“Nếu biết rằng em đã lấy chồng.
Anh về lấy vợ thế là xong.
Vợ
anh không đẹp bằng em lắm!
Mà chỉ
same same… Thẩm Thúy Hằng!”
Một thi sĩ vô danh nào đó đã nhại thơ TTKH để viết về người đẹp Thẩm Thúy Hằng như trên.
Năm 2012 tôi đã đề cập đến “Phim ảnh Sài Gòn xưa”, trong đó có đoạn viết về người đẹp này. Xin tham khảo tại https://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/08/phim-anh-sai-gon-xua.html có đoạn:
“Từ vai diễn đầu tiên với vai Tam Nương trong Người Đẹp Bình Dương, đóng cặp với nam diễn viên Nguyễn Đình Dần trong vai Hoàng tử, Thẩm Thúy Hằng bước lên ngôi vị nữ diễn viên khả ái nhất của màn ảnh Sài Gòn vào cuối thập niên 50 đầu thập niên 60. Có điều ít người biết là địa danh Bình Dương trong cuốn phim lại không phải là Thủ Dầu Một mà là một địa danh ở... bên Tàu.”
Đó là điều rất ít người hâm mộ Thẩm Thúy Hằng để ý đến. Hóa ra biệt danh “Người Đẹp Bình Dương” chỉ là một cái tên mượn từ tên cuốn phim đầu tiên mà cô nữ sinh Nguyễn Kim Phụng đã vượt qua hơn hai ngàn thí sinh, bước lên đài vinh quang bằng giải nhất của cuộc thi tuyển lựa tài tử cho phim.
Chưa bao giờ tỉnh Bình Dương của ta lại được nhắc đến nhiều đến vậy. Thời sự vừa đưa tin cháy tại một tiệm Karaoke ở Bình Dương khiến hơn 30 người chết rồi lại tiếp theo đó là tin “Người Đẹp Bình Dương” vừa qua đời ngày 06/9/2022, hưởng thọ 83 tuổi.
Thôi thì Bình Dương của ta cũng được “hưởng
sái” theo Bình Dương của Tàu khi cô Phụng thấy một trang báo có đăng quảng cáo
cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh của hãng phim Mỹ Vân. Dấu cha mẹ, cô nữ sinh
Phụng, khi đó mới 16 tuổi, học lớp Đệ Tứ, ghi tên dự tuyển và trở thành “Người Đẹp Bình Dương”.
Đó lả chuyện xưa hồi cuối năm 1957, khi bộ phim “Người Đẹp Bình Dương” được trình chiếu vào dịp Noel và năm mới 1958 với một chiến lược quảng cáo rầm rộ. Bộ phim đã thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo khán giả và đồng thời giới thiệu một gương mặt mới của nền điện ảnh miền Nam: Thẩm Thúy Hằng.
Viết về sự nghiệp điện ảnh lẫy lừng của Thẩm Thúy Hằng thì đã có hàng trăm bài ca tụng nên tôi không bàn đến nữa. Tuy nhiên, ở “giai đoạn hai” của cuộc đời người đẹp hình như người ta quên không nói đến. Có thể vì ít thông tin về cuộc đời “khép kín” của bà sau 1975.
Hồi đó (sau năm 1975) tôi có thời gian viết cho báo Vietnam Investment Review (VIR) và có cơ hội gặp gỡ ông Nguyễn Xuân Oánh khi ông ngỏ ý muốn hàng tuần tôi viết cho 4 trang “Newsletter” để cập nhật cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Dĩ nhiên là có “thù lao”!
Công việc này xem ra quá dễ vì tôi chỉ có mỗi một việc trích ra những tin nóng hổi về đầu tư trên VIR để truyền tải thông tin đến các nhà đầu tư đang có mặt tại Việt Nam. Ông Oánh khi đó có một công ty tư vấn đầu tư nên việc gửi “Newsletter” đến họ rất quan trọng. Trong bài viết đã dẫn năm 2012 có đoạn:
“Thẩm Thúy Hằng kết hôn với giáo sư tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh. Ông Oánh tốt nghiệp đại học Harvard và đã từng làm Phó thủ tướng kiêm Thống đốc Ngân hàng Việt Nam Cộng hòa. Sau năm 1975, ông làm cố vấn kinh tế cho Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông mất ngày 29/08/2003 vì bệnh về tim mạch, hưởng thọ 82 tuổi.”
Đó là mối quan hệ giữa bà Thẩm Thúy Hằng và ông Nguyễn Xuân Oánh mà tôi được biết. Bỏ qua chuyện chính trị đi hay ở lại sau năm 1975, tôi chỉ muốn viết về cuộc đời của bà, một người đẹp của nền điện ảnh Sài Gòn.
Chỉ có một điều đáng tiếc là trong “giai đoạn hai” của cuộc đời, bà Hằng sống ẩn dật như một “cư sĩ”, không màng đến những chuyện xảy ra xung quanh. Bà sống rất “kín tiếng”, hàng ngày niệm Phật, ngồi thiền và ăn chay trường.
Có người lại suy đoán bà là “nạn nhân” của “dao kéo giải phẫu thẩm mỹ” nên về già mới xuất hiện những dấu tích của các cuộc giải phẫu.
“Tôi nghĩ, trường hợp một nữ tài tử tài sắc vẹn toàn như Thẩm Thúy Hằng là quá hiếm trong nền điện ảnh Việt Nam. Cô đã trở thành ‘người của công chúng’ và giữ được cảm tình của nhiều người cho đến cuối đời với một cuộc sống đạo đức, đáng phục.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét