Người tthuờng nói, “có đầu thì phải có cuối”.
Mọi sự nếu đã bắt đầu thì thế nào, không chóng thì chầy, cũng phải đi đến đoạn kết thúc. Đó là lẽ thường tình, mọi người sống trên thế gian này đều phải ung dung chấp nhận, dù đó là một doạn kết mình không mong muốn!
Bao lâu nay chúng ta sống trong đại dịch, một sự khởi đầu bất ngờ, ngoài ý muốn. Con virus Corona đến và đã đảo lộn cuộc sống của chúng ta nhưng thế nào nó cũng phải “bốc hơi”… vào một ngày nào đó.
Nếu mai này hết dịch, mọi người thở phào nhẹ nhõm đón nhận một cái kết “có hậu” dù trước đó Covid-19 đã từng gieo rắc biết bao thảm cảnh chia lìa người thân và đã khiến chúng ta phải từ bỏ mọi thói quen hằng ngày. Quan trọng hơn cả là thay đổi quan niệm sống mà trước đây chúng ta cứ tưởng là… bất di, bất dịch!
Mỗi người đón nhận “đoạn kết” của đại dịch theo hoàn cảnh riêng của mình.
Riêng tôi phải chấp nhận cái ý tưởng “Giã từ… Hoda !!!” có lẽ là… không giống ai. Tôi ngồi trên yên Honda từ năm tròn 20 tuổi. Tôi mua chiếc xe Honda SS50 bằng số tiền để dành 36.000 đồng năm 1968 từ những tháng lương đầu tiên đi làm.
Tôi còn nhớ, ngày đầu
tiên đến nhà thương bằng chiếc Honda “mới
đập thùng” ai cũng trầm trồ, ngắm nhìn, xờ mó. Thậm chí anh y tá người Mỹ
còn đòi cho “đi thử” một vòng quanh bệnh viện vì trước khi đi quân dịch anh
cũng có một chiếc motorbike ở quê nhà!
Hàng ngày, chiếc Honda cùng tôi đến trường Sinh ngữ từ năm 1969 và cũng đã rong ruổi khắp Sài Gòn trong những ngày cuối tuần. Dạo đó, lưu thông trên đường phố Sài Gòn không như ngày nay, người người nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông.
Tuy vậy, bạn cũng có thể chứng kiến những màn đua xe nếu ra xa lộ nối liền với Biên Hòa. Thỉnh thoảng vẫn có các “yên hùng ngựa sắt” nằm rạp mình phóng xe với tốc độ tối đa cho… “thỏa chí”. Lại có những anh đua với “xe be” chở gỗ dài thườn thượt, có những kẻ “liều mạng” còn chui xuống gầm xe để “giỡn mặt với tử thần” trong gang tấc!
Hồi đó có câu quảng
cáo trên đài phát thanh cho xe gắn máy của Nhật là phương tiện giao thông “an toàn trên xa lộ… thanh lịch trên đường
phố” của các hãng xe Honda, Suzuki, Yamaha, Bridgestone… Đó là chưa kể đến các
dòng xe của Ý hay Pháp cũng có mặt trên khắp nẻo đường.
Bạn hãy tưởng tượng trên chiếc Honda 67 có một gia đình 6 người đi từ Lăng Cha Cả đến Bệnh viện Sài Gòn, trước chợ Bến Thành trong buổi sáng ngày 29/4/1975. Đó là gia đình tôi với 4 con nhỏ, đứa nhỏ nhất hãy còn ẵm ngửa, “chạy giặc” về một nơi an toàn nhất sau khi phi trường Tân Sơn Nhất bị… bỏ bom.
Cũng với chiếc Honda 67, tôi chạy và Tổng Tham Mưu (TTM) để “ứng chiến” cùng một số bạn bè đang biệt phái cho Tổng cục Quân huấn. Và đến sáng ngày 30/4/1975 tôi lại cùng Honda ra khỏi TTM với bộ quần áo dân sự. Khi đó có một trận mưa rào, dường như để báo hiệu một cuộc… đổi đời đầy nước mắt!
Xăng rất khó mua
trong thời điêu linh nên chiếc Honda của tôi ”trùm mền” trong nhà là chính. Chiếc
xe vẫn cứ nằm đó trong suốt 3 năm chủ nó đi… học tập cải tạo. Đến khi trở về, tôi
tiễn chiếc Honda ra chợ trời để đổi lấy tiền mua lương thực, thực phẩm cầm hơi.
Một người bạn trong trại cải tạo bán lại cho tôi chiếc Honda 90 với giá “hữu nghị”. Xe 90 phân khối trông ghồ ghề nếu so với anh Honda 50 ngày nào. Sau này mới biết loại xe Honda 90 đã được “âm thầm” chuyển vào “mật khu” để các chú bộ đội sử dụng. Nó chạy rất khỏe tại địa thế rừng núi!
Đến khi công việc làm ổn định và có mức sống khá hơn, tôi nhường lại chiếc Honda 90 cho một nhân viên trong tòa soạn báo để tậu một chiếc Hoda Dream làm phương tiện đi lại. Rồi lại thực hiện tiếp một cuộc “cách mạng” trong việc đổi xe bằng cách rước một “con” Suzuki Viva.
Chán Suzuki tôi lại
quay về với “người tình cũ”, nàng có tên Honda Airblade. Lúc này tôi đã về hưu
nên việc đưa dón cháu ngoại đang học năm cuối cấp trung học là công việc việc
chính. Mối liên lạc giữa tôi và cháu (giờ đã sang Úc) có thể nói là “thắm thiết”
với những buổi đưa đón cháu ở trường và cả những buổi học thêm chuẩn bị cho cuộc
thi tốt nghiệp.
Hai ông cháu đã có những buổi đị từ trường đến McDonalds ăn lót dạ vào buổi chiều vì sau đó cháu phải đến lớp học thêm, không kịp về nhà. Và cũng chính thời gian đó, một “bi kịch” đã xảy ra cho chiếc Airblade của tôi.
Hôm đó tôi ghé Lotteria ngồi uống nước chờ cháu tan buổi học thêm, xe để trước tiệm nhưng lại không có dịch vụ giữ xe! Đến lúc chuẩn bị đi đón cháu thì… “chiếc xe không cánh mà bay!”.
Tôi nghĩ ngay đến việc vào công an phường làm đơn cáo mất… nhưng điều làm tôi lo lắng nhất là giấy tờ tùy thân, kể cả giấy tờ xe, tôi để trong “cốp” của chiếc Honda. Đó là điều mà người ta khuyên “không bao giờ để những vật quý giá trong “cốp” xe!”.
Thật may ngoài sức tưởng tượng, chỉ hai hôm sau tôi nhận được điện thoại từ công an phường báo lên nhận xe đã mất! Thì ra công an đang theo dõi một “ổ” trộm xe trên địa bàn phường và chiếc xe của tôi nằm trong số tang vật của những tên… “quái xế”!
Đúng là một chuyện
hi hữu “có một không hai”. Nhận xe về
mà tôi vẫn tưởng như trong giấc mơ không có thật. Anh con rể lại đưa ra ý kiến,
chiếc Airblade lúc này đã quá nặng nề so với sức khỏe của người già… chi bằng
mua cho ba chiếc Yamaha Grande nhỏ hơn lại vừa dễ điều khiển hơn.
Thế là tôi làm quen
với Yamaha từ đó cho đến ngày giãn cách vì đại dịch. Sau gần 2 tháng lockdown,
chiếc xe được “trùm mền” nhưng điều quan trọng là tôi thấy sức khỏe mình ngày
càng sa sút với số tuổi ngoài 70 trong những ngày giãn cách.
“Lực bất tòng tâm” cho dù tôi vẫn có thể ngồi trên chiếc xe gắn máy, đi thật chậm rãi nhưng biết đâu được, một ngày nào đó có một thanh niên phóng bạt mạng trên đường và va phải một ông già lụ khụ?
Nếu mai này hết dịch
tôi quyết định “Giã từ… Honda !!!”
sau hơn nửa thế kỷ lăn lộn với “con ngựa
sắt” trong cuộc đời.
Không biết nên vui hay buồn? Thật tình, tôi chỉ cười một mình để an ủi mình và những người thân đang lo cho ông già phải “xuống đường” với một bầy xe cộ tranh nhau từng cen-ti-mét, chẳng ai chịu nhường ai để chóng… đến nhà thương.
Có vài câu thơ để diễn tả tâm trạng của tôi lúc này. Thơ rằng:
“Hơn nhau chỉ ở nụ cười
Vượt qua nghịch cảnh kiếp người đa đoan.
Cười trong hoạn nạn bất toàn,
Cười lên để thấy cuộc đời… vẫn vui!”