Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

Bàn về hai chữ “thanh bạch”

“Dương Chấn được bổ đi làm Thái thú quận Đông Lai. Lúc đi nhậm chức qua đất Xương Ấp, quan huyện ở đấy là Vương Mật, trước được nhờ ông đề bạt cho, vào yết kiến. Rồi đợi đêm khuya lại đem vàng đến lễ.

“Dương Chấn bảo: “Trước tôi biết ông là người khá, mới cử ông lên, thế mà ông vẫn chưa biết bụng tôi, còn đem vàng đến cho tôi ư?”.

“Vương Mật cố nài, thưa rằng: “Xin ngài cứ nhận cho. Bây giờ đêm khuya không ai biết”. Dương Chấn nói: “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại bảo là không ai biết?”. Vương Mật nghe nói xấu hổ lui ra. 

Trên đây là trích dẫn từ truyện “Ông quan thanh bạch”, một trong số 250 mẫu chuyện ngắn trong cuốn “Cổ học tinh hoa”, do hai ông Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn và được xuất bản lần đầu tiên năm 1928.

“Cổ học tinh hoa” được in thành 2 quyển: Quyển thứ nhất và Quyển hạ. Có thể nói, đây là loại sách “học làm người” đầu tiên trong văn học nước ta, dạy cách làm người và xử thế của người xưa. 

Dương Chấn thật là một ông quan thanh liêm, chỉ chăm việc dân việc nước, không tham nhũng, không làm giàu cho bản thân mình. Ông thường nói, làm quan mà để lại được cái tiếng thanh bạch cho con cháu, bao giờ cũng quý hơn là để tiền của, ruộng nương lại.

Trong “Việt Nam tân từ điển” của Thanh Nghị (mỗi danh từ đều có ghi thêm tiếng Pháp, cốt dành riêng cho người đọc có vốn liếng Pháp ngữ), “thanh bạch” được giải thích là trong sạch, không tham, không dơ bợn (propre, décent)… trong khi đó “thanh liêm” được định nghĩa là liêm khiết, nói quan lại không ăn của đút lót (intègre).

Làm quan như ông Dương Chấn đối với kẻ mà mình đã đề bạt không cần nghĩ tới việc họ trả ơn, đối với dân mình cai trị không ăn của đút lót. Lúc đêm khuya, tấm lòng cũng trong sáng cũng như lúc thanh thiên, bạch nhật.

Làm quan mà vơ vét cho nhiều thì chính bản thân mình chắc đâu đã giữ được, huống chi còn mong để lại cho con cháu. Xét cho cùng, để lại cho con cháu cái tiếng thanh bạch thơm tho muôn thuở chắc chắn phải hơn là của phi nghĩa chỉ tổ khiến chúng kiêu sa, trụy lạc theo con đường dẫn đến bại vong! 

Bài học đó có từ ngàn xưa nhưng ngày nay rất ít người hiểu được. Thậm chí có hiểu nhưng cũng không “rút kinh nghiệm” để tránh xa. Vấn đề đạo đức dường như hoàn toàn không được biết đến và kết quả là những vụ án ngày một tăng, hình phạt ngày một nặng!

“Thanh bạch” hay “thanh liêm” hình như là một món hàng quá đắt giá, đắt hơn cả những biệt phủ, đất đai hay tấm visa để đị định cư ở nước ngoài! 

***

--> Read more..

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2020

Gặp gỡ đồng nghiệp từ Canada

Có những cuộc hội ngộ thật bất ngờ khi tuổi tác ngày một cao và cũng là khi khoảng cách địa lý thật xa xôi, diệu vợi. Cuộc hội ngộ của 3 người bạn đồng ngũ và cũng là đồng nghiệp tại trường Sinh ngữ Quân đội diễn ra vào sáng nay 22/9/2020.

Nguyễn Công Sang gặp lại tôi sau gần nửa thế kỷ dù bạn đã về Việt Nam đến hơn 10 lần nhưng mãi đến hôm nay mới có dịp hội ngộ, cũng chỉ vì cái tính “khép kín” cố hữu. Thật ra lần này bạn đã về từ tháng 12 năm ngoái nhưng vẫn còn ở lại vì dịch Covid sau nhiều lần xin gia hạn visa. 

Nguyễn Công Sang

Điều quý hơn nữa là chúng tôi cùng khóa 4/68 Thủ Đức, cùng được tuyển thẳng về trường với 4 bạn khác cùng khóa. Năn 1971 trong chuyến du học Lackland, San Antonio, Texas, chúng tôi lại là “room mate” trong suốt 6 tháng xa nhà. Và Sang nhắc lại kỷ niệm có lần tôi đệm đàn cho Sang ghi âm bài “Oui Devant Dieu” để gửi về nhà cho… “người yêu dấu”!

Trong tin nhắn Sang còn dặn thế nào cũng phải mời cho được bạn đồng nghiệp cùng trường là anh Tôn Thất Lan, khóa 24 Thủ Đức, để làm một cuộc hội ngộ “bỏ túi” giữa 3 người. Mọi ngày thì tôi chỉ ngồi “cà phê một mình”… nhưng hôm nay lại có đến 3 người! 

Cà phê… “ba mình”

Huynh trưởng Lan đã bước vào tuổi 80 nên hồi ức về TSNQĐ có đôi phần “lúc nhớ, lúc quên” nhưng hai đứa tôi cố gắng nhắc lại nên anh cũng từ từ tìm lại những “ngày xưa thân ái”. Anh Lan có thời gian dạy tại Chi nhánh Đồng Khánh (Q. 5, dành cho Không Quân) của trường cùng với Sang… trong khi đó tôi lại ở tận Chi nhánh Phan Thanh Giản của Hải Quân! 

Cà phê… “ba mình”

Chúng tôi nay đã già, trí nhớ chưa bị “cái anh Dementia” làm cho phai mờ nhưng cũng may “ông Alzheimer” chưa kịp đến nên vẫn còn một chút “minh mẫn” để có thể nhắc lại chuyện xưa. Sang nhắc lại chuyện những đêm ứng chiến trên cao ốc gần khu Đồng Khánh, anh Lan thường ôm guitar hát những khúc du ca. Nhưng đó là thời gian trước khi Chi nhánh Đồng Khánh bị VC đặt chất nổ khủng bố!

Tôi thì nhớ lại những buổi chiều “check mail” ở Lackland để hy vọng nhận được những cánh thư gửi theo địa chỉ APO (Army Post Office) từ Việt Nam. Thất vọng mỗi khi không có thư nhưng vui nhiều vì nhận được thư nhà. 

“Check mail” với Nguyễn Công Sang, “những ngày xưa thân ái” tại Lackland, 1971

Nhớ những bữa ăn tối, trốn nhà bàn, để cùng nhau nấu món gà theo kiểu Việt Nam mua ở Commisary. Mà bếp tại mỗi barrack chỉ có vài cái nên phải gửi các “sĩ quan đề-lô” đến quan sát tình hình xem có anh “dầu hôi” nào chiếm bếp hay không. Hồi đó Iran còn là “bạn thân” của Mỹ nên số sĩ quan mà chúng tôi gọi là “dầu hôi” cũng khá đông. Iran là xứ sở của dầu hôi nên chết vì cái tên… dầu hôi. 

Nguyễn Công Sang & Nguyễn Ngọc Chính

Anh Lan và Sang hiện mỗi ngày phải uống 3 hay 4 thứ thuốc trị… bệnh già. Còn tôi thì, Thank God, chưa đến nỗi nào! Hai anh đã bỏ thuốc lá còn tôi thì vẫn trung thành với thuốc Capri của British American Tobacco có Menthol.

Tôi nói đùa tên bài hát “Capri, c’est fini” của Hervé Vilard ngày nào. Thế là Sang phụ họa:

“Capri! C'est fini

Je ne crois pas

Que j'y retournerai un jour…” 

Giây phút chia tay

***

 * Mời nghe "Capri, c’est fini!" qua giọng ca của Hervé Villard: https://www.youtube.com/watch?v=qTo1q5mk9io

 *** 

--> Read more..

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2020

Tinh thần Don Quixote

Don Quixote (tiếng Tây Ban Nha: Don Quijote) còn có tên bằng tiếng Việt: “Đôn Kihôtê” hoặc “Đông Ki Sốt”, là tiểu thuyết của nhà văn Miguel de Cervantes Saavedra (1547-1616).

Cuốn truyện gồm 2 phần, có nhan đề bằng tiếng Tây Ban Nha “El Ingenioso hidalgo Don Quijote de la Mancha” (Don Quijote, đại kị sĩ tài hoa xứ Mancha). Phần đầu được xuất bản năm 1605 và phần 2 năm 1615. 

Ấn bản đầu tiên Don Quixote bằng tiếng Tây Ban Nha, năm 1605

Nội dung cuốn tiểu thuyết xoay quanh những chuyến phiêu lưu của một quý tộc sống ở xứ Mancha tên là Alonso Quixano. Chàng đọc nhiều truyện hiệp sĩ đến mức mất trí và sau đó quyết định trở thành một kỵ sĩ để làm sống lại tinh thần hào hiệp và phụng sự cho quốc gia, dân tộc.

Don Quixote đổi tên mình thành “Don Quijote xứ Mancha” và nhận một gã nông dân quê mùa, Sancho Panza, làm người tháp tùng. Khác với chủ, Sancho Panza là người thường sử dụng sự lanh lợi, “tinh ranh một cách trần tục” để đối phó với những lời độc thoại hùng tráng của chủ về vấn đề hiệp sĩ đã quá lỗi thời. 

Tượng đồng hai thầy trò Don Quijote và Sancho Panza tại Madrid, Tây Ban Nha

Thật tình Don Quixote không phân biệt được đâu là thực đâu là ảo, mà chỉ đắm chìm trong “thế giới hiệp sĩ” mà mình tưởng tượng ra. Câu chuyện được diễn tiến theo bước chân của chàng, với những chuyện hoang đường phi lý về các hiệp sĩ rất thịnh hành hồi thế kỷ thứ 15.

Đầu óc Don Quixote lúc nào cũng đầy những ý tưởng về sự mê hoặc, đánh nhau, thách đấu, thương vong, oán trách, tình tứ, dằn vặt, những người khổng lồ, những lâu đài tráng lệ, những thiếu nữ bị bắt cóc và các cuộc giải cứu người đẹp hào hùng.

Mọi sự tầm thường trong con mắt mọi người bỗng trở thành “thi vị” với Quixote: mỗi chủ quán là một vị đại thần, mỗi người cưỡi la là một chàng hiệp sĩ, mỗi có gái điếm trở thành công nương và quán trọ là lâu đài tráng lệ…

Vì danh dự bản thân và vì nhiệm vụ đối với dân chúng, Quixote quyết định trở thành hiệp sĩ lang thang, chu du khắp bốn phương trời để cứu khốn phò nguy, diệt trừ yêu quái và những lũ khổng lồ hung bạo, thiết lập trật tự và công lý, thử thách mình bằng các hiểm nguy như trong các truyện kiếm hiệp.

Chàng Don Quixote xứ Mancha đã phải bán nhà và vay một số tiền khổng lồ từ một người bạn để đi “hành hiệp giang hồ”. Chàng đem bộ áo giáp của ông cha để lại đã bị han rỉ và thủng lỗ chỗ ra đánh bóng và đội vào, phong cho con ngựa gầy còm cao lênh khênh của mình cái tên rất kêu Rocinante. 

Đôn Kihôtê xứ Mantra và con ngựa Rocinante (tranh của Honoré Daumier)

Và để đúng mốt của một hiệp sĩ lang thang phải có một người tình xinh đẹp, chàng nghĩ đến một phụ nữ nông dân mà chàng thầm yêu từ hồi tuổi trẻ và đặt cho cô ta cái tên Công nương Dulcinea làng Toboso.

Trong chuyến hành hiệp lần thứ nhất, Don Quixote nói với những người lái buôn phải công nhận nàng Dulcinea là người đẹp nhất trần gian, những người này không tin vì họ chưa từng thấy nàng. Kết quả của cuộc tranh luận là chàng hiệp sĩ bị đánh bại xiểng liểng sau một cuộc giao đấu!

Hiệp sĩ cao kều Don Quixote cùng “người hầu” Sancho Panza lùn tịt cưỡi lừa lẽo đẽo theo sau. Tất cả cũng chỉ vì “ông thầy” hứa hẹn sẽ giao cho “đệ tử” cai trị vùng đất mà Quixote… sẽ chiếm được vào một ngày nào đó từ tay bọn “địa chủ” trong tương lai!

Trận đối đầu quan trọng nhất của hiệp sĩ là cuộc chiến với những cối xay gió nhưng trong mắt Don Quixote là bọn người khổng lồ hung ác! Chàng nói với những cối xay gió: "Dù cho bọn ngươi có vung nhiều cánh tay, các ngươi cũng sắp phải đền tội!".

Vừa dứt lời, hiệp sĩ lăm lăm ngọn giáo, thúc ngựa thẳng tiến tới tấn công cối xay gió. Ngọn giáo đâm vào cánh quạt của cối xay gió bị gãy tan tành còn người và ngựa của Don Quixote bị văng ra xa! 

Don Quixte đánh nhau với cối xay gió

 Gặp đám kỵ binh hộ tống một chiếc xe chở một phu nhân chàng nghĩ ngay đến chuyện một nàng công chúa bị bắt cóc đang cần giải cứu. Gặp một đàn cừu, chàng cho rằng đây là đoàn hùng binh của vị hoàng đế oai quyền nhất thiên hạ, lập tức chàng kêu Sancho Panza dừng lại để tiễn!

Chàng tiếp tục ra đi và chợt gặp một đám tang nhà quý tộc thuộc dòng họ Segovia. Nghĩ ngay tới việc một hiệp sĩ bị tử thương và chàng phải có bổn phận thay mặt đám hiệp sĩ trả thù cho bạn, chàng đi theo tiễn đám một đoạn mới đi tiếp.

Cuộc phiêu lưu tiếp tục với việc chàng đánh một anh thợ cạo đội chiếc chậu thau bằng đồng mà chàng tưởng là chiếc mũ bằng vàng. Sở dĩ tôi nhắc lại chuyện anh thợ cạo vì câu chuyện này có liên quan đến một đồng nghiệp và đồng ngũ là anh Tôn Thất Lan mà tôi đã nói đến trong những bài viết trước.

Anh Lan dạy tại Đaị học TP. HCM và có soạn một tuyển tập nhạc kịch mang tên “Man of la Mancha”, lời của các ca khúc được trích từ nguyên bản tiếng Anh của Dale Wasserman, anh chỉ phổ thành nhạc. 

Tập nhạc kịch “Man of la Mancha” do anh Tôn Thất Lan soạn

Nhân ngày Nhà Giáo 21/11/1987 tập nhạc kịch này được các giáo sư và sinh viên của trường trình diễn tại giảng đường. Trong vở kịch này, anh Lan chỉ đóng một vai khiêm tốn của anh “thợ cạo”! 

Nhạc sĩ Tôn Thất Lan trong vai Thợ Cạo

Câu chuyện về Don Quixote kết thúc khi một người hàng xóm của anh cải trang thành hiệp sĩ để thách đấu với chàng. Điều kiện đặt ra là: “Nếu ta đánh thua, ta sẽ không làm hiệp sĩ nữa và nếu nhà ngươi thua thì ngươi cũng phải giải nghệ!”.

Cuối cùng, Don Quixote thua nên chàng phải trở về nhà với giấc mơ làm hiệp sĩ vẫn còn giang dở. Đến khi gần chết, Don Quixote nhận thức được tai hại và sự nhảm nhí của những cuốn truyện hiệp sĩ mà mình từng đọc. Ông ta viết di chúc rồi qua đời! 

Đêm diễn “Man of la Mancha” tại HCMC University Auditorium

Thông điệp của nhà văn Cervantes là gì? Ông chế giễu những tàn dư của lý tưởng hiệp sĩ phiêu lưu thời phong kiến bằng một giọng văn trào phúng. Ông đả kích thị hiếu tầm thường đang phổ biến trong công chúng lúc nào cũng muốn làm người hùng. Ngoài ra, ông thể hiện khát khao hướng đến một xã hội hậu phong kiến công bằng và nhân đạo hơn.

Tác phẩm Don Quixote đã được dịch sang rật nhiều thứ tiếng, người ta còn nói số bản dịch này chỉ đứng sau bộ Kinh Thánh. Trong tiếng Anh, tĩnh từ "quixotic" ngày nay được hiều là "duy tâm và thiếu thực tế" hay "lãng mạn" lấy từ tên nhân vật Quixote.

Ngoài ra, còn có thành ngữ "fighting windmills" (đánh nhau với cối xay gió) cũng bắt nguồn từ một trong những câu chuyện trong tác phẩm nhằm chỉ những ảo tưởng của con người.

Ở Don Quixote người ta thấy rõ là “thực” và “ảo” là hai chuyện khác hẳn nhau. Cái “tinh thần Don Quixote”, cho đến nay, hình như vẫn còn hiện diện trong một số người không phân biệt được đâu là sự thật và đâu là ảo vọng!


Nhạc kịch “Man of la Mancha” của Tôn Thất Lan với thủ bút của tác giả

***

--> Read more..

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2020

Chuyện bây giờ mới kể

Cuộc tấn công khủng bố, ngày 11 tháng 9 năm 2001, vào Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York là một vết thương không thể nào quên đối với người dân Mỹ và toàn thế giới.

Hồi 8 giờ 46 phút, chiếc máy bay dân sự đã đâm vào Tòa tháp phía Bắc. Hai nươi phút sau, một chiếc phản lực dân dụng tấn công Tòa tháp phía Nam. Vào lúc 9 giờ 37 phút, chiếc phi cơ thứ ba tấn công Ngũ Giác Đài, Tổng hành dinh của quân đội Hoa Kỳ.

Ngoài 3 phi cơ nói trên còn có một chiếc thứ 4 của hãng United Airlines, mang số hiệu Flight 93, đã bị rơi trong khi tiến tới mục tiêu là trung tâm quyền lực của chính phủ Hoa Kỳ, bao gồm Tòa Bạch Ốc hoặc có thể là Điện Capitol tại Washington D.C.

May mắn là chuyến bay 93 đã bị rơi tại một cánh đồng thuộc vùng quê Pennsylvania với số hành khách và phi hành đoàn là 44 người đều tử nạn. Kết quả sau khi điều tra “Chiếc hộp đen” trên phi cơ, các chuyên gia kết luận đó là “một cuộc chiến đấu anh hùng của hành khách và phi hành đoàn trên tay hoàn toàn không có vũ khí”!

Họ đã tay không chống lại những tên khủng bố Al-Qaeda và câu chuyện đã được dựng lại với các chi tiết dưới đây:      

7:39-7:48, sáng ngày 11/9/2001- Những tên khủng bố lên máy bay tại Phi trường Quốc tế Newark. Chúng gồm 4 tên: Ahmed Alnami; Ahmed Ibrahim A. al-Haznawi; Ziad Samir al-Jarrah; và Saeed Alghamdi.

8:42 - Chuyến bay 93 cất cánh muộn 42 phút do phi trường lúc đó có quá nhiều phi cơ đang chờ cất cánh.

9:24 - Phi hành đoàn báo cáo phòng lái đã bị không tặc thâm nhập.

9:30 - Không tặc bắn chết một hành khách ngồi ở hạng thương gia khi ông này nói với vợ là phi cơ đã bị không tặc.

9:32 - Ziad Jarrah, tên không tặc đã qua một lớp huấn luyện phi công, đe dọa hành khách “Thưa quý vị, đây là phi công trưởng. Xin hãy ngồi yên. Chúng tôi có một quả bom trên máy bay. Hãy ngồi yên!”

9:35 - Jarrah chuyển sang chế độ lái tự động nhắm về hướng Washington, D.C.  

9:35–9:55 - Hành khách và phi hành đoàn gọi điện thoại cho thân nhân.

9:57 - Cuộc nổi loạn của hành khách bắt đầu. Băng ghi âm tại phòng lái ghi có tiếng la hét, đập cửa… Nữ tiếp viên chuẩn bị nước nước sôi để tấn công không tặc, có hành khách lại thủ một con dao làm vũ khí…

9:58 - Jarrah ra lệnh cho một không tặc chặn cửa vào phòng lái.

10:00 - Còn 20 phút cách mục tiêu nhưng những tên không tặc thấy là chúng không thể kiểm soát được tình hình trên máy bay. Jarrah hỏi một đồng đảng “Liệu chúng ta có nên đâm xuống đất không?”. Câu trả lời, “Chưa… Đợi khi nào chúng vào phòng lái ta sẽ kết thúc”.

10:01 - Những tên không tặc quyết định sẽ đâm xuống đất. Jarrah điều khiển phi cơ bay… chổng ngược và đâm đầu xuống một cánh đồng ở Pennsylvania với tốc độ 580 dặm một giờ! Lúc đó là 10 giờ 03 phút.

Hai mươi phút sau, tòa tháp thứ hai của Tòa Tháp Đôi tại New York sụp đổ. 

***

Bốn tên không tặc

Jason Dah, phi công trưởng chuyến bay 93



Cánh đồng nơi chuyến bay 93 rớt


Tưởng nhớ chuyến bay 93

Không ảnh khu Manhattan, chụp ngày 15.9.2001

Chùm ảnh cuộc tấn công Tòa Tháp Đôi

Tòa tháp Phía Nam của Tr.ung tâm Thương mại Thế giới khi bị sụp đổ

Cảnh sát và lính cứu hỏa thoát hiểm từ tòa nhà Phía Bắc

Marcy Border, một nạn nhân sống sót sau khi trú ẩn trong một văn phòng. Tháng 8 năm 2014 cô vị ung thư bao tử vì khói độc và ngày 24.8.2015 cô đã từ trần

Nhân viên cứu hộ di tản nạn nhân khỏi Tòa nhà Thưng mại Thế giới

Một chiếc xe của Cảnh sát New York nằm giữa đống đổ nát

Một phần của tòa nhà còn sót lại  sau khi bị đổ sập

Lính cứu hỏa sử dụng máy tầm nhiệt để hy vọng tìm thấy nạn nhân còn sống sót một ngày sau cuộc tấn công khủng bố

Không ảnh chụp sau khi Tòa Tháp Đôi sụp đổ. Địa điểm này được gọi là 'Ground Zero'

Lực lượng cứu nan gồm đủ các thành phần tại hiện trường

Chó của lực lượng cứu nạn cũng tham gia công việc tìm kiếm nạn nhân

Những người lính cứu hộ làm việc cùng chó nghiếp vụ tại hiện trường

Cảnh đổ nát của một văn phòng trong khu vực Tháp Đôi

Sau vu khủng bố, có đến hàng ngàn mẩu tin tìm người bị mất tích

Tờ rơi tìm thân nhân của vụ khủng bố

Thị trưởng New York, Rudolph Guiliani, trong buổi lễ tang cựu chỉ huy trưởng lực lượng cứu hỏa đã bỏ mình vì nhiệm vụ

Thân nhân của một lính cứu hỏa đã hy sinh tại Tòa Tháp Đôi

Một bức tượng đã được dụng lên để kỷ niệm những người đã hy sinh trong công tác cứu hộ

Một bức tượng bằng ánh sáng tại Ground Zero để tưởng niệm những nạn nhân của cuộc khủng bố

Hình tòa Tháp Đôi (chụp năm 1993)

***

--> Read more..

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2020

Viết tiếp chuyện… “vẫn chưa già”

Thật bất ngờ, bài viết “… vẫn chưa gìà… “ (https://chinhhoiuc.blogspot.com/2020/08/van-chua-gia.html) về đồng ngũ và đồng nghiệp Tôn Thất Lan được nhiều yêu thích đến như vậy.

Khi viết, tôi chỉ đơn giản nghĩ đến một câu chuyện kể về người bạn xa xưa nhưng thực tế cho thấy anh bạn của tôi có rất nhiều học trò rải rác từ miền Trung vào đến Sài Gòn. Có rất nhiều lời bình luận về anh, nhắc đến anh như một người thầy cũ.

Vì anh Lan không có account trên Fb nên tôi chỉ đưa anh xem bài viết trên smartphone. Anh tỏ ra rất cảm động khi đọc bài viết và những lời bình luận của người đọc. Có lẽ cũng vì thế hôm nay gặp lại, anh gom một số “gia tài văn nghệ” mà anh đã tạo dựng từ thời còn trẻ. Anh nói đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu tặng tôi để làm tư liệu.

Trước hết là một tuyển tập những ca khúc anh phổ từ những bài thơ từ thời tiền chiến. Cứ mỗi bài hát lại có chân dung của tác giả do chính anh tự vẽ. Trong số đó có chân dung Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Bích Khê, Vũ Đình Liên, Chế Lan Viên, Quang Dũng, Huy Cận, Phùng Quán, Thâm Tâm… 

Một tập nhạc có tên “Tếu K” (những bài ca vui). Nổi bật có bài “Du Cơ” (du ca) với những câu rất tếu như “… Này bé sao không mặc quần, để gió đong đưa củ tiều. Làn gió mơn man da thịt làm xốn xang cả người bình tâm…”. Hay nhạc chế từ bài hát “60 năm cuộc đời” của Y Vân: “Em ơi biết cho anh, sáu mươi năm để dành, khi yêu em rồi, anh rút hết ra thôi…”.

Lại có một tập phổ nhạc với tựa đề tiếng Anh “Life must go on” với những câu thơ do anh sáng tác:

“No origin are we to know

But step by step permeated with deep grief

And then tomorrow where to go

Just only feel the lodge unevenly brief”.

Và tác giả tự dịch sang tiếng Việt:

“Xưa ta đâu biết ngọn nguồn

Giờ thì lại thấm giọt buồn tình sâu

Mai rồi chẳng biết về đâu

Chỉ nghe chấp chới mái lầu chênh vênh”

Chưa hết, anh còn tặng tôi cuốn sách “Những tâm hồn lạc” (The lost souls) thuộc loại “Hạt giống tâm hồn”. Đây là một tuyển tập 16 truyện ngắn của các tác giả người Việt được dịch sang tiếng Anh với lối chuyển ngữ gần gũi với người đọc nước ngoài khiến ta có cảm giác không còn là chuyện dịch!

Chẳng hạn như truyện ngắn “Tàu đi Hòn Gai” của Ngô Thị Kim Cúc, được dịch thành “On a ship tp Hòn Gai”. Nguyên tác có đoạn “… Giờ đây, khi đã bị mù, tôi mới biết là mình đã nhầm. Người mù nhìn thấy mọi thứ trong bóng đêm!”… (Now, I am blind and I understand that I was wrong; though they are engulfed in darkness, the blind see everything!).

Cuối cùng, nhưng cũng không kém phần quan trọng, là một tuyển tập gồm 12 truyện ngắn của Tôn Thất Lan. Truyện ngắn “Người, Xa lạ” là một kịch bản 2 màn, nhân vật gồm Người kể chuyện, Người chồng, Người vợ và Hắn (người máy giúp việc trong gia đình).

Thời gian của vở kịch là năm 2085, tức là một năm nào đó trong tương lai giả tưởng. Luận đề của kịch là Con người và Máy móc. Theo lời Người kể chuyện thì:

“Con người say sưa sung sướng tận hưởng những tiện nghi từ máy móc mà họ sử dụng, sai khiến những đầy tớ rất đỗi trung thành mà không hề ý thức rằng (có lẽ vì họ đã mất dần ý thức và suy tư) chính họ - Con người - lại dần dần biến thành nô lệ của những máy móc, tiện nghi mà họ sử dụng, sai khiến: Chính họ đã bị máy móc hóa, mất dần nhân tính và có thể tự thấy xa lạ với chính mình”.

Kịch có nét bàng bạc khiến ta liên tưởng đến “1984” mà George Orwell viết từ năm 1948 để vẽ ra một thế giới chính trị vào năm 1984. Kịch của Tôn Thất Lan viết năm 2008 nhưng lại đề cập đến một xã hội của năm 2085. Hai tác phẩm nói chung đều thuộc loại giả tưởng khiến người đọc không thể nào không khỏi suy nghĩ! 

***

Tôi sung sướng vì những món quà mà anh Tôn Thất Lan “gửi gấm” cho mình. Thật không ngờ, một người bạn ngày nào đã có những tác phẩm văn-thơ-nhạc-kịch “để đời” cho hậu thế. Và tôi cũng muốn nhắc lại câu nói của anh:

“Tuy mình già rồi nhưng vẫn còn cảm thấy... trẻ trung trong tâm hồn!”

Cuộc đời của chúng ta luôn thăng trầm, buồn vui lẫn lộn, họa phúc đan xen như chuyện “Tái ông thất mã”. Điều khó nhất là làm sao giữ được trạng thái “ung dung, tự tại” để chứng kiến cái mà người Phương Tây thường nói “What goes up must come down”!

***

Bên những tác phẩm

Trầm tư

Tập ca khúc phổ từ thơ tiền chiến

Giới thiệu tác phẩm

"Trắng nợ trần gian" với chân dung nhà thơ Phùng Quán và chữ ký

:Bài ca hoa lan" và chân dung Chế Lan Viên

Nhấm nháp ly cà phê sáng

***

--> Read more..

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2020

Chân dung văn nghệ sĩ Việt

Là một họa sĩ hãy còn trẻ tuổi đời nhưng rất vững tay cầm cọ, Trần Thế Vĩnh đang chuẩn bị ra mắt những người yêu nghệ thuật một tuyển tập gồm 51 chân dung văn nghệ sĩ Việt Nam thành danh từ trước năm 1975.

Chân dung gồm những người đã mất nhưng cũng có những người vẫn còn tiếp tục sự nghiệp văn chương – văn nghệ cho đến ngày hôm nay. Họ đến từ khắp các miền đất nước, lại còn có những người đang sinh sống tại hải ngoại.

Tất cả sẽ góp mặt trong bộ chân dung được phác họa bởi một họa sĩ “tuổi trẻ - tài cao”, tràn đầy nhựa sống. Họa sĩ sáng tác 51 chân dung trong 2 năm 2018-2019 và đến năm nay đã có giấy phép xuất bản. Hy vọng một ngày rất gần chúng ta sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những khuôn mặt văn nghệ sĩ quen thuộc.

Họa sĩ Trần Thế Vĩnh sinh ra tại Quảng Trị, học vẽ tại Huế và hiện ở Sài Gòn. Ngoài tài vẽ chân dung, anh còn có những tác phẩm về phong cảnh, tĩnh vật và một chút hội họa trừu tượng.

Bộ sưu tập 51 chân dung văn nghệ sĩ là một con số không nhiều nhưng cũng không ít. Phải nói đây là bộ sưu tập vừa phong phú lại vừa quý hiếm đối với những người quan tâm đến nghệ thuật và cả những người làm nghệ thuật.

Người xem tranh có thể cảm nhận cái thần thái “nửa điên nửa tỉnh” của Bùi Giáng; vẻ “tiên phong đạo cốt” của Văn Cao, Hữu Loan, Phùng Quán, Trần Dần; nét đạo mạo của Phạm Công Thiện, Nguyễn Hiến Lê, Cung Trầm Tưởng; vẻ khắc khổ của Phan Khôi, Phạm Đình Chương, Nguyễn Bắc Sơn hay chân quê của Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử...

Chúng tôi xếp 51 chân dung văn nghệ sĩ theo danh sách từng nhóm theo mẫu tự để các bạn tiện theo dõi.



***


Hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí (1908-1993), cùng với Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn tạo thành "bộ tứ họa sĩ nổi tiếng thời kỳ đầu của nền mỹ thuật Việt Nam".


Học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984), ông còn là một dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập, với 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế...


Nhà phê bình văn học Đỗ Long Vân (1934‒1997), có lẽ là tác giả tài năng nhưng lặng lẽ bậc nhất của Sài Gòn, và cả Việt Nam trong thế kỷ 20. Ngoài gia đình, ông còn vài ba người bạn khác là Nguyên Sa, Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Hoàng Anh Tuấn, Khánh Ly…


Nhà thơ, nhà báo Phan Khôi (1887-1959), thành viên nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm, cháu ngoại của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu, đỗ Tú tài chữ Hán năm 19 tuổi nhưng lại mở đầu và cổ vũ cho phong trào Thơ mới.


Nhà thơ Bùi Giáng (1926-1998), ông còn là dịch giả và là nhà nghiên cứu văn học của Việt Nam. Các bút danh khác của ông: Trung niên thi sĩ, Thi sĩ, Bùi Bàn Dúi, Bùi Văn Bốn, Vân Mồng... Ông nổi tiếng từ năm 1962 với tập thơ “Mưa nguồn”.



Nhà thơ Cung Trầm Tưởng (1932) , năm 15 tuổi (1947), ông bắt đầu làm thơ, và có tập thơ đầu tay tên là “Sóng đầu dòng”. Năm 1952, sau một năm học đại học, ông sang Pháp du học tại Trường Kỹ sư không quân ở Salon-de-Provence. Năm 1957, ông tốt nghiệp trở về nước làm trong ngành không quân của Việt Nam Cộng hòa. Trong năm này, hai bài thơ của ông là “Mùa thu Paris” và “Vô đề” (thơ trường thiên) xuất hiện trong tuyển tập “Đất đứng” của nhóm Quan Điểm (gồm Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng), và đã làm người đọc chú ý.



Nhà thơ Đinh Hùng (1920-1967) ông còn dùng bút hiệu Thần Đăng khi làm thơ châm biếm và Hoài Điệp Thứ Lang khi viết tiểu thuyết.


Nhà thơ Du Tử Lê (1942-2019) làm thơ từ rất sớm, khi đang còn học tại trường tiểu học Hàng Vôi tại Hà Nội. Sau khi di cư vào Sài Gòn, Du Tử Lê bắt đầu sáng tác nhiều tác phẩm dưới nhiều bút hiệu khác nhau. Bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức lần đầu tiên vào năm 1958 cho bài “Bến tâm hồn”, đăng trên tạp chí Mai.


Nhà thơ Hàn Mặc Tử (1912-1940), ông khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam, là người khởi xướng ra Trường thơ Loạn. Hàn Mặc Tử cùng với Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên được người đương thời ở Bình Định gọi là "Bàn thành tứ hữu", nghĩa là bốn người bạn ở thành Đồ Bàn.


Nhà thơ Hoàng Cầm (1922-2010) nổi tiếng với vở kịch thơ “Hận Nam Quan”, “Kiều Loan” và các bài thơ “Lá diêu bông”, “Bên kia sông Đuống”. Bài thơ “Bên kia sông Đuống” được chọn vào giảng dạy trong giáo trình trung học phổ thông. Ngoài bút danh Hoàng Cầm, ông còn có các bút danh: Bằng Việt, Lê Thái, Lê Kỳ Anh, Bằng Phi. 


Nhà thơ Hữu Loan (1916-2010) sau khi phong trào Nhân văn - Giai phẩm bị dập tắt vào năm 1958, nhà thơ Hữu Loan phải đi học tập chính trị, tiếp đó bị quản thúc tại địa phương. Cuối đời ông về sống tại quê nhà ở tỉnh Thanh Hóa. Ông nổi tiếng với bài thơ “Màu tím hoa sim” do ông sáng tác trong thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp và được lưu hành rộng rãi trong vùng kháng chiến. 


Nhà thơ Lưu Quang Vũ (1948-1988) - Các tác phẩm của ông đã để lại một dấu ấn đáng kể trong lòng công chúng Việt Nam. Tác phẩm ông nổi bật lên từ những năm sau chiến tranh, đặc biệt là những năm 80. Ông đã từng sống những năm tháng tuổi trẻ trong chiến tranh, vào bộ đội chiến đấu và trở về sống trong một thời kỳ khó khăn của nước nhà: thời hậu chiến, kinh tế bao cấp với chồng chất khó khăn, cơ cực. Các vở kịch, truyện ngắn, thơ của Lưu Quang Vũ giàu tính hiện thực và nhân văn cũng như in đậm dấu ấn của từng giai đoạn trong cuộc sống của ông. Với tuổi đời còn khá trẻ, 40 tuổi ông đã là tác giả của gần 50 vở kịch và hầu hết các vở kịch của ông đều được các đoàn kịch, chèo gây dựng thành công dưới sự chỉ đạo của nhiều đạo diễn nổi tiếng. Rất nhiều các tác phẩm của ông đã làm sôi động sân khấu Việt nam thời kỳ đó như: “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Lời thề thứ 9”, “Bệnh sĩ”, “Khoảnh khắc và vô tận”, “Ông không phải bố tôi”, “Tôi và chúng ta”, “Tin ở hoa hồng”, “Nàng Sita”. Giữa lúc tài năng đang vào độ chín, Lưu Quang Vũ qua đời trong một tai nạn ô tô trên quốc lộ số 5 tại Hải Dương, cùng với người bạn đời là nhà thơ Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ. 



Nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh (1930-2017), trước tác của bà thuộc nhiều thể loại như thơ, truyện ngắn, truyện dài. Có lẽ trong các tác phẩm của bà, được biết đến nhiều nhất là một số bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc trong đó có Phạm Duy: "Đừng bỏ em một mình" và "Kiếp nào có yêu nhau" và Phan Văn Hưng: "Ai trở về xứ Việt". Sau năm 1975 khi lưu vong sang Pháp bà sáng lập Hội Văn Bút Việt Nam Hải ngoại. Năm 1982 bà sang Mỹ định cư và mất tại Quận Cam. 



Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn (1944-2015), trước năm 1975 Nguyễn Bắc Sơn là binh nhì, lính địa phương quân ở Sài Gòn, thời gian này ông có tập thơ phản chiến in năm 1972 “Chiến tranh Việt Nam và tôi”, gây được tiếng vang trong giới văn nghệ miền Nam. Thơ Nguyễn Bắc Sơn từng được nhiều bạn đọc ưa thích, ngâm nga trong các quán văn nghệ ở Đà Lạt, Vũng Tàu, Sài Gòn, Cần Thơ... 



Nhà thơ Nguyễn Bính (1918-1966) được coi như là nhà thơ của làng quê Việt Nam với những bài thơ mang sắc thái dân dã, mộc mạc. Bài thơ của ông được đăng báo đầu tiên là bài “Cô hái mơ”. Năm 1937 Nguyễn Bính gửi tập thơ “Tâm hồn tôi” tới dự thi và đã được giải khuyến khích của nhóm Tự lực văn đoàn.


Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn (1937) được giới văn nghệ miền Nam trước năm 1975 gọi là một trong ba kỳ nhân của thời đó (hai người còn lại là Bùi Giáng và Phạm Công Thiện). Nguyễn Ðức Sơn bắt đầu công việc viết của mình với bút hiệu Sao Trên Rừng. Ông được coi là một người có cá tính đặc biệt. Trả lời trong bài phỏng vấn của tạp chí Bách Khoa, ông nói: "Tôi viết vì bị thúc đẩy bởi một lực ở đằng sau và được thu hút bởi một lực ở phía trước. Ðó là những ma lực làm tôi cảm khoái huyền diệu xa xăm. Thứ cảm khoái này kéo dài được chứ không ngắn như nhục cảm. Viết được một đoạn hay tôi đi lên đi xuống thưởng thức và khoái chí. Nên tôi nghĩ rằng sáng tác cho mình trước hết."


Nhà thơ Nguyên Sa (1932-1998) là một nhà thơ lãng mạn nổi tiếng từ thập niên 1950, với những tác phẩm như "Áo lụa Hà Đông", "Paris có gì lạ không em", "Tuổi mười ba", "Tháng sáu trời mưa", "Hư ảo trăng"... Thơ Nguyên Sa có một số bài được biết đến nhiều hơn qua những bài hát do nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc (Áo lụa Hà Đông, Tuổi mười ba, Paris có gì lạ không em...). Những nhạc sĩ khác có phổ nhạc vào thơ Nguyên Sa là Phạm Duy (Vết sâu), Phạm Đình Chương (Màu Kỷ Niệm), Anh Bằng (Mai Tôi Đi), Song Ngọc (Tiễn đưa) Hoàng Thanh Tâm (Tháng sáu trời mưa), Phạm Anh Dũng (Hư Ảo Trăng)... 


Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên (1952-1992), thi sĩ đã gặp một cô gái người miền Bắc tên là Duyên và có với cô này một tình cảm nhẹ nhàng nhưng không thành công vì hoàn cảnh gia đình và cả tính nghệ sĩ của Tất Nhiên. Dù vậy, cô gái tên Duyên này cũng đã là cảm hứng cho Tất Nhiên sáng tác khá nhiều bài thơ "Khúc tình buồn", hay các bài "Cô Bắc Kỳ nho nhỏ", "Linh mục", "Em hiền như ma sơ". 


Nhà thơ Phạm Công Thiện (1941-2011), ông còn là nhà văn, triết gia, học giả và cư sĩ Phật giáo với pháp danh Nguyên Tánh. Tuy nhận mình là nhà thơ và phủ nhận vai trò triết gia, ông vẫn được coi là một triết gia “thần đồng”, một hiện tượng dị thường của Sài Gòn thập niên 1960 với những tư tưởng ít người hiểu và được bộc phát từ hồi còn rất trẻ. 


Nhà thơ Phùng Cung (1928-1997), tham gia phong trào Nhân văn - Giai phẩm tại miền Bắc vào những năm 1955 - 1957. Sau đó ông bị kết án lợi dụng các bài viết của mình để kích động bạo loạn, và bị bắt giam 12 năm trong nhà tù Hỏa Lò. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông là “Con ngựa già của Chúa Trịnh” và “Dạ Ký”, có ngụ ý đả kích những văn nghệ sĩ bẻ cong ngòi bút, bị lưu đày trong cõi tung hô. 


Nhà thơ Quang Dũng (1921-1988) là tác giả một số bài thơ nổi tiếng như “Tây Tiến”, “Đôi mắt người Sơn Tây”, “Đôi bờ”... Ngoài ra Quang Dũng còn là một họa sĩ, nhạc sĩ. Ông thuộc thế hệ các nhà thơ miền Bắc trưởng thành và nổi danh sau Cách mạng tháng Tám. 


Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền (1936-2006) được biết đến với những cách tân thơ ca táo bạo. Năm 1956, lúc tròn 20 tuổi, ông đã nổi tiếng với tập thơ “Tôi không còn cô độc”, và năm 1957, lúc 21 tuổi, với tiểu thuyết “Bếp lửa” (viết năm 1954) mô tả khung cảnh Hà Nội trước 1954, với những người ra đi cũng như những người ở lại, cả hai đều bị giằng co bởi những chọn lựa miễn cưỡng, sự chia ly hay cái chết. Thanh Tâm Tuyền có ảnh hưởng lớn trên văn học Việt Nam giai đoạn 1956-1975 và cả những năm về sau này. 


Nhà thơ Tô Thuỳ Yên (1938-2019) là tác giả bài thơ "Chiều trên phá Tam Giang" mà một phần của đã được Trần Thiện Thanh phổ nhạc. Ông cũng là tác giả bài "Trường Sa hành" sáng tác vào Tháng Ba, 1974, không lâu sau khi Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa để vinh danh những chiến sĩ bảo vệ đất nước ngoài biển khơi. 


Nhà thơ Trần Dần (1926-1997) - Năm 1955, Trần Dần viết đơn đề nghị được giải ngũ, ra khỏi Đảng và kết hôn với bà Bùi Thị Ngọc Khuê (gia đình bà Khuê có người di cư vào Nam, nên chi bộ Đảng không cho phép kết hôn). Theo báo Nhân dân, việc Trần Dần đòi ra khỏi Đảng đã làm cho một số người đi theo. Tham gia Phong trào Nhân văn-Giai phẩm, Trần Dần lên tiếng đòi thay đổi quan điểm lãnh đạo văn nghệ trong quân đội, đòi xuất bản các tác phẩm mang tính cách tân của mình. Chỉ huy đơn vị nhiều lần cảnh cáo nhưng ông vẫn giữ quan điểm, ông liên tiếp cho ra đời các tác phẩm phê phán như "Lão rồng" và chuyện "Anh Cò Lấm" phê phán cải cách ruộng đất. Sau đó ông bị đơn vị giam 3 tháng do không tuân lệnh chỉ huy, cũng theo báo Nhân dân, trong tù ông kéo da cổ, lấy một lưỡi dao cạo râu cứa ngoài da rồi dọa tự tử. Sau đó ông viết thư cho tướng Nguyễn Chí Thanh, và vị tướng này ra lệnh thả ông. 


Nhà thơ Trần Vàng Sao (1942-2018) hầu như không cho xuất bản thơ nhưng vẫn nổi tiếng với "Bài thơ của một người yêu nước mình" ký bút danh Trần Vàng Sao, sáng tác tháng 12 năm 1967 và được chọn trong 100 bài thơ xuất sắc nhất Việt Nam thế kỷ 20. Năm 2008, Nhà xuất bản Giấy Vụn đã cho in tập thơ này. 


Nhà thơ Vũ Hoàng Chương (1916-1976) - Văn phong của ông được cho là sang trọng, có dư vị hoài cổ, giàu chất nhạc, với nhiều sắc thái Đông phương. Ngày 13/4/1976, ông bị Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam bắt giam tại khám Chí Hòa. Bệnh nặng đưa về nhà được 5 ngày thì ông mất tại Sài Gòn. Hoài Thanh - Hoài Chân trong "Thi nhân Việt Nam" đã nhận xét: "... Ý giả Vũ Hoàng Chương định nối cái nghiệp những thi hào-xưa của Đông Á: cái nghiệp say. Người say đủ thứ: say rượu, say đàn, say ca, say tình đong đưa. Người lại còn "hơn" cổ nhân những thứ say mới nhập-cảng: say thuốc phiện, say nhảy đầm. Bấy nhiêu say sưa đều nuôi bằng một say sưa to hơn mọi say sưa khác: say thơ.... cái say sưa của Vũ Hoàng Chương là một thứ say sưa có chừng mực, say sưa mà không hẳn là trụy lạc, mặc dầu từ say sưa đến trụy lạc đường chẳng dài chi. Nhưng trụy lạc hay say sưa đều mang theo một niềm ngao ngán. Niềm ngao ngán ấy ta vốn đã gặp trong thơ xưa". 


Nhà thơ Xuân Quỳnh (1942-1988) nổi tiếng với nhiều bài thơ được nhiều người biết đến như “Thuyền và biển”, “Sóng”, “Thơ tình cuối mùa thu”, “Tiếng gà trưa”... Xuân Quỳnh mất năm 1988 trong một vụ tai nạn giao thông tại đầu cầu Phú Lương, thị xã Hải Dương, tỉnh Hải Dương, cùng với chồng Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Quỳnh Thơ mới 13 tuổi. 


Nhà văn hoá Nguyễn Hữu Đang (1913-2007) là người chỉ huy dựng Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, nơi Hồ Chí Minh và Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt quốc dân. Ông đã bị kết án 15 năm tù vì tội kích động bạo loạn trong vụ án Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm. 


Nhà văn Phùng Quán (1932-1995), tác phẩm đầu tay “Vượt Côn Đảo” của ông được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1955. Trong di cảo hồi ký "Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào" do Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2007, ông kể nhiều chi tiết rất thú vị về sự ngẫu nhiên và tình cờ đưa ông từ một người lính trở thành một nhà văn và những biến cố phải gánh chịu nhưng với giọng kể rất hóm hỉnh, không một chút trách móc hay thù hận. Không lâu sau đó, Phùng Quán tham gia phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm bằng hai bài thơ "Lời mẹ dặn" và "Chống tham ô lãng phí" (1957). Khi phong trào này chấm dứt, Phùng Quán bị kỷ luật, ra khỏi quân đội, sau đó mất đi tư cách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và phải đi lao động thực tế ở nhiều nơi. 


Nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1939) đã để lại một kho tác phẩm đáng kinh ngạc: hơn 30 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch, cùng một bản dịch vở kịch từ tiếng Pháp, một số bài viết phê bình, tranh luận văn học và hàng trăm bài báo viết về các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa. Một số trích đoạn tác phẩm của ông trong các tác phẩm “Số đỏ” và “Giông tố” đã được đưa vào sách giáo khoa môn Ngữ văn. Tuy nhiên, cũng vì phong cách "tả chân" và yếu tố tình dục trong tác phẩm mà khi sinh thời ông đã bị chính quyền bảo hộ Pháp tại Hà Nội gọi ra tòa vì "tội làm tổn thương phong hóa". Về sau này, tác phẩm của ông lại bị cấm xuất bản, cấm đọc vì là "tác phẩm suy đồi" tại miền Bắc Việt Nam từ năm 1954 và cả nước từ ngày 30/4/1975 cho đến tận cuối những năm 1980 mới được chính quyền cho lưu hành. 


Nhạc sĩ Cung Tiến (1938) được xem như nhạc sĩ trẻ nhất có sáng tác được phổ biến rộng với bài "Hoài cảm" năm 14 tuổi. Mặc dù Cung Tiến chỉ xem âm nhạc như một thú tiêu khiển nhưng ông đã để lại những nhạc phẩm rất giá trị. Ra hải ngoại, Cung Tiến viết nhạc tấu khúc Chinh phụ ngâm năm 1987, soạn cho 21 nhạc khí, được trình diễn lần đầu vào ngày 27/3/1988 tại San Jose, California với dàn nhạc thính phòng San Jose, và đã được giải thưởng Văn Học Nghệ thuật năm 1988. 


Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (1924-2001) là một nghệ sĩ biểu diễn guitar Hawaii, song được biết đến nhiều hơn cả như một nhạc sĩ Việt Nam với số lượng sáng tác ít ỏi nhưng đều trở thành những giai điệu thuộc nằm lòng của nhiều thế hệ. Tất cả ca khúc của ông đều được ghi tên tác giả là "Đoàn Chuẩn-Từ Linh". Thực ra Từ Linh không trực tiếp tham gia sáng tác, nhưng Đoàn Chuẩn ghi tên chung hai người để tôn vinh người bạn tri âm của mình, tôn vinh tình bạn đã góp phần tạo cảm hứng nghệ thuật. Hiện đã xác định được tổng cộng là hai mươi mốt ca khúc của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, trong đó các sáng tác của ông thường đề cập nhiều đến mùa thu. Những nhạc phẩm nổi tiếng: Tình nghệ sĩ (1947), Gửi gió cho mây ngàn bay (1952), Lá đổ muôn chiều (1954), Tà áo xanh (1955)... 


Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ (1929-2001) có nhiều sáng tác ca ngợi quê hương, đất nước, con người Việt từ trước 1975. Hoàng Thi Thơ sáng tác trên 500 ca khúc từ tình ca đến nhạc quê hương, dân ca đến nhạc thời trang, đoản khúc đến trường ca, nhạc cảnh đến nhạc kịch. Ngoài ra, tại Sài Gòn, ông có thực hiện ba băng nhạc mang tên ông với những giọng ca thượng thặng thời đó: Hoàng Thi Thơ 1: Rước tình về với quê hương, Hoàng Thi Thơ 2: Việt Nam như đóa hoa xinh, Hoàng Thi Thơ 3: Đưa em qua cánh đồng vàng. 


Nhạc sĩ Lam Phương (1937) là một nhạc sĩ tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam với gần 170 tác phẩm phổ biến từ giữa thập niên 1950 đến nay. Nhạc sĩ Lam Phương trong một lần lên Đà Lạt biểu diễn văn nghệ, ngồi trên khu nội trú nhìn xuống thung lũng ông viết bài “Thành phố buồn” và bán với giá 12 triệu đồng, tiền hồi đó. Ngoài ra còn rất nhiều bản khác như “Tình bơ vơ”, “Duyên kiếp”... khiến ông có một tài sản lớn. Ông nói rằng người ta đi tị nạn chính trị còn tôi tị nạn ái tình. Ở Pái ông đã gặp được một người phụ nữ tên Hường và viết hàng loạt ca khúc vô cùng tươi vui như “Bé yêu”, “Bài tango cho em”. Điển hình là bài “Mùa thu yêu đương” với câu hát "Đường vào Paris có lắm nụ hồng". Tuy nhiên cuộc tình này không đi đến đâu, nên sau cùng ông viết “Tình vẫn chưa yên”. 


Nhạc sĩ Lê Uyên Phương (1941-1999) - Lê Uyên Phương là nghệ danh chung của vợ chồng nhạc sĩ Lê Minh Lập và ca sĩ Lê Uyên Lâm Phúc Anh. Lê Uyên Phương nổi tiếng bởi việc sáng tác và trình diễn những tình khúc ca ngợi tình yêu nồng nàn, lãng mạn tại Sài Gòn trước năm 1975. Những nhạc phẩm nổi tiếng: Tình khúc cho em, Uống nước bên bờ suối, Vũng lầy của chúng ta, Yêu nhau trong phận người... 


Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên (1948), một số ca khúc đáng chú ý như: "Giáng ngọc", "Mùa thu này cho em" (sau đổi là "Mùa thu cho em"), "Gọi nắng" (sau đổi là "Giọt nắng hồng"), "Dấu vết tình yêu" (sau đổi là "Dấu tình sầu"), "Cho những mùa thu" (sau đổi là "Thu trong mắt em"), "Tình khúc tháng 6", "Mùa thu về trong mắt em" (sau đổi là "Mắt thu") và "Ngày mai em đi"... Tiếp theo, Ngô Thụy Miên có những nhạc phẩm phổ từ thơ của nhà thơ Nguyên Sa như: "Áo lụa Hà Đông", "Paris có gì lạ không em", "Tuổi 13"... 


Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 (1940-2016) là nhạc sĩ kiêm nhạc công chơi dương cầm. Nguyễn Ánh 9 bắt đầu sự nghiệp viết nhạc một cách rất tình cờ trong một chuyến đi Nhật biểu diễn cùng ca sĩ Khánh Ly. Sau buổi diễn tại hội chợ Osaka, khi cùng với Khánh Ly đứng chờ thang máy lên phòng khách sạn, thấy người bạn mình mang vẻ mặt buồn buồn, Khánh Ly lên tiếng hỏi: "Còn thương nó không bạn?", ý muốn hỏi về một người bạn gái quen biết Nguyễn Ánh 9 vào thời đó. Sẵn cây đàn ghi-ta trên tay, Nguyễn Ánh 9 gảy ngay rồi cất tiếng hát: "Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa...". Đến khi trở về Việt Nam, Khánh Ly đề nghị ông soạn nhạc phẩm này. 


Nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929-1991), ông còn là một ca sĩ với nghệ danh Hoài Bắc trong ban hợp ca Thăng Long. Phần nhiều những tác phẩm của Phạm Đình Chương thường được xếp vào dòng tiền chiến bởi mang phong cách trữ tình lãng mạn. Hai sáng tác đầu tiên “Ra đi khi trời vừa sáng” và “Hò leo núi” đều có không khí hào hùng, tươi trẻ. Phạm Đình Chương cũng phổ nhạc từ thơ. Nhiều bản nhạc phổ thơ của ông đã trở thành những bài bất hủ, có một sức sống riêng như: “Đôi mắt người Sơn Tây” (thơ Quang Dũng), “Mộng dưới hoa” (thơ Đinh Hùng), “Nửa hồn thương đau” (thơ Thanh Tâm Tuyền), “Đêm nhớ trăng Sài Gòn” (thơ Du Tử Lê)... Phạm Đình Chương cũng đóng góp cho tân nhạc Việt Nam bài trường ca bất hủ Hội Trùng Dương nói về ba con sông đại diện cho ba miền: sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long. 


Nhạc sĩ Phạm Duy (1921-2013), thường được coi như nhạc sĩ lớn nhất của nền Tân nhạc Việt Nam với lượng sáng tác đồ sộ cũng như đa dạng về thể loại, trong đó có rất nhiều ca khúc trở nên kinh điển và quen thuộc với người Việt. Câu mở đầu của bài “Tình ca”, ca khúc của Phạm Duy viết trong giai đoạn trước 1954 trở thành quen thuộc với mọi người: "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi!...". Thi sĩ Chế Lan Viên nhắc tới Phạm Duy trong một bài báo tên "Hồi Ký" đăng tại tạp chí Sông Hương ngày 22 tháng 6 năm 1986: "Tất cả về cội, không mất mát gì ư? Có chứ, mất Phạm Duy! Chúng ta tiếc lắm, vì anh có tài lớn. Nhưng chúng ta làm sao được! Anh ấy bỏ chúng ta, chứ chúng ta đâu có bỏ anh." 


Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng (1937-2000) - Năm 1966, Trầm Tử Thiêng gia nhập Cục Tâm lý chiến thuộc Tổng cục Chiến tranh Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Thời gian này ông viết các bản nhạc như: “Quân trường vang tiếng gọi”, “Đêm di hành”, “Mưa trên Poncho”. Sự kiện Tết Mậu Thân 1968, Trầm Tử Thiêng viết bài “Chuyện một chiếc cầu đã gãy” nói về cầu Trường Tiền bị giật sập. Năm 1970, ông viết “Tôn Nữ còn buồn” về trận bão tàn phá miền Nam. Ngoài ra, ông cũng tham gia vào phong trào Du ca Việt Nam. 


Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (1942-2005) còn là ca sĩ với nghệ danh Nhật Trường và được xem như là một trong bốn giọng nam nổi tiếng nhất của nhạc vàng. Về sáng tác, hai chủ đề lớn trong sáng tác của Trần Thiện Thanh là tình yêu và tình lính. Ông sáng tác nhiều nhạc về lính, nhưng nhạc lính của ông không có thù hận, gay gắt, kích động hoặc u uất, bi thảm mà thường là trong sáng vui tươi, làm thi vị hóa và lãng mạn hóa đời lính gian khổ. 


Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939-2001), hiện nay chưa có thống kê chính xác về số tác phẩm để lại của ông. Tuy nhiên số ca khúc của ông được biết đến rộng rãi là 236 ca khúc. Ngoài ra, ông còn được xem là một nhà thơ, một họa sĩ, một ca sĩ và một diễn viên không chuyên. Trưa ngày 30/4/1975, ông lên Đài phát thanh Sài Gòn hát bài "Nối vòng tay lớn". Cũng chính ông là người trưa ngày 30/4 đã đứng lên phát biểu trực tiếp trên đài phát thanh Sài Gòn sau lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh. Trong bài phát biểu, ông kêu gọi người dân miền Nam ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam: "Hôm nay là ngày mơ ước của tất cả chúng ta... Ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam này... Những điều mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do, và thống nhất thì hôm nay chúng ta đã đạt được tất cả kết quả đó... Hôm nay tôi yêu cầu các văn nghệ sĩ cách mạng miền Nam Việt Nam, các bạn trẻ và Chính phủ Cách mạng lâm thời xem những kẻ ra đi là những kẻ phản bội đất nước... Chính phủ Cách mạng lâm thời đến đây với thái độ hòa giải, tốt đẹp. Chúng ta không có lý do gì để sợ hãi mà ra đi cả. Đây là cơ hội duy nhất và đẹp đẽ nhất để đất nước Việt Nam được thống nhất và độc lập. Thống nhất và độc lập là những điều chúng ta mơ ước suốt mấy chục năm nay. Tôi xin tất cả các bạn, thân hữu và cũng như những người chưa quen của tôi xin ở lại và kết hợp chặt chẽ với Ủy ban Cách mạng lâm thời để góp tiếng nói xây dựng miền Nam Việt Nam này..." 


Nhạc sĩ Trúc Phương (1933-1995) - Nhiều ca khúc viết bằng giai điệu Bolero của ông trở thành bất hủ và vẫn được yêu thích cho đến tận nay. Năm 1976, Trúc Phương vượt biên nhưng không thành công và bị tịch thu nhà. Những năm sau, ông vượt biên thêm 2 lần nhưng vẫn không thành công. Lúc ra tù, vợ con ly tán, ông sống không nhà cửa, không giấy tờ tuỳ thân rồi lưu lạc về Trà Vinh, Vĩnh Long và vài nơi khác. Tác phẩm tiêu biểu: “24 giờ phép”, “Ai cho tôi tình yêu”, “Chiều cuối tuần”, “Đò chiều”, “Nửa đêm ngoài phố”, “Tàu đêm năm cũ”, “Tình thắm duyên quê”... 


Nhạc sĩ Từ Công Phụng (1942) là một nhạc sĩ thuộc dân tộc Chàm. Ông cũng là tác giả của các ca khúc trữ tình được nhiều người biết đến như "Bây giờ tháng mấy", "Mắt lệ cho người", "Giọt lệ cho ngàn sau", "Trên ngọn tình sầu", "Mùa xuân trên đỉnh bình yên"... Ông cũng hát một số trong những bài hát của chính mình. Có một thời ông hát chung với Từ Dung trở thành một cặp song ca nổi tiếng tại Sài Gòn.


Nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995), ông là tác giả của ca khúc “Tiến quân ca”, quốc ca chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời ông cũng là một trong những cây bút có sức ảnh hưởng lớn nhất của nền Tân nhạc Việt Nam. Ông được giới chuyên môn và công chúng yêu nhạc đánh giá là một trong ba nhạc sĩ nổi bật nhất của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam trong thế kỷ XX, cùng với Phạm Duy và Trịnh Công Sơn. Những ca khúc trữ tình lãng mạn như “Bến xuân”, “Suối mơ”, “Thiên Thai”, “Trương Chi”... nhanh chóng trở thành một trong những gương mặt tiên phong, nổi bật nhất của trào lưu lãng mạn trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là để lại những dấu ấn mang tính khai phá của ông trong tân nhạc Việt. 


Nhạc sĩ Vũ Thành An (1943) với các "Bài không tên" là những tác phẩm nổi tiếng của ông. Hiện nay, ông là một phó tế của Giáo hội Công giáo Rôma, đã ngừng sáng tác nhạc tình ca mà chỉ sáng tác thánh ca. Ông cũng là người có nhiều tai tiếng trong thời gian đi học tập cải tạo... 


Nhạc sĩ Xuân TIên (1921) là một nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho nền tân nhạc Việt Nam giai đoạn 1954-1975. Ngoài sáng tác nhiều bản nhạc có giá trị được nhiều người yêu thích như “Khúc hát ân tình”, “Duyên tình”, “Về dưới mái nhà”, ... ông còn có khả năng chơi 25 loại nhạc cụ, đồng thời cải tiến và sáng tạo một số nhạc cụ mới. Năm 1976, lúc còn ở Việt Nam, ông chế tác cây đàn 60 dây chơi được tất cả âm giai. Tiếng đàn tương tự tiếng đàn tranh nhưng mạnh và chắc hơn. Năm 1980, ông cải tiến cây đàn bầu cổ truyền với thân đàn làm từ trái bầu dài làm hộp khuếch âm. Đàn này đã nhiều lần được đem đi triển lãm ở Úc, thường được gọi là Đàn bầu Xuân Tiên. 


Nhạc sĩ Y Vân (1933-1992) - Y Vân có nghĩa là "Yêu Vân", tên tiểu thư Tường Vân – người yêu đầu tiên của ông. Ông chọn tên này từ khi chuyện tình giữa ông và cô tan vỡ. Một số ca khúc của ông đã được viết lên để nói lên tâm sự này: “Đò nghèo”, “Ảo ảnh”, “Nhạt nắng”... Bài hát "Lòng mẹ" của ông rất nổi tiếng và được xem như một trong những ca khúc tiêu biểu, sâu sắc và thiêng liêng nhất về tình mẹ, được sáng tác năm 1957. Từ đó đến nay, bài hát đã được nhiều ca sĩ thể hiện, vì thế nó còn là một bài hát rất quen thuộc với người Việt Nam từ ngày ra đời đến bây giờ. 


Thầy Tuệ Sỹ (1943): Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, tục danh Phạm Văn Thương, sinh ngày 15/2/1943 tại Paksé, Lào, quê tại Quảng Bình, Việt Nam. Ông là một học giả uyên bác về Phật giáo, nguyên giáo sư thực thụ của Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn, nhà văn, nhà thơ, dịch giả và là một người bất đồng chính kiến với chính quyền. Ông được giới học giả Việt Nam đánh giá cao vì đã công bố nhiều tiểu luận, chuyên khảo, thơ và nhiều công trình dịch thuật Phật giáo từ tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa và tiếng Nhật. Lúc bị bắt năm 1984, ông và Thích Trí Siêu, được coi là 2 nhà sư uyên bác nhất của Phật giáo Việt Nam, đang soạn thảo quyển Bách khoa Phật học Ðại Tự điển.


Triết gia Trần Đức Thảo (1917-1993) - Năm 1957-1958, ông bị kết án dính líu đến phong trào Nhân văn-Giai phẩm khi công bố hai bài báo có bàn đến một số vấn đề về tự do, dân chủ. Sau vụ Nhân văn-Giai phẩm, ông bị cách chức Phó Giám đốc trường ĐHSP Hà Nội, chức Trưởng khoa Lịch sử chung cho cả ĐHSP và ĐHTH Hà Nội. Trần Ðức Thảo bị cấm giảng dạy, phải dịch thuật lặt vặt để sống, phải bán dần bán mòn những bộ từ điển. Ông hạn chế liên hệ với người khác, bị cô lập trong cuộc sống.


Hoạ sĩ Vĩnh Phối... thầy tôi (Theo chú thích của họa sĩ Trần Thế Vĩnh)


Chân dung tự họa của Trần Thế Vĩnh 

***
--> Read more..

Popular posts