Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Góp nhặt buồn vui thời điêu linh: Cải tạo Công thương nghiệp

Người ta thường nói đến chuyện cải tạo ngụy quân-ngụy quyền sau ngày 30/4/75 nhưng ít người nhắc đến một hình thức cải tạo không kém phần quan trọng trong thời điêu linh và có ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống kinh tế của người dân. Cuộc cải tạo này đã biến miền Nam đang từ nền kinh tế tư bản sang nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và cái giá phải trả là sự tụt hậu của cả đất nước.

Đó là chính sách Cải tạo công thương nghiệp (CTCTN) hay còn được biết đến qua ngôn ngữ bình dân: Đánh tư sản. CTCTN là con đường ngắn nhất được chính quyền mới dùng để quét sạch mọi giai cấp - từ tư sản đến tiểu tư sản - để chỉ còn giai cấp nông dân và công nhân trong chế độ xã hội chủ nghĩa.

Cửa hàng quốc doanh trên phố Tràng Tiền, Hà Nội, tháng 3/1970

Tại miền Bắc, CTCTN đã được thực hiện từ năm 1954, sau ngày tiếp quản Hà Nội. Chính xác hơn, cuộc cải tạo được tiến hành sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá II họp Hội nghị lần thứ 16 mở rộng vào tháng 6/1959 và ra Nghị quyết về vấn đề hợp tác hoá nông nghiệp và cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh theo chủ nghĩa xã hội.

Nghị quyết khẳng định: “Một trong những nhiệm vụ của cách mạng xã hội chủ nghĩa là xoá bỏ kinh tế tư bản tư doanh, xoá bỏ chế độ chiếm hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, xoá bỏ bóc lột tư bản chủ nghĩa, xoá bỏ giai cấp tư sản”. Với đường lối này, Nghị quyết khẳng định, sẽ đưa xí nghiệp tư bản tư doanh từ hình thức thấp và vừa lên hình thức cao của chủ nghĩa tư bản nhà nước dưới hình thức công tư hợp doanh, chuyển chế độ chiếm hữu tư bản chủ nghĩa sang chế độ sở hữu của Nhà nước.

Dựa trên quan hệ sản xuất mới đó, giai cấp tư sản bị triệt tiêu và xã hội chỉ còn giai cấp vô sản. Tại miền Bắc vào thời kỳ này, đại đa số các gia đình tư sản, tiểu tư sản không những bị tịch thu tài sản mà còn phải đi tập trung cải tạo. Đến 1960, giai cấp tư sản đã bị xóa bỏ tại 31 tỉnh và thành phố trên miền Bắc.

Xe bán hàng lưu động của mậu dịch quốc doanh
gần Khách sạn Thống Nhất, Hà Nội, 1972

Trước 1975, Sài Gòn đã có một cơ sở vật chất, kinh tế kỹ thuật lớn nhất miền Nam, ngang bằng với các nước trong khu vực. Sài Gòn cũng là nơi tập trung hơn 80% năng lực sản xuất công nghiệp cả miền Trung, miền Nam với hơn 38.000 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp lớn nhỏ, trong đó có khoảng 766 công ty và 8.548 cơ sở công nghiệp tư nhân.

Sau 1975, chính quyền mới đã quốc hữu hóa tư liệu sản xuất và, theo lối dùng chữ của họ, đưa công nhân lao động lên làm chủ nhà máy, xí nghiệp. Trên website chính thức của TP. HCM ghi lại:

CTCTN đã tịch thu tài sản của 171 nhà tư sản mại bản, 59 tư sản công thương nghiệp cỡ lớn để biến thành 400 xí nghiệp quốc doanh, 14.000 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, thu hút 270.000 công nhân và lao động, vận động hồi hương lập nghiệp và từng bước phân bố lại lao động”.

Chợ Bến Thành, tháng 7 năm 1975

Lúc bấy giờ, Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách phía Nam về công cuộc CTCTN là Nguyễn Văn Linh (bí danh Mười Cúc). Trong một buổi gặp gỡ các nhà tư sản tại Sài Gòn, ông Linh đã từng nói: “Các bạn đã đi với chúng tôi trong cách mạng dân tộc dân chủ nên gọi là tư sản dân tộc, nay các bạn đi với chúng tôi lên thời kỳ quá độ lên XHCN, không biết gọi các bạn là gì cho phù hợp?”.

Khái niệm mà các văn kiện chính trị thường hay nhắc đến như một thành phần xã hội mang yếu tố phản động trong cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng cộng sản lãnh đạo được gọi là tư sản mại bản. Chỉ ở giai đoạn sau của lịch sử, đặc biệt là ở miền Nam sau 1975 mới hình thành tầng lớp ‘mại bản’ ăn theo cuộc chiến tranh của Mỹ.

Những thành phần này bị cáo buộc những tội ác với nhân dân đại khái như: (1) Buôn bán với đế quốc Mỹ và chính quyền Ngụy; (2) làm giàu bằng cách nhập khẩu (nhập cảng); (3) phát hành tài liệu đồi trụy, ru ngủ nhân dân; (4) nhập cảng súng đạn và nhu liệu quân sự chống lại nhân dân; (5) đầu cơ tích trữ, tạo lũng đọan kinh tế của nhà nước; và (6) ngoan cố dụ dỗ, đầu độc các cán bộ nhà nước làm ăn bất hợp pháp.

Trong năm 1977, chính quyền dấy động cuộc tố cáo và truy nã các thành phần tư sản mại bản tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Trong đó phần lớn là các thương gia người Việt gốc Hoa. Nhiều gia đình bị lục soát, tài sản bị tịch thâu, có khi bị bắt dẫn ra ngoài đường bêu xấu trước công chúng. Có một số gia đình làm ăn lương thiện nhưng tương đối giàu có, bị hàng xóm ghen ghét tố bậy cho công an vào tra xét đủ điều. Đôi khi, ngay cả những người ‘có công với cách mạng’ cũng bị tố cáo chỉ vì họ có tí của cải.

Trên thực tế, đa số những nhà tư sản lớn đã di tản ra nước ngoài, Sài Gòn chỉ còn các doanh nghiệp loại ‘cò con’ như các chủ nhà in, chủ xưởng thủ công, chủ cửa hàng, cửa hiệu... Những người chủ này, kể cả những người làm nghề chuyên môn như chủ hiệu thuốc tây, bị buộc phải kê khai tài sản, vốn liếng sau đó bị trưng thu, tịch thu hoặc trưng mua. Họ bị bắt buộc bỏ nghề kinh doanh, chuyển qua sản xuất nông nghiệp và nhiều người bị buộc rời khỏi thành phố. Nhiều cửa hàng nhỏ, vốn liếng chẳng có bao nhiêu, một số tiệm ăn, tiệm cà phê... cũng bị niêm phong, định giá và chuyển qua hình thức sản xuất quốc doanh hoặc hợp tác xã.

Sau một đêm thức dậy, người dân Sài Gòn bỗng thấy thành phố vắng bóng hơn 1.000 nhà thuốc Tây ngày nào. Các bác sĩ thì chỉ đợi tan giờ làm việc để về nhà nuôi heo, trồng rau cải thiện đời sống. Một bác sĩ trẻ xin lập phòng khám ‘nửa tư nhân nửa nhà nước’ thì bị phê phán là ‘con đỉa hút máu’. Sau này, cũng có những tư tưởng ‘cấp tiến’ trong giới lãnh đạo, họ ‘bật đèn xanh’ với ý nghĩ cho rằng bác sĩ đi làm thêm giờ sau giờ làm việc thì có lợi hơn việc bắt họ ở nhà nuôi heo!

Nhà thờ Đức Bà, tháng 7 năm 1975

Nguyên tắc hàng đầu của các chiến dịch CTCTN là bí mật và bất ngờ được thể hiện qua các mã số chiến dịch như X1, X2... Những tổ công tác được gấp rút thành lập, họ rà soát, lên danh sách những hộ gia đình kinh doanh, những gia đình giàu có phải vào diện ‘cải tạo tư sản’. Nạn nhân chỉ biết những gì xảy ra khi cửa nhà bị gõ và tổ công tác đặc biệt bất ngờ xuất hiện, đọc quyết định ‘kê biên tài sản’.

Sau khi tài sản bị niêm phong, gia đình sẽ nhận quyết định đi ‘xây dựng vùng kinh tế mới’. Nhà cửa bị tịch thu sẽ trở thành tài sản của nhà nước, hoặc sẽ được biến thành cửa hàng quốc doanh, thậm chí cũng có thể trở thành nhà ở cho cán bộ.

Nhà báo Đinh Phong là người đã từng làm phóng viên tuyên truyền về cải tạo công thương nghiệp ở miền Bắc những năm 1960 khi còn công tác ở báo Nhân Dân. Sau năm 1975, ông làm việc tại đài truyền Sài Gòn và lại một lần nữa làm chứng nhân về cuộc CTCTN tại đây:

Chúng tôi vác máy đi tuyên truyền mà lòng trĩu nặng, ngơ ngác nhìn nhau hỏi tại sao lại như vậy? Có lần, chúng tôi mang máy ra chợ Tạ Thu Thâu quay cảnh niêm phong tài sản một hộ kinh doanh hàng điện tử. Chưa kịp ghi hình ảnh nào, ông chủ hộ kinh doanh bước ra gạt máy, rồi chỉ vô mặt tôi bảo: ‘Chú về mà hỏi Huỳnh Văn Tiểng [Giám đốc đài truyền hình lúc bấy giờ] xem ngày xưa tôi đã gửi linh kiện vô chiến khu lắp ráp đài phát thanh như thế nào, hỏi coi thời chống Mỹ tôi đã giúp đỡ các ông những gì? Bây giờ tôi buôn bán, có tội tình gì mà bay bắt tôi về làm ruộng hả?’. Thời gian sau, tôi có trở lại tìm ông chủ ấy nhưng không gặp, chỗ cũ đã trở thành một cửa hàng quốc doanh”.

Nhà báo Đinh Phong

Vào thời ấy, Đài truyền hình HTV có chương trình thời sự khoảng 30 phút, tập trung nhiều thời lượng để tuyên truyền cho công cuộc cải tạo công thương nghiệp tại Sài Gòn. Phía sau chương trình ấy, phóng viên truyền hình là những người đã trực tiếp chứng kiến những giọt nước mắt, những cái nhìn ngạc nhiên, thảng thốt của người dân thành phố.

Khu Dân Sinh từng là một trong những địa chỉ
của công cuộc cải tạo công thương nghiệp sau năm 1975

Bùi Quý, người đã từng làm việc trong Ban liên lạc công thương TP.HCM từ năm 1975 đến 1990, kể lại: “Tôi được phân công tác về Ban liên lạc công thương, tham gia triển khai thực hiện các chính sách của Nhà nước về cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Ngay từ thời điểm đó, tôi đã thấy mặt trái của chính sách cải tạo của chúng ta.

Nó giết chết mọi động lực phát triển, triệt tiêu sản xuất. Các doanh nghiệp tư nhân không tồn tại trong thực tế, bởi họ phải hòa tan mình vào cái gọi là hợp tác xã, công tư hợp doanh... Khổ nỗi, hợp doanh gì mà toàn bộ tài sản là của tư nhân, Nhà nước chỉ có con người đưa ra để... quản lý, nắm luôn chức giám đốc. Mà họ là những người chưa bao giờ làm kinh tế.

Tôi vẫn nhớ rõ sự cảm kích của mình khi được nghe chỉ đạo của ông Năm Xuân (Mai Chí Thọ), chủ tịch UBND TP.HCM, tại buổi báo cáo tình hình làm ăn của các xí nghiệp công tư hợp doanh năm 1982-1983. Khi đó anh Năm Xuân đã nói thẳng rằng nếu gọi là hợp doanh thì Nhà nước phải thực góp tài sản chứ không phải tất cả chỉ là của tư nhân, Nhà nước chỉ có… con người. Mà những đồng chí này, ông Năm Xuân nói, ai cảm thấy mình không phù hợp thì xin đi làm việc khác giùm cho”.

“Nhiệt liệt hoan nghênh chủ trương bài trừ bọn tư sản mại bản
lũng đoạn, đầu cơ tích trữ, phá rối thị trường”

Trong Hồi ký của một thằng hèn, nhạc sĩ Tô Hải, người đã từng mang trong người ‘nhiệt tình cách mạng’ của thời kháng chiến chống Pháp, nhìn công cuộc CTCTN tại Sài Gòn dưới một góc độ khác:

Trước tình hình kinh tế ngày càng khó khăn sau những chiến dịch cải tạo, những cuộc ‘tấn công quyết định vào pháo đài Chợ Lớn mà chưa chế độ nào dám làm’ (chữ của ông Bảo Định Giang), những cuộc tịch thu đóng cửa tiệm đồng loạt, những cuộc vây ráp chợ trời, đặc biệt là hai cuộc đổi tiền (sự thật là thu hồi tiền mặt và chỉ trả lại cho mỗi người một số tiền tối thiểu), Sài Gòn trở thành rỗng tuếch về bề mặt! Nhưng về phần chìm, Sài Gòn vẫn là... Sài Gòn! Bên cạnh những ông chủ cũ với những két sắt đầy vàng, đô-la, kim cương mà các cửa hiệu do con, cháu, người làm công đứng tên bị đóng cửa, bị tịch thu, xuất hiện những ông chủ mới giàu lên một cách nhanh chóng nhờ ‘hôi của lúc cháy nhà’.

Chính thời kỳ này đã giúp cho hàng vạn tay cơ hội chiếm đoạt không biết bao nhiêu tài sản của các thứ ‘kẻ thù cách mạng’ để biến thành của riêng, của con cháu, người quen. Ai có thể thống kê được những gì các ‘đội cải tạo’ đã ‘tịch biên’ của hơn một triệu cửa hàng, gần 7.000 xí nghiệp to nhỏ của cái thành phố lớn nhất nước này? Và cũng chẳng lấy gì làm lạ khi một ‘đạo diễn điện ảnh cách mạng’ bổng trở thành... chủ một cửa hàng nhiếp ảnh to nhất Chợ Lớn.

Ngay một nhà máy đã quốc hữu hóa, sau này người ta vẫn có thể úm ba la ‘hô biến’ để nó trở thành nhà máy... tư nhân, cho vợ đứng tên, như trường hợp nhà máy mì ăn liền Miliket. Một ông bí thư quận bỗng thành chủ nhân của 5 ngôi nhà cao tầng — tất nhiên ông không dại gì mà đứng tên. Và những cán bộ ‘cải tạo tư bản’, ‘cải tạo công thương nghiệp’ sau khi kê khai qua quít số hàng, số tiền, số vàng... trong két các khổ chủ rồi ‘quên’ nạp cho ban cải tạo bảng kê khai để sau này thành những nhà tư bản mới.

Chính Tô Hải cũng đã tham gia đồng thời chứng kiến những chiến dịch tịch thu, tiếp quản, đổi chủ. Theo ông, đây là cơ hội không chỉ bằng vàng, mà bằng... kim cương cho kẻ đã có kinh nghiệm hoặc đã bỏ lỡ việc kiếm chác từ những ngày đầu tiếp quản vì máu cách mạng lúc ấy chưa chuyển từ đỏ sang đen!

“Có nhiều người hôm trước còn là người hiền lành tử tế, hôm sau đã trở thành tên cướp hung bạo khi khảo của khổ chủ. Có người chưa kịp phét lác thì khổ chủ đã tất tưởi đem nộp cả hộp bích quy kim cương chỉ để xin ông cán bộ báo cáo giùm lên trên rằng “nhà này không có gì”... Những chuyện cười ra nước mắt như thế nhiều lắm, kể không xiết. Chả thế mà đã có bao ‘nhà cách mạng’ năm xưa nay làm chủ cả mấy ngôi nhà (hồi ấy gọi là ‘phân phối’), chưa kể tiền vàng, tiêu mấy đời không hết.

Số phận các ‘nhà cách mạng’ sau cuộc đại vơ vét này không giống nhau. Những kẻ lõi đời đóng vai củ mỉ cù mì cho đến khi đủ tuổi về hưu non, ‘hạ cánh an toàn’, yên hưởng hạnh phúc bên vợ con và... hàng tá bồ nhí. Ngay giới văn nghệ cũng có những ‘nhà’ nọ, ‘nhà’ kia đang say mê sáng tác bỗng tự nguyện bỏ nghề để rồi chính mình hoặc con cái trở thành những ‘đại gia’ sau này”.

Khẩu hiệu trong một nhà máy miền Bắc thời chiến tranh:
“Miền Nam còn đổ máu, Ngày thứ 7 còn sục sôi”

Cuộc CTCTN như một cơn gió lốc đã quét qua cuộc đời của nhiều ông chủ doanh nghiệp tư nhân tại Sài Gòn. Trên Tuổi Trẻ Online có rất nhiều bài viết về đề tài này, tôi xin tóm lược một số chuyện mà ấn bản điện tử của tờ báo gọi là “Những chuyện ai cũng muốn quên”.

Trường hợp của ông Trịnh Thành Nhơn là một thí dụ điển hình. Năm 1976, cả gia đình ông Nhơn sống nhờ vào gian hàng bán xà bông ở chợ Bình Tây, Chợ Lớn. Ông gom góp 3.000 đồng, dẹp một góc trong nhà, kiếm ba cục gạch và một thùng phuy, mướn thợ người Hoa của một hãng xà bông để hình thành một cơ sở sản xuất xà bông không tên.

Xà bông làm ra được bán cho các hợp tác xã và công ty thương nghiệp của nhà nước. Sản phẩm bán ra được xem là hợp pháp, nhưng nguyên vật liệu lưu thông trên đường về xưởng lại là bất hợp pháp. Ông Nhơn phải mua dừa từ Mỹ Tho, Bến Tre, bỏ vào bịch nilông nhỏ khi đi qua các trạm kiểm soát.

Ngày ấy, xà bông của ông Nhơn bán cho ngành thương nghiệp với giá do Ủy ban Vật giá duyệt. Để sản xuất được 1kg xà bông phải bỏ khoảng 8 đồng vốn, trong khi ủy ban chỉ duyệt giá bán 3,6 đồng. Cũng vì thế, phải ‘ăn gian’ nguyên liệu và tung ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng.

Ông Nhơn kể lại: “Nhiều cán bộ nhà nước bảo với tôi họ chỉ yêu cầu tôi làm đúng, không cần tôi làm tốt. Nhưng với các qui định tréo ngoe như vậy, tôi làm đúng sao được?”. Công việc kinh doanh ngày càng mở rộng, ông Nhơn sắm thêm máy móc, tuyển thêm công nhân. Mỗi ngày ông sản xuất đến 5 tấn xà bông, có ngày lên đến 10 tấn.

Khi có chiến dịch CTCTN, cơ sở của ông Nhơn bị thanh niên băng đỏ ‘đóng chốt’ tại nhà gần 1 tháng để kiểm kê và canh giữ tài sản. Cũng may có ‘tay trong’ mách nước nên ông làm đơn xin phường xét lại. Đơn của ông được cứu xét với điều kiện ông phải ngưng hợp đồng cung ứng cho công ty thương nghiệp, tất cả sản phẩm phải chuyển sang bán cho hợp tác xã phường.

Đầu năm 1980, ông Nhơn bị phường gọi lên, bảo rằng qui mô cơ sở sản xuất của ông lớn quá, phải ‘phát triển’ lên thành Xí nghiệp Đời sống của phường. Phường cấp cho ông một căn nhà, kêu ông chuyển hết nguyên liệu, lao động, máy móc... vào đấy để sản xuất. Đồng thời phường cử người làm Giám đốc, ông được giao phụ trách kỹ thuật.

Ông Nhơn tâm sự: “Ngay từ đầu tôi đã thấy không ổn. Mấy ổng chẳng hiểu gì về sản xuất kinh doanh gì cả, tôi làm thế này mấy ổng cứ chỉ đạo thế khác. Hai bên cứ lo cãi nhau thì làm ăn gì được”. Xí nghiệp hoạt động được hai năm thì giải tán và vốn liếng của ông Nhơn cũng hết sạch.

Đến năm 1989, với sự ra đời của Nghị quyết 16, cánh cửa cho tư nhân làm kinh tế mở ra. Ông Nhơn thành lập doanh nghiệp Sơn Hải và nổi đình nổi đám với kem đánh răng Dạ Lan vào đầu thập niên 1990.

Chợ Bình Tây trong Chợ Lớn trước 1975

Gia đình ông Nguyễn Lâm Viên trước năm 1975 sống nhờ vào cửa tiệm tạp hóa, mỗi chiều 4m, bán giày dép ở Gò Vấp. Sau ngày Sài Gòn sụp đổ, cán bộ phường đến bảo cửa tiệm nhà ông rộng quá, phải chia bớt cho người khác. Cửa tiệm bị xén còn lại ngang 1,5m, dài 2m.

Ông Viên bỏ học, lên rừng, làm nhân viên phòng kế hoạch Nông trường Sông Ray (Đồng Nai) được vài năm rồi trở về Sài Gòn. Với kinh nghiệm về gỗ, mây, tre học được từ nông trường, ông mở cơ sở sản xuất đồ nội thất. Tổ hợp mây tre lá Đồng Tâm ra đời ở Nhà Bè năm 1985.

Chỉ trong vòng hai năm, số lao động của tổ hợp Đồng Tâm lên đến 100 người. Vốn liếng nguyên liệu, hàng hóa thành phẩm cũng đã lên đến cả 100 lượng vàng. Tuy nhiên, xưởng sản xuất vẫn không khác gì nhà lá, hàng làm xong không biết chất đâu phải phơi nắng, phơi mưa ngoài trời.

Khi chính quyền yêu cầu đưa Đồng Tâm vào liên doanh với nhà nước và giao cho ông khu đất rộng 10.000m2 để phát triển, ông đồng ý ngay. Xí nghiệp liên doanh mây tre lá Nhà Bè ra đời năm 1987, trực thuộc Công ty liên hiệp Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Nhà Bè (Nhabexims). Lãi chia theo tỷ lệ Nhà nước 49%, ông Viên 51%.

Một cán bộ trong công ty kể lại: “Anh Viên được giao chức giám đốc, được tự chủ kinh doanh vì chúng tôi biết chỉ có anh mới nắm được kỹ thuật và thị hiếu thị trường. Lúc đó, tôi có nói thẳng với cấp dưới rằng những ai không có khả năng thì không nên can thiệp vào công việc kinh doanh của xí nghiệp kẻo hỏng hết việc”.

Ngoài sản phẩm của xí nghiệp ngoài mây, tre, lá còn có mít sấy khô xuất sang thị trường Đài Loan, Hồng Kông. Nhưng cái họa cũng đến từ đó. Ông Viên được ban giám đốc Nhabexims gọi lên, thông báo sẽ cho ông ‘chuyển công tác’. Linh cảm cho ông Viên hay có chuyện không lành bởi từ hôm trước dư luận đồn ông đang mượn danh nghĩa nhà nước để làm giàu cho cá nhân.

Ông Viên biết đã đến lúc người ta không cần đến mình nữa vì lao động đã có sẵn, công nghệ sản xuất mít sấy đang vận hành tốt, sản phẩm mây tre cũng đã có thị trường. Đấu tranh để ở lại cũng tốt nhưng sẽ được gì? Vậy là ông thẳng thừng: “Tôi là giám đốc thuê, không phải là cán bộ nhà nước. Muốn xài thì xài, không xài nữa tôi nghỉ”. Vài ngày sau, ông nhận được quyết định thôi việc.

Vậy là ông Viên ra đi, hành trang nhẹ tênh nhưng nỗi buồn nặng trĩu. Ông làm rất nhiều nghề: đi bỏ mối đồng hồ, buôn xe máy… góp từng đồng chờ ngày tái khởi nghiệp. Hồi ấy, 1 tấn mít bán sang Đài Loan với giá 6.000 USD, trong khi gạo xuất khẩu chỉ ở mức 200 USD/tấn. Ông biết nông sản chế biến đang có thị trường, người trồng mít sẽ có lợi.

Năm 1989, ông quyết định đem công nghệ mít sấy từ Đài Loan về VN và tạo ra bước ngoặt lớn trong sự nghiệp kinh doanh của mình. Cuối năm 1992, ông quyết tâm dựng lại nhà máy. Như con chim sợ cây cong, lần này ông chứa nguyên liệu ở Bình Dương, sơ chế ở An Phú Đông, chế biến ở Thủ Đức… Ông giải thích:

Tôi cố phân tán nhỏ cơ sở ra để không ai nhìn thấy mình, không biết mình là ai. Tư nhân mà, mặc dù lúc đó đã được thừa nhận nhưng mà người ta vẫn có xu hướng ‘thương’ những ‘thằng’ nho nhỏ, nghèo”.

Năm 1995, ông Viên quyết định xây nhà máy ở xã Tân Định (Tân Uyên, Bình Dương). Nhiều người thân bảo ông té đau một lần rồi mà vẫn chưa tỉnh ngộ. Nhưng ông nghĩ mình đã có tâm huyết, tại sao không thể đi tới cùng?

Niềm vui của ông là ngày hôm nay trên thương trường, sản phẩm sấy khô Vinamit đang cạnh tranh bình đẳng với sản phẩm sấy khô của Nhabexims. Ông Viên tâm sự:

Tôi vẫn thầm lặng theo dõi sự phát triển của Nhabexims, bởi ở nơi ấy tôi đã để lại một phần đời của mình, và có cả một phần tài sản của mình”.

Sản phẩm của Vinamit ngày nay

Đã có không ít những trường hợp ‘bỏ của chạy lấy người’ như của ông Trịnh Thành Nhơn và Nguyễn Lâm Viên trong thời điêu linh. Tất cả chỉ vì những chính sách không phù hợp từ trên cao và cũng không loại trừ sự lạm dụng quyền lực của các cấp dưới tại địa phương. 

Kết quả là nhiều người đã phải bỏ nước ra đi vì ‘không còn đất sống’, hiểu theo khía cạnh kinh tế, hoặc vì những bất đồng về quan điểm chính trị. Thời điêu linh của dân tộc Việt Nam khởi đầu từ đó và không biết đến bao giờ mới có điểm dừng.

Giáo sư Đặng Phong, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, người đã viết hàng chục ngàn trang ‘sử kinh tế’ Việt Nam qua các thời kỳ, nhận xét:

Nền kinh tế miền Nam trước 1975 phồn vinh thật nhưng giả tạo ở chỗ nó không tự nuôi nổi nó… Rất tiếc chúng ta xóa bỏ bộ máy điều hành kinh tế miền Nam nhanh quá… Phải đến đại hội đảng lần thứ VI mới xác định được những sai lầm do chủ quan, nóng vội trong việc xóa bỏ các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa…

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 6 – Thời điêu linh)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 

Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

***

4 Comments on Multiply

anhoai76 wrote on Jul 2, '11
Ôi.. thật là những sáng kiến của đỉnh cao trí tuệ loài người.
Cám ơn chủ nhà đã cho đọc lại nhe.. bây giờ mới hiểu vì sao phải "giải phóng" miền Nam bằng mọi giá.

thahuong82 wrote on Jul 3, '11
Hồi ký của anh với những dẫn chứng rất trung thực sẽ là tài liệu để tham khảo cho những sử gia sau nầy. Không có cái ngu nào bằng cái ngu của kẻ vô học trong vai trò lảnh đạo.

penseedl wrote on Jul 6, '11
Chiến dịch CTCTN thực chất chỉ là một Kịch Bản được chính quyền lúc bấy giờ dựng lên để Vơ vét của cải của dân một cách bài bản mà thôi, tầm ngắm chính là vào đám người Hoa ở Chợ lớn. Ai đã là Thanh niên làm việc (công nhân viên) trong các hãng xưởng ở SG sau năm 75 đều bị huy động trong chiến dịch này. Đúng như tâm trạng của nhà báo ĐP đã viết, tâm trạng của Pensée hồi đó cũng nặng trĩu khi cầm giấy tờ tới nhà người Hoa ở quận 5 kê khai tài sản mà nghĩ tới cảnh hãng xưởng của thân phụ ở Thủ Đức cũng bị xét hỏi tương tự. Nghĩ lại thật buồn lòng!.

thahuong82 wrote on Jul 6, '11
Một sai lầm lớn của VNCH là không phổ biến rộng rãi về CS trong mọi lãnh vực. Thật ra đánh tư sản chỉ là bản sao của CS Nga năm 1917, tiếp đến CS Tàu Mao cũng cũng copy y chang và CSVN năm 1954 cũng như rứa. Năm 1975 vì dân chúng mù mờ tụi nó mới vơ vét tận cùng bằng số.

--> Read more..

Góp nhặt buồn vui thời điêu linh: Kinh tế mới

Kinh tế mới là thuật ngữ đã được sử dụng tại nhiều nước vào các thời kỳ kinh tế khác nhau. Tại Liên Xô, trong giai đoạn từ 1921 đến 1929, có Novaya Ekonomicheskaya Politika (Chính sách kinh tế mới). Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, thời kỳ 1933-1936, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã đưa ra một loạt chương trình nhằm phục hồi nền kinh tế trong nước sau thời kỳ Đại khủng hoảng (Great Depression). Chính sách này được biết đến qua thật ngữ New Deal, cũng được xếp vào loại Chính sách kinh tế mới.

Tại châu Á, Malaysia thực hiện Chính sách kinh tế mới (Dasar Ekonomi Baru – New Economic Policy (NEP) của Thủ tướng Tun Abdul Razak trong thời gian từ năm 1971 đến 1990. Sang đến Việt Nam, thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng đã có chính sách kinh tế mới và sau này, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng thực hiện chính sách này từ năm 1977 đến 1984.    

Chính sách kinh tế mới được thực hiện trong thời VNCH

Tên gọi Kinh tế mới chỉ là một nhưng mục đích và cách thực hiện lại khác hẳn nhau tại mỗi quốc gia. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ khảo sát đến chính sách kinh tế mới trên toàn quốc Việt Nam, đồng thời phân tích những ưu và khuyết điểm trong việc thực hiện chính sách này.

Về lý thuyết, xây dựng các vùng kinh tế mới là một chính sách của nhà nước nhằm tổ chức, phân bố lại lao động và dân cư trên khắp lãnh thổ. Qua đó, nhà nước chuyển một khối lượng lớn dân cư từ các vùng đồng bằng và thành phố (nơi có mức sống tương đối cao) tới các vùng trung du, miền núi, biên giới, hải đảo (thường được gọi là vùng ‘khỉ ho, cò gáy’).

Chính sách này được thực hiện tại miền Bắc từ năm 1961 và sau đó được áp dụng trên phạm vi toàn lãnh thổ từ sau ngày 30/4/1975 cho đến năm 1998. Theo thống kê chính thức, trong suốt 27 năm, Việt Nam đã di chuyển có tổ chức được 1,3 triệu hộ, trong đó di cư trong nội bộ tỉnh là 702.761 hộ với 3,3 triệu người, từ tỉnh này sang tỉnh khác là 665.930 hộ với 2,8 triệu người.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam ra nghị quyết đại hội về các nhiệm vụ của kế hoạch kinh tế 5 năm lần thứ nhất, trong đó có đoạn viết: “Phải phân bố hợp lý sức sản xuất ở đồng bằng, trung du và miền núi, điều chỉnh sức người giữa các vùng, quy hoạch từng bước các vùng kinh tế, thực hiện sự phân công phối hợp giữa các vùng kinh tế với nhau”.

Chủ trương này của Đảng Lao động Việt Nam được thực hiện bằng việc tổ chức di dân từ các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng lên sinh sống và sản xuất tại các vùng núi và trung du phía Bắc. Mục đích chính là để ‘giãn dân’ nhưng cũng không loại trừ đây là biện pháp nhằm ‘lưu đầy’ những thành phần tiểu tư sản, kẻ thù của chế độ.

Sau 1975 là các chương trình di chuyển lao động và di dân từ các tỉnh đồng bằng phía Bắc tới Tây Nguyên (đặc biệt là Đắc Lắc, Lâm Đồng) và tới miền Đông Nam Bộ (đặc biệt là Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai) theo các chuyến tầu Bắc-Nam.

Nổi bật hơn cả là cuộc di dân từ Sài Gòn về các địa phương nông thôn ở miền đông và tây Nam Bộ theo các chuyến xe đò. Người dân Sài Gòn được cấp tiền vé xe và trang bị cho mỗi lao động hai công cụ sản xuất thích hợp, thường là cuốc và xẻng, để tự túc làm kinh tế gia đình. Mỗi hộ được mang theo tối đa 800 kg hành lý. Nếu điểm đến ở xa Sài Gòn thì mỗi ngày phụ cấp thêm 1 đồng tiền ăn dọc đường cho mỗi người.

Cảnh xuống xe đò khi đến vùng kinh tế mới

Trên nguyên tắc, khi đến vùng kinh tế mới, mỗi hộ gia đình được cấp từ 700 đến 900 đồng để dựng nhà, 100 đồng để đào giếng, 100 đồng mua ghe thuyền (nếu ở vùng sông rạch). Ngoài ra, còn được trợ cấp 1 đồng mỗi ngày nếu đau ốm, không thể lao động được; 50 xu mỗi ngày tiền thuốc khi bệnh và 150 đồng để mai táng nếu chết.

Với chế độ tem phiếu thời bao cấp, người lao động trong hợp tác xã tại vùng kinh tế mới được phép mua 18 kg gạo/tháng theo giá chính thức, người lao động phụ 16 kg và người không lao động 9kg.

Theo lệnh ngày 19/5/1976, chính phủ đề ra năm hạng dân thành thị phải chuyển ra vùng kinh tế mới: (1) Dân thất nghiệp; (2) Dân cư ngụ bất hợp pháp; (3) Dân cư ngụ trong những khu vực dành riêng cho công chức và quân nhân chính quyền cũ; (4) Tiểu thương, tiểu địa chủ, đại thương gia và (5) Người gốc Hoa và những người theo đạo Công giáo.

Kế hoạch 
5 năm
Chỉ tiêu
Thực hiện
Trung bình mỗi năm
1976-1980
4 triệu người
1,5 triệu người
304.120 người
1981-1985
1 triệu người
1,3 triệu người
251.460 người
1986-1990
1,6 triệu người
1,1 triệu người
228.520 người
1991-1995
1 triệu người
0,9 triệu người
180.400 người
1996-2000
1 triệu người
0,2 triệu người
105.350 người
Tổng cộng
8,6 triệu người
5 triệu người
239.700 người

Khảo sát những con số thống kê nêu trên, ta có thể thấy cao điển của chiến dịch di dân đi vùng kinh tế mới là kế hoạch 5 năm đầu tiên (1976-1980), nhưng việc thực hiện chỉ đạt 37,5% chỉ tiêu. Toàn bộ kế hoạch 1976-2000 đạt 58% so với chỉ tiêu đề ra (kế hoạch di dân 8,6 triệu người nhưng chỉ thực hiện được với 5 triệu người). 

Riêng tại Sài Gòn, chỉ tiêu đặt ra là phải đưa đi vùng kinh tế mới 1,2 triệu dân. Cụ thể hơn, 5 thành phần nói trên sẽ ‘không vượt quá 10% tổng số nguyên thủy’, nghĩa là chỉ còn 120.000 người thuộc nhóm này được ở lại Sài Gòn.

Ngoài lý do kinh tế, việc di dân ra vùng kinh tế mới còn có chủ ý chính trị để giảm số người thuộc chính quyền Sài Gòn cũ tập trung ở những đô thị, nhất là vùng Sài Gòn. Rõ ràng đây là một vấn đề thuộc phạm vi ‘an ninh chính trị’ nhằm loại trừ những phần tử phản động, chống đối.

Phương pháp cưỡng bức dân thành thị đi kinh tế mới bao gồm việc thu hồi hộ khẩu, rút sổ mua gạo và các nhu yếu phẩm, cộng thêm việc gây khó khăn trong học tập của con em họ tại các trường trong thành phố. Với những biện pháp này, nhiều gia đình vì ‘yếu bóng vía’ đã phải miễn cưỡng di chuyển ra vùng nông thôn nhưng cũng có những gia đình ‘ở lỳ’ tại Sài Gòn dù họ đã bị thu hết giấy tờ và sống ‘bên lề’ hệ thống cung cấp lương thực của nhà nước.

Đối với thành phần tư sản, việc đi vùng kinh tế mới là kịch bản nối tiếp của chiến dịch cải tạo công thương nghiệp hay còn gọi là Đánh Tư Sản. Các gia đình tư sản sau khi bị kiểm kê và tịch thu tài sản thường nhận được lệnh rời khỏi thành phố để đi xây dựng vùng kinh tế mới. Theo chính quyền, đây là lối thoát duy nhất để ‘đổi đời’ từ giai cấp tư sản sang giai cấp lao động.

Có những gia đình sau khi lên xe đi khỏi Sài Gòn chỉ ít lâu sau lại bỏ về thành phố. Nhà cửa không còn, họ tá túc tại nhà bà con hoặc thậm chí tại các mái hiên, gầm cầu trong tình trạng không hộ khẩu, nhà cửa cũng không. Nhiều người nghĩ rằng thà lang thang trong thành phố để kiếm ăn còn hơn sống tại những vùng đất hoang vu không một bóng người.

Căn nhà vắng chủ tại vùng kinh tế mới

Gia đình tư sản thì gom góp của cải còn dấu được sau đợt cải tạo công thương nghiệp để tìm những ‘đường dây’ vượt biên ra nước ngoài. Họ chấp nhận rủi ro trên bước đường đào thoát với hy vọng mong manh đến được bến bờ tự do để làm lại cuộc đời. Chính sách đánh tư sản và đuổi họ ra vùng kinh tế mới đã dồn người dân đến bước đường cùng là ‘vượt biên’ dù những hiểm nguy đang chờ đón.     

Đối với gia đình có người đi học tập cải tạo, tình hình còn bi đát hơn. Họ liên tục ‘được’ công an khu vực, tổ dân phố và cơ quan hành chính cấp phường ‘động viên’ đi vùng kinh tế mới. Có những nơi còn quả quyết, nếu gia đình đi kinh tế mới, chồng, cha, con, em họ đang học tập trong trại cải tạo sẽ có cơ hội được về xum họp với gia đình sớm.

Thực tế cho thấy, việc gia đình đi vùng kinh tế mới và việc được ra khỏi trại học tập cải tạo hoàn toàn không liên quan đến nhau. Đi kinh tế mới nằm trong kế hoạch quản lý hành chính bằng việc ‘giãn dân’ trong khi đi học tập nằm trong chủ trương chính trị nhằm cải tạo những thành phần ‘ngụy quân, ngụy quyền’. Thế nhưng, nhiều gia đình đã ‘ngây thơ’ tin tưởng vào việc đi kinh tế mới để người thân chóng về từ trại cải tạo.

Bồng bế con đi vùng kinh tế mới

Dưới đây là tâm sự của một bạn trẻ có cha là người đi học tập cải tạo trở về cùng gia đình, họ ‘tái định cư’ tại một vùng kinh tế mới:  

Nắng và bụi trên suốt đoạn đường từ Sài Gòn tới Tây Ninh nhưng tôi thấy trong lòng lâng lâng hạnh phúc vì sau bao năm ly tán, từ đây tôi được gần ba, gần má. Ngồi sau lưng ba trên chiếc Honda 67, tôi nhìn quang cảnh hai bên đường, nhìn màu lá cây vàng quạch vì nắng vì bụi mà trông cho mau tới nơi và nhẩm tính số kílômét còn lại khi xe lướt qua những cột mốc…
 
Càng đi, đường càng xa hun hút chỉ thấy có rừng. Lâu lâu phải xuống xe dắt bộ trên những cây cầu bắc cheo leo qua các con suối sâu nước cuồn cuộn chảy (nói dại chẳng may mà lọt xuống là nước cuốn trôi mất tiêu cái xác). Chạng vạng tối mới về được tới lô nhà tranh mà người ta cấp cho ba ở trong thời gian quản chế…

“Để được cấp một căn nhà như vậy cần phải hội đủ số nhân khẩu cho nên ba được phép về Sài Gòn đón tôi lên cho đủ tiêu chuẩn nhận nhà. Thời gian qua phải ở chung với gia đình chú Bảy, ba thấy chật chội và bất tiện.

Nhà tranh vách đất tại vùng kinh tế mới

Và đây là vùng kinh tế mới dưới mắt cô bé ngây thơ:

Phải mất nhiều đêm tôi mới quen được với tiếng bom đạn nổ đì đùng lúc xa, lúc gần. Đó là tiếng nổ phát ra từ những kho vũ khí ngày xưa. Mấy con chồn đi ăn đêm nhái tiếng gà để bắt mồi, thoắt nghe vách bên này nó lại luồn qua vách bên kia làm lũ gà con sợ kêu líu ríu. Buổi sáng tinh sương thức dậy thấy yên lành hơn nhờ có ánh sáng mặt trời dù đâu đâu cũng nhìn thấy cây cối bị đốn hạ xuống, đốt cháy xém như than, chất đống chờ mấy đội thanh niên xung phong tới chở đi. Đó đây dấu bánh xe tải cày xới mặt đường mà mưa xuống tạo thành vô số vũng lầy lớn nhỏ.
 
Hằng ngày tôi phụ với thím Bảy nấu cơm nước cho ba với chú Bảy đi lợp nhà. Thời gian còn lại tập chẻ lạt, đánh tranh. Tre thì sắc, tranh thì xót, nhưng được cái ham làm nên quên. Chiều chiều, sau khi đi làm về ba thường hái trái rừng cho tôi. Có bữa cả ôm nhánh trái ‘sai’ (*) chi chít trái. Thứ sai rừng chát ngầm (nuốt hoài không xuống cổ) nhưng tôi thích màu vỏ nhung đen thẫm, bóng mượt và hạnh phúc cảm nhận tình thương mà ba dành cho đứa con gái còi cọc, tóc quăn khét mùi nắng.

Lâu lâu hết mối cho gà ăn tôi theo ba vô rừng tìm ụ mới. Hễ bước tới đâu là phải phạt cây hai bên cho ngã rạp xuống để còn biết lối ra. Thấy ụ mối nào non ba lấy rựa chặt một nhánh chảng ba chỏng ngược xuống đóng vô làm móc để quảy về, tiện thể dọc đường róc thêm vài bó tre về chẻ lạt... Mối lần vậy là tôi có dịp ăn sấu rừng. Thứ trái hột bự bằng ngón tay cái, ngọt ngọt chua chua mà ở thị thành không dễ gì có được.

Có lúc tôi cũng thay ba đi lãnh gạo. Gạo được lãnh mọt ăn trước người nên hột nào cũng rỗng ruột, nhẹ hều. Nấu một nồi cơm phải dằn độn thêm hai ba lớp. Vậy mà ăn bữa cơm nào cũng thấy ngon dù đôi khi chỉ là măng le kho với mấy cục bột nêm (cũng được lãnh) có mùi ngai ngái mà lần đầu tiên ăn vô là muốn ói (xin lỗi, có sao nói vậy).

Ở đây cách thị trấn mấy chục cây số nên không dễ gì tới chợ. Thỉnh thoảng cũng có người gánh tiêu, tỏi, đường, bột ngọt, bí, bầu.. vô bán. Khi trở ra là cái gánh nhẹ tênh. Ba gởi thơ biểu má sắp xếp công chuyện ở Sài Gòn xong thì lên liền, sẵn tiện chuẩn bị một mớ gia vị gói sẵn từng gói lẻ để bày một quầy tạp hóa nho nhỏ trước nhà cho tôi bán.

Tôi đợi hoài cái hôm má lên. Nhìn từ xa, má mặc áo bà ba xám, đội nón lá, gánh theo đôi thúng nặng trĩu vai (giống như bất kỳ hình ảnh nào của người phụ nữ đồng quê Việt Nam, tận tụy, tảo tần và chung thủy). Buông gánh xuống, giở nón quạt quạt. Má cười đón hai cha con. Sau bao năm gia đình ly tán, vất vả thăm chồng, nuôi con, trải bao biến cố lớn nhỏ trong đời, nụ cười đó vẫn tươi tắn, lạc quan cho đến tận bây giờ. Là con gái đầu lòng, tôi gần gũi, chứng kiến và hiểu má nhiều hơn ai hết.

Nếu có thể viết như một người cầm bút thì tôi tin rằng những câu chuyện của má sẽ là một quyển truyện dài với vô vàn chi tiết sống thật hay mà tác giả khỏi cần phải nhọc công hư cấu. Ba má tôi là người cùng quê. Tôi thường tủm tỉm cười khi nghe chuyện tình của Ba Má mình: "Hồi đó má mầy ở quê, ba đi làm trên Sài Gòn, mỗi lần nghe Ngọc Cẩm-Nguyễn Hữu Thiết hát ‘Em gái vườn quê’ là ba nhớ má mầy quá trời quá đất.

Một căn nhà tương đối tươm tất tại vùng KTM

Từ ngày có má lên, ba như được tiếp sức. Má giỏi việc đồng áng, lại quen chịu vất vả. Sáng sáng má theo ba phụ dựng nhà, lợp mái. Chiều chiều tôi đón ba má về ăn cơm. Tối tối gia đình tôi ở gian trong, gia đình chú Bảy ở gian ngoài vọng ra, vọng vô trò chuyện.

Ba bàn với chú Bảy: ‘Thấy mấy đứa nhỏ ăn uống kham khổ quá, sẵn có bả lên, tui với anh sắm gàu sòng đi tát hố bom kiếm mớ cá về cho tụi nó ăn. Hổm nay đi làm ngang qua tui thấy cá nhảy lên nhảy xuống đớp móng dữ lắm’. Chú bảy chưa kịp ừ hử gì thì đám con của chú đã reo hò dậy giường dậy chiếu.

Trẻ thơ tại vùng kinh tế mới

Coi vậy mà công việc chuẩn bị phải mất mấy ngày mới xong. Ba, má với chú Bảy xếp đặt kế hoạch chu đáo lắm vì nghe nói đâu cái hố bom chu vi rộng cỡ bằng hai, bằng ba căn nhà gộp lại, dự trù tát ba ngày ba đêm mới cạn. Đâu đó xong xuôi, sáng sớm ba dẫn đầu hai gia đình với gàu sòng, dây nhợ, cuốc, xẻng, đèn bão và một cái thùng đựng cá thiệt bự ra ngoài chỗ hố bom.

Tôi nhìn cái hồ rộng mênh mông, nghi ngờ và hỏi thầm: ‘Có thiệt hôn đây? Ba má định tát cho nó cạn thiệt hả?’. Nghĩ vậy thôi chứ tôi biết tánh ba đâu có bao giờ nói chơi. Có điều, dám tát cạn cái hố bom nầy thì thiệt là quá sức tưởng tượng.
 
Chú Bảy dặn thím Bảy ở nhà nấu cơm, nấu nước. Tôi với đứa con gái lớn của chú Bảy lo tiếp tế. Hai đứa con trai của chú thì canh để khai thông đường nước thoát. Hết ngày tới đêm. Dưới ánh trăng và ngọn đèn bão, ba má với chú Bảy thay phiên nhau tát. Tiếng nước hắt ra từ gàu sòng trong đêm khuya vắng nghe ầm ầm như tiếng thác.
 
Mới có ba ngày hai đêm đã bắt đầu thấy ló mặt bùn (người ta nói đâu có sai, đồng vợ đồng chồng, biển Đông tát còn cạn, huống hồ gì là cái hố bom!). Ba, má với chú Bảy ngưng tát, bắt đầu nhảy xuống mò cá. Đám con nít cũng nhào xuống bóp bùn. Lâu lâu mới nghe la lên: ‘Được một con!’. Giở lên thấy con cá ‘bự’ cỡ hai ngón tay. Xà quần dưới lớp bùn hơn một tiếng đồng hồ mà cá ở trong thùng chỉ vỏn vẹn cỡ… nửa ký.
 
Thấy ba cứ tiếc nuối không chịu lên, má giục: ‘Thôi mình đi về!’. Rồi hối tụi tôi trèo lên gom gàu, dây nhợ, cuốc, xẻng kéo nhau về. Vừa mệt, vừa tiếc công, dọc đường ba rủa... mấy con cá: ‘Mẹ bà nó! Có mấy con mà cứ nhảy lên nhảy xuống làm tao tưởng nhiều!’.

Cô gái viết những đoạn văn trên hiện sống cùng gia đình tại Hoa Kỳ. Xin chia vui cùng cô và gia đình đã chuyển về một vùng kinh tế mới khác với thời thơ ấu ngày nào...

===

(*) Trái sai (hay còn gọi là ‘trái say’) có vỏ màu đen, mịn như nhung nên còn có tên là ‘trái nhung’, vị thì chua chua ngọt ngọt, rất hợp với khẩu vị của phụ nữ, nhất là vào lứa tuổi ô mai. Mùa trái say chín rộ kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9 Âm lịch tại rừng núi huyện K’Bang, Gia Lai nhưng cũng xuất hiện nhiều tại Phan Rang nên đã trở thành đặc sản của vùng này dưới dạng tươi hay sấy khô.

Trái say

Hàng năm, rất nhiều những người đi thu hoạch trái say trong rừng, tập trung tại Ka Nát. Họ dùng một cây tre dài rồi đập lên cây (vì cây say có độ cao từ 3 đến 4 mét) để trái say rớt xuống lược. Cây say rất sai trái nên có lẽ đó là lý do người ta gọi trái say là ‘sai’, cũng có người giải thích ‘sai’ chỉ là cách phát âm chữ ‘say’ của người miền Nam. Mặc dù rất ngon và đắt tiền nhưng vì chưa trồng được nên nguồn trái say vẫn dựa vào việc thu hái trong thiên nhiên. Giá trái say vào cuối vụ có thể lên đến 100.000đ/kg.

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 6 – Thời điêu linh)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 
Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

***

4 Comments on Multiply

Ẩn danh wrote on July 9, ’11
Tôi đã được thấy chứng tích của thời điêu linh này. Thành thật kính phục toàn dân Việt đã cố sống qua thời kỳ "bao cấp" đầy khắc nghiệt đó.

penseedl wrote on Jul 9, '11, edited on Jul 10, '11
Mong những bài viết của anh đến với những người đi di tản trước ngày 30.4.75, cùng thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở trong và ngoài đất nước đọc được để biết đến thời gian khổ ải của người dân miền Nam còn ở lại. Trái SAY hồi đó chị em Pensée hay gọi là trái "Sa-Lông" - chắc do trên lớp vỏ có lớp lông mịn như nhung vậy, chỉ là món quà ăn vặt của con gái còn nhỏ đúng như anh Chính đã viết.

klnmt wrote on Jul 8, '11
Câu chuyện là kỷ niệm của rất nhiều người hay là cả vạn người miền Nam; một quãng đời không thể nào quên, anh Chính ơi!
Cảm ơn anh rất nhiều! Thân mến!

nguoigiaonline wrote on Jul 8, '11
Thêm một entry hay, cảm ơn anh Chính nhiều lắm.
--> Read more..

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Góp nhặt buồn vui thời điêu linh: Bao cấp

Bắt ở trần phải ở trần
Cho may-ô mới được phần may-ô

Hai câu 'lẩy Kiều' vừa dẫn là một trong những bức biếm họa xác thực nhất vẽ lại hình ảnh của thời bao cấp. Đối với những người đã sống qua thời kỳ này, tưởng không cần phải giải thích loại ca dao ‘tức cảnh sinh thời’ đại loại như trên. Tuy nhiên, đối với các thế hệ sau, con cháu của chúng ta, không thể nào tưởng tượng được áo may-ô, một loại áo lót dùng cho đàn ông, cũng thuộc một trong số hàng chục mặt hàng do nhà nước sản xuất và cung cấp cho nhân dân. Vì thế mới gọi là… bao cấp.

Từ điển tiếng Việt xuất bản trước thời bao cấp hoàn toàn không có mục từ Bao cấp. Phải đến Từ điển tiếng Việt của tác giả Hoàng Phê (1), bao cấp mới được chính thức xuất hiện trên sách vở. Từ điển giải thích: “Bao cấp là cấp phát phân phối, trả công bằng hiện vật và tiền mà không tính toán hoặc không đòi hỏi hiệu quả kinh tế tương ứng”.

Đối với người dân bình thường, đó là một định nghĩa rườm rà, khó hiểu với những từ ngữ ‘dao to búa lớn’. Người dân chỉ cần hiểu một cách đơn giản: Bao cấp là tất cả đều do nhà nước đứng ra bao hết, từ cây kim, sợi chỉ, que diêm cho đến lương thực hàng ngày…

Trên thực tế, thời bao cấp kéo dài từ năm 1954 đến 1986 tại miền Bắc và từ năm 1975-1986 tại miền Nam. Theo cách gọi của tôi, một người miền Nam, đó là thời kỳ điêu linh sau khi Sài Gòn hoàn toàn sụp đổ.

Đường phố Hà Nội năm 1973
  
Tại miền Bắc, trước khi bước vào thời kỳ bao cấp, Hà Nội đã sống trong ‘ảo giác no đủ’ của những ngày đầu tiếp quản từ tay thực dân Pháp. Nhà văn Tô Hoài (2) kể lại trong hồi ký Cát bụi chân ai:

Chín năm ở rừng, không có lương, quần áo phát theo mùa, xà phòng tắm và giặt cũng lấy ở kho từng miếng, cơ quan sắm dao kéo húi đầu cho nhau. Trở lại thành phố, khó đâu chưa biết, nhưng thức ăn hàng hóa ê hề. Chiều chiều, uống bia Đức chai lùn bên gốc liễu nhà Thủy Tạ. Nhà hàng Phú Gia vang đỏ, vang hồng, vang trắng… vỏ còn dính rơm như vừa lấy ở dưới hầm lên. Áo khoác da lông cừu Mông Cổ ấm rực, người ta mua về phá ra làm đệm ghế. Hàng Trung quốc thôi thì thượng vàng hạ cám. Kim sào, kim khâu, chỉ mầu, củ cải, ca la thầu, sắng xấu, mỳ chính, xe đạp cái xe trâu cao ngồng. Ca xi-rô ngọt pha vào bia cho những người mới tập tọng uống bia. Bắt đầu được lĩnh lương tháng. Không nhớ bao nhiêu, nhưng tối nào cũng la cà hàng quán được. Có cảm tưởng cả loài người tiến bộ đổ của đến mừng Việt Nam Điện Biên Phủ”.

Cái cảm tưởng ‘cả loài người tiến bộ ‘đổ của’ đến mừng Việt Nam Điện Biên Phủ’ chỉ là một giấc ngủ ngày, bất ngờ thiếp đi trong khoảnh khắc để rồi bừng con mắt dậy với thực tế phũ phàng của đêm đen. Hàng hóa nhiều như Tô Hoài liệt kê không phải do Hà Nội sản xuất mà vì mới tiếp quản thành phố nên có sẵn trong kho của thực dân. Thế cho nên, nguồn hàng không phải tự mình làm ra ấy cạn kiệt một cách nhanh chóng. Đó cũng là lý do của sự khởi đầu một thời kỳ trì trệ kéo dài hơn 30 năm tại miền Bắc và hơn 10 năm tại miền Nam.

Cửa hàng mậu dịch thời bao cấp

Ngay từ năm 1955, công báo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đưa tin: công nhân viên, trên nguyên tắc, mỗi năm được cấp từ 5 đến 7 mét vải, khi sinh đẻ được cấp thêm 5 mét ‘diềm bâu’ khổ 7 tấc. Bình quân cứ 10 người người dân đọc một tờ báo Nhân dânCứu quốc. Các quan chức từ cấp Thường vụ Ban thường trực Quốc Hội, Bộ trưởng, Thứ trưởng, các chuyên gia nước ngoài, các đoàn ngoại giao được hưởng tiêu chuẩn nua quạt điện.

Tất cả mọi hình thức kinh doanh đều được quản lý theo ‘mô hình xã hội chủ nghĩa’, hoàn toàn do nhà nước nắm giữ. Nhân viên làm việc trong các cơ quan hay người lao động trong các doanh nghiệp quốc doanh sẽ chỉ được nhận một phần lương rất nhỏ bằng tiền mặt, số tiền còn lại sẽ được quy ra tem phiếu, riêng gạo được mua bằng sổ.

Sổ đăng ký mua lương thực

Theo Kinh tế Việt Nam 1955-2000, nhà xuất bản Thống kê, so với năm 1978, mức lương năm 1980 chỉ bằng 51,1%  và năm 1984 chỉ còn 32,7%. Một sự tụt hậu đáng kể về giá-lương-tiền của thời bao cấp.

Về kinh tế, sách đã dẫn mô tả: “Thời bao cấp không có thị trường tự do về buôn bán cũng như về trao đổi các mặt hàng, cụ thể như lạc [đậu phụng] chỉ để lại vừa đủ làm giống cho vụ sau. Người sản xuất không tiêu dùng là tốt, người trồng lạc không ăn lạc, không dùng lạc để làm kẹo hay luộc để bán … Đối với nông sản dùng để chế biến thực phẩm cho nhân dân thì nhà nước phải quản lý chặt chẽ trên thị trường, không để ai buôn bán kiếm lời”.

Cái gì cũng có thể và cần phải quản lý chặt chẽ. Tư tưởng chính làm nền tảng cho sự quản lý này đã biến cả xã hội lẫn con người thành một thứ đất sét, muốn nhào nặn thế nào cũng được. Nhà nước phân phối vài chục mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống như gạo, thực phẩm, chất đốt, vải vóc cho đến các tiêu chuẩn phân phối được mua bổ sung như xà phòng giặt, giấy dầu, xi măng, khung, săm, lốp xe đạp…

Giấy chứng nhận sở hữu xe đạp

Mỗi hộ gia đình công nhân viên được cấp 1 sổ mua gạo có số lượng hàng tháng tương đương với tiêu chuẩn của các cá nhân từ 16 đến 21 kg mỗi tháng đối với người lớn, tùy theo mức độ lao động, lao động nặng thì được hưởng nhiều gạo hơn. Cán bộ có chức tước thì phiếu gạo ít vì lao động nhẹ hơn nhưng lại được cấp phiếu mua các mặt hàng thiết yếu nhiều hơn.

Trẻ em ngày ấy được gọi là ‘hộ ăn theo’, căn cứ theo tiêu chuẩn của bố mẹ, sẽ được hưởng khoảng từ 10-14 kg/tháng. Để mua được gạo cũng là cả một vấn đề. Mỗi khu vực dân cư sẽ được quy định mua gạo tại 1 cửa hàng lương thực, cửa hàng lại phân lịch bán cho từng tổ theo lịch bán luân phiên. Hình ảnh thường thấy là người lớn, trẻ em đi xếp hàng mua gạo từ 3, 4 giờ sáng để giữ chỗ, phòng khi cửa hàng bán nửa chừng hết gạo. Người ta dùng những cục gạch, chiếc dép, mảnh gỗ để ‘xí chỗ’ khi cửa hàng chưa mở cửa và người thật sẽ đứng vào hàng khi mở cửa.

Dù xếp hàng đầu nhưng cũng không bảo đảm là sẽ được mua trước nếu có những sổ thuộc dạng ‘ưu tiên’ hoặc ‘chen ngang’ do có móc ngoặc với nhân viên thương nghiệp. Thời bao cấp người ta chỉ nghĩ đến miếng ăn nên việc quản lý của nhà nước theo hộ khẩu và sổ gạo là chính sách rất hữu hiệu. Thuật ngữ ‘buồn như mất sổ gạo’ xuất hiện trong thời kỳ này: mất sổ gạo còn quan trọng hơn cả việc mất tiền vì có tiền cũng không mua được gạo, dù là gạo đỏ, đầy thóc và sạn!

Chưa hết, gạo đỏ lại được thường xuyên được thay thế bằng những loại lương thực khác như bột mì tồn kho (viện trợ từ Liên Xô), sắn khô sắt lát, ngô (bắp), bo bo (hạt lúa mì) hay gạo tấm. Tấm là thứ gạo nhỏ xíu bung ra từ những đầu khuyết của hạt gạo, ăn rất hay bị đầy bụng và "tốn" vì gạo tấm nấu không nở, khi thành cơm thì 1 lon tấm chỉ bằng 1/3 lon gạo thường!

Phiếu mua đường, loại 500 gam/tháng, năm 1979

Những câu vè dưới đây nói lên giá trị của những mặt hàng trong thời bao cấp:

Nhất gạo nhì rau
Tam dầu tứ muối
Thịt thì đuôi đuối 
Cá biển mất mùa
Đậu phụ chua chua
Nước chấm nhạt thếch
Mì chính có đếch
Vải sợi chưa về
Săm lớp thiếu ghê
Cái gì cũng thiếu

Phiếu cung cấp thịt ‘cơ động’ (?) dành cho bộ đội


Mậu dịch viên bán thịt

Chế độ bao cấp ngoài việc khiến người dân lúc nào cũng đói còn hủy hoại những giá trị đạo đức căn bản của con người. Trong Cát bụi chân ai, Tô Hoài kể lại: “Ở một cửa hàng ăn rất sang hồi ấy, những chiếc đĩa đựng bánh ngọt phải bắt vít xuống mặt bàn. Một sự thực nhiều người tuổi tôi còn nhớ: các quán mậu dịch giải khát (kể cả cà phê) loại tầm tầm cũng “thống nhất” đục một lỗ thủng các thìa nhôm để đánh dấu. Vì sao ư, đơn giản lắm, vì sợ ăn cắp…” 

Quả thật, trong xã hội bao cấp, càng ngày nạn ăn cắp càng phổ biến, dù chỉ là ăn cắp vặt. Ăn cắp bởi quá thiếu thốn và cũng bởi ăn cắp quá nhiều nên không bị coi là hành động xấu nữa. ‘Cái khó không bó cái khôn’, nhưng chỉ là ‘khôn vặt’ theo kiểu ‘đói ăn vụng, túng làm liều’:

Chính sách em học đã thông
Chỉ vì túng thiếu xin ông ít nhiều

Thời bao cấp, xã hội bị phân hóa. Đó là điều nghịch lý trong xã hội chủ nghĩa vốn hướng đến một Thế giới Đại đồng. Số liệu ghi trong cuốn Kinh tế Việt nam 1945-2000:

Trong khi người dân thường mỗi tháng chỉ được 150 gram thịt, thì cán bộ cao cấp được 6kg, tức là bốn chục lần nhiều hơn. Và tính ra chênh lệch là 100 đồng. Ngoài ra còn thuốc lá, chè, đường, sữa, len dạ, cũng tạo ra khoản chênh lệch khoảng 100 đồng nữa”.

Nhiệt tình cách mạng của cán bộ thời kháng chiến ngày nào giờ chỉ xoay quanh vấn đề… ăn. ‘Ăn’ được hiểu theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, người ta ‘ăn’ theo nhiều kiểu, tùy vào cấp bậc, địa vị:

Cán bộ cao ăn cung cấp
Cán bộ thấp ăn chợ đen
Cán bộ quen ăn cổng hậu

Thời bao cấp, xe hơi ở Hà Nội rất hiếm, nên chỉ cần nhìn một chiếc ‘xe con’ đi qua người ta biết ngay cán bộ cấp nào ngồi trong đó. Xe Pobeda, và sau này là Vonga màu đen, dành cho  cấp bộ trưởng trở lên. Các thứ trưởng và cấp tương đương đi những chiếc nhỏ hơn, loại Moskovits. Có người ‘sành điệu’ còn quả quyết: chỉ cần nhìn cách trang trí xe cũng có thể thấy được vai vế của người chủ.

Cán bộ cấp càng cao càng có dịp đi công tác ở các nước Đông Âu và con cái họ, những ‘cậu ấm, cô chiêu’, được đi lao động hoặc đi học tập bên Tây (hiểu theo nghĩa các nước XHCN Đông Âu). Đến khi về nước họ rước về những mặt hàng của các nước anh em như Liên Xô thì có tủ lạnh Saratov, xe Minsk, đồng hồ Pôljot, nồi áp suất… Đông Đức thì có xe máy SimSon, xe đạp Dianond, Mifa; Tiệp Khắc có xe gắn máy Bebetta, xe đạp Favorit… Tầng lớp ‘tinh hoa’ của chế độ tạo thành một nhóm đặc quyền, đặc lợi trong thời kỳ bao cấp.

Một gia đình cán bộ thời bao cấp

Bàn về con người và tư tưởng thời bao cấp, Vương Trí Nhàn (3) phân tích: “Cái hèn mà ta vốn khinh ghét, cái hèn đó ngấm ngầm ăn vào máu ta. Hèn theo nhiều nghĩa. Lúc nào cũng lo lắng, sợ sệt. Và chỉ có những niềm vui tầm thường. Mua được cân gạo không bị mốc: vui. Cưới cho con trai cô vợ làm ở cửa hàng lương thực nên cả họ mua bán dễ dàng: quá vui. Đi bộ mấy cây để đến nghe nhờ đài [radio] ở một nhà bạn, cũng đã… vui lắm. Vui đấy rồi thấy sự khốn khổ của mình ngay đấy, và ngày mai, lại vẫn tiếp tục cái tầm thường dễ thương đó”. 

Tôi trích đoạn văn trên qua một bài viết nhan đề Nhân cuộc trưng bày về cuộc sống Hà Nội 1975-1986. Cuộc trưng bày này được tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc học, tập trung vào các tư liệu, hiện vật của Hà Nội trong khoảng thời gian từ 1975-1986. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đứng ra tổ chức nhưng điều khá thú vị là được sự tài trợ của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Quỹ SIDA (Thụy Điển), Quỹ Ford (Hoa Kỳ).

Cuộc trưng bày sử dựng đồng thời các hiện vật gốc do người dân hiến tặng, được kết hợp với việc tái tạo và phục dựng một số bối cảnh của cuộc sống thời bao cấp. Trọng tâm của cuộc trưng bày nói lên tiếng nói của cộng đồng thông qua những câu chuyện, những ký ức những suy nghĩ, đánh giá của người dân về cuộc sống của mình trong thời kỳ ‘đêm trước’ Đổi mới.

Theo tôi, thiếu thốn về cái ăn, cái mặc chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, điều quan trọng hơn cả là không gian sống của các gia đình.  Ký ức của một người ở Nam Định về thời bao cấp:

Mẹ tôi phải tính đến chuyện làm thêm, tăng gia sản xuất, cắt gốc rau muống, rau khoai trước ruộng muống nuôi lợn, bóc lạc thuê cho Ngoại thương. Bốn mẹ con chỉ có một cái giường để ngủ. Lạc chất trong nhà hàng bao cao đến nóc, lợn hai con ăn ở với người ngay dưới gầm giường. Mỗi một trận mưa to, một trận bão, giấy dầu lợp mái, ngói vỡ bay tứ tung ... bốn mẹ con và lợn ngồi ôm nhau, vài cái xô đặt để hứng nước, nước dưới chân giường chảy qua như suối, cá rô đi hàng đàn, ba ba bò lổm ngổm. Mỗi một lần như vậy chỉ thấy mẹ khóc và rồi cả ba anh em khóc theo. Lo lắng, sợ nước ngấm vào lạc làm lạc mốc thành thành phẩm loại B loại C và phải đền. Sợ hai con lợn lăn ra ốm thì không biết cuối năm bấu víu vào đâu mà trả nợ...”.

Gian bếp kiêm chuồng lợn

Tại miền Nam, đồng bằng sông Cửu Long vốn là vựa thóc nhưng trong thời bao cấp chính sách ‘ngăn sông cấm chợ’ không cho phép nông sản được xuất tự do ra khỏi địa phương. Tất cả đều được nhà nước ‘thu mua’ với hàm ý ‘vừa tịch thu, vừa mua lại’.

Dưới mắt người nông dân đó là hình thức ‘mua như cướp’ theo ‘giá nghĩa vụ’ hoặc ‘giá khuyến khích’… Ngược lại, đến khi nhà nước bán cho người tiêu dùng, họ ‘bán như cho’, người mua có cảm tưởng được cửa hàng… bố thí chứ không thực sự là đi mua với đồng tiền của mình! 
 
Thu mua lúa hay thu mua các mặt hàng khác đều giống nhau. Năm 1978, giá thành 1m2 vải ‘calicot’ sản xuất tại Công ty Dệt Thành Công là 1,5 đồng nhưng phải bán cho nhà nước với giá 1,2đ/m2. Giá thành 1m2 vải dệt theo kiểu oxford tính ra hết 10đ nhưng công ty phải bán cho Nhà nước giá 9đ. Nhìn cảnh đóng hàng xuất cho nội thương với giá thấp hơn thực tế, người công nhân phải rơi nước mắt.

Giá của hai thứ vải trên nếu bán ở thị trường tự do thì cao gấp 10-12 lần. Cũng vì thế, người dân và cả cơ quan nhà nước cũng chạy theo thị trường tự do để hình thành một nền kinh tế ‘ngầm’ song hành cùng nền kinh tế do nhà nước quản lý. Người dân buôn gạo từ địa phương này sang địa phương khác, chỉ vài ký mỗi chuyến nhưng cũng hưởng chênh lệch để ‘cải thiện’ cuộc sống gia đình.

Tại Sài Gòn, một số cơ quan, xí nghiệp ‘lách’ luật, bung ra trong việc ‘đi đêm’ với xí nghiệp bạn hoặc với tư thương, Công ty Kinh doanh Lương thực của bà Ba Thi (Nguyễn Thị Ráo) là một trường hợp điển hình của một ‘huyền thoại’. Năm 1980, với trình độ lớp 4 trường làng, bà Ba Thi được bổ nhiệm làm giám đốc công ty để lo cung cấp lương thực cho gần 4 triệu dân với ‘giá kinh doanh’ không ‘bù lỗ’ nhưng cũng không nhằm thu lãi cao.

Có thể đó là cách giải quyết của những lãnh đạo có ‘tâm’ trước sự thiếu thốn trong đời sống của nhân dân nhưng cũng không loại trừ những ‘phi vụ’ chạy vào túi riêng của những người trong cùng băng nhóm. Xã hội bắt đầu hình thành những ‘Mafia kinh tế’ để sau này tạo ra một giai cấp mới là ‘tư sản đỏ’.

Chợ Bến Thành thời bao cấp 

Năm 2006, báo Tiền Phong dùng cụm từ Màu thời gian xám ngắt (nhại chữ của Đoàn Phú Tứ Màu thời gian tím ngát trong bài thơ Hương thời gian) để nhắc lại cái bóng kinh hoàng của thời bao cấp.

Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh

Đối với người miền Nam vốn đã quen sống trong nền kinh tế tư bản, thời bao cấp chắc không ‘xám ngắt’ mà phải là ‘xám xịt”. Cũng may, người ta ngộ ra đó là một sai lầm chết người nên mới có… thời kỳ ‘đổi mới tư duy kinh tế’. 

===

Chú thích:

(1) Giáo sư Hoàng Phê sinh tại làng Bảo An, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam nay là xã Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam. Cháu đời thứ 11 của Tổng đốc Hoàng Diệu. Thuở thiếu thời, ông học tại quê nhà rồi theo học ở Hội An, Huế, Sài Gòn. Sau cách mạng tháng 8/1945, ông tham gia kháng chiến chống Pháp ở Hà Nội, Việt Bắc. Năm 1954, ông làm cán bộ nghiên cứu ở Viện Ngôn ngữ học, và tạp chí Ngôn ngữ học, giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hoàng Phê (1919 - 2005) là một nhà từ điển học, chuyên gia về chính tả tiếng Việt. Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 1998. 

(2) Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh năm 1920 tại quê nội ở Thanh Oai, Hà Đông trong một gia đình thợ thủ công. Bút danh Tô Hoài gắn với hai địa danh: sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức. Đến với văn chương ông nhanh chóng được người đọc chú ý, nhất là với truyện Dế Mèn phiêu lưu ký. Năm 1943, Tô Hoài gia nhập Hội Văn hóa Cứu quốc. Trong kháng chiến chống Pháp, ông chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực báo chí, nhưng vẫn có một số thành tựu quan trọng như Truyện Tây Bắc. Tính đến nay, sau hơn sáu mươi năm lao động nghệ thuật, ông đã có hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác.

(3): Vương Trí Nhàn là một nhà nghiên cứu văn hóa, văn học đồng thời là nhà phê bình văn học. Các bài viết của ông xuất hiện trên báo Văn Nghệ từ tháng 3/1965, sau đó ông viết đều đều trên các báo Văn Nghệ, Văn Nghệ quân đội. Lúc đầu VTN chỉ tập trung về mảng văn học đương đại cho đến đầu thập niên 1980, ông có ý thức dần dần trở lại với văn học sử, nhất là giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20 và đã viết một số bài nghiên cứu về các nhà văn tiền chiến như Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng...

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 6 – Thời điêu linh)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 

Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!
 
***

12 Comments on Multiply

yeuhanoi wrote on Jun 25, '11, edited on Jun 25, '11
Chào bạn. Đã xem hết entry này. Chỉ xin ghi vào đây vài câu đồng cảm:
Tất cả các phiếu "bao cấp" có trong bài mình đã dùng qua. Thực tế còn có những loại tem, bìa khác nữa như: phiếu mua vải (quy định số mét được mua trong 1 năm có những ô ghi rõ loại vải như ka ki, phin, dự phòng..), bìa "nghiện thuốc lá", tem lương thực (từ loại 200gram, phiếu mua đặu (khi không có thịt), giấy giới thiệu của cơ quan khi được bình trong những đợt phân phối hàng, ví dụ cơ quan nọ được phân 5 chiếc xe đạp Thống nhất (hay Phương Hoàng, Vĩnh Cửu) hoặc 3 chiếc đồng hồ đeo tay Pôn-Jốt thì cán bộ công nhân viên cơ quan đó phải họp để bình xét ai sẽ được mua ). v.v... Trong thời "bao cấp" thì cuốn sổ gạo của gia đình là quan trọng bặc nhất. Nó là công cụ quản lý con người bằng cách quản cái dạ dày (đói, no, sống chết). Với uy lực của nó VNDCCH có thể huy động con người ở mức tối đa kể cả đem thanh niên ra chiến trường... Xin kể mẩu chuyện nhỏ:
Thằng em trai mình (1979) chiến đấu chống giặc TQ ở Lạng Sơn bị thương. Khi tỉnh lại ở bệnh viện trung đoàn thì câu đầu tiên của nó: "Ôi, mình mất hết số tem gạo rồi." Sau khi hồi phục sức khỏe, nó đã trở lại trận địa cũ tìm lục trong đường hào.... cốt để tìm lại số tem gạo mà nó nghi rằng vẫn còn ở chỗ nó đã tác chiến (nhưng không tìm thấy)

cuuphansinh wrote on Jun 25, '11
Nhìn lại mà phát sốt! Khủng khiếp thật! Cám ơn NGOC CHINH đã tổng hợp!
Xin kể một chuyện thật có liên quan, không biết nên khóc hay nên cười: Sau 75, mỗi năm người dân "chỉ được" mua 2m vải. Tối đó họp dân. Trước khi họp có chào cờ "Đoàn quân VN đi..." Ai cũng đứng nghiêm , một cụ già ngồi! Chào cờ xong, cán đến hỏi:
- "Sao chào cờ mà ngồi?"
- "Tôi không có quần !"
- " Sao đi họp không mặc quần ?"
- "Nhà nước bán 2 thước vải may áo hết rồi !"

uyenvan wrote on Jun 25, '11
Đó là cái thời sản sinh ra nhiều cách nói mà chỉ có người-đương-thời mới hiểu: nhăn nhó=> mất sổ gạo; thông báo: hôm nay có thịt giáo viên, mai có thịt bộ đội...

walkinclouds wrote on Jun 25, '11
nhớ lại mà còn kinh hoàng. dịp tết có mấy kí lòng heo mà cũng phải bắt thăm, ai trúng được mua ăn tết, có năm gặp phải lòng đã bị thiu, bó tay.... haizzzz, lạy trời, đất nước này đừng quay lại cái thời đó.

bayhoang79 wrote on Jun 26, '11
Cám ơn anh Chính đã nhắc lại một cách suất sắc thời kỳ Bao Cấp mà chúng tôi đã coi như một giấc mơ hãi hùng trong cuộc đời!

thahuong82 wrote on Jun 26, '11
Nghe kể lại cũng rợn người, cũng 'may" khoảng thơỉ gian đó tôi được ‘sự khoan hồng nhân đạo’ của đảng và nhà nước cho đi học tập chỉ phải tự túc 10 ngày thôi, còn năm mười năm sau thậm chí mấy chục năm đều do nhà nước lo từ A-Z chẳng bận tâm cái ăn cái mặc chỉ có lao động là vinh quang thôi. Làm ngày kô đủ tranh thủ làm đêm, làm thêm giờ nghỉ, làm kô nổi thì… hui nhị tì!

penseedl wrote on Jun 27, '11
Tưởng đã quên hết những cảnh nhục và hèn của thời bao cấp, không ngờ tác giả còn nhớ tỉ mỉ quá, bái phục!.

huynhhai wrote on Jun 30, '11, edited on Jul 10, '11
Bài nầy được viết công phu do tác giả chịu khó sưu tầm, tra cứu. Thật ra còn rất nhiều điều để nói về thời bao cấp, thời mà lần đầu tiên (và cầu mong là lần cuối cùng) người nông dân miền Nam mất ruộng (vì bị buộc phải vào tập đoàn hoặc hợp tác xã) và đói ngay trên đồng ruộng mênh mông. Giới trẻ bây giờ có thể chỉ hình dung thời đó qua lời kể của cha mẹ họ, nhưng di chứng của thời bao cấp vẫn hiện diện trong họ đấy thôi. Những ai có độ tuổi dậy thì hoặc sinh ra và lớn lên trong giai đoạn 1976-1991 thường nhỏ con, thiếu thước tấc vì thiếu ăn lúc đang sức lớn. Thời bao cấp cũng là thời của những bế tắc trong cuộc sống, vì thế cuộc đấu tranh sinh tồn giữa người và người trở nên quyết liệt. Một số chuẩn mực đạo đức cũ bị mất đi. Nhiều người vượt biên để mưu tìm cuộc sống mới. Nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn khó, cùng quẫn. Nhiều người nếu không bị bệnh lao thì cũng bị tâm thần nặng hoặc nhẹ (nhớ thời đó các phòng khám tâm thần trong các bệnh viện thường rất đông) v.v... Thời bao cấp và những di chứng của nó đến cuộc sống tinh thần và vật chất của toàn dân Việt rất cần được nghiên cứu tường tận, khách quan, khoa học để nhận rõ hệ quả của một chính sách kinh tế ngu xuẩn và rút kinh nghiệm cho mai sau.
(Có một chi tiết nhỏ ở 2 câu đầu mà tôi nghĩ không phải là ca dao, chỉ là nhái của 2 câu dưới trong 4 câu gần cuối trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:
"Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao."

Mặc dù có những câu lúc đầu là thơ, sau biến thành ca dao do người ta truyền miệng cho nhau mà quên mất tên tác giả (như vài câu thơ của Bàng Bá Lân chẳng hạn), nhưng 2 câu ở đầu bài nầy chưa đến mức để gọi là ca dao.
Thời bao cấp cũng là thời của nhiều câu ca dao, như:
"Mất mùa là bởi thiên tai.
Được mùa là bởi thiên tài Đảng ta".
Hoặc:
"Nam Kỳ Khởi Nghĩa phi Công Lý.
Đồng Khởi đây rồi mất Tự Do".
(nói về đổi tên đường ở Sài Gòn sau 30/4/1975) v.v.... và v.v...
Thời bao cấp có lẽ cũng là thời mà lần đầu tiên trong lịch sử nước ta nhà cầm quyền đề ra phong trào sáng tác ca dao "ca ngợi lãnh tụ, ca ngợi cuộc sống XHCN tươi đẹp". Giờ có vị nào còn nhớ những câu gọi là "ca dao" bị sáng tác ấy không???).

nguyenngocchinh wrote on Jun 30, '11, edited on Jun 30, '11
huynhhai said “(Có một chi tiết nhỏ ở 2 câu đầu mà tôi nghĩ không phải là ca dao, chỉ là nhái của 2 câu dưới trong 4 câu gần cuối trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:
"Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao."
Xin cám ơn bạn huynhhai về phần comment khá dài nhưng rất xúc tích. Riêng về 2 câu 'ca dao' dẫn ở đầu bài viết tôi đã chỉnh lại là ca dao thuộc loại 'lẩy Kiều' cho chính xác hơn. Đa tạ.

yeuhanoi wrote on Jul 8, '11, edited on Jul 8, '11
@huynhhai:
Mình nghe đọc là:
"Nam Kỳ Khởi Nghĩa đâu Công Lý.
Đồng Khởi Vùng Lên mất Tự Do".

"đâu" - hỏi?
"mất" - đáp.
"Khởi nghĩa" = "Vùng lên" (đối lại)
Rõ ràng đây là hai vế đối rất chỉnh theo luật thơ Đường.

huynhhai wrote on Jul 8, '11, edited on Jul 8, '11
@yeuhanoi
Hai câu:
"Nam Kỳ Khởi Nghĩa phi Công Lý.
Đồng Khởi đây rồi mất Tự Do".
tôi đã nghe chỉ ít tháng sau khi đường phố Sài Gòn đổi tên. Nghe nhiều lần, chợt nhớ nhiều lần mỗi khi đi trên 2 con đường ấy và rồi nhớ đến nay. Tôi biết 2 câu đó có nhiều dị bản và không rõ bản nào xuất hiện trước. Mỗi bản có nét riêng nhưng vẫn giữ được ý nghĩa (đen và bóng) ban đầu (hai câu bạn đưa ra cũng vậy). Tuy nhiên, tôi vẫn thích 2 câu đã nêu ở trên vì:
Thứ nhất: Chữ "phi" ở câu đầu thật dứt khoát, phủ định mạnh mẽ.
Thứ hai: Hai câu nói lên tâm trạng của một người khá lâu không vào khu trung tâm Sài Gòn nay ngỡ ngàng khi thấy tên đường đã đổi thay (chữ "đây rồi" nói lên sự ngỡ ngàng ấy).
Thứ ba: Kết nối tài tình giữa đổi tên đường với phủ định công lý, tự do.
Và thứ tư: Nó gắn với những kỷ niệm trong "thời ốm đói" của tôi.
Hai câu:
"Nam Kỳ Khởi Nghĩa đâu Công Lý.
Đồng Khởi Vùng Lên mất Tự Do".
cũng hay về ý nghĩa. Nếu xét riêng về đối theo luật thơ Đường, tôi thấy:
- "Nam kỳ" và "Đồng khởi" đối không chỉnh vì một bên là địa danh, một bên chỉ một phong trào.
- "Khởi nghĩa" và "vùng lên" cũng như "Công lý" và "Tự do": đối tốt.
- "đâu" và "mất": Khác từ loại nên đối không chỉnh.
Nhưng vấn đề không phải ở những hình thức như vừa nói. Càng có nhiều dị bản chứng tỏ nó càng được nhiều người thích hoặc quan tâm. Cốt lõi của vấn đề chính là tính phản kháng mạnh mẽ của 2 câu mà nay đã thành ca dao do sức lan tỏa sâu rộng cả trong và ngoài VN của nó.
(Xin nói thêm: Thời bao cấp xuất hiện khá nhiều câu nói về chế độ mới XHCN mà người ta thì thầm truyền miệng cho nhau, không ai dám viết ra giấy vì nếu bị phát giác sẽ bị gán cho nhiều tội như bôi bác chế độ, xuyên tạc, thậm chí phản động. Những tội danh ấy ai đã từng ở VN sau 30/4/1975 đều nghe nói đến, nhất là vào thời bao cấp, thời hoàng kim của CNXH ở VN và cũng là thời đen tối của đại đa số dân Việt).

nguyenngocchinh wrote on Sep 14, '11





--> Read more..

Popular posts