Với châm ngôn “Hãy làm giàu kiến thức của bạn”, tạp chí Kiến thức Ngày nay (thuộc
tạp chí Văn, Hội nhà văn TP.HCM) mở ra nhiều chuyên mục có liên quan đến kiến
thức như “Giải đáp pháp luật” (luật
sư Trương Thị Hòa phụ trách), “Sức khỏe của
bạn” (bác sĩ Lương Trung Hiếu), “ABC
kinh tế” (Đức Minh), “Học báo tiếng
Anh” (Nguyễn Ngọc Chính)… nhưng có lẽ “ăn khách”
hơn cả là “Chuyện Đông chuyện Tây” của
An Chi!
“Chuyện Đông chuyện Tây” đã trải qua 4 lần ấn hành với lần in đầu tiên gồm ba tập (tập 1 và tập 2 in năm 1997, tập 3 in năm 1999). Lần in thứ hai in năm 2005 với bốn tập, lần thứ ba in năm 2006 gồm sáu tập. Năm 2017, tập 7 được in và năm 2018, phiên bản đầy đủ nhất từ trước tới nay của tác phẩm được in bởi NXB Tổng hợp.
Bộ sách "Chuyện Đông chuyện Tây" đã được trao Giải thưởng Sách quốc gia năm 2019 do Bộ Thông tin - Truyền thông và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức. Ngoài bộ sách "Chuyện Đông chuyện Tây", An Chi còn là tác giả công trình nghiên cứu văn hóa "Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm" và "Rong chơi miền chữ nghĩa" gồm 3 tập đồ sộ do NXB Tổng hợp ấn hành năm 2016.
Chuyên mục “Chuyện Đông chuyện Tây” dí dỏm, uyên bác do học giả An Chi phụ
trách trong suốt hơn 15 năm và đã từng bao phen dậy sóng khi dám đụng chạm tới
các tượng đài như Đào Duy Anh, Phan Huy Lê, Lê Ngọc Trụ, Đặng Thai Mai, Hoàng
Xuân Hãn...
An Chi đã chỉ ra những chỗ sai trong "Từ điển Truyện Kiều" của GS Đào Duy Anh và cả những điểm mà GS Phan Ngọc sửa chữa "nâng cấp" không đúng về cuốn từ điển này. Trong hai cuốn "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam", "Từ điển từ và ngữ Việt Nam" đều của GS Nguyễn Lân, ông cũng chỉ ra chính xác những "chỗ sai khó ngờ".
An Chi còn chứng minh thuyết phục về sự nhầm lẫn của GS Hoàng Xuân Hãn trong việc dùng thuyết "tự nhiên" lý giải ngôn ngữ "Truyện Kiều" cũng như sự hời hợt, nông cạn về tri thức của một số cây bút khác mang trên mình đầy học hàm học vị.
Biết bao thắc mắc của bạn đọc trên mọi miền đất nước gửi về, tất cả đều nhận được những câu trả lời đầy sức thuyết phục qua sự tìm tòi, nghiên cứu kỹ lưỡng của tác giả “Chuyện Đông, chuyện Tây”.
Cũng vì sách tập hợp những câu trả lời của tác giả, có sự phản biện với những quan điểm trái chiều những mong tìm ra đáp án đúng, nên có thể còn ở điểm này, điểm khác chưa hẳn nhận được sự đồng tình hoàn toàn. Cái hay của chuyên mục là được viết với tinh thần làm việc nghiêm túc, khách quan, đặt học thuật lên trên hết.
Nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo (1930-2007), một trong những người có nhiều đóng góp trong việc định hình phương pháp phân tích cấu trúc câu tiếng Việt, đã từng nhận xét về An Chi:
“…Thời
nay không có ai có thể tự cho mình là “nhà bách khoa” cái gì cũng biết, nhưng
những câu trả lời của anh trên tạp chí đã làm thỏa mãn phần đông độc giả vì đó
đều là kết quả của một quá trình tra cứu nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm
đối với khoa học và đối với những người đã có lòng tin cậy mình. Thêm vào đó là
lời văn trong sáng, đĩnh đạc, nhiều khi dí dỏm một cách nhã nhặn và tuệ minh,
làm cho việc đọc anh trở thành một lạc thú thanh tao…”
Trong bài viết này, chúng tôi trích lại một số câu hỏi của độc giả và những câu trả lời của học giả An Chi để các bạn theo dõi.
1. Hỏi: Hai tiếng cù là trong "dầu cù là" xuất xứ từ đâu? Có
phải tên một loại cây nào không?
An Chi: Có người đã liên hệ hai tiếng cù là này với hai tiếng Cù Là là tên mà người xưa ở miệt dưới đã dùng để gọi nước Miến Điện. Số là trước đây có một loại dầu cù là mang nhãn hiệu Mac Phsu, sản xuất tại Miến Điện, được ông già bà cả trong Nam ưa chuộng. Người ta cho rằng vì thứ đầu này được sản xuất tại nước Cù Là (Miến Điện) nên nó mới được gọi là dầu cù là (dầu sản xuất tại nước Cù Là).
Sau khi hai tiếng cù là trở thành thông dụng trong phương ngữ Nam Bộ thì ngữ danh từ dầu cù là được dùng rộng rãi để chỉ tất cả các loại dầu cao, bất kể chúng được sản xuất tại nước nào, đương nhiên là kể cả tại nước Tàu. Còn chính người Tàu thì lại gọi dầu cù là là “vạn kim du” (tiếng Quảng Đông: màn cắm y du) bắt nguồn từ nhãn hiệu của một thứ dầu cù là là hiệu Vạn Kim. Hiện chúng tôi chưa tìm được tên của một loại cây nào gọi là cây "cù là".
***
2. Hỏi: Tại sao lại gọi là "ông Táo"? "Táo" là gì?
An Chi: Táo là tiếng Hán đọc theo âm Hán Việt, có nghĩa Ià bếp. Đại táo là bếp to, nấu cho chiến sĩ (quân đội) hoặc nhân viên (cơ quan) ăn tập thể rất đông người. Trung táo là bếp vừa, nấu cho cán bộ trung cấp. Còn tiểu táo là bếp nhỏ, nấu riêng cho cán bộ cao cấp. Lại còn có đặc táo là bếp nhỏ loại đặc biệt thượng hảo hạng.
Theo tín ngưỡng xưa, bếp có thần bếp gọi là táo quân, táo vương hoặc táo thần, khẩu ngữ còn gọi là táo công. Người Việt Nam đã dịch táo công thành ông táo. Dân gian Việt Nam còn lấy hai tiếng “ông táo” để chỉ từng hòn trong ba hòn đất dùng để bắc chảo bắc nồi lên mà xào mà nấu. Những hòn đất này thoạt đầu thì cháy nám, rồi lâu ngày dài tháng, trở nên đen thủi đen thui (vì vậy mà trong khẩu ngữ ở Nam Bộ trước đây, người ta còn dùng hai tiếng “ông táo” để gọi đùa người Ấn Độ, rồi về sau cả lính da đen nữa).
3. Hỏi: Con lân là con gì? Có phải đó cũng
là con kỳ lân hay không? Tại sao ngoài Bắc gọi là "múa sư tử" mà
trong Nam lại gọi là "múa lân"?
An Chi: Con lân cũng gọi là con kỳ lân. Nguyên “kỳ” là tên của con đực, còn “lân” là tên của con cái. Người ta ghép lại mà gọi chung là kỳ lân. Ngày nay lân hoặc kỳ lân chỉ cả con đực lẫn con cái. Tiếng Pháp dịch là unicorne, tiếng Anh là unicorn. Lân là con vật đứng hàng thứ hai trong tứ linh: long (rồng), lân, qui (rùa), phụng (phượng hoàng). Nó là một con vật thần thoại thân hươu, móng ngựa, đuôi bò, miệng rộng, mũi to, có một sừng, lông trên lưng thì ngũ sắc mà dưới bụng thì màu vàng. Tục truyền rằng nó là một con vật hiền lành (nhân thú), không đạp lên cỏ tươi và không làm hại các vật sống. Tục còn truyền rằng vì nó là một con thú có nhân như thế cho nên vua chúa ai là người có nhân thì mới được nhìn thấy nó.
Múa lân tức là múa kỳ lân. Sở dĩ trong Nam gọi múa lân mà ngoài Bắc gọi là múa sư tử là vì nhác trông thì con lân giống con sư tử (Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh-tịnh Paulus Của cũng giảng lân là một "con thú giống con sư tử"). Vì vậy, người ta đã nhầm múa lân thành "múa sư tử” rồi cứ thế mà gọi lâu ngày thành quen. Nhưng cứ nhìn vào cái đầu lân (để múa) với cái miệng rộng, cái mũi to và cái sừng nổi cộm thì biết ngay đó không phải là con sư tử rồi.
***
4. Hỏi: Xin cho biết xuất xứ của tên gọi Ba Son (Nhà máy Ba Son).
An Chi: Về tên Ba Son, trong Sài Gòn năm xưa, Vương Hồng Sển đã ghi nhận bốn cách giải thích sau đây:
1. Trước kia có một anh thợ nguội tên Son, thứ ba, đã vào làm ở sở này. Người ta bèn lấy thứ và tên của anh mà gọi tên sở là Ba Son.
2. Trước khi Ba Son được thành lập thì nơi đó có một con xẻo chảy qua. Xẻo này có nhiều cá. Người Pháp thường đến câu ở đó và gọi nó là "mare aux poissons” (ao cá). Khi xây dựng xưởng Ba Son, con xẻo tuy bị lấp nhưng tên vẫn còn. Người ta bèn phiên âm poissons thành Ba Son để gọi xưởng mới thành lập.
3. Ba Son là do tiếng Pháp “reparation” có nghĩa là “công việc sửa chữa” mà ra (Ba Son vốn là nơi sửa chữa tàu thủy).
4. Ba Son là do "bassin de radoub" nghĩa là "ụ sửa chữa vỏ tàu” mà ra (bassin > Ba Son).
Ông Vương Hồng Sển viết rõ như sau: "Theo quyển Promenades dans Saigon, tác giả, bà Hilda Arnold, ghi rằng buổi đầu người Pháp đã xuất ra trên bảy triệu quan thời ấy để lấp đất và xây cái ụ tàu "bassin de radoub" này, để có thể sửa chữa các thứ tàu chiến, tàu buôn tại đây khỏi đem về tận Pháp quốc. Thời ấy, cuộc chuyển vận đều do đường thủy, nên cái "bassin de radoub" giúp họ nắm vận mạng xứ này trong tay".
Trong bốn cách trên, chỉ có cách giải thích
thứ tư là đáng tin nhất mà thôi. Về phần mình, chúng tôi cho rằng Ba Son là do
tiếng Pháp bastion pháo đài) mà ra và
tin rằng sẽ có ngày chúng tôi chứng minh được mối quan hệ này.
5. Hỏi: "Tứ hỉ" là gì? Có phải đó
cũng là "tứ khoái" hay không?
An Chi: Tứ khoái là quan niệm của người Việt Nam gồm có: ăn, ngủ, đ. và ị. Đây là bốn cái thú có tính chất sinh lý. Còn tứ hỉ là một quan niệm của người Trung Hoa, có nghĩa là bốn điều mừng, bốn điều tốt lành. Quan niệm này bắt nguồn từ một bài thơ dân gian, tục gọi là “Tứ hỉ thi” (bài thơ về bốn điều vui mừng). Đây là một bài thơ mà các trường học ở thôn quê Trung Hoa ngày xưa vẫn dạy cho học sinh. Nó đã được chép trong “Dung trai tùy bút” của Hồng Mại đời Tống, Nguyên văn (phiên âm Hán Việt) như sau:
“Cửu hạn phùng cam vũ;
Tha
hương ngộ cố tri;
Động
phòng hoa chúc dạ;
Kim bảng
quải danh thì”.
Dịch nghĩa:
“Nắng hạn lâu ngày gặp mưa nhuần
Nơi xứ
người gặp được bạn cũ
Đêm
đuốc hoa trong phòng cô dâu
Lúc
thi đỗ bảng vàng treo tên”.
Mỗi câu thơ nói lên một điều vui mừng. Tuy câu thứ ba nói lên điều vui mừng về đêm tân hôn, có phần nào trùng với cái khoái thứ ba, nhưng rõ ràng tứ khoái và tứ hỉ là hai quan niệm riêng biệt.
***
6. Hỏi: "Ba hồn bảy vía" là những hồn nào, vía nào? Tại sao có người còn cho rằng đàn ông có bảy vía mà đàn bà lại có tới chín vía?
An Chi: Ba hồn bảy vía là một quan niệm xuất phát từ Trung Hoa. Đây là một quan niệm của Đạo giáo. Tiếng Hán là “tam hồn thất phách”. Sách “Bảo Phác Tử” của Cát Hồng đời Tấn có viết: "Muốn trở nên thần thông thì phải luyện phép chia mình bằng nước, lửa. Chia mình được thì thấy được ba hồn bảy vía của bản thân".
Sách “Vân cập thất tiêm” của Trương Quân Phòng đời Tống nói rõ ba hồn là: thai quang, sàng linh và u tinh còn bảy vía là: thi cẩu, phục thỉ, tước âm, thôn tặc, phi độc, trừ uế và xú phế.
Sự phân biệt bảy vía của đàn ông với chín vía của đàn bà có thể chỉ là do một số người Việt Nam đặt ra. Họ giải thích rằng sở dĩ như thế là vì đàn ông có bảy lỗ mà đàn bà thì có tới chín lỗ. Bảy lỗ thì bảy vía còn chín lỗ thì chín vía. Bảy lỗ ứng với bảy vía thì đúng với quan niệm của dân gian cho rằng đó là bảy hồn bóng: bóng nhìn, bóng nghe, bóng thở và bóng nói. Hai lỗ mắt để nhìn, hai lỗ tai để nghe, hai lỗ mũi để thở và lỗ miệng để nói thì đúng là bảy lỗ. Bảy lỗ này thì đàn ông và đàn bà đều có.
Còn chín lỗ là những lỗ nào? Là bảy lỗ trên cộng với lỗ tiểu tiện và lỗ đại tiện. Vậy chẳng có lẽ đàn ông thì không có hai lỗ sau này chăng? Rõ ràng cách phân biệt đàn ông bảy lỗ với đàn bà chín lỗ là điều vô lý: về phương diện này thì nam nữ "tuyệt đối bình đẳng".
Nhưng do đâu mà lại có quan niệm trên đây? Có thể là do một sự hiểu nhầm. Tiếng Hán gọi bảy lỗ là “thất khiếu” và chín lỗ là “cửu khiếu”. Trong cửu khiếu thì bảy lỗ trên gọi là thượng khiếu còn hai lỗ dưới gọi là hạ khiếu. Thượng khiếu cũng gọi là dương khiếu còn hạ khiếu cũng gọi là âm khiếu. Chúng tôi ngờ rằng người ta đã hiểu nhầm âm “khiếu” là lỗ... riêng của phụ nữ, nên mới cho rằng đàn bà hơn đàn ông hai lỗ. Có lẽ vì thế mà sinh ra chuyện "nam thất nữ cửu” chăng?
7. Hỏi: “Trước đây tôi cứ tưởng bánh vẽ là
bánh do người ta tưởng tượng mà vẽ ra nên hai tiếng “bánh vẽ” mới dùng để chỉ
cái gì không có thật. Nhưng trên Tuổi Trẻ chủ nhật số 28-92 (19.7.1992), trang
20, tác giả bài “Bánh vẽ” là Đức Văn Hoa lại viết rằng đó là một món bánh đặc sản
cổ truyền của làng Vẽ, thôn Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội ngày
nay và câu ví:
“Khát nước đứng cạnh bờ ao
Đói
ăn bánh vẽ chiêm bao được vàng”
chính là đã nói đến thứ bánh đó của làng Vẽ.
An Chi: Trong bài “Chữ và Nghĩa” (Ngôn ngữ, số 1, 1969 tr. 85-89) nhà văn Nguyễn Công Hoan cũng đã từng nói như Đức Văn Hoa. Khác nhau là ở chỗ Nguyễn Công Hoan nói rằng bánh vẽ là loại bánh “thu đa nhập thiểu” vì nó “to bằng quả ping pong, nhưng khi ăn, bỏ vào miệng, bánh có nước dãi làm tan ra thì nó chỉ tóp lại có một tí” còn Đức Văn Hoa thì nói rằng đó là loại bánh “nạp thiểu thu đa” vì “bánh vẽ khi chưa rán chín chỉ là một miếng bột mỏng, bé tí tẹo, nhưng khi rán chín sẽ nở phồng to như cái chén uống nước.”
Nguyễn Công Hoan còn đề nghị viết hoa chữ “v” thành V“ẽ” nữa! Nhưng cả Nguyễn Công Hoan lẫn Đức Văn Hoa đều không có lý: bánh làng Vẽ, dù là “thu đa nhập thiểu” hay “nạp thiểu thu đa” thì cũng là thứ bánh có thật còn bánh vẽ lại là một thứ bánh “hư” tuyệt đối, nghĩa là hoàn toàn không thật!
Bánh vẽ là một đơn vị từ vựng tiếng Việt ra đời bằng hình thức vay mượn theo lối dịch nghĩa (tiếng Pháp: calque, tiếng Anh: calque, heteronym, loan translation) từ tiếng Hán là “họa bỉnh”. Sách Tam Quốc Chí, phần Ngụy chí, truyện Lư Dục, có đoạn sau đây: “Tiếng tăm như bánh vẽ trên đất, không thể ăn được” (Danh như họa địa tác bỉnh, bất khả đạm dã).
Sách “Truyền đăng lục” cũng có ghi lại lời nói của Trí Nhàn: “Bánh vẽ không thể làm cho hết đói” (Họa bỉnh bất khả sung cơ). Thơ của Lý Thương Ẩn cũng có câu: “Cấp bậc (của quan) như bánh vẽ” (Quan hàm đồng họa bỉnh). Thành ngữ họa bỉnh sung cơ (vẽ bánh làm nguôi cơn đói) vẫn còn tồn tại trong tiếng Hán hiện đại.
Huỳnh-Tịnh Paulus Của cũng đã giảng trong “Đại Nam quấc âm tự vị” như sau: “Bánh vẽ. Cuộc dối giả, chữ gọi là họa bỉnh.”. Vậy điều mà bạn “tưởng” chính lại là điều hoàn toàn đúng sự thật và bánh vẽ chẳng có liên quan gì đến bánh của làng Vẽ cả.
***
8. Hỏi: Tại sao người Việt Nam lại gọi người Trung Hoa là “Tàu”?
An Chi: Đã có nhiều người liên hệ tên gọi này với từ tàu trong tàu bè. Xin chép Huỳnh-Tịnh Paulus Của làm dẫn chứng: “Người An Nam thấy tàu bè khách qua lại nhiều, lấy đó mà gọi là nước Tàu, người Tàu” (Đại Nam quấc âm tự vị, t.II, Saigon, 1896, tr.346). Có nhiều tìm tòi hơn là ý kiến của Vương Duy Trinh cho rằng Tàu là biến thể ngữ âm của Tào, là tiếng mà từ đời Tam Quốc, người Việt đã dùng để gọi nước Ngụy của Tào Tháo (Xem Thanh Hóa quan phòng, Nguyễn Duy Tiếu phiên diễn, Sài Gòn, 1973, tr.97).
Nhưng nước ta, lúc bấy giờ là quận Giao Chỉ và một phần quận Cửu Chân – chúng tôi cho là chỉ một phần thôi – lại thuộc về Đông Ngô chứ không thuộc về Bắc Ngụy (chính vì thế mà bấy giờ người Việt đã gọi người Trung Hoa là người Ngô như vẫn còn thấy trong mấy tiếng “thằng Ngô con đĩ”) cho nên cách giải thích của Vương Duy Trinh xem ra vẫn chưa thỏa đáng. Vả lại, tại sao người ta không gọi thẳng bằng tên nước là Ngụy mà phải dùng họ Tào để gọi?
Chúng tôi cho rằng Tàu là âm cổ Hán Việt của từ ghi bằng 曹 mà âm Hán Việt hiện đại là “tào”, có nghĩa là “quan”. Trong thời kỳ Bắc thuộc, nói chung quan cai trị là người Trung Hoa cho nên dân chúng đã quan niệm rằng người Trung Hoa là tàu, nghĩa là quan.
Nếu cho rằng đây là một nếp nghĩ vô lý thì xin nhớ lại chuyện đã xảy ra hồi tháng 8, tháng 9 năm 1945 tại Sài Gòn: dân Việt Nam đã đánh bất cứ người Pháp nào mà họ gặp ngoài đường vì hễ là người Pháp thì đều là ”thực dân”. Do quan niệm trên mà về sau tất cả mọi người Trung Hoa dù không làm quan - đây là tuyệt đại đa số - cũng được "vinh dự" gọi là Tàu.
9. Hòi: Tôi có thể tạm hiểu tiếng “văn”
dùng làm chữ lót trong tên của phái nam đại khái là “nho nhã, thanh tao”. Nhưng tiếng “thị” dùng làm chữ lót trong tên
của nhiều người thuộc phái nữ thì xin chịu.
An Chi: Về vấn đề này, Lê Trung Hoa có cho biết như sau: “Chúng tôi đọc thấy một điểm đáng chú ý trong cuốn Les langages (sic) de l’humanité của Michel Malherbe (…): có lẽ tên đệm Văn có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập “ben” (con trai) và tên đệm Thị cũng có từ tiếng Ả Rập “binti” (con gái) do các thương nhân Ả Rập vào buôn bán ở bờ biển Việt Nam. Tuy tác giả không nêu cứ liệu, chúng tôi thấy có khả năng đúng, vì: về ngữ âm “ben” cho ra văn, “binti” cho ra thị là có thể chấp nhận; - Việt Nam chịu ảnh hưởng “họ” của người Trung Hoa. Nhưng người Trung Hoa trước đây và hiện nay không dùng từ đệm văn và thị phổ biến như người Việt Nam (Họ và tên người Việt Nam, Hà Nội, 1992, tr.62, chth.1).
Theo chúng tôi thì nói “ben” có thể cho ra văn còn “binti” có thể cho ra thị chẳng khác nào nói rằng tiếng Pháp “petit” đã cho ra tiếng Việt bé tí còn “colosse” thì đã cho ra khổng lồ, chẳng khác nào nói tiếng Ý “ciao” đã cho ra tiếng Việt chào còn tiếng Tây Ban Nha “niño” thì đã cho ra nhỏ nhí.
Thật ra “thị” là một từ Việt gốc Hán, chữ Hán viết là 氏. Đây là tiếng dùng để chỉ phụ nữ. Nghĩa này của nó được Từ nguyên và Từ hải ghi là “phụ nhân xưng thị” (đàn bà gọi là thị) còn Vương Vân Ngũ đại từ điển thì ghi là “phụ nhân” (đàn bà) và Mathews’ Chinese English Dictionary thì ghi “a female” (người thuộc giới tính nữ).
Từ nguyên còn cho biết rõ thêm rằng ngày nay “thị” cũng là một từ mà phụ nữ dùng để tự xưng (Kim dịch vi phụ nhân tự xưng chi từ). Trong tiếng Việt, nó còn có một công dụng mà Từ điển tiếng Việt 1992 đã ghi như sau: “Từ dùng để chỉ người phụ nữ ở ngôi thứ ba với ý coi khinh”. Vậy rõ ràng “thị” có nghĩa là đàn bà.
Nhưng do đâu mà nó trở nên tiêng lót, tức tên đệm của phụ nữ? Tất nhiên là từ công dụng của nó trong tiếng Hán mà ra, sau một quá trình chuyển biến ngữ nghĩa. Công dụng này đã được Hiện đại Hán ngữ từ điển (Bắc Kinh, 1992) chỉ ra như sau: “Đặt sau họ của người phụ nữ đã có chồng, thường thêm họ chồng vào trước họ cha để xưng hô” (Phóng tại dĩ hôn phụ nữ đích tính hậu, thông thường tại phụ tính tiền gia phu tính, tác vi xưng hô). Thí dụ: Triệu Vương thị là người đàn bà mà họ cha là Vương còn họ chồng là Triệu.
Người Việt Nam ngày xưa đã không làm y hệt theo cách trên đây của người Trung Hoa mà chỉ đặt thị sau họ cha rồi liền theo đó là tên riêng của đương sự theo kiểu cấu trúc “X thị Y”, hiểu là người đàn bà họ X tên Y. Cấu trúc này giống như cấu trúc có yếu tố công = ông) mà dân Nam bộ đã dùng để gọi nhà yêu nước Trương Định một cách tôn kính: Trương Công Định, có nghĩa là ông (được tôn kính) họ Trương tên Định.
Hoặc như chính của người Trung Hoa khi họ khắc trên mộ chí của Trương Khiên mấy chữ Trương Công Khiên (chi mộ), có nghĩa là (mộ của) ông (được tôn kính) họ Trương tên Khiên. Vậy cứ như đã phân tích, Nguyễn thị A là người đàn bà họ Nguyễn tên A, Trần thị B là người đàn bà họ Trần tên B, còn Phạm thị C là người đàn bà họ Phạm tên C, v.v…
Cách hiểu nguyên thủy này đã phai mờ dần theo thời gian, làm cho về sau người ta tưởng rằng thị chỉ là yếu tố có tính chất “trang trí” cho tên của phái nữ mà thôi. Chính vì không còn hiểu được công dụng ban đầu của “thị” nữa nên người ta mới dùng nó làm tiếng lót, nghĩa là tên đệm, cho các bé gái khi chúng vừa mới lọt lòng mẹ. Người ta đã làm như thế mà không ngờ rằng ngày xửa ngày xưa, các cụ bà của chúng chỉ được dùng tiếng “thị” để chỉ định sau khi họ đã trưởng thành, và rằng “thị” chỉ được dùng chủ yếu là trong lời nói, đặc biệt là trong ngôn ngữ hành chính, chứ không phải là cho việc đặt tên.
Ý nghĩa và xuất xứ của “thị” theo chúng tôi đại khái là như thế. Chứ tiếng “binti” của các chú lái buôn người Ả Rập thì chẳng có liên quan gì với nó cả.
***
10. Hỏi: Tại sao bộ đồ tắm hai mảnh lại được gọi là bikini? Nếu bi là hai thì kini là gì?
An Chi: Ở đây, “bi” không có nghĩa là hai mà chỉ là một âm tiết vô nghĩa trong địa danh Bikini, tên một hòn đảo nhỏ trong quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương, nơi đã trở thành bãi thử vũ khí hạt nhân của Mỹ từ năm 1946. Những vụ thử này đã từng gây chấn động mạnh trong dư luận nên nhắc đến Bikini là nhắc đến những vụ gây chấn động như thế.
Khi bộ đồ tắm hai mảnh cực nhỏ của phái đẹp ra đời thì nó cũng gây chấn động không kém gì những vụ Bikini vì với nó, lần đầu tiên, các tòa thiên nhiên của tạo hóa, trong đó có nhiều tòa tuyệt tác, đã được phô bày nơi công cộng (bãi biển, hồ bơi) một cách gần như trọn vẹn đến mức mãn nhãn, ngoại trừ mấy trọng điểm được che phủ một cách quá thiếu thốn. Do sự so sánh có tính chất ẩn dụ này mà bộ đồ tắm hai mảnh cực nhỏ đã được gọi là bikini.
Người ta còn chơi chữ bằng cách ngầm hiểu “bi” là hai để tạo thành danh từ chỉ “bộ đồ tắm” một mảnh của phái nữ (chỉ “gồm có” cái slip lẻ loi) là monokini (mono = một). Nhưng xin nhớ rằng đây chỉ là tên “bộ đồ tắm” một mảnh của phái đẹp chứ cái slip của nam giới nơi bãi biển hoặc hồ bơi thì lại chẳng được vinh dự mang tên đó mặc dù các đấng mày râu chẳng bao giờ mặc … soutien!
***
11. Hỏi: Tại sao lại gọi là "đồng bóng"? Có phải “đồng” là do “tiên đồng ngọc nữ” hay không? Nhưng nếu thế thì “bóng” là do đâu?
An Chi: Đào Duy Anh đã giảng từ đồng trong đồng bóng như sau: “Người đệ tử của thần tiên trong Đạo giáo tự xưng là đồng tử của thần tiên nên người ta thường gọi là ông đồng” (Từ điển Truyện Kiều, Hà Nội, 1974, tr.136). Đây chỉ là một lối giảng có tính chất suy diễn chủ quan vì “đồng” là một từ cổ có nghĩa là cái kiếng, cái gương.
Thật vậy, A. de Rhodes đã ghi như sau: “Đồng, cái đồng: Gương, kiếng. Gương. Cùng một nghĩa. Soi đồng: Nhìn vào gương để làm phù chú. Làm đồng làm cốt: Bà phù thủy nhìn vào gương để làm phù chú. Thầy đồng: Thầy phù thủy sử dụng gương, chiếu kính” (Từ điển Việt-Bồ-La, Nxb Khoa học xã hội, 1991).
Cứ theo những điều trên đây, thì các ông đồng bà đồng đã được gọi bằng tên của chính cái đồ vật mà họ sử dụng để hành nghề. Đặc điểm của nghề đồng bóng còn được phản ánh trong thành ngữ “ngồi đồng chiếu kính” mà Huỳnh-Tịnh Paulus Của đã ghi nhận trong “Đại Nam quấc âm tự vị”.
Khi đồng đã là cái gương, cái kiếng thì bóng tất nhiên là hình ảnh của cảnh và vật phản chiếu ở trong kiếng, trong gương. Cũng chính A. de Rhodes đã giúp cho chúng ta khẳng định điều này. Ông đã ghi: “Soi gương: Nhìn trong gương. Soi đồng: Cùng một nghĩa; cũng là phù phép mà người lương dân ngây thơ nghĩ rằng mình có thể nhờ tấm gương để biết sự dữ nào bởi đâu sinh ra cho mình, nghĩa là bởi ma quỷ dối trá bằng những hình ảnh khác nhau trong tấm gương”. “Những hình ảnh khác nhau trong tấm gương” chính là những cái bóng.
Vậy đồng bóng là gương và hình ảnh của cảnh vật phản chiếu trong gương. Đó là nghĩa gốc. Còn nghĩa trong “ông đồng bà đồng”, “lên đồng”, “đồng cô bóng cậu”, v.v… là nghĩa phái sinh.
Trang “Học báo tiếng Anh”
Trên đây chúng tôi chỉ xin trích dẫn một số
ít câu hỏi mà độc giả của Kiến thức Ngày nay đặt ra với học giả An Chi. Ông
sinh năm 1935, tên thật Võ Thiện Hoa, đồng thời có các bút danh Huệ Thiên, Huyện
Thê, Viễn Thọ.
Dĩ nhiên, những câu trả lời chỉ là ý kiến cá nhân mà theo một số người cho rằng cũng có nhiều ý kiến trái chiều nên có thể còn ở điểm này, điểm khác chưa hẳn nhận được sự đồng tình hoàn toàn.
Từ những lần "va chạm" với những người khác quan điểm, sau khi kết thúc học giả An Chi rút ra được kinh nghiệm rằng không bao giờ "buông vũ khí" giữa chừng nhưng phải "chống" lại người đối thoại bằng cứ liệu vững chắc chứ không bao giờ được phủ nhận suông.
Dĩ nhiên, không dám khẳng định An Chi bao giờ cũng đúng, không phải tác giả bao giờ cũng tìm được cách trả lời tối ưu có thể làm hài lòng những chuyên gia khó tính. Có điều, một người có kiến thức trung bình khi đọc xong một đoạn giải đáp của An Chi, không ít thì nhiều cũng thấy mình biết thêm được một cái gì bổ ích.
Cũng vì thế, tựa đề của bài viết này, “Không biết … Hỏi ai?”, câu trả lời có thể là “Chuyện Đông, chuyện Tây” của An Chi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét