Thứ Tư, 23 tháng 2, 2022

Chơi “lấy tiếng” hay “mang tiếng”?

Dân gian ta có câu nói “chơi lấy tiếng”, nôm na là tự khoe mình trước mọi người. Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp “chịu chơi quá mức” lại hóa ra “lấy tiếng” chẳng thấy đâu mà chỉ đem lại điều... “mang tiếng”!

Thế giới hiện đang nổi lên một cuộc chơi lớn trong lãnh vực thể thao, đó là Thế vận hội mùa đông năm 2022 tại Trung Quốc. Dĩ nhiên, nước chủ nhà phải nhân cơ hội này để quảng bá cho một nước đang trên đường tiến lên cùng với các cường quốc về cả chính trị và xã hội, kể cả thể thao.

 

Beijing 2022

 

Trong lễ khai mạc “Beijing 2022”, hai nhà lãnh đạo vốn thân thiết với nhau là ông Tập Cận Bình và ông Vladimir Putin đã thân mật nắm tay nhau. Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế, Thomas Bach, đã ca ngợi đây là "lễ hội của hòa bình”.

Ông Tập hiện đang là “đối tượng” mà các nước Phương Tây đặt vấn đề về nhân quyền ở Tân Cương và các nơi khác. Trong khi đó ông Vladimir Putin lại là đề tài của cuộc khủng hoảng giữa nước Nga và Ukraine!

 

Tranh biếm họa Putin và Tập

 

Hoa Kỳ và một số nước Phương Tây như Úc, Canada, Anh... cùng nhiều nước Châu Âu đã "tẩy chay ngoại giao" (diplomatic boycott) để phản đối tình hình diễn ra với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Trong khi bộ máy truyền thông Trung Quốc lại cho rằng Mỹ đang cố gắng làm suy yếu Trung Quốc bằng cách “chính trị hóa thể thao”.

“Tẩy chay ngoại giao” là sẽ không có các viên chức quốc gia tham dự các buổi lễ khai mạc cũng như bế mạc. Chẳng hạn như Ấn Độ là quốc gia cử một vận động viên duy nhất tham gia thế vận lần này, cuối cùng lại tuyên bố không dự Lễ khai mạc khi phát hiện Thượng tá Kỳ Phát Bảo, người chỉ huy cuộc xung đột với Ấn ở biên giới năm 2020, có mặt trong đoàn cầm đuốc!

 

Kỳ Phát Bảo, người chỉ huy trận đành biên giới Trung-Án năm 2021, đã tham gia trong đoàn cần đuốc Beijing 2022

 

Lễ khai mạc Beijing 2022 diễn ra “khiêm tốn” hơn so với năm 2008 với khoảng 3.000 vận động viên biểu diễn trên một phông nền đầy màu sắc của đèn laser so với 15.000 người vào năm 2008. Nhưng không phải chỉ có vậy vì còn nhiều chuyện “mang tiếng” đã xảy ra.

 

Đêm khai mạc Beijing 2022

 

Hai tấm Huy chương vàng của đoàn Trung Quốc ở môn trượt băng tốc độ cự ly ngắn đã gây tranh cãi lớn. Ở nội dung đội tuyển tiếp sức 2000m, Trung Quốc vượt qua vòng bán kết sau tranh cãi với 2 đội Mỹ và Nga.

Cả ba đội tuyển có những va chạm trên đường đua nhưng cuối cùng trọng tài chỉ quyết định loại 2 đội Mỹ và Nga. Ở vòng chung kết, đội Trung Quốc về đích nhanh hơn đội Italia chỉ 0,016 giây và giành tấm HCV.

 

Huy chương Beijing 2022

 

Sang đến nội dung 1000m đơn nam, những vụ việc gây tranh cãi lớn hơn đã xảy ra. Hwang Dae-heon, niềm hi vọng vàng của Hàn Quốc và là người giữ kỷ lục Olympic lẫn thế giới, bị loại tại vòng đua bán kết.

Theo thông báo từ tổ trọng tài, Hwang Dae-heon đã mắc lỗi “vượt muộn trái phép dẫn đến va chạm”. Đoạn băng quay chậm cho thấy tay của VĐV Trung Quốc và chân của Hwang Dae-heon đã va quệt với nhau trong quá trình thi đấu.

Cũng vẫn chuyện Hàn Quốc: Trong lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh hôm 4/2, một cô gái mang cờ Trung Quốc mặc bộ váy màu hồng và trắng giống hanbok, trang phục truyền thống của Hàn Quốc, xuất hiện cùng nhóm nghệ sĩ biểu diễn đại diện 56 dân tộc của Trung Quốc. Hình ảnh này khiến các chính trị gia, nhà hoạt động và công chúng Hàn Quốc tức giận.

 

Cô gái mặc trang phục giống hanbok của Hàn Quốc trong lễ khai mạc Beijing 2022

 

Chuyện ăn uống của các vận động viên cũng bị “săm soi” rất kỹ, nhất là tại các khu vực cách ly. Nói chung họ than thở là “thiếu ăn”, khẩu phần ăn không đủ chất dinh dưỡng cho việc thi đấu. Một số đoàn còn phải kêu gọi “cứu đói” từ nước của mình để thêm năng lượng cho các cuộc tranh tài!

 

Một phần ăn dành cho các vận động viên tham dự Beijing 2022

 

Ngay cả chuyện “thâm cung bí sử” của vận động viên cũng được dân mạng bàn tán rôm rả. Điển hình là trường hợp vận động viên trượt băng nghệ thuật của Trung Quốc tên Zhu Zi thật ra là cô gái có tên Beverly Zhu, sinh trưởng tại California, đã được nước Mỹ đào tạo trước đó nhưng rồi đến năm 2018 lại nhập quốc tịch Trung Quốc!

Chưa hết, chuyện của Zhu Zi được kết thúc với màn “giấc mơ được nổi tiếng tại Hoa Lục với hơn 1 tỉ 4 người đã tan thành mây khói” khi cô bị té mấy lần trên sân băng khiến cho điểm số của đội Trung Quốc bị xuống thấp.

Quả là một hiện tượng "ăn cây táo Mỹ, rào cây táo Tàu”... Gạch đá của dân Hoa Lục ném tới tấp về phía cô gái 19 tuổi Zhu Zi mà có người gọi là... “ăn cháo đá bát”.

 

Vận động viên trượt băng nghệ thuật Zhu Zi (Beverly Zhu) ngã trong khi thi đấu

 

Beijing 2022 khai mạc ngày 4/2 và đến ngày 20/2 mới bế mạc với sự tham gia của khoảng gần 2.900 vận động viên đại diện cho 85 quốc gia. Từ đây đến ngày bế mạc cũng còn lâu nên không biết còn chuyện gì sẽ xảy ra.

Mong rằng chuyện “chơi lấy tiếng” của anh bạn láng giềng “4 Tốt và 12 chữ Vàng” của chúng ta sẽ không biến thành “chuyện mang tiếng” trong lãnh vực thể thao nữa!

Mong lắm thay!

 

Bảng tổng sắp 10 quốc gia đạt huy chương cao nhất tại Beijing 2022

 ***

--> Read more..

Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2022

“Giang hồ Sài Gòn” đại chiến “Anh chị Đà Lạt”

Thập niên 60, khi còn học trung học tại trường Trần Hưng Đạo Đà Lạt, tôi đã nghe danh “Xí Rỗ” dù chưa một lần diện kiến. Dân anh chị thành phố Sương mù ai cũng nghe đến tên anh Xí, vì có khuôn mặt rỗ nên trở thành biệt danh “Xí Rỗ”.

Băng nhóm Xí Rỗ không chỉ “chăm sóc” khu chợ Hòa Bình mà còn tung hoành khắp thị xã Đà Lạt, từ bến xe đến nhà hàng, khách sạn, vũ trường... hễ ai không “nộp thuế” cho “anh chị” là gặp chuyện “dữ nhiều, lành ít” ngay.

 

Khu Hòa Bình, Đà Lạt

 

Rất nhiều giai thoại được thêu dệt quanh Xí Rỗ nhưng nổi bật nhất là chuyện đụng độ với thủ lãnh giang hồ Sài Gòn là Đại Cathay. Xét về “tiếng tăm” thì Đại Cathay có phần “nhỉnh” hơn nhưng cuộc đụng độ lại xảy ra tại Đà Lạt nên Xí Rỗ có lợi thế... “sân nhà”!

Tại Sài Gòn, Đại Cathay có “công tử” Hoàng Kim Lân “chống lưng”. Lân vốn là “quý tử” của Hoàng Kim Qui, một thương gia nổi tiếng với biệt danh “ông vua kẽm gai”, giàu lên nhờ chiến tranh qua các “áp phe” thầu dây kẽm gai bảo vệ ấp chiến lược và các đơn vị phòng thủ của quân đội.

Trong băng công tử bột của Lân có hai anh em người Hoa là Dách Bửu và Dì Bửu, là con của chủ nhà hàng Mékong. Khi ấy, chủ Mékong không những có hai nhà hàng sang trọng tại Sài Gòn và Chợ Lớn, còn mở cả nhà hàng tại thủ đô Bangkok, Thái Lan, và tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia.

Đang lúc ăn nên làm ra nên Mékong lập thêm một nhà hàng nữa ở Đà Lạt. Nhân dịp khai trương nhà hàng này, Dách Bửu và Dì Bửu mời Hoàng Kim Lân lên Đà Lạt dự lễ, đồng thời nhờ Lân mời luôn Đại Cathay và... “đoàn tùy tùng”.

Đại kéo luôn một lô đàn em thân tín lên cao nguyên đổi gió. Đi cùng tay trùm du đãng Sài Gòn còn có Lâm “Chín ngón”, Hải “Súng”, Cu Quì, Sáng, Phong, Năm Công... chất lên hai xe du lịch Mustang và Traction không đủ nên phải đi nhờ cả xe của Hoàng Kim Lân.

 

Ảnh chụp bên hông nhà hàng Mékong, góc đường Tăng Bạt Hổ, Đà Lạt

 

Cùng thời gian ấy có đoàn cải lương từ Sài Gòn lên Đà Lạt lưu diễn tại nhà hát ngay khu chợ Hòa Bình. Các kép chính trong đoàn vốn cũng không xa lạ gì với Đại Cathay vì họ hay lui tới hút thuốc phiện tại tiệm Khang Thành và đã nhiều lần gặp Đại Cathay cùng đám nhà văn như Duyên Anh, Hoàng Hải Thủy... 

Liên tiếp hai đêm, đoàn cải lương không ngớt than khổ vì “dân anh chị” Đà Lạt đến gây rối. Đám giang hồ này đâu khoảng trên dưới 20 tên, do Xí Rỗ cầm đầu, câu kết cả với lính địa phương. 

Đêm hát nào băng Xí Rỗ cũng đòi “coi cọp”, không chỉ cho riêng mình mà còn cho cả nhóm lính địa phương và luôn cả họ hàng, bạn bè thân thuộc với số người “ăn theo” lên đến hàng trăm. Đã thế, chúng lại còn yêu cầu đoàn cải lương phải trả “tiền bảo kê” cho mỗi xuất hát!

Nghe qua lời than thở, Đại Cathay nổi máu anh hùng và ưỡn ngực hứa: “Để đấy tôi lo cho!”. Thế là cuộc đụng độ “vô tiền khoáng hậu” giữa nhóm giang hồ Đại Cathay và dân anh chị Xí Rỗ trên đất Đà Lạt xảy ra.

 

Đại Cathay bên người đẹp

 

Dưới đây là diễn biến câu chuyện do Vũ Quang Hùng kể lại trong “Giang Hồ Sài Gòn”:

“Khoảng 8 giờ tối hôm ấy, Đại Cathay kéo nguyên băng ra bến xe gần chợ Hòa Bình tìm Xí Rỗ, thì Xí Rỗ đang ngồi nhậu với bầy lâu la ngay quán nhậu kế bến xe chớ đâu. Ngoài khoảng hơn chục tên du đãng xứ hoa anh đào còn có cả tiểu đội địa phương quân cũng túm tụm uống rượu, bia với mồi là con heo quay béo ngậy.

“Súng cạc-bin, ga-răng dựa ngay bên bàn nhậu. Riêng Xí Rỗ cởi trần trùng trục mặc dù trời tối Đà Lạt trời lạnh như cắt, có lẽ một phần hắn muốn khoe thân hình lực lưỡng cuồn cuộn cơ bắp, một phần do nhờ rượu tỏa năng lượng sưởi ấm cơ thể (?).

”Đại Cathay dẫn đầu băng du đãng Sài Gòn, tiến thẳng đến trước tiệc nhậu, lớn tiếng (tuy hắn dễ dàng nhận ngay ra Xí Rỗ với khuôn mặt rỗ đặc trưng):

- Ai là Xí Rỗ đâu?

“Thấy có kẻ kêu đích danh mình, lại có vẻ hống hách, Xí Rỗ không thèm đứng dậy, hếch mặt, tay không buông ly rượu đang uống dở:

- Tao đây! Có chuyện gì vậy?

“Đại Cathay gằn giọng:

- Tao muốn nói chuyện với mày về vụ nhà hàng Mékong và đoàn cải lương. Mày có biết tao là ai không?

“Xí Rỗ hừ một tiếng, dằn mạnh ly rượu xuống bàn:

- Biết chớ! Biết cả chuyện mày lên đây đã mấy ngày rồi mà không lại chào tao. Giờ mày muốn gì?

“Đại Cathay cố nén giận:

- Nhà hàng Mékong và đoàn cải lương là chỗ bạn bè của tao, mày vuốt mặt phải nể mũi.

“Xi Rỗ vụt đứng dậy:

- Mày là cái thá gì mà tao phải nể? Rừng nào cọp nấy. Sài Gòn của Đại Cathay. Đà Lạt này của Xí Rỗ, không được lôi thôi gì hết!

“Nãy giờ đã hầm hầm trong bụng, Sáng người nhái thuộc phe Đại Cathay nghe đến đây tức khí móc luôn khẩu Colt 45 giấu bên hông ra, thẳng tay quật bá súng vô sau ót Xí Rỗ.

"Nhưng Xí Rỗ không phải tay vừa, đã kịp hụp đầu xuống làm bá súng chỉ sớt ngang vai. Rồi như một con thú bị thương, lại thêm hơi men hừng hực, Xí Rỗ bất thần cúi đầu, khom người dùng hết sức lao ngay ngang bụng Đại Cathay.

“Quá bất ngờ, bị trúng đòn “đầu quyền”, Đại ngã ngồi phịch xuống đất. Nhưng không hổ danh Zimbô, Đại đã kịp vòng tay ôm lấy cổ Xí Rỗ kéo hắn ngã theo. Xí Rỗ khỏe như con trâu điên, siết chặt ngang lưng Đại...

“Và cứ thế, hai tay đầu sỏ du đãng vừa ôm cứng lấy nhau, vừa ra đòn quyết liệt, nào đấm, nào đá, nào siết cổ, nào chận họng, nào móc mắt, nào thúc cùi chỏ, nào lên đầu gối, nào bẻ ngón tay, toàn dùng các thế hiểm hóc như “tiểu cầm nã thủ pháp” trong truyện chưởng do các đại cao thủ võ lâm sử dụng khi cận chiến.

“Chiến trường nằm ngay trên sườn dốc nên chẳng mấy chốc cả Đại Cathay lẫn Xí Rỗ đều lăn lông lốc theo con dốc thoai thoải, có lúc Xí Rỗ đè lên người Đại, có khi Đại lại ấn được đầu Xí Rỗ xuống...

“Quân binh hai bên cũng xấp lá cà, có điều chỉ toàn thượng cẳng tay hạ cẳng chân mà không bên nào dùng đến súng ống, theo đúng điệu dân chơi khi ấy.

"Tin cấp báo đến Ty Cảnh sát Đà Lạt. Nguyên một đại đội cảnh sát dã chiến trang bị vũ khí đến tận răng được điều đến khu vực chợ Hòa Bình.

“Khi cảnh sát tới nơi thì hai phe du đãng Sài Gòn và dân chơi Đà Lạt đã đập phá tanh bành mấy quán nhậu, dùng bàn ghế trong quán làm vũ khí. Riêng hai “chủ tướng” Đại Cathay và Xí Rỗ đã ôm vật nhau lăn hết con dốc.

“Thấy số người lâm chiến quá đông, lại đang hăng máu, cảnh sát nổ súng thị uy. Ai dè bọn địa phương quân nghe tiếng súng tưởng đâu phe Đại xài “chó lửa” liền xách súng ra “chơi” lại.

“Cảnh sát dã chiến đông hơn, súng ống hiện đại hơn, coi mòi chiếm ưu thế. Các xạ thủ dùng luôn bến xe làm bãi chiến trường với vật cản là những chiếc xe hơi. Thấy lực lượng yếu hơn, địa phương quân báo cáo về đơn vị xin tăng cường một đại đội vũ trang mạnh vì... “Việt Cộng tràn vô thành phố” (!).

“Đến lượt cảnh sát dã chiến lép vế, yêu cầu chi viện một đại đội nữa. Súng nổ vang trời, đạn như pháo bông... Tình hình không ai đoán nổi sẽ diễn biến ra sao nếu tỉnh trưởng Đà Lạt không đích thân can thiệp và đôi bên đành chấp nhận ngưng chiến. Cũng ngộ: súng nổ như bắp rang cả giờ đồng hồ mà không ai trúng đạn!

“Trong khi ấy, Dách Bửu hay tin chiến sự, vội lái chiếc xe “con cóc” 2CV đến tận chợ Đà Lạt, chở Đại Cathay, Hải Súng và Cu Quì vọt thẳng về Sài Gòn cho khỏi ai hỏi han lôi thôi.

“Đại Cathay qua trận kịch chiến với Xí Rỗ bị trặc cổ chân, đi cà nhắc, phải nhờ đàn em đỡ lên xe. Còn Xí Rỗ mặt mày thâm tím, thân mình trầy xướt tùm lum y như con gà chọi, sợ quá, chạy tuốt vô rừng trốn biệt suốt đêm, sáng hôm sau mới dám mò về.

"Dân du đãng, giang hồ mạnh ai nấy tìm đường thoát thân, cũng chẳng ai bị bắt, coi như... huề cả làng!

 

Chợ Cũ được xây lại sau khi Chợ Gỗ bị cháy. Dãy Mekông, Việt Hoa, được xây bằng gạch, cộng thêm khu Vĩnh Chấn, tiệm thuốc Tây Nguyễn Văn An

 

Đại Cathay không thể ngờ đó là chuyến đi Đà Lạt cuối cùng của mình. Những sự việc diễn biến tiếp theo sẽ chứng tỏ điều này. Trước hết là điềm báo hiệu ngày tàn của băng du đãng Sài Gòn qua vụ nội bộ tự thanh toán lẫn nhau, với hậu quả hai tên đàn em thân tín của Đại Cathay là Bồng và Thu bị bắn chết ngay tại sòng bài, giữa thanh thiên bạch nhật.

 

Bánh mì Vĩnh Chấn là lò bánh mì điện đầu tiên tại Đà Lạt tại đầu đường Duy Tân

 

Người ta thường nói “chơi dao có ngày đứt tay”... Điều này không loại trừ những trường hợp bi thảm của giới giang hồ và anh chị!

 

***

 * Tham khảo thêm “Huyền thoại giang hồ Sài Gòn” tại:

https://chinhhoiuc.blogspot.com/.../huyen-thoai-giang-ho...

 ***

--> Read more..

Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2022

Phóng sự hình ảnh: Mùng 3 Tết Nhâm Dần

 Đang ngủ trưa bỗng giật mình tỉnh dậy vì tiếng trống múa lân rộn rã vọng đến.

Tuy đã ngoài thất thập nhưng dòng máu paparazzi vẫn còn sót lại nên vội vàng mặc quần áo… đi làm phóng sự Ngày Tết.

Ngã Tư Hoa Sứ-Nhiêu Tứ có hai ngôi chùa: rẽ bên phải là chùa Việt và bên trái là chùa Tàu. Dĩ nhiên đoàn lân sư rồng Tâm Hưng Long xuất phát từ Chợ Lớn nên địa điểm biểu diễn là Chùa Tàu!

May quá, đến nơi thì đoàn lân còn đang múa trước sân chính điện của chùa và chuẩn bị di chuyển đi chạy show nơi khác. Thế là có một phóng sự hình ảnh “đột xuất” để kịp trình các bạn.

Người ta hay nói “ba ngày Tết”… hôm nay đã là Mùng Ba, Tết coi như đã kết thúc với… màn múa lân. Một kết thúc thật… viên mãn!

*** 
























\



***



--> Read more..

Thứ Hai, 7 tháng 2, 2022

Đón Ông Bà trưa 29 Tết

Nhà neo đơn, chỉ có 2 bố con, bà xã nằm một chỗ còn con rể bận việc cơ quan.

Với lòng thành và hết sức cố gắng của con gái đã dọn một mâm cúng đạm bạc.

Phần của tôi là… chụp hình ghi lại một cái Tết “neo đơn” chưa từng thấy từ trước đến giờ!

















***


--> Read more..

Thứ Ba, 1 tháng 2, 2022

Phóng sự hình ảnh: Tiễn Ông Táo về Chầu Trời

 “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành!”

Sáng sớm ngày 23 Tháng Chạp năm Tân Sửu, gia đình tôi đã cúng tiễn Ông Táo lên đường đến Thiên Đình để báo cáo mọi sự trong năm Tân Sửu vừa qua!

Xin chúc Ông “Thượng Lộ Bình An”.

 

***





























***





--> Read more..

Popular posts