Sài Gòn vào những thập niên 50s, 60s và đầu thập niên 70s đa
số các rạp cine đều chiếu phim ngoại
quốc nhập từ Pháp. Đó cũng là lý do tại sao phim Mỹ lại nói tiếng
Pháp hoặc phim nói tiếng Mỹ và có phụ
đề (sous-titre) tiếng Pháp. Tên phim thì đa số bằng tiếng Pháp, dù là phim Mỹ. Phần đông các phim, dù của Pháp hay của Mỹ, đều có phụ đề Việt ngữ
để khán giả có thể theo dõi. Ngoài ra, một số phim nói tiếng Pháp lại có phụ đề
cả ba thứ tiếng Việt-Hoa-Anh…
Nói đến chuyện phụ đề Việt ngữ, tôi xin ghi lại một chuyện
khá tức cười. Trong một phim tôi không nhớ tên, có cảnh người nữ diễn viên bồng
đứa con còn ẵm ngửa và bên dưới có phụ đề: “Để
em bỏ con vô nồi”. Khán giả cười ồ, dù cảnh trên màn ảnh không có gì để
cười. Hóa ra những người làm phụ đề sơ xuất trong việc bỏ dấu: chữ ‘nôi’ bị
biến thành ‘nồi’ thay vì “Để em bỏ con vô
nôi”!
Theo tôi, phụ đề Việt ngữ là cách hay nhất giúp khán giả
tiếp cận với tình tiết trong phim. Tuy nhiên, có nhiều phim vì diễn viên nói vừa
nhanh vừa dài nên phụ đề cũng phải chạy chữ cho kịp khiến khán giả đọc ‘hụt
hơi’, chưa hết câu này đã xuất hiện câu khác. Khổ nhất là những người đọc chậm
theo kiểu… ‘bình dân học vụ’.
Quảng cáo xi-nê trên báo trước ngày Sài Gòn sụp đổ khoảng hơn một tháng |
Sau 1975, dòng phim ‘cách mạng’ miền Bắc không thấy xuất
hiện ‘phụ đề Việt ngữ’, thay vào đó là lối ‘thuyết minh’. Cứ mỗi buổi chiếu, có
một nhân viên ngồi trong rạp đọc bản script bằng tiếng Việt nên mới gọi là
‘thuyết minh’. Nhiều khi ‘thuyết minh viên’ vì tay nghề kém nên cứ đọc trước
hoặc đọc sau cảnh trong phim khiến khán giả nhiều lúc chẳng hiểu phim nói gì.
Tôi cũng đã có một thời kỳ nhận dịch phim cho Fafilm Saigon
sau ngày miền Nam
thất thủ. Phim nói tiếng Anh được Fafilm sao lại qua băng Video và giao cho
người dịch. Nhận dịch phim có nghĩa là phải nghe hết những đối thoại trong phim
rồi viết lại bằng tiếng Việt để người thuyết minh đọc khi phim được trình
chiếu.
Gặp những phim thuộc loại ‘ít nói’ như phim chiến tranh,
phim hành động đấm đá thì công việc dịch phim tương đối dễ dàng. Ngược lại,
những phim thuộc loại tình cảm ướt át, triết lý lòng thòng, người dịch phim cứ
phải nghe đi nghe lại mới nắm hết ý nên tốn rất nhiều thì giờ.
Nếu may mắn, phim gốc có kèm original script, người dịch chỉ
nhìn phần đối thoại trong bản tiếng Anh và cứ thế dịch ra tiếng Việt, khỏi cần
xem phim cũng xong. Tuy nhiên, những trường hợp ‘ngon ăn’ ít khi nào đến tay
mình. Fafilm để dành cho ‘bồ tèo’ và những người thân thiết, còn lâu mới đến
lượt ‘con bà phước’! Khi viết thuyết minh còn phải có những lời dẫn để trong
ngoặc dành riêng cho người thuyết minh đọc đúng đoạn, đúng cảnh.
Ở đây người ta thấy ngay trình độ khán giả xem phim giữa hai
miền Nam-Bắc. Thuyết minh dành cho loại khán giả ‘có trình độ văn hóa thấp’,
chỉ cần nghe không cần đọc trong khi phụ đề đòi hỏi trình độ ở mức cao hơn để
đọc chữ trên màn ảnh. Như vậy, hình thành 2 trình độ thưởng thức phim: Văn hóa
đọc và Văn hóa nghe… giữa hai miền Nam-Bắc!
Ngoài phụ đề Việt ngữ, xi-nê Sài Gòn xưa còn dùng hình thức
chuyển âm, ngôn ngữ ngày nay gọi là ‘lồng tiếng’. Chuyển âm thường áp dụng cho
những phim bình dân như loại phim ca-vũ-nhạc của Ấn Độ, sản xuất từ Bollywood.
Sang đến thời của video với các bộ phim của TVB Hồng Kông
được cả một ê-kíp chuyển âm thực hiện. Qua hình thức này, người ta mới thấy công việc khó nhọc của diễn viên
lồng tiếng nhưng khi trình chiếu trên
màn ảnh tên tuổi của các diễn viên chỉ xuất hiện khoảng… 10 giây! Nổi tiếng
trong loại phim được chuyển âm phải kể đến Tú Trinh với tài diễn xuất điệu nghệ
từ tiếng cười, tiếng khóc cho đến những đoạn đối thoại đòi hỏi phần diễn xuất nội tâm.
***
Một trong những phim tôi ‘mê’ nhất là Vertigo với các tài tử Kim Novak, James Stewart. Đạo diễn Alfred Hitchcock làm phim Vertigo theo tiểu thuyết D’Entre les
Morts của tiểu thuyết gia Pháp Boileau-Narcezac, hai ông viết chung, một
ông tên là Boileau, ông kia tên là Narcezac. Nhà văn Hoàng Hải Thủy đã dựa theo
tiểu thuyết D’Entre les Morts để phóng tác thành truyện “Giữa những
người đã chết.”
Poster phim Vertigo
Vertigo là loại
phim ‘toát-mồ-hôi-lạnh’ được Hitchcock thực hiện từ năm 1958 với những cảnh hồi
hộp đứng tim. Chuyện xoay quanh chứng ‘sợ độ cao’ (acrophobia), có những cảnh
người rớt từ cao ốc, người tự tử từ cầu Golden Gate
và từ tháp chuông nhà thờ… Vertigo thuộc loại trinh thám, hấp dẫn khán giả từ
đầu mối này đến tình tiết khác, lúc thắt lúc mở dưới tài đạo diễn của
Hitchcock.
Hồi đó, Sài Gòn
chiếu rất nhiều phim Hitchcock cho nên giới ghiền xi nê gọi chung những phim
kinh dị là ‘phim Hitchcock’ dù phim
không thực sự do Hitchcock đạo diễn. Trong ngôn ngữ Sài Gòn, người ta còn dùng
từ ‘hít-cốc’ để diễn tả sự căng thẳng, quái đản hay nhuộm màu sắc trinh thám.
Sir Alfred Joseph
Hitchcock là đạo diễn tiên phong trong nghệ thuật làm phim tâm lý - tình cảm -
kinh dị. Ông khởi nghiệp từ thời làm phim câm tại Anh nhưng giai đoạn thành
công nhất là kể từ khi ông chuyển đến Hollywood năm 1956. Hitchcock đạo diễn
hơn 50 bộ phim trong suốt sự nghiệp kéo dài đến 6 thập kỷ. Ông thường được coi
là nhà làm phim số 1 của mọi thời đại với thể loại phim đen trắng kinh dị.
Những phim nổi bật của ông phải kể đến The
Man Who Knew Too Much (1956) với James Stewart và Doris Day (trong phin này
Doris Day hát bài What Will Be, Will Be –
Que Sera, Sera và đoạt giải Oscar âm nhạc hay nhất).
Các bộ phim North by Northwest (1959) với Cary Grant
và Eve Marie Saint, Psycho (1960) với
Anthony Perkins và Janet Leigh, và The
Birds (1963) với Tippi Hedren và Rod Taylor cũng được coi là những thành
công của Hitchcock. Sau khi làm phim Psycho
với Universal, Hitchcock trụ lại với hãng phim này cho đến khi về hưu. Thật may
mắn, năm 1971, tôi đã chụp được hình ảnh ngôi nhà trong phim Psycho vẫn còn được lưu giữ tại phim
trường Universal ở tiểu bang California.
Ngôi nhà trong phim Psycho vẫn còn được giữ lại tại phim trường
Universal
(Ảnh tác giả chụp năm 1971)
Có một loại phim cũng rất ăn khách với những màn nổ súng,
‘bắn chậm thì chết’. Người Sài Gòn gọi nôm na là ‘phim cao-bồi’ (cowboy), ‘phim
miền Tây’ (Western Movies) với
những cảnh cưỡi ngựa, bắn súng lồng trong cốt truyện ‘thiện thắng ác’, ‘anh
hùng thắng gian tà’ hoặc ‘da
trắng thắng da đỏ’. Người hùng trong những phim này phải kể đến Gary Cooper,
John Wayne, Clint Eastwood, Burt
Lancaster, Steve McQueen… trong những bộ phim miền Tây nổi tiếng như Gunfight at the O.K.
Corral (với Burt
Lancaster, Kirk Douglas) và The
magnificient seven (Les sept mercenaires – Bảy tay súng oai hùng với các tài tử Yul Brynner, Steve
McQueen).
Poster phim ‘Gunfight at the
O.K. Corral’
Sài Gòn đã chiếu quá nhiều phim tuyệt hay mang tính cách kinh điển. Theo tôi,
những phim dưới đây được xếp vào hạng ‘kiệt tác’ đối với dân ghiền xi-nê
thời đó:
Gone with the wind
(Cuốn theo chiều gió) với nàng Scarlet trong bối cảnh nội chiến Nam-Bắc Mỹ đã
làm thổn thức bao trái tim vì cuộc tình lãng mạn qua diễn xuất của các tài tử
nổi danh Vivian Leigh, Clark Gable.
Roman Holyday
(Vacance Romaine - Nghỉ Hè La Mã), nàng công nương Audrey Hepburn và một phóng
viên do số phận run rủi đã có những thời khắc đẹp bên nhau. Cảnh thơ mộng nhất
phải kể đến cặp tình nhân chở nhau trên chiếc Vespa đi khắp Florence . Sau này, có dịp đi Ý, tôi đã đến
những nơi đã quay ngoại cảnh của cuốn phim. Thật tuyệt vời!
Bác sĩ Zhivago
mang chủ đề tình yêu mạnh mẽ và thơ mộng trong những tháng ngày tuyệt vọng của
cuộc sống tại Nga, mang dáng dấp bàng bạc của thời điêu linh sau 1975 tại Việt Nam .
Đây là tác phẩm văn học của Boris Pasternak, Giải Nobel Văn Chương với các diễn
viên Omar Sharif và Julie Christie. Chính quyền Nga gần đây đã cho phép xuất
bản toàn bộ các tác phẩm của ông sau khi đã bị cấm đoán suốt thời kỳ Liên Bang
Xô Viết.
City Lights (Ánh
đèn đô thị) là một phim câm mang tính kinh điển của thời Charlie Chaplin với
vai diễn độc đáo Charlot, một gã lang thang yêu một cô gái bán hoa bị mù hai
mắt. Tình yêu khiến anh mạnh mẽ trong cuộc chiến vượt lên sự bần cùng. Phim
câm, cười mà rơi lệ!
Love Story (Chuyện
tình), phim đã đưa Ali McGraw và Ryan O’ Neal lên hàng các ngôi sao, đồng thời
đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa hiện sinh.
Poster phim ‘Love Story’
***
Sài Gòn trước 1975 chiếu nhiều loại phim và mỗi tài tử nổi
tiếng đều có những fans hâm mộ riêng. Theo tôi, nổi nhất và có nhiều người hâm
mộ nhất là cô đào sexy BB. Nữ minh tinh người Pháp, Brigitte Bardot, sinh ngày
28/9/1934, nổi tiếng từ năm 1956 qua phin Et
Dieu Créa La Femme (And God Created
Woman) do Roger Vadim đứng ra đạo diễn và chính ông là chồng của BB. Đạo
diễn này chắc tử vi có số đào hoa, về sau ông còn kết hôn với người đẹp Jane
Fonda, con gái rượu của Henry Fonda.
Brigitte Bardot
Trong suốt cuộc hôn nhân với BB (1953-1957) ông đã biến người phụ nữ trẻ con (child-woman) thành
một hình tượng quyến rũ của phái đẹp. Những phim tiếp theo như Babette s'en va-t-en guerre (1959), La Vérité (1960) đã được trình chiếu tại
các rạp xi-nê Sài Gòn và lúc nào cũng đông nghẹt người đến để xem cô đào sexy,
tóc vàng, ‘môi cong tớn’.
Không biết tôi có dùng đúng chữ để diễn tả cặp môi BB? Cặp
môi đó lúc nào cũng chờ đợi, mời gọi những cái hôn và chính cặp môi đó sau này
trên Đà Lạt có một loại hoa hồng mang tên Brigitte Bardot.
Quảng cáo phim “Dừng cơn gió loạn” (Le Repos du
Guerrier),
đạo diễn Roger Vadim với Brigitte Bardot & Robert Hossein
trên báo Màn Ảnh
Đã có không ít cô gái Việt vào các thập niên 50-60 lấy BB
làm khuôn mẫu. Theo tôi, không thể nào có một cặp môi thứ hai, không ai có thể
bắt chước được BB với cặp môi… thiên phú! BB cũng là thần tượng của giới học
sinh và sinh viên với mái tóc dài buông lơi đến quá lưng rất quyến rũ. Tóc BB
lại đánh rối phía trước nên nhiều nữ sinh hồi đó cũng bắt chước kiểu tóc này
khiến trường Trưng Vương phải tung ra chiến dịch chấn chỉnh: nữ sinh nào tóc
đánh rối quá cao đều được các bà giám thị đưa vào văn phòng, bắt gỡ tóc và chải
lại!
‘Quả Bom Sex’ thứ
hai là Sophia Loren, cũng sinh năm 1934 như BB, nhưng lại là cô gái Ý, sống
cuộc đời nghèo khổ tại Naples. Và cũng như BB, cô lấy ông chồng làm đạo diễn,
Carlo Ponti, năm 1957.
Sophia Loren
Qua hai trường hợp của BB và Sophia Loren, người ta thấy
ngay các kiều nữ đều có tính toán đâu ra đó. Lấy chồng đạo diễn – dù già, dù
xấu trai – nhưng sẽ bảo đảm một con đường vinh quang nghệ thuật?
Những phim hay nhất của Sophia Loren phải kể đến The Pride and the Passion (1957, đóng
chung với Frank Sinatra), It Started in
Naples (1960, với Clark Gable) và El
Cid (1961, với Charlton Heston). Năm 1961, Sophia Loren đoạt giải Oscar qua
phim La Ciociara (Two Women) đến khi về già vẫn còn nhận
một giải Oscar vào năm 1991.
Rạp Đại Nam chiếu phim
“Le Cid” do Sophia Loren và Charlton Heston đóng
Kiều nữ thứ ba được dân ghiền xi-nê ái mộ là Gina
Lollobrigida. Phim hay nhất làm tôi mê mẩn là Anh gù Nhà thờ Đức Bà (Notre Dame de Paris) năm 1956 với Gina trong
vai người đẹp Esmeralda và Anthony Quinn trong vai anh gù Quasimodo theo truyện
của Victor Hugo. Đoạn kết thật cảm động với cảnh chiếu bộ xương của anh gù và
người đẹp trong tư thế ôm nhau khi màn ảnh mờ dần…
Poster phim ‘Anh gù Nhà thời Đức Bà’
Gina Lollobrigida & Anthony Quinn
Đây cũng là phim màu đầu tiên dựa theo tiểu thuyết và sau
này tôi mới biết nguyên bản của phim chỉ có 2 nhân vật chính nói tiếng Anh còn
những diễn viên người Pháp đều được lồng tiếng Anh. Trong khi đó tại Sài Gòn dù
xem phim Mỹ vẫn nghe tiếng Pháp. Thật tréo cẳng ngỗng giữa 3 ngôn ngữ
Anh-Pháp-Việt trong thị trường điện ảnh tại Sài Gòn.
Cũng như Sophia, Gina là người Ý nhưng cô lớn hơn BB và Sophia đến 7 tuổi và xuất hiện
trong hoàn cảnh thế giới còn đang ngổn
ngang những đổ nát từ cuộc đại chiến lần thứ nhì. Năm 1947, Gina tham dự cuộc
thi hoa hậu Ý và với nhan sắc mặn mà của một cô gái 20 tuổi, Gina đoạt giải ba.
Gina có biệt hiệu Người
đàn bà đẹp nhất thế giới qua bộ phim do Ý sản xuất, La Donna Piu Bella del Mondo, năm 1955. Cô đã từng diễn xuất bên
cạnh những tài tử nổi danh một thời như Humphrey Bogart (trong phim Beat the Devil), Yul Brynner (Solomon and Sheba), Burt Lancaster (Trapeze), Frank Sinatra (Never So Few)… Năm 1961, Gina xuất hiện
trong Come September với Rock Hudson
và đoạt Giải Quả Cầu Vàng (Golden Globe) qua
bộ phim này.
Cuộc đời tình ái của Gina cũng sôi nổi không kém cuộc đời
nghệ thuật. Vào năm 2006, khi đó Gina đã 79 tuổi, bà tuyên bố sẽ kết hôn với
một doanh nhân người Tây Ban Nha, Javier Rigau. Chàng Javier khi đó mới tròn
45! Họ tiết lộ đã hẹn hò với nhau từ năm… 1984 khi gặp nhau tại Monte Carlo . Cuối cùng,
cuộc hôn nhân bất thành vì sức ép của dư luận và báo chí!
***
Sẽ không công bằng khi bỏ qua các minh tinh miền Nam
một thời vang bóng như Kim Cương (trong phim Lòng nhân đạo, Ngọc bồ đề),
Trang Thiên Kim (Mục liên thanh đề,
Trương Chi…), Mai Trâm (Chúng tôi
Muốn Sống), Khánh Ngọc (Ràng buộc,
Ánh sáng miền nam…). Những phim
khá ăn khách thuộc loại cổ điển còn phải kể tới Lâm Sanh - Xuân Nương, Phạm Công - Cúc Hoa, Lục Vân Tiên, Quan Âm Thị Kính…
những phim thuộc loại tình cảm-xã hội như Kiếp hoa, Ảo ảnh, Sóng tình, Hè muộn, Trường tôi, Vết thù trên lưng
ngựa hoang, Loan Mắt nhung,…
Khánh Ngọc
Năm 1957 là năm điện ảnh hoạt động mạnh mẽ nhất tại miền
Nam, chỉ riêng trong năm này, các hãng phim tư nhân đã sản xuất gần 40 phim.
Một số hãng phim đã xuất hiện với các tên như Cosunam, Tân Việt, Việt Thanh, Mỹ Vân, Văn Thế, Trường Sơn, Đông
Phương, Liên Hiệp, Viễn Đông, An Pha, Hương Bình… Đã có những triệu phú trong ngành điện ảnh Sài Gòn
như Ưng Thi (chủ
khách sạn Rex và các rạp Rex, Văn Hoa Đa Kao, Văn Hoa Sài Gòn); Nguyễn Thị Lợi (Giám
đốc Cosunam Film), Thái Thúc Nha (Giám đốc Alfa Film) và Trương Vĩ Nhiên
(Viễn Đông Film).
Cuối năm 1957, hãng Mỹ Vân tung ra bộ phim Người đẹp Bình Dương được trình chiếu
vào dịp Noel và năm mới 1958 với một chiến lược quảng cáo rầm rộ. Bộ phim đã
thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo khán giả và đồng thời giới thiệu một
gương mặt mới của nền điện ảnh miền Nam : Thẩm Thúy Hằng.
Tên thật của Thẩm Thúy Hằng là Nguyễn Kim Phụng, sinh năm
1941, nguyên quán bố mẹ gốc Hải Phòng, và lớn lên tại An Giang. Vào một ngày
gần như là định mệnh, Phụng được thấy một trang báo có đăng quảng cáo cuộc thi
tuyển diễn viên điện ảnh của hãng phim Mỹ Vân. Dấu cha mẹ, cô nữ sinh Phụng,
khi đó mới 16 tuổi, học lớp Đệ Tứ, ghi tên dự tuyển.
Giữa muôn ngàn đóa hoa hương sắc, với những gương mặt sáng
ngời của những ngôi sao nổi tiếng thuộc lớp ‘đàn chị’ như Kim Vui, Khánh Ngọc,
Kiều Chinh, Trang Thiên Kim… bà chủ hãng phim Mỹ Vân đã tinh ý phát hiện thấy
Phụng. Cô nữ sinh Nguyễn Kim Phụng đã vượt qua hơn hai ngàn thí sinh, bước lên
đài vinh quang bằng giải nhất của cuộc tuyển lựa bên phía nữ.
Từ vai diễn đầu tiên với vai Tam Nương trong Người Đẹp Bình Dương, đóng cặp với nam
diễn viên Nguyễn Đình Dần trong vai Hoàng tử, Thẩm Thúy Hằng bước lên ngôi vị
nữ diễn viên khả ái nhất của màn ảnh Sài Gòn vào cuối thập niên 50 đầu thập
niên 60. Có điều ít người biết là địa danh Bình Dương trong cuốn phim lại không
phải là Thủ Dầu Một mà là một địa danh ở... bên Tàu.
Biệt danh Người Đẹp
Bình Dương xuất hiện từ đó và Thẩm Thúy Hằng đã đóng trên dưới 60 phim nổi
tiếng thời đó là: Trà Hoa Nữ, Ngưu
Lang-Chức Nữ, Sự Tích Trầu Cau, Bạch Viên Tôn Cát, Sài Gòn Vô Chiến Sự, Nửa Hồn
Thương Đau, Đôi Mắt Huyền, Oan Ơi Ông Địa, Dang Dở, Tơ Tình, Nàng, Bóng Người
Đi, Ngậm Ngùi, Mười Năm Giông Tố, Sóng Tình, Xin Đừng Bỏ Em…
Thẩm Thúy Hằng
Riêng đối với nhạc sĩ Thẩm Oánh, Thẩm Thúy Hằng xem như là
một người thầy, người cha tinh thần. Nghệ danh Thẩm Thúy Hằng của cô là từ họ Thẩm của nhạc sĩ Thẩm Oánh. Thời đó, Thẩm Oánh là
hiệu trưởng Trường Ca Vũ Nhạc Phổ thông mà Thẩm Thúy Hằng theo học bộ môn kịch
do ông Hoàng Trọng Miên làm giáo khảo thi tuyển và giáo sư kịch nghệ.
Năm 1969, Thẩm Thúy Hằng lập nhóm làm phim Thẩm Thúy Hằng
(tiền thân của Vilifilms sau này). Phim đầu tay của Thẩm Thúy Hằng, Chiều Kỷ Niệm, với độ dài 1 giờ 45 phút,
là phim thuộc thể loại tình cảm xã hội do Lê Mộng Hoàng đạo diễn. Bộ phim đen
trắng được tạp chí Màn ảnh Sài Gòn ca
tụng:
“Ngay ngày chiếu cho khán giả xem, đồng bào đã chen chúc
tới hai rạp Rex và Văn Hoa để giành vé. Chỉ trong ngày đầu công chiếu, rạp Rex
đã thu về được hơn một triệu tiền Việt Nam, còn Văn Hoa thu về hơn bảy trăm
ngàn đồng. Sau đó, suốt trong một tuần lễ phim chiếu, ngày nào cũng đông như
vậy, đến nổi cuốn phim được chiếu tiếp sang tuần thứ nhì. Điều này, là một hiện
tượng hiếm mà khán giả dành cho phim Việt nam”
Phim cuối cùng của Thẩm Thúy Hằng được quảng cáo chiếu tại
các rạp Khải Hoàn, Casino Dakao, Kim Châu và Lux trước ngày Sài Gòn sụp đổ là
một phim hài mang tên Chàng ngốc gặp hên.
Phim này còn có sự hiện diện của La Thoại Tân cùng các danh hài Văn chung,
Thanh Việt và Tùng Lâm.
Chàng ngốc gặp hên
được chiếu tại các rạp từ ngày 21/3/75, chỉ cách ngày các cán binh miền Bắc
tràn ngập Sài Gòn đúng 1 tháng 9 ngày. Phải chăng đó cũng là một 'điềm dữ' báo
trước… các chàng ngốc gặp hên (???
!!!).
Thẩm Thúy Hằng kết hôn với giáo sư tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh.
Ông Oánh tốt nghiệp đại học Harvard và đã từng làm Phó thủ tướng kiêm Thống đốc
Ngân hàng Việt Nam Cộng hòa. Sau năm 1975, ông làm cố vấn kinh tế cho Tổng bí
thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông mất ngày 29/08/2003 vì bệnh
về tim mạch, hưởng thọ 82 tuổi. (Nhiều chi tiết về ông Nguyễn Xuân Oánh còn
được đề cập đến trong Chương 8: Thời mở
cửa).
Thẩm Thúy Hằng bên chồng, Tiến sĩ Harvard Tony Nguyễn Xuân Oánh
Thẩm Thúy Hằng hiện sống giản dị trong ngôi nhà yên tĩnh ở
khu Bình Qưới, Sài Gòn. Gặp bạn bè đến thăm, cô vẫn vui vẻ khi được gợi lại
ký ức về cuộc đời nghệ thuật. Ngày nay, cô có cuộc sống riêng, lặng lẽ và âm
thầm. Hằng ngày, cô dành nhiều thì giờ cho việc ngồi thiền và ăn chay trường.
Tôi nghĩ, trường hợp một nữ tài tử tài-sắc vẹn toàn như Thẩm
Thúy Hằng là quá hiếm trong nền điện ảnh Việt Nam. Cô đã trở thành ‘người của công chúng’ và giữ được cảm
tình của nhiều người cho đến cuối đời với một cuộc sống đạo đức, đáng phục.
Một thi sĩ vô danh nào đó đã sửa lời bài thơ Hai sắc hoa ti gôn nổi tiếng của T.T.Kh để thể hiện tình cảm của mình đối với Người Đẹp Bình Dương:
Nếu biết rằng em đã lấy chồng.
Anh về lấy vợ thế là xong.
Vợ anh không đẹp bằng em lắm!
Mà chỉ same same… Thẩm Thúy Hằng!
******
(Trích Hồi Ức Một Đời Người, chương 3: Thời thanh niên)
Hồi Ức Một Đời Người
gồm 9 Chương:
- Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
- Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
- Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
- Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
- Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
- Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
- Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
- Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
- Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang
tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000
cho đến ngày xuống lỗ)!
**********
4 Comments on Multiply
phanvan81 wrote
on Sep 30, '10
Bài viết rất hay, em cảm ơn anh.
caibang9 wrote on
Oct 1, '10
CCN quà là đa tài, đa dạng!
nguyenngocchinh
wrote on Oct 1, '10
Thanks, LHQ, bạn quá khen!
banmaixanhsblog
wrote on Oct 2, '10
Bài rất
hay! hi vọng xem bài sau! (Thời xuống
lỗ)
bài viết rất công phu để lưu bút đời sau
Trả lờiXóa