Tình
yêu là một tập chuyện dài vô tận và có vẻ như ai cũng thích đọc, dù người đó
đang yêu, đã yêu hoặc sẽ yêu. Người yêu cũng có vô vàn khuôn mặt, xuất thân từ
những gia đình quyền quý hoặc bình dân hạ tiện. Giàu nghèo, sang hèn… ai cũng
có tình yêu của mình.
Nàng
có thể tượng trưng cho một vẻ đẹp “chim sa, cá lặn” nhưng cũng có thể là người
phụ nữ “không thể tìm được người xấu hơn”. Chẳng khác gì con cóc cái luôn đẹp
trong mắt của con cóc đực! Dù xấu hay đẹp, sang hay hèn người ta vẫn có thể một
ngày nào đó tìm được tình yêu trong mắt một người để rồi gọi người đó là “Anh
yêu!”, “Em yêu!” hay thậm chí là “Cục cưng!”, “Cún cưng!”.
Ngôn
ngữ của tình yêu thật đa dạng. Thậm chí ngôn ngữ đó chỉ là sự im lặng khi bên
nhau, chỉ cần nghe nhịp đập của hai trái tim cũng đủ. Sự rung động của con tim
lại không phân biệt tuổi tác, người trẻ chưa chắc gì yêu bằng người già và dĩ
nhiên “tình trẻ” không phải là… “tình cuối”!
Chúng
ta hãy nhìn về quá khứ của những cuộc tình vĩ đại để làm giàu thêm những khái
niệm về tình yêu của thời hiện tại.
***
Thần
thoại Hy Lạp có 9 “Nàng Muse”, là con
gái của thần Zeus (thần của các vị thần) và Mnemosyne (nữ thần ký ức). Chín nữ
thần Muses bao gồm các lãnh vực âm nhạc, khoa học, triết học, toán học, địa lý,
kịch nghệ và hội họa.
Đến
thời Plato, ông phong tặng danh hiệu “Nàng
Muse thứ 10” cho Sappho, nhà thơ nữ người Hy Lạp, sinh ra vào khoảng 610
năm trước Công Nguyên. Sappho kết hôn với một “đại gia” tên Cercylas trong một
cuộc hôn nhân không tình yêu. Phải đến khi Sappho gặp Phaon, một thủy thủ trẻ
tuổi, nàng thơ mới thấy bóng dáng của tình yêu.
Truyền
thuyết thêu dệt một chuyện Valentine đầy lãng mạn: Sappho bước từ từ ra biển
cho đến khi nàng trút hơi thở cuối cùng và tan biến vào lòng đại dương. Người
ta bảo Sappho gặp người tình Phaon ở một nơi có dòng nước xanh để cùng người
yêu hưởng một cuộc sống mới trong cõi vĩnh hằng!
Nhà thơ trữ tình Sappho
***
Phương
Đông có thiền sư Bà La Môn, Mallanaga Vatsyayana, tác giả bộ sách Kama Sutra bằng
tiếng Phạn nổi tiếng của Ấn Độ vào thế kỷ thứ 5. Tác phẩm gồm 7 phần, với khoảng
1.250 khổ thơ và hình vẽ về tình dục. Sự
thật thì người ta biết rất ít về đời tư của Vatsyayana nhưng tác phẩm Kama
Sutra hầu như cả thế giới đều có nghe qua vì có liên quan đến Kama, thần tình
yêu của Ấn Độ.
Tác
phẩm được hiểu là “Kinh Hoan Lạc” (sutra có nghĩa là kinh) xoáy quanh chủ đề
tình yêu nhục dục giữa nam và nữ từ giai đoạn tán tỉnh đến hôn nhân trong giới
thượng lưu Ấn Độ. Kama Sutra đã được dịch ra hàng trăm ngôn ngữ và có một lượng
độc giả khổng lồ trên toàn thế giới.
Hiểu
rộng ra, đó cũng là một món quà từ Ấn Độ để góp phần làm phong phú ý nghĩa của
Valentine vì trong tình yêu luôn hàm chứa hai lãnh vực: tình yêu trong sáng của
hai tâm hồn và tình dục cháy bỏng của hai thể xác.
Kinh hoan lạc Kama Sutra
***
Cũng
vẫn chuyện từ Ấn Độ nhưng lại là chuyện tình của các bậc vua chúa. Nhân vật
chính trong truyện là Shah Jahan, vị hoàng đế có biệt danh là "Chúa tể Thế giới" (King of
the World), lên ngôi năm 1627. Ngoài những chiến tích trong việc chinh phục các
vùng đất mới, Shah Jahan đã để lại cho hậu thế một công trình kiến trúc nổi tiếng
Taj Mahal để vinh danh Mumtaz Mahal, người vợ thân yêu khi bà qua đời.
Tình
yêu của Shah Jahan dành cho Mumtaz Mahal là điều không thể chối cãi dù hoàng đế
có đến 3 bà vợ! Mumtaz Mahal qua đời ngay sau khi bà sinh hạ người con thứ 14.
Chỉ 6 tháng sau ngày mất, Shah Jahan ra lệnh khởi công lăng mộ cho bà.
Tāj
Mahal là một lăng mộ bằng cẩm thạch trắng, tọa lạc tại Agra, được coi như điển
hình trong nghệ thuật kiến trúc Mogol, kết hợp bởi các trường phái kiến trúc Ba
Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Hồi giáo. Năm 1983, kiến trúc này đã được UNESCO công
nhận là một trong những Di sản Thế giới.
Từ
hoàng cung, hàng ngày Shah Jahan có thể nhìn thấy Tāj Mahal bên bờ sông Jamuna.
Lăng cẩm thạch biến đổi theo nhiều màu sắc trong ngày: từ màu hồng của buổi
bình minh biến sang màu trắng ngà dưới ánh trăng. Chuyện Valentine của Shah
Jahan mang một ý nghĩa lãng mạn của tình yêu vua chúa mà ít người có thể thực
hiện được.
Taj Mahal
***
Giacomo
Casanova (1725-1798) là một cái tên quen thuộc tại Phương Tây từ thế kỷ thứ 18.
Ông nổi tiếng là một người lịch lãm và cũng là một nhân vật đa tài, nhất là tài
chinh phục phụ nữ với một kỷ lục 122 người tình trong suốt hơn nửa thế kỷ. Người
Ý vốn mang trong mình dòng máu hào hoa, lãng mạn của chuyện yêu đương nên có thể
nói, Casanova là điển hình người đàn ông Ý.
Casanova
để lại cho hậu thế bộ tiểu sử 12 cuốn mang tên “Chuyện Đời Tôi” (Histoire de ma
vie) bằng tiếng Pháp, trong đó ông kể lại cuộc đời của một lãng tử chẳng khác
gì một cánh bướm giữa vườn hoa muôn sắc. Những người tình của Casanova để lại
cho ông ngoài niềm hoan lạc, đắm đuối còn có những đau khổ, bệnh tật và tai họa.
Người
ta nói, “Chuyện Đời Tôi” là một thiên tiểu sử tự thuật mang nhiều hư cấu nhưng
không ai phủ nhận nghệ thuật yêu đương say đắm của Casanova đối với đủ loại phụ
nữ, từ giới quý tộc cho đến dân dã, từ những trang “quốc sắc thiên hương” cho đến
những cô gái quê mùa, mộc mạc. Điều lạ là những người tình của Casanova đều biết
ơn ông vì ông đã yêu họ say đắm đồng thời ông cũng biết cách chia tay với họ một
cách lịch lãm.
Casanova
hợp cùng Don Juan của Tây Ban Nha là một cặp bài trùng mà người Phương Tây gọi
họ là “lady killers”, một thuật ngữ chỉ những người đàn ông đào hoa mà phụ nữ
không thể nào cưỡng lại sức hút của phái mạnh. Phải chăng đó cũng là một khía cạnh
của Valentine trong tình yêu nam nữ.
Giacomo Casanova
***
Chuyện
tình vương giả của Hoàng tử Edward (1894-1972) với Wallis Simpson đã khiến báo
chí nước Anh tốn không ít giấy mực. Edward trở thành vua nước Anh sau khi phụ
hoàng băng hà đầu năm 1936. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi lên ngôi, ông đã
gây ra một cuộc khủng hoảng khi quyết định kết hôn với Wallis Simpson, một phụ
nữ đến từ Hoa Kỳ, đã từng có một đời chồng và đang sống li thân với người chồng
thứ hai
Thủ
tướng Anh và các thuộc địa phản đối hôn sự, lập luận rằng một phụ nữ đã từng li
dị hai đời chồng không đủ tư cách để làm “mẫu nghi thiên hạ”. Theo truyền thống,
một cuộc hôn nhân như vậy là không hề phù hợp bởi Edward là người đứng đầu Giáo
hội Anh và Anh giáo phản đối việc tái hôn sau khi li hôn nếu như người hôn phối
cũ vẫn còn sống.
Edward
biết rằng chính phủ Anh, đứng đầu là thủ tướng Stanley Baldwin, sẽ đồng loạt từ
chức nếu như hôn sự được tiến hành, mọi chuyện trở nên rõ ràng rằng ông không
thể kết hôn với Wallis khi vẫn trị vì trên ngai vàng. Cuối cùng, Edward chọn
cách thoái vị. Ngai vàng được chuyển cho người em trai của ông, Hoàng tử
Albert. Với thời gian trị vì chỉ 326 ngày, Edward là một trong số những vị vua
có thời gian cai trị ngắn nhất trong suốt chiều dài lịch sử Anh quốc.
Sau
khi thoái vị, ông được tấn phong làm Quận công Windsor. Ông kết hôn với Wallis ở
Pháp vào ngày 3/6/1937, sau khi thủ tục li hôn lần thứ hai của bà hoàn tất.
Edward sống nhàn nhã suốt quãng đời lưu vong còn lại ở Pháp bên người vợ mà ông
đã từng thú nhận qua đài phát thanh:
“Tôi
cảm thấy có một trách nhiệm nặng nề giữa một bên là ngai vàng và một bên là người
phụ nữ tôi yêu. Và tôi đã chọn người phụ nữ hoàn hảo của tôi”.
Thần
Cupid trong thần thoại La Mã và thần Eros của Hy Lạp đã chiến thắng trước ngai
vàng. Tiếng nói của con tim mạnh hơn bất kỳ một thế lực nào. Quận công Windsor
đã để lại cho đời một thông điệp Valentine bất hủ: “Không gì quan trọng bằng
tình yêu nam nữ”.
Cựu hoàng Edward VIII và vợ, Wallis Simpson
***
Happy Valentine’s Day!