Thứ Năm, 27 tháng 10, 2022

Hiện tượng “lạ” trong giới ca sĩ

Bạn đang thả hồn theo tiếng hát của một ca sĩ qua những CD với những bản nhạc quen thuộc như Qua cầu gió bay, Còn thương rau đắng mọc sau hè, Giọt mưa trên lá, Lệ đá, Dư âm…

Cho đến khi xem các video clip của ca sĩ này bạn sẽ ngạc nhiên vì người hát lại là một ca sĩ người Mỹ “chính tông” (chứ không phải là ca sĩ người Việt nhuộm tóc)… với những luyến láy trong tiếng Việt mà ngay cả những ca sĩ người gốc Việt “chính gốc” cũng còn… chịu thua!

Đó là hiện tượng “lạ” xảy ra tại Hoa Kỳ năm 1991 với ca sĩ Dalena, người khởi đầu “sự nghiệp ca hát tiếng Việt” tại các đám cưới của người Việt tại Mỹ, rồi đến các phòng trà và cuối cùng là trên sân khấu Thuý Nga, Asia, Làng Văn, Hải Âu, Người Đẹp Bình Dương…

 


Dalena xuất hiện bên cạnh các ca sĩ người Việt nổi tiếng như Tuấn Ngọc, Elvis Phương, Don Hồ, Nguyễn Hưng...  Cho đến năm 2007, sau khi song ca với Anh Khoa trong bài hát Dư Âm (Chương trình Asia 55) và kể từ đó Dalena giã từ sân khấu!

Bài viết dưới đây của Đông Kha (nhacxua.vn biên soạn) có thể nói là một sưu tầm quý giá về “hiện tượng Dalena”, một ca sĩ người Mỹ mang tâm hồn Việt.

(Hình minh họa do NNC sưu tầm)



Ca sĩ Dalena – Người con gái Mỹ mang tâm hồn Việt Nam

Đông Kha – nhacxua.vn biên soạn

 

Hiện nay có khá nhiều ca sĩ là người ngoại quốc 100% hát nhạc Việt Nam, nhưng về độ nổi tiếng và thành công thì chưa ai có thể vượt qua được ca sĩ Dalena, một ca sĩ xuất hiện ở làng nhạc Việt hải ngoại kể từ đầu thập niên 1990.

Vào thời điểm đó, hình như chỉ có duy nhất Dalena là ca sĩ người Mỹ hát nhạc Việt, và điều kỳ lạ là cô nổi tiếng với nhiều ca khúc trữ trình Việt Nam khi mà cô thậm chí không thể hiểu lời của bài hát. Nhưng bù lại, Dalena có khả năng nắm bắt được phần nào sự tinh tế trong âm điệu của tiếng Việt với những phụ âm, nguyên âm và thanh điệu phức tạp, có thể hát đúng theo ngữ điệu của bài hát mà không cần hiểu một từ nào.

Để làm được như vậy không phải là một việc đơn giản, bởi vì Dalena phải mất nhiều thời gian hơn so với một ca sĩ người Việt trong khâu chọn bài và tập hát. Cô cố gắng tìm hiểu để biết được ý nghĩa của lời bài hát sau khi đã ghi nhớ được giai điệu của nó. Dalena nói: “Tôi đeo headphone gần như cả ngày để nghe đi nghe lại các bài hát để cố gắng ghi nhớ, đôi lúc bị ngủ quên khi đang nghe nhạc vào buổi tối”. 



Ca sĩ Dalena tên thật là Dalena Morton, sinh năm 1964 ở bang Indiana và lớn lên trong một gia đình người Mỹ trung lưu có 7 chị em tại Florida. Từ nhỏ cô đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc khá sớm, đặc biệt là khả năng bắt chước hát theo các ca sĩ hát nhạc tiếng nước ngoài dù không hiểu ý nghĩa bài hát. Sau này cô không chỉ hát tốt tiếng Anh, tiếng Việt mà thỉnh thoảng còn hát nhiều ngôn ngữ khác như Trung Quốc, Nhật, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Do Thái…

Lần đầu tiên Dalena hát trước nhiều người là lúc mới 3 tuổi tại trường mầm non, sau đó được hát ở nhà thờ. Ít người biết rằng ngoài việc sở hữu giọng hát ngọt ngào, Dalena còn là một nhạc sĩ, đã bắt đầu sáng tác và học chơi guitar từ nhỏ. Năm lên 16 tuổi, Dalena hát ở một nhà hàng nhỏ có tên The Garden Spot Café, sau đó chính thức bước vào nghể ca hát chuyên nghiệp tại nhà hàng People’s Place ở Orlando. 



Năm 1986, Dalena có có duyên được học đàn guitar của người thầy gốc Việt sống ở Mỹ, quê ở Trà Vinh, từ đó cô được làm quen với các làn điệu dân ca Viêt Nam. Ngay lập tức, cô say mê học đàn và bắt đầu tìm hiểu nội dung của những ca khúc tiếng Việt. Ban đầu cô gái người Mỹ này phải phiên âm từng chữ cái, cộng thêm vài hàng ghi chú bằng Anh ngữ.

“Tôi quyết định tập hát nhạc Việt từ năm 1990. Lúc mới tập, tôi không biết ngân theo giai điệu nhạc Việt, nên nghe có vẻ khô khan, nhưng rồi nhờ sưu tầm và thường xuyên nghe CD của các ca sĩ trẻ, tôi đã học được cách hát truyền cảm hơn. Năm 1992, tôi gây được chú ý qua album hát chung với Tuấn Ngọc, Đức Huy, Thái Châu, Đôn Hồ, Hương Lan… Ban đầu người ta xem tôi hát vì hiếu kỳ, nhưng về sau, họ tin rằng có một người con gái Mỹ thực sự mang lại không khí ấm áp, dễ chịu cho người nghe qua chất giọng rất Việt Nam” – Dalena nói trên báo VnExpress.

Thông tin về một cô gái tóc vàng người Mỹ có ngoại hình hoàn toàn là người Tây nhưng hát nhạc Việt rất truyền cảm đã lan rộng trong cộng đồng người Việt ở Cali từ năm 1991, thời điểm Dalena bắt đầu hát nhạc Việt Nam trong một số đám cưới của người Việt, sau đó được mời hát ở phòng trà Ritz của nhạc sĩ Ngọc Chánh. 



Bài hát nhạc Việt đầu tiên Dalena hát là bài Qua Cầu Gió Bay, sau đó cô cộng tác với hầu hết trung tâm lớn ở hải ngoại là Thuý Nga, Asia, Làng Văn, Hải Âu, Người Đẹp Bình Dương… Năm 2003, Dalena đến Việt Nam và tham gia chương trình Ấn tượng Sài Gòn 3 của trung tâm Rạng Đông.

Ngoài hát nhạc Việt, loại nhạc Dalena yêu thích là Christian music, dòng nhạc của nhà thờ, với thể loại nhạc dân gian dựa trên giai điệu blues. Cảm hứng âm nhạc của Dalena cũng có nhiều xuất phát điểm từ niềm tin về Thiên Chúa, và cô đã sáng tác rất nhiều ca khúc thuộc thể loại này. 



 

Trong album nhạc Christian thứ 9 mà Dalena phát hành năm 1996 có bài hát mang tên Eden, được mở ngoặc chú thích là Song of the cherubim (thánh ca), sau này được nhạc sĩ Bảo Chấn viết lời Việt thành ca khúc mang tên Phố Mùa Đông. Bài hát được chính nhạc sĩ Bảo Chấn nói rằng ông chỉ là người viết lời, chứ chưa bao giờ tự nhận là mình sáng tác.

Tuy nhiên khi Phố Mùa Đông được ca sĩ Lê Hiếu hát lần đầu tiên trong album thứ 2 phát hành năm 2004, một sai sót về in ấn đã ghi thông tin người sáng tác bài hát là Bảo Chấn, làm cho nhạc sĩ này trải qua một giai đoạn khó khăn và gần như không xuất hiện trong làng nhạc nữa cho đến tận ngày nay, bởi chỉ trước đó không lâu ông đã nhận được vô số chỉ trích vì đã đã đạo nhạc bài hát nổi tiếng Tình Thôi Xót Xa. 



Dalena đã xuất hiện nhiều lần trên sân khấu Thuý Nga và Asia, thường song ca với Henry Chúc, Anh Khoa, Nguyễn Hưng, Elvis Phương… 


Với Don Hồ

 

Từ sau khi tham gia chương trình Asia 55 năm 2007 khi song ca với Anh Khoa bài hát Dư Âm, từ sau đó Dalena không còn trình diễn trên sân khấu lớn một lần nào nữa. 


Với Elvis Phương

 

***

 

* Xem video của Dalena trình diễn nhạc Việt tại:

 

- Giọt Mưa Trên Lá (song ngữ Việt – Anh):

https://youtu.be/jthCmmapUpk

 

- Lệ đá:

https://youtu.be/OeRp7NRxl7o

 

- Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè:

https://youtu.be/DBzQLQTBpAM

 

- Duyên kiếp (với Nguyễn Hưng):

https://youtu.be/gB8wN0rHde0

 

- Dư âm (với Anh Khoa):

https://youtu.be/231ddMhqJHY 

 


Với Nguyễn Hưng

 *** 

--> Read more..

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2022

Đường phố Sài Gòn Xưa

"Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý,

Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do"

Cho đến bây giờ, người ta vẫn chưa thể khẳng định tác giả của hai câu thơ trên là của ai. Có người lại bảo rằng đó là thi sĩ Vũ Hoàng Chương, một trong những tên tuổi bị khép tội "Biệt kích văn nghệ" ở miền Nam sau biến cố 30/4/1975.

Cái khéo của hai câu thơ là sự đối chiếu những tên đường trước và sau ngày Sài Gòn đổi chủ. Ngày xưa người ta gọi con đường Công Lý chạy dài từ phi trường Tân Sơn Nhất đến trung tâm Quận Nhất nay đã trở thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

 

Đường Công Lý (Maréchal De Lattre de Tassigny) vào thập niên 1950

 

Dưới thời kỳ Pháp thuộc, Sài Gòn còn đang quy hoạch nên những con đường được đánh số và gọi theo những con số đó. Ban đầu, đường Công Lý được đặt thành số 26, sau này thì gọi là đường Impératrice, rồi đến Mac Mahon, rồi lần lượt mang theo những cái tên như Général De Gaulle, Maréchal De Lattre de Tassigny.

 

Cầu Công Lý khi còn là cầu cũ từ thời Pháp, với lan can bằng sắt

 

Mãi đến năm 1955, đường mới có tên chính thức được Việt hóa thành đường Công Lý dưới thời Ngô Đình Diệm. Lý do có thể hiểu được là con đường này đi ngang qua Tòa Pháp Đình Sài Gòn, được xem là nơi gìn giữ công lý cho người dân.

 

Cầu Công Lý (cầu bắc ngang kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè ở quận 3) sau đổi là Cầu Nguyễn Văn Trỗi

 

Dọc theo đường Công Lý là những cơ quan trọng yếu như Bộ Tổng Tham Mưu, Dinh Độc Lập, Dinh Hoa Lan, Phủ Phó Tổng thống... Ngoài ra còn có Chùa Vĩnh Nghiêm, trường Tư thục Quốc Anh, Thương xá Crystal Palace - Tam Đa, rạp chiếu bóng Hồng Bàng...

 

Dinh Độc Lập (nay là Dinh Thống Nhất) trên đường Công Lý (nay là Lê Duẩn)

 

Con đường Tự Do (hồi Pháp thuộc có tên Catinat) lại biến thành Đồng Khởi cho phù hợp với “khí thế cách mạng đang lên” sau tháng Tư năm 75. Người Sài Gòn xưa thường nói “đi bát phố Catinat” hay "bát phố Bonard" dù thật sự cũng chẳng đi dọc theo đường Tự Do hay Lê Lợi!

 

Tòa Pháp đình Sài Gòn trên đường Công Lý

 

Còn nhớ, ngày xưa đường Catinat dài 630 mét, dù là mang tên Tự Do nhưng lại “cấm các loại xe thô sơ” và chỉ lưu thông một chiều! Trong trường hợp này, người ta thấy sự hạn chế của chính quyền dù dưới chế độ nào cũng vậy chứ không phải riêng gì chế độ hiện tại.

Catinat là tên của một Thống chế người Pháp phục vụ dưới thời vua Louis 14. Người Pháp lấy tên Catinat đặt cho một con tàu đánh vào Gia Định năm 1859, và đến ngày 1/2/1865, Đề đốc De La Grandière lại dùng tên Catinat đặt cho con đường trung tâm Sài Gòn.

 

Đường Catinat thời Pháp thuộc

 

Nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Việt Nam là Nguyễn Liên Phong trong quyển “Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” (xuất bản năm 1909) đã mô tả đường Catinat thời kỳ này như sau:

 

“Nhứt là đường Ca-ti-na,

Hai bên lầu các, phố nhà phân minh

... Máy may mấy chỗ quá nhiều,

Các tiệm tủ ghế dập dều phô trương

Đồ sành, đồ cẩn, đồ đương [đan]

Đồ thêu, đồ chạm trữ thường thiếu chi”

 

Đường Catinat (sau đổi thành Tự Do)

 

Con đường huyết mạch của Sài Gòn xưa còn phải kể đến đường Bonard (sau này đổi tên thành Lê Lợi) là một đường với chiều dài khoảng 550m, đi từ đường Đồng Khởi đến đường Lê Lai. Đường Lê Lợi giao cắt với một số đường như Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Huệ.

 

Boulevard Bonard thập niên 1920

 

Khoảng những năm 1870, người Pháp xây dựng một con đường lấy tên là Đại lộ Bonard, kết thúc tại đường Mac Mahon (tức là đường Công Lý, sau đổi thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Sau khi chợ Bến Thành được xây dựng vào năm 1914 thì đại lộ mới này được nối dài thêm một đoạn đến trước chợ.

 

Bùng binh và đại lộ Bonard vào thời Pháp thuộc

 

Kể từ khi chợ Bến Thành được xây xong, nhà ga xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho dời từ đầu đường Hàm Nghi (De la Somme) ở Bến Bạch Ðằng về quảng trường Cuniac (quảng trường trước chợ Bến Thành), thì đại lộ Bonard mới bắt đầu phát triển các kiến trúc trên trục đường này.

Năm 1955, chính quyền VNCH đổi tên đại lộ Bonard thành đại lộ Lê Lợi và tên gọi này được giữ nguyên đến hiện tại. Nguyễn Huệ (Charner) và Lê Lợi (Bonard) là 2 con đường giao nhau tại trục đường chính của Sài Gòn từ đầu thế kỷ 20 đến nay, hai con đường này đã trở thành trục đường sầm uất nhất của Sài Gòn.

 

Đại lộ Lê Lợi buôn bán sầm uất

 

Tại trục giao nhau giữa Nguyễn Huệ - Lê Lợi có một hồ nước nhỏ, xung quanh trồng cây liễu rũ xuống mặt hồ, nên mới có tên là “Bùng binh Cây Liễu”. Đến năm 2014, hồ nước này bị đập bỏ để xây phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhưng đến năm 2019 lại xây một hồ nước khác ngay tại vị trí cũ.

 

Đường Lê Lợi năm 1972

 

Song song với đường Catinat chính là con đường Charner (năm 1955 đổi tên là Nguyễn Huệ), cả hai đều hướng ra Bến Bạch Đằng bên bờ sông Sài Gn. Được xây dựng từ thời Pháp thuộc, kéo dài tứ năm 1898 đến 1909 mới xây xong Hôtel de ville (Tòa Thị sảnh Thánh phố) mà người dân gọi nôm na là “Dinh xã Tây”.

 

Dinh Xã Tây lúc đang xây dựng, năm 1904

 

Đến thời Việt Nam Cộng hòa gọi là “Tòa Đô Chánh” vì là nơi làm việc và hội họp của chính quyền. Công trình này do kiến trúc sư Femand Gardè thiết kế, mô phỏng từ tòa thị chính Paris theo kiểu những lầu chuông, với phần chính giữa là tháp nhọn nhô cao, hai bên có hai tầng mái bên trái và bên phải tòa nhà thấp hơn so với các phần còn lại.

 

Dinh xã Tây (Tòa Đô Chánh) thời Pháp thuộc

 

Mặt tiền của tòa nhà hướng ra bờ sông và đường Nguyễn Huệ được coi là trung tâm của Sài Gòn với các cơ sở kinh doanh. Sau này lại có một dãy các kios cung cấp các dịch vụ bán lẻ và cũng là địa điểm hằng năm tổ chức hội hoa xuân vào dịp Tết.

 

Trục đại lộ Charner và Bonard với Bùng binh ở giữa. Hình chụp vào thập niên 1920

 

Vì khuôn khổ hạn chế của bài viết nên chúng tôi chỉ đề cập đến một số con đường quan trọng của Sài Gòn Xưa để độc giả, nhất là những người trẻ tuổi ngày nay, có một cái nhìn tổng quát về Sài Gòn, nơi đã từng được ví như Hòn Ngọc Viễn Đông.

 

Tòa Đô Chánh trong bản đồ quy hoạch của Sài Gòn năm 1900

 

Xin kết thúc với bài thơ “Tám Phố Sài Gòn” của Nguyên Sa, gồm 8 khúc thơ tượng trưng cho 8 con đường của Sài Gòn Xưa:

 

“Sài Gòn đi rất chậm buổi chiều

Cánh tay tà áo sát vòng eo

Có nghe đôi mắt vòng quanh áo

Năm ngón thơ buồn đứng ngó theo

 

“Sài Gòn phóng solex rất nhanh

Đôi tay hoàng yến ngủ trong gants

Có nghe hơi thở cài vương miện

Lên tóc đen mềm nhung rất nhung

 

“Sài Gòn ngồi thư viện rất nghiêm

Tờ hoa trong sách cũng nằm im

Đầu thư và cuối cùng trang giấy

Những chữ y dài trông rất ngoan

 

“Sài Gòn tối đi học một mình

Cột đèn theo gót bóng lung linh

Mặt trăng theo ánh đèn: trăng sáng

Đôi mắt trông vời theo ánh trăng

 

“Sài Gòn cười đôi môi rất tròn

Vòng cung mầu đỏ, nét thu cong

Cầu vồng bắc giữa mưa và nắng

Hay đã đưa dần sang nhớ mong

 

“Sài Gòn gối đầu trên cánh tay

Những năm mười sáu mắt nhìn mây

Chiếc tay tròn ánh trăng mười bốn

Tiếng nhạc đang về dang cánh bay

 

“Sài Gòn nắng hay Sài Gòn mưa

Thứ Bảy Sài Gòn đi Bonard

Guốc cao gót nhỏ mây vào gót

Áo lụa trăng mềm bay xuống thơ

 

“Sài Gòn mai gọi nhau bằng cưng

Vành môi nghiêng cánh xuống phân vân

Lưng trời không có bày chim én

Thành phố đi về cũng đã xuân

 

Từ năm 1910, chính quyền Pháp đã cho đặt bức tượng của Francis Garnier tại Nhà hát Thành phố cho đến năm 1955

***
--> Read more..

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2022

Cậu chó – Trần Đức Lai

Trong kiếp người, một gia đình cứ tưởng mình giàu sang, phú quý tột bậc là do phúc đức cha mẹ, ông bà để lại mà quên việc làm lành, để được sung sướng trong kiếp hiện tại ở thế gian.

Xưa cũng như nay, có nhiều gia đình, bỗng niên sinh ra những đứa con bán thân bất toại hoặc nhiều chứng tật nguyền kỳ lạ khác hẳn thiên hạ. Giải thích theo Nhà Phật, đó là nghiệp chướng từ kiếp trước.

“Cậu chó” do nhà xuất bản Cửu Long ra mắt người đọc năm 1969, gồm 40 chương, với Chương 1 có tên “Nghiệp chướng làm quan ác độc” về một gia đình họ Hồ, người Huế, làm quan đến chức “nhất phẩm triều đình” trong triều Nguyễn. Tác giả Nguyễn Đức Lai mô tả lai lịch gia đình quan nhất phẩm như sau:

“Trong họ Hồ này người thường cũng là thứ Đội Lệ, còn có những người làm quan đến chức Thượng Thơ Bộ Lại hay Luật Sư, Bác sĩ danh tiếng. Con gái thì người được tuyển vào Cung hầu Đức Vua, người có chồng làm Quan Tứ Trụ Triều đình hay ít nhứt cũng là Tham Tá Phủ Khâm Sứ, v.v... Có thể nói là ở giòng họ Hồ không thiếu gì Quan lớn, Quan bé, giai nhân tuyệt sắc đứng vào bậc nhứt nhì trong nước.

...

“Năm ấy, Cụ Bà có mang người con thứ 7. Đứa nhỏ vừa sanh ra mặt mũi khác hẳn mấy người con trước. Mặt của cậu con trai út này hơi dài lại gẫy. Vừa sanh mà người cậu Bẩy đã mọc đầy lông tơ trông thật kỳ lạ.

“Thấy đứa con kỳ lạ Cụ Ông và Cụ Bà đã thấy hơi lo, nhưng có điều lạ là cậu nhỏ ít khóc, nhưng hễ khóc là tiếng khóc như tiếng chó tru. Con cái người ta bình thường thì ba tháng biết lẫy, bẩy tháng biết bò, chín tháng cò rò mà đi. Đàng này cậu Bẩy ba tháng ăn thật khỏe, nhưng không biết lẫy, cậu Bẩy lại không ngồi được
.

(hết trích)


Chân dung nhà văn Trần Đức Lai



Cụ Hồ Nhứt Phẩm Triều Ðình có người con đỗ Bác sĩ làm tại Bệnh viện Huế đã cùng với viên Bác sĩ Giám đốc Bệnh viện người Pháp khám cho cậu Bẩy. Cả hai bác sĩ đều nhận thấy cậu Bẩy không xương sống nên chỉ nằm và khi lớn cậu có thể bò được chớ không ngồi và đứng được. Lưởi của cậu dài hơn lưỡi của thiên hạ và nhọn hoắt nên cậu Bẩy không nói được nhưng tiếng la, tiếng thét của cậu Bẩy rất dài và lớn.

Khi cậu Bẩy được 2 tuổi thì trông cậu giống... “con chó Berger Ðức”! Người cậu dài ra, lông lá mọc khắp người, cậu bò rất nhanh bằng hai đầu gối và hai khuỷu tay. Mỗi lần muốn gì, cậu tru lên như tiếng chó tru. Có điều khác hơn chó là cậu Bẩy có thể khóc được bằng những tiếng tru nghe thật ghê rợn. Theo Trần Đức Lai, cậu Bảy còn có một cái “tật” rất khác người:

“Cậu không bận quần áo bao giờ cả, nên trông cậu càng giống vật bốn chân. Có điều rất lạ là bộ phận sinh dục của cậu khác hẳn người. Tuy mới 8 tuổi không ai ngờ bộ phận sinh dục của cậu to như của người đã 25 tuổi. Cậu ăn cơm cũng có người và, bằng không có người và cơm cho cậu Chó ăn, cậu lăn ra khóc và rống lên tru kỳ cho đến khi người con gái trẻ đẹp vào dỗ dành cậu, cậu Chó mới chịu nín và đòi ăn.

“Khi ăn cậu Chó chỉ thích nằm, nhưng cậu lại bắt người con gái đẹp kia bồng cậu mằm trong lòng và khi ấy, tay cậu Chó đưa lên sờ soạng mân mê làm cho người con gái đâm cuống lên. Có nhiều khi cô đập vào tay cậu Chó hoặc hất tay cậu ra thì lúc đầu cậu cười, lối cười rất kỳ lạ chẳng khác chó cắn từng tiếng. Nên lúc ấy người con gái vẫn cương quyết hất tay cậu Chó ra là cậu Chó đập chân la hét rồi tru khóc.

(hết trích)

Để tránh tiếng đồn ra ngoài về cậu Bẩy, nhứt là tiếng xấu Cụ Hồ sanh ra chó nên Cụ Ông và Cụ Bà đã làm riêng cho cậu Bẩy một căn phòng để cậu Bẩy ăn ở luôn trong đó. Vì muốn có người chăm lo cho cậu Bẩy, Cụ ông ra lệnh cho người anh của cậu là Quan Huyện tìm một đứa con gái nhanh nhẹn để hàng ngày hầu cậu Bẩy như một người vợ.

Người được chọn là Duyên, con gái của Lý Cảnh. Cô sẵn sàng nhận nhiệm vụ vì cô nghĩ việc hầu hạ một đứa trẻ bị bệnh tật cũng là điều bình thường. Quan Huyện Hương Trà nhìn Duyên, ông không ngờ cô gái quê này lại xinh đẹp như thế nên ông động lòng tà dâm! Và thế là ông “hái hoa” trước khi đem về hầu hạ cậu em út.

“Quan Huyện thấy thương Duyên vô hạn. Trong tương lai, nàng về hầu cậu Chó em ruột Quan Huyện thì thôi rồi bao tuyết sạch, giá trong còn đâu nữa? Với cậu Chó thì chỉ có tình dục. Cậu không thể nói được, nên nàng không thể nào được nghe những lời êm dịu của chàng trai say mê nhan sắc của nàng. Nàng phải chịu đựng những gì phũ phàng nhứt đối với một trinh nữ...

“Quan Huyện nhẹ bước đi vào nhà trong, thay quần áo nhưng rồi ông không thể nào bỏ qua được trước sắc đẹp của Duyên, ông ngồi thừ ra trên ghế salon đốt thuốc điếu hút, ông ngồi suy nghĩ. Trong lúc thanh vắng này. Vợ lại đi vắng, một nàng trinh nữ nằm hơ hớ trên giường trước một Quan Huyện trẻ sung sức thì đó là miếng mồi ngon cho Quan Huyện.



- Con lạy Quan Lớn, xin Quan Lớn tha cho con... con sợ lắm Quan Lớn ơi!..

“Quan Huyện vẫn trơ tráo:

- Việc gì mà em sợ, tôi yêu em thương em mà! Đời em rồi cũng phải lấy chồng và em cũng phải biết tới chuyện này, thà rằng em để cho tôi thương yêu còn hơn đứa khác...

“Quan Huyện ào vô đè lên Duyên, chận lấy hai tay Duyên còn một tay Quan Huyện kéo tuột chiếc quần của nàng xuống. Duyên vội co chân lên chống đỡ thì chiếc quần lại tuột hẳn ra ngoài, Quan Huyện thích thú co chân đạp chiếc quần xuống dưới đất… Thế là xong một đời trinh nữ...


(hết trích)

Rất nhiều các cô gái quê, con cái của thủ hạ Cụ Lớn, đã qua tay cậu Bẩy nhưng tất cả đều bị “dội ra” vì không chịu nổi “tính khí dâm đãng” của một con người đội lốt chó. Cô Lụa là một là một cô gái dâm đãng nhưng không làm sao chịu nổi cậu Chó, dù Lụa vẫn lén đi lại với An, người tình cũ.

Cuộc gian dâm giữa Lụa và An đưa đến cái kết quả là Lụa có mang. Dĩ nhiên, Lụa đổ cho cậu Chó là tác giả của bào thai. Cụ Bà lại thương cháu nội nên phải cho Lụa ở riêng, mỗi ngày vào thăm cậu Chó một lần nhưng lần nào vào thăm cũng phải có người đi theo để canh chừng không cho cậu Chó “nổi cơn làm bậy”!

Cô Duyên chính là người thay thế cô Lụa trong vai trò người vợ thứ hai! Cũng còn may mắn cho gia đình quan đại thần, nếu như cậu Bảy là tác giả của những bào thai đó, không biết chừng nhà quan lại có thêm một đàn “cún con” chạy quanh nhà!


Tác phẩm “Cậu chó”


Hai cụ tuy đã ngoài năm mươi tuổi rồi mà Cụ Bà vẫn còn ghen khủng khiếp, cấm không cho Cụ Ông đi đâu hết. Bà nghĩ đàn bà già thì còn chịu đựng được chớ đàn ông thì “cắt đầu gối còn có máu là còn đi chơi được”. Vì thế mà Cụ Bà ngăn không cho Cụ Ông đi chơi bên ngoài.

Có lần Cụ Ông thấy con gái của lão Cai Khố Vàng đẹp quá nên cũng “động lòng”. Khi biết cô gái ở bên An Cựu mới qua thăm mẹ đau nặng nên tính cho ít tiền giúp đỡ nhưng ngặt nỗi cụ chẳng bao giờ có tiền trong túi vì bao nhiêu tiền Cụ Bà đã lấy hết, kể cả “bổng lộc ngoài” Cụ Bà cũng không tha.

Cần tiền Cụ Ông phải vay 20 đồng của Cụ Tham Tri họ Hà để giúp đỡ với điều kiện về con gái về “hầu” cụ và phải giữ bí mật. Thầy Cai mừng rơn như người trúng số. Thầy Cai cầm tiền đi mướn nhà bên An Cựu xong thì báo tin cho Cụ Lớn biết để Cụ Lớn làm lễ nhập phòng với con gái của mình!

Cụ Lớn ở được với cô vợ bé đúng ba tháng thì một hôm Cụ Lớn vừa đi làm về, chiếc xe kéo gọng đồng sáng loáng vừa đặt trên bệ tam cấp, Cụ Lớn vừa bước xuống thì từ bên trong Cụ Bà đã cầm sẳn ngọn roi mây quất lia lịa vào người Cụ Lớn, miệng cụ chửi toáng lên:

- Thằng già dê, thằng khốn nạn. Mi lấy con gái thằng Ðội Cẩm Cai Khố Vàng được mấy tháng rồi, mi cho con đĩ đó bao nhiêu tiền. Vì sao thằng Bát Viễn xin mi đi Ðội Lệ mi lại cho thằng Cai Khố Vàng. Thằng Bát Viễn bằng lòng dâng năm trăm đồng sao mi không cho đi. Tao giết con khốn nạn đó rủ rê thằng già dê này!

Câu chuyện đánh ghen của Cụ Bà được mô tả qua giọng văn có phần hài hước của Trần Đức Lai:

“Cụ Ông phát điên lên, tay chân run cầm cập. Cụ Ông không ngờ Cụ Bà đã bắt được cô vợ bé của cụ rồi. Khi ấy cô vợ bé của Cụ Lớn vừa đi ra vừa khóc lạy:

- Bẩm lạy Cụ Lớn con còn bé, Cụ Lớn bắt con phải chiều chuộng Cụ Lớn chứ con đâu dám quyến rũ Cụ Lớn.

“Cụ Bà có vẻ thương cô gái tuổi trẻ, cụ nói:

- Tao biết thằng chết đâm, chết vằm ni nhiều chuyện lắm. Hắn trông thấy mi rồi mà mi không chịu thì cha mi cũng chết. Hắn phá hoại đời mi tao biết mà.

“Nói rồi Cụ Bà quay lại hỏi Cụ Ông:

- Thằng già dê, mi còn chối nữa không, con ni là con mô, ai thuê nhà bên An Cựu cho con ni ở? Thằng mô mi nói đi không bà băm vằm mi ra bây giờ?


Người và Chó



Như đã nói ở trên, “luận đề” chính trong “Cậu chó” của tác giả Trần Đức Lai có thể tóm gọn trong câu “Nghiệp chướng làm quan độc ác” dựa trên bối cảnh của xứ Huế với văn phong mang đậm nét của vùng đất Thần Kinh vào cuối triều Nguyễn.

Nhiều nhà phê bình văn học còn đánh giá truyện là “đệ nhất dâm thư của Việt Nam, trước năm 1975”. Xét cho cùng, câu chuyện mang tính cách của một tác phẩm vừa hư cấu lại vừa có ý khuyên người ta cần phải “hướng thiện, làm điều lành, tránh điều dữ” qua ngòi bút của tác giả Trần Đức Lai.

Nhà văn Trần Đức Lai (tên thật là Bùi Bá Nhân) một cây bút lão thành vào nghể viết báo từ năm 1938 khi ông làm thông tín viên cho Nhật báo Đông Pháp ở Thanh Hóa. Ông còn cộng tác với tờ Tin Mới do nhà văn kiêm nhà báo Tam Lang làm chủ bút.

Năm 1955, di cư vào Nam, Trần Đức Lai làm biên tập viên cho Báo Ngôn Luận, Dân Chúng và tổng thơ tý tòa soạn Báo Cách mạng Quốc gia, Saigon Mai. Năm 1962, ông làm chủ bút Báo Bến Nghé, rồi Báo Công Chúng và cộng tác với Báo Trắng Đen.

Qua nhiều bút danh khác nhau, như Tô Văn chuyên viết truyện ma quái, Minh Đạo với các truyện tình cảm, xã hội và Điệp Viên khi viết truyện trinh thám. Phải nói, Trần Đức Lai là nhà văn có rất nhiều độc giả và cũng là một trong những cây bút “đắt giá” nhất trước năm 1975.

Truyện “Cậu chó” của Trần Đức Lai đã có một thời “làm mưa, làm gió” trên báo Trắng Đen được đăng hàng ngày dưới dạng “feuilleton”. Nhiều khi người đọc mua báo chỉ để theo dõi những tình tiết của câu chuyện ở trang trong hơn là những tin tức ở trang ngoài.

Báo Trắng Đen cũng có một thời “ăn khách” nhờ khai thác câu chuyện của “Hoàng đế tự xưng Jean-Bedel Bokassa” ở Trung Phi. Bokassa năm 1953 đi lính cho Pháp, đóng tại Việt Nam và sống với bà Nguyễn Thị Huệ, họ có người con gái tên Martine. Sau này, cô gái 17 tuổi, bán thuốc lá bên lề đường được Bokassa “rước” về làm... “công chúa”!

Vụ “lùm xùm giữa Martine “giả” và Martine “thật” đã thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả đến báo Trắng Đen mà nhiều người gọi đùa là “báo lá cải”, chuyên khai thác những chuyện “giật gân” để câu người đọc!

Bokassa làm Tổng thống xứ Trung Phi sau đó tự xưng hoàng đế. Bên phải là bà Nguyễn Thị Huệ, người đã sinh cho ông cô con gái Martine tại Việt Nam

***

* Đọc “Cậu chó” của Nguyễn Đức Lai tại:

https://vietmessenger.com/books/?title=caucho


***
--> Read more..

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2022

Thế Uyên và “những người từ Tuyệt Tình Cốc”

Tháng 9/2012 tôi có một bài viết trên Blogspot với nhan đề “Ngôn ngữ Sài Gòn xưa: Lính tráng (2)” (xin xem tại https://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/ngon-ngu-sai-gon-xua-linh-trang-2.html).

Bài viết nói về các nhà văn quân đội VNCH, trong đó có Nguyễn Xuân Vinh (với “Đời phi công” và Thế Uyên với nhiều tác phẩm xoay quanh đời lính như “Mười ngày phép của một người lính”, “Tiền đồn”, “Đoạn đường chiến binh”, “Nỗi Chết Không Rời”... Trong bài có đoạn viết về Thế Uyên:

“Tôi biết Thế Uyên khi còn học tại Ban Mê Thuột. Khi đó ông lưu lạc đến cao nguyên đất đỏ trong vai trò một giáo sư dạy môn Công dân Giáo dục và Triết trước khi bị động viên vào khoá 14 Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, cùng một lượt với nhà thơ Thanh Tâm Tuyền.

“Thầy trò chỉ hơn nhau có 11 tuổi nhưng, đối với tôi, thầy Dũng mang dáng dấp của một người từng trải với điếu thuốc lúc nào cũng gắn trên môi. Thế Uyên, bút hiệu của thầy Nguyễn Kim Dũng, sinh năm 1935 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống văn học. Mẹ ông là em ruột nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, bà cũng là chị nhà văn Thạch Lam.

“Sau 1975, cũng như hàng trăm ngàn sĩ quan của miền Nam, ông bị đi tù cải tạo một thời gian, trước khi đến định cư tại Mỹ. Cách đây vài năm ông bị “stroke”, tê bại một nửa người, phải ngồi trên xe lăn để di chuyển trong nhà. Tuy nhiên, bằng một nghị lực phi thường, ông đã tập viết lại bằng tay trái, và đã viết bài cho các tạp chí văn học hải ngoại.

(hết trích)

 

Nhà văn Thế Uyên (1935-2013) qua nét vẽ của Đinh Cường

 

Mới đây, tôi gặp lại một bài viết của Thế Uyên trên trang “Sáng Tạo” có tựa đề “Những người từ Tuyệt Tình Cốc” trong đó tác giả kể lại cuộc gặp gỡ nhà văn nữ Túy Hồng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Hoàng Phủ Ngọc Tường, một trong những lãnh tụ sinh viên tranh đấu.

Thế Uyên và Hoàng Phủ Ngọc Tường quen nhau khi bắt đầu học ban Cử nhân Triết và ban Việt Hán năm thứ hai. Vóc người Tường nhỏ nhắn, đầy sức sống, thích tranh luận và dĩ nhiên là tràn đầy lý tưởng, muốn đóng góp tối đa cho dân tộc.

Cả hai thường bị các giáo sư “không ưa”, nhất là giáo sư Nghiêm Toản. Thầy Toản “trụ trì cửa ải bắt buộc phải đi qua” là chứng chỉ Văn chương Việt Nam tại Văn khoa. Không có chứng chỉ này, dù có đỗ tới đâu, cũng không được cấp bằng cử nhân.

Quan điểm văn học của giáo sư Nghiêm Toản quá cổ điển, quá khuôn sáo, đường mòn, có lẽ chỉ hợp với một thời “thái bình thịnh trị”. Dĩ nhiên là những thanh niên khó có thể ép mình vào khuôn sáo đó.

Sau khi ra trường, Tường trở về Huế dạy học, còn Thế Uyên đi con đường riêng với nhiều sóng gió để trở thành một người lính viết văn, hay là một nhà văn đi lính thì cũng thế.

Thời đó thế hệ thanh niên đều mê kiếm hiệp Kim Dung, đến độ không thiếu người cầm bút đã mượn tên các nhân vật của Kim Dung làm bút hiệu, và các bạn Huế mở một quán cà phê nhỏ, cũng đặt tên là Doanh Doanh. Gặp nhau tại “Tuyệt Tình Cốc”, một cái tên từ truyện của Kim Dung, Thế Uyên kể lại buổi gặp gỡ tại Huế: 

“Tuyệt Tình Cốc là một căn nhà tranh vách gỗ giản dị nằm sau một sân rộng. Cả ba gian nhà đã đầy người dưới các ánh nến chập chờn. Hầu hết là thanh niên, ngoại trừ ba người là nữ. Và người nữ lớn tuổi nhất nơi đây được Tường giới thiệu dưới cái tên Tuý Hồng.

“Tuý Hồng thì tôi biết vì mới đọc vài truyện ngắn đầu tiên của cô đăng trên Bách Khoa. Lối viết mạnh bạo, nhất là về địa hạt tình dục của cô gái này làm tôi thích thú – tôi vẫn nghĩ từ lâu tình yêu bao giờ cũng bao gồm cả tình cảm lẫn thân xác, viết văn mà chỉ lãng mạn nhìn nhau qua hoa lá cỏ cây thôi không đủ. Phải nhìn thấy và thèm muốn thân thể nhau nữa…

...

“Tường giới thiệu với tôi người bạn trẻ, nhỏ và gầy, đôi mắt dịu dàng sau làn kính cận, hầu như không nói gì từ lúc bắt đầu dù anh ngồi đối diện tôi. Đó là Trịnh Công Sơn.

“Lúc ấy nhạc của anh chưa được in ra, ở miền Nam chưa ai biết tới anh, kể cả tôi. Từ hôm tới Huế, Tường đã vài lần nhắc tới Trịnh Công Sơn và khen rất nhiều tài năng của người nhạc sĩ trẻ này. Tôi đã chỉ ừ à cho phải phép. Nhưng đêm nay, ngay sau khi Sơn ôm đàn hát lên một bài của mình về một vết lăn trầm, tôi đã thấy ma lực của lời cũng như nhạc...

(hết trích)

 

Chân dung Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Nhà văn Túy Hồng và Nhà văn Thế Uyên

 

Buổi gặp mặt “đầy sóng gió vì những bất đồng”, nhất là về sự tham chiến của quân đội Mỹ. Những người bạn xứ Huế đều ghét Mỹ, có thể nói ngửi thấy mùi Mỹ, trông thấy người Mỹ là họ “nổi gai”!. Khi đó, những người lính Mỹ muốn đến thăm Huế đã phải mặc thường phục theo yêu cầu của thượng cấp để khỏi chọc giận thanh niên nơi này. Thế Uyên viết:

“Tôi trình bày thẳng thắn là tôi và các bạn ở Sài Gòn cũng có chống Mỹ, nhưng là chống chính sách Mỹ đang áp đặt cho Việt Nam. Nói kiểu bây giờ, là chống cái policy của chính quyền Mỹ đang theo đuổi trong chiến tranh Việt Nam – thứ policy chắc chắn sẽ đưa miền Nam đến thảm bại trong tương lai. Cuộc chiến tranh này là của chúng ta mà, người Mỹ lúc này có mục tiêu tạm thời trùng hợp với Việt Nam Cộng Hoà, thì họ mang quân tới giúp mà thôi!”

Với tư cách bạn cũ, Thế Uyên đã hết sức khuyên Tường đừng phát động cuộc đấu tranh, bởi vì dù có lật đổ được tướng lãnh, đâu có thay đổi được tình hình. Ông cũng e ngại rằng sau khi thất bại, Tường và các bạn sẽ không còn đường chạy nào khác là ra ngoài mật khu với Mặt trận Giải phóng Miền Nam…

Thế Uyên cũng thuyết phục Tường nên tách thầy Trí Quang ra khỏi phong trào bởi vì trong những vị sư lãnh đạo thời đó, ông tuy có uy tín, có tài lãnh đạo, nhưng lại không có một chính sách nào đáng kể và dài hạn cho miền Nam. Về điểm này, Tường cương quyết lắc đầu vì anh cho rằng không có thầy Trí Quang, anh và các bạn trẻ sẽ không đủ sức phát động cuộc đấu tranh như mong muốn.

 

Hoàng Phủ Ngọc Tường

 

Sau 30/4/1975, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã cùng một số bạn sống sót trở về trong hàng ngũ của kẻ chiến thắng. Không rõ anh giữ những chức vụ gì ở ngoài Huế, chỉ thỉnh thoảng người ta đọc một vài ký sự hay truyện ngắn anh đăng trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội.

Và dĩ nhiên anh chẳng bao giờ liên lạc hay tới thăm Thế Uyên. Cái tệ của chủ nghĩa Mác Lê là ở chỗ đó. Đã không cùng một lý tưởng, thì cha mẹ anh em bạn bè cố tri cũng đều có thể coi như kẻ thù. Có hai nhân vật được Thế Uyên nói đến nhiếu nhất sau 30/4/1975:

“Trong những người từ “Tuyệt Tình Cốc” đêm đó đi ra, có hai người sau này danh tiếng lẫy lừng. Người thứ nhất là Tuý Hồng đã bỏ Huế vào Sài Gòn lập nghiệp, nhưng có một nếp sinh hoạt khác nên thỉnh thoảng tôi mới gặp lại ở các toà soạn báo Văn hay Bách Khoa.

“Người thứ hai là Trịnh Công Sơn. Sơn nổi tiếng nhanh không kém và danh tiếng phổ biến khắp quần chúng. Nhưng dù nổi tiếng như thế, tác phong anh vẫn giản dị như xưa. Tôi thỉnh thoảng gặp anh ở khu nhà tiền chế trong khuôn viên của trường Đại học Văn Khoa.

“Vẫn xềnh xoàng với chiếc áo sơ mi kaki hay trắng ngắn tay với chiếc quần không mấy khi thẳng. Sau này anh có thuê một căn gác nhỏ và khi tôi tới chơi đúng hôm trời mưa, thì mái dột tứ tung. Chủ và khách cứ việc thoải mái xê dịch sao mưa khỏi rơi trúng đầu là được.

“Tôi không biết các nhà xuất bản in nhạc anh, các nhà thu băng…có trả tác quyền anh khá không, chứ phần tôi, chưa bao giờ thấy anh có tiền nhiều một chút. Có thể nói anh không quan tâm đến tiền bạc, ngay chuyện tác quyền, anh cũng để các em đứng ra thay thế.

(Hết trích)

 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939-2001)

 

Chỉ sau ngày Sài Gòn sụp đổ có vài hôm, Thế Uyên gặp Trịnh Công Sơn tại vỉa hè gần ngã tư Phan Thanh Giản-Lê Văn Duyệt. Hai người tay bắt, mặt mừng và Thế Uyên kể lại:

“Sơn than với tôi là anh đến Quận 3 để xin về Huế thì bị ban Quân Quản ốp, đòi xuất trình giấy tờ chứng tỏ là ngụy quân ngụy quyền. Mấy bộ đội nơi đây lý luận rằng ở hạng tuổi Sơn, nếu không đi làm công chức thì chắc chắn phải đi lính. Sơn đã giải thích rằng anh đã trốn lính và lần này bị ốp nặng hơn: “Giấy chứng nhận trốn lính của anh đâu?”.

Thế Uyên cũng có hỏi anh về vụ anh hát bài “Nối Vòng Tay Lớn” trên đài phát thanh những giờ đầu tiên miền Nam đổi chủ, anh cho biết là bạn bè ngoài khu về kiếm ra anh ngay, kéo lên xe đưa đến đài phát thanh. Không kịp về nhà lấy đàn, nên anh phải hát tay không...

Có một lần, Sơn đã tâm sự với Thế Uyên, giọng buồn rầu: “Đứa em chót của tôi vượt biên và đã tới Mỹ. Anh có biết nó viết thư cho tôi thế nào không, khi nó là đứa em gái tôi thương nhất. Nó bảo rằng anh Sơn ơi, từ giờ khỏi lo nhé. Bọn em kiếm dư tiền gửi về nuôi anh no đủ để tha hồ mà sáng tác cho đảng!” Nghe lời than này, tôi chỉ cười vì không biết nói sao”.

Thế Uyên hỏi đùa Sơn:

“Trước 75 anh bảo là anh đi trong bóng đêm, sau 75 vài năm thì anh bảo anh đi dưới ánh sáng mặt trời, vậy thì bây giờ anh đang đi dưới ánh sáng gì? Sơn nhìn tôi với đôi mắt vẫn hiền lành sau làn kính cận, không trả lời, quay lưng bỏ đi không một lời giã từ

Đó là lần cuối cùng Thế Uyên gặp Trịnh Công Sơn, một con người ra đi từ “Tuyệt Tình Cốc” năm xưa.

 

*** 

* Nguồn: https://sangtao.org/2016/07/14/nhung-nguoi-tu-tuyet-tinh-coc/


***

--> Read more..

Popular posts