Tôi là kẻ lỡ nung nấu nhiều tham vọng. Trong suốt một đời người, một trong những tham vọng lớn nhất là viết được hồi ức về chính cuộc đời mình. Nay 'Hồi Ức Một Đời Người' vẫn còn dang dở nhưng tôi quyết tâm phải thực hiện cho xong tham vọng cuối cùng trước khi nhắm mắt. Cho đến lúc này, năm 2010, lửa tham vọng phải hoàn tất hồi ức vẫn còn cháy trong tôi. Với ngọn lửa này, một ngày nào đó, tôi sẽ viết được những dòng cuối cùng trước khi nằm xuống.
Trước khi nuôi tham vọng viết hồi ức, tôi đã từng có nhiều tham vọng, đúng ra nên phải gọi là đam mê. Cũng có thể nói những đam mê đó diễn ra theo từng thời kỳ trong cuộc đời và kết quả dẫn đến tham vọng. Tôi làm quen với việc sưu tầm tem từ hồi học lớp Nhất. Những con tem trên thế giới chắp cánh cho những ước mơ được đi chu du đến những vùng đất xa lạ. Cho đến giờ, những con tem sưu tầm ngày nào đã đưa tôi đến khoảng 15 đất nước gần xa.
Sang đến thời trung học, tôi lại thích chép thơ, từ Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính… cho đến Nguyên Sa, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Tất Nhiên… Tôi có cả một tập thơ đóng bằng giấy pelure đủ màu – xanh, đỏ, trắng, vàng. Trên mỗi trang là một bài thơ viết bằng mực tàu và được trình bày theo kiểu học trò.
Tôi nhờ người cô tên Nguyễn Thị Kiều Loan (bút hiệu Hương Kiều Loan, con của ông NVT ở 158 Cống Quỳnh, Sài Gòn) vẽ trên mỗi tập giấy mầu một bức họa. Tuy vai vế là người cô họ nhưng chúng tôi cùng đồng trang lứa và hợp sở thích về văn chương và hội họa. Sau này định cư tại Mỹ, cô Loan còn bước sang lãnh vực nhiếp ảnh và có rất nhiều tác phẩn dưới dạng PPS.
Tập thơ được đóng theo khổ giấy pelure A4 nhưng tiếc là đến bây giờ đã bị thất lạc. Có lẽ bà xã bán ve chai trong thời gian túng tiền nuôi con vào thời tôi đi cải tạo!
***
Hương Kiều Loan, 1965
***
Trong thời gian còn dạy tiếng Anh ‘chui’ tại Sài Gòn, khoảng cuối thập niên 80, tôi tận dụng những giờ rảnh rỗi để sưu tầm các danh ngôn từ tài liệu tiếng Anh. Danh ngôn là những bài học ngắn gọn, xúc tích mà ta có thể áp dụng trong cuộc sống hàng ngày. Đó cũng là những tư tưởng xuất phát từ những đầu óc vĩ đại cho nên tôi quyết tâm sưu tầm và dịch sang tiếng Việt.
Thời gian dành cho việc sưu tầm tương đối ngắn nhưng việc dịch sang tiếng Việt đòi hỏi một thời gian dài. Cuối cùng, công trình lượm lặt danh ngôn của tôi cũng đã phần nào hoàn chỉnh nhưng có vẻ như không bao giờ chấm dứt. Cũng như sưu tầm tem, danh ngôn lúc nào cũng nối tiếp những cái mới mà cuộc đời mỗi người lại có hạn.
Tôi sắp xếp danh ngôn theo thứ tự chữ cái bằng tiếng Anh và bắt đầu công việc đánh máy hơn 600 trang. Năm 1989, công trình sưu tầm và đánh máy danh ngôn được hoàn tất với cái tên Best Quotations – Danh Ngôn.
Best Quotations – Danh Ngôn bắt đầu từ vần A: Ability (Khả năng) và kết thúc với vần Z: Zeal (Hăng hái, Nhiệt tình). Qua đó có thể tìm thấy những lời hay, ý đẹp của các danh nhân cổ kim về đủ loại đề tài: từ anh hùng đến kẻ tiểu nhân, từ hạnh phúc đến bất hạnh, từ đàn ông đến đàn bà, từ nô lệ đến tự do, chiến tranh đến hòa bình và đến cái chết.
Đúng là một công trình của sự hăng hái, đam mê… nhưng cũng buồn là không có cơ hội để ra sách giúp người đọc tham khảo về các đề tài thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng biết làm sao được, người ta không thể nào thực hiện hết những đam mê trong suốt cuộc đời mình.
Vào năm 1999, HBTA được Nhà xuất bản Thanh Niên in thành sách, dày 460 trang. Sách là tổng hợp 122 bài viết trên KTNN và báo Đầu tư, ghi lại những chuyện thời sự gồn các chủ đề Chính trị, Khoa học, Kinh tế, Thể thao, Văn hóa, Xã hội xảy ra trong hai năm 1977-1978.
Những bài viết trên HBTA được trình bày dưới hình thức song ngữ Anh-Việt giúp người đọc bổ xung những kiến thức tiếng Anh qua các câu chuyện thời sự trên báo chí phương Tây. Theo thăm dò của KTNN, HBTA là một trong những tiết mục được nhiều người đọc nhất và đó có thể cũng là lý do khiến những bài viết này có thêm nhiều người đọc khi được in thành sách. Việc xuất bản HBTA cũng diễn ra một cách rất tình cờ, không hề có chủ định trước.
Tại Việt Nam vào cuối thập niên 1980, ngành xuất bản có hiện tượng những nhà thầu tư nhân liên kết với các nhà xuất bản, được gọi nôm na là ‘đầu nậu sách’. ‘Đầu nậu’ đi tìm những tác phẩm có khả năng thu hút người mua sách, liên hệ với tác giả và sau đó làm hợp đồng. Những khâu tiếp theo đều do nhà thầu và nhà xuất bản lo. Như vậy, nhà xuất bản coi như là người bán manchette và hưởng phần trăm theo thỏa thuận với ‘đầu nậu’.
Trên giấy tờ, HBTA in ra 1000 cuốn, nhưng trên thực tế số lượng sách in chỉ nhà thầu và nhà xuất bản biết là bao nhiêu. Là những người ‘buôn chữ’ nên họ thường in vượt mức ấn định và có thể còn tái bản nhiều lần trong khi tác giả không hề biết vì đã ‘mua đứt, bán đoạn’.
Hình bìa “Học Báo Tiếng Anh”
Xuất bản năm 1999
HBTA được các báo nói đến qua mục điểm sách. Dĩ nhiên, tôi hiểu đây là một động tác làm PR của ‘đầu nậu’ để sách được quảng cáo và người đọc tìm mua. Nếu bạn là người kinh doanh trong lãnh vực văn chương, chữ nghĩa, bạn cũng cần quảng cáo để bán được nhiều sách, thu được nhiều lợi nhuận.
Ở một góc độ nào đó, văn chương cũng có những điểm tương đồng với kinh tế. So sánh có vẻ ‘khập khiễng’ nhưng lại là sự thật! Một thực tế làm chạnh lòng những người nặng nợ văn chương.
Trên báo Sài Gòn Tiếp Thị, ngày 4/9/1999, nhận xét về Học báo tiếng Anh:
“... Đây cũng là công cụ nhằn thu ngắn cách biệt giữa kiến thức về ngoại ngữ tại trường lớp với thực tiễn cuộc sống hàng ngày...”
Báo Người Lao Động số ra ngày 10/9/1999 giới thiệu Học báo tiếng Anh:
Trên Sài Gòn Giải phóng Thứ Bảy (phụ trương của nhật báo Sài Gòn Giải phóng), ngày 11/9/1999, giới thiệu Học báo tiếng Anh:
“... ‘Phương pháp Nguyễn Ngọc Chính’ về học tiếng Anh... So với phương pháp truyền thống của nhà trường có mấy điểm mới...
Bìa sau Học Báo Tiếng Anh
Điều đáng nói, chỉ 122 bài viết trong năm 1997-1998 được xuất bản trong khi tôi còn giữ bản thảo những bài viết trong các năm tiếp theo với số lượng lên đến gần 500 bài đã đăng trên mục HBTA qua KTNN. Sở dĩ tôi cố gắng viết một tháng 2 bài trên bán nguyệt san KTNN một cách đều đặn trong suốt mấy năm liền cũng vì tham vọng tạo được một sự nghiệp văn chương cho mình bên cạnh những bài báo khô khan về kinh tế trên VIR.
Văn chương cũng là một công trình nghệ thuật, do đó cũng cần người thưởng lãm thông qua sách. Chỉ tiếc một điều là sự bận rộn trong thời kỳ viết cho VIR khiến việc xuất bản những cuốn sách HBTA kế tiếp bị chững lại.
Học Báo Tiếng Anh trên bán nguyệt san Kiến Thức Ngày Nay
***
Năm 2001 tôi tiếp tại văn phòng báo Đầu Tư trên đường Tôn Đức Thắng hai người khách lạ. Họ tự giới thiệu là Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền và chồng là Thanh Vân Nguyễn Duy Nhường đến gặp tôi qua sự giới thiệu của Triệu Xuân, Trưởng đại diện Nhà xuất bản Văn Học tại TP. HCM. Trước khi về Nhà xuất bản Văn Học, Triệu Xuân có một thời gian làm ở báo Đầu Tư với chức vụ Phó đại diện báo tại TP. HCM phụ trách việc đối nội trong tòa soạn.
Triệu Xuân đã từng là phóng viên đài Tiếng nói Việt Nam và cũng là nhà văn có các tác phẩm Giấy Trắng, Bụi Đời, Trả Giá… tương đối nổi tiếng vào thời kỳ 'đổi mới'. Tuy nhiên, anh là điển hình loại cán bộ nhà nước, xum xoe với cấp trên và khoe khoang với cấp dưới. Tôi không thích loại người như vậy nhưng vì Tổng biên tập ở Hà Nội đưa về báo cho nên phải chấp nhận.
Tôi không thể nào đánh giá cao một người như Triệu Xuân. Tôi còn nhớ mãi, có lần Triệu Xuân nói với tôi: “Gần Tết rồi, có chỗ nào tổ chức tất niên Bác cho em đi, kiếm vài cái phong bì…”.
Các công ty vào dịp tất niên, khai trương hay động thổ thường có ‘tệ nạn’ tặng phóng viên phong bì bên trong có bỏ tiền. Đây là một hình thức mua chuộc báo chí phòng khi công ty có 'sự cố', phóng viên sẽ ‘đánh’ nhẹ tay hoặc… cứu bồ. Hình thức hối lộ này khiến cho phóng viên, nhất là lớp trẻ, quen với ‘văn hóa phong bì’ và dễ dàng bị mua chuộc. Hiện tượng này rất phổ biến trong làng báo sau năm 1975.
Triệu Xuân chỉ ở báo Đầu Tư khoảng nột năm vì một lẽ đơn giản là từ nhà văn bước sang nhà báo rất khó, trong khi một nhà báo lại dễ dàng bước sang lãnh vực văn chương. Tôi thường phê bình cách viết của Triệu Xuân: “Anh viết báo mà y như viết tiểu thuyết, tả cảnh, tả tình. Báo chí đâu cần những tình tiết văn chương đó…”. Được cái Triệu Xuân là người biết phục thiện, nhưng câu nói đại loại như vậy được anh ta coi là… 'góp ý' chứ không nghĩ là chê bai.
Trở lại chuyện hai người khách đến báo Đầu Tư gặp tôi, họ đều là nhà văn. Bà Như Hiên là tác giả cuốn sách Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh nay muốn xuất bản bằng tiếng Anh nên tìm người biên tập bản dịch. Triệu Xuân, trong vai trò nhà xuất bản, khuyên họ nên đến tìm tôi.
Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh là một tác phẩm thuộc loại khảo cứu lịch sử kể lại cuộc đời của Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700), một trong những người có công đầu khai sáng miền Nam vào cuối thế kỷ 18. Cuốn sách đã được nhà xuất bản Văn Học in lần đầu vào năm 1995, tái bản lần 2 năm 1997 và lần thứ ba năm 1998 nhân kỷ niệm 300 năm thành lập Sài Gòn-Gia Định (1698-1998).
Tác giả là một nhà văn nữ trạc ngoài 60, bà có một gia tài văn chương khá phong phú và đa dạng với các tập thơ Hoa Thời Gian, Hương Bốn Mùa, tiểu sử và giai thoại Nữ Sĩ Việt Nam, tiểu thuyết phong tục Nàng Phiên, dã sử tiểu thuyết Nàng Châu Long, ký sự tiểu thuyết Nà Khê và một số du ký khác.
Trong lần tiếp xúc đầu tiên với nhà văn Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền, tự nhiên tôi liên tưởng đến bà Thụy An Lưu Thị Yến, người có liên quan đến vụ án Nhân văn – Giai phẩm. Nếu so về tuổi tác, bà Như Hiên trẻ hơn bà Thụy An nhưng cả hai người đều có điểm chung là đam mê với lãnh vực văn chương, một sự kiện ít thấy trong số những phụ nữ viết văn. Có lẽ cũng vì lý do đó, tôi nhận lời biên tập bản tiếng Anh của cuốn Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
Qua sự hỗ trợ của Hiệp hội Đồng hương Quảng Bình, ròng rã suốt 3 năm, bà Như Hiên - vốn là hậu duệ của Hào Lương Hầu Nguyễn Hữu Hào, anh ruột Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh - đã đi và viết lại tất cả những gì có liên quan đến Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh. Chưởng cơ là chức quan võ, chỉ huy một đơn vị quân đội thời Chúa Nguyễn.
Tại An Giang, bên bờ sông Hậu, có một cù lao trước đây gọi là cù lao Cây Sao, người dân địa phương còn gọi là cù lao Ông Chưởng để kỷ niệm nơi dừng chân của Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh, còn được gọi là Nguyễn Hữu Kính hay Lễ Thành Hầu hoặc Chưởng binh Lễ.
Trong Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức có một đoạn ngắn nói về công lao của Nguyễn Hữu Cảnh đối với đất Gia Định xưa:
“… Mùa xuân năm Mậu Dần (1698), đời vua Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng đế sai chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (Kính) sang kinh lược Cao Miên, lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Đinh phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, dựng tỉnh Phiên Trấn, mỗi dinh đặt chức Lưu Thủ, Cai Bạ và Ký Lục để quản trị, nha thuộc thì có hai ty Xá, Lại để làm việc, quân binh thì có Cơ, Đội, thuyền, thủy bộ tinh binh và thuộc binh để hộ vệ.
Đất đai mở rộng nghìn dặm, dân số hơn bốn vạn hộ, chiêu mộ những lưu dân từ Bố Chính Châu trở vô Nam đến ở khắp nơi, đặt ra phường, ấp, xã, thôn, chia cắt địa phận, mọi người phân chiếm ruộng đất, chuẩn định thuế đinh, điền và lập bộ tịch đinh, điền. Từ đó, con cháu người Tàu ở nơi Trấn Biên thì lập thành xã Thanh Hà, ở nơi Phiên Trấn thì lập thành xã Minh Hương rồi ghép vào sổ hộ tịch”.
Trong Đại Nam Nhất Thống Chí, ở phần viết về tỉnh Biên Hòa và Gia Định, việc ghi chép về những hoạt động của Nguyễn Hữu Cảnh trên đất Đồng Nai, Gia Định lại rất ngắn gọn. Bà Như Hiên đã sưu khảo những tư liệu phong phú và đáng tin cậy, trong đó phần tài liệu bằng chữ Hán được Giáo sư Thanh Vân, cũng là người bạn đời, hỗ trợ đắc lực.
Xuyên suốt cuốn sách, tác giả đã có công truy tìm khá cặn kẽ về nguồn gốc, dòng họ, quê hương và con người của Nguyễn Hữu Cảnh từ thuở thiếu thời. Cuốn sách cũng đề cập đến sự nghiệp lớn lao và địa điểm tọa lạc lăng mộ của Nguyễn Hữu Cảnh đồng thời nói lên sự ngưỡng mộ và tri ân của nhân dân miền Nam đối với việc mở mang vùng đất mới của ông.
Nói chính xác hơn, những việc Nguyễn Hữu Cảnh đã làm không hẳn là công đầu nhưng cũng không phải là công cuối trong suốt 8 năm cuối đời tại miền Nam . Tuy nhiên, phải nhìn nhận, ông đã góp một công lớn trong việc khai sáng vùng đất mới phía Nam .
Thường thì công việc biên tập một cuốn sách có vẻ nặng về hình thức hơn là nội dung. Người biên tập một cuốn sách thường là viên chức cao cấp của nhà xuất bản và việc đứng tên chịu trách nhiệm biên tập thường được coi là một ‘ân huệ’ để viên chức này có thể hưởng được một khoản tiền trong bối cảnh một xã hội thiếu thốn đủ mọi thứ.
Trong một tờ báo, việc biên tập bài vở được coi trọng hơn nhưng có một thực tế, editors (biên tập viên) lại là những người thầm lặng đứng sau lưng người viết bài. Một bài báo hay hay dở người đọc chỉ nghĩ đến tác giả đứng tên trên bài báo, không ai nghĩ và cũng không ai biết đến người đã biên tập bài báo đó trước khi được đăng. Tôi thường ví người biên tập chỉ là nhân viên hoạt động sau cánh gà chứ không là diễn viên trên sân khấu!
Hình bìa cuốn Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, bản tiếng Anh
Trên thực tế, chỉ những phóng viên trong tòa soạn mới quý trọng người biên tập. Sự quý trọng này có thể ví như tình cảm của học trò đối với người thầy đã sửa bài văn cho mình. Trường hợp tôi, biên tập bản dịch tiếng Anh của cuốn sách Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh có những đặc thù riêng của nó.
Nhà xuất bản không thể để tên một viên chức chịu trách nhiệm biên tập vì trình độ ngoại ngữ của họ không bảo đảm, cũng vì thế, Triệu Xuân đã phải giới thiệu tác giả đến gặp tôi. Tôi cũng hoàn toàn không biết gì về Phương Nguyên, người dịch cuốn Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh sang tiếng Anh.
Tuy nhiên, khi đọc bản dịch viết tay trên giấy, tôi đoán ông là người lớn tuổi với văn phong tiếng Anh từ thời Lê Bá Kông – Lê Bá Khanh của Sài Gòn xưa. Hơn nữa, bản dịch viết tay chứng tỏ người dịch không sử dụng được computer, chắc chắn là người lớn tuổi.
Văn phong này sẽ không đáp ứng được thị hiếu của người đọc sách qua tiếng Anh vốn là người nước ngoài, hơn nữa tôi lại không muốn đụng chạm đến tự ái của người dịch. Tôi nói thẳng với bà Như Hiên: tôi sẽ dịch lại toàn bộ cuốn sách nhưng vẫn giữ tên dịch giả Phương Nguyên và tôi chỉ đứng tên biên tập. Đề nghị này dược tác giả cuốn sách hoan hỉ đồng ý.
Công việc dịch cuốn sách kéo dài khoảng hơn một tháng nhưng nếu chỉ làm công việc biên tập bản dịch của Phương Nguyên, thời gian sẽ kéo dài hơn nhiều. Quả đúng như người trong nghề thường nói: viết một bài báo dễ hơn sửa một bài viết gấp trăm lần!
Cái khó nhất trong việc dịch cuốn sách này là trong đó rất nhiều văn bản chữ Hán bên cạnh rất nhiều bài thơ Hán văn lẫn Việt văn. Cũng may, tôi đã từng dịch thơ của bà Thụy An sang thơ tiếng Anh trước đây nên cũng có phần nào kinh nghiệm trong việc dịch thuật cuốn Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
Quả là một trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời khi lạc vào lãnh vực văn chương để thực hiện một tham vọng mà tôi gọi là “Tham vọng Văn chương”.
***
(Trích Hồi ức một đời
người – Chương 8: Thời mở cửa)
Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:
- Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
- Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
- Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
- Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
- Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
- Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
- Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
- Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
- Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang
tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!
Ngồn ngộn thông tin đọc rất thú vị ! Nhớ back up nhiều copies cho các bài viết nha anh !
Trả lờiXóa