Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

10 sự kiện đáng nhớ trong năm 2016

* 10 sự kiện chính trị, kinh tế và xã hội dưới đây được chia đều cho Việt Nam và phần còn lại của thế giới. Có thể người đọc không đồng ý với sự lựa chọn vì đây là ý kiến hoàn toàn mang tính cách cá nhân. Bài viết sẽ giúp người đọc nhìn lại một số biến cố nổi bật trong năm 2016.

***

1. Cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ ngày 8/11/2016 khiến giới truyền thông thế giới tốn nhiều giấy mực nhất, mang lại kết quả bất ngờ nhất, đồng thời cũng khác thường nhất, khốc liệt nhất và gây chia rẽ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Nước Mỹ đã có vị Tổng thống nhiều cá tính nhất: Donald Trump, thuộc đảng Cộng hòa, thắng bà Hillary Clinton, đảng Dân chủ (1).

Cuộc bầu cử cũng cho thấy nước Mỹ đã trải qua một giai đoạn lịch sử bị phân hóa nhiều nhất trong việc lựa chọn người đứng đầu ngành hành pháp. Ngay cả trong nội bộ  Cử Tri Đoàn đã có 7 người trong số họ đã bỏ phiếu trắng, không ủng hộ ông Trump lẫn bà Clinton. Điều này cho thấy, những năm tháng đầu tiên của ông Trump ở Tòa Bạch Ốc bắt đầu từ ngày 20/01/2017, sẽ vô cùng khó khăn: ông phải chứng tỏ là những lá phiếu bầu đó là sai lầm.

Dù sao đi nữa, kết quả thăm dò cho thấy sự hậu thuẫn ông Trump cũng được gia tăng khá nhiều qua kế hoạch kinh tế và sự hăng hái nhiệt tình của ông trong chức vụ mới, so với trước đây. Ông đã được 41% cử tri Hoa Kỳ thấy được sự tích cực hơn, so với con số 29% vào giữa tháng 10.

Donald Trump Vs Hillary Clinton


2. Danh hiệu Tổng thống “côn đồ” và “mạnh miệng” nhất thế giới trong năm không ai khác hơn là ông Rodrigo Duterte được người dân Phi Luật Tân bầu ngày 9/5/2016 và chính thức nhậm chức ngày 30/06/2016. Ông là người đã từng thóa mạ Đức Giáo Hoàng Francis, Tổng thống Obama, Ngoại trưởng Mỹ Kerry và dọa đốt cả trụ sở Liên Hiệp quốc. Báo chí gọi ông là "Donald Trump của Phi Luật Tân" vì tính khí thất thường và những phát ngôn gây sốc.

Trong suốt 7 nhiệm kỳ làm Thị trưởng thành phố Davao, kéo dài hơn 22 năm, ông Duterte đã thành công trong chính sách chống tội phạm và được báo Time đặt biệt danh “Kẻ Trừng Phạt” (The Punisher). Nạn nhân của Duterte đã lên đến con số 5.000 người và chính bản thân ông cũng thừa nhận đã từng giết người trong quá khứ để “làm gương”.

Tương lai trong địa vị Tổng thống của ông Duterte vẫn còn nằm ở phía trước. Người ta hy vọng ông sẽ “chững chạc” hơn trong phát ngôn và hành động để có thể tiếp tục điều hành đất nước, nếu không sẽ bị lật đổ bằng một cuộc đảo chính. Đây là điều rất thường xảy ra trong quá khứ tại Phi Luật Tân.

Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte


3. Nữ Tổng thống “nửa đường gãy gánh”: Park Geun-hye, nhậm chức Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc ngày 25/2/2013. Bà là con gái lớn của cố Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee, người đã dẫn dắt Hàn Quốc tạo ra "Điều kỳ diệu trên sông Hàn", một thời đại phát triển thần tốc, biến Quốc gia này thành một trong những “con hổ” về kinh tế. Nhưng đồng thời, ông Park cũng bị chỉ trích như một nhà độc tài, xâm phạm quyền tự do-dân chủ trong việc điều hành đất nước.

Không ai biết rõ mối quan hệ thật sự giữa nữ Tổng thống độc thân 64 tuổi này với bà Choi Soon-sil, người phụ nữ theo mô tả trên báo chí Hàn Quốc là “giật dây bà Park” cho dù bà Choi không hề nắm một chức vụ công nào. Nhưng có một điểm chung giữa 2 người phụ nữ đang giữa cơn bão chính trị: họ đều hội đủ yếu tố của những nhân vật tiểu thuyết khiến người ta phải tò mò.

Ngày 9/12/2016 Quốc hội Hàn quốc đã thông qua việc truất phế bà Park và Tòa án Tối cao sẽ bắt đầu phê chuẩn việc truất phế. Một khi tòa xác nhận việc này là chính đáng, một cuộc bầu cử chọn Tổng thống mới sẽ được lên kế hoạch trong vòng hai tháng kể từ sau phán quyết của tòa. Sau khi bị luận tội, Tổng thống Park đã đọc tuyên bố với báo chí. “Tôi nghiêm chỉnh chấp nhận tiếng nói của Quốc hội và của nhân dân, và tôi thật lòng mong muốn cuộc khủng hoảng này sẽ kết thúc êm thắm”.

Tổng thống Đại Hàn Park Geun-hye

4. Quốc gia “tồi tệ” nhất trong năm: Venezuela. Chính thức trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1821 dưới sự lãnh đạo của người anh hùng Simon Bolivar, trong những năm gần đây, Venezuela là một trong những nước dẫn đầu Mỹ Latinh trong phong trào cánh tả dưới sự lãnh đạo của cố tổng thống Hugo Chavez.

Đất nước Venezuela nổi tiếng khắp thế giới với thiên nhiên tươi đẹp, nguồn dầu mỏ dồi dào và những nữ hoàng sắc đẹp đoạt nhiều giải cao tại những kỳ thi quốc tế. Việc Venezuela đổi tiền mới đây đã dẫn đến biểu tình phản đối và cướp bóc khắp nơi trong bối cảnh nguồn cung tiền mặt đang nhanh chóng cạn kiệt.

Từng được coi là “hình mẫu lý tưởng” về phát triển kinh tế xã hội ở Mỹ Latin, khó ai có thể ngờ Venezuela lại “rơi xuống địa ngục” nhanh như vậy. Thất bại trong việc kiểm soát giá cả, thiếu ngoại tệ và giá dầu mỏ giảm sâu đã khiến Venezuela phải rất chật vật trong việc nhập khẩu những hàng hóa thiết yếu cho nhân dân.

Venezuela bên bờ vực thẳm


5. Giải Nobel văn chương năm 2016 là một quyết định bất ngờ nhất khi Viện Hàn Lâm Thụy Điển công bố sẽ trao tặng cho Bob Dylan, một ca sĩ-nhạc sĩ người Mỹ gốc Do Thái đã từng nổi tiếng trong phong trào chống chiến tranh Việt Nam.

Việc Bob Dylan đoạt giải Nobel văn chương đã gây bất ngờ cho giới chuyên môn cũng như người yêu văn chương trên toàn thế giới nhưng theo Viện Hàn Lâm Thụy Điển, Dylan xứng đáng nhận giải “vì đã tạo nên những biểu đạt đầy chất thơ trong truyền thống âm nhạc của Hoa Kỳ”. Người ta nhớ đến bài hát “Blowing in the wind” ra đời năm 1963 và đoạt giải Grammy.

Nhiều người cho rằng Bob Dylan chỉ nổi tiếng trong hoạt động văn nghệ nhưng trao cho ông giải Nobel văn chương là một điều phi lý. Trong các ca khúc của Bob Dylan thường có những lời hay đẹp, ý đẹp nhưng nếu vì thế mà trao giải văn chương thì đã đi quá xa. Về phần mình, những người của Viện Hàn Lâm hy vọng rằng quyết định này sẽ không bị nhiều chỉ trích vì… “mọi thứ cần phải có sự thay đổi”.

Gải Nobel Văn chương 2016: Bob Dylan

***

6. Sự kiện chính trị quan trọng nhất đối với 4,5 triệu đảng viên tại Việt Nam là Đại hội Đảng lần thứ 12, diễn ra từ ngày 20 đến 28/1/2016 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình. Theo các chuyên gia phân tích quốc tế, việc chuẩn bị chậm trễ, lặng lẽ cho Đại hội cho thấy dường như nội bộ Đảng còn chưa đồng thuận trong một số vấn đề như tình hình tranh chấp Biển Đông, quan hệ với Trung Quốc và lựa chọn nhân sự cấp cao.

Cuộc đua vào chức Tổng bí thư “căng thẳng chưa từng thấy” giữa hai đối thủ chính là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai ông này đại diện cho “hai thái cực khác nhau”, và “tính cách trái ngược nhau”. Cuối cùng, danh sách “Tứ Trụ” được thông qua: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Trả lời phỏng vấn trên VTV, tân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: "Tôi cũng không ngờ mình lại được Đại hội tín nhiệm giới thiệu tôi, bầu tôi vào Ban chấp hành TƯ, được Ban chấp hành TƯ họp phiên thứ nhất bầu tôi làm Tổng bí thư. Gần như 100% tuyệt đối, đấy là tôi bất ngờ. Bất ngờ vì tuổi tôi đã cao, có lẽ trong các vị lãnh đạo tuổi tôi là cao nhất. Sức khỏe, trình độ cũng có hạn và tôi cũng đã xin nghỉ rồi nhưng trách nhiệm của Đảng giao thì chúng tôi với tư cách là đảng viên phải chấp hành”.

“Tứ trụ” Việt Nam


7. Sự cố có tầm ảnh hưởng lớn nhất về môi trường khiến miền Trung trở thành khu vực chịu nhiều nhân tai và thiên tai nhất nước trong năm bắt đầu từ một công ty nước ngoài đầu tư tại Vũng Áng có tên Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), chi nhánh của Tập đoàn Nhựa Formosa, Đài Loan. FHS đầu tư vào dự án gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương bắt đầu từ năm 2008 với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ USD (2).

Tháng 4/2016 xảy ra hiện tượng rất nhiều cá biển chết hàng loạt rồi trôi dạt vào bờ tại vùng biển Vũng Áng. Hiện tượng này sau đó lan ra vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Huế. Có nơi mỗi ngày, ngư dân dọc bờ biển vớt được hàng tấn cá chết. Nhiều ý kiến cho rằng hiện tượng trên là do nguồn nước bị ô nhiễm bởi các nhà máy tại khu kinh tế Vũng Áng xả thải gây độc.

Ngoài “nhân tai” do Formosa gây nên, miền Trung mới đây còn là nạn nhân của nhiều đợt xả lũ của các đập thủy điện “bậc thang” khiến vùng đất này vốn đã nghèo còn chồng chất thêm tai ương dồn dập với hàng trăm người chết. Đúng là Miền Trung đất cầy lên sỏi đá!

Formosa Hà Tĩnh


8. Tính đến năm 2016, mỗi công dân Việt Nam phải gánh một khoản nợ gần 29 triệu đồng/đầu ngườ dựa trên tổng số “nợ công” được báo cáo lên đến 86 tỷ đô-la. Khoản nợ này bao gồm “nợ trong nước” và “nợ nước ngoài” thuộc 3 loại: “nợ ngắn hạn” (từ 1 năm trở xuống), “nợ trung hạn” (từ trên 1 năm đến 10 năm) và “nợ dài hạn” (trên 10 năm).

Trong số các khoản nợ, bình quân ngân sách Nhà nước trả nợ ODA (Hỗ trợ Phát triển Chính thức - Official Development Assistance), khoảng 1 tỷ USD/năm. ODA bao gồm viện trợ không hoàn lại là 25%, còn 75% là cho vay. Trong khi đang phải trả nợ ODA việc không còn được vay theo điều kiện ODA sẽ đem đến những thách thức không nhỏ cho Việt Nam.

Sự kiện “nợ công” trong năm 2016 là một nỗi ám ảnh “âm thầm” nhất nhưng cũng “bi quan” nhất đối với những người quan tâm đến tình hình kinh tế-tài chính của đất nước. Đến đời con và cháu của chúng ta sẽ vẫn còn mắc nợ và trả nợ bởi vì tục ngữ Việt Nam có câu “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.   


Nợ công chồng chất


9. Chuyến viếng thăm Việt Nam ba ngày, bắt đầu từ 22/5/2016, của Tổng thống Hoa Kỳ Obama là một sự kiện ngoại giao được chú ý nhiều nhất trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Tổng thống Mỹ đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của người dân, ông Obama cũng đã thể hiện sự thân thiện, cởi mở, hòa đồng với con người, với văn hóa nước bản địa (3).

Tại Hà Nội, Obama chụp ảnh, bắt tay, cười nói với hàng nghìn người vây quanh quán bún chả bình dân ngày 23/5. Ngày hôm sau, tại Sài Gòn, ông đối thoại với doanh nhân trẻ, cũng như phát biểu trước 800 thành viên cộng đồng Sáng kiến Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á. Tổng thống Mỹ khéo léo dùng hình tượng những người có ảnh hưởng tới người Việt, từ Bà Trưng – Bà Triệu, Lý Thường Kiệt… đến nhà cách mạng Phan Chu Trinh, thiền sư Nhất Hạnh, các nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn, nhà toán học Ngô Bảo Châu…


Tuyên bố của Hoa Kỳ về việc bãi bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam được Obama nhắc đến như một ngón đòn ngoại giao – quân sự đánh thẳng vào kẻ đang hung hãn ngoài Biển Đông. Một lần nữa, chuyện “nước lớn bắt nạt nước nhỏ” trúng một đòn “hiểm” và những người Việt Nam chân chính nhiệt liệt vỗ tay, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng!

Người Sài Gòn chào đón Obama


10. Fidel Alejandro Castro Ruz mất ngày 25/11/2016. Ông là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của cuộc Cách mạng Cuba, Thủ tướng của Cuba từ tháng 2/1959 tới tháng 12/1976, và sau đó là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba cho tới khi ông từ chức tháng 2/2008. Ông là Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản Cuba từ tháng 10/1965 tới tháng 4/2011, em trai ông, Raúl Castro, được kế nhiệm chức vụ này vào ngày 19/4/2011.

Fidel là người đã từng tuyên bố “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình !” trong cuộc mít tinh ngày 2/1/1966 chào mừng lần thứ 7 Cách mạng Cuba thành công. Về cuộc chiến tranh biên giới Việt–Trung 1979 ông khẳng định “Nhân dân Cuba sẵn sàng đổ đến giọt máu cuối cùng để kề vai chiến đấu cạnh người anh em Việt Nam”.

Tuy nhiên, sự kiện Việt Nam dành một ngày “quốc tang” để tưởng nhớ Fidel không được sự đồng tình của một số người dân. Họ cho rằng “quốc tang” là lễ nghi chỉ dành cho những nhân vật thực sự cống hiến cho đất nước. Chính xác hơn, nên dành một ngày “đảng tang” cho Fidel vì mối quan hệ thắm thiết với đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ vừa qua (4).

Fidel Castro (1926-2016)

***

Chú thích:

(1): Tham khảo thêm bài viết “Sorry America” http://chinhhoiuc.blogspot.com/2016/11/sorry-america.html

(2): Tham khảo thêm bài viết “Cá cần nước sạch, Dân cần minh bạch” http://chinhhoiuc.blogspot.com/2016/05/ca-can-nuoc-sach-dan-can-minh-bach.html

(3): Tham khảo thêm "Bài diễn văn ứng khẩu tuyệt vời" http://chinhhoiuc.blogspot.com/2016/05/bai-dien-van-ung-khau-tuyet-voi.html

(4): Tham khảo thêm bài viết “Sài Gòn xưa: Cuba nhìn từ âm nhạc” http://chinhhoiuc.blogspot.com/2016/12/sai-gon-xua-cuba-nhin-tu-am-nhac.html



***
--> Read more..

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2016

Ngạn ngữ nhìn qua hí họa

Họa sĩ người Anh, James Chapman, đã vẽ những hí họa dưới đây để thuyết minh 20 ngạn ngữ của các nước trên khắp thế giới.

Người Pháp cho rằng "Proverbe ne peut mentir" (Ngạn ngữ không thể nào nói sai) nhưng tôi lại nghĩ ngạn ngữ "đúng" hai "sai" còn tùy thuộc vào nền tảng văn hóa của từng dân tộc.


Có thể bạn sẽ không đồng ý với những ngạn ngữ này về nội dung nhưng những hình vẽ minh họa là điều mà mọi người sẽ thưởng thức một cách trọn vẹn.


“Cuốn sách cũng tựa như một khu vườn nhỏ ta mang trong túi”
(Ngạn ngữ Trung Hoa)

* "Thư trung tự hữu nhan như ngọc": trong sách có người con gái nhan sắc như ngọc... 
Có rất nhiều điều hay, lẽ phải trên từng trang giấy.

***

 "Quả trứng nghĩ nó khôn hơn con gà"
(Ngạn ngữ Ba Lan)

* Việt Nam ta có câu "Trứng khôn hơn vịt"

***


"Cho ai một ngón tay, người ấy sẽ lấy cả cánh tay"
(Ngạn ngữ Ý)


* Việt Nam có câu "Được đằng chân, lân đàng đầu"

***


"Con khỉ mặc áo lụa vẫn là con khỉ"
(Ngạn ngữ Tây Ban Nha)


* Cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ... Bộ áo không làm nên thầy tu!

***


"Mỗi ngày một ly rượu sẽ sống đến 99 tuổi"

(Ngạn ngữ Trung Hoa)

* “A glass of wine a day, live to 99”. Không biết là đúng hay sai đây! 
Chưa tìm ra nguyên văn của câu này bằng Hán văn.

***


"Đừng để cáo kết hôn với gà"
(Ngạn ngữ Pháp)


* Nguyên văn tiếng Pháp: "On ne marie pas les poules avec les renards" 
được dịch sang tiếng Anh: "You can't marry a hen and a fox".

***


"Những kẻ nghỉ ngơi sẽ bị rỉ sét"
(Ngạn ngữ Đức)

* "Those who rest, go rusty"
Nghĩa bóng: hãy luôn năng động khi bạn vẫn còn năng lực.

***

 "Đừng làm con muỗi biến thành con voi"
(Ngạn ngữ Hungary)

* Họa sĩ James Chapman bình luận: "Don't make a big deal out of nothing!"
"Có bé xé ra to".

***


"Không thể giúp cây mọc cao bằng cách kéo lên"
(Ngạn ngữ Trung Hoa)


* "Dục tốc bất đạt"

***

"Tinh yêu là một trò trơn trượt"
(Ngạn ngữ xứ Punjab, Pakistan)

* Thật dễ trượt ngã khi người ta yêu nhau.

***


"Hãy chọc vào mắt những người sống bằng quá khứ"
(Ngạn ngữ Hòa Lan)

* Hãy sống cho hiện tại, đừng đắm chìm trong quá khứ... 
và cũng đừng... "ăn mày quá khứ"! 

***

"Cho cuộc hành trình một ngày, hãy mang bánh mì dành cho cả tuần"
(Ngạn ngữ Nga)


* Có thể tương đương với câu "Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn".

***


"Đừng để cỏ mọc dưới chân bạn"
(Ngạn ngữ Thụy Điển)

* Nghệ thuật sống cần sự năng động để khám phá những điều mới lạ. 

***


"Chim sẻ là sinh vật nhỏ bé nhưng cũng có đầy đủ các cơ quan chức năng"
(Ngạn ngữ Trung Hoa)


* "Good things come in small packages"

***


"Đường vòng vẫn tốt hơn là bãi lầy phía trước"
(Ngạn ngữ Iceland)

* Bạn sẽ dễ đạt được kết quả hơn nếu có chuẩn bị kỹ càng chứ đừng lao về phía trước một cách vội vã.

***



"Khi voi đánh nhau là lúc cây cỏ bị thiệt hại"
(Ngạn ngữ Keynia)


* "Trâu bò húc nhau... ruồi muỗi chết"

***


 "Chiếc gối là kẻ cố vấn tốt nhất"
(Ngạn ngữ Thụy Điển)

* "Sleep on the problem and see how you feel in the morning!"

***


 "Dù thế giới này ngập lụt vẫn không phải là vấn đề đối với loài vịt"
(Ngạn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ)

* Chuyện tồi tệ đối với ta nhưng không phải đối với tất cả mọi người khác. 
“Khó người khó ta, dễ người dễ ta”.

***


"Đói là chất nước sốt ngon nhất"
(Ngạn ngữ của người La Mã cổ)

* "Everything tastes better when you are hungry"... 
Tương tự như món "mầm đá" (bắp hầm) của một ông vua bị bỏ đói.

***



"Con mèo mang bao tay không thể nào bắt được chuột"
(Ngạn ngữ Ireland)

* "Being careful and polite doesn't always get things done"... 
“Tử tế sinh lờn!”

***





--> Read more..

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2016

Sài Gòn xưa: Cuba nhìn từ âm nhạc

Cái chết của Fidel Castro tạo ra những phản ứng trái chiều trên cộng đồng mạng theo hai hướng: “Pro” và “Con”.

Những người thích ông tỏ ra thương tiếc một người bạn đã gắn bó với miền Bắc trong cuộc kháng chiến “chống Mỹ, cứu nước” vừa qua. Họ là những những quan chức nhà nước hiện nắm giữ địa vị quan trọng trong chính quyền, họ là sinh viên miền Bắc đã từng du học Cuba, và cả những thân nhân, họ hàng của họ. Đó cũng là lý do Việt Nam tổ chức quốc tang.

Người miền Nam có vẻ dửng dưng nếu không muốn nói là phản đối quốc tang vì cho rằng đó là tình cảm của hai Đảng anh em, nên gọi là “Đảng Tang” hơn là “Quốc Tang”. Bài viết này không bàn đến chuyện chính trị mà chỉ nói đến tầm ảnh hưởng âm nhạc của  Cuba đối với phần còn lại của đất nước.

Rõ ràng là trước 1975, bản thân Fidel Castro không tác động gì đến cuộc sống của người dân miền Nam nhưng vai trò âm nhạc của châu Mỹ La Tinh, cụ thể là Cuba, đã ảnh hưởng không ít đến sinh hoạt nghệ thuật giải trí tại miền Nam.

Tầm ảnh hưởng đó thể hiện qua những bài hát theo điệu nhạc Habanera, Rhumba, Bolero, Mambo, Cha Cha Cha thịnh hành tại Cuba, đất nước được coi là “cái nôi của dòng nhạc Mỹ La Tinh”.

Cuba, cũng như hầu hết các quốc gia ở Nam Mỹ (ngoại trừ Brazil), trước đây là thuộc địa của Tây Ban Nha. Cuba lại gần với Hoa Kỳ nơi xuất phát nhạc Jazz có nguồn gốc từ người da đen ở Phi châu được đưa đến Mỹ châu để làm nô lệ trong các đồn điền trồng mía tại Cuba và Haiti.

Đó là những lý do lịch sử - địa lý dẫn đến việc hình thành trường phái âm nhạc của châu Mỹ La Tinh. Trong số những điệu nhạc này, Mambo là thể loại chịu ảnh hưởng của châu Phi nhiều nhất. Về phương diện ngôn ngữ học, từ ngữ Mambo không xuất phát từ tiếng Tây Ban Nha mà gốc từ ngôn ngữ của bộ lạc Kikongo tại Trung Phi, có nghĩa là “đối thoại với thần linh”.

Đến thập niên 1930, Mambo được người Cuba dùng để gọi điệu nhạc cũng như điệu nhảy. Mambo trở nên phổ biến tại châu Mỹ La Tinh, lan đến Bắc Mỹ và cuối cùng, chinh phục cả thế giới. “Mambo Italino” (1) là bài hát theo điệu Mambo nổi tiếng thế giới vào năm 1954 và mau chóng thâm nhập âm nhạc niền Nam đến độ trẻ con chế lời: “Ế Măm-bô… đi vô đi ra là hết 5 trăm…”

Poster phim Mambo

Mặt khác, các nhạc sĩ người Việt cũng sáng tác nhiều ca khúc theo nhịp điệu vui nhộn của Mambo như các bản “Gạo trắng trăng thanh”, “Trăng rụng xuống cầu” của Hoàng Thi Thơ; “Nắng đẹp miền Nam” của Lam Phương hay “Tình thắm duyên quê” của Trúc Phương. Người Sài Gòn gọi đùa những ca khúc này là… “dân ca mắm bò hóc”.

Tiếp theo Mambo, một điệu nhạc khác là Cha Cha Cha ra đời tại Cuba do nhà soạn nhạc kiêm nhạc sĩ vĩ cầm người da đen Enrique Jorrin (1926-1987) sáng tạo. Vào năm 1953, Enrique Jorrin, khi ấy mới 25 tuổi và là thành viên của một ban nhạc, đã nghiên cứu một tiết điệu nhanh hơn Mambo, được gọi là Cha Cha Cha.

Đặc điểm của Cha Cha Cha là điệu nhạc có 4 nhịp nhanh (beat) và có thêm một nhịp lẻ (syncop). Chẳng mấy chốc, Cha Cha Cha chinh phục đất nước Cuba, bên cạnh đó, điệu nhảy Cha Cha Cha với tiết tấu sinh động đã xuất hiện tại thủ đô Havana và tiếp theo đó lan rộng ra khắp thế giới.

Một trong những bản nhạc theo thể điệu Cha Cha Cha nổi tiếng là “Que rico bacilon” (2) của nhà soạn nhạc gốc Cuba, Ruben Gonzalez (1919-2003), được ban nhạc Aragon của Cuba trình bày lần đầu tiên.

Khi đến Việt Nam, bản nhạc này đã được phổ biến một cách bình dân qua lời “chế” bằng tiếng Việt: “Cha Cha Cha, ma-ní lấy chồng chà-dzà…”. Người Sài Gòn chắc cũng còn nhớ quảng cáo kem đánh răng dùng điệu Cha Cha Cha trong dịp Tết ở chợ Bến Thành với điệp khúc “Cha Cha Cha Hynos…”

Một số nhạc sĩ miền Nam cũng “Việt hóa” những bài hát theo điệu Cha Cha Cha của các nước. “Pepito mi Corazon”, tiếng Tây-ban-nha có nghĩa là “Pepito, người yêu dấu của tôi” được nhạc sĩ Phạm Duy chuyển lời Việt thành “Người tình Nam Mỹ” (3).

Một bản nhạc Pháp theo điệu Cha Cha Cha một thời làm mưa làm gió vào năm 1950 là “Cerisier rose et pommier blanc” (4) được chuyển sang tiếng Anh là “Cherry Pink and Apple Blossom White”. Nhạc sĩ người Pháp gốc Tây Ban Nha, Louis Guglielmi (1916 – 1991), đã trở nên nổi tiếng với nhạc phẩm này.

Khi đến Việt Nam, cũng nhạc sĩ Pham Duy đã “Việt hóa” thành “Cánh bướm vườn xuân” và giới bình dân “chế” lời thành “Vườn xuân ong bướm ngất ngây, ngất ngây… tòn ten…”.

Nhạc sĩ Louis Guglielmi (1916-1991)

Riêng bản nhạc “Sài Gòn đẹp lắm” (5) của nhạc sĩ Y Vân được coi như “một trong những bài ca nổi tiếng nhất viết theo điệu Cha Cha Cha” về một đô thị được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”. Mỗi khi nghe lại, người ta trở về với hoài niệm của một thành phố thân thương:

“Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai
Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay
Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi đây
Sài gòn đẹp lắm, Sài gòn ơi! Sài gòn ơi!”

Giới “ăn chơi, nhảy nhót” ở Sài Gòn và các đô thị phía Nam cũng đón nhận Mambo và Cha Cha Cha một cách nồng nhiệt bên cạnh những điệu nhảy có phong cách cổ điển như Valse, Slow, Tango…

Thường thì các vũ trường hoặc “ban fami” (một hình thức khiêu vũ được tổ chức trong vòng gia đình và bạn bè) được bắt đầu bằng điệu Paso Doble của Tây Ban Nha, có người còn gọi đó là điệu “đi chợ”. Kỳ thực đây là điệu nhảy dựa theo một trận đấu bò tót với tiết tấu rộn ràng có tác dụng hâm nóng một buổi khiêu vũ.

Một “tua” nhạc tại vũ trường được thay đổi để khách có sự lựa chọn điệu nhảy mà mình thích. Người lớn tuổi sẽ nhẩy Valse (còn gọi là điệu luân vũ); Slow thì chậm rãi, thậm chí còn có thể ôm nhau đứng yên nên được gọi là Slow “mùi”; Tango có xuất xứ từ Á Căn Đình thì đòi hỏi một chút nghệ thuật tinh tế của cặp nhảy…

Trước khi có Twist, Bebop theo kiểu Mỹ thì giới trẻ thích nhạc của châu Mỹ La Tinh với các tiết điệu như Samba của Brazil, Mambo hay Cha Cha Cha của Cuba.  Cha Cha Cha có những bước nhảy đặc biệt khi hai người không ôm nhau, nam bước tới thì nữ bước lui, kèm thêm các động tác uốn éo cả chân lẫn tay trông thật đẹp mắt.

Những điệu nhạc Nam Mỹ luôn có sức sống cuồng nhiệt, trong đó thể hiện phần nào lối sống của dân tộc Cuba. Đó là tầm ảnh hưởng của Cuba đối với người miền Nam trước 1975, còn chuyện Fidel Casto qua đời lại là mối quan tâm của người miền Bắc.

***

Chú thích:

(1) Xem “Mambo Italino” - Sophia Loren:

(2) Nghe “Que rico bacilon” – ban nhạc Orquesta Aragon de Cuba hòa tấu:

(3) "Người tình Nam Mỹ" - Ngọc Lan:

(4) Cánh bướm vườn xuân - Kiều Nga:

(5) "Sài Gòn đẹp lắm" - Phương Hồng Quế, Sơn Ca, Băng Châu: 


***
--> Read more..

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2016

Nhân một lời bình luận trên Facebook

Nguyễn Thanh Việt (*), tác giả cuốn tiểu thuyết đoạt giải thưởng Pulitzer năm 2016, “The Sympathizer”, đã có một bài viết trên báo “The Atlantic” với nhan đề “Kissinger: The View From Vietnam” (http://www.theatlantic.com/international/archive/2016/11/kissinger-vietnam-nguyen/507851/).

Bài viết của tác giả có thể tóm gọn qua tiêu đề phụ:

“One of the saddest ironies of my own history is that the United States might have achieved its goals in Southeast Asia without ever going to war”,

tạm dịch:

“Một trong những điều mỉa mai nhất trong lịch sử đời tôi là nước Mỹ lẽ ra đã có thể đạt được mục đích ở Đông Nam Á mà không cần tham chiến”!

Với quan điểm của một người Việt tỵ nạn đến Mỹ khi mới 5 tuổi, Nguyễn Thanh Việt nhắc lại chuyện tranh luận giữa Bernie Sanders và Hillary Clinton trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, trong đó có chuyện đề cập đến cựu Bộ trưởng ngoại giao Henry Kissenger.

Rõ ràng là bà Clinton ủng hộ Kissinger còn ông Sanders chống đối kịch liệt, trong số người chống đối đó có cả tác giả bài viết nói trên. Dưới thời Tổng thống Richard Nixon, Kissinger là cố vấn an ninh quốc gia, đồng thời là Bộ trưởng Ngoại giao, đã phạm phải sai lầm “có hệ thống”: thả bom Cambodia.

Từ năm 1969 đến 1973 nước Mỹ đã thả tổng cộng 540.000 tấn bom, gây thương vong cho từ 150.000 đến 500.000 người Cambodia. Mục đích của những trận oanh tạc này là để ngăn chặn bộ đội Bắc Việt xâm nhập Việt Nam.

Theo Sanders, đó là quyết định biến Kissinger thành một trong những “Bộ trưởng ngoại giao có sức hủy diệt nhất” trong lịch sử Hoa Kỳ. Ngược lại, Bà Clinton cho rằng Kissinger đã là người mở ra một cánh cửa mới trong ngoại giao với Trung Quốc.

Sau cuộc tranh luận Clinton-Sanders, Nguyễn Thanh Việt xác định, bà Clinton đã mất phiếu bầu của tác giả. Không phải chỉ vì Clinton đã ủng hộ Kissinger mà còn vì bà đã tuyên bố “Nước Mỹ vĩ đại vì nước Mỹ tốt đẹp” (America is great because America is good). Tác giả viết:

“Là một người tỵ nạn đến từ Việt Nam, một đất nước đã bị nước Mỹ thả bom, đặt mìn và rải chất độc màu da cam trong nhiều năm, tôi hoài nghi về sự tốt đẹp của nước Mỹ”.


Bài báo của Nguyễn Thanh Việt đã được post trên FB Viet Thanh Nguyen và tôi có một lời bình luận:

“Tôi thành thật đưa ra một ý thứ hai (second thought): người Mỹ đã phạm sai lầm tại Việt Nam trong quá khứ nhưng nếu không có những sai lầm đó, anh sẽ không bao giờ được hưởng sự tự do và đặc quyền tại nước Mỹ kể từ thời thơ ấu”

Nguyễn Thanh Việt trả lời:

“Tôi đã nghĩ về điều đó. Tôi xin trích dẫn những dòng tôi viết trong “The Sympathizer”: Tôi là “một trong những trường hợp kém may mắn, những người không thể nào không tự hỏi mình có cần sự từ thiện của người Mỹ chỉ vì tôi là những người đầu tiên được hưởng sự giúp đỡ của người Mỹ”. Nói ngắn gọn, có thể thụ hưởng sản phẩm của một mối liên lạc lừa phỉnh hay một hoàn cảnh khủng khiếp (thí dụ như khi ta là một đứa trẻ bị hãm hiếp) -- điều đó không thể bào chữa cho mối liên lạc hay hoàn cảnh”.

Trao đổi qua Facebook

***

Chú thích:

(*) Tham khảo thêm về tác giả Nguyễn Thanh Việt và tác phẩm “The Sympathizer” tại:

-- The Sympathizer (1): “Kẻ Nằm Vùng” hay “Cảm Tình Viên”? http://chinhhoiuc.blogspot.com/2016/05/the-sympathizer-1-ke-nam-vung-hay-cam.html

-- The Sympathizer (2): Những điều muốn nói

-- “The Sympathizer” (3): Những nỗi niềm riêng


***
--> Read more..

Popular posts