Thứ Ba, 30 tháng 1, 2024

Bạn thuận tay nào?

Những người nổi tiếng thế giới như họa sĩ lừng danh Leonardo DaVinci; nhà toán học vĩ đại Isaac Newton; Aristotle, nhà triết học Hy Lạp; nhà khoa học Marie Curie; Albert Einstein, nhà vật lý học và thậm chí cả trùm khủng bố Osama Bin Laden ... đều là những người thuận tay trái.

Riêng tại Mỹ, 4 vị tổng thống gần đây của Hoa Kỳ là Barack Obama, Bill Clinton, George H.W. Bush và Gerald Ford, củng Henry Ford, người sáng lập công ty Ford Motor, tỷ phú Bill Gates của Microsoft… đều là những người thuận tay trái!

 

Thuận tay trái là thắc mắc của nhiều người

 

Sự thành công của họ khiến nhiều người tin có sự tương quan giữa việc thuận tay trái với trí tuệ nổi trội. Một số nghiên cứu đưa ra kết luận, người thuận tay trái thông minh hơn những người thuận tay phải nhưng dữ liệu về mối quan hệ này thực ra vẫn còn mơ hồ.

Một nghiên cứu khác trên tạp chí Brain năm 2019 cho thấy có sự khác biệt về gen giữa người thuận tay trái và tay phải. Kiểm tra dữ liệu của khoảng 400.000 người, các nhà khoa học phát hiện, người thuận tay trái tự nhiên có hai bán cầu não có thể phối hợp nhịp nhàng hơn trong các khu vực liên quan đến ngôn ngữ.

Những đặc điểm này giúp người thuận tay trái có thể có kỹ năng nói vượt trội hơn. Thêm vào đó, những người thuận tay trái có thể phát triển khả năng giải quyết vấn đề phức tạp do cánh tay trái trở thành tay thuận của họ.

Vậy người thuận tay trái có thực sự thông minh?

Cho đến bây giờ, điều đó vẫn còn mơ hồ. Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu tại Đại học Groningen (Hà Lan), đã không thiết lập được mối quan hệ rõ rệt giữa thuận tay trái và khả năng sáng tạo. Điều này khiến họ kết luận, người thuận tay trái không thông minh hơn những người thuận tay phải.

Các nhà nghiên cứu tin rằng thói quen thuận tay trái hay phải có thể chỉ liên quan đến sự khác biệt về phát triển giữa bán cầu não phải và trái. Người thuận tay trái có bán cầu não phát triển hơn. Người ta tin rằng trong các ngành sáng tạo liên quan đến nghệ thuật như âm  nhạc, kiến trúc… thì người thuận tay trái có nhiều hơn khoảng 10%.

 

Người thuận tay trái thường có thiên hướng nghệ thuật tốt hơn (Trong ảnh là rocker người Mỹ Kurt Cobain)

 

Theo một nghiên cứu trên tờ Journal of Nervous and Mental Disease năm 2015, chính sự liên kết chặt chẽ giữa 2 bán cầu lại khiến cho người thuận tay trái dễ nhạy cảm hơn với những cảm xúc tiêu cực, từ đó khiến họ rất hay trở nên nóng nảy, tức giận cũng như khó kiềm chế.

Trong một nghiên cứu của tiến sĩ Carolyn Chouldhary thuộc đại học Queen Margaret, Edinburgh ở Scotland, sau khi cho một nhóm người xem phim kinh dị thì những người thuận tay trái có xu hướng dễ bị ám ảnh hơn, chứng tỏ họ thường sẽ thể hiện các triệu chứng rối loạn căng thẳng ra bên ngoài hơn so với người thuận tay phải.

“Bán cầu não phải” kiểm soát chuyển động ở vùng bên trái của cơ thể, trong khi “bán cầu não trái” kiểm soát vùng bên phải của cơ thể. Điều này có thể được giải thích bởi thực tế là bộ não của người thuận tay trái đối xứng hơn nhưng vẫn chưa thể xác nhận một cách chính thức giả thuyết này trong những nghiên cứu có hệ thống.

 

Người thuận tay thường có xu hướng sử dụng bán cầu phải

 

Thời xa xưa, những người thuận tay trái lại bị xem là biểu hiện của cái xấu, cái ác. Bởi nhiều quan niệm cho rằng từ “sinister” (nham hiểm) có nguồn gốc từ “left, on the left side” (nghĩa là “bên trái” trong tiếng Latinh). Tuy nhiên ở ngày nay, họ lại được đánh giá rất cao về sự tư duy, độ nhanh nhạy và nhiều khả năng đặc biệt khác.

Con cái của những người thuận tay trái sẽ có nhiều khả năng thuận tay trái hơn. Lý giải cho điều này là hành vi của người mẹ được đứa con bắt chước trong quá trình phát triển từ thuở nhỏ. Bằng cách lập lại động tác của người mẹ, đứa trẻ có thể trở nên thuận tay trái!

Các yếu tố di truyền còn chưa được thống nhất: xác suất sinh con thuận tay trái đối với cả cha mẹ thuận tay trái là 37%, khi chỉ có một người thuận tay trái là 22%. Nếu cả hai cha mẹ đều thuận tay phải thì xác suất sinh con thuận tay trái chỉ còn 11%.

 

Trẻ em có xu hướng thuận tay trái cao hơn

 

Các nhà nghiên cứu đã cố gắng xác định xem dấu hiệu của người thuận tay trái hay thuận tay phải có liên quan đến giới tính hay không?

Không thể xác định một cách chắc chắn về điều này, nhưng có lý do để tin rằng sự phát triển của việc thuận tay phải và thuận tay trái có thể bị ảnh hưởng bởi hormone giới tính: androgen testosteronedihydrotestosterone.

Trước đây, những trẻ thuận tay trái thuộc lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học thường bị tập lại cho thuận tay phải: chúng bị trói tay trái ra sau lưng, lấy thước kẻ đánh vào đó hoặc lấy đồ vật từ tay trái rồi chuyển chúng sang tay phải.

Có đều, khi phải luyện tập lại thì chữ viết thường trở nên tồi tệ hơn, do đó sự thay đổi thường có ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ. Rõ ràng là việc ép buộc người thuận tay trái thành thuận tay phải có thể gây ra “chấn thương tâm lý nghiêm trọng”. Cũng may là sự ép buộc đó bây giờ không còn phổ biến nữa.

Ở Việt Nam, thói quen thuận tay trái được hình thành từ việc cầm đũa, cầm bút ngay từ thuở ấu thời. Thông thường, trẻ em mới sinh có xu hướng thuận tay trái khá cao. Điển hình, trong một nghiên cứu trên 115 đứa trẻ mới sinh thì khoảng 54% trẻ sinh thiếu tháng sẽ thuận tay trái.

Nguyên nhân là khi bị sinh thiếu tháng, não bộ của trẻ dễ gặp tổn thương hoặc chưa được phát triển đầy đủ, từ đó khiến các bé hay thuận tay trái nhiều hơn.

Người thuận tay trái không gây ảnh hưởng gì đến sinh hoạt thường ngày của họ và chiếm tỷ lệ tương đối thấp trong cộng đồng. Số lượng người thuận tay trái chỉ chiếm 12% dân số thế giới, trong đó số người nam gấp 2 lần so với người nữ.

 

Người thuận tay trái chỉ chiếm 12% dân số thế giới

 

Các nhà tâm lý học nhận định, những người thuận tay trái có xu hướng trở nên sáng tạo vượt ra khỏi những khuôn mẫu đã có sẵn. Họ nhạy cảm, sống cảm xúc hơn và có tầm nhìn, sự thông minh về hình ảnh và không gian.

Thế giới đã dành ngày 13/8 hàng năm để vinh danh những người thuận tay trái nhằm tôn vinh sự khác biệt của của họ.

Năm 1976, Dean R. Campbell, thuộc Liên đoàn Người Thuận Tay Trái đã chọn ngày này, đánh dấu cuộc đấu tranh cho phẩm giá và tự do của tất cả người thuận tay trái trên thế giới. Sự kiện này cũng tạo ra cơ hội được học hỏi, giáo dục và phát triển cho nhóm trẻ em thuận tay trái trên toàn thế giới.

 

Ngày Quốc tế người thuận tay trái, 13/8 hằng năm tại Mỹ

 

***

 

Câu hỏi chúng tôi đặt ra “Bạn thuận tay nào?” mang hàm ý vinh danh người thuận tay trái… nếu bạn thuộc thành phần có đến xấp xỉ 708 triệu người hiện nay trên thế giới.

Đó là cả một “giới tinh hoa” mà không phải ai cũng có “diễm phúc” lọt vào!

Những người “bình thường” như chúng tôi xin thành thật chúc mừng “Những Người Thuận Tay Trái”!

 

***

 

Những người thuận tay trái nổi tiếng thế giới

 

 

Aristotle, một trong những nhà triết học Hy Lạp có tầm ảnh hưởng đến ngày hôm nay

 

 

Leonardo da Vinci, danh họa thiên tài nổi tiếng người Ý

 

 

Marie Curie - người phụ nữ đầu tiên và duy nhất giành 2 giải Nobel về vật lý và hóa học

 

 

Albert Einstein, một trong những nhà vật lý học vĩ đại nhất của mọi thời đại

 

 

Bill Clinton, vị Tổng thống thứ 42 của Hoa Kỳ

 

 

Barack Obama, vị Tổng thống da màu đầu tiên của Hoa Kỳ

 

 

Henry Ford, người sáng lập công ty Ford Motor

 

 

Tỷ phú Bill Gates, người sáng lập Microsoft

 

 

***

--> Read more..

Thứ Năm, 25 tháng 1, 2024

Đá dế – Thú vui ngày xưa đã đi vào quên lãng

Còn nhớ, ngày xưa ở vào tuổi học trò, tôi cùng các bạn đồng trang lứa có một thú vui không tốn tiền nhưng lại rất hấp dẫn trong những giờ rảnh rỗi. Đá dế, đối với học trò con trai, là một cái thú thể hiện tính năng động của tuổi cắp sách đến trường.

Có rất nhiều loại dế theo cách gọi tên, chẳng hạn như dế lửa, dế than, dế trũi, dế mèn, dế cơm, dế chó... nhưng trong chuyện đá dế chỉ có hai loại chính là dế lửa và dế than.

Đi bắt dế về đá là cả một công trình của tuổi học trò những lúc rảnh rỗi vì đòi hỏi sự kiên nhẫn trong thời gian chờ được thấy kết quả qua công sức bỏ ra.

 

Dế lửa

 

Dế thường nằm sâu trong hang, dấu trong bụi cỏ, bờ đê hoặc ẩn mình dưới các lớp gạch đá. Hồi xưa khi còn ở Đà Lạt bọn trẻ chúng tôi thường lật các hòn gạch để tìm hang dế, có khi phải dùng nước đổ vào hang để khi bị ngộp nước dế sẽ tìm cách thoát ra khỏi hang.

Công sức bỏ ra là vậy nhưng khi xuất hiện con dế mái bao công trình bỗng trở thành... “mây khói” vì các “nàng dế” đâu có biết... “đánh đấm”, bắt về để làm gì? Dế mái có cánh màu đen, bóng mượt không như dế trống trên cánh có những đường gân và đặc biệt dế mái không biết gáy.

 

Trận chiến giữa 2 con dế than

 

Bắt được dế đem về nhà là giai đoạn chăm sóc, nuôi ăn cho khỏe để sẵn sàng “nghinh chiến” với đối thủ. Thức ăn thường là cỏ non, vài cọng giá hoặc rau... Lại còn phải làm một cái que nhỏ, trên đầu que gắn vài sợi tóc để kích thích tính hiếu động của dế. Khi đã bị kích thích dế sẽ cất tiếng gáy, sẵn sàng “vào trận”.

Một trận đá dế chỉ khoảng vài phút nhưng đòi hỏi chủ dế phải đầu tư nhiều công sức chăm lo, săn sóc cho “gà” của mình trước khi… lâm trận. Võ đài được hình thành ở bất cứ nơi đâu thuận tiện: một mảnh đất trống, một cái hộp cũ… với khán giả là bạn bè cùng trường, cùng xóm.

 

Một trận đá dế

 

Dế được chủ nuôi nhốt trong “lồng”, thường là một hộp diêm, phía trên có đục vài lỗ để “võ sĩ” có không khí hít thở trước giờ lâm trận. Đã có trường hợp cả lớp đang chăm chú nghe thầy giảng bài bỗng có tiếng gáy “sang sảng” của một chú dế sung sức muốn “lấy uy” mà không cần đợi đến giờ ra chơi!

 

Một cuộc đụng đầu giữa 2 con dế lửa

 

Ngày xưa, dế là một nguồn vui đối với tuổi học trò nhưng ngày nay đó lại là nguồn cung cấp thực phẩm đáng kể với một số người cho nên tại nhiều nơi đã có những trại nuôi dế, chẳng hạn như ở tỉnh Quảng Nam có Ba Hưng, trại nuôi luôn đáp ứng nhu cầu của khách hàng, giao hàng tận nơi, giá cả cập nhật và hợp lý.

 

Cứ 1 thùng nhựa thì nuôi được khoảng 800 con dế

 

Lớn nhất Việt Nam còn có nông trại và nhà máy Cricket One ở Bình Phước, chuyên sản xuất dế, tận dụng từ chân đến phân dế, nâng cấp món ăn chơi vùng quê thành ngành công nghiệp thực phẩm mới.

 

Món dế chiên giòn

 

Con dế nhỏ bé là thế nhưng có tầm ảnh hưởng cả trong việc giáo dục. Tài liệu giáo khoa ở trường cũng có một tác phẩm với nhan đề “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài (1920-2014), viết từ năm 1941.

Trong truyện, với giọng văn tự sự, Tô Hoài đã kể lại cuộc phiêu lưu của Dế Mèn, khởi đầu từ giai đoạn sống độc lập từ bé rồi sau này trở thành vật giải trí cho trẻ con:

“Tôi sống độc lập từ thủa bé. Ấy là tục lệ lâu đời trong họ nhà dế chúng tôi. Vả lại, mẹ thường bảo chúng tôi rằng: “Phải như thế để các con biết kiếm ăn một mình cho quen đi. Con cái mà cứ nhong nhong ăn bám vào bố mẹ thì chỉ sinh ra tính ỷ lại, xấu lắm, rồi ra đời không làm nên trò trống gì đâu”.

 

Nhân vật” trong “Dế mèn phiêu lưu ký”

 

Kể từ đó, cuộc đời của Dế Mèn đã trải qua không ít những cuộc phiêu lưu bất ngờ, gặp gỡ các bạn mới như bác xiến tóc, anh dế trũi, võ sĩ bọ ngựa, châu chấu voi, chuồn chuồn và thậm chí cà các bạn kiến “tí hon”.

Kể từ khi “ra riêng”, cuộc đời “giang hồ” của Dế Mèn khởi đầu bằng lần gặp gỡ với Dế Choắt, người gày gò và dài lêu nghêu mà cánh chỉ ngắn ngủn đến giữa lưng, hở cả hai mạng sườn. Ðã vậy tính nết lại “ăn sổi, ở thì”, đào một cái hang nông sát mặt đất, không biết đào sâu rồi khoét ra nhiều ngách.

 

Dế Mèn

 

Cũng vì cái tính “coi trời bằng vung” nên Dế Mén đã gây nên sự hiều lầm từ chị Cốc qua lời chọc ghẹo mà chị cứ ngỡ là xuất phát từ Dế Choắt. Bài học xử thế đầu tiên Dế Mèn học được qua lời sám hối:

“Nào tôi đâu biết cơ sự lại ra nông nỗi này! Tôi hối lắm. Tôi hối hận lắm! Anh mà chết là chỉ tại cái tội ngông cuồng dại dột của tôi. Tôi biết làm thế nào bây giờ?

“Tôi không ngờ Dế Choắt nói với tôi một câu thế này: “Thôi, tôi ốm yếu quá rồi, chết cũng được. Nhưng trước khi nhắm mắt, tôi khuyên anh: ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy.

(hết trích)

 

Nhà văn Tô Hoài (1920-2014)

 

Cuộc phiêu lưu của Dế Mèn trở thành “cao trào” khi bị giam trong hang chuột của lão Chim Trả. Hắn muốn Dế Mèn trở thành “người trông nhà” trong một cái hang đã bị lấp kín bằng cách suốt ngày ca hát để mọi người nghĩ là nhà đã có chủ trong những lúc bận đi săn mồi hằng ngày.

May mắn có em Dế Trũi phát hiện tình trạng Dế Mèn bị “cầm tù” trong hang. Thế rồi cùng bác Xiến Tóc và bạn Châu Chấu Voi ra sức phá tảng đá chặn cửa hang để giải thoát cho Dế Mèn. Cuộc phiêu lưu chấm dứt ở đoạn cuối cùng, Tô Hoài viết:

“Tôi và Trũi trở lại quê hương định nghỉ ngơi ít ngày và tôi có ý muốn đưa mẹ tôi đi chơi đây đó giối già một phen.

“Trên đường về, tới đâu, tôi và Trũi cũng được đón mời. Ông Ếch Cốm cùng cả xóm ra tận đầu đường tiếp rước. Ðám cá ngoài quãng sông cũng bơi vào xin lỗi về việc cũ. Tôi thưa rằng nói về chuyện cũ thì ngày ấy chúng tôi cũng mang lỗi chẳng khác gì các bạn. Chỉ có hôm nay chúng ta đều khác trước rồi.

“Ở đâu cũng tưng bừng rộn rịch. Về tới quê hương, cảnh vật có đổi khác ít nhiều. Bao nhiêu năm xa cách! Vì câu chuyện của chúng tôi đã được các nhà truyền tin kiến đem đến từ lâu nên nghe biết tôi và Trũi trở về, cả vùng bờ nước đi đón.

(hết trích)

 

Dế Mèn & Dế Trũi trên bước đường phiêu lưu

 

“Dế Mèn phiêu lưu ký” miêu tả cuộc phiêu lưu hấp dẫn của một chú Dế Mèn trong thế giới loài vật và cả loài người. Những vấn đề nóng hổi: Cái Thiện và Cái c, Chiến Tranh và Hòa Bình, Lí Tưởng và LSống được Tô Hoài thể hiện một cách nhẹ nhàng, tinh tế mà sâu sắc.

Dế Mèn đã trải qua những cuộc phiêu lưu, vượt qua cơ man nào là rủi ro và biến cố, nhưng từng bước Mèn vươn lên tự điều chỉnh, tự nhận thức để trở thành con người giàu lí tưởng và ham hiểu biết với bản lĩnh kiên cường của một trai tráng đầu đội trời chân đập đất.

 

“Dế mèn phiêu lưu ký” được chuyển ngữ thành “Diary of a Cricket” (Bản Tiếng Anh - Tạ Huy Long Minh Họa)

 

***

 

* Tham khảo thêm:

- “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài:

https://truyenfull.vn/de-men-phieu-luu-ky/

- “Hội Những Người Thích Chơi Đá Dế” trên Facebook: https://www.facebook.com/groups/449738121858604/posts/2551539261678469/

 

 *** 

--> Read more..

Thứ Hai, 22 tháng 1, 2024

Phiếm luận về… điếu thuốc

Bà Thụy An (1916-1989), nhà văn nữ duy nhất trong vụ án “gián điệp”, “phản động” Nhân Văn - Giai Phẩm tại Hà Nội. Bà đã từng nói:

“Thế giới chỉ cần vài trăm người đàn ông đàn bà QUẢ CẢM. Thực hành QUẢ CẢM đó là những người dám tin vào CHÂN LÝ, dám diễn đạt CHÂN LÝ trong cuộc sống. Những người không run sợ trước CÁI CHẾT, hơn nữa còn chào mừng CÁI CHẾT…”

 

Bà Thụy An, người đứng giữa trong số 5 bị cáo Nhân văn-Giai phẩm

 

Sau năm 1975, bà vào Nam sinh sống để hy vọng được đoàn tụ với các con tại nước ngoài. Thật trớ trêu, khi còn học trung học ở Ban Mê Thuột tôi có một thời gian làm học trò của con bà và sau ngày “đổi đời” 30/4 tôi lại là người phụ trách hướng dẫn bà học tiếng Anh!

Ở Sài Gòn, bà sống một cuộc đời trầm lặng trong một căn nhà nhỏ gần chợ Bà Chiểu, ít người lui tới viếng thăm. Trong một lần tâm sự, bà nói với tôi, đại khái như sau:

“Tôi thường có một bao thuốc lá để đốt lên mỗi khi cần suy nghĩ trong việc viết lách. Tôi không hút thuốc… chỉ nhìn khói thuốc bốc lên từ cái gạt tàn để ý tưởng bay bổng theo những làn khói thuốc…”

 

Chân dung nhà văn Thụy An (1916-1989)

 

Nếu khói thuốc là nguồn cảm hứng sáng tác đối với bà Thụy An trên bàn làm việc thì với nhả thơ “lữ khách” Hồ Dzếnh (1916–1991) trong một buổi chiều bỗng chạnh lòng chợt nhớ đến quê nhà… Ông châm điếu thuốc và để lại cho hậu thế bài thơ ngũ ngôn “Chiều”, còn có tên “Màu cây trong khói” khi đăng trên báo Người Mới.

Bài thơ kết thúc với hai câu kết đã đi vào thi ca:

“… Nhớ nhà châm điếu thuốc

Khói huyền bay lên cây...”

 

Bài thơ “Chiều” - Hồ Dzếnh

 

Thơ thường đi với nhạc nên nhạc sĩ Dương Thiệu Tước (1915–1995) đã biến lời thơ thành bản nhạc cùng tên. Bài thơ được phổ nhạc gần như giữ nguyên phần lời và “Chiều” của Dương Thiệu Tước cũng là một trong những ca khúc tango tiêu biểu nhất của nền tân nhạc Việt Nam.

 

Bản nhạc “Chiều” của Dương Thiệu Tước

 

Tóm lại, cái hay của “Chiều” là sự kết nối giữa “thơ hay”“nhạc hay”. Lời thơ của Hồ Dzếnh song hành cùng tiết tấu nhạc của Dương Thiệu Tước đã trở thành “một cặp bài trùng” khiến trái tim người thưởng ngoạn phải xúc động.

 

Chân dung nhạc sĩ Dương Thiệu Tước (1915–1995)

 

Rõ ràng Hồ Dzếnh là một người nghiện thuốc lá nhưng không biết ông có nghiện đến độ “hết điếu này lại châm tiếp điếu khác” như người Phương Tây thường gọi là “chain smoker”?

Ở một bài thơ khác, “Ngập ngừng” trong tập thơ “Quê ngoại” được xuất bản năm 1943, Hồ Dzếnh trong tâm trạng của một người đang yêu ông đã thốt lên những lời ray rứt khi người yêu không đến: 

“Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!

Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân

Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần...

Tôi nói khẽ: Gớm, làm sao nhớ thế?”

 

Có người đã dịch những câu trên sang tiếng Anh một cách tuyệt vời:

 

“Promise me but please don’t show up!

Let my heart wander dejected

Glance at hand, my smoke extinguished...

I whisper: God, why miss so much?”

 

Bài thơ “Ngập ngừng” cũng đã giao duyên cùng âm nhạc. Bài thơ này đã được đến 3 nhạc sĩ phổ nhạc thành 3 bài hát khá nổi tiếng: (1) Trần Thiện Thanh phổ thành “Chuyện hẹn hò”; (2) Anh Bằng thành bài “Anh cứ hẹn”, và (3) Hoàng Thanh Tâm thành bài hát mang cùng tên.

 

Chân dung nhà thơ Hồ Dzếnh (1916–1991)

 

Thi sĩ Hà Huyền Chi làm thơ chết vì yêu… nhưng càng yêu thì thuốc lá tiếp tục đốt phổi gan ngũ tạng, rồi khi vào nhà thương vì bệnh tim, “nhà thơ mũ đỏ nhảy dù” bảo thèm thèm thở khói nicotine…

Hà Huyền Chi bị stroke, y sĩ khuyên ông bỏ thuốc nhưng ông bỏ ngoài tai: “Ông y sĩ nói là việc của ổng, còn tôi làm là việc của tôi!”.

Bài thơ "Vì ta hoa nở” là tâm sự của Hà Huyền Chi:

“Ta nằm trong bệnh viện

Ðêm trăng soi nhớ nhà

Trăng đầy rồi trăng khuyết

Tương tư nụ quỳnh hoa

“Nửa khuya thèm khói thuốc

Lên xuống sáu từng lầu

Nơi hàng hiên giá buốt...

 

***

 

Người ta thường quan niệm nam giới phải biết “hít thở khói thuốc lá ra vô” mới có bản lĩnh, có khí phách nam nhi! Những người nghiện thuốc lại còn bảo chúng ta nên suy ngẫm về cuộc sống này quá ngắn ngủi… chẳng nên kiêng kem làm gì... cho phí uổng tuổi xuân.

 

Nhà văn hài hước người Mỹ, Mark Twain (1835-1910), đã từng nửa đùa nửa thật: “Bỏ hút thuốc là điều dễ làm nhất trên thế giới. Tôi biết thế vì tôi đã làm điều đó cả ngàn lần rồi…” (It’s easy to quit smoking. I’ve done It a thousand times)!

 

Mark Twain lại còn bồi thêm: "Nếu hút thuốc bị cấm ở trên thiên đàng, tôi chả thèm đến đó" (If smoking is not allowed in heaven, I shall not go there).

 

Chân dung Mark Twain (1835-1910)

 

Ở vào tuổi 98, nhà văn, diễn viên và đồng thời là ca sĩ người Mỹ, George Burns là một trong số ít nghệ sĩ có sự nghiệp thành công kéo dài với điếu xì-gà lúc nào cũng gắn trên môi. Ông tuyên bố một câu “xanh dờn”:

"Nếu tôi nghe lời khuyên của bác sĩ mà kiêng thuốc lá, tôi đâu có sống dai để đi dự đám tang tiễn đưa ông ấy đâu” (If I had taken my doctor's advice and quit smoking when he advised me to, I wouldn't have lived to go to his funeral).

 

Chân dung George Burns (1961-1996)

 

Thế đấy!

Kiêng hay không kiêng hút thuốc còn tùy “chính kiến” của từng người. Nhưng có lẽ, đối với đa số văn nghệ sĩ thì hình như điếu thuốc vẫn không rời tay họ!


 *** 

--> Read more..

Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

Miền Tây và những cây cầu tình nghĩa

Cầu Cần Thơ là cây cầu bắc qua sông Hậu, nối liền quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ và thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Tại thời điểm hoàn thành vào năm 2010, đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất khu vực Đông Nam Á.

 

Cầu Cần Thơ

 

Cầu Cần Thơ được khởi công xây dựng vào ngày 25/9/2004. Ban đầu, cầu dự kiến sẽ được khánh thành vào ngày 14/12/2008. Tuy nhiên, vì xảy ra sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ vào ngày 26/9/2007, nên ngày khánh thành cầu Cần Thơ được dời đến ngày 24/4/2010.

 

Cầu Cần Thơ vào thời điểm bị sập 26.9.2007

 

Tổng mức đầu tư cho cầu Cần Thơ là 4.832 tỷ đồng (khoảng 342,6 triệu USD vào thời điểm 2001) bằng nguồn Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam (chiếm khoảng 15%).

Cầu Cần Thơ là loại cầu “dây văng” với tổng chiều dài 2.750m, chiều rộng23,1m, cao 175,3m, nhịp chính 550m và khoảng tĩnh không 39 mét. Tổng thầu là Tập đoàn Taisei, Kajima, Nippon Steel của Nhật Bản.

 

Cận cảnh vụ tai nạn sập 2 nhịp dẫn cầu Cần Thơ

 

Tiếp đến là cầu Cao Lãnh, cũng là cây cầu “dây văng” được xây dựng bắc qua sông Tiền, nối liền thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò, Đồng Tháp.  Cầu Cao Lãnh cách bến phà Cao Lãnh khoảng 800m về phía hạ lưu sông Tiền và cách cầu Mỹ Thuận 35km về phía thượng lưu. Cầu dài 2000m với bề ngang 24m cho bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ.

Với chiều cao trụ tháp bêtông cao 123m và nhịp chính dài 350m, vận tốc cho phép 80 km/h. Hai trụ tháp chữ H của cầu Cao Lãnh tượng trưng cho sự kết nối giữa hai nước Việt Nam và Úc khi xây cầu.

Điều đặc biệt là cầu này do Úc tài trợ không hoàn lại với khoản đầu tư 340 triệu USD (tương đương với 7.500 tỉ đồng). Cầu được khởi công xây dựng từ ngày 19/10/2013 và thông xe vào ngày 27/5/2018.

 

Cầu Cao Lãnh

 

Cầu Vàm Cống là cây cầu dây văng bắc qua sông Hậu, nối liền thành phố Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp, cách bến phà Vàm Cống khoảng 3 km về phía hạ lưu sông Hậu, thay thế cụm phà này kể từ khi cầu đi vào hoạt động vào ngày 19/5/2019.

Đây là cây cầu dây văng thứ hai bắc qua sông Hậu sau cầu Cần Thơ, cách cầu Cần Thơ khoảng 48 km về phía thượng lưu và bến phà Vàm Cống khoảng 3km về phía hạ lưu. Đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài và lớn thứ hai, chỉ sau cầu Cần Thơ.

Ngày 10/9/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công xây dựng cầu trong một buổi lễ tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long. Tư vấn thiết kế và giám sát thi công là Liên danh Dasan Consultants Co. Ltd., Kunhwa Consulting and Engineering Co. Ltd và Pyunghwa Engineering Consultants Ltd. đến từ Hàn Quốc.

Nhà thầu xây dựng chính là Liên danh GS Engineering & Construction và Hanshin Engineering & Contrustion Co. Ltd cùng với phía Việt Nam, Công ty Cienco 1, là nhà thầu phụ. Tổng mức đầu tư hơn 5.687 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Cầu Vàm Cống dài tổng cộng 2,97km, phần bắc qua sông dài 870m trong đó nhịp chính gồm 73 đốt dầm bằng thép có tổng chiều dài 450m, dài nhất trong số các cầu có nhịp thép ở miền Nam.

Cầu dẫn phía Đồng Tháp có chiều dài 1.099,7m; cầu dẫn phía Cần Thơ có chiều dài 999,7m. Mặt cắt ngang cầu chính và cầu dẫn có quy mô 24,5m gồm: bốn làn xe cơ giới rộng 14m, hai làn xe thô sơ rộng 6m, dải phân cách rộng 1,5m, lan can rộng 1 m và dải an toàn rộng 2m.

 

Cầu Vàm Cống

 

Khi còn viết cho tờ Vietnam Investment Review năm 1999, tôi đã có một cơ hội đặc biệt đến cầu Mỹ Thuận trong giai đoạn “đổ mẻ bêtông cuối cùng” trên mặt cầu!

Số là một người bạn ngày xưa cũng dậy tại trường Sinh ngữ Quân đội sau này ra mở công ty với danh nghĩa “nhà thầu phụ” hỗ trợ “nhà thầu chính” Baulderѕtone Hornibrook, một công ty của Úc trong dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận do chính phủ Australia tài trợ.

Anh Hà Kim Vọng rủ tôi xuống Miền Tây thăm địa bàn hoạt động của công ty anh trong dự án Cầu Mỹ Thuận nhân buổi “đổ mẻ bêtông cuối cùng” trước khi hoàn tất cây cầu mong ước của người Miền Tây, không phải dùng “bắc” (phà) để vượt qua sông Tiền như trước đây.

 

Với Hồ Kim Vọng và nhà thầu người Úc tại cầu Mỹ Thuận

 

Đây là cây cầu “dây văng” đầu tiên do nước Úc xây tặng cho dân miền Tây, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long trên Quốc lộ 1. Cầu Mỹ Thuận nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh 125 km về hướng Tây Nam.

Theo chương trình AusAid của Chính phủ Úc, dự án cầu Mỹ Thuận có tổng nguồn vốn đầu tư là 90,86 triệu đô la Úc, tương đương khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó Chính phủ Úc tài trợ 66%, vốn đối ứng phía Việt Nam là 34%.

 

Cầu Mỹ Thuận nhìn tử xa... trông rất giống West Gate Bridge, Australia

 

Cầu có tổng chiều dài 1.535m, phần dẫn lên cầu dài 875m. Tải trọng thiết kế dựa theo tiêu chuẩn AUSROADS-92 của Úc, có so sánh và theo tiêu chuẩn 22 TCN 18-79 của Việt Nam với độ dốc 5%, có 4 làn xe cơ giới, 2 lề bộ hành tổng cộng rộng 23m.

 

Cầu Mỹ Thuận trong ngày khánh thành

 

Cầu Mỹ Thuận được thông xe ngày 21/5/2000 thì 23 năm sau chếc cầu Mỹ Thuận 2 ra đời. Dự án có tổng mức đầu tư là 5.003 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Cầu được chính thức triển khai thi công vào ngày 19/8/2020.

Trước đó, phần đường dẫn phía tỉnh Tiền Giang đã được khởi công vào ngày 27/2/2020. Cầu được hợp long vào ngày 14/10/2023. Dự án đã hoàn thành, chính thức thông xe vào ngày 24/12/2023 cùng với đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ.

 

Cầu Mỹ Thuận 2 trong giai đoạn thi công, tháng 10 năm 2023

 

Mỹ Thuận 2 có đường dẫn 4 làn xe với điểm dừng khẩn cấp, cầu chính: 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp. Chiều dài toàn tuyến 6,61km, tốc độ giới hạn trên đường dẫn: Tối đa 90 km/h, tối thiểu: 60 km/h trong khi trên cầu chính chỉ còn tối đa 80 km/h và tối thiểu 60 km/h.

 

Cầu Mỹ Thuận 2

 

Người dân Miền Tây vốn được thiên nhiên ưu đãi với hai dòng Sông Tiền và Sông Hậu với những cảnh quan thơ mộng hai bên bờ. Giao thông ngày xưa chủ yếu dựa và ghe, thuyền với những bến phà được gọi là “bắc” ở hai bờ…

Muốn về đến Sài Gòn phải qua “bắc” thuờng bị ùn tắc bởi lượng xe cộ quá nhiều và cách giải quyết thiết thực nhất là phải có những cây cầu để tiết kiệm thời gian chờ đợi tại các bến phà.

Việc xây cầu rất tốn kém về phía Việt Nam… nhưng cũng may mắn là có sự tài trợ “tình nghĩa” của các nước bạn bè. Cụ thể là nước Úc, Nhật và Đại Hàn đã góp một phần không nhỏ trong việc hình thành một số cầu vượt Sông Tiền và Sông Hậu như đã nói ở trên.

Mỗi lần qua lại những chiếc cầu đó người dân bình thường ít ai nghĩ đến sự giúp đỡ về tiền của cũng như công sức từ những quốc gia “hảo tâm” đã đóng góp vào hệ thống cầu đường tại vùng sông nước Miền Tây ngày nay!

Chợt nhớ đến một câu ca dao ngày xưa là tâm sự của một cô gái qua cầu… đó là cái tình thật đơn sơ, mộc mạc nhưng lại tràn đầy tình cảm mà ta ít thấy ngày nay:

“Qua cầu ngả nón trông cầu

Cầu bao nhiêu nhịp dạ sầu bấy nhiêu”

 

***

 

* Tham khảo thêm photo album “Mỹ Thuận Bridge” trên Flickr tại: https://www.flickr.com/.../7215761412890.../with/2649449386/

 

***
--> Read more..

Popular posts