Annelies Marie Anne Frank (1929 – 1945)
Nhật ký của Ann Frank bắt đầu được viết từ ngày Thứ Bảy,
13/06/1942. Một ngày trước đó, cô bé nhận được trong số nhiều món quà sinh nhật
của cha mẹ một cuốn sổ để viết nhật ký! Ann viết:
“Mình viết nhật ký…
nhưng ai là người sẽ quan tâm đến suy nghĩ của một cô nữ sinh 13 tuổi? Điều đó
có quan trọng không? Mình muốn viết thì cứ viết, và mình muốn bày tỏ rất nhiều
điều nằm sâu trong trái tim mình…”
Những câu hỏi Ann đặt ra ngày nay đã có câu trả lời: cả
thế giới quan tâm đến cô khi nhật ký được xuất bản. Năm 2009, Nhật ký Anne
Frank được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đưa
vào Danh lục ký ức thế giới. Theo UNESCO, Nhật ký Anne Frank là một trong "10 cuốn sách được đọc rộng rãi nhất
trên toàn thế giới."
Ann Frank viết nhật ký
Xuất bản lần đầu với tựa đề “Het Achterhuis: Dagboekbrieven van 12 Juni 1942 – 1 Augustus 1944”
(tạm dịch là Trích đoạn Nhật ký từ ngày 12/06/1942 đến ngày 01/08/1944), Nhà xuất
bản Contact ở Amsterdam, Hòa Lan. Cuốn sách đã nhận được sự chú ý của công
chúng năm 1947.
Ấn bản đầu tiên
Cho đến năm 1952, khi xuất hiện bản dịch tiếng Anh với
tên “Anne Frank: The Diary of a Young
Girl”, Doubleday & Company (Hoa Kỳ) và Vallentine Mitchell (Anh quốc)
thì Nhật ký của Ann Frank đã trở thành một “hiện tượng lạ” đối với một tác giả
chỉ mới 13 tuổi.
Sách bán chạy với 3000 bản của lần xuất bản đầu tiên và tới
năm 1950, cuốn sách đã được tái bản đến lần thứ sáu. Nhật ký Anne Frank đã được
dịch ra hơn 70 ngôn ngữ, bán ra hơn 35 triệu bản. Năm 1953, Nhật ký Anne Frank
là cuốn sách bán chạy nhất ở Nhật Bản.
Bản dịch tiếng Anh
Tiến sĩ Jan Romein, một nhà sử học người Hòa Lan, viết
trong một bài báo gửi cho tờ Het Parool năm 1946: “Đây rõ ràng chỉ là một cuốn nhật ký bình thường của một đứa trẻ… tái
hiện tất cả những gì ghê tởm nhất của chủ nghĩa phát xít, hơn hẳn tất cả những
kết luận của phiên tòa Nürnberg cộng lại”.
Sau khi Adolf Hitler lên nắm quyền vào tháng 1/1933 tại Đức
đã bắt đầu xuất hiện các cuộc biểu tình bài người Do Thái. Vào khoảng thời gian
này, đạo luật chống lại người Do Thái của Hitler đã lan rộng.
Những người Do Thái phải nộp lại xe đạp và họ không được
phép sử dụng bất kỳ phương tiện giao thông nào. Người Do Thái không được ra khỏi
nhà từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau, kể cả việc ngồi trong vườn nhà mình
cũng không được phép. Không chỉ vậy, họ luôn phải đeo một ngôi sao vàng sáu
cánh, không được đến rạp chiếu phim, hoặc nơi giải trí nào. Họ thậm chí còn
không được tham gia vào các môn thể thao cộng đồng. Trẻ em Do Thái bị chuyển
sang học ở trường dành riêng cho người Do Thái và vô vàn những điều cấm kị
khác.
Ngôi sao vàng 6 cánh
Để tránh thảm họa phát xít, mùa hè năm 1933, ông Otto
Frank, cha của Ann Frank, sang Hòa Lan để chuẩn bị cho cuộc di cư của gia đình.
Tháng 12/1933, mẹ và chị gái của Anne sang Amsterdam, và đến tháng 2/1934, Anne
Frank và bố đến Hòa Lan cùng gia đình sinh sống.
Năm 1940, Hòa Lan bị Đức Quốc xã chiếm đóng, Anne Frank
cùng gia đình ẩn náu trong một căn phòng kín tại một nhà kho ở ngôi nhà số 263
phố Princegracht, Amsterdam, từ tháng 9/1942.
Gia đình Anne Frank sống an toàn cho đến ngày 4/8/1944,
khi mật vụ Gestapo của Đức Quốc Xã (Nazi) phát hiện ra căn phòng bí mật. Anne
Frank và gia đình lần lượt bị đưa đến trại tập trung Westerbork (Hòa Lan), sau
đó chúng đưa họ đến trại tập trung Auschwitz (Ba Lan), rồi cuối cùng đến Bergen
- Belsen vào tháng 9/1944.
Tại đây, mẹ của Anne Frank chết vào tháng 1/1945. Còn
Anne Frank và chị gái Margot chết vì bị viêm phổi trong trại tập trung vào
tháng 3/1945, chỉ vài tuần trước khi trại này được giải phóng. Cả gia đình chỉ
còn ông bố Otto sống sót!
Nấm nộ tượng trưng của hai chị em Margot và
Ann Frank
Trong khoảng thời gian lẩn trốn Phát xít Đức và sống
trong trại tập trung, Anne Frank đã viết nhật ký kể lại những gì xảy ra xung
quanh mình. Ngay từ những dòng chữ đầu, Anne đã bắt đầu đề cập đến những thay đổi
đáng quan ngại từ khi người Đức đến chiếm đóng.
Nhật ký của Anne không hề giống bất cứ một cuốn nhật ký
nào. Anne coi đây là một người bạn thân thiết tên Kitty và viết thư cho Kitty mỗi
khi có điều gì muốn kể với người khác. Mỗi trang nhật ký của Anne đều như đang
kể lại câu chuyện cho người bạn thân của mình nghe.
Căn gác xép nơi Anne sống cũng không hẳn là một “căn hầm”
vì nó là căn phòng nằm dưới mái (attic) của tòa nhà số 263 đường Prinsengracht.
Ann viết nhật ký ngày 11/07/1942:
“Tôi không thể nói
là tôi cảm thấy như ở nhà tại căn hầm này, nhưng tôi cũng không thể nói là tôi
ghét nơi này, nó có vẻ giống một kỳ nghỉ kì lạ trong một căn nhà kì lạ thì hơn.
Căn nhà thì ẩm thấp và nghiêng lệch, nhưng trong cả nước Hòa Lan, không có nơi ẩn
núp nào tiện lợi hơn nơi này. Phòng ngủ của chúng tôi cho tới nay thì trơ trụi,
nhưng nhờ có cha mang về các tờ báo điện ảnh, tôi có thể dán kín các bức tường
bằng các hình đẹp mắt”.
Nơi ẩn náu của Ann Frank
Cuộc chiến của Đức chống người Do Thái ngày càng leo
thang tại Hòa Lan. Đức Quốc Xã đến gõ cửa từng nhà để tìm xem có người Do Thái
nào còn ẩn trốn trong đó không. Rất nhiều người Do Thái bị bắt đi và những số
phận kinh khủng đang chờ họ phía trước. Ngày Thứ năm, 19/11/1942 Ann ghi trong
nhật ký:
“Vào lúc trời tối,
tôi thường trông rõ nhiều hàng dài các con người vô tội bị dẫn đi. Họ đi vào
cõi chết. Tôi cảm thấy mắc tội khi còn ngủ trên chiếc giường ấm áp và hết sức
hãi hùng khi nghĩ đến các bạn thân hiện nay là nạn nhân của các con quỷ dữ tợn
nhất trên trái đất. Tất cả đều là nạn nhân, bởi vì họ là người Do Thái”
Cuối cùng thì số phận của Ann cũng vẫn được định doạt như
bao người Do Thái khác. Ngày 4/8/1944, với sự chỉ điểm, bọn Gestapo vào căn gác
xép bí mật và đưa họ đến trại tập trung. Anne đã chẳng bao giờ có thể trở lại đây
nữa…
Tuy không sống sót, Anne vẫn để lại trên đời một cuốn nhật
ký mang giá trị lịch sử to lớn. Cuốn “Nhật
ký Anne Frank” là một cuốn sách đáng đọc để hiểu hơn về chế độ phát xít và
nỗi khổ của những người Do Thái khi sống dưới chế độ tàn độc này.
Những trang nhật ký của Ann Frank
Những gì người đọc có thể rút ra được từ cô bé 13 tuổi
mang tên Ann Frank thật sâu sắc. Trong lời giới thiệu cho ấn bản đầu tiên tại Mỹ,
bà Eleanor Roosevelt, phu nhân Tổng thống Roosevelt, đã cho rằng Nhật ký Anne
Frank là “một trong những sự mô tả cảm động
nhất về chiến tranh và tác động của chiến tranh đối với nhân loại mà tôi từng đọc”.
Năm 1961, Tổng thống John F. Kennedy nhắc đến Anne Frank
trong một bài diễn văn: “Xuyên suốt dòng
lịch sử, đã có nhiều người nói đến nhân phẩm vào những thời điểm con người gánh
chịu nhiều đau khổ và sỉ nhục, nhưng không tiếng nói nào có sức thuyết phục bằng
tiếng nói của Anne Frank”.
Tiếng nói của Anne Frank không phải là tiếng nói của một
nhà hiền triết hoặc một nhà thơ mà là của một bé gái bình thường. Cô bé đã từng
viết những câu thật đơn giản trong nhật ký của mình: “Bất kỳ ai đang hạnh phúc đều có thể giúp cho người khác hạnh phúc”.
Ann Frank luôn lạc quan trong suốt thời gian 2 năm ẩn náu
trên gác xép. Cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài nhưng cô bé luôn nhìn về cuộc
đời qua một cặp kính mầu hồng. Sự lạc quan đó được thể hiện qua suy nghĩ: “Tôi không nghĩ về sự khổ sở mà chỉ nghĩ đến
cái đẹp vẫn còn hiện diện”.
Lần đầu tiên trong lịch sử văn học thế giới có một cây
bút mới 13 tuổi đã khiến những độc giả người lớn phải ngưỡng mộ. Đó cũng là lý
do khiến căn nhà mà Ann Frank ẩn náu ngày nào nay đã trở thành một địa điểm lịch
sử tại Amsterdam, Hòa Lan.
Căn nhà Ann Frank ẩn náu tại Amsterdam
Mỗi khi đến Hòa Lan, du khách không thể nào bỏ qua căn
nhà của Ann Frank nằm trên quận Jordaan thuộc thành phố Amsterdam. Tòa nhà trước
đây là văn phòng của ông Otto Frank gồm nhà kho, tầng trên là văn phòng và tầng
trên cùng là phòng chứa đồ đạc. Tại đây có lối vào bí mật dẫn lên gác xép.
Ông Otto Frank và cửa bí mật dẫn lên gác xép
Thường thì du khách phải xếp hàng chờ khoảng 2 giờ để được
vào trong nhà của Ann Frank, giá vé €9 (người lớn) và trẻ em miễn phí, nhưng nếu
trên 10 tuổi phải trả €4.50. Nếu mua vé “on line” du khách sẽ không phải xếp
hàng chờ đợi.
Ngay trước tòa nhà là bức tượng của Ann
Frank
Ngoài căn gác xép dưới nóc nhà nơi Ann Frank ẩn náu, du
khách còn có thể thăm “Viện bảo tàng Ann Frank”, nơi đây trưng bày một số vật dụng
và hình ảnh có liên quan đến… cây bút 13 tuổi. Khách còn được tặng một tập sách
nhỏ về Ann Frank.
Du khách xếp một hàng dài chờ vào thăm nơi ẩn
náu của Ann Frank
***
Ngày cuối trong nhật ký: Thứ Tư, ngày 1/8/1944
“Trong mình có hai
con người - thật vậy - như mình thường nói với bạn. Một con người vui vẻ và nồng
nhiệt, thích thú với một cái hôn hay một câu đùa thô thiển. Đó là cô Anne mọi
người đều biết, cô Anne sẽ làm cho họ vui vui một buổi tối nhưng sau đó sẽ làm
cho họ chán ngấy suốt cả tháng! Không một ai biết con người kia của Anne, con
người tốt đẹp hơn. Con người này sâu lắng hơn, tinh tế hơn!. Nhưng cô Anne thứ
nhất luôn xuất hiện, không cho cô Anne thứ hai lộ diện. Ấy bỏi vì mình sợ - sợ
người ta cười mình. Giờ thiên hạ đã cười mình - mình cũng đã quen - nhưng họ cười
Anne vui tính "nhẹ dạ". Cô ta không quan tâm nhưng sâu thẳm Anne rất
thấm thía về điều đó. Nếu mình cho cô Anne tốt lộ diện chỉ trong mười lăm phút,
cô ta sẽ không nói và cho cô Anne kia nói. Và trước khi mình biết được, cô nàng
biến mất.
“Do vậy cô Anne dễ
thương không bao giờ xuất hiện trước mọi người, nhưng cô luôn ở đây khi mình chỉ
có mình. Mình muốn thay đổi, mình cố gắng thật nhiều nhưng thật là khó khăn. Nếu
mình im lặng và nghiêm nghị, gia đình mình sẽ nghĩ là mình bệnh! Nhưng mình vẫn
cố gắng trở thành người mà mình mong muốn, con người thật của mình nếu như.. nếu
như không ai khác trên thế giới.
Quyển nhật ký chấm
dứt tại đây.
Sơ đồ căn gác xép ẩn náu của Ann Frank
***