVID-19. Truyện kể về nàng Johnsy, hàng ngày phải nằm trên giường bệnh nhìn qua khung cửa sổ và chứng kiến những chiếc lá “thường xuân” (ivy) ngày một rụng nhiều. Cô họa sĩ nhủ thầm, khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống là sẽ là lúc cô lìa đời.

Ở Greenwich có lão Behrman là một họa sĩ già ngoài 60 với 40 năm cầm cọ mà chẳng vẽ được một bức tranh nào cho ra hồn. Cả đời lão khao khát vẽ được một kiệt tác. Biết chuyện Johnsy bị bệnh viêm phổi rất nặng và bệnh tật khiến cô tuyệt vọng nên lão quyết định âm thầm thức suốt đêm mưa gió bão bùng để vẽ một chiếc lá trên tường.

Chiếc lá giống y như thật. Và ngày hôm sau, khi nhìn qua cửa sổ, chiếc lá cuối cùng, tác phẩm của Behrman, vẫn đang ngạo nghễ sau một đêm mưa gió. Johnsy bắt đầu nghĩ lại, cô bắt đầu hi vọng và muốn được sống, được sáng tạo.

Johnsy đã trở về từ cõi chết nhưng lão Behrman lại chết vì bệnh viêm phổi sau đêm sáng tạo kiệt tác “chiếc lá cuối cùng” để cứu Johnsy.  Sue, bạn của Johnsy, lặng lẽ đến bên giường bệnh báo báo tin về cái chết của Behrman và tiết lộ bí mật về chiếc lá cuối cùng.

“Johnsy à, bạn thử nhìn ra ngoài cửa sổ kia, nhìn vào chiếc lá cuối cùng trên bức tường đó. Bạn không cảm thấy ngạc nhiên là tại sao nó chẳng lung lay động đậy gì trong cơn gió? Bạn ơi, nó chính là cái tác phẩm lớn của lão Behrman trong đêm chiếc lá cuối cùng lìa cành!”.

 

O. Henry và truyện ngắn “The Last Leaf” (Chiếc lá cuối cùng)


Truyện "Two Thanksgiving Day Gentlemen" cũng lấy bối cảnh là thành phố New York và hai nhân vật chính là Stuffy Pete và một ông già 60 tuổi. Truyện xảy ra trong dịp Lễ Tạ Ơn truyền thống của người Mỹ.

Stuffy Pete là một chàng trai bụi đời, vừa ăn “no cành hông” (đúng như cái tên Stuffy), sau một bữa tiệc Tạ Ơn “miễn phí” do hai bà già nhân hậu khoản đãi với món gà tây và nhiều thứ khác. Đây là một bữa tiệc “từ thiện” do hai bà tổ chức để mời những người nghèo khổ trong thành phố.

Nhân vật thứ hai là một ông già, suốt chín năm nay, vào ngày lễ Tạ Ơn, ông ta đều đến tìm Stuffy tại công viên để mời anh đến một tiệm ăn nhân ngày lễ truyền thống của Mỹ. Ông cũng nghèo nhưng là người “bảo thủ” nên tin vào những giá trị truyền thống của nước Mỹ.

Một già một trẻ gặp nhau tại công viên theo thông lệ đã có từ 9 năm nay. Nhưng năm nay lại khác, cháng trai trẻ vừa ăn một bữa tối “từ thiện hoành tráng” nên ngồi thở dốc vì cái bụng chưa kịp tiêu hóa những thức ăn thịnh soạn!

Trước lời mời đến tiệm ăn trong lễ Tạ Ơn của ông già, Stuffy thấy mình không nỡ lòng nào từ chối dù đang thấy “khó ở trong bụng”. Anh nói thều thào: “Cảm ơn ông… bây giờ tôi đang… đói lắm!”.

Cuộc “chiến đấu” trên bàn ăn một giờ sau mới kết thúc và con gà tây đã chui tọt vào bao tử Stuffy để “hội ngộ” cùng con đã vào trước đó. Thế rồi hai người chia tay, ông già đi về hướng nam còn Stuffy “loạng choạng” đi về hướng ngược lại.

O. Henry đã kết thúc truyện theo cách riêng của ông và điều này khiến người đọc phải ngỡ ngàng, sửng sốt. Một già, một trẻ chia tay nhau để đi về hai hướng nhưng định mệnh đã xui khiến hai người gặp nhau tại… nhà thương!

Stuffy vào bệnh viện vì bị… bội thực. Ông già vào bệnh viện vì đã 3 ngày nay không có chút gì trong bao tử! Hóa ra ông để dành tiền đãi anh bạn trẻ một bữa ăn tối Tạ Ơn để giữ truyền thống mà 9 năm nay ông cố giữ!

 

“The Trimmed Lamp” - Tuyển tập truyện ngắn thứ ba của O. Henry, xuất bản năm 1907


Truyện của O. Henry lúc nào cũng có đoạn kết thật bất ngờ. Cũng trong dịp lễ Giáng sinh ông viết truyện “The Gift of the Magi” trong tuyển tập 25 truyện ngắn mang tên “The Four Million” (1906). Truyện “Quà Giáng Sinh” tôi cũng có lần viết trên Blogspot tại  https://chinhhoiuc.blogspot.com/2014/12/qua-giang-sinh.html.

Truyện kể về một cặp vợ chồng nghèo và cách họ đương đầu với những thách thức của việc mua quà tặng Giáng sinh cho nhau. Với số tiền 1 đô la 87 xu, Della quyết định mua một sợi dây cho chiếc đồng hồ bỏ túi quý giá của James vì anh chưa bao giờ có đủ tiền mua một sợi dây đeo.

Để có tiền, Della quyết định cắt mái tóc dài của mình, thứ quý giá nhất mà nàng có. Trong khi đó, Jim quyết định bán đồng hồ để mua một bộ lược chải đầu có đính đá quý cho Della. Cả hai đều hí hởn vì nghĩ rằng mình có thể làm cho người kia bất ngờ và cảm động về món quà độc đáo của mình.

Tuy thất vọng ở đoạn kết, cả hai có thể cảm nhận được tình yêu của nhau qua việc đã hy sinh vật quý nhất của mình để mua cho nhau món quà Giáng sinh mà người kia ao ước!

 


 

Chỉ với ba truyện ngắn nêu trên, O. Henry đã chứng tỏ khả năng thiên phú của một nhà văn chuyên viết truyện ngắn. Đọc tới đây chắc các bạn cũng đồng ý với tôi, cũng như với những người thưởng thức văn chương trên khắp thế giới:

“O. Henry là nhà văn viết truyện ngắn hay nhất và bao giờ cũng có đoạn kết bất ngờ nhất”! 

***


--> Read more..

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

Quyết định để đời!

Có những quyết định chỉ trong khoảnh khắc có thể làm thay đổi cả một cuộc đời. Vấn đề là: (1) quyết định đó có được thực hiện hay không; (2) quyết định đó sẽ làm thay đổi cuộc đời theo chiều hướng “Tốt” hay “Xấu”?

Bây giờ về già tôi bỗng nghĩ về những quyết định mà hồi còn trẻ mình đã phải suy nghĩ, đắn đo. Thật ra thì tuổi thanh niên chúng ta có một chuỗi quyết định có hậu qủa đến hiện tại. Mình sẽ theo nghề nào? Mình sẽ cưới một người bạn đời ra sao? Vân vân và vân vân…

Những thắc mắc cứ liên tục đến trong đầu một thanh niên tràn trề nhựa sống nhưng có điều chỉ đến khi về già mới có thể bình thản kết luận là những quyết định đó “Đúng” hay “Sai”. Cũng chỉ đợi đến lúc đã lớn tuổi mới có thể kiểm chứng hậu quả của những quyết định của tuổi trẻ.

Ngày 30/4/1975, dân Miền Nam nói chung và người Sài Gòn nói triêng, ai cũng tự đặt cho mình câu hỏi quyết định: “Ra đi?” hay “Ở lại?”. Câu trả lời còn tùy thuộc và hoàn cảnh của mỗi người. Riêng tôi có lẽ là một trường hợp đặc biệt và cũng chính vì thế câu hỏi “Đi” hay “Ở” là cả một vấn đề nan giải.

 

Sài Gòn hoang mang trước ngày 30/4/75

 

Cuối năm 1973 tôi vừa từ Mỹ về sau một thời gian tu nghiệp và chỉ ít lâu sau là biến cố Sài Gòn thất thủ. Lúc đó, trong đầu óc của một thanh niên đã dứt khoát, hoàn toàn không có ý tưởng ra đi. Làm sao có thể hòa nhập vào một xã hội quá văn minh trong khi mình vẫn mang cái gốc của một quốc gia… chậm tiến?

Ngày 29/4/1975 tôi từ Lăng Cha Cả chạy về Bệnh viện Sài Gòn, đối diện với chợ Bến Thành, trên một chiếc Honda 67 có chở theo bà xã và có thêm tới… 4 con còn nhỏ. Đứa nhỏ nhất chỉ mới 2 tháng tuổi, hãy còn ẵm ngửa!

Bây giờ ngồi nghĩ lại vẫn không thể tưởng tượng làm sao một chiếc xe máy lại có thể chịu được đến 6 mạng người?

 

Bịnh viện Sài Gòn

 

Khu nhà thờ Tân Sa Châu nằm ngay bên cạnh phi trường Tân Sơn Nhất, nơi chịu nhiều cuộc pháo kích liên tục của bộ đội Bắc Việt trong những ngày tàn cuộc chiến. Lý do hoàn toàn hợp lý là tạm trú tại bệnh viện trung tâm Sài Gòn, nơi bà xã đang làm việc.

Tạm ổn cho gia đình nên mới nghĩ đến bản thân mình. Không lý nào một sĩ quan cũng vào “tỵ nạn” trong bệnh viện?

Khi đó, dù vẫn mang huy hiệu của Trường Sinh ngữ Quân đội, nhưng tôi đã biệt phái về Tổng cục Quân huấn trong Tổng Tham Mưu để thành lập Ban Tu thư & Dịch Thuật, chuyên dịch binh thư từ tiếng Anh sang tiếng Việt.

Thế là tôi từ Bệnh Viện Sài Gòn vào Tổng Tham Mưu vì nghĩ rằng đây là nơi an toàn nhất vì được bảo vệ nghiêm ngặt. Các bạn đồng sự, đa số là sĩ quan biệt phái từ trường sinh ngữ, cũng tề tựu “ứng chiến” tại đây với một tâm trạng hoang mang trước tình hình chiến sự.

Mang tiếng là “quan văn” nhưng chúng tôi cũng được trang bị nón sắt và súng carbine M1, cũng có bunker phòng thủ được đào quanh khu vực phòng khi bị pháo kích. Đêm hôm đó, tiếng trực thăng lên xuống liên tục để bốc người di tản từ cơ quan DAO (Defence Attache Office) nằm gần đó.

Giữ DAO và khu vực Tổng Tham Mưu chỉ cách nhau một hàng rào giây kẽm gai và có một vài quân cảnh đứng gác. Chỉ cần vượt qua hàng rào này là có thể nhập vào những người di tản đang chờ lên trực thăng.

Một ý nghĩ thoáng qua, tại sao mình không nhập vào những người di tản để thoát khỏi Sài Gòn? Quân cảnh gác hàng rào rất dễ dãi, họ sẵn sàng để cho những sĩ quan muốn vào bãi trực thăng, với điều kiện phải tháo bỏ lon đeo trên cổ áo.

 

Cảnh di tản tại Tòa đại sứ Mỹ

 

Sau vài phút chứng kiến cảnh “vượt biên qua hàng rào” tôi quay về doanh trại của Ban Dịch Thuật vì quyết định sẽ không làm như những người khác.

Cũng vì thế, lúc 10g sáng ngày 30/4 tôi rời khỏi Tổng Tham Mưu trong bộ đồ dân sự. Khi đó trời mưa phùn như thể khóc cho cái ngày mà sau này người ta gọi là “giải phóng”!

 

Giải phóng”

 

Có rất nhiều lý do để biện minh cho quyết định đó. Tôi không thể di tản khi vợ con còn ở lại tại Bệnh Viện Sài Gòn. Tôi không đi Mỹ vì đã từng sống những ngày học tập trên đất khách quê người!

Tôi hoàn toàn không nghĩ đến việc những người di tản được hưởng chính sách “đãi ngộ” của Chính phủ Mỹ để chuộc lại “sai lầm” khi rời khỏi Việt Nam vào lúc bàn cờ thế giới đã thay đổi. Đã từng là một người du học nên tôi nghĩ cuộc sống tại Mỹ sẽ rất nhiều khó khăn khi phải bước từ xã hội Việt Nam sang… “Giấc mơ Mỹ”.

 

Cảnh di tản bằng đường biển

 

Và với rất nhiều lý do khác nữa, tôi đã đi đến một “quyết định để đời” cùng gia đình ở lại Việt Nam. Bây giờ ngồi nghĩ lại tôi vẫn thấy bài học “Tái ông thất mã” luôn luôn đúng: thịnh hay suy, buồn hay vui, may mắn hay bất hạnh ở đời này lúc nào cũng liên tục xảy ra.

Hôm nay vui nhưng ngày mai lại buồn... vẫn cứ thế mà tiếp diễn. Giữ được sự dửng dưng với cuộc đời sẽ đem lại cho ta sự thoải mái về tâm hồn cho đến ngày ta… từ giã cõi đời!

Không nên nuối tiếc về những quyết định đã qua, dù đó là… “một quyết định để đời”!

***  

--> Read more..

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2020

Thầy giáo… tháo giầy!

Cái số của tôi không có duyên với “học trò”. Hiểu chính xác là “học trò” theo nghĩa những cô cậu học sinh cắp sách đến trường để sau này ra đời làm ông nọ, bà kia. Tôi chưa từng có những học trò như thế!

Năm 1968 tôi bị động viên vào Khóa 4/68 Thủ Đức. Đến gần ngày mãn khóa, trường Sinh ngữ Quân đội lên tận quân trường để tuyển giảng viên về dậy Anh ngữ cho các quân nhân chuẩn bị lên đường sang Hoa Kỳ du học về chuyên môn. Rất may, khóa tôi có 6 người được tuyển về trường.

 

Huy hiệu Trường Sinh ngữ Quân đội

 

Qua một thời gian ngắn được đào tạo “tại chỗ” với chương trình PST (Pre-Service Training) chúng tôi bắt đầu được đứng lớp. “Học trò” ở trường không phải là những cô cậu mặc đồng phục học sinh mà là những quân nhân khoác áo lính thuộc đủ binh chủng Hải-Lục-Không quân.

Mỗi lớp chỉ có trên dưới 10 học viên, có nhiều “học trò” đeo lon cấp tá trong khi “thầy” chỉ là anh Chuẩn úy non choẹt mới ra trường. Cũng may, trong môi trường quân đội lon lá dùng để chỉ huy trên chiến trường nhưng khi vào lớp học Anh văn mọi cấp bậc đều… tạm quên.

 

Chuẩn úy Giảng viên mới ra trường

 

Tài liệu giảng dậy là bộ sách American Language Course (ALC), gồm 8 cuốn được đánh số từ 1100-1400 cho khóa căn bản và 2100-2400 cao cấp hơn vì dành cho việc đào tạo tiếng Anh chuyên ngành. Giảng viên thường nói với nhau, “sợ nhất là dạy những lớp căn bản” vì trình độ của học viên rất khác nhau. Chúng tôi gọi đó là những lớp phải… “đẩy xe bò”.

 

Tài liệu giảng dậy American Language Course (gồm 2 bộ, 8 cuốn, đánh số từ 1100-1400 và 2100-2400)

 

Năm 1971 tôi du học Hoa Kỳ để được đào tạo khóa Giảng viên Anh ngữ Căn bản kéo dài 6 tháng rồi năm 1973 lại trở về trường cũ tại Lackland, San Antonio, Texas, để tiếp tục học thêm khóa tu nghiệp giảng viên. Về nước để kịp đón “Ngày Giải Phóng”, 30/4/1975!

 

Trường Sinh ngữ Quân đội, trụ sở chính trong Tổng tham mưu

 

Sau khi đi học tập về tôi làm đủ thứ nghề. Từ anh “lao động phổ thông” cho một hợp tác xã xây dựng, cho đến anh trông hàng ngoài chợ Bình Tây cho bà chị họ rồi lại là anh đi bỏ mối lò dầu hôi cho các chợ khắp Sài Gòn.

Cũng may, đến khi có chuyện “vượt biên” tôi lại nhẩy lên chức “thầy”, lén lút dạy Anh văn cho những người ôm mộng đến xứ sở tự do. “Ông thầy” dạy đủ các tài liệu, từ American Streamline, English 900 đến bộ English For Today tới 6 cuốn!

Đã bảo là cái số không có “học trò” theo nghĩa bình thường nên tôi cũng có những học trò các lớp đêm tại các trường ở Sài Gòn do Trung tâm Nghiên cứu Dịch thuật, một tổ chức hợp pháp của nhà nước được thành lập trong tiến trình “Đổi Mới”. Thì cũng mang danh “thầy’ như ai!

Rồi lại là “thầy” của sinh viên và khách nước ngoài, không phải dạy Anh văn, mà là thuyết trình về văn hóa Việt! Có một công ty du lịch mỗi lần khách đến muốn tìm hiểu về Việt Nam lại mời ngay “ông thầy tay ngang” đến nói chuyện!  

 

Gặp gỡ du khách Mỹ

 

Các sinh viên Mỹ, Áo, Singapore đến Sài Gòn để tìm hiểu về Việt Nam nên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức các buổi giảng về Việt Nam do “thầy” Chính đứng ra đảm trách. Thì cũng là “thầy” như ai vậy!

 

Với sinh viên Singapore

 

Bước đường “làm thầy” của tôi thật gian nan nhưng cũng nhiều kỷ niệm khó quên nên kể ra đây để các bạn thấy:

“Có nhiều loại thầy chứ không chỉ là thầy giáo, cô giáo tại các trường phổ thông ngày hai buổi đứng lớp!”

Nếu có được gọi là “thầy giáo” thì bây giờ tôi cũng đã “tháo giầy” để về hưu. Không biết “thầy” như tôi có được “hưởng ké” Ngày Nhà Giáo 20/11, cái ngày mà bây giờ cả nước vinh danh Thầy Cô như hiện nay không nhỉ?

*** 

--> Read more..

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2020

Đoạn Tuyệt - Nhất Linh

Tiểu thuyết luận đề mang tên “Đoạn Tuyệt” của nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam, 1906-1963) xuất bản năm 1934 trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang hình thành một cuộc chiến gay gắt giữa hai quan niệm Cũ và Mới.

 

“Đoạn Tuyệt” (ấn bản của Phượng Giang, 1958)

Nhân vật chính của truyện là Loan, một cô gái có những tư tưởng mới theo Tân Học, cô hành động chống lại những luật lệ phong kiến hà khắc, hạn chế quyền tự do cá nhân của con người, đặc biệt là phụ nữ.

Ngay từ phần mở đầu, Nhất Linh đã đưa người đọc vào thẳng chủ đề: cô Minh Nguyệt phải tự tử vì không thể chịu được cảnh “mẹ chồng, nàng dâu”. Có 4 người trong câu chuyện tại nhà vợ chồng ông giáo Lâm và Loan đã đáp thẳng thừng khi bà giáo Thảo hỏi cô về đề tài thời sự nóng bỏng trên báo: 

- Tôi biết rồi, biết trước khi họ đăng báo, vì tôi có quen cô ta. Khốn nạn, việc quái gì mà phải tự tử. Mẹ chồng ác thì về nhà bố mẹ mà ở, tội gì rước khổ vào thân rồi đến nỗi tự tử.

Nhất Linh đã để cho Loan bồi thêm những lý luận hùng hồn của một cô gái “tân thời”:

- Mẹ chồng ác thì đi chỗ khác mà ở, chồng ghét thì lại càng nên đi lắm. Khổ là vì cứ tưởng mình là thân con gái thì phải lấy gia đình chồng làm gia đình mình, nếu mất gia đình ấy là đời mình bỏ đi. Sao lại thế được. Mình sống, muốn sống thì không thể một mình mình sống được sao, nếu cái gia đình kia không cho mình được sung sướng.

Nhân vật thứ tư trong câu chuyện ở nhà ông giáo Lâm là Dũng, chàng thanh niên mà  Loan rất có cảm tình nhưng cả hai đều chưa ngỏ lời yêu nhau. Dũng tham gia câu chuyện bằng một nhận xét dửng dưng… vô thưởng vô phạt:

- Chuyện gia đình bao giờ cũng rắc rối; nào tự do kết hôn, nam nữ bình quyền, mẹ chồng nàng dâu, bao nhiêu thứ lôi thôi, muốn yên ổn thì đừng nghĩ đến nữa.

Và Dũng nói thật lòng mình:

- Tôi thì đâu dám nghĩ đến đường vợ con. Không cửa, không nhà, nay đây mai đó, chính thân tôi, tôi cũng không biết sau này ra sao nữa là. Tôi chỉ có bạn chứ không có gia đình nào cả.

Loan rất hiểu hoàn cảnh của Dũng, bố mẹ anh muốn cho con thành một “trưởng giả”, ngờ đâu lại thấy con làm việc “cách mạng” khiến bố mẹ sợ lụy đến gia đình nên quyết định từ con. Tận đáy lòng, Loan biết Dũng thực sự không phải là người con bất hiếu.


Nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (1906-1963), người sáng lập nhóm Tự Lực Văn Đoàn

Ở Phần 2, sáng hôm thấy nhà Thân đem đồ lễ đến ăn hỏi, nàng lánh mặt sang nhà bà giáo Thảo và cuối cùng, nàng tìm đến căn gác trọ tồi tàn của Dũng. Nàng chỉ biết cần gặp Dũng nhưng lại mập mờ không hiểu gặp Dũng để làm gì.

Trong khi Dũng ngạc nhiên về cuộc thăm viếng bất ngờ, nàng giải thích vì thấy Dũng chuẩn bị dọn nhà đi xa nên vội vàng đến anh. Loan muốn Dũng tỏ vẻ thất vọng khi phải xa mình nhưng chỉ thấy anh rất vui vẻ tiếp nàng khiến nàng hiểu mình chỉ là một người bạn.

Đến khi Loan tình cờ thấy được tấm hình mình chụp 3 năm về trước trên vali của Dũng, nàng lại thấy trong lòng man mác sung sướng trong khi Dũng thản nhiên giải thích một cách vui vẻ:

- Ấy vừa lúc nãy, khi xếp cái ảnh vào va li, tôi mới sực nhớ đến cô và nhớ ra rằng chưa báo tin để cô hay, thì may quá, cô lại đến chơi!”

- Cái vui của anh không tự nhiên.

- Thế nghĩa là thế nào, cô Loan?

- Nghĩa là anh có sự gì muốn dấu tôi. Sao tự nhiên vô cớ, anh lại bỏ đi xa?

- Thì tôi đã nói với cô vì cớ gì rồi.

- Không phải vì cớ ấy... Đi đâu cũng không tìm việc làm dễ bằng ở Hà Nội, mà nay đây mai đó, vất vả khổ sở, tội gì mà anh phải đày đọa thân anh. Anh nên ở lại là hơn... Anh Dũng, anh đã bảo anh không cần gì gia đình, anh không biết đến gia đình nữa, thì can chi anh phải lánh xa, can chi anh phải buồn.

- Thầy mẹ tôi dẫu đăng báo hay nói khắp nước Nam rằng không nhận tôi là con, tôi cũng vẫn là con, vì đã đẻ tức là con rồi... Vậy từ con chỉ là không chia của cho con nữa.

- Gia đình như thế thì tôi cần về làm gì nữa. Gia tài không chia cho tôi, đã đành vậy, nhưng tôi lấy cái nghèo tự lập, mình làm mình sống là vinh dự lắm. Cô nghĩ như thế, can gì phải buồn... Đời còn vui, còn đẹp chán. Mà ở đời phải vui sống để làm việc, can gì phải để tâm đến những việc nhỏ nhen.

(hết trích)

Dũng cũng biết tin Loan sẽ về nhà chồng ở ấp Thái Hà, anh còn nói thêm “Khi nào có tin mừng tôi sẽ về!”. Buổi gặp gỡ chấm dứt ở đây và Nhất Linh để Loan chia tay Dũng trong lúc trời còn đang mưa để thêm phần thị vị.

Nhà thơ Thế Lữ (1907-1989) đã có những câu thơ cảm tác buổi chia tay giữa hai người bằng những giòng “Giây phút trạnh [chạnh] lòng”. Bài thơ được viết năm 1936:

“Anh đi đường anh, tôi đường tôi

Tình nghĩ đôi ta có thế thôi

Đã quyết không mong xum họp mãi

Bận lòng chi nữa lúc chia phôi”

Thế là đường ai nấy đi. Loan quyết định đến gặp Dũng một lần nữa nhưng đến nơi mới biết Dũng đã trả nhà và đã ra đi. Đến giáp Tết, Loan bước lên xe hoa về ấp Thái Hòa, cũng đúng đêm trước đó, Dũng trở Hà Nội bằng thuyền. Xuống đến bãi Yên Phụ anh về tá túc tại nhà thầy giáo Lâm và thật bất ngờ khi Loan xuất hiện.

Nấp trong phòng, Dũng nghe thấy tiếng Loan… “du dương lọt vào tai chàng như một khúc đàn xa xăm ở thời quá vãng đưa lại. Dũng để mắt vào khe cửa nhìn. Thấy vẻ mặt Loan tươi cười, chàng lấy làm mừng rằng Loan đã quên được mình và vui vẻ lúc bước chân về nhà chồng”.

Nhưng sự thật không đơn giản như vậy. Loan bỗng nhìn thấy hộp đựng thuốc lá quen thuộc của Dũng trên bàn, rồi lại thấy cái mũ dạ màu xám tro và cái áo tơi còn ướt đẫm nước mưa… Nàng cất tiếng gọi to… “Anh Dũng, Anh Dũng!”.

Lâm nói khôi hài:

- Hết anh Dũng đi biệt tăm tích, lại đến cô Loan về nhà chồng. Đêm nay tình cờ thành một đêm họp mặt cuối cùng.

Loan nói:

- Không biết nên buồn hay nên vui?

Thảo tiếp luôn:

- Nên vui và muốn mừng cả mọi người, nhà sẵn có chai rượu kia tôi tặng mỗi người một cốc.

(hết trích)

Một lần nữa, Thế Lữ lại cảm tác về “Đoạn Tuyệt” qua những vần thơ:

“Hôm nay tạm nghỉ bước gian nan.

Trong lúc gần xa pháo nổ ran.

Rũ áo phong sương trên gác trọ.

Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang”.


Nhà thơ Thế Lữ (1907-1989)

Kể từ ngày bước lên xe hoa về nhà ông bà Phán Lợi, cuộc đời của Loan bước sang một giai đoạn, vừa khốc liệt, vừa tàn nhẫn. Gia đình nghèo nhưng ông bà Hai cố gắng nuôi Loan ăn học đến hết bậc cao đẳng, còn Thân tuy con nhà giàu có, quyền thế nhưng học vấn kém. Hai bên đã giao ước cho đôi trai gái lớn lên kết duyên chồng vợ. Và đây là ngày cưới:

“Loan lẳng lặng đi theo các cô phù dâu ra. Lờ mờ trong khói pháo, nàng thấy Thân mặc áo thụng xanh đương cúi rạp trước bàn thờ. Đèn nến sáng choang, lư đồng bóng nhoáng, khói ngầm nghi ngút tỏa, hoa cúc vàng tươi xen lẫn với hoa thược dược đỏ thắm, những cảnh lộng lẫy ấy đối với Loan không có nghĩa là gì, vì không phải là biểu hiện của một sự vui mừng chân thật”.

Giây phút Loan bước chân đến cửa nhà chồng, đáng lẽ bước qua cái hỏa lò để ở cửa, nàng đứng dừng lại cúi nhìn cẩn thận rồi vờ như vô ý lấy chân hắt đổ cái hỏa lò, mấy viên than hồng rơi lăn lóc ra mặt đất trước vẻ mặt sững sờ của mẹ chồng.

Trong lễ tơ hồng, người ta đặt nàng ngồi sau lưng Thân, nàng sắp lễ, thản nhiên, đứng lên ngồi ngang hàng với Thân. Và cuối cùng là giây phút động phòng:

“Thân, sau khi đã khóa cửa cẩn thận, tiến đến sau lưng nàng. Hai người lặng yên hơn một phút đồng hồ, không ai dám cất tiếng nói trước.

“Bỗng Loan thấy một bàn tay nhẹ để lên vai nàng. Nàng vẫn không quay lại, ngước mắt nhìn ra ngoài cửa sổ và lúc đó, hình ảnh Dũng lại hiện ra trong trí tưởng tượng của Loan rõ rệt như trông thấy trước mắt…

“Thân lúng túng nói mấy câu rất sẽ, nàng không nghe rõ. Trong lúc nàng ngồi lặng yên cúi mặt, thì Thân ra phía giường loay hoay xếp dọn. Nàng đưa mắt nhìn mới hay rằng Thân đương trải một miếng vải trắng lên trên chiếu. Bỗng nàng hiểu và cảm thấy tất cả cái mọi rợ trong cử chỉ của Thân lúc đó.

“Nàng mỉm cười khinh bỉ, nghĩ thầm: Chỉ có sự trinh tiết của tâm hồn là đáng quý thôi. Nghĩ vậy rồi nàng đứng dậy, bỏ chiếc khăn quàng xuống bàn và lạnh lùng cởi áo ngoài.

(hết trích)

Nhất Linh đưa ra một triết lý đầy mâu thuẫn: “Trong chế độ đại gia đình, không có những dây thân ái tự nhiên ràng buộc người nọ với người kia, thì đành lấy những dây liên lạc giả dối mà ràng buộc lấy nhau vậy”.

Loan luôn phải sống trong một gia đình mà người nào cũng muốn làm cho nàng khổ. Lúc nào nàng cũng nghĩ đến bổn phận, cái bổn phận cay nghiệt của nàng đối với mọi người trong nhà. Trong thâm tâm nàng, đó chỉ là sự bó buộc gây nên bởi tập quán khiến cho mọi người lúc nào cũng quấy rầy lẫn nhau!

Bà Phán Lợi thường mượn lời mắng đầy tớ nhưng đó chỉ là những lời “nói cạnh nói khóe” dành cho nàng. Loan tự hỏi, sao người ta có thể ác như thế khi nói “Tôi nuôi các người để các người giúp đỡ tôi chứ để các người ăn không ngồi đùa giỡn đấy à? Chướng mắt lắm, không chịu nổi!”

Chính Thân đã có lần nói chàng cưới Loan về để hầu mẹ! Thật đau xót khi người ta cưới nàng về để hầu chứ không phải để làm vợ. Vì vậy, đầu tiên người ta dạy bảo Loan như người ta dạy bảo một con ở. Có lẽ ngày xưa về làm dâu bà đã chịu khổ, nên bà muốn bắt người khác cũng phải khổ như mình!

Đã nhiều lần, Loan tìm cách “thoát ly” khỏi gia đình chồng bằng cách gợi với Thân “ra Hà Nội buôn bán”. Một đoạn đối thoại giữa Loan và chồng trong “Đoạn Tuyệt”:

- Việc lập thân của cậu, cậu không lo.

Thân nói sẵng:

- Mợ không phải nói nhiều. Tôi lấy mợ về không phải là để mợ dạy khôn tôi. Việc của tôi tôi lo. Nhưng lập thân? Thân danh như tôi thế này mà đi làm anh bán chiếu, mợ coi thế tiện lắm à?

Loan lạnh lùng đáp:

- Đã vậy thì được. Cậu không muốn làm, thì cậu để mặc tôi. Tôi sẽ xin phép thầy me.

- Cậu ở nhà cậu, tôi là một người xa lạ đến; người xa lạ ấy ở dưới quyền những người khác thì chỉ còn một cách là cúi đầu theo lệnh. Tôi, tôi chỉ biết cậu là chồng, còn đối với những người khác, vì nể cậu mà tôi chịu nhịn. Nhưng, nếu một ngày kia, người ta làm cho tôi không thể nhịn được nữa, chắc sẽ có nhiều chuyện lôi thôi. Cậu nên liệu trước đi là hơn.


“Đoạn Tuyệt” (ấn bản của Thời nay, 1961)

Gia đình Loan vốn nghèo nên đã nợ gia đình chồng số tiền lên tới 3.000 đồng, số tiền quá lớn vào thời đó. Điều mỉa mai là bà Phán Lợi đã dọa sẽ “tịch ký”, hiểu theo thời nay là “tịch biên gia sản”, chứ không nể nang gì tình thông gia. Loan hiểu đó là một cách trả thù thâm độc nhất khi bà không hài lòng về đứa con dâu bướng bỉnh!

Thân, chồng nàng, là một con người “đã mềm yếu mà lại còn lệ thuộc vào mẹ”. Thậm chí cả đến việc đặt tên con Thân cũng không thể quyết định vì còn tùy thuộc vào bà phán!

Gay gắt và kịch tính nhất là khi đứa con trai của Loan ra chào đời, mẹ phải “sinh mổ” rồi thằng bé khi sau một cơn bệnh cũng qua đời chỉ vì gia đình chồng không cho mang vào bệnh viện chữa trị mà dùng bùa chú của các thầy lang băm. Họ mang hài nhi về nhà để chữa thuốc ta, uống tàn hương nước thải, dùng cả roi dâu để… chữa bệnh. 

Sau khi Loan mất đứa con, nàng cũng đã mất khả năng để có cháu nối tông môn, gia đình chồng ép Loan “đứng ra” cưới Tuất một cô gái trẻ gần nhà làm vợ lẽ cho Thân. Tuất sinh được đứa con trai, lại tỏ ra “kẻ trên”. Gia đình chồng ngày càng khinh miệt Loan, xem nàng như một loại “nô dịch” không công, một “chiếc máy đẻ” bị “trục trặc”...

Rồi một cuộc gặp gỡ định mệnh xảy ra khi Loan và một bà bạn đi chơi gần đền Mẫu thì gặp một chiếc xe bị tai nạn dọc đường. Loan nhận ngay ra người lái xe là Dũng xin quá giang về Việt Trì băng bó vết thương.

Phải nói Nhất Linh đã “hư cấu” chi tiết cuộc gặp gỡ này vì một lý do dễ hiểu: đây là tiểu thuyết. Thế cho nên ta mới có cảm giác lãng mạn khi Dũng dùng chiếc khăn lụa của Loan để băng đầu: “Mùi nước hoa thơm mát thoảng đưa ra làm cho Dũng nhắm mắt lại, rùng mình. Chàng nhìn Loan mỉm cười ngượng nghịu nói: Cảm ơn bà”.


Chân dung Cô Loan

Người ta thường nói “tức nước vỡ bờ” khi một đêm “định mệnh” đến với nàng: Loan đã  kết thúc cuộc tình không duyên nợ bằng một vụ án mạng “giết chồng”! Nhất Linh kể lại mọi diễn biến trong cái đêm định mệnh đó ở phần cuối “Đoạn Tuyệt”:

“Yên lặng một lúc rồi Loan thấy chồng giật lấy quyển sách ở tay nàng vứt mạnh xuống đất. Loan đặt con dao lên bàn, cúi xuống nhặt sách, phủ bụi rồi lẳng lặng giở ra đọc, làm như không xảy ra sự gì cả. Loan thấy Thân ngồi nhỏm dậy, liền quay lại hỏi:

- Cậu làm gì thế?

- Mợ không được láo.

- Tôi láo cái gì?

Thân đập mạnh hai tay xuống chiếu quát:

- Mợ cãi à?

Rồi tiện chân đạp mạnh vào lưng Loan, làm Loan ngã lăn xuống đất. Nàng vừa lóp ngóp dậy đương vấn lại tóc thì ở ngoài nhà có tiếng bà Phán:

- Làm cái gì mà huỳnh huỵch trong ấy thế? Có dạy vợ thì lúc khác hãy dạy, để yên cho người ta ngủ.

Loan nói:

- Ai dạy ai? Động một tí thì dạy. Tôi không cần ai dạy tôi.

Thân cầm cái gối lăm le ném vào Loan:

- Phải, có thế mới là đồ mất dạy.

Loan đáp:

- Mất dạy là đánh người đàn bà yếu ớt, hèn nhát một lũ...

Loan vẫn lùi. Thân hục hặc nhìn quanh, rồi tiện tay cầm ngay lấy cái lọ đồng sấn lại phía nàng. Loan thấy Thân đã đến gần mình, trong lúc hốt hoảng liền vớ ngay con dao díp rọc sách để ở bàn định giơ đỡ, Thân như con hổ dữ đạp đổ một cái lọ đồng đập vào Loan. Loan né mình tránh được và trượt chân ngã xuống giường, con dao cầm chắc trong tay. Thân quá đà cũng ngã mạnh vào người Loan, Loan thấy cái cán dao ấn mạnh lên tay nàng…


Nhất Linh và những lời tuyệt mệnh:

“Đời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử Đối lập Quốc Gia là một tội nặng sẽ làm cho nước mất về tay Cộng sản. Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do,

Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.

7-7-1963”

Báo Tân Văn đưa tin: “Cô Loan giết chồng!” và kể “Cô Loan, một gái tân thời, sau một cuộc cãi lộn với chồng và mẹ chồng, cầm dao đâm chồng chết. Hiện cô đã bị bắt giam... “.

Phiên tòa xử cô Loan chen chúc cả ngoài hiên gác, trong đó có cả Dũng. Anh kiễng chân, ngước mắt nhìn vào trong, nhưng vì lúc đó còn xử việc khác mà Loan lại đứng hiên bên kia nên chàng không nom thấy.

Loan thong thả bước ra đứng vịn vào vành móng ngựa. Lúc ấy Dũng mới dám nhìn kỹ: chàng thấy Loan gầy và xanh hơn trước nhiều. Nét mặt nàng lúc đó thản nhiên, không lộ một chút sợ hãi lo lắng.

Ông chưởng lý cất cao giọng buộc tội: “Thị Loan không thể cãi rằng không định tâm giết chồng. Nói rằng cầm dao để đỡ cái lọ đồng trong khi né mình tránh khỏi là một sự vô lý. Mà không cái gì tỏ ra rằng người chồng vác lọ đồng để đánh chết vợ, một người vợ đã hỗn với mẹ mình! Thị Loan đã khôn khéo, phải, rất khôn khéo, vì đã giết chồng mà khéo làm ra như là chồng tự giết mình. Tôi rất phục. Nhưng cái khéo đó là của một người nham hiểm, một người gian trá…”

Đến lượt ông trạng sư đứng lên biện hộ: “Loan không giết chồng! Điều đó là một sự tự nhiên rồi. Giấy chứng của đốc tờ, lời khai sự thực của con sen đúng với lời khai sự thực của bị cáo nhân, đã tỏ ra một cách rõ ràng rằng, những lời khai khác hẳn nhau của gia nhân người thiệt mạng toàn là những lời vu khống vì thù ghét. Còn như Thị Loan cầm dao, đó không phải là một cái tội. Cái lọ đồng kia có thể làm chết người. Thị Loan có quyền giữ mình, giữ mình bằng cách nào cũng được…

Đây là bức thư của Thị Loan viết cho một người bạn là bà giáo Thảo hiện có mặt tại đây. Tôi xin đọc một câu của Thị Loan viết trong đó: "Em sẽ sống như mọi người khác, em sẽ cố thuần thục, lấy gia đình chồng làm gia đình mình, coi bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ, biết đâu em không thấy được hạnh phúc ở chỗ đó". Đấy các ngài nghe rõ chưa? Thị Loan muốn yên mà người ta không để Thị yên.

Buộc cho Thị Loan cái tội giết người ư? Thị Loan không giết người!

Buộc cho Thị Loan cái tội quấy rối gia đình ư? Chính Thị Loan lại là người tha thiết muốn được yên sống trong gia đình.

Thị Loan chỉ có mỗi một tội là cắp sách đi học để rèn luyện tâm trí thành một người mới, rồi về chung sống với người cũ. Thị Loan chỉ có mỗi tội đó. Nhưng tội ấy, Thị Loan đã chuộc lại bằng bao nhiêu đau khổ.

Tha cho Thị Loan tức là các ngài làm một việc công bằng, tức là tỏ ra rằng cái chế độ gia đình vô nhân đạo kia đã đến ngày tàn và phải nhường chỗ cho một chế độ gia đình khác hợp với cái đời mới bây giờ, hợp với quan niệm của những người có học mới.

(hết trích)

Và những lời cuối cùng của bị cáo:

Trạng sư đã nói thay cho tôi. Những ý tưởng về mới, cũ, trạng sư vừa phân bày rất đúng với tình cảnh bọn chị em bạn gái mới chúng tôi. Tôi tiếc rằng chính tôi là người ở trong cảnh mà không có giọng hùng hồn để nói cho mọi người cảm thấy rõ những nỗi thống khổ mà chúng tôi đã phải chịu. Không phải tôi cốt để tòa rủ lòng thương riêng đến một mình tôi, vì tôi đã đành cam chịu lấy hết các thứ hình phạt mà xã hội bắt tôi phải chịu. Tôi nói cốt để chị em gái mới, đến đây nghe, biết rằng nếu các chị muốn được hưởng hạnh phúc với chồng con, thì điều trước nhất, các chị em phải tìm cách sống một đời riêng, một đời tự lập, tránh sự chung sống với bố mẹ, họ hàng nhà chồng và nhất là cố vượt hẳn ra ngoài quyền của cha mẹ chồng thì mới mong gia đình hòa thuận”.

Cuối cùng, tòa tha trắng án. Ngồi trên xe, nhìn gió đùa ánh sáng trong rặng cây sơn điệp, nhìn mây bay trên trời xanh, Loan mỉm cười sung sướng: “Bây giờ mình mới thật là tự do, hoàn toàn tự do”.

Loan chếnh choáng vì rượu mừng “trắng án” tại nhà của vợ chồng thầy giáo Lâm, cô nói: “Em sẽ uống thật nhiều để kỷ niệm cái ngày hôm nay... ngày em đoạn tuyệt với cái đời cũ...”.

Nhìn Loan thu hình trước lò sưởi, hai con mắt lờ đờ nhìn lửa cháy, Thảo không thể không nhớ lại mấy năm về trước đây, cũng một đêm mùa đông như đêm nay, Loan ngồi với nàng nói chuyện về Dũng; nàng còn như nghe rõ bên tai câu nói rất buồn rầu của Loan: “Em sẽ đợi...”.

Loan tâm sự với Thảo, người bạn đã từng chia ngọt, xẻ bùi với nàng trong suốt thời gian qua:

Em nhầm, nhầm đã hơn sáu năm nay. Em yêu Dũng - cái tình đối với Dũng, chị đã biết - nhưng chị có ngờ đâu rằng, đó chỉ là một mối tình mộng tưởng, yêu người ta, tưởng người ta yêu mình, mà thật ra từ trước đến nay, Dũng không bao giờ yêu em cả. Em nhầm và em muốn giữ riêng câu chuyện một mình mãi mãi.

Huống hồ bây giờ em không còn là một thiếu nữ ngây thơ, trong sạch như trước kia nữa. Em chỉ còn mong có một điều là được mãi mãi sống như thế này, và quên hẳn chuyện cũ đi, quên hết”.

(hết trích)

Thảo đáp: “Nhưng mà có người lại chưa quên...” và cô giáo đưa cho nàng một bức thư. Đoạn kết của “Đoạn Tuyệt”, Nhất Linh để Dũng xuất hiện qua một bức thư gửi cho Thảo có đoạn như sau:

Em xin thú thật với chị rằng đã hơn tám năm nay, em nặng một tình yêu Loan, nhưng sau khi đã biết Loan là vợ chưa cưới của người khác, em cố đổi tình yêu ra tình bè bạn và coi Loan chỉ như một người bạn. Như thế cho đến ngày em phải bỏ Hà Nội đi. Trước khi đi, Loan có đến nhà thăm em và khuyên em ở lại. Nếu em không nhầm thì cái cử chỉ đó đã tỏ ra rằng Loan cũng yêu em. Nhưng nghĩ Loan bị nhà bắt buộc lấy người khác mà em thì phải sống cái đời phiêu bạt vô định, nên em không thể nào cùng Loan đi một con đường và hôm đó em phải đóng vai một người bạn vô tình để cho Loan quên hẳn em đi.

Em ở xa, nhưng cũng biết Loan khổ sở vì nhà chồng. Dầu thương Loan đến đâu đi nữa, em cũng không có quyền dự vào việc riêng của một người đàn bà đã có chồng…

Nếu Loan đã quên em hẳn, hay từ trước đến giờ, Loan chỉ coi em như một người bạn thì xin chị coi như là không có bức thư này và từ nay em không bao giờ nhắc đến chuyện ấy nữa. Nếu Loan có thể để cho em chuộc lại cái lỗi trước thì chị nói cho Loan biết rằng Loan không nên câu nệ. Đối với em thì Loan bây giờ cũng như Loan khi chưa lấy chồng. Còn như bảo rằng em e ngại, vì Loan đã là một người có tai tiếng với gia đình, thì điều đó Loan đã biết rằng em không để ý đến, vì em cũng như Loan.


“Đoạn Tuyệt” (ấn bản sau năm 1975, Nhà xuất bản Hội Nhà văn)

“Đoạn Tuyệt” kết thúc tại đây và trong tư tưởng của Loan đã có sẵn câu trả cho bức thư của Dũng… “Em sẽ đợi”. 

*** 

* Đọc “Đoạn Tuyệt” tại: https://www.sachhayonline.com/tua-sach/doan-tuyet.html 

* Tham khảo thêm “Tiểu sử Nhất Linh” của Thụy Khê tại: http://thuykhue.free.fr/tk02/NHLINH01.html 

***

--> Read more..

Popular posts