Thứ Tư, 28 tháng 7, 2021

Viết tiếp chuyện Covid…

Sau chuyện “Bài học nhỏ từ con Covid…” (https://www.facebook.com/nguyen.chinh.589/posts/10215537598111315), kể lại chuyện mình nhận được quà tiếp tế lương thực “cứu trợ mùa dịch” từ một người bạn và học được cách chăm sóc cây hành lá… hôm nay lại có câu chuyện “lá lành đùm lá rách” cũng lý thú không kém chuyện trước…

Dạo gần đây, các bạn theo dõi chuyện thời sự trên Facebook chắc cũng để ý chuyện một nữ doanh nhân giàu có ở Bình Dương, đeo hột xoàn đầy tay, suốt gần 5 tháng nay đăng đàn livestream tố giác chuyện bị một “thần y” lừa tiền rồi sau đó lai khui chuyện một số nghệ sĩ lợi dụng bão lụt, dịch bệnh để làm từ thiện khiến giới nghệ sĩ bị một phen “muối mặt” vì… “làm từ thiện dỏm”!

Không ngờ chuyện “từ thiện của nghệ sĩ” lại có liên quan trực tiếp đến bản thân mình. Số là ngày xưa khi đi “học tập cải tạo” về, mình có may mắn tìm được một vài chỗ dạy kèm Anh văn, trong đó có một ca sĩ khá nổi tiếng trước 1975 lại là “học trò”. Cô ấy học với mình gần như suốt 6 cuốn English for Today và rồi sau đó được gia đình bảo lãnh đi định cư tại Mỹ.



Bộ sách "English for Today"


Thầy trò vẫn tiếp tục liên lạc với nhau, thậm chí có lần mình qua Mỹ, cô ấy còn tự lái xe đưa mình về Little Saigon để thăm gia đình gồm một mẹ và 2 con còn nhỏ. Ông chồng (nay a quá cố) vốn là bạn thân với mình trong trại cải tạo nhưng lại không tính đi Mỹ vì có gia đình bên Pháp đang tiến hành thủ tục bảo lãnh.


Gia đình người ca sĩ tại Little Saigon


Cũng có lần người ca sĩ đó về Việt Nam, thầy trò gặp nhau, nửa mừng nửa tủi. Lần nào gặp nhau tại Mỹ cũng như Sài Gòn, cũng dúi thêm ít tiền, giúp thầy sống qua ngày! Stt “Bài học nhỏ từ con Covid…” cô ấy cũng đã đọc và bình luận: “Bịnh dịch gia tăng quá Thầy giữ gìn sức khỏe nhé. Cấn thận khi ra ngoài. Nguyện cầu bình an cho gia đình và mọi người ."

Gặp "học trò" tại Sài Gòn


Thế rồi thất bất ngờ, mình nhận được nessage: “Chỗ Thầy ở có lock down kg? Em muốn gửi chút quà cho Thấy nhưng sợ họ kg đi giao được…”. Hôm nay có người thuộc công ty chuyển tiền gọi điện thoại cho biết họ cần số tài khoản của mình để chuyển tiền vì tình hình giới nghiêm không giao tận nơi được!

Chuyện chỉ có vậy nhưng mình cảm thấy ấm lòng vì chuyện… “từ thiện của nghệ sĩ”. Không phải ai cũng lợi dụng sự từ thiện để làm chuyện xấu như bà CEO ở Đại Nam đã từng tuyên bố ở trên. Vẫn còn đó những chuyện “lá lành đùm lá rách” trong mùa Covid này.

Lại một lần nữa, cái con Covid ngoài chuyện gây tai họa thảm khốc đến mọi người nhưng cũng nhờ đó nói lên tình của con người với nhau.

Bài học hóa ra không nhỏ vì đã thể hiện việc từ thiện của cái tâm con người nói chung và của cô ca sĩ học trò của mình nói riêng!

***

--> Read more..

Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2021

Tóc ơi là tóc!

Tôi có mấy bài viết về tóc nhưng chỉ là toàn ca tụng về tóc của các bà, các cô. Thôi thì đủ kiểu, nào là tóc thề của các gô gái Huế, tóc buộc đuôi gà của các nàng trẻ tuổi, tóc vén cao của các “mệnh phụ phu nhân”, hay thậm chí cả mái tóc “demi-garçon” của “cô Bắc kỳ nho nho nhỏ” như trong thơ của Nguyễn Tất Nhiên và nhạc của Pham Duy:

 

“Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ

Này cô em tóc demi garçon,

Chiều hôm nay xuống đường đón gió,

Cô có tình cờ,

Nhìn thấy anh không?”


Cô Bắc kỳ nho nhỏ đó không muốn để tóc con gái mà lại muốn có một bộ tóc… con trai nên mới được gọi là kiểu tóc “bán nam, bán nữ”, nói văn hoa là “demi-garçon”!. Hóa ra kiểu tóc con trai cũng được các cô “mến mộ” chứ bộ!

 

Kiểu tóc demi-garcon

 

Phần đàn ông, con trai thì nghĩ sao đến kiểu tóc của mình khi được các cô chọn làm… “kiểu mẫu”? Đa số phái nam đã phải chịu cảnh khổ của việc hớt tóc khi còn bé tí teo. Mỗi lần đi cắt tóc phải có mẹ hay người lớn đi kèm cho khỏi sợ khi ngồi trên ghế “thợ cạo”. Nhiều khi phát khóc trong khi các bạn nhí khác phái cứ ung dung để tóc thật dài, chẳng ai thèm nhắc đi cắt tóc!

 

Hớt tóc dạo

 

Đến khi lớn một chút, tự đi cắt cóc một mình nhưng thường hay “cố tình quên” vì còn bận nhiều chuyện “đại sự” hơn là ngồi trên ghế để ông thợ “đè đầu, đè cổ” ra cắt. Chỉ mong sau ổng cắt cho lẹ, miễn sao ngắn là được rồi! Thế cho nên, việc đến tiệm cắt tóc chỉ là… chẳng đặng đừng,

Đến tuổi đi lính, việc cắt tóc lại trở thành “đại sự” vì mấy ông xếp không ưa các anh để tóc dài, trông có vẻ “ba gai”, chướng mắt. Không những mấy xếp “dị ứng” với tóc dài mà lại còn mấy anh quân cảnh lúc nào cũng sẵn sàng “ốp”, họ nghiêm chỉnh áp dụng “quân phong, quân kỷ” và tiêu chuẩn là tóc chỉ được để dài ba hay bốn phân thôi!

Cả chuyện để râu cũng rắc rối. Quân nhân muốn được để râu phải “có phép” chứ không phải muốn hay chậm cạo râu là được. Hóa ra anh lính lúc nào cũng “mày râu nhẵn nhui, áo quần bảnh bao” chứ “lè phè” là không được. Nhiều khi lính ra đường, nhìn các anh dân sự được để tóc hippy, ra ria xồm xoàm thấy ghét!

Sau ngày 30/4/1975, thanh niên còn bị bộ đội cắt tóc ngay ngoài đường, giữa thanh thiên bạch nhật, bao người dòm ngó. Kể cũng oan cho những người bị “xuống tóc”, biết đâu họ không có tiền đến tiệm như ngày xưa nên đành để tóc dài! Nếu thế thì… “oan ơi ông Địa”!

 

Bộ đội cắt tóc ngoài đường sau 30/4/1975

 

Ngay nay, mọi người có vẻ giàu hơn nên còn rất ít cảnh thợ hớt tóc rong ruổi trên chiếc xe đạp để “hớt tóc dạo” hay “cắt tóc vỉa hè” tại các xóm lao động. Khách hàng chủ yếu là các chú nhóc mà người “móc hầu bao” là các bậc cha mẹ. Họ thường dặn thợ, cắt sao cũng được nhưng đừng dể dài quá!

 

Hớt tóc vỉa hè

 

Giờ thì tiệm hớt tóc mọc lên như nấm và hình như tóc cũng dài nhanh nên có người phải thường xuyên nhờ đến… thợ cạo. Thôi thì đủ kiểu tóc, từ Undercut (cắt trắng xung quanh, phần trên dài khoảng 4 hay 5 cm), Highlight (pha màu tóc), K-pop Hàn Quốc, tóc kẻ vạch…

 

Tóc kẻ vạch

 

Người ta đồn “Ông Hoàng Nhạc Việt” ngày xưa xuất thân từ tiệm cắt tóc, nếu đúng như vậy thì nghững người thợ ngày nay có quyền tự hào vì quá khứ của “thần tượng”, đã từ cầm tông-đơ chuyển sang cầm micro… Thợ hớt tóc ngày nay nhiều người rất điệu và hình như đa số thích xăm trổ trên cánh tay. Có lẽ là để khách ngắm mình làm việc trong gương.

 

Thợ hớt tóc ngày nay

 

Lại cũng có những cô thợ rất đẹp gái, ăn mặc gợi cảm cũng bước vào nghề. Các vị “hảo ngọt” là khách hàng thường xuyên đến tiệm “cắt tóc thanh nữ”, nhiều khi tóc chưa kịp dài nhưng cũng “chịu khó” đến đây để các cô thợ… đè đầu, bứt tóc!

 

Hớt tóc… thanh nữ

 

Hiện nay là thời kỳ dịch bệnh nên các dịch vụ cắt tóc đều đóng cửa. Bỗng nhiên người ta mới cảm thấy ngoài những nhu cầu hàng ngày như ăn uống, đi lại bị hạn chế tối đa còn có “nhu cầu cá nhân” như việc hớt tóc cũng “bức thiết” không kém.

Ông bà ta thường có câu “đói mọc râu, rầu mọc tóc”! Tóc mau dài là vậy. Giãn cách xã hội có lẽ cũng làm cho tóc mau dài hơn và người ta lại thấy có một cái khổ là tóc mình dài ra mà không có người cắt dùm.

Nhiều người thậm chí còn phải nhờ người thân cắt hộ mái tóc của mình. “Kệ nó, cứ cắt ngắn là được, không cần xấu hay đẹp… Để dài ngứa lắm!” Theo một khảo sát không chính thức, sau mùa dịch này, số thợ hớt tóc của cả nước sẽ gia tăng nhờ Covid!

 

“Cha cắt cho con

Anh cắt cho em

Cả nhà chúng ta đều cắt

Cắt đến khi nào dịch bệnh bặt tăm!”

 

Cắt tóc… tự biên tự diễn


*** 

* Những kiểu tóc… thời đại:

 

Tóc hay tranh vẽ?

 

Một bức tranh… di động

 

Ta mang trên đầu… cả một thế giới!


 *** 

--> Read more..

Thứ Ba, 20 tháng 7, 2021

Thơ vui tặng… các cô!

Cô vi, cô vít, cô hồn
Cô nào cũng cũng sợ, cũng dồn thế nguy
Cô vi không thấy, còn tùy
Đến khi mắc phải mới… “hui nhị tì”
Âm thầm khi đến, lúc đi
Âm thầm cả lúc cướp đi cuộc đời.

Cô hồn vất vưởng mọi nơi
Đến không kèn trống, không mời, không mong
Hồn ai nấy giữ trong lòng
Giữ làm sao được cái vong cuộc đời
Biết làm sao được ai ơi
Chỉ trong chớp mắt, cuộc đời mạng vong!

Các cô sao lắm thế này?
Đi đâu cũng sợ, suốt ngày cách ly
Sợ nàng cô vít ở lì
Cô hồn đến đón… Thôi thì đành thôi!
Xem ra thì chuyện đã rồi
Về nơi chín suối, ngậm cười với cô!

Cô hồn, cô vít, cô vi
Các cô sao cứ ở lì không đi?





***
--> Read more..

Thứ Năm, 15 tháng 7, 2021

Bé Ký… phong cách hội họa dân gian miền Nam

Trong hồi ức của người Sài Gòn lớn tuổi chắc vẫn còn nhớ hình ảnh một cô gái trẻ với mái tóc dài kẹp sau lưng, tay cô cắp tập giấy “croquis” trắng tinh kèm theo những bức tranh đã vẽ. Cô thường lang thang trên những con đường mang tên Tây như Catinat (Đồng Khởi), Charner (Nguyễn Huệ)… Một công đôi việc, cô vừa vẽ và vừa bán tranh cho khách qua lại…

Đặc biệt, trong số khách hàng mua tranh còn có những người ngoại quốc. Họ có  mặt tại Sài Gòn và muốn giữ lại những hình ảnh của “Hòn ngọc Viễn đông” để đem về nước làm kỷ niệm. Hóa ra tranh của cô là một “đại sứ lưu động” tỏa ra thế giới để giới thiệu những hoạt cảnh của một đất nước khi đó hãy còn là một “ẩn số” đối với người Phương Tây.    

Tranh của cô thuộc loại “carricature” hay còn có tên “sketching”. Nói khác đi chỉ là những bức ký họa, tốc họa, hoạt họa hay phác họa… mô tả những cảnh “đời thường” diễn biến trong cuộc sống… Chỉ qua vài nét bút giản dị, cô bé vẽ từ con chim, con cá, con trâu, con ngựa, con gà…cho đến những hình ảnh mẹ con, trẻ thơ, gồng gánh, chợ búa…

Cô gái đó là Bé Ký (1938-2021). Danh hiệu “Nữ nghệ sĩ trẻ tuổi của đô thành” được dành cho Bé Ký thời cuối thập niên 50 sau đợt di cư của người miền Bắc vào Nam năm 1954. Bé Ký sinh ra tại Hải Dương với một cái tên thật mộc mạc: Nguyễn Thị Bé.

Vốn mồ côi từ thuở tấm bé, cô được họa sĩ Trần Đắc nhận làm con nuôi đồng thời là học trò tại Hải Phòng rồi theo gia đình cha nuôi cùng di cư vào Nam. Họa sĩ Trần Đắc đã mang kinh nghiệm của mình, dạy cho Bé Ký phương pháp vẽ bằng chì than rồi đi dần qua màu sắc trên lụa.

Bé Ký mê vẽ từ thuở còn lên 4, lên 5. Cô bé bước vào hội họa một cách tự nhiên theo năng khiếu, không hề qua một trường lớp nào. Khởi đầu bằng những nét vẽ nguệch ngoạc và cho đến khi thành danh cũng chỉ bằng những nét đơn sơ, không cầu kỳ. Nhà phê bình văn học – nghệ thuật Thụy Khê nhận xét: 

“ … Các họa sĩ thường bắt đầu từ dessin rồi dựa vào dessin mới phóng ra các màu sắc khác nhau. Bé Ký dừng lại ở dessin. Dường như bà đã tìm thấy vùng đất Thánh và dứt khoát ở lại thiên đường nguồn cội của mình. Bà không lớn nữa. Có thể nói Bé Ký - như cái tên lựa chọn có ý tiền định của bà - đã lấy tuổi thơ làm quê hương, dừng lại ở thời điểm hàn vi, ngây thơ (naif) trong hội họa và trong đời. Bé Ký là hiện tượng không già, rất độc đáo trong hội họa Việt…” (Bé Ký, Nỗi Hoài Nhớ Niềm Vui Đã Khuất)

 

Chọi gà

 

Trong bức tranh “Chọi gà”, hình ảnh 6 đứa trẻ ngồi xem đá gà hình như gợi lại cho người xem một hoạt cảnh, tuy chỉ mang những nét chấm phá đơn giản nhưng lại đem đến trong ký ức của người thưởng ngoạn đã cất dấu từ thời thơ ấu. 

Tranh trong kho tàng tranh dân gian cũng có con gà nhưng gà của Bé Ký sống động trong một cuộc thư hùng, lông dựng đứng. Bức tranh đúc kết cái “hồn” của những đứa trẻ chăm chú ngồi xem và cái “thần” của hai con vật trong một cuộc “giác đấu” một mất một còn.  

Ở bức tranh “Che dù”, người ta thấy sự khăng khít của một già, một trẻ. Cũng bằng những nét “carricature” đơn giản nhưng lại toát lên một cảnh tượng xa xưa đã từng nằm sâu trong ký ức người xem. Ông mặc áo dài, tay cầm dù… dắt cháu đầu để chỏm. Cả hai hình như trên đường đi xem hội ngoài đình làng. 

Có lẽ hình ảnh này cũng đã nằm sẵn trong ký ức của người họa sĩ và có lẽ Bé Ký vẽ rất nhanh cho kịp bước chân của hai ông cháu. “Sketching” là như vậy. Chỉ cần vài nét chấm phá để “tốc họa” nhưng hình ảnh đó – tựa như “snap shot” thời nay – đã ghi lại những khoảnh khắc sinh động.

 

Che dù

 

Vốn là phụ nữ nên Bé Ký vẽ rất nhiều tranh về mẹ và con. Trong bức “Đi chợ mua bông sen” người thưởng ngoạn có thể tưởng tượng hai mẹ con trên đường từ phiên chợ quê về nhà. Nét mặt người mẹ hớn hở vì bán hết hàng, bà mua 3 bông sen về cúng Phật tạ ơn. Cô con gái cười tươi như hoa với 3 bông sen đặt trên vai như chia sẻ niềm vui được đi chợ với mẹ. 

Người ngoại quốc rất thích hình ảnh đặc thù Việt Nam này. Có áo dài thướt tha, có đôi quang gánh truyền thống, có chiếc khăn che đầu theo kiểu phụ nữ miền Nam và nhất là có cả chiếc nón lá rất… Việt Nam. Thời bây giờ có người sẽ nói Bé Ký là “Đại sứ Du lịch” của Việt Nam!

 

Đi chợ mua bông sen

 

Hàng loạt những bức ký họa về mẹ & con đã được Bé Ký khai thác, có thể nói đây là chủ đề nổi bật nhất của người họa sĩ vốn là một đứa trẻ mồ côi. Bao ấp ủ thầm kín, bao nỗi niềm sâu lắng, bao khát khao cháy bỏng được người vẽ thể hiện một cách nồng nàn trên tranh. 

Đó là một hiện tượng rất hiếm trong hội họa. “Mẹ con”, “Mẹ chải tóc cho con” là những bức điển hình cho bộ sưu tập có chủ đề “Mẹ & Con” của Bé Ký.

 

Mẹ chải tóc cho con

 

 

Mẹ con

 

Bức tranh “Giã biệt” khiến người xem liên tưởng đến cuộc di cư vĩ đại của hơn 1 triệu người miền Bắc vào Nam năm 1954. Người mẹ với khuôn mặt khắc khoải nhìn lại phía sau… trên tay bồng đứa con cùng nhìn về một hướng với vẻ mặt ngây thơ vô tội. Có sống trong cảnh cất bước rời xa quê hương này mới hiểu được tâm trạng của người họa sĩ… 


Giã biệt

 

Chuyển sang giai đoạn tranh màu ta vẫn thấy chủ đề “Mẹ & Con” vẫn được Bé Ký khai thác, khai thác một cách triệt để. Thường là tranh lụa hay sơn mài được vẽ theo một phong cách riêng. Mới thoạt nhìn tựa như tranh dân gian ngày xưa nhưng lại pha trộn những đường nét trừu tượng của thời hiện đại.

 

Âu yếm

 

 

Mẫu tử

 

Mẹ & Con

 

*** 

Năm 1957 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời làm nghệ thuật của Bé Ký. Chị đã có cuộc triển lãm đầu tiên tại Pháp văn Đồng minh hội (Alliance Francaise, Sài Gòn). Cuộc triển lãm do ông René de Berval, phê bình gia mỹ thuật cho tạp chí France d’AsieJournal d’Extrême Orient bảo trợ. Cuộc triển lãm rất thành công về tài chánh, nhưng quan trọng hơn cả là sự khẳng định tài năng của Bé Ký, “Nữ Họa sĩ của Vỉa hè Đô Thành”. 

Phải thắng thắn nhìn nhận, sự thành danh nhanh chóng của họa sĩ Bé Ký phần lớn nhờ vào những người sưu tập hội họa Âu châu, bên cạnh đó là những bài viết giới thiệu, phê bình của nhiều tạp chí ngoại quốc như Le Journal d’Extrême Orient, The Yomiuri Shimbun, The Manila Times, Asiaweek, The Orange County RegisterLos Angeles Times. 

Từ năm 1957 đến năm 1975, Bé Ký đã mở 18 cuộc triển lãm tranh, trong đó có 16 lần tại Sài Gòn, 1 lần tại Pháp và 1 lần tại Nhật Bản. Sau khi định cư tại Hoa Kỳ chị cũng đã có 8 lần triển lãm để khẳng định tên tuổi của người họa sĩ dân gian điển hình của miền Nam Việt Nam. 

Về mặt tình cảm, một bước ngoặt không kém phần quan trọng đã đến với Bé Ký vào năm 1965: “người họa sĩ đường phố” gặp người họa sĩ “tha hương” tại Sài Gòn. Nhà văn Luân Hoán dùng cụm từ “song kiếm hợp bích trong hội họa” để mô tả sự kết hợp của hai họa sĩ Bé Ký và Hồ Thành Đức [*]. 

Hồi đó truyện chưởng của Kim Dung đang thịnh hành tại miền Nam. Trong "Thần điêu đại hiệp" có hai nhân vật chính là Dương Quá và Tiểu Long Nữ, họ đã luyện thành công bộ “song kiếm hợp bích” trong một ngôi cổ mộ. 

Ở lãnh vực hội họa, Bé Ký và Hồ Thành Đức là một cặp họa sĩ luôn hỗ trợ nhau trong nghệ thuật. Điều đáng nói là cả hai đi theo trường phái hội họa riêng khiến họ hoàn toàn độc lập khi thực hiện tác phẩm. Theo lời kể của Luân Hoán, hai họa sĩ đến với nhau trong một bất ngờ của định mệnh: 

“… Chợt anh thấy từ cửa phòng tranh xuất hiện một cô gái tóc kẹp, thả dài xuống lưng. Anh bất ngờ giật mình, nhưng làm tỉnh được ngay. Cô gái đã dừng trước họa phẩm thứ nhất, im lặng ngắm…. Cô gái quả thật không có nhan sắc của một giai nhân. Nhưng sự dịu dàng từ tốn đã là một sắc đẹp, gợi mở trong Hồ Thành Đức những thao thức rất lạ lùng…

-- Chào ông, phòng tranh có vẻ vắng quá.

 

Đức chợt tìm thấy ngay cái mau miệng lém lỉnh của mình:

-- Không đâu thưa cô, có lẽ giờ này chưa được thuận tiện.

 

Anh cười dù cỏ vẻ hơi phật lòng. Cô gái không mỉm cười trả lễ, nhưng không lạnh lùng, cô nhìn quanh phòng tranh. Đức cũng đưa mắt theo chiều quan sát của người khách... thì bất ngờ nghe tiếng hỏi:

-- Anh có biết tôi là ai không ?

 

Chừng nửa giây ngập ngừng, Đức đáp chững chạc, tự nhiên:

-- Thưa rất làm tiếc, xin lỗi cô là ai.

 

Không lưỡng lự, cô gái, giới thiệu mình:

-- Tôi là Bé Ký

-- A, thế ra cô là những họa sĩ của hè phố.

 

Lẽ ra Đức phải có cái nụ cười tinh nghịch, châm chọc như thói quen. Nhưng không hiểu sao, lòng anh thấy yên ả, bình thản và có cái gì như ấm áp đang vây bọc lấy anh.

-- Hôm nay cô không ra Lê Lợi, Catinat…?

-- Không, mấy hôm nay tôi không ở Sài Gòn. Tôi vừa từ Buôn Mê Thuộc về đây, cốt yếu xem phòng tranh của anh…” 

(hết trích)

 

Sách của Bé Ký & Hồ Thành Đức

 

Rõ ràng là miền Nam cũng có loại tranh dân gian bên cạnh những phong cách dân gian của miền Bắc và miền Trung. Tranh của Bé Ký được xếp vào loại “dân gian” của Sài Gòn xưa, thời VNCH. Để chấm dứt bài viết này, xin mượn lời nhà phê bình Huỳnh Hữu Ủy: 

“… Bút pháp của Bé Ký thuộc về đại chúng, đó là một thứ nghệ thuật của quần chúng. Như vậy, chẳng có gì đáng tiếc khi nghệ thuật của Bé Ký chỉ ngừng ngang mức dân gian mà không đi xa hơn nữa. 

“Nếu chúng ta đã có những nguồn tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, tranh đỏ Kim Hoàng, tranh làng Sình ở Huế, thì chúng ta còn có thêm một nguồn tranh dân gian quý giá không kém chính là thế giới tranh Bé Ký. Dĩ nhiên, tranh Bé Ký cao và thơ mộng hơn nhiều vì nó là hơi thở thuần nhất của một nghệ sĩ chân thành và tài hoa, độc đáo và sáng tạo. Một giòng tranh dân gian của đại chúng như tranh Đông Hồ, thì hoàn toàn ngược lại, xoá hẳn cá tính vì được hình thành bằng nhiều thế hệ qua thời gian và lịch sử”. 

(hết trích) 

*** 

Chú thích: 

[*] Họa sĩ Hồ Thành Đức sinh năm 1940 tại Đà Nẵng, Quảng Nam. Ông tốt nghiệp Cao Đẳng Quốc Gia Mỹ Thuật Sài Gòn, sáng lập viên đồng thời là chủ tịch của Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam (1968-1975), Giáo sư hội họa Viện Đại Học Vạn Hạnh (1969-1975), Khoa trưởng ngành Họa Thực Tiễn tại Đại Học Phương Nam (1974-1975). Ông đến Mỹ cùng với gia đình năm 1989 và hiện nay đang sống cùng với vợ là Họa sĩ Bé Ký và gia đình tại tiểu bang California. 

Tranh của Hồ Thành Đức được người xem đồng cảm ở màu sắc là điều dễ nhận ra nhất. Hầu như ông chỉ sử dụng những gam màu sáng tươi trong những hy vọng cùng những con đường nhẹ nhàng dẫn người xem vào bên trong thế giới nội tâm của khung vải. Hồ Thành Đức thành công ở thể loại acrylic hơn là ở các chất liệu khác. Ông chạy theo sự quyến rũ xảy ra cấp thời ngay sau những nhát vẽ đầu tiên cho đến khi kết thúc. Sự nhạy cảm với màu sắc đã giúp ông phân biệt một cách tài tình giữa những khoảng tối cần nhấn mạnh để các góc sáng trở nên tinh tế hơn gây cảm giác mở ra những câu hỏi mà người xem có thể tự đặt cho chính mình. 

Họa sĩ Hồ Thành Đức đã đi qua một đoạn đường rất dài và ông cũng là chứng nhân của nhiều cuộc biến động từ chính trị, lịch sử đến thăng trầm của nền hội họa nước nhà. Ông đã có tranh trong nhiều bảo tàng viện nhằm góp tiếng nói hiếm hoi của mỹ thuật Việt Nam vào nền mỹ thuật thế giới. Tuy thế, niềm thao thức về một sức sống mới đẩy hội họa Việt Nam lên cùng nhịp điệu của thế giới vẫn luôn bên cạnh ông trong những ngày còn lại nơi xứ người. (Mặc Lâm, RFA) 

***

 * Bài đã post trên Blogspot tại:

https://chinhhoiuc.blogspot.com/2016/03/be-ky-phong-cach-hoi-hoa-dan-gian-mien.html

năm 2013…nhưng vì lý do kỹ thuật nên đã bị vô tình xóa. Nay post lại… 

***

--> Read more..

Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2021

Sài Gòn đó… Sài Gòn đây!

(SG Lockdown – Ngày 9/7/2021)

 

Sài Gòn đó… vẫn nằm trong ký ức,

Của một thời buồn bực với lo toan

Vẫn còn đó… những ngày xưa hoa mộng

Những ngày vui và cả những chờ mong!

 

Sài Gòn đó… vẫn nằm trong tiềm thức

Của một thời rạo rực với đam mê

Vẫn còn đó… những con đường rợp bóng

Những giờ vui bỗng quên hẳn đường về!


Sài Gòn đó...

 

Sài Gòn đây… bỗng chìm trong hoảng loạn

Những ngày đêm với tràn ngập lo toan

Những bóng đen rình rập đến không ngờ

Của thần chết sẵn sàng vung lưỡi hái!

 

Sài Gòn đó… ẩn mình trong giấc ngủ

Một sớm mai thức giấc bỗng thấy đời

Không gì cả… vô thường và vô nghĩa

Ôi Sài Gòn thắm thiết của ta ơi!


Sài Gòn đây...

***

--> Read more..

Thứ Hai, 5 tháng 7, 2021

Cười lên đi!

(27/06/2021 - Cảm tác từ bài hát "Hãy ngước mặt nhìn đời" của Lê Hựu Hà: https://www.youtube.com/watch?v=UAhhV8KaKpU)

***

Cười lên đi em ơi

Dù Covid có làm lệ rơi!

Hãy ngước mặt nhìn đời

Và hiên ngang ta cùng xốc tới.



Ta không sợ điều gì

Dù thân ta một lần cũng chết

Không tiếc gì đời người

Dù mai đây nụ cười đã tắt.

Dù dịch bệnh không bao giờ thấy mặt

Dù khẩu trang che kín nụ cười



Ta vẫn sống, người người vẫn sống!

Có nghĩa gì đâu, một ngày trời đẹp

Giữa tiếng chim hót đầu hồi như nhắc nhở

Ta từ giã cõi đời như lúc đến… hãy còn thơ



Rồi sẽ đi về đâu? Thật tình ta không biết

Mà biết làm gì khi mọi chuyện hư vô?

Bỏ lại sau lưng vui-buồn-hờn-giận

Một mình ta ôm xuống tận đáy mồ!



Thơ ta làm, chằng cần niêm, cần luật

Ta không màng chuyện tỉa chữ, gọt câu

Ta tự do, không câu nệ, mưu cầu

Thế mới gọi thơ là… hơi thở!

***


***

 

--> Read more..

Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2021

Hoàng Xuân Việt - Bách khoa Danh ngôn Từ điển

Hoàng Xuân Việt tên thật là Nguyễn Tùng Nhân, sinh ngày 13/8/1928 tại Vĩnh Thành, Bến Tre, mất ngày 20/7/2014. Ông là một học giả, nhà văn, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và đồng thời là một nhà hùng biện.

Ông tốt nghiệp cao học tại trường Đại chủng viện Saint Joseph và Saint Sulpice, theo học và nghiên cứu chuyên sâu những môn triết học, thần học, xã hội học, phụ nữ học, thiên văn học và năng lực hạnh tâm.

Hoàng Xuân Việt có thể sử dụng thành thạo tiếng Hi Lạp, La Tinh, Hán Nôm, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha. Ông đã từng đảm nhiệm vị trí hiệu trưởng của Trường Nhân Xã Học Làm Người (1966 – 1975), Trường Hán Nôm Học Làm Người Nguyễn Trãi (1993 – 2001).

Ông là tác giả của 373 đầu sách trong nhiều lĩnh vực. Cùng với Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần, Phạm Cao Tùng, ông là một trong bốn học giả nổi bật trong loại sách "Học làm người".


Học giả Hoàng Xuân Việt (1928-2014)



Năm 1969, Hoàng Xuân Việt viết cuốn “Bách khoa Danh ngôn Từ điển” do nhà xuất bản Khai Trí ấn hành. Sách dày 513 trang với những danh ngôn kim cổ được xếp theo thứ tự mẫu tự, từ đề tài “Ác” cho đến “Xử thế”.

Ngoài ra, còn có phần Phụ lục, bao gồm Danh sĩ quốc tế và Danh ngôn tiêu biểu của Trung Hoa, Ấn Độ, Hy Lạp, La Tinh, Pháp, Anh-Mỹ, Nga, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bắc Âu (Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển). Cuối cùng là phần phụ lục về các thánh thư: Ước Thư (Thánh Kinh), Phật Kinh, Sách Talmud và Kinh Coran.



Bách khoa Danh ngôn Từ điển - Khai Trí ấn hành



Nói đến danh ngôn, người ta thường dùng chữ “trưng dẫn” với hàm ý đưa những câu nói của người xưa vào trong câu chuyện hoặc trong việc viết lách của mình. Đó là cái “tật” cố hữu từ muôn đời trước và cho đến ngày nay vẫn y như vậy. Ở Phương Đông thì hay nói “Khổng Tử viết… Mạnh Tử viết…” còn Phương Tây thì “Aristote nói… Thánh Thomas d’Aquin nói…”.

Ngay trong phần Tựa của “Bách khoa danh ngôn từ điển”, Hoàng Xuân Việt đã đưa ra nhận xét:

“Trưng dẫn bị kết án là vì bị lạm dụng bởi một số nhà cầm bút muốn quảng cáo cái thư viện trong bụng mình. Người ta cũng kết án trưng dẫn vì nó tố cáo người cuồng tín ẩn núp sau nó đến nỗi tắc nghẽn đi óc sáng tạo và phán đoán độc lập. Người ta không chịu viết một cái gì của mình mà cứ chất đống trưng dẫn…”

Quả đúng như vậy! Đó chính là sự lạm dụng một cách thái quá những danh ngôn của người xưa mà quên đi những gì có trong vốn kiến thức của mình. Sự thật thì cái gọi là “trưng dẫn” chỉ nên áp dụng một cách hạn chế, chỉ nên dùng trong những trường hợp cần làm sáng tỏ những điều mà ta muốn nói bằng cách đưa ra những ý của người xưa cho câu chữ thêm xúc tích.

Nói tóm lại, nên dùng danh ngôn để trích dẫn trong những trường hợp đặc biệt cần thiết. Đó là nghệ thuật trưng dẫn đúng chỗ, đúng lúc lại còn phải để ý đến yếu tố duyên dáng trong việc dẫn lời người xưa!

Theo Hoàng Xuân Việt, những cái được gọi là “danh ngôn” ngoài những ý tưởng của các văn hào tên tuổi ngày xưa còn bao gồm cả cách ngôn, châm ngôn, ngạn ngữ, tục ngữ, ca dao, phong dao… Vì thực ra, những câu đó là của “ai đó” nhưng theo thời gian được truyền tụng từ thế hệ này sang thế hệ khác để trở thành… “vô danh”!

Có điều, không phải “danh ngôn” nào trong từ điển này đều được coi là “chân lý”. Một vần đề nữa, theo ông, “cũng còn sợ cái nạn dịch là diệt, là phản… nguyên tắc là khi nào nắm thực vững ý chí của tác giả tôi mới dám dịch… còn không thì tôi bỏ…”

Như đã nói ở trên, “Bách khoa Danh ngôn Từ điển” từ trang 19 đến trang 409 là tổng hợp những danh ngôn được xếp theo thứ tự chủ đề từ “Ác” đến “Xử thế”, đánh số thứ tự từ 1 đến 3749. Vì khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi chỉ có thể trích dẫn một số danh ngôn tiêu biểu và có ý nghĩa thâm thúy nhất.



Một số tác phẩm của Hoàng Xuân Việt


4. “Công việc giúp ta thoát 3 cái ác: Buồn chán, Tật xấu và Túng thiếu” - Voltaire

52. “Không có đất nào êm dịu bằng quê cha đất tổ” - Homère

60. “Xứ sở tôi dù phải hay quấy vẫn là xứ sở của tôi” - Chesterton

74. “Yêu là tìm chính hạnh phúc của mình trong hạnh phúc của kẻ khác” - Léibnitz

87. “Trong ái tình đã thỏa mãn, nét hấp dẫn đã bị cướp đi” - Thomas Corneille

95. “Ái tình như đỉnh núi cao: leo lên người ta ca hát, xuống dọc bên sườn người ta than khóc” - André Theuriet

105. “Không thể yêu lại lần thứ hai điều mà người ta đã thật hết yêu” - La Rochefoucauld

117. “Yêu không phải là nguời này nhìn người kia, mà cả hai cùng nhìn về một hướng” - Saint Exupery

131. “Còn trẻ yêu như điên / Về già điên mới yêu” - Ngạn ngữ Pháp, thế kỷ 17

140. “Bạn giết một người bạn, bạn là tên sát nhân. Bạn giết muôn ngàn người, bạn là vị anh hùng” - Beilby Portéus

216. “Tình bạn được dần dần cấu thành theo thời gian bằng thực hành, bởi giao tiếp lâu dài. Nó cần giúp đỡ. Thiếu săn sóc, tín nhiệm và tử tế, nó sẽ tiêu vong” - La Bruyère

239. “Tình bạn là ái tình không có cánh” - Lord Byron

246. “Trong xã giao, đừng đổi bạn thành thù mà hãy đổi thù thành bạn” - Pythagore

270. “Ở đâu pháp luật chấm dứt thì ở đó bạo quyền bắt đầu” - W. Pitt

300. “Làm sao ta mong ai khác giữ bí mật được cho ta nếu chính ta, ta giữ không được” - La Rochefoucauld

346. “Trong chiến tranh cũng như trong ái tình, muốn chấm dứt phải nhìn gần” - Napoléon

379. “Khi bố thí bạn đừng thổi kèn lên. Khi bố thí bạn hãy làm sao tay trái không biết việc tay mặt làm” - Tân Ước (Math VI 2, 3-4)

450. “Làm hài lòng dân, không làm thất vọng những bộ óc lớn… đó là cách ngôn của kẻ biết cầm quyền” - Machiavel

500. “Công bình không sức mạnh thì bất lực, còn sức mạnh không công bình thì tàn bạo” - Pascal

537. “Người cộng sản ăn bánh của họ và cũng muốn ăn luôn bánh của bạn nữa” - Digeste Catholique

545. “Bạn hãy cười và thế gian sẽ cười lại với bạn. Bạn hãy khóc và bạn khóc cô đơn” - E. W. Wilcox

575. “Hết mọi cố gắng của bạo lực không thể làm yếu chân lý và chỉ khiến nó cất cánh cao hơn” - Pascal

608. “Chết là chấm dứt cuộc lao tù tối tăm cho những linh hồn cao cả” - Pétrarque

609. “Khi mất tất cả, không còn hy vọng nữa thì sống là ô nhục và chết là bổn phận” - Voltaire

634. “Ai muốn hòa bình hãy chuẩn bị chiến tranh” - Végèce

649. “Ta phải đưa chiến tranh đến hòa bình chớ đừng đưa hòa bình đến chiến tranh” - Platon

656. “Chiến tranh không tránh được: xã hội còn giai cấp, còn người bóc lột người thì còn chiến tranh” - Lénine

680. “Chính phủ nào tốt hơn hết? Đó là chính phủ tập cho người dân tự cai trị” - Goethe

686. “Chính trị là chiến tranh không đổ máu và chiến tranh là chính trị đổ máu” - Mao Trạch Đông

687. “Nếu muốn nắm thiện cảm của quần chúng, phải nói cho họ những điều phi lý nhứt, sống sượng nhứt” - Hitler

734. “Trong oán thù và yêu thương, đàn bà dã man hơn đàn ông” - Nietzsche

788. “Một quốc gia mạnh khi luật pháp của nó mạnh” - Publilius Syrus

795. “Dân tộc nô lệ, nghệ thuật làm cho nó tự do. Dân tộc tự do, nghệ thuật làm cho nó vĩ đại” - Victor Hugo

870. “Đám táng huy hoàng để an ủi người sống hơn là người chết” - Thánh Augustin

874. “ Gọi đàn bà là “phái yếu” là một sự lăng mạ, Đó là bất công của đàn ông đối với đàn bà” - Gandhi

877. “Đẹp và được yêu, đó mới chỉ là đàn bà. Xấu và biết làm cho được yêu, đó mới là nữ hoàng” - J. Barbey d’Auvellivy

885. “Đàn bà không bao giờ thấy điều người ta làm cho mình mà chỉ thấy điều người ta không làm” - G. Courteline

897. “Giữa cái có và cái không của người đàn bà không có chỗ đứng cho một cây kim gút” - Cervantès

1003. “Thằng điên tưởng mình khôn, và người khôn tự nhận mình chỉ là một người điên” - Shakespeare

1045. “Đàn ông không vợ là đầu không mình, đàn bà không chồng là mình không đầu” - J. P. Richter

1064. “Sống vô ích là chết trước khi sống” - Goethe

1081. “Không ai đem người mù ra khỏi tối tăm” - Kinh Coran

1128. “Tương lai con cái là công việc của người mẹ” - Napoléon

1134. “Có nhiều cách làm hư con: Người ta làm hư tinh thần nó bằng khen ngợi nó quá lố, làm hư ý chí nó bằng cái gì cũng chìu nó, làm hư trái tim nó bằng lo lắng, tôn thờ nó quá” - Dupanloup

1142. “Phúc hay họa của tuổi già thường chỉ là hậu quả cuộc đời quá khứ của ta” - Sainte Beuve

1150. “Ta phải đề phòng tuổi già đừng làm tinh thần ta nhăn như khuôn mặt” - Montaigne

1168. “Nếu bạn sống chung với người què thì bạn học đi cà thọt” - Plutarque

1175. “Giáo dục của một dân tộc được xét đoán theo cách cư xử của nó ờ ngoài đường” - E. De Amicis

1183. “Nếu có một đứa con phải giáo dục, tôi sẽ lo cho nó cái gì trước hết? Tạo nó thành thiện nhân hay vĩ nhân? Tôi tự đáp: “Phải tạo nó thành Thiện Nhân” - Diderot

1198. “Tôi nói thật cùng anh chị em rằng con lạc đà chui qua lỗ cây kim còn dễ hơn người giàu vào nước Thượng Đế” - Jésus Christ

1211. “Tiền bạc chỉ chui vào nhà người danh dự qua ngưỡng cửa nhân đức” - Amyot

1243. “Hãy tự đặt mình ở địa vị kẻ mình giận đi. Có khi ta giận vì tự ái tầm bậy muốn làm cho kẻ khác điều ta không muốn thiên hạ làm cho mình” - Sénèque

1384. “Hiện hữu hay không hiện hữu đó là vấn đề” - Shakespeare

1398. “Kiến thức đến mau còn khôn ngoan đến chậm” - Tennyson

1408. “Vinh quang Thiên chúa trên trời và hòa bình dưới thế cho người thiện tâm” - Luc II, 4

1411. “Họa phẩm là một bài thơ để coi thay vì cảm giác và bài thơ là một họa phẩm để cảm thay vì để coi” - Léonard de Vinci

1450. “Có những điều mà người ta chỉ có thể nói được khi hôn nhau” - M. Maertelinck

1473. “Trong mọi trường hợp, ban hãy kết hôn đi. Nếu được người vợ tốt, bạn sẽ hạnh phúc. Nếu gặp người vợ xấu bạn sẽ thành triết gia. Đó là điều hay nhất cho con người” - Socrate

1497. “Hắn như con gà trống tưởng rằng mặt trời mọc lên để nghe nó gáy” - G. Eliot

1505. “Hiền nhân gieo hương nhân đức bốn phương trời” - Đức Thích Ca

1804. “Kỷ niệm hạnh phúc không còn là hạnh phúc. Kỷ niệm của đau khổ là đau khổ kéo dài” - Lord Byron

2009. “Lười biếng là mẹ; con trai của nó là trộm cắp, con gái của nó là đói khát” - Victor Hugo

2150. “Giá cái mũi của Cleopatre ngắn hơn thì toàn bộ mặt thế giới đã thay đổi” - Pascal

2219. “Có ba thứ ngu dốt: Không biết điều phải biết, Biết bậy điều đang biết và Biết điều không nên biết” - La Rochefoucauld

3273. “Giáo hội sống bằng cái gì nếu không phải bằng tội lỗi của tín đồ” - Hitler

3317. “Tôi đến thế gian này trần truồng và tôi phải trần truồng lìa bỏ nó” - Cervantès

3606. “Vinh quang giống như vòng tròn dưới nước càng lúc càng lan rộng ra… đến nước chót thì tan” - Shakespeare

***

* Tham khảo: https://tusachtiengviet.com/.../bach-khoa-danh-ngon-tu...


***
--> Read more..

Popular posts