Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

Chữ & Nghĩa… thời nay


Tôi thường bị bạn bè ở nước ngoài “phê bình” về lối viết. Họ nói văn tôi viết có đôi lúc khó hiểu vì có nhiều lúc dùng những từ ngữ thời nay. Thế cho nên chuyện Chữ và Nghĩa được bàn đến trong bài viết này.

Tôi không ngụy biện… chỉ biết lấy câu của các cụ ta xưa thường nói: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” để “biện minh” cho những lỗi của mình. Người ta thường “đổ thừa” cho môi trường mình đang sống, không ít thì nhiều cũng ảnh hưởng đến lối hành xử và đặc biệt là sinh hoạt văn hóa, văn chương, nghệ thuật.

Thật tình, khi dùng những “ngôn ngữ thời đại” tôi thường để trong ngoặc kép nhưng có những khi, vì sơ suất hay vô tình, nên không dùng hoặc quên đến cách viết an toàn này. Nhất là những khi dòng tư tưởng của mình đang dâng trào và khi viết xong lại không chú ý đến chữ và nghĩa khi đọc lại.


 Tôi lớn lên trong môi trường giáo dục ở miền Nam, trải qua nhiều chế độ chính trị cho đến nay đã hơn 70 năm, cứ tưởng như không bao giờ “mất gốc”. Ấy thế mà nhiều lúc thấy mình bị “lai căng” trong việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt. Đó là hiện tượng chính trị ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa của từng người.

Ngày Sài Gòn đổi chủ (nói theo bây giờ là “giải phóng”) người miền Nam ngỡ ngàng với các từ ngữ lạ lẫm như “máy bay lên thẳng”, “lính thủy đánh bộ”, “giặc lái”… rồi sau này là những “cụm từ” như “giải phóng mặt bằng”, “gậy tự sướng”, “ăn mặc chỉnh chu”, “chuẩn không cần chỉnh”…

Có một nhà văn đương thời đã phải lên tiếng trước hiện tượng văn chương hiện tại:

“Việt Nam đã bước vào Thế Kỷ 21 với một gia tài học thuật, văn chương phong phú, trác tuyệt do bao thế hệ cha ông để lại từ Ngô Sĩ Liên, Lê Văn Hưu, Ngô Gia Văn Phái, La Sơn Phu Tử, Nguyễn Du, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều… rồi cận đại có Hoàng Xuân Hãn, Tự Lực Văn Đoàn, Đặng Thái Mai, Ngô Tất Tố, Đào Trinh Nhất, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Tản Đà, Vũ Hoàng Chương.  Về kinh tế, luật học, chính trị học có Vũ Văn Mẫu, Đoàn Thêm, Nguyễn Cao Hách… và bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo lỗi lạc của Miền Nam… mà lại sản sinh ra một thứ Việt ngữ “đương thời” như thế. Thật chua xót!”


Dĩ nhiên đó là “sự chua xót” mang tính cách cá nhân của một người có thể nói là quá… quan tâm đến chữ Việt “đương thời”. Song cũng có phần nào đúng nếu ta làm một sự so sánh giữa các phương tiện truyền thông ở hải ngoại ngày trước và bây giờ. Tôi muốn so sánh cụ thể hơn về hai đài BBC tại Anh Quốc và VOA tại Hoa Kỳ.

Ngày xưa dân Sài Gòn thường nghe VOA và BBC để theo dõi tình hình thế giới vì tin tức của họ được cập nhật rất nhanh, rất chính xác và rất trung thực. Lớp thính giả ngày nay thuộc lứa “U60, U70” chắc không thể nào quên những xướng ngôn viên quen thuộc như Lê Văn, Đỗ Văn, Xuân Kỳ, Hữu Đại… Họ là những người có giọng nói truyền cảm nhưng quan trọng hơn cả là nội dung tin tức trước khi phát đã được biên tập cẩn thận về cả Chữ lẫn Nghĩa.

Bây giờ thì ngược lại: người nghe hai đài này luôn ở vào tư thế của người phải suy nghĩ về những gì họ nói, và cứ như vậy hàng ngày có một sự so sánh âm thầm giữa Xưa và Nay. Tôi biết một người làm báo ở Việt Nam sau năm 1975 đã sang Anh và anh được BBC tuyển vào hàng ngũ biên tập viên. Anh thuộc thế hệ được đào tạo dưới thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là điểm mấu chốt và tôi xin đưa ra đây một vài thí dụ điển hình.

Trên BBC phần tin tức vào khoảng tháng 1 năm 2013 có tin về bệnh tình của nhạc sỹ Phạm Duy (người có câu hát bất hủ: “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời…”) có đoạn như sau:

“Nhạc sỹ Phạm Duy có tiền sử bệnh tim và từng qua hai lần giải phẫu tim”. Nếu hiểu “tiền sử” là “pre-history” (tức là thời kỳ con người còn “ăn lông ở lỗ” theo cách hiểu Xưa) thì câu văn này cần sửa lại để tránh hiều lầm: “Nhạc sĩ Phạm Duy đã từng bị bệnh tim và đã qua hai lần giải phẫu.”     

Bạn nghĩ gì về tin trên VOA: “Công dân cao niên Mỹ quan ngại về việc cắt giảm ngân sách”. Tôi thì nghĩ tác giả tiêu đề này dùng chữ quá khó và cũng quá cầu kỳ, nếu không muốn nói là “cầu toàn”. Nói một cách khác, sử dụng những từ ngữ “đao to, búa lớn” trong khi đây chỉ là một nội dung tin bình thường trong cuộc sống hàng ngày.

Tại sao không viết một câu văn đơn giản hơn, chẳng hạn như “Người già ở Mỹ lo sợ việc cắt giảm ngân sách”. Tôi lại nghĩ người viết tin và người kiểm duyệt bản tin này thấy nó quan trọng “trên mức cần thiết” nên mới dùng những “cụm từ” như “công dân cao niên”, “quan ngại”. Đó là bệnh hình thức trong Chữ và Nghĩa ngày nay.


Nói đến VOA không thể nào không nhắc đến nhà văn quá cố Bùi Bảo Trúc, người đã một thời cộng tác với đài này tại Mỹ. Bàn về nền tảng giáo dục giữa hai thời kỳ, trước và sau 1975, ông viết:

“Ngày nay ở các trường học trong nước không dạy những điều như thế [ý nói phương châm “Tiên học lễ, hậu học văn”]. Nghe cách ăn nói, xem cách cư xử, hành động của những thành phần được đặt cho một cái tên (khá mới đối với những người không ở Việt Nam đã lâu) là “trẻ trâu” hay “sửu nhi” thì người ta tin chắc là như thế”.

Cũng vẫn Bùi Bảo Trúc, trong một bài viết có nhan đề “hà nội… chửi” (hoàn toàn không viết hoa) trong cuốn “Thư gửi ban ta… chuyện thật mà như đùa” (2016) đã phải thừa nhận:

“… nhiều người đồng ý rằng làn sóng người từ miền Bắc sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã tạo nên một cú “shock” lớn khi đông đảo những thành phần ấy đem kiểu ăn nói thô tục, chửi thề độc địa ấy vào miền Nam, không một chút hạn chế, không một chút kiêng nể gì hết. Người lớn đã đành, luôn cả tuổi trẻ, thầy cô giáo cũng chửi thề văng tục một cách rất “vô tư” cùng khắp mọi nơi…”


Trích dẫn trên hoàn toàn không mang ý “kỳ thị vùng-miền” vì trước 1975 hai miền Nam – Bắc đã “sống chung hòa bình”. Ngày đó, người ta chấp nhận những từ ngữ có xuất xứ từ hai miền một cách “hồn nhiên” và “vô tư”! Chẳng hạn như “nhặt hộ tôi quả bóng” cũng có giá trị như “lượm dùm qua trái banh”; “xấu hổ” tương đương với “mắc cở” và cả từ cái chuyện nhỏ nhặt như “cục gôm” nếu gọi là “cục tẩy” cũng chẳng ai phản đối.

Cái gọi là “VC language” (theo cách nói của người Việt tại hải ngoại) bao gồm rất nhiều lãnh vực trong cuộc sống hiện nay. Thay vì dùng “phi cơ riêng” của các VIP nay đổi thành “chuyên cơ”; còn “phi công chính”, “phi công phụ” lại là “cơ trưởng”, “cơ phó”. “Phi hành đoàn” chỉ rút lại còn là “tổ lái”, một sự miệt thị đối với những người nắm trong tay hàng trăm sinh mạng của hành khách.

Trong xây dựng, một miếng đất, khu đất hay một diện tích nay được gọi là “mặt bằng”. Từ đó phát sinh ra “cán bộ giải phóng mặt bằng”, “cho thuê mặt bằng”, “tìm mặt bằng để kinh doanh” và thậm chí còn có cả “mặt bằng thù lao” tức là mức lương, có khi còn là mức thưởng cho một dịch vụ được cung cấp!

Một từ ngữ đã khá phổ biến trong giới thực hiện các chương trình giải trí trên truyền hình là… “cặp đôi”, như trong chương trình “Cặp đôi hoàn hảo”. Đã dùng “cặp” (2 cái, 2 chiếc) mà lại còn dùng “đôi” thì quả là thừa. E rằng sẽ có một ngày nào đó, tiếng Việt sẽ được “cải tiến” để trở thành “cặp đôi đũa”, “cặp rượu” biến thành “cặp đôi rượu”.

Lại nói về chuyện “cải tiến” tiếng Việt. Gần đây mạng xã hội lại có lúc đã rộ lên sự phản đối một ông Giáo sư – Tiến sỹ đã có “nhã ý” đơn giản hóa cách viết chữ Việt bằng những ký hiệu thật là “quái gở”. Nếu, một ngày nào đó, những “đề xuất” (đề nghị) của ông được “nhà nước” (chính phủ) “nhất trí” (đồng ý) thì không biết tương lai của Chữ & Nghĩa tiếng Việt sẽ đi về đâu?


Chúng ta không mong chữ Việt ngày một “hoành tráng” nhưng tối thiểu cũng phải là một loại ngôn ngữ được mọi người sử dụng hàng ngày một cách tự nhiên, cả trong cuộc sống lẫn trong văn chương, Chữ & Nghĩa.

Tiếng Việt chỉ cần sự “trong sáng”. Bạn có “nhất trí” với “phát biểu” của chúng tôi không?


***


--> Read more..

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2018

Facebook trong cơn chao đảo


Ngày Thứ Tư, 21/03/2018, ông chủ mạng xã hội Facebook, Mark Zuckerberg, chính thức thừa nhận việc Facebook không thông báo đầy đủ cho người sử dụng rằng những thông tin trong hồ sơ cá nhân (personal profile) của họ có thể bị Cambridge Analytica (Anh Quốc) thu thập và lưu giữ.

Trong bản tin cùng ngày của New York Post, tờ báo cho biết Mark Zuckerberg đã “phá vỡ sự yên lặng lâu nay” bằng việc thừa nhận mạng FB đã “xâm phạm đến sự tin tưởng ” (breach of trust) trong việc chuyển giao những thông tin cá nhân của các Facebookers cho một công ty “tư vấn chính trị” Cambridge Analytica trong cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ năm 2016.

Cambridge Analytica bị cáo buộc đã “rình mò” những dữ liệu cá nhân của khoảng 50 triệu Facebookers trong một nỗ lực phục vụ cuộc bầu cử Tổng thống Donald Trump. Ông Trump trở thành Tổng thống Hoa Kỳ là nhờ một phần lớn “công sức” của tờ “The Apprentice” thuộc nhóm “báo in” chứ không phải là “báo mạng”. Thế cho nên mới có “chiến dịch” nhắm vào Internet.

Ông “Trùm” Mark Zuckerberg (năm 2018 chỉ mới 33 tuổi)

Cũng trong ngày 21/3/2018, Zuckerberg đã thừa nhận trên trang cá nhân của mình rằng FB “đã phạm sai lầm” và hứa sẽ không để xảy ra một “tai họa” tương tự trong tương lai. Biện pháp trước mắt là FB sẽ kiểm soát lại hàng ngàn những ứng dụng (apps) hiện có, đồng thời tìm các biện pháp “chế ngự” việc tiếp cận các nguồn dữ liệu của người sử dụng.

Facebook hiện đang “triệt để giới hạn” việc tiếp cận các tài khoản cá nhân ngay từ bước đầu. Những người truy cập một tài khoản trên FB chỉ có thể biết tên người sử dụng, hình ảnh đại diện và địa chỉ email. FB còn tạo cho các Facebookers việc chọn lựa những ứng dụng để ngăn chặn bớt việc thâm nhập quá chi tiết. Các chuyên viên về “an ninh mạng” đưa ra lời khuyên cho người sử dụng:

(1) Hãy tắt các ứng dụng (apps) của FB để chặn đường truy cập của “người thứ ba”, ngoại trừ chủ tài khoản và FB. Để làm được đều này, trên phía bên trái có dấu chấm hỏi, bấm vào đấy sẽ thấy hiện ra nhiều chọn lựa. Bấm vào “Setting”, chọn “Edit” rồi chọn “Apps, Web sites and Plug-ins”. Cuối cùng, chọn “Disable Platform”.

(2) Kiểm tra thường xuyên tài khoản của mình vì FB thay đổi “privacy settings” (chọn lựa sự riêng tư) rất thường xuyên. Làm được diều này cũng tựa như “kiểm tra đồng hồ và pin” trong thiết bị phát hiện khói để ngăn ngừa hỏa hoạn.

(3) Thường xuyên thay đổi “mật khẩu” (password) cũng tựa như việc… đánh răng hàng ngày. Mật khẩu phải là những con số và ký tự (viết thường và viết hoa) càng “không giống ai” càng an toàn.

Không một Facebooker nào lại thích hình ảnh “dislike” này!

Zuckerberg trấn an các Facebookers: “Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu của bạn, và nếu chúng tôi không làm được điều đó, chúng tôi không xứng đáng để phục vụ các bạn” (We have a responsibility to protect your data, and if we can’t then we don’t deserve to serve you).

Về mặt kinh doanh, cơn “chao đảo” vào tháng 3/2018 đã kéo cổ phiếu của FB giảm 6,2%, có lúc xuống đến 11%. Tính ra FB mất đến 60 tỷ USD so với giá trị vốn ban đầu! Thậm chí đã có lúc nhà đầu tư công nghệ, Jason Calacanis, khuyên Zuckerberg nên từ chức để Sheryl Sandberg lên thay.

Đó là “chuyện lớn”  nơi xứ người khi FB phải đối diện với “một cuộc khủng hoảng thực sự” và tình hình được mô tả là "hết sức nghiêm trọng". Tại Việt Nam, cơn chao đảo đó  hầu như không ảnh hưởng gì đến các Facebookers. Thế nhưng, những ngày gần đây đã xảy ra hiện tượng được share “rộng rãi” trong giới nghiện FB tại Việt Nam. Đó là trào lưu được bình luận rôm rả mang tên “BFF”. Người ta bảo:

"Hãy bình luận (comment) bằng cách viết chữ "BFF" xuống bên dưới một bài viết. Nếu chữ màu xanh thì Facebook của bạn đã được bảo vệ. Nếu chữ màu đen tức Facebook của bạn đã bị ai đó theo dõi hoặc bị “hack”.Hãy đổi mật khẩu ngay".

Đúng là khi viết "BFF" thì dòng chữ này vẫn là màu đen hoặc có thể đổi màu xanh kèm theo hiệu ứng vỗ tay trên màn hình. Tuy nhiên, đó không phải công cụ mà nhà sáng lập FB tạo ra nhằm kiểm tra mức độ an toàn của tài khoản như thông tin lan truyền.

Theo Celebritiesbuzz, thực chất "BFF" là viết tắt của "Best Friend Forever" (Mãi mãi là bạn tốt nhất) hoặc cũng có thể lấy các chữ cái đầu của "Best Friend on Facebook" (Bạn tốt nhất trên Facebook).

Facebook nhận dạng chữ “BFF” để đổi sang màu xanh và thêm hiệu ứng để tạo thành một biểu tượng về tình bạn. Cũng như trước đó, khi bình luận có chữ “Congrats” hoặc “Chúc mừng” sẽ tạo ra hiệu ứng màu đỏ kèm thêm bong bóng nổ để… chúc mừng.

Lý do có người bình luận hiện chữ màu đen và có người ra chữ màu xanh là vì thuật toán của Facebook không được cập nhật đồng thời. Chính vì điều này mà không ít thành viên mạng xã hội đã tin vào thông tin lan truyền, nghĩ rằng tài khoản của mình bị theo dõi hay bị hack khi chữ "BFF" có màu đen trong khi những người khác là màu xanh.

Không riêng tại Việt Nam, mà “chiêu lừa” còn lan truyền mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới, thu hút hàng chục nghìn người. "Điểm mấu chốt đây là một trò lừa bịp. Xin vui lòng không chia sẻ hoặc tham gia bình luận", trang Celebritiesbuzz viết.

“Chiêu lừa” mới trên FB

Trước khi chấm dứt câu chuyện về Facebook, người viết bài này xin đặt một câu hỏi vui như sau. “Bạn có biết FB hiện có bao nhiêu tài khoản “vô chủ”… vì chủ của tài khoản đó đã qua đời?”.

Xin trả lời là đã có 30 triệu tài khoản mà chủ nhân của nó đã lìa đời. Câu hỏi này không những là câu hỏi vui mà là, nói dại, có hay không một ngày nào đó tất cả tài khoản hiện nay của chúng ta đều… biến mất?

Đó là ngày FB, nếu không vượt qua được cơn “chao đảo” đến nỗi phải… đóng cửa. Cũng giống như mạng Blog Multiply ngày nào mà một số bạn phải chạy sang FB để… “tỵ nạn”. Không ai muốn một trường hợp Multiply thứ hai lại xảy ra trong tương lai.

Keep on doing, Facebook!    


***

--> Read more..

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2018

Một thiên tài khoa học trong một thân thể tật nguyền

Tin “một nhà khoa học tật nguyền” qua đời đã khiến giới khoa học trên toàn thế giới phải sửng sốt. Tờ New York Post trong bản tin sáng đưa vài dòng vội vã:

“Nhà khoa học huyền thoại Stephen Hawking từ trần vào tuổi 76, một thành viên trong gia đình tuyên bố vào sáng ngày Thứ Tư, 14/3/2018”.


Hawking bên các bạn đồng nghiệp tại Hội nghị “Lý thuyết Dây 2001”,
Viện Nghiên cứu Cơ bản Tata, Ấn Độ

Cuộc đời của Stephen William Hawking (8/1/1942 – 14/3/2018) có thể gói gọn trong hai chữ “Phi Thường”. Ông đi khắp nơi trên trái đất này bằng chiếc xe lăn với một vóc dáng tật nguyền, hậu quả của một căn bệnh vừa quái ác và vừa hiếm có trên thế gian. Căn bệnh này được gọi là “neurological disease” hay môm na là “bệnh teo cơ ALS” (amyotrophic lateral sclerosis).

Hawking đã có một tuổi trẻ bình thường như mọi người. Ông đã từng tham gia đua thuyền tại Đại học Oxford, một hoạt động chỉ dành cho những sinh viên có đủ tố chất của một vận động viên. Chỉ đến năm 21 tuổi mọi sự đã hoàn toàn thay đổi. Khởi đầu là tình trạng thường xuyên bị choáng cộng với một lần té cầu thang và tiếng nói của ông sau đó trở nên lắp bắp, khó nghe. Các bác sĩ chẩn đoán ông mắc một chứng bệnh về thần kinh vận động và họ tiên đoán ông chỉ còn sống được 2 năm!

Đang từ một thanh niên tràn trề nhựa sống, Hawking trở thành một con người trầm uất. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân với Jane Wilde năm 1964 đã khiến Hawking thay đổi hẳn cách nhìn về cuộc đời: ông trở nên hứng thú hơn trước một tương lai tốt đẹp phía trước. Sau này, Hawking thú nhận, tình yêu là lý do để ông tồn tại.

Stephen Hawking và con gái, Lucy Hawking, tại buổi thuyết trình 
nhân dịp kỉ niệm NASA 50 tuổi

Bà Hawking có lần nhận xét về cá tính của chồng mình: “Có người sẽ gọi đó là tính cương quyết, người khác gọi là sự ngoan cố của Hawking. Tôi thì vẫn gọi nó bằng cả hai tên cùng một lúc hoặc từng lúc một". Cũng vì những đức tính đó, cộng thêm với căn bệnh quái ác, đã khiến có một khoảng cách giữa Hawking và một số bạn đồng nghiệp.

Vào cuối những năm 1980, Hawking trở nên ngày càng gần gũi với một trong số các y tá của ông, Elaine Mason. Cuối cùng, Hawking quyết định ly thân với Jane Wilde vào tháng 2/1990. Trong năm đó, Hawking nhận một cô gái Việt Nam sống ở Làng trẻ em SOS tên là Nguyễn Thị Thu Nhàn làm con nuôi, và họ từng sang Việt Nam năm 1997 để thăm Nhàn (2).

Hawking và Jane chính thức ly dị vào mùa xuân năm 1995, sau đó tới tháng 9, Hawking kết hôn với Elaine. Ông tuyên bố: "Thật tuyệt vời — Tôi đã cưới người phụ nữ tôi yêu."

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói chuyện với Stephen Hawking tại Phòng Xanh của Nhà Trắng trước buổi lễ giới thiệu ông và 15 người khác được trao Huân chương Tự do của Tổng thống vào ngày 12/8/2009

Hawking đã kéo dài cuộc sống trên chiếc xe lăn được thiết kế đặc biệt với một máy vi tính "Equalizer" có chức năng chuyển thể từ giọng nói sang chữ viết. Tuy vậy, ông vẫn đạt được những thành tựu khoa học mà tất cả những người bình thường khác phải mơ ước.

Trong "Định luật thứ hai của cơ học hố đen" (*) ông khẳng định rằng chân trời sự kiện của hố đen không bao giờ có thể thu nhỏ hơn. Cùng với các đồng sự, ông đưa ra 4 định luật của “cơ học lỗ đen”, vạch ra một sự tương đồng với động lực học cổ điển. Tiểu luận có tên "Những Hố đen" của ông được giải thưởng Quỹ Nghiên cứu Lực Hấp dẫn tháng 1/1971.

Hawking đã một lần thực hiện một chuyến bay không trọng lượng trong tàu "Vomit Comet”. Ông cũng là người từ lâu ủng hộ Đảng Lao động (Anh), bày tỏ sự ủng hộ với ứng cử viên Dân chủ Al Gore trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2000 và gọi Cuộc tấn công Iraq 2003 là một "tội ác chiến tranh".

Ông tẩy chay một cuộc hội thảo ở Israel vì lo ngại về chính sách của Israel đối với người Palestine. Hawking duy trì một chiến dịch lâu dài để vận động giải trừ vũ khí hạt nhân và ủng hộ nghiên cứu tế bào gốc, hệ thống y tế toàn cầu và cổ súy hành động ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Hawking thực hiện một chuyến bay không trọng lượng trong tàu Vomit Comet

Cuộc đời của “thiên tài khoa học trong một thân thể tật nguyền” đã trải qua những năm tháng vinh quang trên chiếc xe lăn. Năm 2002, trong một cuộc bầu chọn trên toàn vương quốc Anh và Bắc Ailen, BBC đưa ông vào danh sách 100 người Anh vĩ đại nhất trong lịch sử.

Hawking cũng nhận Huy chương Copley từ Hội Hoàng gia (2006), nhận huân chương dân sự cao nhất của Hoa Kỳ do Tổng thống Obama trao tặng năm 2009 và Giải thưởng Vật lý Cơ bản Nga năm 2012.

Lúc sinh thời, Hawking đã từng nói: “I’m not afraid of death, but I’m in no hurry to die. I have so much I want to do first” (Tôi không sợ cái chết nhưng tôi cũng không vội vã gì để chết. Tôi có nhiều điều để làm trước tiên). Chỉ với một chiếc xe lăn, Hawking đã cùng chúng ta khám phá vũ trụ bao la. Đó là chuyện “thần thoại” của thế kỷ 21.

Stephen Hawking là một tấm gương sáng về nghị lực của một người đã vượt lên số phận. Chúng ta chúc ông an nghỉ sau 76 năm làm người, một con người hữu ích cho cả nhân loại.


P/S:

1. Stephen Hawking sinh ngày 08/01/1944. Đó cũng là ngày mất của Galileo Galilei, một nhà thiên văn học, vật lý học, toán học và triết học người Ý, một nhân vật đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng khoa học của nhân loại.

2. Stephen Hawking mất ngày 14/03/2018. Đó cũng là ngày sinh của Albert Einstein, nhà vật lý vĩ đại người Đức, cha đẻ của thuyết tương đối tổng quát.

***

Chú thích:

(1) Lỗ đen (Hố đen hoặc Hốc đen – Black Hole) là một vùng trong không-thời gian mà trường hấp dẫn ngăn cản mọi thứ, bao gồm cả ánh sáng cũng không thể thoát ra. Thuyết tương đối rộng tiên đoán một lượng vật chất với khối lượng đủ lớn nằm trong phạm vi đủ nhỏ sẽ làm biến dạng không thời gian để trở thành lỗ đen. Xung quanh lỗ đen là một mặt xác định bởi phương trình toán học gọi là chân trời sự kiện, mà tại đó khi vật chất vượt qua nó sẽ không thể thoát ra ngoài lỗ đen được.

Lỗ đen gọi là "đen" bởi vì nó hấp thụ mọi bức xạ và vật chất hút qua chân trời sự kiện, giống như một vật đen tuyệt đối trong nhiệt động lực học; nó cũng không phải là một loại "lỗ" hay "hố" nào mà là vùng không thời gian không để cho một thứ gì thoát ra. Lý thuyết trường lượng tử trong không thời gian cong tiên đoán tại chân trời sự kiện lỗ đen có phát ra bức xạ giống như vật đen có nhiệt độ nhất định phát ra bức xạ nhiệt. Nhiệt độ này tỉ lệ nghịch với khối lượng của lỗ đen, khiến cho rất khó quan sát được bức xạ này đối với các lỗ đen có khối lượng cao hay trung bình.



***

--> Read more..

Thứ Ba, 13 tháng 3, 2018

Triết lý… vụn

Tôi thích lang thang trên mạng để gặp cái gì vui thì ghé vào xem. Internet cũng cung cấp một cái thú qua việc trao đổi thư từ với bạn bè, từ những chuyện cá nhân lãng xẹc đến chuyện nghiêm chỉnh như chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học. Nhiều lúc lại cứ tưởng ngồi laptop hay bấm smart phone trên Facebook là “trên thông thiên văn, dưới thông địa lý”.

Sống trong thời đại công nghệ thông tin người ta cứ bảo là… “sống ảo” nhờ modem, wifi, 3G, 4G. Cứ tưởng là ảo mà lại có những lúc lại thấy đó là sự thật trần trụi 100 phần trăm. Có một anh bạn gửi email cho tôi kể chuyện “đời người” mà anh lượm trên net.

Anh viết, có một con cáo già thấy con gà mái hoa mơ trong sân thì thèm thuồng nhỏ dãi. Hàng rào để đột nhập vào sân lại quá kín, cáo ta phải nhịn ăn mất 3 ngày cho ốm bớt mới lọt vào được. Ăn xong thì cái bụng của anh to quá nên không ra được. Thế là lại phải nhịn ăn 3 ngày để thân hình trở lại mảnh mai như lúc chui vào!

Cuối cùng thì mới lòi ra cái triệt lý: đời người lúc sinh ra trần truồng, sau một đời mưu sinh vì “cơm-áo-gạo-tiền” đến lúc chết cũng ra đi với hai bàn tay trắng. Chẳng mang được gì theo ngoài cái thân xác của trẻ sơ sinh.

Của cải, danh vọng cứ tưởng như “thực” trong cuộc sống bỗng chốc biến thành “ảo” lúc từ giã cõi đời. Dùng tuổi trẻ để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua lại được tuổi trẻ. Dùng mạng sống để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua lại được mạng sống. Dùng hạnh phúc để đổi lấy tiền, nhưng tiền lại không mua lại được hạnh phúc. Dùng thời gian để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua lại được thời gian.

Giả sử trên cõi đời này có một ngân hàng mỗi buổi sáng nhập vào tài khoản của bạn 86.400 USD với điều kiện số dư trong tài khoản không được phép chuyển từ ngày này qua ngày khác. Mỗi buổi chiều, ngân hàng sẽ hủy bỏ hết số dư còn lại mà bạn đã không tiêu hết trong ngày.

Chắc chắn bạn sẽ phải tìm cách sử dụng hết số tiền đó. Chuyện tưởng tượng là “ảo” nhưng sự thật là chúng ta mỗi người đều có một ngân hàng như vậy. Đó là ngân hàng cung cấp “Thời Gian” 86.400 giây trong một ngày chứ không phải là… “Tiền bạc”.

Cho dù dùng cả cuộc đời để có được tất cả tiền bạc của cả thế giới này, nhưng tiền bạc cũng không mua lại được cuộc đời của bạn. Thế cho nên, những lúc nên làm việc thì hãy làm việc, những lúc nên nghỉ ngơi thì hãy nghỉ ngơi. Vui vẻ làm việc, tận hưởng cuộc sống, trân quý tất cả những gì mà mình có được. Hãy yêu thương những người mà bạn yêu thương, vui vẻ mà sống trọn… từng ngày.

Sống một ngày vui vẻ là sống được một ngày. Sống một ngày buồn tẻ cũng là sống được một ngày. Cứ thế cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời. Đó đúng là một thứ triết lý “vụn”. Vụn nhưng “thật” chứ không “ảo”.

***


















***






--> Read more..

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2018

Carl Vinson và hiện tượng lập lại của lịch sử

Carl Vinson (1883-1981) là tên của một dân biểu đại diện cho tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ. Ông là đảng viên Dân chủ và phục vụ trong hơn 50 năm tại Hạ viện Hoa Kỳ, giữ một thời gian kỷ lục trong cơ quan lập pháp nước này. Ông còn được biết đến như là "Cha đẻ của Đạo luật Hải quân Hai đại dương" qua cái gọi là “Đạo luật Vinson”.

Trong suốt 29 năm, Carl Vinson, với vai trò Chủ tịch Tiểu ban Hải quân và Ủy ban Dịch vụ Vũ khí ông đã mở ra một thời kỳ mới trong việc hình thành chiến lược đóng tàu hải quân khổng lồ sau Thế chiến thứ hai. Với thành tích như vậy, đó cũng là điều dễ hiểu khi tên của ông được đặt cho một chiếc hàng không mẫu hạm thuộc lớp Nimitz thứ ba của Hải quân Hoa Kỳ.


Dân biểu Carl Vinson (1883-1981)

USS Carl Vinson (CVN-70) là “siêu hàng không mẫu hạm” được hạ thủy năm 1980, thực hiện hải trình đầu tiên năm 1983, được nạp lại nhiên liệu nguyên tử và đại tu giữa năm 2005 và 2009. Đóng vai trò là “kỳ hạm” của Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm số 1 (CSG-1), tàu USS Carl Vinson đang hoạt động ở khu vực phía Tây Thái Bình Dương.

Danh hiệu liên lạc vô tuyến của Carl Vinson là "Gold Eagle" (Đại Bàng Vàng). USS Carl Vinson có lượng giãn nước 103.000 tấn, dài 333 m và rộng 77 m, đủ sức chở theo tối đa 90 phi cơ các loại.

Huy hiệu của USS Carl Vinson (CVN 70) là một con đại bàng với đôi cánh dang rộng và móng xòe ra. Trên huy hiệu đó có mang một một phương châm bằng chữ Latin “Vis Per Mare” (Force by the Sea - Sức mạnh từ biển cả).

Đại bàng là biểu tượng của Hoa Kỳ và phương châm của tàu mang ý nghĩa sức mạnh của con tàu. Đại bàng bay trên nền chữ "V" màu xanh nước biển và cũng là chữ cái đầu của tên chiến hạm.

Huy hiệu tàu USS Carl Vinson

USS Carl Vinson đã tham gia vào một số sự kiện đáng chú ý. Năm 2011, thi thể của trùm khủng bố Osama bin Laden đã bị “thủy táng” hay nói một cách bình dân là ném xuống biển từ boong tàu Carl Vinson.

Đối với Việt Nam, sự kiện đáng chú ý vào ngày 5/3/2018 là hàng không mẫu hạm USS Carl Wilson cùng khu trục hạm USS Wayne E. Meyer và tuần dương hạm USS Lake Champlain với khoảng 6.500 thủy thủ đã đến Đà Nẵng, cách cảng Tiên Sa khoảng 8 hải lý.

Cũng tại Đà Nẵng 53 năm về trước, ngày 8/3/1965, những binh sĩ Hoa Kỳ (qua lệnh của Tổng thống Lyndon B. Johnson) đã đổ bộ lên bãi biển Mỹ Khê để chính thức tham gia cuộc Chiến tranh Việt Nam. Họ là những binh sĩ thuộc Lữ đoàn 9, Thủy quân Lục chiến, xuống xà lan để tiến vào đất liền.

Lính Mỹ đổ bộ lên bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng, ngày 8/3/1965

Ngày 5/3/2018, tức 53 năm sau, hàng không mẫu hạm USS Carl Vison trở lại Đà Nẵng trong một chuyến thăm “hữu nghị”, đánh dấu một thời kỳ mới. Trong chuyến thăm kéo dài từ ngày 5 đến 9/3, thủy thủ Hoa Kỳ sẽ tham gia nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao và đến thăm các trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, trẻ mồ côi. Ngoài ra, họ còn học nấu món ăn Việt, dự diễn tập phòng cháy chữa cháy và trao đổi kỹ thuật trên tàu.

Phía sau những hoạt động “hữu nghị” đó, các nhà bình luận chính trị, trong cũng như ngoài nước, có rất nhiều điều để phân tích và bình luận. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không bàn đến chính trị theo thế “Tam Quốc” tại Biển Đông giữa Việt Nam-Hoa Kỳ-Trung Quốc.

Tuy mục tiêu tuy không nói ra, rõ ràng là chuyến thăm lịch sử của một chiến hạm Hoa Kỳ năm nay là nhằm “tạo đối trọng” trước các hành động hung hăng của phía Trung Quốc trong việc lấn chiếm Biển Đông qua việc bồi đắp các đảo nhân tạo để từng bước quân sự hóa vùng biển đang tranh chấp. Đó là một cuộc chiến ngấm ngầm với “người láng giềng tốt” mang chiêu bài “4 tốt, 16 chữ vàng”!

Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson trên Thái Bình Dương
(hình US Navy, chụp tháng 5/2015)

Về mặt xã hội, người ta chú ý đến sự hiện diện của một sĩ quan người Mỹ gốc Việt, Hải quân Trung tá, Bác sĩ Hiền Trịnh, đang phục vụ tại phòng nha khoa trên chiến hạm. Trả lời cuộc phỏng vấn của đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America - VOA) ông cho biết mình rời khỏi Việt Nam khi mới 2 tuổi.

Được hỏi lý do ông quyết định gia nhập Hải quân Hoa Kỳ từ năm 2003 sau khi tốt nghiệp Đại học Michigan State University, ông trả lời, cũng như nhiều quân nhân Mỹ gốc Việt, ông làm như vậy để trả ơn quê hương thứ hai đã đón nhận gia đình mình.

Trung Tá Bác sĩ Hiền Trịnh, người Mỹ gốc Việt, trên Chiến Hạn USS Carl Vinson (Ảnh VOA)

Trung Tá Hiền Trịnh cho biết, theo như những gì ba mẹ ông kể lại, sau khi thoát khỏi Việt Nam, tàu đánh cá của họ tới được Singapore. Nhưng nước này không nhận người tỵ nạn và gia đình ông lại lênh đênh trên biển.

Cuối cùng, sự may mắn đã đến khi chiếc tàu đánh cá được một tàu Hải Quân Hoa Kỳ gặp. Họ được đưa tới Vịnh Subic, Wake Island, nằm giữa Honolulu và Guam. Gia đình ông được chuyển đến trại tỵ nạn Fort Chaffee ở tiểu bang Arkansas.

Bác sĩ Hiền Trịnh có người cha đã từng chiến đấu trong hàng ngũ quân đội VNCH tại Nhà Bè. Hậu duệ của một sĩ quan là người Bắc di cư vào Nam năm 1954 tâm sự với VOA rằng, ông “thực sự vui mừng” cùng hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson trở lại Việt Nam.

Khoảng 10 năm trước Trung tá Hiền Trịnh đã về Việt Nam lần đầu tiên trong chuyến đi tình nguyện về các hoạt động y tế với một người bạn gái. Theo báo chí, người bạn gái này đã trở thành vợ ông, Evelyne Vu Tien, một bác sĩ nhi khoa. Evelyne cũng là người gốc Việt, sinh ra ở Paris và lớn lên tại vịnh San Francisco, California. Gia đình họ có 2 con gái…

Bác sĩ Hiền Trịnh cho biết… “rất vui được trở lại nơi mình sinh ra, trên một trong số những chiếc tàu tốt nhất thế giới và đã trở thành một phần của sự kiện lịch sử trong mối bang giao Việt – Mỹ”.

Gia đình Bác sĩ Hiền Trịnh

Chúng ta thấy, nhiều khi lịch sử chỉ là sự lập lại qua những thời điểm khác nhau. Đó là việc lính Mỹ chính thức đến Việt Nam vào ngày 8/3/1965 và trở lại ngày 5/3/2018. Một sự trùng hợp vào tháng 3 lịch sử!

Bên cạnh đó, lịch sử còn có yếu tố bất ngờ như trong trường hợp của Trung tá Hiền Trịnh. Trốn chạy Việt Nam khi còn là một cậu bé 2 tuổi và trở lại nơi mình ra đời trong tư thế một sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ! Ra đi bằng ghe đánh cá và trở về bằng hàng không mẫu hạm: quả thật đây là một trường hợp hãn hữu!  

***

Dưới đây là một số hình ảnh về những hoạt động của thủy thủ tàu USS Carl Vinson tại Đà Nẵng.

Những thuỷ thủ đầu tiên rời tàu USS Carl Vinson vào Đà Nẵng

Ban nhạc Đệ thất Hạm đội trong một bài hát tiếng Việt, “Nối vòng tay lớn”, gần cầu Rồng Đà Nẵng tối 5/3/2018

“Giao lưu ẩm thực với các đầu bếp” tại Nhà hàng Madame Lân, Đà Nẵng

Thành quả của một trưa nắng học đổ bánh xèo của hai người bạn mới quen 
(Ảnh Nguyễn Tú)

Học làm chả giò


Trận túc cầu giao hữu giữa thủy thủ đoàn và Đà Nẵng

Tại làng trẻ mồ côi Đà Nẵng

Các thủy thủ nhảy sạp cùng những người bạn Việt Nam


Chụp ảnh lưu niệm với nhân viên và bệnh nhân
“Trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần Đà Nẵng”

Các thủy thủ tham gia trò chơi kéo co với bệnh nhân

***



--> Read more..

Popular posts