Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021

Chiếc bóng trên tường

Trong “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ, ông đã viết về phẩm chất và số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, đồng thời lên án, tố cáo lễ giáo phong kiến, hà khắc đã không cho người phụ nữ được quyền tự bảo vệ mình.

Nguồn gốc của truyện bắt nguồn từ một truyện cổ tích dân gian tên là “Vợ chàng Trương”. Truyện kể về người con gái có tên là Vũ Thị Thiết, quê ở Nam Xương, nàng là người có dung hạnh vẹn toàn, chồng là Trương Sinh tính tình lại hay ghen còn Vũ Nương sắp đến kì sinh nở thì chồng bị gọi đi lính.

Ở nhà Vũ Nương sinh con và chăm nom mẹ chồng rất mực chu đáo. Cũng vì nhớ thương chồng và sợ con thiếu tình cha, nàng hay đùa với con mỗi đêm về bằng cách chỉ cái bóng của mình lên vách và nói với con đó là cha.

Từ nơi trận mạc trở về, đứa trẻ quấy khóc, bảo Trương không phải là cha vì cha chỉ đến vào ban đêm. Vì tính ghen tuông, Trương Sinh đã đánh mắng vợ rồi đuổi nàng đi. Không thể thanh minh được, Vũ Nương đã trẫm mình xuống dòng sông Hoàng Giang, để lấy cái chết minh oan cho mình.

Rồi tối đến, dưới ngọn đèn dầu, hai cha con thấy cái bóng của mình trên vách. Đứa con vội chỉ vào đó và nói ”Đấy cha tôi lại đến kia kìa…”. Trương Sinh ân hận vô cùng nhưng việc đã rồi.

***

Vua Lê Thánh Tôn đã có lần đi qua miếu người phụ nữ xấu số đó tại làng Nam Xương và cảm tác:

“Nghi ngút đầu ghềng tỏa khói hương

Miếu ai như miếu vợ chàng Trương

Ngọn đèn dầu tắt đừng nghe trẻ

Làn nước chi cho lụy đến nàng

Chứng quả có đôi vầng nhật nguyệt

Giải oan chi mượn đến đàn tràng

Qua đây mới biết nguồn cơn ấy

Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng”

Về sau, nhạc sĩ Thẩm Oánh đã viết lại câu chuyện buồn qua bài hát “Thiếu Phụ Nam Xương” với những câu da diết: “Không không bố tôi đêm tối mới về… Ôi đau thương, ôi ly tan, đau đớn cho nhau, chua xót cho nhau chim thương lìa đàn…”.

Mời xem nhạc cảnh "Thiếu Phụ Nam Xương" do Hồng Vân & Hoàng Thư và Nhật Trường trình bày tại https://www.youtube.com/watch?v=QUjzXM0iib0.

***

Trên đây là chuyện xưa, tích cũ nhưng ngày nay “Chơi với… hình bóng” lại cũng là một… nghệ thuật “hiện đại”. Chỉ cần sự xếp đặt của 10 ngón tay trước ánh đèn, người ta sẽ thấy những hình ảnh sống động của những chiếc bóng trên tường. Đặc biệt những bóng này lại là hình ảnh quen thuộc của các con vật quanh ta… giống y như thật!

 *** 














***


--> Read more..

Thứ Tư, 23 tháng 6, 2021

Sài Gòn... Covid


Cám ơn đời, một mai thức dậy

Ngõ nhà mình… chưa bị giăng dây!

Chim vẫn hót,  chào mừng ngày mới

Tính từng ngày… hạnh phúc là đây!

 

Biết hôm nay, cuộc đời êm ả

Trời đã cho một sáng quanh ta

Mọi bất trắc để mai tính tiếp

Biết gì hơn trong cõi ta bà!

 

Sài Gòn đó, vẫn tồn tại đó

Vẫn còn đây, nhà phố thật to

Nhưng đâu biết, ngày mai dịch bệnh

Đường thênh thang không để hẹn hò?

 

Những bóng ma chập chờn ẩn hiện

Những con đường hoang vắng nằm yên

Những cặp môi che kín nụ cười

Tìm đâu thấy bờ môi âu yếm?

 

Sài Gòn nay chỉ còn có vậy,

Đường thênh thang chờ đón ai đây?

 

(Tuần thứ 3 social distancing, đợt thứ 4, năm Vũ Hán thứ 2) 


***






***








 

--> Read more..

Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2021

“Cậu” tôi

Trong gia đình người Bắc ngày xưa (nhất là ở Hà Nội) người ta thường gọi đấng thân sinh ra mình là Cậu, cũng như Mẹ được gọi là Mợ. Trong khi đó, Cậu Mợ đối với những người ở các vùng khác chỉ đơn thuần là những người thân thích trong họ hàng, không hơn không kém.

Những tác phẩm của Tự lực Văn đoàn (nhóm Nhất Linh Nguyễn Tường Tam) đa số lúc nào cũng xuất hiện Cậu Mợ khi đề cập đến đấng sinh thành, thay vì Cha Mẹ, Ba Má hay những danh xưng đặc biệt mang tính cách vùng miền như Bầm, Đẻ, Tía…

“Cậu” của tôi dáng người tầm thước nhưng lại đi theo “binh nghiệp” từ lúc… còn nhỏ. Số là khi còn nhi đồng, ông nội tôi đã gửi Cậu vào “Thiếu sinh quân”, ngày xưa dưới thời Pháp thuộc gọi là “Enfant de Troupe”. Thế là suốt đời Cậu mang đủ sắc áo nhà binh cho đến thời Đệ nhị VNCH.

 

Cậu tôi hồi trẻ

Tôi chào đời năm 1946 tại làng Và, Bắc Ninh, khoảng 5 giờ sáng. Chỉ có hai mẹ con và cô đỡ vì lúc đó đang có cuộc đụng độ giữa Việt Minh và Quốc dân đảng. Mợ tôi kể lại khi đó mới cảm thấy thế nào là “cô đơn” vì Cậu còn mải lo chinh chiến. Mãi đến chiều mới thấy “bác bếp” xuất hiện với cơm nước dành cho bà đẻ!

 

Cậu Mợ tôi

Khi về Hà Nội, Cậu tôi “chuyển ngành” sang “cảnh binh”, phục vụ tại bót Hàng Trống. Cũng vì thế, bố con tiếp xúc với nhau hàng ngày có phần gần gũi hơn. Trên nguyên tắc là vậy nhưng tôi vẫn thấy Cậu lo chuyện công việc ngoài đời nhiều hơn chuyện gia đình!

 

Cậu tôi tại bót Hàng Trống, Hà Nội

Khi đến tuổi đi học, Cậu gửi tôi vào bán trú (demi-pension) ở trường dòng Puginier, nằm trên đường Carreau, nay là đường Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Đây là trường mang tên Paul-Francois Puginier, Giám mục địa phận Tây Đàng Ngoài và cũng là thành viên của Hội Thừa sai Paris. Trường được xây từ năm 1897.

Lần đâu tiên đi học, mà lại là trường dòng nên quả thật là một kinh nghiệm đáng nhớ cho chú bé sinh trưởng trong một gia đình vốn theo đạo Phật. Lúc nào học trò cũng phải đọc kinh trước khi học trong lớp và cả đến buổi trưa trước khi ăn cũng thế. Mà tôi đâu có biết gì về kinh kệ nên cứ ê a trong miệng!

 

Trường Puginier, Hà Nội, ngôi trường đầu tiên tôi đi học

Học ở Puginier chưa đầy một năm gia đình tôi lại bay thẳng vào Đà Lạt năm 1953 vì Cậu tôi khi đó đã chuyển qua Ngự Lâm Quân của cựu hoàng Bảo Đại. Vùng đất được mệnh danh là Hoàng Triều Cương Thổ, đất của nhà vua, lúc đó còn rất ít người và tôi chính thức bước vào bậc tiểu học tại trường Nam tiểu học Đà Lạt.

 

Cậu tôi trong trang phục Ngự Lâm Quân tại Đà Lạt, năm 1953

Khi ông Ngô Đình Diệm lên cầm quyền, Cậu tôi lại chuyển sang phục vụ trong Quân đội Quốc gia Việt Nam, tham gia các chiến dịch lớn như dẹp lực lượng Bình Xuyên, rồi đến các chiến dịch dẹp các lực lượng ly khai như Cao Đài, Hòa Hảo tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đây là quãng thời gian Cậu tôi phải thường xuyên xa nhà, năm thì mười họa mới có phép về thăm gia đình vẫn còn ở trên Đà Lạt. Thế rồi, một lần nữa, Cậu tôi lại chuyển ngành trở lại với lực lượng cảnh sát tại Ban Mê Thuột. Thêm một lần, gia đình tôi chuyển về một thị trấn thường được mệnh danh là Buồn Muôn Thuở, lại còn được gọi là Bụi Mù Trời.

 

Gia đình tôi tại Ban Mê Thuột, năm 1971 (Hai cô em gái hai bên và hai cháu nội ngồi với ông bà)

Đến tuổi về hưu, Cậu tôi và gia đình lại trở về ngôi nhà xưa trên Đà Lạt với vườn lan. Ông cụ vốn là người thích phong lan, thậm chí còn thường xuyên tổ chức các buổi đi rừng để săn lùng lan với sự góp sức của người Thượng rất rành về việc đi rừng.

Ngoài thì giờ chăm sóc lan, ông còn mua nhiều sách, những loại như “Học làm người” hay sách nghiên cứu về Phật giáo, Đạo lý… Những cuốn sách này ông viết ý kiến của mình ngay trên sách hoặc gạch dưới những chỗ tâm đắc. Cậu tôi cũng chẳng bao giờ phải nói ra những điều ông suy nghĩ vì biết rằng… tôi sẽ đọc!

 

Tấm hình duy nhất chụp hai bố con khi Cậu tôi lên trường Bộ binh Thủ Đức thăm con

Rồi ập đến ngày Sài Gòn thất thủ và chỉ vài năm sau Cậu tôi cũng ra đi về miền vĩnh hằng. Lúc ông cụ mất, tôi đang cùng đoàn sinh viên Mỹ thực hiện chuyến du khảo “cross-country” từ Sài Gòn đi ngược ra miền Bắc nên không về kịp.

Khi trở lên Đà Lạt thì Cậu tôi đã nằm trong lòng đất lạnh, không biết là “lạnh” hay “ấm”… vì có thể đó cũng là mảnh đất “ấm áp yêu thương” đã che chở cho một con người với một quãng đời tung hoành trên khắp nẻo đường đất nước?

 

“Ngày của Cha” (Father’s Day) là một ngày lễ tôn vinh người cha đã gắn kết với người Mẹ để tạo một gia đình cho các con. “Father’s Day”, được quy định là ngày Chủ nhật thứ 3 trong tháng Sáu hằng năm.

Năm nay, “Ngày Của Cha” là ngày 20/6/2021 nên cũng nhân dịp này có đôi dòng về người cha của tôi. Những hồi ức về “Cậu tôi” có thể không có gì đặc sắc nhưng tận sâu thẳm đáy lòng tôi, người cha đó vẫn chiếm một chỗ… không thể nào quên! 

“Dad, thank you for inspiring my life, for giving my love, for being forgiving, for being affectionate, kind and caring. You’re the best!” 

(Bố là người truyền cảm hứng cho con, là người cho con tình yêu, cho con sự tha thứ và sự âu yếm, ân cần, chăm sóc. Bố là người tuyệt vời nhất!) 

***

--> Read more..

Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2021

Những áng thơ “song ngữ”

Thơ Đường hay Đường thi là toàn bộ thơ ca đời Đường được các nhà thơ người Trung Quốc sáng tác trong khoảng từ thế kỉ thứ 7 đến 10 (618 - 907) và có thể chia ra làm 4 giai đoạn: Sơ Đường (618 - 713), Thịnh Đường (714 - 766), Trung Đường (766 - 835), Vãn Đường (835 - 907).

Thời Sơ Đường, các nhà thơ mệnh danh là "Tứ kiệt" gồm Dương Quýnh, Lư Chiếu Lân, Lạc Tân Vương và Vương Bột đã đổi được phần nào phong khí uỷ mị của thơ các triều đại trước.

Tới Trần Tử Ngang thì có phong trào đổi mới thi ca theo tinh thần phong nhã của "Kinh thi" và "phong cốt Hán Nguỵ", chủ trương làm thơ phải có "ký thác", nghĩa là nói lên tâm tình của mình, ghi lại cảm xúc thật sự của mình trước hiện thực đời sống, bỏ hẳn thơ sắc tình đời Lục triều, và thơ ca công tụng đức, thơ ứng chế của một số nhà thơ đầu đời Đường như Thẩm Thuyên Kỳ, Tống Chi Vấn.

Ta hảy đọc nguyên tác “Phong Kiều Dạ Bạc” của Trương Kế (thuộc thời Thịnh Ðường) và bản dịch của Tản Đà sau đây:

* Nguyên tác:


“Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên

Giang phong, ngư hỏa đối sầu miên

Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”


* Dịch nghĩa:

Trăng tà, quạ kêu, sương đầy trờI

Cây phong trên bờ sông, ánh lửa thuyền câu, trước giấc ngủ buồn

Chùa Hàn San bên ngoài thành Cô Tô

Nửa đêm, tiếng chuông vang đến thuyền khách

 

* Bản dịch của thi sĩ Tản Ðà:


“Trăng tà, tiếng quạ kêu sương

Lửa chài, cây bến sầu vương giấc hồ

Thuyền ai đậu bến Cô Tô

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San”.

 

Tản Đà

 

Ngày nay, thơ viết bằng tiếng Anh không còn xa lạ với các bạn yêu thơ. Cùng với những bài thơ hay bằng tiếng Việt, thơ tiếng Anh cũng được nhiều bạn đọc sưu tầm, thậm chí còn có những người Việt dịch hẳn thơ sang tiếng Anh.

Chúng tôi muốn nói đến Thanh Thanh, một nhà thơ đã “chuyển ngữ” một số bài thơ tiếng Việt sang tiếng Anh, với đầy đủ niêm luật của một bài thơ theo phong cách tiếng Anh. Và thế là chúng ta có một cái gọi là “BILINGUAL POETRY”.

 

Thanh Thanh

 

Những bài thơ này của các tác giả vốn đã có tiếng tăm trên văn đàn Việt Nam, có người gửi đến cho Thanh Thanh và nhà thơ “song ngữ” này đã không phụ lòng tin tưởng của bạn bè trong việc dịch thơ sang tiếng Anh. (Các bạn có thể vào trang web https://lexuannhuan.tripod.com/ThanhThanh.html để tham khảo về Thanh Thanh).

Trước tiên là bài thơ của Huyền Chi:

BÀI THƠ CUỐI CÙNG

gửi THANH-THANH

Lòng buồn như một chiều mưa

Run run viết một bài thơ... cuối cùng...

Không hiểu vì sao tôi cũng viết

Những giòng thơ lạnh giữa chiều nay.

Lòng cô đơn quá, sầu không hết;

Nắng loãng chiều tang phủ gót giày ...

Ðọc mãi vần thơ tự xứ Trung,

Những vần thơ giá buốt như đông:

Chao ôi! sâu kín là rung động

Im lặng trong hồn, ai biết không?

Muốn viết bao nhiêu, muốn nói nhiều;

Hỡi ơi! tình-cảm đã hoang-liêu!

Cuộc đời hơn một lần đi vắng,

Lặng-lẽ trong tim mấy vạn chiều ...

Tôi thấy lòng tôi: ôi! xuyến-xao

Từng niềm rưng-rức, ý nao nao ...

Từng cơn giông-tố, từng nhung-nhớ,

Chất mãi trong tim tự kiếp nào ...

Nhưng viết làm sao ? tàn-nhẫn lắm!

Mộng vàng là mộng bấy nhiêu thôi!

Mà viết làm chi? đau-khổ lắm!

Hai kẻ hai phương trọn kiếp rồi!

Tôi muốn lần nào trong giấc mơ

Cầm tay khẽ đọc một bài thơ ...

Hoa mai rũ nhẹ trên đôi tóc,

Lưu-luyến bừng trong ánh mắt chờ...

Nào phải vô-tình qua trước cửa,

Lảng-lơ như một kẻ qua đường!

Ðã có nhiều đêm nghe thắc-mắc...

Nhưng đành... đành vậy! phủi mùi hương.

Thanh ạ! lòng tôi là thế đấy,

Tình tôi nhỏ quá! biết làm sao ?

Người xa hun-hút, xa-xôi quá!

Muốn nối đường tim, chẳng chịu vào!

Tôi ở nơi đây với mẹ già,

Chợ ngày hai buổi, tháng năm qua ...

Ði trong sa-mạc, trong hiu-quạnh!

Thơ viết rồi thôi, mộng chẳng hoa!

Không biết bao nhiêu những lá thư

Mà tôi đã đọc tự ngày xưa ...

Tâm-tình gửi mãi vào trang giấy,

Nhưng chẳng bao giờ tôi biết mơ ...

Những bóng người qua đến lỡ-làng,

Lòng tôi vẫn chỉ một mùa hoang!

Bao nhiêu bến nước tôi không cắm,

Không đợi, không chờ, không cả sang...

Nhưng đến hôm nay, nhận của người

Một bài thơ máu, một tình côi!

Tôi nghe xao-xuyến tràn trên mắt;

Nhưng, biết làm sao, hỡi cuộc đời!

Chỉ mộng mà thôi, mộng đấy thôi!

Hai ta xa cách, có trăm lời

Cũng không nối được hai phương ấy,

Cột được linh-hồn cho cả đôi!

Rồi sáng hôm nào, trời hửng nắng,

Chất đầy xao-xuyến ở trong tim,

Tôi đi thơ-thẩn, đi xa vắng...

Ðọc nhỏ tên người giữa vắng im...

Muốn đốt làm gì trang giấy bé?

Những phong thư lạnh gửi ngày xưa ...

Không! tôi muốn giữ trong tâm-tưởng

Một bóng vời xa, dẫu đã mờ ...

Tôi viết lòng tôi bằng máu mực,

Miền Trung xa vắng, hỡi Miền Trung!

Chiều nay rên-siết căng trong mắt,

Gửi một bài thơ ... cho ... cố-nhân...

 

Sài-Gòn, Hè 1953

HUYỀN CHI

(thư gửi Thanh-Thanh ngày 10-6)

 

* Bản dịch của Thanh Thanh:

 

MY LAST POEM

to THANH-THANH

While my soul is sad as in a rainy eve,

Writing this last poem I tremble to conceive…

It seems to be unknown why I also write

These wintry rhymes in this evening so trite.

My heart is too lonely, endlessly in blues;

The mourning setting sun shadows my shoes.

I have read and read from the Central Clime

The verses so chilling as in the chilly time.

Alas! How deep is your feelings’ command:

Silence in the soul, whoever would understand?

Although I want to write, say so much;

Oh! My emotion has turned uncouth to touch;

More than once life seems to be deserted:

Quiet in the mind myriad evenings introverted.

How my innermost flutters as I can sense

Each sentiment stings, feeling upsets, so tense;

Storm slashing, remembrance racking, manifold

Have cumulated in my breast since lives of old…

But how to write? it is so ruthless, how to fit?

Golden dreams remain dreams, such a tiny bit!

And why to write? What a forlorn fate!

The two are to go their way all life separate!

I wished, in my dreams, there is a certain time

We hold their hands, gently reading a rhyme…

Apricot flowers softly hang down on our hair;

Attachment shines in my eyes with a waiting air.

You are not just impassible like some strange guy

As inattentive as any kind of vague passer-by!

I have experienced queries many a night…

Well, I am fain… to dispel of fancy that flight.

Yes, Thanh my dear! Thus is my impression;

My affection is too little to answer the question.

You are so far, far-away, at a distance blear!

To link a love, down to the South you do not near!

I live here with my aged beloved mother;

Twice daily marketing, time passes as a souther;

Walking in the desert, hermitage to gloom;

Poems have been written, dreams not to bloom!

I do not remember how many letters to amaze

I had received and read since the old days,

The paper conveyed their heart-to-heart theme

But I had never known of anything to dream.

The figures past and past at all inconclusive;

My heart is still in a pristine season, elusive!

So many river wharfs I did not moor anywhere,

Neither await, nor tarry for, much less dare…

But, today I have just received from you

Such a confidential poem, what a solitary cue!

I do feel my heart flutters and my tears flow;

Yet, my dear, how should I react now, hillo!

Only in dreams; yes, that is only in a dream

Because we are separated, against the stream;

Even hundreds of words could not unite

The two domains, bind the two souls alright!

Then, a certain morning, the sun begins to shine

Piling my heart with perturbation, full of brine,

I will be walking loungingly, vacantly, hurt,

Pronouncing vaguely your name in the desert…

Why you want me to burn the small pages,

The lonely letters sent me since… the ages?

No! I wish to keep them – in my innermost

A remote outline, even not of a shadow a ghost.

I have written my feelings out with all my heart,

Oh! the Central Region that still stays apart!

This evening with eyes that tears overcame,

I am sending my last poem to my… old flame…

Saigon, in 1953 summer

HUYỀN CHI

(sent to Thanh-Thanh on June 10)

Translated by Thanh-Thanh and published in his “Ánh Trời Mai” new edition, republished by Xây Dựng in 1954

 



Chúng tôi xin trích đăng một bài thơ nữa của Tràm Cà Mau và bản dịch của Thanh Thanh: 

KHI TÔI CHẾT                

Nếu làm biếng, cứ nằm nhà thoải mái          

Viếng thăm chi, vài phút có thêm gì ?          

Mắt đã nhắm. Lạnh thân. Da bầm tái .          

Dẫu bôi son, trát phấn cũng thâm chì.          

Tôi đi trước, hẹn gặp nhau ở đó,          

Ai thay da mãi mãi sống trăm đời .      

Kẻ trước người sau, xếp hàng xuống mộ     

Biết đâu là khởi điểm cuộc rong chơi.          

Nếu có khóc, khóc cho người còn lại,          

Bởi  từ nay thiếu vắng nỗi đầy vơi .             

Cũng mất mát, dáng hình, lời thân ái          

Tựa nương nhau, hụt hẫng giữa đất trời.

Đừng đăng báo, phân ưu lời cáo phó            

Chuyện thường tình, phí giấy có ích chi ?    

Gởi mua gạo, giúp người nghèo đói khó      

Dịu đau buồn những kiếp sống hàn vi,         

Trỗi nhạc vui cho người người ý thức,         

Cuộc nhân sinh sống chết cũng tương đồng,

Khi nằm xuống, xuôi tay và nhắm mắt        

Thì đau buồn hạnh phúc cũng hư không.     

Đừng xây mộ, khắc bia ghi tên tuổi                          

Vài trăm năm hoang vắng, chẳng ai hoài .   

Vũ trụ vô cùng, thời gian tiếp nối,        

Tỉ tỉ người đã chết tự sơ khai.               

Khi tôi chết đừng ma chay đình đám,           

Hỏa thiêu tàn, tro xác gởi về quê          

Dẫu bốn biển, cũng là nhà, bầu bạn             

Trong tôi còn tha thiết chút tình mê.            

Thì cũng C, H, Ô, N kết lại,                 

Nắm tro xương hài cốt khác nhau gì,           

Nhưng đất mẹ chan hòa niềm thân ái,          

Cho tôi về, dù cát bụi vô tri.                      

TRÀM CÀ MAU

 

* Bài thơ dịch của Thanh Thanh:

WHEN I HAVE DIED

If you feel like lazy, lie down at home freely;

What use to visit, some minutes adds nothing really.

Eyes are closed. Body cold. Skin bluish pale.

Even vermilion/paint applied: still dark deep stale.   

I have gone first, we will meet there at that place.

Nobody can exuviate to live for ever in this space.

One ahead, others next, queuing to graves pure;

Who knows where is the beginning of the tour.

If you weep, just weep for those remaining

From now on missing confidences entertaining;

They also lose cordial figures and words to nurse:

Such mutual aid, oh, that is a misstep in universe.

Do not publish the obituary, condolences in papers

Since the ordinary things wasted are only vapors;

Instead buy rice to help the poor and indigent

Soothing the grief of people humble but exigent.

Start festal music so everybody aware of the game

That in this world life and death are of the same.

Once lying down, arms loose, eyes shut, all is chill,

Then, happiness or distress both are equally nil.

Do not build, inscribe my name/age on a tombstone;           

Years will have passed, no one will have shown.

The macrocosm is immense, time succeeds time,

Billions and billions have died since the prime.

When I am dead, my funeral? do not solemnize.

Cremate it, send the ash to my country to localize.

With friends is like at home on the globe any part; 

Inside myself there is still always that fervid heart.

Then, it is what that collects, compacts, maintains:

There is no difference between corpse and remains.

But the native land is with affection overflowing;

Let me return there, even as dull dust, unknowing.

Translation by THANH-THANH

 

*** 

--> Read more..

Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2021

Đôi nét về Sài Gòn xưa

01. Ngôi trường xưa nhất

Trường Lê Quý Đôn được xây vào năm 1874, hoàn tất năm 1877 do người Pháp quản lý. Lúc đầu trường có tên Collège Indigène (Trung học Bản xứ), rồi đổi thành Collège Chasseluop Laubat. Năm 1954, trường mang tên Jean Jacques Rousseau. Năm 1967, trường được trả cho người Việt quản lý mang tên Trung tâm Giáo dục Lê Quý Đôn. Từ năm 1975 đến nay đổi tên là trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn. Hơn một thế kỷ qua trường vẫn giữ được kiến trúc ban đầu. 


02. Nhà máy điện xưa nhất

Nhà máy điện Chợ Quán được xây vào năm 1896, máy phát điện chạy bằng hơi nước có 5 lò hơi với 150m2, cung cấp dòng điện 3 pha, công suất chưa tới 120MW. Máy phát điện chính công suất 1000 Ăm-pe/giờ. Hiện nay, nhà máy đã được trang bị hiện đại với 7 máy phát điện, hòa với lưới điện quốc gia cung ứng phần quan trọng cho lưới điện thành phố. Nhà máy tọa lạc tại số 8 Bến Hàm Tử, Quận 5.


03. Bệnh viện xưa nhất

Bệnh viện Chợ Quán được xây vào năm 1826 do một số nhà hảo tâm đóng góp, sau đó hiến cho nhà nước. Năm 1954-1957, bệnh viện được giao cho Quân đội và đổi tên thành Viện Bài lao Ngô Quyền. Năm 1974, đổi thành Trung tâm Y tế Hàn-Việt với 522 giường. Tháng 9/1975, mang tên Bệnh viện Chợ Quán. Đến ngày 5/9/1989 chuyển thành Trung tâm Bệnh Nhiệt đới. Hiện nay có 610 Cán bộ-Công nhân viên và 550 giường bệnh. 


 04. Nhà hát xưa nhất

Nhà hát thành phố do kiến trúc sư người Pháp khởi công và hoàn tất vào ngày 17/1/1900. Các phù điêu bên trong được một họa sĩ tên tuổi ở Pháp vẽ giống như mẫu của các nhà hát ở Pháp cuối thế kỷ XIX. Nhà hát là nơi trình diễn ca nhạc kịch cho Pháp kiều xem. Năm 1956-1975, Nhà hát được dùng làm trụ sở Hạ nghị viện cho các chính phủ Đệ I & II Việt Nam Cộng Hòa; tháng 5/1975 trở thành Nhà hát thành phố với 750 chỗ ngồi. Kỷ niệm 300 năm Sài Gòn, toàn bộ phần kiến trúc bên ngoài Nhà hát đã được tu sửa lại như lúc nguyên thủy.


05. Khách sạn xưa nhất

Khách sạn Continental tọa lạc tại 132-134 Đồng Khởi, được xây vào năm 1880 do Kiến trúc sư người Pháp thiết kế, tên khách sạn có ngay từ những ngày đầu. Sau ngày 30/4/1975, khách sạn Continental đổi thành Hải Âu. Đến năm 1989, khách sạn được nâng cấp, chỉnh trang và lấy lại tên cũ Continental với diện tích 3430m2, cao 3 tầng, nơi đây đã từng đón tiếp các vị tổng thống, thống đốc, nhà văn, người mẫu nổi tiếng. Ngày nay, khách sạn Continental là một trong những khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế.


06. Nhà thờ xưa nhất

Nhà thờ Chợ Quán tọa lạc tại số 20 Trần Bình Trọng, Phường 2, Quận 5, được xây vào năm 1674 là nhà thờ cổ nhất tại Sài Gòn và cổ nhất ở miền Nam. Ngôi thánh đường nằm ở vị trí trung tâm, có kiến trúc kiểu phương Tây, lợp ngói đỏ, có thể chứa khoảng 1000 người. Ngoài việc sinh hoạt tôn giáo, họ đạo Chợ Quán tích cực tham gia công tác xã hội giúp đỡ người nghèo. Trải qua hơn 3 thế kỷ Nhà thờ Chợ Quán đã được trùng tu nhiều lần. Hiện nay, nơi đây có phòng khám và phát thuốc từ thiện dưới quyền quản lý của Hội Hồng Thập Tự, Quận 5.


07. Ngôi đình xưa nhất

Một trong những ngôi đình cổ nhất của đất Gia Định xưa và xưa nhất Nam Bộ là đình Thông Tây Hội, được xây vào khoảng năm 1679, là chứng tích còn nguyên vẹn nhất của thời kỳ dân Ngũ Quảng kéo vào khai khẩn vùng Gò đất có nhiều cây Vắp (từ đó trở thành tên địa phương là Gò Vấp). Đình lúc đầu là của thôn Hạnh Thông, thôn khởi nguyên của Gò Vấp, sau đổi thành Thông Tây Hội (do sự sáp nhập của thôn Hạnh Thông Tây (thôn Mới) và thôn An Hội. Đình Thông Tây Hội có vị Thành Hoàng rất độc đáo. Hai vị thần thờ ở đình là hai hoàng tử con vua Lý Thái Tổ, do tranh ngôi với thái tử Vũ Đức nên bị đày đi khai hoang ở vùng cực Nam tổ quốc và trở thành “Thủy tổ khai hoang” trong lịch sử Việt Nam; hai vị thần đó là: Đông Chinh Vương và Dục Thánh Vương. Ngôi đình còn giữ được khá nguyên vẹn về quy mô và kiến trúc, kết cấu, với những chạm khắc đặc trưng Nam bộ. Đình Thông Tây Hội thuộc Phường 11, Gò Vấp.


08. Nhà văn hóa xưa nhất

Cung Văn hóa Lao Động. Năm 1866, với tên gọi Cercle Sportif Saigonnais được xây dựng làm sân thể thao cho các quan chức người Pháp với những hồ bơi, sân quần vợt, phòng đấu kiếm và phòng khiêu vũ. Sau đó sân chơi được mở rộng hơn và phục vụ cho cả giới quý tộc. Tháng 11/1975, Ủy ban Quân quản Sài Gòn–Gia Định trao toàn bộ khu này cho Liên đoàn Lao động Thành phố để biến thành khu hoạt động văn hóa thể thao và vui chơi giải trí cho công nhân lao động, lấy tên là Câu lạc bộ Lao Động, sau đổi thành Nhà văn hóa Lao Động, và rồi là Cung Văn hóa Lao Động. Diện tích 2.8ha, với 132 năm hình thành và phát triển, Cung Văn hóa Lao Động là Nhà văn hóa cổ và lớn nhất của Sài Gòn.


09. Công viên lâu đời nhất

Thảo Cầm Viên do người Pháp xây vào năm 1864, nhà thực vật học nổi tiếng người Pháp Louis Pierre làm giám đốc đầu tiên. Mục đích xây dựng Thảo Cầm Viên để ươm cây giống trồng dọc các đại lộ Sài Gòn, đồng thời là nơi nuôi & trồng những động & thực vật miền nhiệt đới mà các Thảo Cầm Viên của Pháp lúc bấy giờ chưa có. Năm 1865, chính phủ Nhật đã hỗ trợ khoảng 900 giống cây quý như: Chizgnamat, Goyamtz, Acamatz, Coramatz, Kayanoki, Kayamaki, Enoki, Maiki, Asoumaro, Sengni, Momi, Cashi, Kiaki, Inoki... Động vật của Thảo Cầm Viên khá phong phú như: gà lôi, sếu, cu gáy, hồng hoàng, công, hưu, nai, cọp, khỉ, chồn hương, tắc kè, rùa, cọp xám, báo đen, gà lôi xanh, chim cú mèo...

Đến năm 1989, Thảo Cầm Viên được trùng tu, mở rộng và nhận thêm nhiều giống thú mới, trồng thêm cây quý. Hiện nay, có 600 đầu thú thuộc 120 loài, 1823 cây gỗ thuộc 260 loài và nhiều loại cây kiểng quý trên diện tích 21.352m2. Năm 1990, Thảo Cầm Viên là thành viên chính thức của Hiệp hội các vườn thú Đông Nam Á. Thảo Cầm Viên đã tròn 134 tuổi, số lượng động & thực vật ngày càng tăng, nơi đây đã gắn bó với từng bước đi lên của thành phố và là một trong những công viên khoa học lớn nhất Đông Dương.


10. Ngôi nhà xưa nhất

Ngôi nhà có tuổi thọ lâu đời nhất còn hiện diện tại Sài Gòn nằm trong khuôn viên Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn, số 180 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Quận 3. Năm 1790, Vua Gia Long cho cất ngôi nhà này ở gần Rạch Thị Nghè làm nơi ở cho Linh Mục Bá-Đa-Lộc và làm nơi dạy học cho Hoàng tử Cảnh. Ngôi nhà được xây bên bờ sông Thị Nghè trong địa phận Thảo Cầm Viên bây giờ. Năm 1799, Bá-Đa-Lộc chết, ngôi nhà được giao cho linh mục khác. Từ năm 1811 đến năm 1864 ngôi nhà bị đóng cửa vì chính sách cấm đạo của triều đình Huế. Sau khi vua Tự Đức ký hòa ước với Pháp, ngôi nhà được trao lại cho Tòa Giám Mục và được di chuyển về vị trí đường Alexandre de Rhodes hiện nay.

Sau đó năm 1900 Tòa Giám Mục được xây cất tại 180 đường Richaud (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) thì ngôi nhà gỗ lại được dời về đây làm nhà thờ của Tòa Giám Mục. Ngôi nhà 3 gian 2 chái, lợp ngói âm dương, sườn, cột bằng gỗ, khung cửa và các khung thờ đều được chạm trổ công phu với hình hoa, lá, chim thú, hoa văn. Trong các di vật còn lại của ngôi nhà có một di vật có giá trị lịch sử lớn, đó là đôi liễn gỗ có tám chữ triện khảm xà cừ là tám chữ vua Gia Long ban tặng giám mục Bá-Đa-Lộc, một bên là “Tứ Kỳ Thịnh Hy”, một bên là “Thần Chi Cách Tư”.

Ngôi nhà được tu sửa vào năm 1980, cách tu sửa có tính chất vá víu, cốt giữ lại những gì có thể giữ được. Trải qua hai thế kỷ ngôi nhà không giữ được nguyên trạng nhưng đây là một di tích kiến trúc mang dấu ấn lịch sử, tôn giáo và văn hóa nghệ thuật. Đây là một tài sản có giá trị mà các bậc tiền nhân đã để lại cho chúng ta, không chỉ là truyền thống - bản sắc dân tộc mà còn là bộ mặt quá khứ mang tính văn hóa kiến trúc, một khía cạnh văn minh tại một vùng đất mới mọc lên từ đầm lầy, kênh rạch.


11. Ngôi chùa xưa nhất

Ngôi chùa có cảnh trí đẹp nhưng nằm ở địa điểm không tiện đi lại nên được ít người biết đến, đó là chùa Huê Nghiêm, tọa lạc ở 20/8 Đặng Văn Bi, Thủ Đức. Chùa được thành lập năm 1721 do Tổ Thiệt Thùy (Tánh Tường) khai sáng. Tên chùa lấy từ tên bộ kinh Hoa Nghiêm. Đây là chùa cổ xưa nhất trong các chùa ở Sài Gòn nên còn gọi là Huê Nghiêm Cổ Tự. Những ngày đầu là một ngôi chùa nhỏ được xây cất trên vùng đất thấp cách địa thế chùa hiện nay khoảng 100m. Sau đó, Phật tử Nguyễn Thị Hiên, pháp danh Liễu Đạo, cúng đất để xây lại ngôi chùa rộng rãi khang trang như hiện nay.

Qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1960, 1969, 1990 mặt tiền chùa ngày nay mang dáng vẻ kiến trúc của chùa hiện đại nhưng các gian phía trong vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ truyền, mái gian mặt tiền được cấu trúc gồm 3 lớp, nhỏ dần về phía trên. Các đường gờ mái chạy dài xuống cuối đầu đăng đều trang trí bằng hoa văn hình cánh sen đối xứng, giữa là hình bánh xe luân pháp, đặt trên hoa sen. Mái lợp ngói ống màu đỏ, đường viền mái ngói màu xanh. Vườn chùa có nhiều cây xanh bóng mát, có 9 ngôi tháp cổ với nhiều kiểu dáng khác nhau như những cánh sen vươn lên. Những hàng cột gỗ trong chùa được khắc nổi các câu đối bằng chữ Hán màu đen kết hợp với việc chạm khắc mô típ “long ẩn vân” dùng trang trí.

Chùa Huê Nghiêm là một di tích Phật giáo quan trọng, là nơi dừng chân, sống đạo và hành đạo của nhiều vị danh tăng uyên thâm Phật pháp, có đạo hạnh và có đạo đức. Chùa cũng là bằng chứng về trình độ kiến trúc và phong tục tập quán của người Việt trên vùng đất mới khai phá, mở ra nền văn minh trên vùng đất hoang sơ.


12. Đường sắt đầu tiên ở thành phố

Tuyến đường sắt đầu tiên ở nước ta là đoạn đường sắt Sài Gòn–Mỹ Tho dài 71km, được xây vào năm 1881. Ga chính trước chợ Bến Thành, văn phòng đường sắt là tòa nhà 2 tầng chiếm cả khu đất bao bọc bởi ba đường Hàm Nghi–Huỳnh Thúc Kháng–Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nay là Xí nghiệp Liên hợp đường sắt khu vực 3. Xe lửa chạy bằng máy hơi nước phải dùng than củi đốt nồi súp-de nên xe chạy khá chậm. Vì không cạnh tranh nổi với xe đò trong việc chuyên chở hàng hóa và hành khách, đường xe lửa Sài Gòn–Mỹ Tho đã ngưng hoạt động từ lâu. Sau năm 1975, Ga xe lửa Sài Gòn được dời về Ga Hòa Hưng. Vào ngày 8/8/1998, người ta khởi công xây cất Trung Tâm Văn Hóa Thương Mại Sài Gòn trên nền Ga Sài Gòn cũ.


13. Người Việt đầu tiên viết sử Việt Nam bằng tiếng Pháp

Ông Trương Vĩnh Ký (1837-1898). Năm 1859, Pháo hạm Pháp bắn vào cửa biển Đà Nẵng và thành cũ Gia Định, triều đình nhà Nguyễn bắt buộc chấp nhận mở cửa đất nước cho tư bản thực dân Pháp xâm nhập. Trong giai đoạn lịch sử mới, người Việt Nam từng bước tiếp xúc với ngôn ngữ và văn minh mới. Trương Vĩnh Ký là một trong những người sớm tiếp xúc và hấp thụ ngôn ngữ văn hóa phương Tây đã trở thành học giả có nhiều sáng tác nhất bằng cả tiếng Pháp và tiếng Hán–Việt. Ông là người Việt Nam đầu tiên viết sử Việt Nam bằng tiếng Pháp. Cuốn “Giáo trình lịch sử An Nam” đã được xuất bản gồm hai tập dày 462 trang. Đây thực sự là một công trình bác học biên soạn công phu dưới ánh sáng của một phương pháp luận khoa học tiến bộ so với đương thời.


14. Tờ báo bằng chữ Quốc Ngữ đầu tiên

Tờ “Gia Định Báo” là tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên ở nước ta ra đời tháng 4/1865. Tờ báo đăng những thông tin nghị định của nhà nước và những tin kinh tế xã hội, lời bàn về thời cuộc, luân lý, lịch sử. Báo ra hằng tháng. Sau 4 năm phát hành, chính quyền thuộc địa cho phép báo phát hành hàng tuần bằng quyết định số 51 ngày 18/3/1869.


15. Tờ báo đầu tiên của Phụ nữ Việt Nam

Ngày 1/2/1918 tờ báo chuyên về Phụ nữ đầu tiên ra đời là tờ “Nữ Giới Chung” nhằm nâng cao trí thức, khuyến khích công-nông-thương, đề cao người Phụ nữ trong xã hội, chú trọng đến việc dạy đức hạnh, nữ công, phê phán những ràng buộc đối với Phụ nữ, đánh đổ mê tín dị đoan, động viên Phụ nữ quan tâm đến việc “Nữ quyền”. Muốn có vị trí ngang hàng với nam giới ngoài việc tề gia nội trợ phải am hiểu “tình trong thế ngoài”.

Chủ bút tờ báo là nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, con gái nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, vốn có lòng yêu nước, yêu thương đồng bào như thân phụ nên khi làm báo Bà có ý muốn làm diễn đàn để tỉnh thức lòng yêu nước trong dân chúng. Tuy chỉ tồn tại được hơn 6 tháng nhưng “Nữ Giới Chung” cũng đã gióng lên một hồi chuông nữ quyền còn vang mãi đến ngày nay. 


16. Cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên

“Đại Nam Quốc Âm Tự Vị” là cuốn từ điển tiếng Việt quốc ngữ La-tinh của Huỳnh Tịnh Của gồm hai tập: Tập I xuất bản năm 1895, tập II xuất bản 1896 tại Sài Gòn. Bộ từ điển chứa nhiều từ ngữ xưa, thành ngữ, tục ngữ, từ ngữ về thảo mộc, cầm thú của Việt Nam và của miền Nam. Bộ từ điển này trở thành Từ điển Bách khoa toàn thư đầu tiên về Nam Bộ. 


17. Người kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên

Ông Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) người làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Gia đình ông theo đạo Thiên Chúa, ông giỏi chữ Nho, thông hiểu Ngũ Kinh Tứ Thư, học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp với các giáo sĩ. Ông được giám mục Gauthier đưa sang Paris năm 1858. Ông am hiểu chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, pháp luật. Năm 1861 ông trở về nước, tàu ghé Sài Gòn thì nơi đây đã đổi chủ, ông buộc phải làm phiên dịch cho người Pháp.

Trong lúc ở Sài Gòn, ông đã đứng ra xây cất tu viện dòng thánh Phao-lô (số 4 Tôn Đức Thắng). Đây là công trình xây cất theo kiến trúc Châu Âu do người Việt Nam thực hiện tại Sài Gòn. Công trình được khởi công từ tháng 9/1862 đến 18/7/1864 hoàn thành gồm nhà nguyện với ngọn tháp nổi bật trên cao xây theo kiểu Gô-thic, một tu viện, một nhà nuôi trẻ mồ côi và một tháp chuông. Công trình xây cất này là kết quả nghiên cứu kiến trúc châu Âu của Nguyễn Trường Tộ khi ông ở Hồng Kông. Qua nhiều lần sửa chữa trùng tu, ngày nay tu viện thánh Phao-Lô vẫn giữ được đường nét kiến trúc xưa, chứng tỏ tài năng kiến trúc của Nguyễn Trường Tộ không thua gì các kiến trúc sư người Pháp.


18. Người Việt Nam đầu tiên vẽ bản đồ địa lý và đồ họa Sài Gòn theo phương pháp phương Tây.

Ông Trần Văn Học, sinh quán ở Bình Dương, giỏi Quốc ngữ, La-tinh và tiếng Tây Dương, được giới thiệu làm thông ngôn cho Nguyễn Ánh. Ông phụ trách việc dịch sách kỹ thuật phương Tây, đồng thời kiêm việc chế tạo hỏa xa, địa lôi và các loại binh khí. Năm 1790, Nguyễn Ánh xây thành Bát Quái. Trần Văn Học phụ trách “phác họa đường sá và phân khu phố phường”.

Ông rất có tài vẽ địa đồ, họa đồ và kỹ thuật bản đồ như: tỷ lệ, trắc địa, và vẽ gần như chính xác các thành trì và công trình. Ông được coi là người đầu tiên vẽ bản đồ Sài Gòn-Gia Định theo phương pháp Tây phương.

Bản đồ Gia Định - Sài Gòn - Bến Nghé do Trần Văn Học vẽ năm 1815 gồm Khu vực trong và ngoài thành Bát Quái (Phiên An - trung tâm tâm đô thị Sài Gòn) là những con đường ngang dọc vuông vức mà hiện chúng ta đang đi. Từ hai thành Phiên An, Gia Định, các trục lộ chính tỏa bốn hướng giờ vẫn còn: Hai Bà Trưng (giữa thành, qua Phú Nhuận, xuống Gò Vấp và quay lại thành), đường Nguyễn Trãi (đi Chợ Lớn), đường Nguyễn Thị Minh Khai (bên trái thành đi miền Tây, phải thành đi miền Đông, ra xa lộ Hà Nội, QL1), Cách Mạng Tháng 8 (đi Campuchia), Nguyễn Tất Thành (đi Q.7, Nhà Bè, Cần Giờ).


*** 

--> Read more..

Popular posts