Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Nhà văn nữ trước 1975: Trùng Dương

(Tiếp theo)

Tôi xếp Trùng Dương [1] là nhà văn nữ cuối cùng trong loạt bài về “ngũ hổ tướng” vì nhiều lý do. Thứ nhất, viết về Nhã Ca, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng và Nguyễn Thị Thụy Vũ tương đối dễ dàng hơn là về Trùng Dương, người vốn được mệnh danh là lá cờ đầu của chủ nghĩa hiện sinh trong giới nhà văn nữ của Sài Gòn trước 1975.

Thứ nhì, Trùng Dương vừa là nhà văn vừa là nhà báo nên xếp vào danh sách 5 nhà văn nữ có phần khiên cưỡng. Mới thoạt nhìn, nhà văn và nhà báo “tuy hai mà là một” nhưng xét cho cùng lại thấy “trông thì một nhưng lại dứt khoát là hai”. Một người viết văn hay chưa chắc là nhà báo giỏi, nhưng xuất phát từ một nhà báo bình thường vẫn có cơ hội trở thành một nhà văn nổi tiếng.

Hơn nữa, người ta thường quan niệm làm báo chỉ là hành “nghề” trong khi đó viết văn lại là cái “nghiệp”. Ở trường hợp Trùng Dương có phần đặc biệt, xuất phát từ một nhà văn và sau này lại bước sang làm báo, xin nhấn mạnh “làm báo” chứ không phải “viết báo”.

Trùng Dương

Như đã viết trong bài Báo chí thời VNCH (1) (http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/10/bao-chi-sai-gon-thoi-vnch-1.html), nhà văn nữ Trùng Dương nổi lên như một “người làm báo” với chức danh Chủ nhiệm tờ Sóng Thần là một hiện tượng lạ trong làng báo miền Nam dù trước đó cũng có Bà Bút Trà làm chủ tờ Saigon Mới. Báo của Bà Bút Trà thuộc loại bình dân, nếu không nói là “lá cải”, nhưng Sóng Thần của Trùng Dương lại là tờ báo theo đúng nghĩa của báo chí.

Trong bài phỏng vấn của Lê Quỳnh Mai, Trùng Dương cho biết: “Khi viết báo, tôi tôn trọng dữ kiện, sự chính xác. Khi viết văn, tôi để óc tưởng tượng của tôi thở, sống, ‘theo chân mây’, như tựa một cái truyện ngắn viết trước 1975, thay vì nhốt nó ở đâu đó. Ở cả hai bộ môn, văn chương và báo chí, chân thực là điều căn bản, nhất là sự chân thực trí thức”.

Khởi đầu Sóng Thần là cơ quan ngôn luận của nhóm chống tham nhũng Hà Thúc Nhơn, tên một đại úy y sĩ đã bị sát hại vào năm 1970 trong khi đơn thương độc mã chống tham nhũng trong chính quyền. Nhóm này còn có bác sĩ Phạm Văn Lương, giáo sư Nguyễn Liệu, Hà Thế Ruyệt, Phan Nhự Thức, Uyên Thao, Lý Đại Nguyên.

Theo Trùng Dương, Sóng Thần được hình thành là do sự đóng góp tiền bạc dưới hình thức mua cổ phần của các cổ đông và độc giả. Tờ báo do Trùng Dương đứng tên làm chủ nhiệm và Chu Tử làm chủ biên. Ngoài những thông tin thời sự, bình luận thời cuộc, xã hội, Sóng Thần còn có những mục giải trí, trong đó có việc đăng tải những tiểu thuyết nhiều kỳ (feuilleton) của Nguyên Vũ, Cung Tích Biền, Nguyễn Thụy Long, Vũ Ngọc Đĩnh, Hoàng Hải Thuỷ…

Điều hành công việc tòa soạn có Uyên Thao, với tư cách tổng thư ký; phụ trách về trình bầy và dàn trang, lo in ấn có các hoạ sĩ Đằng Giao, Huy Tường và Vị Ý. Thành phần biên tập, bình luận và nhiếp ảnh có Vũ Ánh, Đỗ Ngọc Yến, Lý Đại Nguyên, Đường Thiên Lý, Lê Thiệp, Dương Phục, Nguyễn Tiến Sơn, Lê Thị Bích Vân, Anh Điển, Nguyễn Tân Dân, Chóe (Nguyễn Hải Chí), Hùng Phong, Nguyễn Tuyển, Thục Viên, Triều Giang, Chu Vi Thủy, Vũ Ngọc Long…

Trùng Dương còn mời thêm hai nhà văn nữ Túy Hồng và Nguyễn Thị Thụy Vũ tham gia viết bài và trong danh sách “khách mời” còn có Nhã Ca và Nguyễn Thị Hoàng nhưng chưa thực hiện được thì biến cố năm 1975 ập đến. 

Trùng Dương xác nhận: “Cả bốn chị đều là những nhà văn có nhiều sách truyện đã xuất bản và được nhiều người biết tới và đọc, khác với tôi, một người viết truyện ‘xuân thu nhị kỳ’, như chủ bút Văn dạo ấy, Trần Phong Giao, đặt cho tôi, có thể vì tôi luôn có những sở thích khác lôi cuốn mình, không chỉ mình văn chương”.

Trong những tác phẩm thuộc loại ‘xuân thu nhị kỳ’ ấy, người ta chú ý đến Mưa không ướt đất (1967) và Lập đông (1972) với những tư tưởng ‘nổi loạn’ của các nhân vật theo trào lưu ‘hiện sinh’ [2] của Jean Paul Sartre [3] rồi đến Franҫois Sagan [4]. Cũng vì thế, người ta phong cho Trùng Dương danh hiệu ‘hiện sinh’ trong số các nhà văn nữ ở miền Nam.

Qua chủ nghĩa hiện sinh, người miền Nam làm quen với những khái niệm ‘dấn thân’, ‘chọn lựa’, ‘nguỵ tín’ trong văn chương. Về phần nhà văn theo chủ nghĩa hiện sinh, nhiều câu hỏi được đặt ra: viết là gì? viết để làm gì? viết cái gì? viết thế nào? Nhưng quan trọng hơn cả là viết cho ai?

Rõ ràng là những nhà văn, nam cũng như nữ, nếu không theo trường phái hiện sinh thì truyện của họ được quảng đại độc giả đón nhận, sách của họ được nhiều người mua đọc vì những tác phẩm đó đi sâu vào đời thường như hơi thở và người đọc không nhất thiết phải suy nghĩ khi bỏ sách xuống. Đó là những trường hợp của Nhã Ca, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, những nhà văn nữ đã một thời làm mưa làm gió trên văn đàn.

Ở trường hợp Trùng Dương lại khác. Câu hỏi viết cho ai hầu như có câu trả lời cũng khác. Sách và truyện của Trùng Dương và các nhà văn hiện sinh khác hình như đặt nhẹ vấn đề đối tượng độc giả, hay nói khác đi, họ chọn nhóm đối tượng độc giả hạn chế, những người đọc để suy nghĩ chứ không đọc để đơn thuần giải trí. Đó cũng là lý do Trùng Dương kém nổi tiếng hơn 4 đồng nghiệp nói ở trên.

Trùng Dương qua nét bút của họa sĩ Chóe

Theo nhà văn Hồ Nam, “Để có được ‘Mưa không ướt đất’, Trùng Dương phải đem cả cuộc đời con gái, đem cả tương lai của một cô kiến trúc sư sắp ra trường đánh cược lao vào cuộc 'cá cược' với tất cả sự đam mê rất là thơ ngây -  kết quả, Trùng Dương đã được sống đến tận cùng cảm giác xác thịt, và phải trả giá, nhưng đã ‘nắm bắt’ được tác phẩm văn chương. Và như thế, kể ra cũng quá đủ với một người cầm bút”.

“Dù cái mục đích văn chương của Trùng  Dương chỉ là để trả hận để chửi xéo người tình cũ; nhưng ai cũng phải thừa nhận tác giả ‘Mưa không ướt đất’  có tài văn chương, dám sống thực, dám viết, dám đem những trải nghiệm bản thân ra giãi bầy với thiên hạ bằng chữ nghĩa - quả văn tài Trùng Dương đã chinh phục được người đọc”.

Trong Văn học Miền Nam, Võ Phiến gán cho Trùng Dương danh hiệu “người của suy tư”. Quả đúng như vậy. Trong số các tác phẩm của 5 nhà văn nữ, truyện của “người suy tư” bao giờ cũng “khó đọc” nhất vì nó đòi hỏi người đọc cũng phải suy tư theo lối suy tư của người viết.

Trùng Dương tại Pháp, 2009

Trong Mưa không ướt đất cái khó đầu tiên của người đọc là khó nhớ tên của quá nhiều nhân vật xuất hiện ngay từ đoạn đầu: Thư “tính nết cứng cỏi, hơi lạnh nhạt, mặc dù vẻ dịu dàng của những đường nét trên khuôn mặt và thân hình” và người tình cũ Cương thì “yếu ớt, hơi giống con gái, mặc dù nhiều lúc anh tỏ ra là một người trầm tĩnh - thực ra, Cương thiếu tính chất nóng nảy của một người đàn ông thật sự và vì người anh quá mảnh khảnh”. Thư sống như một con mèo hoang thì Cương khép mình trong khuôn khổ mực thước, hoàn toàn lệ thuộc gia đình.

Nhân vật Duẩn có những suy nghĩ:“…tôi đã gặp nhiều cô, nhưng họ làm tôi thất vọng. Tôi mong lấy được một người vợ làm cô giáo, làm cô giáo thì hẳn là biết dạy con hơn...”. Mỗi lần gặp Duẩn, Thư có ý nghĩ “thấy anh béo hơn và giễu hơn - phải chăng những người béo thường hay giễu? Thư không tin như vậy. Ông cụ nàng béo, nhưng ông chẳng giễu bao giờ. Lúc nào cũng lầm lì!”

Rồi lại xuất hiện Khánh, Phấn… có đến hơn nửa tá nhân vật khiến người đọc cứ rối tung lên. Thế cho nên, đọc Trùng Dương là phải đọc giữa hai dòng chữ (read between the lines), đọc sự suy tư của tác giả là chính.

Ngôn ngữ trong truyện của Trùng Dương cũng lạ lẫm. Thư nói chuyện với Duẩn bằng một thứ ngôn ngữ của lớp người trẻ ảnh hưởng vì lối sống mới và lối suy nghĩ theo kiểu hiện sinh:

“-  Nhiều khi tôi có ý nghĩ giá đừng học, đừng đọc nhiều, mình lại sống dễ hơn. Suy nghĩ lắm đầu óc đâm trì trệ. Lỡ rồi, đành chịu. Tôi có con, sẽ để nó sống hồn nhiên, như cây cỏ... Nói vậy, cũng khó làm như mình muốn. Có thể, rồi thế hệ con mình sẽ khác, không như bọn mình. Nhiều lúc tôi có cảm tưởng thế hệ bọn mình sinh ra để chịu một cuộc thí nghiệm...
- Thư nói như thể là Thư sắp có con rồi ấy!
Thư bỗng im, xúc động. Một lát nàng cười nhẹ:
- Tôi sắp có con thật, chẳng phải ‘như thể’ đâu.
Duẩn không tin. Thư cảm thấy không thể không bộc lộ niềm vui vẫn lo âu của mình với Duẩn.
- Không tin tôi nói thật à? Hai tháng rồi...
Thư nói giọng run run, nhưng vẫn cố giữ vẻ bình tĩnh. Duẩn nhìn Thư, vẻ ngạc nhiên pha lẫn nét vui mừng trên khuôn mặt. Anh đặt tay lên bụng Thư giản dị, tự nhiên như Thư là người yêu của anh, và dường như đó là điều anh mong đợi.
- Thế... sao trông Thư... tỉnh thế?
Hỏi xong, Duẩn mới thấy mình có vẻ ngây ngô. Giọng Thư ráo hoảnh, thật nhỏ:
- Không tỉnh, thì say à?

Thỉnh thoảng Trùng Dương còn dùng thủ pháp để cho các nhân vật độc thoại. Chẳng hạn như đoạn viết về Duẩn: “Thực ra, tôi ngao ngán quá đấy thôi, ngao ngán hơn cả là mỗi bữa cơm tôi về nhà, thấy mâm cơm úp lồng bàn phần tôi trên bàn và mẹ tôi đi với một trăm hai chục quân [đánh chắn, một loại bài người Bắc hay chơi – chú thích của NNC], thằng em mười bốn tuổi bỏ đi lang thang.

Chẳng có gì giữ tôi ở trong gia đình cả. Tôi cũng thiếu một cái điều mà tôi cho là đẹp và đáng theo đuổi ở ngoài đời. Tôi đi dạy như một cái máy, mê học trò con gái (một cách thầm kín cố nhiên vì bắt buộc thế) như một cái máy và không thấy điều đó là quan hệ, lê la các tiệm cà-phê quen tán dóc với tụi bạn như một cái máy, và đây chính là điều tôi cần. Duẩn nốc cạn ly ba ba, nhìn người con gái đối diện, đôi mắt cận thị không đeo kính - (Duẩn kỵ đeo kính cận) - hồn buồn bã...”

Đoạn độc thoại trên khiến người đọc nghĩ đến Buồn nôn (La Nausée) của Jean-Paul Satre và đoạn đối thoại trước đó có gì đó hao hao giống Franҫois Sagan trong Buồn ơi chào mi (Bonjour tristesse). Cả hai nhà văn hiện sinh này đã có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến các cây bút niền Nam trong thời kỳ 1960-1970.

Trùng Dương

Trong tập truyện Lập đông (1972) gồm nhiều truyện ngắn, Trùng Dương áp dụng nhiều thủ pháp mới, chẳng hạn như những đối thoại của nhiều người nhưng lại không giải thích ai nói câu nào, người đọc chỉ biết mỗi lần xuống dòng là ý của một người khác:

“Thèm làm một chuyến đi xa ghê. Hôm nào phải tổ chức đi một tuần cả bọn chứ?
Một tuần ít quá. Nửa tháng mới đủ.
Thì cứ đi, nửa chừng, người nào muốn về cứ việc lẳng lặng về, người nào muốn ở lại thì ở lại.
Đi vài ngày thì cũng phải thu xếp công việc cả tuần trước…
Đi thì phải đi có đôi, chứ đi một mình hay mấy thằng với nhau, chán bỏ mẹ!
Mỗi kỳ lập đông mình đều có một kỷ niệm, không biết kỳ này có gì đây?
Lập đông! Miền Nam làm quái gì có tiết lập đông mà đòi!
Thì cứ tạm cho là như vậy đi. Chết ai chưa? Sao khó vậy?
Người ta thường ở một chỗ và nghĩ và thèm về một chỗ khác…
Lập đông! Nhớ những ngày lập đông ở ngoài kia chi lạ…”

Lại thêm một thủ pháp mới nữa: nhân vật trong Giáng sinh bên kia sông cũng là những người không tên, thay vào đó là Hắn, Nàng, Người bạn, Người đàn bà

“Để râu trông già quá, hỉ?
Hắn nói xong cười sực sực làm cả thân hình rung lên, rồi hắn nghiêm ngay nét mặt lại, vẫn xoa xoa bàn tay trên những sợi râu, nói:
“Mấy hôm nay, tôi trông bà quá. Hôm qua có việc đi về Quảng Nam, tôi có tạt qua Hội An đi vơ vẩn hy vọng gặp bà với cái áo dài màu nâu”.
“Nếu gặp, làm sao anh nhận ra tôi được?”
Nàng nghịch ngợm hỏi.
“Tự nhiên, tôi nghĩ là tôi sẽ nhận ra được. Chỉ tại không gặp đó thôi”.
Hắn nói xong rồi lại bật cười sực sực. Nàng thu hai tay vào áo lên nói một câu không cần thiết:
“Trời lạnh quá. Mưa, lạnh và khung cảnh ở đây làm tôi nhớ đến miền Bắc. Lâu lắm rồi mới lại sống lại một Giáng sinh có tiết trời lạnh như thế này. Thực tình thì tôi nhớ rất ít về nơi tôi đã sinh ra”.

“Nàng đã thấy chán ở một chỗ. Nàng muốn đi đây đó. Nàng bày tỏ ý định đó với một đôi người bạn thân, lúc rối loạn như thế này, không nên đi làm gì, nhất là lại đi chỉ vì thích, và theo họ, không ở đâu bằng ở thủ đô. Nàng đáp: Chính vì thế mà nàng muốn đi. Có nhiều cái nàng muốn thấy, muốn xem, muốn cảm. Để làm gì, chính nàng cũng không biết. Chỉ biết rằng, nếu phải chôn chân mãi một chỗ thì nàng sẽ cuồng điên lên mất.

Mỗi ngày với bấy nhiêu hình ảnh phố xá; với bấy nhiêu những con đường giờ ấy là giờ kẹt xe, bụi bay mờ mắt cả tâm trí làm con người cáu bẳn hay nhẫn nhịn đến vô hồn; với bấy nhiêu khuôn mặt bạn hữu tâm tình quen thuộc (mặc dù biết vậy mà vẫn chẳng thể đóng cửa nằm im trong nhà vùi đầu vào sách vở đôi-khi-bỗng-mất-hết-mọi-vẻ-hào-quang-mầu-nhiệm-của-chúng – sao không có lúc như vậy chứ; dù sách vở vẫn là người bạn thân yêu nhất của nàng? Và dù đó là một người tình duyên dáng đáng yêu, sao không khỏi có lúc thấy chán mứa và mơ tưởng đến những chân trời khác?)”.

Tài viết thư tình của Trùng Dương cũng khá đặc sắc, cả về lời văn lẫn ý tưởng. Dưới đây là bức thư của người con gái gửi cho người tình đã chia tay trong truyện ngắn Qua cơn nắng lửa:

“Miền biển, ngày 29-3

Anh,

Đây là lá thư thứ mấy, không biết nữa, em viết cho anh mà không gửi. Nhưng em cảm thấy không thể không viết cho anh. Đôi khi em thu hết can đảm để bỏ một lá thư vào phong bì, đề tên anh, dán tem và quyết định mang đến bưu điện cùng với những lá thư khác. Nhưng kết quả là em lại trở về với lá thư định gửi cho anh còn lại trong xắc tay. Em lại xé lá thư ra, đọc lại và xếp vào một chỗ. Rút cục, em làm sưu tập chính những lá thư em viết cho anh.

Đôi khi em nghĩ một cách khôi hài là biết đâu em sẽ trở thành điên như người đàn bà em gặp trên bãi mỗi ngày và người ta sẽ lục được xấp thư có vết gấp mà không gửi kia, người ta sẽ đọc, người ta sẽ xuất bản và cuối cùng, chúng đến tay anh không do quyết định của em để anh chua xót chơi, để anh ân hận chơi. Nhưng, cố nhiên, như em đã nói, đó chỉ là một ý nghĩ khôi hài thôi.

Mình điên được, đâu phải dễ, nhất là lại điên vì tình. Vậy mà mình vẫn khổ, vẫn đau, vẫn bị dằn vặt, ray rứt cho được, mới lạ chứ! Và trong khi đó, mình vẫn có cả chục lý do để biện minh cho sự căm lặng của tình mình. Buồn cười thật, phải không anh? Và cũng khó hiểu và khó chịu thật, phải không anh?”

Một trong những thế mạnh của các nhà văn nữ là vậy. Họ rất giỏi trong việc viết thư tình, nhất là những khi… thất tình. Cả 5 nhà văn nữ - Nhã Ca, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ và Trùng Dương - đều có những bức thư tình ướt át, đau khổ của các nhân vật nữ mà các nhà văn nam thường không thể nào viết hay hơn.

Đó cũng là một trong những lý do tại sao các nhà văn nữ chiếm một ngôi vị, dù rất khiêm tốn, trong làng văn của miền Nam, thời VNCH.

***

Chú thích:

[1] Trùng Dương, tên khai sinh là Nguyễn Thị Thái, sinh năm 1944 tại Sơn Tây, di cư vào Nam và lớn lên tại Sài Gòn từ 1954. Nguyễn Thị Thái nổi danh rất sớm, qua hai sáng tác Vừa đi vừa ngước nhìnMưa không ướt đất. Sau thời gian du học Hoa Kỳ trở về, bà đứng tên Chủ nhiệm báo Sóng Thần (1971-1975) mà nhóm chủ biên gồm nhà văn Chu Tử và nhà báo Uyên Thao.

Nhật báo Sóng Thần – đúng với danh xưng của nó – mang đến những đợt sóng dư luận chấn động miền Nam, như việc khai quật những xác nạn nhân chôn vùi tập thể ở Huế và Quảng Trị trong mùa xuân 1968, phong trào chống tham nhũng của Linh mục Trần Hữu Thanh, phong trào đòi tự do báo chí với những đợt công kích Luật 007, ngày ký giả đi ăn mày, và nhất là những cuộc tịch thu báo mới in xong, không cho phát hành, nhằm bóp chết sự sống các cơ quan ngôn luận chống chính quyền. Ðó là chưa nói đến việc truy tố chủ nhiệm và các ký giả, nhà văn ra tòa.

Dù bị áp bức, trù dập, Sóng Thần không chịu khuất phục trước thủ đoạn và sự trấn áp của  nhà cầm quyền lúc đó. Trùng Dương, Uyên Thao cùng nhóm chủ biên Sóng Thần (nhà văn Chu Tử đã rút lui vì lý do riêng) tiếp tục cuộc tranh đấu cho tự do báo chí.

Trùng Dương là tác giả của nhiều truyện ngắn, truyện dài, biên khảo, phóng sự, minh hoạ, và một vở kịch ba màn, Các con tôi đã về (xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1978). Rời Việt Nam từ 1975, Trùng Dương tốt nghiệp cử nhân và cao học ngành báo chí, công quyền và các vấn đề quốc tế, Đại học Tiểu bang California, Sacramento, làm phóng viên cho tờ The Mountain Democrat, Placerville, Calif., từ 1991-1993; sau đó về cộng tác với nhật báo The Record, Stockton, Calif., làm copy editor rồi trưởng thư viện tin tức (chief news librarian) từ 1993 tới khi về hưu năm 2006.

Các tác phẩm văn chương đã xuất bản trước 1975:

Văn xuôi:

  • Vừa đi vừa ngước nhìn, tập truyện (Khai Trí, 1966);
  • Mưa không ướt đất, tập truyện (Văn, 1967);
  • Cơn hồng thủy và bông hoa quỳ (Trình Bầy, 1968);
  • Chung cư, tập truyện (Tân Văn, 1971);
  • Một cuộc tình, tập truyện (Tân Văn, 1972);
  • Lập đông, tập truyện (Văn, 1972);
  • Thành trì cuối cùng, truyện dài (đăng từng kỳ trên nhật báo Thần Phong, Saigòn, khoảng 1970-71, chưa in thành sách);
  • Những người ở lại, truyện dài (đăng từng kỳ trên nhật báo Sóng Thần, 1973, chưa in thành sách).

Văn dịch:

  • The Prophet (Kahlil Gibran, đăng rải rác trong một số tạp chí, 1968-1970);
  • Ngàn cánh hạc (Kawabata Yasunari, Trình Bầy, 1969);
  • Đường về Trùng Khánh (Han Suyin, chung với Hồ Hải Nguyễn Vũ Thiện, 1970);
  • Người đàn bà trong cồn cát (Kobo Abe, An Tiêm, 1971).

[2] Chủ nghĩa Hiện sinh: Thuật ngữ nói về nghiên cứu của một nhóm các triết gia cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Họ tuy khác nhau về học thuyết nhưng có chung niềm tin rằng tư duy triết học xuất phát từ chủ thể con người — không chỉ là chủ thể tư duy, mà là cá thể sống, cảm xúc, và hoạt động. Trong chủ nghĩa hiện sinh, xuất phát điểm của cá nhân được đặc tả bởi cái từng được gọi là “thái độ hiện sinh” (the existential attitude), hay một tình trạng mất định hướng và bối rối khi đứng trước một thế giới có vẻ như vô nghĩa và phi lý.

Soren Kierkegaard và Friedrich Nietzsche là hai nhà triết học được xem là nền tảng cho chủ nghĩa hiện sinh. Họ chú trọng vào những sự trải nghiệm chủ quan của con người hơn những chân lý khách quan của khoa học, cái mà họ coi rằng quá xa cách để hiểu được những trải nghiệm của con người.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, chủ nghĩa hiện sinh trở thành một phong trào triết học và văn hóa nổi tiếng, chủ yếu thông qua hai ngòi bút Pháp nổi tiếng: Jean Paul Sartre và Albert Camus. Chủ nghĩa hiện sinh đã từng bước trở thành một trào lưu của triết học châu Âu trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 20.

Đến cuối Đệ nhị thế chiến, nó trở thành một phong trào được biết đến rộng rãi, đặc biệt qua danh tiếng và các tác phẩm của Jean-Paul Sartre cùng một số các tác giả khác ở Paris sau giải phóng. Các tác phẩm của họ chú trọng vào các chủ đề như "nỗi sợ, sự buồn chán, sự lạc lõng trong xã hội (social alienation), sự phi lý, tự do, cam kết (commitment), và hư vô" như là nền tảng của sự hiện sinh con người.

Trên tạp chí Bách Khoa, dưới bút hiệu Trần Hương Tử, linh mục Trần Thái Đỉnh đã viết một loạt bài giới thiệu chủ nghĩa hiện sinh, về sau được tập hợp thành chuyên khảo Triết học hiện sinh (NXB Thời mới, Sài Gòn, 1967, tái bản 1968). Văn phong khúc chiết, cách dẫn giải linh hoạt của một ngòi bút am hiểu và có chủ kiến đã khiến cuốn sách của Trần Thái Đỉnh vượt ra ngoài ranh giới trường ốc, đến với đông đảo bạn đọc và có một tác động không nhỏ thời ấy. Sau khi trình bày một cái nhìn tổng quan về chủ nghĩa hiện sinh, những đề tài và hai ngành chính của nó, tác giả đã đi sâu phân tích quan niệm của Kierkegaard, Nietzsche, Husserl, Jaspers, Marcel, Sartre và Heidegger.

Nếu Trần Thái Đỉnh chưa chú ý thích đáng đến vai trò của Heidegger trong sự phát triển của tư tưởng hiện sinh, thì Lê Tôn Nghiêm – lúc đó cũng là một linh mục và giáo sư Đại học Văn khoa Sài Gòn – lại  dành một sự quan tâm sâu sắc cho triết gia này. Ông đã viết hai công trình khá dày dặn để trình bày triết học Heidegger: Heidegger trước sự phá sản của tư tưởng Tây phương (NXB Lá Bối , Sài Gòn, 1970); Đâu là căn nguyên tư tưởng hay con đường triết lý từ Kant đến Heidegger (NXB Trình Bầy, Sài Gòn, 1970).

Ở cuốn thứ nhất, tác giả giới thiệu Heidegger như là lời giải đáp cho những vấn nạn và bế tắc của triết học phương Tây hiện đại. Ở cuốn thứ hai, trong một phối cảnh rộng hơn theo tiến trình tư tưởng từ thời Cận đại, Lê Tôn Nghiêm đã cho thấy những đóng góp của Heidegger trong việc trả lời những câu hỏi của Kant trong Phê phán lý tính thuần tuý về vấn đề con người (Tôi có thể biết gì? Tôi phải làm gì? Tôi được phép hy vọng gì?), từ đó tiến đến giải quyết câu hỏi then chốt làm nền tảng cho việc trả lời ba câu hỏi trên: “Thế nào là tính thể con người”, nhằm đặt nền móng cho khoa nhân thể học (tức nhân loại học, anthropologie).

[3] Jean-Paul Charles Aymard Sartre (1905 – 1980) là nhà triết học hiện sinh, nhà soạn kịch, nhà biên kịch, tiểu thuyết gia và là nhà hoạt động chính trị người Pháp. Ông là một trong những nhân vật nòng cốt trong hệ thống triết học của chủ nghĩa hiện sinh, và một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn trong nền triết học Pháp thế kỷ 20 và chủ nghĩa Marx.

Tác phẩm của ông cũng đã ảnh hưởng đến xã hội học, lý thuyết phê bình, lý thuyết hậu thuộc địa, phê bình văn học, và vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng đến các ngành này. Sartre cũng có mối quan hệ với nhà lý thuyết nữ quyền nổi tiếng là Simone de Beauvoir. Được trao giải Nobel Văn học vào năm 1964 nhưng ông từ chối, ông nói rằng ông luôn từ chối những danh hiệu chính thức và “một nhà văn không nên cho phép mình trở thành người của một tổ chức”.

Jean-Paul Sartre là một trong số các nhà văn coi quan điểm triết học là trung tâm của hoạt động sáng tạo. Tác phẩm triết học chính L'Être et le Néant (Tồn tại và hư vô, 1943) là sự tổng hợp quan điểm chính của ông về cuộc sống. Chủ nghĩa nhân đạo hiện sinh mà Sartre truyền bá trong tiểu luận nổi tiếng L'existentialisme est un humanisme (Chủ nghĩa hiện sinh là chủ nghĩa nhân đạo) cũng được thể hiện rõ trong tiểu thuyết Les chemins de la liberté (Những con đường của tự do, 1945-1949).

Từ giữa thập niên 1940, ông nghiên cứu chủ nghĩa Marx, thành lập tạp chí Les temps modernes (Thời mới), tuyên truyền các ý tưởng cách mạng, hoạt động xã hội. Sartre nhiệt tình ủng hộ các cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Algérie, Trung Quốc, Cuba, cùng với Bertrand Russell thành lập Ủy ban chống tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Những năm cuối đời Sartre bị mù, không viết được nhưng ông trả lời vô số phỏng vấn, thảo luận các vấn đề chính trị với bạn bè. Sartre cũng được biết đến nhiều với tư cách một nhà viết kịch phi lý. Ông nổi tiếng với các vở kịch Les Mouches (Ruồi) và Huis clos (Phía sau cửa đóng). Ngoài ra, Sartre còn viết phê bình văn học và các bài nghiên cứu về Charles Baudelaire, Jean Genet. Cuốn sách viết về thời niên thiếu của ông, Les mots (Lời nói), được xuất bản năm 1964.

La Nausée (Buồn nôn, 1938) là một trong những tác phẩm đáng chú ý nhất của ông. Mặc dù có một số ý kiến rằng nó chỉ là một trò chơi triết học ngụy trang dưới hình thức tiểu thuyết, nhưng sức lôi cuốn và hấp dẫn của nó là không thể phủ nhận. Câu chuyện có vẻ như là một chuỗi tự sự tiêu cực và buồn chán, chứa đựng đầy nỗi ngờ vực và trĩu nặng suy tư về tồn tại, hư vô.

Chủ nghĩa nhân đạo hiện sinh mà J. P. Sartre truyền bá trong tiểu luận nổi tiếng Chủ nghĩa hiện sinh là chủ nghĩa nhân bản cũng được thể hiện rõ trong tiểu thuyết bộ ba Les chemins de la liberté (Những con đường của tự do, 1945-1949). Tác phẩm nói về các nhân vật bị dằn vặt vì những lựa chọn, những nguyên tắc, những đòi hỏi và sự khao khát tự do; và chính trong hành trình đến với tự do hay chối bỏ tự do là điều kiện cho sự hiện hữu của các nhân vật này. Tác phẩm này là một tiếp cận ít lý thuyết và nhiều thực tế hơn, giúp cho nhiều người hiểu rõ chủ nghĩa hiện sinh.

Jean-Paul Sartre

[4] Franҫois Sagan (1935 – 2004) tên thật Franҫois Quoirez, là một hiện tượng độc đáo bậc nhất của văn đàn Pháp thế kỷ XX. Tác phẩm đầu tay Buồn ơi chào mi (Bonjour tristesse) được in vào năm 1954 khi bà mới 19 tuổi đã gây tiếng vang, ngay năm đầu tiên sách đã được ấn hành tới cả triệu bản và nhanh chóng được dịch ra 15 thứ tiếng. Suốt mấy chục năm sáng tác sau đó, không khi nào Sagan còn gặt hái được một thành công tương tự.

Sau khi tác phẩm hoàn thành, Sagan gửi bản thảo cho hai nhà xuất bản Plon và Julliard. Cuối cùng thì phần thắng đã thuộc về nhà xuất bản Julliard khi đại diện của nhà xuất bản chỉ đọc bản thảo trong một đêm và ngay sáng hôm sau thì quyết định đưa in. Với chưa đầy 200 trang, cuốn sách ngay lập tức gây chấn động dư luận nước Pháp, nhất là giới trẻ. Song song với việc cuốn sách được phát hành với số lượng kỷ lục (tới cả triệu bản trong vòng một năm), nữ tác giả trẻ cũng đã bị một số nhà phê bình bảo thủ gán cho danh hiệu: "người phát ngôn của một thế hệ hư hỏng" và là "kẻ đề cao chủ nghĩa hưởng lạc".

Xinh đẹp và thông minh, nhưng với lối sống đầy cá tính, ưa thích "nổi loạn" của mình, Sagan đã gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống riêng tư. Năm 1958, Sagan kết hôn với Guy Schoeller - một người lớn gấp đôi tuổi cô và đang hoạt động trong lĩnh vực xuất bản. Hai năm sau họ ly dị. Năm 1962, Sagan tái hôn với nhà thiết kế đồ gốm người Mỹ Bob Westhof. Họ có với nhau một cậu con trai nhưng chỉ một năm sau, cuộc hôn nhân cũng lại kết thúc bằng một vụ ly dị.

Khi chia tay người chồng đầu tiên, Sagan đã tâm sự với báo giới: “Thường thì phải 4 giờ sáng tôi mới lên giường, còn chồng tôi thì thức dậy lúc 7h. Chúng tôi đã suy nghĩ nhiều rồi. Nói chung không thể kéo dài cuộc sống thế này mãi được”. Với người chồng thứ hai, năm 1963, khi ra tòa, Sagan đã cho biết lý do họ chia tay nhau: “Ông ấy thích đồ gốm hơn vợ’.

Cho tới thời điểm trước khi mất, Francoise Sagan đã sáng tác trên 30 cuốn truyện và 9 vở kịch. Có những tác phẩm đã được dựng thành phim, tuy nhiên, dù đã là một trong những nhà văn Pháp nổi tiếng trên thế giới nhưng chưa bao giờ Sagan đoạt bất kỳ giải thưởng văn học chính thức nào.

Franҫois Sagan

***
 (Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 4: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả đang viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!
--> Read more..

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

Nhà văn nữ trước 1975: Nguyễn Thị Thụy Vũ

(Tiếp theo)

Chúng ta có trong danh sách những nhà văn nữ nổi tiếng trước 1975 một nhà văn gốc miền Nam, Nguyễn Thị Thụy Vũ [1], sau một loạt 3 nhà văn Huế: Nhã Ca, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng.  

Nguyễn Thị Thụy Vũ là một cô giáo tại Vĩnh Long, một thành phố thuộc Nam kỳ Lục Tỉnh ngày xưa nằm giữa sông Tiền và sông Hậu. Năm 1961 cô giáo Nguyễn Thị Băng Lĩnh lên Sài Gòn và sớm bước vào làng văn như một “hiện tượng văn học nữ” với bút danh Nguyễn Thị Thụy Vũ.

Nguyễn Thị Thụy Vũ
(Ảnh Cao Lĩnh)

Thụy Vũ xuất hiện muộn màng nhưng vẫn chiếm cho mình một chỗ đứng trong danh sách những nhà văn nữ nổi tiếng bên cạnh 4 “cậy đại thụ”: Nhã Ca dành ngôi vị thứ nhất, cả về thơ lẫn văn; Túy Hồng tự khẳng định mình với giọng văn chanh chua nhưng vẫn lãng mạn theo kiểu Huế; Trùng Dương được coi như ngọn cờ đầu trong văn chương hiện sinh của các nhà văn nữ còn Nguyễn Thị Hoàng đã chiếm cho mình một chỗ với bước đột phá Vòng tay học trò.  

Nguyễn Thị Thụy Vũ đã biết tự khai thác điểm mạnh và thế mạnh của mình mà những nhà văn nữ đi trước không có. Ở giai đoạn đầu, Thụy Vũ lăn lộn với những mảnh đời “trôi sông lạc chợ” của các cô gái bán bar, đĩ điếm để bước vào nghề viết và sau này lại quay hẳn 360 độ sang một khía cạnh hoàn toàn trái ngược: tôn giáo, tâm linh, cụ thể là triết lý Phật giáo.

Để có một cái nhìn khách quan về Thụy Vũ, chúng ta cần điểm qua một số nhận xét của các đồng nghiệp. Nhà văn Võ Phiến viết về Nguyễn Thị Thụy Vũ trong Văn học Miền Nam (xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1999):

“Đầu thập kỷ 60 - tôi không nhớ rõ năm nào - tòa soạn Bách Khoa bắt đầu nhận, thỉnh thoảng một thiên truyện ngắn của một người viết mới, thuộc phái nữ, ký tên Nguyễn Thị Băng Lĩnh. Lúc bấy giờ các cây bút nữ giới hãy còn hiếm. Tòa soạn có ý tò mò...

.. Người ấy về sau mang bút danh Nguyễn Thị Thụy Vũ, là tác giả cuốn sách có tên là Mèo đêm, Lao vào lửa, Cho trận gió kinh thiên... Tức là thứ sách mà các thế hệ phụ nữ nước ta trước đó không mấy kẻ dám đọc, đừng nói đến chuyện viết!"

Nhà văn, họa sĩ Tạ Tỵ trong Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay (xuất bản tại Sài Gòn năm 1973) viết: “Nguyễn Thị Thụy Vũ, nhà văn phái nữ, hiện diện giữa khung trời văn nghệ với sắc thái đặc thù. Những ý nghĩ bỏng cháy và rẫy rụa về thân xác trong mỗi tác phẩm, đôi khi vượt qua ý nghĩ của nhiều người”.

Uyên Thao nhận xét: “Nguyễn Thị Thụy Vũ là một cây bút khá sắc bén và tinh tế, nhưng vẫn có những sơ hở nặng nề của một tinh thần tùy hứng” (Các nhà văn nữ Việt Nam 1900 - 1970, xuất bản tại Sài Gòn năm 1973).

Về phần mình, Thụy Vũ giải thích qua phỏng vấn của nhà văn Nguyễn Đông Ngạc: "Tôi bước vào văn đàn bằng những truyện ngắn. Truyện ngắn khó viết vì tư tưởng lẫn cảm hứng chỉ được diễn tả trong một khuôn khổ ngắn. Người viết phải cô đọng tư tưởng.

Tôi thích truyện ngắn không có cốt truyện, mà đầy nhiều chi tiết soi sáng thái độ lẫn quan niệm của tác giả đối với văn chương và cuộc đời. Trong ba tập truyện Mèo Đêm, Lao Vào Lửa, Chiều Mênh Mông, hầu hết các truyện ngắn đều có cốt truyện hẳn hòi, nên tôi không được vừa ý lắm."

Nguyễn Thị Thụy Vũ
(Ảnh Cao Lĩnh)

Tập truyện đầu tay, Mèo đêm, của Nguyễn Thị Thụy Vũ xuất hiện năm 1966 và đó là thời điểm các nhà văn nữ đang làm mưa làm gió trên văn đàn. Với Mèo đêm, Thụy Vũ bớt rụt rè hơn với văn giới, mạnh dạn đặt chân tới tòa soạn Bách Khoa. Trước đó, khi viết bài xong, đưa cho Võ Phiến xem trước và khi bài vở được đăng, Hồ Trường An, em trai của Thụy Vũ, thường đến tòa soạn nhận tiền nhuận bút dùm chị.

Tập Mèo đêm gồm 6 truyện ngắn Đợi chuyến đi xa, Một buổi chiều, Mèo đêm, Nắng chiều, Bóng Mát Trên Đường, Miền Ngoại Ô Tỉnh Lẻ. Trong truyện Mèo đêm, được đứng tên cho cả tập truyện, Thụy Vũ đã đi sâu vào thế giới của “gái bán bar”, một giai cấp mới khi lính Mỹ có mặt tại miền Nam. Nhân vật chính là Loan với cái tên Mi-Sen hằng đêm tiếp xúc với các GIs tại snack bar tựa như con mèo đêm bòn rút những đồng đô la “đỏ” [2] của những người lính xa nhà.

Trong Lao Vào Lửa, nhân vật chính là một nữ sinh ngây thơ có tên Tina phải tìm việc trong một quán bar vì gia đình túng thiếu. Tác giả mô tả một cảnh trong thế giới “Saigon Tea” bên những tên hộ pháp người nước ngoài lúc nào cũng thèm khát giải quyết nhu cầu sinh lý:

"Một tên Mỹ cao lớn, râu ria cạo nhẵn thín, nhưng vết sẹo trên râu quai nón vẫn làm tối sầm khuôn mặt hắn. Hắn nhe răng cười mơn trớn hỏi:
- Em tên gì?
Tôi trả lời cộc lốc:
- Tina
Hắn lôi tôi vào lòng rồi đặt lên bắp đùi hắn. Bàn tay hắn sờ soạng trên ngực và eo của tôi. Chị Năm thường nói với tôi là tụi đàn ông Âu Mỹ lông lá như con dã nhơn, mỗi ngày cạo râu hai lần thì hành sự rừng rú chịu không nổi. Tôi sợ sệt nhìn cánh tay hắn. Hắn buông thõng tay tôi tiếp tục:
- Ngủ với tôi đi.

Nguyễn Thị Thụy Vũ tìm những kinh nghiệm “xương máu” đó từ đâu để viết thành truyện? Ngoài việc là nhà văn nữ dễ dàng trong việc tiếp cận với những “cô gái bán bar”, Thụy Vũ còn là người kèm tiếng Anh cho những cô gái nhà quê, thậm chí nhiều cô không biết chữ.

Qua bài viết Thụy Vũ chăn dê của Ðỗ Tăng Bí, Thụy Vũ sau 1975 nhớ lại: “Lúc đó quân đội Mỹ vào Việt Nam đã đông, “chị em ta” cặp kè với các chàng GI khá nhiều, nên chuyện học vài ba câu giao tiếp rất cần thiết đối với các nàng. Khổ một cái học tiếng Anh cho đủ để đi dậy đâu phải là dễ, đâu phải một sớm một chiều là có đủ vốn liếng mà dậy. Nhưng chuyện cần kiếm tiền sống lại là khẩn thiết đối với tôi, nên anh bạn tôi nghĩ ra mẹo này: Anh nói tôi cứ ghi tên học Hội Việt Mỹ đi, sau khi học được một hai tuần là bắt đầu đi dậy Thế là tôi học được cái gì ở trường, tuần sau cứ thế dậy lại. Ðâu đứa nào dám hỏi nên cái dốt của mình đâu có lòi ra. Vậy mà tôi sống cũng được hai năm lận”.

Trong suốt 2 năm làm cô giáo, lăn lộn trong giới “bán bar”, Thụy Vũ có quá nhiều vốn sống để viết truyện về họ và kết quả như ta đã thấy, một loạt truyện về những mảnh đời “trôi sông lạc chợ” xuất hiện trên văn đàn.

Nguyễn Thị Thụy Vũ viết rất “bạo” đến độ một số nhà phê bình xếp tác giả vào loại những cây bút khiêu dâm. Những cảnh ái ân được mô tả như “làm đùng đùng như cù dậy” hoặc “làm đùng đùng như con cá sấu đập đuôi bánh lái ghe chài”… Trong Cho trận gió kinh thiên tác giả đã để cho nhân vật thốt ra những lời chửi rủa rất bình dân, thô tục: “Tam đại tứ đại, cao tằng cố tổ con đĩ mụ nội nó” hay những câu rủa xả bất ngờ:  "Mầy là con đĩ ăn cám uống hèm nên ngu si đần độn"...

Trong Đàn kiến lửa cũng có lối chửi rất đời thường, rất giang hồ, rất chợ búa của Bà Tư dành cho cô con gái trót đã có bầu: “Nè con đĩ chó, mày cặp xách với thằng Chơn đằng nhà bà Bảy Bụng phải không?”… “Mày ngựa quá mà. Bây giờ nó tính sao với mày đây?”… “Mày là đồ uống máu dơ. Đợi đến lúc nó về phép thì cái bụng mày chình ình rồi”… “Trời đấy quỉ thần thiên địa ơi, ai mà dè”.

Thụy Vũ có một lối văn rất “tả chân”, không cầu kỳ như Nguyễn Thị Hoàng mà cũng không đanh đá như Túy Hồng. Trong Đêm tối bao la, còn có tên là Bà điếc, Thụy Vũ mô tả chân dung một người tình:

“Duy choàng tay qua đôi vai tôi, đôi môi chàng màu tro nặc mùi thuốc lá hờ hững đặt lên môi tôi. Nụ hôn chia tay này không còn nồng nàn như mấy năm về trước. Tôi lách ra khỏi vòng tay ấy, ngoái lại nhìn chàng. Da chàng trắng nhờn nhợt như da bụng con thằn lằn. Mặt chàng sần sùi và thô nặng như một tảng đá không còn làm da thịt tôi nháng lửa nữa. Đôi vai rộng và cái mông tròn của chàng ngày trước đã lôi cuốn sự chú ý của tôi. Bây giờ cuộc yêu đương hờ hững không đem đến cho nhau nhiều rung động nữa. Đàn ông đâu phải chỉ mê hoặc đàn bà ở cái vai và cái mông”.

Nhân vật Bà Điếc được mô tả một cách “sống sượng” dưới ngòi bút của Thụy Vũ: “Sau cái chết của ông Tư chăn dê, bà dan díu với ông Năm Còm bạn chè chén của ông Tư. Ông này tặng cho bà một thứ bệnh ngặt nghèo làm ung mủ cả hai chân răng và chúng thi nhau rời khỏi niếu của bà. Tiếng nói của bà ngọng nghịu. Sau cơn bệnh ấy, bà mất cả thăng bằng. Tính tình gắt gao, nóng nảy. Cách giải phẫu của y sĩ chẳng những không làm tình dục bà tắt đi, mà trái lại còn chụm thêm củi đuốc để cho cơn cuồng loạn xác thịt của bà chồm lên cao. Bà khao khát đàn ông đến nỗi không còn biết hổ thẹn là gì nữa”.

Nguyễn Thị Thụy Vũ
Qua nét bút của họa sĩ Chóe

Giữa Nguyễn Thị Hoàng và Nguyễn Thị Thụy Vũ đều có một sự chuyển hướng về tư tưởng qua các truyện ngắn viết về sau: Nguyễn Thị Hoàng bước sang đề tài siêu hình với những truyện thuộc loại “tân liêu trai” còn Thụy Vũ quay ngắt sang lãnh vực tôn giáo qua Lòng trần trong tập Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta, nhà xuất bản Sóng, Sài Gòn, 1974.

Có thể nói, đây là một tác phẩm nang nhiều ẩn dụ lồng trong nhân vật ni cô Diệu Tâm một thời là cô đào hát bội Năm Thàng. Người nữ tu đã qua hàng chục năm tu hành trai tịnh khi sắp lìa đời vì bệnh hoạn trong cơn mê sảng đã thốt lên: “Mô Phật! Cho tôi muỗng nước mắm, tôi uống vào sẽ hết bịnh liền”. Cũng vì thế, truyện Lòng trần còn có tên Muỗng nước mắm.

Theo lời Thụy Vũ, đây là câu chuyện có thật trong gia đình mình. Nữ nghệ sĩ Năm Thàng trong truyện chính là Tư Bổn, một trong những người tiên phong trong làng hát bội, trước cả bà Năm Sa Đéc, Năm Đồ, Cao Long Ngà… Nhân vật này cũng đã được Vương Hồng Sển nhắc đến trong 50 Năm Mê Hát.

Hồng nhan vốn đa truân nên cô đào hát trở thành một nhân vật cô đơn khi chồng và con đều sớm lìa đời. Cô cắt tóc đi tu và trở thành ni cô Diệu Tâm cho đến ngày hấp hối người nữ tu thấy miệng mình quá lạt, trong tư tưởng bà chỉ nghĩ đến một muỗng nước mắm sẽ giúp bà qua khỏi cơn bệnh.

Phải chăng ni cô Diệu Tâm tìm đến cửa thiền chỉ để trốn tránh những bất hạnh của cuộc đời chứ không vì tìm sự giác ngộ cho bản thân. Nếu tu hành chỉ đơn thuần để trốn tránh đau khổ trần thế thì kết cuộc cũng không thể nào dẹp bỏ lòng trần, đến cuối cuộc đời vẫn không thể thoát được ám ảnh vị mặn của bụi trần.  

Bút pháp của Thụy Vũ trong Lòng trần cũng thay đổi. Ngôn ngữ bình dân đến độ thô tục trong các truyện trước được thay bằng những đoạn viết có tính cách văn chương hơn:

“Con đê dài rộng, hai bên trồng dừa Tân Quan cao hơn đầu người thẳng hàng, đều khoảng. Những quày dừa màu hỏa hoàng oằn trái. Bóng dừa chìm dưới đáy nước của hai đầm sen - bên trái đầm sen trắng, còn bên phải đầm sen hồng. Từ con đê đi vào khoảng ba trăm thước, một ngôi chùa nằm im lìm giữa hai hàng dương.

Chùa này vì ít thiện nam tín nữ lui tới nên càng thêm vẻ đìu hiu, lạnh ngắt. Từ đường cái nhìn vào, ít khi người ta nhìn thắy bóng dáng những nhà tu. Chỉ nhìn thắy chiếc tháp cao trơ vơ với rêu bám nham nhở và vài viên gạch mục rớt ra lở lói. Mái chùa thấp ẩm ướt và bóng tối đặc quánh tiếng kêu vo ve của đám muỗi đói lẫn tiếng chí chóe của đàn chuột dưới những bàn thờ và tiếng vỗ cánh của đàn dơi hoang.

“Ni cô Diệu Tâm trở mình thức giấc. Bà lần mò ra chánh điện để kịp gác công phu. Trong im vắng hoàn toàn, ni cô nghe rõ tiếng chuột bọ chạy rột rẹt và tiếng thằn lằn trên kèo nhà chắc lưỡi. Bên ngoài, ếch nhái dưới ao con trổi giọng uênh oang át cả tiếng dế trong bụi ô rô nhọn oắt”.

“Cô Năm mới tìm thấy tình yêu muộn màng nhưng có một sức mạnh lôi cô ra khỏi ánh đèn sân khấu vĩnh viễn, bỏ hẳn cuộc sống nay miếu này mốt đình nọ. Chỉ một năm sau, cô sanh được một đứa con trai kháu khỉnh. Ðứa con trai đó nối dõi tông đường của ông phú hộ trong khi bấy lâu nay ông cứ ngỡ là mình tuyệt tự. Ông mừng đến sa nước mắt khi đứa con trai độc nhất của ông càng lớn càng giống những nét thanh tú trên gương mặt của ông và cô Năm.

Ông phú hộ toan tính biết bao nhiêu về dự định tương lai cho đứa bé. Nhưng ông đột nhiên chết bất thần vì một tiếng sét long trời sẹt vào nhà làm đổ cả tủ kiếng và giết ông nhanh chóng. Cái chết tức tửi đó làm cho dân làng xầm xì bàn tán là ông ăn ở thiếu phúc đức nên trời sai Thiên Lôi xuống giết gấp rút như vậy”.

“Ðứa con của cô được môt năm thì bị một cơn sốt dữ mà tất cả danh y đều bó tay đầu hàng. Cô Năm tê điếng trong niềm tuyệt vọng. Ðã bao lần ý nghĩ tự sát chập chờn qua tâm nảo cô. Ba lần tự tử bằng ba cách: cắt gân máu, uống dầu nóng, treo cổ được phát giác ngay”.

Thủ bút và chữ ký của Nguyễn Thị Thụy Vũ

Qua bài Thụy Vũ chăn dê của Ðỗ Tăng Bí, Nguyễn Thị Thụy Vũ kể về cuộc tình của mình với nhà thơ Tô Thùy Yên [3]:

“Hồi đó người ta nói ông Ðinh Thành Tiên [tên thật của Tô Thùy Yên], tức là Ðiên Thành Tinh. Ðiên mà thành tinh thì kinh lắm, công nhận ông ấy điên điên thiệt...

“Nói thiệt với anh, nhiều người hỏi tôi rằng hồi lúc ông Tô Thùy Yên với bà chia tay sao bà không lấy chồng? Tôi trả lời rằng khi lấy ông Yên là coi như tôi lấy hết đàn ông trên thế giới này - đàn ông thế giới nghe chứ không phải chỉ đàn ông Việt Nam – Thế là đủ quá rồi, sợ quá rồi...

Cũng như hồi ông Yên đi cải tạo, tôi ra thăm, nói lại các anh không tức cười thì thôi. Bước vô thì công an ngồi đầu bàn, tôi với ông ấy ngồi đối mặt. Tôi hỏi: ‘Anh ơi, anh đi cải tạo mấy năm rồi?’ Ông ấy trả lời hơn bảy năm rồi. Tói nói: ‘Ủa, sao mau dữ vậy’. Thằng công an nó tức cười quá, người ta vợ con vô khóc bù lu bù loa, còn mình nói câu lãng xẹt.

Ông Yên mới nói: ‘Em ơi, xa mặt cách lòng!’ Tôi nói: ‘Ðáng lý ra anh phải hỏi câu này nè: Em ơi, làm sao em nuôi nổi con? Còn xa mặt cách lòng hở, mai này anh về, trong giới giang hồ anh cứ hỏi cái con Thụy Vũ này nó có lăng nhăng bậy bạ không? Mà như vậy không phải tôi chung thủy với anh đâu nghe, mà chỉ vì tôi ngán đàn ông quá rồi’. Nghe vậy ông ngồi mặt méo xẹo.

Ông công an nín cười không nổi phải bước ra chỗ khác che miệng mà cười. Nghĩ cũng tội nghiệp, tới chừng lên xe mưa tầm tã, bà già ông ấy mới nghĩ đến con khóc khúc khít. Bà nắm tay tôi hỏi: ‘Con ơi thế con hết thương thằng hai của má rồi hở’. Tôi trả lời thôi để má thương thằng hai của má đi. Mà bà già ở quê lên nói tội nghiệp: ‘Con ơi sao vợ con người ta khóc mà con cứ ngồi cười hoài vậy. Dù sao mày cũng ở với nó ba mặt con’. Tôi trả lời: ‘Ba mặt con cũng như không có đứa nào, ổng có coi như có đứa con nào đâu’.

Thụy Vũ mong con trai giống gì thì giống chứ đừng có giống bố Yên cái thói trăng hoa. Lúc còn chung sống với nhau, hầu như “mỗi tuần lễ ông ấy có một mối tình, mà thứ đó là tình dục chứ không phải tình yêu”. Bữa nào Tô Thùy Yên lăng xăng cầm tập giấy, huýt gió sau khi tắm là thế nào cũng kể lại mối tình mới…

“Một bữa ông ấy có cô bé đó, còn nhỏ lắm, ông ấy rủ đi ăn hủ tíu cá ở Hàm Nghi. Nhằm lúc tôi ghé tòa soạn, nên ông ấy nói chờ lát ra đó luôn. Hai người vào kêu 3 tô hủ tíu. Cô bé hỏi sao kêu đến 3 tô lận? Ông ấy nói thì kệ nó cứ kêu 3 tô.

Chừng tôi bước vô, cô ta hoảng hồn đứng dậy chạy. Tôi nắm tay nó lại và nói: ‘Em ơi, cứ ngồi đây đi. Ổng của chùa của miễu chứ không phải của chị đâu. Cứ yên chí ăn đi không có sao đâu, rồi chị đi chỗ khác cho em ăn với anh ấy. Rồi em chờ đó, mấy bữa nữa là lại gặp người khác nữa kìa... Cho nên tôi mãi mãi là người độc thân”.

Tô Thùy Yên

Trong số 5 nhà văn nữ được nói đến, Túy Hồng cùng Thanh Nam rời Việt Nam trước ngày 30/4/1975 một tuần lễ, Trùng Dương ra đi ngay sau đó, Nhã Ca và Trần Dạ Từ mãi đến năm 1992 mới ra khỏi Việt Nam với sự can thiệp của Văn bút Quốc tế và hội Ân xá Quốc tế. Ở lại Sài Gòn chỉ còn Nguyễn Thị Hoàng và Nguyễn Thị Thụy Vũ, mỗi người một tâm sự với nhiều trăn trở khiến họ sống trong cái bóng của chính mình.

Nguyễn Thị Thụy Vũ là nạn nhân của “một gia đình bị phân hóa bởi hai lý tưởng quốc gia và cộng sản”. Thân phụ Thụy Vũ, nhà thơ Mặc Khải tác giả Phấn nội hương đồng dưới thời VNCH lại hoạt động kinh tài cho VC và có mối quan hệ mật thiết với Vũ Hạnh, Lưu Nghi, Tường Linh, Kiên Giang, Chinh Văn và số văn nghệ sĩ thân tả. Mặc Khải mở một tiệm thuốc tây nhỏ ngay khu chợ Lộc Ninh để nuôi cán bộ, trợ cấp tiền bạc cho Việt Cộng.

Thụy Vũ kể lại: “Mới “giải phóng” vô, tổ chức học tập, bọn chúng đến nói ba tôi: ‘Anh không biết dậy con. Con anh nói nhiều cái khó nghe quá’. Ông già tôi nói: ‘Tôi hãnh diện vì nó. Nó có lý tưởng nó, tôi có lý tưởng tôi’.

Ông ấy điệu lắm. Ổng mất hai mươi mấy năm rồi. Hồi mới kêu bằng “Quân Quản” đó thì ông ấy là cố vấn Hội Văn nghệ ở Sài Gòn. Lúc đó có Bảo Ðịnh Giang. Hồi xưa Bảo Ðịnh Giang đánh xe ngựa cho ông già tôi. Một hôm ổng đến nhà Bảo Ðịnh Giang nói với anh gác cửa: Vào nói Bảo Ðịnh Giang có thằng đánh xe ngựa tới thăm”.

Nguyễn Thị Thụy Vũ sau năm 1975

Trong tác phẩm Cõi ký ức trăng xanh, Hồ Trường An, em trai của Thụy Vũ, viết về gia đình anh giữa lằn ranh Quốc-Cộng: “Bà Song Thu, ba tôi, cô Phương Đài, dượng Trần Quân đều ngả theo phe tả... Tô Thùy Yên thuở đó chống Cộng có lập trường. Còn Thụy Vũ và tôi cứ lửng lơ con cá vàng giữa hai chủ nghĩa.

“Sau ngày 30/4/75, chị tôi đem lũ con lên Lộc Ninh để làm rẫy. Nhưng vì tôi kỳ kèo nên chị phải về Sàigòn để học khóa Bồi dưỡng Chính trị vào năm 1976 do bọn cán bộ văn nghệ cộng sản tổ chức... Qua màn tự phê tự kiểm, Thụy Vũ mệt lả người, trong khi đó chị Nguyễn Thị Vinh, chị Trần Thị Tuệ Mai vây chung quanh chị, mắt chị nào cũng nhòa lệ; cái thân phận làm kẻ bại trận thật nhục nhã, ê chề”.

Cuộc đời của Nguyễn Thị Thụy Vũ và các con tại Lộc Ninh sau 1975 cũng thảm thiết không kém. Thụy Vũ trồng tiêu, Thụy Vũ làm rẫy, Thụy Vũ chăn dê. Cũng vì vậy, Đỗ Tăng Bí mới có bài viết nhan đề Thụy Vũ chăn dê, dùng lối chơi chữ theo tích xưa “Tô Vũ chăn dê” về nhà ngoại giao đời vua Hán Vũ Đế bị đầy đi chăn dê khổ cực ở phương Bắc, gặp “vượn người” kết nghĩa phu thê 19 năm trời mới được trở về Hán.

Tích xưa “Tô Vũ chăn dê”

Văn Quang trong bài viết Người con gái 27 năm với đời sống thực vật kể lại một chuyến cùng vợ đi thăm Thụy Vũ:

“Chị đãi chúng tôi bữa cháo. Đang cơn đói, không cần đợi chị mời, tôi ăn uống ngon lành. Bỗng tai tôi chói lên vì một tiếng hú. Tiếng hú của một con thú nào đó từ rừng hoang vọng lại nhưng rất gần, sát bên chỗ chúng tôi đang ngồi. Tôi ngơ ngác, nhưng mọi người thì vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Chị Thụy Vũ lặng lẽ đứng dậy, Ngân thấy tôi nhìn qua khung cửa sổ bèn mỉm cười nói ngay:
- Nó khóc đấy!
Tôi vẫn ngớ mặt:
- Nó là cái gì? Con khỉ hay con heo rừng hay con chó sóỉ
- Con Thụy, con gái chị Thụy Vũ đấy, anh không biết sao?
- Chỉ nghe nói chị Vũ có một người con bị bệnh bại liệt thôi.
- Không phải bại liệt mà cháu sống như cây cỏ từ 27 năm nay rồi. Cháu nằm đó mà không hề hay biết gì hết. Năm nay cháu 29 tuổi. Em đã từng chăm sóc cháu ngay từ khi cháu còn nhỏ. Lúc đó thì còn có thể bồng bế cháu dễ dàng, đưa lên xe lăn, đẩy cho cháu ra ngoài chơi. Nhưng bây giờ thì cháu lớn quá rồi, không ai trong nhà này bế nổi cháu lên xe nữa, đành chịu vậy thôi. Mỗi lần đi đâu, em nhớ và thương nó không thể xa nó lâu được.

“Trong căn phòng nhỏ hẹp, trên chiếc giường lạt tre thưa thớt, một thân hình con gái trắng nhễ nhại với chiếc quần cụt, chiếc áo thung ngắn tay nằm ngay đơ trên chiếu chỉ trải có nửa giường. Bởi nơi đó là nơi cháu vừa ăn ở, vừa đi vệ sinh, vừa làm chỗ tắm. Cháu không thể nằm nệm vì chẳng có thứ nệm nào chịu cho nổi. Phải nằm nửa giường lạch tre thưa để tiện cho mọi công việc ăn uống, tắm rửa.

Hơi thở thoi thóp, cái thân hình con gái căng đầy, cặp chân nhỏ xíu chẳng cân xứng chút nào với thân hình. Cháu không hề biết mình sống hay chết, không biết đói no, không biết gì hết ngoài hơi thở là của con người. Cho ăn thì ăn, ăn bất cứ thứ gì được mẹ hay các cô dì, bạn của mẹ đưa vào miệng. Không cho ăn, cháu cũng chẳng đòi.

Thỉnh thoảng cháu hú lên không phải vì đói mà vì một lẽ gì đó không ai biết. Tiếng hú như tiếng kêu của một oan hồn hơn là một con thú hoang. Nghe tiếng hú, tay tôi cầm chiếc máy hình run lên, nước mắt tôi bỗng trào ra, nhòe nhoẹt ống ngắm. Tôi chẳng nhìn thấy gì ngoài cái tiếng kêu ấy”.

Từ trái sang phải: Bà Ngân (vợ Văn Quang) và Thụy Vũ
(Ảnh chụp năm 2010) 

Nhà Phật có luật Nhân Quả và thường nhắc đến Nghiệp Chướng. Tôi hoàn toàn không có ý suy diễn những điều này vào đời sống riêng tư của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ. Theo Phật giáo, những điều ta có trong kiếp này là hậu quả của kiếp trước.

Một số những nhà văn nữ nổi tiếng của Sài Gòn xưa hình như cũng đều có ràng buộc về Nhân Quả và Nghiệp Chướng ở một khía cạnh nào đó. Có thể đó là một hậu quả tiêu cực nhưng cũng có thể là kết quả tích cực và Nghiệp Chướng lúc nào cũng đi theo mỗi người như một cái bóng của chính họ.

***

Chú thích:

[1] Nguyễn Thị Thụy Vũ tên thật Nguyễn Thị Băng Lĩnh, sinh năm 1939 tại Vĩnh Long. Cựu giáo chức và hiện sinh sống tại Lộc Ninh. Có một thời Thụy Vũ chủ trương các nhà xuất bản Kim Anh, Hồng Ðức, Kẻ Sĩ với Tô Thùy Yên. Tác phẩm gồm:

Tập truyện:

  • Mèo Đêm. Tập truyện ngắn đầu tay gồm 6 truyện ngắn: Đợi chuyến đi xa, Một buổi chiều (về tâm trạng ray rứt, thèm thuồng tình yêu lẫn tình dục của những cô gái già); Mèo đêm, Nắng chiều vàng (về thế giới của gái bán bar); Bóng mát trên đường, Miền ngoại ô tỉnh lẻ (về niềm cô đơn của các nhân vật nữ).
  • Lao vào lửa gồm ba truyện ngắn: Chiếc giường, Đêm nổi lửa, Lao vào lửa. Tập truyện chủ yếu viết về nếp sinh hoạt của các cô điếm trá hình “chiêu đãi viên” trong các snack bar ở Sài Gòn thập niên 60-70.
  • Chiều mênh mông gồm sáu truyện ngắn: Trôi sông, Đêm tối bao la (với cốt truyện phanh phui đến độ tàn nhẫn bản năng giông bão của hạng cùng đinh trong xã hội); Tiếng hát (miêu tả sự bỡ ngỡ của một thiếu nữ lạc loài được tình cờ cô bước vào cái xã hội văn nghệ sĩ thời thượng); Lìa sông (về một cô gái già may mắn tìm được tấm chồng ở phần kết thúc câu chuyện); Chiều mênh mông, Cây độc không trái (chuyện phá thai của một cô gái bán bar với những chi tiết phá thai khiến người đọc rùng mình).

Truyện dài:

  • Thú hoang: mô tả thế giới nữ sinh trong trường công lập tại tỉnh lẻ gồn 3 nhân vật, một người bị cưỡng dâm, một người phải phá thai và nhân vật thứ 3 không chịu nổi bầu không khí tỉnh lẻ phải lên Sài Gòn.
  • Ngọn pháo bông, truyện về một cô gái buôn phấn bán hương ở lứa tuổi về chiều nhưng vẫn còn hấp dẫn mấy anh lính G.I trẻ trung. Nhân vật có thật, ngoài đời tên Yến “Ngựa” một thời nổi danh tại các vũ trường Sài Gòn và cái chết của cô khiến báo chí bàn tán xôn xao.
  • Khung rêu (Giải thưởng Văn học Toàn quốc năm 1970) Đây là câu chuyện tang thương trong một gia đình địa chủ giàu sang tới hồi khánh kiệt tại Vĩnh Long, nhưng nó được lồng vào một thời đại nhiễu nhương, khi mà giai cấp địa chủ tới giai đoạn mạt điệp trong cuộc chiến tranh Đông Dương giữa Pháp và Việt Minh. Tác giả lấy một bối cảnh nhỏ lồng vào một vấn đề lớn lao: cảnh ngộ biến suy dập vùi trên lớp sóng phế hưng, trên khúc quanh của thời cuộc, trong sự vận hành của lịch sử.
  • Như thiên đường lạnh, truyện về thảm kịch trong cuộc sống của đôi vợ chồng trên cù lao An Thành. Người chồng là giáo viên tiểu học, ước mong một cuộc đời sôi nổi nhưng bạc nhược không thể nào rời cù lao. Vợ là người đàn bà đảm đang, ghen tương, hổn hào nhưng một mực yêu chồng.
  • Chiều xuống êm đềm: truyện xảy ra vào thập niên thập niên cuối thế kỷ thứ 19. Đôi vợ chồng già  trưởng giả ở làng Đạo Thạnh, tỉnh Mỹ Tho sống cô đơn, nương tựa vào nhau. Dưới mái nhà cổ kính âm u chỉ còn đôi vợ chồng già. Đây là lúc lão ông sống hoàn toàn với dĩ vẫng đau thương. Và đây là lúc lão bà lo sợ cái chết cướp mất một người trong hai vợ chồng để người ở lại chịu cảnh lẻ loi trong buổi hoàng hôn cuộc dời.
  • Nhang tàn thắp khuya là câu chuyện về người vợ đảm đang yêu chồng, gánh vác giang sơn nhà chồng vốn là đại gia thuộc thành phần trưởng giả. Nhân vật thứ 3, một ngưòi bạn chồng, xuất hiện và khấy rối cuộc sống gia đình.
  • Cho trận gió kinh thiên là một xã hội thu nhỏ ở một xóm lao động giữa thủ đô Sài Gòn. Trong xóm ấy có nhà chứa điếm, có các chiếu bạc sòng bài, có quán nhậu, có chỗ hút nha phiến... Nhân vật trong truyện thuộc loại “đá cá lăn dưa”, “chằng ăn trăn quấn”.
Và một số tác phẩm đã đăng trên các báo trong thời kỳ từ 1966 đến 1975 tại Sài Gòn nhưng chưa xuất bản.

Khung rêu

[2] Đô la đỏ: Từ sau Thế chiến thứ hai, chính phủ Mỹ đã phát hành một loại đô-la màu đỏ có mệnh giá tương đương với đồng đô-la màu xanh để sử dụng cho nhân viên quân sự và dân sự trong thời gian công tác ngoài nước Mỹ.

Đồng đô-la đỏ, hay còn gọi là MPC (Miltary Payment Certificate), được sử dụng tại miền Nam có mệnh giá từ 1 cent đến 50 đô-la, trên MPC có ghi rõ: “Military Payment Certificate: For use only in the United States military establishments – by United States authorized personnel in accordance with applicable rules and regulations” (tạm dịch: Chứng chỉ Thanh toán trong Quân đội: chỉ được sử dụng tại các cơ sở của Quân đội Hoa Kỳ - qua các nhân viên có thẩm quyền thuộc Hoa Kỳ theo quy định và luật lệ phù phợp).

Mục đích chính của đồng MPC là tránh cho đồng đô-la xanh chảy ra nước ngoài nhằm bảo vệ nền kinh tế-tài chính của Hoa Kỳ. Có tất cả 13 series tiền MPC của Mỹ được sử dụng từ năm 1946 đến 1973. Sau chiến tranh Việt Nam, Nam Hàn (Đại hàn Dân quốc) là nước duy nhất còn sử dụng bởi quân nhân Hoa Kỳ đồn trú tại đây. Trong cuộc chiến tại Iraq, đồng MPC được thay thế bằng hệ thống Stored Value Card.

Đọc thêm: Sài Gòn xưa: Đồng Đô-la Đỏ 

(http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/12/sai-gon-xua-ong-o-la-o.html)

Đồng Đô-la "đỏ"

[3] Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên sinh năm 1938 tại Gò Vấp, Gia Định. Theo học tại Petrus Ký và Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, ban văn chương Pháp. Nhập ngũ năm 1963, phục vụ trong ngành Chiến tranh Chính, cấp bậc Thiếu Tá.

Tô Thùy Yên lập gia đình với vợ chánh là bà Huỳnh Diệu Bích, có thời gian chung sống và có 3 con với nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ. Sau 1975, nhà thơ Tô Thùy Yên bị đi “cải tạo” tổng cộng gần 13 năm. Năm 1993 cùng gia đình với người vợ trước sang Mỹ theo diện HO.

Tô Thùy Yên, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, cùng với các họa sĩ Duy Thanh, Ngọc Dũng, là những người nòng cốt của nhóm Sáng Tạo được biết đến với phong trào khai sinh  Thơ Tự Do  trên văn đàn Miền Nam vào thập niên 1960. Cả hai tập thơ Tuyển tập thơ Thùy Yên (1995) và Thắp tạ (2004) đều được xuất bản ở Hoa Kỳ. Lê Thị Huệ viết về tập thơ Thắp tạ:

“Có ba điều vĩ đại trong thơ Tô Thùy Yên. Điều vĩ đại thứ nhất, thơ Tô Thùy Yên có những câu hỏi lớn về hiện hữu và vô hình. Điều vĩ đại thứ hai, thơ Tô Thùy Yên cưu mang được sự vĩnh cửu của thi ca. Sự vĩnh cửu trong tư thế sống sót. Sống sót trong thân thế của chính thi sĩ và trong những nốt thơ ông nhả ra. Thơ Tô Thùy Yên váng chút Hán chút Đường cổ điển rất hay, nhưng cũng có khi Tự Do rất phởn. Điều bộc bạch hiển lộ nhất của thơ Tô Thùy Yên là cho dù chữ cũ hay thơ mới gì đi nữa thì thơ phải hay và thơ thì phải kiệm chữ. Điều vĩ đại cuối cùng là tài dụng ngôn của Tô Thùy Yên. Ông là một tay chơi chữ cừ khôi. Một thi sĩ xào chữ tuyệt vời đã để lại cho đời những câu thơ lừng lẫy.

“Ghé lại một trạm xăng, một hàng fast food hay một rest area
Đây là đâu?
Đây cũng là đâu đó vậy
Dấp nước đầu, cổ, mặt,
Tỉnh tỉnh lại với đời ...
Và trong những khoảnh đèn khoét đọng lẻ quạnh,
Nhìn chút đỉnh những con người,
Nhìn cuộc sống còn nửa thức, nửa ngủ.
Hỏi lại mình: Lòng ngất tạnh khuya,
Tìm đâu một chốn ấm hơi đời?”
(Đường Trường Đêm)

(Còn tiếp)

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 4: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!
--> Read more..

Popular posts