Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

Nhà thờ Đức Bà tròn 135 năm

Rất tình cờ, tôi có được cuốn sách “Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn qua dòng thời gian 1880 – 2015”, khổ sách 19x21 cm, do Tòa Tổng Giám Mục Thành phố Hồ Chí Minh phát hành. Sách in xong và nộp lưu chiểu quý III năm 2015.

Cũng là một duyên may khi tôi là một kẻ “ngoại đạo” nhưng lại có dịp được tìm hiểu một cách khá cặn kẽ về Nhà thờ Đức Bà, một trong những biểu tượng của Sài Gòn xưa, bên cạnh những công trình kiến trúc của người Pháp còn để lại như tòa nhà Bưu Điện Thành phố, chợ Bến Thành…

Sách của Tòa Tổng Giám Mục

Điều đặc biệt hơn nữa, cuốn sách ở bìa sau có in dòng chữ “Sách không bán” mà chỉ gửi đến “Quý Ân Nhân”… Như vậy, người nhận một trong 50.000 cuốn sách sẽ là ân nhân trong việc trùng tu ngôi giáo đường đúng 135 năm tuổi. Đi kèm với cuốn sách là một đĩa DVD mang tên “Kiểm định để Trùng tu” với ghi chú “Video không bán” . Hình ảnh trong bài viết này được chụp lại từ DVD nói trên. 

Quả thật, Tòa Tổng Giám Mục đã thực hiện một chiến dịch PR còn chuyên nghiệp hơn cả những công ty truyền thông ngoài đời thường!

Bìa sau cuốn sách

Cuốn sách gồm 5 phần chính: 

  1. Bối cảnh lịch sử; 
  2. Ngược dòng thời gian; 
  3. Những nét độc đáo và sự xuống cấp; 
  4. Các đơn vị tham gia tư vấn; và
  5. Thay lời kết. 


Ngay phần mở đầu, Ban Trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn viết:

“Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn, một kiệt tác kiến trúc Roman – Gotich, đã hiện diện tại vùng đất Sài Gòn – Gia Định 135 năm qua. Đây là nơi diễn ra biết bao sự kiện quan trọng trong giáo phận kể từ ngày khánh thành, 11-04-1880, cho đến ngày nay…

“…  Biết bao nhiêu người đã đến tham dự các nghi lễ phụng vụ hoặc tham quan Vương cung Thánh đường cổ kính này, nhưng có lẽ rất ít người hiểu biết tường tận những nét độc đáo của ngôi nhà thờ 135 tuổi thân thương của Sài Gòn…”  


Quang cảnh buổi lễ đặt viên đá đầu tiên Nhà thờ Sài Gòn
(Ảnh tư liệu)

Tháng 8/1876, Thống đốc Nam Kỳ, Guy Victor August Duperré, đã tổ chức một cuộc thi tuyển thiết kế nhà thờ mới. Vượt qua nhiều đồ án tham gia cuộc thi, bản thiết kế của kiến trúc sư J. Bourad đã được chọn. Một cuộc đấu thầu chọn nhà thầu thi công cũng đã được tổ chức và chính ông Bourad trúng thầu công trình xây dựng này.

Ngày 7/10/1877, Đức Cha Isodore Colombert (tên Việt là Mỹ), Giám mục đại diện Tông tòa giáo phận Tây Đàng Trong lúc bấy giờ, đã cử hành nghi thức làm phép và đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ. Vật liệu chính để xây dựng như xi măng, sắt thép, ngói, kính màu, chuông… đều được mang từ Pháp.

Khoảng hai năm rưỡi sau, vào đúng dịp lễ Phục sinh, ngày 11/04/1880, thánh lễ làm phép và khánh thành Nhà thờ Sài Gòn được cử hành trọng thể với sự tham dự của Thống đốc Nam kỳ, Charles Le Myre de Vilers. Thoạt đầu nhà thờ được gọi tên là “Nhà thờ Nhà nước” vì tất cả kinh phí đều do nước Pháp cung cấp với số tiền 2.500.000 francs.


Nhà thờ Sài Gòn (1880 – 1895)
(Ảnh tư liệu)

Phần cao nhất của nhà thờ là gác chuông, cao khoảng 37m. Năm 1895, theo thiết kế bổ túc, hai tháp nhọn nhọn được dựng thêm trên gác chuông và chiều cao từ mặt đất lên đến đỉnh tháp là 60,5m.

Năm 1958-1959, Giáo hội tổ chức Năm Thánh Mẫu, mừng kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức. Nhân sự kiện trọng đại này, một bức tượng Đức Mẹ Hòa Bình bằng đá cẩm thạch Carrara được dựng lên trước nhà thờ.

Tượng do nhà điêu khắc người Ý, G. Ciocchetti, thực hiện năm 1959. Bức tượng cao 4,6m, nặng 5,8 tấn được tạc với chủ đích để nhìn từ xa nên không đánh bóng, vì vậy toàn thân tượng, kể cả vùng mặt vẫn còn những nét điêu khắc thô.

Ngày 8/1/1959, từ hải cảng Gênes (Ý) bức tượng cặp cảng Bến Nghé ngày 15/2/1959. Tượng Đức Mẹ được đặt trên bệ đá cũ, nơi trước đây là tượng đồng Đức Cha Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine). Đức Mẹ trong tư thế đứng thẳng, trên tay cầm quả địa cầu có đính cây thánh giá với nét mặt đăm chiêu hướng lên trời cầu nguyện cho hòa bình. Kể từ đó, Nhà thờ Sài Gòn mang tên Nhà thờ Đức Bà. Trên bệ đá có một tấm bảng bằng đồng với hàng chữ Latinh:

REGINA PACIS
ORA PRO NOBIS
XVII.II.MCMLIX

(NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH
XIN CẦU CHO CHÚNG CON
17.2.1959)

Vào lễ Phục Sinh, 2/4/1961, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình được bổ nhiệm là Tổng Giám mục Chính tòa Tổng giáo phận Sài Gòn và Nhà thờ Đức Bà chính thức trở thành Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn (Cathédrale Notre-Dame de Saigon).

Ngày 13/11/1962, qua sắc chỉ Spectabile Monumentum, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII nâng Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn lên hàng Vương Cung Thánh Đường với tên gọi chính thức: Vương Cung Thánh Đường Chính Tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Immaculate Conception Cathedral Basilica).

Tượng Đức Mẹ Hòa Bình
  
 Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là một công trình kiến trúc độc đáo nằm giữa không gian giao thông, không có hàng rào như các nhà thờ khác trong vùng Sài Gòn – Gia Định. Mặt bằng nhà thờ được thiết kế theo hình thánh giá với chiều dài 91,5m, chiều ngang 35,6m và chiều cao từ nền đến trần 21m. Nhà thờ có sức chứa 1.200 người. Không gian bên trong nhà thờ bao gồm dãy chính điện ở trung tâm và hai dãy ngoài cùng là 10 gian cầu nguyện nhỏ.

Thiết kế mái nhà thờ là sự kết hợp hài hòa giữa kiểu mái ngói Việt Nam và Phương Tây được chia thành 3 lớp. Vùng mái cao nhất lợp ngói hình mũi tên hay còn gọi là "ngói Tây". Từ trên cao nhìn xuống, mái có hình thánh giá. Mái giữa lợp ngói "vẩy cá" và vùng mái thấp nhất lợp ngói "âm dương". 

Các loại ngói nhập từ Pháp có in dòng chữ "Marseille St. André France" nhưng số lượng còn lại đến ngày nay chỉ chừng 4.900 viên. Phần ngói âm dương còn bị nứt ngang trên đỉnh mái. Khi mưa, lượng nước tràn xuống, thấm vào tường khiến cho gạch bị mục và có nguy cơ bị sụp. Trải qua một thời gian dài, mái ngói nói chung đã bị hư hại trầm trọng dù đã sửa chữa nhiều lần để chống dột.


Mái ngói nhà thờ xuống cấp trầm trọng

Phần gạch mang nhãn hiệu lò gạch "WT 1878 - Saigon" được xây trên nền đá vững chắc nên vẫn giữ được màu đỏ tươi. Tường được thiết kế dày dặn để cách nhiệt và cách âm. Hoa văn cũng được trang trí bằng gạch rất công phu, hoa văn tường ngoài và tường trong nhà thờ được đặt lệch nhau tạo sự đối lưu không khí. 

Tuy nhiên, tường phía bên ngoài bị phong hóa, trầy sước và nhất là bị những nét khắc hoặc sơn của những kẻ thiếu ý thức giữ gìn tài sản chung khiến cho bộ mặt của nhà thờ có phần nhếc nhác, mất thẩm mỹ. Nhà thờ đã có biển nhắc nhở "Để bảo vệ di sản chung, xin đừng viết lên tường" nhưng xem ra lời kêu gọi này không mấy hiệu quả!

Nét đẹp của các viên gạch bị bàn tay con người tàn phá

Bộ chuông cổ lắp đặt trên hai tháp gồm sáu quả chuông (bên 2 và bên 4) được hãng đúc chuông Bollee chế tác vào năm 1879 tại Pháp. Trên chuông còn có thông tin nơi đúc và những họa tiết rất tinh xảo. 

Sáu quả chuông có đường kính từ 1,25 đến 2,25m được phối âm độc đáo với các cung bậc Sol, La, Si, Do, Re, Mi. Nhỏ nhất là chuông Mi (1,25m, nặng 1.646kg) và lớn nhất là chuông Sol (2,25m, nặng 8.745kg).

Bộ chuông được vận hành bằng 6 mô-tơ nối với quả chuông bằng hệ thống dây xích. Khi bật công tắc điện, mô-tơ truyền lực qua dây xích để lắc từng quả chuông. Riêng các chuông Sol, Do, La, Si quá nặng nên mỗi chuông được thiết kế thêm 2 bàn đạp hai bên do hai người đứng đạp hỗ trợ.

Từ nhiều năm qua, nhà thờ chỉ cho đổ một chuông: Chuông Mi lúc 5 giờ sáng và Chuông Re lúc 16g15 chiều. Tuy nhiên, vào các ngày lễ trọng và Chúa Nhật, ba chuông Do, Re, Mi được sử dụng. Đặc biệt vào đên Giáng sinh, nhà thờ đổ cả 6 chuông. Tiếng chuông ngân xa đến 10km theo đường chim bay.

Điều thú vị là bộ chuông tạo ra tiếng đàn và báo giờ cho chiếc đồng hồ cổ, chế tạo tại Thụy Sĩ, ở chính giữa mặt tiền. Để điều chỉnh đồng hồ, phía sau đồng hồ chính còn có một đồng hồ nhỏ giúp cho việc kiểm soát đồng hồ lớn chạy nhanh hay chậm hoặc đúng hay sai giờ.

Trước đây, việc lên giây cót đồng hồ được thực hiện mỗi tháng nhưng đến năm 1973 dây cót có gắn quả tạ 600kg bị đứt và được thay bằng quả tạ 60kg. Cũng vì thế, hiện nay mỗi tuần phải lên giây cót một lần bằng tay quay giống như ma-ni-ven (manivelle) để khởi động máy xe hơi hồi xưa.

Đồng hồ được lắp sau hệ thống chuông nhưng đến năm 1978 hệ thống chuông báo giờ không hoạt động. Năm 2001, một chuyên gia về chuông cổ ở Hồng Kông cho biết có khả năng khôi phục hệ thống này nhưng kinh phí lên tới cả triệu đô-la.

Chuông Sol 

Như đã nói, hai tháp chuông nhọn, cao khoảng 20m, được xây dựng vào năm 1895 qua bản thiết kế bổ xung của kiến trúc sư Fernand Gardes. Kết cấu của hai tháp làm bằng sắt, phía trên là tôn kẽm giả ngói. 

Tuy nhiên, thời gian đã khiến chóp tháp hư hại đến mức báo động, có những tấm tôn kẽm đã rớt xuống, rất nguy hiểm cho người đi đường. Khi mưa lớn, hai tháp bị ngập nước ở các góc tường nên luôn bị ẩm ướt vào mùa mưa. 

Nhà thờ Đức Bà còn có cây đàn organ ống, một trong những cây đàn xưa nhất Việt Nam. Thân đàn cao 3m, ngang 4m và dài 2m... chứa những ống hơi bằng nhôm, đường kính 10cm. Khi đàn, âm thanh vừa đủ cho cả nhà thờ nghe mà không cần đến hệ thống loa phóng thanh. Điều đáng tiếc là cây đàn organ đã bị hoàn toàn hư hỏng do mối ăn ở phần gỗ bàn phím.

Đàn organ ống

Một công trình nghệ thuật không kém phần quan trọng của Nhà thờ Đức Bà là bàn thờ bằng đá cẩm thạch nguyên khối có 6 thiên thần được tạc trên bệ đá. Đặc biệt phía sau bàn thờ có khắc tên tác giả điêu khắc đi kèm với năm và nơi thực hiện.

Bàn thờ bằng đá cẫm thạch nguyên khối

Ngước lên cao chúng ta sẽ thấy ánh sáng từ những chiếc đèn chùm trên trần được thiết kế những hoa văn theo kiểu Roman-Gotich tạo nên một không gian lung linh, trang trọng và linh thiêng. 

Tất cả những chiếc đèn chùm đều được chế tạo tại Pháp, bao gồm 2 chiếc đèn chùm lớn được treo hai bên cánh phụ của cung thánh và 9 đèn chùm nhỏ dọc theo chiều dài của thánh đường.

Phần trang trí còn nổi bật với những khung cửa kính màu được thiết kế đặc sắc và phối sáng hài hòa. Toàn bộ các ô cửa kính màu do hãng Lorin, tỉnh Chartres (Pháp) sản xuất.  Có 26 cửa sổ tròn bằng kính với họa tiết hoa lá nhiều màu sắc ghép lại thành những hình ảnh đẹp mắt và 25 ô kính mô tả nhân vật hoặc sự kiện trong Kinh Thánh. 

Kính màu trong nhà thờ

Ngày 25/7/2015 Công ty Cổ phần Kiểm định SCQC đã hoàn thành phần kiểm định theo đúng hợp đồng do Tòa Giám mục ký ngày 7/5/2015. Ngày 1/9/2015 SCQC tiến hành kiểm định các hạng mục tháp chuông, tường và móng Nhà thờ Đức Bà. 

Đơn vị quản lý dự án là Công ty Artelia (Pháp) đã đề nghị cần trùng tu toàn bộ công trình, bao gồm tháp chuông, mái ngói, tường xây, điện nước, âm thanh, ánh sáng, kính màu, thông gió và hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Ban Trùng tu cùng với các công ty SCQC và Artelia vẫn họp thường xuyên để nhận định và chuẩn bị tiến hành trùng tu trong thời gian sớm nhất. Trong thư ngỏ của Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc ngày 1/9/2015 có đoạn viết: 

"Chúng ta đã được tiền nhân để lại một ngôi nhà thờ cổ kính... cũng là một tuyệt tác kiến trúc, một công trình tiêu biểu góp phần tạo nên diện mạo đô thị Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó trách nhiệm của chúng ta là phải giữ gìn, bảo tồn để các thế hệ mai sau luôn tự hào và tiếp tục sử dụng.

... Vì lợi ích lớn lao của Hội thánh, cách riêng của Tổng giáo phận, xin anh chị em thêm lời cầu nguyện và rộng tay giúp đỡ để công việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa."

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

1.            Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
2.            Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
3.            Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
4.            Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5.            Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
6.            Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
7.            Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
8.            Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
9.            Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 

Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!


--> Read more..

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015

“Bolinao 52”… chuyện bây giờ mới kể

Bolinao là tên một hòn đảo thuộc tỉnh Pangasinan, vùng Tây Bắc Phi Luật Tân. Theo thống kê chính thức, dân số Bolinao vào năm 2010 là 74,545 người, sống chủ yếu vào nghề đánh cá…

52 là số thuyền nhân sống sót đã đến được Bolinao trên một chiếc thuyền vuợt biển với 110 người, rời Việt Nam vào một đêm tháng 5/1988. Cuộc hành trình kéo dài một thời gian kỷ lục: 37 ngày lênh đênh trên biển với những cơn bão khốc liệt trên biển Đông. Ngoài những cơn bão, chiếc tầu đã bị hỏng máy nhiều lần và thả trôi trên biển.

Cuộc vượt biên tưởng chừng như đã gặp vận may khi họ đến gần một chiếc tầu Hải quân Hoa Kỳ đang trên đường thi hành nhiệm vụ đến Vùng Vịnh Ba Tư. Khi đó đã là ngày thứ 19 của cuộc hành trình đi tìm tự do. Thế nhưng, thuyền trưởng chiếc USS Dubuque quyết định chỉ tiếp tế lương thực cho các thuyền nhân chứ không cứu vớt họ vì lý do đang trên đường công tác.

Chiếc tầu tiếp tục lênh đênh trên biển… Đến khi lương thực và nước uống đã cạn kiệt, người ta phải tính đến việc “xẻ thịt những người đã chết trên tầu thay cho lương thực để cầm hơi”… Đó chính là một khía cạnh nhân bản đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều: người ta bàn đến rất nhiều vấn đề bắt đầu bằng chữ “nhân”. Nhân tính? Nhân đạo? Nhân nghĩa? Và bên cạnh đó còn một câu hỏi về “lương tâm” của cả người trong cuộc lẫn người ngoài cuộc.

Cuối cùng, như một phép lạ, 52 trong số 110 thuyền nhân còn sống sót đã được ngư dân Phi Luật Tân đưa về đảo Bolinao. Họ ở lại trên đảo 1 tuần lễ trước khi được chuyển qua trại tỵ nạn. Rời Việt Nam năm 1988 và đến năm 1990 họ đến định cư tại Hoa Kỳ, nơi mà trước đó họ đã một lần bị Hải quân Hoa Kỳ từ chối.


Chuyện tóm tắt một cách đơn giản là vậy. Cũng từ câu chuyện này, đạo diễn Nguyễn Hữu Đức đã dựng lên phim tài liệu “Bolinao 52” dài 57 phút 24 giây [*]. Bộ phim đã được trình chiếu trên toàn Hoa Kỳ thông qua PBS.org, tham gia 15 liên hoan phim quốc tế và đoạt hai giải thưởng: Giải lựa chọn của khán giả trong Liên hoan Quốc tế phim Việt (2007) và Giải thưởng EMMY vùng Bắc California (2009).

Câu chuyện “Bolinao 52” được khởi đầu một cách rất tình cờ. Qua một buổi phát thanh trên radio bằng tiếng Việt tại Orange County, California, một thính giả biết tin đạo diễn Đức cần liên lạc với những thuyền nhân được ngư dân đảo Bolinao vớt. Cô cho biết anh cô là người đã bơi đến tầu USS Dubuque xin cứu giúp. Anh Đức gọi điện thoại cho ông nhưng người này từ chối nói chuyện. Sau 3 tháng kiên trì thuyết phục, người này cho một cái hẹn với điều kiện chỉ gặp nhau một lần duy nhất.

Người đàn ông dấu tên đã cho anh Đức một lối thoát: ông ta không nhớ gì nhiều nhưng có lẽ đạo diễn nên gặp em gái của ông trên chuyến tầu định mệnh ngày nào. Và cuốn phim đã có tia hy vọng được thực hiện khi nhân vật chính, chị Trịnh Thanh Tùng, đồng ý xuất hiện trong phim…

Chị Tùng xuất thân từ một gia đình, nói theo ngôn ngữ ngày nay, là “có nợ máu với nhân dân”! Sau 1975, chị và mẹ phải bươn chải để “thăm nuôi” những người thân: ba chị đi học tập cải tạo 5 năm và người anh lớn, với cấp bậc Trung tá Biệt Động Quân, đã sống 14 năm trong “trại cải tạo”… Họ chỉ còn một lối thoát duy nhất: rời khỏi Việt Nam trên chiếc tầu định mệnh xuất phát từ Bến Tre sau khi đã nhiều lần thử thách nhưng thất bại…

Đại gia đình chị Tùng trước năm 1975
Ngay từ những phút đầu phim, chị Tùng đã nói với đạo diễn Đức trong chuyến trở lại Bolinao:

“Chị đã nói với lòng… chị sẽ trở lại Bolinao trước khi chị đi đâu… suốt 17 năm nay chưa đi đâu hết… Điều chị muốn làm là làm một lễ cúng cho 58 người bạn đồng hành, họ đã đi chung chuyến tầu đó rất lâu, chị không biết tên hết, không nhớ mặt hết nhưng dầu sao nó vẫn ở trong lòng của chị… lễ cúng này sẽ đem lại cho họ, cho chị… bình an trong tâm hồn để sống…”

Người xem phim được thấy cảnh của hòn đảo Bolinao, 17 năm sau khi được những ngư dân vớt… và một số “hoa đăng” đã được thả trôi ra biển như những vòng hoa riêng tặng những người đã yên nghỉ trong lòng đại dương. Và rồi câu chuyện thuyền nhân mang tên “Bolinao 52” bắt đầu.

“Bolinao 52” trải qua những thử thách đầu tiên khi gặp bão, tài công quyết định tắt máy chờ cơn bão qua đi… Đến khi khởi động lại, máy tầu không nổ. Thuyền nhân một khi ra khơi chỉ bám víu vào những dấu hiệu của sự sống. Một vệt đen trên nền chân trời là hứa hẹn một hòn đảo, một chấm trên biển cả cũng có thể là tầu lớn, nột chấm đen trên bầu trời biết đâu là chiếc máy bay…

Chị Tùng kể lại vào ngày thứ 10 có một chiếc tầu buôn xuất hiện trong tầm mắt… Quần áo, giầy dép, can nhựa được đốt lên trong đêm tối với hy vọng chiếc thuyền sẽ được tầu lớn nhìn thấy.. Năm người con trai còn khỏe trên “Bolinao 52” quyết định sẽ bơi qua tầu để xin cứu vớt. Họ bám vào một mảnh ván với hy vọng đến được tầu buôn. Thế nhưng, chiếc tầu mang cờ Nhật từ từ rời xa họ và 5 thanh niên cũng không thấy quay về… Chị Tùng tin là mỗi con người đều có cái “số” của mình.

“Chết từ từ… Mỗi ngày mình đều thấy có người chết trên thuyền… Chị Năm ngồi kế tôi mượn chiếc áo mưa vì than lạnh… nhưng khi rờ thì thấy nóng hổi… cho mượn áo mưa chị vẫn thấy lạnh. Chồng chị Năm đã chết mấy hôm trước và hai đứa con trai của chị thì đang ngủ… Tôi ôm chị Năm rồi mệt quá cũng thiếp đi, đến khi trời gần sáng chị đã chết trong tay tôi từ hồi nào…!”

Những đứa bé trước khi chết luôn miệng kêu gào thức ăn, nước uống. Có hai anh em nọ, người em thì cứ đòi ăn nên cầm lấy tay anh mà cắn, anh đau quá rút tay ra em lại la lên… “cho em ăn với”… đêm đó đứa em đã chết vì đói… Ít hôm sau, người anh cũng đi theo em… Mọi người chỉ cầu xin… một phép lạ!

Chị Trịnh Thanh Tùng trở lại Bolinao sau 17 năm
Đến đây phim chuyển qua trường hợp của bản thân đạo diễn Nguyễn Hữu Đức cũng là một thuyền nhân. Anh tỵ nạn năm 1980 và may mắn khi được một chiếc tầu của Hải quân Mỹ vớt, khác với số phận bi thảm của những người trên tầu “Bolinao 52”. Anh Đức đã có trích đoạn cảnh sung sướng của những người được tầu USS Long Beach vớt trên biển, hình như để người xem đối chiếu với số phận hẩm hiu của “Bolinao 52”.

Cậu bé Nguyễn Hữu Đức (áo đen) và gia đình tại trại tỵ nạn năm 1980
Anh Đức kể lại trong một đoạn phim chiếc thuyền của anh được tầu Hải quân Mỹ cứu tựa như “cuộc hành trình đi thẳng từ địa ngục đến thiên đàng”: 

 “Chỉ mới ra lên đênh trên biển có 4 ngày, chúng tôi đã được vớt… trong khi nhiều người khác lại gặp một kết cuộc bi thảm… Gia đình tôi ra đi vào năm 1980, thuyền của chúng tôi là một trường hợp may mắn… “Ra đi là chuyện bất ngờ / Dù mưa dù nắng thân mình chẳng hay…”

Bản thân những người trên chiếc thuyền của anh Đức có thể tự hào là mình may mắn nhưng những chiếc thuyền khác, những người khác bị cuốn xuống lòng đại dương hay thậm chí còn bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp. Thuyền nhân Việt Nam có nhiều chuyện để kể lại nhưng cũng có nhiều chuyện quá bi thảm không thể nào nói ra và người ta thường yên lặng, dấu kín trong lòng.

Trẻ em thuyền nhân va cui đùùng thủy thủ 
trên chiếc USS Long Beach
Trở lại chiếc “Bolinao 52”. Đến ngày thứ 19, phép lạ đã đến với sự xuất hiện của một chiến hạm Hoa Kỳ. Nguyễn Hữu Đức đã may mắn tìm thêm được một nhân chứng vô cùng quý giá: William E. Cloonan, một hạ sĩ quan Hải quân về hưu. Trả lời một câu hỏi trong cuộc phỏng vấn của đạo diễn, Cloonan cho biết:

“Điều khuyến khích tôi tham gia bộ phim này là muốn cho thế giới biết những sự thật về người tỵ nạn… các phương tiện truyền thông đã nói rất nhiều về các thuyền nhân sau khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975… Những gì truyền thông viết chỉ đúng một phần và phần còn lại được phóng đại đến độ không có thật…

“Anh hỏi tôi có muốn gặp lại một trong những người sống sót trên chuyến tầu đó không, câu trả lời của tôi là có, tôi rất muốn được gặp… Tôi sẽ nói với họ là tôi rất tiếc dù bản thân tôi không phải là cấp có thẩm quyền để thay đổi quyết định bỏ rơi họ… Dù sao đi nữa tôi vẫn cảm thấy mình có lỗi với họ…”

William E. Cloonan và đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Đức


Cloonan phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ 26 năm,nhiều nhất tại khu vực biển Nhật Bản và Việt Nam. Ông có mặt trên một chiếc tầu đã từng vớt người tỵ nạn. Năm 1978 tầu ông gặp chiếc thuyền có 478 người lênh đênh trên biển. Sau khi neo tại khu vực 24 giờ chờ liên lạc, Bộ Ngoại giao và Hải quân đã ra lệnh vớt họ… Ông kể lại:

“Điều đó khiến tôi tự hào là một thủy thủ Hoa Kỳ… tự hào là người Mỹ! Chúng tôi đã vớt họ… hỗ trợ y tế và đưa họ đến tận cổng nhập cảnh để vào Hoa Kỳ… Đó là nhiệm vụ của người thủy thủ và đó cũng là luật pháp quốc tế: Con người trên biển cả, nếu có điều gì đó xảy ra cho họ thì đạo đức và lương tâm sẽ ràng buộc họ với chúng tôi…”.

Thủy thủ tầu Mỹ cứu người tỵ nạn trên biển
“Bolinao 52” không gặp may mắn như những thuyền nhân trước họ. Vào ngày 10/6/1988, chiếc thuyền đã gặp chiến hạm USS Dubuque, trên tầu có nhân chứng William E. Cloonan, cấp bậc Trung sĩ (Chief Petty Officer), kể lại diễn tiến khi chiến hạm gặp chiếc thuyền của người tỵ nạn.

Theo lời Cloonan, hạm trưởng Dubuque, Alexander Balian, chỉ cung cấp cho thuyền nhân bản đồ, nước uống và lương thực… không thể cứu vớt họ vì USS Dubuque đang trên đường đến Vịnh Ba Tư trong hành trình tiếp tế quân dụng đến Iran.

Một lý do nữa được bổ sung khi hạm trưởng USS Dubuque phải ra tòa án binh vì hành vi “không vớt người gặp hoạn nạn trên biển”: có sự trục trặc trong liên lạc với người trên thuyền với chiến hạm. Theo Hạm trưởng Alexander Balian, ông chỉ biết trên thuyền có 60 người nên việc tiếp tế không đầy đủ và kết quả là sau đó có đến 30 thuyền nhân đã chết trên thuyền dẫn đến cảnh phải xẻ thịt người chết làm lương thực cho người sống…

Tòa án quân sự Hoa Kỳ xét xừ vụ chiến hạm USS Dubuque bỏ rơi chiếc thuyền tỵ nạn “Bolinao 52” vào tháng 11/1988. Từ trại tỵ nạn ở Phi Luật Tân, 52 người sống sót trên thuyền đã ký một đơn kiến nghị ân xá cho thuyền trưởng Alexander Balian.

Alexander Balian bị tước quyền chỉ huy và phải nhận khiển trách nặng nề vào tháng 2/1989. Đây cũng là một án lệ về đạo đức, làm gương cho những thuyền trưởng trong Hải quân Hoa Kỳ. Sau khi được hạ thủy ngày 1/9/1967, USS Dubuque chấm dứt hoạt động ngày 30/6/2011.

USS Dubuque (LPD-8)
“Bolinao 52” chính là câu chuyện thương tâm mà không ai đã từng trải qua muốn nhắc lại những điều bi thảm… Người mẹ nhường phần nước cho con và dặn khi nào con muốn tiểu tiện bà sẽ uống lại phần nước tiểu… Báo chí còn thuật lại có những vụ giết lẫn nhau trên thuyền vì thực phẩm và nước uống. Chị Tùng khẳng định đó không phải là sự thật.

Nhưng lại có một sự thật vô cùng tàn nhẫn đã xảy ra trên thuyền. Những người sống sót phải xẻ thịt những người vừa chết để có đủ sức lực tát nước ra khỏi thuyền. Những người không dám ăn thịt đồng loại sẽ chết và chính họ là nguồn cung cấp thực phẩm cho những người còn sống!

Chị Tùng đã không dám ăn nhưng sau cái tát trời giáng của người anh trai… chị đã phải nuốt. Sau này, có người hỏi cảm tưởng khi phải nuốt thịt người, chị kể lại trong nước mắt… khi đó đâu còn cảm giác, chị chỉ biết nuốt!

Trung sĩ Cloonan khi nghe câu chuyện ăn thịt người trên thuyền, ông tự dằn vặt chính bản thân mình đã không cứu giúp họ dù quyền quyết định nằm trong tay hạm trưởng. “Chúng tôi đã có quyết định sai lầm… Tới giờ này, tôi vẫn cảm thấy mình có lỗi trong việc không cứu vớt họ và tôi chỉ muốn nói lời xin lỗi với họ…”

Đạo diễn Nguyễn Hữu Đức phải mất 2 năm đi tìm những người có liên quan thông qua các phương tiện truyền thanh và truyền hình tại Mỹ. Anh tiết lộ qua một cuộc phỏng vấn: “Bao nhiêu năm nay tôi vẫn thường tự hỏi tại sao một chiếc tầu của Hải quân Mỹ lại từ chối vớt những người tỵ nạn và đó cũng là một trong những lý do khiến tôi thực hiện bộ phim mày…”

Ở phần cuối cuốn phim có thể coi là một “happy ending” khi hai nhân chứng của “Bolinao 52” – Thuyền nhân Trịnh Thanh Tùng và cựu Trung sĩ William E. Cloonan – gặp nhau sau biến cố của 17 năm về trước. Trong buổi hội ngộ còn có bé Lâm ngày nào, nay đã gia nhập Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ (US Marine Corps).


Trong vòng tay thông cảm, chị Tùng và thủy thủ Cloonan đã ôm lấy nhau… Người xem có cảm tưởng “Bolinao 52” đã đi đến đoạn kết cuộc, qua đó những người trong cuộc thấy như vơi đi chuyện của 17 năm về trước… Chuyện thật cảm động nhưng kết cuộc có hậu!

******************

(Trích Hồi Ức Một Đời Người)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

1.            Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
2.            Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
3.            Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
4.            Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5.            Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
6.            Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
7.            Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
8.            Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
9.            Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 

Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!


--> Read more..

Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2015

Thư chúc mừng anh chị Chan & Zuckerberg

Là một trong số 1 tỷ người sử dụng Facebook trên toàn cầu, tôi xin gửi đến anh chị lời chúc mừng nhân dịp cô con gái rượu Max của anh chị vừa ra chào đời. Riêng tại Việt Nam chúng tôi với hàng triệu facebookers niềm vui đó lại còn lớn hơn nữa vì chị Chan, theo như tiết lộ của BBC Tiếng Việt, vốn là người “đồng hương”…



Chị Chan thân mến,

Người Việt thường nói “thấy người sang bắt quàng làm họ”… nhưng thiết nghĩ ở trường hợp chị cũng nên… “châm chước” vì BBC nói chị là “người Việt gốc Hoa”. BBC viết:

“Cha mẹ cô Priscilla Chan đến Mỹ hồi cuối thập niên 1970 sau thời gian ở trong trại tị nạn. Priscilla là chị đầu của gia đình ba con gái… Các báo Anh và Mỹ nói người bố Dennis Chan sau đó mở một nhà hàng bán hoa, làm việc kham khổ 18 tiếng một ngày cùng vợ…”

Cũng theo BBC, trang CNN nói ông Dennis là “cựu thuyền nhân” còn một báo khác ở Mỹ viết ông là “Chinese- Vietnamese”… Trang Daily Mail ở Anh viết ông Dennis Chan “từng sống tại Việt Nam” và đây là lý do Priscilla “giới thiệu với Mark về nguồn gốc châu Á của mình”… rồi… “hai người đi du lịch về thăm Việt Nam và Trung Quốc”.

Nếu đó là nguồn tin chính xác thì gia đình chị trước đây có thể sống tại Sài Gòn, hay có thể là Chợ Lớn. Những người Hoa ở miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng đa số nói tiếng Quảng Đông và là công dân của Trung Hoa Dân Quốc tức Đài Loan.

Người Hoa khi đó có thể ra đi “bán chính thức” sau khi đã đóng đủ vàng cho nhà nước… Họ ra đi ồ ạt vào cuối những năm 70 khi chiến tranh Việt Nam – Trung Quốc tại biên giới phía Bắc và được báo chí mô tả là “nạn kiều”. Gia đình chị có lẽ thuộc lớp người này nên nói chị là “đồng hương” với người Việt thì cũng không có gì là quá!

Người Việt tỵ nạn nói chung và người Việt gốc Hoa nói riêng đã có nhiều cơ hội tiến thân trên những vùng “tạm dung”. Thế hệ tỵ nạn thứ hai được học hành trong một nền giáo dục tân tiến, được hưởng cơ hội đồng đều, bình đẳng nên đã có không ít trường hợp thành công nổi bật. Priscilla Chan là một thí dụ điển hình.

Thầy giáo dạy chị môn khoa học, ông Peter Swanson, đã từng tiết lộ với báo chí: “Trong năm đầu trung học, Chan gặp tôi và nói, “Con cần làm gì để vào Đại học Harvard?”. Quả thật câu hỏi làm tôi bất ngờ và choáng váng. Suốt bao năm dạy học chưa từng có học sinh nào đặt câu hỏi như vậy với tôi…”

Người ta thường nói, hạt giống tốt sẽ cho cây mọc tốt. Tôi lại nghĩ sâu xa hơn… “hạt giống tốt nhưng phải cần đất tốt mới giúp cây mọc tốt”. Giả sử chị cho đến bây giờ vẫn còn sống tại Việt Nam chắc chắn cũng chỉ là những thiếu nữ bình thường như hàng triệu cô gái khác, rồi cũng lấy chồng, rồi cũng có con…

Cũng theo giả định đó, chồng của chị chắc chắn không phải là anh Mark và con đầu lòng cũng không phải là Max. Đó là hai cái tên đang khuấy động cư dân mạng nói chung và facebookers người Việt, cả ở trong lẫn ngoài nước, nói riêng. Hơn bao giờ hết, tôi tin suy nghĩ của mình về lý thuyết “môi trường sống” là một trong những yếu tố quyết định sự thành đạt của một cá nhân!

Nhìn lại nước Việt ngày nay đã không ít những người đem gieo “hạt giống tốt” trên những cánh đồng ở tận Hoa Kỳ, Úc Châu, Anh Quốc, Pháp Quốc… chí ít cũng có những cánh ruộng “gần nhà”, hạp phong thổ, thổ nhưỡng như Singapore, Mã Lai Á hay xa hơn một chút như Nhật Bản, Đại Hàn…



Anh Mark thân mến,

Sưu tầm phả hệ của anh tôi cũng phát hiện một điều khá lý thú. CNNMoney tiết lộ, ông nội và ông cố của anh – Max Zuckerberg và Marcus "Max" Hollander – cả hai đều sống tại New York City qua hình thức “self-employed”, tạm dịch là tự mình làm chủ công việc của mình, có nghĩa là… không làm thuê để tháng tháng lĩnh lương…

Điều lý thú hơn nữa là Max Zuckerberg, ông nội của anh, xuất thân từ một gia đình di dân từ nước Áo (Austria). Người Việt thường lẫn lộn Austria ở Châu Âu với Australia thuộc Nam bán cầu. Gia đình ông cố của anh, Marcus "Max" Hollander, đến New York năm 1892, năm mà hòn đảo Ellis Island mở cửa đón hơn 12 triệu người di dân từ Châu Âu.

Ở đảo Ellis, ngày nay gọi là Liberty Island, khi đó đã dựng bức tượng Statue of Liberty cao 93m, hay còn gọi là “Tượng Nữ thần Tự do”, trên tay cầm ngọn đuốc soi đường cho di dân vượt Đại Tây Dương để đến Mỹ! Đây là món quà của người Pháp, trong đó Gustave Eiffel với tháp Eiffel tại Paris, tặng cho Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ…



Anh chị Chan & Mark thân mến,

Hóa ra cả hai anh chị đều thuộc lớp người tỵ nạn, tìm đến Hoa Kỳ để ươm hạt giống. Sau một cuộc tình kéo dài 12 năm, anh chị đã có Max, một hạt giống mà anh chị nâng niu. Anh chị viết trong thư gửi con gái vừa ra đời:

“Mẹ của con là bác sĩ và là nhà giáo dục, đã sớm nhận ra điều này. [Những đứa trẻ phải trải qua kinh nghiệm đau buồn trong thời thơ ấu thường lớn lên với thân thể và trí tuệ kém mạnh mẽ].

Nếu con có một tuổi thơ không lành mạnh, thật là khó mà đạt đến mọi tiềm năng. Nếu con phải lo lắng về miếng ăn, tiền thuê nhà, hay lo lắng về môi trường nhiều tội phạm chung quanh, thì thật là khó đạt đến mọi tiềm năng của con.

Nếu con lo sợ phải vào tù thay vì đến trường Đại Học vì màu da của con, vì gia đình con có thể bị trục xuất về mặt pháp lý, hay con có thể là nạn nhân của bạo lực chỉ vì tôn giáo, giới tính… thì thật là khó mà đạt được mọi tiềm năng”.


Đó là những điều rất tầm thường bắt đầu bằng chữ “Nếu…”. Nhưng đó cũng là những nỗi sợ thầm kín của những người làm cha mẹ, nhất là đối với đứa con đầu lòng như trường hợp của anh chị. Tôi cũng rất tâm đắc với kế hoạch “Chan Zuckerberg Initiative” mà anh chị đề ra trong tương lai khi anh và vợ sẽ tặng 99% tài sản chứng khoán trong suốt cuộc đời để dành cho các cơ quan từ thiện:

“Vì con bắt đầu một thế hệ mới của dòng họ Chan Zuckerberg, chúng ta cũng bắt đầu một Quỹ có tên gọi “Sáng kiến Chan Zuckerberg” nhằm kết nối con người trên toàn thế giới trong việc mở rộng tiềm năng và thúc đẩy sự bình đẳng. Lĩnh vực trọng tâm ban đầu của chúng ta sẽ là “cá nhân hóa” quá trình học tập, thuốc chữa bệnh cho mọi người, kết nối giữa con người với con người và xây dựng những cộng đồng mạnh”.

Anh chị là tỷ phú nên tôi nghĩ tất cả đều có thể thực hiện được trong tầm tay như Bill Gates, Warrant Buffet… đã làm. Điều tôi muốn nói ở đây là những sáng kiến đó có “đánh động” lương tâm của những người giàu có – bao gồm cả những người có tiền, có quyền, có chức và có cơ hội – nhưng liệu họ có tiếp tay với anh chị hay không?

Họ có tự soi rọi bản thân, quên đi lợi ích cá nhân, gia đình, bè phái… để cùng chung sức thực hiện những điều tốt đẹp cho cả thế giới này hay không? Hay chí ít, họ cũng không dùng sức mạnh của mình để gây trở ngại cho những điều tốt đẹp mà người khác đang làm hay không?




Câu trả lời hãy còn bỏ ngỏ vì còn tùy nơi, tùy chỗ trên thế giới này. Anh chị, tôi và chúng ta chỉ còn biết hy vọng nếu mọi sự tốt đẹp không đến với thế hệ chúng ta thì những thế hệ kế tiếp của Max hay thậm chí con cái của Max sau này sẽ có một tương lai tươi sáng hơn. 

Mong lắm thay!

Thân chào anh chị,

Nguyễn Ngọc Chính

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng: Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!


--> Read more..

Popular posts