Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2021

Đọc lại “Thần Tháp Rùa” – Vũ Khắc Khoan

Năm 1956, nhà văn Vũ Khắc Khoan (1917-1986) [*] cho ra đời tại Sài Gòn một tuyển tập truyện ngắn mang tên “Thần Tháp Rùa”, gồm 4 truyện:  “Thần Tháp Rùa”, “Trương Chi”, “Nhập Thiên Thai” và “Người đẹp trong tranh”.

 

Vũ Khắc Khoan (1917-1986)


Cả 4 truyện đều là “thần thoại”, viết theo phong cách “Tân Liêu Trai” của Bồ Tùng Linh, có điều nhà văn họ Vũ đã thay đổi bối cảnh của thời đại, chẳng hạn như trong truyện “Thần Tháp Rùa” xảy ra tại Hà Nội trước khi có cuộc di cư của người miền Bắc vào Nam năm 1954. Nhân vật chính trong truyện là một chàng trẻ tuổi họ Đỗ, bỏ vùng quê lên Kẻ Chợ trọ học.

Vũ Khắc Khoan mượn nhân vật Đỗ để nêu lên những bức xúc của những người sống trong thời kỳ đất nước bị chia đôi năm 1954. Trong tinh hình đó, Đỗ có hai luồng suy nghĩ tương phản nhau: “Tư bản đè xuống mà hùa theo là tư cách một tiểu nhân, trong khi vô sản vùng lên, nếu sống trong đó sẽ mất tự do”.

Giữa sự “vùng lên” và “đè xuống” của hai thế lực chính trị đó, tác giả đã để “thần rùa” hay nói một cách văn hoa là “Thần Tháp Rùa” xuất hiện:

“Ngày nguyên tiêu năm Mão, có mở Chợ Hoa. Thiên hạ tạm quên lo nghĩ, mặc áo mới, đổ ra đường, nam, phụ, lão, ấu lũ lượt kéo tới ven hồ Hoàn Kiếm. Muốn thêm vui, viên thị trưởng họ Thẩm ra lệnh kéo lưới bắt Rùa ở hồ để lên người Kẻ Chợ có dịp nhìn tận mặt con vật tương truyền giật kiếm cứu quốc của vua Lê. Người hiếu kỳ xem Rùa có tới hàng vạn. Không khí tưng bừng, đây đó đèn treo hoa kết…

“Đỗ đứng lặng nhìn Rùa. Rùa cũng vươn cổ nhìn Đỗ. Dưới ánh trăng nguyên tiêu, Đỗ chợt thấy mắt Rùa như mờ lệ. Nhân còn say, Đỗ hỏi:

"Cũng biết thùy lệ ư?"

”Rùa gật đầu, vươn cổ ra phía hồ. Nước hồ trong xanh dưới ánh trăng xanh. Đỗ nhìn quanh không thấy có ai, bèn xắn tay cởi trói cho Rùa. Rùa dụi đầu vào tay Đỗ, Đỗ thấy mát rượi lòng tay. Bèn vỗ vào mai Rùa mà rằng:

"Thôi đi đi, từ nay nên cẩn thận".

 

Tháp Rùa, Hà Nội

 

Đêm hôm đó, Đỗ trằn trọc không ngủ giữa đống sách vở đầy phòng dưới lớp bụi thời gian. Và trong giây phút tâm hồn khắc khoải, Đỗ bàng hoàng trước sự xuất hiện của một thiếu nữ… Nàng thướt tha với một khuôn mặt “liêu trai”: mặt trắng, mắt trong, da mịn, tóc mun chảy như suối xuống vai, áo màu rêu mát lạnh…

Đỗ rùng mình thiếp đi và kể từ đêm đó nàng đến với Đỗ thường xuyên khiến chàng bỏ cả sách vở, ăn uống thất thường, suốt ngày phờ phạc, chỉ mong cho đến lúc lên đèn. Có lúc nhớ tới cái không khí của Bồ Tùng Linh, Đỗ rùng mình nghi là ma quái, nhưng lần đầu gần đàn bà, chàng thấy môi nàng ấm quá, da nàng mịn và mùi hương thơm ngát.

Cuộc tình của hai người kéo dài suốt mùa xuân. Cho đến một đêm, nàng đến với một nét buồn trên vẻ mặt. Nàng đã thỏ thẻ bên tai chàng:

"Đã đến lúc xa nhau rồi đây!"

Đỗ không tin mà cãi:

"Xa làm sao được? Mà ai bắt xa nhau?"

Nàng ngồi yên một lát rồi mới nói, giọng như đượm lệ:

"Chàng với em vốn có tiền duyên. Chàng còn nhớ ngày hội nguyên tiêu?"

Đỗ gật. Nàng nói tiếp:

"Em vì mải vui hôm đó nên sa cơ mắc lưới. Chàng vì lòng hào hiệp mà cởi trói cho em. Thụ ơn nặng cùng chàng nên mới có ngày nay".

Đỗ thốt nhiên nhớ lại, giật mình:

"Vậy ra nàng là...

"Em vốn là loài Rùa, tu đã trọn kiếp, nhất là có công với Đất Nước này nên được Thiên Đình giao cho cai quản ngôi tháp giữa hồ Hoàn Kiếm".

"Nàng nói sao? Nàng có công với Đất Nước này?"

"Chàng đọc sách nhiều, quên việc xây thành Cổ Loa rồi sao?"

"Trời ơi! Thần Kim Quy!"

"Là em đó...

"Còn chuyện thanh gươm Lê Lợi?"

"Cũng lại là em!"

Đỗ cúi đầu suy nghĩ, giây lâu mới nói nên lời:

"Nhưng tại sao lại phải xa nhau?"

Nàng thổn thức trả lời:

"Em đi lại với chàng, không giấu nổi tai mắt Thiên Đình mà mang tội phải đày sang Động Đình Hồ. Em lén đi giây lát để chàng biết chuyện, mai sớm đã phải lên đường...

 

“Thần Tháp Rùa” - Vũ Khắc Khoan

 

Gần sáng, bão gió chưa tắt, mưa đã dội xuống. Rồi vừa mưa vừa gió suốt ba ngày ba đêm, không lúc nào ngớt. Cây cổ thụ Kẻ Chợ bật gốc có đến mấy trăm thân, nhà Kẻ Chợ bay nóc có đến hàng nghìn chiếc.

Trời hửng nắng, thì cá hồ Hoàn Kiếm chết nổi lềnh bềnh như bèo Nhật Bản. Thiên hạ hiếu kỳ rủ nhau đi xem động nghịt ven hồ, ai cũng lấy làm lạ. Duy có Đỗ từ buổi đó thì thôi hẳn ra đường, suốt ngày thơ thẩn trong phòng, lắm lúc vật mình mà khóc, có đêm ôm gối tương tư, như điên như dại. Lúc đầu còn có bạn đến thăm, nhưng vì lãnh đạm không tiếp, lâu dần chẳng còn ai lui tới.

Theo thói quen, Đỗ định giơ tay với một cuốn sách nhưng gió bấc chợt lọt kẽ song, phả và mặt anh một mùi tử khí tự đống sách đã lên mốc xanh lốm đốm. Tự đêm nguyên tiêu kỳ ngộ, có lần nào Đỗ nén lòng đọc được một trang? Vả lại, cũng tự đêm ấy, Đỗ bắt đầu thấy ngấy chữ nghĩa cổ nhân...

Thế rồi cuộc “phần thư” bắt đầu: lửa cháy từ đống sách do chính một kẻ sĩ tự ý gây nên. Lửa không lan rộng mà âm ỉ xoáy hẳn vào bề sâu một cơn khủng hoảng.

“Từng tờ một, quằn quại để rồi siêu thoát, từng nguồn tư tưởng. Christ từ từ ngược lại quãng đường dẫn tới đỉnh Golgotha. Thích Ca Mâu Ni lại gặp một gốc Bồ Đề. Mã Khắc Tư [**] thủ thế trước Freud. Sartre giật mình, ngơ ngẩn trong một thế giới ngõ cụt. Rồi lần lượt Hégel, Lão Tử, Khổng Khưu... từng tờ một, thiêu dần từng nỗi băn khoăn. Đỗ qua từng cơn cảm giác tân kỳ. Có lúc xót xa như bị lột xác, có lúc rợn người như thoáng bóng ma, nhiều khi ê chề như bị lăng trì. Dần dà thì tâm trí lâng lâng, ngũ giác gấp phần minh mẫn. Tưởng như mang nổi nghìn cân, mọc cánh mà bay ngang con hồng, con hộc, vươn mình đuổi kịp ngựa Ký, ngựa Kỳ…”

Thần nữ bỗng xuất hiện từ đống tro tàn của sách trong lò sưởi:

“Lần trước gặp chàng vì tiền duyên. Cũng vì tiền duyên mà mang lụy tại Động Đình Hồ. Nhưng vì mối tình của chàng có nặng, sóng tình cập tới Thiên Đình, nên em sớm được trở lại với chàng...

“Trước khi gặp em, chàng thường băn khoăn về thế cuộc. Điều đó chân thành xuất tự tâm can, hiện lên vẻ mặt, tất không giấu nổi Thiên Đình. Nhưng muốn mưu đại sự, một nỗi băn khoăn tất nhiên chưa đủ. Cần phải có thời... Mà xét kỹ thì thời đến rồi đó...”

“Thật tình nếu không có việc đốt sách thì chẳng bao giờ lại được gặp nhau… Thật ra thì cái việc phần thư của chàng âm ỉ đã từ lâu. Từ lâu, từ đêm đầu tiên gặp gỡ, chàng đã thấy bực dọc với chữ nghĩa của người xưa...

“Đốt được nhà... nhưng đốt sao được sách? Chàng còn nhớ cuộc phần thư thủa bắt đầu xây dãy Trường Thành? Càng đốt sách, nghĩa của chữ lại càng trong trẻo, dễ vút lên cao, dễ lan ra rộng... Họ Tần đốt sách Khổng Khưu vậy mà cái lý Tam Cương của người nước Lỗ đâu có bị hỏa thiêu cùng sách?

(hết trích)

Và đây là đoạn kết của “Thần Tháp Rùa” được Vũ Khắc Khoan viết vào năm 1954:

“Năm Thìn, giữa đêm trừ tịch, cầu Thê Húc tự nhiên sụp đổ. Người Kẻ Chợ đi xin lộc đền Ngọc Sơn ngã xuống hồ không biết bao nhiêu mà kể. Thiên hạ xôn xao. Có người cho là Thần Rùa báo oán việc xưa. Có kẻ nghi là điềm gở, tính việc bán nhà mà bỏ vào Nam.

“Lúc sửa lại cầu, viên đốc công thấy chân cầu tuy gãy mà gỗ vẫn tốt nguyên. Duy chỗ gãy như có vật sắc phạt ngang, ngày đêm rỉ nhựa đỏ lòm như máu. Nói lại, ai cũng cho là lạ. Kẻ bàn, người tán, không biết ra sao.

“Có người biết Đỗ, tìm đến tận nơi định hỏi. Nhưng cũng giữa đêm trừ tịch, Đỗ đã bỏ kinh thành, biệt vô âm tín.

***

Nhà văn Tam Ích đã viết về Vũ Khắc Khoan:

“Tác giả đã viết Thần tháp rùa một cách ngộ nghĩnh lắm: đây là sự hỗn hợp những mảnh ảnh hưởng của Bồ Tùng Linh lờ mờ giữa hư và thực; của Nguyễn Tuân chán chường, chán chê và tha thiết đượm một thứ hương vị khinh bạc kín đáo; và của… cả những chàng Phi Lạc thấy cá nhân tiểu tư sản trí thức chẳng hạn hãm giữa những thế lực, đang bị dồn. Thêm vào đó ít nhiều màu sắc lợt lạt của Poe và một mảnh huyền bí của Hoffmann… Người đọc không biết giữa nhân vật và người kể chuyện, biên giới ở chỗ nào, giữa thực và hư, có và không, tỉnh và mộng, đường chân trời dài bao nhiêu!”

Nhà phê bình văn học Thụy Khê lại có một cái nhìn khác:

“Vũ Khắc Khoan tạo ra một không khí huyền ảo không thể dựng lại được trên bất cứ một thực tế nào. Bởi Vũ đã pha trộn những chiều không gian và thời gian khác nhau trong cùng một môi trường. Vũ cho những nhân vật thời nay sống trong không khí thời xưa, với văn chương biền ngẫu, âm điệu cổ, với Rùa thần, với Thiên Thai, tiên cảnh, với hiện thực ma quái Bồ Tùng Linh. Không khí truyện của họ Vũ vừa thực vừa ảo, con người trong truyện cũng vừa thực vừa ảo. Vũ dùng người, dùng nhân vật trong truyện, để phát biểu những điều mà Vũ ấp ủ trong lòng. Đối với Vũ, nhân vật chỉ là cái cớ, tác phẩm chỉ là một thác ngôn về những Vấn Đề. Yếu tố chính trong tác phẩm Thần Tháp Rùa của Vũ Khắc Khoan là những Vấn Đề. Là con người xuyên qua những vấn đề. Vũ dùng nhân vật để giải quyết những vấn đề đang sôi bỏng trong đầu Vũ, trong thực tại xã hội mà Vũ đang sống. Và như một nhà tiên tri, tất cả nhũng vấn đề họ Vũ đặt ra thời kỳ 1954, thời kỳ đất nước vừa bị chia đôi, dường như vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Vì thế mà tác phẩm của Vũ Khắc Khoan đã trở thành cổ điển ngay khi nó vừa mới chào đời.”

***

Chú thích:

[*] Nhà văn, nhà viết kịch Vũ Khắc Khoan sinh tại Hà Nội, theo học trường Bưởi, nhập học trường Y khoa nhưng rồi đổi sang Cao đẳng Canh nông. Ông tốt nghiệp kỹ sư canh nông sau chuyển sang văn học và lịch sử, dạy học ở trường trung học Chu Văn An.

Ông là tác giả những vở kịch “Thằng Cuội ngồi gốc cây đa” (1948), “Thành Cát Tư Hãn”, và “Giao thừa” (1949). Hai vở Giao thừa và Thằng Cuội đã được trình diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội vào những năm 1951 và 1952. Bài vở của ông cũng được đăng trên báo Phổ thông và Quan điểm.

 

“Thành Cát Tư Hãn”


Năm 1954 ông di cư vào Nam, đóng góp cho các báo Tự do, Quan điểm rồi chủ nhiệm nguyệt san Vấn đề. Ông là giám đốc kịch nghệ ở Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ ở Sài Gòn. Vũ Khắc Khoan sang Mỹ tỵ nạn năm 1975, định cư ở Minnesota nơi ông dạy Pháp văn ở đại học Minnesota rồi mất tại đó.

"Thần Tháp Rùa" là tập truyện đoạt Giải Nhất Văn chương Toàn quốc 1959-1960 dưới thời VNCH về thể loại tiểu thuyết, đồng hạng với quyển "Đò Dọc" của Nhà văn Bình Nguyên Lộc.

 

“Tìm Hiểu Sân Khấu Chèo”

 

[**] Mã Khắc Tư (1818-1883), tên thật là Karl Heinrich Marx, thường được phiên âm tiếng Việt là Các Mác; là một nhà triết học, nhà kinh tế học, nhà sử học, nhà xã hội học, nhà lý luận chính trị, nhà báo và nhà cách mạng người Đức gốc Do Thái.

Ông cùng Friedrich Engels chủ trương Chủ nghĩa Cộng sản với Tuyên ngôn của Đảng cộng sản và 3 tập Tư bản. Những quan điểm chính trị và triết học của ông gây ảnh hưởng lớn đến lịch sử tri thức, kinh tế và chính trị của thế giới sau này.

 ***

* Đọc “Thần Tháp Rùa” tại: https://kilopad.com/truyen.../than-thap-rua-b7069/chuong-1

 *** 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts