Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

Rước đèn Trung thu

“Tết Trung thu rước đèn đi chơi

Em rước đèn đi khắp phố phường.

Lòng vui sướng với đèn trong tay.

Em múa ca trong ánh trăng rằm...”

Theo nhạc sĩ lão thành Hoàng Châu, tác giả bài hát “Rước đèn tháng Tám” là Văn Thanh và ông cho rằng tác giả đích thực phải là Vân Thanh (vì chữ “Vân” và “Văn” na ná nhau nên nhiều người lầm tưởng). Ông cũng tiết lộ thêm, chính ông và tác giả “Rước đèn tháng Tám” đã có một thời gian dài cộng tác với đài Phát thanh Pháp Á.

 

Nhạc sĩ Đức Quỳnh (1922 - 1994)

 

Ca khúc “Rước đèn tháng Tám” dù ra đời sau “Thằng Cuội” của nhạc sĩ Lê Thương nhưng cũng đã ngót nghét hơn nửa thế kỷ. Sau đó, để tránh nhầm lẫn giữa Văn Thanh và Vân Thanh, tác giả Vân Thanh đã đổi tên thành Đức Quỳnh!

Trước 1975, tên tuổi nhạc sĩ Đức Quỳnh (1922 - 1994) thật ra ít được công chúng yêu nhạc biết đến. Ông chỉ sáng tác khoảng trên dưới 20 tác phẩm, tiêu biểu như bản nhạc đầu tay Nhớ Ai (1947) rồi đến Hành Khúc Tuổi Trẻ (1948), Chim Chích Chòe (1951) và dĩ nhiên có cả… Rước đèn tháng tám.

Ngoài sáng tác, nhạc sĩ Đức Quỳnh còn là một ca sĩ nhưng có lẽ cái tên Đức Quỳnh đã trở nên quen thuộc hơn với giới lui tới phòng trà mang tên Đức Quỳnh trên đường Cao Thắng, gần rạp Việt Long. Tại Đức Quỳnh, người nghe nhạc có thể thưởng thức “Thương một người” qua giọng ca của cô ca sĩ “liêu trai” Thanh Thúy!

 



Nhà thơ Du Tử Lê đã có lần viết về “văn hóa phòng  trà” của dân Sài Gòn xưa, mà ông gọi đó là “những địa đạo văn hóa nghệ thuật”. Hồi đó, phong trào mở phòng trà nở rộ với những cái tên quen thuộc như Maxim, Đêm màu hồng, Hòa Bình, Khánh Ly…

Dĩ nhiên, bài hát “Rước đèn tháng tám” không bao giờ xuất hiện tại phòng trà Đức Quỳnh vì những lời ca của nhi đồng kể về các loại đèn vào dịp Trung thu như: 

“Đèn ông sao với đèn cá chép.

Đèn thiên nga với đèn bướm bướm.

Em rước đèn này đến cung trăng.

Đèn xanh lơ với đèn tím tím,

Đèn xanh xanh với đèn trắng trắng.

Trông ánh đèn rực rỡ muôn màu…”

 



Trong bài hát, ta lại còn được nghe tiếng trống phụ họa cho buổi rước đèn thêm phần sôi đọng:

“Tùng dinh dinh cắc tùng dính dính.

Tùng dinh dinh cắc tùng dính dính.

Em rước đèn này đến cung trăng.

Tùng dinh dinh cắc tùng dính dính.

Tùng dinh dinh cắc tùng dính dính.

Em rước đèn mừng đón chị Hằng”.

 



Bài hát được kết thúc bằng một cảnh “phá cỗ Trung thu” với các món “tủ” trong ngày Tết của thiếu nhi:

“Tết Trung thu bánh quà đầy mâm.

Em bé nhà ưa đứng quây quần.

Đòi hạt sen bánh dẻo đầy mâm.

Em muốn ăn bốn năm ba phần.

 

“Ngọt thơm như bánh dẻo bánh nướng.

Ngọt cay như mứt gừng mứt bí.

Ăn mát lòng lại thấy vui thêm.

Hạt dưa nghe cắn nổ lốp đốp.

Người vui hoan nói cười hấp tấp.

Bao tấm lòng mừng đón trăng rằm.”

 



“Rước đèn tháng tám” là một bài hát thiếu nhi đầy màu sắc, âm thanh và cả “ẩm thực” trong mùa Trung thu truyền thống của dân tộc ta

Chỉ tiếc một điều, bài hát đã trở thành “đồng dao” và rất ít người biết đến tác giả là Văn Thanh, thật ra là Vân Thanh, và rồi cuối cùng lại là… ông chủ Phòng trà Đức Quỳnh!

 


***

--> Read more..

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022

Viết về một người đẹp

“Nếu biết rằng em đã lấy chồng.

Anh về lấy vợ thế là xong.

Vợ anh không đẹp bằng em lắm!

Mà chỉ same same… Thẩm Thúy Hằng!”

 

Một thi sĩ vô danh nào đó đã nhại thơ TTKH để viết về người đẹp Thẩm Thúy Hằng như trên.

Năm 2012 tôi đã đề cập đến “Phim ảnh Sài Gòn xưa”, trong đó có đoạn viết về người đẹp này. Xin tham khảo tại https://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/08/phim-anh-sai-gon-xua.html có đoạn:

“Từ vai diễn đầu tiên với vai Tam Nương trong Người Đẹp Bình Dương, đóng cặp với nam diễn viên Nguyễn Đình Dần trong vai Hoàng tử, Thẩm Thúy Hằng bước lên ngôi vị nữ diễn viên khả ái nhất của màn ảnh Sài Gòn vào cuối thập niên 50 đầu thập niên 60. Có điều ít người biết là địa danh Bình Dương trong cuốn phim lại không phải là Thủ Dầu Một mà là một địa danh ở... bên Tàu.”

Đó là điều rất ít người hâm mộ Thẩm Thúy Hằng để ý đến. Hóa ra biệt danh “Người Đẹp Bình Dương” chỉ là một cái tên mượn từ tên cuốn phim đầu tiên mà cô nữ sinh Nguyễn Kim Phụng đã vượt qua hơn hai ngàn thí sinh, bước lên đài vinh quang bằng giải nhất của cuộc thi tuyển lựa tài tử cho phim.

Chưa bao giờ tỉnh Bình Dương của ta lại được nhắc đến nhiều đến vậy. Thời sự vừa đưa tin cháy tại một tiệm Karaoke ở Bình Dương khiến hơn 30 người chết rồi lại tiếp theo đó là tin “Người Đẹp Bình Dương” vừa qua đời ngày 06/9/2022, hưởng thọ 83 tuổi.

 



Thôi thì Bình Dương của ta cũng được “hưởng sái” theo Bình Dương của Tàu khi cô Phụng thấy một trang báo có đăng quảng cáo cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh của hãng phim Mỹ Vân. Dấu cha mẹ, cô nữ sinh Phụng, khi đó mới 16 tuổi, học lớp Đệ Tứ, ghi tên dự tuyển và trở thành “Người Đẹp Bình Dương”.

Đó lả chuyện xưa hồi cuối năm 1957, khi bộ phim “Người Đẹp Bình Dương” được trình chiếu vào dịp Noel và năm mới 1958 với một chiến lược quảng cáo rầm rộ. Bộ phim đã thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo khán giả và đồng thời giới thiệu một gương mặt mới của nền điện ảnh miền Nam: Thẩm Thúy Hằng.

 



Viết về sự nghiệp điện ảnh lẫy lừng của Thẩm Thúy Hằng thì đã có hàng trăm bài ca tụng nên tôi không bàn đến nữa. Tuy nhiên, ở “giai đoạn hai” của cuộc đời người đẹp hình như người ta quên không nói đến. Có thể vì ít thông tin về cuộc đời “khép kín” của bà sau 1975.

Hồi đó (sau năm 1975) tôi có thời gian viết cho báo Vietnam Investment Review (VIR) và có cơ hội gặp gỡ ông Nguyễn Xuân Oánh khi ông ngỏ ý muốn hàng tuần tôi viết cho 4 trang “Newsletter” để cập nhật cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Dĩ nhiên là có “thù lao”!

Công việc này xem ra quá dễ vì tôi chỉ có mỗi một việc trích ra những tin nóng hổi về đầu tư trên VIR để truyền tải thông tin đến các nhà đầu tư đang có mặt tại Việt Nam. Ông Oánh khi đó có một công ty tư vấn đầu tư nên việc gửi “Newsletter” đến họ rất quan trọng. Trong bài viết đã dẫn năm 2012 có đoạn:

“Thẩm Thúy Hằng kết hôn với giáo sư tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh. Ông Oánh tốt nghiệp đại học Harvard và đã từng làm Phó thủ tướng kiêm Thống đốc Ngân hàng Việt Nam Cộng hòa. Sau năm 1975, ông làm cố vấn kinh tế cho Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông mất ngày 29/08/2003 vì bệnh về tim mạch, hưởng thọ 82 tuổi.”

 



Đó là mối quan hệ giữa bà Thẩm Thúy Hằng và ông Nguyễn Xuân Oánh mà tôi được biết. Bỏ qua chuyện chính trị đi hay ở lại sau năm 1975, tôi chỉ muốn viết về cuộc đời của bà, một người đẹp của nền điện ảnh Sài Gòn.

Chỉ có một điều đáng tiếc là trong “giai đoạn hai” của cuộc đời, bà Hằng sống ẩn dật như một “cư sĩ”, không màng đến những chuyện xảy ra xung quanh. Bà sống rất “kín tiếng”, hàng ngày niệm Phật, ngồi thiền và ăn chay trường.

Có người lại suy đoán bà là “nạn nhân” của “dao kéo giải phẫu thẩm mỹ” nên về già mới xuất hiện những dấu tích của các cuộc giải phẫu.

 



 Bài viết đã dẫn có một câu kết:

“Tôi nghĩ, trường hợp một nữ tài tử tài sắc vẹn toàn như Thẩm Thúy Hằng là quá hiếm trong nền điện ảnh Việt Nam. Cô đã trở thành ‘người của công chúng’ và giữ được cảm tình của nhiều người cho đến cuối đời với một cuộc sống đạo đức, đáng phục.”

 



 *** 

--> Read more..

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2022

Tuệ Sỹ - Nhà tu “phi phàm”

Hai chữ “phi phàm” tôi mượn từ Bùi Giáng, nhà thơ dưới mắt nhiều người vẫn thường thắc mắc không biết là “Điên hay Tiên”. Bùi Giáng kể lại một câu chuyện giữa ông và nhà tu Tuệ Sỹ như sau:

“Ông viết văn quá nghiêm túc, những sở tri của ông về Phật học quả thật quảng bác vô cùng. Thấy ông vẻ người khắc khổ, không ai ngờ rằng linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u.... Một bữa ông đọc cho tôi nghe hai câu thơ chữ Hán của ông:

“Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy

Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi”

“Ông bảo làm sao tiếp cho hai câu để nên một bài tứ tuyệt. Tôi đề nghị với ông nên nhờ ni cô Trí Hải tiếp giùm. Ông ngượng nghịu bảo tôi đừng nên rỡn đùa như thế. Vậy tôi xin lai rai thử viết:

“Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy

Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi

Phiêu bồng tâm sự tân toan lệ

Trí Hải đa tàm trúc loạn ty”

“Và xin ông chả nên lấy thế làm bực mình. Nhưng ai có ngờ đâu nhà sư kín đáo e dè kia, không hề bao giờ có vướng lụy, lại còn mang một nguồn thơ Việt phi phàm?

(hết trích)

 

Nhà thơ Bùi Giáng chuyện trò với một nhà sư

 

Theo lời kể của Bùi Giáng, ông còn nói với Tuệ Sỹ: “Đại Sư nên gác bỏ viết sách đi. Và làm thơ tiếp nhiều cho. Nếu không thì nền thi ca Việt mất đi một thiên tài quá lớn”.

Câu trả lời của Tuệ Sỹ khiến nhà thơ “Bàng Dúi” hoảng hồn, hoảng vía: “Để về hỏi lại cô Trí Hải xem có đúng như lời thế chăng?”

Cũng cần phải nói thêm về ni cô Trí Hải. Thích nữ Trí Hải (1938-2003) là một trong những giảng viên đầu tiên giảng dạy tại Thiền viện Vạn Hạnh và Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, từng làm Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Bà cũng là một tác gia và dịch gia Phật giáo.

 

Chân dung Thích nữ Trí Hải (1938 – 2003)

 

Trở lại với Hòa thượng Tuệ Sỹ, tên thật là Phạm Văn Thương, người gốc Quảng Bình nhưng lại sinh tại Paksé, bên Lào. Ông là một học giả uyên bác về Phật giáo, nguyên giáo sư thực thụ của Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn, nhà văn, nhà thơ, dịch giả và là một người bất đồng chính kiến với Chính phủ Việt Nam.

Ngày 1/4/1984, ông bị bắt cùng với Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát). Tổ chức Ân xá Quốc tế tin rằng nguyên nhân việc bắt giữ hai nhân vật này vì họ là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vào thời điểm chính quyền Việt Nam đang cố gắng kiểm soát hội Phật giáo.

Đầu năm 1978, ông bị đưa đi học tập cải tạo 3 năm, đến năm 1981 thì được trả tự do. Tháng 9/1988, ông và Lê Mạnh Thát bị tuyên án tử hình vì tội hoạt động lật đổ chính quyền. Tháng 11/1988, sau một cuộc vận động giảm án, bản án được giảm xuống còn tù chung thân.

Ngày 1/9/1998, ông được thả tự do từ trại Ba Sao-Nam Hà  tại miền Bắc. Trước khi thả, nhà cầm quyền yêu cầu ông ký vào lá đơn xin khoan hồng để gửi lên Chủ tịch nước, ông trả lời: “Không ai có quyền xét xử tôi, không ai có quyền ân xá tôi!”.

Công an nói không viết đơn thì không thả, nhưng ông vẫn không viết và bắt đầu tuyệt thực. Cuối cùng thì chính quyền đã phải phóng thích ông sau 10 ngày nhà tu tuyệt thực. Một năm sau đấy, cũng vì lý do tiếp tục hoạt động trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, ông cùng thầy Thích Quảng Độ bị đe dọa giam giữ và bị công an triệu tập tra hỏi.

 

Chân dung Hòa thượng Tuệ Sỹ

 

Tin mới nhất cho biết nhà tu Tuệ Sỹ hiện đảm nhận chức vụ Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong tình hình Phật giáo đang bị thao túng bởi một giáo hội “quốc doanh” do nhà nước kiểm soát với định hướng “Đạo Pháp - Dân tộc - Xã hội Chủ nghĩa”.

Sau khi lãnh đạo cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là Hoà thượng Thích Quảng Độ - đức Đệ ngũ Tăng Thống - qua đời vào ngày 22/2/2020, Giáo hội vẫn chưa có đức Tăng Thống mới. Vì vậy, chức Chánh Thư Ký Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống hiện là chức vụ cao nhất của Giáo hội.

 

Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư ký Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

 

Kể từ khi có “giáo hội quốc doanh”, Phật giáo nổi lên với hiện tượng các nhà sư hùng cứ tại những địa phương nên mới có câu “Nam Nhật Từ, Bắc Thái Minh” (Thích Nhật Từ trụ trì tại chùa Giác Ngộ, phía Nam và Đại đức Thích Trúc Thái Minh, chùa Ba Vàng, miền Bắc). Ngay chính “giáo hội quốc doanh” cũng tỏ ra “không thể kiểm soát” được những giáo hội địa phương!

(Tham khảo bài viết “Nam Nhật Từ, Bắc Thái Minh” tại:

https://chinhhoiuc.blogspot.com/2022/09/nam-nhat-tu-bac-thai-minh.html)

 

Nhà tu Tuệ Sỹ: Người gầy đét trên quê hương điêu tàn

 

Đời sống như một quán trọ, khách trọ đến rồi đi. Sanh rồi tử, muôn trùng, thăm thẳm, vô biên, vô tận. Con người đắm chìm trong cái quán trọ đó mà sinh ra đủ thứ chuyện để làm ngăn nẻo về của những bước chân viễn mộng.

Vậy thì, bị ngăn nẻo về, không về được nên quay lại để sống với chính mình. Đóng cửa phòng, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nhịn đói, tuyệt thực. Ngày chỉ uống nước chanh pha đường. Có lúc xỉu trên bàn vì đói. Nhà sư đã thốt lên những câu thơ ai oán:

“Ta cưỡi kiến đi tìm tiên động

Cõi trường sinh đàn bướm dật dờ

Cóc và nhái lang thang tìm sống

Trong hang sâu con rắn nằm mơ”

(“Giấc Mơ Trường Sơn” - An Tiêm, tr. 68, 2002)

Tuệ Sỹ, một nhà tu sinh năm 1943, chỉ cao 1.59m, cân nặng 39,5kg, ... nhưng trong ông tiềm tàng một năng lực “phi thường” (chữ của nhà thơ Bùi Giáng). Ông đã từng được tổ chức Human Rights Watch trao giải thưởng tranh đấu cho nhân quyền Hellman-Hammet Awards vào năm 1998. 

Người ta tự hỏi, không biết “nhà tu gầy còm, ốm yếu có thể làm gì trong cơn “pháp nạn” của Đạo Phật?

 


Tác phẩm của Nguyễn Hiền Đức: “Tuệ Sỹ - Viên Ngọc Quý”
(Nhà xuất bản Văn học Phật giáo - Thư viện Hoa Sen

*** 
--> Read more..

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2022

Nói & Nghe… Tuổi Già

Người ta thường nói: “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Bài viết này chỉ xin đề cập đến vế thứ nhất: người già Nói và Nghe những gì?

Tôi là người già, sinh năm 1946, nhưng lại không phải là bác sĩ nên câu chuyện của tôi chẳng có tính cách khoa học chút nào mà chỉ dựa vào kinh nghiệm của bản thân. Nếu có gì không phải xin quý vị niệm tình, người già thường… “ăn nói không đâu vào đâu”!

 



Hồi còn trẻ, có đôi khi ta nghĩ về cha mẹ, ông bà “già rồi nên đâm ra lẩm cẩm”. Nghĩ thôi chứ ít khi nói ra vì còn ngại câu “kính lão đắc thọ”.

Bây giờ cũng thuộc nhóm “đắc thọ” lại đâm ra thắc mắc… không biết mình có nghĩ điều gì sai không mà con cháu có vẻ như “phớt lờ” ông bà cụ, nhiều khi nói chẳng đứa nào nghe, tựa như… nước đổ đầu vịt!

Tuy nhiên, khi người già nói, người trẻ vẫn nghe nhưng điều quan trọng là có thực hành hay không. Trẻ có tính “ngang bướng”, thích làm theo ý của mình nên đến khi trưởng thành ít khi làm theo ý người khác, dù đó là bậc cha mẹ hay thậm chí là cả ông bà.

 



Tôi biết có những gia đình không chấp nhận cuộc hôn nhân của con cháu nhưng ở vào thời buổi này, lấy vợ lấy chồng hoàn toàn tùy thuộc vào các cô, các cậu. Mà nghĩ cho cùng, hạnh phúc là của riêng vợ chồng chứ làm gì có chuyện “áo mặc không qua khỏi đầu”, lấy người theo ý “bề trên”?

Nói như vậy không phải là khẳng định ý kiến của người già bao giờ cũng đúng, nhưng có điều phải công nhận: người già đều có ý tốt khi khuyên con cháu, ít ai lại “xúi bậy” để rồi được thấy con cháu phải khổ vì làm theo ý của mình. “Nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi” và đó là đạo lý muôn đời, không bao giờ thay đối!

 



Bây giờ lại nói sang chuyện “nghe”. Không phải là cứ lớn tuổi là không cần nghe những ý kiến của người nhỏ tuổi. “Nhân vô thập toàn” nên không ai có thể tự nhận mình là người hoàn hảo. Trong trường hợp này, tuổi tác chỉ đóng một vai trò rất nhỏ trước những ý kiến xây dựng.

Người già thường có ý bảo thủ, cho rằng mình luôn luôn đúng. Con khuyên cha nên uống nhiều nước để tăng cường sức khỏe lúc về già, đó là điều hợp lý. Bố mẹ già cũng nên coi đó là lời khuyên mang tính cách xây dựng chứ không phải mang ý nghĩa... “dậy khôn”.

Phải “biết nghe” dù trên đầu đã hai thứ tóc. Đừng bao giờ nghĩ lời khuyên của con cháu là “trứng khôn hơn vịt”, trái lại phải biết trân trọng ý tốt của chúng. Có như thế, cuộc sống của người già sẽ thêm niềm vui vì biết rằng con cháu luôn săn sóc đến từng miếng ăn, giấc ngủ cho mình!

 



Mỗi người đều có một cuộc sống riêng nhưng không thể tách rời cuộc sống của mình với những người thân xung quanh. Tuổi già chẳng khác gì một ngọn đèn leo lét. Chừng nào còn dầu, hãy giữ cho ngọn đèn đó tỏa sáng bên những người thân.

Rồi một ngày nào đó, chúng ta sẽ ra đi trong thanh thản… để lại sau lưng cuộc sống vô thường!

 *** 

--> Read more..

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2022

Tôi đi học !

“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường.

“Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học…”

(Thanh Tịnh)

 

Bút tích của Thanh Tịnh trong truyện ngắn “Tôi đi học”

 

Hôm nay là ngày khai giảng niên khóa 2022-2023 nhưng sao bỗng thấy chạnh lòng khi đọc tin Quận Hoàng Mai, Hà Nội, vừa tổ chức để phụ huynh bốc thăm suất học cho trẻ 3 tuổi tại Trường mầm non Hoàng Liệt năm học 2022-2023.

Phiếu trúng tuyển có dòng chữ: “Chúc mừng bé đã trúng tuyển vào trường” và phiếu không trúng tuyển ghi: “Rất tiếc bé không trúng tuyển vào trường”.

 

Lá thăm may mắn: trúng tuyển vào lớp mẫu giáo

 

Lá thăm xui xẻo… dành cho các bé không trúng tuyển

 

Đọc tin mà thấy xót xa. Vô mầm non mà còn căng thẳng hơn thi đại học. Phụ huynh giờ đây không chỉ chịu áp lực trong việc nuôi con khôn lớn mà còn phải vật lộn với việc tìm một cơ sở giáo dục cho các bé! Mong đơn vị quản lý giáo dục sớm tìm được giải pháp.

Giáo dục là nền tảng cho mọi sự phát triển mà phải bốc thăm may rủi thế này ư? Rồi với những gia đình có thu nhập thấp, không đủ điều kiện gửi trẻ ở trường tư thì chẳng lẽ cho các cháu ở nhà hay sao. Nghĩ mà buồn!

 

***

 

Đọc lại “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh sau khi ra đời năm 1941 truyện ngắn vẫn mãi lay động lòng người. Ông đã sống mãi cùng bao thế hệ học trò Việt Nam, những câu văn trong truyện đã được trích dẫn và truyền tụng quá nhiều trong việc ca ngợi buổi đi học đầu tiên trong ngày tựu trường.

 

Nhà văn - Nhà giáo Thanh Tịnh (1911-1988)

 

Nhà văn và cũng là nhà giáo Thanh Tịnh (1911-1988), người xóm Gia Lạc, ven sông Hương, ngoại ô thành phố Huế. Nhà văn Huy Cận, kém Thanh Tịnh 8 tuổi, cũng có những kỷ niệm của những ngày đi học:

“Tôi còn nhớ mấy ngày đầu đến nhà bác Thự, tôi lười học, cứ trốn về nhà. Sau đó mẹ tôi và chú tôi phải trói tôi lại, gánh tôi bằng một cây tre như gánh lợn đi chợ, mẹ đi trước, chú đi sau, đến giao cho bác Thự…”

Nhà văn Thế Lữ trong Tự lực Văn đoàn, người hơn Thanh Tịnh 4 tuổi, cũng kể chuyện đi học như một “hình phạt”:

“Lên tám tuổi, tôi học chữ nho. Tôi sợ phải đòn, trốn học, thầy đồ sai học sinh, có khi trói tay trói chân tôi, cho đòn càn gánh về. Tôi càng sợ. Mười tuổi mới học quốc ngữ với ông bác họ. Ông ít đánh…”

Cái cảnh “tôi đi học ” còn được thấy trong các sách tập đọc tiếng Pháp thông dụng tại các trường Cao đẳng tiểu học thời Thanh Tịnh, như một đoạn trích văn Anatole France (1844-1924), giải Nobel năm 1921. Từ tập truyện “Cuốn sách của bạn tôi” (Le Livre de mon ami, 1885), ông viết:

“Tôi sẽ kể cho các bạn nghe, hằng năm tôi nhớ lại những gì, với bầu trời thu vần vũ, những bữa cơm chiều bắt đầu phải lên đèn, và lá úa vàng trên cành cây run rẩy; tôi sẽ kể bạn nghe, tôi thấy lại những gì khi đi ngang công viên Lục Xâm Bảo, những ngày đầu tháng mười, bầu trời buồn và đẹp hơn bao giờ hết; vì đây là mùa lá rụng từng chiếc trên vai những pho tượng trắng hếu. Tôi thấy lại, trong công viên, hình ảnh chú bé con, tay thọc túi quần, lưng đeo túi sách, đi đến trường, nhảy nhót chân chim…”

 

Ngày xưa... Tôi đi học

 

Đi học ngày xưa là như thế. Tuổi nhỏ ham chơi nên việc đi học đôi lúc lại trở thành một “cực hình” đối với học trò!

Thế mà ngày nay, đi học dù chỉ là mẫu giáo đã biến thành một cuộc “xổ số”, không hơn không kém!

 

Lớp học ngày xưa

 

***

 * Đọc “Tôi đi học – Thanh Tịnh” tại

http://xuandienhannom.blogspot.com/.../toi-i-hoc-thanh...


 ***

--> Read more..

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2022

Nam Nhật Từ, Bắc Thái Minh

Ngày xưa, trước năm 1975, người đọc tiểu thuyết kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung thường nhắc đến hai nhân vật sừng sỏ, khét tiếng trong giới võ lân là Mộ Dung và Kiều Phong nên mới có câu ví von “Nam Mộ Dung, Bắc Kiều Phong”. Họ là hai anh hùng hoạt động ở phía Nam và Bắc nước Tàu.

Trong “Thiên long bát bộ”, Mộ Dung Phục, là một cao thủ văn võ toàn tài, nổi tiếng ở Giang Nam còn Kiều Phong là bang chủ Cái bang, một trong những hình tượng anh hùng đẹp nhất và cũng bi kịch nhất trong truyện của Kim Dung. Đến khi ân oán giang hồ được đền trả, các anh hùng đều xuất gia đầu Phật.

Ngày nay, thế sự đổi dời lại cũng có hai nhân vật thuộc hàng “cao tăng” được nhắc đến một cách mỉa mai, bỡn cợt. Thay vì “Nam Mộ Dung, Bắc Kiều Phong” của Kim Dung, cộng đồng mạng đã đổi thành “Nam Nhật Từ, Bắc Thái Minh”.

Cả hai vị đều là những những bậc tu hành, tuy chưa đắc đạo nhưng đã được “đoàn thể hóa theo hệ thống nhà nước” để trở thành lãnh đạo tinh thần, chăm lo và hướng dẫn tín đồ theo một đường lối “đổi mới” chưa từng có trong lịch sử Phật Giáo.

Trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay, có Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ, hùng cứ tại phía Nam với các chức vụ quan trọng như Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế, Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM…

 

Thuợng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ

 

Vị sư này trụ trì tại chùa Giác Ngộ (TP. HCM), chùa Quan Âm Đông Hải (Sóc Trăng), chùa Tượng Sơn (Hà Tĩnh), chùa Linh Xứng (Thanh Hóa). Theo lý lịch, ông giác ngộ chân lý Phật vào năm 1983, sau thời gian đi chùa Long Huê, Quận Gò Vấp và Chùa Đại Giác, quận Phú Nhuận, ông xuất gia vào năm 1984 tại chùa Giác Ngộ, thọ giới tỳ kheo năm 1988.

Nhà sư du học tại Ấn Độ năm 1994, tốt nghiệp thạc sĩ triết học năm 1997 và tiến sĩ triết học năm 2001. Tháng 12/2010, ông chính thức được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong lên hàng giáo phẩm Thượng tọa sớm hơn ba năm so với quy định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Do những đóng góp to lớn đối với nền giáo dục Phật giáo, nhà sư được trao tặng 5 bằng Tiến sĩ Danh dự của các trường đại học ở nước ngoài tại Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia, Tích Lan và Hoa Kỳ.

Thích Nhật Từ kêu gọi tăng ni và Phật tử hãy quay trở về với “Đức Phật Gốc”, thực tập và truyền bá "Tứ Thánh Đế" (thừa nhận khổ đau, truy tìm nguyên nhân, trải nghiệm niết bàn và thực tập bát chánh đạo), thay vì phải tiếp tục bị ảnh hưởng bởi phương pháp Phật học của Trung Quốc theo phong cách tổ sư.

Ông cũng có trang Facebook “tick xanh” https://www.facebook.com/ThichNhatTu với hơn 1 triệu người follow trên trang Hùn Phước Xây Chùa “Chùa Quan Âm Đông Hải” ở Sóc Trăng.

 

Trang Facebook của Thượng tọa Thích Nhật Từ

 

Trên đây là những điều tích cực xuất phát từ những nguồn thông tin của chính Thượng tọa hoặc những người ủng hộ ông. Ở một khía cạnh khác, Thích Nhật Từ lại bị phê phán trên cộng đồng mạng vì những ứng xử bị coi là “tiêu cực” và “sân si”. Nổi bật nhất là sự đụng chạm đến “cư sĩ” Lê Tùng Vân, tuổi đời đã ngoài 90.

Cuối năm 2019, khi sự việc liên quan đến Tịnh thất Bồng Lai của “Thầy Ông Nội” Lê Tùng Vân (sau được đổi tên là Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ) gây xôn xao dư luận, Thượng tọa Thích Nhật Từ lần đầu lên tiếng về những vấn đề nhức nhối bên trong Thiền am:

"Thực tế, từ năm 2017, Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên và Huyền Trân từng đến chùa Giác Ngộ nhờ tôi tư vấn sau vụ lùm xùm thi hát Bolero trên Đài truyền hình Vĩnh Long. Vào cuối năm 2019, những nghi vấn về việc "không có chú tiểu thật", "trẻ mồ côi"… tại Tịnh thất Bồng Lai xảy ra, tôi vẫn cố gắng cho họ một con đường để sửa đổi.”

Nhiều YouTuber đã cắt ghép bài nói chuyện của sư trong năm 2017 và 2019 cho thấy sự khác biệt rằng ông đã nói "2 lời", lúc bênh, lúc phê phán "Thầy Ông Nội". Đã có hơn 4000 video nói về Tịnh thất Bồng Lai, chia làm hai nhóm ủng hộ và phản đối.

Khi Thượng tọa lên tiếng về vấn đề "giả sư", có dư lận cho rằng ông đã xúc phạm, muốn "giết chùa", chà đạp quyền tự do tín ngưỡng. Trên danh nghĩa, ông Lê Tùng Vân chỉ là một cư sĩ tại gia cho nên người ta nghĩ rằng ông Thích Nhật Từ… “ngu như bò”!

Trong video có tên "Thiền am chính thức lên tiếng" được đăng tải trên kênh YouTube có hơn 2 triệu lượt theo dõi, hai chú tiểu Minh Tâm và Pháp Tâm đã ra mặt nói về chuyện tu thật-tu giả này:

"Trời ơi, mình tu là để tập cho mình từ bi bác ái giống Đức Phật, mà cũng phải chờ người ta công nhận hay sao? Chẳng lẽ, người ta không công nhận, thì mình không được tu, không được từ bi bác ác hả trời?”

Tháng 7/2022, phiên tòa xử xử vụ án liên quan đến "Tịnh thất Bồng Lai" đi đến kết luận với bản án cư sĩ tại gia Lê Tùng Vân 5 năm tù, 3 bị cáo Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương cùng mức án 4 năm tù, Lê Thanh Nhị Nguyên 3 năm 6 tháng tù và bị cáo Cao Thị Cúc mức án 3 năm tù.

Tội danh được thành lập: các bị cáo đã dùng mạng xã hội YouTube đăng các clip sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm đến uy tín, danh dự của Công an huyện Đức Hòa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An và ông Trần Ngọc Thảo (Thượng tọa Thích Nhật Từ) cùng tội danh lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Nói lời sau cùng tại tòa, các bị cáo phủ nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và kêu oan. Ngày 29/7, bị cáo Lê Tùng Vân nộp đơn kháng cáo bản án và như vậy cuộc chiến pháp lý sẽ còn hứa hẹn nhiều diễn biến trong thời gian tới!

 

“Thầy Ông Nội” Lê Tùng Vân và Thượng tọa Thích Nhật Từ

 

Tại miền Bắc có Đại đức Thích Trúc Thái Minh, sinh năm 1967, trụ trì chùa Ba Vàng, Uông Bí, Quảng Ninh từ năm 2007. Ông khẳng định “Thuyết oan gia trái chủ” hoàn toàn có thật và chùa Ba Vàng có lễ giải oán kết, giải oan gia:

"Vong linh đi theo báo oán, báo thù rất nhiều, tác động vào chúng ta. Chùa ta có pháp thỉnh oan gia trái chủ để giải những oán kết này. Việc thỉnh giải oan gia trái chủ chỉ có đức của Phật từ bi mới làm được…”

Ngày 26/03/2019, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tiến hành họp kín và ra quyết định đình chỉ tất cả mọi chức vụ trong giáo hội đối với Đại đức Thích Trúc Thái Minh đồng thời phải sám hối đại tăng.

Ngày 12/7, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra nghị quyết bãi nhiệm tất cả chức vụ của Thích Trúc Thái Minh trong Giáo hội, bao gồm: Ủy viên dự khuyết Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Phó ban Thông tin truyền thông của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Phó ban thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lai Châu; Ủy viên thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh.

Có điều sư Thích Trúc Thái Minh vẫn đảm nhiệm chức vụ trụ trì chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh. Gần đây nhất, Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Bình xác nhận, đơn vị vừa có thông cáo báo chí liên quan đến việc Đại đức Thích Trúc Thái Minh đươc thuyên chuyển về tham gia Ban Trị sự Giáo hội phật Giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2022-2027.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh thừa nhận, sự việc “thỉnh vong” tại chùa Ba Vàng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới Phật giáo. Ông gửi lời xin lỗi tới nhân dân, tăng ni, phật tử, tín đồ trên cả nước; xin lỗi lãnh đạo các cấp và báo chí đã vất vả ngược xuôi vì sự việc này!

 

Trụ trì chùa Ba Vàng, Thích Trúc Thái Minh, làm lễ cúng dường hôm 7.8.2022

 

Ngày 20/3, báo chí phản ánh chùa Ba Vàng tổ chức "thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ" thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Ngày 21/3, Bộ Văn hóa yêu cầu địa phương làm rõ sự việc; Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị địa phương chấn chỉnh việc thuyết giảng "vong báo oán". Vụ bê bối này khởi nguồn từ một phóng sự điều tra của báo Lao Động đăng tải ngày 20/3.

Năm 2007, Đại đức Thích Trúc Thái Minh về làm trụ trì chùa Ba Vàng. Tháng 1/2011, để đáp ứng nhu cầu tu học của tăng ni, phật tử và hoằng dương Phật pháp, ngôi chùa một lần nữa được khởi công xây dựng với quy mô to lớn, khang trang.

Sau hơn 3 năm xây dựng, ngày 9/3/2014 chùa Ba Vàng tổ chức Lễ khánh thành và nhận bằng kỷ lục "Ngôi chùa trên núi có Chính Điện lớn nhất Đông Dương". Đại đức Thích Trúc Thái Minh được đánh giá là người có công lớn trong việc huy động nguồn lực xã hội hoá để xây dựng cơ ngơi chùa to đẹp như hiện nay. Ước tính, với quy mô hiện tại, nhà chùa đã phải tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng vào việc trùng tu, xây dựng.

 

Chùa Ba Vàng, Quảng Ninh

 

Những phản ánh của báo Lao Động thu hút sự quan tâm của dư luận, nhiều người dễ dàng tìm ra những clip rao giảng của Đại đức Thái Minh và người phụ nữ tên Phạm Thị Yến (pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán) trên các trang Facebook và YouTube của nhà chùa. Trong những clip này, bà Yến đã đưa ra nhiều thông tin phản khoa học, trái giáo lý nhà Phật.

Trong một clip khác, Đại đức Thái Minh khẳng định: “Phật dạy chúng ta biết bố thí và cúng dường. Mình cúng để giải bệnh, giải nghiệp của mình mà mình lại còn kêu sao? Phật dạy các phật tử mất tiền đấy! Phải mất tiền mới có phúc. Phật dạy bố thí đứng đầu trong lục độ!”

Đã có nạn nhân bị chùa Ba Vàng đòi hàng trăm triệu đồng để “giải nghiệp”. Trong lúc “thỉnh vong” luôn có một thư ký bên cạnh, ghi lại lời “vong” nói và số tiền người “thỉnh” phải trả. Việc “thỉnh vong” là hoàn toàn không đúng với giáo lý nhà Phật, nó dẫn dắt con người đi theo con đường mê tín.

 

Bà Phạm Thi Yến (pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán), Chùa Ba Vàng

 

Chưa bao giờ Đạo Phật lâm vào tình trạng lùm xùm như hiện nay ở cả hai miền Nam-Bắc. Thêm vào đó, tình trạng sư sãi công khai tấn công nhau trên cộng đồng mạng trong một cuộc “đại chiến của các sư tăng”.

Thích Nhật Từ phê phán Thích Trúc Thái Minh về chuyện cúng dường ở chùa Ba Vàng:

“Cũng không thể trách được Phật tử vì họ không biết các quy định của Đức Phật như thế nào. Còn với những người có nghiên cứu về giới luật Phật giáo sẽ thấy rằng, việc cúng dường như vậy là không phù hợp”.  

Thế cho nên, hình ảnh trong tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung “Nam Mộ Dung, Bắc Kiều Phong” một lần nữa được thay bằng hai nhân vật “Nam Nhật Từ, Bắc Thái Minh” đã nói lên tình trạng bát nháo về tôn giáo tại Việt Nam.

 

Tranh vui “Tăng chiến chùa quốc doanh”

 *** 

--> Read more..

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2022

Nguyễn Vỹ viết về "Hai sắc hoa ti-gôn"

Lời dẫn truyện:

Nhà báo, nhà thơ Việt Nam thời tiền chiến Nguyễn Vỹ (1912-1971) còn có các bút hiệu khác như Tân Phong, Tân Trí, Lệ Chi, Cô Diệu Huyền.

Năm 1937, Nguyễn Vỹ sáng lập tờ Việt-Pháp lấy tên là “Le Cygne” (Bạch Nga). Báo này ngoài Nguyễn Vỹ còn có nhà văn nổi tiếng bấy giờ là Trương Tửu cộng tác. Sau do Nguyễn Vỹ có viết nhiều bài viết chỉ trích đường lối cai trị của người Pháp nên tờ báo bị đóng cửa, bị rút giấy phép vĩnh viễn. Còn bản thân ông bị kết tội phá rối trị an và phá hoại nền an ninh quốc gia, bị tòa án thực dân tuyên phạt 6 tháng tù và 3.000 quan tiền.

Năm 1945, thế chiến thứ hai chấm dứt, Nguyễn Vỹ ra tù, sáng lập tờ báo Tổ Quốc tại Sài Gòn, trong ấy có những bài công kích chính quyền đương thời nên chỉ ít lâu sau, báo này cũng bị đóng cửa. Nguyễn Vỹ lại cho ra tờ Dân chủ xuất bản ở Đà Lạt, chống chính sách quân chủ lập hiến của Bảo Đại. Tồn tại chẳng bao lâu, đến lượt tờ báo trên cũng bị đình bản.

Đến năm 1958, ông đứng ra chủ trương bán nguyệt san Phổ Thông, chú trọng về nghệ thuật và văn học, tạp chí này được kể là có nhiều uy tín đối với làng báo miền Nam. Ngoài ra, ông còn cho ra tuần báo Bông Lúa, tuần báo thiếu nhi Thằng Bờm. Ngày 4/2/1971, ông qua đời do tại nạn xe hơi trên đoạn đường Tân An (thuộc tỉnh Long An) – Sài Gòn, hưởng dương 59 tuổi.

Bài thơ "Hai sắc hoa Ti-gôn" của TTKH được đăng trên Tiểu thuyết Thứ Bảy, số 179, ra ngày 30/10/1937 đã trở thành một "nghi án" với nhiều giả thuyết vế tác giả cũng như các nhân vật có liên quan.

Tôi đã có bài viết về "nghi án" này với tư cách là một “kẻ không liên quan” (https://chinhhoiuc.blogspot.com/2021/09/nghi-ttkh.html)... nhưng gần đây, trên trang Facebook của Bùi Bảo Sơn lại có đăng bài của Nguyễn Vỹ với những chi tiết rất gần gũi với các nhân vật trong chuyện “Hai sắc hoa Ti-gôn”. Xin trích ra đây bài viết này để... rộng đường dư luận!

NNC

 

Nhà văn-Nhà thơ Nguyễn Vỹ (1912 – 1971)

 

NGUYỄN VỸ - viết về Thâm Tâm và TTKH

Năm 1936-37 xuất hiện ở phố Chợ Hôm, ngoại ô Hà Nội, một nhóm văn sĩ trẻ với bút hiệu Trần Huyền Trân, Thâm Tâm và một vài người khác nữa. Ít ai để ý đến họ. Có lẽ vì họ là những người còn quá trẻ: Huyền Trân và Thâm Tâm mới 18, 19 tuổi, mới bắt đầu viết văn, chưa có gì đặc sắc. Lớp văn sĩ đi trước không chú ý đến họ. Nhưng họ dễ thương, vui vẻ, hồn nhiên, an phận ở một vị trí khiêm tốn, chẳng thân với ai, cũng chẳng làm phiền lòng ai. Họ sống một thế giới riêng của họ, không chung đụng với những nhóm đã nổi tiếng ít nhiều trong làng văn, làng báo lúc bấy giờ.

Họ có một tờ tuần báo nhỏ, lấy tên Bắc Hà ở phố Chợ Hôm, nơi đây họ làm văn nghệ với nhau, theo lối tài tử hơn chuyên nghiệp. Tờ báo bán không chạy lắm tuy có vài mục hài hước vui nhờ mấy bức vẽ của Tuấn Trình và nhiều cố gắng hứa hẹn trên bình diện văn chương. Hăng hái nhất và đóng vai chủ động trong tờ báo là Trần Huyền Trân.

Thâm Tâm, biệt hiệu của Tuấn Trình, vẽ nhiều hơn viết, thỉnh thoảng đăng một vài bài thơ, vài mẩu chuyện ngắn. Đôi khi thấy xuất hiện trên mặt báo vài ba bài thơ có tính cách ca dao ái tình của Nguyễn Bính, học sinh lớp Nhất, trường tiểu học Hà Đông.

Tuy không chơi thân, tôi quen biết Trần Huyền Trân khá nhiều, vì anh ta ở trọ một căn nhà trong ngõ Khâm Thiên, gần Ô Chợ Dừa. Thường đi một con đường nên chúng tôi gặp nhau và quen nhau. Đôi khi Trần Huyền Trân nhờ tôi viết bài cho tuần báo “cho vui” vì không có tiền nhuận bút. Để tỏ tình thông cảm văn nghệ, tôi có viết một truyện ngắn khôi hài và chỉ có một lần. Trong một số báo đặc biệt mùa hè, Tuấn Trình vẽ một cặp Bạch Nga bơi trên Hồ Hoàn Kiếm và ghi ở dưới: Nguyễn Vỹ và Mộng Sơn.

Tôi quen biết Tuấn Trình do Trần Huyền Trân giới thiệu. Nhà anh ở Chợ Hôm, cách chợ độ ba bốn trăm thước. Anh đẹp trai, y phục lúc nào cũng bảnh bao, người có phong độ hào hoa, lịch thiệp. Tôi thấy ở Sài Gòn có anh Hoàng Trúc Ly, nhà văn, giống na ná Tuấn Trình về dáng điệu cũng như tính tình, tư cách. Nhiều khi gặp Hoàng Trúc Ly trên đường Bonard Sài-Gòn, tôi quên lửng, cứ tưởng gặp Tuấn Trình trên phố Chợ Hôm, Hà Nội.

 

Nhà thơ – Họa sĩ Thâm Tâm, Tuấn Trình (1917-1950)

 

Một buổi chiều gần tối. Tuấn Trình đi lang thang gần chợ Khâm Thiên. Tôi từ Hà Nội về nhà, tưởng anh ta đến Trần Huyền Trân, nhưng anh bảo: “Thằng Huyền Trân nó đi đâu, không có nhà”. Tôi rủ anh về gác trọ của tôi ở cuối phố. Hôm ấy tôi có vài chục bạc trong túi, có thể làm một tiệc bánh giò chả lụa với Tuấn Trình. Tôi bảo anh ở lại ngủ với tôi cho vui. Đêm ấy cao hứng, Tuấn Trình ngà ngà say rượu Văn-Điển, kể chuyện tình của anh với cô Khánh cho tôi nghe.

Trần Thị Khánh là một cô học trò lớp Nhất trường Tiểu học Sinh-Từ. Thi hỏng, cô ở nhà giúp mẹ làm việc nội trợ. Nhà cô cũng ở đường Sinh-Từ, ngay cạnh Thanh-Giám, nơi đền thờ Khổng Tử. Thanh-Giám là một thắng cảnh Hà-Nội, đã liệt vào cổ tích Việt Nam, xây cất từ đời nhà Lý, tu bổ dưới đời nhà Lê, hình chữ nhất, chung quanh xây tường đá ong, cao độ hai thước. Đền thờ ở trong cùng, trước đền có Hồ Tròn, hai bên hồ dựng nhiều tấm bia ghi tên các tiến sĩ đời nhà Lê. Vào Thanh-Giám, có cổng Tam Quan lớn, trước cổng có tấm bia đề hai chữ Hán: “Hạ Mã”, và hai trụ cao. Trong vườn trồng rất nhiều cây cổ thụ và các cây kiểng. Nơi đây rất yên tĩnh và mát mẻ, cũng là nơi các cặp trai gái hẹn hò tâm sự. Trước kia có một bầy quạ chiều tối bay về ngủ, cho nên người Pháp gọi là “Pagode des Corbeaux” (Chùa Quạ) ngoài danh từ lịch sử “Temple de Confucius” (Đền Khổng Tử).

Cô nữ sinh Trần Thị Khánh là một thiếu nữ đẹp, nét đẹp mơm mởm của cô gái dậy thì, thùy mị, nết na, nhưng không có gì đặc biệt. Tuấn Trình có người cô, nhà ở phố chợ Cửa Nam, gần Sinh-Từ. Anh thường đến đây và thấy cô Khánh đi chợ mỗi buổi sáng. Lúc ấy vào khoảng tháng 2 năm 1936, họa sĩ Tuấn Trình (tên gọi hồi đó) mới 19 tuổi, và cô Khánh 17 tuổi, thi rớt Tiểu học và đã nghỉ học từ mùa hè năm trước. Tuấn Trình mới bắt đầu vẽ và viết chút ít trong tờ tuần báo Bắc Hà của Trần Huyền Trân vừa xuất bản.

Sau một vài tháng theo dõi, Tuấn Trình làm quen được với cô Khánh và gởi báo Bắc Hà tặng cô. Cô gái 17 tuổi, cảm mến người nghệ sĩ tài hoa, tình yêu chớm nở như cành hoa Antigone trắng vừa chớm nở trong tháng đầu hè trước sân nhà cô. Antigone là loại hoa của người Pháp đem qua hồi đầu thế kỷ, không thơm nhưng đẹp. Nó thuộc loại hoa dây, lá giống lá nho, cho nên ở miền Nam, nhiều người gọi là hoa nho. Nó có hai loại, loại hoa trắng và hoa hồng. Hoa nở vào đầu mùa hè, thành những chùm rất dễ thương, nụ hoa giống hình trái tim nho nhỏ.

Ở Hà-Nội người ta trồng rất nhiều và bán rất nhiều trong chợ Đồng Xuân, cũng như ở chợ Hoa, bờ hồ Hoàn Kiếm. Cắm nó vào lọ để phòng khách, nó buông ra một vẻ đẹp lãng mạn, khả ái lắm. Người Bắc gọi tắt hoa Ti-Gôn. Ở phố Sinh Từ Antigone mọc rất nhiều, như trước sân nhà ông Nguyễn Văn Vĩnh và Nguyễn Nhược Pháp. Nhà trọ của Lưu Trọng Lư và Lê Tràng Kiều ở phố Nam Long có cả một giàn hoa trắng và hồng. Nhưng mùa đông lá rụng hoa tàn, thì không cảnh nào tiêu sơ quạnh quẽ bằng.

Tình yêu của Tuấn Trình và Trần Thị Khánh chớm nở ngay lúc những chùm Antigone vừa hé nụ, và chết trong những ngày giữa mùa Đông năm đó, trong lúc giàn hoa Ti-gôn úa tàn, rụng ngập đầy sân. Thời kỳ mơ mộng ngắn ngủi trong mấy tháng Hè, sang hết mùa Thu, không đem lại chút thỏa mãn nào cho tâm hồn khao khát của Tuấn Trình. Chính lúc này Tuấn Trình lấy bút hiệu Thâm Tâm và cho cô Khánh biết: Hình ảnh của em, anh ghi sâu vào thâm tâm anh. Trong bài Màu Máu Ti-Gôn, cũng có câu:

“... Quên làm sao được thuở ban đầu

Một cánh ti gôn dạ khắc Sâu…”

 

Hoa ti-gôn

 

Một vài bài thơ tình thức đêm làm tặng Khánh, những bài thơ đầu tiên đăng trên tuần báo Bắc Hà, đều ký Thâm Tâm, các tranh vẽ trong báo vẫn ký Tuấn Trình. Nhưng cô gái 17 tuổi, dè dặt theo lễ giáo nghiêm khắc của gia đình, chưa thật bao giờ đáp ứng với tình yêu tha thiết của Tuấn Trình – Thâm Tâm.

Đó là điều đau khổ triền miên của chàng nghệ sĩ 19 tuổi. Trong lúc những cặp tình nhân trẻ trung dắt nhau đi du ngoạn khắp nơi thơ mộng ở Hà-Nội và ngoại ô: Hồ Tây, chùa Láng, Bạch Mai, Phúc Trang, Đền Voi Phục... thì Trần Thị Khánh cứ phải từ chối những lời mời của Thâm Tâm. Cô thường nói: “Thầy mẹ em nghiêm, gia đình em nghiêm lắm...” Lần nào cô Khánh cũng lặp lại chữ nghiêm gia giáo ấy để trả lời kỳ vọng khát khao của người yêu.

Chỉ được hai lần Khánh đến nơi hẹn, nhưng không được lâu. Lần thứ nhất, một đêm trăng, Khánh lén băng qua đường, vào vườn Thanh-Giám. Tuấn Trình đã chờ người yêu nơi đây, dưới bóng cổ thụ. Nhưng cô Khánh run cả người (theo lời Tuấn Trình kể lại) cậu cũng lính quýnh, tất cả những câu bay bướm cậu sắp sẵn để nói với nàng, bấy giờ cậu quên mất hết. Một lúc lâu Tuấn Trình mới nói được mấy lời tình tứ, nhưng lại trách móc, nghi ngờ, nàng không yêu mình.

Nàng bảo: “Em không yêu anh sao dám ra đây gặp anh? Nhưng vì thầy me em nghiêm lắm, anh ạ.” Tuấn Trình hỏi chua chát: “Giờ phút này chỉ có thơ và mộng, chỉ có anh với em, ánh trăng đẹp của hai đứa mình có nghiêm không nhỉ?”. Có lẽ vì bất bình câu nói mỉa mai của người yêu, Khánh lặng yên một phút rồi đáp: “Ánh trăng đẹp, nhưng vẫn nghiêm đấy, anh ạ”. Cuộc gặp đêm ấy, chỉ lâu không đầy một tiếng đồng hồ. Tuấn Trình đặt một chiếc hôn âu yếm trên bàn tay của Khánh trước lúc nàng vội vã chạy về nhà.

Lần thứ hai, hai cô cậu cũng gặp nhau trong vườn Thanh (nhiều người sau này nói Thanh là Thanh Hóa, là hoàn toàn sai sự thật). Vườn Thanh-Giám đêm ấy cũng ngập ánh trăng Thu. Nhưng thái độ của Khánh lạ lùng khó hiểu. Hình như Khánh muốn nói với Tuấn Trình một điều gì, nhưng ngại ngùng không nói. Chàng lặng lẽ vuốt mái tóc huyền của Khánh rồi khẽ bảo: “Ước gì anh được yêu em như thế này mãi...” Nàng buồn bã hỏi: “Anh định bao giờ đến xin thầy me cho chúng mình...”

Chàng họa sĩ bối rối trước câu hỏi bất ngờ. Chàng lơ đễnh bảo: “Anh chưa nghĩ đến việc ấy, vì...” Câu chuyện bị bỏ dở nơi đây. Khánh không hỏi gì hơn nữa. Chàng nắm tay nàng đi dạo quanh hồ nước xanh rì lăn tăn gợn sóng, chàng dừng lại, khẽ kéo Khánh vào lòng, nhưng nàng khẽ buông ra, Tuấn Trình âu yếm nhìn nàng: “Em!” Khánh mải cười: “Anh bảo gì?”. “Hình ảnh của em, nụ cười của em, sẽ mãi mãi ghi sâu vào lòng dạ của anh, vào thâm tâm anh”.

Trần Thị Khánh bẽn lẽn cười như để tạ ơn và xin từ giã. Tuấn Trình trằn trọc suốt đêm. Khánh muốn giấu chàng một điều gì quan trọng chăng? Tình yêu giữa hai người vẫn nguyên vẹn, thư từ qua lại vẫn âu yếm, nhưng Tuấn Trình bắt đầu thấy lòng buồn bã băn khoăn khi giàn hoa Ti-gôn bắt đầu héo rụng trong nắng úa tàn thu. Thế rồi một hôm, chàng họa sĩ đa tình nhận được một bức thư của người yêu, không, của người hết yêu, báo tin nàng sắp lấy chồng.

Thư viết bằng mực tím, trên bốn trang giấy học trò, xé trong một quyển vở Nam Phương hoàng hậu (loại vở học trò rất thông dụng lúc bấy giờ). Thư do một cô bạn gái của Khánh đem đến tòa báo Bắc Hà trao tận tay Tuấn Trình. Cô bạn gái hỏi “ông Tuấn Trình” chứ không gọi Thâm Tâm. Ngoài bao thư cũng đề: Monsieur Tuấn Trình (chữ Mr. bằng tiếng Pháp), nét chữ quen thuộc của Khánh.

Đại khái, Khánh nhắc lại tình yêu “thơ mộng” của cô với “người nghệ sĩ tài hoa son trẻ” (những chữ cô dùng trong thư), tình yêu rất đẹp, nhưng vì thầy me của cô rất nghiêm, theo lễ giáo, nên dù người vị hôn phu của cô là một người chỉ mới biết sơ thôi, nhưng cô vẫn có bổn phận “giữ tròn chữ hiếu, không dám cãi lời thầy me đặt đâu ngồi đấy v.v...” Cô nói cô buồn lắm vì tình yêu dang dở, “Em yêu anh mãi mãi! Không bao giờ quên anh, nhưng ‘van’ anh đừng giận em, thương hại em, chứ đừng trách móc em v.v...” Cô than thở đời cô khổ nên tình duyên ngang trái, cô khóc suốt đêm v.v...

Khánh không nói một câu nào về người vị hôn phu, không cho biết ngày cưới, và cuối thư ký tắt: K.H. Bức thư của K.H chấm dứt một cách đột ngột cuộc tình duyên thật sự không mấy “thơ mộng” của họa sĩ Tuấn Trình và cô Trần Thị Khánh.

Sau do sự dọ hỏi vài người quen ở phố Sinh-Từ, Tuấn Trình được biết chồng cô Khánh là một nhà buôn giàu có ở phố Hàng Ngang, 39 tuổi, góa vợ và không có con. Trong câu thơ: “Bên cạnh chồng Nghiêm luống tuổi rồi” chỉ sự cách biệt tương đối giữa tuổi 39 của người chồng với tuổi hãy còn vị thành niên của cô Khánh.

Đó chỉ là nhận xét chủ quan và mỉa mai của Thâm Tâm, so sánh tuổi mình 20 với người đàn ông được diễm phúc làm chồng cô Khánh, nhưng trên thực tế và theo lời những người hàng xóm ở phố Sinh Từ nói với Tuấn Trình thì người chồng cô Khánh “giàu sang và trẻ đẹp” chứ không phải một ông già. Tuấn Trình cũng nhìn nhận rằng một người nhà giàu 40 tuổi, đẹp trai, không thể là một ông già.

Đám cưới đã nhờ mối lái qua lại từ lâu, và đồ sính lễ có kiềng vàng, xuyến, nhẫn, vòng, kim cương, quần áo hàng lụa quí giá. Rước dâu bằng mười chiếc Citroen mới, cô dâu đeo nữ trang rực rỡ, mặc chiếc áo cưới màu đỏ tươi, lộng lẫy ngồi trên xe hoa như nàng công chúa ngồi cạnh người chồng mặc áo gấm xanh.

Đêm trước hôm cô Khánh lên xe hoa, Thâm Tâm có tổ chức tại tòa báo Bắc Hà một tiệc thịt chó, uống Mai Quế Lộ, mời Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính và Vũ Trọng Can tham dự. Họ say sưa, ngâm thơ, làm thơ, cười đùa cho đến khuya rồi lăn ra ngủ trên đất.

Người đau khổ trong cuộc tình duyên dang dở này không phải là cô Khánh. Trái lại, cô có đầy đủ hạnh phúc với người chồng rất chiều chuộng cô. Trần Huyền Trân đã gặp cô đi hí hởn với chồng vào ăn kem ở tiệm Blanche Neige (kem Bạch Tuyết), Bờ Hồ hai lần. Hai ông bà nhìn nhau và cười với nhau ra vẻ âu yếm lắm. Khánh đã có thai, được chồng săn sóc nâng đỡ lên chiếc xe nhà Citroen, lúc ra về, còn đi một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm.

Trần Huyền Trân kể lại cảnh âu yếm đó cho Tuấn Trình nghe và kết luận: “Con Khánh nó cho cậu leo cây, cậu còn si nó làm gì nữa, thêm tủi nhục”. Người đau khổ dĩ nhiên là Tuấn Trình, Thâm Tâm. Chàng yêu nhớ đơn phương với mặc cảm của một nghệ sĩ nghèo bị người yêu bỏ rơi, lại còn bị mấy thằng bạn trẻ chế nhạo đùa bỡn, nhất là Vũ Trọng Can.

Vì một chút tự ái văn nghệ, đối với mấy người kia, Tuấn Trình đã phải thức một đêm, theo lời anh, làm một bài thơ đề là “Hai Sắc Hoa Ti Gôn” ký KH, với thâm ý để Trần Huyền Trân và Vũ Trọng Can tin là của Khánh làm, để thương tiếc mối tình tan vỡ.

Muốn giữ tính cách bí mật, Tuấn Trình dán kín bao thư rồi nhờ cô em họ, con gái của người cô ở phố Cửa Nam, mang thư đến tòa báo. Cũng chính cô em họ đó đã chép giùm bài thơ với nét chữ con gái dịu dàng của cô, để khỏi bị nghi ngờ. Cho nên giọng thơ hoàn toàn là giọng thơ lãng mạn của Tuấn Trình, và lời thơ khác hẳn những lời tâm sự trong bức thư cuối cùng của KH, báo tin sắp lấy chồng.

Cô Khánh không biết làm thơ. Cô chưa bao giờ làm thơ cả! Và cô ghét những bài thơ của Thâm Tâm nữa là khác. Tuấn Trình đã nói quả quyết với tôi như vậy, sau khi nhận được một bức thư của Khánh, bức thư cuối cùng, tỏ ý không bằng lòng anh mượn tên cô để làm thơ kể chuyện tình duyên cũ, có thể làm hại đến cuộc đời của cô.

Trong thư phản đối đó, Khánh xưng tôi, chứ không xưng em như những thư trước, để chấm dứt trò chơi vô ích ấy. Thâm Tâm lấy những lời nghiêm khắc giận dữ của người yêu cũ để làm ra “Bài Thơ Cuối Cùng”:

“Trách Ai mang cánh ti gôn ấy

Mà viết tình xưa Được Ích Gì?

Bài Thơ đan áo nay Rao Bán

Cho Khắp Người đời thóc mách xem

Là Giết Đời nhau đấy, Biết Không?

Dưới dàn hoa máu, tiếng mưa rung

Giận anh tôi viết dư dòng lệ

Là chút dư hương điệu cuối cùng

Từ nay anh hãy Bán Thơ Anh

Và Để Yên Tôi với một mình

Những cánh hoa lòng, Hừ Đã Bỏ

Còn đem mà Đổi Lấy Hư Vinh.”

 

Cô Khánh “Trách” người cũ không những đem chuyện tình xưa ra viết chẳng “Được Ích Gì” lại còn làm Bài Thơ đi “Rao Bán” cho người đời “Thóc Mách” mua xem. Như thế là Anh “Giết Đời Tôi anh Có Biết Không?” Anh đem bán thơ để kiếm chút “Hư Vinh” nhưng chuyện xưa đã bỏ rồi, anh hãy để tôi yên!...

Thâm Tâm lấy gần hết chữ và nghĩa trong bức thư đoạn tuyệt tàn nhẫn của Trần Thị Khánh làm Bài Thơ Cuối Cùng đó mà vẫn ký KH, một lần cuối cùng. Rồi, để đáp lại, chàng làm một bài ký tên Thâm Tâm và cũng là bài cuối cùng, mỉa mai, chua chát:

“... Đây Bài Thơ Chót Kính Dâng Tặng Bạn

Và thành chúc đời em luôn tươi sáng

Như mộng kiều đầm ấm tuổi xuân xanh

Như hương trinh bát ngát dịu dàng

Hoa nhạc mới triều dâng tơ Hạnh Phúc...”


Trên phương diện văn thơ cũng như tình cảm, ta chỉ thương hại Thâm Tâm, nhà thơ trẻ, hãy còn ngây thơ với tuổi 19, đầy thơ mộng, cứ tưởng rằng cô Khánh vẫn thành thật yêu chàng, rằng cô bị cha mẹ ép gả cho một “ông già”, nhưng cô vẫn giữ mối tình thiêng liêng chung thủy với người nghệ sĩ tài hoa. Cho nên tưởng làm vui lòng người yêu, chàng lấy tên nàng để ký dưới bài thơ thương tiếc, với những câu tình tứ như:

“Từ đấy thu rồi thu lại thu

Lòng tôi còn giá đến bao giờ?

Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ

Người ấy cho nên vẫn hững hờ

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng

Trời ơi người ấy có buồn không?

Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ

Tựa trái tim phai, tựa máu hồng

Cho tôi ép nốt dòng dư lệ

Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên.”

 

Nhưng chàng thi sĩ có ngờ đâu không những cô Khánh không hề tỏ chút gì cảm động vì mối tình đau khổ, thủy chung của chàng, hoặc cảm ơn những bài thơ an ủi của chàng, mà trái lại cô còn gởi một bức thư vô cùng tàn nhẫn hằn học nào là “Anh giết đời tôi, anh biết không?” nào là anh mang chuyện cũ ra viết “chẳng ích gì”, cô lại còn tỏ ý khinh rẻ: “Từ nay anh cứ đem thơ anh bán rao để kiếm chút hư vinh, nhưng anh hãy để tôi yên” v.v...

Bấy giờ Thâm Tâm mới thức tỉnh, tìm lời bào chữa cho mình! Nào là: ... Anh biết cái gì xưa đã chết – Anh càng buồn, càng muốn viết thành thơ – Nhưng thôi: Mộng đang xanh, mộng hóa bơ phờ – Đây bài thơ chót kính dâng tặng bạn.

Thâm Tâm tự hạ mình viết kính dâng tặng bạn có ý xin lỗi chua chát người không phải là người yêu của mình nữa, và chàng đã viết: “Chim muốn bay, cũng giữ chẳng được nào!” (Nàng đã không muốn yêu nữa, thì giữ làm sao được?). Và: “Có gì đâu, khi bướm muốn xa cành!”.

Thâm Tâm không những đã tỉnh ngộ, mà lại còn uất hận vì thái độ khinh bạc của cô Khánh:

“... Chiều nay lạnh, có nhiều sương rơi quá

Nhưng lòng Anh đã Bình Thản lại rồi

Hết đau buồn và cảm thấy sục sôi

Niềm Uất Hận của một thời lạc lối –

Lấy nghệ thuật làm trò hề múa rối –

Đem tài hoa cung phụng sóng mắt huyền –

Để khẩn cầu xin một nụ cười duyên…”

 

Thâm Tâm tự thú nhận: Lấy nghệ thuật văn thơ để làm trò hề múa rối, (vì sự thật chẳng có gì cả) trong mấy bài thơ ký tên KH với mục đích “Đem tài hoa cung phụng sóng mắt huyền, để khẩn cầu xin một nụ cười duyên”. Để rồi, mai mỉa thay, nhận những lời khinh khi ngạo mạn, và hằn học của nàng. Đó là “niềm uất hận” của Tuấn Trình trong một thời “lạc lối” (lầm đường lạc lối). Nhưng:

“Thôi em nhé, từ đây anh cất bước

Em yên lòng vui hưởng cuộc đời vui...”

 

Chàng hứa chấm dứt trò hề múa rối về văn thơ. Và nàng không mong gì hơn.

 

Tống biệt hành”, một bài thơ nổi tiếng của Thâm Tâm

 

Để tôn trọng thực tế những sự kiện đã qua trong lịch sử hay trong văn học, để đừng xuyên tạc những chuyện không có, phải nói ngay rằng tên KH không hề gợi một dư luận nào “xôn xao” ở thời tiền chiến, và cuộc tình duyên của Tuấn Trình (Thâm Tâm) với cô Trần Thị Khánh không hề gây một xúc động nào về tâm lý cũng như về văn chương trong giới văn nghệ và giới trẻ thời bấy giờ.

Tôi chắc rằng những nhà văn thơ tiền chiến ở Hà Nội hiện còn sống tại Sài-Gòn, như các anh Vi Huyền Đắc, Lê Tràng Kiều, Tchya, Vũ Bằng... (cả các anh Nhất Linh và Lê Văn Trương vừa tạ thế mấy năm trước) đều phải hết sức ngạc nhiên thấy một vài người của thế hệ hậu chiến ở Sài-Gòn bỗng dưng tôn sùng tên KH thành một thần tượng và biến mối tình rất tầm thường, có thể nói là quá tầm thường của cô học trò cũ trường tiểu học Sinh-Từ, thành một thảm kịch của tình yêu.

Nguyễn Nhược Pháp, nhà ở gần nhà cô Khánh, chỉ cách năm, sáu căn, mà cũng không hề nghe nói đến cô này, và cũng không biết một tí gì về mối tình của một họa sĩ kiêm thi sĩ Tuấn Trình hay Thâm Tâm, xảy ra cùng dãy phố với anh.

Cũng như người đàn bà tên Mộng Cầm, hiện là vợ một giáo chức ở Phan Rang, đã phủ nhận những chuyện người ta thêu dệt về mối tình bạn của bà, lúc còn là nữ y tá, với thi sĩ Hàn Mặc Tử: “Tôi không thể yêu được một người bị bệnh cùi!” Bà Mộng Cầm đã thẳng thắn nói thế, không thể trách bà được.

NGUYỄN VỸ

 *** 

--> Read more..

Popular posts