Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Du ký xứ… Miệt Dưới (10): Tứ đại đồng đường


(Tiếp theo)

Australia còn được gọi là ‘Down Under’, tạm dịch là ‘Miệt Dưới’, vì nằm ở phía Nam Bán Cầu. Du ký dưới đây được viết thành nhiều kỳ để ghi lại 45 ngày sống ở phía Nam trái đất.

Ngày 24/3/2013

Hôm nay Chủ Nhật, Hải & Hoa đứng ra tổ chức tiệc họp mặt tại nhà. Hải là em trai của Thanh Xuân (phu nhân của Thầy Thịnh), người chị cả trong một gia đình có đến 10 người con và tất cả đều đoàn tụ tại Úc.

Khác với bữa tiệc tại nhà Vượng & Hà hôm trước, chúng tôi là những người đến sớm nhất trong bữa tiệc tối nay. Khách lần lượt kéo đến và điều bất ngờ đầu tiên là số người tham dự đông nhất từ trước tới giờ, tính ra có đến 4 thế hệ.

Đầu tiên là thế hệ của bố Thanh Xuân, ông cụ nay đã 88 tuổi và hiện ở chung với Hải. Kế đến là các con của cụ, sau đó là đến hai thế hệ trẻ sinh tại Úc gồm con và cháu. Hải nói cuộc gặp mặt tối nay cũng mới chỉ có vài gia đình đến dự, ấy thế mà con số cũng vượt quá 30 người!

Bố của Thanh Xuân là một người điềm đạm, ít nói nhưng vẫn còn tráng kiện, cả về tinh thần lẫn hình thể. Ông cụ có thoáng đâu đó một nét buồn trên khuôn mặt, cũng là điều dễ hiểu vì cụ bà mới vĩnh viễn ra đi. Bây giờ vào những ngày nắng ráo ông thường ra vườn chăm sóc dàn bầu, cụm bạc hà, cây chanh, cây ớt…

Khi trời trở lạnh ông ngồi trong nhà xem các chương trình truyền hình và phim ảnh bằng tiếng Việt. Ông cụ còn có một iPad để theo dõi tin tức Việt Nam và thế giới trên Internet. Thế giới của ông là phòng khách, khi chúng tôi đến, ông đang ngồi xem video tiếng Việt. Ông cụ là hình ảnh một người lớn tuổi mà tôi vẫn thường thấy trong xóm đạo vùng Tân Sa Châu, gần Lăng Cha Cả ngày nào.

Cũng như bữa tiệc tại nhà thầy Thịnh & Thanh Xuân hôm trước, tiệc hôm nay tại nhà Hải cũng phải chia thành 2 bàn cho 4 thế hệ. Tiệc thật đông và vui, tứ đại đồng đường trong căn nhà của Hải & Hoa, tuy có nhỏ hơn “tiểu lâu đài” của thầy Thịnh. 

Ngồi giữa là người duy nhất đại diện cho thế hệ thứ nhất

Thức ăn bầy ê hề trên bàn vì ngoài những món chủ nhà chiêu đãi còn những món khác do các gia đình tham dự mang theo. Lẩu hải sản ăn với mỳ sợi, thịt vịt quay, tôm lăn bột… và dĩ nhiên không thiếu các món đồ chay của Hà & Phước. Vợ Vượng, cũng tên Hà, là một người ăn chay nhưng không phải vì tín ngưỡng mà vì lý do sức khỏe.

Món tráng miệng cũng đa dạng vì mỗi gia đình đem đến một nón. Hà & Phước thì làm trái lê hấp trong lò, bánh paté chaud chay và còn gói riêng cho mỗi gia đình một gói bánh giò “take away”, dĩ nhiên cũng là bánh giò chay. Lại có cả món thạch dừa, rau câu 3 màu…

Những người thuộc thế hệ thứ 2

Dĩ nhiên nhân vật nổi bật nhất trong bữa tiệc hôm nay là chủ nhà Hải & Hoa. Mọi người tấm tắc khen tài nội trợ của Hoa khiến cô chủ nhà cứ phải thanh minh, nhờ sự góp sức của anh chị em và con cháu trong gia đình chứ nếu một mình mà tổ chức được thịnh soạn như thế này thì còn lâu mới được thưởng thức.

"Bác" Hải thì lúc nào cũng chẳng hổ với danh hiệu Lão Ngoan Đồng, trẻ mãi không già mà lại còn có tính tiếu lâm cả trong câu chuyện lẫn cách xử thế ngoài đời thường. Tôi nói đùa, bác Hải mà về Việt Nam ở luôn thì chắc thiên hạ sẽ phong tặng danh hiệu: “Thứ nhất Bác Hồ, thứ nhì Bác Hải”!

Những người thuộc thế hệ thứ 2

Bàn dưới của lớp trẻ cũng ồn ào không kém bàn trên thuộc lớp cha ông. Có điều bàn trên chỉ nghe toàn tiếng Việt còn bàn dưới trong câu chuyện bao giờ cũng chen lẫn tiếng Anh. Tất cả đều sinh ra tại Úc nên ảnh hưởng của văn hóa Phương Tây rất đậm nét đối với những người thuộc thế hệ thứ 3 và thứ 4. Có điều cả hai thế hệ sau này đều có thể nói tiếng Việt một cách trôi chảy, đó là nhờ truyền thống gia đình vẫn cố gắng duy trì nền văn hóa Việt tại hải ngoại.

Những người thuộc thế hệ thứ 3

Thầy Thịnh đã gắn bó với cháu ngoại 3 tuổi từ ngày cháu ra đời. Lúc nào hai ông cháu cũng quanh quẩn bên nhau, ông nói tiếng Việt với cháu và dù cháu nói chưa sõi nhưng đã có thể học đếm từ số 1 đến 10… Thầy nói với tôi đó là nguồn vui lúc tuổi già, không có cháu chắc cuộc đời thầy sẽ buồn thảm lắm.

Trong bức hình ở trên, người ngồi ớ góc phải, mặc áo trắng sọc đen, là con gái út của thầy. Tháng 4 này thầy sẽ có đứa cháu ngoại thứ hai, công việc sẽ chia làm hai: thầy lo cho cháu lớn còn cháu mới sinh sẽ dành cho "bà ngoại" Thanh Xuân! Như vậy cả hai sẽ có rất nhiều việc phải làm cho con, cho cháu. 

Những người thuộc thế hệ thứ 3

Hải và tôi lẻn ra sau nhà vừa để hút thuốc và cũng để xem vườn cây trái, công trình lao động của ông bố nay đã gần 90 tuổi. Nhà Hải và người em liền nhau nên sân sau được nối liền rất rộng. Chỉ tiếc một điều là lúc thăm vườn trời đã tối nên chụp hình phải dùng flash, trông không tự nhiên như ánh sáng ban ngày.

Người ta thường nói Bán anh em xa, mua láng giềng gần, nhưng ở trường hợp của Hải lại được cả hai: anh em lẫn láng giềng đều gần cả!

Dàn bầu sân sau nhà Hải

 Và một gốc bí

Bụi cây bạc hà để nấu canh chua

Cây chanh với hoa và quả

(Còn tiếp)

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (Những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

--> Read more..

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Du ký xứ… Miệt Dưới (9): Đãi Đạt & Hoa tại nhà


(Tiếp theo)

Australia còn được gọi là ‘Down Under’, tạm dịch là ‘Miệt Dưới’, vì nằm ở phía Nam Bán Cầu. Du ký dưới đây được viết thành nhiều kỳ để ghi lại 45 ngày sống ở phía Nam trái đất.

Ngày 22/3/2013

Hôm nay là ngày giỗ ông cụ thân sinh ra Phước. Ông mất tại Úc, mộ phần để lại nơi đất khách quê người nhưng tôi nghĩ trong thâm tâm ông cũng như hầu hết người Việt lớn tuổi ở hải ngoại chỉ mong sao được nằm yên nghỉ trên mảnh đất quê hương.

Người trẻ đôi khi không thể nào hiểu được tâm trạng của người già. Hai thế hệ, dù ở Việt Nam hay hải ngoại, luôn luôn có một khoảng cách không thể nào san lấp. Khoảng cách giữa già và trẻ có thể bao gồm quan niệm sống, lối sống, cách suy nghĩ và hành xử… Ngoài ra, khoảng cách đó còn thể hiện qua những quan điểm cả về chính trị lẫn xã hội.  

Người trẻ có thể suy nghĩ một khi lìa đời, thân xác chôn tại đâu – trong nước hay ngoài nước – không phải là vấn đề quan trọng. Người lớn tuổi lại không nghĩ như vậy dù họ biết khi chết là hết. Bởi thế nên tục ngữ mới có câu “lá rụng về cội” dù đó là cội nguồn đau thương, oan trái đến nỗi có lúc phải từ bỏ để ra đi nhưng lúc nào cũng muốn quay về.

Hôm nay cũng là ngày bận rộn đối với Hà & Phước, buổi sáng lo giỗ cha, buổi chiều lo nấu nướng tiếp đãi bạn bè của mẹ đến thăm. Đó là Đạt & Hoa mà hôm trước chúng thôi đã đến nhà chơi. Lần này lại có thêm Thảo, cô con gái út của họ mà hôm đó chúng tôi đã không gặp vì bận đi làm.

Sáu năm trước, năm 2007, Đạt đã lái xe đưa chúng tôi đi thăm chùa Quang Minh, rồi chùa Quảng Đức, đi coi hoa lan tại Garden World rồi lại đến khu người Việt tại Springvale và Richmond. Riêng tại Richmond đến bây giờ vẫn còn có chuyện liên quan cần phải nhắc lại trong chuyến đi thăm xứ Kangaroo lần này.

Richmond, nơi có thị trưởng người Việt đầu tiên tại Úc, ông Nguyễn Minh Sang, cũng là nơi có mô hình Chợ Bến Thành được dàn dựng lại. Năm 2007 tôi  đã chụp Chợ Bến Thành tại Richmond và post lên Flickr:

Chợ Bến Thành tại Richmond chụp năm 2007

Thật bất ngờ, qua email của một người bạn, tôi nhận được bức hình trên với một thay đổi là có sự xuất hiện của 3 cựu giảng viên trường sinh ngữ (Trần Bá Nguyệt, Nguyễn Ngọc Chính, Nguyễn Lương Năng) chụp trong lần tái ngộ tại Úc năm nay (http://chinhhoiuc.blogspot.com.au/2013/03/du-ky-xu-miet-duoi-2.html)  

Thì ra một anh bạn cũng ở trường Sinh ngữ, anh Nguyễn Phan Thanh hiện ở Hoa Kỳ, đã dùng thủ thuật ghép hình 3 đứa chúng tôi lên tấm ảnh đã chụp từ năm 2007. Quả là anh Thanh đã mất nhiều công phu lục lọi trong kho ảnh của tôi trên Flickr để có một tấm hình nhiều ý nghĩa.


Cũng với tấm hình 3 người bạn này, anh Thanh còn có một bức đưa chúng tôi lên tờ báo The Age của Úc! Tôi đã phải viết trên Facebook như thế này: “Thế mới biết, gặp những tay "nổ" có thể đi khoe ảnh của mình đã xuất hiện trên báo Úc, khi đó sẽ có khối người tin nhé”. 

Một lần nữa, xin cám ơn anh Thanh đã ưu ái với cả ba chúng tôi.


Bạn có tin nổi không, tờ The Age đưa tin:
“Chinh N. Nguyen on his trip to Melbourne, the Down Under”

Trở lại với chuyện Đạt & Hoa. Vì tuổi tác ngày một cao, năm nay Đạt không còn lái xe đưa chúng tôi đi chơi như xưa, Hoa cũng yếu trong việc đi lại nhưng vì nể lời mời của chúng tôi nên để Thảo lái xe đưa đi thăm bạn cũ.

Rất đúng hẹn, cả ba người khách đến vào lúc 6g, có mang theo rất nhiều trái cây mà tôi nói đùa là “ăn cả tuần không hết”. Hồng Hoa thì lấy kinh nghiệm bản thân đưa ra lời khuyên: “Như trái hồng dòn cứ gọt vỏ, cắt sẵn từng miếng rồi để trong tủ lạnh thế nào cũng mau hết hơn là để nguyên trái!”. Đúng thật. Đối với những người lười như tôi thì làm cách này bảo đảm hết vèo!
  


Dĩ nhiên là Hà & Phước đãi khách các món chay: món chính là lẩu các loại nấm ăn với mì sợi, thêm món đậu hũ chiên dòn và gỏi ngó sen. Trình độ nấu các món chay của Hà & Phước ngày một tiến bộ với các món đặc biệt như chả giò, bún riêu, bún và rau, ragout, bánh cuốn, bánh giò, paté chaud…  Từ ngày ở Úc đến giờ tôi thưởng thức nhiều món chay, thay đổi liên tục nhưng chưa phải ăn lại món nào lần thứ hai!

Hơn nữa, bạn bè còn chu đáo gửi thêm đồ ăn mặn vì sợ chúng tôi ăm chay không quen. Chị Xuân gửi cá kho, thịt gà chà bông… Hà & Phước thỉnh thoảng cũng mua fried chicken, ham, cheese, bánh mì thịt Như Lan để thay đổi khẩu vị trong bữa ăn sáng. Ăn trưa thỉnh thoảng ra tiệm gọi tô phở hay vào tiệm Tàu ăn cơm thố, cơm tay cầm hay dim sum. Thật ra thì đối với những người lớn tuổi ăn uống không bao nhiêu nhưng việc thay đổi khẩu vị là cần thiết.    


Đạt & Hoa cũng chẳng ăn là mấy. Có thể nói chúng tôi nói nhiều hơn ăn nên chủ nhà Hà & Phước cứ phải luôn tay tiếp. Lần đầu tiên Đạt & Hoa đến nhà mới của Hà & Phước nên câu chuyện có lúc xoay quanh chuyện nhà cửa.

Đạt nghĩ việc mua nhà ngoài yếu tố tài chính và địa điểm còn có cái “duyên” giữa người mua và căn nhà. Điều này tôi thấy hoàn toàn đúng, không những ở Úc mà ở Việt Nam cũng vậy. Có những căn nhà ngay từ lúc đến coi, người mua đã có cái cảm giác… đó là căn nhà của mình. Chẳng khác gì hiện tượng coup de foudre, tiếng sét ái tình, khi một người gặp “một nửa của mình”!  Câu chuyện cứ miên man mãi đến 9g tối mới chia tay.


Tối Năng điện thoại hỏi thăm về chuyến đi chơi Wollogong – Sydney – Canberra. Năng rủ Thứ Hai Easter (1/4/2013) đi nghe nhạc chủ đề “Một Thời Để Nhớ 2” có tới 14 ca sĩ nổi tiếng trước năm 1975: Thanh Thúy, Thanh Lan, Kim Loan, Hoàng Oanh, Bạch Yến, Mai Lệ Huyền, Trúc Mai, Trang Mỹ Dung… có cả Elvis Phương, Thanh Phong, Giang Tử, hề Xuân Phát, ban nhạc Shotgun và MC Nam Lộc.

Chương trình ca nhạc đã được quảng cáo nguyên trang trên báo Nhân Quyền, được mệnh danh là “Đại nhạc hội Một Thời Để Nhớ cuối cùng được tổ chức tại Úc châu”. 

Năm ngoái chương trình nhạc này đã được tổ chức thành công tại Melbourne và Sydney, không hiểu sao những người tổ chức lại tuyên bố năm nay là "năm cuối cùng" với giá vé 120 Úc kim. 

Phải chăng đó là nghệ thuật PR của những người làm showbiz?


 (Còn tiếp)

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (Những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

--> Read more..

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Du ký xứ… Miệt Dưới (8): Thủ đô Canberra


(Tiếp theo)

Australia còn được gọi là ‘Down Under’, tạm dịch là ‘Miệt Dưới’, vì nằm ở phía Nam Bán Cầu. Du ký dưới đây được viết thành nhiều kỳ để ghi lại 45 ngày sống ở phía Nam trái đất.

Ngày 20/3/2013:

Ngày hôm qua, rất tình cờ, tại Circular Quay ở Sydney tôi chụp được một tấm hình người thổ dân trong bộ trang phục rất đơn giản chỉ với một mảnh vải màu đỏ quấn quanh như một cái khố. Trên người anh là những họa tiết về bàn tay màu trắng được vẽ trên khắp thân thể và cả trên khuôn mặt.

Có lẽ anh là một nghệ sĩ đường phố, trình diễn nhạc hay múa của thổ dân, trước là để tìm cách sinh nhai, sau là để giúp vui khách du lịch trên bến tàu. Khi tôi đưa máy hình lên, anh cố tình làm dáng. Anh có nhiều kiểu đứng, cách biểu lộ sắc mặt, những động tác khoa chân, múa tay như một diễn viên lành nghề.

 Aborigine trên Circular Quay

Lịch sử của châu Úc bắt đầu từ khi những nhà thám hiểm người Hà Lan phát hiện ra lục địa này từ thế kỷ 17. Vấn đề làm rõ châu Úc hiện vẫn gây tranh cãi với một số người, đặc biệt là liên quan đến sự di cư của những người Anh và sự đối xử với thổ dân châu Úc.

Vào tháng 2/2008, trong bài phát biểu lịch sử trước Nghị viện, Thủ tướng Công đảng Kevin Rudd đã công khai xin lỗi các thổ dân, những người dân đầu tiên của nước này vì những thiệt thòi mà họ phải chịu đựng trong 2 thế kỷ qua. Trong số 22 triệu người Úc, có 470.000 người thổ dân, chiếm khoảng 2,7%.

Tỷ lệ tù nhân, thất nghiệp và bệnh tật ở những người thổ dân cao hơn so với ở những người khác. Tuổi thọ trung bình của một người đàn ông thổ dân thấp hơn tuổi thọ của một người đàn ông không phải thổ dân 11,5 tuổi, trong khi đối với phụ nữ là 9,7 tuổi.

Hình minh họa về thổ dân Úc
(Nguồn: Student Encyclopedia)

Chúng tôi ngủ đêm tại khách sạn Nomads Westend Backpackers tại Sydney trước khi lên đường đi thủ đô Canberra. Khám phá thêm một điều lạ là tại khách sạn dành cho khách ba-lô có nhà bếp và phòng ăn chung tại lầu 1.

Tại đây khách có thể tự nấu nướng tùy thích với sự hỗ trợ một số thực phẩm như gạo, mì sợi, nui, pasta… của khách sạn. Nấu nướng tại đây đều là những người trẻ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau nhưng chung một mục đích là tự nấu ăn để tiết kiệm chi phí khi du lịch.

Tuy nhiên, điều đáng phàn nàn là mỗi phòng khách sạn đều có gắn loa phóng thanh để thông báo thông tin. Khoảng 8 giờ tối tôi bị giật mình vì thông báo có party ở tầng trệt và mời khách xuống tham dự! Không ngờ, ở Việt Nam có một dạo khổ vì cái loa của phường, nay sang đến đất Úc cũng lại khó chịu vì lời mời qua hệ thống công cộng, cứ lập đi lập lại nhiều lần cho đến 9g tối, lúc bắt đầu party! Sự riêng tư của khách trọ đã không được tôn trọng tại khách sạn dành cho khách du lịch ít tiền?

Chúng tôi check-out từ 5 giờ sáng để đi Canberra. Đường phố Sydney lúc nửa đêm về sáng vẫn có người qua lại nhưng mọi hoạt động thương mại hầu như tạm ngưng, trừ những night club mở cửa thâu đêm suốt sáng.

Ảnh chụp lúc 5g sáng: xe quét rác và một cô gái

Canberra là thủ đô của Úc nằm sâu trong đất liền với dân số hơn 340.000 người. Thành phố tọa lạc tại phía Đông của Lãnh thổ thủ đô Úc  (Australian Capital Territory), cách Sydney 300 km về phía Đông Bắc và cách Melbourne 650 km về phía Tây Nam. Nơi đây được chọn làm thủ đô của Úc theo một thỏa hiệp năm 1908 giữa hai thành phố lớn nhất nước là Sydney và Melbourne.

Canberra được lấy từ tiếng thổ dân Ngunnawal, có nghĩa là "nơi gặp mặt". Đây là một thành phố được xây dựng mới hoàn toàn qua một cuộc thi thiết kế quốc tế. Bản thiết kế của kiến trúc sư người Mỹ, Walter Burley Griffin, được chọn và việc xây dựng được bắt đầu từ năm 1913.

Thiết kế thành phố chịu ảnh hưởng của “phong trào thành phố vườn” (garden city movement) kết hợp với các khu vực cây cối tự nhiên bao gồm các công viên, các khu vực cây xanh dày đặc trong thành phố. Cũng vì thế nên Canberra còn được gọi là "Thủ đô Bụi rậm" (Bush Capital).     

Thiết kế thủ đô Canberra có mô hình tương tự như Washington D.C.

Nhìn chung, Canberra có những nét hao hao giống như Washington D.C. của Hoa Kỳ. Điều thú vị là cả hai thủ đô đều được thiết kế bởi những người nước ngoài. Thiết kế cho Washington D.C. là công trình của Pièrre Charles L’Enfant, một kỹ sư, kiến trúc sư và nhà quy hoạch đô thị người Pháp trong khi Canberra lại qua ý tưởng của một kiến trúc sư người Mỹ, Walter Burley Griffin.  

Về mặt địa lý, hai thành phố thủ đô đều được xây dựng bên những dòng sông khiến cho cảnh quan them phần thơ mộng. Canberra nằm trên vùng đất mang tên Thung lũng sông Molongo có hồ Burley Griffin và Washington được xây dựng bên bờ sông Potomac.  

Về mặt tổ chức chính quyền, cả Washington D.C. và Canberra đều biệt lập khỏi các tiểu bang để tách rời thủ đô khỏi áp lực chính trị của các đảng phái. Tuy nhiên, khác với Washington D.C., Canberra là một đơn vị bầu cử trong quốc hội Úc bên cạnh cơ quan lập pháp và chính quyền riêng của mình.  

Cột cờ trên Nghị viện Úc nhìn từ xa

Khi xe chúng tôi vào Canberra đã có thể thấy ngay cột cờ trên nóc Nghị viện Úc (Australia’s Parliament). Kỳ đài là một kiến trúc theo đường thẳng được nâng cao bằng một cái tháp có thể nói là “độc nhất vô nhị” trên thế giới. Tháp có bệ là 4 thanh thép lớn chụm vào nhau để nâng một cột cờ cao vút nằm chính giữa tâm hình vuông.

  
Chúng tôi phải chạy vòng vòng trong khu vực đậu xe ngầm dưới Nghị viện để tìm chỗ đậu dù nơi đây có sức chứa đến 2.000 xe. Cuối cùng thì cũng tìm được một chỗ trống và bước lên tòa nhà Nghị viện có hình vuông vức, mỗi chiều 300 m.

Sảnh chính của Nghị viện có những hàng cột bằng đá cao vút. Đây là nơi các ông bà nghị viên gặp gỡ trước khi bước vào nghị trường. Nghị viên thường mặc vest đen, mang cặp da, có đeo bảng tên để phân biệt với khách tham quan. Khi chúng tôi có mặt tại đây, camera truyền hình đang quay cảnh các em học sinh trong sảnh.

Sảnh chính bên trong Nghị viện

Chúng tôi đi theo một tua có người hướng dẫn để tìm hiểu về Nghị viện. Trên lầu một, từ Visitors’ Gallery khách có thể nhìn xuống phòng họp chính của các nghị sĩ hoặc coi trực tiếp truyền hình ngay tại chỗ.

Rất may mắn, sáng hôm đó chúng tôi đã được trực tiếp chứng kiến bà Thủ tướng Julia Gillard đang đọc diễn văn gửi lời xin lỗi đến hàng ngàn phụ nữ đã bị ảnh hưởng bởi việc thực hiện chính sách con nuôi ép buộc từ những năm 1950 đến những năm 1970. Bà Thủ tướng nói:

“Hôm nay, tại hội trường này, tôi thay mặt cho người dân Úc xin chịu trách nhiệm và xin lỗi về chính sách con nuôi ép buộc đã tạo ra sự ngăn cách đối với các bà mẹ và trẻ sơ sinh, dẫn đến một di sản đau đớn kéo dài hàng thập kỷ. Chúng tôi thấu hiểu những ảnh hưởng sâu sắc của chính sách này và nỗi đau mà nó đã gây ra cho tất cả thành viên trong gia đình”.

 Bà Thủ tướng Julia Gillard  xin lỗi trước Nghị viện

Chúng tôi lên tận sân thượng Nghị viện bằng thang máy để đến chân kỳ đài. Từ đây có thể phóng tầm mắt về các hướng của thủ đô Canberra. Một quang cảnh khác hẳn những thành phố lớn mà tôi đã từng đi qua. Canberra mang một một sắc thái chính trị nghiêm trang, trầm lặng của một thủ đô, khác hẳn với bầu không khí ồn ào, náo nhiệt của Sydney hoặc Melbourne.

Hình chụp từ dưới chân kỳ đài

Những con số thống kê cho thấy sự hoành tráng của Nghị viện: tòa nhà rộng 31 héc-ta có 4.700 phòng và 2.700 đồng hồ với chi phí hơn 1,1 tỷ USD. Nghị viện được Nữ hoàng Anh, Elizabeth II, cắt băng khánh thành ngày 9/5/1988, kể từ đó tòa nhà thu hút khoảng 1 triệu khách đến thăm mỗi năm.

Về tổng thể, Tòa Nghị viện là một kiến trúc theo đường nét kỷ hà với những đường thẳng, hình khối rất phóng khoáng, mạnh mẽ nhưng tôi vẫn thiên về các hình thức kiến trúc xưa với các đường cong mền mại. Đó chỉ là một suy nghĩ cá nhân trong khi rất nhiều người bị chinh phục và ngưỡng mộ Tòa Nghị viện.

Đường nét kiến trúc kỷ hà trên nóc Nghị viện

Chúng tôi rời Canberra vào buổi trưa để lên đường trở về Melbourne với đoạn đường dài khoảng 650 km. Bao giờ cũng vậy, người ta thường rất hăm hở khi ra đi nhưng lại rất mệt mỏi khi trở về. Với tâm lý đó mới thấy tội nghiệp cho con rể phải lái một đoạn đường dài trên đường về.

Về gần đến Melbourne trời bỗng đổ mưa, hạt mưa rơi mạnh, lộp bộp đập vào xe. Thì ra là mưa đá. Chúng tôi và một vài xe khác phải dừng lại trên đường vì tầm nhìn bị giới hạn nhưng cũng có những xe cứ băng băng trong cơn mưa. Cũng may cơn mưa qua nhanh, đi qua một trạm xăng bên đường thấy mái che bị sập!

Khi về đến nhà, mở cổng thấy hai chậu trúc lớn đổ nghiêng ngả, dép để trước cửa thất lạc tứ tung. Mở TV ra coi mọi người mới giật mình: cơn mưa chỉ thoáng qua trong vài phút nhưng đó là cái đuôi của “twister cyclone”, một cơn lốc xoáy. Tại những nơi lốc xoáy quyét qua, nhà cửa bị tốc mái và có tới gần 20 người bị thương nhưng không có ai thiệt mạng.

Hà & Phước nói: “Nước Úc là vậy đó. Thời tiết thay đổi bất ngờ nên thiên tai cũng đến bất ngờ!”.

 Mưa đá trên đường về

(Còn tiếp)

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (Những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)




--> Read more..

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

Du ký xứ… Miệt Dưới (7): Wollongong & Sydney


(Tiếp theo)

Australia còn được gọi là ‘Down Under’, tạm dịch là ‘Miệt Dưới’, vì nằm ở phía Nam Bán Cầu. Du ký dưới đây được viết thành nhiều kỳ để ghi lại 45 ngày sống ở phía Nam trái đất.

Ngày 19/3/2013: Trip to Wollongong and Nan TienTemple

Hôm nay quả là một ngày bận rộn. Suốt buổi sáng quanh quẩn trong khuôn viên Nan Tien Temple mà vẫn cảm thấy còn có những nơi mình chưa xem nhưng tự nhủ lòng đến sáng mai sẽ là cơ hội cuối cùng để khám phá thêm về “Thiên đường phương Nam”.

Sau buổi trưa nghỉ ngơi ở Pilgrim Lodge chúng tôi lên xe ra phố để khám phá về một thành phố duyên hải có một cái tên mang âm hưởng của thổ dân: Wollongong. Thành phố này lớn thứ 3 trong tiểu bang New South Wales, sau Sydney và Newscastle, với dân số khoảng gần 200.000 người.

Wollongong được ví như cái nôi của những thiên tài thơ, ca, nhạc, họa, thêm vào đó là những nghệ sĩ tài năng trên thế giới tới định cư như họa sĩ John Vander. Ông đã tổ chức lễ kỉ niệm 40 năm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ngay tại Wollongong và đưa thành phố này vào nền hội họa thế giới.

Tác phẩm của John Vander

Nền văn hóa đa dạng và phong phú của Wollongong chính là mảnh đất màu mỡ phát sinh nhiều lễ hội và các sự kiện văn hóa đầy màu sắc. Lễ hội Viva La Gong được tổ chức thường niên là dịp để kỷ niệm và giới thiệu nghệ thuật văn hóa theo những cách mới lạ và sáng tạo.

Những hoạt động biểu diễn cũng rất đa dạng về hình thức, từ những buổi biểu diễn độc tấu đến những cuộc diễu hành đường phố, hội chợ thực phẩm. Đặc biệt, lễ hội dân gian Illawarra là một lễ hội kéo dài nhất tại Wollongong, thu hút hàng nghìn khách du lịch.

Lễ hội Illawarra

Theo tài liệu hướng dẫn du lịch, Wollongong có đến 17 bãi biển và chúng tôi chọn Wollongong City Beach vì lý do ở đây có ngọn hải đăng được xây dựng từ năm 1936, một trong những hải đăng đầu tiên của tiểu bang New South Wales.

  
Quanh hải đăng còn có ba khẩu đại bác nặng 30kg chĩa ra 3 hướng. Đại bác được gắn đặt để phòng ngự từ đất liền, chống lại các cuộc xâm lăng từ biển.


Buổi chiều trên bãi biển Wollongong thật thanh bình. Người ta ra đây để ngắm cảnh, để chạy bộ. Nhiệt độ ngày hôm nay hơi lành lạnh nhưng những người địa phương đã quá quen với thời tiết tại đây nên đối với họ là mát!


Nhìn về phía bên trái, xa xa là Fishing Charters tựa như một làng chài ở Việt Nam. Có điều thuyền ở đây là loại du thuyền và câu cá là thú vui giải trí chứ không phải là kế mưu sinh.


Trên đường về lại chùa Nam Thiên, chúng tôi tình cờ gặp một tiệm ăn của người Việt mang tên Hạ Long Bay ở ngay một góc phố. Vì thời giờ có hạn nên chúng tôi không ghé vào thăm cho biết. Ở Wollongong cũng có một số du học sinh từ Việt Nam sang và tiệm ăn mang tên Vịnh Hạ Long chắc là của người Việt gốc miền Bắc.

Ha Long Bay, Vietnamese Restaurant

Trở về Nan Tien Temple thì đã hết giờ cho khách đến thăm, cửa đóng then gài. Chúng tôi phải xuất trình thẻ ra vào cho bảo vệ chùa và được mở cửa để vào Pilgrim Lodge. Vẫn còn quyến luyến cảnh chùa, tôi ra hồ sen ngồi một mình ngắm cảnh tĩnh lặng.

Ngày 20/3/2013: Sydney and the Darling Harbour

Sau một đêm nghỉ tại Pilgrim Lodge, tôi dậy thật sớn trước giờ tụng niệm trên chánh điện. Lại ra bên hồ sen ngồi một mình. Trong cái lạnh khi mặt trời chưa lên, nghĩ về cuộc đời mình, lắm khổ não, điêu linh nhưng cũng không ít những giờ phút hoan lạc, sung sướng.   

Tôi không phải là tín đồ thuần thành của Phật giáo, chẳng bao giờ đi chùa, không biết đến kinh kệ cũng như chưa từng dự một buổi thuyết giảng nào về đạo Phật.  

Nói một cách khác, tôi nghĩ “Phật tại Tâm” chứ không phài qua hình thức bề ngoài. Trong 14 lời răn của Đức Phật tôi được đọc trong sách, tôi tâm đắc nhất lời răn đầu tiên: “Kẻ thù lớn nhất trong đời người là cái bóng của chính mình”.

Những công trình như Nan Tien Temple để quảng bá một triết lý phương Đông ở một xã hội Phương Tây là một việc làm đáng trân trọng. Thị trưởng thành phố Wollongong và chính quền bang New South Wales cũng góp một phần không nhỏ trong việc tạo điều kiện cho chùa sử dụng một khu đất rộng 26 héc-ta để xây dựng một cơ sở Phật Giáo vào năm 1990.

Vào hai ngày 7 và 8 tháng 10 năm 1995, lễ an vị Phật và Đại hội Phật giáo lần thứ 4 đã được cử hành tại Chùa Nam Thiên. Có hơn 50 ngàn người trên khắp thế giới về tham dự lễ. Cũng trong dịp này, trụ trì chùa Nam Thiên đã được chuyển giao cho sư cô Man Chien, người có trách nhiệm coi sóc và truyền bá Chánh Pháp tại Úc Châu.

Chùa Nam Thiên sẽ đóng một vai trò quan trọng như một chiếc cầu nối giữa hai nền văn hóa Đông-Tây. Chùa được xây dựng theo kiểu phối hợp giữa kiến trúc cổ truyền của phương Đông và hiện đại của phương Tây, đem truyền thống cổ xưa hòa vào với những cái độc đáo của thời hiện đại để tạo nên một cái chung nhất.

Cách đây vài trăm năm, các nhà truyền đạo Công giáo đã có mặt ở mọi nơi tại Á châu để rao giảng lời Chúa, nhưng không ai ngờ vào cuối thế kỷ 20 Phật Giáo lại được truyền bá sang phương Tây và phát triển rất nhanh. Hy vọng rằng Chùa Nam Thiên sẽ làm tròn nhiệm vụ của mình trong công cuộc hoằng pháp.

Cổng chính Chùa Nam Thiên

Sau bữa ăn sáng ở Tea Room với món mì chay tại Nan Tien Temple chúng tôi tiếp tục lên đường tới Sydney, thành phố lớn nhất và cũng nổi tiếng nhất nước Úc, cách Wollongong khoảng hơn 80 km, chừng 1 giờ rưỡi lái xe.

Sydney, dù là thành phố lớn nhất nước Úc, cũng chỉ có dân số khoảng 4 triệu người, nơi đây còn được gọi là Thành phố Cảng. Sydney nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp và các công trình kiến trúc như Nhà hát Opera Sydney (Sydney Opera House hay còn gọi là Nhà hát Con sò) và Cầu Cảng (Harbour Bridge, còn gọi là Chiếc mắc áo - Coathanger).

Sydney Opera House (bên trái) và Harbour Bridge (bên phải)
(Hình Wikipedia)

Trước đây tôi đã có lần đến Sydney, nơi đặt trụ sở chính của Australian Consolidated Press (ACP), một công ty truyền thông nổi tiếng của gia đình Packer với hàng loạt ấn phẩm như The Bulletin, Australian Women's Weekly, Woman's Day, PC User, Australian Geographic...

Năm 1991, ACP bước vào thị trường báo chí Việt Nam với tờ Vietnam Investment Review (bằng tiếng Anh) và Việt Nam Đầu tư Nước ngoài (sau đổi thành báo Đầu tư) qua hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (business cooperation contract) với chính phủ Việt Nam. Đó cũng là thời điểm tôi bước vào nghề báo khi làm việc cho đối tác ACP tại Việt Nam.

Đến Sydney lần này có nhiều khám phá thú vị. Trước hết, tôi có dịp tìm hiểu thêm về thế giới của khách du lịch mà ta thường gọi là “Tây Ba Lô” khi đến khách sạn Nomads Westend Backpackers nằm trên đường Pitt, ngay tại trung tâm thương mại của Sydney (người Úc gọi là CBD - Central Business District).   

Nomads Westend Backpackers

Giữa một Sydney đắt đỏ, việc lựa chọn Nomads Westend Backpackers xem ra hợp lý nhất vì ngoài lý do kinh tế, địa điểm của khách sạn rất gần với Circular Quay, nơi có thể ngắm nhìn Cầu Cảng lẫn Nhà hát Con sò. 

Đúng như tên gọi của khách sạn cao 13 tầng có rất đông khách du lịch trẻ thường mang ba-lô nhưng cũng có những khách châu Á với hành lý sang trọng vào check-in.    

Hình chụp lúc 5g sáng 
khi check-out Nomads Westend Backpackers

Để đến Circular Quay, từ khách sạn chúng tôi đi xe bus miễn phí mang số hiệu 555 (thật dễ nhớ đối với dân ghiền thuốc lá ba số 5!).  Bến tàu là một trong những địa điểm tập trung nhiều khách du lịch đến Sydney nhất. Đó là một con đường dài chỉ dành cho người đi bộ với các nhà hàng sang trọng, cửa hàng bán đồ lưu niệm, quán nước bình dân ngoài trời, thậm chí còn có cả xe bán giải khát.

Thỉnh thoảng nhìn lên cao có thể thấy những chuyến xe lửa chạy ngay trên đầu. Đi dọc theo bến cảng sẽ dẫn đến Nhà hát Opera mang hình tượng con sò nhưng có người lại nói giống như những cánh buồn tung gió trên biển cả.

Nhà hát chiếm một diện tích 1,8 héc-ta với chiều dài 183 m, rộng 120 m. Những con số thống kê thật đáng nể: tại Opera House có đến 580 cột bê tông đóng sâu 25 m dưới mực nước biển, mái được lợp bằng 1.056 triệu viên ngói màu trắng sản xuất tại Thụy Điển, được thiết kế để gió biển có thể luồn vào bên trong.

Trong cuộc thi thiết kế nhà hát năm 1955, điều bất ngờ là bản vẽ của một kiến trúc sư người Đan Mạch, Jørn Utzon, đã được chọn. Chính kiến trúc sư Utzon đã đến Sydney năm 1957 để giám sát công trình và lễ khởi công xây dựng bắt đầu từ tháng 3/1959, đến năm 1973 mới hoàn tất.

Nhà hát Opera

Từ Nhà hát Opera nhìn sang trái là chiếc cầu mang tên Sydney Harbour Bridge có đường dành cho xe lửa, xe hơi và cả người đi bộ. Mặt cầu có 6 làn xe, 2 làn đường (trước đây là tuyến đường xe điện) và một đường đi bộ phía đông, và 2 đường xe lửa và 1 đường đi xe đạp ở phía tây. Harbour Bridge được thiết kế theo hình vòng cung với chiều dài 509 m, chỉ riêng mái vòm cũng đã nặng 39 tấn.

Theo sách Kỷ lục Guinness Thế giới, Sydney Harbour Bridge là cầu một nhịp với bề rộng 46 m lớn nhất thế giới. Cầu Cảng cũng là chiếc cầu vòm thép cao nhất với đỉnh cầu cao tới 134 m và là cầu vòm dài thứ 4 trên thế giới. Cầu được chính thức khánh thành vào năm 1932 và từ đó trở thành một trong những biểu tượng của Úc bởi đường nét thanh mãnh và kiến trúc đặc biệt.

 Chiếc mắc áo giữa trời và biển

(Còn tiếp)

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (Những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

--> Read more..

Popular posts