Thứ Năm, 25 tháng 10, 2018

Chuyện giày dép


Giày dép là những thứ người ta thường dùng hàng ngày để chân không phải tiếp xúc trực tiếp với mặt đất, nơi bị coi là… “không được sạch sẽ”.

Thế cho nên, khi vào những nơi linh thiêng như chùa chiền, người ta thường cởi giày dép khi trước khi bước vào nơi thờ phượng. Người Á Đông còn có thói quen bỏ giày dép ngoài cửa trước khi vào trong nhà để giữ nhà cho sạch.

Theo Wikipedia, đôi dép cổ nhất được tìm thấy ở hang Fort Rock, tiểu bang Oregon, Mỹ, vào năm 1938 có niên đại 7.000 - 8.000 năm Trước Công Nguyên (TCN). Giày bằng da đầu tiên được tìm thấy ở một hang động của Armenia năm 2008 có niên đại 5.500 năm TCN, đôi giày này là một mảnh da bò với dây cũng bằng da.

Giày cũng thường xuất hiện trong văn hóa dân gian của nhiều dân tộc trên thế giới. Những câu truyện cổ tích tuyệt vời về “Đôi hia bảy dặm”, “Đôi dép có cánh”, “Chú mèo đi hia”, “Chiếc giày của Lọ Lem” thường làm say mê cả trẻ con lẫn người lớn.

Người La Mã coi giày là văn minh, tượng trưng cho quyền lực và sự tự do. Trong đám cưới La Mã cổ, người cha trao cho con trai một đôi giày, biểu hiện cho sự chuyển giao quyền lực trong gia đình.

Ngược lại, trong Kinh thánh Cựu Ước, giày tượng trưng cho vật không có giá trị, trong Kinh thánh Tân Ước thì người ngồi xuống cởi giày cho người khác là nô lệ. Tuy vậy, tháo giày ở nơi trang trọng luôn thể hiện sự tôn kính.

Người Do Thái lại cho rằng tự cởi giày là tự từ bỏ quyền lực, trách nhiệm hoặc từ bỏ vai trò của mình trong hôn nhân. Trong lễ tang của chồng, vợ góa cởi giày của anh trai người chồng quá cố để thể hiện việc đã giã từ trách nhiệm của người chồng đã mất.

Người Ả Rập lại cho rằng giày tượng trưng sự nhơ bẩn vì nó tiếp xúc với mặt đất và luôn nằm dưới phần thấp nhất của cơ thể. Hành động ném giày vào người khác là một sự xúc phạm tột cùng.

Năm 2003, khi bức tượng Shaddam Hussen bị giật sập, rất nhiều người tập trung quanh tượng và dùng giày của mình đạp lên. Năm 2008, Tổng thống Mỹ George W. Bush bị Muntadar al-Zaidi, phóng viên đài truyền hình al-Baghdadiya của Iraq, ném giày (tí nữa vào mặt) để phản đối cuộc chiến tranh Iraq.

Trong chuyến công du nước ngoài cuối cùng của ông Bush trên cương vị tổng thống Mỹ, hôm 14/12/2008, đã được chào đón bằng cả hai (chứ không phải là một) chiếc giày của phóng viên ném vào giữa buổi họp báo. Ông Bush đã thụp đầu xuống nhanh như cắt và tránh được cả hai chiếc.

Reuters đưa tin, giữa buổi họp báo của Tổng thống Bush và Thủ tướng Iraq Mouri Maliki, phóng viên Muntadar al-Zaidi bỗng đứng lên từ hàng ghế rất gần với bục của hai nhà lãnh đạo, ném rất mạnh một chiếc giày về phía ông Bush, vừa ném vừa la lên rằng đó là “nụ hôn tạm biệt của nhân dân Iraq”. Chiếc giày bay đến giữa mặt nhà lãnh đạo, nhưng ông Bush đã kịp thụp đầu xuống rất nhanh.

Tổng thống Bush, Thủ tướng Mouri Maliki và phóng viên Muntadar al-Zaidi

Ngay lập tức, al-Zaidi cúi xuống nhặt chiếc giày thứ hai lên, ném mạnh, lần này hô: “Chiếc này là để cho những góa phụ, những trẻ em mồ côi và tất cả những người bị giết chết ở Iraq”. Chiếc giày thứ hai cũng bay qua sượt người ông Bush. Thủ tướng Iraq đứng sát bên cạnh đã hua tay để hất chiếc giày.

Riêng về phần Tổng thống Bush, ngay khi sự việc xảy ra, các cận vệ lập tức đứng bao quanh ông nhưng ông vẫn không rời khỏi bục họp báo. Ông tỏ ra khá bình tĩnh và sau đó tuyên bố sự cố này không hề khiến ông cảm thấy bị đe dọa một tí nào.

“Chuyện này cũng tương tự như bị người ta hét vào mặt khi đang ở giữa một cuộc tuần hành chính trị. Đó là một cách để người ta gây sự chú ý thôi”. Ông còn đùa với các nhà báo: “Nếu quý vị muốn lấy số liệu thì chiếc giày mà ông ấy đã ném mang số 10”.

Tổng thống Bush, Thủ tướng Mouri Maliki và phóng viên Muntadar al-Zaidi

Sau vụ Tổng thống Bush bị ném giày tại Iraq, bà Hillary Clinton cũng gặp "tai nạn" tương tự khi phát biểu tại Las Vegas, năm 2014. Bà Clinton bị một phụ nữ tên Alison Michelle Ernst, 36 tuổi, ném giày khi đang phát biểu về quản lý chất thải rắn. Người phụ nữ này sau đó đã bị bắt giữ.

Bà Clinton vẫn cho thấy bản lĩnh chính trị của mình bằng cách tiếp tục bài phát biểu và cho biết: “Đây không phải là cách làm việc dân chủ” khi nhận được lời xin lỗi từ ông Jerry Simms, chủ tịch Viện Tái chế Phế liệu, nơi diễn ra buổi phát biểu.
“Mọi người đến đây mang theo vấn đề của họ và bàn bạc về nó để tìm cách giải quyết”, bà Clinton cho hay. Trong khi đó, người phụ nữ bị đặc vụ liên bang bắt giữ. Bà từ chối không cho biết lý do về hành động của mình. 
 
Bà Hillary Clinton và Alison Michelle Ernst, người phụ nữ “ném giày” 

Ngày 24/10/2010, cựu thủ tướng Úc, John Howard, cũng bị một công dân ném giày trong một cuộc phỏng vấn truyền hình trực tiếp của hãng tin ABC. Đây không phải lần đầu ông Howard suýt phải “ăn” giày. Hồi tháng 11/2009, khi đang phát biểu tại Đại học Cambrdige, Anh, ông Howard cũng đã bị một người biểu tình cáo buộc tội phân biệt chủng tộc và ném giày vào người.

Vài tháng sau, người quăng giầy chết vì bệnh ung thư, và đôi giày của anh ta được Red Cross đem ra đấu giá, thu được hơn 3.000 đô-la. Nghe tin này, ông Howard vui vẻ nói ông mừng là đôi giày có giá!

Chân dung hai chính khách đã từng bị ném giày: Cựu Tổng thống George Bush và cựu Thủ tướng Úc John Howard trong một bức ảnh năm 2007

Hành động ném giày không phải là mới, mà đã được đề cập từ thời xa xưa. Trong Kinh Thánh (Psalm 108) có viết rằng một lúc nào đó Thượng Đế sẽ ném giày vào Edom. Vào thời La Mã (năm 359) cũng xảy ra một vụ ném giày vào Vua Constantius Đệ Nhị. Hành động này được xem là một lời tuyên chiến.

Gần đây nhất, tại Thủ Thiêm, một phụ nữ tên Nguyễn Thị Thuỳ Dương, 28 tuổi, đã ném một chiếc giày về hướng bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, một quan chức cao cấp tại Sài Gòn. Đó là một sự “phản kháng trong vô vọng” trước những bất công của những người được coi là “thấp cổ bé họng”.

Người phụ nữ này đã phản kháng trong tuyệt vọng, ném giày là một cách phát biểu mà cô không được nói trong một cuộc họp tại Thủ Thiêm giữa các quan chức thành phố về việc khiếu kiện đất đai không được đền bủ thỏa đáng trong suốt 20 năm qua. Điều đáng nói là sự việc xảy ra trong ngày 20/10/2018, ngày Việt Nam vinh danh phụ nữ!

Nguyễn Thị Thùy Dương, người đã ném giày tại Thủ Thiêm

Hiện tượng ném giày tại Thủ Thiêm đã có một hệ quả là tạo “đợt sóng thần” trên mạng xã hội. Cộng đồng mạng quả là đầy sáng tạo trong việc chế biến những bức ảnh cũng như đặt nhiều tên rất kêu.

Nào là “Tomaguốc lợi hại hơn hỏa tiễn Tomahawk rất nhiều, dù không trúng mục tiêu” hay nhân việc có tin trên báo chí rằng Việt Nam vào cuối năm nay sẽ phóng lên vũ trụ một vệ tinh “Made in Vietnam”, ai đó đã tạo ra một bức hình vệ tinh của Việt Nam như dưới đây:

Vệ tinh “Made in Vietnam”

Tài tình, sáng tạo hơn nữa là có bức phác thảo Nhà hát Giao hưởng Thủ Thiêm mà thành phố sẽ xây dựng với số tiền lên đến 1.508 tỷ đồng. Nếu có một cuộc thi thiết kế nhà hát, không biết đồ án này có được duyệt hay chăng?

Phác thảo Nhà hát Giao hưởng Thủ Thiêm

Trang web “Ủng hộ Nguyễn Phú Trọng” đưa tin bà Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM nói về việc người dân Thủ Thiêm ném giày giữa hội nghị: “Theo bà Nguyễn Thi Quyết Tâm, do nữ cử tri có hành vi “quá khích” tại buổi tiếp xúc cử tri nên nhân viên đã mời ra khỏi Hội trường để đảm bảo trật tự cho người khác phát biểu” (sic)

Trước đó, Công an phường Bình Trưng (quận 2) đã ra quyết định xử phạt hành chính 750.000 đồng đối với Thùy Dương. Chị Dương cho biết: “Sau khi lập biên bản, tôi đã đóng phạt và được cơ quan chức năng trả lại chiếc giày”.

Chiếc giày… lịch sử

Chiếc giày ném vào cựu Thủ tướng Howard đã được bán đấu giá hơn 3.000 đô-la, người ta tự hỏi, nếu chiếc giày của chị Thùy Dương cũng được đem ra đấu giá thì không biết sẽ có giá bao nhiêu? Có nhiều hơn không?

Có điều, cuộc đấu giá này (nếu có) sẽ không cho phép người nước ngoài tham gia vì các thế lực thù địch lúc nào cũng sẵn sàng nhảy vào làm rối thêm tình hình trong nước.

***

--> Read more..

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2018

Tin vui: Blog “Hồi Ức Một Đời Người” vượt ngưỡng 1 triệu người vào xem!

Ngày 21/08/2012 tôi thành lập trên Blogspot một trang Blog với tên “Hồi Ức Một Đời Người” (chinhhoiuc. blogspot. com). Bài viết đầu tiên mang tên “Tham vọng văn chương” (chinhhoiuc.blogspot.com/2012/08/tham-vong-van-chuong.html) và bài mới nhất “Quà tặng nhân ngáy Phụ nữ Việt Nam” (chinhhoiuc.blogspot.com/2018/10/qua-tang-nhan-ngay-phu-nu-viet-nam.html).

Bài viết đầu tiên post trên Blogspot (21/08/2012)


Bài viết mới nhất trên Blogspot (20/10/2018)

Tính đến hôm nay (21/10/2018) “Hồi Ức Một Đời Người” đã có 1.000.492 lượt người vào xem. Một con số đáng tự hào sau 6 năm đến cùng người đọc với 393 bài viết! Xin chân thành cảm tạ các bạn đọc đã đồng hành trong suốt thời gian qua. Con số hơn 1 triệu người cũng là phần thưởng tinh thần quý giá dành cho người viết Blog. 

Thống kê 10 bài đăng có nhiều người đọc nhất

Thống kê người đọc theo quốc gia

Số lượng thống kê nguồn lưu lượng truy cập


Lịch sử số lượt xem tính đến tháng 10/2018

***

Bình luận trên Facebook
















***


--> Read more..

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2018

Quà tặng nhân ngày Phụ nữ Việt Nam


Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 là một ngày lễ kỷ niệm nhằm tôn vinh phụ nữ. Trước năm 1975 tại miền Nam, dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa, cũng có Ngày Phụ nữ Việt Nam, nhằm ngày tưởng niệm Hai bà Trưng. Đó là ngày 6 tháng 2 Âm lịch.

Riêng tại miền Bắc, ngày 20/10/1930 là ngày thành lập Hội Phụ nữ Phản đế Việt Nam (tiền thân của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ngày nay). Vì lý do đó, người ta đã quyết định chọn ngày 20/10 hằng năm làm ngày truyền thống của tổ chức này, đồng thời cũng xem đây là ngày kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam.

Vào ngày 20/10, phụ nữ ở Việt Nam được nhiều người bày tỏ sự quan tâm và tôn vinh dưới nhiều hình thức nhưng phổ biến nhất vẫn là tặng hoa hồng và thiệp, kèm theo những lời chúc mừng.

Riêng tôi (những người thuộc lứa tuổi “thất thập cổ lai hi”), năm nay tôi sẽ không tặng phụ nữ hoa hồng… vì hoa chỉ vài ngày sau sẽ tàn úa. Thay vào đó là một hí họa của cố họa sĩ Chóe, tên thật của ông là Nguyễn Hải Chí (1943-2003). Bởi vậy ông mới ký tên Chóe cho hợp với tên thật là Chí để thành... "Chí Chóe"!

Đây là một trong những bức biếm họa của họa sĩ mang chủ đề “Phụ nữ nước tôi”. Bộ tranh được Lãnh sự Nhật Bản triển lãm tại các thành phố lớn bên Nhật năm 1995. Bức tranh mang tên “Chồng Con” và là một trong số tranh triển lãm “ấn tượng” nhất.

Tranh vẽ một người đàn bà mặc áo dài nhưng đi chân đất. Trên vai có đòn gánh nặng chĩu, một đầu là người chồng với chai rượu trong tay và điếu thuốc trên miệng. Đầu bên kia là 5 đứa con ngồi lọt thỏn trong một cái thúng. Tranh chỉ vỏn vẹn có hai chữ “Children” & “Husband” nhưng lại nói rất nhiều về sự tảo tần và chịu đựng của người phụ nữ Việt Nam.

“Chồng con”

Đó chính là điều tôi muốn nói khi tặng bức tranh này đến những người phụ nữ Việt Nam. Dù ở vào bất cứ thời kỳ nào của đất nước, dù trong chiến tranh hay hòa bình, người phụ nữ Việt Nam là những người phải chịu đựng nhiều nhất.

Bức tranh còn gợi ý cho những người chồng… phải nhìn lại xem mình có xứng đáng với những gì mà “một nửa của mình” gánh nặng trên vai hay không?

*** 

* Tham khảo:

“Xem lại những hí họa của Chóe”

“Chóe & chân dung”
https://chinhhoiuc.blogspot.com/2013/10/choe-chan-dung.html


***

--> Read more..

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

Bóng ma Nhà hát Opera


* Lời nói đầu:

Gần đây, chính quyền thành phố đã biểu quyết về việc xây dựng Nhà hát Giao hưởng tại Thủ Thiêm với kinh phí 1.500 tỷ (chính xác là 1.508 tỷ đồng). Theo quan điểm của người dân, Đúng hay Sai là điều đã rõ về cả mặt Tình lẫn Lý.

Tuy nhiên, Hội đồng Nhân dân Thành phố cũng có lý của họ trong “Quyết Tâm” này. Đó là vấn đề mà ít người dân hiểu được, đó là việc “chạy chi ngân sách” như FB của luật sư Trần Vũ Hải đã phân tích:

“… Dù vậy, cũng thông cảm cho TPHCM khi bị trung ương lấy 82% doanh thu ngân sách để chi cho Trung ương và các địa phương khác, chỉ 18% doanh thu ngân sách được chi lại cho địa phương.

“Các ông bà hội đồng có lẽ phải tự trách chính mình, trước cơn thịnh nộ trách mắng của mạng xã hội! Họ cư xử như những robot bỏ phiếu trước những nhóm lợi ích, chứ không phải quyền và lợi ích thực sự và cấp thiết của dân chúng. Nhưng các robot này vẫn nguỵ biện bỏ phiếu vì “nhu cầu của dân”!

Trong bài  viết này, chúng tôi sẽ không bàn đến chuyện xây Nhà hát Opera ở ta… Thay vào đó, mời các bạn cùng đến Paris để thăm Nhà hát Opéra Garnier qua tác phẩm “Le Fantôme de l'Opéra” (Bóng ma trong nhà hát), tiểu thuyết của Gaston Leroux.

Tác phẩm “Le Fantôme de l'Opéra” của Gaston Leroux

Nhà hát lớn Paris có ma? Câu hỏi được đặt ra vì những “tai nạn rùng rợn” liên tiếp xảy ra từ khi các ngài Moncharmin và Richard làm Giám đốc nhà hát. Cái chết của trưởng bộ phận dàn dựng sân khấu trong tư thế treo cổ dưới tầng hầm, những bức thư nặc danh đe dọa hai tân giám đốc, ca sĩ Carlotta bỗng “hát như cóc kêu” trên sân khấu, đèn chùm trong khán phòng rơi đè chết người...

Cùng lúc đó, Christine, nữ ca sĩ vô danh với giọng hát “như mèo hen” bỗng như thoát xác, cất tiếng hát làm rung động công chúng. Tất cả chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên hay có bàn tay một thế lực thần bí nào?

Đó là những vấn nạn của Gaston Leroux khi ông viết tác phẩm “Le Fantôme de l'Opéra” vào năm 1909, vốn là tiểu thuyết dài kỳ in trên tờ “Le Gaulois” từ tháng 9/1909 đến tháng 1/1910.

“Bóng ma trong Nhà hát” được nhà xuất bản Pierre Lafitte in thành sách lần đầu tiên năm 1910 và từ đó đến nay vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho hàng chục tác phẩm điện ảnh, nhạc kịch, phim truyền hình và ca khúc ở Pháp, Mỹ và nhiều quốc gia khác.

Leroux, tác giả nổi tiếng trong thể loại trinh thám và giả tưởng của Pháp, viết:

“Con ma Nhà hát đã tồn tại. Nó hoàn toàn không phải như từ lâu người ta vẫn tin, một cảm hứng nghệ sĩ, thói mê tín của các đời giám đốc, trò sáng tạo vô vị từ những bộ óc quá khích của đám con gái trong vũ đoàn ba lê, của mẹ chúng, của các chị xếp chỗ, của những người làm trong phòng gửi đồ và của cả bà gác cổng”.

Gaston Leroux (1868-1927)

Tác phẩm viết về một con người khốn khổ, Erik, với khuôn mặt biến dạng đã trốn chạy khỏi xã hội phù hoa, đầy giả dối, ích kỷ của nước Pháp vào thế kỷ 19. Nơi anh chọn để trú ẩn an toàn là trong mê lộ những tầng hầm và kho chứa bên dưới nhà hát Opera tại Paris.

Từ đó trở đi, nhà hát Opera bắt đầu xuất hiện những tin đồn về một bóng đen thoắt ẩn thoắt hiện bên trong nhà hát.  Những đồ vật trong nhà hát cũng thường bị mất một cách bí hiểm, không rõ nguyên nhân.

Một thời gian sau, khi vô tình nhìn qua một lỗ nhỏ về phía sân khấu, Erik thấy Christine Daaé, một diễn viên phụ trẻ đẹp và trái tim anh lập tức bị hạ gục bởi nàng. Erik có kỹ thuật hát Opera hoàn hảo do học lỏm được từ những giọng ca hay nhất châu Âu thường đến biểu diễn tại đây.

Cuối cùng, Erik đã xuất hiện trước mặt cô ca sĩ trẻ đẹp người Thụy Điển và dạy cô hát. Nhờ đó, cô diễn viên phụ Christine nhanh chóng được nhận vai chính và trở nên nổi tiếng khắp nước Pháp.

Bóng ma và người ca sĩ

“Bóng ma” Erik vẫn thường ôm trong lòng một giấc mơ tình ái: Christine sẽ đáp lại tình cảm của mình. Nhưng nàng lại phải lòng một chàng quý tộc trẻ tuổi đẹp trai, Tử tước Raoul de Chagny, người bạn thời thơ ấu của Christine và cũng là tình nhân của cô.

Đau khổ và tức giận, Erik bắt cóc Christine về nơi ẩn náu của mình, cạnh một chiếc hồ ngầm ở tầng hầm thứ bảy. Khi thấy chàng quý tộc trẻ bất chấp tất cả để chạy tới cứu người yêu và chứng kiến cảnh Christine có chết cũng không chọn mình, Erik lồng lộn vì ghen tức.

Erik đã có thể giết cặp tình nhân trẻ nhưng khi thấy đám đông kéo xuống hầm để tìm, Erik buộc phải từ bỏ người mình yêu, chạy vào nơi tối tăm nhất của tầng hầm để ẩn nấp.

Và kể từ đó, người đàn ông bất hạnh mang tên Erik với con tim tan nát đã biến khỏi cõi đời. Người ta không bao giờ nhắc đến “bóng ma” ấy nữa.

Erik – Christine (họa phẩm của Claude Verlinde)

“Le Fantôme de l'Opéra” của Gaston Leroux khiến người đọc liên tưởng đến tác phẩm “Nhà thờ Đức Bà Paris” (Notre-Dame de Paris, 1831) của Victor Hugo. Nhân vật chính của cả hai tác phẩm đều lả những người có số phận hẩm hiu nhưng lại ẩn chứa một mối tình nồng nàn.

Người kéo chuông nhà thờ Đức bà, Quasimodo, kẻ dị hình, dị dạng, vừa mù, vừa thọt của Victor Hugo và “bóng ma” Erik của Gaston Leroux đã cùng nhau bước vào thế giới văn chương Pháp. Đó là những thiên tình sử cay đắng của những kẻ tình si, xấu số.

Cô gái du mục Bohémien xinh đẹp Esméralda làm nghề múa rong ngoài phố trên quảng trường trước nhà thờ Đức bà cũng có nhiều nét giống với Christine của Leroux. Cả hai tuy không yêu người “dị dạng” nhưng vẫn có một thứ tình mà ta gọi đó là “tình người”. Đó là tính nhân bản giữa con người với con người.

Tuy không xuất sắc như Victor Hugo nhưng Gaston Leroux cũng đã tạo nên một tác phẩm với cốt chuyện hấp dẫn không kém, bằng chứng là nó đã, đang và sẽ sống mãi trong lòng chúng ta. Không chỉ là trong tiểu thuyết, mà còn qua rất nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như thơ văn, hội họa và ngay cả triết lý.

Erik là “ma” theo đúng nghĩa. Anh sinh ra với một khuôn mặt dị dạng, méo mó, thậm chí ngay cả bố mẹ cũng không chút yêu thương. Suốt đời anh khao khát một “nụ hôn yêu dấu”. Và 3 tuần trước khi chết, Erik đã được toại nguyện với nụ hôn của Christine. Đó không phải là nụ hôn của tình yêu mà là… nụ hôn của tình người.

Nụ hôn đầu tiên và cũng là nụ hôn cuối cùng

Trong khi Victor Hugo chọn Notre-Dame de Paris làm bối cảnh, Gaston Leroux lại lấy  Opéra de Paris làm nền cho tiểu thuyết. Nhà hát này còn có tên là Opéra Garnier hay Grand Opera House. Người ta thường được gọi đó là Paris Opéra, một nhà hát opera 2.200 chỗ tại thủ đô Paris.

Sở dĩ có tên Opera Garnier vì là một công trình nổi bật được kiến trúc sư Charles Garnier thiết kế theo phong cách Tân Baroque. Nhà hát còn được xem là một trong những kiệt tác kiến trúc thời đó.

Lúc khánh thành năm 1875, nhà hát Opera đã được chính thức mang tên “Académie Nationale de Musique - Théâtre de l'Opéra”. Nhà hát đã giữ tên này cho đến năm 1978 và được đổi tên thành “Théâtre National de l'Opéra de Paris”.

Palais Garnier (năm 1889)

Sau khi công ty Opera chọn Opéra Bastille làm nhà hát chính của họ khi hoàn thành năm 1989, một lần nữa, nhà hát này đã được đổi tên thành Palais Garnier, dù tên chính thức hơn vẫn là "Académie Nationale de Musique".

Dù được đổi tên và công ty đã dời đi chỗ khác đến Opéra Bastille, Palais Garnier vẫn được nhiều người biết đến với tên là Paris Opéra. Nhà hát được khởi công xây dựng năm 1862 và khánh thành năm 1875 với chiều cao 73,6 mét tại Quận 9, Paris.

Paris Opera ngày nay

Đó là chuyện con ma ở nhà hát Garnier, một “bóng ma” của nghệ thuật ngự trị ngay dưới tầng hầm của nhà hát nổi tiếng nhất Paris. Lại nghĩ đến Nhà hát Giao hưởng một ngày nào đó Sài Gòn cũng có… cho “bằng chị, bằng em”.

Mong sao đừng có những bóng ma “dân oan Thủ Thiêm” ám ảnh nhà hát như Paris Opera với câu chuyện “bóng ma” của Erick.

Viết đến đây tôi thấy mình nên tự gác bút. Có viết thêm nữa cũng chỉ là sự lập lại lập luận của những người khác lâu nay đã bình luận “trái chiều” về tương lai của Nhà hát Giao hưởng Sài Gòn.


***

--> Read more..

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

Giải Nobel Văn chương 2018 có gì lạ?

Katarina Frostenson là một trong số 18 giám khảo của một trong 6 giải thưởng Nobel danh giá nhất thế giới, “Giải Nobel về Văn chương”. Chuyện không có gì ầm ỹ cho đến tháng 11/2017 khi nhật báo Dagen Nyheter đưa tin có 18 phụ nữ tố cáo Jean Claude Arnault… “tấn công tình dục”.

Nhiếp ảnh gia Jean Claude Arnault lại là phu quân của giám khảo Katarina Frostenson… thế là rắc rối bắt đầu từ đây. Hàn lâm viện Thụy Điển mở cuộc điều tra nội bộ và khám phá thêm nhiều tình tiết “động trời” vì Arnault đã nhiều lần tiết lộ tên người đoạt giải trước khi được chính thức công bố. Nơi nhận “tin mật” là những tổ chức cá độ quốc tế! 

Frostenson còn bị tố cáo đã “biển thủ” tiền của Hàn lâm viện, “tuồn” tiền cho câu lạc bộ của Arnault tại thủ đô Stockholm. Câu lạc bộ này lại là một tổ chức chuyên về các hoạt động văn hóa như triển lãm hội họa, trình diễn âm nhạc, bình luận văn chương…

Nội bộ Viện hàn lâm rối bời vì, theo quy định, các nghị viên và giám khảo được bổ nhiệm là… “suốt đời”, không có quyền từ chức! Thế cho nên, Hàn lâm viện Thụy Điển đi đến quyết định cuối cùng: Năm 2018 sẽ không có “Giải Nobel Văn chương”.

Đứng trước “scandal văn hoá” này, tháng 7/2018 đã có 126 nhà hoạt động văn chương Thụy Điển đứng ra thành lập một “Hàn lâm viện lâm thời” để trao giải văn chương, thay thế cho giải chính thức mang tên Nobel. Đó là “Giải thưởng mới về văn chương” (The New Prize in Literature), sẽ được công bố vào ngày 12/10/2018.

Qua sự đề cử và chọn lọc rộng rãi của giới hoạt động văn hoá toàn thế giới “hàn lâm viện lâm thời” đã có một danh sách 47 nhà văn được đề cử. Cuối cùng, đã bỏ phiếu và 4 nhà văn được đưa vào chung kết gồm: (1) Nail Gaiman người Anh; (2) Haruki Murakami người Nhật; (3) Maryse Condé một nữ giáo sư văn chương người Pháp gốc Trung Mỹ; và (4) Kim Thúy, một nữ luật sư người Canada gốc Việt.

Nhà văn Kim Thúy và tác phẩm “Ru” (Ảnh chụp qua Video)

Còn nhớ, lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam, một nhà văn người Mỹ gốc Việt, Viet Thanh Nguyen, đã nhận giải thưởng Pulitzer của Hoa Kỳ về tiểu thuyết năm 2016. Nguyễn Thanh Việt là người tỵ nạn đến Mỹ năm 1975, khi đó anh mới 4 tuối và tác phẩm “The Sympathizer” đã đưa Việt vào danh sách “các nhà văn lớn” trên đất Hoa Kỳ.

Cũng tương tự như Nguyễn Thanh Việt, Nguyễn An Tịnh (tên thật của nhà văn Kim Thúy) rời Việt Nam năm 1978 lúc đó cô mới 10 tuổi. Định cư tại một tỉnh nhỏ ở Montreal (Canada) vào cuối tháng 3/1979, cô tốt nghiệp Luật khoa và hành nghề luật sư trong 5 năm rồi theo công ty trở về Việt Nam làm việc trong gần 4 năm.

Về lại Canada, cô quyết định mở một nhà hàng, trong thời gian này cô làm việc vất vả trong suốt 5 năm nên khi lái xe gặp đèn đỏ thường… ngủ gục! Trong một video phỏng vấn của đài VOV, cô kể lại:

“Để tránh bị ngủ gục trên xe, tôi thường cắn hạt dưa đến độ… bị hư răng. Cuối cùng, tôi nghĩ ra cách bắt tay vào viết lách trên sổ mỗi khi xe dừng chờ đèn xanh!”

“Tôi thường cắn hạt dưa đến độ… bị hư răng” (Ành chụp qua Video) 

Đó là bước đầu tiên giúp nhà văn Kim Thúy bước vào thế giới văn chương bằng những tác phẩm viết bằng tiếng Pháp. Thoạt đầu chỉ ghi lại những chuyện trong ngày như một dạng nhật ký rồi sau đó viết nhiều hơn về chuyện người tỵ nạn và di dân theo ký ức của chính mình qua tác phẩm “Ru”.

Dù viết bằng tiếng Pháp nhưng Kim Thúy vẫn lấy nhan đề bằng tiếng Việt. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, “Ru” trong tiếng Pháp có nghĩa là dòng suối nhỏ hay cũng có thể hiểu đó là dòng chảy của máu, nước mắt và cả tiền bạc. Cả hai ý nghĩa Pháp-Việt được tác giả nói đến ngay trong đoạn mở đầu cuốn sách được viết dưới dạng tự truyện:

“Tôi tên Nguyễn An Tịnh, mẹ tôi tên Nguyễn An Tĩnh. Tên tôi chính là biến thể của tên mẹ chỉ qua một dấu dưới và trên chữ “i”. Tôi chính là sự nối dài của mẹ qua cái tên. Trong tiếng Việt, tên của mẹ tôi mang ý nghĩa của sự yên tĩnh bên ngoài trong khi tên tôi lại là sự tĩnh lặng của nội tâm. Với những cái tên như thế, tôi được xác định là phần nối dài của mẹ. Tôi là sự tiếp nối những câu chuyện về mẹ…”

Cuộc đời của Kim Thúy tựa như một dòng chảy, từ những con nước thủy triều tại quê nhà đến những vùng nước yên bình bên kia bờ đại dương. Từ chuyến vượt biển rời Việt Nam, ra khơi một cách vô định đến trại tỵ nạn bùn lầy ở Mã Lai và rồi cuối cùng kết thúc ở vùng đất mới, thị trấn Granby, Quebec. Tất cả những diễn biến đó được gói ghém trong “Ru”.

Nhà văn Kim Thúy 

Câu chuyện của một cô bé vượt biển cùng gia đình khi mới 10 tuổi đã “đánh động” đến trái tim người đọc trên thế giới bởi giọng văn rất bình thản và tự nhiên như hơi thở. Kim Thúy, người mẹ của hai đứa con, viết lại tại Canada khi đã 39 tuổi:

“Chuyện của cô bé con bị biển cả nuốt trọn sau khi đã mất chân đứng trên đất liền cũng tựa như một liều thuốc mê, hay “chất khí gây cười” [laughing gas] trên một con thuyền bốc mùi nôn mửa… Tất cả đã biến thành một vì sao Bắc đẩu chẳng khác gì một miếng bánh đẫm mùi dầu nhớt trở thành miếng bánh trét bơ. Hương vị dầu nhớt nghẹn nơi cổ, trên lưỡi, trong đầu đã khiến cô bé chìm vào giấc ngủ với lời ru con êm ái của người phụ nữ ngồi ngay bên cạnh”.

Trong một đoản văn khác, Kim Thúy nhớ lại những ngày lên đênh trên biển:

“Phía dưới hầm tầu hoàn toàn không thể phân biệt giữa ngày và đêm… Không ai nhìn rõ đâu là đường chân trời và đâu là nước biển. Cũng chẳng một ai biết tầu đang trên đường lên thiên đàng hay xuống địa ngục…”

Bản dịch tiếng Anh như vẫn mang tựa đề tiếng Việt 

Trong một cuộc phỏng vấn, Kim Thúy cho biết cảm nhận của người đọc “Ru” sẽ thay đổi theo môi trường sống của mình. Chẳng hạn những người tỵ nạn từ Rumania sẽ có một cái nhìn về chế độ của đất nước họ và tự hỏi sao lại giống Việt Nam đến vậy. Trong khi đó, người đọc từ Pháp lại chỉ chú ý đến lối hành văn, cấu trúc của ngôn ngữ trong cuốn sách.

“Ru” đã được dịch sang 27 ngôn ngữ trên thế giới sau khi bản chính được viết bằng tiếng Pháp tại Canada. Riêng tiếng Việt vẫn chưa có bản dịch vì là vấn đề “nhạy cảm” và “tiêu cực” có liên quan đến các Thuyền nhân. Theo thống kê không chính thức, đã có hơn 200.000 người bỏ nước ra đi và bỏ mình trên biển!

Đặc biệt, “Ru” là một cuốn tự truyện dưới dạng hồi ức nhưng không chia thành chương đoạn mà cũng chẳng đánh số thứ tự. Người đọc (nếu tỷ mỷ) có thể thấy cuốn sách gồm 144 “đoản văn” (vignette) nhưng cũng không được đánh số. Phải chăng đây cũng là một lối viết và trình bày sách độc đáo của tác giả?

“Ru” đã đoạt nhiều giải thưởng danh giá, trong số đó có “Grand Prix RTL-Lire at the Salon du livre de Paris” (2010), “Governor General’s Award for Fiction” (2010), “Prix du Grand Public Salon du livre” (2010), “Mondello Prize for Multiculturalism” (2011), “Grand Prix littéraire Archambault” (2011) và “Canada Reads” (2015). Hơn thế nữa, Bộ giáo dục Canada đã đưa “Ru” vào chương trình trung học viết bằng tiếng Pháp.

Nhà văn Kim Thúy – Nguyễn An Tịnh 

Cũng trong một cuộc phỏng vấn khác của VOA, Kim Thúy rất hồn nhiên khi nói rằng việc lọt vào 1 trong 4 cuốn sách của “Giải thưởng mới về văn chương” chỉ là “hên” mà thôi chứ thật tình cô cũng chẳng phải là nhà văn chuyên nghiệp! Đó là một nhận xét có phần “khiêm tốn” vì cô và gia đình đến Canada với hai bàn tay trắng nên việc kiếm sống là chính.

Kim Thúy cũng không giỏi tiếng Việt và cũng chỉ được “bổ xung” trong thời gian làm việc với một công ty luật của Canada tại Hà Nội gần 4 năm. Ngôn ngữ chính của cô là tiếng Pháp, học trong trường ở Montreal và Quebec. Tuy nhiên, cách viết văn theo lối kể chuyện khiến người đọc bất ngờ và thú vị.

Dù có được chọn để đoạt giải hay không, Kim Thúy đã bước vào văn đàn thế giới, đồng thời trở thành nhà văn nữ gốc Việt đầu tiên được nhắc đến trong một giải văn chương, tuy không chính thức mang tên Nobel, nhưng cũng đủ để người Việt, cả ở trong nước lẫn hải ngoại, hãnh diện và tự hào.

Tác giả Kim Thúy (Ảnh chụp tại nhà riêng ở Longueuil, Quebec, ngày 2/2/2012)

***

Tham khảo:

1. Bài viết: “The Sympathizer (1): “Kẻ Nằm Vùng” hay “Cảm Tình Viên”?”

2. Video clip “Trò chuyện với Nhà văn Kim Thuý”, phỏng vấn của Trà My (Đài VOA):

3. Video clip “Kim Thuy on writing Ru and the Immigrant Experience”, của Lê Quốc Tuấn:

***

--> Read more..

Popular posts