Người ta thường biết đến Nhật Tiến (1936-2020) là một nhà văn –
nhà báo “di cư” khá nổi tiếng tại Việt Nam, nổi bật nhất là tác phẩm “Thềm hoang” do Đời Nay xuất bản năm
1961. Tác phẩm này đã nhận được Giải thưởng Văn chương Toàn quốc 1962 dưới thời
VNCH.
Khi nhà văn Nhất Linh cho ra đời tạp chí “Văn hóa Ngày nay” tại Hà Nội, Nhật Tiến
đã cộng tác ngay từ số đầu tiên. Vào Đà Lạt, ông đã viết cho nhiều báo, làm Chủ
biên nhà xuất bản Huyền Trân và Chủ bút tuần báo Thiếu Nhi từ năm 1972 đến năm
1975 do nhà Khai Trí của ông Nguyễn Hùng Trương xuất bản.
Có một mảng tương đối khuất của Nhật Tiến
mà ít người biết đến là ông đã từng là nhà giáo, dạy môn Lý-Hóa tại các tư thục
ở Sài Gòn, trong đó có trường Hưng Đạo sau năm 1975. Đến năm 1979 ông “vượt
biên” qua Thái Lan, một năm sau ông định cư tại California. Nhật Tiến từ trần
ngày 14/9/2020 tại thành phố Irvine, California, hưởng thọ 84 tuổi.
Nhà văn & Nhà giáo Nhật Tiến (1936-2020)
Bài viết này chỉ xoay quanh cuộc đời nhà
giáo của Nhật Tiến từ những ngày đầu mới “giải phóng”, qua đó ông hồi tưởng lại
cái thời mà người ta gọi là “điêu linh” đối với người miền Mam khi phải tiếp
xúc với người miền Bắc. Có thể nói, tư tưởng giáo dục của hai miền có nhiều nét
khác nhau đến độ không những đối lập mà còn “cười
ra nước mắt!”
Nhật Tiến nhìn nhận một sự thật là cho đến
nay, chưa có một cuốn hồi ký nào của một nhà giáo viết về sinh hoạt của thầy
trò sau tháng 4/1975. Hầu như nếu có thì cũng chỉ là những bài viết ngắn, được
thu gọn trong một vài vụ việc đáng ghi nhớ mà tác giả viết ra để đóng góp cho một
tờ báo vào một dịp đặc biệt nào đó.
Câu hỏi được đặt ra là có thực sự cần thiết
để viết lại những điều như thế hay không? Câu trả lời là “Rất cần!”. Bởi vì đó
là cội nguồn của sự tróc gốc đạo đức sẽ diễn ra trong xã hội những năm sau đó.
Khi nền tảng của chính sách giáo được dựa
trên những điều giả trá, những mưu toan ngoài giáo dục lại được điều hành bởi
những đầu óc thiển cận, hẹp hòi, đầy tự kiêu, tự mãn thì thành quả của giáo dục
sẽ ra sao, ai cũng có thể thấy trước được.
Thấy mà chằng ai dám nói ra, có khi còn góp
phần phụ họa làm cho bộ mặt giáo dục ngày càng thêm thảm hại mà chứng cớ cụ thể
là sự tuột dốc về đạo đức xã hội ngày nay đã hiện ra rành rành.
Bởi vì nó đã trổ hoa, kết trái, và tiết ra
nhiều độc tố hơn là hương thơm sau nhiều chục năm được vun trồng. Ông viết:
“...
trước khi được gọi là nhà văn thì tôi đã là một nhà giáo. Trong suốt cuộc đời dạy
học, tôi đã trải qua nhiều ngôi trường tại nhiều địa phương và giảng dạy cho
nhiều thế hệ học trò. Rồi khi ngành giáo dục mà tôi theo đuổi, do vận nước mà bị
nổi trôi theo thời cuộc thì tôi cũng vẫn còn đeo đẳng với nó để rồi lại cũng bị
nổi trôi theo.
...
“Khi
thời thế thay đổi, nhất lại là sự thay đổi từ ý thức hệ này qua ý thức hệ khác
thì hầu như mọi vốn liếng tinh thần của nhà giáo, tưởng sẽ tồn tại lâu dài với
những chuấn mực vốn đã trở thành truyền thống lâu đời, thì nay đã hoàn toàn bị
đảo lộn, bị trốc gốc, đến độ như tôi đã có cảm giác rằng mình phải kiêm nhiệm
cùng một lúc cả hai vai trò: vừa là thầy giảng dạy, vừa là tên học trò cứ bị
nhà trường uốn nắn thường xuyên từ tác phong, cử chỉ cho đến lời ăn tiếng
nói...
(hết trích)
Nhật Tiến tại tòa soạn “Thiếu Nhi” trước 1975
Trải qua 4 năm đầu tiên dưới mái nhà trường Xã hội Chủ nghĩa, ông đã thấy rằng ở đấy
người ta không những không trang bị điều gì tốt đẹp thêm cho nhận thức của nhà
giáo, mà tệ hơn, lại còn không cho phép các thầy các cô được làm trọn vẹn vai
trò của một nhà giáo đúng nghĩa.
“Đến
nỗi trong nhiều năm sau này, đã có nhiều đêm choàng tỉnh dậy, tôi thảng thốt thấy
như mình vẫn còn đang dẫn dắt một đám học trò lếch thếch đi khuân từng bó trúc
mua ở các hợp tác xã đem về trường để cả thầy lẫn trò đều miệt mài biểu diễn việc
sản xuất mành mành trúc trong những giờ học chính thức, được gọi là giờ lao động
sản xuất.
“Và
cũng có nhiều hôm tôi choàng tỉnh sau một cơn mơ thấy mình đang ngồi chen chúc
với các đồng nghiệp khác trong một ngôi trường chật chội, nóng bức vào mùa hè để
nghe những lời giáo huấn của thuyết trình viên mà chúng tôi đều biết rằng ngay
cả chính anh ta cũng đang nghĩ là mình đang nói dối.
“Người
nói, người nghe cùng có khả năng nhận biết đó là những màn kịch giả trá, nhưng
chẳng ai dám nói ra. Nói sao được khi toàn thể đời sống đã bị bao vây bằng đủ mọi
hình thức, khắp mọi nơi, lúc nào cũng có cảm giác như đang bị rình rập, dòm
ngó, nghi ngờ, và cứ sểnh ra là sẽ bị báo cáo lên Phường, lên Quận, lên Ban
Giám Hiệu nhà trường để nhẹ thì bị khiển trách, bị kỷ luật, nặng hơn dám có thể
đi tù.
(hết trích)
Cũng may mà bộ môn giảng dạy của Nhật Tiến
trong nhà trường không phải là môn Văn, môn chính mà ông đã từng phụ trách ở
nhiều tư thục hồi trước 1975 mà là môn Vật Lý và Hóa Học. Nhờ tính cách khoa học
của hai môn này nên ông được chấp nhận dễ dàng khi quay trở về trường cũ “đăng ký giảng dạy”.
Dạy văn thì phải là người thầy được đào tạo
ở miền Bắc. Theo mô tả của Nhật Tiến, đây là một cô giáo điển hình:
“Cô
trạc khoảng ngoài ba mươi, đến từ miền Bắc, ăn mặc rất giản dị tứ thời chỉ có
chiếc áo sơ-mi trắng và cái quần dài đen. Tóc cô cắt ngắn đủ che sau gáy và hai
bên tai. Khuôn mặt của cô hơi thô, mang vẻ cứng cáp, dằn dõi nên hơi thiếu cái
nét truyền cảm của nữ tính. Ít khi tôi thấy cô cười dù chỉ là một nụ cười góp
trong một đám đông trò chuyện ồn ào. Cô không ưa giao dịch, cũng không dòm ngó
hay soi mói ai. Nhìn bề ngoài, tôi thấy cô tỏ vẻ miễn cưỡng mỗi khi được xếp đứng
chung trong hàng ngũ của đám cán bộ nhà trường. Cái tâm lý này cũng dễ hiểu vì
tôi cũng đã rõ tâm trạng của nhiều người như cô: So khả năng với đám giáo viên
chế độ cũ thì quả là mình yếu kém, nhưng so về thành tích chiến thắng thì bọn họ
lại thua xa. Hẳn sự giằng co giữa hai trạng thái đối nghịch này đã khiến cho cô
cứ như phải nhấp nhổm, dè chừng để đối phó với ngay chính bản thân mình...”
Trong mấy tuần lễ đầu, lớp học của Nhật Tiến
chỉ lác đác có vài đứa học trò vốn là con em cán bộ từ xa tới, còn hầu hết đều
là những học sinh miền Nam cũ. Đứng trên bục giảng, nếu mắt không chạm phải tấm
biểu ngữ nền đỏ chữ vàng treo ở bức tường phía cuối lớp thì ông vẫn tưởng như
mình đang giảng dạy trong một lớp học của hai năm trước đó.
Nhưng cái cảm giác này bị tan biến đi ngay
vì ông biết rất rõ biểu ngữ này trên có chữ “Không
có gì quý hơn độc lập tự do” đã nghiễm nhiên thay thế cho hàng chữ “Tiên học Lễ, hậu học Văn” vốn ngự trị ở
đó từ hàng chục năm qua. Hồi đầu hè, đã có lần ông hỏi một thầy trong “Hội Nhà giáo Yêu nước” là tại sao lại
xóa bỏ câu “Tiên học Lễ, hậu học Văn” thì
thầy nhún vai trả lời “tàn dư lạc hậu,
hay ho gì cái thứ lễ nghĩa đó”.
Một kỷ niệm sau ngày khai giảng niên học được
ít bữa thì bỗng có hôm ông nhìn thấy một ông cán bộ cứ đứng ngoài hành lang
phía xa xa ngó vào lớp học. Ông này không phải nhân viên nhà trường nên có lẽ
ông ta là một phụ huynh học sinh, chắc ông băn khoăn không biết con mình theo học
ở trường mới, lớp mới, lại ở trong Sài Gòn hoàn toàn xa lạ nên không biết nó sẽ
học hành ra sao.
Kể từ lúc Nhật Tiến bước vào lớp, tất cả học
trò đều đứng dậy và chỉ ngồi xuống khi ông vẫy tay cho phép ngồi. Rồi qua các
“khâu” gọi học trò trả bài, đến sửa bài tập kỳ trước rồi giảng bài mới, hình
như ông cán bộ đã tới nhiều lần để quan sát được nhiều giai đoạn khác nhau.
Cho đến một hôm, vào giờ tan học, ông “phụ
huynh” gặp Nhật Tiến ngoài cổng trường và dưới đây là đối thoại:
“-
Chào thầy. Tôi là phụ huynh của con bé ngồi bàn đầu trong lớp của thầy.
Tôi
“à” lên một tiếng và nói:
- Tôi
biết rồi. Trò ấy tên Loan.
-
Vâng, thưa thầy. Cháu Loan nhà tôi trình độ có thấp, mọi sự trông nhờ ở thầy.
Tôi vội
vã đáp:
- Xin
ông cứ yên tâm. Học sinh trong lớp, tôi biết rõ từng đứa và đứa nào cũng được
quan tâm.
Ông
ta cũng hấp tấp nói:
- Tôi
biết... tôi biết... Tôi đã quan sát cung cách sinh hoạt ở các lớp học trong
này. Tôi thấy mọi sự đi vào nề nếp đúng như chúng tôi mong mỏi... ở ngoài Bắc,
chưa được như thế đâu.
Nói
xong, ông ta ngừng lại nhìn trước, ngó sau rồi lại tiếp:
- Cái
nề nếp ấy mong các thầy cô cứ giữ được mãi.
(hết trích)
Tác phẩm của nhà văn Nhật Tiến
Có rất nhiều từ ngữ thoạt đầu nghe có vẻ
“chối tai” nhưng riết rồi cũng quen đi trong môi trường giáo dục mới. Chẳng hạn
như “đứng lớp” đối với thầy cô nghiễm nhiên trở thành một từ ngữ thông dụng
hàng ngày. Ngày trước nói dạy học “một giờ” thì bây giờ đổi là “đứng lớp một tiết”.
Các nhà giáo dục của Nhà nước phân biệt rạch
ròi. Bởi khi ta nói dạy 1 giờ nhưng có bao giờ thầy giáo vào lớp dạy đủ 1 giờ
đâu? Nội việc khi có kẻng đầu giờ, nào thu xếp tài liệu, nào sắp xếp cặp táp rồi
di chuyển từ lớp này qua lớp kia cũng mất của học trò 5, 7 phút rồi. Vậy phải gọi
là một “tiết” thì mới hợp lẽ công bằng!
Thế còn “phụ đạo” là gì? Hồi mới nghe “Ban Giám hiệu” nói, Nhật Tiến có hơi bỡ
ngỡ. Nhưng rồi ông hiểu ngay rằng đấy là công việc nhà giáo phải tình nguyện dạy
thêm giờ cho những học trò “cá biệt” tức là đám học trò có thành tích nghịch như ma, lười học như quỷ.
Sang đến vụ soạn “giáo án” thì mới thật là
nỗi kinh hoàng của đám giáo viên mới bước chân vào nhà trường mới. Thật ra, nó
cũng chỉ là sự soạn bài mà ai đã đi dạy học mà chẳng phải soạn bài. Đây là công
việc âm thầm của riêng mỗi cá nhân thầy hay cô giáo. Tức là tùy theo cung cách
trình bày bài giảng của mỗi người, mạnh ai nấy soạn, chẳng phải trình ai, chẳng
phải chờ ai thông qua.
Nhưng bây giờ, khi nói đến “giáo án” là nói
đến những nguyên tắc chỉ đạo, đến những mục đích yêu cầu, đến những trình tự
sinh hoạt từng phút của thầy và trò trong lớp học. Thậm chí thầy sẽ hỏi trò cái
gì, câu giải đáp của thầy ra sao, lại còn cả cái vụ dự trù học trò hỏi quàng
xiên thế này thế khác, thầy cũng phải tính sẵn câu đối phó để trả lời.
Mấy chữ “đồng chí” thì chỉ có Ban Giám hiệu
hay Chi đoàn Thanh niên trong trường là dùng nhiều nhất chứ thầy cô có ra
“bưng” ngày nào đâu mà xưng hô “đồng chí” với nhau được!
Ấy vậy mà ông Hiệu trưởng mới đổi về, không
cần giới thiệu cũng biết ông ta là gốc bộ đội vừa được chuyển ngành. Trong
cương vị Hiệu trưởng một trường Trung học, ông ta vẫn mặc bộ quần áo bộ đội tới
trường để điều hành công việc. Hơn thế nữa, bên hông ông ta lúc nào cũng kè kè
một khẩu súng lục với những phát biểu đại loại như:
- Các
“đồng chí” phải ráng phấn đấu để trở thành người giáo viên gương mẫu của nhà
trường Xã hội Chủ nghĩa.
- Các
“đồng chí” cũng nên nhớ rằng “nhà nước chuyên chính vô sản” sẵn sàng đập tan mọi
âm mưu bạo loạn của bọn phản động, tàn dư của bè lũ tay sai nước ngoài để bảo vệ
vững chắc nhà nước Xã hội Chủ nghĩa.
-
Chúng ta dân chủ với mọi “đồng chí”, nhưng dứt khoát là phải “chuyên chính” với
mọi tàn dư phản động.
- Các
“đồng chí” nên nhớ dạy theo đúng sách giáo khoa với “giáo án” đi kèm chính là một
Pháp Lệnh. Ai không tuân thủ Pháp Lệnh là chống đối Nhà Nước, là phản động, là
bán nước!
Học trò cũng có “những gương mặt lạ”. Đó là những con em cán bộ từ miền Bắc vào và
được xếp lớp theo tiêu chuẩn: lớp 7 ngoài Bắc thì vào ngồi lớp 9 và lớp 8 leo
lên lớp 10. Lý do là bậc trung học của miền Bắc chỉ có 10 năm, còn trong Nam, học
trò phải trải qua tới 12 năm!
Có lần Nhật Tiến phụ trách “lớp cá biệt” và ông chú ý hai học sinh:
một đứa tên Sơn, trạc mười lăm, nước da đen đủi, đầu tóc bờm sờm và quần áo đã
rách rưới lại còn hôi hám đến kinh người. Sơn là con của một người lính “chế độ cũ” tử trận những ngày cuối cùng
của tháng 4/75.
Ngồi bên cạnh Sơn là thằng Tửu, ít tuổi hơn
nó, quần áo tề chỉnh hơn, nhưng tính tình cũng rất bậm trợn, rõ ràng là con của
một cán bộ ở ngoài Bắc được gửi vào. Nhìn
bề ngoài thì Sơn và Tửu là hai thái cực. Sơn thì cao lớn, ngông nghênh
trong khi Tửu thì loắt choắt lại e dè, thứ e dè của kẻ lúc nào cũng muốn giữ thế
thủ. Nhật Tiến kể lại:
“Một
lần tò mò, tôi chợt hỏi Sơn:
- Thằng
Tửu thế nào ? Bạn bè như nó chơi được không?
Sơn
nhìn tôi như nghi ngờ tôi thăm dò điều gì. Nhưng rồi nó cũng đáp:
- Thằng
ấy ranh như ma. Nó mới vô mà rành Sài Gòn còn hơn bọn em trong này. Nó giúp
em được nhiều thứ.
Tôi
vui miệng hỏi tiếp:
- Vậy
hả? Những thứ gì vậy cà?
- Bữa
hổm, thằng gác chợ đeo băng đỏ đòi bắt giữ mớ cá của mẹ em, Tửu xông lại trừng
mắt nói: “Này đằng ấy đừng có rớ tới má nuôi của tớ. Mẹ Chiến sĩ đấy?”. Thằng
băng đỏ không vừa, cãi lại: “Cái đồ chỉ
buôn đi bán lại, mất phẩm chất cách mạng, Mẹ chiến sĩ ở cái chỗ nào?”
Câu
chuyện vui vui, thấy tôi chăm chú nghe, Sơn hào hứng kể tiếp:
- Thế
là Tửu giở giọng chửi tục ngay. Nó nói y chang như thế này: “Đ….cụ nhà anh!
Cách mạng mới vừa thành công anh đã khoác ngav cái băng đỏ vào tay để lòe bà
con, chớ anh biết chó gì về các mẹ nằm vùng che giấu cán bộ rồi chở cả súng đạn
vô thành. Đừng có thối mồm giở giọng ta đây với mẹ chiến sĩ nhớ”. Thế là thằng
băng đỏ im re rồi lảng mất?”
(hết trích)
Cờ Giải phóng Miền Nam trên đường phố Sài Gòn
Cái được mệnh danh
là “thế giới trồng người” của nhà giáo Nhật Tiến thật nhỏ bé
nếu so với cả một xã hội đang chuyển mình từ hai dòng ý thức hệ kể từ ngày
30/4/1975. Có thể nói, ngôi trường tuy nhỏ bé của ông đã chứng kiến nhiều thay
đổi ngay từ những ngày đầu khi miền Nam thất thủ.
Phụ tá cho “Ban Giám Hiệu” nhà trường có đến hai người. Một người là “cựu nữ lao công” trạc ngoài 50 của trường từ trước 1975. Trong cương vị mới, bà đã ngồi tham dự tất cả các buổi họp của nhà trường nhưng người ta có cảm giác như bà ta bị… miễn cưỡng. Nhật Tiến
phân tích:
“Bởi nếu là kẻ có tham vọng
quyền lực mà bỗng nhiên trời cho rớt xuống một cái ghế Hiệu Phó như thế, hẳn bà
ta phải huênh hoang, phách lối và mục hạ vô nhân như nhiều kẻ tiểu nhân đắc chí
khác. Đằng này tuyệt đối không, tôi không thấy bà ta công khai “hỏỉ giấy” ai, nạt
nộ ai hay dậm dọa gì ai…”
Hiệu Phó thứ hai là
một thanh niên trạc hai bốn, hai lăm, khá đẹp trai, tính
tình nhã nhặn, biết nghe, biết ăn nói chừng mực. “Trình độ giác ngộ cách mạng” của anh thì phải nói là… siêu việt vì anh ta đã “thoát ly” gia
đình, bỏ học tại Đại học Vạn Hạnh để ra “bưng”
hoạt động.
Khi trở về thành, anh dành tất cả thì giờ
riêng tư cho công cuộc gây dựng ngôi trường Xã hội Chủ nghĩa. Anh ăn ngủ ngay tại trường và việc gì cũng tham gia, cũng để tâm tới và
góp phần trong những quyết định sau cùng. Anh sống giản dị, tứ thời đánh chiếc
sơ-mi trắng
may bằng vải nội hóa, cái quần ka ki mầu xanh bộ đội và đôi dép râu tha nó từ
trong rừng về.
Suốt mùa hè năm 1976, mọi sự chuẩn bị từ
danh sách giáo viên, thời khóa biểu các lớp đến tài liệu giáo khoa đều đã xong xuôi qua tài điều khiển của anh
Hiệu Phó. Giáo
viên cũng đã tập
trung ở trường Tabert cả tháng để học chính trị nên cũng trở lại trường chuẩn bị cho Lễ Khai Giảng.
Phần tiến hành thủ
tục chào cờ được trao cho một thầy vốn là giảng viên Thể dục Thể thao của nhà
trường trước đây. Học sinh xếp hàng ra sao, tiến lui theo nghi lễ thế nào, vào
lối nào, ra lối nào, hô khẩu hiệu gì, v.v… đều được thầy cho tập dượt cẩn thận.
Ấy thế mà chính thầy
lại bị vướng phải một lỗi chết người. Đó là cái lúc khi trong khi toàn trường
và đông đủ quan khách tuyệt đối im lặng nghe hiệu lệnh của thầy giáo, thì thầy
hô: “Chào cờ chào… Này công dân ơi quốc
gia đến ngày giải phóng…”
Thì ra thầy quen miệng
hát… bài quốc ca của chế độ cũ! Các thầy cô, quan khách và cả học sinh đều chết
sững trong vài giây. Phải nói anh Hiệu Phó lả một tay nhanh trí, anh nhẩy lên
giật lấy micro và nói: “Tất cả nghe tôi…
Chào cờ chào… Đoàn quân Việt Nam đi sao vàng phất phới...”
Chuyện “hát lộn quốc ca” của Nhật Tiến không phải
là trường hợp hi hữu duy nhất sau khi Sài Gòn đổi chủ. Năm 2012, trong bài viết “Saigon Stories” (https://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/08/saigon-stories.html), Hùng (con tôi) cũng đã kể lại với tác giả
Sam Korsmoe một chuyện đã xảy ra trong ngày khai giảng năm 1976. Câu chuyện có
đoạn như sau:
“… Hôm đó là ngày đầu tiên học sinh đi học trở
lại nên có buổi lễ chào cờ. Cờ ‘giải phóng miền Nam’ với 2 màu đỏ-xanh và ngôi
sao chính giữa được dùng thay cho lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng hòa.
“Sau khi có hiệu lệnh “Nghiêm… Chào cờ… chào”
đám học sinh cất tiếng hát “Này công dân ơi quốc gia đến ngày giải phóng…”. Thầy
giáo điều khiển buổi lễ quá bất ngờ, vội vàng ra lệnh không hát quốc ca nữa.
Hình như ông cũng ‘mắt trước mắt sau’ nhìn quanh xem có ông cán bộ nào chứng kiến
cảnh trớ trêu này không. Chuyện như vậy rất dễ đưa lên tầm ‘quan điểm’.
“Bản quốc ca cũ vốn đã đi vào tiềm thức của những
đầu óc non trẻ nên chúng chỉ hát như một cái máy chứ hoàn toàn không có ý ‘phản
động’ hay chống đối gì… cách mạng! Hơn nữa, cách mạng đâu đã kịp dạy các em bài
quốc ca mới nên làm sao chúng hát được? Cuối cùng, buổi chào cờ hôm đó chỉ kéo
cờ lên chứ không có quốc ca đi kèm. Đó là ấn tượng sâu sắc nhất của Hùng, một
chú học sinh mới 8 tuổi đời, trong ngày đầu tiếp xúc với cách mạng.”
(hết trích)
Thanh niên “Băng Đỏ” sau ngày 30.4.1975
Người ta nói dạy học
là nghề… “đưa đò” và thầy cô là những người cầm tay chèo để đưa học trò… qua
sông! Một cán bộ đã từng giải thích với các thầy, các cô: “Quá độ
là qua đò, đang qua đò thì chưa tới bến ngay được, phải từ từ các đồng chí ạ!”.
“Thời kỳ quá độ” là giai đoạn “đang qua đò”, do đó phải chấp nhận gian khổ, chớ vội vã đòi hưởng thụ. Nhật Tiến bình luận:
“Nếu hiểu là như thế, thì
chuyến đò chúng tôi đang đi đã chất lên đủ mọi hạng người, bất kể thuộc chế độ
cũ hay chế độ mới, tàn dư phản động hay cách mạng tiên tiến. Cái sự qua đò này
có phân biệt đối xử với ai đâu?”
Thế cho nên tác giả cảm thấy
“ngậm ngùi” khi thấy cán bộ đi
“săn lùng” từ cái
ấm đun nước, cái quạt để bàn hay cái bàn ủi ở chợ trời tại miền Nam. Hình ảnh những người lếch thếch
vác cái khung xe đạp hay con búp
bê trên đường ra Bắc cũng đã trở thành quen thuộc.
“Qua sông thì phải lụy đò”, đang qua đò thì đời sống
còn khó khăn, vất vả… mai mốt “sang sông” rồi hẳn sẽ khá hơn. Phải
chăng đó chỉ là “bánh vẽ” nhưng vẫn cứ có nhiều người tin chỉ vì… “nhá bo bo nhiều quá” nên lú
lẫn hết rồi!
Đất nước vừa hết chiến tranh, đòi có ngay
nhà máy với nông trường sao được? Đánh tư sản, tịch thu nhà cửa, cơ xưởng của người ta rồi bắt đi kinh tế
mới thì sẽ đẻ ra được nhà máy hay sao? Cái
chủ trương “ngăn sông cấm chợ” thì đẻ
ra được nông trường ư?
Nghịch lý như thế, dân miền Nam không bao giờ có thể
tưởng tượng nổi. Ra Hà Nội vào những năm cuối thập niên 70 người ta đã không thể ngờ khi vào một tiệm cà
phê thấy những chiếc muỗng để khuấy đều có móc xích gắn vào bàn. Thì ra đó là cung cách “quá độ” để đề phòng khi cái
muỗng chạy theo khách về tận nhà!
Các thầy cô đều “phấn đấu để vào biên chế”, từ giã thời kỳ “tạm dung” kéo theo “nhu yếu phẩm” mang về cho gia đình. Được “biên chế” thì lương đang ba chục lên ngay năm, sáu chục… còn “nhu
yếu phẩm” thì ôi thôi đủ thứ. Nhật Tiến ghi lại:
“Tôi còn nhớ những lần đầu
tiên được phát nhu yếu phẩm, tôi đã phải thủ sẵn từ nhà để mang đi một cái túi
vải. Nó vùa đủ rộng để chứa đủ nào là hộp sữa, bọc đường, mì gói, bột ngọt, đậu
xanh, miếng thịt, xâu cá, lại có cả cuộn giấy đi cầu. Đeo một cái bị như thế để
khi giáo viên túa ra khỏi trường lúc tan học, bà con hàng phố không nhìn
thấy mình được lãnh những gì. Một ông thầy chữ nghĩa đầy đầu mà đi xách hộp sữa
hay cuộn giấy đi cầu thì còn ra cái thể thống gì nữa.
“Nhưng riết rồi cái thói
che che, giấu giấu đặc biệt “tiểu tư sản” ấy đã không còn là một thói quen hay
nhu cầu cần thiết nữa. Bây giờ thì chúng
tôi thản nhiên mang ra khỏi trường từng bọc giấy, từng gói nylon, cái thì buộc
túm ở sau xe, cái thì quàng vào tay lái trước, chẳng ai còn thấy phải quan tâm
tới cái vẻ văn nhân mô phạm bề ngoài của một ông thầy trước con mắt dòm ngó của
phụ huynh hay đám học trò của mình nữa.
(hết trích)
Có hôm loa nhà trường
phát đi phát lại điệp khúc: “Yêu cầu đồng
chí Bùi Nhật Tiến xuống ban tiếp liệu nhận nhu yếu phẩm.” Nhật Tiến khi đó
đang giảng bài trong lớp bỗng cảm thấy khó chịu trong khi học trò cứ nhao nhao
nhắc thầy đi lãnh nhu yếu phẩm. Tác giả viết:
“Phải nói rằng sau bao nhiêu ngày tháng triền
miên trong thiếu thốn, nhu yếu phẩm là một niềm mơ ước của nhiều người. Đám
giáo viên thuộc chế độ cũ chúng tôi, bất kể thâm niêm hay cấp lớp giảng dạy,
trong niên học đầu tiên mọi người đều được lãnh đồng đều mỗi tháng 30 đồng, và
chỉ thay đổi bậc lương khi mỗi người được chính thức vào “biên chế”.
…
“Hầu như mỗi tháng 2 kỳ, mỗi
giáo viên được lãnh 1 hộp sữa bò, một túi đường trắng có khi là đường bổi,
đường miếng (tôi chưa bao giờ cân xem nó nặng bao nhiêu gam), một túi nhỏ đậu
xanh hay đậu đen, 1 thếp giấy viết khổ đôi, 2 cuộn giấy đi cầu (loại giấy đã
tái chế biến, dầy xộp, có mầu đỏ hồng chứ không phải
mầu trắng).
“Lâu lâu thì có thêm 1
chai bia hay một gói thuốc lá. Nhưng mấy thứ này thì phải chia nhau. Bia thì cứ
hai người một chai, thuốc lá hai người một gói. Ai không uống bia, hút thuốc
thì đối lấy đường, lấy đậu xanh, hay ngay cả cuộn giấy đi cầu. Nếu cả hai cùng
muốn uống bia thì rút thăm, hoặc mở tại chỗ uống chung, thay phiên nhau mỗi người một ngụm!
(hết trích)
Quà từ Sài Gòn của anh bộ đội về Bắc
Ở Chương Cuối, người
đọc thở phào nhẹ nhõm khi nhà giáo Nhật Tiến đã giã từ “một thời nhếch nhác” vào cuối năm 1979 với sự “tài trợ” của những
người bạn thân là một “mạnh thường quân”
và người kia là “chủ tầu” đã “ưu ái” dành cho gia đình ông vài chỗ vượt biên với…
“giá rẻ”!
Cuốn hồi ký “nhếch nhác” này được viết
tại California, bắt đầu từ
tháng 11 năm 2011 và hoàn tất vào tháng 2 năm 2012. Ngay từ Lới Nói Đầu của cuốn
sách, tác giả đã trải lòng mình qua những dòng tâm sự dưới đây:
“Ước vọng của người viết
là mong mỏi rồi ra còn nhiều đồng nghiệp đã từng kinh qua những khoảng thời
gian đó, sẽ ngồi viết lại hay góp phần phổ biến những trang sách cùng loại, để
bức tranh khắc họa về ngành Giáo Dục Việt Nam sẽ mang một nội dung phong phú hơn, những sai lầm gây tổn hại lớn lao
cho đất nước do những đầu óc thiển cận hẹp hòi trong quá khứ sẽ được nói lên rõ
ràng hơn, và những thông điệp gủi gắm lại cho thế hệ đi sau sẽ mang được nhiều
tâm huyết và được loan truyền rộng rãi hơn”.
***