Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

Nhà văn nữ trước 1975: Nhã Ca

Loạt bài viết này mang chủ đề những nhà văn nữ sáng tác tại miền Nam trong giai đoạn Đệ nhất Cộng hòa (1954-1963) và Đệ nhị Cộng hòa (1963-1975). Đây là thời kỳ các cây bút nữ nổi lên như một “hiện tượng văn học” cả về số lượng lất chất lượng.

Một trong những lý do chính của sự phát triển một lớp nhà văn nữ hùng hậu là tình trạng chiến tranh tại miền Nam. Trong khi nam giới phải “xếp bút nghiên theo việc binh đao” thì nữ giới nổi lên như một lực lượng thay thế trên văn đàn. Nhà văn Võ Phiến trong Văn Học Miền Nam: Tổng Quan đưa ra nhận xét:

“… đứng về phương diện phái tính, văn học Miền Nam thời kỳ 54-75 càng ngày càng nghiêng về nữ phái. Thời gian ủng hộ hồng quần. Thoạt đầu trên văn đàn nghe tiếng ồm ồm, cuối cùng nghe ra eo éo. Dù sao trên một danh sách sáu chục văn thi sĩ (kể cả biên khảo gia), tính ra vẫn chỉ có chừng mươi nữ sĩ: 17 phần trăm. Nam phái chỉ kịp trông thấy một viễn tượng thua sút, chứ kỳ thực chưa nếm mùi thua sút”.

Tìm hiểu kỹ hơn nữa về các nhà văn nữ miền Nam trong giai đoạn đầu người ta thấy đa số các bà, các cô thường có chồng cũng làm nghề cầm bút. Phải chăng đó cũng là lẽ thường tình vì nhiều nhà văn nữ cần sự hỗ trợ và sự đồng cảm của đấng phu quân. Hóa ra câu nói “Phía sau một ngườ thành đạt thường có bóng của người phụ nữ” lại biến thành “Đứng sau một nhà văn nữ nổi tiếng là bóng dáng của người chồng đồng nghiệp”!   

Đó là trường hợp “thuận vợ thuận chồng” của một số tên tuổi như Mộng Tuyết, Nguyễn Thị Vinh, Nhã Ca, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng, Hoàng Hương Trang, Phương Khanh, Tuệ Mai… Qua cặp Nhã Ca – Trần Dạ Từ ta lại thấy rõ Nhã Ca nổi lên như một vì sao trong khi Trần Dạ Từ chỉ như một cái bóng trong bầu trời đêm. “Âm thịnh dương suy” là vậy!

Lập một danh sách những cây bút nữ nổi tiếng nhất ở miền Nam trước 1975 ta sẽ thấy hầu hết họ đều viết văn chứ không làm thơ. Phải chăng, các nhà văn nữ có thế mạnh trong việc giải bầy những gì có liên quan đến chính cuộc đời họ trong các truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết?

Nhã Ca trong Giải khăn sô cho Huế và Nguyễn Thị Hoàng trong Vòng tay học trò là những thí dụ điển hình cho cách giải thích này. Đâu đó trong các tác phẩm của mình, các nhà văn nữ đưa cuộc đời mình vào các trang viết. Đó là một hình tức của “tự truyện” mà có người bảo là vì nhà văn thiếu đề tài hoặc vì nghèo suy nghĩ!

Tuy nhiên, giải thích như trên không có nghĩa là nhà văn nữ, về mặt tư tưởng, không có sự uyên bác vốn là đặc quyền của nam giới. Về phương diện đạo đức cũng không thể phân biệt giới tính trong lãnh vực văn chương, nói khác đi, “văn chương không giới tính”.

Giai phẩm Văn, trong số đặc biệt về các cây bút nữ, đã đưa ra 5 khuôn mặt “nhà văn nữ nổi tiếng nhất của văn chương tiểu thuyết hiện nay”: Túy Hồng, Trùng Dương, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng và Nguyễn Thị Thụy Vũ. Trong phạm vi của bài viết này, người viết sẽ lần lượt điểm qua chân dung của họ.

Giai phẩm Văn về 5 nhà văn nữ nổi tiếng

Khoảng giữa năm 1960, nhà thơ Nguyên Sa cùng một số bạn hữu xuất bản tạp chí Văn nghệ Hiện Đại. Ngay trong số ra mắt, tạp chí này đã dành hẳn mấy trang để giới thiệu một loạt các bài thơ của một cô gái Huế mang bút hiệu Nhã Ca [1]. Cũng ngay trong lời giới thiệu, người chủ trương tạp chí đã ca tụng: “Đây là một thi tài đặc biệt”.

Tập thơ đầu tay của Nhã Ca đọat giải thi ca toàn quốc với những lời ca tụng, không phải của Nguyên Sa, mà là những người khác. Nhà thơ “điên” Bùi Giáng, trong cuốn Đi vào cõi thơ, khi đề cập tới thơ Nhã Ca, đã viết những câu ca tụng “rất điên”: “Thơ nghe như giọng tiên nữ xuống khép nép xin vào hội hè trần gian. Lời thơ xô ùa tới trùng trùng điệp điệp như ngọn triều đại hải”.

Nhà phê bình Đặng Tiến: “Vẻ đẹp Nhã Ca thật như một giấc chiêm bao, và giả như con sông Hoàng Hà từ trời cao đổ về biển cả. Thơ Nhã Ca sẽ dựng lên một thần thoại về người con gái Huế....”. Thơ Nhã Ca được nhiều người khen tặng nhưng phải chờ đến “văn” Nhã Ca mới đem lại cho tác giả những thành công cả về danh vọng lẫn vật chất. Năm 1963, Nhã Ca ra cuốn truyện đầu tiên, Đêm nghe tiếng Đại bác, do nhà văn Nguyễn Mạnh Côn viết đề tựa giới thiệu. Hơn 30 cuốn sách đã xuất bản và tái bản đem lại cho Nhã Ca cả chục triệu bạc (tiền thời VNCH tương đương với hàng tỷ tiền thời nay).

Nhã Ca là nhà văn được 2 lần trao giải thưởng Văn chương Toàn quốc: lần thứ nhất, năm 1965 với thi phẩm Nhã Ca mới và lần thứ hai, năm 1966, với truyện dài Ðêm nghe tiếng đại bác. Một số tiểu thuyết của Nhã Ca còn bước vào lãnh vực điện ảnh. Hãng phim Việt của đạo diễn Hà Thúc Cần (qua đời năm 2004 ở Singapore) đã dựng một phần của Đêm nghe tiếng đại bác và Giải khăn sô cho Huế thành phim Đất khổ [2] dựa trên các bối cảnh chính trị của thời Tranh đấu Phật giáo (1965), Tết Mậu Thân (1968) và Mùa hè đỏ lửa (1972).

Đất khổ được bấm máy từ đầu thập niên 1970 nhưng đến năm 1973 mới hoàn tất với diễn viên chính Trịnh Công Sơn. Cũng như tên cuốn phim, Đất khổ đã phải trải qua một một đoạn đường đau khổ: phim chỉ được trình chiếu đúng 2 lần rồi bị cấm vì lý do “phản chiến” và “làm nản lòng chiến sĩ”.  

Hai cuốn tiểu thuyết khác của Nhã Ca, Đoàn nữ binh mùa thuTình ca trong khói lửa đỏ, cũng đã được hãng Phim Việt mua bản quyền. Tài tử kiêm đạo diễn Lê Quỳnh, trong một cuộc phỏng vấn trên báo Kịch Ảnh, tuyên bố cuốn Tình ca trong lửa đỏ  là tác phẩm đã làm ông xúc động nhất và việc bị hãng Phim Việt dành trước mất truyện này là điều làm ông ân hận nhất.

Nhã Ca với “Giải khăn sô cho Huế”
(Qua nét bút của họa sĩ Chóe)

Đối với Nhã Ca, viết lách không phải là một công việc tùy hứng mà là một việc làm đều đặn hàng ngày với một máy đánh chữ, hai cây bút chì để gõ thay ngón tay. Nhã Ca viết đều đặn mỗi ngày khoảng chừng bốn giờ đồng hồ. Những giờ khác dành cho việc đọc sách, săn sóc con cái. Nhã Ca giải thích: “Chỉ là sự đều đặn . Mỗi ngày vài ba trang đánh máy, cứ thử nhân lên coi, mỗi năm gần một ngàn trang. Mười năm rồi, chưa tới mười ngàn trang sách, đâu phải là một số lượng ghê gớm gì”.

“Nếu không nghĩ tới độc giả, chắc chắn tôi đã không viết văn làm gì. Tôi vẫn thường tự nhủ, bạn đọc của tôi đã phải bỏ những đồng tiền xương máu của họ ra đổi lấy từng cuốn sách. Vậy bổn phận của mình là phải viết cho xứng đáng với sự hy sinh ấy. Vậy chắc chắn sẽ chả bao giờ tôi có thể trở thành loại nhà văn tự cho mình là lớn đến độ tuyên bố là viết mà không thèm đếm xỉa đến độc giả”.

Truyện của Nhã Ca mang hơi thở của Huế với dòng sông Hương, núi Ngự Bình, thôn Vĩ Dạ, cầu Tràng Tiền… Truyện nào của Nhã Ca cũng bàng bạc giọng Huế: mi, tau, chi, mô, răng, rứa… Thế giới của Nhã Ca có thể là Cổng trường vôi tím của một thời Đồng Khánh:  

“Cửa sổ phòng học tứ B3 mở ra sân sau, một khoảng vườn hẹp trồng vài cây đoát, một ít bụi cỏ và những thứ cây hoang dây leo. Tường sát đường, và bên kia đường là sân sau của một dãy lớn ở trường Quốc học. Thỉnh thoảng trong giờ chơi, tôi nhìn thấy những cậu học sinh nghịch ngợm leo lên cửa sổ. Hai trường chí cách nhau một con đường cắt đôi, cửa sổ lớp có thể nhìn thấy được nhau, bên kia đã để dành những lớp đó cho học sinh đệ thất đệ lục.
− Mi nghễ chi bên dó mà nghễ dữ rứa mi.”

Nhã Ca

Không gian của Nhã Ca có thể là Giải khăn sô cho Huế trong biến cố tết Mậu Thân 1968. Ngay những dòng đầu tiên ta đã nghe tiếng súng đạn:

“Không biết tiếng súng đầu tiên nổ vào giờ khắc nào? Giữa đêm, tôi đã choàng tỉnh dậy vì tiếng nổ xé toạc cả những giấc mơ vụn. Vừa kịp lăn xuống khỏi tấm phản gỗ, tai tôi đã ù đi vì những tiếng nổ ran bốn phía. Chuyện gì vậy? Không biết làm thế nào mà tôi lăn tròn từ phòng ngoài vào phòng trong. Bàn tay ai kéo tôi giúi vào giữa phòng. Tôi nằm đè lên da thịt ai non mát. Một tiếng kêu nhỏ tắc nghẽn vào âm thanh hỗn độn của súng đạn bên ngoài. Khi tôi kịp định tỉnh lại tâm thần thì đứa cháu nhỏ đã ngồi lên được, nằm gọn gàng trong lòng tôi.

"Còn đứa mô nữa? Vô hết đi. Vô một chỗ.”

Tôi vỗ về đứa cháu. Nhưng cùng lúc đó những tiếng nổ ình ình lại dội thốc lên. Ðứa cháu bỏ tay, ôm chặt lấy tôi, người nó run cầm cập. Trời ơi, súng bắn cả sau vườn mình. Tôi nghe tiếng súng đằng sau vườn thật trong, thật buốt. Thằng em ghé vào tai tôi:

"AK. Thôi, tụi nó về rồi."

Giải khăn sô cho Huế, chương 7, có nhắc đến một nhân vật tên Đắc: “… là người trẻ trung, hăng hái... Thời trước Đắc làm thơ, Đắc tranh đấu, rồi bỏ ra khu. Để rồi trở lại Huế lập những phiên tòa nhân dân, kêu án tử hình hàng loạt người, rồi đích tay đào một cái hố,bắt một bạn học cũ có xích mích từ trước ra đứng bên hố để xử tử".

Người dân Huế biết ngay nhân vật tên Đắc trong truyện là Nguyễn Đắc Xuân [3], nhà văn đồng thời là nhà nghiên cứu đã “thoát ly” vào khu trước biến cố Mậu Thân. Sau 1975 Nguyễn Đắc Xuân có một bài viết để thanh minh những điều Nhã Ca viết về mình,  bài Hậu quả của “cái chết” của tôi có đoạn:

“Biết Nhã Ca viết ám chỉ mình, nhưng đọc xong chương sách tôi không hề giận tác giả, chuyện phục vụ tâm lý chiến rẻ tiền, cặp vợ chồng Trần Dạ Từ - Nhã Ca phụ trách nguyên cả một chương trình của đài Tự Do của Mỹ tôi còn lạ gì. Chỉ buồn cười thôi. Các hoạt động của tôi ở Huế dân Huế đều biết, các đồng chí đồng sự của tôi hiện còn đang sống đều biết rất rõ.

Giữa một cuộc chiến đấu lớn lao, đông đảo như thế, tôi xử ai và tôi giết ai tôi không thể làm một mình và chắc chắn 30 năm qua những đối tượng ấy không thể làm thinh trước dư luận báo chí trong và ngoài nước. Tôi đã mở tòa án ở đâu và xử ai? Đến nay ở nước ngoài có lẽ Nhã Ca có thể viết rõ ra để chứng minh tính chân thực của cuốn sách được Nguyễn Văn Thiệu trao giải năm nào.

Còn tôi – một sinh viên Phật tử mới thoát ly chưa đầy một năm rưỡi, không có quyền hành gì, nếu tôi muốn làm những việc như Nhã Ca viết thì cũng không thể làm được. Không ai cho tôi làm. Nếu tôi tự ý làm, làm sao tôi có thể thoát được sự phê phán của đồng chí đồng sự của tôi, đặc biệt là những người sau này không còn đứng trong hàng ngũ kháng chiến nữa.


“Sau 1975 về lại Huế, trong các chiến dịch “chống văn hóa độc hại của Mỹ ngụy” (3/1976 ) nhiều người đặt bài cho tôi viết lên án Nhã Ca. Tôi từ chối. Lý do: Thứ nhất, sách của Nhã Ca có nêu đích danh tôi đâu mà tôi phải lên tiếng. Thứ hai, dù sao Nhã Ca cũng là bạn của chị tôi, nỡ nào tôi lại “đánh” người dưới ngựa, bạn của chị mình. Nếu sau giải phóng tôi viết bài đã kích Nhã Ca, ngành nội chính sẽ có thêm căn cứ để kéo dài thời gian học tập của cô lâu hơn. Như vậy nó trái với con người của tôi. Tôi không viết”.

Chuyện giữa Nguyễn Đắc Xuân và Nhã Ca còn dài nhưng trong khuôn khổ của một bài viết về các nhà văn nữ, tác giả xin chấm dứt ở đây.

Nhà văn Nhã Ca

Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn trong lời giới thiệu Đêm nghe tiếng đại bác, cuốn truyện đầu tay của Nhã Ca:

“…gia đình của nhân vật xưng tôi trong tác phẩm của Nhã Ca có thể là một gia đình nào đó ở khu Phú Thọ, hay Bàn Cờ, hay Phú Nhuận. Ông bố đi làm, người con cả đi lính, bà mẹ ở nhà trông nom cơm nước cho chồng con, có cô con gái lớn giúp việc. Hai đứa em, một gái một trai của cô ta còn đi học. Kim, cậu em út, có chiếc xe gắn máy còn mới tinh. Như vậy là gia đình nầy không nghèo. Nhưng cũng không giàu. Một vé số kiến thiết trúng 500 đồng cũng đủ làm cho cả nhà vui vẻ bàn luận về cách tiêu dùng. Và chính cái vé số nầy cũng  sẽ là một yếu tố động cơ của truyện. Bà mẹ cho lĩnh số tiền về, đã quyết định dùng nó đế mua sắm, làm một bữa chả giò thết anh chàng Phan, trung úy, sắp về nghỉ phép.

Nhưng Phan không về, không bao giờ về cả. Phan đã tử trận từ hai bữa trước rồi, nhưng cả nhà không ai biết. Sự chờ đợi làm bằng âu yếm chen lẫn với lo sợ làm cho bầu không khí trở nên phập phồng, mệt nhọc. Rất nhiều động tác khác, bề ngoài như vô tình, nhưng bên trong là kết tinh của hoàn cảnh, cũng dự vào việc xây dựng hẳn thành một thứ tâm hồn tập thể hướng trọn về người vắng mặt”.

Đây là thư Trung úy Phan viết cho me (Me theo tiếng người Huế gọi mẹ) từ tiền đồn Dakto trước khi cả nhà được tin Phan tử trận:

“Đây là thư con viết cho me, me ạ. Và con xin khai đầy đủ những điều me hỏi: Con vẫn nặng 53 ký lô, hơn tháng trước một ký, vì dạo nầy phải leo núi nhiều hơn. Ngoài ra, vòng ngực vẫn như cũ, vòng eo vẫn như cũ.

Theo lời me dặn, buổi trưa trước khi ăn cơm, con vẫn uống một ống B12 và ăn đủ 4 chén. Tối, con mặc chiếc áo me đan. Me đan đẹp lắm. Nhưng me đan dầy quá, thành thử chỉ mặc được một lát là con đã nghe thấy tiếng ve sầu kêu ầm ĩ, y như mang cả mùa hạ trên mình. Buổi sáng, vẫn theo lời me, con đánh răng bằng kem Hynos, ông già Tây đen bạn thân của me.

Hồi nầy con cũng ít uống rượu nữa. Đấy, con trai lớn của me vâng lời me vậy đó. Me bằng lòng rồi chứ. Nhưng con xin me tha cho cái khoản me nói. Tây, Tàu, Mẽo hay Việt Cộng gì đó thì con không ngán, nhưng vợ thì con sợ lắm. Con là con của ba và me. Dù sao, me yên tâm, sẽ có ngày con gửi về cho me cháu nội để bế. Me ơi, bữa nay me gầy hay mập. Me định mang polo số mấy đấy. Mắt me đã thêm được vòng tròn nào chưa. Me nhớ tập thể thao mỗi sáng me ạ. Me cứ dậy từ 4 giờ, tập chạy bộ cho con chừng 30 phút. Chạy thi với thằng Kim ấy. Cứ thế, một thời gian me sẽ vượt xa bọn Phượng và Quyên cho mà coi”.

Tiếp theo là đoạn viết cho các em Phượng và Quyên ở nhà:

“Các cô chơi ác quá. Định bắt anh về ra mắt nhà vợ thì anh trốn luôn cho mà coi. Bởi nghe hai cô tả dung nhan người đẹp anh đã hết hồn rồi. Tính anh cả thẹn lắm. Hai cô biết rồi mà. Thôi, cho anh hai chữ bình an nhé.

Thư nhà anh vẫn nhận đều đặn. Nhưng hai tuần nay thì chưa có. Bởi mấy hôm nay phải di chuyển luôn luôn. Hôm kia, ở Daksut, anh cũng có viết một thư dài cho me. Nhưng hơn một tuần nay rồi, chưa có một chiếc trực thăng nào xuống lấy thư. Thành thử anh còn phải để lại. Có lẽ phải viết trọn bộ đã, rồi mới gửi về được. Nằm buồn, anh thường mang mấy thư cũ ra đọc. Các cô viết bao nhiêu anh cũng không ngán, vì các cô sắp thành văn sĩ hết rồi. Ở đây, đôi lúc anh buồn và nhớ Saigon lắm. Giá có một phút nào vù về được, rủ các cô ra bến tàu làm vài đĩa bánh cuốn nóng, rồi lại bay lên đây thì nhất. Nói vậy không phải để mấy cô nhạo anh là hư ăn đâu nhé. Cái bảng hiệu ăn thì chắc phải nhường cho thằng Kim chức vô địch rồi”.

Thư Phan viết cho chú út Kin:

“Nói ngủ mà vẫn chưa ngủ được. Phải bò dậy để viết thêm cho Kim nữa đấy. Thế nào, phê thuật cho anh trận cầu vừa rồi với chứ. Hôm kia nằm nghe trực tiếp truyền thanh đoàn cầu Thái Lan đá với Hội tuyển Saigon, anh nhớ Kim quá. Rạng và Rỏn của Kim vẫn khá cả đấy chứ. Phong độ của Vinh có còn hách để đi tiền đạo không. Cả mấy cầu thủ nhóc của Kim nữa, anh hỏi thăm đấy”.

Và cuối cùng là thư thăm bố:

“Hồi sáng, một chiếc Dakota đã thả  cả một gói thư khổng lồ xuống đồn con. Và con đã nhận được cả bó thư nhà rồi. Ngày mai có lẽ sẽ có một chuyến đến tải thư nữa. Vậy con xin viết thư thêm về ba để trọn bộ, rồi sẽ gửi luôn thể. Đáng nhẽ thư ba phải viết ngay phần đầu, nhưng chắc ba cũng muốn nhường me con. Bởi đứng sau me bao giờ cũng yên ổn hơn, phải không ba?

Con đã đọc hết lá thư ba viết. Nhưng ba quên không kể cho con nghe chuyện cờ tướng của ba với ông Chín Hội rồi. Từ dạo con đi, con cóc của ba, không còn bị chết máy trước cây mãng cầu của bà thợ may đầu ngõ rồi chứ. Ba phải coi chừng me đốn mất cây mãng cầu của bà thợ may đấy.

Ở đây, đêm kia, chúng con vừa chạm một đơn vị phục kích, và có một chú lính của con bị chúng bắn tử thương. Riêng con, con không hề sợ chết. Con cũng chẳng hề căm thù gì ai. Nhưng cứ trông những cái chết của đồng đội cạnh mình, con cũng nổi sùng quá. Y hệt phim La loi du Seigneur mà ba từng đưa cả nhà đi xem dạo nào đó.

Nghe các em kể chuyện về ba me với không khí nhà mình, con vui lắm và yên tâm hơn bao giờ hết. Tuy xa gia đình, ngày đêm ở tiền đồn nghe bom nghe đạn, nhưng con lúc nào cũng nghĩ tới gia đình, tới thành phố yên vui, và con sung sướng.

Tháng tới, có lẽ con và Nghĩa sẽ có giấy đi về phép. Nhưng con chưa biết có suông sẻ không, ba đừng nói vội me mong. Dạo nầy không những con lái xe giỏi rồi, mà còn lái được cả thiết vận xa nữa. Khi con về, chắc không còn cảnh cho chiếc xe con cóc của ba sa lầy đâu”.

Trung úy Phan không về phép như đã hứa. Không phải anh sợ về Sài Gòn phải ra mắt bố mẹ vợ. Phan cũng đã không còn dịp để thưởng thức bữa chả giò mà gia đình dự định đãi anh khi về phép từ tiền trúng số 500 đồng. Anh đã vĩnh viễn ở lại tiền đồn Dakto để mọi người hằng đêm vẫn nghe tiếng đại bác từ xa vọng về… Chiến tranh là vậy.

Nhã Ca và Đức Dalai Lama
tại Pasadena, California, 2007

===

Chú thích:

[1] Nhã Ca, tên thật Trần thị Thu Vân, sinh năm 1939 tại Huế. Đến năm 1960 vào Sài Gòn nơi bà bắt đầu viết văn. Trong thời gian 1960-1975, 36 tác phẩm của bà được xuất bản gồm nhiều thể loại như thơ, bút ký và tiểu thuyết. Một số tác phẩm của bà lấy xứ Huế làm bối cảnh và đa số nội dung dựa vào cuộc chiến tại Việt Nam.

Cũng vì nội dung trong những tác phẩm của bà, sau năm 1975, Nhã Ca bị chính quyền giam giữ hai năm vì tội “biệt kích văn hóa”. Chồng bà, nhà văn Trần Dạ Từ, bị giam 12 năm. Do sự can thiệp của hội Văn Bút Quốc tế phối hợp với hội Ân xá Quốc tế và thủ tướng Thuỵ Điển Ingvar Carlsson, bà được sang Thuỵ Điển tỵ nạn. Năm 1992 bà cùng gia đình sang California định cư và lập hệ thống Việt Báo Daily News tại Quận Cam.

Tác phẩm:

  • Nhã Ca mới (1965)
  • Đêm nghe tiếng đại bác (1966)
  • Bóng tối thời con gái (1967)
  • Khi bước xưống (1967)
  • Người tình ngoài mặt trận (1967)
  • Sống một ngày (1967)
  • Xuân thì (1967)
  • Những giọt nắng vàng (1968)
  • Đoàn nữ binh mùa thu (1969)
  • Giải khăn sô cho Huế (1969, tái bản ở Hoa Kỳ năm 2008)
  • Một mai khi hòa bình (1969)
  • Mưa trên cây sầu đông (1969)
  • Phượng hoàng (1969)
  • Tình ca cho Huế đổ nát (1969)
  • Dạ khúc bên kia phố (1970)
  • Tình ca trong lửa đỏ (1970)
  • Đời ca hát (1971)
  • Lặn về phía mặt trời (1971)
  • Trưa áo trắng (1972)
  • Tòa bin-đing bỏ không (1973)
  • Bước khẽ tới người thương (1974)

[2] Đất khổ (Land of Sorrows) là một phim dài 102 phút, mô tả những mâu thuẫn trong một gia đình tại Huế bị giằng co giữa hai phía Quốc gia và Cộng sản. Trịnh Công Sơn thủ vai nhạc sĩ Trịnh Quân, ngoài ra còn có sự góp mặt của “kỳ nữ” Kim Cương, nhà văn Sơn Nam, diễn viên Bạch Lý và nghệ sĩ Thành Lộc khi đó mới 8 tuổi.

Cốt truyện xoay quanh quyết định ra đi hay ở lại của từng người trước viễn tượng Huế rồi cả miền Nam sắp thất thủ. Đất khổ là câu chuyện của tình yêu: tình ruột thịt, lòng yêu nước, sự gắn bó với văn hóa và tiếng nói của giống nòi, và mối tình trong trắng nhưng ngang trái vì chiến tranh của người con gái.

Phim Đất khổ gần như bị quên lãng trong xó hầm nhà George Washnis, một nhà đầu tư phim ở Hoa Kỳ trong thập niên 1970. Năm 1996, Washnis liên hệ với Viện Phim ảnh Hoa Kỳ (AFI) (ở Kennedy Center, Washington, D.C.), nhờ phổ biến phim Đất khổ. Nhờ đó, lần đầu tiên phim Đất khổ được chiếu ở rạp hát AFI.

Xem phim Đất khổ trên YouTube tại:

Cảnh trong phim Đất khổ

[3] Tham khảo về Nguyễn Đắc Xuân:

·         Nhà văn Nguyễn Đắc Xuân / Võ Quế

·         Thư gửi Nguyễn Đắc Xuân / Bằng Phong Đặng Văn Âu

·         Thư thứ hai gửi Nguyễn Đắc Xuân / Bằng Phong Đặng Văn Âu

(Còn tiếp)

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 4: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 
Tác giả đang viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

2 nhận xét:

  1. Thanks anh NNC. Đọc 1 hồi không nghỉ:)

    Trả lờiXóa
  2. Trước 1975 tôi đã đọc nhiều tác phẩm của Nhã Ca, đa phần đề cập đến cuộc chiến tranh giữa quốc gia và cộng sản, những thương đau, mất mát, cay đắng...trong thời súng đạn.Và nhất là Huế, với tết mậu thân.Dù thế nào đây là cây viết khá hiếm hoi giữa cái thời toàn các tác phẩm yêu đương, tình cảm,mà quên đi chính cái thực tại của dân tộc và cuộc chiến quốc cộng...Chúng ta nên đọc các tác phẩm của nhã ca và có những suy niệm cụ thể về chính dân tộc VN sau 1975.Cám ơn anh NNC.

    Trả lờiXóa

Popular posts