Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2021

Đọc lại “Thần Tháp Rùa” – Vũ Khắc Khoan

Năm 1956, nhà văn Vũ Khắc Khoan (1917-1986) [*] cho ra đời tại Sài Gòn một tuyển tập truyện ngắn mang tên “Thần Tháp Rùa”, gồm 4 truyện:  “Thần Tháp Rùa”, “Trương Chi”, “Nhập Thiên Thai” và “Người đẹp trong tranh”.

 

Vũ Khắc Khoan (1917-1986)


Cả 4 truyện đều là “thần thoại”, viết theo phong cách “Tân Liêu Trai” của Bồ Tùng Linh, có điều nhà văn họ Vũ đã thay đổi bối cảnh của thời đại, chẳng hạn như trong truyện “Thần Tháp Rùa” xảy ra tại Hà Nội trước khi có cuộc di cư của người miền Bắc vào Nam năm 1954. Nhân vật chính trong truyện là một chàng trẻ tuổi họ Đỗ, bỏ vùng quê lên Kẻ Chợ trọ học.

Vũ Khắc Khoan mượn nhân vật Đỗ để nêu lên những bức xúc của những người sống trong thời kỳ đất nước bị chia đôi năm 1954. Trong tinh hình đó, Đỗ có hai luồng suy nghĩ tương phản nhau: “Tư bản đè xuống mà hùa theo là tư cách một tiểu nhân, trong khi vô sản vùng lên, nếu sống trong đó sẽ mất tự do”.

Giữa sự “vùng lên” và “đè xuống” của hai thế lực chính trị đó, tác giả đã để “thần rùa” hay nói một cách văn hoa là “Thần Tháp Rùa” xuất hiện:

“Ngày nguyên tiêu năm Mão, có mở Chợ Hoa. Thiên hạ tạm quên lo nghĩ, mặc áo mới, đổ ra đường, nam, phụ, lão, ấu lũ lượt kéo tới ven hồ Hoàn Kiếm. Muốn thêm vui, viên thị trưởng họ Thẩm ra lệnh kéo lưới bắt Rùa ở hồ để lên người Kẻ Chợ có dịp nhìn tận mặt con vật tương truyền giật kiếm cứu quốc của vua Lê. Người hiếu kỳ xem Rùa có tới hàng vạn. Không khí tưng bừng, đây đó đèn treo hoa kết…

“Đỗ đứng lặng nhìn Rùa. Rùa cũng vươn cổ nhìn Đỗ. Dưới ánh trăng nguyên tiêu, Đỗ chợt thấy mắt Rùa như mờ lệ. Nhân còn say, Đỗ hỏi:

"Cũng biết thùy lệ ư?"

”Rùa gật đầu, vươn cổ ra phía hồ. Nước hồ trong xanh dưới ánh trăng xanh. Đỗ nhìn quanh không thấy có ai, bèn xắn tay cởi trói cho Rùa. Rùa dụi đầu vào tay Đỗ, Đỗ thấy mát rượi lòng tay. Bèn vỗ vào mai Rùa mà rằng:

"Thôi đi đi, từ nay nên cẩn thận".

 

Tháp Rùa, Hà Nội

 

Đêm hôm đó, Đỗ trằn trọc không ngủ giữa đống sách vở đầy phòng dưới lớp bụi thời gian. Và trong giây phút tâm hồn khắc khoải, Đỗ bàng hoàng trước sự xuất hiện của một thiếu nữ… Nàng thướt tha với một khuôn mặt “liêu trai”: mặt trắng, mắt trong, da mịn, tóc mun chảy như suối xuống vai, áo màu rêu mát lạnh…

Đỗ rùng mình thiếp đi và kể từ đêm đó nàng đến với Đỗ thường xuyên khiến chàng bỏ cả sách vở, ăn uống thất thường, suốt ngày phờ phạc, chỉ mong cho đến lúc lên đèn. Có lúc nhớ tới cái không khí của Bồ Tùng Linh, Đỗ rùng mình nghi là ma quái, nhưng lần đầu gần đàn bà, chàng thấy môi nàng ấm quá, da nàng mịn và mùi hương thơm ngát.

Cuộc tình của hai người kéo dài suốt mùa xuân. Cho đến một đêm, nàng đến với một nét buồn trên vẻ mặt. Nàng đã thỏ thẻ bên tai chàng:

"Đã đến lúc xa nhau rồi đây!"

Đỗ không tin mà cãi:

"Xa làm sao được? Mà ai bắt xa nhau?"

Nàng ngồi yên một lát rồi mới nói, giọng như đượm lệ:

"Chàng với em vốn có tiền duyên. Chàng còn nhớ ngày hội nguyên tiêu?"

Đỗ gật. Nàng nói tiếp:

"Em vì mải vui hôm đó nên sa cơ mắc lưới. Chàng vì lòng hào hiệp mà cởi trói cho em. Thụ ơn nặng cùng chàng nên mới có ngày nay".

Đỗ thốt nhiên nhớ lại, giật mình:

"Vậy ra nàng là...

"Em vốn là loài Rùa, tu đã trọn kiếp, nhất là có công với Đất Nước này nên được Thiên Đình giao cho cai quản ngôi tháp giữa hồ Hoàn Kiếm".

"Nàng nói sao? Nàng có công với Đất Nước này?"

"Chàng đọc sách nhiều, quên việc xây thành Cổ Loa rồi sao?"

"Trời ơi! Thần Kim Quy!"

"Là em đó...

"Còn chuyện thanh gươm Lê Lợi?"

"Cũng lại là em!"

Đỗ cúi đầu suy nghĩ, giây lâu mới nói nên lời:

"Nhưng tại sao lại phải xa nhau?"

Nàng thổn thức trả lời:

"Em đi lại với chàng, không giấu nổi tai mắt Thiên Đình mà mang tội phải đày sang Động Đình Hồ. Em lén đi giây lát để chàng biết chuyện, mai sớm đã phải lên đường...

 

“Thần Tháp Rùa” - Vũ Khắc Khoan

 

Gần sáng, bão gió chưa tắt, mưa đã dội xuống. Rồi vừa mưa vừa gió suốt ba ngày ba đêm, không lúc nào ngớt. Cây cổ thụ Kẻ Chợ bật gốc có đến mấy trăm thân, nhà Kẻ Chợ bay nóc có đến hàng nghìn chiếc.

Trời hửng nắng, thì cá hồ Hoàn Kiếm chết nổi lềnh bềnh như bèo Nhật Bản. Thiên hạ hiếu kỳ rủ nhau đi xem động nghịt ven hồ, ai cũng lấy làm lạ. Duy có Đỗ từ buổi đó thì thôi hẳn ra đường, suốt ngày thơ thẩn trong phòng, lắm lúc vật mình mà khóc, có đêm ôm gối tương tư, như điên như dại. Lúc đầu còn có bạn đến thăm, nhưng vì lãnh đạm không tiếp, lâu dần chẳng còn ai lui tới.

Theo thói quen, Đỗ định giơ tay với một cuốn sách nhưng gió bấc chợt lọt kẽ song, phả và mặt anh một mùi tử khí tự đống sách đã lên mốc xanh lốm đốm. Tự đêm nguyên tiêu kỳ ngộ, có lần nào Đỗ nén lòng đọc được một trang? Vả lại, cũng tự đêm ấy, Đỗ bắt đầu thấy ngấy chữ nghĩa cổ nhân...

Thế rồi cuộc “phần thư” bắt đầu: lửa cháy từ đống sách do chính một kẻ sĩ tự ý gây nên. Lửa không lan rộng mà âm ỉ xoáy hẳn vào bề sâu một cơn khủng hoảng.

“Từng tờ một, quằn quại để rồi siêu thoát, từng nguồn tư tưởng. Christ từ từ ngược lại quãng đường dẫn tới đỉnh Golgotha. Thích Ca Mâu Ni lại gặp một gốc Bồ Đề. Mã Khắc Tư [**] thủ thế trước Freud. Sartre giật mình, ngơ ngẩn trong một thế giới ngõ cụt. Rồi lần lượt Hégel, Lão Tử, Khổng Khưu... từng tờ một, thiêu dần từng nỗi băn khoăn. Đỗ qua từng cơn cảm giác tân kỳ. Có lúc xót xa như bị lột xác, có lúc rợn người như thoáng bóng ma, nhiều khi ê chề như bị lăng trì. Dần dà thì tâm trí lâng lâng, ngũ giác gấp phần minh mẫn. Tưởng như mang nổi nghìn cân, mọc cánh mà bay ngang con hồng, con hộc, vươn mình đuổi kịp ngựa Ký, ngựa Kỳ…”

Thần nữ bỗng xuất hiện từ đống tro tàn của sách trong lò sưởi:

“Lần trước gặp chàng vì tiền duyên. Cũng vì tiền duyên mà mang lụy tại Động Đình Hồ. Nhưng vì mối tình của chàng có nặng, sóng tình cập tới Thiên Đình, nên em sớm được trở lại với chàng...

“Trước khi gặp em, chàng thường băn khoăn về thế cuộc. Điều đó chân thành xuất tự tâm can, hiện lên vẻ mặt, tất không giấu nổi Thiên Đình. Nhưng muốn mưu đại sự, một nỗi băn khoăn tất nhiên chưa đủ. Cần phải có thời... Mà xét kỹ thì thời đến rồi đó...”

“Thật tình nếu không có việc đốt sách thì chẳng bao giờ lại được gặp nhau… Thật ra thì cái việc phần thư của chàng âm ỉ đã từ lâu. Từ lâu, từ đêm đầu tiên gặp gỡ, chàng đã thấy bực dọc với chữ nghĩa của người xưa...

“Đốt được nhà... nhưng đốt sao được sách? Chàng còn nhớ cuộc phần thư thủa bắt đầu xây dãy Trường Thành? Càng đốt sách, nghĩa của chữ lại càng trong trẻo, dễ vút lên cao, dễ lan ra rộng... Họ Tần đốt sách Khổng Khưu vậy mà cái lý Tam Cương của người nước Lỗ đâu có bị hỏa thiêu cùng sách?

(hết trích)

Và đây là đoạn kết của “Thần Tháp Rùa” được Vũ Khắc Khoan viết vào năm 1954:

“Năm Thìn, giữa đêm trừ tịch, cầu Thê Húc tự nhiên sụp đổ. Người Kẻ Chợ đi xin lộc đền Ngọc Sơn ngã xuống hồ không biết bao nhiêu mà kể. Thiên hạ xôn xao. Có người cho là Thần Rùa báo oán việc xưa. Có kẻ nghi là điềm gở, tính việc bán nhà mà bỏ vào Nam.

“Lúc sửa lại cầu, viên đốc công thấy chân cầu tuy gãy mà gỗ vẫn tốt nguyên. Duy chỗ gãy như có vật sắc phạt ngang, ngày đêm rỉ nhựa đỏ lòm như máu. Nói lại, ai cũng cho là lạ. Kẻ bàn, người tán, không biết ra sao.

“Có người biết Đỗ, tìm đến tận nơi định hỏi. Nhưng cũng giữa đêm trừ tịch, Đỗ đã bỏ kinh thành, biệt vô âm tín.

***

Nhà văn Tam Ích đã viết về Vũ Khắc Khoan:

“Tác giả đã viết Thần tháp rùa một cách ngộ nghĩnh lắm: đây là sự hỗn hợp những mảnh ảnh hưởng của Bồ Tùng Linh lờ mờ giữa hư và thực; của Nguyễn Tuân chán chường, chán chê và tha thiết đượm một thứ hương vị khinh bạc kín đáo; và của… cả những chàng Phi Lạc thấy cá nhân tiểu tư sản trí thức chẳng hạn hãm giữa những thế lực, đang bị dồn. Thêm vào đó ít nhiều màu sắc lợt lạt của Poe và một mảnh huyền bí của Hoffmann… Người đọc không biết giữa nhân vật và người kể chuyện, biên giới ở chỗ nào, giữa thực và hư, có và không, tỉnh và mộng, đường chân trời dài bao nhiêu!”

Nhà phê bình văn học Thụy Khê lại có một cái nhìn khác:

“Vũ Khắc Khoan tạo ra một không khí huyền ảo không thể dựng lại được trên bất cứ một thực tế nào. Bởi Vũ đã pha trộn những chiều không gian và thời gian khác nhau trong cùng một môi trường. Vũ cho những nhân vật thời nay sống trong không khí thời xưa, với văn chương biền ngẫu, âm điệu cổ, với Rùa thần, với Thiên Thai, tiên cảnh, với hiện thực ma quái Bồ Tùng Linh. Không khí truyện của họ Vũ vừa thực vừa ảo, con người trong truyện cũng vừa thực vừa ảo. Vũ dùng người, dùng nhân vật trong truyện, để phát biểu những điều mà Vũ ấp ủ trong lòng. Đối với Vũ, nhân vật chỉ là cái cớ, tác phẩm chỉ là một thác ngôn về những Vấn Đề. Yếu tố chính trong tác phẩm Thần Tháp Rùa của Vũ Khắc Khoan là những Vấn Đề. Là con người xuyên qua những vấn đề. Vũ dùng nhân vật để giải quyết những vấn đề đang sôi bỏng trong đầu Vũ, trong thực tại xã hội mà Vũ đang sống. Và như một nhà tiên tri, tất cả nhũng vấn đề họ Vũ đặt ra thời kỳ 1954, thời kỳ đất nước vừa bị chia đôi, dường như vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Vì thế mà tác phẩm của Vũ Khắc Khoan đã trở thành cổ điển ngay khi nó vừa mới chào đời.”

***

Chú thích:

[*] Nhà văn, nhà viết kịch Vũ Khắc Khoan sinh tại Hà Nội, theo học trường Bưởi, nhập học trường Y khoa nhưng rồi đổi sang Cao đẳng Canh nông. Ông tốt nghiệp kỹ sư canh nông sau chuyển sang văn học và lịch sử, dạy học ở trường trung học Chu Văn An.

Ông là tác giả những vở kịch “Thằng Cuội ngồi gốc cây đa” (1948), “Thành Cát Tư Hãn”, và “Giao thừa” (1949). Hai vở Giao thừa và Thằng Cuội đã được trình diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội vào những năm 1951 và 1952. Bài vở của ông cũng được đăng trên báo Phổ thông và Quan điểm.

 

“Thành Cát Tư Hãn”


Năm 1954 ông di cư vào Nam, đóng góp cho các báo Tự do, Quan điểm rồi chủ nhiệm nguyệt san Vấn đề. Ông là giám đốc kịch nghệ ở Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ ở Sài Gòn. Vũ Khắc Khoan sang Mỹ tỵ nạn năm 1975, định cư ở Minnesota nơi ông dạy Pháp văn ở đại học Minnesota rồi mất tại đó.

"Thần Tháp Rùa" là tập truyện đoạt Giải Nhất Văn chương Toàn quốc 1959-1960 dưới thời VNCH về thể loại tiểu thuyết, đồng hạng với quyển "Đò Dọc" của Nhà văn Bình Nguyên Lộc.

 

“Tìm Hiểu Sân Khấu Chèo”

 

[**] Mã Khắc Tư (1818-1883), tên thật là Karl Heinrich Marx, thường được phiên âm tiếng Việt là Các Mác; là một nhà triết học, nhà kinh tế học, nhà sử học, nhà xã hội học, nhà lý luận chính trị, nhà báo và nhà cách mạng người Đức gốc Do Thái.

Ông cùng Friedrich Engels chủ trương Chủ nghĩa Cộng sản với Tuyên ngôn của Đảng cộng sản và 3 tập Tư bản. Những quan điểm chính trị và triết học của ông gây ảnh hưởng lớn đến lịch sử tri thức, kinh tế và chính trị của thế giới sau này.

 ***

* Đọc “Thần Tháp Rùa” tại: https://kilopad.com/truyen.../than-thap-rua-b7069/chuong-1

 *** 

--> Read more..

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2021

Cơn mưa đá trước giờ G!

Tối 22/8/2021, một cơn mưa đá đã trút xuống Sài Gòn đang khắc khoải chờ ngày mai… “ai ở đâu ở yên đó”.


Mưa đá được coi như 'giải nhiệt' cho ly cà phê trong… mùa dịch


Đối với những người lạc quan, những cục đá từ trên trời rơi xuống tựa như một điềm lành, hứa hẹn ngày mai, 23/8/2021, mọi chuyện sẽ diễn ra êm đẹp như những hòn đá nhỏ hoá giải độ nóng của ly cà phê để mọi người có thể nhắm nháp trong khi ngoài trời nóng gắt!


Những cục mưa đá đêm 22/8/2021 là một 'điểm lành' đối với nhiều người!

Trước mắt, sự tham gia của quân đội tại các chốt kiểm soát trong những ngày tới chắc chắn sẽ tạo được một “cái uy” để mọi người tuân thủ những quy định của thành phố một cách nghiêm chỉnh hơn.

Kinh nghiệm của Sài Gòn ngày xưa mà nhiều người vẫn còn nhớ: “Không giỡn mặt với nhà binh!”.

Tính kỷ luật cao là lợi thế của quân đội cho nên sự xuất hiện của màu áo nhà binh tại các chốt kiểm soát sẽ là yếu tố quan trọng trong 2 tuần siết chặt lệnh giãn cách.

Tuy nhiên, sự hiện diện của quân đội chỉ mang tính cấp thời và nên “rút quân” về doanh trại khi tình hình sáng sủa để các lực lượng “bán quân sự” tiếp tục công việc của mình. Súng đạn trong thời bình có tác dụng “bất an” trong tư tưởng của người dân!


Quân đội xuất hiện trên đường phố kể từ ngày 23/8/2021
 

Mặt khác, đề nghị thành phố cần có ngay “người phát ngôn chính thức” để phổ biến những thông tin quan trọng về công tác phòng chống dịch. Thời gian qua, những thông tin này đã bị nhiễu vì những phát biểu của các viên chức đến độ mâu thuẫn nhau, ông này nói ngược với bà kia hay sáng có tin này thì chiều lại có tin ngược lại.

Trước tình trạng “trống đành xuôi, kèn thổi ngược”, người dân hoang mang không biết tin vào ai, cho nên xin nhắc lại một lần nữa, “thành phố rất cần một người phát ngôn duy nhất để truyền đạt đến người dân”! 

***

Bài viết này chỉ phản ánh những đóng góp và suy nghĩ của cá nhân người viết trong khi chúng ta đang bước vào giai đoạn quyết liệt phòng chống dịch bệnh. 

*** 

--> Read more..

Thứ Hai, 23 tháng 8, 2021

Cô Hồn nắm tay Cô Vít !!!

Tháng Tám năm ngoái tôi viết một bức thư hư cấu từ địa ngục gửi về trần thế với tựa đề “Mộng cuồng”. Thư kể lại một giấc mơ trong thời Covid-19 mới còn chập chững ra tay trên toàn thế giới (https://chinhhoiuc.blogspot.com/2020/08/mong-cuong.html).

Những tưởng giấc "mộng cuồng" đó rồi sẽ qua đi nhanh chóng. Nào ngờ đến nay Virus Corona cũng vẫn còn đó, lợi hại hơn xưa bội phần. Bài viết năm 2020 có đoạn:

“Theo thống kê ngày 20/8/2020 đã có 789.948 người đã xuống đây [cõi âm], ấy là chưa kể số người nhiễm bệnh đã lên đến trên 22,5 triệu trong khi đó con số người hồi phục chỉ ở mức 15,2 triệu. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới…”

Và đây là những con số thống kê năm nay trên trang web “worldometers.info” năm nay:

“Đến sáng 19/82021, thế giới có tổng số 210.016.670 ca nhiễm và 4.403.903 ca tử vong và đã có 188.172.802 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 17.439.965 ca bệnh đang điều trị, có 17.332.089 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 107.876 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.”

“Số liệu mới cập nhật cũng cho thấy với 66.800.254 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 19/8, châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới. Trong đó, 979.048 ca đã tử vong và 62.138.717 ca được điều trị khỏi. Quốc gia có số người nhiễm cao nhất là Ấn Độ với 433.063 ca tử vong, và tại Đông Nam Á có Indonesia với 121.141 ca”.

(hết trích)

Những con số thống kê ngày càng nhảy múa trên xác người với một nhịp điệu nhanh hơn và tiết tấu cũng dồn dập hơn. Thế cho nên, cúng cô hồn năm nay xem ra bớt nhộn nhịp hơn năm trước vì lẽ dễ hiểu là người ta lo lắng đến cuộc sống khó khăn mùa dịch bệnh chứ không còn nghĩ đến những người đã khuất!

Không còn cảnh nhộn nhịp sắm vàng mã của người trần thế gửi xuống thế giới của người chết. Còn đâu những xấp “tiền âm phủ”, vàng thỏi – vàng lá, nhà lầu, xe hơi, điện thoại di động và cả những hình nhân xinh đẹp cho những vị “hảo ngọt” để hú hí trong những ngày cô đơn, xa trần thế!

Năm ngoái khi mới chớm dịch, người trần thế cón nghĩ đến việc gửi khẩu trang xuống cho “người âm” để phòng lây lan. Năm nay có lẽ không còn cần thiết nữa! Có nhiều người xuống âm phủ không kèn, không trống… thậm chí có người đang ngồi trên xe lăn cũng chạy một mạch xuống đó!

 

Người bán vé số dạo qua đời trên xe lăn

 

Bà vợ ngồi bên xác ông chồng

 

Cách đây một năm, những cô hồn đi trước cảm thấy được an ủi phần nào vì ít ra đám tang của họ cũng còn được tổ chức một cách… “bài bản”. Giờ thì người chết vì bệnh dịch cũng chẳng cần quan tài cầu kỳ, hoa mỹ cho một chuyến cuối cùng xa dương thế. Chỉ cần vài mảnh gỗ đóng ghép tạm bợ hay được đặt trong những “túi đựng xác” trên đường đến… lò hỏa táng!

 

Túi đựng tử thi

 

Nghĩ tử là nghĩa tận. Có tin 1,5 tấn túi bọc thi thể được các nhà hảo tâm chuyển gấp vào Sài Gòn bằng đường hàng không.

 

Hàng tấn túi đụng tử thi trên đường vào Sài Gòn

 

Ngày 13/8/2021, báo Công an Nhân dân đưa tin:

“Tình hình an ninh trật tự tại khu vực Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) được siết chặt sau khi phát hiện một nhóm người lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, lấy số thứ tự hỏa táng sau đó sang nhượng cho người đến sau trục lợi...

“Theo ghi nhận của phóng viên, sáng 12/8, tại các tuyến đường vào Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa, các chốt kiểm soát gồm Cảnh sát Giao thông, Quân đội, Thanh niên Xung phong… được thiết lập. Chỉ có xe tang, xe chở quan tài mới được vào bên trong, tuy nhiên phải đi theo một tuyến đường khác thông qua nghĩa trang, không đi chính diện trên đường Tân Kỳ Tân Quý.  Hai phía đường Tân Kỳ Tân Quý dài hơn 500m đã bị phong tỏa.

“Bên trong chỉ có xe tang, không có người nhà, không có cảnh nhiều người tụ tập xô bồ như những ngày trước đó. Công an quận Bình Tân, Công an phường Bình Hưng Hòa cũng có mặt thường xuyên tuần tra và giải tán những đám đông phía xa khu vực Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa…

 

Trung tâm Hoả táng Bình Hưng Hoà

 

Sài Gòn, tâm dịch của cả nước, bắt đầu từ Thứ Hai, 23/8/2021, giãn cách sẽ bước qua một giai đoạn mới, áp dụng nghiêm ngặt chủ trương “ai ở đâu, ở yên đó”. Thế là người ta lũ lượt đến siêu thị để tích trữ lương thục, thực phẩm.

Xe cộ tràn ngập các nẻo đường dẫn đến siêu thị dù có sự hứa hẹn của nhà nước rằng quân đội sẽ làm “shipper” tiếp tế lương thực đến tận nhà cho bà con! Không biết trong số những người mua hàng sẽ có bao nhiêu người sẽ trở thành “cô hồn” khi tụ tập bất kể lệnh giãn cách?

 

Chen chúc quanh một siêu thị sáng 21/8/2021… bất chấp giãn cách!

 

Người ta không nghĩ rằng mình sẽ làm “cô hồn” sau khi chen chân vào siêu thị để kiếm lương thực. Có ai nghĩ mình sẽ trở thành “cô hồn” trong ít ngày nữa sau khi đã bị lây nhiễm giữa chốn đông người? Hàng mua về không biết có tác dụng “chống đói” hay lại rước lấy “passport” để trở về với cát bụi?

 

Mua thực phẩm từ siêu thị

 

Chưa bao giờ người ta thấy Covid và Cô Hồn bắt tay nhau một cách “nhuần nhuyễn” đến như vậy. Câu hỏi được đặt ra là chừng nào cả hai mới chịu “chia tay” để mọi người trên trái đất này được trở về với nếp sống bình thường của những ngày chưa có dịch?

Câu trả lời cho đến nay vẫn còn bõ ngỏ cho dù nhân loại đã có nhiều loại vaccine ngừa dịch. Không biết ở dưới âm phủ có đòi hỏi phải chích ngừa hay phải có giấy xác nhận âm tính trước khi vào… địa ngục?


 *** 

--> Read more..

Thứ Năm, 19 tháng 8, 2021

Lửa cháy khắp nơi!

Đại dịch Covid bùng phát khắp thế giới như một “đám cháy không khói”, gieo rắc kinh hoàng cho cuộc sống trước đây vốn tạm gọi là… thanh bình! Cơn “hỏa hoạn không lửa”, không “nóng rát mặt” vẫn âm ỉ cháy trong lòng mọi người trên trái đất này!

Virus Corona không phân biệt nạn nhân của nó và cũng không phân biệt ranh giới quốc gia. Từ những nhân vật quyền cao, chức trọng cho đến những công dân ở đáy tận cùng xã hội, từ những đại gia tiền tỷ đến những kẻ khố rách áo ôm, đầu đường xó chợ… đều được nó chiếu cố với những đòn đoạt mạng bất ngờ!

Riêng ở Việt Nam, thoạt đầu con virus có vẻ như ít quan tâm đến nhưng gần đây lại ra những đòn chí tử khiến cả nước phải bàng hoàng nhận ra rằng không một quốc gia nào là bất khả xâm phạm trên bước đường lây lan của đại dịch.

Sài Gòn bỗng trở thành tâm dịch với con số người tử vong chiếm ngôi đầu bảng trong cả nước. Gĩan cách, cách ly, FO F1 bỗng trở thành những những từ ngữ trên đầu môi của mọi người.

Đợt giới nghiêm đầu tiên đã khiến những người con xa xứ tìm đường trở về quê hương vì Hòn Ngọc Viễn Đông không còn là miền đất hứa đối với cuộc sống. Từng đoàn người lũ lượt về quê trên những chiếc xe gắn máy, thậm chí có cả những người chỉ dùng đôi chân của mình để lội bộ trở về quê cũ.

Đợt lockdown kế tiếp sẽ kéo dài đến 15/9/2021 được coi như lời cảnh báo cuối cùng cho cơn dịch bệnh. Những người xa quê còn ở lại Sài Gòn nay đã hết kiên nhẫn để hy vọng một tương lai sáng sủa hơn. Họ sẽ sống như thế nào khi rời bỏ những căn nhà trọ chật chội trong khi việc làm và cuộc sống hàng ngày không thể tìm ra một lối thoát.

 

Đào thoát trong tuyệt vọng

 

Vợ chồng con cái lũ lượt về quê


Lại một cuộc di dân thứ hai dĩ nhiên phải xảy ra để trở về với vùng đất ở quê nhà, tương tự như chuyện Exodus tìm về nguồn cội của người Do Thái trong Kinh thánh! Chính quyền lần này làm mạnh hơn vì muốn rằng “ai ở đâu thì ở yên đó” nên 12 cửa ngõ để thoát khỏi Sài Gòn đều bị phong tỏa.

 

Mọi cửa ngõ thoát khỏi Sài Gòn đều bị phong tỏa

 

Người đào thoát… gối đất nằm sương

 

Giữa cơn khủng hoảng lại xuất hiện từ ngữ lạ tai như “Di biến động dân cư” mà hầu hết mọi người chưa trừng nghe đến. Loanh quanh trên mạng người ta mới hiểu được cụm từ này có xuất xứ từ Trung Quốc, đó là hình thức "khai báo di chuyển" hay "khai báo đi lại" của người dân!

Có thể nói, đợt “đào thoát” lần này cũng tương tự như những lần “hồi cư” của người dân từ vùng chiến tranh lửa đạn trở về với quê cha đất tổ hay cũng có phần tương tự như “cuộc bỏ phiếu bằng chân” của người miền Trung xuôi Nam vào năm 1975 để tìm nơi yên ổn.

 

Cuộc chạy loạn năm 1975

 

Trên quốc lộ 20 từ Lâm Đồng về Dầu Tiếng năm 1975

 

Điều trùng hợp kỳ lạ của lịch sử, biến cố năm 1975 tại Việt Nam đến năm nay lại xảy ra tại vùng đất Trung Á với một “kịch bản” tương tự. Phương Tây đã đổ những khoản tiền khổng lồ vào các lực lượng Afghanistan, mà ngày xưa gọi là A Phú Hãn. Trong suốt 15 năm qua, riêng Mỹ đã bỏ ra 88 tỉ USD, với niềm tin rằng sẽ giúp chính phủ Afghanistan có thể độc lập chống lại Taliban.

Sau khi Tổng thống Mỹ, Joe Biden, quyết định rút những binh lính Mỹ về nước, 300.000 binh lính Afghanistan đã nhanh chóng gục ngã. Thay vì chiến đấu chống lại Taliban, họ phải sớm rút lui dù không có cuộc giao tranh nào. Dẫu biết rằng “mọi sự so sánh đều khập khiễng” nhưng Afghanistan chính là Việt Nam thứ hai!

 

Sài Gòn 1975 – Kabul 2021

 

Cả hai Tổng thống - Nguyễn Văn Thiệu cũng như Ashraf Ghani - là những người cuối cùng chứng kiến sự ra đi của quân đội Mỹ nhưng chắc chắn phần trách nhiệm chính nằm ở người Mỹ. Chính họ đã tự chọn cho mình “vũng lầy” để rồi thoát ra trong hoảng loạn!

 

Tổng thống Afghanistan, Ashraf Ghani, đã chạy ra nước ngoài

 

Bản thân Tổng thống Mỹ và các quan chức hàng đầu của Mỹ cũng ngỡ ngàng trước đà tiến quá nhanh của Taliban để kiểm soát thủ đô Kabul, vì thế kế hoạch rút lực lượng Mỹ rút cục trở thành nhiệm vụ “đào thoát” trong an toàn. Thật chẳng khác gì Việt Nam năm 1975.

 

Lực lượng Taliban tiến vào Kabul

 

Như nhan đề của bài viết, “Lửa cháy khắp nơi” chỉ ra những diễn biến song hành cùng đại dịch Covid, nhân loại đã phải trải qua những “đám cháy không khói”.  Trên thực tế, gần đây có cả những đám cháy rừng thực sự khủng khiếp ở Âu Châu và Bắc Mỹ kể từ đầu tháng 7/2021.

Tại Canada, thị trấn Lytton đạt kỷ lục là “nơi nóng nhất trên trái đất” với 49.5° C trong mùa hè năm nay.Tại Mỹ, chỉ riêng 2 tiểu bang Califonia và Oregon, cháy rừng đã thiêu rụi 230,000 hectares, nâng tổng số thiệt hại lên đến 1 triệu hectares trên toàn quốc trong mùa hanh khô 2021.


Cháy rừng tại Osoyoos, British Columbia, Canada, ngày 20/7/2021

 

Trong tháng 8, Hy Lạp, quốc gia bên bờ Địa Trung Hải, nhiệt độ đạt đỉnh điểm 47.1°C, gần vượt qua mức kỷ lục 48°C của Châu Âu vào mùa hè. Người dân thành Athens chạy trời cũng không thoát khỏi cháy rừng với những cụm khói bốc lên từ bốn phương.

 

Cháy rừng tại Varybobi, Athens, Hy Lạp ngày 3/8/2021

 

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, những đám cháy rừng đã thiêu rụi hơn 11.000 hectares ở thành phố Manavgat. Trong khi đó, chính phủ phải cay đắng nhìn nhận không có đến một chiếc trực thăng chữa cháy! 

 

Lính cứu hỏa tại Marmaris, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh chụp ngày 2/8/2021

 

Tại Ý đã có đến 800 vụ cháy rừng trong tuần này khiến các khu nghỉ dưỡng ở thành phố phía đông Pescara phải sơ tán vào ngày 1/8/2021. Trong khi đó tại Phần Lan, nơi rất hiếm khi các vụ cháy rừng, lửa đã tàn phá 300 hectares rừng trong vùng châu thổ sông Kalajoki.

 

Trực thăng chữa cháy ở Catania, Sicily, Ý, ngày 30/7/2021

 

Ngày 4/8/2021, Tổ chức Điều phối Copernicus của Liên minh Châu Âu cho biết những vụ cháy rừng tại đây đã gây ra 505 megatonnes khí carbon dioxide trong bầu không khí. Đây là kỷ lục vượt ngưỡng 450 megatonnes trong năm 2020.

 

Cháy rừng tại Công viên Quốc gia Plumas, California, Mỹ, ngày 8/7/2021

 

Thiên tai và dịch bệnh dồn dập trút lên đầu nhân loại với “lửa âm thầm không khói” cũng như lửa cháy rừng. Biết đến bao giờ con người mới thoát khỏi cơn “thịnh nộ” của thiên nhiên? 

“Quanh ta lửa cháy tứ phương,

Cuộc đời Vô Nghĩa, Vô Thường, Vô Tâm!” 

***
--> Read more..

Thứ Ba, 17 tháng 8, 2021

Thứ Sáu Mười Ba, Mùa Covid!

(Thứ Sáu, 13/8/2021)


Hôm nay Thứ Sáu Mười Ba,
Giữa mùa Covid nhà nhà buồn so,
Cô ơi sao chẳng hẹn hò
Mà sao Cô tới, Cô mò vào đây?





Bây giờ nhân tháng Cô Hồn
Rắc thêm gạo muối tiễn chân Cô về.
Về đâu… chẳng biết về đâu?
Hay Cô chịu khó về Tầu đi thôi!





***
--> Read more..

Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2021

2020 Tokyo Olympics: Những khoảnh khắc đáng nhớ

Thế vận hội Mùa hè 2020, tên chính thức là “Thế vận hội lần thứ XXXII”, còn được gọi là “Tokyo 2020”… là một sự kiện thể thao quốc tế được tổ chức từ ngày 23/7 đến ngày 8/8/2021 tại Tokyo, Nhật Bản.

Dù được tổ chức vào năm 2021 nhưng vẫn mang tên “2020 Tokyo Olympics” chỉ vì đại dịch Covid-19 nên phải hoãn lại 1 năm. Sự thành công của “Thế vận kỳ thứ 32” đã đánh dấu quyết tâm của nước chủ nhà Nhật Bản, không để dịch bệnh gây cản trở nền thể thao của toàn thế giới.

Tuy nhiên, đại hội thể thao cũng đã gặp không ít phản đối của một số người trên thế giới nói chung và một số người Nhật Bản nói riêng. Họ gọi đó là "Covid Olympics" hay “Olympics Đại Dịch"…

Olympic Tokyo năm nay, đã có 65 quốc gia đoạt được huy chương vàng trong số 86 đoàn có huy chương. Ở khu vực Đông Nam Á, đoàn Philippines dẫn đầu với 1 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ xếp thứ 50. Indonesia xếp thứ 55 với 1 HCV, 1 HHCB và 3 HCĐ, đoàn Thái Lan xếp 59 với 1 HCV và 1 HCĐ, Malaysia xếp thứ 74 với 1 HCB và 1 HCĐ. Hai đoàn Việt Nam và Singapore không có huy chương nào.

Tại kỳ Olympic Tokyo năm nay, đoàn thể thao Trung Quốc đã dẫn đầu gần như suốt thời gian diễn ra ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh. Đoàn Trung Quốc đã giữ vững và kiếm được rất nhiều HCV từ những môn sở trường như nhảy cầu, cử ta, bắn súng hay bóng bàn... để dẫn bảng tổng sắp huy chương cho đến ngày cuối cùng.

Trong khi đó, đoàn Mỹ chỉ 1 lần duy nhất xếp đầu sau đó phải luôn trong tình thế "rượt đuổi" với Trung Quốc. Bước vào ngày thi đấu cuối cùng, đoàn Mỹ vẫn còn thua Trung Quốc đến 2 HCV, nhưng với chiếc HCV bất ngờ của môn xe đạp lòng chảo, bóng chuyền nữ lần đầu giành HCV Olympic và HCV môn bóng rổ nữ đã giúp đoàn Mỹ lấy lại vị trí số 1 tại sân chơi Olympic.

Hẹn gặp lại tại “2024 Olympics Paris” tại Thủ Đô Hoa Lệ của nước Pháp…


***


Cả ba lực sĩ người Jamaica chiếm hết huy chương vàng, bạc & đồng trong môn chạy 100m


Hai lực sĩ Mutaz Essa Barshim (Qatar) và Gianmarco Tamberi (Ý) cùng chia nhau huy chương vàng môn nhảy cao. Đây là thành tích 2 lực sĩ đạt cùng kỷ lục kể từ sau năm 1912


Lực sĩ đạt nhiều huy chương nhất là Emma McKeon,  người Úc. Cô nhân tổng cộng 7 huy chương, gồm 4 vàng và 3 huy chương đồng trong môn bơi lội



Nicola McDermott, huy chương vàng môm nhảy cao người Úc, đánh giá kỹ thuật của mình ngay trên sân thi tài


Rayssa Fadinha, 13 tuổi, là vận động viên trẻ nhất trong đoàn Brazil và cũng là người nhận được huy chương vàng trong lịch sử Thế vận của nước này


Cô gái 13 tuổi rưỡi người Nhật, Momiji Nishiya, nhận huy chương vàng môn lướt ván đường phố


Lực sĩ Na Uy, Karsten Warholm, phá kỷ lục thế giới của chính mình trong môn chạy vượt rào 400m


Sprinter Allyson Felix trở thành lực sĩ người Mỹ nhận được được huy chương nhiều nhất  trong môn điền kinh


Ryan Crouser, huy chương vàng môm ném tạ người Mỹ với dòng chữ "Ông ơi, con là vô địch 2020 Olympic"


Đội bóng chuyền nữ Mỹ dành huy chương vàng đầu tiên tại Olympic sau khi thắng đội Brazil... chiến thắng này đưa Mỹ lên đầu bảng tống xắp


Cách ăn mừng của đội bóng chuyền Mỹ sau khi thắng Brazil


Hai vận động viên Mỹ & Botswana va chạm trên đường về đích, sau đó cả hai cùng... đi bộ về đích


Lực sĩ môn thể thao 3 môn phối hợp người Bermuda dành huy chương vàng đầu tiên trong kỳ Thế vận


Vận động viên An San (Hàn Quốc) - Huy chương vàng môn bắn cung nữ


Yang Qian, nữ vận động viên bắn súng, dành huy chương vàng đầu tiên cho đoàn Trung Quốc


Hình ảnh mức đến của môn chạy Marathon tại 2020 Tokyo Olympics


Lực sĩ cử tạ nữ, Hidilyn Diaz, huy chương vàng đầu tiên của Phi Luật Tân


Bàn tay của Hidilyn Diaz, người nhận huy chương vàng môn cử tạ nữ cho Phi Luật Tân!


Lực sĩ người Anh, Tom Daley, huy chương vàng môn nhảy cầu, thư giãn trên hàng ghế khán giả bằng cách... đan len!


Người Nhật chào mừng các đoàn thể thao bên ngoài sân vận động


Cũng co những người biểu tình phản đối Tokyo Olympics


Bảng tổng sắp huy chương
(*) ROC là viết tắt từ Russian Olympic Committee (Ủy ban Olympic Liên bang Nga). Liên bang Nga đứng thứ 4 tại Olympic Rio 2016 (Brazil) sau khi giành được 56 huy chương. Nhưng tại Olympic Tokyo 2021, quốc gia này không thể sử dụng tên, quốc kỳ hoặc quốc ca của họ. Thay vào đó, Liên bang Nga sẽ thi đấu dưới cái tên ROC. Nguyên nhân là do Nga đã bị Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) xử phạt sau cáo buộc điều hành một chương trình doping do nhà nước hậu thuẫn.


Pháo bông rực sáng trên sân vận động đêm bế mạc Olympics


Hẹn gặp lại tại Paris 2024, Thủ đô Hoa lệ Pháp


***
--> Read more..

Popular posts