Ngày xưa, trước năm 1975, người đọc tiểu
thuyết kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung thường nhắc đến hai nhân vật sừng sỏ,
khét tiếng trong giới võ lân là Mộ Dung và Kiều Phong nên mới có câu ví von “Nam Mộ Dung, Bắc Kiều Phong”. Họ là hai
anh hùng hoạt động ở phía Nam và Bắc nước Tàu.
Trong “Thiên long bát bộ”, Mộ Dung Phục, là một cao thủ văn võ toàn tài, nổi tiếng ở Giang Nam còn Kiều Phong là bang chủ Cái bang, một trong những hình tượng anh hùng đẹp nhất và cũng bi kịch nhất trong truyện của Kim Dung. Đến khi ân oán giang hồ được đền trả, các anh hùng đều xuất gia đầu Phật.
Ngày nay, thế sự đổi dời lại cũng có hai nhân vật thuộc hàng “cao tăng” được nhắc đến một cách mỉa mai, bỡn cợt. Thay vì “Nam Mộ Dung, Bắc Kiều Phong” của Kim Dung, cộng đồng mạng đã đổi thành “Nam Nhật Từ, Bắc Thái Minh”.
Cả hai vị đều là những những bậc tu hành, tuy chưa đắc đạo nhưng đã được “đoàn thể hóa theo hệ thống nhà nước” để trở thành lãnh đạo tinh thần, chăm lo và hướng dẫn tín đồ theo một đường lối “đổi mới” chưa từng có trong lịch sử Phật Giáo.
Trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay, có Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ, hùng cứ tại phía Nam với các chức vụ quan trọng như Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế, Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM…
Vị sư này trụ trì tại chùa Giác Ngộ (TP.
HCM), chùa Quan Âm Đông Hải (Sóc Trăng), chùa Tượng Sơn (Hà Tĩnh), chùa Linh Xứng
(Thanh Hóa). Theo lý lịch, ông giác ngộ chân lý Phật vào năm 1983, sau thời
gian đi chùa Long Huê, Quận Gò Vấp và Chùa Đại Giác, quận Phú Nhuận, ông xuất
gia vào năm 1984 tại chùa Giác Ngộ, thọ giới tỳ kheo năm 1988.
Nhà sư du học tại Ấn Độ năm 1994, tốt nghiệp thạc sĩ triết học năm 1997 và tiến sĩ triết học năm 2001. Tháng 12/2010, ông chính thức được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong lên hàng giáo phẩm Thượng tọa sớm hơn ba năm so với quy định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Do những đóng góp to lớn đối với nền giáo dục Phật giáo, nhà sư được trao tặng 5 bằng Tiến sĩ Danh dự của các trường đại học ở nước ngoài tại Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia, Tích Lan và Hoa Kỳ.
Thích Nhật Từ kêu gọi tăng ni và Phật tử hãy quay trở về với “Đức Phật Gốc”, thực tập và truyền bá "Tứ Thánh Đế" (thừa nhận khổ đau, truy tìm nguyên nhân, trải nghiệm niết bàn và thực tập bát chánh đạo), thay vì phải tiếp tục bị ảnh hưởng bởi phương pháp Phật học của Trung Quốc theo phong cách tổ sư.
Ông cũng có trang Facebook “tick xanh”
https://www.facebook.com/ThichNhatTu với hơn 1 triệu người follow trên trang
Hùn Phước Xây Chùa “Chùa Quan Âm Đông Hải”
ở Sóc Trăng.
Trên đây là những điều tích cực xuất phát từ
những nguồn thông tin của chính Thượng tọa hoặc những người ủng hộ ông. Ở một
khía cạnh khác, Thích Nhật Từ lại bị phê phán trên cộng đồng mạng vì những ứng
xử bị coi là “tiêu cực” và “sân si”. Nổi bật nhất là sự đụng chạm đến “cư sĩ”
Lê Tùng Vân, tuổi đời đã ngoài 90.
Cuối năm 2019, khi sự việc liên quan đến Tịnh thất Bồng Lai của “Thầy Ông Nội” Lê Tùng Vân (sau được đổi tên là Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ) gây xôn xao dư luận, Thượng tọa Thích Nhật Từ lần đầu lên tiếng về những vấn đề nhức nhối bên trong Thiền am:
"Thực tế, từ năm 2017, Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên và Huyền Trân từng đến chùa Giác Ngộ nhờ tôi tư vấn sau vụ lùm xùm thi hát Bolero trên Đài truyền hình Vĩnh Long. Vào cuối năm 2019, những nghi vấn về việc "không có chú tiểu thật", "trẻ mồ côi"… tại Tịnh thất Bồng Lai xảy ra, tôi vẫn cố gắng cho họ một con đường để sửa đổi.”
Nhiều YouTuber đã cắt ghép bài nói chuyện của sư trong năm 2017 và 2019 cho thấy sự khác biệt rằng ông đã nói "2 lời", lúc bênh, lúc phê phán "Thầy Ông Nội". Đã có hơn 4000 video nói về Tịnh thất Bồng Lai, chia làm hai nhóm ủng hộ và phản đối.
Khi Thượng tọa lên tiếng về vấn đề "giả sư", có dư lận cho rằng ông đã xúc phạm, muốn "giết chùa", chà đạp quyền tự do tín ngưỡng. Trên danh nghĩa, ông Lê Tùng Vân chỉ là một cư sĩ tại gia cho nên người ta nghĩ rằng ông Thích Nhật Từ… “ngu như bò”!
Trong video có tên "Thiền am chính thức lên tiếng" được đăng tải trên kênh YouTube có hơn 2 triệu lượt theo dõi, hai chú tiểu Minh Tâm và Pháp Tâm đã ra mặt nói về chuyện tu thật-tu giả này:
"Trời ơi, mình tu là để tập cho mình từ bi bác ái giống Đức Phật, mà cũng phải chờ người ta công nhận hay sao? Chẳng lẽ, người ta không công nhận, thì mình không được tu, không được từ bi bác ác hả trời?”
Tháng 7/2022, phiên tòa xử xử vụ án liên quan đến "Tịnh thất Bồng Lai" đi đến kết luận với bản án cư sĩ tại gia Lê Tùng Vân 5 năm tù, 3 bị cáo Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương cùng mức án 4 năm tù, Lê Thanh Nhị Nguyên 3 năm 6 tháng tù và bị cáo Cao Thị Cúc mức án 3 năm tù.
Tội danh được thành lập: các bị cáo đã dùng mạng xã hội YouTube đăng các clip sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm đến uy tín, danh dự của Công an huyện Đức Hòa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An và ông Trần Ngọc Thảo (Thượng tọa Thích Nhật Từ) cùng tội danh lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Nói lời sau cùng tại tòa, các bị cáo phủ nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và kêu oan. Ngày 29/7, bị cáo Lê Tùng Vân nộp đơn kháng cáo bản án và như vậy cuộc chiến pháp lý sẽ còn hứa hẹn nhiều diễn biến trong thời gian tới!
Tại miền Bắc có Đại đức Thích Trúc Thái
Minh, sinh năm 1967, trụ trì chùa Ba Vàng, Uông Bí, Quảng Ninh từ năm 2007. Ông
khẳng định “Thuyết oan gia trái chủ”
hoàn toàn có thật và chùa Ba Vàng có lễ giải oán kết, giải oan gia:
"Vong linh đi theo báo oán, báo thù rất nhiều, tác động vào chúng ta. Chùa ta có pháp thỉnh oan gia trái chủ để giải những oán kết này. Việc thỉnh giải oan gia trái chủ chỉ có đức của Phật từ bi mới làm được…”
Ngày 26/03/2019, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tiến hành họp kín và ra quyết định đình chỉ tất cả mọi chức vụ trong giáo hội đối với Đại đức Thích Trúc Thái Minh đồng thời phải sám hối đại tăng.
Ngày 12/7, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra nghị quyết bãi nhiệm tất cả chức vụ của Thích Trúc Thái Minh trong Giáo hội, bao gồm: Ủy viên dự khuyết Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Phó ban Thông tin truyền thông của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Phó ban thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lai Châu; Ủy viên thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh.
Có điều sư Thích Trúc Thái Minh vẫn đảm nhiệm chức vụ trụ trì chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh. Gần đây nhất, Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Bình xác nhận, đơn vị vừa có thông cáo báo chí liên quan đến việc Đại đức Thích Trúc Thái Minh đươc thuyên chuyển về tham gia Ban Trị sự Giáo hội phật Giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2022-2027.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh thừa nhận, sự việc “thỉnh vong” tại chùa Ba Vàng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới Phật giáo. Ông gửi lời xin lỗi tới nhân dân, tăng ni, phật tử, tín đồ trên cả nước; xin lỗi lãnh đạo các cấp và báo chí đã vất vả ngược xuôi vì sự việc này!
Ngày 20/3, báo chí phản ánh chùa Ba Vàng tổ
chức "thỉnh vong, cúng oan gia trái
chủ" thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Ngày 21/3, Bộ Văn hóa yêu cầu địa
phương làm rõ sự việc; Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị địa phương chấn chỉnh
việc thuyết giảng "vong báo
oán". Vụ bê bối này khởi nguồn từ một phóng sự điều tra của báo Lao Động
đăng tải ngày 20/3.
Năm 2007, Đại đức Thích Trúc Thái Minh về làm trụ trì chùa Ba Vàng. Tháng 1/2011, để đáp ứng nhu cầu tu học của tăng ni, phật tử và hoằng dương Phật pháp, ngôi chùa một lần nữa được khởi công xây dựng với quy mô to lớn, khang trang.
Sau hơn 3 năm xây dựng, ngày 9/3/2014 chùa Ba Vàng tổ chức Lễ khánh thành và nhận bằng kỷ lục "Ngôi chùa trên núi có Chính Điện lớn nhất Đông Dương". Đại đức Thích Trúc Thái Minh được đánh giá là người có công lớn trong việc huy động nguồn lực xã hội hoá để xây dựng cơ ngơi chùa to đẹp như hiện nay. Ước tính, với quy mô hiện tại, nhà chùa đã phải tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng vào việc trùng tu, xây dựng.
Những phản ánh của báo Lao Động thu hút sự
quan tâm của dư luận, nhiều người dễ dàng tìm ra những clip rao giảng của Đại đức
Thái Minh và người phụ nữ tên Phạm Thị Yến (pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán) trên
các trang Facebook và YouTube của nhà chùa. Trong những clip này, bà Yến đã đưa
ra nhiều thông tin phản khoa học, trái giáo lý nhà Phật.
Trong một clip khác, Đại đức Thái Minh khẳng định: “Phật dạy chúng ta biết bố thí và cúng dường. Mình cúng để giải bệnh, giải nghiệp của mình mà mình lại còn kêu sao? Phật dạy các phật tử mất tiền đấy! Phải mất tiền mới có phúc. Phật dạy bố thí đứng đầu trong lục độ!”
Đã có nạn nhân bị chùa Ba Vàng đòi hàng trăm triệu đồng để “giải nghiệp”. Trong lúc “thỉnh vong” luôn có một thư ký bên cạnh, ghi lại lời “vong” nói và số tiền người “thỉnh” phải trả. Việc “thỉnh vong” là hoàn toàn không đúng với giáo lý nhà Phật, nó dẫn dắt con người đi theo con đường mê tín.
Chưa bao giờ Đạo Phật lâm vào tình trạng
lùm xùm như hiện nay ở cả hai miền Nam-Bắc. Thêm vào đó, tình trạng sư sãi công
khai tấn công nhau trên cộng đồng mạng trong một cuộc “đại chiến của các sư tăng”.
Thích Nhật Từ phê phán Thích Trúc Thái Minh về chuyện cúng dường ở chùa Ba Vàng:
“Cũng không thể trách được Phật tử vì họ không biết các quy định của Đức Phật như thế nào. Còn với những người có nghiên cứu về giới luật Phật giáo sẽ thấy rằng, việc cúng dường như vậy là không phù hợp”.
Thế cho nên, hình ảnh trong tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung “Nam Mộ Dung, Bắc Kiều Phong” một lần nữa được thay bằng hai nhân vật “Nam Nhật Từ, Bắc Thái Minh” đã nói lên tình trạng bát nháo về tôn giáo tại Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét