(Tiếp theo)
Australia còn được gọi
là ‘Down Under’, tạm dịch là ‘Miệt Dưới’, vì nằm ở phía Nam Bán Cầu. Du ký dưới
đây được viết thành nhiều kỳ để ghi lại 45 ngày sống ở phía Nam trái đất.
Ngày 18/3/2013:
Getting ready for the long driving trip
Hôm
nay Thứ Hai, chúng tôi chuẩn bị cho chuyến đi dài gồm 4 chặng. Chặng thứ nhất
khởi đầu từ Melbourne đến Wollongong, nơi có ngôi chùa Nan Tien (Nan Tien
Temple) được coi là lớn nhất phía Nam Bán Cầu. Từ Wollongong sẽ tiếp tục đến Sydney
để thăm thành phố lớn nhất nước Úc. Chặng thứ ba của cuộc hành trình sẽ là
Canberra, thủ đô của xứ Miệt Dưới. Và chặng thứ tư là từ Caberra về lại
Melbourne.
Chiều
dài của cuộc hành trình cả đi lẫn về được tính vào khoảng gần 2.000 km, kể cả những
đoạn lái xe tại các địa phương. Phương tiện di chuyển là chiếc Jeep Patriot 5
chỗ ngồi, còn mới và người lái xe duy nhất là Phước. Con rể tỏ ra rất tự tin vì
đã nhiều lần đến Sydney với chiếc Jeep này và lái cả xe van chở một số Phật tử
đi Wollongong thăm chùa.
Lái xe bên trái tại Úc
Điều
khác biệt quan trọng trong việc lái xe ở Úc là giữ lề trái. Ban đầu, hầu hết
các quốc gia đều lưu thông bên trái, nhưng ngày nay thì ngược lai, có khoảng 70%
dân số thế giới sống tại các nước lưu thông bên phải và 30% còn lại giữ lề trái.
Theo
thống kê mới nhất, có 76 quốc gia và lãnh thổ còn áp dụng luật giao thông bên
trái trong đó bao gồm Vương quốc Anh, Ireland, Đảo Man, Guernsey, Jersey, Malta
và Cộng hòa Síp. Các quốc gia nêu trên không có đường biên giới giáp với bất kỳ
quốc gia nào lưu thông bên phải và tất cả đã từng là một phần của Đế quốc Anh.
Một
vài quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung Anh và từng là cựu thuộc địa của Anh,
chẳng hạn như Úc, Barbados, Hồng Kông, Singapore, New Zealand, Bangladesh, Ấn Độ,
Pakistan, Sri Lanka, Malaysia, Nam Phi và Trinidad & Tobago hiện đang lưu
thông bên trái.
Một
số quốc gia khác thuộc châu Á cũng lưu thông bên trái là Thái Lan, Indonesia,
Bhutan, Nepal, Đông Timor và Nhật Bản. Tại Nam Mỹ, chỉ Guyana và Suriname là
đang lưu thông bên trái. Nhiều quốc gia thuộc Thái Bình Dương đã chuyển sang
lưu thông ở bên trái để giống với các nước láng giềng Úc và New Zealand. Đặc biệt
gần đây nhất là Samoa, thực hiện việc lái xe bên trái vào năm 2009. Samoa là quốc
gia đầu tiên trong vòng ba thập kỷ gần đây thay đổi hướng lưu thông.
Cũng
như tại một số nước trong vùng Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Singapore, giao
thông tại Úc giữ lề trái và chỗ ngồi của người tài xế nằm ở bên phải xe. Khác hẳn
với Việt Nam và đa số các nước khác, chúng ta quen gọi những xứ lái xe bên trái
có “tay lái nghịch”.
Việc
lái xe giữ lề trái, không những thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của người lái xe
trên đường mà còn ảnh hưởng tới những người đi đường. Người lái xe phải nhớ rằng
luồng giao thông đi tới trên đường được quan sát từ phía tay phải trong khi người
đi bộ khi băng qua đường hai chiều phải chú ý từ bên trái trước tiên. Hầu hết
các biển báo giao thông được đặt ở lề phải. Trên những con đường không có lối
dành riêng cho người đi bộ, khách bộ hành được khuyến khích là đi bộ ở bên
trái.
Các
làn đường được thiết kế để làn xe rẽ phải là bên phải chứ không phải là bên
trái. Tốc độ tối đa tại Úc từ 100 đến 110km/giờ trên freeway, ở ngoại ô và 60
km/giờ trong khu vực dân cư. Nước Úc có tiếng về việc phạt chạy quá tốc độ. Tuy
nhiên, nếu muốn chạy hết tốc độ, bạn phải đến vùng lãnh thổ phía Bắc, nơi mà
các đường cao tốc không có giới hạn về tốc độ!
Lái
xe và người ngồi trên xe phải bắt buộc phải thắt dây an toàn. Độ tuổi tối thiểu
để lái xe khác nhau giữa các bang, thường là 16-17 tuổi. Các công ty cho thuê
xe có thể yêu cầu độ tuổi cao hơn. Giấy phép lái xe của nước Úc được chính quyền
bang quản lý, và do đó luật lệ có thể khác nhau giữa các bang.
Thông
thường người nước ngoài phải thi lấy Giấy phép Lái xe trừ khi là người New
Zealand hoặc hiện có giấy phép lái xe do nước khác cấp tại các nước trong Liên
minh Châu Âu, Canada, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đó là những quốc gia mà hệ thống cấp
phép lái xe tương tự như của nước Úc.
Việc
sử dụng điện thoại di động trong khi lái xe tại Úc là phạm luật. Hành vi này
bao gồm nói chuyện, gửi tin nhắn, chơi game, chụp ảnh, quay video hoặc sử dụng
bất kỳ chức năng nào khác trong điện thoại. Sử dụng điện thoại di động cũng là hành
vi phạm luật dù xe đang dừng trước đèn giao thông. Tuy nhiên, có thể dùng thiết
bị phụ kiện điện thoại giúp người lái xe rảnh tay.
Hệ thống định vị toàn cấu GPS
Ở
Việt Nam có báo “lề trái” đi ngược lại những gì báo “lề phải” của nhà nước, nếu
nước Úc lái xe bên trái cũng có hai nền báo chí như vậy chắc cũng phải đảo ngược
tên gọi của hai loại báo. Buồn cười, cứ tưởng tượng ở Úc báo “lề trái” là của
chính phủ còn phía chống đối là “lề phải”! Cũng may, xứ Miệt Dưới là một quốc
gia dân chủ, tôn trọng quyền tự do báo chí nên không bao giờ có chuyện lề trái,
lề phải.
Ngày
nay, lái xe ở Úc cũng như tại một số quốc gia phát triển có đều có sự hỗ trợ đắc
lực của hệ thống định vị toàn cầu (Global Positioning System, gọi tắt là GPS)
hay còn gọi là navigator. Hệ thống này do Hoa Kỳ ứng dụng vào giao thông dân sự
từ năm 1980. Trước đó, GPS chỉ dành riêng cho các hoạt động quân sự.
GPS
hiện nay được sử dụng tại nhiều quốc gia qua một mạng lưới gồm 24 vệ tinh được
đặt trên quỹ đạo không gian. Hệ thống định vị hoạt động trong mọi điều kiện thời
tiết và mọi địa hình trên mặt đất suốt ngày đêm. Người lái xe sử dụng GPS không
phải đóng phí thuê bao nhưng tốn khoảng vài trăm đô la cho việc mua thiết bị
thu tín hiệu từ vệ tinh và các phần mềm hỗ trợ.
Vệ
tinh GPS bay vòng quanh trái đất hai lần một ngày theo quỹ đạo rất chính xác và
phát tín hiệu mang thông tin xuống mặt đất. Các máy thu GPS thu nhận thông tin
rồi tính ra khoảng cách và hiển thị lên bản đồ điện tử của màn hình GPS.
Navigator Garmin
Máy
thu phải nhận được tín hiệu của ít nhất ba vệ tinh để tính ra vị trí hai chiều
(kinh độ và vĩ độ), khi nhận được tín hiệu của từ 4 vệ tinh trở lên thì máy thu
có thể tính được vị trí theo ba chiều gồm kinh độ, vĩ độ và cao độ. GPS dẫn đường
chính xác đến 99%, còn lại 1% rơi vào trường hợp những nơi đang bị đóng đường
nhưng chưa được cập nhật thông tin.
Một
khi vị trí người lái xe được xác định, máy thu GPS có thể tính các thông tin
khác, như tốc độ, hướng chuyển động, khoảng hành trình, khoảng cách tới điểm đến,
cảnh báo người lái khi xe vượt quá tốc độ cho phép và thậm chí còn báo cả những
nơi có đặt radar theo dõi tốc độ.
Hướng
dẫn viên liên lạc thường xuyên với người lái xe qua hệ thống điện đàm nhưng sự
liên lạc chỉ một chiều vì người lái xe không thể nói chuyện với người hướng dẫn.
Tôi nghĩ, nếu hướng dẫn viên có thể nghe được những đối thoại trong xe chắc chẳng
thích tí nào vì mỗi lần ra lệnh “make an
U turn” (quẹo chữ U, quay đầu xe) khi người lái xe đi lầm đường thì thế nào
người trong xe cũng phản ứng. Có người thậm chí giận quá còn tắt luôn GPS để tự
kiếm đường trước khi căn nhằn… “Thôi đi
bà nội!”
Navigator Garmin được dùng phổ biến tại Úc
Lại
nghĩ đến Việt Nam. Chừng nào hệ thống GPS được dùng phổ biến chắc chắn một số
công an giao thông Việt Nam chuyên rình “bắn tốc độ” phải chuyển sang công tác
mới. Điều này cho thấy, ở các nước tự do, dân chủ người ta chỉ tìm cách nhắc nhở
người lái xe không vi phạm luật giao thông, còn ở Việt Nam, lực lượng giao
thông luôn tìm cách phạt hay còn tệ hại hơn nữa là… “làm luật” để moi tiền hoặc
làm tiền.
(Còn
tiếp)
***
(Trích
Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)
Hồi
Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:
Chương
1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương
2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương
3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương
4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương
5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương
6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương
7: Thời mở lòng (Những chuyện tình cảm)
Chương
8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương
9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác
giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho
đến ngày xuống lỗ)!
Ở VN việc lắp đặt thiết bị GPS chưa phổ biến, đôi khi cần tìm đượng thì các cháu dùng Ipad hay dùng điện thoại Iphone, HTC để truy cập tìm đường, cũng nhanh, dù thấy cực quá, nhưng vẫn đã là tốt hơn xưa rồi.
Trả lờiXóaNhìn các cháu lái xe trên các con đường ở SG hay chạy đường liên tỉnh, ngồi trong xe mà lo ngay ngáy hộ cho con, chạy đường trường mà tự nhiên có đoạn giới hạn tốc độ 50, 60, 80km.. hở tí là thấy ở bụi nào đó có công an.. đến khổ!
Mỗi lần M đi Taiwan, M chụp rất nhiều hình về đường xá và các ký hiệu cho các loại đường: xa lộ, cao tốc, tỉnh lộ, quốc lộ, huyện lộ... định viết về nó, nhưng rồi bận nên dự định trôi qua. Ở Mỹ, Úc hay các nơi Anh đi qua, anh có chụp những ký hiệu đó không, nếu có viết một bài về nó cũng hay anh ạ.
Trả lờiXóa