“Hồi ức Ban Mê” là một tập sách gồm
18 bài viết được trích ra từ “Hồi ức một
đời người” trên Blogspot (chinhhoiuc.blogspot.com). Cuốn sách được xuất bản
tại Hoa Kỳ do một số thân hữu đứng ra in ấn.
Tôi
đã từng trả lời một số bạn hữu, “Hồi ức một
đời người” sẽ chẳng bao giờ ra mắt bạn đọc dưới dạng sách in. Một trong những
lý do là hiện giờ số bài viết lên đến hơn 200 bài, làm sao có thể xuất bản một
công trình khá “nặng tay” như vậy? Hơn nữa, chưa chắc người đọc sẽ tiếp nhận cầm
trên tay một quyển sách viết bởi một kẻ “vô
danh tiểu tốt”!
Thế
nhưng, vào đầu tháng 11/2014, tập sách “Hồi
ức Ban Mê” cũng xuất hiện tại Hoa Kỳ. Người ta vẫn thường nói, “người tính không bằng trời tính”… hay
nói một cách khác, việc xuất bản cuốn sách hoàn toàn nằm ngoài tính toán của
tác giả.
Bìa trước của “Hồi ức Ban Mê”
Thật
tình, tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện xuất bản sách cho mình nhưng việc ra đời
của “Hồi ức Ban Mê” có một lý do, hay
gọi đó là “cơ duyên”, của nó. Ngay ở phần mở đầu tập sách là bài viết giới thiệu
của Giáo sư Bùi Dương Chi, người thầy và cũng là người bạn “vong niên”. Lý do
ra đời của cuốn sách được thầy Chi đề cập đến:
“Thể theo gợi ý của một
cựu học sinh hiện ở tiểu bang Nebraska sẵn sàng in ấn và đóng thành tuyển tập một
số bài trong trang mạng “Nguyễn Ngọc Chính’s Hồi Ức Một Đời Người” để làm quà tặng nhân dịp Đại Hội 60 Năm THBMT
nên Nguyễn Ngọc Chính đã lựa ra một số bài hầu hết có ghi lại một số chuyện thời
học trò, ít nhiều liên quan tới bạn bè cũng như thầy cô ở trường Trung Học và
thị xã Ban Mê Thuột.
“Tôi rất hân hạnh nhận
lời giới thiệu người viết vì kể từ Niên Khóa 1963- 64 đến nay chúng tôi đã giữ
mối liên hệ thầy trò, thân hữu và chuyên nghiệp được 51 năm.
“Thầy trò vì tôi dạy
Chính môn Anh Văn sinh ngữ phụ lớp 11 và 12.
“Thân hữu vì chúng
tôi hơn kém nhau 7 tuổi, có nhân sinh quan khá tương đồng và có chung mấy sở
thích như viết lách, dịch thuật, trau giồi kiến thức phổ thông, du khảo, đờn
ca, v..v.. Hơn nữa, còn có thêm một cơ
duyên độc đáo là Chính đã dậy má tôi tiếng Anh trong cuối thập niên 80 sau khi
má tôi được thả và trở vào Nam sau gần 13 năm tù về tội “gián điệp, phản động” ở
ngoài Bắc.
“Chuyên nghiệp vì trước
1975 Chính dậy Anh Văn ở trường Sinh Ngữ Quân Đội VNCH. Tới đầu thập niên 90 dù
là “sĩ quan ngụy” nhưng Chính vẫn được cử giữ chức Đại Diện
phía Nam của Vietnam Investment Review là tuần báo chuyên về Đầu Tư tại Việt
Nam của một tập đoàn tuyền thông Australia. Đúng lúc đó thì tôi lại được “School
for International Training” ở bang Vermont tuyển dụng làm giáo sư hướng dẫn cho
các sinh viên Mỹ tham dự Chương Trình Học
Kỳ Hải Ngoại ở VN. Do đó, ngoài việc mời Chính giảng về Đầu Tư và Kinh Tế VN,
tôi còn hay nhờ Chính cung cấp tài liệu và tư vấn cho sinh viên khi các em viết
luận văn cuối khóa.
“Mấy năm nay, tôi may
mắn được hai trường sinh ngữ ở Washington thỉnh thoảng mướn dậy tiếng Việt cho
một số công chức của Bộ Canh Nông và Thương Mại Hoa Kỳ chuẩn bị đi làm việc ở
Hà Nội và Saigon nên Chính là người tôi thường nhờ cung cấp hay kiếm giùm các
thông tin liên quan tới canh nông, thương mại và văn hoá VN mà các học viên và
tôi không tìm thấy trong mạng Wikipedia, sách báo hay qua Google Search.
“Dựa vào mối liên hệ
kể trên, tôi xin trân trọng giới thiệu với các thầy cô và cựu học sinh quà tặng
ĐH 60 Năm THBMT này. Tiện thể, tôi đề nghị những ai muốn tìm hiểu thêm về Nguyễn
Ngọc Chính có thể vào mạng http://www.chinhhoiuc.blogspot.com là một công trình sáng tác vào cuối đời nhưng
tôi được biết sẽ vẫn còn tiếp nối.
Bùi Dương Chi
Thầy giáo tiếng Anh
Trung Học Ban Mê Thuột
(1963-74).
Hai thầy trò sau năm 1975
Phải
nói, tôi may mắn có những người thầy như GS Chi khi ông đồng ý nhận viết lời giới
thiệu và có những người bạn đồng môn có nhã ý đứng ra kêu gọi sự đóng góp tài
chính cũng như in ấn để hoàn thành tập sách.
Công
đầu thuộc về bạn Nguyễn Xuân Duẩn ở Nebraska như thầy Chi đã nói đến trong lời
giới thiệu. Chính Duẩn là người có sáng kiến in cuốn “Hồi ức Ban Mê” như một món quà dành tặng các cựu học sinh trường
Trung học Ban Mê Thuột nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường sẽ được tổ chức
vào ngày Quốc khánh Hoa Kỳ 4/7/2015 tại California.
Duẩn
cũng là người đứng ra viết thơ kêu gọi sự đóng góp của các bạn cùng lớp ngày
xưa và được sự hưởng ứng tận tình của anh chị em ở hải ngoại, thậm chí còn có
những người ở Việt Nam cũng góp phần tài trợ. Phải chăng đó là tình đồng môn
tuy được hình thành từ ngày còn trẻ nhưng lại được thể hiện vào giai đoạn cuối
đời khi người nào tóc cũng đã điểm sương.
Tôi
chân thành ghi lại tên những người thầy năm xưa, những bạn học cũ từ thập niên
60, tất cả đã chung tay, góp sức để tạo nên “Hồi
ức Ban Mê”: GS Bùi Dương Chi, GS Đặng Kim Quy (Hoa Kỳ), GS Trần Văn Thịnh (Úc châu); các bạn
Nguyễn Xuân Duẩn, Nguyễn Trung Chính, Nguyễn Ngọc Thiệp, Phạm Công Lạc, Nguyễn
Kim Khoa, Cung Duy Bách, Phạm Năng Hưng, Lê Văn Thể, Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Thị Nho, Nguyễn Diệu Liên Hương, Phạm Thị Kim
Dung, Phạm Thị Tỉnh (Hoa Kỳ); Trần Hữu Thịnh (Việt Nam)… và còn rất nhiều thân
hữu trong và ngoài nước.
Việc
in ấn có người bạn học cũ là Nguyễn Trung Chính – tức nhà văn, nhà thơ Chinh
Nguyên thuộc nhóm Văn Thơ Lạc Việt tại San Jose – đứng ra đảm trách. Phần tôi
là tác giả chỉ còn mỗi công việc chọn lựa bài vở và biên tập lần chót trước khi
đưa vào máy in.
Tôi
chọn 18 bài để đăng trong “Hồi ức Ban Mê”,
một sự lựa chọn rất khó khăn giữa hơn 200 bài đã viết trong hồi ức. Những bài
này mang đủ thể loại, từ tản mạn đến truyện ngắn, từ nhật ký đến bút ký, từ
bình luận đến khảo luận, từ văn chương đến đời thường. 18 đề tài, có ít nhiều
liên quan đến xứ Buồn Muôn Thuở, được kèm theo nhiều hình ảnh để phần bài viết
thêm sống động và cũng để người đọc có những phút thư giãn khi phải đọc quá nhiều
chữ viết.
Ngoài
sự hỗ trợ của các bạn đồng môn cũng cần phải nhắc đến nhà văn Du Tử Lê đã viết
một bài giới thiệu về nội dung trong “Hồi
ức Ban Mê” với những nhận xét thật chuyên nghiệp. Nói theo kiểu của Du Tử
Lê, tác giả tập hồi ức đã… “phân thân”,
đánh ra những những “đường gươm” theo
kiểu “thập bát ban võ nghệ”! Từ Hoa Kỳ,
Du Tử Lê viết:
“Hồi Ức Ban Mê”, tác phẩm như một Ấn-chứng-văn-chương-Nguyễn-Ngọc-Chính
“Nhiều người quan niệm,
một khi đã là nhà văn, y có thể cùng lúc, đánh ra nhiều đường gươm văn chương lấp
lánh - - Tựa những cao thủ thuần thục “thập bát ban võ nghệ”. Sự thực, không phải
vậy.
“Tôi muốn nói, không
phải nhà văn nào, cũng có khả năng hóa thân từ hiện thực tới siêu thực, từ truyện
ký qua nghiên cứu văn học... Lịch sử văn học Việt cho thấy, không ít nhà văn từng
chứng tỏ khả năng “phân thân” của mình. Nhưng, số người thành công, trên thực tế,
lại chẳng bao nhiêu. Nếu không muốn nói là, chính sự ôm đồm kia, đã khiến nhiều
nhà văn tự hủy mình trong nhà tù “ảo tưởng” đó.
“Có nhiều nguyên nhân
lý giải cho thất bại vừa nói.
“Theo tôi, một trong
những nguyên nhân dẫn tới thất bại, là sự thiếu vắng những rung động ngây ngấy,
hay những ngọn lửa đam mê cháy bỏng - - Tựa ngọn hải đăng dẫn đường cho những
con tầu phiêu du về bến.
“Trong số rất ít những
nhà văn đánh ra, cùng lúc, nhiều đường gươm văn chương lấp lánh, thành công,
hôm nay, theo tôi có Nguyễn Ngọc Chính.
“Họ Nguyễn không chỉ
thành công khi hồi ức nhà văn của ông, mở vào thế giới tuổi thơ, tuổi học trò,
tình nghĩa, huyết thống... khiến người đọc không khỏi bùi ngùi, cảm động - -
Hay hồi ức về nơi chốn ông đã sống với, đã dừng lại, đã đi qua... (Mà,) họ Nguyễn
còn thành công ở cả lãnh vực ông gọi là du ký - - Như “Du ký xứ... Miệt Dưới”,
“Một tháng ở Melbourne” ... Hoặc những hồi ức râm ran nỗi ngậm ngùi, liu điu thất
thổ... khi ông viết “Không chốn dung thân”!...
“Theo tôi, trong số
những đường gươm văn chương lấp lánh, đánh ra, của Nguyễn Ngọc Chính, còn có những
soi sáng từ góc nhìn nhân bản (rất nhân bản), khi ông đề cập tới những sự kiện
văn học của trên nửa thế kỷ văn chương Việt Nam. Cụ thể, qua vụ án văn học
“Nhân Văn-Giai Phẩm” (mà,) bi kịch tiêu biểu, là nhà văn Thụy An; tới hành
trình văn chương hư ảo và, đời riêng gập ghềnh nắng, xót, của một Nguyễn Thị
Hoàng, xuyên qua tác phẩm “Vòng tay học trò”...
“Vẫn theo tôi, họ
Nguyễn còn thành công ở cả những ghi nhận đời thường, khi trái tim nhà văn của
ông mở vào những biểu tượng như: “Ngôn ngữ Saigon xưa: Lính tráng”, hay, “Cà
phê Saigon Xưa & Nay”, “Những cái tên bình dị về Núi & Đèo”...
“Tóm lại, nếu chúng
ta cần tìm một nhà văn có khả năng thực sự đến được cùng lúc, nhiều lãnh vực của
cuộc đời ố, kỵ, của định mệnh bất nhân, (thì,) người đó, không ai khác hơn Nguyễn
Ngọc Chính.
“Nếu trong quá khứ,
tôi từng ghi nhận rằng “Vũ Hữu Định, người đội vương miện cho Pleiku” thì, hôm
nay, tôi nghĩ, tôi không thể không viết xuống: “Nguyễn Ngọc Chính, người tháp
linh hồn cho Ban Mê”.
“Và tôi, chính là một
trong những người cảm-thụ được phần “linh hồn” tháp cho Ban Mê đó, của họ Nguyễn
vậy.
Du Tử Lê,
(Calif. Sept. 2014)
Hình ảnh trong “Hồi ức Ban Mê”
Một
người con của Ban Mê Thuột và cũng là một cựu học sinh trường TH BMT
– nhà văn kiêm nhạc sĩ Phan Ni Tấn – cũng góp phần giới thiệu “Hồi ức Ban Mê” qua một bài phân tích
chi tiết trước khi người đọc bước vào thế giới của hồi ức. Từ Canada, Phan Ni
Tấn viết:
Quẩn Quanh Câu Hồi Ức
“Khi tôi bắt đầu đọc
một vài trang “Hồi Ức Ban Mê” của Nguyễn Ngọc Chính, tôi không nghĩ mình sẽ chạm
phải những mẩu chuyện nhân tình thế thái đầy thú vị trong cuộc sống thường nhật
của chúng ta. Với tôi, đó là một khám phá hấp dẫn mà Nguyễn Ngọc Chính đã mở ra
một cánh cửa tinh tế, hăng hái dẫn ta về xứ Thượng Ban Mê, miền đất của Hoàng
Triều Cương Thổ, nơi mà anh đã gắn bó với thị trấn này như quê hương thứ hai của
mình.
“Hồi Ức Ban Mê” gồm tất
cả 18 tiêu đề, từ “Ban Mê Đi Dễ Khó Về” đến truyện ngắn “Không Chốn Dung Thân”,
là một tập hồi ký chứa đựng những hình ảnh sống động về kinh tế, xã hội, con
người và địa dư. Ở đó ta bắt gặp những mẩu truyện tiêu biểu qua từng giai đoạn,
hình kỷ niệm hay hình lịch sử, người còn đó hay đã ra đi..., đánh dấu sự trưởng thành của một cây bút nói
lên cốt tủy của cái gọi là chiều sâu văn hóa từ người.
“Qua văn phong Nguyễn
Ngọc Chính, mỗi câu chuyện viết về mỗi cảnh đời luôn luôn kèm theo nhìều hình ảnh
minh họa chứa đầy những kỷ niệm long lanh của tác giả. Anh dắt người đọc đi từ
trạng thái này qua trạng thái khác bằng nghệ thuật văn chương tả chân của riêng
anh, cho thấy anh sở trường về thể loại hồi ký, tùy bút và truyện ngắn. Nói đến
văn chương, Nguyễn Ngọc Chính không làm văn chương mà chỉ dùng văn chương để gởi
gắm tâm tư của mình như một lời tri ơn. Đây là đặc tính trong cách hành văn của
Nguyễn Ngọc Chính chủ tâm phản ánh tâm cảnh con người và chốn cũ. Hãy lướt qua
những chương sách để thấy cái tâm tình của tác giả bắt đầu từ thị trấn heo hút
miền núi Ban Mê Thuột, nơi mà anh theo gia đình từ Đà Lạt đến đây mưu sinh:
“Những phồn hoa của
phố thị thuở nào, mà mỗi người, một đời đã sinh ra và lớn lên ở nơi này, hoặc
đã một thời được sống trong sinh hoạt phố phường, chắc chắn không thể nào quên
được BMT với những kỷ niệm riêng tư của đời mình”.
“Thập niên 40 - 50,
những ai không vì cớ sự bắt buộc nào đó thì chẳng dại gì đặt chân lên cái chốn
ma thiêng nước độc Buồn Muôn Thuở này. Nhưng một khi đã "tới đây thì ở lại
đây". Đã vậy, có người dần dà gặp phải "định mệnh run rủi" như
Nguyễn Ngọc Chính. Anh tâm sự:
“Riêng đối với tôi, nếu
không vì lý do công vụ của bố phải chuyển gia đình từ Đà Lạt về BMT và nếu tôi
có quyền lựa chọn, chắc chắn việc chọn lựa đó sẽ không có tên BMT. Thế nhưng, định
mệnh run rủi, tôi đã lạc đến xứ Ban Mê và lập gia đình tại đây. Phải chăng là Đất
lành chim đậu? Cũng tại đây, trên giấy khai sinh của đứa con trai đầu lòng vẫn
còn mang con dấu của Xã Lạc Giao.
“Ban Mê đi dễ khó về
Trai đi có vợ, gái về
có con.
“Những lời tình tự
như vậy là cánh cửa đưa ta vào thế giới của hồi ức, bắt đầu từ thị trấn Ban Mê
Thuột băng đèo vượt núi xuống miền đồng bằng, xuyên qua nhiều nơi chốn lao xao
cho đến cái nhân tình thế thái - nhất nhất đều được tác giả ghi lại, kể ra,
không những suốt chiều dài của một phần đất nước mà còn cà kê cả những mẩu chuyện
nhỏ to ngoài nước.
Không riêng gì tác giả
“Hồi Ức Ban Mê”, những ai từng dính dáng tới miền đất Buồn Muôn Thuở nói chung
và trường Trung học Ban Mê Thuột nói riêng đều có ít nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Khi người học trò xếp bút nghiên đi vào đời thì hình ảnh cổng trường, lớp học,
phấn trắng, bảng đen, bàn ghế, sách vở, bạn học, thầy cô... tất cả đều trở
thành hành trang kỷ niệm. Riêng tâm hồn Nguyễn Ngọc Chính nghiêng xuống nỗi nhớ
bạn bè cùng lớp, nhất là tình nghĩ thầy trò sau những năm mài đũng quần trên ghế
nhà trường trung học Ban Mê Thuột. Mặc dù Nguyễn Ngọc Chính học chỉ có bốn năm
rồi chuyển trường về Đà Lạt, nhưng hầu như tất cả học sinh khác đều có cảm nghĩ
như anh: Trung học BMT là một ngôi trường nhỏ với một dãy lớp học nên thầy trò
luôn có cảm giác gần gũi như trong một gia đình.
“Viết về Ban Mê Thuột
mà không nhắc đến người Thượng là một thiếu sót lớn. Cho nên đọc bài viết “Người
Thượng Xứ Ban Mê”, ngoài những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô, bạn học, trường xưa,
đường phố cũ..., Nguyễn Ngọc Chính còn cất công sưu tầm tài liệu dẫn chứng rất
công phu và thuyết phục về đời sống, phong tục tập quán và hình ảnh các dân tộc
thiểu số sinh sống trên cao nguyên Nam Trung phần, vốn là vùng đất cổ xưa của
nhóm sắc tộc Rhadé, M' Nông, Djarai, M'dhur...
“Ngoài ra, Nguyễn Ngọc
Chính cũng không quên miêu tả thật ngoạn mục và trích dẫn tài liệu về trận đánh
lịch sử vào thị trấn Ban Mê Thuột ngày 10/3/1975 dẫn đến việc kết thúc cuộc chiến
ngày 30/4/1975 giữa hai miền Nam Bắc sau 30 năm tương tàn.
“Ngoài những câu chuyện
trên, ta còn gặp Nguyễn Ngọc Chính ở những trang viết về nữ sĩ Thụy An gây chú
ý đến người đọc. Trong vụ án Nhân Văn - Giai Phẩm của "ngũ nhân bang
" xẩy ra trong những năm 1955-1957, bà Thụy An là người phụ nữ duy nhất trong
nhóm đã bị chính quyền miền Bắc kết tội làm gián điệp cho mật vụ Pháp. Những ai
từng quan tâm đến vụ án trên chắc cũng đều biết, dù nữ sĩ Thụy An có bị hoàn cảnh
tù đày làm cho phôi phai, song bà vẫn giữ được phẩm cách, lòng can đảm và tinh
thần bất khuất của người phụ nữ Việt Nam. Cuối bài viết Nhân Văn - Giai Phẩm:
Nhà Văn Thụy An, Nguyễn Ngọc Chính kết:
“Hình như chúng ta vẫn
nợ Một Lời Kết về bà Thụy An. Những người trong cuộc đã minh oan cho bà, vấn đề
còn lại là trả lại danh dự cho một người đã khuất.”
“Nữ sĩ Thuỵ An mất
năm 1989 tại Sài Gòn. Đám tang của bà chỉ có vài người họ hàng thân thuộc và
chòm xóm. Đó là một cái chết lặng lẽ và buồn thảm như anh cho biết.
“Nhưng mà điều tôi muốn
nói lại đơn giản và... dễ thở hơn nhiều. Đó là sự trớ trêu của Nguyễn Ngọc
Chính như anh cho biết, xưa kia anh là học trò của con bà, thầy Bùi Dương Chi,
dạy Anh văn trên Ban Mê Thuột, nay anh lại là thầy dạy Anh văn cho bà và là
"bạn vong niên" của bà trong những tháng ngày cuối đời.
“Đọc “Hồi Ức Ban Mê”
của Nguyễn Ngọc Chính, mỗi câu chuyện đều có một tiêu đề với nội dung vẽ ra những
bức tranh đời sống, xã hội, học đường, tình người v.v... Tuy có nhiều góc cạnh,
nhưng cách dùng từ vừa mộc mạc, giản dị mà thâm trầm, vừa mạch lạc, trôi chảy,
phóng khoáng nhưng tâm thức sâu sắc, chuyện nào ra chuyện nấy, thật gần gũi,
thường ngày, thât sôi nổi vì bàng bạc chất người.
Cái hay ở đây, là
Nguyễn Ngọc Chính đã chấm ngòi bút của mình vào quá khứ để chín chắn mang chữ
nghĩa, hình ảnh lên trang giấy với biết bao là xôn xao kỷ niệm. Từ cách hành xử cuộc đời, cách nhìn vào xã hội,
lan man chuyện lính tráng, binh chủng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, ngay cả Nữ
Quân Nhân và nét đẹp của phụ nữ Sài Gòn xưa cũng được tác giả ưu ái nhắc tới một
cách hết sức tinh tế. Ngay cả hòn đất, ngôi nhà, trường học, miếng ngói, miếng
cá khô nướng, chút rượu đưa cay, nén nhang muộn màng..., những cảnh nhân sinh
thường tình đang xẩy ra eo xèo hằng ngày ngay trước mắt mà ta vì lo toan cuộc sống
nhiều khi lơ là, hờ hững bỏ qua
“Còn nữa, còn nhiều
điều thú vị được tác giả cần mẫn nhặt ra từ thực tại xã hội, kinh tế, chính
tri, văn hóa, học đường góp phần vào sức sống vạm vỡ giữa đời kia.
“Càng đi sâu vào nội
dung “Hồi Ức Ban Mê” của Nguyễn Ngọc Chính tôi càng nhận thấy, với sự kết hợp chặt
chẽ khoa học kỹ thuật, tài liệu dẫn chứng và đức tính cần cù của một bản năng
tìm vừa về nguồn cội, vừa khát khao khám phá, tác giả không ngớt dò dẫm tìm hiểu
về những điều kỳ lạ, bí ẩn của con người và đất đai địa lý, cũng như thế giới
bên ngoài. Nói rõ ra, "tham vọng văn chương" của Nguyễn Ngọc Chính đã
nói lên tinh thần dấn thân của một người tìm tòi, tra cứu nhưng lúc nào cũng hướng
về người xưa, trường xưa, đất xưa, thành phố cũ, là Ban Mê Thuột. Có thể nói suốt
đời Nguyễn Ngọc Chính đi lang thang đâu đó, dọc đường xa về quê đất Bắc hoặc đắm
mình trong văn vẻ, lúc rảnh rỗi lại hăm hở lội về quanh quẩn nơi Ban Mê Thuột,
quê hương thứ hai của anh.
“Nhìn chung, văn Nguyễn
Ngọc Chính viết theo lối tả chân, không quen kiểu lừng khừng triết lý. Những gì
gọi là triết lý thâm sâu qua ngõ ngách cuộc đời đều được ngòi bút của Nguyễn Ngọc
Chính giản lược, bình dị, tạo nên một bút pháp tự nhiên, hào hứng và thân
tình.
“Con người có thói
quen hay ra sức tưởng tượng và chủ quan. Chúng ta đều biết thực tại của mơ tưởng
khác với thực tại của ý thức hệ. Ở đây, Nguyễn Ngọc Chính không hì hục khiêng
cái hư tưởng của mình lên trang giấy. Anh đã từng đi qua nhiều quốc gia, nhiều
vùng đất đai địa lý để ghi chép theo lối suy nghĩ, lối cảm nhận, lối qui nạp những
điều hay, lẽ phải từ cái đẹp, cái lành để làm thành một tác phẩm văn chương nghệ
thuật: “Hồi Ức Ban Mê”.
“Nguyễn Ngọc Chính
sinh ngày 19/6/1946 tại Vĩnh Yên, Bắc Việt. Theo gia đình di cư vào Nam trước
năm 1954. Cựu học sinh trường Trung học Ban Mê Thuột niên khóa 60-67. Nguyễn Ngọc
Chính là một nhà văn, người nghệ sĩ có thực tài.
Bìa sau “Hồi ức Ban Mê”
Một
trong những điều khó nhất trong hoạt động văn chương là… bình luận về tác phẩm
của mình. Thế cho nên, xin miễn cho tôi bàn về văn của mình kẻo mang tiếng… “mèo khen mèo dài đuôi”. Chỉ xin nói một
điều: những gì viết ra trên Blog “Hồi ức
một đời người” cũng như trên những trang sách “Hồi ức Ban Mê” chỉ là chứng nhân cho một thời đã qua và đồng thời
cũng đề cập đến những đề tài thời sự trước mắt.
Hay
hay dở còn tùy thuộc vào quan điểm, chính kiến cũng như cách suy nghĩ của mỗi
người đọc.
Một thuở học trò tại xứ Ban Mê
***
(Trích Hồi Ức Một Đời Người)
Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:
1.
Chương 1: Thời thơ ấu (từ
Hà Nội vào Đà Lạt)
2.
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà
Lạt và Ban Mê Thuột)
3.
Chương 3: Thời thanh niên (Sài
Gòn)
4.
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài
Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5.
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng
Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
6.
Chương 6: Thời điêu linh (Sài
Gòn, Đà Lạt)
7.
Chương 7: Thời mở lòng (những
chuyện tình cảm)
8.
Chương 8: Thời mở cửa (Bước
vào nghề báo, thập niên 80)
9.
Chương 9: Thời hội nhập (Bút
ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả còn dự tính viết tiếp một
Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000
cho đến ngày xuống lỗ)!