Thứ Tư, 30 tháng 1, 2019

Khóc & Cười với những con số


Những con số thoạt nhìn chỉ là… “những con số vô tri, vô giác”. Ấy vậy mà chúng lại đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Năm hết Tết đến, mọi người đều được tạo hóa ban cho 1 tuổi. Con số 1 đó mang nhiều ý nghĩa với từng người. Trẻ con thì mừng vì được mặc quần áo mới, được “lì xì”, được nghỉ học để vui chơi. Bé thơ nhìn cuộc đời chỉ thấy toàn màu hồng, ước gì cứ mãi mãi là… con nít!

Cứ mỗi năm thêm 1 tuổi. Mỗi năm mỗi lớn để trờ thành thanh niên nam nữ với nhiều hoài bão về tình yêu, về cuộc đời phía trước. Ai cũng muốn mình có một gia đình hạnh phúc với người vợ hiền, chồng tốt, đàn con ngoan dưới một mái nhà ấm cúng. Vào tuổi này, tình yêu là chính, tình yêu là “số một”, đứng trên mọi thứ khác!   

Thế nhưng, càng “thêm một tuổi” chúng ta lại càng thấy đời không đẹp như mơ nếu so với những người bạn “đồng tuế” đang phát lên vùn vụt với chức vụ, bổng lộc ngày một thăng tiến. Những người “kém may mắn” thất vọng vì vị trí của mình trong xã hội nhưng rồi cũng tự an ủi: “Trông lên thì chẳng bằng ai… nhưng mà nhìn xuống thì lại chẳng ai bằng mình”! 

Thoắt một cái, tuổi già sồng sộc kéo đến và bỗng ta nhìn lại đời mình chỉ toàn thấy… rong rêu! Biết trách ai bây giờ? Chuyện “mỗi năm một tuổi” chắc chắn phải có mặt trong đám trùng trùng lớp lớp nguyên nhân của một… “thất bại toàn tập”.

Thế đấy! Con số vô tri vô giác cứ ngày một tăng trong khi tình yêu đời ngày một giảm, tuổi tác ngày một cao đến độ “chạm đáy” hoặc “đạt đỉnh”. Kết quả của những số tuổi tích lũy trong đời hình như tỷ lệ nghịch với cuộc đời. Người ta lại an ủi: “Ai cũng có số cả… giầy dép còn có số, nói chi đến con người!”

Nói đi cũng phải nói lại về những con số. Người chơi số đề sẽ chọn cho mình những con số may mắn để hy vọng sẽ được “đổi đời”… trúng lớn! Khi trúng rồi những con số đó trở thành “cứu tinh” mà nếu lỡ có trật, ta lại tiếp tục nuôi con số khác để nuôi hy vọng.

Những con số “vô tri, vô giác” có thể mang lại tiếng cười rạng rỡ khi trúng… nhưng phần lớn lại mang đến tiếng khóc thầm của những người “nuôi số” đến độ tán gia bại sản vì lỡ lạc vào… “thế giới số”.

Ở một tầm nhìn rộng lớn hơn, những con số trong cuộc sống hàng ngày cũng mang lại tiếng khóc, tiếng cười của những người trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Chúng tôi trích lại một số tranh vui trên Tuổi Trẻ Cười nhân cuối năm Bính Tuất để chúng ta mừng năm mới Kỷ Hợi.

Tranh vui dưới đây được sắp xếp theo thứ tự con số từ nhỏ đến lớn, từ bách phân đến thập phân. Các đơn vị đi sau những con số đó có thể là tiền, là người, là Km và thậm chí còn là… bát phở. Cũng cần phải nói thêm, đây là những con số của thực tế trong năm qua được các phương tiện truyền thông “lề phải” đề cập đến một cách “nghiêm túc”.

***

Trên báo Pháp Luật (http://plo.vn/kinh-te/chi-co-063-khach-quoc-te-khong-hai-long-voi-du-lich-vn-786063.html) đưa tin chỉ có 0,63% du khách quốc tế chưa hài lòng khi đi du lịch Việt Nam. Đây là con số khảo sát của Tổng cục Du lịch được tiến hành với 27.000 phiếu theo phương pháp chọn mẫu tại 12 cửa khẩu quốc tế trên cả nước (bốn cửa khẩu đường hàng không, bốn cửa khẩu đường bộ và bốn cảng biển).

Nếu chỉ căn cứ vào tỷ lệ 0,63% du khách nước ngoài không hài lòng thì thật là đáng mừng. Tuy nhiên, những người làm du lịch Việt Nam từng lo ngại khi 60% khách du lịch nước ngoài không quay lại. Bên cạnh đó, con số 40% lượng khách quay trở lại vẫn hết sức chênh lệch với các quốc gia láng giềng như Thái Lan 82%, Singapore 89%. 

 Chỉ có 0,63% du khách nước ngoài không hài lòng…

Báo Công an Nhân dân trong bài viết “Điểm thi cao bất thường ở Hà Giang: “Lỗ hổng” trong chấm trắc nghiệm?” (http://cand.com.vn/giao-duc/Tu-nghi-van-diem-thi-bat-thuong-tai-Ha-Giang-Co-hay-khong-lo-hong-trong-cham-thi-trac-nghiem-501185/) có đoạn viết:

“Có 5 dấu hiệu bất thường trong điểm thi Trung học Phỗ thông quốc gia năm 2018 của tỉnh Hà Giang. Cụ thể, số thí sinh cả nước là 925.000, thí sinh của Hà Giang là 5.500, tức cả nước gấp 170 lần Hà Giang…

“Tuy vậy, trong số thí sinh đạt trên 27 điểm khối A (Toán-Lý-Hoá) cả nước là 82 em thì Hà Giang có 29 em, một con số quá ngoạn mục. Số thí sinh đạt trên 27 điểm khối A1 (Toán-Lý-Anh) của cả nước là 76 thí sinh thì Hà Giang có 36, gần bằng một nửa…”

“Về cá nhân, Hà Giang bất ngờ dẫn đầu cả nước khi có tới 3/11 thủ khoa thi THPT quốc gia 2018, vượt qua rất nhiều địa phương có truyền thống hiếu học khác...

Như vậy là 1 chấp 170: thí sinh cả nước đông gấp 170 lần thí sinh Hà Giang, song tất cả đành chịu thua khi một mình Hà Giang chiếm 47% số thí sinh đạt 27 điểm trở lên!

Thí sinh Hà Giang: 1 chấp 170

Trên báo Vietnambet.vn có tin Chủ tịch huyện Thanh Miện (Hải Dương) vừa ký văn bản về việc tạm dừng thi công dự án xây dựng khu dân cư xã Đoàn Tùng với lý do:

“Sau hơn 1 năm triển khai dự án, nhiều hộ dân có đất thuộc diện thu hồi vẫn không đồng tình với phương án đền bù đưa ra là 70 nghìn đồng/m2 đất. Vẫn còn 45/141 hộ chưa chấp nhận mức giá đền bù và liên tục gửi đơn khiếu nại đến các cấp có thẩm quyền, yêu cầu được giải quyết thỏa đáng…

Như vậy, tính ra 2 bát phở tương đương với giá tiền đền bù cho 1m2 đất thu hồi để làm dự án ở xã Đoàn Tùng (https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/moi-truong/den-bu-dat-khong-bang-2-bat-pho-hai-duong-tam-dung-du-an-457033.html) 

2 bát phở tương đương với… tiền đền bù cho 1m2 đất!

Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo Chính phủ và Chính quyền địa phương nhằm lấy ý kiến để sửa luật Tổ chức Chính phủ và Luật Chính quyền địa phương. Đề cập đến bộ máy này, ông Phạm Duy Nghĩa, Đại học Fulbright Việt Nam, dẫn số liệu của Bộ Nội vụ:

“Số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách ước tính là 11 triệu người, trong đó ở cấp khóm, xóm, tổ dân phố, xã, phường là 1,3 triệu người”. Ông Nghĩa kết luận:

“Nếu số liệu đúng như vậy thì về đại thể, cứ bình quân 9 người dân Việt Nam phải nuôi 1 người làm việc, hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách. Nước ta nghèo và yếu, một phần cũng bởi hiện trạng này…”


Cứ 9 người dân nuôi một cán bộ

Chuyện sau đây chắc phải… cười ra nước mắt. Trong suốt 10 năm với 11 cuộc thanh tra mà không phát hiện ra sai phạm vụ đại án Ngân hàng Đông Á, gây thiệt hại 3.600 tỉ đồng! Chủ tọa phiên tòa gay gắt hỏi đại diện của Ngân hàng Nhà nước (NHNN):

“Với nghiệp vụ của NHNN, năm nào cũng kiểm tra mà lại không phát hiện ra việc tăng vốn bằng nguồn vốn không hợp pháp, vậy trách nhiệm của người thuộc NHNN và cơ quan Thanh tra trong việc kiểm tra thế nào?”

Đại diện NHNN cho rằng ở góc độ quản lý đã làm đúng trách nhiệm nhưng vì thủ đoạn của Trần Phương Bình và các đồng phạm quá tinh vi nên không thể phát hiện ra:

“Hành vi phát sinh lâu dài nhưng nghiệp vụ chuyên môn rất khó phát hiện. Khi đề nghị khởi tố vụ án phải trải qua nhiều lần thanh tra và kiểm quỹ mới phát hiện”


Suốt 10 năm với 11 cuộc thanh tra mà vẫn không phát hiện ra sai phạm

Sau hơn 1 tháng thanh tra, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có kết luận về vụ lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) Lê Mạnh Hùng ký bổ nhiệm đồng loạt 67 cán bộ quản lý vào ngày 19/6/2018 trước khi nghỉ hưu.


“Bộ GTVT yêu cầu ACV khắc phục những tồn tại, hạn chế và rà soát để quy định theo hướng tinh gọn bộ máy tổ chức, giảm dần cấp trung gian; tăng cường phân cấp quản lý cán bộ xuống cơ sở để gắn trách nhiệm với cấp uỷ, người đứng đầu đơn vị; đồng thời phải có quy định rõ về chế độ trách nhiệm và kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thi hành quy chế, quy định nội bộ”.

Bổ nhiệm 67 cán bộ trong 1 ngày trước khi nghỉ hưu

Mặt trận BOT cũng không yên tĩnh. 150Km là khoảng cách giữa trạm thu phí Sông Phan (Bình Thuận) và công trình BOT cầu Đồng Nai (Đồng Nai), việc đón lõng ngoài... “7 tầm đại bác” (70 Km) đã gây nhiều bức xúc dư luận. Báo Người Lao Động phân tich trang bài “BOT cầu Đồng Nai: Ưu ái và giả dối!” (https://nld.com.vn/thoi-su/bot-cau-dong-nai-uu-ai-va-gia-doi-20180323205056911.htm):

“Một trong những kết quả kiểm toán được Kiểm toán Nhà nước "bóc mẽ" là số tiền hơn 176 tỉ đồng mà chủ đầu tư có được sau 5 năm 6 tháng thu phí từ trạm thu phí Sông Phan (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) cách cầu Đồng Nai đến… 150 km nhưng lại không đưa vào sổ sách của phương án tài chính. Việc này làm tăng chi phí vốn đầu tư, tăng tỉ lệ chiết khấu dự án và là nguyên nhân làm tăng thời gian hoàn vốn của dự án”.

150 Km dàn chào

Báo Thanh Niên đưa tin: “Một bệnh nhân đi 250 km chỉ để bổ sung 2 chữ 'hồ sơ'... và đoạn kết: kỷ luật giám đốc chi nhánh và cán bộ tham vấn (https://thanhnien.vn/thoi-su/vu-benh-nhan-di-250-km-chi-de-bo-sung-2-chu-ho-so-ky-luat-giam-doc-chi-nhanh-va-can-bo-tham-van-1003294.html).

Trước đó, trao đổi với phóng viên báo Thanh Niên, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Kiên Giang cho biết ngay sau khi Báo Thanh Niên phản ánh, lãnh đạo BHXH tỉnh đã đến gặp người bệnh để xin lỗi và mong được thông cảm cho sự việc đã xảy ra. Giám đốc BHXH tỉnh cho biết:

“Ông Huỳnh Văn Đức, cán bộ chính sách BHXH chi nhánh Huyện Tri Tôn, là người đã tham vấn sai cho bệnh nhân. Tuy mới chỉ tham vấn, chưa nhận hồ sơ từ bệnh nhân nhưng việc làm của ông Đức gây ra hậu quả nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến BHXH tỉnh và BHXH Việt Nam nên phải… xử lý nghiêm”.

Đi 250 Km chỉ để bổ sung 2 chữ… 'hồ sơ'

Và cuối cùng, con số 400.000 đồng là tiền công một lần đánh giầy cho một khách du lịch người nước ngoài. Theo Đại Kỷ Nguyên TV, ở quanh khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, tồn tại khoảng 20 đối tượng gồm cả nam, nữ thường xuyên dàn cảnh trấn lột du khách nước ngoài như chốn không người.


“… thấy khách vừa cầm mấy tờ 500.000 đồng trên tay, Thêm “đen” giở chiêu rút 2 tờ 50.000 đồng thối lại và ép khách đưa 500.000 đồng… Trong những ngày đeo bám ổ trấn lột này, phóng viên đã ghi nhận rất nhiều người dân, trong đó có cả các bạn trẻ, biết về việc hàng ngày có vô số du khách uất ức vì bị trấn lột tại khu vực này với những chiêu thức khác nhau, nhưng tất cả đều không dám lên tiếng vì sợ bị trả thù…”

400.000 đồng là tiền công một lần đánh giầy!

Hóa ra những con số kể trên hoàn toàn biết nói. Có điều là chúng ta không biết nên khóc hay nên cười với những con số… “vô tri, vô giác” này?

***

--> Read more..

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2019

Lâm Ngữ Đường & "Sống Đẹp"

Lâm Ngữ Đường (Lin Yutang, 1895-1976), nhà văn nổi tiếng người Trung Hoa nhưng lại viết bằng tiếng Anh để bàn về nghệ thuật, văn hóa và nhân sinh quan của người Trung Quốc. Chào đời tại tỉnh Phúc Kiến trong gia đình của một mục sư Cơ Đốc nhưng đến tuổi trưởng thành ông từ bỏ niềm tin truyền thống của gia đình để đến với Khổng giáo và Phật giáo.

Lâm Ngữ Đường… thời thơ ấu

Hơn ba mươi năm sau, Lâm Ngữ Đường quay trở lại với Cơ Đốc giáo. Trong tác phẩm “From Pagan to Christianity” (1959) ông viết:

“Trở về với Kinh Thánh, tôi thấy Kinh Thánh không chỉ là quyển sách ghi lại những dữ kiện lịch sử, nhưng cũng ghi lại sự mặc khải chính xác qua Chúa Giê-xu; chính sự mặc khải đó đã đem Thượng đế xuống ngang tầm mắt tôi để tôi có thể nhận biết Ngài."

Lâm Ngữ Đường đậu bằng cử nhân tại Đại học St John (Thượng Hải), rồi nhận học bổng bán phần cho chương trình tiến sĩ tại Đại học Harvard (Hoa Kỳ). Cuộc đời của ông bắt đầu khám phá thế giới Phương Tây dù những ngày ở Harvard không trọn vẹn vì học bổng bị cắt nửa chừng.

Từ Hoa Kỳ ông và vợ lưu lạc sang Pháp và lấy bằng Tiến sĩ Ngôn ngữ học tại Đại học Jena ở Leipzig (Đức) năm 1923. Khoảng thời gian 1923-1926, ông về lại Trung Quốc và dạy văn chương Anh tại Đại học Bắc Kinh.

Lâm Ngữ Đường (1895-1976)

Năm 1928, Lâm Ngữ Đường đến sống tại Hoa Kỳ. Ông dịch các tác phẩm Trung Hoa sang tiếng Anh, những loại sách này rất được yêu thích tại đây. Theo gợi ý của nhà văn Pearl Buck, năm 1935 ông viết “My Country and My People”, tác phẩm miêu tả một cách tinh tế và thẳng thắn tính cách cùng não trạng của người Trung Quốc.

Tác phẩm này được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau đồng thời khiến Lâm Ngữ Đường trở thành nhà văn Trung Hoa đầu tiên có tên trong danh sách các tác giả có sách bán chạy nhất của tờ New York Times. 

Lâm Ngữ Đường và nhà văn Pearl Buck (hình chụp tháng 12/1942)

Năm 1937, tác phẩm “The Importance of Living” với văn phong ý nhị chiếm một vị trí mổi bật trong bản liệt kê “best seller” tại Hoa Kỳ. Tiếp đến là các tác phẩm “Between Tears and Laughter” (1943), “The Importance of Understanding” (1960), “The Chinese Theory of Art” (1967), “Moment in Peking” (1939), “The Vermilion Gate” (1953).

Năm 1954, Lâm Ngữ Đường được mời đến Singapore giữ chức Viện trưởng Đại học Nangyang mới được thành lập và chưa đi vào hoạt động. Sáu tháng sau ông quay lại Pháp sau khi những sáng kiến của ông không được thực hiện, và đại học tân lập này vẫn chưa hoạt động. Từ năm 1965, Lâm Ngữ Đường và vợ đến sống ở Đài Loan.

 Lâm Ngữ Đường và vợ, Liêu Thúy Phượng, tại Đài Loan

Sau khi mất, Lâm Ngữ Đường được an táng tại nhà riêng ở Dương Minh Sang, Đài Bắc, Đài Loan. Ngôi nhà này hiện là Thư viện Tưởng niệm Lâm Ngữ Đường, trong khi ngôi nhà của Lâm Ngữ Đường ở Ban Tử (Trung Quốc), nơi ông chào đời, cũng trở thành viện bảo tàng.

Mộ Lâm Ngữ Đường tại Đài Loan

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ bàn đến tác phẩm “The Importance of Living”, được Lâm Ngữ Đường sáng tác bằng tiếng Anh tại Hoa Kỳ năm 1937. Học giả kiêm dịch giả Nguyễn Hiến Lê đã dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Một quan điểm về sống đẹp”, thường được biết đến qua hai chữ “Sống Đẹp”.

Ngay phần mở đầu bản dịch của tác phẩm, Nguyễn Hiến Lê viết: “Tôi đã đọc nhiều cuốn viết về Nghệ Thuật Sống nhưng không cuốn nào có một tầm quan trọng và làm cho tôi suy nghĩ nhiều bằng cuốn này”.

Lý do dịch giả đưa ra thật đơn giản. Các nhà văn Phương Tây thường đưa ra những qui tắc thực tế về cách xử thế và làm việc, cho nên tuy hữu ích thật nhưng không để lại nhiều dư âm trong suy nghĩ của người đọc. Ngược lại, những nhà văn Phương Đông thường có một cái nhìn bao quát hơn để người đọc tự hình dung và tự tìm lấy kết luận.

Học giả & Dịch giả Nguyễn Hiến Lê

Nguyễn Hiến Lê cho rằng tác giả Lâm Ngữ Đường đưa ra một cái nhìn bao quát về cuộc sống vì chỉ có sống mới là quan trọng. Người ta thường quên, dù mình làm việc hay tiêu khiển, dù mình trau dồi tâm trí, dựng nên những học thuyết triết lí, xã hội, kinh tế hay chính trị... cũng chỉ để phục vụ sự sống, để duy trì đời sống, cải thiện nó, làm cho nó phong phú lên, dễ chịu hơn, cao đẹp hơn.

Thế cho nên, Nguyễn Hiến Lê khẳng định trong lời tựa của bản dịch năm 1964 tại Sài Gòn: “… Những cuốn sách khác chỉ bàn về “kỹ thuật sống”… riêng cuốn của Lâm Ngữ Đường mới xét về “nghệ thuật sống”…

Công việc dịch thuật của dịch giả cũng gặp một trở ngại lớn là không tìm ra được nguyên tác bằng tiếng Anh của tác phẩm “The Importance of Living” nên ông phải dùng  
bản tiếng Trung “Sinh hoạt đích nghệ thuật” do Việt Duệ dịch (nhà xuất bản Thế giới Văn hóa - 1940) và bản tiếng Pháp “L’importance de vivre” của nhà Correa năm 1948.

Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, tác phẩm “Sống Đẹp” của Lâm Ngữ Đường
(Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin)

“Sống Đẹp” gồm 14 Chương và được dàn trải qua các vấn đề liên quan đến cách sống. Những vấn đề đó bao gồm nhân sinh quan về cuộc sống, quan niệm sống của người Hy Lạp và Trung Hoa, vấn đề tôn giáo, chuyện chính trị, những vấn đề về hạnh phúc như chủ nghĩa độc thân, óc tưởng tượng, tinh thần hài hước…

Bên cạnh những vấn đề lớn còn có những khía cạnh nhỏ nhặt nhưng không kém phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày như nghệ thuật đọc sách, nghệ thuật viết văn hay cái thú khi đi du lịch...

Tất cả những vấn đề nhỏ cũng như lớn trong cuộc sống được tác giả trình bày bằng một bút pháp “tự nhiên như hơi thở” chứ không mang tính các hàn lâm như ta thường thấy trong các tác phẩm “học làm người”. Đó cũng là lý do tại sao tác phẩm của Lâm Ngữ Đường lại trở thành “best seller” trong thế giới Phương Tây.

Ấn bản “The Importance of Living”, năm 1938

Bàn về tính hài hước, họ Lâm cho rằng tính này lại liên quan mật thiết với tinh thần thực tế. Hài hước có khi là độc ác vì làm cho người ta vỡ mộng, nhưng chính nhờ vậy mà ta khỏi đâm đầu vào bức tường đá của thực tế. Hài hước cũng làm giảm cái nhiệt tâm của người ta, nhưng nhờ vậy mà người ta mới thọ.

“Chỉ biết thực tế mà không biết hài hước, tức là loài vật.
Biết mộng tưởng mà không biết hài hước thì là cuồng nhiệt.
Biết thực tế và biết mộng tưởng là có lí tưởng.
Biết thực tế và biết hài hước là có óc bảo thủ.
Biết mộng tưởng lại thêm óc hài hước thì là mộng.
Biết thực tế, biết mộng tưởng, lại biết hài hước là biết mình”.

Lâm Ngữ Đường kể một câu chuyện hài hước nhưng khi đọc xong, sự “tiếu lâm” đó lại gây cho người đọc nhiều suy nghĩ: 

“Một người bị giam ở địa ngục, sắp được đầu thai, tâu với Diêm Vương: “Như quả Đại Vương muốn cho tôi trở về dương gian, thì tôi xin được vài điều kiện”. Diêm Vương hỏi: “Điều kiện nào?”. Người đó đáp: “Tôi xin được làm con một vị Tể tướng, làm cha một vị Trạng nguyên; tôi xin được một ngôi nhà ở giữa một khu đất vạn mẫu, có ao thả cá, có đủ loại trái cây; lại xin có một người vợ rất đẹp và nhiều tì thiếp diễm lệ, hết thảy đều ngoan ngoãn chiều chuộng tôi; lại xin châu bảo chất đầy phòng, lúa chất đầy lẫm, tiền bạc chất đầy rương, mà tôi thì được làm công khanh, một đời vinh hoa phú quí, sống lâu trăm tuổi”. Diêm Vương đáp: “Trên dương gian mà có được con người như vậy thì ta đây đã đầu thai thay ngươi rồi !”.

Lâm Ngữ Đường là một học giả nghiêm túc...
nhưng ông cũng có những nét khôi hài thật dí dỏm

Bàn về cá tính trái ngược của người Phương Đông và người Phương Tây, Lâm Ngữ Đường phân tích:

“Triết gia Trung Hoa nhìn đời y như thi nhân, triết lí của họ giống thơ hơn là giống khoa học, trái hẳn với phương Tây. Nhờ họ cảm mạnh được nỗi vui buồn, sự thăng trầm của đời sống nên họ mới có được một triết lí vui vẻ. Thấy ngày xuân thấm thoát mà người ta cảm được cái bi kịch của nhân sinh; nhìn hoa nở rồi tàn mà người ta động mối thương tâm. Mới đầu người ta buồn rầu, chán ngán rồi sau giác ngộ và mỉm cười tinh ranh như một triết gia lão thành”.

Người Hi Lạp ý thức rằng “đã làm người thì phải chết”, một đôi khi còn phải chịu một định mạng cay nghiệt nữa. Nhưng xét về đại thể, người Hi Lạp yêu đời sống và vũ trụ. Họ dùng khoa học để khám phá thế giới vật chất, họ cũng cố tìm trong vũ trụ Chân – Thiện – Mỹ.

Trong khi đó, người Trung Hoa cho con người là “vạn vật chi linh”. Khổng giáo thậm chí còn đặt con người ngang hàng với Trời, Đất nữa. Đàn ông hay đàn bà, ai cũng có tính dục, cũng biết đói, biết khát, cũng có lúc sợ, lúc giận dữ, cũng chịu cảnh đau ốm, khổ não và cũng chết. Tác dụng của văn hóa theo Khổng giáo là điều hòa những nhiệt tình cùng dục vọng đó. Một khi điều hòa được thì con người cũng ngang hàng với Trời và Đất.

Lâm Ngữ Đường còn thi vị hóa cuộc sống như… “một bài thơ”. Bài thơ đó có đầy đủ niêm luật, tiết điệu và có cả “những chu kỳ thịnh suy của nó”.

“Mới đầu là tuổi nhỏ ngây thơ rồi tới tuổi xuân vụng về, ráng thích ứng với xã hội, nhiều nhiệt tình, nhiều tham vọng, dại dột mà có lí tưởng. Tiếp tới một tuổi hoạt động kịch liệt, rút được nhiều kinh nghiệm trong xã hội và về bản chất con người. Tuổi trung niên, hoạt động giảm đi, tính tình dịu đi, như một trái cây đương chín hoặc một thứ rượu ngon đã hết nồng, đối với nhân sinh lần lần có một quan niệm khoan dung hơn, ôn hòa hơn, nhưng cũng ngạo nghễ hơn, “bất chấp” hơn.

“Rồi tới khi bắt đầu xế bóng, các hạch nội tiết hoạt động giảm đi, chúng ta mới thật là có được cái triết lí của tuổi già, cái tuổi hòa bình, ổn định, nhàn dật mà mãn nguyện. Sau cùng, sinh mệnh tàn lụi và ta ngủ một giấc vĩnh viễn. Đáng lẽ, người ta phải nhận được cái đẹp của những nhịp điệu đó trong đời sống như nhận được cái đẹp trong những bản đại hòa tấu…

“Một vài người tấu vụng, nhiều âm không điều hòa, mỗi lúc một lớn mãi lên, át hẳn cả điệu chính, có khi còn làm cho khúc nhạc phải ngưng lại và người đó phải nhảy xuống sông hoặc bắn một phát súng vào đầu mình. Chỉ tại những người đó thiếu sự giáo dục, chứ bình thường thì đời người phải tiến trong một cuộc vận chuyển rất mực nghiêm túc…”

(hết trích)

Lâm Ngữ Đường: “Trong tất cả những quyền của phụ nữ, quyền lớn nhất là được làm mẹ”

***

Trong tập “Hồi ký” của mình (Nhà xuất bản Văn học – 1993) dịch giả Nguyễn Hiến Lê kể lại chuyện một người bạn là Bác sĩ Trần Văn Bảng (cùng học trường Bưởi) đã làm một bài thơ 5 đoạn có tên là “Sống đẹp” sau khi đọc Lâm Ngữ Đường. Có một đoạn được ông coi là hay nhất nên trích lại:

“Đây tư tưởng chín tầng mây siêu việt
Sang sảng nghe tiếng nói của thánh hiền
Ngọc chuốt, châu gieo, lời vàng, ý thép
Khiến tâm linh hoan lạc cõi vô biên”

Một độc giả đã bình luận tác phẩm “Sống Đẹp” một cách ngắn gọn nhưng thật xúc tích:

“Đọc quyển sách này rồi thì có thể sau đó các bạn sẽ nghĩ khác đi... thậm chí sẽ sống hơi khác đi một chút!”. 

***

--> Read more..

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2019

Bài học về một cuộc chiến thầm lặng

Đã gọi là “một cuộc chiến” thường thì phải nghe tiếng súng, tiếng hò hét vì những mục tiêu như đất đai, hay rộng hơn là về ý thức hệ. Bài viết này không nói đến những cuộc chiến đó. Trái lại, đây là một cuộc chiến thầm lặng, xảy ra tại Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 19 và kéo dài đến 13 năm.

Đó là thời kỳ mà người Mỹ gọi là “Prohibition”, hay còn được hiểu là “Luật cấm rượu”, còn có tên “Dry Amendment” (Tu chính án Khô khan… vì khô không rượu). Ngày 16/01/1919 đã có 36 tiểu bang thông qua Luật Cấm Rượu và đến ngày 29/11/1920 Tu chính án thứ 18 được Quốc hội chính thức thông qua. Đến ngày 5/12/1933 luật này bị bải bỏ bởi tu chính án thứ 21.

Ngày 16/01/1919 đã có 36 tiểu bang thông qua Luật Cấm Rượu

Luật Prohibition nghiêm cấm trên phạm vi toàn nước Mỹ mọi việc có liên quan đến “sản xuất, bán hoặc vận chuyển các loại đồ uống có cồn độc hại nhằm mục đích giải khát”.
Bất chấp sự phủ quyết của Tổng thống Woodrow Wilson, đạo luật này quy định việc thi hành lệnh cấm trên toàn nước Mỹ, bao gồm việc thành lập một đơn vị thực thi lệnh cấm của Bộ Tài chính.

Mục đích của luật cấm rượu là muốn tạo một xã hội lành mạnh, không bị ảnh hưởng bởi những tệ nạn do rượu gây ra. Luật cấm rượu ra đời trong bối cảnh nước Mỹ vừa thoát ra khỏi Đệ nhất Thế chiến (1914-1918) và nó cũng nhắm vào những người nấu rượu mà đa số là di dân người Mỹ gốc Đức.

Xã hội Mỹ thời đó bị phân hóa bởi hai phe: họ là những người “ướt át” (wet), những bợm nhậu cần một thứ “đưa cay” cho đời lên hương sau một ngày làm việc mệt mỏi. Họ phản đối kịch liệt lệnh cấm.

“Tôi không là con lạc đà… tôi muốn bia”

Ở một thái cực khác là những người ủng hộ lệnh cấm, họ (phần đông là phụ nữ), là những người chủ trương một cuộc sống không rượu, hay còn được gọi là “khô khan” (dry). Một trong những khẩu hiệu cổ súy lệnh cấm rượu nghe thật hấp dẫn: “Ngày nào cũng là Ngày Chủ nhật khi thị trấn khô khan [không rượu]”.


Một trong những bích chương phụ nữ ủng hộ lệnh cấm một cách cực đoan và thật dễ thương: “Môi đã đụng vào rượu sẽ không đụng vào môi của chúng tôi”!

Phụ nữ bên bích chương ủng hộ Luật Cấm Rượu

Biểu quyết một đạo luật xem ra dễ dàng hơn việc thi hành đạo luật đó. Theo luật cấm rượu, các bác sĩ được quyền cho toa mua rượu như là “thuốc chữa bệnh” và điều này đã bị lạm dụng trong thời kỳ cấm rượu. Việc sở hữu và tiêu thụ rượu của từng cá nhân cũng vẫn được tôn trọng và đó chính là một trong những trở ngại trong việc thi hành luật.

Trước khi có luật cấm rượu, những quán rượu mở cửa “hợp pháp”… những quán này bỗng chốc biến thành “speakeasy”, hay “blind pig” một cách lén lút khi luật cấm rượu có hiệu lực. Đó là những từ ngữ ám chỉ nơi phục vụ rượu… “bất hợp pháp”. Người ta thống kê có đến 200.000 “speakeasies” trên khắp nước Mỹ trong thời kỳ cấm rượu.

Dân chúng còn tự nấu rượu tại nhà. Vào thời đó, kho tử vựng tiếng Anh có những thuật ngữ đặc biệt để ám chỉ việc nấu rượu lậu như “moonshine”, những sản phẩm làm ra còn được gọi là “bath-tub gin” hay “home-brewed beer”. Người Mỹ quả là có óc khôi hài khi đặt ra một cái tên… “rượu Gin nước bồn tắm”!

Bảng tiếp thị “speakeasy” vẽ ngay trên lề đường

Còn nhớ, ở Việt Nam vào thời Pháp thuộc, dù không có luật cấm rượu, nhưng nhân viên Sở Đoan và Công quản nhà nước được phép kiểm tra cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu bất kể giờ nào. Sản xuất rượu ngoài giờ khai báo cũng bị phạt tiền.

Nhân viên Sở Đoan có quyền lùng sục để bắt rượu lậu, mọi hành vi chống đối đều bị nghiêm trị. Trong nhiều truyện thời Pháp thuộc, có nói đến tình trạng dân muốn vu vạ cho ai thì đem chôn rượu lậu trong vườn nhà người đó rồi báo Sở Đoan, không khác gì cách ném ma túy vào nhà bây giờ.

Người Pháp xây một lò rượu ở phố Nguyễn Công Trứ bây giờ gọi là Rượu Ty và nắm độc quyền rượu. Trụ sở của nhà máy rượu lớn nhất nước này lúc ấy đóng tại khu đất nay là Đại sứ quán Cộng hòa Pháp góc đường Trần Hưng Đạo-Bà Triệu bây giờ. Trên cửa các đại lý rượu bao giờ cũng treo cái biển có chữ RA (Regie Alcohol). Tham khảo thêm bài viết về Tứ đổ tường tại http://chinhhoiuc.blogspot.co.nz/2012/09/sai-gon-tu-o-tuong-4-ruou-che.html.

Nấu rượu lậu thời Pháp thuộc tại Nam Định

Trở lại với luật cấm rượu tại Hoa Kỳ. Việc cấm rượu đã dẫn tới hậu quả là giá rượu tăng cao, buôn bán rượu mang lại lợi nhuận lớn kéo theo các băng nhóm mafia chuyên buôn lậu rượu.

Những người buôn rượu lậu bắt đầu đưa rượu vào Hoa Kỳ qua các đường biên giới Canada và Mexico. Rượu cũng còn được nhập lậu theo đường biển đến Hoa Kỳ từ các đảo quốc như Bahamas, Cuba, các đảo thuộc Pháp như St. Pierre và Miquelon ngoài khơi Canada.

Biểu tình của các công nhân vận tải biển và cựu quân nhân

Lực lượng thực thi việc cấm rượu chỉ vào khoảng 3.000 nhân viên, tập trung tại vùng biên giới với Canada và Mexico. Thêm vào đó là lực lượng tuần duyên nhằm ngăn chận việc nhập lậu qua đường biển. Tiền lương của những nhân viên (agents) thực thi lệnh cấm rượu rất thấp nên đã có hiện tượng tham nhũng trong hàng ngũ này.

Một số nhân viên công lực tại Chicago đã bị mua chuộc bởi các băng nhóm gansters có liên quan đến hoạt động rượu lậu. Tại New York có khoảng 7.000 vụ bắt bớ vì vi phạm luật cấm rượu, còn tại các tiểu bang khác hoạt động truy lùng tội phạm hầu như không được tiến hành công khai trước công chúng.

Nhân viên công lực và công tác thực thi luật cấm rượu

Trong sáu tháng đầu tiên, đơn vị này đã phá hủy hàng ngàn tháp chưng cất bất hợp pháp được điều hành bởi “những người buôn rượu lậu” (bootleggers). Tuy nhiên, các nhân viên liên bang và cảnh sát chỉ làm chậm dòng chảy của rượu, và các tội phạm có tổ chức dần phát triển mạnh ở Mỹ.

Các tay “gangsters” thường là những người nhập cư từ châu Âu đến Hoa Kỳ vào cuối thập niên 19 hoặc đầu thế kỷ thứ 20. Họ thường tập trung tại các khu lao động nghèo khổ và mau chóng trở thành thế lực của “thế giới ngầm”. Luật cấm rượu đã tạo cho họ một cơ hội bằng vàng trong lãnh vực sản xuất và cung cấp rượu lậu.

Các cuộc thanh toán đẫm máu cũng đã xảy ra giữa các “Ông Trùm”. Tính ra trong khoảng 1927-1930 đã có đến trên 500 vụ thanh toán. Riêng trong thời gian từ 1919 đến 1933, tại Chicago con số này là 729 vụ nhưng các nhà sử học nói là không thể kiểm chứng và có phần “cường điệu”.

Những Ông Trùm rượu lậu quy mô lớn như Al Capone tại Chicago đã xây dựng các đế chế tội phạm nhằm phân phối rượu bất hợp pháp, còn chính phủ liên bang và tiểu bang thì thất thu hàng tỷ tiền thuế.

Al Capone sinh trưởng trong một gia đình di dân từ Ý đến Brooklyn, New York. Sau đó, năm 1920, chuyển về Chicago theo băng nhóm của John Torrio. Năm 1925 Capone soán ngôi Torrio và làm “Ông Trùm” cầm đầu băng nhóm cung cấp rượu lậu, cờ bạc và đĩ điếm. Những hoạt động ngầm này của Capone đã tạo dựng một “đế chế” lên đến 60 triệu đô-la.

Al Capone, “Ông Trùm” rượu lậu tại Chicago

Lệnh cấm rượu xem ra đã thất bại hoàn toàn và tiêu tốn hàng tỷ đô la, vậy nên nhanh chóng mất đi sự ủng hộ rộng rãi vào đầu những năm 1930 tại Mỹ. Năm 1933, bản Tu chính án 21 đã được thông qua và phê chuẩn, chấm dứt lệnh cấm rượu trên toàn quốc.

Sau khi bãi bỏ bản Tu chính án 18, một số tiểu bang tiếp tục bằng cách duy trì lệnh cấm uống rượu trên toàn tiểu bang. Mississippi, tiểu bang cấm rượu cuối cùng trong Liên bang, đã kết thúc Lệnh cấm vào năm 1966.

5/12/1933: ngày chấm dứt lệnh cấm rượu

Lệnh cấm rượu trong suốt 13 năm đã làm sụp đổ ngành công nghiệp rượu bia tại Hoa Kỳ, kéo theo sự thất nghiệp của hàng chục ngàn công nhân. Thiệt hại về thu ngân sách thuế lên đến 11 tỷ đô-la mà lại còn tốn 300 triệu để nuôi lực lượng thi hành luật. 

Cũng không thể bỏ qua những tác động tích cực trong những năm đầu, số người say sưa giảm đáng kể nhưng càng về sau bộ luật đã tạo một sự chia rẽ trầm trọng trong xã hội với hai phe “dry” và “wet”, giữa những người không uống rượu và dân nghiện rượu.

Phải chăng đây cũng là một bài học cho người Việt Nam trong thời buổi này. “Quả thật, Việt Nam đang là một cường quốc về sử dụng rượu, bia”, bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế đã từng thừa nhận.

“Năm 2017, sản lượng bia của Việt Nam chạm mốc 4 tỷ lít, tăng 10,4% so với năm 2016 và bình quân mỗi người dân tiêu thụ 42 lít bia/năm. Sản lượng rượu thủ công năm 2016 đạt 188 triệu lít trong đó sản lượng rượu sản xuất nhằm mục đích kinh doanh được cấp phép năm 2016 là 32 triệu lít. Chi phí cho tiêu thụ bia của Việt Nam khoảng 3,4 tỷ USD/năm, gần 3% số thu ngân sách của cả nước, bình quân khoảng hơn 300USD người/năm”.

Đó là những con số biết nói và quan trọng hơn cả là “thành tích” Việt Nam đứng thứ 29 trên thế giới về sử dụng rượu, bia. Hơn thế nữa, chúng ta đang đứng thứ 3 tại châu Á! Đó chắc chắn không phải là điều đáng tự hào đối với người Việt.


Chúng ta cần và nên đọc lại bài học lịch sử của 13 năm cấm rượu tại Hoa Kỳ để rút ra những ưu cũng như nhược điểm.

***

--> Read more..

Popular posts